Powered By Blogger

Chủ Nhật, 7 tháng 11, 2021

Di sản trong bối cảnh kinh tế kỹ thuật số

Hà Hữu Nga

Mở đầu

Ngay từ thời tiền sử con người đã làm biến đổi chất liệu đá, gỗ, xương, rồi đến kim loại để làm nên cuộc cách mạng công nghệ đầu tiên - và theo biến hệ Kuhn, người ta coi đây là siêu hệ mẫu (metaparadigm) thứ nhất trong quá trình phát triển của nhân loại. Siêu hệ mẫu thứ hai là cuộc cách mạng công nghiệp, nổi bật với vai trò động lực của hơi nước, các năng lượng đốt cháy và điện năng. Giờ đây chúng ta đang sống trong thời đại siêu hệ mẫu thứ ba của công nghệ kỹ thuật số, với đặc trưng nổi bật là tính kết nối rộng khắp của thông tin và trí tuệ nhân tạo; động lực tạo thành trào lưu này chính là quá trình biến đổi thông tin (Hilbert 2020, tr.191). Nó bắt đầu với sự gia tăng của truyền thông, lưu trữ dữ liệu và các thuật toán (Shannon 1948, tr.420), nhằm tạo ra các quy trình tự động để chuyển đổi thông tin hiện có thành tri thức có thể hành động, chính vì vậy mà nó được gọi bằng nhiều cái tên khác nhau như xã hội thông tin, thời đại thông tin, nền kinh tế thông tin, và nền kinh tế số (Tapscott, 1995). Với hàng tỷ kết nối trực tuyến hàng ngày giữa mọi người, doanh nghiệp, thiết bị, dữ liệu và quy trình, thông qua Internet, công nghệ di động và Internet vạn vật (IoT), càng ngày, nền kinh tế số càng đan xen và cuốn theo mọi yếu tố của nền kinh tế truyền thống, trong đó đương nhiên bao gồm cả lĩnh vực kinh tế di sản.

1. Khái lược quá trình phát triển kinh tế số

Lịch sử kinh tế số bắt đầu với việc thương mại hóa các công nghệ được phát triển trong Thế chiến II. Những chiếc máy tính đầu tiên tập trung vào tính toán nhanh chóng nhưng lại có ít khả năng lưu trữ và truy xuất thông tin. Vào đầu những năm 1950, bộ nhớ lõi từ cho phép lưu trữ thông tin kỹ thuật số hiệu quả và có lẽ lần đầu tiên việc thể hiện thông tin bằng số nhị phân dùng bit làm đơn vị đã giúp tạo ra chi phí tái tạo thông tin biên thấp hơn. Dần dần, công nghệ lưu trữ, phần mềm và phần cứng được cải thiện để việc xử lý và tái tạo thông tin trở nên phổ biến góp phần thúc đẩy các ngành công nghiệp phần mềm và phần cứng phát triển nhanh chóng (Ceruzzi, 2003). Lúc đầu, giao tiếp hạn chế giữa các máy tính đã không phát huy được tác dụng đáng kể đối với nền kinh tế. Nhưng sự phát triển của internet và cùng với nó, giao tiếp máy tính với máy tính với chi phí thấp, phục vụ cho thương mại, việc thể hiện thông tin theo từng bit bắt đầu có tác động có thể đo lường được trên nhiều thị trường (Greenstein, 2015). Quá trình này được xây dựng dựa trên những phát minh quan trọng của quân đội Hoa Kỳ trong những năm 1960 - 1970 (Greenstein, 2015). Ví dụ, DARPA (Defense Advanced Research Projects Agency – Cục Dự án Quốc phòng Tiên tiến) tài trợ cho phát minh chuyển gói chia nhỏ một thông báo dài thành các thông báo ngắn hơn có thể được gửi qua mạng và sau đó được tập hợp lại khi nhận. Các nghiên cứu này cũng đã phát triển các tiêu chuẩn chuyển gói cụ thể xác định giao tiếp internet: Giao thức Điều khiển Truyền dữ liệu Internet (TCP/IP). Vào những năm 1980, Tổ chức Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ (NSF - National Science Foundation) bắt đầu quản lý một mạng sử dụng giao thức đó và xây dựng một cơ sở hạ tầng đáng tin cậy tương đối dễ áp ​​dụng nhưng cũng chỉ giới hạn cho các nhà nghiên cứu.

Quá trình tư nhân hóa diễn ra từ năm 1990 đến 1995, dẫn đến Internet thương mại hiện đại lan truyền nhanh chóng, với vai trò đặc biệt quan trọng của các trường đại học (Goldfarb, 2006). Theo thời gian, các công nghệ mới đã được xếp lớp trên Giao thức Điều khiển Truyền dữ liệu internet (ICP/IP) bao gồm trình duyệt, công cụ tìm kiếm, mua sắm trực tuyến, mạng xã hội, giao thức truyền thông di động, tiêu chuẩn bảo mật, hệ thống quản lý quan hệ khách hàng, v.v… Trong khoảng thời gian 2000 - 2010, sự kế thừa của các công nghệ thông tin và truyền thông mới (ICTs) đã lan tỏa và tạo cơ sở cho sự thay đổi kinh tế. Xuất hiện hàng loạt thiết bị mới cho người dùng cuối như điện thoại di động, điện thoại thông minh, máy tính bảng, netbook, máy tính xách tay, máy in 3D; các mô hình kỹ thuật số mới như điện toán đám mây, nền tảng kỹ thuật số, dịch vụ kỹ thuật số; cường độ sử dụng dữ liệu ngày càng tăng thông qua việc lan truyền dữ liệu lớn, phân tích dữ liệu và ra quyết định theo thuật toán; và các công nghệ robot và tự động hóa mới (OECD, 2015). Phát sinh từ các công nghệ này là một tập hợp các khả ứng kỹ thuật số (digital affordances): các hành động tiềm năng mà một cá nhân hoặc tổ chức có mục đích có thể thực hiện với một hệ thống kỹ thuật số trong bối cảnh môi trường mà chúng hoạt động. Chúng bao gồm quá trình dữ liệu hóa: mở rộng các hiện tượng mà dữ liệu được lưu giữ; số hóa: chuyển đổi tất cả các phần của chuỗi giá trị thông tin từ tương tự sang kỹ thuật số; ảo hóa: tách rời vật lý các quy trình; và tính tạo sinh: sử dụng dữ liệu và công nghệ bằng những cách thức không được lên kế hoạch lúc khởi đầu của chúng thông qua tái lập trình và tái tổ hợp. (Heeks, 2016) Tác động của bất kỳ công nghệ nào cũng có thể được hiểu là sản phẩm của quy mô khuyếch tán và chiều sâu của hiệu ứng (Handel 2015).

Với sự lan tỏa nhanh chóng - kể cả ở các nước đang phát triển - và hiệu ứng ngày càng sâu rộng với các khả ứng ngày càng mạnh mẽ, tác động của công nghệ kỹ thuật số đối với nền kinh tế đang gia tăng nhanh chóng. Người ta cho rằng tác động đó có thể là sự phá vỡ các quy trình, hệ thống và lĩnh vực kinh tế hiện có, tái định hình hành vi tiêu dùng hiện tại, cũng như các tương tác và mô hình kinh doanh (Dahlman et al. 2016). Nó cũng còn được coi là sự xuất hiện của các quá trình, hệ thống và lĩnh vực kinh tế mới. Trong các lĩnh vực riêng lẻ, có thể thấy rõ qua sự chi phối của các loại hình thể chế kinh tế mới dưới dạng các công ty: Uber - công ty “taxi” lớn nhất thế giới, Facebook - công ty truyền thông phổ biến nhất thế giới, Alibaba - nhà bán lẻ lớn nhất và có giá trị nhất thế giới, và Airbnb - “khách sạn lớn nhất thế giới”. Và các mô hình kinh doanh mới đang chiếm ưu thế trong cuộc tranh luận ngay cả khi chưa phải là các thực tế kinh tế: ví dụ như khái niệm “Công nghiệp 4.0” (Bukht R. & R. Heeks, 2018). Bên cạnh đó là nhiều loại công nghệ khác nhau đã cho phép tăng cường thu thập và sử dụng dữ liệu, thúc đẩy kinh tế học kỹ thuật số khám phá cách thức mà các mô hình kinh tế chuẩn thay đổi khi các khoản chi phí giảm xuống đáng kể. Chính vì vậy mới đây đã có đề xuất phân thành 5 loại thay đổi chi phí giúp kinh tế số có những bước phát triển mạnh mẽ tiếp theo: i) Giảm chi phí tìm kiếm thông tin: Chi phí tìm kiếm thấp hơn trong môi trường kỹ thuật số, bằng cách mở rộng phạm vi và chất lượng tìm kiếm tiềm năng; ii) Giảm chi phí nhân rộng: Hàng hóa kỹ thuật số có thể được nhân rộng với chi phí bằng không, có nghĩa là chúng thường không có đối thủ; iii) Giảm chi phí vận chuyển: Vai trò của khoảng cách địa lý thay đổi khi chi phí vận chuyển hàng hóa và thông tin kỹ thuật số xấp xỉ bằng không; iv) Giảm chi phí theo dõi: Công nghệ kỹ thuật số giúp dễ dàng theo dõi hành vi của bất kỳ cá nhân nào; và v) Giảm chi phí xác minh: Cuối cùng, xác minh kỹ thuật số có thể giúp dễ dàng xác minh danh tiếng và độ tin cậy của bất kỳ cá nhân, công ty hoặc tổ chức nào trong nền kinh tế kỹ thuật số (Goldfarb A., and C. Tuckery 2017, tr.4).

2. Nội hàm và đặc trưng của kinh tế kỹ thuật số

2.1. Nội hàm khái niệm kinh tế kỹ thuật số

Cho đến nay đã có hàng trăm định nghĩa về kinh tế kỹ thuật số và kinh tế số hóa. Một trong những định nghĩa tương đối sớm và rõ ràng, chủ yếu tập trung vào cách thức xuất hiện của các hiện tượng thương mại điện tử và kinh doanh điện tử cho rằng “Kinh tế kỹ thuật số có ba thành phần chính: i) Cơ sở hạ tầng thương mại điện tử đại diện cho tỷ trọng tổng thể của hệ thống kinh tế được sử dụng để hỗ trợ các quy trình kinh doanh điện tử và làm nền tảng cho hoạt động kinh doanh điện tử; ii) Kinh doanh điện tử đại diện cho quá trình tổ chức trên các mạng dựa vào máy tính; iii) Thương mại điện tử đại diện cho giá trị của các dịch vụ và sản phẩm được bán qua mạng có sự hỗ trợ của máy tính.” (Daoud F., 2000). Một định nghĩa mới đây, nhấn mạnh về năng lực của kinh tế số hóa trong việc mang lại tăng trưởng bền vững và bao trùm; tuy nhiên, chỉ chủ yếu xem xét các hệ thống và trình kích hoạt chủ chốt: “Kinh tế số hóa đại diện cho sự kết hợp của các sáng kiến ​​có mục đích chung khác nhau cùng các hành động kinh tế và xã hội trên phạm vi rộng và các sáng kiến ​​liên quan. Nó tích hợp các hệ thống vật lý, trong đó các khu vực kinh tế số hóa tập trung vào các bộ định tuyến, đường truyền và băng thông rộng, các thiết bị được sử dụng cho khả năng truy cập (điện thoại thông minh và máy tính), các ứng dụng mà chúng cấp nguồn như Salesforce và Google; và các chức năng mà chúng có thể cung cấp như công nghệ thông tin, điện toán đám mây và phân tích dữ liệu” (BBez A. and Y. Brauner, 2018). Một định nghĩa cập nhật khác chủ yếu quan tâm đến phân đoạn chính của các chuyển đổi kỹ thuật số, tương lai của việc làm, trải nghiệm của khách hàng, cùng mạng cung cấp kỹ thuật số,Internet Vạn vật coi hoạt động kinh tế kỹ thuật số “là kết quả của các kết nối trực tuyến khổng lồ từ các quy trình, dữ liệu, thiết bị, doanh nghiệp và con người. Xương sống của nền kinh tế số hóa đại diện cho siêu kết nối thể hiện sự kết nối đang phát triển của các cá nhân, máy móc và tổ chức, dựa trên web, công nghệ di động và (IoT) Internet Vạn vật (Patterson R., 2018). 

Hầu hết các định nghĩa đều thừa nhận rằng các sáng kiến về một hình thức ​​số hóa nào đó chính là cơ sở của nền kinh tế kỹ thuật số. Tuy nhiên, một số ít người đã chỉ rõ việc tạo ra các sáng kiến ​​này và liên quan đến các dịch vụ chính như một phân khúc và cốt lõi của nền kinh tế số hóa. Do đó, người ta thường coi hình thức chính yếu này là phân khúc kỹ thuật số, hay còn gọi là phân khúc Công nghệ Thông tin Truyền thông. Tuy nhiên, người ta vẫn thường đưa ra định nghĩa dựa trên việc áp dụng định nghĩa của OECD về ngành Công nghệ Thông tin Truyền thông lần đầu tiên được thừa nhận vào cuối những năm 1990, tức là sự liên kết giữa các ngành dịch vụ và sản xuất, trong đó hiển thị, truyền và thu thập dữ liệu dưới dạng điện tử  (OECD 2018). Điều này hiện được đề cập trong mã ISIC code (rev 4) (Phân loại Tiêu chuẩn Công nghiệp Quốc tế về Tất cả các Hoạt động Kinh tế (ISIC) (phiên bản 4) mã ‘26’ cho sản phẩm điện tử, quang học và sản xuất hệ thống máy tính. Mã 582, được xem xét để xuất bản phần mềm; mã 61 cho viễn thông; mã 62 cho lập trình máy tính, tư vấn và các hoạt động; và mã 63 cho các hoạt động dịch vụ dữ liệu. Cụ thể là: i) Hàng hóa: Sự ra đời của các hàng hóa tiêu dùng của công nghệ thông tin, ví dụ: phần cứng máy tính và viễn thông kỹ thuật số, bao gồm cả hàng hóa của nhà sản xuất công nghệ thông tin truyền thông; bao gồm tư liệu sản xuất như máy móc tự động để sản xuất máy tính cá nhân và hàng hóa trung gian như trình điều khiển DVD, ổ đĩa cứng, bảng mạch chính và chip được sử dụng trong sản xuất máy tính; ii) Phần mềm: Tiếp thị, sản xuất, thiết kế, v.v. Phần mềm tùy chỉnh và đóng gói; iii) Cơ sở hạ tầng: Hoạt động và phát triển của cơ sở hạ tầng mạng ảnh hưởng; cả các dịch vụ mạng viễn thông chức năng và mạng giá trị gia tăng; iv) Dịch vụ: Các dịch vụ chuyên gia không được xem xét trong các lớp khác, ví dụ: dịch vụ kỹ thuật, đào tạo và tư vấn; v) Bán lẻ: Phân phối, bán lại và bán phần mềm công nghệ thông tin, cơ sở hạ tầng và hàng hóa, bao gồm cả các dịch vụ liên quan; vi) Nội dung: Sản xuất và cung cấp nội dung thông tin tích hợp số hóa và xử lý tại văn phòng hỗ trợ (Williams L.D., 2021, tr.126).

Tóm lại, việc phân tích các định nghĩa về kinh tế kỹ thuật số, có thể xác định một số quan điểm khác nhau như sau: i) Quan điểm về nguồn lực: có thể thấy rõ ở góc độ công nghệ với nhiều định nghĩa xác định các công nghệ làm cơ sở cho  sự hình thành của nền kinh tế kỹ thuật số; nhưng một số định nghĩa lại bao gồm cả quan điểm nội dung thường liên quan đến việc xử lý dữ liệu hoặc thông tin (Brynjolfsson & Kahin, 2000) và quan điểm nguồn nhân lực kết hợp kiến ​​thức, sự sáng tạo hoặc kỹ năng của con người được các công nghệ thông tin truyền thông hỗ trợ (Tapscott, 1995); ii) Quan điểm Quy trình / Lưu lượng: nhiều định nghĩa đề cập đến việc sử dụng các công nghệ để hỗ trợ các quy trình kinh doanh cụ thể như giao dịch / thương mại (Kling & Lamb 2000, Mesenbourg, 2001), trong khi một số ít thừa nhận các luồng dữ liệu hoặc thông tin mới được các công nghệ thông tin truyền thông kích hoạt (Lane 1999). Điều đó bao gồm cả những thay đổi đối với các quy trình đang diễn ra (Bahl 2016); iii) Quan điểm cấu trúc: có thể khá bao quát khi nói về chuyển đổi kinh tế (Brynjolfsson & Kahin, 2000) hoặc cụ thể hơn trong việc xác định các cấu trúc dựa trên web / mạng mới nổi lên như một phần của nền kinh tế kỹ thuật số (European Parliament, 2015); iv) Quan điểm Mô hình Kinh doanh: nằm giữa quan điểm quy trình và cấu trúc, là một vài định nghĩa mang lại ý tưởng về các mô hình kinh doanh mới đang được kích hoạt, ví dụ: những đề cập đến kinh doanh điện tử hoặc thương mại điện tử (Mesenbourg, 2001) hoặc các nền tảng kỹ thuật số (European Parliament, 2015); v) Quan điểm về Tính mới, Tính cấp thiết, Tính nhất thiết: Trong các định nghĩa và các thảo luận liên quan, người ta liên tục đề cập đến tính mới và sự thay đổi liên quan đến nền kinh tế kỹ thuật số: công nghệ mới, các hình thức tổ chức mới, mô hình kinh doanh mới, cấu trúc mới tiềm ẩn bên trong các giá trị và chuẩn mực mới này. Đặc biệt là tính cấp bách xuất phát từ các công ty tư vấn, và nhiều chủ thể khác nữa về việc cần hành động ngay bây giờ để đưa ra các chiến lược kinh doanh mới và các chính sách mới của chính phủ (Bukht R. & R. Heeks, 2018).

2.2. Một vài đặc trưng của kinh tế kỹ thuật số

Mặc dù thiếu các biện pháp kinh tế kỹ thuật số trực tiếp, nhưng các nhà nghiên cứu vẫn có thể chỉ ra một số đặc trưng nổi bật của nền kinh tế kỹ thuật số từ dữ liệu có sẵn như sau (Bukht R. & R. Heeks, 2018): i) Nền kinh tế kỹ thuật số phân bổ không đồng đều: Về phương diện địa lý, có thể thấy tình trạng phân bố không đồng đều giữa Bán cầu Bắc và Bán cầu Nam: tỷ trọng GDP của nền kinh tế Internet ở châu Phi thấp hơn nhiều so với các nhóm quốc gia khác, chỉ 1,1% (Manyika và cộng sự 2013). Tương tự như vậy, 3/4 thương mại điện tử toàn cầu do Mỹ, Anh, Nhật Bản và Trung Quốc nắm giữ. Ngoài ra còn có sự phân bố không đồng đều giữa các khu vực. Ví dụ: Hoa Kỳ thống trị lĩnh vực kỹ thuật số của khu vực Bán cầu Bắc, chiếm khoảng 1/4 tổng số toàn cầu. Ở Bán cầu Nam các quốc gia lãnh đạo nền kinh tế kỹ thuật số bao gồm Ấn Độ với hơn 7% GDP ước tính từ lĩnh vực công nghệ thông tin (Nasscom 2016), Philippines cũng hơn 7% GDP ước tính từ lĩnh vực BPO (Business Process Outsourcing) - thuê ngoài quy trình kinh doanh (Chang et al. 2016); ii) Kinh tế kỹ thuật số tăng trưởng nhanh hơn toàn bộ các loại hình kinh tế nói chung, đặc biệt là ở Bán cầu Nam. Dữ liệu của Ngân hàng Thế giới ước tính rằng công nghệ thông tin truyền thông chiếm 17% tăng trưởng GDP ở các nước đang phát triển trong mười năm trước (WB 2016). Tốc độ tăng trưởng kinh tế kỹ thuật số ở mọi nơi đều nhanh hơn tốc độ tăng trưởng tổng thể nền kinh tế, và đặc biệt cao ở Bán cầu Nam. Ví dụ, loại hình kinh tế Internet ở các nước G20 được cho là “tăng trưởng 10% một năm - nhanh hơn đáng kể so với tổng thể các loại hình kinh tế của các nước G20 nói chung. Mức tăng trưởng thậm chí còn cao hơn ở các nền kinh tế đang phát triển, ở mức 15-25% hàng năm” (WEF 2015); iii) Nền kinh tế kỹ thuật số đóng góp đáng kể vào việc làm: năm 2014 có hơn 3 triệu lao động được tuyển dụng trực tiếp và 7-10 triệu lao động gián tiếp khác làm việc thông qua lĩnh vực công nghệ thông tin của Ấn Độ (Heeks, 2015), trong khi đó có khoảng 6 triệu lao động được tuyển dụng trực tiếp và gián tiếp nhờ khu vực kinh tế Internet. Năng suất lao động trong nền kinh tế kỹ thuật số nhìn chung cao hơn năng suất lao động trong tổng thể nền kinh tế. Ví dụ, năng suất lao động là 90.000 USD / người trong tổng thể nền kinh tế của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế Châu Âu (OECD), nhưng riêng trong lĩnh vực công nghệ thông tin truyền thông lên đến hơn 160.000 USD / người (OECD 2014).

3. Giao lộ kinh tế kỹ thuật số và kinh tế di sản

3.1. Số hóa di sản văn hóa  

Khái niệm di sản văn hóa và số hóa di sản văn hóa là trọng tâm của các chuyên ngành số hóa di sản. Nền tảng khái niệm này ảnh hưởng đến sự hiểu biết đầy đủ về các quá trình giao tiếp thiết yếu của ký ức trong xã hội thông tin, chức năng và vai trò của các tổ chức ký ức. Không thể có được các hoạt động chuyên nghiệp hiệu quả nếu không có được kiến ​​thức về vấn đề này, vì sẽ không thể thiết kế được các dịch vụ di sản văn hóa, các chính sách số hóa không đầy đủ, thiếu kỹ năng trong việc bối cảnh hóa và diễn giải các đối tượng / tài liệu di sản văn hóa. Trong khi đó di sản văn hóa theo nghĩa rộng là tất cả những dấu hiệu khả dĩ dùng làm bằng chứng về các hoạt động và thành tựu của con người trong một khoảng thời gian nhất định. Khái niệm về di sản văn hóa và các thuật ngữ liên quan tạo thành một khuôn khổ cả về mức độ lý thuyết và thực hành để hiểu các chức năng thiết yếu của và các quá trình trong các tổ chức ký ức. Về phương diện lý thuyết, hệ thống thuật ngữ này cung cấp cơ sở vững chắc để phân biệt di sản văn hóa với phi di sản, hiểu được các quá trình chuyển hóa cơ bản của vật thể hoặc tài liệu thành di sản văn hóa (Manžuch Z.; I. Huvila and T. Aparac-Jelusic, 2005, tr. 44). Trong thực tế, cần phải có các tiêu chí chính để lựa chọn, thẩm định, thu nhận, lưu giữ, và phát huy giá trị của các tài sản di sản văn hóa trong các thiết chế ký ức. Số hóa như một phương pháp quản lý tài nguyên di sản văn hóa bằng cách tạo ra các đại diện kỹ thuật số, đôi khi đòi hỏi phải xem xét lại các khái niệm truyền thống. Điều quan trọng là phải lập bản đồ cảnh quan của di sản văn hóa, xác định các loại hình và quan điểm khác nhau (ví dụ di sản vật thể và phi vật thể; phân loại di sản về phương tiện truyền thông - văn bản / truyền khẩu / âm thanh / hình ảnh / kỹ thuật số, v.v.), cũng như các nhà khai thác di sản văn hóa (kho lưu trữ, bảo tàng, thư viện, trưng bày, nghiên cứu, dịch vụ du lịch di sản), nhấn mạnh quan điểm và lý do hợp tác của họ. Ở cấp độ giới thiệu, khái niệm số hóa được giới thiệu như một thực tiễn để quản lý di sản văn hóa trong môi trường kỹ thuật số. Điều này liên quan đến cách tiếp cận liên ngành đối với khái niệm ký ức, chẳng hạn như khai thác các lý thuyết về lịch sử, văn hóa học và xã hội học; giới thiệu các thuật ngữ như ký ức tập thể, ký ức xã hội và ký ức văn hóa để có thể khai thác tốt nhất các khía cạnh chính trị, kinh tế, văn hóa, công nghệ của ký ức và các vấn đề liên quan (Manžuch Z.; I. Huvila and T. Aparac-Jelusic, 2005, tr. 44).

3.2. Xây dựng kế hoạch cho các sáng kiến ​​số hóa di sản văn hóa

Sáng kiến ​​số hóa là một tập hợp các hoạt động đòi hỏi cam kết dài hạn của thể chế và các khoản đầu tư đáng kể về tài chính, nhân lực, vật lực và thời gian. Vì vậy việc xây dựng kế hoạch số hóa liên quan đến việc đưa ra các quyết định cần thiết để phát triển các dự án bền vững đáp ứng nhu cầu của người dùng. So với các lĩnh vực khác, lập kế hoạch chiến lược cho các sáng kiến ​​số hóa là lĩnh vực phân tán và tiềm ẩn nhất dựa trên kiến ​​thức và kỹ năng tổng hợp từ các lĩnh vực khác. Nói một cách chặt chẽ, hoạch định chiến lược (giống như nhiều ngành quản lý) vừa là khoa học vừa là nghệ thuật. Một mặt, nó dựa trên kiến ​​thức lý thuyết có được từ nhiều lĩnh vực như quản lý di sản, lý thuyết khai thác giá trị di sản, các chính sách thông tin truyền thông và chính sách văn hóa liên quan. Mặt khác, nó đòi hỏi sự kết hợp linh hoạt giữa kiến ​​thức với khả năng nắm bắt xu hướng hiện tại của môi trường kinh tế-xã hội và các giá trị di sản với tư cách là động lực góp phần phát triển bền vững xã hội. Trong thực tế, việc xây dựng kế hoạch cho các sáng kiến ​​số hóa có thể được nhìn nhận từ ba khía cạnh không thể tách rời là: i) phát triển ý tưởng; ii) xây dựng kế hoạch quản lý, bảo tồn lâu dài các nguồn di sản văn hóa được số hóa; iii) phát huy các giá trị di sản văn hóa đã được số hóa. Việc phát triển một ý tưởng bao gồm việc phân tích môi trường từ quan điểm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và công nghệ. Ý tưởng về dự án số hóa cần phù hợp với bối cảnh rộng lớn hơn của sự phát triển và đổi mới trong lĩnh vực di sản văn hóa, đặc biệt là các quy định của pháp luật, các chính sách của địa phương, quốc gia và quốc tế, các loại hình dịch vụ mới, áp dụng các công cụ và kỹ thuật khác nhau nhằm phát huy tốt nhất các giá trị di sản văn hóa (Manžuch Z.; I. Huvila and T. Aparac-Jelusic, 2005, tr. 45). Một tổ chức, thực hiện một dự án số hóa, cần sẵn sàng đánh giá tất cả các yếu tố mạnh, yếu, cơ hội, rủi ro xung quanh sáng kiến. Tổ chức đó cũng cần phải lập kế hoạch để quản lý dài hạn các nguồn di sản văn hóa được số hóa. Ngoài ra còn phải tính đến việc phân bổ nguồn nhân lực cần thiết, bao gồm nhóm dự án, nhân viên tham gia vào quy trình số hóa, vật chất, chỗ ở, thiết bị, tài chính, quản lý rủi ro, nguồn lực thời gian; phải làm rõ và giải quyết các vấn đề bản quyền, thiết lập các tiêu chuẩn chất lượng và thủ tục kiểm soát, hình dung việc quản lý các bộ sưu tập số hóa trong viễn cảnh dài hạn. Tính bền vững được đảm bảo bằng cách đánh giá kỹ lưỡng một số khía cạnh: mức độ phù hợp của sáng kiến ​​với sứ mệnh của tổ chức, vị trí của tổ chức đó trong tập hợp các dịch vụ hiện có, khả năng hỗ trợ tài chính dài hạn và chương trình dài hạn để duy trì các nguồn số hóa (Smith A., 2001).

3.3. Thiết kế chiến lược số hóa di sản lấy người dùng làm trung tâm

Vấn đề này bao gồm hai khía cạnh chính: i) cần xác định nhóm người dùng mục tiêu và nhu cầu của họ để phát triển các dịch vụ phù hợp; và ii) các dịch vụ này phải dễ sử dụng và dễ tiếp cận trong môi trường công nghệ, dựa trên các yếu tố đa dạng của bối cảnh sử dụng (ví dụ: các tính năng và khả năng của người dùng, mục đích và nhiệm vụ, thiết bị, điều kiện làm việc, v.v.). Việc xác định nhu cầu của người dùng và phát triển các dịch vụ có thể sử dụng và tiếp cận được trong môi trường kỹ thuật số liên quan đến các giai đoạn khác nhau của chu trình số hóa, từ lập kế hoạch, phát triển, kiểm soát và đảm bảo chất lượng. Thuật ngữ “phân khúc thị trường” là thích hợp cho chiến lược này, đó là việc phân biệt các nhóm khách hàng / người dùng mục tiêu dựa trên các đặc điểm nhân khẩu học xã hội, vị trí, lối sống và các đặc điểm khác của họ (Piercy, N., 2000). Trong loại hình kinh tế số hóa, phân khúc thị trường là điều kiện tiên quyết cần thiết để tạo ra lợi nhuận, phân khúc thị trường trở thành yếu tố thúc đẩy tính khả dụng của các dịch vụ hướng tới người dùng. Theo nghĩa rộng, tính khả dụng được hiểu là các giải pháp thiết kế cho phép người dùng đạt được mục tiêu của mình một cách hiệu quả, thoải mái và tiện dụng trong khi tương tác với một hệ thống dựa trên công nghệ kỹ thuật số. Ở đây, tính khả dụng được hiểu theo các khía cạnh khác nhau: i) như một tập hợp các tiêu chí được xác định trước, phần cứng và phần mềm phải đáp ứng để có thể sử dụng hiệu quả; và ii) với tư cách là một quá trình lấy người dùng làm trung tâm, khi phát triển phần cứng / phần mềm cần xem xét các mục tiêu, đặc điểm của người dùng và môi trường thích hợp với từng loại hình di sản; iii) bộ tiêu chí được thiết lập cung cấp một khuôn khổ vững chắc để đánh giá tính khả dụng trong bối cảnh số hóa, các nghiên cứu về tính khả dụng, kiến ​​thức về tính khả dụng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các chuyên gia thông tin áp dụng các tiêu chí về tính khả dụng hiện có theo những cách linh hoạt và sáng tạo (Manžuch Z.; I. Huvila and T. Aparac-Jelusic, 2005, tr. 46). Điều kiện tiên quyết để đảm bảo tính khả dụng của các hệ thống kinh tế kỹ thuật số ứng dụng cho kinh tế di sản trước hết là khả năng truy cập. Nó bao gồm các mối quan hệ giữa người dùng và môi trường theo nghĩa rộng (ví dụ: môi trường vật lý, công nghệ) và chỉ ra các rào cản hoặc hạn chế khả năng của người dùng hoạt động trong một môi trường nhất định, chẳng hạn khuyết tật về vận động, thị giác, nhận thức, thính giác (Glosiene A. and Z. Manzuch, 2004).

Tạm kết

Di sản văn hóa một di tích, một công trình hoặc nhóm công trình, địa điểm có giá trị lịch sử, thẩm mỹ, khảo cổ học, khoa học, nhân học, văn hóa học, v.v… Nó bao gồm cả văn hóa vật thể như các tòa nhà, tượng đài, phong cảnh, tác phẩm nghệ thuật, hiện vật như sách vở, tài liệu, tranh ảnh, vật thể, và văn hóa phi vật thể như văn hóa dân gian, truyền thống, ngôn ngữ, tri thức bản địa và cả di sản thiên nhiên. Di sản văn hóa có tầm quan trọng đặc biệt vì nó ảnh hưởng mạnh mẽ đến ý thức về bản sắc, lòng yêu nước, kiến ​​thức, niềm tin và hành vi của chúng ta. Các di sản văn hóa luôn đỏi hỏi phải được bảo tồn và phát huy vì chúng là những hệ giá trị, bản sắc có thể giới thiệu với mọi người, kể cả trong nước và trên thế giới. Bên cạnh phương diện văn hóa và khoa học, số hóa các di sản văn hóa đang trở thành một loại hình kinh tế trung tâm góp phần phát huy và phát triển giá trị di sản văn hóa và là một phương pháp mới để tăng cường cơ hội tiếp cận di sản rộng rãi hơn cho mọi người (Adane A., A. Chekole, G. Gedamu, 2019). Ở nước ta, hầu hết các địa phương đều có số lượng di sản phong phú, và là một nguồn lực tiềm tàng vô cùng to lớn không chỉ cho các giá trị văn hóa, lịch sử, thẩm mỹ, khoa học mà còn cho cả giá trị kinh tế kỹ thuật số trong lĩnh vực kinh tế di sản nữa.

___________________________________________

Tài liệu dẫn

Adane A., A. Chekole, G. Gedamu (2019). Cultural Heritage Digitization: Challenges and Opportunities, In International Journal of Computer Applications, (0975 - 8887) Volume 178, No.33, July 2019

Bahl, M., (2016). The Work Ahead: The Future of Businesses and Jobs in Asia Pacific’s Digital Economy, Cognizant, Chennai.

BBez A. and Y. Brauner (2018). Policy options regarding tax challenges of the digitalized economy: making a case for withholding taxes, In SSRN Electronic Journal.

Brynjolfsson, E. & Kahin, B. (2000). Introduction, in Understanding the Digital Economy, E. Brynjolfsson & B. Kahin (eds), MIT Press, Cambridge, MA, 1-10.

Bukht R. & R. Heeks (2018). Defining, Conceptualising and Measuring the Digital Economy, In International Organisations Research Journal, September 2018.

Ceruzzi, P. E. (2003). A History of Modern Computing, Second edition. MIT Press.

Chang, J.-H., Rynhart, G. & Huynh, P., (2016). ASEAN in Transformation: How Technology is Changing Jobs and Enterprises, International Labour Office, Geneva.

Dahlman, C., Mealy, S. & Wermelinger, M., (2016). Harnessing the Digital Economy for Developing Countries, OECD, Paris.

Daoud F. (2000). Electronic commerce infrastructure, In IEEE Potentials, 19 (1) (2000), pp. 30-33,

European Parliament (2015). Challenges for Competition Policy in a Digitalised Economy, European Parliament, Brussels.

Glosiene A. and Z. Manzuch (2004). Usability of ICT-based systems: state-of-the-art review, CALIMERA Deliverable 9, available at http://www.kf.vu.lt/site_files_doc/usability_final.doc

Goldfarb, A. (2006). The (teaching) role of universities in the diffusion of the internet. In International Journal of Industrial Organization 24 (2), 203 - 225.

Goldfarb A., and C. Tuckery (2017). Digital Economics, NBER Working Paper No. 23684, August 2017.

Greenstein, S. (2015). How the Internet Became Commercial. Princeton University Press.

Handel, M., (2015). The Effects of Information and Communication Technology on Employment, Skills, and Earnings in Developing Countries, The World Development Report 2016, World Bank, Washington, DC.

Heeks, R., (2016). Examining "Digital Development", In Development Informatics Working Paper 64, University of Manchester, UK.

Heeks, R., (2017). Information and Communication Technology for Development, Routledge, Abingdon, UK.

Hilbert M. (2020). Digital technology and social change: the digital transformation of society from a historical perspective, In Dialogues Clin Neurosci. 2020 Jun; 22(2): 189–194.

ITA (2017). Software and Information Technology Spotlight, International Trade Administration, Washington, DC.

Kling, R. & Lamb, R. (2000). IT and organizational change in digital economies, in Understanding the Digital Economy, E. Brynjolfsson & B. Kahin (eds), MIT Press, Cambridge, MA, 295-324.

Lane, N., (1999). Advancing the digital economy into the 21st century, In Information Systems Frontiers, 1(3), 317-320.

Manyika, J. et al., (2013). Lions Go Digital: The Internet’s Transformative Potential in Africa, McKinsey Global Institute, New York, NY.

Manžuch Z.; I. Huvila and T. Aparac-Jelusic (2005). Digitization of Cultural Heritage In European Curriculum Reflections on Library and Information Science Education, Edited by Leif Kajberg and Leif Lørring. The Royal School of Library and Information Science, Denmark Mesenbourg, T.L., (2001). Measuring the Digital Economy, US Bureau of the Census, Suitland, MD.

Nasscom (2016). The Future of Internet India, Nasscom, Noida, India.

OECD (2014). Measuring the Digital Economy, OECD, Paris.

OECD (2015). OECD Digital Economy Outlook 2015, OECD, Paris.

OECD (2018). Observer Roundtable on Local Firms and Automation, OECD Observer, 2018.

Patterson R. (2018). Can behavioral tools improve online student outcomes? Experimental evidence from a massive open online course, In Journal of Economic Behavior & Organization., vol. 153 (2018), pp. 293-321.

Piercy, N. (2000). Market-Led Strategic Change, Oxford, Butterworth-Heinemann.

Shannon C.E. (1948). A Mathematical Theory of Communication. In Bell Syst Tech J. 1948; 27:379–423.

Smith A. (2001). Strategies for Building Digitized Collections, Council on Library and Information Resources, available at http://www.clir.org/pubs/reports/pub101/contents.html

Tapscott, D. (1995). The Digital Economy: Promise and Peril in the Age of Networked Intelligence, McGraw-Hill, New York, NY.

WEF (2015). Expanding Participation and Boosting Growth: The Infrastructure Needs of the Digital Economy, World Economic Forum, Geneva.

Williams L.D. (2021). Concepts of Digital Economy and Industry 4.0 in Intelligent and information systems, In International Journal of Intelligent Networks, Volume 2, 2021, Pages 122-129

World Bank (2016). Digital Dividends: World Development Report 2016, World Bank, Washington, DC.

 

 

 

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét