Powered By Blogger

Thứ Tư, 8 tháng 5, 2013

Người Hy Lạp và người La Mã ở Trung Quốc xưa [I]




Người Hy Lạp và người La Mã ở Trung Quốc xưa [I]

Lucas Christopoulos

Người dịch: Hà Hữu Nga

Kαθ᾽ ὅλου δέ φησιν ἐκεῖνος τῆς συμπάσης Ἀριανῆς πρόσχημα εἶναι τὴν Βακτριανήν καὶ δὴ καὶ μέχρι Σηρῶν καὶ Φρυνῶν ἐξέτεινον τὴν ἀρχήν.

Tóm lại, Apollodoros nói rằng Bactriana là đồ trang sức của Ariana nói chung; và hơn thế nữa, họ đã mở rộng đế quốc xa tới tận xứ Seres và Phryni.

— Στράβων (Strabo, Geography 11, XI, 1)

Giới thiệu

Sau cái chết của Alexander Đại đế, một số lớn binh lính đã buộc phải ở lại các thành thị châu Á thuộc Bactria và tây bắc Ấn Độ để kiểm soát các vùng lãnh thổ đã chiếm được. Những thực dân địa phương Đông mới này đã hấp dẫn dân di cư, trong số đó nhiều người là nghệ sỹ hoặc lính đánh thuê Hy Lạp, thuộc triều đại của người kế vị Alexander là Seleucos. Nhiều đứa con sinh ra từ các cuộc hôn nhân hỗn chủng giữa người Hy Lạp và người địa phương thuộc giới quý tộc Hy Lạp hóa bắt đầu cai trị Bactria và tây bắc Ấn Độ ở một vài vị trí, trong vòng 300 năm tiếp theo. Ngay sau khi Seleucos thiết lập liên minh với vua Ấn Độ Chandragupta Maurya thì đẳng cấp chiến binh của Ấn Độ đã bắt đầu coi những người Hy Lạp hoàn toàn là thành viên của thị tộc mình. Sau vương triều của cháu Chandragupta là Asoka, vị vua Phật giáo đầu tiên của Ấn Độ thì liên minh này đã được phản ánh ở गन्धार Gandhara với sự phát triển của một văn hóa Phật giáo-Hy Lạp. Vương quốc Bactria độc lập của nhà Diodotes đã đưa lại sự hưng thịnh cho một nền văn hóa độc đáo hỗn hợp các yếu tố Ba Tư, Ấn Độ và Hy Lạp, và sau đó nó bùng nổ về phía đông để rồi tác động ảnh hưởng lớn đến thế giới Trung Quốc. Các đội quân người Hy Lạp-Bactrian và người Scythian Hy Lạp hóa đã đến tận Trung Quốc qua thung lũng Cát Lâm và đã xây dựng các thực dân địa tại phần phía nam thung lũng, dọc theo sườn bắc của dãy Himalayas. Sau đó đế quốc Đông La Mã đã thay thế nó, tụ họp rất nhiều lữ khách, các sứ bộ và thương nhân đến Trung Quốc bằng con đường qua Sri Lanka, đế quốc Kushana và Ấn Độ, theo con đường Hương liệu từ Ai Cập thuộc La Mã. Sau khi Thiên chúa giáo xuất hiện, Byzantium đã phát triển các mối quan hệ gần gũi với Trung Quốc dưới thời nhà Đường, đến lượt mình, hầu hết với các nhà sư Syrian đã hành xử với tư cách là các trung gian kết nối hai đế quốc.    

Trong bài viết này, tôi tập hợp các dữ liệu từ các văn bản lịch sử, các phát hiện khảo cổ học và công trình nghiên cứu của các học giả để xác lập sự kết nối giữa các nền văn minh này. Một số phát hiện khảo cổ học đã được thực hiện tại Trung Quốc, nhưng việc thiếu thông tin về phương diện đó đã gây khó dễ cho nghiên cứu này. Các nguồn sử liệu Hy Lạp và La Mã cổ đại cũng có ý nghĩa rất lớn về phương diện giao lưu văn hóa tại Đông Á. Các học giả phương Tây hiện đại không có nhiều công cụ để khảo sát chủ đề này một cách nghiêm túc, và họ rất thận trọng khi nó liên quan đến lịch sử dân tộc Trung Quốc. Chủ đề này có thể động chạm đến các tình cảm dân tộc, vì nước này nằm ở ngã tư đường của các nền văn minh cổ đại chủ yếu, và một vài người có thể xem khảo sát Lucas Christopoulos về các mối tương tác giữa “người Hy Lạp và người La Mã” tại Trung Quốc xưa như là một điều cấm kỵ. Nhưng nếu chúng ta có thể vượt qua được rào cản tâm lý này bằng cách không để ý đến các tộc người riêng biệt và coi lịch sử nhân loại là có tính toàn cầu, thì có thể đưa ra được các diễn giải hấp dẫn liên quan đến những gì đã diễn ra dọc theo Con đường Tơ lụa ở Tân Cương. Tôi chỉ tìm ra được một vài manh mối trong cái mớ bòng bong lịch sử đặc thù ấy; trong khi đó những manh mối cần thiết khác lại vẫn biệt tăm ở đâu đó, hoặc bản thân chúng có thể lại làm dấy lên các câu hỏi khác nữa. Tôi không có ý định buộc mình phải đưa ra các kết luận tối hậu đối với các vấn đề chưa được giải quyết này, nhưng tôi muốn gợi ý rằng chúng ta cần tập hợp toàn bộ các manh mối có thể để đưa ra được một cái nhìn rõ ràng hơn. Đó chính là tiền đề của tiểu luận này. Tôi hy vọng rằng các phát hiện khảo cổ học trong tương lai cùng việc trao đổi với các học giả khác sẽ giúp làm sáng tỏ phần lịch sử này của nhân loại, một lịch sử đã kết nối hai nền văn minh cổ đại có ảnh hưởng lớn – Hy Lạp và Trung Quốc.   

1. Ngựa ô, người Hy Lạp và người Lê Hiên

Người Hy Lạp và những đội quân của họ sống ở Bactria, Sogdiana và Ferghana đã bắt đầu được biết với các tên gọi Trung Quốc là người 黎軒 Lixuan [Lê Hiên],  驪軒 Lixuan [Li Hiên], 犁鞬 Lijian [Lê Kiện] ngay sau khi Hán Vũ đế (漢武帝 156–87 BC) [1] khai thông Con đường Tơ lụa đến Trung Á. Theo Paul Pelliot, thì từ 犁鞬 Lijian có nguồn gốc từ việc phiên âm của Alexandria ở Ai Cập [2]. Tuy nhiên cái tên 犁鞬 Lijian lại xuất hiện trước khi người Trung Quốc biết về Con đường Hương liệu theo đường biển đến thành phố Alexandria trên sông Nile, vì vậy dường như 犁鞬 Lijian chẳng có vẻ gì gắn với nó. Thành phố Alexandria Margiana trù phú nằm ở Mary thuộc Turkmenistan, và được Alexander Đại đế (Aλέξανδρος ὁ Μέγας 356–323 BC) xây dựng vào năm 328 hoặc 327 TCN, được Pliny Lớn đề cập đến (Natural History, Book 6, XVIII, 46–47) là nơi có khí hậu tuyệt vời và là nơi sản xuất nho và rượu. Thành phố này được  Antiochos đặt tên lại là Antiochia, vì vậy mà sự kết hợp Lixuan–Antiochia của người Hán có lẽ là đáng ngờ. Cái tên “Alexandria” quen thuộc nhất với Trung Quốc là “Alexandria Tối viễn” hoặc Alexandria Eskhata, và thành phố này do Alexander Đại đế thành lập năm 329 TCN, sau khi ông kết hôn với công chúa người Sogdian là Roxane (Ρωξάνη 345–310 TCN). 

Nằm ở tây nam Ferghana, trên các miền đất thuộc Sogdian, vị trí thực của nó là Khudjend ở Tadjikistan (Leninabad cũ). Alexandria Eskhata là cách giải thích hợp lý hơn cho sự kết hợp với 黎軒 Lixuan như Pelliot đã đề xuất. Trong “大宛傳 Dayuan zhuan Đại Uyển truyện – Truyện về Ferghana” của 史記 Sử ký, thì 黎軒 Lixuan phân bố ở vùng biên giới phía bắc của Parthia, làm cho Alexandria Eskhata trở thành vị trí tiềm năng đối với Lixuan–Alexandria. Trong sách Hán thư (chương 96), thì 犁軒 Lixuan cùng với 條支 Tiaozhi Điều Chi nằm ở vùng biên giới phía tây của 烏弋山離 Wuyishanli Ô Dặc San Ly Ariana–Arachosia, hoặc thành phố Alexandria Arachosia), và được giới hạn bởi 西海 Xihai Tây Hải. 顏師古 Nhan Sư Cổ giải thích rằng Li () có thể được viết là Li ( li) và Xuan (hiên) có cách phát âm cổ Julian (鉅連 cự liên) or Juyan (鉅言 cự ngôn). Theo 正義 Chính Nghĩa thì Li () được phát âm là Lixi (力奚 - lực hề), vậy thì cách phát âm gốc của 驪軒 có lẽ là  Lixijulian hoặc Lixijuyan cả hai đều rất gần với Alexandria. Vì các vua người Hy Lạp-Bactrian hoặc Ấn Độ - Hy Lạp là quyền lực quân sự và văn hóa – xã hội chủ yếu ở Bactria, Sogdiana và tây bắc Ấn Độ vào thời nhà Tần (秦始皇帝 Tần Thủy Hoàng đế 259–210 TCN), nên đương nhiên là chúng ta cần đặt câu hỏi xem liệu đã có bất cứ sự tiếp xúc nào của họ hay chưa. Khoảng cách giữa Ferghana, nơi cư ngụ của người Hy Lạp-Bactrian, và Tần Thủy hoàng là khoảng 3000 km. Tên gọi Lixuan lần đầu tiên được sử gia Tư Mã Thiên sử dụng trong “大宛傳 Dayuan zhuan Đại Uyển truyện – Truyện về Ferghana” của sách 史記 Sử ký. Quận 酒泉 Tửu Tuyền – Suối rượu nằm trải theo hướng tây bắc của các nước này để tạo thuận lợi cho việc giao lưu với 安息 Anxi An Tức [Parthian - Ba Tư], 奄蔡 Yancai Yểm Thái [Aorsoi – bắc Ba Tư], 黎軒 Lixuan, 條支 Tiaozhi Điều Chi [Bán đảo Arab], và 身毒 Thân Độc [Ấn Độ]. Thiên tử - Con trời được mãn nguyện với đàn chiến mã Đại Uyển, còn các sứ bộ thì luôn luôn muốn tiếp xúc với Con trời [3].  

Trước khi đề cập đến người黎軒 Lixuan, chúng ta đã biết về những bộ lạc du mục có nguồn gốc Scythian lang thang trên các thảo nguyên mênh mông vùng Tân Cương, Cam Túc, và Ninh Hạ cùng các ốc đảo thời đầu nhà Tần (秦國 778–207 TCN). Trong suốt giai đoạn Hán sớm, một bộ lạc có tiếng sống ở Cam Túc có tên gọi là 月氏 Nguyệt Thị hoặc 月支 Nguyệt Chi; cuối cùng họ đã đến vùng Tây Vực. [4] Nhà Tần luôn ở trong tình trạng chiến tranh với rợ 西戎 Tây Nhung [các đội quân phía tây], đặc biệt một trong số bộ lạc đó là 驪戎 Li Nhung, “đội quân ngựa ô”. Vì li có nghĩa là ngựa đen [ngựa ô] nên nó đã trở thành tên gọi chung cho các bộ lạc du mục trên thảo nguyên cưỡi trên những con ngựa ô cao lớn vùng Trung Á [5].      

Sử liệu sớm nhất nói về một nơi có tên gọi 驪山 Li Sơn – Núi Ngựa ô là thời nhà Chu, khi ông hoàng 獻公 Hiến công 886–855 TCN [魯獻公 Lỗ Hiến công 姬具 Cơ Cụ, đời vua thứ 7 nước Lỗ, một chư hầu nhà Chu*] đánh nhau với rợ Tây Nhung. Núi Li Sơn ở gần Tây An, và đó chính là nơi sinh sống của các đoàn quân 驪戎 ngựa ô Li Nhung. “Rợ Li Nhung là một chi của Tây Nhung. Thủ lĩnh của họ tên là Ji - Cơ. Nhà Tần gọi họ là 驪邑 Li Ấp; Hán Cao đế gọi họ là  豐邑 Li Ấp, sau đó nó được đổi thành Xinli (新豐). Chúng nằm ở Kinh Triệu, gần Tràng An) [6]”**.

Vua U Vương (幽王 781–771 TCN) nhà Chu bị các “đội quân Ngựa ô” giết chết ở Li Sơn. Theo sách左傳 Tả truyện [7] vào năm thứ 38 đời 莊公 Trang Công (665 TCN)***, các kỵ binh “Ngựa ô” vùng thảo nguyên đã được nói đến như một đạo quân Tây Nhung riêng biệt. [8]

Bắt đầu vào thế kỷ VI TCN, rợ Địch thảo nguyên phương bắc đôi khi cũng ra nhập các đội quân Trung Quốc với tư cách là lính đánh thuê. Chữ được dùng để viết tộc danh Địch được tạo bởi bằng hai chữ là khuyển-chó và hỏa-lửa, và nó được dùng để chỉ các bộ lạc săn bắn bằng ngựa sống ở vùng biên giới phía bắc Trung Quốc. Các bộ lạc Địch vùng thảo nguyên bắc  Trung Quốc được nhà Tần gọi là白狄 Bạch Địch, trong khi đó các nhóm vùng đông bắc lại được gọi là 赤狄 Xích Địch. Nhóm khác sống ở nam Cát Lâm dọc theo dãy Hymalaya, từ Tân Cương đến Tứ Xuyên thì lại được gọi là Khương. Nhiều vị thần mang họ Khương có truyền thống chống lại 黃帝 Hoàng đế, vốn là biểu tượng của tổ tiên người Hán. Một vài nhân vật quan trọng trong thần thoại Trung Quốc – chẳng hạn như 蚩尤 Xi Vưu là 戰神 Chiến thần; 神農 Thần nông, chủ về nông nghiệp; 共工 Cộng Công hoặc Đại Vũ, tất cả đều gắn với người Khương. Trong chữ Khương có chữ dương là con dê, và nó là biểu tượng của người du mục chăn cừu Tây Tạng hoặc người có râu 西羌 Tây Khương từ tây nam Cát Lâm giáp giới với Himalayas. Một từ khác của chữ Hánđể chỉ Tây Vực và các rợ tây bắc là Hồ có nghĩa gốc rõ ràng là để gọi cục yết hầu dưới họng. Trước thời nhà Tần (221 – 206 TCN), chữ cổ được viết là hầu [họng], và nguyệt - mặt trăng được viết là nhục – thịt. Chẳng hạn chữ hữu [có] thể hiện bằng hình bàn tay cầm miếng thịt trong thời cổ. Vì vậy “người có yết hầu béo” chủ yếu là để chỉ người 匈奴 Hung Nô, Mông Cổ hoặc các chiến binh Tây Vực “cứng cổ”. [9]  
_____________________________________

Nguồn: Lucas Christopoulos, Hellenes and Romans in Ancient China (240 BC – 1398 AD), Sino-Platonic Papers, 230 (August, 2012).

Tác giả: Chưa có thông tin.

Người dịch chú:

** Đoạn này của Lucas Christopoulos dường như không ổn: trong trường hợp Hán ngữ của Lucas  giỏi thì có lẽ nó đã được viết lúc anh ấy ngủ gật; một trường hợp khác tệ hơn là anh ấy không thạo chữ Hán. Vì vậy nó đã được viết như thế này: The armies of Li are a particular branch of the Western armies. Their Warlord has the name of Ji (). The Qin called them the Liyi (驪邑); Han Gaodi called them the Liyi (豐邑), then it was changed to Xinli (新豐). They are located in Jingzhao (京兆; near Chang’an). [Rợ Li Nhung là một chi của Tây Nhung. Thủ lĩnh của họ tên là Ji. Nhà Tần gọi họ là 驪邑 Li Ấp; Hán Cao đế gọi họ là  豐邑 Li Ấp, sau đó nó được đổi thành Xinli (新豐). Chúng nằm ở Kinh Triệu, gần Tràng An].

Đoạn nguyên văn tiếng Anh trên, viết Liyi (驪邑) thì đúng; nhưng tiếp theo viết Liyi (豐邑) thì sai, vì ai cũng biết chữ là phong [phiên âm là fèng], có nghĩa là: béo tốt, đầy đặn, to lớn, tốt tươi, được mùa; bình đựng rượu tế; họ Phong; và [động từ] làm cho dồi dào, phong nhiêu; nhưng đã bị Lucas viết phiên âm thành li, giống hệt phiên âm của chữ li có nghĩa là: ngựa ô, viên ngọc dưới cổ con long mã, một tên gọi khác của long nhãn; và [động từ] sóng đôi, ngang hàng. Không chỉ nhầm một lần, mà nó còn được tiếp tục ở chữ 新豐 [xin fèng - Tân Phong] vẫn được ghi phiên âm là 新豐 [xinli].

Không chỉ sai ở phần chính văn, mà đoạn Hán văn cho chú dẫn số 6 cũng đã sai khá buồn cười: “驪戎,西戎之别在驪山者也。其君男爵姬姓.秦曰驪邑,漢高帝徒豐邑於驪邑更曰新豐,在京兆也” - Li Nhung, Tây Nhung chi biệt tại Li Sơn giả dã. Kì quân nam tước cơ tính. Tần viết Li Ấp, Hán Cao đế đồ phong ấp ư Li Ấp canh viết Tân Phong, tại Kinh Triệu dã”. 

Nguyên văn trong Quốc ngữ đoạn đó được viết như sau: “獻公卜伐驪戎” 三國吳韋昭注:  驪戎,西戎之別在驪山者也。其君男爵,姬姓。秦曰驪邑,漢高祖徙豐民於驪邑,更曰新豐,在京兆也”. [國語•晉語一] “Hiến công bốc phạt Li Nhung” Tam Quốc Ngô Vi Chiêu chú: “Li Nhung, Tây nhung chi biệt tại Li Sơn giả dã. Kì quân nam tước, Cơ tính. Tần viết Li Ấp, Hán Cao tổ tỉ phong dân ư Li Ấp, canh viết Tân Phong, tại Kinh Triệu dã”. [Quốc ngữ - Tấn ngữ nhất] 

Đoạn dẫn của Lucas viết: 漢高帝徒豐邑於驪邑更曰新豐 Hán Cao đế đồ phong ấp ư Li Ấp canh viết Tân Phong. Vì có chữ đồ [chữ này có nghĩa là: lũ, nhóm, bè, đảng; xe của vua, học trò, môn đệ, lính bộ, hình phạt thời xưa; không, trống, uổng công, vô ích; lại, chỉ có, chỉ vì; [động từ] đi bộ] nên đã làm cho đoạn đó trở nên vô nghĩa, sai nghĩa, tối nghĩa; trong khi đó nguyên bản Quốc ngữ - Tấn ngữ viết: 漢高祖徙豐民於驪邑, 更曰新豐 Hán Cao tổ tỉ phong dân ư Li Ấp, canh viết Tân Phong. Trong câu này, thay cho chữ đồ là chữ tỉ [nghĩa là: di chuyển, chuyển dời, đưa đi, dọn đi nơi khác] làm cho câu đó trở nên rõ nghĩa: Hán Cao tổ chuyển nhiều dân đến Li Ấp, nên đổi tên [Li Ấp] thành Tân Phong [có nghĩa là đổi tên từ ấp Ngựa ô thành ấp mới Phong nhiêu]. Sở dĩ có sai sót đó là vì chữ đồ 徒 và chữ tỉ nhìn thoáng qua thì rất giống nhau, nếu không chú ý đến nghĩa của văn cảnh thì thật dễ nhầm lẫm.

Chú thích

1. The roads between Central Asia and the Mediterranean Sea through Persia were already widely used by the Persians during the Achaemenid Empire. See Pierre Briant, Highways, Byways, and Road Systems in the Pre-Modern World, first edition, edited by Susan E. Alcock, John Bodel, and Richard J. A. Talbert (John Wiley & Sons,Inc, 2012). (Map III, 1)

2. Paul Pelliot thought that Ljian would have been Alexandria of Egypt: « Note sur les anciens itinéraires Chinois dans l’orient Romain, » Journal Asiatique 17, (1921). Friedrich Hirth thought earlier that Lijian was the transcription of the word Rekhem, meaning the city of Petra after the Chinese travelers met the Parthians; Hirth, Friedrich, China and the Roman Orient, (1875), pp. 159 and 170. I do not take this explanation to be correct because the Greeks were living in Central Asia before the rule of the Parthians. Leslie and Gardiner took Lijian (or Ligan) for the whole Seleucid Empire; “Chinese knowledge of Western Asia,” T’ong Pao 168 (1982) pp. 290–297. Homer Hasenpflug Dubs also thought that Lijian was related to Alexander in: A Roman City in Ancient China, London, The China Society (1957), 2. See also Edouard Chavannes; «Les pays d’occident d’après le Heou Han Chou,» T’ong Pao 8, (1907).

3.史記,大宛傳“初置酒泉郡以通西北國。因益發使抵安息,奄蔡,黎軒,條枝,身毒國。而天子好宛馬,使者相望於道.” Beijing: 中華書局, 1959 – 1999, chap. 123, p. 2404.

4. According to Kazuo Enoki, the name “Yuezhi” derived from “Yushi” (禺氏), the region of Khotan that engaged in trade with the Chinese from the end of the Warring States period. See “The So-called Sino-Kharoshthi Coins,” Studia Asiatica: The Collected Papers in Western Languages of the Late Dr. Kazuo Enoki (Tokyo: Kyu-Shoin, 1998), p. 424.

5. Alexander the Great rode “Bull-headed” (Βουκέφαλας), a black horse as well (Arrian, Anabasis of Alexander, Book 5, XIX, 4–6), and Plutarch (Life of Alexander, 6, 1–8).

6.國語, chap. 7, 晉語,上海古籍出版社, 1978), p. 253 “驪戎,西戎之别在驪山者也。其君男爵姬姓.秦曰驪邑,漢高帝徒豐邑於驪邑更曰新豐,在京兆也.”

7.左傳,莊公二十年,史記,周本記,幽王舉烽火徵兵,兵莫至。遂殺幽王驪山下,虜襃姒,盡取周賂而去。水經注 explains that “he died near 戱水 at the Northern side of 驪山. Beijing, 1959, p. 179.

8.史記, chap. 4, 周本記 Beijing, 1959, p. 179.

9. Source: 說文解字, 許慎, chap. 4 () (Beijing: Zhonghua Shuju 中華書局, 1963), p. 89.

  

2 nhận xét:

  1. không thấy có bài 2, mong tác giả dịch tiếp

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Vâng, nếu có thời gian, vì bị công việc khác cuốn đi nên cho đến giờ vẫn chưa dịch tiếp bài II được. Xin thành thật cáo lỗi cùng bạn Hà Khánh.

      Xóa