Powered By Blogger

Thứ Ba, 3 tháng 1, 2023

Chính trị học So sánh Trung Quốc và phương Tây: Bài học & Vấn đề (I)

Daniel A. Bell

Người dịch: Hà Hữu Nga

Tóm tắt

Cùng với sự trỗi dậy về kinh tế và quân sự của Trung Quốc, các giá trị chính trị hàng đầu của quốc gia này sẽ ngày càng định hình cả Trung Quốc và thế giới nói chung. Do đó, chúng ta cần hiểu, so sánh và học hỏi từ các giá trị hàng đầu trong văn hóa chính trị của Trung Quốc. Đánh giá này thảo luận về những nỗ lực gần đây nhằm so sánh một cách có hệ thống ba giá trị hàng đầu trong các truyền thống triết học của Trung Quốc - chế độ thượng hiền (trọng dụng nhân tài), hệ thống thứ bậc và sự hài hòa - với các giá trị hàng đầu của văn hóa chính trị phương Tây.

Giới thiệu

Đối với các sinh viên và trí thức Trung Quốc, cách tiếp cận so sánh tư duy chính trị là đương nhiên. Bất chấp ràng buộc chính trị, hầu hết các cuộc tranh luận chính trị ở các trường đại học Trung Quốc đều liên quan đến việc so sánh các giá trị chính trị hàng đầu từ các truyền thống triết học ở Trung Quốc và phương Tây. Giáo viên và sinh viên đọc những văn bản tuyệt vời thuộc cả truyền thống phương Tây lẫn Trung Quốc, và thường đến các nước phương Tây để tìm hiểu về các cuộc tranh luận mới nhất về lý thuyết chính trị. Ngược lại, các đại học phương Tây thì dường như lại khá thiển cận. Hầu hết các khoa khoa học chính trị, triết học và luật tại các trường đại học nói tiếng Anh hàng đầu vẫn tập trung vào các cuộc tranh luận học thuật ở các xã hội phương Tây và kháng cự việc khám phá nghiêm túc truyền thống Trung Quốc và các cuộc tranh luận chính trị đương đại ở Trung Quốc.

Vì sao lại có tình trạng đó? Một nguyên do là ở triết học (hoặc trí tuệ). Triết học Trung Quốc xuất trình các truyền thống và văn bản phong phú, đa dạng để suy nghĩ về chính trị, mà các trường đại học phương Tây lại võ đoán cắt bỏ các cuộc tranh luận trí tuệ hấp dẫn liên quan. Hơn nữa, sự gặp gỡ có hệ thống của các ý tưởng hàng đầu từ các truyền thống khác nhau có thể truyền cảm hứng cho tư duy chính trị mới mẻ có giá trị lâu dài. Lý do khác là chính trị. Trong phần lớn thế kỷ 20, lý thuyết chính trị Trung Quốc bị gạt ra bên lề chủ yếu do sức mạnh vượt trội về kinh tế và quân sự của các nước phương Tây. Trên thực tế, người phương Tây không cần phải hiểu các truyền thống chính trị của Trung Quốc vì chúng không tác động nhiều đến thế giới bên ngoài Trung Quốc. Nhưng giờ đây chúng ta không thể tránh thảo luận về tác động của sự trỗi dậy của Trung Quốc. Chúng ta cần hiểu các giá trị chính trị của Trung Quốc không chỉ vì chúng ảnh hưởng đến Trung Quốc mà còn vì chúng ảnh hưởng mạnh mẽ đến phần còn lại của thế giới. Chẳng hạn, quan điểm không giống nhau về chính trị ở Hoa Kỳ và Trung Quốc, một phần bắt nguồn từ các ưu tiên khác nhau do mỗi xã hội đưa ra đối với các giá trị và nguyện vọng chính trị hệ trọng, không chỉ đơn giản là xung đột lợi ích kinh tế và quân sự. Tất nhiên cả hai xã hội đều chia sẻ nhiều giá trị chính trị, nhưng thứ hạng của những giá trị đó có thể khác nhau, điều này rất quan trọng trong các trường hợp xung đột. Để xoa dịu các xung đột chính trị bắt nguồn từ những hiểu lầm về văn hóa, điều quan trọng là phải hiểu các giá trị chính trị đa dạng và tôn trọng các lĩnh vực khác biệt chính đáng về mặt đạo đức. Tham vọng hơn, công việc so sánh có thể tạo ra những ý tưởng chính trị mới phù hợp để suy nghĩ về các vấn đề toàn cầu cấp bách của thời đại chúng ta. Việc phụ thuộc hoàn toàn vào các giá trị chính trị được phát triển ở các nước phương Tây khi các nước đó gần như có ảnh hưởng hoàn toàn đối với phần còn lại của thế giới ít có khả năng tạo ra những hiểu biết thực tế phù hợp với thế giới đa cực ngày nay.

Không phải mọi tin tức đều xấu. Phương Tây không phải là một nguyên khối thống nhất, và một số quốc gia - chẳng hạn như Na Uy - dường như có đầu óc quốc tế hơn. Nghiên cứu vùng đã là một phân ngành nổi bật trong các đại học Mỹ, và các nhà khoa học chính trị so sánh các thể chế chính trị ở các nước phát triển, ở các nước đang phát triển (ở mức độ thấp hơn) và giữa các nước phát triển và đang phát triển (ở mức độ thấp nhất). Các nhà khoa học chính trị thực hiện nghiên cứu thực nghiệm nghiêm ngặt các giá trị chính trị so sánh giữa các khu vực và quốc gia khác nhau (ví dụ: Khảo sát Giá trị Thế giới, Phong vũ biểu châu Á). Tuy nhiên, điều còn thiếu là việc phản ánh một cách hệ thống về những gì có thể học được từ các giá trị chính trị bên ngoài phương Tây, điều này hoàn toàn trái ngược với Trung Quốc, nơi giới trí thức đã tranh luận về cách học hỏi từ “những người giỏi nhất của phương Tây” trong hơn một thế kỷ nay.

Tất nhiên, lĩnh vực lý thuyết chính trị nhằm mục đích đầu tiên và quan trọng nhất là phản ánh định chuẩn về cách thức điều hành xã hội, việc tổ chức và biện minh chính trị; đó là nơi chúng ta mong đợi sự tham gia có hệ thống nhất với tư duy chính trị Trung Quốc. Nhưng tiến độ đã thật chậm. Vào đầu những năm 1980, tôi tham gia các khóa học theo phương thức “Plato đến NATO” và tốt nghiệp mà không nhận thức được rằng có thể có nhiều lợi ích định chuẩn để học hỏi từ thế giới chính trị phi-phương Tây. Vào cuối những năm 1980, các nhà tư tưởng công xã phương Tây nghi ngờ về giá trị phổ quát của các lý tưởng chính trị bắt nguồn từ kinh nghiệm dân chủ tự do, nhưng họ không đề xuất bất kỳ giải pháp thay thế mong muốn và thực tế nào về mặt chính trị. Các cuộc tranh luận chủ yếu xoay quanh nhu cầu đào sâu (chứ không phải hạn chế) nền dân chủ và làm thế nào để giảm bớt các hình thức phân cấp (chứ không phải nghĩ xem hình thức nào là hợp lý), và giá trị của sự hài hòa hầu như không hề thấy trong các cuộc tranh luận này. Những người theo chủ nghĩa tự do phương Tây [tr.94] cuối cùng đã tiếp nhận những hiểu biết sâu sắc về chủ nghĩa công xã, và cuộc tranh luận về chủ nghĩa công xã-tự do đã lụi tàn khỏi sự tồn tại học thuật mà không có bất kỳ sự tham gia nghiêm túc nào với các giá trị chính trị hàng đầu từ các xã hội phi-phương Tây. Gần đây, lĩnh vực lý thuyết chính trị so sánh đã tạo ra ảnh hưởng chậm nhưng chắc chắn ở các đại học phương Tây (von Vacano 2015). Các tác phẩm chủ chốt về lý thuyết chính trị Trung Quốc đã được dịch và xuất bản bộ sách Các nhà Tư tưởng Trung Quốc của Trung tâm Thornton Brookings và Bộ sách Princeton–Trung Quốc. Đã có nhiều cuộc thảo luận về phương pháp luận thuộc lý thuyết chính trị so sánh (Dallmayr 2010, Godrej 2011, Jenco 2007). Các nhà lý thuyết đã so sánh sâu sắc các ý tưởng đạo đức và chính trị của các nhà tư tưởng vĩ đại trong quá khứ (Yearley 1990, El Amine 2015). Một số công trình về lý thuyết chính trị so sánh có mối quan tâm định chuẩn rõ ràng hơn (Tan 2004, Jenco 2010). Nhưng vẫn không có nhiều nỗ lực để so sánh một cách có hệ thống các giá trị chính trị của Trung Quốc với phương Tây và liên hệ những hiểu biết đó với các vấn đề chính trị đương đại theo cách mà công chúng nói chung có thể tiếp cận được trong các đại học phương Tây. Và thậm chí còn ít nỗ lực hơn trong việc lấy các giá trị chính trị hàng đầu từ văn hóa chính trị Trung Quốc, chẳng hạn như chế độ thượng hiền (trọng dụng nhân tài), thứ bậc và sự hài hòa, làm nền tảng cho các dự án so sánh.

Vậy so sánh các giá trị chính trị hàng đầu giữa Trung Quốc và phương Tây có nghĩa là gì? Tất nhiên, có những lĩnh vực chồng chéo đáng kể. Không ai ở Trung Quốc bàn cãi công khai về các quyền con người là “mỏng”, chẳng hạn như quyền chống lại nạn diệt chủng, chế độ nô lệ, tra tấn, giết người hoặc phân biệt chủng tộc có hệ thống (Walzer 1994). Nhưng các giá trị chính trị khác chiếm ưu thế trong các xã hội phương Tây, chẳng hạn như dân chủ, bình đẳng và tự do, đang bị tranh cãi gay gắt ở Trung Quốc. Không còn nghi ngờ gì nữa, các quan chức chính phủ Trung Quốc thường phản đối các giá trị này - và hạn chế các cuộc tranh luận chính trị về cái gọi là các giá trị phương Tây - để che đậy những hành vi lạm dụng quyền lực chính trị xấu xí. Nhưng đó không phải là toàn bộ, hay thậm chí là cốt truyện chính. Nhiều nhà cải cách chính trị và trí thức độc lập ở Trung Quốc cũng như các chuyên gia về triết học Trung Quốc và văn hóa chính trị bên ngoài Trung Quốc lập luận rằng các giá trị chính trị như chế độ thượng hiền, thứ bậc và sự hài hòa trái ngược với các giá trị chính trị thống trị ở phương Tây và cũng tác động đến cách thức tổ chức và tính hợp thức quyền lực chính trị ở Trung Quốc (Bell & Li 2013). Tất nhiên, những tuyên bố như vậy cần được xem xét với một tinh thần cởi mở. Không đủ để loại bỏ chúng trên cơ sở một lý thuyết về lý luận chính trị và đạo đức phổ quát chỉ dựa trên những khát vọng đạo đức và thực tiễn xã hội được thấy trong các xã hội phương Tây. Cũng không đủ để khẳng định những khác biệt văn minh không thể hòa giải và loại trừ sự chồng chéo và khả tính học hỏi lẫn nhau (Huntington 2011). Chúng ta cần so sánh một cách có hệ thống các giá trị chính trị được ưu tiên ở Trung Quốc và phương Tây, đồng thời khám phá những lĩnh vực chồng chéo và những lĩnh vực khác biệt. Một khi các tương phản được giải thích rõ ràng, chúng ta cần xem xét khả tính học hỏi từ chúng. Liệu chúng ta có thể xây dựng một nền đạo đức chính trị khác dựa trên những hiểu biết sâu sắc về các truyền thống chính trị khác nhau và giúp chúng ta suy nghĩ về các vấn đề chính trị trong một thế giới đa cực không? Hay chúng ta nên hòa giải với những khác biệt chủ chốt? Nếu một số khác biệt không thể hòa giải được, thì chúng ta cần phải suy nghĩ về mặt đạo đức về cách thương thảo các mối quan hệ dựa trên những khác biệt đó. Chúng ta cần khoan dung hoặc tôn trọng một xã hội có quan điểm chính trị trái ngược đến mức nào? Có thể bỏ qua những câu hỏi này vào thời phương Tây gây ảnh hưởng trí tuệ áp đảo được hỗ trợ bởi sức mạnh kinh tế và quân sự vượt trội, nhưng ngày nay chúng ta cần tham gia vào bản chất trí tuệ của các xung đột chính trị dựa trên cơ sở (ít nhất là một phần) ở việc viện đến các giá trị chính trị khác nhau ở những vùng khác nhau trên thế giới.

Bài viết này thảo luận về những nỗ lực gần đây nhằm so sánh một cách có hệ thống các giá trị chính trị thống trị ở Trung Quốc và phương Tây. Có rất nhiều cuộc tranh luận bằng tiếng Trung Quốc, nhưng vì lý do dung lượng, tôi chỉ giới hạn thảo luận về các công trình bằng tiếng Anh. Tôi chủ yếu tập trung vào các quan điểm triết học tương phản được cung cấp bởi các tranh cãi chính trị ngày nay hơn là những khác biệt thực nghiệm về các giá trị giữa các quốc gia và khu vực, mặc dù vấn đề sau có thể làm sáng tỏ vấn đề trước. Trong các công trình này, một số đã được các học giả chấp bút trong nhiều năm. Suy nghĩ của riêng tôi đã bị ảnh hưởng bởi các công trình của Trung tâm Văn hóa và Triết học Berggruen (BPCC) từ năm 2014 đến 2016 (tôi là giám đốc của BPCC trong giai đoạn này). BPCC đã tập hợp những bộ óc hàng đầu từ khắp các ranh giới văn hóa và chính trị để khám phá những câu hỏi chính của thời đại [tr.95] chúng ta, với mục đích không chỉ cải thiện sự hiểu biết lẫn nhau mà còn tạo ra những hiểu biết mới thông qua học hỏi sâu rộng lẫn nhau, công bố các phát hiện và dịch chúng sang ngôn ngữ mà công chúng rộng rãi hơn ở cả phương Tây và Trung Quốc có thể tiếp cận được. Cụ thể hơn, BPCC đã tập trung vào các chủ đề (a) bao gồm các cực và các căng thẳng cả bên trong một truyền thống và giữa các truyền thống có ý nghĩa chính trị và triết học lâu dài; (b) có thể tạo ra những hiểu biết mới nếu được khám phá từ quan điểm của các truyền thống và nguyên tắc đạo đức khác nhau; và (c) yêu cầu tập trung nhiều vào các nghiên cứu so sánh và có hệ thống. Mục tiêu không chỉ đơn giản là làm rõ những điểm tương đồng và khác biệt hợp thức về mặt đạo đức giữa các giá trị chính trị mà còn truyền cảm hứng cho những quan điểm mới và tư duy triết học mới mẻ. Sau khi cân nhắc kỹ lưỡng với các nhà tư tưởng hàng đầu từ các nền văn hóa và các ngành học khác nhau, BPCC đã ưu tiên ba chủ đề xuyên văn hóa có ý nghĩa xã hội và chính trị trong thời kỳ này, đặc biệt nhấn mạnh đến những đóng góp của các truyền thống chính trị Trung Quốc đã bị bỏ qua trong các cuộc tranh luận học thuật phương Tây: chế độ thượng hiền (trọng dụng nhân tài) và dân chủ, tôn ty và bình đẳng, hài hòa và tự do. Tôi sẽ thảo luận về từng chủ đề tương phản này - lấy các giá trị hàng đầu từ văn hóa chính trị Trung Quốc làm điểm khởi đầu - và kết luận với các gợi ý cho các nghiên cứu trong tương lai.

Thượng hiền và Dân chủ

Các cuộc tranh luận về dân chủ (theo nghĩa chính quyền do nhân dân quản lý) và chế độ trọng dụng nhân tài chính trị (theo nghĩa hệ thống chính trị nên được thiết kế với mục đích lựa chọn và đề bạt các nhà lãnh đạo có năng lực và phẩm chất vượt trội) có lịch sử lâu đời nhất. Plato đã mạnh mẽ chỉ trích nền dân chủ và bảo vệ lý tưởng chính trị thượng hiền trong tác phẩm Cộng hòa. Chế độ thượng hiền chính trị có ảnh hưởng xuyên suốt lý thuyết và thực tiễn chính trị phương Tây sau này, mặc dù các nhà tư tưởng hiếm khi bảo vệ một hình thức thuần túy thượng hiền chính trị. Các quốc phụ sáng lập Hoa Kỳ và giới tinh hoa tự do thế kỷ XIX như John Stuart Mill và Alexis de Tocqueville đã đưa ra những lý tưởng chính trị cố gắng kết hợp chế độ thượng hiền và dân chủ (Macedo 2013, Skorupski 2013). Ngày nay, các nền dân chủ tự do trao quyền cho các chuyên gia được tuyển chọn theo thể thức thượng hiền vào các vị trí hành chính và tư pháp, nhưng họ phải chịu trách nhiệm giải trình, nếu chỉ là gián tiếp, trước các nhà lãnh đạo được bầu cử theo thể thức dân chủ (Pettit 2013). Họ có ý định thực thi quyền lực trong một lĩnh vực được xác định hẹp và phải cố gắng giữ trung lập về chính trị trong phạm vi có thể. Ví dụ, các công chức Anh có nhiệm vụ phục vụ các chính trị gia được bầu chọn và có thể cần phải gạt quan điểm chính trị của mình sang một bên khi họ làm như vậy. Nhưng ý tưởng cho rằng cần phải kiểm tra việc trọng dụng nhân tài - chẳng hạn như kiểm tra hoặc yêu cầu về kinh nghiệm chính trị ở các cấp chính quyền thấp hơn - đối với việc lựa chọn các nhà lãnh đạo chính trị, những người được cho là phải thực hiện phán quyết chính trị trong hàng loạt lĩnh vực đã bị coi là quá nhạt nhòa về đạo đức trong các xã hội phương Tây. Gần như có sự gắn bó mang tính phản xạ với quan điểm cho rằng một người-một lá phiếu là cách duy nhất hợp pháp về mặt đạo đức để lựa chọn các nhà lãnh đạo chính trị, bất kể cộng đồng chính trị lớn đến đâu hay bối cảnh chính trị ra sao. Do đó, việc lý thuyết hóa về chế độ thượng hiền chính trị - theo nghĩa tìm phương thức tốt nhất để lựa chọn và đề bạt các nhà lãnh đạo chính trị, những người thực thi phán quyết chính trị trong hàng loạt lĩnh vực và nắm giữ quyền lực tối cao trong cộng đồng chính trị - gần như đã phai nhạt trong diễn ngôn chính trị phương Tây hiện đại thuộc giai đoạn sau Thế chiến thứ hai. Có thể thảo luận về chế độ thượng hiền trong công vụ nhưng không nên bảo vệ các lựa chọn thay thế bầu cử như một cách lựa chọn các nhà lãnh đạo chính trị.

Điều đó có nghĩa là, ngày càng có nhiều nghi ngờ về phẩm chất của các nhà lãnh đạo ở các nước phương Tây. Bất kể lợi thế của các nền dân chủ bầu cử là gì – chúng đều quy định các nhà lãnh đạo phải chịu trách nhiệm giải trình trước công dân và đảm bảo rằng có thể có một sự chuyển đổi lãnh đạo một cách hòa bình - nhưng hệ thống sẽ không hoạt động tốt nếu cử tri bầu ra những nhà lãnh đạo thiếu kinh nghiệm, có năng lực hạn chế và/ hoặc dễ sa vào tham nhũng. Biện minh chủ chốt cho các cuộc bầu cử dân chủ là ý kiến cho rằng cử tri có lý trí và làm tốt công việc lựa chọn các nhà lãnh đạo, nhưng bằng chứng khoa học xã hội cho thấy mọi người thường thiếu năng lực và động lực để đưa ra các phán quyết chính trị hợp lý và có hiểu biết về mặt đạo đức (Brennan 2011, Aden & Bartels 2016). Cử tri thường hiểu sai về lợi ích kinh tế của chính họ (Caplan 2007). Họ thường bỏ phiếu theo những cách trái đạo đức [tr.96], theo lợi ích ngắn hạn hoặc lợi ích nhóm dân tộc của họ, ngay cả khi làm như vậy sẽ gây ra những tổn thất nghiêm trọng cho các nhóm khác trong cộng đồng chính trị (Mann 2005). Khi họ bỏ phiếu cho lợi ích chung, họ thường xem xét lợi ích của chính họ chứ không phải lợi ích của các thế hệ tương lai, những người sống ở các quốc gia/bang khác, động vật và những người khác bị ảnh hưởng bởi các chính sách của chính phủ; ít nhất, cử tri cũng không muốn hy sinh lợi ích của cộng đồng bỏ phiếu vì lợi ích của những người không phải là cử tri (chẳng hạn như thế hệ tương lai) trong các trường hợp xung đột (Mulgan 2011).  

Để đáp lại, các nhà lý thuyết đã đề xuất các biện pháp được thiết kế để tăng khả năng những cử tri có đầy đủ thông tin và tinh thần đại chúng có nhiều tiếng nói hơn, tương tự như đề xuất của John Stuart Mill cho rằng những người có học nên được trao cho nhiều phiếu bầu hơn. Caplan (2007) đã đề xuất các kiểm tra năng lực kinh tế cho cử tri. Ziliotti & Bell (2014) đề xuất các trắc nghiệm nhiều lựa chọn trên nền tảng chính trị của hai đảng chính trị, không khó hơn các trác nghiệm lấy bằng lái xe. Dù lòng mong mỏi định chuẩn cho những đề xuất như vậy là gì, thì người ta cũng không có khả năng nghiêm túc lắng nghe tại các quốc gia đã thực hiện hệ thống một người-một phiếu bầu để lựa chọn các nhà lãnh đạo chính trị. Dù tốt hay xấu, thì hầu hết mọi người đều không muốn từ bỏ hoặc bày tỏ quyền bầu cử sau khi họ có được nó. Tất nhiên, các nền dân chủ bầu cử có thể (và có lẽ nên) thực hiện các biện pháp được thiết kế để thúc đẩy quá trình ra quyết định của các chuyên gia vô thiên vị và cải thiện chất lượng của quá trình ra quyết định giữa các cuộc bầu cử (Berggruen & Gardels 2012). Nhưng các nhà lãnh đạo được bầu vẫn có quyền quyết định có thực hiện lời khuyên vô thiên vị kia hay không. Và các quyết định được các chuyên gia thúc đẩy thường thiếu tính hợp thức dân chủ, cho phép sự trỗi dậy của những kẻ mị dân dân túy, hứa hẹn sẽ khôi phục quyền lực cho người dân. Suy cho cùng, người dân có quyền bầu chọn những nhà lãnh đạo kém chất lượng, không thể thực hiện những gì họ hứa một cách hợp lý hoặc những kẻ thúc đẩy các chính sách phi lý. Theo nghĩa này, tài liệu chỉ ra sự khác biệt rõ rệt giữa các hệ thống chính trị chủ yếu (hoặc cuối cùng) dựa vào dân chủ bầu cử và những hệ thống chủ yếu dựa vào các cơ chế thượng hiền được thiết kế để lựa chọn và đề bạt các nhà lãnh đạo có năng lực và phẩm chất vượt trội.

Chế độ thượng hiền chính trị là một chủ đề nhất quán hơn trong lịch sử văn hóa chính trị Trung Quốc. Ý tưởng đề cao người xứng đáng xuất hiện sau sự tan rã của trật tự quý tộc dựa trên dòng dõi thời Xuân Thu (770 - 453 TCN) và phát triển nhanh chóng trong suốt thời Chiến Quốc (435 - 221 TCN), khi nó được được chia sẻ bởi mọi khuynh hướng trí thức lớn đương thời (Pines 2013). Có chút hơi phóng đại nếu nói rằng việc xây dựng lý thuyết chính trị sau này ở Trung Quốc tập trung vào các luận chiến về năng lực và phẩm chất nào quan trọng đối với các quan chức và cơ chế nào có nhiều khả năng lựa chọn và đề bạt các nhà lãnh đạo có những năng lực và phẩm chất đó. Đóng góp to lớn của Đế chế Trung Quốc cho chế độ thượng hiền chính trị là hệ thống thi cử của triều đình. Từ triều đại nhà Tùy (581 - 618 CN) cho đến khi hệ thống thi cử triều đình sụp đổ vào năm 1905, các quan chức được lựa chọn chủ yếu bằng các kỳ thi nghiêm ngặt và cực kỳ cạnh tranh. Tuy nhiên, các kỳ thi chủ yếu vận hành như một quá trình sàng lọc giữa những người ưu tú (Elman 2013), và tiếp theo sau là các đánh giá hiệu suất ở các cấp chính quyền thấp hơn. Các vị hoàng đế cũng có thể và đã thực thi quyền lực chính trị độc đoán đối với toàn bộ hệ thống.

Câu hỏi làm thế nào để dung hòa giữa chế độ thượng hiền và thể chế dân chủ đã xuất hiện vào đầu thế kỷ 20, khi các nhà cải cách và trí thức Trung Quốc đối mặt với sự yếu kém của đất nước và nỗ lực học hỏi từ các khía cạnh của các hệ thống chính trị dân chủ hiện đại hơn ở các xã hội phương Tây. Tôn Dật Tiên (1866 - 1925), người đồng sáng lập Quốc Dân đảng và từng là lãnh đạo đầu tiên của nó, ủng hộ các cuộc bầu cử dân chủ cùng với một nhánh kiểm tra độc lập thoát khỏi sự phụ thuộc vào sự cai trị độc đoán của chế độ quân chủ. Ngành khảo thí sẽ tổ chức các kỳ thi tuyển quan chức, kể cả các quan chức được bầu, và tất cả đều phải vượt qua các kỳ thi đó trước khi nhậm chức (Sun 1994; xem thêm C. Li 2012). Tuy nhiên, vấn đề với quan điểm này là những nhà lãnh đạo giành được nhiều phiếu bầu nhưng trượt kỳ thi vẫn được coi là những đại diện hợp pháp hơn so với những người vượt qua kỳ thi nhưng được bầu với tỷ lệ phiếu thấp hơn rất nhiều [tr.97 ]. Do đó, không có gì đáng ngạc nhiên khi ngành khảo thí chỉ được sử dụng để kiểm tra công chức sau khi Quốc Dân đảng nắm quyền ở Đài Loan.          

Ở Trung Quốc đại lục, các cuộc tranh luận về chế độ thượng hiền chính trị đã dừng lại vì chủ nghĩa Mao coi trọng những đóng góp chính trị của các chiến binh, công nhân và nông dân hơn những đóng góp của giới trí thức và các nhà giáo dục. Bất kể thực tế chính trị từ trên xuống là gì, các nhà lãnh đạo cách mạng tuyên bố rằng họ đang xây dựng một hình thức mới của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa có sự tham gia từ dưới lên, và không còn thấy (hoặc được nghe công khai) những người bảo vệ chủ nghĩa tinh hoa chính trị ở Trung Quốc đại lục nữa. Nhưng đất nước này đã chuẩn bị cho sự hồi sinh của chế độ thượng hiền chính trị sau một kinh nghiệm tai hại với chủ nghĩa dân túy cực đoan và chế độ độc tài độc đoán trong Cách mạng Văn hóa. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã tái lập các yếu tố của truyền thống thượng hiền, chẳng hạn như lựa chọn các nhà lãnh đạo dựa trên các kỳ thi và quá trình thăng tiến dựa trên đánh giá hiệu suất ở các cấp chính quyền thấp hơn, đồng thời thiết lập các cuộc bầu cử dân chủ ở cấp làng. Tuy nhiên, vẫn còn một khoảng cách lớn giữa các lý tưởng về chế độ thượng hiền và dân chủ với thực tế chính trị ở Trung Quốc, và các nhà lý thuyết chính trị đương đại đã phát triển các đề xuất của riêng họ để dung hòa giữa chế độ thượng hiền và dân chủ.

Một số nhà tư tưởng đã đề xuất kết hợp những ưu điểm của chế độ thượng hiền và dân chủ ở cấp độ các thể chế chính trị trung ương. Một hệ thống hiến pháp được thiết kế phù hợp nên có các thể chế phản ánh nhu cầu lựa chọn các nhà lãnh đạo trên cơ sở dân chủ một người – một phiếu bầu, cũng như các thể chế phản ánh nhu cầu về các nhà lãnh đạo xứng đáng với năng lực và phẩm hạnh trên mức trung bình. Jiang (2012) đề xuất một cơ cấu chính quyền dân chủ với các thành viên được lựa chọn trên cơ sở một người một phiếu bầu và cân bằng với cơ cấu những người gương mẫu theo chế độ thượng hiền với các thành viên được lựa chọn trên cơ sở tri thức kinh điển Nho giáo. Bai (2013) đề xuất một cơ chế dân chủ của nhân dân cho phép tiếng nói của người dân được lắng nghe và mang lại cho công dân những lợi ích tâm lý khi bỏ phiếu, cùng với một cơ quan lập pháp trọng dụng nhân tài bao gồm những người được lựa chọn trên cơ sở năng lực và phẩm chất vượt trội. Các thành viên của cơ chế thượng hiền sẽ được lựa chọn bằng phương thức kết hợp các kỳ thi, phiếu bầu của các thành viên cơ quan lập pháp cấp thấp hơn và một hệ thống hạn ngạch để đại diện cho các thành phần khác nhau của xã hội. Cơ chế thượng hiền sẽ có quyền lập pháp về các vấn đề liên quan đến những người không phải cử tri và các xem xét dài hạn của cộng đồng chính trị. Chan (2013, 2014) lập luận rằng bổ sung một cơ quan lập pháp dân chủ nên được bằng một thể chế trọng dụng nhân tài bao gồm các ký giả chính trị có kinh nghiệm và các công chức cấp cao được các đồng nghiệp của họ lựa chọn dựa trên phẩm chất và năng lực của họ.

Vấn đề với những đề xuất như vậy không chỉ là chúng khác xa với thực tế chính trị hiện tại ở Trung Quốc. Vấn đề sâu xa hơn là chúng sẽ khó (có lẽ là không thể) hợp nhất ngay cả khi chúng nhìn thấy ánh sáng ban ngày. Một khi một số nhà lãnh đạo chính trị được chọn trên cơ sở mỗi người một phiếu bầu, thì gần như không thể tránh khỏi việc những nhà lãnh đạo đó sẽ được những người bầu chọn họ coi là những nhà lãnh đạo chính trị hợp pháp, và quyền lực của cơ chế thượng hiền có thể sẽ bắt đầu bị gạt ra ngoài lề theo thời gian. Không chỉ có xu hướng ở các nước phương Tây, chẳng hạn như Vương quốc Anh, đã cố gắng đưa yếu tố chế độ thượng hiền mạnh mẽ vào cơ chế thứ hai. Dữ liệu khảo sát cho thấy người dân Trung Quốc rất coi trọng chế độ thượng hiền chính trị (Shi 2015), nhưng các xã hội Đông Á khác coi trọng chế độ thượng hiền chính trị đã nhanh chóng thay đổi và ủng hộ nền dân chủ dưới hình thức một người – một phiếu bầu sau khi công cuộc thay đổi đã được thực hiện. Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan đều ưa thích nền dân chủ hơn các di sản Nho giáo gia trưởng sau khi thể chế hóa nền dân chủ (Shin 2011, 2013).

Vì vậy, có lẽ Trung Quốc đại lục, nơi vẫn chưa thể chế hóa chế độ một người – một lá phiếu để chọn ra các nhà lãnh đạo chính trị hàng đầu, là một bối cảnh hứa hẹn hơn cho việc thể chế hóa một hình thức cai trị mang tính thượng hiền mạnh mẽ. Do đó, các nhà lý thuyết chính trị đã cố gắng xây dựng trên lý tưởng của chế độ thượng hiền dân chủ theo chiều dọc - có nghĩa là dân chủ ở các cấp chính quyền thấp hơn, với hệ thống chính trị ngày càng trở nên nhiều tính thượng hiền ở các cấp chính quyền cao hơn - điều này đã truyền cảm hứng cho cải cách chính trị ở Trung Quốc trong ba năm thập kỷ qua (Bell 2015). Zheng (2010) lập luận rằng [tr.98] Đảng Cộng sản Trung Quốc đã mở ra quá trình chính trị của mình bằng cách tuyển mộ giới tinh hoa từ các nhóm xã hội khác nhau.

Đảng Cộng sản Trung Quốc có thể và nên tiếp tục đưa các yếu tố dân chủ, chẳng hạn như thương lượng và theo nguyên tắc có đi có lại với những người hoạt động chính trị và xã hội khác vào một hệ thống chính trị hiện tại thiếu các cuộc bầu cử cạnh tranh tự do và công bằng cho các nhà lãnh đạo hàng đầu. Yao (2013) lập luận rằng một chính quyền trung ương không vụ lợi và một quá trình lựa chọn hợp lý các quan chức chính phủ đã củng cố thành công kinh tế của Trung Quốc. Tuy nhiên, nhà nước độc đảng phải tìm cách tiếp thu nhu cầu của người dân thường và giám sát các nhà lãnh đạo của chính mình nếu muốn đảm bảo thành công liên tục. He (2016) thảo luận về những nỗ lực dung hòa chế độ thượng hiền và chế độ dân chủ ở tất cả các cấp chính quyền Trung Quốc nhưng vẫn kêu gọi thử nghiệm nhiều hơn với nền dân chủ thảo luận và nhấn mạnh hơn vào công lao hơn là lòng trung thành chính trị trong quá trình lựa chọn và thăng tiến cho các quan chức nhà nước. Xiao & C. Li (2013) lập luận rằng một vấn đề chủ chốt của chế độ thượng hiền chính trị là việc đo lường năng lực dễ dàng hơn so với phẩm hạnh. Các kỳ thi có thể kiểm tra kiến thức và đánh giá thành tích có thể bao gồm các đánh giá tương đối khách quan, chẳng hạn như tốc độ tăng trưởng kinh tế, nhưng các cơ chế như vậy không thể dễ dàng lọc ra những ứng viên tham nhũng quan tâm đến lợi ích của bản thân hơn là lợi ích của cộng đồng.

Do đó, không có gì đáng ngạc nhiên khi các nhà lãnh đạo ở các cấp chính quyền cao hơn của Trung Quốc có xu hướng trở thành những nhà quản lý có năng lực nhưng tình trạng tham nhũng ngày càng trở nên tồi tệ hơn khi có nhiều tiền hơn đổ vào hệ thống chính trị. Xiao & C. Li (2013) kết luận rằng chính phủ Trung Quốc cần nới lỏng các biện pháp kiểm soát độc đoán để cho phép có nhiều phê phán đảng hơn và tìm ra những con đường thay thế để đóng góp cho lợi ích chung. Nhưng liệu chính phủ Trung Quốc có thể cởi mở mà không đi theo con đường đa đảng và bầu cử dân chủ cho các nhà lãnh đạo hàng đầu, điều đó có nghĩa là người dân có thể chọn các nhà lãnh đạo chính trị không trải qua quá trình tuyển chọn và đào tạo nghiêm ngặt theo chế độ thượng hiền, do đó làm suy yếu hệ thống thượng hiền? Có lẽ chế độ thượng hiền chính trị yêu cầu một số biện pháp kiểm soát quyền tự do hiệp hội chính trị để các đảng phi thượng hiền và các chính trị gia không có bất kỳ kinh nghiệm chính trị nào không thể dễ dàng giành được quyền lực chính trị. Người ta cũng có thể đòi hỏi những ràng buộc kiểu-Singapore đối với quyền tự do ngôn luận để bảo vệ danh tiếng và thẩm quyền đạo đức (do đó là tính hợp pháp) của các nhà cai trị chính trị được lựa chọn theo chế độ thượng hiền. Những người bảo vệ chế độ thượng hiền chính trị ủng hộ một xã hội cởi mở hơn ở Trung Quốc có thể cần đưa ra một số lựa chọn khó khăn. Cơ bản hơn: Điều gì, nếu có, có thể biện minh cho hệ thống phân cấp chính trị và các hệ thống phân cấp nói chung, trong các xã hội hiện đại coi trọng sự bình đẳng?

____________________________________________

(Còn nữa)

Nguồn: Bell, Daniel A. (2017). Comparing Political Values in China and the West: What Can Be Learned and Why It Matters, In Annual Review of Political Science, Vol. 20:93-110 (Volume publication date May 2017)

Tác giả: Daniel A. Bell (tên tiếng Trung: 淡宁 Bối Đạm Trữ; sinh ngày 22 tháng 5 năm 1964) là một nhà lý thuyết chính trị người Canada. Ông hiện là Trưởng khoa Khoa học Chính trị và Hành chính công tại Đại học Sơn Đông và là giáo sư tại Đại học Thanh Hoa. Bell sinh ra ở Montreal, học tại Đại học McGill và Đại học Oxford, đã giảng dạy ở Singapore, Hồng Kông và Thượng Hải; đã được cấp bổng nghiên cứu tại Trung tâm Giá trị Con người của Đại học Princeton, Trung tâm Nghiên cứu Cao cấp về Khoa học Hành vi của Đại học Stanford, và Khoa học Chính trị Đại học Do Thái.

Tài liệu dẫn

Aden C, Bartels L. 2016. Democracy for Realists: Why Elections Do Not Produce Responsive Government. Princeton, NJ: Princeton Univ. Press

Angle SC. 2012. Contemporary Confucian Political Philosophy. Cambridge, UK: Polity

Bai T. 2013. A Confucian version of hybrid regime: How does it work and why is it superior? See Bell & Li 2013, pp. 55–87

Balch O. 2013. Buen vivir: the social philosophy inspiring movements in South America. Guardian. Feb. 4.

Beard M. 2015. SPQR: A History of Ancient Rome. New York: Liveright

Bell DA. 2006. Beyond Liberal Democracy: Political Thinking for an East Asian Context. Princeton, NJ: Princeton Univ. Press

Bell DA. 2008. China’s New Confucianism: Politics and Everyday Life in a Changing Society. Princeton, NJ: Princeton Univ. Press

Bell DA. 2015. The China Model: Political Meritocracy and the Limits of Democracy. Princeton, NJ: Princeton Univ. Press

Bell DA, de-Shalit A. 2013. The Spirit of Cities: Why the Identity of a City Matters in a Global Age. Princeton, NJ: Princeton Univ. Press

Bell DA, Li C, eds. 2013. The East Asian Challenge for Democracy: Political Meritocracy in Comparative Perspective. Cambridge, UK: Cambridge Univ. Press

Bell DA, Metz T. 2011. Confucianism and Ubuntu: reflections on a dialogue between Chinese and African traditions. J. Chin. Philos. 38:78–95

Bell DA, Mo Y. 2014. Harmony in the world 2013: the ideal and the reality. Soc. Indic. Res. 118(2):797–818
Bell DA, Ziliotti E. 2014. Should voters be tested? WorldPost, Apr. 14

Bellah RN, Madsen R, Sullivan WM, Swidler A, Tipston SM. 1985. Habits of the Heart: Individualism and Commitment in American Life. Berkeley, CA: Univ. Calif. Press

Berggruen N, Gardels N. 2012. Intelligent Governance for the 21st Century: A Middle Way between East and West. Cambridge, UK: Polity

Bevir M. 2010. Democratic Governance. Princeton, NJ: Princeton Univ. Press

Bhargava R. 2014. Beyond toleration: civility and principled co-existence in Asokan edicts. In The Boundaries of Toleration, ed. A Stepan, C Taylor. New York: Columbia Univ. Press

Brennan J. 2011. The Ethics of Voting. Princeton, NJ: Princeton Univ. Press

Burke E. 1999 (1790). Select Works of Edmund Burke, Vol. 2: Reflections on the Revolution in France. Indianapolis, IN: Lib. Fund

Caplan B. 2007. The Myth of the Rational Voter: Why Democracies Choose Bad Policies. Princeton, NJ: Princeton Univ. Press

Chan J. 2013. Political meritocracy and meritorious rule: a Confucian perspective. See Bell & Li 2013, pp. 31– 54

Chan J. 2014. Confucian Perfectionism: A Political Philosophy for Modern Times. Princeton, NJ: Princeton Univ. Press

Chen AH. 2003. Mediation, litigation and justice: Confucian reflections in a modern liberal society. In Confucianism for the Modern World, ed. DA Bell, C Hahm, pp. 257–87. Cambridge, UK: Cambridge Univ. Press

Dallmayr F, ed. 2010. Comparative Political Theory: An Introduction. New York: Palgrave Macmillan
Donaldson S, Kymlicka W. 2011. Zoopolis: A Political Theory of Animal Rights. Oxford, UK: Oxford Univ. Press

El Amine L. 2015. Classical Confucian Political Thought: A New Interpretation. Princeton, NJ: Princeton Univ. Press

Elman B. 2013. A society in motion: unexpected consequences of political meritocracy in pre-Imperial China. See Bell & Li 2013, pp. 203–31

Godrej F. 2011. Cosmopolitan Political Thought: Method, Practice, Discipline. New York: Oxford Univ. Press

Harari Y. 2015. Sapiens: A Brief History of Humankind. New York: Harper

He B. 2016. A discussion of Daniel A. Bell’s The China Model: Political Meritocracy and the Limits of Democracy. Perspect. Polit. 14(1):147–49

Helgesen G, Thomsen SR, eds. 2006. Politics, Culture, and Self: East Asian and North European Attitudes. Copenhagen: Nord. Inst. Asian Stud.

Huntington S. 2011. The Clash of Civilizations and the Remaking of World Order. New York: Simon & Schuster

Jenco L 2007. “What does heaven ever say?” A methods-centered approach to cross-cultural engagement. Am. Polit. Sci. Rev. 101(4):741–55

Jenco L. 2010. Making the Political: Founding and Action in the Political Theory of Zhang Shizhao. New York: Cambridge Univ. Press

Jiang Q. 2012. A Confucian Constitutional Order: How China’s Ancient Past Can Shape Its Political Future, ed. DA Bell, R Fan; Transl. E Ryden. Princeton, NJ: Princeton Univ. Press

Kennedy JA, Kim TW, Strudler A. 2016. Hierarchies and dignity: a Confucian communitarian approach. Bus. Ethics Q. 26(4):479–502

Lake D. 2009. Hierarchy in International Relations. Ithaca, NY: Cornell Univ. Press

Leavitt HJ. 2004. Top Down: Why Hierarchies Are Here to Stay and How to Manage Them More Effectively. Cambridge, MA: Harv. Bus. Sch. Press

Li C. 2012. Equality and inequality in Confucianism. Dao 11:295–313

Li C. 2014. The Confucian Philosophy of Harmony. Oxfordshire, UK: Routledge

Li J. 2012. Cultural Foundations of Learning: East and West. Cambridge, UK: Cambridge Univ. Press

Li J. 2016. Humility in learning: a Confucian perspective. J. Moral Educ. 45:147–65

Macedo S. 2013. Meritocratic democracy: learning from the American experience. See Bell & Li 2013, pp. 232– 58

Magee JC, Galinsky AD. 2008. Social hierarchy: the self-reinforcing nature of power and status. Acad. Manag. Ann. 2:351–98

Mann M. 2005. The Dark Side of Democracy: Explaining Ethnic Cleansing. Cambridge, UK: Cambridge Univ. Press

Metz T. 2016. Confucian harmony from an African perspective. Afr. Asian Stud. 15:1–22

Metz T. 2017. Values in China as compared to Africa: two conceptions of harmony. Philos. East West 67(2):In press

Meyer E. 2014. The Culture Map: Decoding How People Think, Lead, and Get Things Done Across Cultures. New York: Public Aff.

Mochari I. 2014. The case for hierarchy. Inc.com, Jan. 15.

Mulgan T. 2011. Ethics for a Broken World: Imagining Philosophy after Catastrophe. Montreal, Can.: McGill-Queen’s Univ. Press

Nisbett RE. 2003. The Geography of Thought: How Asians and Westerners Think Differently…and Why. New York: Free Press

Pettit P. 2013. Meritocratic representation. See Bell & Li 2013, pp. 138–60

Pines Y. 2013. Between merit and pedigree: evolution of the concept of “elevating the worthy” in pre-Imperial China. See Bell & Li 2013, pp. 161–202

Puett M. 2014. Ritual disjunctions: ghosts, philosophy, and anthropology. In The Ground Between: Anthropologists Engage Philosophy, ed. V Das, MD Jackson, A Kleinman, B Singh, pp. 218–33. Durham, NC: Duke Univ. Press

Rachman G. 2016. Easternisation: War and Peace in the Asian Century. London: Bodley Head

Rawls J. 1999. A Theory of Justice. Cambridge, MA: Belknap Press

Shanahan M. 2015. The Technological Singularity. Cambridge, MA: MIT Press

Shi T. 2015. The Cultural Logic of Politics in Mainland China and Taiwan. Cambridge, UK: Cambridge Univ. Press

Shin DC. 2011. Confucianism and Democratization in East Asia. Cambridge, UK: Cambridge Univ. Press
Shin DC. 2013. How East Asians view meritocracy: a Confucian perspective. See Bell & Li 2013, pp. 259–87
Singer P. 1973. Animal liberation. New York Rev. Books, Apr. 5

Singer P, Dawn K. 2016. Harambe the gorilla dies, meat-eaters grieve. Op-Ed. Los Angeles Times, June 5

Skorupski J. 2013. The liberal critique of democracy. See Bell & Li 2013, pp. 116–37

Sun YS. 1994. Prescriptions for Saving China: Selected Writings of Sun Yan-sen, ed. J Wei, R Myers, D Gillin; Transl. J Wei, E Zen, L Chao. Stanford, CA: Hoover Inst. Press

Tan SH. 2004. Confucian Democracy: A Deweyan Reconstruction. Albany, NY: State Univ. New York Press

Taylor M. 1996. Good government: on hierarchy, social capital, and the limitations of rational choice theory. J. Polit. Philos. 4(1):1–28

Thaler RH, Sunstein CR. 2009. Nudge: Improving Decisions about Health, Wealth, and Happiness. New York: Penguin

Tiwald J. 2012. Xunzi on moral expertise. Dao 11(3):275–93

von Vacano D. 2015. The scope of comparative political theory. Annu. Rev. Polit. Sci. 18:465–80

Walzer M. 1983. Spheres of Justice: A Defense of Pluralism and Equality. Oxford: Basil Blackwell

Walzer M. 1994. Thick and Thin: Moral Argument at Home and Abroad. Notre Dame, IN: Univ. Notre Dame Press

Wong DB. 2011. Agon and H ́e: contest and harmony. In Ethics in Early China: An Anthology, ed. C Fraser, D Robins, T O’Leary, pp. 197–216. Hong Kong: Hong Kong Univ. Press

Xiao H, Li C. 2013. China’s meritocratic examinations and the ideal of virtuous talents. See Bell & Li 2013, pp. 340–62

Yan X. 2011. Ancient Chinese Thought, Modern Chinese Power, ed. DA Bell, Z Sun, Transl. E Ryden. Princeton, NJ: Princeton Univ. Press

Yan Y. 2002. Unbalanced reciprocity: asymmetrical gift giving and social hierarchy in rural China. In The Question of the Gift: Essays Across Disciplines, ed. M Osteen, pp. 67–84. London: Routledge
Yao Y. 2013. The disinterested government: an interpretation of China’s economic success in the reform era. In Achieving Development Success: Strategies and Lessons from the Developing World, ed. AK Fosu, pp. 152–75. Oxford, UK: Oxford Univ. Press

Yearley LH. 1990. Mencius and Aquinas: Theories of Virtue and Conceptions of Courage. Albany, NY: State Univ. New York Press

Zhang T. 2014. Social hierarchies and the formation of customary property law in pre-industrial China and England. Am. J. Comp. Law 62:171–210

Zheng Y. 2010. The Chinese Communist Party as Organizational Emperor: Culture, Reproduction and Transformation. London: Routledge

Zitek EM, Tiedens LZ. 2012. The fluency of social hierarchy: the ease with which hierarchical relationships are seen, remembered, learned, and liked. J. Pers. Soc. Psychol. 102(1):98–115

 

 

 

 

 

 

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét