Powered By Blogger

Thứ Bảy, 31 tháng 12, 2022

Đô thị động lực và các động lực đô thị hóa

Hà Hữu Nga

Ghi chú: Nghiên cứu phát triển đô thị là một công việc chuyên môn của người viết trong suốt 8 năm (2005-2013) tại Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững vùng, Viện Hàn lâm KHXHVN. Bản Draft về Xây dựng Đô thị này kế thừa một phần các bài viết của tác giả từ thời gian đó, và vẫn đang được tiếp tục, vì vậy mọi cách thức sao chép, sử dụng và trích dẫn là không hợp lệ, ngoại trừ đóng góp ý kiến để bản Draft được hoàn thiện thêm.

1. Lý thuyết đô thị

1.1. Khái niệm đô thị          

Cho đến nay, trên thế giới đã có hàng trăm định nghĩa khác nhau về đô thị được đưa ra trong những điều kiện, hoàn cảnh, không gian, thời gian, với các đặc trưng môi trường, kinh tế, xã hội, văn hóa, thể chế của các quốc gia, các khu vực, các vùng lãnh thổ rất khác nhau. Tuy nhiên, cho dù cách quan niệm về đô thị khác nhau đến mức nào đi nữa, thì giới học giả và các chuyên gia quy hoạch đô thị cũng đều tham chiếu các định nghĩa quy chuẩn có liên quan trong tập sách Thuật ngữ Đa ngôn ngữ về Định cư Con người của Liên Hợp quốc. Trong đó, khái niệm đô thị được xác định là: “Khu vực có mật độ sử dụng đất và đặc điểm kinh tế - xã hội chủ yếu mang các đặc trưng thành thị. Khu vực đó có thể bao gồm cả các vùng ngoại ô cũng như các thành phố và thị trấn. Đó là một khu vực nằm trong các giới hạn thành thị hoặc được liên kết chặt chẽ với thành thị bằng cách sử dụng chung các dịch vụ công cộng.” (United Nations Centre for Human Settlements 1992, Mục từ U.24, tr.143) Tuy nhiên, thời đại ngày nay đô thị đã trở thành trào lưu nên định nghĩa đô thị luôn gắn liền với đặc trưng phát triển, đó là “Tăng trưởng đô thị theo quy hoạch, dưới hình thức các thị trấn mới, hoặc bằng cách mở rộng quy hoạch và quản lý một đô thị hiện có, bao gồm cả việc cải thiện cơ sở hạ tầng và cung cấp các dịch vụ đô thị.” (United Nations Centre for Human Settlements 1992, Mục từ U.30, tr.144)

Các quá trình tăng trưởng và phát triển đô thị đưa đến một hệ quả tất yếu của sự hình thành vùng đô thị và được coi là: “Vùng bao quanh và chịu ảnh hưởng của một trung tâm đô thị chính.” (United Nations Centre for Human Settlements 1992, Mục từ U.30, tr.144) Và trung tâm đô thị đó là “Một khu vực đông dân cư bao gồm một thành phố hoặc một đô thị cùng các thị trấn xung quanh và vùng ngoại ô, phát triển như một trung tâm trọng yếu và đa dạng về sản xuất, dịch vụ và tiêu dùng.” (United Nations Centre for Human Settlements 1992, Mục từ M.44, tr.85). Cần phải lưu ý rằng phát triển đô thị cũng bao gồm cả tình trạng lan rộng một cách tự phát, và là quá trình “Tăng trưởng thông qua phát triển rải rác, sau đó dần dần lấp đầy không gian mà không có bất kỳ quy hoạch nào; đó là sự lan rộng một cách vô tổ chức, không có kế hoạch trước hoặc không quan tâm đến các nhu cầu tiếp theo về giao thông, việc làm, dịch vụ.” (United Nations Centre for Human Settlements 1992, Mục từ U.50, tr.146)

Có một thói quen cố hữu, kể cả lý thuyết lẫn thực tiễn phát triển khi đề cập đến đô thị thì hầu hết đều tập trung vào các vấn đề “đô thị” mà ít xem xét đến mối tương quan giữa đô thị và mặt đối lập của nó là “nông thôn”. Trong khi đó mối liên kết giữa đô thị và nông thôn, bao gồm sự di chuyển của con người, hàng hóa, vốn và các giao dịch xã hội khác, đóng vai trò quan trọng trong quá trình thay đổi cả nông thôn lẫn đô thị. Trong lĩnh vực kinh tế, nhiều doanh nghiệp ở thành thị phụ thuộc vào nhu cầu của người tiêu dùng ở nông thôn và việc tiếp cận thị trường và dịch vụ ở thành thị thường rất quan trọng đối với các nhà sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra, một số lượng lớn hộ gia đình ở cả thành thị và nông thôn vẫn dựa vào sự kết hợp giữa các nguồn thu nhập nông nghiệp và phi nông nghiệp để kiếm sống. (Tacoli C., 1998, tr. 147)

Trong thực tế, mỗi quốc gia có những quan niệm riêng về đô thị, nhưng về cơ bản đều dựa trên các nhóm tiêu chí về dân số, mật độ dân số, các đặc điểm kinh tế, hành chính, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và lối sống để định nghĩa đô thị. Luật Quy hoạch Đô thị của Việt Nam định nghĩa như sau: “Đô th là khu vc tập trung dân sinh sng có mật đ cao và ch yếu hot động trong nh vc kinh tế phi nông nghip, là trung tâm chính tr, hành cnh, kinh tế, văn hóa hoặc chuyên ngành, có vai trò thúc đẩy s phát trin kinh tế - xã hi ca quc gia hoặc mt vùng lãnh th, mt đa phương, bao gm nội thành, ngoi thành ca thành ph; ni thị, ngoi th ca th xã; th trn.” Bên cạnh đó, Luật quy hoạch đô thị cũng xác định các khái niệm liên quan, bao gồm: i) Đô th mới là đô th d kiến hình thành trong tương lai theo định hưng quy hoch tổng th h thng đô th quốc gia, đưc đầu tưy dng từng bưc đt các tiêu chí ca đô th theo quy định ca pháp lut; ii) Khu đô th mới là mt khu vc trong đô thị, đưc đầu tưy dựng mi đồng b v htng k thut, h tng xã hội và nhà . (Văn phòng Quốc hội 2015, Chương I, Điều 3).

2. Đô thị hóa và tác động của đô thị hóa

2.1. Khái niệm đô thị hóa

Theo Trung tâm Định cư Con người Liên Hiệp Quốc thì: “Đô thị hóa là quá trình dân cư tập trung ở các khu vực đô thị, hoặc tỷ lệ cư dân ở các khu vực đô thị tăng lên do sự di chuyển dân cư từ nông thôn ra đô thị, hoặc do sự mở rộng diện tích đất của các khu đô thị. Đô thị hóa là hiện tượng xã hội, nhân khẩu học, kinh tế và vật chất được đặc trưng bởi sự tập trung và hội tụ dân số của một vùng, quốc gia vào các khu vực đô thị.” Hiện tượng đô thị hóa tạo thành “Vùng đô thị hóa” khi khu vực đó mất đi tính chất nông thôn và bắt đầu quá trình đô thị hóa (United Nations Centre for Human Settlements 1992, Mục từ U.52, U.53, tr.146)

2.2. Nguyên nhân của quá trình đô thị hóa

Nguyên nhân của quá trình đô thị hóa có rất nhiều, trong số đó, các nhà nghiên cứu đô thị hóa tổng hợp lại một số lý do quan trọng sau đây: i) Cơ giới hóa nông nghiệp phát triển đã dẫn đến nhu cầu về lực lượng lao động trong lĩnh vực nông nghiệp ít hơn, lực lượng lao động dư thừa này thường di cư đến khu vực đô thị để tìm việc làm và sinh kế; ii) Công nghiệp hóa gia tăng trong và xung quanh các đô thị, giúp tạo ra nhiều việc làm, giá trị sản phẩm và giá trị tích lũy của các gia đình tăng lên, nên ngày càng có nhiều người kiếm sống và định cư ở khu vực đô thị; iii) Lực lượng thị trường phát triển nhanh chóng, đặc biệt tác động đến các ngành hàng tiêu dùng ở các thị trường đô thị, do đó thu hút các ngành công nghiệp mới, cùng nguồn cung lao động làm tăng quy mô và sự phát triển của đô thị; iv) Khu vực dịch vụ đô thị tăng trưởng, mức sống của người dân đô thị tăng lên, các dịch vụ thuộc khu vực cấp ba tập trung vào các đô thị để hoạt động bán lẻ, giải trí, ăn uống, ngân hàng, bảo hiểm và quản lý, thu hút ngày càng nhiều người vào khu vực đô thị; v) Sự nổi lên của các đô thị trở thành trung tâm của hầu hết các hoạt động văn hóa xã hội của vùng, quốc gia khu vực; các đô thị có cơ sở vật chất như rạp chiếu phim, nhà hát, phòng trưng bày nghệ thuật, bảo tàng, công viên, v.v., đóng vai trò là nam châm thu hút dân cư xung quanh, các khu đô thị đã trở thành khu vực có nhiều cơ hội, nên ngày càng trở nên đông đúc hơn; vi) Giao thông và thông tin liên lạc phát triển giúp cải thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật và tăng cường kết nối giữa nông thôn và đô thị; việc di cư của người dân từ nông thôn ra khu vực đô thị trở nên nhanh hơn và dễ dàng hơn; cùng với cơ hội việc làm rất đa dạng so với khu vực nông thôn, nên ngày càng có nhiều người di cư đến khu vực đô thị; và vii) Gia tăng dân số tự nhiên cũng là một trong những yếu tố quan trọng của quá trình đô thị hóa trên thế giới hiện nay; mặc dù tầng lớp trung lưu ở thành thị có mức sinh thấp hơn, tốc độ tăng trưởng và gia tăng dân số tự nhiên ở thành thị thấp hơn so với nông thôn, nhưng không thể không coi đó là một trong những yếu tố làm tăng dân số và góp phần tăng trưởng quá trình đô thị hóa. (Siddharta, K and S. Mukherjee,1996)

2.3. Các hình thức đô thị hóa

2.3.1 Hình thức đô thị hóa ở các nước phát triển

Ngoại ô hóa: Một trong những thay đổi quan trọng nhất về hình thức đô thị hóa đã diễn ra ở các nước tư bản phát triển trong thế kỷ XX là sự phát triển của các vùng ngoại ô. Nó đã diễn ra xung quanh rìa của các thị trấn và thành phố lớn. Vùng ngoại ô là khu vực cư trú, khu dân cư gồm nhiều ngôi nhà, mà không phải là loại hình sử dụng đất hỗn hợp của khu dân cư trong thành phố. Ngoại ô hóa chủ yếu diễn ra bởi sự di cư của người dân ra khu vực nông thôn để thoát khỏi những tác động tiêu cực của cuộc sống đô thị. Thông thường, ngoại ô hóa đồng nghĩa với sự tách biệt giữa nhà ở và nơi làm việc, mà điểm mấu chốt là chi phí đi lại tương đối rẻ, vì kết nối giao thông thuận lợi từ vùng ngoại ô đến thành phố trung tâm. (Satterthwaite D., Gordon McGranahan, and Cecilia Tacoli, 2010).

Đổi mới đô thị: là một quá trình liên tục tu sửa đô thị bằng các biện pháp phục hồi, bảo tồn và tái phát triển. Đổi mới đô thị nhấn mạnh vào những bộ phận, khu vực chưa đạt được tiêu chuẩn hiện hành về mức độ chấp nhận của công chúng. Các cư dân sống ở khu vực nội thành và cả ở khu vực trung tâm của nội thành phải đối mặt với các vấn đề về nhà ở không phù hợp, môi trường xuống cấp, bất ổn xã hội và tiện nghi không phù hợp. Phần trung tâm thành phố thương mại phải đối mặt với các vấn đề tắc nghẽn giao thông và sự lạc hậu của các công trình, cũng như sự lỗi thời của các khu cư trú và vị trí cư trú. (Satterthwaite D., Gordon McGranahan, and Cecilia Tacoli, 2010).

Chỉnh trang đô thị: có nghĩa là thay đổi đặc điểm xã hội của khu vực lân cận do các nhóm người có nghề nghiệp có thu nhập cao hơn tìm kiếm nơi cư trú ở vị trí trung tâm đô thị. Chỉnh trang đô thị có vai trò quan trọng về phương diện xã hội trong việc thu hút một số cư dân có thu nhập từ trung bình đến cao quay trở lại khu vực trung tâm. Có thể nói, việc chỉnh trang đô thị có tính chất chọn lọc không chỉ về phương diện thu hút cư dân mà còn về các điều kiện diễn ra quá trình chỉnh trang. Ở Hoa Kỳ, hầu hết các thành phố lớn hiện đang trải qua các mức độ chỉnh trang đô thị khác nhau ở các khu vực liền kề trung tâm. Ở Anh, quá trình này đã diễn ra ở một số thành phố như Bristol và London. (Satterthwaite D., Gordon McGranahan, and Cecilia Tacoli, 2010).

Phát triển Siêu đô thị: Một trong những hình thức quan trọng nhất của đô thị hóa ở các nước phát triển là sự xuất hiện của các Siêu đô thị không phải về phương diện dân số mà về mặt diện tích không gian đô thị. Ở đây các thành phố mở rộng về mặt vật lý trong khi dân số giữ ở mức ổn định ở các Siêu đô thị, và mật độ không tăng lên bất thường. Điển hình về kiểu đô thị này là đặc điểm của vùng ven biển Đại Tây Dương của Mỹ; trong khi đó ở Nhật Bản nó xuất hiện một cách tự nhiên, còn ở Hà Lan thì theo thiết kế và quy hoạch. Siêu đô thị của Hoa Kỳ kéo dài hơn 600 dặm từ Boston đến Washington D.C., siêu đô thị Tokaido kéo dài từ Tokyo, Yakohoma đến Osaka-Kobe-Kyoto và siêu đô thị Ransted bao gồm ba thành phố lớn Amsterdam, Rotterdam và The Hague. Quá trình này cũng đã bắt đầu ở các nước đang phát triển. (Trivedi, J.K.Sareen, H and Dyani, M 2008).

2.3.2. Xu hướng đô thị hóa ở các nước đang phát triển

Mức độ đô thị hóa ở các nước phát triển cao hơn so với các nước đang phát triển. Theo thống kê của Liên hợp quốc, tỷ lệ dân số sống ở thành thị của các nước phát triển là 79,1%, trong khi của các nước kém phát triển là 46,8%. Trong đó, tốc độ đô thị hóa ở khu vực Châu Phi được nhận thấy là cao hơn một chút so với khu vực Châu Á. Tuy nhiên, ở cả hai khu vực, tỷ lệ đô thị hóa tương đối thấp hơn so với Châu Âu và Hoa Kỳ. Quá trình đô thị hóa diễn ra mà không cần công nghiệp hóa nhiều và có nền tảng kinh tế vững mạnh. Thiếu công nghiệp hóa dẫn đến đô thị hóa đã dẫn đến sự phát triển của khu vực không có tổ chức với đặc điểm là mức lương thấp hơn và điều kiện dịch vụ kém, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người dân thành thị. Đô thị hóa không có kế hoạch ở các nước đang phát triển đã dẫn đến sự phát triển của các khu ổ chuột đô thị với đặc điểm là nhà ở chất lượng thấp, vệ sinh kém, tiếp cận nguồn nước uống không an toàn, v.v. Mô hình đô thị hóa hiện nay ở các nước đang phát triển được cho là đáng báo động nếu nhìn từ góc độ lịch sử, không gian và xuyên quốc gia. Việc đô thị hóa không có kế hoạch khiến hầu hết chính phủ ở các nước này lo ngại. (Trivedi, J.K.Sareen, H and Dyani, M 2008).

2.3.3. Tác động tiêu cực của đô thị hóa ở các nước đang phát triển

Các nghiên cứu về đô thị hóa tại các nước đang phát triển chủ yếu tập trung vào hiện tượng đô thị hóa không có kế hoạch, thiếu kiểm soát và được gọi chung là “đô thị hóa tự phát” đã đi đến các kết luận về tác động của đô thị hóa như sau: i) Việc sử dụng đất trở nên khó kiểm soát; tiêu thụ năng lượng ngày càng tăng và không thể đáp ứng đầy đủ; ii) Ùn tắc giao thông ngày càng phổ biến và trở thành vấn nạn; iii) Tác động tiêu cực đến môi trường, làm giảm chất lượng không khí, nước và đánh mất không gian mở; iv) Chi phí công thực cho cơ sở vật chất và dịch vụ ở các khu vực mới đô thị hóa luôn cao hơn giá trị thực tế; v) Về phương diện xã hội và văn hóa, phổ biến tình trạng đánh mất tính cộng đồng truyền thống; vi) Sự suy tàn của nội thành các đô thị cũ khi người dân rời đến các khu vực mới mở rộng; vii) Sự gia tăng tội phạm ở các khu vực mới mở rộng đô thị. (R. Lopez and H. P. Hynes, 2003, tr.330).

2.3.4. Tác động tích cực của đô thị hóa ở các nước đang phát triển

Mặc dù di cư không phải là nguồn chính của hiện tượng tăng trưởng dân số đô thị nhưng những người di cư trẻ tuổi đã làm tăng tỷ lệ dân số đáng kể khi họ tới sống tại đô thị và làm cho tỷ lệ sinh tăng và tỷ lệ chết giảm. Tại các nước đang phát triển đô thị hoá chủ yếu bắt đầu bằng các dòng lao động thừa ở vùng nông thôn đổ vào đô thị; vì khu vực nông thôn không đủ sức đảm bảo cho số cư dân này nên đô thị hoá và sự phát triển của các thành phố đã trở thành một tất yếu. Trên thực tế không phải là những người di cư quyết định tỷ lệ và mức độ đô thị hoá mà chính là vị trí và tỷ lệ tăng trưởng của công nghiệp, của dịch vụ và của cả nông nghiệp đóng góp tạo thêm việc làm trong các vùng này đã quyết định quá trình đô thị hoá (Oberai 1993). Đô thị hóa tạo ra các lợi thế qui mô kinh tế đô thị trong đó bao gồm hai thị trường đều lớn, đó là thị trường cung và thị trường cầu, nhưng quan trọng là hai thị trường này lại là một về phương diện không gian, giúp tối thiểu hoá chi phí sản xuất trung bình, đặc biệt là các loại phí vận tải và phí truyền thông, giao tiếp được giảm đi đáng kể. Đô thị hóa tạo ra các lợi thế tập trung kinh tế giúp làm tăng năng suất, đặc biệt là các xí nghiệp cùng loại hoặc có liên quan đến nhau tập hợp thành cụm làm tăng đáng kể các hiệu suất bổ sung cũng giúp làm giảm các chi phí. Đô thị hóa tạo ra các lợi thế vị trí hơn hẳn trong việc tăng hiệu suất, chẳng hạn sự có sẵn của các nguồn lực trên thị trường cùng mạng lưới giao thông vận tải; lợi thế năng suất ở các đô thị rất lớn, khoảng 60% GDP của các nước đang phát triển được tạo ra tại các khu vực đô thị, mặc dù các khu vực này chỉ chiếm 1/3 dân số (Peterson et al., 1991, tr 17).

3. Đô thị hóa, cực tăng trưởng và trung tâm tăng trưởng

3.1. Nội hàm khái niệm cực tăng trưởng

Cực tăng trưởng, một trong những khái niệm cốt lõi phát triển vùng, được nhà kinh tế học Pháp François Perroux đưa ra năm 1955. Đối với Perroux, một cực tăng trưởng có thể là một ngành công nghiệp hoặc thậm chí một công ty hay một nhóm công ty thuộc một ngành công nghiệp nhất định. (Perroux F., 1955, tr.308). Perroux định nghĩa cực tăng trưởng là “không gian kinh tế trừu tượng” (không phải là một địa điểm, khu vực địa lý cụ thể) bao gồm ba loại: i) một kế hoạch kinh tế; ii) một trường lực hoặc tác động kinh tế; iii) một tổng thể kinh tế đồng nhất. (Perroux F., 1955; 1967). Đối với Perroux, cực tăng trưởng phải có thuộc tính ưu thống là tạo ra tương tác đẩy: một công ty hoặc một ngành công nghiệp A được coi là ưu thống đối với B nếu dòng hàng hoá và dịch vụ từ A đến B là phần đầu ra của A lớn hơn luồng hàng hoá và dịch vụ từ B đến A; tác động từ A đến B được coi là tương tác đẩy. (Perroux F., 1955). Quá trình phát triển của một công ty hoặc ngành công nghiệp có lực đẩy được gọi là quá trình hình thành cực, và cơ sở của lực đẩy tạo thành cực tăng trưởng được xây dựng thuần túy dựa trên các lợi thế kinh tế như lợi thế ngoại tác, lợi thế mức độ tập trung kinh tế, và lợi thế về các liên kết kinh tế. (Perroux F., 1955; 1967)

3.2. Trung tâm tăng trưởng

Các trung tâm tăng trưởng thường được coi là đồng nghĩa với các thành phố hoặc các khu vực đô thị hoặc đang đô thị hóa. Trung tâm tăng trưởng là “một vị trí đô thị có thể hoạt động như một tâm điểm cho việc xây dựng kế hoạch phát triển”. Các tiêu chuẩn phân biệt giữa các khu vực đô thị là các cực tăng trưởng và các vùng không phải cực tăng trưởng như sau: liên kết mạnh với nền kinh tế quốc gia; là trung tâm thị trường lao động; là một khu vực thương mại bán lẻ chủ yếu; các chức năng phân cấp cao; một khối lượng thương mại bán buôn lớn; và là các đầu mối giao tiếp thuận lợi. (Friedmann, JR. 1968). Chịu ảnh hưởng đáng kể từ các lý thuyết và khái niệm của Perroux, Friedmann đã bổ sung thêm nội hàm trung tâm tăng trưởng bằng các khái niệm “vùng đồng nhất” và “vùng độc lập”. Trong đó vùng độc lập là các đô thị mang đặc trưng các vùng phân cực, còn khu vực ngoại vi của một vùng phân cực có thể được chia thành bốn phần: i) các vùng chuyển tiếp lên; ii) các vùng chuyển tiếp xuống; iii) các vùng ranh giới nguồn lực; và iv) các vùng có vấn đề đặc biệt. (Friedmann, JR. 1966). Các vùng chuyển tiếp lên là những vùng tăng trưởng bằng tiềm năng tăng trưởng cao nhưng lại luôn khát vốn. Các vùng chuyển tiếp xuống là những khu vực kinh tế nông nghiệp, hoặc công nghiệp cũ suy thoái và hiện tượng di cư là chỉ báo rõ ràng nhất. Các vùng ranh giới nguồn lực là những vùng định cư mới trong đó có nhiều tiềm lực cho tăng trưởng. Các vùng có vấn đề đặc biệt là những vùng cần các biện pháp can thiệp về chính sách nhiều hơn các vùng khác vừa được dẫn. ((Friedmann, JR 1967).

Phân loại trung tâm tăng trưởng kiểu Friedmann cho phép phân biệt các vùng theo các hoạt động chính sách cần thiết và việc xử lý các vấn đề vùng không tách biệt mà là cùng với sự xem xét tổng thể hệ thống vùng. Khái niệm của Friedmann đã được coi là một bước tiến vượt khỏi quan niệm gốc về cực tăng trưởng và trung tâm tăng trưởng và nó đã đưa ra được một mô hình tổng quát về các thuộc tính không gian của tăng trưởng kinh tế vùng. (Friedmann, JR 1967). Khái niệm cực tăng trưởng và trung tâm tăng trưởng thường được giải thích gắn liền với sự phát triển của một trung tâm đô thị có thể thu hút được các hoạt động kinh tế thông qua hạ tầng cơ sở và việc khuyến khích trực tiếp tạo ra “hiệu ứng hấp dẫn” (mà Perroux gọi là effets d’entrainment) cho vùng ngoại vi của trung tâm đô thị dưới hình thức tăng công ăn việc làm và tăng thu nhập; mô thức phát triển vùng như vậy kéo theo sự tăng trưởng của phân cấp đô thị, nhờ thế mà khoảng cách vùng có thể giảm đi bằng cách thay đổi cấu trúc tăng trưởng và tác động lan tỏa của trung tâm tăng trưởng đô thị. ((Friedmann, JR. 1968)

3.3. Nội hàm khái niệm động lực tăng trưởng

Đồng thời với việc xây dựng khái niệm cực tăng trưởng dựa trên một ngành công nghiệp hoặc thậm chí một công ty hay một nhóm công ty thuộc một ngành công nghiệp nhất định, chính François Perroux đã đưa ra khái niệm ngành công nghiệp động lực và xem xét vai trò của nó đối với tăng trưởng. (Perroux F., 1955, tr.310). Theo Perroux, thuộc tính chủ chốt của ngành công nghiệp động lực là khi nó tăng lưu lượng hàng hóa, dịch vụ và mua dịch vụ sản xuất, thì nó sẽ tăng lưu lượng và mua dịch vụ của một hoặc một số ngành khác; nó có thể tăng lưu lượng để sử dụng tối ưu và đầy đủ vốn cố định, nghĩa là vận hành với chi phí ngày càng hiệu quả. (Perroux F., 1955, tr.315). Perroux cho rằng tăng trưởng không xuất hiện ở mọi nơi cùng một lúc; nó biểu hiện ở những điểm hoặc cực tăng trưởng, với những cường độ khác nhau; chúng lan truyền qua nhiều kênh khác nhau và có những tác động cuối cùng khác nhau đối với toàn bộ nền kinh tế; kết quả là khi đã đạt đến tỷ lệ lưu lượng tối ưu về hàng hóa và dịch vụ, thì các ngành công nghiệp, các công ty đó có thể giảm giá hàng hóa và dịch vụ, đồng thời mua nhiều dịch vụ sản xuất hơn nữa, điều này làm gia tăng thêm tỷ lệ lưu lượng giữa các ngành có liên quan, và thúc đẩy tăng trưởng, hay nói cách khác là tạo ra các cực tăng trưởng. (Perroux F., 1955, tr. 309, 315)

3.4. Đô thị với tư cách là cực tăng trưởng, trung tâm tăng trưởng

Quan niệm cực tăng trưởng là “không gian kinh tế trừu tượng” của Perroux dù bị phê phán, nhưng các nội hàm của quan niệm cực tăng trưởng được ông gắn với các ngành, các công ty động lực lại có giá trị dẫn đường cho sự phát triển của lý thuyết phát triển vùng và lý thuyết tăng trưởng đô thị cụ thể, đặc biệt là về phương diện địa lý, làm cho cực tăng trưởng trở nên có địa chỉ cụ thể, không còn trừu tượng nữa, nó được gọi là quá trình “lãnh thổ hóa cực tăng trưởng” để trở thành các trung tâm tăng trưởng. (Lorek M., 2015, tr.35) Hiệu quả kinh tế đặc trưng cho quá trình đô thị hoá vùng tạo ra các cực tăng trưởng, và về phương diện địa lý là các trung tâm tăng trưởng có thể được xem xét bằng mô hình các quá trình kinh tế. Các trung tâm này đóng góp cho sự phát triển vùng bằng cách tăng hiệu quả và đầu ra cả ngắn hạn lẫn dài hạn thông qua sự dịch chuyển lao động, vốn, kỹ năng đến các trung tâm tăng trưởng có năng suất cao hơn. Lợi thế kinh tế rõ ràng nhất của các trung tâm tăng trưởng chính là năng suất sinh ra từ các điều kiện kinh tế tập trung cao. (Peterson et al., 1991, tr 17)

Năng suất cao của các vùng đô thị với tư cách là các trung tâm tăng trưởng cho phép trả lương cao cho người lao động. Khi thu nhập tăng thì các khoản tiết kiệm cũng tăng và làm tăng thêm nguồn vốn cho công nghiệp hoá. Mặc dù các nhu cầu vốn ban đầu ở các vùng đô thị thường cao hơn so với các vùng nông thôn nhưng việc đầu tư vào vùng đô thị sẽ đưa lại các lợi ích to lớn về y tế, xã hội và thương mại so với vùng nông thôn. Động lực phái sinh của các trung tâm tăng trưởng đô thị khi thu nhập tăng là người tiêu dùng sẽ chi tiêu với một tỷ lệ cao khoản thu nhập bổ sung để mua sắm các loại hàng xa xỉ và dành một tỷ lệ nhỏ cho các hàng hoá cơ bản. Do đó tăng thu nhập sẽ hạ thấp toàn bộ khoản chi cho các nhu cầu thiết yếu như lương thực, quần áo, vật dụng. Điều đó làm cho cấu trúc đời sống của các xã hội nông dân bắt đầu thay đổi từ sản xuất nông nghiệp sang các hàng hoá phi lương thực chẳng hạn như chăm sóc sức khoẻ, nhà cửa, các loại hàng gia công, kích thích làm tăng số lượng và mở rộng thêm khu vực công nghiệp với tư cách là các trung tâm tăng trưởng (Williamson 1991, tr. 247). Việc tạo ra các trung tâm tăng trưởng mới dẫn đến tăng cơ hội có việc làm vì vậy cũng làm tăng mức di động của các yếu tố lao động, trước hết là di cư. Đô thị hoá một cách hiệu quả sẽ thực sự tạo ra một mạng lưới tích hợp đô thị trong đó kết nối các vùng đô thị vào nhiều hoạt động kinh tế khác nhau. Cuối cùng hiệu quả dài hạn của các trung tâm tăng trưởng được tạo ra trong quá trình đô thị hoá sẽ làm tăng mức thu nhập trong toàn bộ nền kinh tế. (Oberai 1993, tr. 65)

4. Kinh nghiệm đô thị hóa quốc tế

4.1. Đô thị hóa tạo cực tăng trưởng của Mỹ 

Một ví dụ nổi tiếng về việc xây dựng cực tăng trưởng của Mỹ là chiến lược xây dựng đô thị ở vùng Appalachian gồm 13 tiểu bang. Đây là một vùng tụt hậu đặc biệt, nằm giữa hai khu vực đô thị hóa và công nghiệp hóa cao nhất trên thế giới, siêu đô thị Đại Tây Dương và khu công nghiệp Trung Tây Hoa Kỳ. Ủy ban Vùng Appalachian (ARC Appalachian Regional Commission) được thành lập và họ coi việc thiếu các trung tâm tăng trưởng đô thị có khả năng cung cấp dịch vụ sản xuất, lao động được đào tạo và các ngoại ứng kinh tế khác là những yếu tố dẫn đến tình trạng lạc hậu của khu vực này. Một cách tiếp cận cụ thể để phát triển khu vực, dựa trên nền tảng của mô hình tăng trưởng liên vùng là chiến lược trung tâm tăng trưởng. Vào thời điểm ARC thành lập vào năm 1965, chiến lược trung tâm tăng trưởng được coi là một công cụ để phát triển các vùng với giả định rằng việc tập trung nỗ lực phát triển và đầu tư vào các đô thị địa phương cụ thể sẽ có tác động phát triển trực tiếp và gián tiếp lên toàn bộ vùng. Chiến lược phát triển khu vực của trung tâm tăng trưởng được coi là một cách để đạt được “cú hích lớn nhất” với số tiền đầu tư hạn chế.

Hơn nữa, chiến lược trung tâm tăng trưởng cũng tập trung đầu tư vào một số lượng hạn chế để xây dựng các trung tâm đô thị và tạo ra mối liên kết chặt chẽ giữa các trung tâm tăng trưởng và các ngành công nghiệp. Bằng cách này, mục đích khái niệm của trung tâm tăng trưởng là để lan tỏa tăng trưởng và phát triển sang các khu vực xung quanh các trung tâm đô thị (Wood L.E., 2001). Chính trong bối cảnh này mà Đạo luật Phát triển Khu vực Appalachian được phê duyệt năm 1965. Ngược lại với sự phân tán đầu tư công vốn là đặc điểm của những nỗ lực trước đây nhằm hỗ trợ các khu vực bị suy thoái, Đạo luật tập trung đầu tư công vào những khu vực có tiềm năng tăng trưởng lớn nhất trong tương lai. Ủy ban đã xác định 30 “khu vực tăng trưởng” là nơi nhận đầu tư công chính. Mỗi khu vực được tổ chức xung quanh một “trung tâm tăng trưởng”, được định nghĩa là “một khu phức hợp bao gồm một hoặc nhiều cộng đồng hoặc địa điểm, khi kết hợp lại với nhau sẽ cung cấp hoặc có khả năng cung cấp nhiều loại hình văn hóa, xã hội, việc làm, chức năng thương mại và dịch vụ cho chính nó và vùng nội địa nông thôn liên quan.” (Wood L.E., 2006)

Chiến lược trung tâm tăng trưởng đạt đến đỉnh cao như một cách tiếp cận phát triển bền vững, và ARC đã thực hiện chiến lược trung tâm tăng trưởng trong những năm đầu thành lập cho đến năm 1982. Sau đó ARC tiếp tục với Chương trình các Quận gặp khó khăn nhằm thực hiện một chiến lược trung tâm tăng trưởng sửa đổi bằng cách tài trợ cho các chương trình trên khắp Appalachia. Đánh giá gần đây về thử nghiệm chính sách này đã chỉ ra một số vấn đề quan trọng: sự mâu thuẫn giữa lý thuyết và việc thực hiện; mức độ chọn lọc thấp trong việc xây dựng đô thị tăng trưởng khi xác định quá nhiều khu vực trong đó có những khu vực không thể đủ điều kiện trở thành trung tâm tăng trưởng một cách hợp lý. Đặc biệt các áp lực chính trị trong những thập niên 1970 -1980 ở Mỹ đóng vai trò quyết định cho sự thành công một phần của các chiến lược cực tăng trưởng. (Bishop M. L. 2012, tr.31).

Nhiều chỉ trích khẳng định rằng ARC đã không mang lại lợi ích cho cư dân Appalachian khi các chương trình và nguồn tài trợ của ARC hầu hết phục vụ cho các chủ sở hữu đất và cổ đông bên ngoài nhiều hơn người dân Appalachia. Của cải tạo ra ở Appalachia do đầu tư của ARC được chuyển thành quyền sở hữu của những người không sinh sống ở đó. Các chương trình phát triển giáo dục và đào tạo lực lượng lao động, hệ thống giao thông và thông tin được cải thiện, các cơ sở chăm sóc sức khỏe nâng cao mà ARC triển khai đã hỗ trợ tạo ra của cải cho những chủ sở hữu bên ngoài Appalachia (Bishop M. L. 2012, tr.33-35).

4.2. Các động lực đô thị hóa của Trung Quốc 

Kể từ năm 1979, thực hiện cải cách mở cửa đến nay, tiến trình đô thị hóa Trung Quốc đã xác định các động lực chủ đạo sau: i) Giai đoạn phục hưng 1979-1996: lấy hệ thống Xí nghiệp Hương trấn làm các cực tăng trưởng để phục hưng đô thị nhỏ, dẫn đến sự bùng nổ của các thị trấn nhỏ thịnh vượng, đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế và đô thị hóa. Kết quả là dân số đô thị đã tăng từ 13% vào năm 1980 đến 21% vào năm 1995; ii) Giai đoạn chuyển tiếp 1996-2014: Trung Quốc chủ trương “tăng mức độ đô thị hóa”, lấy các thành phố lớn làm lợi thế về quy mô tăng trưởng; do nới lỏng kiểm soát hộ khẩu nên việc di cư từ nông thôn ra thành thị trở nên dễ dàng hơn và các lực lượng thị trường trở nên quan trọng trong việc định hình hệ thống đô thị. Đây là giai đoạn Trung Quốc chủ trương phát triển các Đặc khu Kinh tế vùng ven biển làm các cực tăng trưởng kinh tế và phát triển đô thị. Từ năm 2000 đến năm 2010, đã diễn ra làn sóng di cư nông thôn-thành thị vô cùng lớn, dân số đô thị tăng từ 459,06 triệu lên 669,78 triệu và tỷ lệ đô thị hóa của Trung Quốc tăng từ 36,22% lên 49,95% (Tôn Bân Đống, Vương Ngôn Ngôn, Trương Chí Cường 2016). iii) Giai đoạn thực hiện Kế hoạch Đô thị hóa Mới 2014 - 2030: Để đảm bảo tăng trưởng đô thị theo kế hoạch, nhiều chính sách và biện pháp quy hoạch đang được tiến hành. Dự kiến mức độ đô thị hóa của Trung Quốc (tức là tỷ lệ dân số sống ở khu vực thành thị) sẽ tăng từ 58,52% năm 2017 lên gần 70% vào năm 2030; kế hoạch này chủ trương xây dựng xã hội Trung Quốc trở thành một xã hội đô thị. Thay vì chỉ tập trung vào tăng trưởng kinh tế của các giai đoạn trước, Kế hoạch Đô thị hóa Mới Quốc gia nhấn mạnh phương châm “Đô thị hóa lấy người dân làm gốc”, giải quyết các vấn đề về công bằng xã hội, bình đẳng giới, công bằng, bình đẳng với người di cư, bảo vệ và phát triển môi trường, xây dựng lối sống đô thị hiện đại, đồng thời nhằm mục đích tích hợp bốn khía cạnh chính của quá trình sinh thái, chất lượng đô thị hóa, mở rộng nhu cầu trong nước và phối hợp nông thôn-đô thị. (Đảng Cộng sản Trung Quốc 2014; Tôn Bân Đống, Vương Ngôn Ngôn, Trương Chí Cường 2016). 

Ngoài ra cũng cần phải lưu ý đến các quá trình đô thị hóa các đô thị vừa và nhỏ ở Trung Quốc trên nhiều vùng khác nhau, đặc biệt là các vùng trong lục địa và miền núi, có điều kiện địa lý phần nào tương đồng với nhiều khu vực ở Việt Nam. Đối với loại hình đô thị này, các nhà xã hội học đô thị và các nhà quy hoạch đô thị Trung Quốc đã đúc rút được những nhân tố tạo động lực và các động lực chủ đạo sau: i) Trước hết, các nhân tố kinh tế xã hội, vật lý, khoảng cách, khả năng tiếp cận và yếu tố khu vực lân cận khác nhau đã tác động đáng kể đến quá trình đô thị hóa Trung Quốc. Nhìn chung, dân số, GDP tổng sản phẩm quốc nội, khoảng cách đến các vùng nước (hồ, sông, biển) và nhân tố đất đai vùng lân cận có mối gắn kết tích cực với quá trình đô thị hóa; trong khi độ cao, độ dốc, khoảng cách đến các đô thị trung tâm hoặc thành phố lớn và khoảng cách đến đường cao tốc hoặc quốc lộ có liên quan đáng kể đến quá trình đô thị hóa. (Thịnh Quảng Diệu 2009); ii) Thứ hai, các cơ chế thúc đẩy có xu hướng phức tạp hơn khi mức độ đô thị hóa ngày càng gia tăng. Các động lực bổ sung, chẳng hạn như nâng cấp cơ cấu công nghiệp, chính sách sử dụng đất và quy hoạch đô thị, có thể góp phần vào quá trình đô thị hóa vượt xa những giải thích thông thường. (Trình Tất Định 2005; Phương Sáng Lâm et al., 2018, tr.329-331); iii) Thứ ba, khi mức độ đô thị hóa tăng lên, các tác động hạn chế của điều kiện môi trường tự nhiên đối với việc mở rộng đô thị sẽ yếu đi. Khi công nghệ hiện đại phát triển, năng lực của con người trong việc chuyển đổi môi trường tự nhiên thành đất đô thị cũng không ngừng được nâng cao. Vì vậy, xã hội cần nhận thức được tầm quan trọng để mở rộng đô thị theo định hướng phát triển thân thiện với môi trường. (Lưu Ngọc, 2007); iv) Thứ tư, quá trình đô thị hóa ở Trung Quốc đã cho thấy mức độ không đồng nhất đáng kể về mặt không gian cả về tính năng động và các động lực. Hầu hết nhân tố động lực đều thể hiện sự thay đổi và khác biệt lớn theo không gian và thời gian. Các cơ chế thúc đẩy phát triển đô thị ở quy mô khu vực không nhất thiết phải tuân theo các cơ chế ở quy mô quốc gia. Điều này cho thấy cần phải tính đến sự khác biệt giữa các thời điểm và giữa các vùng khi xây dựng chính sách đô thị hóa ở Trung Quốc. (Phương Sáng Lâm et al., 2018, tr.329-331)

4.3. Các động lực đô thị hóa theo hướng đô thị thông minh của Thái Lan

Hiện nay, Thái Lan có chính sách phát triển đô thị thông minh theo định hướng kinh tế sáng tạo. Với sự hỗ trợ từ cả khu vực công và tư nhân, năm 2016, Hiệp hội Đô thị Thông minh Thái Lan được thành lập với vai trò là trung tâm điều phối trực tiếp trong lĩnh vực này. Khái niệm đô thị thông minh bao gồm 3 nhân tố: Vật lý; Kỹ thuật số; và Con người. (Iamtrakul, P. and Klaylee, J. (2019). Tất cả các nhân tố trên là cấu thành đô thị hóa theo hướng đô thị thông minh và bền vững với các động lực cụ thể sau: i) Thu hút người dân tham gia công việc quản trị phát triển đô thị: Công dân là trụ cột của một quốc gia, vì vậy quản trị có sự tham gia dân chủ của người dân nhằm cải thiện các chính sách của chính phủ cũng như huy động các ý tưởng từ cộng đồng để cải thiện đô thị. Quá trình tham gia còn mang lại cho công dân cơ hội thể hiện tài năng, sự sáng tạo của họ, tạo nền tảng cho sự tương tác giữa công dân và chính phủ, thúc đẩy dân chủ và hòa nhập xã hội; ii) Cung cấp dữ liệu mở để đảm bảo tính minh bạch: Dữ liệu mở phải được cung cấp miễn phí để sử dụng, tái sử dụng và phân phối lại mà không có bất kỳ hạn chế nào về mặt pháp lý, công nghệ hoặc xã hội. Dữ liệu mở giúp đảm bảo tính minh bạch giữa các hệ thống, thúc đẩy sự tham gia của người dân trong quản trị và cung cấp dịch vụ, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phối hợp giữa nhiều bên liên quan vì phúc lợi của người dân. Với dữ liệu mở, các cấp chính quyền có thể thúc đẩy việc thiết lập các dịch vụ và doanh nghiệp đột phá mang lại giá trị môi trường, kinh tế, xã hội. (Klaylee J. et al., 2020).

Thúc đẩy vai trò của khu vực tư nhân: Khu vực tư nhân luôn được coi là nguồn lực vô tận cho đổi mới và hiệu quả, các doanh nghiệp được kỳ vọng là người sử dụng các giải pháp và dịch vụ công nghệ tiên tiến mới trong nghiên cứu và triển khai để có thể nhân rộng và mở rộng quy mô phát triển đô thị thông minh trên toàn quốc. Quá trình đô thị hóa thông minh không chỉ huy động các tập đoàn lớn mà cả các công ty khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và các công ty địa phương nhằm kết nối và phát huy lợi thế cho cả doanh nghiệp và người dân thông qua chính sách PPP [Public-Private Partnership] Hợp tác Công-Tư. (Iamtrakul, P. and Klaylee, J. 2019); iii) Lồng ghép tất cả các hợp phần liên quan làm kim chỉ nam cho quy hoạch cơ bản: Phát triển đô thị công nghệ số; Đảm bảo tính tổng thể trong quy hoạch và quản trị đô thị theo hướng công nghệ số; Tăng cường tính sáng tạo trong việc quy hoạch và quản lý phát triển đô thị; Tích hợp tri thức liên ngành trong phát triển đô thị thông minh; Tăng cường quản lý đô thị cấp quận huyện để giảm thiểu các vấn đề toàn cầu, quốc gia, vùng và địa phương trong đời sống đô thị; Tăng cường năng lực thích ứng đô thị; Sẵn sàng cho sự thay đổi cơ sở hạ tầng đô thị bằng việc xác định giải pháp cho mọi lĩnh vực liên quan; Nâng cao trình độ phát triển cơ sở hạ tầng, thúc đẩy các hình thức phát triển mới cho đô thị thông minh. (Iamtrakul, P. and Klaylee, J., 2019; Klaylee J. et al., 2020).

4.4. Vai trò của các đô thị vừa và nhỏ ở Tiểu vùng Mê Kông Mở rộng

Tiểu vùng Sông Mekong Mở rộng (GMS - Greater Mekong Subzone) là khu vực địa lý nằm trong lưu vực sông Mekong, gồm có các quốc gia và vùng lãnh thổ sau: Việt Nam, Campuchia, Lào, Thái Lan, Myanmar, hai tỉnh Vân Nam và Quảng Tây của Trung Quốc. Từ năm 1992, với sự giúp đỡ của Ngân hàng Phát triển Châu Á, các quốc gia và lãnh thổ nói trên đã cùng nhau tiến hành các chương trình hợp tác phát triển kinh tế-xã hội, bảo vệ môi trường. Những phát triển đáng chú ý trong hơn hai thập kỷ qua bao gồm (i) tăng trưởng dân số nhanh chóng, trung bình 3% mỗi năm; (ii) sự phát triển của một hệ thống kinh tế và tài chính hội nhập hơn do quá trình toàn cầu hóa ngày càng gia tăng; (iii) hội nhập và kết nối khu vực lớn hơn phát sinh từ việc mở cửa biên giới, các thỏa thuận về di chuyển xuyên biên giới và nới lỏng các hạn chế xuyên biên giới cho phép thương mại và di chuyển hàng hóa và con người nhiều hơn; và gần đây là (iv) nhiều mô hình tăng trưởng đô thị mới xuất hiện tại GMS liên quan đến các đô thị vừa và nhỏ. (Florian, S.; Januar, H. 2016; Cao Hui et al., 2019) Các mô hình tăng trưởng đô thị GMS có: i) các thành phố lớn, hầu hết là thành phố thủ đô trong GMS, sẽ tiếp tục phát triển do tầm quan trọng lịch sử của chúng; (ii) các thị trấn, thị xã, thành phố vừa và nhỏ đang đô thị hóa nhanh chóng; và (iii) các loại hình mới nổi đặc biệt như thị trấn biên giới, thị trấn dọc hành lang kinh tế, thị trấn du lịch và cụm dân cư phi nông nghiệp xuất hiện ngày càng nhiều. (Cao Hui et al., 2019) Động lực cho các mô hình đô thị hóa dưới hình thức các đô thị vừa và nhỏ vùng GMS có các nhân tố sau: i) xu thế toàn cầu hóa và khu vực hóa; iii) nhu cầu địa phương thúc đẩy quá trình đô thị hóa; iv) tăng trưởng kinh tế thông qua thương mại; v) đầu tư cơ sở hạ tầng; vi) hợp tác khu vực; vii) chính sách phát triển đô thị của chính phủ; viii) thu hẹp khác biệt nông thôn - thành thị. (Florian, S.; Januar, H. 2016; Cao Hui et al., 2019)

Xu hướng dịch chuyển đô thị hóa đến các vùng trung gian giữa đồng bằng – trung du - miền núi – biên giới: sự di chuyển của các ngành công nghiệp diễn ra từ các khu vực đô thị cốt lõi đến các vùng ngoại vi do đất và giá thuê rẻ hơn. Trong quá trình này, hàng vạn ha đất nông nghiệp được chuyển đổi sang sử dụng cho đô thị mỗi năm. Ví dụ, quá trình phát triển đất ở Bangkok, TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội và Phnom Penh cũng như các khu vực lân cận đang diễn ra với tốc độ chưa từng có, vượt quá khả năng cung cấp các dịch vụ đô thị của chính quyền địa phương. (Florian, S.; Januar, H. 2016; Cao Hui et al., 2019) Các thành phố lớn tiềm ẩn rủi ro thiên tai vì: (i) sự phức tạp về mặt địa lý, khiến cơ sở hạ tầng giao thông vận tải hoạt động kém hiệu quả trong thời kỳ thiên tai; (ii) các yêu cầu về năng lượng và chất thải phát sinh có thể gây tác động tiêu cực; (iii) thường là các vùng trũng, thấp dễ bị ngập lụt; và (iv) các rủi ro xã hội do sự chênh lệch lớn về thu nhập và của cải ở Bangkok, TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội và Phnom Penh cũng là một trong nhiều động lực dịch chuyển đô thị đến vùng trung du, miền núi, biên giới. (Florian, S.; Januar, H. 2016; Cao Hui et al., 2019) Việc phát triển các đô thị nhỏ thành trung tâm tăng trưởng kinh tế và trung tâm dịch vụ cho đại bộ phận dân cư ở các vùng nông thôn xung quanh ngày càng trở nên quan trọng. Kể từ những năm 1990, người dân nông thôn ngày càng bị thu hút đến các trung tâm đô thị để tìm kiếm sinh kế tốt hơn. Xét về tỷ trọng trong GDP, tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm của khu vực công nghiệp (8%) và khu vực dịch vụ (6,2%) cao hơn so với khu vực nông nghiệp (5,3%), cho thấy năng suất cao hơn và cơ hội lớn hơn ở khu vực thành thị. Vì vậy đô thị hóa tại các vùng ngoại vi nhằm cải thiện điều kiện và môi trường đô thị là rất cần thiết để sức khỏe, năng suất và phúc lợi của người dân ngày một nâng lên. (Webster D., 2013; Cao Hui et al., 2019)

Các đô thị cỡ trung bình đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển quốc gia và xóa đói giảm nghèo vì chúng (i) cung cấp hàng hóa và dịch vụ công như y tế, giáo dục, quản trị và tư nhân như thương mại, vận tải và các hàng hóa cá nhân khác cho cả đô thị và nông thôn; (ii) tạo điều kiện tiếp cận các thị trường như hàng nông sản; (iii) cung cấp cơ hội việc làm và đầu tư để thu hút di cư lâu dài từ khu vực nông thôn; và (iv) đóng vai trò là điểm nút trong các mạng lưới tiếp thị rộng hơn và trong quá trình đó, định hướng nhu cầu từ bên ngoài khu vực. (Maneepong C. 2010) Các đô thị cỡ trung bình là giải pháp thay thế khả thi cho các khu vực đô thị quá tải, có khả năng dẫn đến mô hình đô thị hóa cân bằng hơn về mặt không gian và tính kinh tế về chi phí cơ sở hạ tầng bình quân đầu người, ít tốn kém hơn so với các thành phố rất lớn hoặc các đô thị quá nhỏ. Các đô thị nằm giữa vùng nông thôn chính là thị trường cho các sản phẩm nông nghiệp phục vụ cho nội vùng với tư các là thị trường trung tâm. Các đô thị đó đỏi hỏi phải được đầu tư cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực lớn để trở nên cạnh tranh hơn. Đó chính là những động lực khiến cho các đô thị cỡ trung bình trong GMS đang phát triển nhanh chóng. (Maneepong C. 2010; Cao Hui et al., 2019)  

5. Xây dựng Đô thị Động lực

5.1. Khái niệm Đô thị Động lực

Có thể coi việc xây dựng đô thị động lực là một tiến trình đô thị hóa từ một đô thị quy mô nhỏ, ít hiện đại hướng tới quy mô trung bình, hoặc rộng lớn hiện đại. Đây là một quá trình có kế hoạch, có quy hoạch, phù hợp với xu thế phát triển đô thị của vùng, quốc gia, khu vực và quốc tế. Xây dựng đô thị động lực là quá trình mở rộng và nâng cao vị trí, chức năng, vai trò, cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội đô thị; là quá trình tăng quy mô dân số, tăng mật độ dân số, tăng tỷ lệ lao động phi nông nghiệp; phát triển cơ sở hạ tầng, kiến trúc, cảnh quan đô thị lên cấp độ cao hơn, hiện đại hơn. Xây dựng đô thị động lực là quá trình năng động hóa các nguồn lực tại chỗ, thu hút các nguồn lực bên ngoài, tạo ra các quy mô kinh tế, các liên kết kinh tế và các ngoại tác kinh tế để hình thành các cực tăng trưởng, trung tâm tăng trưởng nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP), đóng góp tăng tổng sản phẩm quốc nội (GDP), tạo ra các tác động lan tỏa tăng trưởng đến các vùng xung quanh. Xây dựng đô thị động lực là kết hợp phát triển hài hòa giữa nông thôn và đô thị, giữa các lĩnh vực môi trường, kinh tế, xã hội, văn hóa, con người và thể chế; cải thiện và phát triển giáo dục, y tế, an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, đảm bảo quốc phòng, an ninh, xây dựng một xã hội đô thị theo định hướng đô thị sinh thái, đô thị thông minh. Xây dựng đô thị động lực là sự nghiệp chung của toàn dân trên cơ sở phát huy hiệu quả mọi nhân tố động lực nội sinh, kết hợp với các nhân tố động lực ngoại sinh nhằm kiến tạo đô thị hiện hữu trở thành một trung tâm tăng trưởng và phát triển, tạo thành một trong những điểm nút kết nối mạng đô thị của vùng.  

5.2. Xác định khung nhân tố động lực

Hiện nay có nhiều mô thức để xác định các loại hình động lực và các yếu tố động lực nội sinh chủ đạo để xây dựng đô thị động lực. Tuy nhiên từ kinh nghiệm quốc tế cho thấy việc xác định các động lực đô thị hóa loại đô thị có quy mô trung bình ở khu vực nội địa Trung Quốc và các quốc gia trong Tiểu vùng Mê Kông Mở rộng có nhiều điểm tương đồng mà Việt Nam có thể tham khảo. Đó là việc xác định nhóm các nhân tố tạo động lực và các động lực chủ yếu, bao gồm: 1) Nhóm nhân tố kinh tế: i) Tổng sản phẩm quốc nội (GDP)/ Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP); ii) Các nhóm ngành kinh tế (Nhóm I: nông nghiệp, khai khoáng, lâm nghiệp; Nhóm II: chế biến, chế tạo và xây dựng, sản xuất hàng hóa; Nhóm III: dịch vụ, bán lẻ, nhà hàng, tài chính, chăm sóc sức khỏe; Nhóm IV: nghiên cứu và phát triển (R&D), công nghệ thông tin, giáo dục, tư vấn); iii) Các cực tăng trưởng kinh tế (các trục TOD - Transit Oriented Development - gắn kết giao thông công cộng, tạo ra các khu đất vàng; là địa điểm tập trung các công ty; các ngành; các trung tâm tăng trưởng trong địa bàn); Các khu công nghiệp, các tập đoàn, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại địa bàn; Liên kết kinh tế giữa các cá nhân, đơn vị, công ty trong và ngoài địa bàn; iv) Phát triển nông nghiệp sinh thái trên địa bàn; v) Phát triển Công nghiệp văn hóa và Kinh tế di sản trên địa bàn (Các sản phẩm OCOP, Du lịch sinh thái, Du lịch di sản, Du lịch tâm linh). 2) Nhóm nhân tố xã hội: i) Dân số/ Dân cư; Lao động ii) Cân bằng, hài hòa Nông thôn – Đô thị; iii) Vốn xã hội/ Vốn văn hóa; Lối sống đô thị; iv) An sinh xã hội; Giáo dục, Y tế, Chất lượng sống; v) Xây dựng thương hiệu đô thị. 3) Nhóm nhân tố vật lý: i) Độ cao của vùng đô thị hóa; ii) Độ dốc của vùng đô thị hóa; iii) Nguy cơ lụt lội của vùng đô thị hóa; iv) Đa dạng địa hình địa mạo là cơ sở cho đa dạng loại hình kinh tế/xã hội. 4) Nhóm nhân tố khoảng cách: i) Khoảng cách đến sân bay; ii) Khoảng cách đến bến cảng; iii) Khoảng cách đến các tuyến đường chính; iv) Khoảng cách đến các trung tâm (các huyện, tỉnh, thành phố lớn); v) Khoảng cách đến các vùng nước (hồ, sông, biển). 5) Nhóm nhân tố đất đai khu vực lân cận: i) Tỷ lệ đất đô thị khu vực xung quanh; ii) Tỷ lệ đất chưa phát triển (ví dụ đất nông nghiệp và rừng) ở khu vực xung quanh; iii) Chất lượng đất; iv) Lớp phủ của đất; v) Việc sử dụng đất.

5.3. Xác định nhóm nhân tố động lực chính sách

Một trong những nguồn lực chủ chốt quyết định thành công của sự nghiệp xây dựng đô thị động lực chính là hệ thống chính sách từ Trung ương đến địa phương. Nguồn lực này bao gồm các nhóm nhân tố sau:  

5.3.1. Chủ trương, chính sách phát triển đô thị

Chủ trương của Nhà nước: i) Đô thị hoá là tất yếu khách quan, là một động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững trong thời gian tới; quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững theo hướng đô thị xanh, văn minh, giàu bản sắc và có tính tiên phong, dẫn dắt các hoạt động đổi mới sáng tạo, trở thành động lực phát triển; Lấy con người và chất lượng cuộc sống làm trung tâm; văn hóa và văn minh đô thị làm nền tảng phát triển; kết hợp hài hoà giữa quá trình đô thị hoá, phát triển đô thị với công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng nông thôn mới và cơ cấu lại nền kinh tế, quản lý phát triển xã hội, bảo đảm kiến trúc đô thị hiện đại, giàu bản sắc, các yếu tố văn hóa đặc trưng được giữ gìn và phát huy; ii) Phát triển mạnh mẽ liên kết ngành, liên kết vùng và lợi thế kết nối đa chiều của các đô thị; chú trọng tổ chức lại đời sống dân cư và phát triển kinh tế trong quá trình tái thiết và phát triển đô thị; bảo đảm chất lượng sống tại đô thị ở mức cao, đáp ứng cơ bản nhu cầu về nhà ở và hạ tầng xã hội cho dân cư đô thị. Iii) Phát triển hệ thống đô thị bền vững theo mạng lưới, thống nhất, cân đối giữa các vùng, miền; phát triển các đô thị theo hướng đô thị xanh, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai và dịch bệnh; bảo đảm tính kết nối cao giữa các đô thị trực thuộc Trung ương, đô thị trung tâm cấp quốc gia với đô thị vùng và khu vực nông thôn. Lựa chọn các đô thị có lợi thế đặc biệt để xây dựng thành các trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, dịch vụ. (Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam 2022)

5.3.2. Chương trình Nông thôn mới

Mục tiêu của Chương trình Nông thôn mới là xây dựng nông thôn có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước hiện đại, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn dân chủ, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; môi trường sinh thái được bảo vệ; an ninh trật tự được giữ vững; đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao. Trong thực chất việc đạt được các tiêu chí của Chương trình Nông thôn mới chính là từng bước đặt nền móng cho quá trình đô thị hóa nông thôn, tiến tới xây dựng mạng lưới đô thị và xã hội đô thị Việt Nam. Vì vậy quá trình xây dựng đô thị động lực có mối gắn kết hữu cơ và được thừa hưởng rất nhiều thành quả từ động lực xây dựng nông thôn mới trên toàn bộ một vùng, trong đó có nhóm động lực chính sách Nông thôn mới sau đây: i) Quyết định số 800/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 – 2020; ii) Quyết định số 1980/QĐ-TTG ngày 17 tháng 10 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ: Về việc ban hành Bộ tiêu chí Quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016 – 2020; iii) Quyết định số 318/QĐ-TTG ngày 08 tháng 3 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ: Ban hành Bộ tiêu chí Quốc gia về xã nông thôn mới và Bộ tiêu chí Quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 – 2025; iv) Quyết định số 320/QĐ-TTG ngày 08 tháng 3 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ: Ban hành Bộ tiêu chí Quốc gia về Huyện nông thôn mới; Quy định Thị xã, thành phố trực thuộc cấp tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và Bộ tiêu chí Quốc gia về Huyện nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 – 2025; v) Quyết định số 922/QĐ-TTg ngày 02-08-2022 của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025; vi) Quyết định số 919/QĐ-TTg ngày 01/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2021-2025; vii) Quyết định số 148/QĐ-TTg ngày 24/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ: Về việc ban hành Bộ tiêu chí và quy định đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm.

5.4. Nhu cầu xây dựng đô thị động lực 

Ngày nay đô thị hóa đã trở thành xu hướng tất yếu của quốc gia, khu vực và toàn cầu. Đối với các quốc gia đang phát triển như Việt Nam, xây dựng đô thị động lực hàm nghĩa xu hướng phát triển đô thị phải cân bằng giữa động lực tăng trưởng kinh tế và động lực phát triển cân bằng giữa thành thị và nông thôn; hài hòa giữa các lĩnh vực môi trường, xã hội, văn hóa, con người và thể chế. Ngoài tuyến đô thị nội địa và ven biển, Việt Nam có thể hình thành chuỗi đô thị động lực thứ ba dựa trên cơ sở sinh thái văn hóa theo tuyến biên giới: i): Móng Cái - Lạng Sơn - Cao Bằng - Hà Giang – Lào Cai – Điện Biên - Lai Châu – Sơn La – Hòa Bình – Tây Thanh Hóa – Tây Nghệ An – Tây Quảng Bình – Tây Quảng Trị - Tây Quảng Nam – Kon Tum – Gia Lai – Đak Lak – Đak Nông – Đà Lạt – đến Hà Tiên – Phú Quốc. Tuy nhiên, đối với các quốc gia đã công nghiệp hóa, đã hiện đại hóa thì nhu cầu hàng đầu của phát triển đô thị là phát triển các khu vực, các lĩnh vực dịch vụ cải thiện môi trường, cải thiện điều kiện sống, nâng cao chất lượng sống của con người. Trong khi đó, với bối cảnh của một quốc gia đang phát triển, trong điều kiện của một khu vực chủ yếu là nông nghiệp, nông thôn và nông dân thì nhu cầu hàng đầu của đô thị hóa Việt Nam lại là động lực tăng trưởng kinh tế thông qua con đường tất yếu là công nghiệp hóa và hiện đại hóa. Như vậy việc đáp ứng được nhu cầu tăng trưởng kinh tế, nhu cầu công nghiệp hóa, nhu cầu hiện đại hóa trở thành điều kiện, trở thành tiền đề và trở thành động lực để đô thị hóa hướng tới thực hiện mục tiêu phát triển cao hơn, nhằm xây dựng mạng đô thị Việt Nam phát triển hài hòa, thực sự lấy con người, chất lượng sống và văn hóa làm trung tâm.

________________________________________

Tài liệu dẫn

Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (2022). Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ  Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030,  tầm nhìn đến năm 2045. Hà Nội 2022.

Bishop, M. Laurence (2012). Appalachian Regional Commission: An Empirical Assessment. Dissertation of Doctor of Phillosophy, The University of Georgia, USA.

Cao Hui et al., (2019). Spatiotemporal Patterns of Urban Land Use Change in Typical Cities in the Greater Mekong Subregion (GMS), In Remote Sens. 2019, 11, 801.

Florian, S.; Januar, H. (2016). Urban Development and Urbanization in the Greater Mekong Subregion, ADB: Mandaluyong City, Philippines, 2016.

Friedmann, JR. 1966. Regional Development Policy – A Case Study of Venezuela. MIT Press, Cambridge.

Friedmann, JR 1967. A General Theory of Polarized Development, mimeo, Santiago, Chile, August.

Friedmann, JR (1968). The Role of Cities in National Development, mimeo, Santiago, Chile, February.

Iamtrakul, P. and Klaylee, J. (2019). Lesson Learns of Success factors from 10 Smart Cities Development: Thailand Context, In The First International Conference on Smart Technology & Urban Development (STUD 2019), 13-14 December 2019, Chiang mai, Thailand.

Klaylee, Jirawan et al.  (2020). Driving Factors of Smart City Development in Thailand. In ICUE 2020 on Energy, Environment, and Climate Change Asian Institute of Technology, Thailand. 20 – 22 October 2020.

Lopez R., and H. P. Hynes (2003). Sprawl In The 1990s: Measurement, Distribution, and Trends, Urban Affairs Review, vol. 38, no. 3, pp. 325–355, Jan. 2003.

Lorek, Maria (2015).  Des pôles de croissance vers des systèmes d'innovation territorialises dans une « nouvelle » économie de marche : le cas de Gdansk (Pologne). Dans Marché et organisations 2015/1 (N° 22), pages 35 à 61.

Maneepong C. (2010). Dynamics of Cross Border Industrial Development in Mekong Sub-region: A Case Study of Thailand. Saarbrucken: Lambert.

Oberai A. S. 1993. Population growth, employment and poverty in thirdworld mega-cities: analytical and policy issues. New York: St. Martin's Press, xv-224 p.

Perroux, François (1955). Note sur la notion de pole de croissance? In Économie appliquée Année 1955,  pp. 307-320.

Perroux, François (1967). Note sur la ville considérée comme pôle de développement et comme foyer du progress. In Revue Tiers Monde Année 1967, No. 32, pp. 1147-1158.

Peterson George E., G. Thomas Kingsley and Jeffrey P. Telgarsky 1991. Rethinking the Role of Urban Areas in National Economic Development. In Urban Economies and National Development, editedby George E. Peterson, G. Thomas Kingsley and Jeffrey P. Telgarsky, Policy Research Series, USAID Washington, D. C., 1991, Chapter 1, pp. 5-21.

Satterthwaite D., Gordon McGranahan, and Cecilia Tacoli (2010). Urbanization and its implications for food and farming. In Philosophical Transactions of the Royal Society B: Biological Sciences. Volume 365(1554); 2010 Sep 27.

Siddharta, K and S.Mukherjee (1996). Cities, Urbanization and Urban Systems, Tran- world Media and Communication, New Delhi.

Tacoli, Cecilia (1998). Rural-urban interactions: a guide to the literature. In Environment and Urbanization, Vol. 10, No. 1, April 1998.

Trivedi, J.K.Sareen, H and Dyani, M (2008). Rapid Urbanization- Its impact on Mental health: A South Asian Prospective, In Indian Journal of Psychiatry, vol.50 (3), July-September.

United Nations Centre for Human Settlements (Habitat) (1992). Multilingual Glossary of Human Settlements Term, Nairobi 1992.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (2016). Nghị quyết Số 1210/2016/UBTVQH13 về Phân loại đô thị, Hà Nội, ngày 25 tháng 05 năm 2016.

Văn phòng Quốc hội (2015). Số: 01/VBHN-VPQH Luật Quy hoạch Đô thị, Hà Nội ngày 20 tháng 7 năm 2015.

Văn phòng Quốc hội (2022). Số:18/VBHN-VPQH Nghị quyết về Phân loại Đô thị, Hà Nội năm 2022. 

Williamson J.G. 1991. The Macroeconomic Dimensions of City Growth in Developing Countries: Past, Present and Future. In Proceedings of the World Bank Annual Conference on Development Economics, 1991, 1992, pp. 241-266.

Wood, L.E., (2001). From theory to implementation: an analysis of the Appalachian Regional Commission’s growth center policy. Environ. Plan. 33, 551–566.

Wood, L.E., 2006. The State and Regional Development: A Case Study of the Appalachian Regional Commission. Ph. D. Thesis, College of Earth and Mineral Sciences, The Pennsylvania State University, State College, PA.  

Tiếng Trung Quốc

中国共2014.国家新型城2014-2020.中国共党中央委会、国(Đảng Cộng sản Trung Quốc (2014). Kế hoạch Đô thị hóa Mới Quốc gia (2014-2020), Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Hội đồng Nhà nước).  

刘玉:《中国城市化展的若干区域特性与矛盾差异》,《城市划学刊》2007 年第 2 期。(Lưu Ngọc (2007): Một số đặc điểm khu vực và sự khác biệt mâu thuẫn trong quá trình phát triển đô thị hóa của Trung Quốc, Trong Thành thị Tạp chí Quy hoạch Thành phố, số 2, 2007.) 

琳,超,黄金川,李广 (2018). 中国城展的地理学献与任使命.地理科学, 2018, 38(3):321-331. Phương Sáng Lâm, Bào Siêu, Hoàng Kim Xuyên, Lý Quảng Đông (2018). (Sứ mệnh đóng góp và trách nhiệm của địa lý học trong quá trình phát triển đô thị hóa ở Trung Quốc). Địa lí Khoa học, 2018, 38(3):321-331 

盛广耀:《中国城市化模式的转变与反思》,经济纵横》2009 年第 9 (Thịnh Quảng Diệu (2009). Chuyển đổi và phản ánh mô hình đô thị hóa của Trung Quốc, Trong Kinh tế Tung Hoành, Số 9, 2009.) 

程必定:《以城市导统筹区域经济协调发展》,《学 2005年第1. (Trình Tất Định (2005). Lấy Thành phố làm đầu tàu để điều phối sự phát triển phối hợp của nền kinh tế khu vực, Trong Học tập và Thực hành, 2005 Số 1.)

,王言言,,李琬 (2016).中国城市模分布的形和演化与城市增模式——基于Zipf定律与Gibrat定律的分析.际经济与金融评论. (Tôn Bân Đống, Vương Ngôn Ngôn, Trương Chí Cường (2016). Hình thái và sự phát triển của mô hình phân bố quy mô đô thị và tăng trưởng đô thị của Trung Quốc - Phân tích dựa trên định luật Zipf và Gibrat. Trong Tạp chí Kinh tế và Tài chính Quốc tế.)