Powered By Blogger

Thứ Hai, 25 tháng 8, 2014

Chính trị hóa cuộc sống hàng ngày ở Trung Quốc (I)



Chính trị hóa cuộc sống hàng ngày ở Trung Quốc (I)

Dương Sơn Hoa, Lưu Lệ và các cộng sự

Người dịch: Hà Hữu Nga


I. Giới thiệu: Phân biệt giữa Chính trị Nhà nước và Chính trị làng


Về vấn đề chính trị hóa cuộc sống hàng ngày 1 và sự tham gia của phụ nữ 2, trong bài viết “Một số vấn đề lý thuyết được đưa ra trong nghiên cứu về bàu cử trực tiếp đội ngũ cán bộ thôn3” Dương Sơn Hoa và những người khác cho rằng sự tham gia tích cực của nông dân vào các cuộc bàu cử trực tiếp ở thôn có thể “liên quan đến qui mô của các nguồn lực công cộng do thôn sở hữu (trong đó có cả những nhóm lợi ích) và những phần nguồn lực mà người dân muốn được kiểm soát, chia sẻ. Nếu người dân thấy nhiều nguồn lợi công cộng thì họ cho rằng họ có phần trong đó. Có nghĩa là sự tham gia của người dân đặt tiền đề vào sự hy vọng về các lợi ích vật chất nên họ mới tham gia vào việc bàu cử. Điều đó có nghĩa là sự tham gia của nông dân vào việc bàu cử liên quan trực tiếp đến việc đem lại lợi ích cho họ (hoặc chí ít thì cũng không xâm hại đến lợi ích của họ). Bài viết đã chỉ thẳng ra rằng “Việc nông dân tham gia bàu cử mang một màu sắc duy lý mạnh mẽ. Hơn nữa màu sắc duy lý này gắn liền với các lợi ích mà nông dân có thể nhận thấy. Chẳng hạn họ so sánh đầu vào tham gia bàu cử liên quan đến các lợi ích mà họ trông đợi từ đầu vào đó, việc bỏ lá phiếu cho ai đó thì họ sẽ được người ấy trả lại một khoản nào đó khi người mình bàu trúng cử. Và phần thu lại được từ lá phiếu của họ chắc chắn sẽ được đảm bảo từ người đại diện của họ. Bên cạnh những lợi ích vật chất họ cũng rất quan tâm đến lợi ích chính trị. Chẳng hạn họ có thể được đảm bảo an toàn từ người cán bộ mà họ bàu, không chỉ có họ, mà gia đình họ, dòng họ của họ cũng được nhờ cậy. Vì vậy việc xác lập mô hình quyền lực trong thôn bằng cách mở rộng ảnh hưởng từ phía đối tác của họ, họ có thể dễ dàng tiếp cận với các hạt nhân quyền lực trong thôn thông qua bàu cử”. Rõ ràng họ tham gia vào việc bàu cử để lựa chọn cán bộ thôn là mong có người đại diện và đảm bảo an toàn cho quyền lợi của mình, gia đình mình, dòng họ mình (lợi ích nhóm). Tương tự như vậy, mối quan tâm đến việc tham gia vào các họat động công cộng trong thôn cũng xuất phát từ động cơ đó.

Rõ ràng là vì những động cơ này mà nông dân luôn luôn quan tâm đến việc thôn, và dường như trái ngược với những họat động công cộng của nhà nước (bao gồm mọi cấp chính phủ). Vấn đề về việc thôn khi được kết hợp với quyền lực và được thực thi thông qua các phương tiện hành chính, họ được thăng tiến theo trật tự chính trị của thôn làng.Trong khuôn khổ chính trị ấy mục tiêu chính trị được nhà nước qui định cho thôn với tư cách là tổ chức quyền lực chính trị cơ sở luôn luôn khác về cấp độ so với quyền lực mà những người nông dân thiết lập cho cùng một tổ chức như vậy. Nhà nước luôn luôn cố gắng nắm được các nguồn lợi từ các thôn, muốn củng cố quyền lực nông thôn và đảm bảo an toàn cho các cơ cấu đang vận hành tại nông thôn, trong khi người nông dân lại luôn nghĩ làm sao để đảm bảo được các loại lợi ích của mình, vị trí của mình trong cộng đồng thôn làng và những giao dịch sinh họat đời thường hàng ngày mang tính nghi lễ như cưới xin, ma chay, xây dựng nhà cửa. Những họat động ấy thể hiện tình cảm và củng cố mạng lưới các quan hệ cá nhân sẽ tác động ảnh hưởng đến mô hình chính trị của thôn. Vì vậy những gì mà người nông dân quan tâm thì lại thường nằm ngoài lĩnh vực quan tâm và tầm nhìn của nhà nước. Trong bối cảnh đó, khó mà sử dụng nền chính trị vĩ mô nhà nước để diễn dịch những xung đột gắn liền với lợi ích, vị thế và mục tiêu mà người nông dân nhắm đến, cho dù họ thường xuyên sử dụng lối diễn ngôn của nhà nước về các lĩnh vực này. “Nhưng loại diễn ngôn này chỉ được sử dụng như là loại vũ khí hoặc phương tiện để gây chú ý chứ không phải để được chia sẻ những giá trị và những lợi ích với nền chính trị nhà nước”4. Vì vậy nền “chính trị nước” và “chính trị làng” trong các cộng đồng nông thôn là hai phạm trù khác nhau, chồng lên nhau. Đối với người nông dân, nền “chính trị làng” không còn nghi ngờ gì nữa, gắn rất chặt với đời sống của họ và phù hợp với lợi ích riêng của họ, vì vậy mà nó trực tiếp và thực tiễn hơn.

Dựa vào những nhận định trên, chúng ta có thể nhìn nhận “chính trị làng” từ hai khía cạnh: i) lợi ích nhóm, hoặc dòng họ làm cho họ cố gắng kiểm soát các nguồn lực có trong làng; ii) cuộc đấu tranh giữa các dòng họ và các nhóm lợi ích để tăng tiến hoặc thay đổi cấu trúc quyền lực có lợi cho mình là rất gay gắt. Nhưng vẫn có một khía cạnh khác gắn liền với các nội dung chính trị làng như đã đề cập ở trên, có nghĩa là những người nông dân xây dựng cho họ và cho gia đình họ một mạng lưới các mối quan hệ thông qua các giao dịch hàng ngày. Những mạng lưới này tạo cho họ một sân khấu chính trị để họ phát triển và quyết định các mức độ thắng lợi của họ trong cuộc tranh đấu giành được quyền lực trong thôn làng.

Việc nhìn nhận nền chính trị làng thôn từ những góc độ trên giúp cho chúng ta phát hiện ra sự “bành trướng”, thẩm lậu và hỗn tạp của nền chính trị thôn làng trong cuộc sống hàng ngày của người nông dân. Trong cuộc tranh đấu vì quyền lực và để kiểm soát được các nguồn của cải ở thôn làng và để đảm bảo an toàn hoặc nhằm thay đổi cấu trúc quyền lực đã thành, các dòng họ hoặc các nhóm lợi ích sẽ kết hợp các nỗ lực của họ lại để củng cố cơ sở quyền lực hiện tồn của họ, lôi kéo được đám quần chúng trung gian và tích lũy sức mạnh thông qua các tiếp xúc cá nhân trong cuộc sống hàng ngày (chẳng hạn tán gẫu, đánh bài, chè chén với nhau) với một tư duy thực dụng và mang màu sắc duy lý công cụ-mục đích ghê gớm, nó gắn chặt họ lại với nhau trong cuộc tranh đấu vì quyền lực giữa các lực lượng, các nhóm lợi ích trong thôn. Trong những điều kiện như vậy, hành vi của nông dân trong cuộc sống hàng ngày được xem là rất quan trọng nhằm phục vụ cho mục đích tìm kiếm các sức mạnh chính trị trong thôn. Tất nhiên, vì nền chính trị làng cũng phần nào trùng lặp với nền chính trị quốc gia như đã đề cập ở trên, nên chúng ta, như Tôn Lý Bình đã nói, đối xử với cuộc sống hàng ngày của những người dân thường “chẳng khác nào một cái sân khấu để gặp gỡ, tương tác với quốc gia” 5. Chúng ta cũng sẽ thấy rất rõ hành vi của dân làng dưới thứ ánh sáng đó.

Viễn cảnh phân tích này mở ra một lĩnh vực mới cho chúng ta nhằm khảo sát sự tham gia việc công của phụ nữ nông dân. Mặt khác, nữ nông dân, với tư cách là kết quả của vai trò truyền thống về giới trong xã hội thì không thể nào đáng tin, năng động bằng nam giới. Vì vậy người ta cho rằng họ thường thờ ơ với các việc công trong thôn làng. Điều này đặc biệt đúng trong những lĩnh vực mà nền chính trị nhà nước quan tâm. Ngoại trừ một số cán bộ nữ là những người tham gia họat động việc công hăng hái một cách bẩm sinh, còn lại hầu hết các phụ nữ kể cả những người rất quan tâm đến công việc chung của làng cũng không thể làm gì được nhiều, cách thức tốt nhất thì cũng chỉ là bàn bạc với chồng con vài vấn đề ở nhà, hoặc đưa ra một số lời khuyên cho người thân trong gia đình mà thôi. Việc tự thể hiện mình trước đám đông thường là không thể nào ăn nhập được với “những chuẩn mực công dung ngôn hạnh trong cộng đồng nông thôn truyền thống 6.” Tuy nhiên nếu nhìn từ viễn cảnh “nền chính trị làng” thì chúng ta sẽ rất kinh ngạc mà nhận ra rằng phụ nữ nông dân thực sự thể hiện mối quan tâm lớn đến những việc công của làng và muốn đặt mối quan tâm của họ vào các họat động thực tiễn chừng nào các họat động này có cái gì đó liên quan đến các lợi ích hoặc địa vị của dòng tộc của họ trong cộng đồng làng quê. Chuẩn công dung ngôn hạnh trong các cộng đồng nông thôn truyền thống không cấm đoán phụ nữ tham gia sinh họat hội đoàn trong cuộc sống hàng ngày của họ. Vì vậy khi nền chính trị làng thẩm lậu vào cuộc sống hàng ngày thì phụ nữ cũng có thể tận dụng tất cả các họat động để phục vụ cho mục đích của họ trong nền chính trị làng. Những trường hợp như vậy thông thường là rất cần thiết cho chúng ta trong việc xem xét và khảo sát mức độ rộng lớn của các hành động của phụ nữ nông dân trong cuộc sống hàng ngày của họ. Khi chúng ta đi sâu vào khía cạnh này của cuộc sống hàng ngày của người phụ nữ nông thôn thì chúng ta có thể phát hiện ra rằng cuộc sống hàng ngày của họ, giống hệt những người đàn ông, cũng được chính trị hóa.

II. Các gianh giới rõ ràng giữa các nhóm và sự duy lý hóa các hành động

Hầu hết các hộ nông dân tham gia ở những mức độ khác nhau vào cuộc tranh đấu giành quyền lực và kiểm soát các nguồn ở thôn làng vì những ước vọng của họ và những lợi ích trực tiếp của họ như đã đề cập ở trên, đến lượt mình sẽ thay đổi mô hình quan hệ gốc. Trong làng Bá Thôn cuộc tranh đấu này cho thấy có hai loại gianh giới nhóm: gianh giới giữa các nhóm lợi ích và gianh giới giữa các dòng họ. Ngược lại với gianh giới giữa các dòng họ, gianh giới giữa các nhóm lợi ích thì lại mơ hồ và mang tính nhất thời vì các nhóm lợi ích là tạm thời và xuất hiện trong những thời cơ cụ thể vì vậy mà gianh giới giữa chúng dễ bị thay đổi. Mặt khác, gianh giới giữa các dòng họ thì rất rõ ràng và mang tính bền vững. Các gianh giới này bao gồm cả gianh giới giữa hai dòng họ đối lập nhau, họ Tôn và họ Từ8, và gianh giới giữa các dòng họ trực tiếp là lợi ích gắn kết hai dòng họ với nhau. Ở Ba Thôn, các lợi ích được phân phối giữa các gia đình và dòng họ. Một khi các gianh giới này được xác lập thì chúng tác động đến các mối quan hệ giữa những người dân trong một giới hạn nhất định và giữa các giới hạn ấy với nhau.

Trong cuộc khảo sát của chúng tôi ở Đội bảy ở Ba Thôn, chúng tôi nhận ra một hiện tượng rất thú vị. Các hộ dân thuộc Đội bảy cư trú dọc theo con đường chạy dài từ đông sang tây. Dân ở đây thuộc các họ Tôn, Trương, Quốc còn những họ pha tạp thì sống ở phía nam của con đường, và những hộ thuộc họ Từ và một số họ nhỏ thì sống ở phía bắc. Con đường được dùng làm gianh giới tự nhiên và những người phụ nữ họ Từ đi lại trong giới hạn phía bắc con đường.Vào giai đoạn cuối của cuộc phỏng vấn hộ, người ta không bao giờ đi với chúng tôi vượt qua con đường. Thông thường rất ít khi người ta thấy phụ nữ đi quanh trung tâm của làng. Ngược lại, phụ nữ họ Tôn đi trong giới hạn phía nam con đường: mua sắm, đánh bài, tán gẫu hoặc rẽ vào nhà hàng xóm, họ không bao giờ bước qua con đường. Tôn Lão đại, tên chữ của người anh cả trong nhà họ Tôn) chạy đến một cửa hàng bên phải ở đoạn giữa con đường, phía trước cửa hành là sân bãi hội họp của cả làng. Nhà của Tôn Lão nhị (anh thứ hai nhà họ Tôn) cất cạnh nhà Tôn Lão đại. Vì vậy chúng ta có thể kết luận rằng trung tâm của làng là thuộc quyền kiểm sóat của họ Tôn, còn họ Từ thì ở rìa làng. Vì vậy phía nam và phía bắc của con đường là phạm vi phân chia ảnh hưởng của các dòng họ khác. Nếu chúng ta coi cuộc sống hàng ngày của dân làng làm đối tượng nghiên cứu và việc nghiên cứu sâu về một làng, chúng ta có thể thấy rằng việc phân tích các sự kiện không chỉ có nghĩa là tìm ra những mối quan hệ giữa những người dân. Nếu gianh giới giữa các dòng họ trong làng đã được hình thành rõ ràng như là kết quả của những đối lập, xung đột về lợi ích thì các giới hạn trong xử trí hàng ngày là những chỉ báo rất rõ ràng cho các mối quan hệ đó. Nói các khác, phạm vi ứng xử hàng ngày của dân làng xuất hiện trước con mắt người quan sát không hề là những hiện tượng ngẫu nhiên. Chúng là toàn bộ những lựa chọn duy lý của dân làng sau khi đã xem xét rất cẩn thận.

Hãy lấy Tiểu Hoàng làm ví dụ. Cô là vợ của Tiểu Trương mà họ Trương của Tiểu Trương thì lại là họ lớn nhất so với tất cả các họ trong Đội bảy. Khi chúng tôi đến thăm Ba Thôn lần đầu vào tháng Giêng năm 2002 chúng tôi phát hiện ra Tiểu Hoàng chỉ đi lại giữa gia đình cô và gia đình nhà chồng, hiếm khi rẽ vào nhà người khác hoặc đi đến cửa hàng nhà Tôn Lão đại. Một năm sau khi chúng tôi quay lại Ba Thôn, chúng tôi thường thấy Tiểu Hoàng đi đến cửa hàng Lão đại chơi mạt chược. Chúng tôi đã phỏng vấn Tiểu Hoàng khi đến Ba Thôn lần đầu, cô nói rằng cô biết chơi mạt chược, nhưng không thích chơi. Trong các cộng đồng nông thôn, những cửa hàng nhỏ thường là nơi dân làng gặp gỡ nhau. Nhưng dựa vào cơ sở của các cuộc tranh giành giữa các dòng họ, tính cách của Tôn Lão đại (người chủ cửa hàng) đã tự nhiên làm cho cái cửa hàng nhỏ của ông trở thành nơi tụ họp của các thành viên dòng họ Tôn và những người ủng hộ họ này. Chúng tôi đã thấy tận mắt Tôn Lão đại, Tôn Lão nhị và một số đàn ông trong làng ngồi tán gẫu cứ như họ đang hội họp vậy. Vì vậy tự nhiên chúng tôi nghĩ rằng việc ra vào cửa hàng nhà Lão đại thường xuyên và việc chơi bài đã thể hiện rất rõ sự kết nối của Tiểu Hoàng với họ Tôn. Qua phỏng vấn, chúng tôi biết được rằng đằng sau hiện tượng này là những thay đổi trong các mối quan hệ lợi ích giữa họ Tôn và họ Trương. Mặc dù có mối quan hệ thân tộc (ông của Tôn Lão đại họ Trương, nhưng được gia đình họ Tôn nhận làm con nuôi vì họ không có con trai nối dõi, một sự kiện mà cả làng đều biết) nên hai họ dường như là bảo vệ cho nhau. Chẳng hạn như khi tổ chức cuộc bàu cử giám đốc liên đoàn phụ nữ Tiểu Hoàng là người biết đọc biết viết ở mức độ nhất định và vì vậy mà là một ứng cử viên sáng giá, nhưng Tôn Lão đại lúc đó là kế toán của làng đã giới thiệu Tiểu Hồ vào vị trí đó, vì Tiểu Hồ làm dâu dòng họ Hầu nhỏ hơn và ông ta đã không sợ sự bành trướng ảnh hưởng của họ này nếu như Tiểu Hồ trúng cử. Theo cách thức đó khi bàu cử lại lãnh đạo đội vào năm 2001, họ Trương đã dồn phiếu cho Từ Lão đại với lập luận rằng “Từ Lão đại là người có năng lực”. Nhưng thược ra thì họ Trương ít có quan hệ với Từ Lão đại, hoặc theo Tiểu Hoàng thì “Chúng tôi không cảm thấy quá gần gũi với ông ấy và cũng không mong chờ được nghe những lời bùi tai của ông ấy”. Lý do thực sự để họ bàu cho Từ Lão đại là vì Từ Lão đại hứa xây cho mỗi hộ một cửa hàng nhỏ nếu như ông ta được bàu làm Đội trưởng, trong khi Tôn Lão đại lại không thể làm được điều đó. Tuy nhiên sau khi Từ Lão đại tiếp quản chức vụ các thành viên nhà họ Trương đã nghĩ đến việc ông ta xâm phạm quyền lợi họ Trương. Tiểu Hoàng đã thể hiện một cách rõ ràng thái độ bất mãn khi trả lời phỏng vấn: “Giờ thì các ông thấy đấy! Nhóm tài chính, thủ quĩ, tức là những người nắm tiền trong tay ai cũng phải nghe theo ông ta”. “Các khoản chi tiêu không bao giờ được công khai cho dân biết”. Giờ đây họ tiếc là đã bàu cho ông ta và muốn liên minh với họ Tôn để hất Từ Lão đại ra khỏi chiếc ghế quyền lực. Đó mới là lý do thật sự để Tiểu Hoàng đến cửa hàng nhà Tôn Lão đại chơi mạt chược.

III. Tham gia bàu cử và Kết quả bàu cử trong con mắt của phụ nữ làng

Việc bàu cán bộ thôn bao gồm cả nhóm lãnh đạo, tức là lãnh đạo cũ của Đội sản xuất, là một sự kiện lớn trong thôn. Nhưng đúng như chúng tôi đã viết trong “Một số vấn đề lý thuyết xuất hiện trong các nghiên cứu về việc bàu cử trực tiếp đội ngũ cán bộ thôn” “Bàu cử ở cấp thôn chỉ tạo ra một sự kiện trong cuộc sống nông thôn; thái độ của nông dân đối với bàu cử và cái mà họ sẽ thực hiện trong cuộc bàu cử lại liên hệ chặt chẽ với tình cảm của họ trong cuộc sống hàng ngày về quyền lực chính trị nhà nước và quyền lực chính trị của người dân ở cơ sở”. Hơn nữa, theo sự phân loại của chúng tôi về thời gian sinh họat hàng ngày thì “thời gian sự kiện” là rất quan trọng. Lý do để chia tách “thời gian sự kiện” khỏi thời gian sinh họat hàng ngày là ở chỗ thời gian sự kiện là những mối quan hệ thực giữa các thành viên trong dòng họ và giữa các dòng họ với thế giới bên ngoài 10. Vì vậy “các sự kiện” vẫn được xếp vào loại cuộc sống hàng ngày. Khảo sát của chúng tôi về sự tham gia bàu cử của phụ nữ ở Ba Thôn là dựa trên sự phán đoán này.

Trong cuộc bàu cử lại lãnh đạo Đội bảy ở Ba Thôn năm 2001, mỗi hộ có một phiếu bàu, và vào ngày bàu cử, nhiều hộ đã để phụ nữ làm đại biểu đi bỏ phiếu. Một số phụ nữ không xuất hiện ở cuộc họp, nhưng họ lại tham gia thảo luận tại gia với chồng con và gia đình. Không còn nghi ngờ gì nữa, điều này thể hiện nhiệt huyết của phụ nữ Ba Thôn đối với công việc cộng đồng. Nhưng trong quá trình phỏng vấn, chúng tôi được biết rằng các suy nghĩ của họ về cuộc bàu cử thoáng có vị “chính trị làng”.

Chị Ninh, vợ của Tôn Lão nhị không ngớt lời tâng bốc về vai trò của họ Tôn trong làng: “Trong gia tộc họ Tôn chúng tôi, tất cả mọi người từ già cho đến trẻ đều là cán bộ hết. Bố chồng tôi là bí thư chi bộ, một cán bộ trong chính quyền thị trấn; anh cả chồng tôi, Tôn Lão đại là một cán bộ giỏi của cả thị trấn và của thôn (anh ấy đã là kế toán thôn, sau đó lại đực bàu làm lãnh đạo Đội bảy); em thứ ba chồng tôi là lãnh đạo Đội sản xuất mãi cho đến năm ngoái. Giọng của chị đượm vẻ tự hào và có vẻ tự tôn khi được là thân nhân của các cán bộ thôn. Vì vậy hoàn toàn có thể hình dung rằng chị Ninh sẽ tham gia tích cực vào cuộc bàu cử để duy trì vị thế dòng tộc họ Tôn trong hình mẫu quyền lực của làng.

Vào ngày bàu cử lãnh đạo đội sản xuất, mặc dù người chồng Tôn Lão nhị của chị là đại diện của hộ, nhưng chị Ninh vẫn cứ đến nơi bỏ phiếu. “Lúc ấy tôi được mời đi họp, thế là tôi đến”. Nhưng chồng chị không muốn chị đến (chúng tôi nghĩ là để tránh gây nghi ngờ). “Chồng tôi bảo tôi ở nhà”. Mặc dù chống phản đối, nhưng chị Ninh vẫn cứ đi. Người chồng không chịu, và cứ bảo chị phải về. Chị Ninh nhất định không nghe chồng. Thay vào đó, chị còn bỏ phiếu hộ cả cho vài gia đình khác. “Tôi biết viết. Có một số hộ, chủ hộ đi vắng, còn phụ nữ ở nhà thì lại mù chữ nên họ không biết bàu cho ai, vì vậy các hộ đó đều nhờ tôi bỏ phiếu giúp”. Khi lá phiếu đã được bỏ vào hòm và người ta vẫn chưa kiểm phiếu thì chồng chị lại bảo chị về. Giờ đây chị mới nghe lời chồng. Tại sao chị Ninh lại đi bỏ phiếu trong khi chồng chị phản đối. Chị giải thích cho chúng tôi theo cách dưới đây: “Cuộc cạnh tranh nhau rất khốc liệt, vì vậy khi người ta mời, tôi muốn đến đó để xem”. Nếu chị quan tâm đến bản thân cuộc bàu cử thì chị đã ở đó để đợi kết quả. Nhưng chị không để ý đến kết quả và về nhà ngay khi chồng bảo. Vì vậy ý định thật sự của chị là viết một số phiếu cho những hộ khác để tăng thêm một số lá phiếu cho ứng cử viên trong họ nhà chị để đảm bảo cho thắng lợi của ông ta. Hơn nữa giải thích của chị về lý do tại sao những người phụ nữ kia lại nhờ chị viết hộ phiếu cũng rất thú vị: “Họ mù chữ và không có quan điểm dứt khoát của riêng mình, họ không biết nên bỏ phiếu cho ai, vì vậy mà tất cả đều nhờ tôi bỏ giúp”. Không có lý do chính đáng để cho rằng những người phụ nữ này không biết tên người mà chị Ninh sẽ viết vào lá phiếu. Mặc dù họ có thể mù chữ, nhưng những người phụ nữ này chắc chắn biết rất rõ về gianh giới giữa các dòng họ và những quan hệ liên nhân giữa các gianh giới đó.Vì vậy việc mà họ làm chỉ là một tuyên ngôn chín muồi của những người phụ nữ này: bằng cách giành quyền bỏ phiếu cho chị Ninh họ đã để cho chị được quyền thỏa mãn ý nguyện của mình cũng có nghĩa là của họ. Nếu như người đàn ông được bầu cuối cùng lại không phải là người mà chị Ninh mong muốn thì họ vẫn có thể từ chối bằng cách nói rằng: “chúng tôi không biết viết, vì vậy chúng tôi nhờ chị Ninh viết và chúng tôi cũng không biết chị ấy viết tên ai vào lá phiếu. Nhưng đối với chị Ninh, mục tiêu của chị là có được một số lá phiếu để đảm bảo cho mô hình quyền lực hiện tồn trong thôn. Nguyện vọng của chị sẽ được thực hiện chỉ khi nào chị có thêm được những lá phiếu mà chị muốn dồn cho một người nào đó.

....
____________________________

(Còn tiếp)


GHI CHÚ KHÁI NIỆM

1. “Chính trị hóa cuộc sống hàng ngày” gắn liền với những họat động thực tiễn trong cuộc sống hàng ngày của người dân và nó gắn liền với ý nghĩa về những ứng xử thường nhật của dân làng. Những ứng xử đó hàm chứa những mục tiêu chủ thể tính duy lý và xoay quanh cuộc tranh đấu giành quyền lực và các nguồn lợi nhằm kiểm soát, chi phối các quyền lực và nguồn lợi đó bằng cách tranh thủ các lực lượng trung gian, bằng cách vạch gianh giới giữa các nhóm lợi ích và xâm hại đến lợi ích của phe đối lập.

2. Trong lĩnh vực này, các tác giả đưa ra một định nghĩa khái quát về sự tham gia sinh họat công cộng của phụ nữ nông dân bằng cách qui chiếu vào quá trình tham gia của họ vào cả các họat động chính trị lẫn các công việc, vấn đề công cộng trong làng. Tham gia bao gồm hai lĩnh vực: những lĩnh vực được nhà nước chấp nhận và những lĩnh vực được cộng đồng nông dân chấp nhận. Lĩnh vực được nhà nước chấp nhận bao gồm việc tham gia vào các lĩnh vực quan tâm của nhà nước, tham gia vào việc bàu cử trực tiếp các cán bộ thôn phù hợp với luật định, bao gồm cả việc bàu các đại biểu đại hội nhân dân thị trấn, ủy viên ủy ban thôn, lãnh đạo các nhóm trong thôn, việc thực thi các nghị định của nhà nước do chính phủ các cấp ban hành, và tham gia trực tiếp vào việc quản lý các công việc thôn làng. Hình thức tham gia này có nhiều dạng: tham gia quản lý với tư cách là thành viên của tổ chức quyền lực (chẳng hạn như ủy ban thôn dân); tham gia với tư cách là đại biểu thôn dân (thành viên nhóm quản lý giám sát tài chính hoặc làm việc với tư cách là đại biểu của người dân trong việc chuyển tiếng nói của người dân đến các cấp có thẩm quyền cao hơn); bày tỏ quan điểm về việc thôn làng trong các cuộc họp theo Luật định về các ủy ban thôn và khuyến nghị về các công việc của thôn hoặc chính sách của chính phủ qua những kênh khác nhau. Tuy nhiên trong thực tiễn cuộc sống của các cộng đồng nông thôn, phụ nữ nông dân cũng tham gia vào các họat động chính trị của làng, chẳng hạn như tham gia vào các họat động chính trị và việc công với mục đích bảo đảm an toàn và thực hiện các lợi ích chính trị và vật chất của các gia đình của họ cũng như những gì mà họ coi là những sự kiện quan trọng chính yếu liên quan đến các dòng họ và gia đình của họ bao gồm cả các nghi lễ thờ cúng tổ tiên, lễ tang, lễ cưới…vv.

3. Dương Sơn Hoa, Lạc Bội Lâm, Lưu Tiểu Dĩnh, và Trịnh Vị Mẫn “Một số vấn đề lý thuyết được đề xuất trong các nghiên cứu về bàu cử trực tiếp các cán bộ thôn” trong Xã hội học nghiên cứu, số 6, 2003.

4. Trương Kính, Quyền lực chính trị cơ sở: những vấn đề khác nhau trong các thể chế nông thôn, Triết Giang nhân dân xuất bản xã, 2000, tr. 249.

5. Tôn Lệ Bình, Về các phân tích quá trình thực hiện chuyển sang kinh tế thị trường;  Hội thảo về các lý thuyết xã hội tiên tiến do đại học Bắc Kinh đỡ đầu, năm 2002.

6. Dương Sơn Hoa và Thẩm Trọng Lâm, Các gia đình thành thị và nông thôn: những biến đổi trên cơ sở Kinh tế Thị trường và giải nông nghiệp hóa; Triết Giang nhân dân xuất bản xã, 2000, tr. 243.

7. Các tư liệu phỏng vấn được sử dụng trong công trình này là kết quả khảo sát tại chỗ do nhóm dự án “Nghiên cứu sự tham gia chính trị của phụ nữ nông dân” của khoa Xã hội học, Đại học Bắc Kinh trong khu vực thị tứ Ba Thôn thuộc Nghĩa Thành vào tháng Giêng, 2002, thàng Giêng 2003, và thàng Tám 2003, chủ yếu từ cuộc phỏng vấn ở Đội bảy của thôn này.

8. Tại Đội bảy, họ Tôn nắm quyền lực cho đến tận mùa hè năm 2001, sau đó họ Từ do Từ Lão đại thay thế bởi đắc cử trong cuộc bàu lãnh đạo Đội.

9. Liên quan đến luận điểm về việc phát hiện ra những quan hệ gần gũi giữa dân làng thông qua các sự kiện, xin xem Tôn Lệ Bình: Phân tích sự kiện-quá trình và hình thức họat động của các mối liên hệ giữa nông dân và nhà nước ở Trung Quốc hiện nay, trong Thanh Hoa xã hội học bình luận, tập I, Nhà xuất bản Lỗ Giang, 2000.

10. Dương Sơn Hoa và Lưu Tiểu Kính, “Một số vấn đề lý thuyết liên quan đến công cuộc nghiên cứu các dòng họ nông thôn Trung Quốc mới đây” (đồng tác giả với Lưu Tiểu Kính trong Trung Quốc xã hội khoa học, số 5, 2000.


GHI CHÚ VỀ TÁC GIẢ

1. Dương Sơn Hoa là giáo sư khoa xã hội học thuộc Đại học Bắc Kinh. Các mối quan tâm nghiên cứu của ông là lý thuyết xã hội học và xã hội học gia đình. Ông đã công bố một số công trình nghiên cứu chẳng hạn như: “Chính trị dòng họ và việc bàu cử, xác lập địa vị và sự luân phiên của giới tinh hoa nông thôn”. Trong Xã hội học nghiên cứu, số 3 năm 2000; “Một số vấn đề lý thuyết liên quan đến công cuộc nghiên cứu các dòng họ nông thôn Trung Quốc mới đây” (đồng tác giả với Lưu Tiểu Kính trong Trung Quốc xã hội khoa học, số 5, 2000; Các gia đình thành thị và nông thôn: những thay đổi theo sự thăng giáng của nền kinh tế thị trường và giải nông nghiệp hóa (đồng tác giả với Thẩm Trọng Lâm) (Triết Giang Nhân dân xuất bản xã, 12 năm 2000.

2. Lưu Lệ là tiến sĩ xã hội học. Lĩnh vực nghiên cứu của cô là sự tham gia họat động công cộng của phụ nữ nông thôn. 



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét