Powered By Blogger

Thứ Bảy, 18 tháng 5, 2013

Khan hiếm và sử dụng bền vững các nguồn



Khan hiếm và sử dụng bền vững các nguồn

 

Hà Hữu Nga

 

1. Các tiện ích tài nguyên thiên nhiên và phát triển bền vững

 

Các loại hàng hóa tài nguyên thiên nhiên được sử dụng để sản xuất các hàng  hóa vật chất và dịch vụ không chỉ là những dịch vụ kinh tế do thế giới tự nhiên cung cấp. Các dịch vụ khác ấy bao gồm các hệ thống hỗ trợ cuộc sống của trái đất như không khí sạch, carbon, ni tơ, và các chu trình dinh dưỡng; bầu khí quyển mà chúng ta sống và làm sinh sôi nảy nở các quần động vật và các thảm thực vật; những khu vực mà chúng ta thải rác của các quá trình sản xuất và tiêu thụ; và các hệ sinh thái hỗ trợ các hoạt động kinh tế và nông nghiệp khác. Thế giới tự nhiên cung cấp cho chúng ta các dịch vụ với tư cách là một kho thông tin di truyền và các nguồn cung cấp nhiều loại dược phẩm của thế giới. Nó cung cấp các “sân chơi” để chúng ta nghỉ ngơi và tâm hồn chúng ta thư thái với các cảnh vật. Các loại hàng hóa và dịch vụ này được gọi là “các tiện ích tự nhiên”. Trong khi cách gọi “các tiện ích” có thể không phải là cách gọi tương xứng nhất vì chúng bao gồm các dịch vụ cơ bản, nhưng nó lại thực sự phân biệt các dịch vụ này với việc sử dụng các nguồn tự nhiên để sản xuất ra các hàng hóa thường được coi là các hàng hóa kinh tế và các dịch vụ [Krautkraemer, J. A. 1998; 2000]. 

Một đóng góp then chốt cho kinh tế học tiện ích tài nguyên thiên nhiên là bài  viết của John Krutilla [1967]. Trong khi các công trình nghiên cứu trước ông đề cập đến tiện ích của các nguồn chủ yếu tập trung vào chức năng nghỉ ngơi giải trí và bảo tồn tính hoang dã hơn là các dịch vụ của hệ sinh thái, thì công trình nghiên cứu của Krutilla lại tập trung chủ yếu vào khung phân tích tiện ích tài nguyên thiên nhiên. Ông cho rằng công nghệ có nhiều khả năng cung cấp các sản phẩm thay thế cho các hàng hóa tài nguyên thiên nhiên hơn là cho các tiện ích do chúng đem lại; kết quả là giá trị tương đối của các tiện ích do các nguồn đem lại sẽ tăng lên theo thời gian. Đến lượt mình điều đó có những mối liên hệ quan trọng đến các quyết định phát triển, đặc biệt là khi các giá trị tương lai là bất chắc và tình trạng mất đi khả năng bảo tồn môi trường là không thể tránh khỏi. Chẳng hạn việc xây dựng các đập nước và các dự án giải trí bằng nước làm cho việc sử dụng nước cho thủy lợi tăng. Điều đó làm tăng sản lượng nông nghiệp - 40% sản lượng hoa màu xuất hiện trên 17% đất canh tác được tưới nước [World Resources Institute, 1998, 2000]. Thật khó mà hình dung được bất cứ việc vắt kiệt các nguồn tự nhiên nào lại không tác động bất lợi đến các tiện ích do tài nguyên thiên nhiên đem lại – từ các tác động môi trường tiềm tàng của việc khoan dầu đối với thế giới hoang dã nguyên sơ của Vùng di trú động vật hoang dã quốc gia Bắc cực đến những tác động rộng hơn của các loại khí thải carbon dioxide đối với khí hậu toàn cầu [Sutcliffe R.B. 1971; Stutz, John 2006].
  
Một đặc trưng chủ chốt của mối quan tâm đến các hệ sinh thái và việc cung  cấp các tiện ích tài nguyên thiên nhiên là các mối liên hệ khăng khít giữa các yếu tố của một hệ sinh thái. Việc khai thác các hàng hóa tài nguyên thiên nhiên vì mục đích thương mại chỉ liên quan đến một hoặc một số yếu tố trong hệ sinh thái. Nhưng việc khai thác một yếu tố hoặc việc bổ sung quá nhiều yếu tố khác cũng có thể phá vỡ sự cân bằng tổng thể của hệ sinh thái với các hậu quả không thể lường trước được. Các nguồn tài nguyên thiên nhiên tạo ra các hàng hóa và các dịch vụ  rất dễ tiếp cận và thường là những hàng hóa, dịch vụ công. Vì vậy đã đến lúc cần mong đợi nhiều kết quả khác nhau về các khía cạnh tiện ích tài nguyên thiên nhiên hơn là về các hàng hóa do chúng tạo ra. Cho đến nay, các bằng chứng thực tế về hàng hóa tài nguyên thiên nhiên nhìn chung đều thiên về tiến bộ công nghệ. Nhiều tiên đoán về sự đổ vỡ tất yếu vì nguy cơ khan hiếm các loại hàng hóa tài nguyên thiên nhiên đã không trở thành hiện thực. Những phát minh các nguồn dự trữ mới, mức độ thay thế tư bản và tiến bộ công nghệ trong việc khai thác các nguồn và việc sản xuất hàng hóa đã dẫn đến khuynh hướng giảm giá đối với nhiều loại hàng hóa tài nguyên thiên nhiên khác nhau [Lynch 2002].
 

2. Khai thác và sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên


Hàng loạt hoạt động của con người từ khai thác, sản xuất, tiêu thụ các hàng hóa và dịch vụ, giao thông vận tải, nghỉ ngơi giải trí đều tác động đến đến các dòng vật chất khổng lồ. Các nguồn tài nguyên thiên nhiên được khai thác, biến đổi thành các sản phẩm và hàng hóa, được vận chuyển đến mọi miền trên địa cầu, và không sớm thì muộn cũng được thải trở lại môi trường tự nhiên dưới dạng vật chất thải, khí thải. Trái đất là một hệ thống vật chất khép kín, và hệ thống này góp phần tạo ra tăng trưởng kinh tế. Đối với một số nguồn không thể tái tạo chẳng hạn như một số khoáng chất, kim loại, vật liệu xây dựng thì việc đảm bảo mức cung chưa trở thành vấn đề quá căng thẳng, nhưng những nguồn khác, chẳng hạn như các nhiên liệu hóa thạch và đất thì độ khả dụng của các nguồn này đang ngày càng trở nên vô cùng khan hiếm. Đối với nhiều nguồn có thể tái tạo, chẳng hạn như các nguồn cá, các vùng rừng, và các nguồn nước  thì thách thức chủ yếu là làm sao có thể đảm bảo được sự tái tạo bền vững của chúng bằng cách duy trì năng lực tái sinh của các hệ thống sinh thái, còn được gọi là duy trì “nguồn vốn tự nhiên”. Nhiều tình trạng khan hiếm khác có nguyên nhân từ khả năng hữu hạn của môi trường trong việc hấp thụ trở lại và chuyển hóa các nguồn vật chất thải và khí thải. Khí thải carbon dioxite đã gây ra tình trạng biến đổi khí hậu và làm thủng tầng ozone. Tình trạng ô nhiễm lớp đất thổ nhưỡng nguồn nước ngầm bởi lượng nước thải khổng lồ từ các quá trình khai thác, sản xuất và sinh hoạt đang hàng ngày, hàng giờ tác động tiêu cực đến mức độ bền vững của môi trường [Kazmierczyk, Pawel 2005]. 

Vấn đề sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên và nhu cầu sử sụng bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên được đặt ra dựa trên một thực tế là càng ngày nhu cầu sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên càng tăng cao, làm cho tình trạng khan hiếm các nguồn này càng trở nên gay gắt, đặc biệt là đối với các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. So với các nước đã phát triển thì ở các nước đang phát triển, khả năng tạo ra các nguồn và các sản phẩm thay thế cũng như tỷ lệ thay thế các nguồn và các sản phẩm là rất thấp. Tình trạng đó ngày càng làm gia tăng mạnh mẽ sức ép lên các nguồn này, và lên chính cuộc sống của bản thân con người, đặc biệt là những người nghèo. Đó chính là sức ép từ đầu vào, đòi hỏi phải duy trì các nguồn cung và đảm bảo sản lượng tăng lên không ngừng; đó còn là sức ép của đầu ra, khả năng quản lý tác động môi trường, khả năng chứa và đồng hóa các chất thải của quá trình khai thác, chế biến, sản xuất, tiêu dùng và loại bỏ. Hai quá trình trái ngược ấy khiến cho mọi người đều thừa nhận rằng giới hạn  tăng trưởng kinh tế phụ thuộc vào việc sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Tốc độ gia tăng của sản xuất và tiêu dùng, đặc biệt là các quá trình công nghiệp hóa đã tạo ra những sức ép ghê gớm đối với các nguồn tài nguyên thiên nhiên, làm cho hầu hết các nguồn đều bị khai thác và sử dụng không có giới hạn. Có thể nói đất và nước là hai loại nguồn lực chịu sức ép lớn nhất từ các quá trình khai thác, chế biến, sản xuất, và sử dụng. Nạn khan hiếm và suy thoái chất lượng nước bề mặt, nước ngầm, nước mưa đã trở nên phổ biến và ở mức báo động trên toàn cầu. Nạn khan hiếm nước và tình trạng suy thoái chất lượng nước không chỉ tác động đến chính bản thân nó mà vấn nạn lớn nhất là nó tác động tiêu cực lên tính đa dạng của toàn bộ các hệ sinh thái địa cầu, kể cả các hệ sinh thái nhân văn. Chịu chung số phận với các nguồn nước là sự tàn phá các cánh rừng và quá trình thoái hóa đất đai do các nhu cầu quá mức về nguyên vật liệu, tư liệu sản xuất, năng lượng [Webb, Patrick 2002, Zhu Dajian, Wu Yi 2007].

Song hành với các quá trình khai thác, sản xuất và sử dụng là quá trình thải bỏ làm cho lượng chất thải ngày càng lớn, và cũng đã vượt quá sức chứa đựng và đồng hóa của môi trường. Tiêu dùng vật chất ở quy mô toàn cầu tăng không chỉ tác động đến nước và đất đai, mà còn tác động tiêu cực đến cả bầu khí quyển. Đặc biệt quá trình xây dựng các công trình thủy điện, các nhà máy, các khu công nghiệp, các thành phố, các khu đô thị càng làm tăng lượng khai thác các vật liệu xây dựng bao gồm đất, đá, cát, sỏi, đá vôi, v.v...gây ra tình trạng tàn phá môi trường cảnh quan, khói, bụi, tiếng ồn, để lại những khối lượng chất thải khổng lồ trên quy mô rộng lớn làm biến đổi sâu sắc chưa từng có đến mọi hệ thống tự nhiên. Nông nghiệp truyền thống vốn là một hệ sinh thái nhân văn thân thiện với môi trường thì giờ đây đang biến đổi từng ngày, cả về quy mô lẫn tính chất. Nạn lai tạo giống, biến đổi gene, sử dụng các giống loài ngoại nhập đã tấn công vào hệ thống đa dạng sinh thái trên phạm vi toàn cầu. Việc phát triển chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng thủy sản ở trình độ công nghiệp với quy mô sản xuất hàng loạt đã tác động tiêu cực lên hầu hết các hệ thống sinh thái tự nhiên và bản địa làm mất dần tính đa dạng sinh học ngay trong khu vực sản xuất thân thiện với môi trường nhất, đó là khu vực nông nghiệp. Nông nghiệp không còn là bản thân nó nữa, mà nó đã biến thành công nghiệp, bằng cách tham gia vào quá trình công nghiệp hóa [Tahvonen, O., and S. Salo. 2000].

Cùng với các tác động tiêu cực của quá trình công nghiệp hóa trên quy mô toàn cầu đối với mọi hệ sinh thái và các nguồn tự nhiên, là sự phân mảnh của các hệ thống sinh thái nhân văn gắn liền với những quá trình thích nghi và phản ứng với toàn cầu hóa. Điều đó thể hiện rõ nhất trong tình trạng phân mảnh chính sách sử dụng các nguồn tự nhiên của mọi cộng đồng trên quy mô toàn cầu. Trong bối cảnh đó, đối với các nước đang phát triển, sự phân mảnh chính sách thể hiện rõ trong các hệ thống chính sách nông nghiệp; và tập trung nhất trong chính sách nông nghiệp là hệ thống chính sách liên quan đến đất đai và các nguồn quan trọng khác như rừng cây, nước, các ngư trường, v.v...Tính chất phân mảnh của chính sách sử dụng các nguồn tự nhiên liên quan trực tiếp đến sự khác biệt về lợi ích và năng lực phát triển sinh kế của các nhóm xã hội khác nhau trong việc tiếp cận đối với các nguồn. Chính sự phân mảnh đó cũng góp phần tăng thêm sức ép đòi hỏi phải có các thay đổi chiến lược trong lĩnh vực hoạch định chính sách sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên theo hướng bền vững [Tahvonen, O. 2000].
_______________________________________


Tài liệu dẫn

Kazmierczyk, Pawel 2005. Sustainable use and management of natural  resources. European Environment Agency, Luxembourg: Office for Official Publications of the European Communities.

Krautkraemer, J. A. 1998. Nonrenewable Resource Scarcity. Journal of Economic Literature, 36(4), 2065-2107.

Krautkraemer J.A. 2002. Economics of Scarcity: State of the Debate. Department of Economics Washington State University, PO Box 644741 Pullman WA  99164-4741 (509) 335-5270. 

Krutilla, John V. 1967. Conservation Reconsidered. American Economic Review, 57(4), 777-786.

Lynch, Michael C. 2002. Forecasting oil supply: theory and practice. The Quarterly Review of Economics and Finance, 42, 373-389.

Stutz, John 2006. The Role of Well-being in a Great Transition. Tellus Institute 11 Arlington Street Boston, USA.

Sutcliffe R.B. 1971. Industry and Underdevelopment. Addison - Wesley Publishing Company, London.

Tahvonen, O. 2000. Economic Sustainability and Scarcity of Natural Resources: A Brief Historical Review. Resources for the Future 1616 P Street, NW Washington, D.C. 20036.

Tahvonen, O., and S. Salo. 2000. Economic growth and transactions between nonrenewable and renewable resources. European Economic Review, in press.

World Resources Institute 1998. World Resources 1998-1999, A Guide to the Global Environment: Environmental Change and Human Health, Oxford: Oxford University Press.

Webb, Patrick 2002. Cultivated Capital Agriculture, Food Systems and Sustainable Development. The Gerald J. and Dorothy R. Friedman School of Nutrition Science and Policy.  Food Policy and Applied Nutrition Program Discussion Paper No. 15.

World Resources Institute 2000. World Resources 2000-2001: People and Ecosystems: The Fraying Web of Life, Washington DC: World Resources Institute.

Zhu Dajian, Wu Yi 2007. Plan C: China’s Development under the Scarcity of Natural Capital. Chinese Journal of Population, Resources and Environment 2007 Vol. 5 No.33.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét