Powered By Blogger

Thứ Sáu, 23 tháng 4, 2021

Động năng Lý thuyết (I)

Gavin Lucas

Người dịch: Hà Hữu Nga

Nửa thập kỷ thứ hai của thiên niên kỷ mới đã trôi qua, có vẻ như nhiều nhà khảo cổ đang băn khoăn về tương lai ngành học của họ. Có lẽ đây là một vấn đề kinh niên, nhưng dường như - đặc biệt là liên quan đến lý thuyết – mọi người đều có cảm giác về sự thay đổi hoàn toàn đang xảy ra trong khảo cổ học. Những khoảnh khắc như vậy thường gợi ra cả lập trường tiêu cực và tích cực, cái trước thường là khúc dạo đầu cho cái sau. Do đó, việc đặc trưng hóa tình trạng lý thuyết khảo cổ học hiện nay được thể hiện qua thái độ thất vọng, thậm chí chán nản: thiếu nhận thức về sự tranh luận hay đổi mới lý thuyết thực sự. Hậu quá trình luận đã ở tuổi trung niên, bình thường hóa (Olsen 2012); không có sự phân chia lớn về mặt lý thuyết, chỉ còn lại hầu hết là lập trường thích chung tay hơn là tiếp tục luận chiến - “một cộng đồng diễn ngôn” thuần túy (Hodder 2012a). Một số nhà khảo cổ thậm chí còn cho rằng điều đó đánh dấu cái chết hoàn toàn của lý thuyết - mặc dù ý nghĩa của chúng cụ thể nói về cái chết của các hệ mẫu lý thuyết hơn là bản thân lý thuyết (Bintliff & Peirce 2011). Tuy nhiên, đối với những người khác, điều đó lại đánh dấu một bước ngoặt trong ngành học của chúng ta: tạo bối cảnh cho sự ra đời của một lý thuyết hoàn toàn mới, một hệ mẫu mới (Olsen 2012; Kristiansen 2014). Kristian Kristiansen, trong bài viết chủ đạo mới đây cho tạp chí này, đã đưa ra một thông điệp rất tích cực (mặc dù rất cẩn trọng về mặt chính trị) chính là về một hệ mẫu mới như vậy, một hệ mẫu dựa trên một cuộc cách mạng khoa học kết nối với dữ liệu mới, đặc biệt là tiềm năng của dữ liệu DNA ( Kristiansen 2014). Bjørnar Olsen, trong một bài viết trước đó phản ánh tình trạng của lý thuyết khảo cổ học, đã tung ra một đòn chiến thuật, thúc đẩy một cách nhìn hoàn toàn khác về khảo cổ học, một quan điểm được những người khác mô tả là bước ngoặt Hữu thể luận (ví dụ như Alberti và cộng sự 2013) hoặc một chủ nghĩa duy vật mới (Witmore 2014), và của chính Olsen, với tư cách là một sự trở lại với sự vật (Olsen 2010, 2012; xem thêm Olsen et al. 2012).

Mặc dù tầm nhìn cụ thể của Kristiansen và Olsen về hiện trạng của lý thuyết khảo cổ học là khá khác nhau, nhưng có điểm chung là: cả hai đều khuôn tầm nhìn vào quan điểm lịch sử và đặc biệt là quan điểm đặc quyền coi lý thuyết khảo cổ học bằng cách nào đó đã tiến bộ qua những biến đổi hoặc các cuộc cách mạng chủ đạo về hệ mẫu. Quan điểm này rất tường minh với Kristiansen nhưng nó cũng không kém rõ ràng trong bài viết của Olsen. Điều đó cũng không quá đặc biệt đối với họ, nhưng lại có thể là cách thức chi phối tất cả chúng ta khi nghĩ về lý thuyết trong khảo cổ học - và cũng chính là cách thức được dạy dỗ trong các khóa học đại học. Nhưng như Julian Thomas đã chỉ ra, vấn đề với mô hình hệ mẫu là nó trở nên tự đại; một khi chúng ta nhìn nhận lịch sử quá khứ của lý thuyết khảo cổ dưới góc độ này, thì tương lai chắc chắn cũng sẽ có cùng hình dạng (Thomas 2015). Về lý thuyết, chúng ta mong đợi “điều lớn lao tiếp theo”. Giờ đây khi hậu quá trình luận đã trở nên quá đát, chúng ta không thể chỉ ngồi dự đoán mà cần phải có một sự thay đổi căn bản khác về lý thuyết. Ý tưởng tiềm ẩn tương tự làm cơ sở cho tuyên bố về cái chết của lý thuyết, đó là: lý thuyết đã thất bại vì không còn có điều gì to tát mới kể từ hậu quá trình luận.

Những lập luận như vậy làm nổi bật nhu cầu phản ánh phê phán về sử ký khảo cổ học và phép tu từ mà chúng ta sử dụng để suy nghĩ về lý thuyết (hoặc thực sự là khảo cổ học) trong viễn kiến lịch sử. Tuy nhiên, thay vì cố đâm đầu vào giải quyết vấn đề này, tôi lại muốn sử dụng bài phê bình này của Thomas làm bàn đạp để suy nghĩ về lý thuyết theo một cách khác. Nói một cách cụ thể, tôi sẽ chuyển phạm vi vấn đề từ lịch sử sang địa lý; Tôi sẽ đặt ra những câu hỏi liên quan đến vị trí và sự phân bố của lý thuyết và đặc biệt là động năng của nó. Và do đó, tôi không đề cập đến các trọng tâm lý thuyết hóa như Olsen (2012: 18–19) đã thảo luận, mà là các cấu hình thao tác và chuyên ngành xoay quanh các ý tưởng về việc xây dựng lý thuyết và vay mượn lý thuyết. Ngày nay, người ta ít đề cập đến việc xây dựng lý thuyết - có lẽ vì quá nặng mùi thực chứng luận và một chương trình của Binford (Binford 1977a); mặt khác, người ta quá xao xuyến về ý tưởng vay mượn lý thuyết. Ở một khía cạnh nào đó, chúng tái hiện những đối cực; nhưng tôi cho rằng thực tế chúng lại quá xoắn xuýt với nhau. Để khám phá hai ý tưởng này, tôi muốn bắt đầu bằng một loại ngụ ngôn minh họa mối quan hệ của chúng.

Mâu thuẫn vay nợ

Gần đây, tôi là thành viên của một nhóm làm việc về chủ đề các phế tích hiện đại và nghiên cứu cụ thể của tôi về một ngôi làng đánh cá bị bỏ hoang đầu thế kỷ 20 ở Iceland (Lucas 2014; và cả Olsen & Pétursdóttir 2014). Đặc biệt là tôi muốn khảo sát các quy trình liên quan đến việc làm thế nào mà ngôi làng này lại trở thành một phế tích, nhất là động năng liên quan đến cách thức mà mọi thứ dịch chuyển, tóm lại bằng câu hỏi Mọi thứ đã đi đâu? Khi khảo sát vấn đề này, tôi đã dựa trên các lý thuyết và ý tưởng từ nhiều hướng như địa lý thời gian của Hägerstrand (Hägerstrand 1970) và chuỗi hàng hóa của Wallerstein (Hopkins & Wallerstein 1986). Bây giờ, theo một nghĩa nào đó, điều này thể hiện một ví dụ kinh điển của việc khảo cổ học vay mượn lý thuyết từ bên ngoài ngành học - trong trường hợp này là tìm kiếm học thuật về địa lý nhân văn hoặc lịch sử kinh tế. Nhưng khoản vay không chỉ giới hạn ở đây.

Các quy trình phương pháp luận khác mà tôi sử dụng trong quá trình khai quật và phân tích đã dựa trên các khái niệm cơ bản như địa tầng và loại hình học có nguồn gốc từ, hoặc ít nhất là có chung tổ tiên với địa chất và lịch sử tự nhiên. Hơn nữa, không chỉ lý thuyết và phương pháp được vay mượn, mà chính những công cụ tôi sử dụng để thực hành điền dã cũng vậy. Khi khai quật tại hiện trường, chúng tôi đã sử dụng máy toàn đạc để ghi lại vị trí của các hào rãnh và các đặc điểm, bản vẽ mặt bằng và mặt cắt để ghi lại các lớp trầm tích; công nghệ khảo sát như chúng ta đều biết, hầu như không phải là một phát minh khảo cổ học và trên thực tế, hầu hết những phát triển chính yếu trong lĩnh vực này đều bắt nguồn từ bối cảnh quân sự, cũng như với rất nhiều công nghệ. Ngay cả các công cụ khảo cổ cơ bản nhất, đến cái bay, chiếc xẻng, cũng mượn từ bộ công cụ của thợ ngõa, thợ nề. Vậy cái còn lại của khảo cổ học là ở đâu? Hệt như lối cách ngôn về củ hành, nếu lột hết từng lớp vỏ thì cuối cùng còn lại... cái gì? Không còn gì? Khảo cổ học có phải là đồ thải đối với cái lõi của nó?

Thế thì, tôi đồ rằng ta có thể chơi cùng một trò chơi với bất kỳ ngành học nào, và thứ thực sự mách bảo ta chính là khảo cổ học phát triển thông qua vô số tương tác với một loạt các thực hành văn hóa khác, mang tính học thuật và phi học thuật. Thật vậy, công bằng mà nói, chúng ta nên đảo ngược trò chơi này lại. Đúng vậy, các nhà khảo cổ học có thể đã mượn cái bay từ người thợ nề, nhưng họ sử dụng nó theo một cách rất khác; không để trát xi măng hoặc vữa, mà phải cạo sạch đất và mọi cáu bẩn; không phải để xây đắp lên, mà để rã hạ xuống. Tuy nhiên, tôi cũng chẳng muốn tâng cao những đối lập ở đây, vì vấn đề là khá tổng quát: các nhà khảo cổ học có thể đã mượn cái bay, nhưng chúng ta cũng đã tự làm ra nó, khai thác tính khả dụng của nó và phát triển một bộ kỹ thuật rất khác - theo nghĩa Maussian – để thao tác nó. Việc sử dụng chiếc bay trong khảo cổ học cũng phong phú chẳng kém gì việc nhà khảo cổ mượn chiếc bay đó của thợ nề. Điều tương tự cũng áp dụng cho các phương pháp luận chẳng hạn như địa tầng học - hay nghĩ về ma trận Harris vậy. Chắc nó cũng phải áp dụng vào lý thuyết rồi nhỉ? Tôi đã làm cho chuỗi hàng hóa và địa lý thời gian mang tính “khảo cổ học” nhiều hơn trong nghiên cứu của mình chưa? Tôi vẫn còn do dự về điều này. Có lẽ có, cũng có lẽ không.

Xin hãy treo lại vấn đề này và thực hiện một cách giải quyết khác. Giờ đây, điều tôi muốn là suy nghĩ về vấn đề vay mượn và xây dựng lý thuyết (đặc biệt là vay mượn) bằng những khuôn khổ khái quát hơn và đặc biệt tập trung vào cái gốc rễ xao xuyến của chúng ta xung quanh việc vay mượn, nhất là trong bối cảnh lý thuyết. Ý tôi đó là nỗi xao xuyến mà đôi khi tôi đã tự thể hiện mình, thường là không cần cân nhắc quá nhiều, và vì vậy tôi thấy đây là một thời điểm thích hợp, thực sự dành nhiều thời gian hơn để suy ngẫm về gốc rễ của nỗi xao xuyến này. Vừa mới đây thôi, Matt Edgeworth có lẽ đã đề cập đến vấn đề này với mục đích kêu gọi các nhà khảo cổ học tin tưởng hơn vào sự cam kết với khối tư liệu của họ như một nguồn diễn giải - một nguồn lý thuyết ngay cả khi dựa vào khối lý thuyết vô tận từ bên ngoài khảo cổ học (Edgeworth 2012).

Khi nghĩ về vấn đề vay mượn lý thuyết này, một trong những mâu thuẫn đầu tiên tôi gặp phải là cách chúng ta hành xử khác nhau với lý thuyết vay mượn và phương pháp vay mượn. Chỉ cần xem xét do dự trước đó của tôi về việc sử dụng địa lý thời gian thực sự mang tính khảo cổ học như thế nào. Rốt cuộc, bạn không bao giờ nghe thấy những lời phàn nàn về việc khảo cổ học vay mượn các công nghệ được phát triển ở những ngành khác, từ Lidar (Lidar thường được sử dụng để tạo bản đồ có độ phân giải cao, với các ứng dụng trong trắc địa, địa tin học, khảo cổ học, địa lý, địa chất, địa mạo, địa chấn học, lâm nghiệp, vật lý khí quyển, dẫn đường bằng laser, bản đồ laze không ảnh, và đo cao độ bằng laser - HHN) đến phân rã phóng xạ. Sau đó, là câu hỏi về việc liệu vay mượn có phải là một thuật ngữ thích hợp cho vô số công việc như vậy trong khảo cổ học hay không; các nghiên cứu về DNA được Kristiansen bàn đến – có phải các nhà khảo cổ học vay mượn lý thuyết và kỹ thuật từ các nhà di truyền học, hay đó chỉ là sự hợp tác đơn giản? Có vẻ như chỉ với lý thuyết, chúng ta mới gặp phải vấn đề về vay mượn - đến nỗi Olsen cảm thấy cần phải thẳng thừng chặn đứng những kẻ chỉ trích quan điểm của mình bằng cách gợi ý rằng chủ nghĩa duy vật mới chẳng hề là một làn sóng khác của lý thuyết vay mượn, mà là một trong những hợp tác lý thuyết thực sự (Olsen 2012: 20). Thật vậy, Olsen cho rằng đây là một thời điểm hiếm hoi về phương diện khảo cổ học khi các ngành học khác thực sự hòa hợp với khả năng nhạy bén của chính khảo cổ học.

Mặc dù vậy, tôi cho rằng cú trả đũa của Olsen dường như cho thấy chúng ta ngầm tách biệt giữa những nỗi xao xuyến khi nói đến việc vay mượn trên bình diện phương pháp luận và vay mượn trên bình diện lý thuyết. Tại sao vậy? Một lời đáp khiếm nhã có thể là chúng ta mượn các phương pháp và công nghệ vì chúng có tác dụng với chúng ta, chúng có ý nghĩa và hệ quả rõ ràng đối với việc thực hành của chúng ta. Mặt khác, chỉ trích chính yếu về việc vay mượn lý thuyết xoay quanh khả năng ứng dụng của chúng - hoặc thiếu vắng khả năng đó; thường thường, lý thuyết dường như bị ép buộc vào dữ liệu khảo cổ học, giống như một cái chốt tròn ấn vào một lỗ vuông vậy. Nhưng đặc điểm này quá rõ ràng đến mức khiến chúng ta phải nghi ngờ. Thực tế là, tất cả các loại công nghệ và phương pháp đều được các nhà khảo cổ học coi là không bao giờ trở nên hữu ích, có tác dụng thực tế hoặc đơn giản là chấp nhận. Tôi nhớ khi một đồng nghiệp từng làm việc ở Na Uy cố gắng đưa những chiếc cuốc hình lưỡi liềm (krafsers) vào Đơn vị Khảo cổ học Cambridge khi tôi làm việc ở đó nhiều năm trước - chúng khá hiệu quả, nhưng chưa bao giờ được áp dụng rộng rãi và tôi đoán giờ đây không còn ai sử dụng (cho dù tôi có thể sai!). Sự bén duyên với công nghệ cũng để lại nhiều mối quan hệ thất bại như với lý thuyết - nó chỉ khó thấy hơn, có thể vì nó không để lại dấu vết của các bài viết đã được xuất bản.

Đối với tôi, dường như lý do chính khiến chúng ta khi vay mượn lý thuyết thường gặp rắc rối hơn là vay mượn kỹ thuật liên quan đến việc chúng ta ngầm tách biệt giữa thu thập dữ liệu, diễn giải dữ liệu và định giá khi thu thập và diễn giải chúng. Thu thập dữ liệu là việc làm cơ giới, diễn giải lại mang tính nghệ thuật - như trái tim và linh hồn của khảo cổ học vậy. Nhiều vấn đề cũng có nguy cơ bị đe dọa liên quan đến bản sắc ngành học và ý nghĩa khi bắt tay vào diễn giải. Việc định giá như vậy lan tỏa qua khắp các bộ phận của người khai quật và giám đốc, kỹ thuật viên phòng thí nghiệm, nhà khoa học, và thậm chí còn định nghĩa mối quan hệ giữa khảo cổ học và nhân học ở Hoa Kỳ trong một thời gian (ví dụ: xem Deetz 1988), khảo cổ học trong trường hợp này được định nghĩa duy nhất bằng các phương pháp truy xuất và phân tích dữ liệu, nhân học là khoa học diễn giải các dữ liệu đó. Tất nhiên sự tách biệt về thu thập và diễn giải dữ liệu này đã bị chỉ trích không ngừng trong nhiều thập kỷ nay (ví dụ: Hodder 1999) - nhưng phê phán không đảm bảo loại bỏ nó khỏi cách suy nghĩ của chúng ta. Đó là vấn đề của những định kiến ​​thâm căn cố đế: có nguồn gốc sâu xa hơn nhiều so với những gì chúng ta có thể nhận thức được.

Vì vậy, nếu chúng ta chống lại lối suy nghĩ này, thì liệu có ổn không khi phải vay mượn lý thuyết, hệt như vay mượn kỹ thuật? Chúng ta có nên lo lắng gì không? Tôi nghĩ vấn đề không thực sự là về vay mượn lý thuyết - hay kỹ thuật, mà là động năng của việc lý thuyết hóa. Ý tôi là điều cốt lõi khiến chúng ta lo lắng xung quanh chuyện vay mượn lý thuyết là câu hỏi về động năng này. Tôi thấy điều này được thể hiện theo hai cách khác nhau. Một cách liên quan đến sự đối lập với cái thường được gọi là lý thuyết hóa từ trên xuống - bắt đầu không phải từ bản thân bằng chứng hoặc tư liệu khảo cổ học, mà là từ các khái niệm và ý tưởng trừu tượng. Cách kia liên quan đến sự đối lập với lý thuyết hóa du nhập - đưa các lý thuyết từ bên ngoài vào khảo cổ học và áp dụng chúng vào dữ liệu khảo cổ học. Nhận xét của Edgeworth về vấn đề này trong bài viết của ông được trích dẫn trước đó liên quan đến cả hai vấn đề (Edgeworth 2012). Giờ đây cả hai có thể và thường xuyên bện xoắn lấy nhau, nhưng ở đây, tôi muốn tách chúng ra vì mục đích phân tích. Tôi muốn cố gắng giải cấu trúc những lo lắng này và tìm hiểu xem chúng ta phát hiện ra điều gì là rắc rối, và làm thế nào chúng ta có thể suy nghĩ lại các vấn đề liên quan. Xin được bắt đầu với vấn đề đầu tiên.

Lý thuyết Từ trên xuống so với Từ dưới lên

Việc xây dựng lý thuyết từ trên xuống ngày nay hầu như đã trở thành một từ rất cóc cáy; thay vào đó, càng ngày chúng ta càng bị thôi thúc phát triển các phương pháp tiếp cận khảo cổ học từ dưới lên, nơi mà bản thân chất liệu khảo cổ học được cho là dẫn đạo. Lỗ hổng của cách tiếp cận từ trên xuống được minh họa rõ ràng nhất trong cách xác lập cổ điển đó, nghiên cứu trường hợp; một luận án hoặc bài viết phác ra một lập trường lý thuyết chung, được gia cố nặng chịch trích dẫn của các nhà tư tưởng, các khái niệm và các văn bản khác, và sau đó tiến hành chứng minh giá trị của lý thuyết nói trên bằng nghiên cứu trường hợp. Về cơ bản, đây cũng là mô hình mà chúng ta thường khuyên nghiên cứu sinh làm theo trong nghiên cứu sau đại học và tiến sĩ của họ. Đôi khi có tác dụng, và đôi khi cũng không. Nhưng những chỉ trích về cách tiếp cận như vậy dường như thường không nhằm xem liệu nó có thành công hay không; đúng hơn - có lẽ trớ trêu thay – điều đó lại nằm trong một giả định lý thuyết cho rằng cách tiếp cận từ trên xuống đơn giản là kém cỏi. Vậy thì việc kêu gọi cho một cách tiếp cận từ dưới lên có phải chỉ đơn giản là một khẩu hiệu hoặc một câu cửa miệng mới không? Nó có chút thực chất nào không?

Một cách đọc rất ngây thơ có thể chỉ đơn giản là đánh đồng cách tiếp cận từ dưới lên với chủ nghĩa kinh nghiệm lỗi thời; và thực sự, điều này sẽ không hoàn toàn sai lệch, vì thực nghiệm chắc chắn đang có sự hồi sinh (ví dụ: Hillderdal & Siapkas 2015). Tuy nhiên, có một khác biệt. Việc nhấn mạnh vào cách tiếp cận từ dưới lên hoặc chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán / cấp tiến – để đặt tên cho nó - phần lớn không được thúc đẩy bởi các mối quan tâm nhận thức luận mà là các mối quan tâm hữu thể luận. Việc nhấn mạnh vào bên dưới, không phải là về chất liệu khảo cổ học như là dữ liệu, mà là về thực chất khảo cổ học với tư cách là sự vật. Những gì chúng ta đòi hỏi phải nhấn mạnh chính là tính vật chất của dữ liệu khảo cổ học, chứ không phải vị thế tri thức của nó. Liên quan đến vấn đề này, là sự tương tác của chúng ta với dữ liệu của mình. Cách tiếp cận từ dưới lên không chỉ là việc quay trở lại với sự vật, mà nó còn là trọng tâm của sự cam kết của chúng ta với chúng trong bối cảnh thực hành khảo cổ học. Theo cách này, thực nghiệm không phải là một lĩnh vực khái niệm mà là một lĩnh vực biểu diễn (ví dụ: Edgeworth 2012; Olsen và cộng sự 2012).

Do đó cách tiếp cận từ dưới lên cũng là cách tiếp cận về lý thuyết hoặc nghiên cứu dựa trên thực tế, định vị các diễn giải của chúng ta trong mối cam kết cụ thể của mình với chất liệu khảo cổ học. Daniel Miller đã nói rất nhiều về những lợi thế của phương pháp dân tộc chí khi tiến hành nghiên cứu trong các khoa học xã hội và nhân văn; ông nhận thấy những lợi thế lý thuyết thực sự bắt nguồn từ cách tiếp cận như vậy khi cố gắng nhận thức các hiện tượng như tiêu dùng (ví dụ: Miller 2012). Một số nhà khảo cổ học cũng nói như vậy về phương pháp của chúng ta. Nói rộng hơn, có thể thu được nhiều điều khi phản ánh về những cách thức mà ngành học và thực hành khác cũng cam kết với sự vật. Đây là một trong những lý do tại sao nghệ thuật đã trở thành một đối tác chung như vậy với khảo cổ học trong hơn một thập kỷ qua. Thật vậy, toàn bộ khái niệm về nghiên cứu dựa trên thực hành phần lớn đã phát triển vượt khỏi các ngành nghệ thuật truyền thống như thiết kế và kiến ​​trúc. Suy nghĩ thông qua hành động chứng tỏ rất rõ điều đó.

Tuy nhiên, tất cả những điều này vẫn không đề cập đúng vấn đề đang bàn đến: làm thế nào mà việc tập trung vào biểu diễn và tính vật chất của chất liệu khảo cổ học lại giúp chúng ta phát triển lý thuyết, hay cách diễn giải từ dưới lên? Một nhà phê bình ác ý có thể lập luận - có lẽ chính đáng - rằng đây chỉ là một cú chơi xỏ. Tất cả những gì đang diễn ra là các nhà khảo cổ đang sử dụng một lý thuyết trừu tượng khác - lần này là về tính vật chất và công năng - để diễn giải các chất liệu khảo cổ học. Nó vẫn là một cách tiếp cận từ trên xuống, giả dạng như từ dưới lên thông qua phép tu từ tuyệt đối. Thật vậy, người ta có thể cho là cách tiếp cận thực sự từ dưới lên nên tránh xa toàn bộ quy ước về văn bản viết của khảo cổ học và thay vào đó nhấn mạnh vào các hình thức làm việc thay thế, không mang tính đại diện. Vậy là, trên thực tế có những ví dụ về khảo cổ học biểu diễn như vậy, một dự án phần lớn được khởi xướng bởi công trình của Michael Shanks về sân khấu (Pearson & Shanks 2001; Shanks 2004) nhưng là một dự án đã đặc biệt mở rộng sang lĩnh vực truyền thông thị giác (ví dụ Cochrane & Russell 2007 ; Hamilakis et al. 2009; Hamilakis & Ifantidis 2013; Shanks & Webmoor 2010; Wickstead 2013; Russell & Cochrane 2014).

Các loại hình khảo cổ học bằng hình ảnh và biểu diễn là những phát triển thú vị trong ngành học của chúng ta, nhưng bản thân chúng không trả lời được câu hỏi làm thế nào để xây dựng lý thuyết từ dưới lên - mà đúng ra là chúng bỏ qua toàn bộ vấn đề. Theo một nghĩa nào đó, tôi cho rằng việc nói về lý thuyết tiếp cận từ dưới lên bằng bất cứ cách thức có ý nghĩa nào cũng đều có nghĩa là chúng ta cần phải cam kết với cặp song sinh cóc cáy của nó - lý thuyết tiếp cận từ trên xuống. Rất khó để khám phá đầy đủ điều mà chúng ta muốn nói bằng cách tiếp cận từ dưới lên mà không liên hệ nó với phương pháp ngược lại và điều này thực sự có nghĩa là gì. Hai thuật ngữ này được đặt trái ngược nhau theo cách nào? Giờ đây tôi xin được quay ngược kim đồng hồ, bởi vì tôi cảm thấy có những bài học cần rút ra từ lịch sử ngành học của chúng ta, chúng có thể giúp ta trả lời câu hỏi này.

Xét lại Lý thuyết Tầm trung

Vào những năm 1940, Robert Merton đề xuất một thứ gọi là Lý thuyết Tầm trung trong ngành xã hội học (Merton 1957). Ông đặt đối lập Lý thuyết Tầm trung với các lý thuyết hệ thống tổng thể - những lý thuyết cố gắng thống nhất và bao hàm toàn bộ hành vi hoặc lịch sử của con người; những lý thuyết tổng thể như vậy phần lớn bắt nguồn từ thế kỷ 18 và 19 - Comte, Marx, Spencer là những mẫu mực kinh điển của phương pháp này, mặc dù rõ ràng Merton cũng hướng cuộc tấn công của mình vào những người đương thời như Talcott Parsons, người đã đưa thương hiệu xã hội học của Max Weber vào Mỹ. Đối với Merton, vấn đề với các hệ thống lý thuyết tổng thể như vậy là chúng đã quá xa rời nghiên cứu thực nghiệm theo nghĩa các nghiên cứu thực nghiệm chỉ có thể đưa ra các trường hợp cụ thể của lý thuyết tổng thể. Theo một nghĩa nào đó, lý thuyết gần như miễn dịch khỏi thực nghiệm và do đó, có rất ít phạm vi để ngành học này thực sự sử dụng các nghiên cứu thực nghiệm để phát triển các lý thuyết mới. Quan sát không thực sự được sử dụng để tạo ra lý thuyết mà chỉ đơn thuần là minh họa nó.

Merton cho rằng lý thuyết cần được xây dựng từ dữ liệu thực nghiệm; ông nhận thấy nó hoạt động theo cách sau. Nghiên cứu hàng ngày liên quan đến tất cả các loại phỏng đoán và suy đoán về ý nghĩa của dữ liệu; những giả thuyết công tác bao quát này, và về cơ bản là lý thuyết hóa cấp bên dưới cũng được ngụ ý trong sơ đồ của ông. Dựa vào đó, các học giả xây dựng các Lý thuyết Tầm trung chặt chẽ hơn, nhưng chúng vẫn khá cục bộ hoặc cụ thể đối với một tập hợp hoặc phạm vi hiện tượng nhất định. Đối với Merton, các lý thuyết tổng thể cần được xây dựng từ những điều này; ông lập luận rằng không có lý thuyết tổng thể nào như vậy đã được cấu trúc theo cách này và trên thực tế, có lẽ vẫn còn rất lâu nữa mới xảy ra. Đối với ông, những mẫu mực tốt nhất về lý thuyết xã hội học là tầm trung.

Tôi chỉ mới đọc công trình của Merton về Lý thuyết Tầm trung lần đầu tiên gần đây và điều khiến tôi ấn tượng là nó có vẻ đương đại biết mấy. Xây dựng lý thuyết từ dưới lên? Tái tập hợp cái xã hội từ cơ sở? Đây là những lập luận rất quen thuộc, được sử dụng ví dụ bởi Latour cũng như nhiều người khác (Latour 2005). Tất nhiên xã hội học của Latour hoàn toàn khác với Merton, nhưng cách tiếp cận rộng mà Latour đề xuất gần như giống hệt. Lý thuyết Tầm trung của Merton có lẽ chưa bao giờ hoàn toàn có được tác động đáng có, mặc dù vào những năm 1960, khái niệm này rõ ràng có ảnh hưởng đến sự phát triển của một làn sóng xây dựng lý thuyết xã hội học khác được gọi là Lý thuyết có Cơ sở (Grounded Theory).

Hai nhà xã hội học Anselm Strauss và Barney Glaser đã tạo ra thuật ngữ Grounded Theory trong cuốn sách của họ từ năm 1967, Glaser là sinh viên của Merton, còn Strauss, được giáo dục theo truyền thống xã hội học vi mô tại Chicago (Glaser & Strauss 1967; xem Strauss & Corbin 1994). Cách tiếp cận cơ bản này dựa trên nghiên cứu của họ về cái chết trong bệnh viện, là dữ liệu không nên được sử dụng để kiểm tra lý thuyết mà tạo ra nó - về cơ bản giống ý tưởng Lý thuyết Tầm trung của Merton, ngoại trừ việc nó được phát triển như một phản ứng rõ ràng với các phương pháp định lượng và mô hình giả thuyết-diễn dịch của thực chứng luận. Một điểm khác biệt nữa là trong khi Lý thuyết Tầm trung vẫn khá khái quát như một mô tả về một loại lý thuyết hóa nhất định, thì Lý thuyết có Cơ sở lại cung cấp các hướng dẫn và phương pháp cụ thể để hỗ trợ nhà nghiên cứu, bao gồm cả cách tiếp cận đệ quy và phản ánh để thu thập và diễn giải dữ liệu. Nghe khá quen thuộc. Do đó, Lý thuyết có Cơ sở đã trở thành một phương pháp luận cốt lõi được nhiều nhà xã hội học sử dụng, đặc biệt là trong nghiên cứu định tính và hiện đã có thế hệ môn đệ thứ hai (ví dụ: Charmaz 2006).

Giờ đây lại chính Lý thuyết Tầm trung chứ không phải Lý thuyết có Cơ sở đã có tác động lớn hơn đến khảo cổ học. Đồng thời, với tư cách là các nhà khảo cổ học, chúng ta đều biết Lý thuyết Tầm trung như là một cái gì đó hơi khác so với những gì Merton đề xuất; như Raab và Goodyear đã lập luận trong một bài viết cách đây gần 30 năm, Lý thuyết Tầm trung của khảo cổ học chủ yếu có nghĩa là nghiên cứu các quá trình hình thành hoặc có lẽ đúng hơn là, sự phát triển của các lập luận bắc cầu giữa bản chất tĩnh của hồ sơ khảo cổ học và các quá trình động trong quá khứ (Raab & Goodyear 1984). Mặc dù Raab và Goodyear đã phê phán ý nghĩa hẹp này của Lý thuyết Tầm trung trong khảo cổ học trái ngược với nguồn gốc Mertonian của nó, nhưng đọc cách sử dụng đầu tiên thuật ngữ này của Binford vào năm 1977, có một ý nghĩa rõ ràng về tinh thần Mertonian ở đó - và thực sự, tinh thần ấy đã truyền cho sự phát triển của Lý thuyết có Cơ sở cùng thời (Binford 1977b). Binford đã phân biệt Lý thuyết Tổng quát với Lý thuyết Tầm trung trong cuộc thảo luận của ông về việc xây dựng lý thuyết trong khảo cổ học và cho rằng nhu cầu cấp bách chủ yếu mà các nhà khảo cổ phải đối mặt là phát triển Lý thuyết Tầm trung. Thật vậy, Binford chưa bao giờ thực sự dành nhiều thời gian để thảo luận về cách xây dựng lý thuyết tổng quát; sự nghiệp của ông chủ yếu dành cho việc giải thích và xây dựng Lý thuyết Tầm trung, đặc biệt là trong bối cảnh của những người săn bắn hái lượm.

Giờ đây chúng ta có thể có ngoại lệ đối với cách thể hiện cụ thể Lý thuyết Tầm trung trong khảo cổ học - thực sự, theo nhiều cách, mà phương pháp tiếp cận khá trình thức của nó có nhiều điểm chung với người anh em họ Lý thuyết có Cơ sở của nó trong xã hội học được phát triển cùng thời điểm. Trên thực tế, Lý thuyết có Cơ sở cũng bị chỉ trích vì thứ thực chứng luận ngầm của nó (ví dụ: xem Thomas & James 2006). Nhưng ở đây cái triết lý cơ bản có lẽ mới là thứ chúng ta cần giành lại và chính triết lý này, tôi muốn đề xuất, làm nền tảng cho khát vọng hiện tại là tạo ra một khảo cổ học từ dưới lên hoặc một khảo cổ học dựa trên thực tiễn. Nhưng chúng ta nên mô tả lý thuyết từ dưới lên như thế nào đây?

___________________________________________

Còn nữa…

Nguồn: Lucas, Gavin (2015). The Mobility of Theory, In Current Swedish Archaeology, Vol. 23, 2015.

Tác giả: Lucas, Gavin Lucas là giáo sư Khảo cổ học, Đại học Iceland từ năm 2006. Ông hiện giảng dạy ở cả cấp đại học và sau đại học, cũng như nghiên cứu và quản trị. Trước khi đảm nhận vị trí học thuật, ông là Trợ lý Giám đốc Viện Khảo cổ học ở Reykjavik (Fornleifastofnun Íslands) từ năm 2002 đến năm 2006. Vị trí của ông liên quan đến việc chỉ đạo một dự án khảo cổ học lớn, Trung tâm Giám mục Skalholt, và xúc tiến học thuật phát triển cho Viện cũng như thực hiện các nghiên cứu ban đầu về văn hóa vật chất Iceland. Trước đó, ông là Cán bộ Dự án & Nghiên cứu viên Cao cấp của Đơn vị Khảo cổ học Cambridge, Đại học Cambridge ( 1996-2002). Sở thích nghiên cứu học thuật chính của ông gồm khảo cổ học lý thuyết và khảo cổ học của thế giới hiện đại. Trong khảo cổ học lý thuyết, trong vài năm qua, ông đã tập trung vào bản chất của thực hành khảo cổ học, đặc biệt là điền dã và cố gắng khám phá các cách thức sản sinh và phổ biến tri ​​thức khảo cổ học. Mối quan tâm của ông đối với khảo cổ học của thế giới hiện đại hướng đến giai đoạn 1600 đến nay, và tập trung vào việc tìm hiểu các quá trình của hiện đại liên quan đến văn hóa vật chất. Ông tập trung vào lĩnh vực tiêu dùng và rác thải, và cả về chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa tư bản.

References

Alberti, B., Jones, A. & Pollard, J. (Eds) 2013. Archaeology after Interpretation: Re-turning Materials to Archaeological Theory. Walnut Creek, CA: Left Coast Press.

Bal, M. 2002. Travelling Concepts in the Humanities: A Rough Guide. Toronto: Uni-versity of Toronto Press.

Binford, L. (Ed.) 1977a. For Theory Building in Archaeology: Essays on Faunal Re-mains, Aquatic Resources, Spatial Analysis, and Systematic Modelling. New York: Academic Press.

Binford, L. 1977b. General Introduction. In: Binford, L. (Ed.). For Theory Building in Archaeology: Essays on Faunal Remains, Aquatic Resources, Spatial Analysis, and Systematic Modelling. Pp. 1–13. New York: Academic Press.

Bintliff, J. L. & Pearce, M. (Eds) 2011. The Death of Archaeological Theory? Oxford: Oxbow.

Braidotti, R. 2013. The Posthuman. Cambridge: Polity.

Charmaz, K. 2006. Constructing Grounded Theory. London: Sage.

Cochrane, A. & Russell, I. 2007. Visualizing Archaeologies: A Manifesto. Cambridge Archaeological Journal, Vol. 17(1). Pp. 3–19.

Deetz, J. 1988. History and Archaeological Theory: Walter Taylor Revisited. American Antiquity, Vol. 53(1). Pp. 13–22.

Edgeworth, M. 2012. Follow the Cut, Follow the Rhythm, Follow the Material. Norwegian Archaeological Review. Vol. 45(1). Pp. 76–92.

Ellen, R. 2010. Theories in Anthropology and ‘Anthropological Theory’. Journal of the Royal Anthropological Institute (N.S.). Vol. 16. Pp. 387–404.

Glaser, B. & Strauss, A. 1967. The Discovery of Grounded Theory: Strategies for Qualitative Research. New Brunswick: Aldine.

González-Ruibal, A. 2013. Reclaiming Archaeology: Beyond the Tropes of Modernity. London: Routledge.

Hägerstrand, T. 1970. What about People in Regional Science? Papers of the Regional Science Association. Vol. 24(1). Pp. 7–21.

Hamilakis, Y., Anagnostopoulos, A. & Ifantidis, F. 2009. Postcards from the Edge of Time: Archaeology, Photography, Archaeological Ethnography (a photo-essay). Public Archaeology. Vol. 8:2–3. Pp. 283–309.

Hamilakis, Y. & Ifantidis, F. 2013. The Other Acropolises: Multi-temporality and the Persistence of the Past. In: Graves-Brown, P., Harrison, R. & Piccini, A. (Eds). The Oxford Handbook of the Contemporary World. Pp. 758–781. Oxford: Oxford University Press.

Hillerdal, C. & Siapkas, J. (Eds) 2015. Debating Archaeological Empiricism: The Ambiguity of Material Evidence. London: Routledge.

Hodder, I. 2012a. Introduction: Contemporary Theoretical Debate in Archaeology. In: Hodder, I. (Ed.). Archaeological Theory Today (2nd edition). Pp. 1–14. Cambridge: Polity.

Hodder, I. 2012b. Entangled: An Archaeology of the Relationships between Humans and Things. Oxford: Wiley-Blackwell.

Hodder, I. 1999. The Archaeological Process. Oxford: Blackwell.

Hopkins, T. & Wallerstein, I. 1986. Commodity Chains in the World Economy Prior to 1800. Review. Vol. X(1). Pp. 157–170.

Ingold, T. 2008. Anthropology is Not Ethnography. Proceedings of the British Academy. Vol. 154. Pp. 69–92.

Kapferer, B. 2007. Anthropology and the Dialectic of Enlightenment: A Discourse on the Definition and Ideals of a Threatened Discipline. Australian Journal of Anthropology. Vol. 18. Pp. 72–94.

Kristiansen, K. 2014. Towards a New Paradigm? The Third Science Revolution and its Possible Consequences in Archaeology. Current Swedish Archaeology. Vol. 22. Pp. 11–34.

Latour, B. 2005. Reassembling the Social. Oxford: Oxford University Press.

Lucas, G. 2014. Conduits of Dispersal: Dematerializing an Early Twentieth Century Village in Iceland. In: Olsen, B. & Pétursdóttir, Þ. (Eds). Ruin Memories: Mate-rialities, Aesthetics and the Archaeology of the Recent Past. London: Routledge.

Lyman, R. L. & O’Brien, M. J. 2004. Nomothetic Science and Idiographic History in Twentieth Century Americanist Anthropology. Journal of the History of the Behavioural Sciences. Vol. 40(1). Pp. 77–96.

Merton, T. 1957. Social Theory and Social Structure. New York: Free Press.Miller, D. 2012. Consumption and its Consequences. Cambridge: Polity.

Moore, H. 1999. Anthropological Theory at the Turn of the Century. In: H. Moore (Ed.). Anthropological Theory Today. Pp. 1–23. Cambridge: Polity Press.

Moore, H. 2004. Global Anxieties, Concept-metaphors and Pre-theoretical Commitments in Anthropology. Anthropological Theory. Vol. 4(1). Pp. 71–88.

Olsen, B. & Pétursdóttir, Þ. (Eds) 2014. Ruin Memories: Materialities, Aesthetics and the Archaeology of the Recent Past. London: Routledge.

Olsen, B., Shanks, M., Webmoor, T. & Witmore, C. 2012. Archaeology: The Discipline of Things. Berkeley: University of California Press.

Olsen, B. 2010. In Defense of Things: Archaeology and the Ontology of Objects. Lanham, MD: AltaMira Press.

Olsen, B. 2012. After Interpretation: Remembering Archaeology. Current Swedish Archae ology. Vol. 20. Pp. 11–34.

Pearson, M. & Shanks, M. 2001. Theatre/Archaeology. London: Routledge.

Pluciennik, M. 2011. Theory, Fashion, Culture. In: Bintliff, J. & Pierce, M. (Eds). The Death of Archaeological Theory. Pp. 31–47. Oxford: Oxbow.

Raab, L. M. & Goodyear, A. C. 1984. Middle-Range Theory in Archaeology: A Critical Review of Origins and Applications. American Antiquity. Vol. 49. Pp. 255–268.

Reichertz, J. 2010. Abduction: The Logic of Discovery of Grounded Theory. Qualitative Social Research. Vol. 11. No. 1. Pp. 1–11.

Russell, I. & Cochrane, A. (Eds) 2014. Art and Archaeology: Collaborations, Conversations, Criticisms. New York: Springer.

Shanks, M. 2004. Three Rooms: Archaeology and Performance. Journal of Social Archaeology. Vol. 4(2). Pp. 147–180.

Shanks, M. & Webmoor, T. 2010. A Political Economy of Visual Media in Archaeology. In: Bonde, S. & Houston, S. (Eds). Representing the Past: Archaeology through Image and Text. Pp. 87–110. Providence, RI: Brown University Press.

Strauss, A. & Corbin, J. 1994. Grounded Theory Methodology. In: Denzin, N. K. & Lincoln, Y. S. (Eds). Handbook of Qualitative Research. Pp. 217–285. Thousand Oaks: Sage Publications.

Thomas, G. & James, D. 2006. Reinventing Grounded Theory: Some Questions about Theory, Ground and Discovery. British Educational Research Journal. Vol. 32, 6. Pp. 767–795.

Thomas, J. 2004. Archaeology and Modernity. London: Routledge.

Thomas, J. 2015. Why Are Archaeologists Discussing “The Death of Archaeological Theory”? In: Hillerdal, C. & Siapkas, J. (Eds). Debating Archaeological Empiricism. The Ambiguity of Material Evidence. London: Routledge.

Wickstead, H. 2013. Between the Lines: Drawing Archaeology. In: Graves-Brown, P., Harrison, R. & Piccini, A. (Eds). The Oxford Handbook of the Archaeology of the Contemporary World. Pp. 549–564. Oxford: Oxford University Press.

Witmore, C. 2014. Archaeology and the New Materialisms. Journal of Contemporary Archaeology. Vol. 1(2). Pp. 203–246.

Wolfe, C. 2010. What is Posthumanism? Minneapolis: University of Minnesota Press.

 

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét