Powered By Blogger

Thứ Ba, 27 tháng 11, 2018

Chính trị học họ tộc Trung Quốc cổ (III)**


Nguồn gốc họ Trần (1)

Họ Trần trong Bách gia tính đứng vào hàng thứ 5, là họ rất lớn vậy. Trong cây gia phả thường tập hợp những người đã nhậm cao quan hiển hoạn, phong thê ấm tử, vinh tông diệu tổ, thường là những người danh tiếng, nổi bật. Trước đây, họ Trần coi cày ruộng đọc sách là chính nghiệp, đối với các nghề khác thì có thái độ xem thường, như đối với những người làm kinh doanh, ngay cả khi họ có rất nhiều tiền, thì cũng chỉ được ghi họ tên trong tộc phả mà thôi. Vậy thì chúng ta hiểu biết về họ Trần đến mức nào?

Nguồn gốc và biến cải của họ Trần

Trần là họ phổ biến thứ năm ở Trung Quốc và có ảnh hưởng nhất ở Quảng Đông, Phúc Kiến và Đài Loan. Hiện tại, dân số họ Trần chiếm 4,63% tổng dân số của đất nước, với khoảng 58.000.000 người. Trần, nguyên nghĩa là Trần Liệt (陳列), dành riêng làm tên của đất nước, cụ thể là Uyển Khâu, nay là huyện Hoài Dương, Hà Nam, vì sơ kỳ Tây Chu phong cho Thuấn, sau Chu Vũ vương phong cho Quy Mãn (滿) [1]. Chữ Trần () là kết hợp của chữ phụ () và chữ đông () mà thành. Đông () là nhật (mặt trời) ở trong mộc ( cây), thần mộc quan sát thái dương hoạt động thì gọi là phù mộc (扶木 mộc nâng đỡ, giúp dập) hoặc phù tang (扶桑) [2] vì vùng đất Thổ Sơn, nơi có Phù Mộc được gọi là Trần, là nơi mà chư hầu của các bậc đế vương cổ đại quan sát thiên văn. Uyển Khâu là vùng đất mà Thái Hạo Phục Hy thị [3] xây dựng kinh đô, là trung tâm của vị thủy tổ quan sát thiên văn. Do đó, gia tộc của các thần chức chuyên quan sát thiên văn được phong đất Uyển Khâu trở thành gia tộc Trần, sau đó hình thành tộc huy của thị tộc cùng quốc danh, và cuối cùng đã sản sinh ra họ Trần.

Tương truyền Hoàng đế [4] cùng người nữ Tây Lăng thị [5] sinh ra ba người con là Xương Ý, Huyền Hiêu, và Long Miêu. Cháu của Xương Ý là Cao Dương thị Chuyên Húc, kế tiếp địa vị của Hoàng đế [5]; cháu của Huyền Hiêu là Cao Tân thị Đế Khốc, kế tiếp Chuyên Húc làm Đế; Long Miêu về sau di về phương Nam, trở thành thủy tổ của nam man. Đế Khốc cưới người nữ Trần Phong thị [6], sinh ra Phóng Huân. Phóng Huân kế vị sau đó có tên là Nghiêu. Bộ lạc của Thuấn sống trấn Bồ Châu, Vĩnh Tế, tỉnh Sơn Tây, bên cạnh sông Quy Thủy, lấy tên sông làm họ, gọi là họ Quy (). Năm 2070 TCN, Vũ kế Thuấn kiến lập nhà Hạ (夏朝). Vua Hạ phong cho con của Thuấn là Thương Quân [7] ở đất Ngu (), thành cổ tại tây nam Ngu Thành của Hà Nam ngày nay, sử gọi là Hữu Ngu thị, sau gọi Ngu quốc. Hiện tại phía tây Ngu Thành có thôn Thương Quân Mộ, đó chính khu mộ địa của Thương Quân vậy. Vì sống ở bên sông Quy Thủy nên Ngu Hương của hậu duệ của Đế Thuấn là Ngu Toại [8], được Vua nhà Hạ phong cho ở đất Toại, nằm ở phía tây bắc của Ninh Dương, tỉnh Sơn Đông ngày nay. Đến thời nhà Thương, vua Thương đổi phong cho hậu duệ của Ngu Toại ở đất Trần, hiện giờ cổ thành nằm ở đông nam Hoài Dương tỉnh Hà Nam. Đất Trần chính là quê hương thị tộc Trần Phong thị của mẫu thân Đế Nghiêu, cái đỉnh núi gọi là Trần chính là nước Trần của họ Quy được sinh ra trong thời nhà Thương.
      
Năm 1046 TCN, Chu diệt Thương, Chu Vũ vương phong cho hậu duệ trực hệ của Thương Quân là Quy Mãn tại Trần, đ
ể thay thế hậu duệ Ngu Toại của nước Trần là máu mủ của nhà Thương. Vào thời Tây Chu, nước Trần là một trong 20 chư hầu, thế nước và địa vị chỉ đứng sau “ngũ bá”, từ thời Đông Chu về sau thế nước cực kỳ suy yếu, thế rồi vào mạt kỳ Xuân Thu, năm 479 TCN, Sở Huệ vương đã tiêu diệt nước Trần. cuối cùng con cháu nước Trần lấy tên nước làm họ, Hoài Dương tỉnh Hà Nam chính là đất khởi nguồn của họ Trần, cho đến nay, Hoài Dương vẫn có biệt danh là “Nhà Trần xưa” (老陳 Lão Trần hộ). Họ Trần có được họ là từ nước Trần của nhà Thương, tối thiểu có 3500 năm lịch sử. Năm 672 TCN, con trai Trần Lệ công [9] là Trần Hoàn [10], chạy sang nước Tề, đổi họ Trần thành họ Điền. Từ Tề Cảnh công về sau, hậu duệ Trần Hoàn nhiều đời làm trọng thần của Tề. Năm 410 TCN, hậu duệ là Điệu Tử [11] kiến lập Điền Tề [12], năm 378 TCN nước Tề của họ Khương diệt vong. Năm 221 TCN, quân Tần Thủy Hoàng diệt nước Tề của họ Điền, thống nhất Trung Quốc. Em thứ ba của Tề vương Điền Kiến [13] là Điền Chẩn, trước khi Tề bị diệt vong đã chạy sang nước Sở, làm Tướng Lệnh doãn, phong Dĩnh Xuyên hầu, đất phong tại phía bắc thành phố Trường Cát, Hà Nam ngày nay, và khôi phục lại họ Trần; ông là thủy tổ của họ Trần ở Dĩnh Xuyên. Dòng Trần này đã trở thành chi phái quan trọng nhất và lớn nhất của họ Trần hiện đại. Danh thần Trần Thần thời Đông Hán là hậu duệ của chi Dĩnh Xuyên vốn sống tại thôn Trần Cố, hương Cổ Kiều, phía đông Trường Cát, Hà Nam ngày nay, và 2000 năm nay tên thôn vẫn không thay đổi.

Sự tích hợp của các gen ngoại tộc: Chi thứ hai là sự đổi họ của ngoại tộc. Thành phần quan trọng nhất gia nhập gia đình họ Trần như sau: Tây Hán sơ kỳ có Hung Nô (匈奴), thời Nam Bắc triều tộc Tiên Ti (鮮卑) đổi thành các họ Hán, thời Minh sơ có các tộc Mông Cổ gia nhập, trực tiếp đến thời Thanh là Bát kỳ [14] Mãn Châu Hán hóa, ngay lập tức có một số lượng lớn người ngoại tộc đổi họ thành họ Trần. Họ Trần ở khu vực Hoa Bắc gồm có gen của tộc người Hung Nô, tộc người Tiên Ti, khu vực đông bắc, họ Trần chủ yếu hòa trộn với dòng máu Mãn tộc và Mông Cổ.  

Sự phân bố các cội nguồn của họ Trần: thời Tiên Tần, họ Trần chủ yếu hoạt động ở khu vực Hà Nam, An Huy, Hồ Bắc. Thời Tần Hán họ Trần để lại dấu vết ở Hồ Nam, Giang Tô, Sơn Tây, Sơn Đông. Tây Tấn mạt niên đồng bằng Trung Nguyên hỗn loạn, cư dân di chuyển về phía nam, An Huy, Giang Tô, Chiết Giang, Giang Tây là khu vực đi và đến chủ yếu của họ Trần. Đồng thời, khu vực đồng bằng Trung Nguyên, các họ lớn Lâm, Hoàng, Trần và Trịnh, dẫn đầu tiến vào Phúc Kiến, đến thời Nam Triều, họ Trần đã trở thành một trong bốn họ lớn của Phúc Kiến, chủ yếu là chi phái Dĩnh Xuyên của hậu duệ Trần Thần (陳宸). Hậu duệ 10 đời của Trần Thần là Trần Bá Tiên, đến Nam Kinh kiến lập nhà Trần, sử gọi là Trần Vũ đế, nước Trần thời Nam Triều đã phong vương cho rất nhiều người họ Trần, và con cháu của ông rải rác vùng sông Dương Tử và sông Châu Giang, vì sự phát triển của họ Trần vùng đông nam của khu vực đóng một vai trò cực kỳ quan trọng. Vào đầu triều đại nhà Đường, lấy người Cố Thủy Hà Nam làm chủ lực, cha con Trần Chính, Trần Nguyên Quang mang theo 58 họ băng qua Giang Tây vào Phúc Kiến, tổ tông bốn đời liên tục nhậm trưởng quan hành chính vùng Chương Châu, người đời sau Trần Nguyên Quang [15] là “Khai chương Thánh vương”, hậu duệ của ông trở thành các hệ phái chính của họ Trần, tại Mân (Phúc Kiến), Việt (Quảng Đông), Đài Loan các đảo Nam Dương (Indonesia). Vào cuối thời nhà Đường, người Cố Thủy là Vương Thẩm Tri [16] tại Phúc Kiến đã lập nên nước Mân, một số lượng lớn người họ Trần Trung Nguyên một lần nữa lại trở thành họ có người di dân đông nhất vào Phúc Kiến. Kể từ đó, họ Trần đã trở thành họ lớn nhất khu vực đông nam Trung Quốc.

Trong thời nhà Tống, họ Trần có khoảng 3 triệu, chiếm khoảng 3.9% dân số cả nước, là họ lớn thứ 6 thời Tống. Tỉnh có nhiều người họ Trần nhất là Phúc Kiến, chiếm 20,8% tổng dân số của tỉnh. Sự phân bố của họ Trần trong nước chủ yếu tập trung ở bốn tỉnh Phúc Kiến, Giang Tây, Chiết Giang và Tứ Xuyên, chiếm khoảng 57% tổng số người của họ Trần. Mật độ tập trung người họ Trần thứ hai ở các tỉnh Hà Nam, Quảng Đông, Giang Tô và Hồ Nam, với khoảng 26%. Cả nước đã hình thành bốn khối lớn họ Trần lớn tập trung vào các vùng Mân Việt (Phúc Kiến – Quảng Đông), Cám Tương (Giang Tây – Hồ Nam), Tô Chiết (Giang Tô – Chiết Giang), Tứ Xuyên và Hà Nam.

Trong thời nhà Minh, họ Trần khoảng 4,2 triệu người, chiếm 4,5% dân số cả nước, là họ lớn thứ tư thời đó. Trong 600 năm dân số thời Tống, Nguyên, Minh, tốc độ tăng trưởng ròng là 20%, trong khi đó tăng trưởng dân số của họ Trần cao hơn nhiều so với dân số cả nước, tốc độ tăng trưởng thuần là 40%. Trong nước cả nước phân bố chủ yếu tập trung ở bốn tỉnh Chiết Giang, Giang Tô, Giang Tây và Phúc Kiến, và chiếm 55,4% tổng dân số của họ Trần, tiếp đến là các tỉnh Quảng Đông, An Huy, Sơn Đông và Hồ Nam, họ Trần tập trung 24,6%. Chiết Giang là tỉnh nhiều nhất, chiếm khoảng 20% tổng dân số họ Trần. Cả nước hình thành hai khối lớn người họ Trần là Chiết Tô Hoàn Lỗ (Chiết Giang, Giang Tô, An Huy, Sơn Đông), và Cám Mân Việt Tương (Giang Tây, Phúc Kiến – Quảng Đông, Hồ Nam). Họ Trần tập hợp lại thành trung tâm của lực hấp dẫn để bắt đầu chia tách theo hướng đông và hướng nam. Sau nội loạn của nước Trần, họ Trần đã vài lần ngoại thiên, chia tách thành Trần Lưu (陳留), Dương Vũ Hộ Độc Hương (陽武) Cố Thủy (固始). Thời nhà Đường sơ kỳ và trung kỳ, họ Trần ở Trung Nguyên có hai lần thiên di về phía nam đến Phúc Kiến.

Đường Cao tông Tổng Chương năm thứ 2 (668), triều đình phái Trần Chính đem binh trấn áp “Man Lão khiếu loạn” ở nam Phúc Kiến. Sau cái chết của Trần Chính, con trai ông là Trần Nguyên Quang đã thay mặt cha cầm quân, bình định được tình hình, ông đã thành lập quận Chương Châu. Vì thế sau này ông được gọi là “Khai chương Thánh vương”, hậu duệ của ông tôn xưng “Khai chương Thánh vương phái”. Trần Ung, là con của Trần Trung, hậu duệ của Dĩnh Xuyên Trần Thực bị Tể tướng Lý Lâm Phủ gạt ra ngoài, bèn chuyển đến Đồng An, tỉnh Phúc Kiến, và sau đó con trai và cháu trai phát triển mạnh mẽ thành một chi “Thái phó phái” của họ Trần ở Phúc Kiến. Họ Trần vào Quảng Đông ( Việt) bắt đầu vào thời Nam Tống, đến Đài Loan bắt đầu vào cuối thời nhà Minh, lúc đó người Đồng An Phúc Kiến là Trần Vĩnh Hoa đến Đài Loan cùng Trịnh Thành Công, và trở thành vị thủy tổ của họ Trần ở Đài Loan. Lịch sử thiên di của họ Trần đến Việt Nam tương đối xa xưa. Chồng của nữ hoàng Lý Chiêu Hoàng triều Lý là Trần Cảnh là người sáng lập triều Trần vào năm 1228, truyền được 8 đời với 13 vị vua, kéo dài 175 năm. Họ Trần đến Nhật Bản bắt đầu từ đầu nhà Minh, hầu hết là các thủy thủ do Minh Thái tổ Chu Nguyên Chương phái đi, kể từ đó, một số đã định cư tại quần đảo Lưu Cầu (Ryukyu). Từ thời nhà Minh và nhà Thanh, họ Trần vùng duyên hải như Phúc Kiến và Quảng Đông, có rất nhiều người làm nghề đi biển để kiếm sống. Chẳng hạn, hơn 100 người thuộc gia tộc Trần Thần Lưu (陳臣留) đã chuyển đến Malaysia và Singapore. Còn nhiều người họ Trần chuyển đến sinh sống tại Philippines, Thái Lan, Indonesia, Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Úc và các nước khác.
 
Những cuộc thiên di từ thời tiên Tần đến Tấn: sau khi nước Trần diệt vong, con của Trần Mẫn công là Kiếm phải tìm đường tị nạn tránh họa mất nước, đổi là Trần Diễn, chạy đến Dương Vũ Hộ Dũ (nay là đông bắc huyện Lan Khảo, Hà Nam) lấy Đàm thị làm vợ, sinh được hai người con, là Trần Liễn, và Trần Kê, đều làm quan ở nước Tề, hậu duệ có danh tướng Trần Bình thời Tây Hán; con thứ hai của Trần Mẫn công là Toàn Ôn chạy đến nước Tấn (nay là Sơn Tây), hậu duệ là Trần Mạnh Liễn, nhậm hầu tướng (huyện lệnh) Cố Thủy (nay thuộc Hà Nam), vì phải chuyển gia đình đến Cố Thủy nên cháu đời thứ 6 là Trần Dẫn Kỳ làm biệt giá (phụ tá Thứ sử) Tín Đô, là người ngay thẳng, không có con cái, vì vậy, lấy Trần Yến người Dĩnh Xuyên thời Đông Hán làm thừa tự, cháu của Trần Yến là Trần Lão Cao cử người con thứ 5 là Trần Đạt Tín thời Lưu Tống, Nam Triều đến huyện Cố Thủy ở Thọ Châu để kế tục cơ nghiệp họ Trần ở Cố Thủy. Trong quá trình di cư sớm của họ Trần, có một chi khác chuyển đến Dương Thành (nay là đông nam Đăng Phong, tỉnh Hà Nam) tìm nơi nương tựa, đến cuối đời Tần, xuất hiện lãnh tụ nông dân khởi nghĩa đầu tiên là Trần Thắng (陳勝) [17].

Trong năm đầu tiên thời Tần Nhị thế (209 TCN), Trần Thắngđồn trưởng, được lệnh đưa những người bị trưng phát đi làm lính thú tại Ngư Dương (phía tây nam huyện Mật Vân, Bắc Kinh), do bị mưa lớn nên đường khó đi nên không thể đến đúng hạn được, chiểu theo quân lệnh, những kẻ trễ hẹn phải bị chặt đầu. Trong  tình thế đó, Trần Thắng Ngô Quảng bị buộc phải mạo hiểm và gấp gáp phát động 900 lính thú khởi nghĩa, thiên hạ nhanh chóng hưởng ứng, chẳng mấy chốc thanh thế phát triển như vũ bão. Khi vào đến huyện Trần, tỉnh Hà Nam, ông được thuộc cấp tôn làm vua, quốc hiệu Trương Sở, ý là khoách trương nước Đại Sở. Ông đã đưa quân đến tấn công thành Khắc Trì và chiếm giữ được nhiều nơi. Sau đó quân Tần phản công và vây hãm Trần Huyện là quốc đô Trương Sở, Trần Thắng buộc phải rút lui. Khi đến Hạ Thành Phụ (nay là phía đông nam huyện Qua Dương, tỉnh An Huy), ông đã người đánh xe là Trang Cổ giết chết. Hài cốt của ông được chôn ở phía bắc núi Mang Đãng, tây Nam Lộc, nay là thành phố Vĩnh Đô, tỉnh Hà Nam. Sau khi Lưu Bang sáng lập nhà Hán, ông đã giao cho 30 hộ gia đình trông coi mộ của Trần Thắng, hàng năm đều cúng tế. MTrần Thắng đã được nhiều đời tu bổ, và cho đến nay vẫn sừng sững đứng cao, um tùm tùng bách. Ở phía trước ngôi mộ, có bia mộ với bút tích của Quách Mạt Nhược “Ngôi mộ của Trần Thắng, lãnh tụ nông dân khởi nghĩa vào cuối triều Tần” (秦末農民起義領袖陳勝之墓 Tần mạt nông dân khởi nghĩa lĩnh tụ trần thắng chi mộ).
__________________________________

Nguồn: 唐世杰 (2014),陳姓起源,陳氏的來源, 来源:起名网作者:唐世杰, Đường Thế Kiệt (2014), trần tính khởi nguyên, trần thị đích lai nguyên, lai nguyên; khởi danh võng tác giả: Đường Thế Kiệt, https://www.yw11.com/baijiaxing/2014/0920/8481.html,

Người dịch: Hà Hữu Nga

Chú thích của người dịch:

[1] Quy Mãn (滿 1067 – 986 TCN) Trần Hồ công (陳胡公, trị vì: 1045 TCN- 986 TCN), là vị vua đầu tiên của nước Trần – chư hầu nhà Chu trong lịch sử Trung Quốc. Quy Mãn sinh ngày 15 tháng 10 thời Trụ Vương nhà Ân. Ông là dòng dõi vua Ngu Thuấn. Vua Thuấn lấy hai người con gái vua Nghiêu, hai bà vợ về ở đất Quy. Dòng dõi vua Thuấn lấy Quy () làm họ. Sau đó vua Thuấn truyền ngôi cho vua Hạ Vũ, con vua Thuấn là Thương Quân (商均) lấy đất Quy làm phong ấp. Khi Chu Vũ Vương diệt Trụ lật đổ nhà Ân dựng lên nhà Chu, bèn tìm dòng dõi vua Thuấn để phong đất thì tìm được Quy Mãn. Chu Vũ Vương phong Quy Mãn ở đất Trần, làm chư hầu nhà Chu và thờ tự vua Thuấn, tức là Trần Hồ công. Sử sách không ghi chép sự kiện xảy ra liên quan tới nước Trần trong thời gian ông làm vua. Ngày 15 tháng 1 năm 986 TCN, Trần Hồ công qua đời. Ông ở ngôi được 60 năm. Con ông là Quy Tê Hầu lên nối ngôi, tức là Trần Thân công. Theo Sử ký Tư Mã Thiên, Hồ Công Mãn là thủy tổ họ Trần chứ không phải họ Hồ. Hồ công Mãn chỉ là một cách gọi tắt, cách gọi đầy đủ là Trần Hồ công Quy Mãn. Công là tước hiệu, Hồ là thụy hiệu chứ không phải họ. Các vua nước Trần từ thời Tây Chu trở đi đều là dòng dõi Trần Hồ công chứ không phải mang họ Hồ. (Trần Xuân Sinh (2006), Thuyết Trần, Nhà xuất bản Hải Phòng).

[2] Phù tang (扶桑) Thần thoại Trung Quốc kể ở ngoài Đông Hải có cây thần tên gọi là phù tang, là nơi mặt trời mọc. Ban đầu có mười con quạ mặt trời, kéo đi mười mặt trời riêng biệt. Chúng đậu trên một cành cây dâu tằm đỏ phù tang, ở phía Đông dưới chân thung lũng Mặt Trời. Mỗi ngày, một con quạ mặt trời đi du ngoạn khắp thế giới cùng một cỗ do Hi Hòa, mẹ của các mặt trời cưỡi. Ngay sau khi một con quạ mặt trời trở lại, một con khác sẽ bắt đầu hành trình ngang qua bầu trời. Theo Sơn Hải kinh, quạ mặt trời thích ăn hai loại cỏ bất tử, một gọi là Địa nhật (地日), và loại kia là Xuân sinh (春生). Quạ mặt trời thường được giáng trần từ thiên đàng xuống hạ giới và ăn các loại cỏ này, nhưng Hi Hoà không thích thế, vì vậy bà che mắt chúng lại. Dân gian cũng cho rằng, vào khoảng năm 2170 TCN, cả mười con quạ mặt trời xuất hiện trong cùng mỗi ngày, khiến thế giới chìm trong hạn hán thiêu đốt; thần bắn cung Hậu Nghệ đã cứu chúng sinh bằng cách bắn hạ tất cả các con quạ, chỉ trừ lại một con.

[3] Phục Hy (伏羲), còn gọi là Phục Hi thị (伏羲氏), Mật Hy (宓羲), Bào Hy[1] (庖羲), Bao Hy (包羲), Hy Hoàng (羲皇), Hoàng Hy (皇羲) hoặc Thái Hạo (太昊), là một vị thần trong các thần tích Trung Hoa, thuộc Tam Hoàng Ngũ Đế. Ngoài Phục Hy, danh sách Tam Hoàng thường còn có Thần Nông và Nữ Oa, Phục Hy là anh trai của Nữ Oa. Người Trung Hoa cho rằng Phục Hy là người sáng lập của văn minh Trung Hoa, phát minh ra chữ viết, nghề đánh bắt cá, và bẫy thú. Ông được mô tả là thân rồng đầu người, hoặc thân rắn đầu người, nhân thế được người đời sau xưng là Long tổ (龍祖), sinh ra tại Thành Kỷ (成紀, nay có lẽ là Thiên Thủy, Cam Túc) sau dời tới Trần Thương (陳倉). Đóng đô tại đất Trần Uyển Khâu (nay là Hoài Dương, Hà Nam). Phục Hy dạy dân cày bừa, nuôi gia súc, dùng lưới đánh cá, nấu ăn và săn bắn bằng vũ khí làm từ sắt. Ông cùng Nữ Oa là hình tượng thể chế hóa hôn nhân và thực hiện buổi tế trời đầu tiên. Theo huyền sử thì Phục Hy ở ngôi vị khoảng 115 năm, truyền được 15 đời tổng cộng 1260 năm.

[4] Hoàng Đế (黃帝), còn gọi là Hiên Viên Hoàng Đế (軒轅黃帝), là một vị quân chủ huyền thoại và là anh hùng văn hoá của Văn minh Trung Hoa, được coi là thuỷ tổ của mọi người Hán. Chữ Hoàng () ở đây hàm nghĩa sắc vàng, là màu biểu trưng cho hành Thổ, ở đây “Hoàng Đế” là "Vua Vàng", khác với Hoàng () trong Hoàng đế, là danh xưng của các quân chủ kể từ thời nhà Tần. Hoàng Đế được coi là một trong Ngũ Đế, đứng đầu danh sách chính thống này. Theo huyền sử Trung Quốc, ông trị vì trong khoảng 2698 TCN đến 2599 TCN và là người sáng lập ra nền văn minh Trung Quốc. Theo truyền thuyết, việc ông rút về phía tây tại trận Trác Lộc (涿鹿) đánh thủ lĩnh Xi Vưu là cái mốc hình thành người Hán.

[5] Tây Lăng thị (西陵氏) là tên 1 quốc gia bộ lạc từng tồn vào thời kỳ Tam Hoàng Ngũ Đế trong lịch sử Trung Quốc, nước này chỉ được nhắc đến duy nhất một lần trong hơn 5000 năm vào giai đoạn chuyển giao giữa triều đại Thần Nông và triều đại Hiên Viên. Bấy giờ nước Tây Lăng có người con gái tên là Luy Tổ xinh đẹp, hiền thục. Thủ lĩnh nước Hữu Hùng là Công Tôn Hiên Viên nhận về làm dâu nước Hữu Hùng. Sau này Hiên Viên đánh bại Xi Vưu được đế Du Võng thiện nhượng mà làm thiên tử thì Luy Tổ chính thức được sắc phong Hoàng hậu, bà sinh cho Hiên Viên Hoàng Đế được 2 người con trai là Huyền Hiêu và Xương Ý. Ngoài ra bà còn đặt ra các thể chế về tam cung lục viện, cách trồng dâu nuôi tằm quay tơ dệt vải. Ngày nay thuộc địa phận quận Tây Lăng, Nghi Xương tỉnh Hồ Bắc.

[6] Trần Phong thị (陳鋒氏) là tên một quốc gia bộ lạc từng tồn tại vào thời kỳ Tam Hoàng Ngũ Đế trong lịch sử Trung Quốc, các thư tịch cổ chỉ nhắc đến quốc gia một lần duy nhất vào đời đế Khốc họ Cao Tân. Bấy giờ đế Khốc Cơ Tuấn lên ngôi thiên tử cũng đã được một thời gian, lúc ấy ông đang có 3 vợ mỗi vợ sinh được 1 người con trai. Vợ cả họ Hữu Thai sinh ra Hậu Tắc là thủy tổ nhà Chu, vợ hai họ Hữu Nhưng sinh ra Tử Tiết là thủy tổ nhà Thương, vợ 3 họ Tu Ty sinh ra đế Chí sau này kế nhiệm ông làm thủ lĩnh liên minh bộ lạc. Lần ấy đế Khốc đi tuần du thiên hạ có ghé qua nước Trần Phong xem xét dân tình, gặp người con gái là Khánh Đô yêu mến mà nạp làm vợ thứ tư. Khánh Đô hoài thai 14 tháng mới sinh ra một người con trai ở đất Đan Lăng, đế Khốc hay tin xa giá đến tận nơi thăm con và ban cho họ Y Kỳ tên chữ là Phóng Huân. Phóng Huân từ nhỏ đã được mẹ dạy dỗ, gần gũi dân chúng nên thấu hiểu được cảnh cơ cực của người dân. Sau này lớn lên Phóng Huân giúp vua cha lập nhiều công to được thụ phong ở đất Đào, đến khi đế Chí đăng cơ thì cải phong ở đất Đường nên có tên Đào Đường thị. Từ đó về sau không thấy sử sách nói về nước Trần Phong nữa.

[7] Thương Quân (商均) là một nhân vật truyền thuyết, là con trưởng của Đế Thuấn Diêu Trọng Hoa. Sau khi đế Thuấn được Đế Nghiêu nhường ngôi, quyền hành cai trị nước Hữu Ngu đều do Thương Quân tiếp quản. Cho đến khi vua Thuấn truyền ngôi cho Hạ Vũ, Thương Quân phản đối, đem binh đánh sang nước Hạ (nay thuộc huyện Vũ tỉnh Hà Nam). Hạ Vũ dời đô sang Dương Thành (nay thuộc huyện Đăng Phong tỉnh Hà Nam) để tránh, nhưng Thuấn đã trực tiếp dẫn quân đến nước Hạ để trừng phạt Thương Quân. Thương Quân bị cha bắt lại giáo huấn, từ đó bỏ ý định chống Hạ Vũ yên trí với địa vị quân chủ một nước chư hầu. Sau khi Thương Quân chết con cháu nối đời truyền quốc đến hơn 1000 năm, đến đời Ngu Yên thì bị Trụ Vương nhà Ân diệt.

[8] Ngu Toại (虞遂) họ Quy, là hậu duệ của Đại Thuấn, là tổ tiên của Trần quốc và Điền Tề, từng được nhà Thương phong cho đất Trần. Năm 539 TCN, Yến Anh đến nước Tấn, cùng thúc phụ là Hướng giao đàm, Yến Anh nhận ra Trần Ly tử rất được lòng chúng, nước Tề sẽ thuộc về họ Trần, và Ki Bá, Trực Bính, Ngu Toại, Bá Hí, bốn vị tổ tiên của nước Trần cùng Hồ Công Mãn, Thái cơ đều là linh hồn của nước Tề.

[9] Trần Lệ công (陳厲公 trị vì 706 TCN - 700 TCN) là một vị vua của nước Trần – chư hầu nhà Chu trong lịch sử Trung Quốc. Theo Sử ký, Trần Lệ công tên thật là Quy Đà (媯佗), là con thứ của Trần Văn công – vua thứ 11 nước Trần và là em của Trần Hoàn công – vua thứ 12 nước Trần. Ông sinh năm 754 TCN khi vua cha Trần Văn công mới lên ngôi. Mẹ ông là người nước Sái. Năm 707 TCN, vua anh Hoàn công mất, Quy Đà lên ngôi, tức là Trần Lệ công. Năm 705 TCN, Trần Lệ công sinh ra công tử Hoàn – người sau này di cư sang nước Tề và trở thành tổ tiên của dòng họ Điền Tề. Khoảng năm 701 TCN, ông giết chết con Trần Hoàn công là thế tử Miễn. Thế tử Miễn còn 3 người em là Quy Dược, Quy Lâm và Quy Chử Cữu nhờ người nước Sái dụ ông sang rồi giết chết. Sau đó người nước Trần lập Quy Dược lên ngôi, tức là Trần Lợi công.

[10] Trần Hoàn (陳完 706 TCN - ?) còn gọi là Điền Hoàn (田完), Quy Hoàn () là vị tông chủ đầu tiên của họ Điền, thế gia nước Tề trong lịch sử Trung Quốc, ông cũng đồng thời là thuỷ tổ của họ Điền và nước Điền Tề sau này. Điền Hoàn là con của Trần Lệ công, một vị vua của nước Trần, chư hầu nhà Chu dưới thời Xuân Thu. Khi Trần Hoàn ra đời, thái sử nước Trần là Phùng Chu bói một quẻ, có ý nói sau này ông sẽ lưu lạc đến một nước của họ Khương, rồi gây dựng cơ nghiệp ở đó, ngày sau sẽ chiếm cả nước đó. Dưới thời Trần Trang công và Trần Tuyên công, Trần Hoàn vẫn ở lại nước Trần. Năm 672 TCN, Trần Tuyên công yêu con thứ là Quy Khoản bèn giết thái tử Ngự Khấu và lập Khoản làm thái tử. Trần Hoàn vốn cùng phe với Ngự Khấu, sợ tội chạy sang nước Tề nương nhờ Tề Hoàn công. Tề Hoàn công thu dụng Trần Hoàn cho làm quan ở đất Điền, từ đó lấy họ Điền. Vua Tề muốn phong ông làm khanh nhưng ông từ chối. Trần Hoàn trở thành thuỷ tổ của họ Điền. Sau ông lấy con của đại phu nước Tề là Quốc Ý Trọng sinh Điền Mạnh Di, sau khi ông mất, Mạnh Di lên thế tập.

[11] Điền Điệu Tử (田悼子 ? - 405 TCN), cha là Điền Trang tử Điền Bạch, em là Điền Hòa. Điệu tử là cháu đời thứ 10 của Trần Hoàn. Ông tại vị được 6 năm thì chết. Sau khi ông chết, nước Tề của họ Điền chia thành hai phái, một phái lấy Điền Hòa làm thủ lĩnh, phái kia lấy Công tôn Tôn (Điền Tôn) làm thủ lĩnh; sau đó, Điền Bố giết cháu của Đại phu Công tôn, gây ra cuộc nổi dậy của Công tôn Hội (Điền Hội) dựa vào sự giúp đỡ của nước Triệu.

[12] Điền Tề (田齊), là một giai đoạn của lịch sử nước Tề, được Điền Hòa lập ra, lấy tên Tề quốc như cũ, về sau khiến Tề quốc trở thành một trong số 7 quốc gia có ảnh hưởng nhất đối với chiến cuộc trong thời kỳ Chiến Quốc tại Trung Quốc. Cuối thời Xuân Thu, quyền lực dần dần bị chuyển sang tay đại thần họ Trần (sau này là họ Điền). Họ Quy trong thị tộc Điền xuất phát từ con trai của Trần Lệ công là Trần Hoàn. Các âm Trần và Điền cổ là gần giống như nhau, vì thế sử sách cũ chép thành Điền. Năm 672 TCN, do nội loạn tại nước Trần, công tử Trần Hoàn chạy sang Tề, phục vụ dưới trướng Tề Hoàn công Khương Tiểu Bạch. Từ Trần Hoàn truyền qua 5 đời tới Điền Hoàn tử Vô Vũ, mở ra thời kỳ cường thịnh của thị tộc Điền (Trần). Năm 353 TCN, nước Tề đánh bại nước Ngụy tại trận Quế Lăng. Năm 341 TCN, nước Tề lại đánh bại nước Ngụy tại trận Mã Lăng. Năm 301 TCN, Tề liên hợp cùng Hàn, Ngụy tấn công Sở, đánh bại Sở. Giai đoạn năm 298 TCN-296 TCN, Tề lại liên hợp cùng Hàn, Ngụy tấn công Tần, tiến tới Hàm Cốc Quan, buộc Tần phải cầu hòa. Năm 279 TCN, Điền Đan tổ chức phản công, sử dụng "hỏa ngưu trận" đánh bại quân Yên, thu phục lại các thành trì cùng đất đai trước đó của Tề. Năm 221 TCN, sau khi diệt xong Hàn, Triệu, Ngụy, Sở, Yên, Tần vương lấy cớ do Tề cự tuyệt không cho sứ giả của Tần vào Tề, sai Vương Bí đem quân công phạt Tề. Tề vương Kiến nghe lời Hậu Thắng, chẳng đánh mà ra khỏi thành đầu hàng, nước Tề diệt vong. Nước Tần thống nhất thiên hạ, tại vùng đất của Tề lập các quận Tề và Lang Da.

[13] Điền Kiến (田建) Tề Kính vương là vị vua thứ tám và là vua cuối cùng nước Điền Tề - chư hầu nhà Chu thời Chiến Quốc trong lịch sử Trung Quốc. Theo Sử ký, Điền Kiến là con của Tề Tương vương – vua thứ 7 nước Điền Tề. Năm 265 TCN, Tề Tương vương mất, Điền Kiến lên ngôi, tức là Tề vương Kiến. Năm 260 TCN, nước Triệu đại chiến với nước Tần ở Trường Bình. Tề vương Kiến và Sở Khảo Liệt vương định phát binh cứu Triệu, Tần Chiêu Tương vương tuyên bố sẽ đánh nước nào cứu Triệu. Vì vậy vua Tề và vua Sở không dám phát binh. Sau khi thái hậu mất, Tề vương Kiến dùng Hậu Thắng làm tướng quốc. Hậu Thắng nhất mực khuyên Tề vương Kiến nên thân Tần. Năm 237 TCN, Tề vương Kiến sợ thế lực của Tần vương Chính, cũng phải sang triều kiến, cùng uống rượu tại Hàm Dương. Từ năm 230 TCN, Tần bắt đầu diệt các nước Sơn Đông: Hàn (230 TCN), Triệu (228 TCN), Ngụy (225 TCN) rồi tới Sở (223 TCN) và Yên (222 TCN). Rồi quân Tần tiến vào Lâm Tri, dân Tề lâu không biết chiến tranh, không thể chống đỡ. Tề vương Kiến nghe lời tướng quốc Hậu Thắng, không đánh trả mà mang gia quyến ra hàng. Tề vương Kiến làm vua tất cả 44 năm, sau này không rõ kết cục của ông ra sao và mất năm nào. Nước Điền Tề có tất cả tám đời vua, kéo dài được 166 năm. Tề vương Kiến có một người em là Điền Giả còn sống sau khi nước Điền Tề mất. Đúng 12 năm sau (209 TCN), Tần Thủy Hoàng vừa chết thì một người trong họ Tề vương Kiến là Điền Đam hưởng ứng Trần Thắng nổi dậy chống nhà Tần, tái lập nước Điền Tề. Sau khi Điền Đam tử trận, người nước Tề tôn Điền Giả làm Tề vương.

 [14] Bát kỳ (八旗) là một chế độ tổ chức quân sự đặc trưng của người Mãn Châu và nhà Thanh, đặc trưng của Bát Kỳ là mỗi đơn vị được phân biệt bằng một lá cờ khác nhau, tổng cộng có tám lá cờ cơ bản theo đó mọi người dân Mãn Châu đều thuộc một trong tám "Kỳ", đứng đầu là một kỳ chủ và tư lệnh tối cao là Đại Hãn, đó vừa là các đơn vị dân sự vừa mang tính chất quân sự. Bát Kỳ ban đầu là danh xưng dùng để chỉ về Bát Kỳ Mãn Châu hay Mãn Kỳ sau đó được phát triển thêm Mông Cổ Bát Kỳ và Hán tộc Bát kỳ vì vậy gọi chung là Bát kỳ. Chế độ Bát Kỳ do Nỗ Nhĩ Cáp Xích sáng lập và được hoàn thiện dưới thời kỳ trị vì của Hoàng Thái Cực. Tuy nhiên, sau một thời gian hòa bình kéo dài và quá trình Hán hóa, đến thời Ung Chính (1722-1735) và Càn Long (1735-1795) thì năng lực tác chiến của quân Bát Kỳ ngày càng suy thoái, đến thời kỳ Hàm Phong (1850) thì Bát Kỳ gần như đã trở nên vô dụng và cuối cùng đã tan rã.

 [15] Trần Nguyên Quang (chữ Hán: 陳元光, 657 - 711), tự Đình Cự, hiệu Long Hồ, người núi Phù Quang, Quang Châu tướng lĩnh, quan viên nhà Đường thời Vũ Thái hậu nhiếp chính, có công khai phá Chương Châu, được dân gian tôn sùng là Khai Chương thánh vương. Nguyên quán của ông được cho là Cố Thủy. Nguyên Quang từ nhỏ đọc khắp kinh thư, làu thông tử sử, tự viết ra binh pháp, xạ pháp (phép bắn tên) mà luyện tập. Năm lên 13, được nạp chức Hương tiến, theo cha là Lĩnh Nam hành quân tổng quản Trần Chính đến nhiệm sở. Năm 669, Trần Chính mất khi đang ở chức, Nguyên Quang tập chức của cha, nhận phong Tả Ngọc Kiềm vệ Dực phủ Tả lang tướng, lập tức tiến đánh cuộc nổi dậy của người Quảng Đông là Trần Khiêm, dẹp được. Năm 683, Nguyên Quang cho rằng khu vực Mân Nam, bắc đến Tuyền Châu, nam đến Triều Châu, tây đến Cống Châu, dân cư Man – Hán hỗn tạp, không thể chỉ dùng vũ lực để áp chế, mà còn phải dùng lễ giáo để vỗ về, nên dâng biểu xin lập châu. Năm Thùy Củng thứ 2 (686), Võ Hậu chuẩn tấu, kiến lập Chương Châu (trước gọi là quận Chương Phổ), quản hạt 2 huyện Chương Phố, Hoài Ân; nhận lệnh làm thứ sử Chương Châu kiêm huyện lệnh Chương Phổ. Trong thời gian Nguyên Quang tại nhiệm, củng cố thủy lợi, phát triển nông nghiệp, tổ chức phủ học, bồi dưỡng nhân tài, khiến cho trăm họ được an cư lạc nghiệp. Năm 711, các con của Miêu Tự Thành, Lôi Vạn Hưng nổi dậy, Nguyên Quang đưa khinh kỵ đi đánh, do bộ binh chưa đến kịp nên giao chiến bất lợi, bị tướng địch Lam Phụng Cao đâm bị thương, mất trên đường lui quân.

 [16]. Vương Thẩm Tri (王審知 862–925), tên tự Tín Thông (信通) hay Tường Khanh (詳卿), gọi theo thụy hiệu là Mân Trung Ý Vương, sau tiếp tục được truy phong là Mân Thái Tổ, là vị quân chủ khai quốc của nước Mân thời Ngũ Đại Thập Quốc. Vương Thẩm Tri sinh năm 862, dưới triều đại của Đường Ý Tông. Tổ tiên năm đời của ông là Vương Diệp (王曄) giữ chức Cố Thủy huyện lệnh, được dân chúng yêu mến, và ông ta cùng gia đình định cư tại Cố Thủy. Trong khi Vương Triều giữ chức tiết độ sứ, Vương Thẩm Tri giữ chức quan sát phó sứ. Theo ghi chép, khi Vương Thẩm Tri phạm lỗi, sẽ bị Vương Triều đánh, song Vương Thẩm Tri không oán giận. Khi Vương Triều nằm trên giường bệnh vào năm 897, thay vì giao lại quyền lực cho một trong bốn con (Vương Diên Hưng (王延興), Vương Diên Hồng (王延虹), Vương Diên Phong (王延豐), Vương Diên Hưu (王延休), ông ta lại giao phó quân phủ sự cho Vương Thẩm Tri. Sau khi Vương Triều qua đời, Vương Thẩm Tri đề nghị giao lại quyền hành cho anh là Tuyền châu thứ sử Vương Thẩm Khuê, song Vương Thẩm Khuê từ chối vì cho rằng Vương Thẩm Tri có công lao lớn hơn. Sau đó, Vương Thẩm Tri xưng là lưu hậu, rồi được Đường Chiêu Tông bổ nhiệm làm tiết độ sứ. Năm 900, Đường Chiêu Tông ban chức Đồng bình chương sự (tể tướng trên danh nghĩa) cho Vương Thẩm Tri. Sau đó ông lại được nhậm chức kiểm hiệu tư không và kiểm hiệu tư đồ. Năm 902, Vương Thẩm Tri cho xây ngoại quách thành Phúc châu. Năm 909, Hậu Lương Thái Tổ phong tước Mân vương cho Vương Thấm Tri, cùng chức Trung thư lệnh. Năm 916, Vương Thẩm Tri bắt đầu cho đúc tiền bằng chì, và sau đó, tiền chì được lưu thông song song với tiền đồng truyền thống. Năm 923, Lý Tồn Úc xưng là hoàng đế Hậu Đường, tức Hậu Đường Trang Tông, sau đó chiếm được kinh đô Đại Lương của Hậu Lương, triều Hậu Lương diệt vong. Sau đó, Mân và Hậu Đường trao đổi sứ giả, Vương Thẩm Tri công nhận quyền bá chủ của Hậu Đường Trang Tông. Năm 924, Nam Hán tiến công Mân, Hoàng đế Lưu Nghiễm tiến đến Đinh châu và Chương châu của Mân, tuy nhiên kết quả là chiến bại trước quân Mân và phải triệt thoái. Năm 925, Vương Thẩm Tri lâm bệnh, mệnh trưởng tử là Vũ Uy tiết độ phó sứ Vương Diên Hàn nắm quyền cai quản quân phủ sự. Tháng 12 năm đó, Vương Thẩm Tri qua đời, Vương Diên Hàn nắm quyền cai quản nước Mân, tự xưng là Uy Vũ lưu hậu. Ông được an táng tại Tuyên Lăng (nay tại núi Liên Hoa ở Phúc Châu, Phúc Kiến), thụy hiệu là Trung Ý, miếu hiệu là Thái Tổ.

[17] Trần Thắng (陳勝 ? - 208 TCN), tự Thiệp () là thủ lĩnh đầu tiên đứng lên khởi nghĩa chống lại nhà Tần. Ông người Dương Thành, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc. Lúc còn trẻ, nhà nghèo, thường cùng cày thuê với người ta. Tháng bảy, năm thứ nhất đời Nhị Thế (209 TCN), có 900 người dân các làng được đưa đi đồn thú ở Ngư Dương (漁陽 - nay thuộc Bắc Kinh), đóng lại ở làng Đại Trạch. Trần Thắng phải đi và làm đồn trưởng. Gặp mua to, đường bị nghẽn, mọi người tính biết đã quá kỳ hạn, và sẽ đều bị chém đầu. Không chịu chết oan, Trần Thắng tự lập làm tướng quân, Ngô Quảng làm đô úy, đánh làng Đại Trạch, rồi đánh đất Kỳ, lấy được Kỳ. Nhân dân căm thù chính sách tàn bạo của nhà Tần, thấy lệnh phát động khởi nghĩa của Trần Thắng đều đi theo rất đông, giết các quan lại nhà Tần để hưởng ứng. Do đó quân khởi nghĩa thu được nhiều thắng lợi. Ông tự lập làm vương, hiệu là Trương Sở. Trần Thắng bèn cắt cử các tướng lĩnh đi tập hợp các lực lượng đó để đánh Tần. Phong cho Ngô Quảng làm Giả vương. Giả vương Ngô Quảng mang quân vây Huỳnh Dương. Con thừa tướng nhà Tần Lý Tư là Lý Do làm thái thú quận Tam Xuyên giữ Huỳnh Dương, Ngô Quảng đánh nhiều lần không lấy được thành. Khi đó Giả vương Ngô Quảng công phá lâu ngày không hạ được thành. Cấp dưới là Điền Tang cùng các tướng muốn mang quân ra đón đánh Chương Hàm nhưng Ngô Quảng không nghe. Trần vương bỏ đất Trần chạy. Tháng chạp (năm 208 TCN), Trần vương đến huyện Nhữ Âm quay về đến Hạ Thành Phụ. Người đánh xe Trang Giả giết Trần vương để đầu hàng Tần, được Chương Hàm sai giữ huyện Trần. Trần Thắng chôn ở đất Đường đặt thuỵ hiệu là Sở Ẩn vương. Ông làm vương tất cả sáu tháng. Không lâu sau, người hầu cận Trần Vương là Lã Thần khởi binh ở Tân Dương, đánh chiếm lại huyện Trần, giết Trang Giả báo thù cho ông và lại gọi đất Trần là Trương Sở. Sau đó Lã Thần cùng Hạng Vũ, Lưu Bang tập hợp dưới trướng vua Sở mới là Hoài vương (dòng dõi nước Sở). Lực lượng quân Sở sau này đánh bại được Chương Hàm, tiến vào Hàm Dương tiêu diệt nhà Tần. Khi Lưu Bang thống nhất thiên hạ (202 TCN), có giao cho ba mươi nhà giữ phần mộ Trần Thắng ở đất Đường, nhiều năm sau trong đời nhà Hán vẫn còn tế tự.

** Đầu đề của người dịch
                   
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét