Powered By Blogger

Chủ Nhật, 14 tháng 4, 2013

Xác định hệ chỉ báo ưu tiên phát triển vùng kinh tế




Xác định hệ chỉ báo ưu tiên phát triển vùng kinh tế

 

Hà Hữu Nga

 

1. Quan niệm


Theo cách hiểu thông thường, xác định ưu tiên là một thao tác kế hoạch có tính khoa học, dựa trên yêu cầu của những nhiệm vụ phải được thực hiện, người ta đánh giá tính cấp thiết, mức độ phức tạp, tầm quan trọng, hiệu quả và phạm vi ảnh hưởng của kết quả cuối cùng của nhiệm vụ, hoặc hành động đối với các mục tiêu đã được đề ra để ưu tiên cung cấp các nguồn: thời gian, nhân lực, tài chính, vật tư, công nghệ, chính sách, thể chế v.v...theo các tiêu chí định tính và định lượng bao gồm:

i) cung cấp nguồn lực thời gian bằng cách sắp xếp cấp độ ưu tiên theo trật tự và độ dài (trước, sau; ngắn hạn, trung hạn, dài hạn);

ii) cung cấp nguồn nhân lực bằng cách sắp xếp cấp độ ưu tiên về số lượng (ít, trung bình, nhiều); về chất lượng (bình thường, khá, giỏi);

iii) cung cấp nguồn lực tài chính bằng cách sắp xếp cấp độ và qui mô ưu tiên (thấp, trung bình, cao; nhỏ, vừa, lớn hoặc ít, trung bình, nhiều);

iv) cung cấp nguồn lực vật tư bằng cách sắp xếp cấp độ và qui mô ưu tiên (thấp, trung bình, cao; nhỏ, vừa, lớn hoặc ít, trung bình, nhiều);

v) cung cấp nguồn lực công nghệ bằng cách sắp xếp các ưu tiên theo cấp độ hiện đại (thấp, trung bình, cao, v.v...);

vi) cung cấp nguồn lực chính sách và thể chế bằng cách sắp xếp thứ bậc ưu tiên theo mức độ tạo thuận lợi cho phát triển (ít, trung bình, nhiều, rất nhiều; hoặc thấp, trung bình, cao, rất cao).

Trong phạm vi đề tài này khái niệm xác định ưu tiên phát triển bền vững vùng kinh tế cũng được hiểu theo cách thức trên. Đất nước đang đứng trước một nhiệm vụ to lớn với những khối lượng công việc đồ sộ khác nhau cần phải được tiến hành, đó là phát triển các vùng kinh tế của cả nước trong điều kiện các nguồn lực được cung cấp để thực hiện nhiệm vụ đó là hữu hạn về cả về thời gian, nhân lực, tài chính, vật lực, công nghệ và các nguồn lực khác, v.v...Thực tế đây là một quá trình tái tổ chức toàn bộ nền kinh tế - xã hội của đất nước theo những cách thức không những chưa hề có, mà còn trái ngược hẳn với các tiền lệ trong lịch sử dân tộc, đó là: i) phương thức tổ chức thực hiện dựa trên cơ sở khoa học; ii) phương thức phát triển đất nước bằng mở cửa, hội nhập trong bối cảnh khu vực và quốc tế đang biến đổi hàng ngày. Không những thế xác định ưu tiên phát triển vùng kinh tế không thuần tuý là những vấn đề lý thuyết, càng không thể là những quyết định cảm tính, mà chủ yếu là các thao tác phục vụ cho các hoạt động thực tiễn dựa trên các cơ sở lý thuyết vững chắc. Vì vậy trước hết các thao tác xác định ưu tiên  phát triển vùng kinh tế phải được thực hiện thông qua các chỉ báo rõ ràng, cụ thể và các chỉ báo đó phải được thiết kế một cách thực tiễn và khoa học.

2. Xây dựng hệ chỉ báo phát triển vùng kinh tế


Trong số các phương thức xác định ưu tiên phát triển vùng kinh tế, có một phương thức đã trở thành thao tác mang tính bắt buộc, đó là xây dựng một hệ chỉ báo, sau đó thực hiện và giám sát, đánh giá các hoạt động ưu tiên phát triển căn cứ trên hệ chỉ báo đó. Nếu không có thao tác này thì trên thực tế không bao giờ có được một sự ưu tiên phát triển vùng kinh tế theo đúng nghĩa của khái niệm đó. Vì vậy công việc cần phải làm đầu tiên là xác định khái niệm chỉ báo. Một chỉ báo là một dạng thông tin cung cấp cho ta bằng chứng về sự tồn tại của một trạng thái, một điều kiện, hoặc một kết quả nào đó có thể đạt được hoặc không đạt được trong hoạt động thực tiễn. Các chỉ báo tạo điều kiện cho người ra quyết định đánh giá được mức độ đạt được các kết quả hoặc các hiệu quả, mục đích, và các mục tiêu đã định. Chỉ báo còn là một loại thước đo rõ ràng về một nhân tố liên quan đến lĩnh vực đề cần xem xét, được sử dụng để giám sát quá trình thực hiện các chính sách, chương trình, dự án, kế hoạch theo đúng các mục tiêu và tiến độ đã đề ra. Tuỳ từng trường hợp mà chỉ báo có thể được sử dụng để giám sát những biến đổi hiện trạng của nhân tố đó và giúp giám sát tiến độ định hướng kết quả của một hoạt động nào đó. Các chỉ báo cũng được sử dụng làm công cụ quản lý giúp đo đếm những gì đã và đang được thực hiện. Chính vì vậy chỉ báo có thể làm sáng tỏ hiệu quả của chính sách, kế hoạch, dự án, chương trình cả về số lượng, chất lượng, và thời gian cũng như bất cứ một kết quả mong muốn hoặc một kết cục không mong muốn nào đó [Friedman, M. 1995].

Các chỉ báo có thể được thiết kế cho những giai đoạn thực hiện khác nhau như dưới đây:

i) các chỉ báo đầu vào – dùng để đo lường các nguồn tài chính, quản lý và các nguồn cung cấp thường xuyên khác chẳng hạn như các ngân sách chi tiêu, hay thời gian làm việc của đội ngũ cán bộ nhân viên cho chính sách, kế hoạch, dự án, chương trình nào đó;

ii) các chỉ báo đầu ra – dùng để đo lường các sản phẩm cụ thể làm ra được với các đầu vào đã được cung cấp, chẳng hạn như nhà cửa, báo cáo, số người được chương trình, dự án tập huấn;

iii) các chỉ báo kết quả – dùng để đo lường các kết quả ở cấp độ người thụ hưởng, trong khuôn khổ kinh tế, xã hội, chẳng hạn như tỷ lệ dân cư nhận được các cảnh báo sớm về thiên tai, số hộ gia đình đã thoát nghèo nhờ một dự án nào đó;

iv) các chỉ báo tác động – dùng để đo lường các tác động về mặt xã hội, chẳng hạn như mức độ thiệt hại do thiên tai đã được giảm đi, mức độ an toàn trong sinh kế của người nghèo đã được nâng lên.

Các mục đích chiến lược và kết quả mong muốn của bất cứ khung chương trình, dự án nào, kế hoạch nào cũng đều thuộc phạm vi này. Các tác nhân khác nhau cần có các chỉ báo khác nhau tuỳ thuộc vào vai trò liên quan đến chính sách, chương trình, dự án, kế hoạch cụ thể nào đó. Các nhà tài trợ và Chính phủ lại thường tập trung vào mức độ các kết quả, vì nó được tích hợp vào các quá trình xây dựng kế hoạch tiếp theo. Các chỉ báo cần được lượng hoá bằng các giá trị cụ thể để giám sát, đánh giá một quá trình thực hiện chính sách, chương trình, dự án, kế hoạch. Trong một số trường hợp, có thể đo lường các hệ số chẳng hạn như “số người tị nạn vì xung đột sắc tộc”. Một người tị nạn là một kết quả rõ ràng và cộng đồng có liên quan thường biết rất rõ nếu có bất cứ ai phải tị nạn. Tổng số người tị nạn có thể được tính theo các quá trình chính thức nhằm cung cấp một chỉ số cụ thể. Khi lựa chọn các tập chỉ báo điều quan trọng là lựa chọn một số lượng hạn chế các chỉ báo tập trung vào những khía cạnh quan trọng nhất của vấn đề có thể giải quyết được, có thể thực hiện được, và có thể duy trì trong nhiều năm. Nhiều chỉ báo trùng lặp có thể làm cho việc giải thích trở nên khó khăn, lẫn lộn và làm cho việc quản lý gặp nhiều trở ngại. Vì các chỉ báo cần phải được nhiều bên liên quan tin cậy nên tốt nhất là tạo điều kiện để các bên liên quan cùng tham gia vào quá trình chọn lựa các chỉ báo. Tương tự như vậy, để đạt được lợi ích tối đa trong việc sử dụng các chỉ báo, thì các bên liên quan cần tham gia đối thoại vào quá trình lý giải và đánh giá. 

Trong thực tế thì các chỉ báo không thể phản ánh được tất cả các thuộc tính của lĩnh vực và các yếu tố cần xem xét. Tuỳ thuộc vào thực chất và mục đích sử dụng các chỉ báo để lựa chọn; thường thì người ta chỉ có thể chọn được một tập nhỏ các chỉ báo phù hợp căn cứ vào các tính chất sau:

i) tính có thể đạt được: có thể sử dụng các chỉ báo để đo lường được kết quả của chính sách, kế hoạch, chương trình, dự án, vì vậy nó phải rất nhạy với các kết quả mà chính sách, kế hoạch, chương trình, dự án muốn đạt được;

ii) tính minh bạch/hiệu lực: các chỉ báo cần định hướng một cách hiệu quả đối với nhân tố cần đo lường; phải hết sức tránh tính mập mờ cũng như tính võ đoán trong đo lường;

iii) tính có thể đối sánh: chỉ số dùng để đo lường cần phải là loại có thể so sánh được giữa các giai đoạn thực hiện chính sách, kế hoạch, chương trình, dự án, cũng như giữa các chính sách, kế hoạch, chương trình, dự án khác nhau;

iv) tính dễ hiểu: đối với người sử dụng, các chỉ báo phải thật dễ hiểu và dễ sử dụng;

v) chi phí hợp lý: chi phí cho việc thu thập và sử lý các dữ liệu để lựa chọn các chỉ báo cần hợp lý và có thể chấp nhận được;

vi) tính thịnh hành: thông tin chỉ báo cần phải mang tính cập nhật nhằm thể hiện các điều kiện hoàn cảnh hiện tại;

vii) tính có thể đo được: các chỉ báo phải được xác định sao cho việc đo lường và lý giải phải thật rõ ràng, tốt nhất là sử dụng các dữ liệu có liên quan, đáng tin cậy, có nghĩa và có sẵn;

viii) tính dư thừa: trong khi mỗi biến số đầu vào cần đo một hiện tượng cụ thể thì cũng rất cần và rất nên sử dụng các chỉ báo riêng rẽ để đo chính hiện tượng đó;

ix) tính liên quan: các chỉ báo phải có liên quan trực tiếp đến vấn đề được giám sát hoặc đánh giá, và cần phải dựa vào các mối liên kết rõ ràng giữa chỉ báo và hiện tượng được xem xét;

x) tính đáng tin cậy: các kết quả đo được bằng một chỉ báo phải đáng tin cậy đối với các nhà nghiên cứu sử dụng các phương pháp chuẩn; các phương pháp đó phải bền vững theo thời gian và phải có giá trị trong các hoàn cảnh khác nhau;

xi) tính nhậy bén: các chỉ báo cần phản ánh cả các biến đổi nhỏ trong các hiện tượng hướng tới thay đổi;

xii) thể hiện các lợi ích xã hội: các chỉ báo được sử dụng cần thể hiện các lợi ích xã hội thuần cho dù lợi ích xã hội đó có là tối đa hay không;

xiii) giới hạn thời gian: thời gian đo lường của một chỉ báo hoặc sự gián đoạn thời gian mà chỉ báo được dùng để đo cần phải thích hợp và được ấn định một cách rõ ràng [UN 2008]. 

3. Phân loại chỉ báo


Các chỉ báo có thể đo lường được các đầu vào, các quá trình, các đầu ra, các kết quả và các tác động của các kết quả đó. Các nguồn xác định chỉ báo đầu vào kể cả các nguồn nhân lực và tài chính đều liên quan đến một kế hoạch, một chương trình, một dự án, hoặc một kiểu can thiệt bất kỳ nào đó (chẳng hạn như cứu trợ, cung cấp các nguồn lực cho một vùng nhân một sự kiện nào đó nhằm giảm thiệt hại của thiên tai, địch hoạ, bất ổn xã hội, vv...,). Các chỉ báo đầu vào của phát triển thường liên quan đến việc xác định đặc trưng các nhóm dân số mục tiêu (chẳng hạn như số hộ dân thích hợp với một chương trình giảm nghèo). Các chỉ báo quá trình xác định cách thức cung cấp nguồn lực, hàng hoá hoặc dịch vụ chương trình. Các chỉ báo đầu ra đo đếm số lượng nguồn lực, hàng hoá và dịch vụ được cung cấp, hoặc được sản xuất và hiệu quả của quá trình sản xuất (chẳng hạn như số người được phục vụ, tốc độ phản ứng với những khó khăn vướng mắc). Các chỉ báo này cũng có thể được sử dụng để xác định các chương trình, các tiểu chương trình, các tác nhân, và các sáng kiến đa tác nhân/đơn vị.

Các chỉ báo tác động đo lường các kết quả rộng lớn hơn đạt được thông qua việc cung cấp các nguồn lực và dịch vụ cho phát triển. Các chỉ báo này có thể tồn tại ở nhiều cấp độ: dân số, tác nhân, và chương trình. Các chỉ báo cấp độ dân số thường đo lường các thay đổi điều kiện hoặc mức độ hưởng lợi của đối tượng mục tiêu, cụ thể là các hộ gia đình, hoặc cộng đồng (chẳng hạn như tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch, mức độ giảm tỷ lệ chết của trẻ sơ sinh). Các thay đổi chỉ báo ở cấp độ dân số thường là các kết quả dài hạn của các hoạt động phát triển, của các tác nhân và của các sáng kiến phát triển. Trong một số trường hợp thay vì cung cấp các thông tin về các kết quả đạt được thông qua can thiệp, các chỉ báo về cấp độ dân cư lại có thể cung cấp thông tin về hiện trạng hoặc các tiền đề mà các can thiệp ấy vận hành. Chẳng hạn cấp độ thất nghiệp chung cho chúng ta biết những thông tin hiện trạng nhằm xây dựng các chương trình tạo thêm việc làm. Trong trường hợp này, việc giám sát tỷ lệ thất nghiệp cho phép các bên liên quan lý giải được một cách chính xác kết quả của các chương trình. Các chỉ báo ở cấp độ đơn vị xác định các kết quả mà một đơn vị phải chịu trách nhiệm; các chỉ báo cấp độ chương trình đo lường các kết quả mà một chương trình hoặc một tiểu chương trình chịu trách nhiệm. Các chỉ báo tác động ở cấp độ đơn vị và chương trình thường được xác định bằng một phạm vi hẹp hơn các chỉ báo liên quan đến dân số với tư cách một tổng thể; chẳng hạn chúng có thể đo lường được tỷ lệ người nghèo trong một vùng nhất định hoặc trong số trẻ em phải bỏ học vì nghèo đói [Friedman, M. 1995].

Một vấn đề rất quan trọng là việc sử dụng các chỉ báo cho giải trình trách nhiệm trong quản lý phát triển bền vững vùng kinh tế. Hệ thống giải trình trách nhiệm dựa trên kết quả thường đòi hỏi phải có các dữ liệu về một số chỉ báo phản ánh các nhu cầu thông tin của những người ra quyết định khác nhau. Các nhà lập pháp và đội ngũ lãnh đạo quốc gia thường đòi hỏi các thông tin về những kết quả có tác động dài hạn (và trong một số trường hợp là các đầu vào) trong khi các cán bộ chương trình và các nhà cung cấp lại yêu cầu các thông tin chi tiết về đầu vào, các quá trình, các đầu ra cũng như các kết quả và tác động. Đối với mỗi chỉ báo, các cơ sở dữ liệu cần phải được thu thập để xác định điểm xuất phát và đánh giá tiến độ. Việc so sánh các kết quả chỉ báo thực sự với mức độ dự tính (thường được gọi là các tiêu chuẩn thực hiện hoặc các mục tiêu) cho phép người ra quyết định đánh giá được tiến độ của các chương trình và các chính sách. Việc xác định trách nhiệm thu thập dữ liệu chỉ báo cho các cá nhân hoặc cho một tổ chức nào đó cần phải đảm bảo được tiến hành thường xuyên [Friedman, M. 1995]. Ngoài ra các chỉ báo còn được sử dụng như là một biểu trưng cảnh báo; các chỉ báo tốt thuần tuý cung cấp ý nghĩa về việc liệu có thể đạt được các kết quả mong đợi hay không. Chúng không trả lời câu hỏi tại sao lại đạt được hoặc không đạt được các kết quả mong muốn; tại sao lại tồn tại các mối liên hệ chặt chẽ giữa các can thiệp và các kết quả, hoặc các hoạt động cần phải được thực hiện để cải thiện kết quả, vì vậy các dữ liệu về các chỉ báo cần phải được lý giải một cách thận trọng. Chúng được sử dụng một cách hiệu quả nhất để chỉ rõ các kết quả cần phải được khảo sát thêm chứ không chỉ là các đánh giá dứt khoát về sự thành công hay thất bại của một chương trình phát triển [Brizius, J. A., & Campbell, M. D. 1991].

4. Thiết kế các chỉ báo ưu tiên thực hiện chủ chốt


Các chỉ báo ưu tiên thực hiện chủ chốt còn được gọi là KPI (Key Performance Indicators - KPI) hoặc Chỉ báo thành công chủ chốt (Key Success Indicators - KSI) giúp cho một chương trình, dự án phát triển vùng xác định và đo lường được tiến độ đạt được mục tiêu của mình. Khi chương trình, dự án đã phân tích kỹ lưỡng nhiệm vụ của mình, đã xác định tất cả các bên liên quan, và xác định rõ các mục đích của mình thì nó cần có cách thức đo lường tiến độ hướng đến các mục đích đó. Các chỉ báo thực hiện chủ chốt là các thước đo có thể xác định được số lượng, được nhất trí từ trước, và chúng phản ánh các nhân tố quyết định cho sự thành công của chương trình, dự án đó. Chúng khác nhau tuỳ thuộc vào chính cách thức xác định của chương trình, dự án hay tổ chức đó. Một vùng có thể lấy mức độ bảo tồn đa dạng loài (động thực vật) làm chỉ báo thực hiện chủ chốt để đo lường mức độ phát triển môi trường của vùng; một thành phố có thể lấy tỷ lệ phát triển diện tích cây xanh để đo lường chất lượng sống của cư dân; một doanh nghiệp có thể lấy tỷ lệ cuộc gọi của khách hàng được trả lời ngay từ phút đầu tiên làm các chỉ báo thực hiện chủ chốt của mình; một chỉ báo thực hiện chủ chốt cho một tổ chức dịch vụ xã hội có thể là số khách hàng được trợ giúp trong năm. Bất cứ chỉ báo thực hiện chủ chốt nào được lựa chọn cũng đều phải phản ánh các mục tiêu của vùng, chúng mang tính then chốt đối với sự thành công trong phát triển bền vững vùng, và có thể lượng hoá (đo đếm được). Các chỉ báo thực hiện chủ chốt thường là những mối quan tâm dài hạn. Các mục tiêu đối với một chỉ báo thực hiện chủ chốt riêng biệt có thể thay đổi khi các mục tiêu của vùng thay đổi, hoặc khi nó gần đạt tới đích. Các chỉ báo thực hiện chủ chốt phải phản ánh các mục tiêu của vùng vì mỗi vùng đều có các mục tiêu của nó với tư cách là một cơ cấu thể chế. Vì vậy mỗi vùng dứt khoát phải có các chỉ báo thực hiện chủ chốt để đo lường mức độ phát triển bền vững của môi trường, kinh tế, xã hội, thể chế, và con người của vùng mình [Brizius, J. A., & Campbell, M. D. 1991].

Các chỉ báo thực hiện chủ chốt phải được lượng hoá vì nếu một chỉ báo thực hiện chủ chốt thuộc bất kỳ giá trị nào thì phải có phương thức để xác định một cách chính xác và đo lường được giá trị của nó. Mục tiêu “Tạo thêm nhiều vùng sinh thái giống vùng X” là vô dụng khi một KPI không có cách nào phân biệt được giữa vùng sinh thái mới và vùng sinh thái cũ X. Mục tiêu “Phấn đấu để trở thành một thị trấn phát triển bền vững” sẽ không hữu dụng khi một chỉ báo KPI không thể đo lường được mức độ bền vững của thị trấn hoặc không thể so sánh nó với thị trấn khác được. Vì vậy điều quan trọng là phải xác định các chỉ báo thực hiện chủ chốt và phải duy trì được vẫn cách xác định đó từ năm này qua năm khác. Đối với một chỉ báo KPI “Tăng mức phát triển bền vững kinh tế” thì người ta cần xem xét cẩn thận chẳng hạn như liệu có đo lường được bằng các đơn vị đã phát triển bền vững hoặc bằng mức thu nhập đo bằng tỷ lệ tăng hàng năm. Liệu mức thu nhập trong năm hoặc mức sống trong năm có bị giảm không? Có ghi chép lại được các mức tăng hàng năm để thống kê mức sống thực tế không? [Parmenter D. 2007].

Các chỉ báo thực hiện chủ chốt (Key Performance Indicators - KPI) còn là các thước đo tài chính hoặc phi tài chính được sử dụng để giúp một vùng xác định và đo lường tiến độ thực hiện kế hoạch, chương trình, dự án,...nhằm thực hiện các mục tiêu đã đề ra. Các chỉ báo thực hiện chủ chốt được sử dụng trong kinh doanh để đánh giá hiện trạng kinh doanh và để buộc người có trách nhiệm phải thực hiện theo đúng qui trình hành động. Hành động giám sát KPIs theo tiến độ thời gian được coi là giám sát hoạt động kinh doanh. Các KPIs  thường được sử dụng để đánh giá những hoạt động khó đo đếm chẳng hạn như các lợi ích của việc tăng cường sự lãnh đạo, mức độ cam kết, thái độ phục vụ, và mức độ thoả mãn của người dân đối với các dịch vụ do vùng cung cấp. KPIs luôn gắn liền với chiến lược của một vùng cụ thể. Các KPIs khác nhau tuỳ thuộc vào thực chất của vùng và chiến lược của vùng đó. Chúng giúp cho một vùng đo lường được tiến độ nhằm thực hiện các mục tiêu đã đề ra, đặc biệt là nhắm đến các quá trình dựa trên cơ sở tri thức khó lượng hoá. Một KPI là một phần chủ chốt của một mục tiêu có thể đo đếm được đề xuất theo một định hướng, theo một chỉ số, một mốc chuẩn, một mục tiêu và khung thời gian [Brizius, J. A., & Campbell, M. D. 1991].

Các chỉ báo ưu tiên thực hiện chủ chốt có thể được phân loại dựa trên việc xác định một tập hợp các giá trị được sử dụng để đo lường. Các tập chỉ báo giá trị này được sử dụng để tóm tắt các thông tin được gọi là các chỉ báo. Các chỉ báo có thể xác định là những giá trị thích hợp với các KPIs có thể được tóm tắt thành các phụ loại sau:

i) các chỉ báo định lượng có thể được thể hiện bằng các con số;

ii) các chỉ báo thực tiễn giao diện với các quá trình hoạt động của tổ chức hiện tại;

iii) các chỉ báo định hướng xác định một cách cụ thể xem liệu một vùng có phát triển bền vững hơn hay không;

iv) các chỉ báo tác động được dùng để kiểm soát và đánh giá sự thay đổi của vùng theo hướng bền vững hay không bền vững.

Tóm lại các chỉ báo thực hiện chủ chốt trong khuôn khổ hoạt động thực tiễn, trong thiết kế và thực hiện chiến lược chính là các mục tiêu hướng tới đích để bổ sung giá trị cho các chỉ báo thành công chủ chốt trong hoạt động của vùng [Waterhouse P. 1992]. Để quản lý tốt việc thực hiện phát triển bền vững vùng, người ta đã thiết kế một loại chỉ báo khác, đó là các chỉ báo rủi ro chủ yếu. Một chỉ báo rủi ro chủ yếu (còn được gọi là một KRI - Key Risk Indicator), là một thước đo được sử dụng trong quản lý nhằm chỉ rõ một hoạt động như thế nào là rủi ro. Nó khác với một KPI là một thước đo kết quả nào đó được thực hiện ra sao, trong khi đó thì một KRI lại là một chỉ báo về khả năng tác động bất lợi trong tương lai của vùng [Waterhouse P. 1992].

Khái niệm “vùng kinh tế” được định nghĩa từ nhiều góc nhìn, từ nhiều quan điểm và từ nhiều nền kinh tế với các điều kiện, trình độ và đặc trưng phát triển khác nhau. Trong bối cảnh đó, chúng tôi coi “vùng kinh tế” là một khái niệm mở, có thể định nghĩa theo rất nhiều quan niệm khác nhau. Tuy nhiên nội hàm của khái niệm này bao gồm những yếu tố cơ bản không thể bỏ qua: i) vùng kinh tế là một khu vực địa lý xác định; ii) vùng kinh tế là một (hoặc những) không gian sinh thái xác định; iii) vùng kinh tế là một không gian chính trị - xã hội xác định; iv) vùng kinh tế là một không gian văn hoá; v) vùng kinh tế là một cấu trúc kinh tế của tổng thể các yếu tố: cơ sở hạ tầng, các nguồn lực, các thị trường, các thể chế kinh tế, các chính sách, các mối quan hệ sở hữu, và các nhóm lợi ích đại diện tập trung nhất là các doanh nghiệp; vi) hình thức của vùng kinh tế rất đa dạng tuỳ thuộc vào tất cả các yếu tố trên, và không ngừng vận động, phát triển, biến đổi.

Để nắm bắt được các đặc trưng đa dạng và năng động của nội hàm khái niệm vùng kinh tế, đề tài đã xem xét nhiều hình thức vùng kinh tế khác nhau, nhiều khía cạnh và thuộc tính khác nhau của vùng kinh tế, từ những loại hình vùng kinh tế cổ điển, truyền thống đến các hình thức cấu thành các loại vùng kinh tế mới nhất nhằm cập nhật hoá được khái niệm đa dạng và phức tạp này, để có thể hiểu nó, sử dụng nó như một công cụ hữu ích cho việc thực hiện phát triển bền vững các vùng kinh tế Việt Nam. Với một quan niệm như vậy, chúng tôi đã xem xét một loạt hình thức, thuộc tính và khái niệm tương đồng hoặc liên quan đến khái niệm vùng kinh tế và phát triển vùng kinh tế. Đó là: i) khái niệm vùng kinh tế; ii) khái niệm cực tăng trưởng; iii) khái niệm trung tâm tăng trưởng; iv) khái niệm cụm kinh tế; v) khái niệm công viên công nghiệp; vi) khái niệm quận công nghiệp; vii) khái niệm vùng kinh tế công nghệ cao; viii) vùng kinh tế thông tin; ix) lợi thế so sánh vùng; x) lan toả phát triển kinh tế vùng; xi) địa kinh tế vùng; xii) bất bình đẳng trong phát triển vùng kinh tế; xiii) cân bằng công nông nghiệp vùng; xiv) liên kết phát triển vùng kinh tế; xv) phát triển vùng kinh tế xuyên quốc gia; xvi) vai trò đô thị trong phát triển vùng kinh tế; xvii) vùng kinh tế siêu đô thị; xviii) đô thị hoá vùng kinh tế; xix) xác định ưu tiên phát triển vùng kinh tế. Cuối cùng chúng tôi muốn tập trung làm rõ khái niệm ưu tiên phát triển vùng kinh tế, đặc biệt nhấn mạnh phương thức và thao tác xác định ưu tiên thông qua việc thiết kế các hệ chỉ báo để đo lường, giám sát đánh giá, điều chỉnh khuynh hướng, tiến độ, việc cung cấp các nguồn lực nhằm đạt được các mục tiêu phát triển vùng kinh tế.

Tài liệu dẫn

Brizius, J. A., & Campbell, M. D. 1991 Brizius, J. A., & Campbell, M. D. 1991. Getting results: A guide for government accountability. Washington, DC: Council of Governors Policy Advisors.

Friedman, M. 1995. From outcomes to budgets: An approach to outcome based budgeting for family and children s services. Washington, DC: Center for the Study of Social Policy.

Parmenter D. 2007. Key Performance Indicators. John Wiley & Sons 2007, ISBN 0-470-09588-1.

UN 2008. Indicators of Progress: Guidance on Measuring the Reduction of Disaster Risks and the Implementation of the Hyogo Framework for Action. Indicators of Progress Published by the United Nations secretariat of the International Strategy for Disaster Reduction (UN/ISDR), Geneva, Switzerland January 2008 © United Nations, 2008 © UN/ISDR.

Waterhouse P. 1992. Assessing the content and quality of performance measures. Office of Government Services, Washington, DC: Author. 3412 Social Science, Madison, WI 53706. 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét