Powered By Blogger

Thứ Hai, 11 tháng 10, 2021

Vốn văn hóa và Phát triển Du lịch

Hà Hữu Nga 

Mở đầu

Trong kinh tế học cổ điển vốn là một trong bốn yếu tố sản xuất, ba yếu tố còn lại bao gồm đất đai, lao động và nhà xưởng. Các loại hàng hoá thường được coi là vốn có thể được sử dụng để sản xuất ra các loại hàng hoá khác, và chính điều này làm cho nó trở thành yếu tố sản xuất; nó được tạo ra trái ngược hẳn với “đất” là yếu tố thuộc về các nguồn từ tự nhiên, chẳng hạn như vị trí địa lý và các loại khoáng sản; nó không được sử dụng trực tiếp trong quá trình sản xuất như các vật liệu hoặc các hàng hoá trung gian. Những khác biệt mang tính vật chất đó được chuyển cho môn kinh tế học tân cổ điển với đôi chút thay đổi cách phân tích hình thức. Tất cả các loại vốn trên đều được coi là các hạng mục vốn vật chất được sử dụng trong quá trình sản xuất. Nhưng tối thiểu từ những năm 1960, các nhà kinh tế học ngày càng tập trung vào các loại hình vốn mở rộng. Chẳng hạn như việc đầu tư vào kỹ năng và giáo dục có thể được coi là phát triển vốn con người hoặc vốn tri thức, và các khoản đầu tư vào loại tài sản này có thể được coi là tạo dựng vốn trí tuệ. Gần đây bên cạnh các loại vốn truyền thống, các lý thuyết kinh tế học phát triển không ngừng bổ sung thêm nhiều loại hình vốn mới dựa trên cơ sở phát triển bền vững, trong đó có vốn văn hóa sử dụng cho du lịch, đặc biệt là các loại hình du lịch mới như du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp, du lịch trải nghiệm, du lịch tộc người, v.v...Vì vậy việc nghiên cứu về mối quan hệ giữa vốn văn hóa và phát triển du lịch đang ngày càng trở thành một đòi hỏi bức thiết.  

1. Vốn văn hoá

1.1. Đặc trưng cá nhân của vốn văn hóa

Lần đầu tiên Bourdieu và Jean-Claude Passeron (1970) đã sử dụng thuật ngữ vốn văn hoá trong tác phẩm “Tái sản xuất. Các yếu tố cho một lý thuyết xã hội về hệ thống giáo dục” (La réproduction. Eléments pour une théorie du système d’enseignement). Trong công trình này các ông đã cố gắng lý giải những khác biệt về những tác động của giáo dục ở Pháp trong những năm 1960. Đối với Bourdieu vốn tác động với tư cách một mối quan hệ xã hội trong một hệ thống trao đổi, và thuật ngữ này đã được mở rộng cho tất cả các loại hàng hoá vật chất và biểu tượng, không có sự khác biệt, được tạo thành trong những điều kiện xã hội đặc biệt hiếm khi được mua bán, vì nó thường là vô giá; vốn văn hoá tác động như một mối quan hệ xã hội trong một hệ thống trao đổi bao gồm cả những tri thức văn hoá được tích luỹ với một quyền lực và vị thế xã hội to lớn. Trong công trình “The Forms of Capital’ (1986) Bourdieu đã phân biệt ba loại hình vốn: i) Vốn kinh tế bao gồm các nguồn lực kinh tế như tiền, tài sản, các nguồn lực v.v...; ii) Vốn xã hội là các nguồn dựa trên các tư cách thành viên của một nhóm xã hội nhất định, các mối liên hệ, các mạng lưới ảnh hưởng và trợ giúp. Bourdieu đã định nghĩa vốn xã hội là “tổng các nguồn thực sự hoặc tiềm tàng gắn liền với việc sở hữu một mạng lưới bền vững các mối quan hệ quen biết và thừa nhận lẫn nhau đã ít nhiều được thể chế hoá”; iii) Vốn văn hoá là các loại hình tri thức, kỹ năng, giáo dục, hoặc bất cứ lợi thế nào khiến cho vị thế xã hội của người sở hữu nó cao hơn, và tương lai hứa hẹn hơn. Cha mẹ cấp vốn văn hoá cho con cái bằng tri thức, thái độ, phong cách sống làm cho hệ thống giáo dục trở thành một vị trí thân thuộc, thuận tiện giúp chúng có thể dễ dàng thành công.

Khái niệm vốn văn hoá về cơ bản gắn liền với khái niệm các môi trường và thói quen. Một môi trường có thể là bất cứ cấu trúc quan hệ xã hội nào đó (King 2005: 223). Nó là một địa điểm trong môi trường đó và được tạo bởi sự xung đột nảy sinh khi các cá nhân hoặc các nhóm cố gắng thiết lập một loại giá trị và được chính thức thừa nhận trong không gian đó. Vì vậy một loại vốn văn hoá đồng thời có thể được thừa nhận chính thức và không được thừa nhận chính thức thuỳ thuộc vào môi trường tồn tại của nó. Vì vậy có thể thấy rằng việc chính thống hoá một loại hình vốn văn hoá riêng biệt nào đó là hoàn toàn võ đoán. Sức mạnh quyết định một cách võ đoán những gì tạo nên vốn văn hoá một cách chính thống trong một lĩnh vực riêng xuất phát từ vốn biểu tượng. Habitus - thói quen - là một khái niệm rất quan trọng đối với vốn văn hoá, cũng hệt như là vốn văn hoá có thể có nguồn gốc từ một tập tính cá nhân vậy. Nó thường được định nghĩa là tính khí, thiên hướng, được khắc sâu trong gia đình nhưng lại tự thể hiện theo những cách thức khác nhau trong mỗi cá nhân (Webb, 2002:37). Nó không chỉ được tạo thành bởi các tập quán gia đình mà còn bởi các tác động giai cấp của mỗi cá nhân (King, 2005:222) trong các tương tác hàng ngày của họ và nó biến đổi khi vị trí của cá nhân trong một môi trường biến đổi (Harker, 1990: 11). Trong các công trình lý thuyết của mình, Bourdieu đã khai thác một số thuật ngữ kinh tế học để phân tích các quá trình tái sản xuất văn hoá và xã hội, trong đó các loại hình vốn khác nhau có khuynh hướng được trao truyền từ thế hệ này cho các thế hệ kế tiếp. Tuy nhiên Bourdieu đã gộp mọi nguồn vốn văn hoá hiện có vào các cá nhân, và chính điều này dễ gây hiểu nhầm khi sử dụng di sản khái niệm “vốn văn hóa” của ông. Ngoài ra trong bối cảnh văn hóa phương Tây thiên về cá nhân thì cách quan niệm vốn văn hóa gắn liền với các cá nhân có thể có những lợi thế phân tích nhất định.

1.2. Các hình thức vốn văn hóa cá nhân

Bourdieu chia vốn văn hoá thành ba hình thức, tồn tại dưới ba trạng thái: 1) Trạng thái Vốn hiện thân trong đó vốn văn hoá tự thể hiện trong cá nhân. Nó vừa là thứ thuộc sản  thừa kế, lại vừa do bản thân mỗi người tìm kiếm được. Thuộc sản thừa kế không theo nghĩa di truyền, mà theo nghĩa thời gian, văn hoá và các truyền thống mà gia đình ban tặng các yếu tố trạng thái hiện thân đó cho một người khác thông qua hình thức xã hội hoá. Nó không thể được chuyển giao tức thì giống như một món quà. Nó gắn liền với thói quen (habitus) của người ta – chẳng hạn như tính nết, phong cách hoặc lối suy nghĩ, hành xử. Vốn ngôn ngữ được xác định là ưu thế của các mối quan hệ, và là bản thân các mối quan hệ với ngôn ngữ (Bourdieu, 1986, tr. 243), nó thể hiện qua cách nói, có thể được hiểu là một loại hình của vốn văn hoá hiện thân. 2) Trạng thái Vốn vật thể hoá, là những gì mà một cá nhân sở hữu, chẳng hạn như các kỹ năng sống, hoặc sản phẩm văn hóa, các tác phẩm nghệ thuật. Các loại hàng hoá văn hoá này có thể được trao truyền về phương diện vật chất, kể cả mua bán, như một cách thức thực hiện vốn kinh tế, và được trao truyền “một cách tượng trưng” như một loại vốn văn hoá. Tuy nhiên trong khi người ta có thể sở hữu vốn văn hoá được vật thể hoá bằng cách có được một bức tranh, thì họ lại chỉ có thể “tiêu dùng” bức tranh đó, hiểu theo nghĩa văn hoá, nếu như họ có loại vốn văn hoá hiện thân thích đáng, là thứ có thể hoặc không thể được trao truyền khi bán bức tranh. 3) Trạng thái Vốn thể chế hoá là sự thừa nhận mang tính thể chế của vốn văn hoá của một cá nhân, thường được hiểu là những phẩm chất hoặc trình độ chuyên môn học thuật. Nó chủ yếu gắn liền với thị trường lao động, cho phép chuyển đổi vốn văn hoá thành vốn kinh tế một cách dễ dàng hơn bằng cách bảo lãnh một giá trị tiền nào đó cho việc đạt được một cấp thể chế nào đó (Bourdieu, 1986:243-244). Đối với Bourdieu, dù tồn tại dưới bất cứ hình thức nào thì vốn văn  hóa vẫn thuộc về cá nhân, tuy nhiên đối với các nền văn hóa phương Đông giàu tính cộng đồng thì dứt khoát khái niệm “vốn văn hóa” phải được nhìn nhận và thích nghi hóa với bối cảnh phổ quát này. Vì vậy, bên cạnh vốn văn hóa cá nhân phương Tây, dưới đây chúng ta sẽ bổ sung và tìm cách tiếp cận thêm di sản “vốn văn hóa” gắn liền với cộng đồng.    

1.3. Vốn văn hóa cộng đồng

Về phương diện lịch sử, khái niệm vốn văn hóa “cộng đồng” nguồn gốc từ các xã hội nông thôn truyền thống, gắn kết trong phạm vi một địa bàn nhất định, và mang ý nghĩa là tinh thần chung, có chung các chuẩn mực về quê hương bản quán, phong tục, tôn giáo, các giá trị bản sắc. Ngày nay nội hàm khái niệm vốn văn hóa cộng đồng đã có những biến đổi, mở rộng, vừa kế thừa các yếu tố truyền thống trên, nhưng lại chuyển tải các đặc trưng thời đại và bao gồm các biến số sau: Đặc trưng Địa điểm của vốn văn hóa cộng đồng: là nơi mọi người có những điểm chung, và yếu tố chung này được hiểu về phương diện địa lý, còn có một cách gọi khác là “tính địa phương”. Đặc trưng Cộng cảm của vốn văn hóa cộng đồng: là cảm giác gắn bó với một địa điểm, nhóm hay ý tưởng; “cộng cảm” không chỉ với người khác mà còn với các ý niệm siêu việt như Thần Phật, Thượng đế, Thiên Chúa, Tạo hóa, v.v... Willmott cho rằng “Cần phải bổ sung thêm một cách hiểu biết nữa về cộng đồng – là cộng đồng gắn bó - vì các cộng đồng địa phương hoặc cộng đồng sở thích có thể không có ý thức về bản sắc chung” (Willmott 1986). Nói cách khác, theo Cohen: “Cộng đồng đóng một vai trò tượng trưng quan trọng trong việc tạo ra cảm giác thuộc về ai, cái gì hoặc ý niệm nào đó, một yếu tố quan trọng mà Putnam gọi là “vốn xã hội” (Cohen 1985: 118). Đặc trưng Sở thích của vốn văn hóa cộng đồng: còn gọi là cộng đồng “tự chọn”, mọi người có chung một số đặc điểm nào đó không nhất thiết phải là đặc điểm địa phương. Các cộng đồng tự chọn và các cộng đồng có chung sở thích là một đặc điểm chính của cuộc sống đương đại (Hoggett 1997). Và chúng tôi muốn bổ sung thêm biến số thứ tư: Đặc trưng Lợi ích của vốn văn hóa cộng đồng: có thể coi đây là một biến số trung tâm của khái niệm cộng đồng hiện đại với vô số biến thể khác nhau của các nhóm lợi ích gắn liền với các lĩnh vực/ khía cạnh môi trường, kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, tôn giáo, an ninh…v.v. Trong xã hội ngày nay có vô số cộng đồng sở thích/ lợi ích không thuần túy mang đặc trưng truyền thống địa phương, mà pha trộn nhiều bản sắc khác nhau, tạo thành những loại bản sắc cộng đồng mới.

2. Bản sắc cộng đồng và vùng văn hóa

2.1. Bản sắc cộng đồng

Vốn văn hóa không chỉ mang tính cá nhân, mà còn in đậm nét bản sắc cộng đồng. Bản sắc của một cộng đồng người, ở trường hợp chúng ta xem xét, được tạo bởi sự đồng nhất giữa các cá nhân, các nhóm lại với nhau theo những phương thức nhất định. Nguyên lý của sự đồng nhất ấy chính là tôi (ego) tìm thấy bản thân mình (sự giống hệt) trong các cá thể khác, và tìm thấy tôi trong cả cộng đồng. Có rất nhiều phương cách đồng nhất, nhưng có thể qui vào 2 dạng chính: i) Đồng nhất cảm tính với những yêu thương, thông cảm, gần gũi, hòa hợp, tin tưởng, hy vọng … v.v. Loại đồng nhất này thể hiện ở một tình yêu chung nào đó: yêu quý, gắn bó với xóm giềng, làng nước, …v.v; hoặc thể hiện ở niềm tin (niềm tin vào hệ thống ý nghĩa, giá trị, tín ngưỡng, tôn giáo của cộng đồng). Đồng nhất cảm tính thường được các cộng đồng củng cố bằng những sinh hoạt tập thể, đặc biệt là lễ hội và các sinh hoạt tôn giáo tín ngưỡng khác; ii) Đồng nhất lý tính thường là thông qua việc nhận thức rõ ràng, có suy tính liên quan tới lợi ích ví dụ như lợi ích kinh tế, quyền lợi giai cấp, quyền lực chính trị, quyền lực tôn giáo …v.v. Loại đồng nhất này thường được củng cố bằng những hình thức thể chế kể cả phi chính thức như quy ước, cấm kỵ, phong tục, tập quán cộng đồng; những hình thức thể chế chính thức như hệ tư tưởng, hệ thống giáo lý, các tổ chức chính trị, tôn giáo, hệ thống nhà nước, hệ thống quân đội, tổ chức chiến tranh …vv.

Tuy nhiên hai dạng đồng nhất trên luôn có khuynh hướng xâm nhập, bổ xung, thống nhất và đồng nhất với nhau. Và ở đây, tính khuynh hướng ấy chính là sức mạnh của sự đồng nhất. Và chính những phương cách đồng nhất khác nhau tạo thành những bản sắc cộng đồng, kể cả cộng đồng dân tộc khác nhau. Trong phạm vi một dân tộc, những phương thức đồng nhất khác nhau, tạo thành những nhóm, những hội đoàn, những giai cấp khác nhau. Trong thực tế, không có cộng đồng nào, dân tộc nào chỉ là kết quả của một phương thức đồng nhất duy nhất. Cho dù đó là một cộng đồng tôn giáo đi nữa. Nhưng cũng cần phải thấy rằng tôn giáo là kết quả trước hết của phương thức đồng nhất cảm tính. Loại đồng nhất này có một cội nguồn sâu xa cho nên sức mạnh của nó cũng rất lớn và không dễ lý giải. Nhưng có thể thấy rằng lòng tin tôn giáo là việc đồng hóa bản thân với cái tuyệt đối. Bằng phương thức ấy người ta “được sống”, được tồn tại, được mạnh mẽ, được vĩnh hằng như cái tuyệt đối. Tóm lại là người ta đã nối dài cuộc sống của mình ra, và “được sống” nhiều hơn, nhiều tới vô tận. Đó chính là cội nguồn sức mạnh của niềm tin tôn giáo. Vì bản sắc mang tính đồng nhất, và nguyên lý của sự đồng nhất ấy chính là việc đối tượng hóa bản thân để nhận biết đối tượng, tìm thấy mình ở đối tượng. Cho nên nói tới bản sắc của một cộng đồng cũng chính là nói tới ý thức tập thể về một niềm tin chung được di truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Và các niềm tin ấy được đối tượng hóa, trở thành những biểu tượng mang thông tin về những ý nghĩa, giá trị, cách thức biểu đạt, những hệ quy chiếu. Có nghĩa là trở thành vật mang chính niềm tin tập thể ấy.

Về phương diện xã hội, bản sắc cộng đồng là một thuộc tính được cấu thành và được sáng tạo nên, còn tính cách cộng đồng thì biểu hiện những thuộc tính văn hoá đã được định hình và bền vững. Mead cho rằng bản sắc của các cộng đồng người phát triển vượt khỏi các tích truyện huyền thoại của bản ngã chủ thể, bản ngã khách thể và các bản ngã khái quát hoá khác; là cách “xây dựng một thái độ đối với bản ngã khác” (Mead 1934). Cho đến nay đã có vô số định nghĩa về bản sắc, nhưng để có được một cách tiếp cận nhất quán và dễ ứng dụng trong nghiên cứu bản sắc cộng đồng, chúng tôi muốn đưa ra một quan niệm riêng như sau: Bản sắc của một cộng đồng là sự đồng nhất của tất cả các thành viên trong cộng đồng đó với một hoặc một hệ giá trị thường được biểu hiện bằng một hoặc một hệ biểu tượng được cộng đồng sáng tạo và/hoặc lựa chọn. Thuộc tính đó của bản sắc một mặt  là sợi dây giúp cố kết cộng đồng xã hội làm cho nó trở thành bền vững, mặt khác, trong thế giới toàn cầu hoá và trong nền kinh tế ngày càng phát triển dựa trên tri thức thì chuỗi giá trị (địa phương, vùng, quốc gia) của cộng đồng sẽ ngày càng phụ thuộc vào bản sắc địa phương, vùng, và quốc gia.

2.2. Vùng văn hóa

Khái niệm vùng văn hóa khác với cái gọi là “không gian tinh thần”, vì không gian tinh thần về nguyên tắc liên quan đến một cá nhân và có thể khác nhau giữa người này với người khác. Có thể có sự hội tụ liên-cá nhân của các không gian tinh thần cá nhân ở mức độ mà các không gian tinh thần của tất cả mọi người của một cộng đồng văn hóa trùng khớp và do đó đồng nhất với những gì được coi là một vùng văn hóa. Tuy nhiên, bản chất của một vùng văn hóa là nó cấu thành cái vật chất, bằng tất cả các giác quan của con người mà tác động của nó đối với một cộng đồng văn hóa là có thể cảm nhận được. Một cộng đồng người với một nền văn hóa cụ thể đã định hình nó theo một cách nhất định (nếu không muốn nói là thuần nhất). Bằng cách tiếp tục nhận thức về nó, cộng đồng này lần lượt củng cố bản sắc và ý thức chung của mình. Một vùng văn hóa cũng giúp trao truyền các bản sắc và ý thức vùng từ thế hệ này sang thế hệ khác. Điều này thậm chí vẫn còn đúng ngay trong thời đại toàn cầu hóa và sự di động không gian liên tục của chúng ta. Một mặt, hầu hết những người di cư lâu dài có xu hướng đồng hóa với văn hóa (và cảnh quan văn hóa) của nơi ở mới của họ; mặt khác, họ bảo tồn một cảm giác thân thuộc đặc biệt đối với cảnh quan văn hóa gốc, mà họ đã được nuôi dưỡng từ thơ bé - thậm chí nhiều thập kỷ sau khi rời bỏ nó (Jordan P. 2005, tr. 15-16).

Vùng văn hoá là một thuật ngữ được sử dụng chủ yếu trong nghiên cứu địa lý học văn hóa. Các văn hoá khác nhau thường không giới hạn phạm vi của chúng vào trong các biên giới quốc gia hoặc vào những đơn vị nhỏ hơn quốc gia. Để vạch ra được bản đồ một văn hoá người ta thường phải xác định một “vùng văn hoá” thực thụ và khi thực hiện công việc đó có thể nhận thấy rất rõ là nó có rất ít mối quan hệ với các đường biên giới luật pháp được các cơ quan hải quan, biên phòng, các hiệp ước, các hiến chương vạch ra. Có những loại vùng văn hoá khác nhau mà một bản đồ văn hoá có thể mang tên, chẳng hạn như vùng văn hoá tôn giáo và văn học dân gian có thể khác biệt ít nhiều với vùng văn hoá ngôn ngữ tộc người chẳng hạn (Kroeber A. L. 1931, tr. 252). Nhưng nhìn chung các loại vùng văn hoá thường gắn liền với các ranh giới địa lý. Cho đến nay các nhà địa lý học vẫn sử dụng rộng rãi ba khái niệm vùng tổng quát để nghiên cứu các vùng văn hoá: vùng chức năng, vùng hành chính, và vùng ngôn ngữ (Jordan-Bychkov, T.G. and Mona Domosh, 1999, tr. 12-15).

Vùng văn hoá chức năng: Một vùng chức năng không nhất thiết phải đồng nhất về phương diện văn hoá; thay vào đó, nó là một vùng được tổ chức để thực hiện chức năng kinh tế, chính trị hoặc xã hội trong các xã hội đã phát triển và phân công lao động cao. Một thành phố, một bang, một tỉnh, một giáo xứ, một khu thương mại hoặc một vùng nông trang đều có thể là các vùng văn hoá chức năng có các điểm nút hoặc các điểm trung tâm trong đó các chức năng được điều phối và được hướng dẫn. Chẳng hạn các hội đồng thành phố, các thủ đô quốc gia, các đơn vị bầu cử theo thôn xã, quận huyện, các nhà thờ giáo xứ. Theo nghĩa đó các vùng chức năng cũng có một cấu trúc trung tâm - ngoại vi giống như các vùng văn hoá hình thức vậy. Vị trí trung tâm cung cấp cho khu vực lưu vực các dịch vụ cao cấp hơn - trong các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, chăm sóc sức khỏe, giao thông, hành chính, hàng hóa và dịch vụ - và lần lượt nhận các nguồn lực từ khu vực phụ cận (lực lượng lao động, nguyên liệu cho sản xuất, không gian để giải trí). Nhiều vùng chức năng được vạch ranh giới rõ ràng bao gồm toàn bộ một vùng đất thuộc quyền của một chính quyền riêng biệt; được xác định rõ ràng trên bản đồ vùng bằng một tuyến phân biệt giữa khu vực này với khu vực khác (Jordan P., 2005, tr. 14).

Vùng văn hoá theo đơn vị hành chính: Một phụ loại của các vùng chức năng là các vùng hành chính. Một khu vực được quy định thành một trung tâm hành chính, tạo thành một mối quan hệ chức năng giữa trung tâm và phần còn lại của khu vực, kể cả chức năng văn hóa thông qua trách nhiệm của các cơ quan hành chính ở trung tâm đối với khu vực, bằng các cuộc bầu cử các cơ quan đại diện, bằng cách chuyển giao các nguồn lực từ khu vực đến trung tâm và từ trung tâm đến khu vực (Christaller, Walter 1933, tr. 50). Về phương diện văn hóa, loại vùng này bao gồm những cư dân có chung một số đặc điểm văn hoá chẳng hạn như tộc người, ngôn ngữ, tôn giáo hoặc các hệ thống giá trị, chuẩn mực trong những đơn vị hành chính nhất định. Nó là một vùng tương đối đồng nhất liên quan đến một hoặc một số đặc điểm văn hoá chung. Vì các văn hoá thường đan xen và chồng chéo với nhau cho nên các ranh giới phân biệt vùng văn hoá không phải bao giờ cũng rõ ràng, ngay cả khi chỉ vẽ bản đồ về một đặc điểm văn hoá duy nhất nào đó. Vì vậy có thể dễ nhận diện các khu vực hoặc các vùng văn hoá hơn là vạch ra các ranh giới văn hoá. Kết quả là thay vì có các ranh giới rõ ràng, các vùng văn hoá-hành chính lại thể hiện một trung tâm hoặc một lõi bao gồm tất cả các đặc điểm nhất định. Bên ngoài vùng lõi, các đặc trưng yếu dần và có khi biến mất. Vì vậy nhiều vùng văn hoá hành chính thể hiện một mô thức quan hệ trung tâm - ngoại vi khá điển hình (Jordan P., 2005, tr. 14).

Vùng văn hoá ngôn ngữ: là loại vùng tồn tại phụ thuộc vào nhận thức của cư dân sống trong vùng đó như đã thấy phổ biến cùng với việc sử dụng tên vùng đặc biệt. Một số vùng ngôn ngữ được phân biệt dựa trên các đặc điểm môi trường vật chất; các loại vùng khác được xác định dựa trên các đặc trưng lịch sử, chính trị, hoặc kinh tế. Các vùng ngôn ngữ giống như hầu hết các vùng văn hoá, nhìn chung không có những ranh giới rõ ràng, và các cư dân của một vùng nào đó có thể khẳng định quyền cư trú trong các vùng như vậy. Nó phát triển vượt khỏi ý thức của mọi người về sự gắn kết và việc xác định bằng một vùng riêng biệt, chẳng hạn một vùng riêng biệt ở “Dixie” (vùng Nam) Hoa Kỳ. Cho đến nay các vùng chức năng thường không được tổ chức một cách đầy đủ, mặc dù chúng có thể tập trung xung quanh một điểm nút đô thị duy nhất, và chúng thường không thể hiện tính đồng nhất văn hoá đặc trưng cho các vùng hành chính và đặc biệt là các vùng văn hóa ngôn ngữ (Reed, John S., 1976, tr. 26).

Ngày nay các nhà nước hiện đại đều ra sức can thiệp vào quá trình điều chỉnh và giám sát các bản sắc thông qua các thể chế từ văn học, nghệ thuật, truyền thông, từ hệ thống giáo dục đến việc kiểm soát biên giới quốc gia. Trong khi đó các xã hội truyền thống lại ra sức khẳng định bản sắc như một phương tiện tổ chức và phục hưng cộng đồng, nhằm tái khẳng định các mối gắn kết bền chặt của cộng đồng, tạo thành bản sắc văn hóa vùng. Bản sắc văn hóa vùng được tạo dựng chủ yếu dựa trên ba nhân tố: truyền thống, ký ức văn hoá và di sản. Bên cạnh việc kế thừa thì truyền thống còn là một quá trình sáng tạo và tái tạo liên tục các nhân tố mới. Theo Michael Kammen (1991) thì các truyền thống “được sản sinh, nuôi dưỡng và trưởng thành”. Truyền thống không chỉ là một “quá khứ sống sót”, mà là một lực lượng xã hội mạnh mẽ có thể được sử dụng vào hàng loạt mục đích, kể cả phát triển kinh tế - xã hội. Cách sử dụng truyền thống chính đáng nhất xuất hiện khi một nhóm, một giai cấp hoặc một quốc gia khai thác nó bằng cách tìm kiếm tính chính thống của nó về mặt lịch sử. Mặc dù hầu hết các tìm tòi về sự sáng tạo truyền thống đều tập trung ở phạm vi quốc gia, nhưng rõ ràng là các nghiên cứu truyền thống đều có thể hưởng lợi từ cùng một mục đích (Stevenson, N. 2006, tr. 278). Cần phải khẳng định rằng không thể có được sự phát triển bền vững về kinh tế, xã hội, văn hoá của một vùng nếu không có bản sắc vùng, hoặc nếu người ta cố xoá bỏ bản sắc vùng bằng cách này hay cách khác. Điều này lại càng đúng với việc khai thác vốn văn hóa vùng cho việc phát triển các loại hình du lịch liên quan.   

3. Sử dụng vốn văn hóa trong phát triển du lịch

3.1. Vai trò vốn văn hóa của các vùng trên đất nước ta

Chúng ta hoàn toàn có thể sử dụng một cách có phê phán các khái niệm vốn văn hóa do các tác giả phương Tây đề xuất vào việc nghiên cứu phát triển du lịch, vì đây là những công cụ khái niệm có nội hàm xác định, có đối tượng rõ ràng và có cách tiếp cận khoa học. Hoàn toàn khác với quan niệm và thực tiễn phương Tây về vai trò của các tác tố cá nhân trong các nguồn vốn xã hội, con người, và văn hoá, các tác tố tạo nên bản sắc văn hóa các vùng trên đất nước ta lại mang tính phi cá nhân, bao gồm các cộng đồng gia đình, dòng họ, buôn làng, tộc thuộc và bản sắc vùng liên tộc người của các mạng lưới xã hội, văn hoá chung. Chính các mạng lưới xã hội tổng thể đó đã được kết nối lại bằng rất nhiều loại hình thể chế, trong đó có 9 loại hình thể chế cơ bản là i) Thể chế kinh tế phục vụ cho sản xuất, phân phối và tiêu dùng các hàng hoá và dịch vụ; ii) Thể chế chính trị điều phối và kiểm soát các đầu vào quyền lực; iii) Thể chế phân tầng xã hội điều phối và kiểm soát các đầu vào uy tín và vị thế xã hội; iv) Thể chế thân tộc kiểm soát các quan hệ gắn bó trực hệ, bàng hệ xã hội; v) Thể chế hôn nhân điều phối và kiểm soát các mạng lưới kết giao xã hội và quyền lực; vi) Thể chế gia đình điều phối và kiểm soát kinh tế hộ và tái sinh sản; vii) Thể chế văn hoá điều phối và kiểm soát các quá trình xã hội hoá của cá nhân, nhóm và cộng đồng; viii) Thể chế tôn giáo điều phối và kiểm soát định hướng tương lai và quá trình ra các quyết định sống còn của cộng đồng; ix) Thể chế biểu tượng điều phối và kiểm soát cố kết và đồng nhất hoá cộng đồng thành những bản sắc phân biệt với phần thế giới còn lại. 

Vậy là trong khi khái niệm vốn xã hội, vốn văn hoá và vốn con người phương Tây gắn liền với năng lực, phẩm chất, các quyền và hành động tạo thành tiểu văn hoá của các cá nhân để khẳng định vai trò quyết định của cá nhân đối với tiến bộ xã hội thì ngược lại các khái niệm vốn xã hội, vốn văn hoá và vốn con người trên các vùng của đất nước ta lại gắn liền với năng lực, phẩm chất, các quyền và các hành động tạo thành các tiểu văn hoá – văn hoá của các cộng đồng gia đình, dòng họ, buôn làng, tộc người và liên tộc người, hoặc vùng. Chính đặc trưng này đã làm cho nội hàm các loại vốn xã hội, vốn văn hoá, và vốn con người của các vùng trên đất nước ta phân biệt hoàn toàn với nội hàm của các loại vốn trên trong quan niệm và thực tiễn phương Tây. Đó chính là lý do tại sao các xã hội phương Tây hiện đại thường không chấp nhận khái niệm bản sắc cộng đồng, bản sắc tộc người, bản sắc dân tộc, và chính trị học phương Tây hiện đại là loại chính trị học phản bản sắc. Xuất phát từ quan niệm phổ biến trên, các lý thuyết xã hội phương Tây hiện đại thường phê phán trào lưu vùng về phương diện văn hoá và coi đó là quá trình tái sinh tinh thần bộ lạc trong xã hội hiện đại (Popper K. 1957, 2005). Nhưng chính “tinh thần bộ lạc” đó lại là những kết tinh thành các nguồn vốn xã hội, vốn văn hoá và vốn con người của các vùng trên đất nước ta qua hàng ngàn năm lịch sử. Vì vậy khi nhắc đến vùng Tây Bắc, vùng Đông Bắc, vùng Trường Sơn – Tây Nguyên, vùng Đông Nam Bộ, vùng Tây Nam Bộ bao giờ người Việt cũng liên tưởng hoặc đồng nhất chúng với các vùng văn hóa mang đậm sắc thái ngôn ngữ, tộc người.   

3.2. Phát triển Du lịch Sinh thái Văn hóa là sử dụng vốn văn hóa

Du lịch sinh thái văn hóa là một loại hình liên quan đến các hoạt động tham quan các khu vực tự nhiên nguyên sơ, các cộng đồng hầu hết là dân tộc thiểu số, với các di tích văn hóa riêng có, và tương đối không bị xáo trộn, nhằm thay thế quy mô nhỏ cho du lịch thương mại đại chúng. Đó loại hình du lịch có trách nhiệm đối với các khu vực tự nhiên, bảo tồn môi trường sinh thái và cải thiện phúc lợi cho người dân địa phương (International Ecotourism Society, 2015); đó là các hoạt động du lịch đến những nơi hệ thực vật, động vật và di sản văn hóa của người dân địa phương là những điểm thu hút chính (Nguyễn Duy Thụy 2019). Du lịch sinh thái văn hóa giúp giáo dục du khách, cung cấp quỹ cho việc bảo tồn sinh thái, mang lại lợi ích cho phát triển kinh tế và trao quyền cho cộng đồng địa phương và dân tộc thiểu số; thúc đẩy sự tôn trọng đối với các nền văn hóa khác nhau và tôn trọng các quyền con người. Nhờ đó các thế hệ tương lai có thể trải nghiệm các điểm đến ít bị ảnh hưởng tiêu cực bởi sự can thiệp của con người (Honey M. 2008, tr.33). Nói chung, du lịch sinh thái văn hóa hướng đến sự tương tác với các thành phần sinh học của môi trường tự nhiên và với các nền văn hóa của các cư dân địa phương. Mục đích của du lịch sinh thái văn hóa là du lịch có trách nhiệm xã hội, phát triển cá nhân và tăng trưởng bền vững môi trường tự nhiên và môi trường văn hóa liên quan. Du lịch sinh thái nhằm cung cấp cho du khách cái nhìn sâu sắc về tác động của con người đối với môi trường và thúc đẩy sự tôn trọng và đánh giá cao hơn về môi trường sống tự nhiên và các di sản văn hóa địa phương (Sadry, B. N., 2009). Du lịch sinh thái văn hóa giúp cho những người có liên quan, đặc biệt là các cộng đồng dân tộc thiểu số: i) Xây dựng nhận thức về môi trường; ii) Cung cấp lợi ích tài chính trực tiếp cho việc bảo tồn và phát huy các giá trị sinh thái, kinh tế và văn hóa địa phương; iii) Tăng cường việc trao quyền cho người dân địa phương đặc biệt ở các lĩnh vực liên quan đến việc bảo tồn, sử dụng và phát huy các nguồn lực, các giá trị sinh thái, văn hóa địa phương; iv) Tôn trọng tri thức bản địa, phong tục, tập quán, lối sống của các cộng đồng địa phương; v) Hỗ trợ cho các quyền con ngườithực hiện dân chủ ở địa phương (Stabler, M. J. eds., 1997; Hunt, Carter A. et al 2015; Nguyễn Duy Thụy 2019).

Kết luận

Du lịch nói chung, và du lịch sinh thái văn hóa nói riêng, là loại hình khai thác và sử dụng vốn văn hóa có trách nhiệm nhằm giảm thiểu các khía cạnh tiêu cực của du lịch thông thường đối với môi trường và nâng cao tính toàn vẹn văn hóa của người dân địa phương. Do đó, ngoài việc đánh giá các yếu tố môi trường và văn hóa, một phần không thể thiếu của du lịch sinh thái văn hóa là thúc đẩy các hoạt động tái chế, tiết kiệm năng lượng, bảo tồn nước và tạo cơ hội phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa cho cộng đồng địa phương, trong đó chủ yếu là các cộng đồng dân tộc thiểu số. Vì những lý do này, du lịch sinh thái văn hóa thường kêu gọi những người có liên quan ủng hộ cho trách nhiệm phát triển bền vững môi trường, kinh tế, xã hội, văn hóa địa phương, và đó cũng chính là lý do để có thể coi du lịch sinh thái – văn hóa là một loại hình du lịch bền vững dựa trên cơ sở khai thác các nguồn lực liên quan, mà trước hết là nguồn vốn văn hóa của các cá nhân, gia đình, nhóm, cộng đồng và vùng.

______________________________________

Tài liệu tham khảo

Bourdieu, P., J.-C. Passeron (1970): La réproduction. Eléments pour une théorie du système d’enseignement, Paris, Minuit.

Bourdieu, Pierre (1986). The Forms of Capital. in Handbook of Theory and Research for the Sociology of Education, edited by J. G. Richardson. New York: Greenwood Press, Pp. 241-258.

Christaller, Walter (1933). Die zentralen Orte in Süddeutschland. Gustav Fischer, Jena, 1933.

Cohen, A. P. (1985) The Symbolic Construction of Community, London: Tavistock.

Harker, R., (1990). Education and Cultural Capital. In Harker, R., Mahar, C., & Wilkes, C., (eds) 1990. An Introduction to the Work of Pierre Bourdieu: the practice of theory, Macmillan Press, London

Hoggett, P. (1997). Contested communities, in P. Hoggett (ed.) Contested Communities. Experiences, struggles, policies, Bristol: Policy Press.

International Ecotourism Society (2015). TIES Announces Ecotourism Principles Revision?  The International Ecotourism Society.

Jordan-Bychkov, T.G. and Mona Domosh. (1999). The Human Mosaic, 8th ed. New York. W.H. Freeman and Company.

Jordan, Peter (2005). The concept of the cultural region and the importance of coincidence between administrative and cultural regions. In Romanian Review of Regional Studies, Volume I, Number 1.

Kammen, Michael (1991). Mystic Chords of Memory: The Transformation of Tradition in American Culture. New York: Alfred A. Knopf. 1991. Pp. viii, 864.

King, A., (2005). Structure and Agency. In Harrington, A., (ed) 2005. Modern Social Theory: an introduction, Oxford University Press, Oxford, pp.215-232

Kroeber, Alfred L (1931). The Cultural Area and Age Area Concepts of Clark Wissler. In Methods in Social Science. Pp. 248-265. Stuart A. Rice, ed. (Chicago: University of Chicago Press, 1931).

Mead, George Herbert (1934). Mind, Self, and Society. Chicago: The University of Chicago Press.

Nguyễn Duy Thụy (2019). Xây dựng vùng sinh thái Tây Nguyên: Tiềm năng và những vấn đề, Phát biểu đề dẫn Hội thảo khoa học, trong Kỷ yếu Hội thảo Khoa học cấp Quốc gia Xây dựng vùng Du lịch Sinh thái Tây Nguyên: Tiềm năng và những Vấn đề, Đak Lak tháng 11 năm 2019, tr.1-6.

Popper, Karl (1957, 2005). The Poverty of Historicism. Routledge & Kegan Paul 1957, 2005. 

Reed, John S., (1976). The Heart of Dixie: An essay in Folk Geography. Social Forces. Vol. 54, no. 4, June 1976. pp. 925-938.

Sadry, B. N. (2009). Fundamentals of Geotourism: with a special emphasis on Iran, Samt Organization publishers, Tehran..

Stabler, M. J. (eds.) (1997). Tourism and Sustainability: Principles to Practice. CAB International: Wallingford.

Steveson, Nick (2005). Identity. In The Cambridge Dictionary of Sociology. Edited by Bryan S. Turner. Cambridge University Press, Cambridge, New York, Melbourne, Madrid, Cape Town, Singapore, Sao Paolo. Cambridge University Press. The Edinburgh Building, Cambridge CB2 2RU, UK. Printed in the United States of America by Cambridge University Press, New York.

Webb, J., Schirato, T. & Danaher, G., (2002). Understanding Bourdieu, Sage Publications, London

Willmott, P. (1986). Community Initiatives. Patterns and prospects, London: Policy Studies Institute.

 

 

 

 

2 nhận xét:

  1. Em cho rằng, nếu có thể xây dựng được một hệ chỉ tiêu đo lường vốn văn hóa sẽ rất có ý nghĩa trong việc thực tiễn khai thác vốn văn hóa để phát triển.

    Trả lờiXóa