Powered By Blogger

Thứ Hai, 22 tháng 4, 2013

Trò hai mặt trong học thuật Trung Quốc?




Trò hai mặt trong học thuật Trung Quốc?

Le Minh Khai

Người dịch: Hà Hữu Nga

Hôm qua tờ New York Times đăng một bài viết về một quỹ học bổng mới được tạo ra sẽ giúp cho người không phải Trung Quốc đến học tập, nghiên cứu tại Trung Quốc. “Ông trùm quỹ tư Stephen A. Schwarzman, được một đội quân của hầu hết các công ty tài chính vững chắc của phương Tây kiếm lợi ở Trung Quốc hỗ trợ, tạo dựng một quỹ học bổng 300 triệu USD cho việc học tập tại Trung Quốc mà ông hy vọng sẽ cạnh tranh với quỹ học bổng Rhodes Scholarship về danh tiếng và ảnh hưởng”.

Quỹ Rhodes Scholarship là một quỹ danh tiếng vẫn hỗ trợ cho việc học tập nghiên cứu tại Đại học Oxford. Vậy thì có phải việc tạo ra quỹ học bổng mới này cho thấy rằng công trình của các học giả Trung Quốc giờ đây đã đạt tới trình độ ngang với các đối tác của họ ở những nơi chẳng hạn như tại Vương quốc Anh? Các học giả Trung Quốc giờ đây đã là những tay chơi đồng hạng trong giới học thuật quốc tế (điều đó có nghĩa gì vậy)?

Tôi tự hỏi mình điều này vào sáng nay khi tôi vào trang blog Tiếng vọng Kattigara và thấy một bản dịch bài viết của Lý Huy, một giáo sư tại Đại học Phục Đán; bài viết có nhan đề là Common Origin of the Austronesian and Daic Populations. [1] Đây là một bài viết tham gia hội nghị được công bố trong một tạp chí có tên là Communication on Contemporary Anthropology, “một tạp chí mở cho cả các tác giả chuyên nghiệp lẫn không chuyên đánh giá”.

Tôi quan tâm đến việc cố gắng hiểu những tộc người khác nhau hiện sống tại Đông Nam Á đã đến đó như thế nào, và họ từ đâu đến, ...v.v., vì vậy mà tôi đã quyết định đọc bài viết này. Đoạn tóm tắt tuyên rằng “Trong bài viết này, chúng tôi đã phát hiện ra mối quan hệ gần gũi giữa các cư dân Nam Đảo và Daic tại miền nam Đông Á, và đã tái dựng quá trình phát sinh của hai nhóm cư dân bằng cách sử dụng các nhiễm sắc thể Y dòng cha và ti thể DNA dòng mẹ”.   

Vậy là bài viết khai thác thông tin có được từ DNA để xem xét quá khứ. Tôi không biết nhiều về lĩnh vực này, vì vậy không thể thực sự đánh giá được loại học thuật này, nhưng tôi dù sao thì cũng cứ đọc hết bài viết.

Khi thực sự đọc bài viết tôi thấy không hề có một chú thích, một tài liệu dẫn nào, và cũng không hề có thảo luận về phương pháp. Đồng thời nó lại cực kỳ chi tiết. Chẳng hạn như đoạn sau:

“Trong khoảng thời gian từ 5000 đến 3000 năm trước người Mân Việt ở Phúc Kiến và Nam Việt ở Quảng Đông đã phân cực và sinh ra một số nhóm mới di cư khỏi vùng hạch. Các nhóm cư dân này thường được gọi là người Âu, có nghĩa là người ngoài. Thực ra thì người Đông Âu đã di cư theo hướng bắc ra ngoài nhóm Mân Việt đến nam Chiết Giang, còn người Tây Âu chuyển về phía tây, đi khỏi nhóm Nam Việt đến Quảng Tây. Người Tây Âu hòa hợp với người Lạc Việt và trở thành tổ tiên của người Tráng-Thái. Cũng trong khoảng thời gian đó, nhóm Kadai [仡央 Ngật Ương*] di chuyển theo hướng tây bắc đến Quý Châu và tạo dựng nên một vài vương quốc chẳng hạn như Dạ Lang. Họ đồng hóa một số lớn cư dân bản địa là người 百濮* Bách Bộc ở đó, vốn nói tiếng mẹ đẻ là nguyên Nam Á [Proto-Austro-asiatic]. Các phát hiện này đã được xác định dựa trên cơ sở sự lưỡng phân trong cấu trúc di truyền của người Kadai” [仡央 Ngật Ương*].

Toàn bộ điều này thực sự có vấn đề. Lý Huy hoàn toàn chấp nhận không phê phán việc sử dụng tên gọi các chính thể và các tộc người mà chúng ta có thể tìm được trong các văn bản cổ, như Nam Việt hoặc Âu (“Âu” nghĩa là “người ngoài”? Ngoài với ai? Làm sao chúng ta biết điều đó?). Ở những chỗ khác ông cũng làm hệt như vậy với những tập hợp di vật khảo cổ học (Lương Chử, ...v.v). Lý Huy còn kết nối các nhóm tộc người đương đại với các nhóm tộc người trong quá khứ, một thứ mà các học giả ở nơi khác, chẳng hạn Bắc Mỹ đã phản bác nhiều thập kỷ nay.   

Rõ ràng là Lý Huy đã làm đúng cái thứ mà các học giả bên ngoài Trung Quốc đã thải hồi, tôi chắc chắn rằng bài viết này không bao giờ có thể được chấp nhận công bố tại một nơi như Bắc Mỹ, thế nhưng Lý Huy đã công bố ở Bắc Mỹ.

Đặc biệt là ông viết một bài về một chủ đề tương tự - Paternal Genetic Affinity between Western Austronesian and Daic Populations – Mối quan hệ Di truyền dòng cha giữa người Nam đảo phía Tây và các cư dân Daic – đã được công bố trong tạp chí BMC Evolutionary Biology. Thực ra thì Lý Huy là một trong số vài tác giả của bài viết này, nhưng rõ ràng là ông đã cùng những người khác tiến hành “các nghiên cứu di truyền phân tử”, còn ông thì “đã tham gia vào thiết kế nghiên cứu và [cùng những người khác] thực hiện các phân tích thống kê”, ông đã giúp thu thập mẫu, và ông “đã đọc và duyệt bản thảo cuối cùng”.

Không giống với bài viết được công bố ở Trung Quốc, bài viết này có thêm các chú dẫn, phương pháp luận được giải thích rõ ràng, và bài viết không sử dụng các thuật ngữ như Nam Việt, Mân Việt, Âu, ...v.v. Nó hoàn toàn khác với loại nghiên cứu (kể cả nội dung và tính chất), cho dù về cơ bản nó vẫn cùng một chủ đề.

Rất đáng chú ý là bài viết này chú thích rằng [顧問主席* cố vấn chủ tịch] “tư vấn trưởng” của Communication on Contemporary Anthropology Truyền thông Nhân học Hiện đại là 金力* Li Jin, Kim Lực, một nhà di truyền học chuyên về các xác ướp vùng thung lũng 吉林* Cát Lâm [Tarim] thì lại không nhất quán. Ông đã nói về một “nòi giống Đông Á” mà người ta phát hiện được trong DNA của các xác ướp này trong một vài bối cảnh, nhưng lại không có trong bối cảnh công bố ở Bắc Mỹ (Blog này [2] có nói về vấn đề này ở một mức độ nào đó).

Vậy thì điều gì đang diễn ra ở đây? Có phải các học giả Trung Quốc đang lá mặt lá trái? Hay đây chỉ là cái mà họ phải làm để tồn tại?

Quỹ học bổng mới đề xuất mà tôi đã nhắc đến ở đầu bài viết này là một cái gì đó mà tôi tin chắc là chính phủ Trung Quốc muốn làm liều. Khi nó đến với giáo dục và học thuật thì trong thời buổi khó khăn này, các quốc gia ở châu Á đang phải hết sức cố gắng để đạt được thứ hạng và uy tín. Nhưng trong trường hợp Trung Quốc và một vài nơi khác nữa, điều này vẫn đang diễn ra trong một xã hội mà cùng một lúc người ta phải ra sức kiểm soát giáo dục và học thuật.

Vì vậy tôi tự hỏi phải chăng hai bài viết của Lý Huy chính là dấu hiệu về một nơi mà toàn bộ điều đó đang diễn ra. Các học giả Trung Quốc sẽ có các công trình nghiên cứu chất lượng đủ khả năng công bố ở các nơi như Bắc Mỹ, Australia và Anh thì đồng thời ở nhà họ cũng lại trình ra rác rưởi.

Tất cả câu truyện này dường như quá vô lý. Người ta trưởng thành bằng cách học rác rưởi, và sau đó sẽ lại phải gạt bỏ những thứ rác rưởi đã học, sao cho có thể học được một điều gì đó mới mẻ đến mức họ có thể tạo ra được một nền học thuật “tầm cỡ quốc tế”. Nhưng đồng thời với việc hành động như vậy, họ lại vẫn phải nhớ đến thứ rác rưởi mà họ đã trưởng thành cùng, vì họ sẽ vẫn phải trình thêm rác rưởi nữa ở nhà.

Cần phải cải thiện tình trạng đó.
___________________________

Nguồn: Duplicity in Chinese Scholarship? Trên http://leminhkhai.wordpress.com/2013/04/21/.


Chú thích:

1. Đó là bài: Lý Huy 2013, Cội nguồn chung của các cư dân Nam Đảo và Daic, http://Kattigara-Echo.blogspot.com/Thứ ba, ngày 19 tháng ba năm 2013.

[2] Bài dẫn: Almost Lost in Translation; trên blog http://languagelog.ldc.upenn.edu/nll/?p=2347; May 23, 2010 @ 10:32 pm · Filed by Victor Mair under Language and politics, Lost in translation.

Ghi chú của người dịch:

1. Bài viết của tác giả có ba hình ảnh và biểu đồ, bạn đọc có thể tham khảo trong bản gốc tại trang http://leminhkhai.wordpress.com/2013/04/21/.

* Các từ có dấu sao là do tôi chú thêm vào để biết rõ một số địa danh, tộc danh và tên người Trung Quốc vốn dễ bị lầm, lẫn nếu chỉ có phiên âm Latin.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét