Powered By Blogger

Thứ Hai, 25 tháng 8, 2014

Kinh Lăng già



Kinh Lăng già (II)

Người dịch: Hà Hữu Nga*

Chánh tri

Rồi đó Bồ Tát Đại Huệ liền nói: Bạch Thế Tôn, xin giải nói về Hữu và Phi hữu của vạn vật?

Thế Tôn đáp: Nhân gian tuỳ thuộc tư tưởng của họ vào hai thức: vào quan niệm Hữu vì họ thích thú với duy thực, hoặc Vô vì họ mong cầu duy hư; trong trường hợp nào thì họ cũng vọng tưởng giải thoát nơi không có giải thoát. Kẻ tuỳ thuộc vào hữu coi thế gian hiện khởi từ nhân duyên, vì nhân duyên là hữu, và tin rằng cái thế gian thực sự hữu thành này không hiện khởi từ một nhân duyên phi hữu. Đây là nhãn kiến duy thực của một số người. Nhưng còn những kẻ khác tuỳ thuộc vào vô của vạn vật. Những kẻ này chấp nhận thực hữu của tam độc tham sân si, đồng thời họ lại phủ nhận thực hữu của các sự vật sinh ra tham sân si. Điều đó là vô lý, vì tham sân si đâu có phải là thực; chúng cũng không có thực tướng và biệt tướng. Nơi nào còn có chấp thì có kết buộc và phương tiện kết buộc; nhưng nơi nào có giải thoát như trong trường hợp chư Phật, chúng Bồ tát, thanh văn, duyên giác đã dứt bỏ đức tin vào cả hữu, phi hữu thì không còn chấp, kết buộc, cũng không còn phương tiện kết buộc. Thà cầu tầm thực ngã còn hơn là vọng niệm cái không tính từ nhãn kiến hữu vô, vì đối với những kẻ mê lầm thì không thể hiểu được một sự thật là cảnh giới không là gì khác ngoài biểu hiện của tâm. Vì họ coi sự vật là giả tạm là duyên khởi và biến mất vì nhân duyên, nào chia tách, nào hợp thành các đại tạo ra những kết hợp cá nhân và ngoại giới của nó, rồi lại mất đi, nên họ tất phải chịu đựng từng sát na vì những thay đổi liên miên và cuối cùng tất phải chịu kiếp huỷ hoại.

Rồi đó Bồ tát Đại Huệ bạch Thế tôn: Xin Người hãy giải nói vì đâu vạn vật lại rỗng không, bất sinh và không tính hầu giúp thánh chúng tự chứng thánh trí?

Thế Tôn đáp: Cái gì thực sự là không tính! Đó là một từ mà tự tính của nó là giả tưởng, nhưng vì người đời cứ chấp trước vào giả tưởng nên chúng ta buộc phải nói về không tính, bất sinh, và vô tự tính. Có bảy loại không tính: không tính tương thuộc là cái không hiện hữu; không tính biệt tướng; không tính tự tính; không tính của vô tác, không tính của tác; không tính của vạn vật theo nghĩa chúng không thể tiên đoán; và không tính theo nghĩa tối cao của Thực tại Tối hậu. Nói tới không tính tương thuộc là cái không tồn tại có nghĩa là khi một sự vật vắng mặt ở đây, người ta nói rằng nó là không ở đây. Chẳng hạn: trong giảng đường Mrigarama không voi, bò, cừu; nhưng lại có mặt chúng tăng. Chúng ta có thể nói một cách đúng đắn về cái giảng đường này là trống không chừng nào chúng ta đề cập đến những con vật. Điều đó không xác quyết rằng giảng đường trống không cả những đặc trưng riêng của nó, hoặc chúng tăng là trống không về cái làm nên tăng phận của họ, cũng không xác quyết rằng ở một nơi nào khác lại không có voi, bò, cừu. Trong trường hợp này chúng ta nói về những sự vật trong thuộc tính cá biệt và phổ quát của chúng, nhưng từ nhãn kiến tương thuộc thì một số sự vật không tồn tại ở đâu đó. Đây là dạng không tính thấp nhất và phải được kiên trì gạt bỏ.

Khi nói tới không tính biệt tướng có nghĩa là vạn vật không có tướng riêng về tính cá biệt và tính phổ quát. Vì các mối liên hệ tương thuộc và các tương tác nên sự vật được phân biệt ở bề ngoài, nhưng khi được tri kiến thì chúng là không tồn tại và là không, còn về phương diện tính cá biệt và tính phổ quát thì có thể được tiên đoán. Vì vậy khi các biệt tướng có thể không còn được nhận thấy nữa thì các ý tưởng về ngã, tha tính và nhị hợp tính cũng không còn được coi là hữu dụng. Vì vậy phải nói rằng toàn bộ sự vật là không có tự tướng. Khi nói tới không tính của tự tính thì có nghĩa là toàn bộ sự vật trong tự tính của chúng là không được sinh ra; vì vậy người ta nói rằng sự vật là không về phương diện tự tính. Khi nói tới không tính của vô tác có nghĩa là tập hợp các đại làm thành cá tính và ngoại giới là tự thân Nirvana và ngay từ khởi đầu đã không có hành vi trong chúng; vì vậy mà người ta nói về không tính của vô tác. Khi nói tới không tính của tác thì có nghĩa là những tập hợp là trống rỗng không có một ngã tính và các thuộc tính của nó, tiếp tục vận hành tự động khi có sự kết nối của nhân và duyên; vì vậy người ta nói về không tính của tác. Khi nói về không tính của vạn vật theo nghĩa chúng không thể tiên đoán có nghĩa là khi chính tự tính của giả tưởng không thể diễn tả được vì vậy mà vạn vật là không thể tiên đoán, và vì vậy mà là không theo nghĩa đó. Khi nói về không tính theo nghiã tối cao của không tính Thực tại Tối hậu có nghĩa là khi đạt tới tự chứng Thánh trí nội tại thì không còn dấu vết  tập khí sinh khởi từ các lậu hoặc; vì vậy người ta nói về không tính tối thượng của Thực tại Tối hậu.

Khi các sự vật được nhìn nhận bởi chánh tri thì không còn dấu hiệu nào để phân biệt được chúng bằng các biệt tướng và tổng tướng, vì vậy người ta nói rằng không có tự tính. Vì những biểu hiện cá biệt tính và tổng thể tính ấy đều được coi là hữu nhưng cũng được nhận thức là vô, được coi là sai biệt và cũng được coi là không sai biệt, chúng không bao giờ bị tiêu diệt. Tại sao điều đó lại đáng tin? Về lý do này; bởi vì các biệt tướng tạo thành tự tính của vạn vật là không tồn tại. Ngoài ra trong tự tính của nó, các vật vừa thường vừa vô thường. Sự vật là vô thường vì các biệt tướng xuất hiện và biến mất, có nghĩa là tính tướng được đặc trưng bởi vô thường tính. Mặt khác, vì các sự vật là bất sinh và chỉ là do tâm tạo nên chúng thuộc vào một ý nghĩa sâu sắc là thường hằng. Sở dĩ các sự vật là thường hằng bởi vì chính tính chất không thường hằng của chúng. Hơn nữa bên cạnh việc tìm hiểu không tính của mọi sự vật liên quan đến thực tính và tự tính, thì các vị Bồ Tát cần phải hiểu rõ rằng vạn vật là bất sinh. Không xác quyết rằng sự vật là bất sinh theo nghĩa nông cạn, mà theo nghĩa sâu sắc là tự bản thân chúng là bất sinh. Tất cả những gì cần phải nói là nói một cách tương đối, có một dòng hằng thành, một dòng biến đổi miên tục từng sát na từ một tướng trạng này sang một tướng trạng khác. Khi thừa nhận rằng thế giới như nó tự thể hiện không là gì khác ngoài biểu hiện của tâm, thì sinh được coi là bất sinh, và vì vậy mà toàn bộ các đối tượng đang tồn tại là bất sinh; là sự trống không của tác tố và hành động, sự vật là bất sinh.

Nếu các sự vật là bất sinh của hữu và phi hữu, nhưng lại đơn giản là những biểu hiện của bản thân cái tâm, thì chúng không có thực tại, không có tự tính: chúng giống như những chiếc sừng của các con thỏ, con ngựa, con lừa, con lạc đà vậy. Nhưng đối với những kẻ vô minh và sơ tâm đắm đuối trong vọng kiến giả tưởng, trong phân biệt sự vật thì chúng lại là không. Đối với những biệt tướng vô minh của tự tính của thân thể – tài sản – và - nơi ở dường như là cơ bản và có cội rễ trong chính thực tính của tự thân cái tâm, vì vậy chúng phân biệt tính chất hằng hà sa và bắt đầu chấp ái với chúng. Có hai loại chấp: chấp vào vật như là có một tự tính, và chấp vào lời như là có tự tính. Loại đầu tiên xảy ra bởi không biết rằng ngoại giới chỉ là một biểu hiện của tự tâm; loại thứ hai hiện khởi từ sự chấp trước vào các từ và các danh xưng bởi lý do huân tập. Trong pháp bất sinh mối quan hệ nhân duyên là không đúng chỗ khi cho rằng toàn bộ sự vật là ảo hoá và giống như một giấc mơ mà người ta không phân biệt những dấu hiệu cá thể. Sở dĩ tất cả các sự vật là bất sinh và không có tự tính bởi vì chúng giống như ảo hoá được khẳng định là thoả mãn đề tài của các triết gia ngoại đạo rằng sự sinh là bởi nhân duyên. Họ ấp ủ quan niệm rằng sự sinh của vạn sự bắt nguồn từ khái niệm hữu và phi hữu và thất bại trong việc coi nó thực sự là nó vì tạo bởi chấp trước vào hằng hà sa hiện khởi từ những phân biệt của bản thân cái tâm. Những kẻ tin rằng sự sinh thành của một vật nào đó không bao giờ thể hiện trong hữu và sự sinh thành tan biến đi, buộc phải xác quyết rằng vạn vật trở thành hữu và biến mất bởi nhân duyên – những con người như vậy không tìm được chỗ đứng trong các Pháp của ta. Khi nhận ra rằng không có gì được sinh ra và không có gì mất đi, thì không có cách nào để chấp nhận hữu và phi hữu, và cái tâm trở nên tịch tĩnh.

Bấy giờ Bồ tát Đại huệ nói với Thế Tôn: Các ngoại đạo tuyên thuyết rằng thế gian hiện khởi từ các tác tố nhân duyên theo luật nhân quả; họ xác quyết rằng nguyên nhân của chúng là bất sinh và không bị huỷ diệt, và họ cũng xác quyết rằng nhân gian nhận biết được sự hiện khởi của chúng từ vô minh, phân biệt, chấp trước, hành tác…vv, vận hành phù hợp với luật nhân quả. Mặc dù hai phái cơ bản ấy khác nhau về dạng thức và tên gọi nhưng lại không tỏ ra có bất cứ khác biệt cơ bản nào giữa hai lập trường của họ. Nếu có bất cứ cái gì đặc biệt và thâm diệu trong Phật pháp, xin Thế Tôn giải nói cho chúng con, đó là gì?

Đức Phật đáp: Pháp của ta không sinh, không diệt không giống với lời của các ngoại đạo, và cũng không giống với học thuyết của họ về sự sinh và vô thường. Cái mà ngoại đạo gán cho đặc tính bất sinh và bất diệt là tự tính của vạn vật, cái làm cho họ rơi vào nhị biên của hữu và vô. Pháp của ta siêu vượt lên toàn bộ các khái niệm hữu và vô; nó không liên quan gì đến sinh, thành, hoại cả; không liên quan gì đến tồn tại, không tồn tại cả. Ta nói rằng hằng hà sa các sự vật trong bản thân chúng không có thực tại  mà chỉ là cái thấy của tâm và vì vậy mà thực sự là ảo hoá và giấc mộng. Ta nói về sự không tồn tại của vạn vật vì chúng không mang các biểu hiện của bất cứ tự tính vốn có nào. Thực tế thì theo một nghĩa này, chúng được nhìn thấy và được phân biệt bởi cảm tính như là những sự vật cá biệt; nhưng theo nghĩa khác thì vì không có bất cứ biệt tướng nào của tự tính nên chúng không tồn tại mà chỉ là được tưởng tượng ra mà thôi. Theo nghĩa này, chúng là khả thủ, nhưng theo nghĩa khác, chúng lại là bất khả thủ. Khi hiểu được rõ ràng là không có cái gì trên trần gian này ngoài cái thấy của tâm thì mọi sự phân biệt không khởi lên nữa, và người trí được thành tựu trong trú xứ thực của họ chính là trú xứ của tịch tĩnh. Kẻ ngu phân biệt và tuỳ phụ vào các ngoại duyên và cái tâm luôn bất an; cái phi thực tại được tưởng tượng và phân biệt trong khi thực tại thì vừa không nhìn thấy lại vừa bỏ qua. Người trí thì không như vậy. Ví dụ: Cái mà kẻ ngu nhìn thấy giống như thành Càn Thác Bà do nhà ảo thuật tạo ra. Trong đó có trẻ em, đường phố, nhà cửa, cả phú thương ma, cả kẻ qua người lại. Cái gọi là đường phố, nhà cửa, kẻ qua người lại ấy không thể cho là được sinh ra hay mất đi, vì trong trường hợp ấy không có vấn đề về sự tồn tại hay không tồn tại của chúng. Ta nói rằng theo cách ấy thì không có cái gì được tạo ra  hoặc không được tạo ra; không có cái gì liên quan đến sinh, diệt ngoại trừ kẻ ngu chấp trước vào những quan niệm giả tưởng cũng như vào thực tại ngoại giới. Khi không nhìn nhận và phán đoán sự vật như chính bản thân chúng thì có sự phân biệt và chấp trước vào các khái niệm hữu và phi hữu, và tự tính cá thể hoá, và chừng nào những khái niệm về cá thể và tự tính còn được trì thủ thì các ngoại đạo vẫn bị trói buộc vào việc giải thích ngoại giới bởi luật nhân quả. Lập trường ấy làm khởi lên vấn đề về một nguyên nhân đầu tiên mà các ngoại đạo thoả mãn bởi xác quyết rằng cái nguyên nhân đầu tiên của họ, Hữu thần luận và các yếu tố đầu tiên là bất sinh và bất diệt; cái lập trường vô sở cứ ấy là vô lý.

Người ngu và các ngoại đạo trần tục chấp trước vào một loại bất sinh, nhưng đó không phải là cái bất sinh Ta nói. Ta nói tính bất sinh của thực chất bất sinh của mọi sự vật chính là Pháp được thành tựu trong tâm của kẻ trí nhờ Tự chứng Thánh trí. Một cái muôi, cục đất sét, cái vò, bàn xoay đồ gốm, hoặc các hạt giống, các đại - đó là những điều kiện bên ngoài; vô minh, phân biệt, chấp trước, huân tập, nghiệp - đây là những nội duyên. Khi cái vũ trụ nguyên vẹn này được coi là sự móc nối với nhau và không là gì khác ngoài sự móc nối với nhau thì tâm, nhưng sự nhẫn nhận cái chân lý của nó, cái chân lý mà mọi sự vật là bất sinh ấy lại đạt được sự tịch tĩnh.
_________________________________  

Còn nữa…


Nguồn: The Lankavatara Sutra - Self-Realisation of Noble Wisdom, Bản tiếng Anh của D.T Suzuki dịch (công bố lần đầu năm 1932) từ tiếng Phạn, có đối chiếu với bản tiếng Pali và tiếng Hán, Dwight Goddard, học trò của D.T. Suzuki biên soạn.

Ghi chú của Người dịch:

Năm từ năm 2001 đến 2004, khi bắt tay vào đọc tập Lankavatara Sutra này của Suzuki và Goddard tôi đang làm chuyên gia tư vấn về dân tộc thiểu số cho một Dự án của Ngân hàng Thế giới tại miền Trung và Tây Nguyên. Sở dĩ tôi đọc Suzuki bằng tiếng Anh, vì nghĩ rằng Kinh Lăng già gốc được viết bằng chữ Phạn (Sanskrit), một thứ ngôn ngữ Ấn - Âu, trong khi đó Lankavatara Sutra lại do bậc thầy Suzuki dịch trực tiếp từ một thứ ngôn ngữ Ấn - Âu này (Sanskrit) sang một thứ ngôn ngữ Ấn - Âu khác (tiếng Anh) thì chắc chắn mức độ chính xác sẽ rất cao. Hầu hết thời gian tôi và vợ rời nhà, lang thang khắp các buôn làng xa xôi héo lánh nhất của 5 tỉnh Tây Nguyên là Lâm Đồng, Đak Lak, Đak Nông (tách khỏi Đak Lak từ 2003), Gia Lai, Kon Tum; và 6 tỉnh miền Trung là Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, và Quảng Trị, một năm chỉ về Hà Nội 2-3 lần, mỗi lần 1-2 tuần là nhiều, nên tôi không có điều kiện đi thư viện tra cứu tư liệu. Vì vậy khi gặp từ ego-soul trong bản tiếng Anh của Lankavatara Sutra tôi thực sự không hiểu đó là gì; cả egosoul theo cách hiểu phương Tây đều là những khái niệm hoàn toàn không có trong ngữ vựng Phật học. Tôi mất 5 tháng để suy nghĩ về thuật ngữ kép này, và cuối cùng đành chịu, không dịch được, vì nếu dịch ngã-linh hồn theo cách word-for-word thì hoàn toàn vô nghĩa. Mãi đến khi kết thúc Dự án, trở về Hà Nội vào năm 2005 tôi mới có điều kiện tham khảo Phạn bản và được biết Suzuki dùng ego-soul để dịch cụm từ Ātman-gráha-vāsanā आत्मनग्रहवासना của tiếng Sanskrit, mà tiếng Hán dịch là ngã chấp tập khí. Vì vậy tôi đã dịch ego-soul là ngã chấp tập khí. 



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét