Hà Hữu Nga
Tự quản cộng đồng của cư dân làng xã trong xây dựng nông thôn mới bền vững ở nước ta vẫn còn là một lĩnh vực mới mẻ, dù bước đầu đã có một nguồn tư liệu khá phong phú, nhưng tản mạn, nhiều khía cạnh xây dựng và triển khai các mô hình tự quản vẫn còn thiếu vững chắc cả về cơ sở lý luận lẫn kinh nghiệm thực tiễn. Trong khi đó, các nhân tố tạo dựng cơ sở lý luận cho lĩnh vực tự quản cộng đồng lại bao gồm hàng loạt khái niệm, nội hàm, nội dung, với nhiều quan niệm lý thuyết khác nhau; còn các nhân tố tạo dựng nền tảng thực tiễn cho các hoạt động tự quản cộng đồng trong xây dựng nông thôn mới (NTM) bền vững lại là những kinh nghiệm sinh động về chủ trương, đường lối, cơ chế, chính sách và các kết quả hoạt động thực tiễn thuộc tất cả các lĩnh vực có liên quan ở trong nước và ngoài nước.
Về cơ sở lý luận, Đề tài đã làm rõ các khái niệm, với các nội hàm, nội dung và các lĩnh vực lý thuyết chủ chốt. Trong mỗi lĩnh vực, các khái niệm, nội hàm lý luận trừu tượng đều được thao tác thành các khuôn khổ và các tiêu chí cụ thể nhằm tạo dựng cơ sở cho các hoạt động đánh giá, xây dựng và triển khai các mô hình tự quản cộng đồng trong phát triển NTM bền vững. Đó là các vấn đề và lĩnh vực sau đây: 1) Khái niệm mô hình và lý thuyết xây dựng mô hình tự quản cộng đồng trong xây dựng NTM bền vững; 2) Khái niệm cộng đồng và các đặc trưng của cộng đồng; 3) Lý thuyết tự quản: Tự quản địa phương, Tự quản cộng đồng và Thẩm quyền tự quản; Vai trò của dân chủ ở cấp địa phương trong tự quản cộng đồng nông thôn; 4) Tự quản cộng đồng như một loại hình hành động xã hội: Khái niệm, các kiểu loại, và ý nghĩa của hành động xã hội; Các tác nhân hành động trong tự quản cộng đồng; Vai trò của thể chế trong tự quản cộng đồng xây dựng nông thôn mới; 5) Các tiêu chí xây dựng mô hình tự quản cộng đồng trong phát triển NTM. Về cơ sở thực tiễn, Đề tài tập trung phân tích các chủ trương, đường lối, cơ chế, chính sách và các kết quả hoạt động thực tiễn thuộc tất cả các lĩnh vực có liên quan, đặc biệt là các kinh nghiệm triển khai, vận hành và nhân rộng các hình thức, mô hình tự quản tại các địa phương. Đề tài cũng xem xét kết quả thực tiễn của các mô hình tự quản qua một số nghiên cứu trường hợp, trong đó đặc biệt có cả kinh nghiệm của các mô hình tự quản của các cộng đồng cư dân phi truyền thống trong xây dựng NTM bền vững. Đề tài còn khai thác các kinh nghiệm chính sách và hoạt động thực tiễn tự quản cộng đồng thành công tại một số quốc gia trên thế giới. Và dưới đây là các kết quả nghiên cứu và đề xuất chủ yếu mà Đề tài đưa ra.
1. Tự quản cộng đồng nông thôn và vai trò của dân chủ
Ngày nay, nội hàm khái niệm cộng đồng đã có những biến đổi, mở rộng, vừa kế thừa các yếu tố truyền thống trên, nhưng lại chuyển tải các đặc trưng thời đại và bao gồm các biến số sau: Địa điểm: là nơi mọi người có những điểm chung, yếu tố chung này được hiểu về phương diện địa lí, còn có một cách gọi khác là “tính địa phương”. Cộng cảm: hình thức yếu ớt nhất là cảm giác gắn bó với một địa điểm, nhóm hay ý tưởng; hình thức mạnh mẽ nhất là “cộng cảm” không chỉ với người khác mà còn với các ý niệm như Thiên Chúa, Thượng đế, Tạo hóa. Willmott cho rằng “Cần phải bổ sung thêm một cách hiểu biết nữa về cộng đồng - là cộng đồng gắn bó - vì các cộng đồng địa phương hoặc cộng đồng sở thích có thể không có ý thức về bản sắc chung” (Willmott, 1989). Nói cách khác, theo Cohen: “Cộng đồng đóng một vai trò tượng trưng quan trọng trong việc tạo ra cảm giác thuộc về ai, cái gì hoặc ý niệm nào đó, một yếu tố quan trọng mà Putnam (1995) gọi là “vốn xã hội” và được chấp nhận rộng rãi (Cohen, 1985, tr. 118). Sở thích/Lợi ích: còn gọi là cộng đồng “tự chọn”, mọi người có chung một số đặc điểm nào đó không nhất thiết phải là đặc điểm địa phương. Các cộng đồng tự chọn và các cộng đồng có chung sở thích lợi ích là một đặc điểm chính của cuộc sống đương đại (Hoggett, 1997; Bird C. 2000). Trong xã hội ngày nay có rất nhiều cộng đồng sở thích/lợi ích không mang đặc trưng truyền thống địa phương, điều đó có thể thấy rõ nhất qua các “cộng đồng mạng”, là những cộng đồng không chỉ có chung sở thích mà còn có chung lợi ích, bao gồm các lợi ích môi trường, kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, tôn giáo,…Tự quản cộng đồng thực sự là các hình thức tự quản dựa trên nền tảng dân chủ (Radcliff B., 1992), là phần không gian tự do để cộng đồng dân cư tham gia giải quyết các vấn đề phát sinh từ địa phương - một loại hình thể chế phi chính thức - chính là sự mở rộng thành hành động xã hội (Parsons T. 1949, 1951; Parsons, Talcott, & Shils, A., (eds). 1976) vượt khỏi khuôn khổ hành chính nhà nước, lan tỏa sâu rộng trong toàn thể cộng đồng, vì lợi ích cộng đồng. Loại hình hành động này không ngừng góp phần làm tăng thêm tính bền vững của quá trình phát triển của các cộng đồng nông thôn vì tính tự nguyện, tính tự chủ, tính tự quản, và tính dân chủ của nó.
Đối với sự nghiệp xây dựng nông thôn mới bền vững ở nước ta, vai trò của dân chủ đảm bảo cho các loại hình hành động xã hội của người dân ở cấp làng xã được thể hiện tập trung qua các tiêu chí: dân biết, dân bàn, dân làm, dân giám sát trong Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn (Ủy ban thường vụ Quốc hội, 2007). Thứ tự của nhóm tiêu chí trên thể hiện rất rõ cấp độ của tính dân chủ: i) Dân biết là cấp độ tối thiểu về quyền được cung cấp thông tin liên quan một cách đầy đủ, công khai, minh bạch; ii) Dân bàn là cấp độ cao hơn về quyền được quyết định thông qua thảo luận, lựa chọn những gì có liên quan đến cuộc sống của người dân; iii) Dân làm là cấp độ cao hơn nữa về quyền được thực hiện các quyết định của người dân; iv) Dân giám sát là cấp độ cao nhất, đó là quyền được làm chủ một cách đầy đủ của người dân. Có thể thấy các cấp độ trên cũng góp phần thể hiện rõ ràng và thuyết phục về vai trò của dân chủ đối với mọi hành động xã hội thuộc lĩnh vực tự quản cộng đồng ở Việt Nam.
2. Quan điểm của Nhà nước về tự quản cộng đồng trong xây dựng nông thôn mới
Ở nước ta, chủ trương tự quản cộng đồng làng xã còn được gọi là tự quản ở cấp cơ sở đã được chính thức khẳng định trong Văn kiện của Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương khóa VII, năm 1993: “Khuyến khích xây dựng và thực hiện các hương ước, quy chế về nếp sống văn minh ở các thôn xã” (Đảng Cộng sản Việt Nam, 1993, tr. 73). Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 30/CT-TƯ về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, tăng cường công tác quản lí Nhà nước đối với việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước (Ban chấp hành Trung ương Đảng, 1998). Nhà nước đã có rất nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn việc ban hành và thực hiện hương ước, quy ước (Chính phủ, 1998; Thủ tướng Chính phủ 1998); Thông tư liên tịch ngày 31/3/2000 của Liên bộ Tư pháp, Văn hóa - Thông tin, Ban thường trực Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hướng dẫn việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của làng, bản, thôn, cụm dân cư. Với cơ sở pháp lí này, hương ước mới đã được chính thức hóa và được triển khai mạnh mẽ trên toàn quốc. Cho đến gần đây, trong số hơn 125.083 thôn, làng được rà soát, có trên 109.698 bản hương ước, quy ước đã được phê duyệt (chiếm 87,7%) (Bộ Tư pháp, 2016). Trong số 19 tiêu chí về xã nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020, có tới 3 tiêu chí liên quan đến việc bảo tồn và phát huy truyền thống tự quản của làng Việt trong xây dựng nông thôn mới bền vững. Đó là Tiêu chí số 6 về Cơ sở vật chất văn hóa; Tiêu chí số 16 về Văn hóa, và đặc biệt là Nội dung 19.2. trong Tiêu chí 19 về Xã đạt chuẩn an toàn về an ninh, trật tự xã hội và đảm bảo bình yên (Thủ tướng Chính phủ, 2016). Vì vậy, việc phát huy truyền thống tự quản làng xã, thôn buôn của các cộng đồng dân cư trên đất nước ta là tất yếu và cấp thiết nhằm xây dựng nông thôn mới bền vững.
3. Vai trò của hương ước trong tự quản cộng đồng
Hương ước là một hệ thống luật tục của một cộng đồng, cùng tồn tại với hệ thống pháp luật nhà nước; là một loại hình pháp lí làng xã nhằm góp phần điều hòa các mối quan hệ xã hội trong cộng đồng. Hương ước còn có những tên gọi khác như hương biên, hương khoán, hương lệ, khoán ước, khoán lệ, điều ước, điều lệ. “Hương ước với những điều quy định về một số nét sinh hoạt riêng biệt của làng xã vẫn đóng vai trò một cương lĩnh về nếp sống hàng ngày của làng xã mà mọi cá nhân, mọi tổ chức trong làng, trong xã phải tuân thủ” (Trần Từ, 1984). Những thể chế phi quan phương của làng xã không nằm trong hệ thống chính trị, nhưng vai trò của nó trong quá trình dân chủ hóa chính trị là rất lớn (Hoàng Chí Bảo, 2010). Chính thực tế này đã dẫn tới nhu cầu soạn thảo, viết các quy ước và “hương ước mới”, cả từ phía nhà nước lẫn địa phương. Tại các vùng dân tộc thiểu số, tính chất tự quản thể hiện qua các điều luật của tòa án phong tục xưa (Phan Đăng Nhật, 2007). Truyền thống tự quản cũng được ứng dụng hiệu quả tại các buôn làng theo Công giáo, mỗi buôn làng biên chế thành một họ đạo, trực thuộc giáo xứ hoặc nhà thờ trên địa bàn (Bùi Minh Đạo, 2010). Các tổ chức xã hội mới có vai trò chủ đạo và tổ chức tôn giáo ở các làng theo đạo, tồn tại ở các buôn làng ảnh hưởng của một số tổ chức xã hội truyền thống, bao gồm thiết chế và tổ chức tự quản buôn làng, tòa án phong tục (Đỗ Quang Hưng, 2011). Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu (Lê Cao Đoàn 2017; Nguyễn Hữu Đễ, 2016) cũng đã đưa ra hàng loạt giải pháp khắc phục những bất cập trong ứng dụng hương ước vào tự quản cộng đồng hiện nay như sau: i) Xác định rõ chủ thể của hương ước; ii) Phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong soạn thảo hương ước; iii) Phân biệt đối tượng điều chỉnh của hương ước với quy chế dân chủ cơ sở; iv) Nội dung của hương ước không lặp lại pháp luật và chủ trương chính sách; v) Tránh xu hướng “hành chính hóa” trong quá trình soạn thảo và thực hiện hương ước (Phạm Hữu Nghị, 2015).
4. Các tiêu chí xây dựng mô hình tự quản cộng đồng NTM
Đề tài cố gắng xác định một số nhóm tiêu chí chủ yếu, giúp xem xét, đánh giá cấu trúc, chức năng, thực trạng, việc vận hành, hiệu quả hoạt động, và khả năng nhân rộng của các mô hình, nhằm cải thiện mọi mặt đời sống xã hội nông thôn với các nhóm tiêu chí chủ yếu sau:
4.1. Các tiêu chí về mục tiêu của mô hình
Căn cứ vào số lượng của các loại mục tiêu của mô hình, có thể nhóm thành các tiêu chí: i) Mô hình đơn mục tiêu; ii) Mô hình hai mục tiêu; iii) Mô hình đa mục tiêu. Căn cứ vào thuộc tính lĩnh vực của mục tiêu, chúng ta có thể có các nhóm như: i) Mục tiêu môi trường; ii) Mục tiêu kinh tế; iii) Mục tiêu xã hội; iv) Mục tiêu văn hóa; v) Mục tiêu an ninh, an toàn, …v.v., và các nhóm mục tiêu ấy lại có thể được chia nhỏ thành các phụ nhóm mục tiêu cụ thể đa dạng khác nhau. Thông thường các mục tiêu của mô hình thường thể hiện ý chí, nguyện vọng, của các tác nhân ngay trong các bản hương ước, quy ước của nhóm.
4.2. Các tiêu chí về tính chất của mô hình
Mỗi mô hình tự quản cộng đồng cần đáp ứng được các tính chất cơ bản sau: 1) Tính tự nguyện: các cá nhân/ nhóm/ cộng đồng tự nguyện tham gia mô hình, không bị ai cưỡng bức, ép buộc; 2) Tính tự chủ: các cá nhân/ nhóm/ cộng đồng tham gia mô hình, phải hoàn toàn tự chủ về các nguồn lực, như nhân lực, vật lực, tài lực, thời gian; 3) Tính tự quản: các cá nhân/ nhóm/ cộng đồng tham gia mô hình, phải hoàn toàn tự quản trong xây dựng các quy định, thỏa thuận, mục tiêu; tự quản các nguồn lực; tự quản việc vận hành, thực thi các hoạt động của mô hình, nhằm đạt được các mục tiêu đề ra, dưới sự kiểm tra, giám sát của cộng đồng và của Nhà nước; và 4) Tính dân chủ: mọi hoạt động tự quản của các cá nhân/ nhóm/ cộng đồng phải được thực hiện theo đúng các nguyên tắc dân chủ: dân biêt, dân bàn, dân làm, dân giám sát. Thứ tự của các nguyên tắc trên tạo thành nhóm tiêu chí rất rõ về cấp độ của tính dân chủ: i) Dân biết là cấp độ tối thiểu về quyền được cung cấp thông tin liên quan một cách đầy đủ, công khai, minh bạch; ii) Dân bàn là cấp độ cao hơn về quyền được quyết định thông qua thảo luận, lựa chọn những gì có liên quan đến cuộc sống của người dân; iii) Dân làm là cấp độ cao hơn nữa về quyền được thực hiện các quyết định của người dân; iv) Dân giám sát là cấp độ cao nhất, đó là quyền được làm chủ một cách đầy đủ của người dân.
4.3. Các tiêu chí về tác nhân của mô hình
Có nhiều cách tiếp cận để xác định các nhóm tiêu chí về tác nhân của mô hình tự quản cộng đồng: 1) Từ góc độ cấu trúc tổng thể của nhóm xã hội có thể xác định nhóm tác nhân của mô hình theo các tiêu chí sau: i) Tác nhân là nhóm xã hội tập hợp theo tiêu chí địa bàn (mô hình “tổ liên gia”); ii) Tác nhân là nhóm xã hội tập hợp theo tiêu chí cộng cảm (mô hình “dòng họ tự quản”, “hội đồng hương”); iii) Tác nhân là nhóm xã hội tập hợp theo tiêu chí sở thích (mô hình “câu lạc bộ dưỡng sinh”, “câu lạc bộ thơ”, “câu lạc bộ dân ca quan họ”, …v.v.); và iv) Tác nhân là nhóm xã hội tập hợp theo tiêu chí lợi ích (mô hình “Nhóm chủ nhà trọ tự quản”, “Hội quán bưởi da xanh”, “Vườn xoài nhà tôi”). 2) Từ góc độ thể chế có thể nhóm các tác nhân hành động theo các tiêu chí: i) Nhóm tác nhân theo thể chế phi chính thức (mô hình “Dòng họ không ma túy và tệ nạn xã hội”; “Họ đạo không ma túy và tệ nạn xã hội”; “Dòng họ khuyến học”); ii) Nhóm tác nhân theo thể chế chính thức (mô hình của Hội phụ nữ như “Tuyến đường Cựu chiến binh tự quản”; “Tổ phụ nữ tự quản vệ sinh môi trường”); iii) Nhóm tác nhân kết hợp cả thể chế phi chính thức và thể chế chính thức (mô hình “Xây dựng đường giao thông nông thôn”, “Thắp sáng đường quê”, “Ấp tự quản an ninh trật tự”, “Phum sóc không có tội phạm và tệ nạn xã hội”). 3) Từ góc độ tuổi tác có thể nhóm các tác nhân hành động theo các tiêu chí: i) Nhóm thanh niên (Đoạn đường Đoàn Thanh niên tự quản); ii) Nhóm trung niên; iii) Nhóm cao tuổi (Câu Lạc bộ dưỡng sinh người cao tuổi); iv) Nhóm hỗn hợp lứa tuổi (Câu lạc bộ dân ca Ví Dặm; Câu lạc bộ Chèo). 4) Từ góc độ giới: i) Nhóm nam giới; ii) Nhóm nữ giới; iii) Nhóm hỗn hợp nam – nữ. 5) Từ góc độ các bên liên quan, chúng ta có: i) Các bên liên quan chủ chốt (thể hiện vai trò của các lãnh đạo đảng, chính quyền đối với việc xây dựng và thực hiện mô hình tự quản); ii) Các bên liên quan chủ yếu (vai trò của người dân đối với việc xây dựng và thực hiện mô hình tự quản); iii) Các bên liên quan thứ yếu (vai trò của các tổ chức đoàn thể đối với các mô hình tự quản).
4.4. Các tiêu chí về hiệu quả hoạt động của mô hình
Để xem xét đánh giá hiện trạng, quá trình xây dựng, vận hành và triển khai các mô hình tự quản cộng đồng, Đề tài gợi ý các nhóm tiêu chí sau: 1) Tính hiệu quả của mô hình, đo bằng: i) Các kết quả đạt được; ii) Mức độ đạt được các mục tiêu của mỗi mô hình; iii) Tác động của các kết quả đó tới đời sống cộng đồng. 2) Tính bền vững của mô hình, đo bằng: i) Mức độ tự quản của mô hình; ii) Mức độ dân chủ của mô hình; iii) Độ dài thời gian tồn tại. 3) Khả năng nhân rộng của mô hình, đo bằng: i) Mức độ tham gia của người dân; ii) Mức độ lan tỏa ra các địa bàn khác.
5. Đề xuất các quan điểm, định hướng và giải pháp xây dựng các mô hình tự quản cộng đồng cư dân làng xã trong xây dựng nông thôn mới bền vững
5.1. Các quan điểm
5.1.1. Quan điểm 1: Đảng lãnh đạo, chính quyền địa phương quản lý, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ), Công an cấp xã, phường, thị trấn, Trưởng thôn xóm hướng dẫn trực tiếp việc xây dựng, vận hành và hoạt động của các mô hình tự quản của cộng đồng cư dân làng xã.
5.1.2. Quan điểm 2: Các mô hình tự quản của cộng đồng cư dân làng xã phải theo nguyên tắc tham gia, bao gồm: i) Các bên liên quan chủ chốt, thể hiện vai trò của lãnh đạo Đảng, Chính quyền đối với việc xây dựng và thực hiện mô hình tự quản; ii) Các bên liên quan chủ yếu thể hiện vai trò chủ thể của người dân đối với việc xây dựng và thực hiện mô hình tự quản; iii) Các bên liên quan thứ yếu thể hiện vai trò tư vấn & trợ giúp của các tổ chức đoàn thể, các nhà chuyên môn, các nhà tài trợ.
5.1.3. Quan điểm 3: Các mô hình tự quản của cộng đồng cư dân làng xã hoạt động theo đúng các tiêu chí: Dân biết, Dân bàn, Dân làm, Dân giám sát trong Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn.
5.1.4. Quan điểm 4: Các mô hình tự quản của cộng đồng cư dân làng xã hoạt động theo các nguyên tắc: 1) Tự nguyện: các cá nhân/ nhóm/ cộng đồng tự nguyện tham gia mô hình, không bị ai cưỡng bức, ép buộc; 2) Tự chủ: các cá nhân/ nhóm/ cộng đồng tham gia mô hình, phải hoàn toàn tự chủ về các nguồn lực, như nhân lực, vật lực, tài lực, thời gian; 3) Tự quản: các cá nhân/ nhóm/ cộng đồng tham gia mô hình, phải hoàn toàn tự quản trong xây dựng các quy định, thỏa thuận, mục tiêu; tự quản các nguồn lực; tự quản việc vận hành, thực thi các hoạt động của mô hình.
5.1.5. Quan điểm 5: Các mô hình tự quản của cộng đồng cư dân làng xã phải được duy trì và phát triển bền vững: i) Phải kế thừa được truyền thống tự quản lâu đời của các làng xã truyền thống trên nền tảng các hương ước, khoán ước, tập tục, v.v…; ii) Phải được xây dựng và vận hành dựa trên cơ sở pháp lý vững chắc của Nhà nước.
5.2.1. Xây dựng mô hình của dân, do dân, vì dân
Xây dựng mô hình tự quản cộng đồng của cư dân làng xã là xây dựng các hình mẫu tự quản do người dân là chủ thể theo phương châm các mô hình đó phải là các mô hình của cư dân làng xã, do cư dân làng xã, và vì cư dân làng xã, thực sự đảm bảo các quyền của người dân trong tự quản cộng đồng.
5.2.2. Xây dựng mô hình phù hợp với 19 tiêu chí Nông thôn mới
Các mô hình đó phải phù hợp với 5 nhóm Nội dung cụ thể của 19 Tiêu chí xã Nông thôn mới bền vững, bao gồm: i) Nhóm tiêu chí về Quy hoạch; ii) Nhóm tiêu chí về Hạ tầng Kinh tế - Xã hội; iii) Nhóm tiêu chí về Kinh tế và Tổ chức Sản xuất; iv) Nhóm tiêu chí về Văn hóa - Xã hội - Môi trường; và v) Nhóm tiêu chí về Hệ thống Chính trị;
5.2.3. Xây dựng mô hình theo nguyên tắc tự nguyện, tự chủ, tự quản, và dân chủ
Các mô hình tự quản cộng đồng của cư dân làng xã trong xây dựng Nông thôn mới bền vững phải được xây dựng bằng phương thức tham gia của người dân theo các nguyên tắc: i) Tự nguyện; ii) Tự chủ; iii) Tự quản; và iv) Dân chủ; theo đúng chủ trương của Đảng, chính sách và luật pháp của Nhà nước;
5.2.4. Xây dựng mô hình kế thừa giá trị truyền thống và các giá trị mới
Các mô hình tự quản cộng đồng của cư dân làng xã phải được xây dựng dựa trên cơ sở kết hợp nhuần nhuyễn giữa các giá trị tốt đẹp kế thừa từ truyền thống của các cam kết bằng hương ước, quy ước của cộng đồng cư dân làng xã và các giá trị mới của luật pháp Nhà nước, và các thành tựu của các mô hình tự quản cộng đồng Quốc tế, đặc biệt là các thành tựu của các nước có truyền thống văn hóa và trình độ phát triển không quá khác biệt với chúng ta như Trung Quốc, Hàn Quốc.
5.2.5. Xây dựng mô hình có các đặc trưng cộng đồng phù hợp
Các mô hình tự quản cộng đồng của cư dân làng xã phải được xây dựng dựa trên các đặc trưng phù hợp với cộng đồng như sau: i) Cư trú liền kề (hàng xóm láng giềng); ii) Cộng cảm (tình làng nghĩa xóm, thương yêu, đùm bọc); iii) Có chung sở thích (có những mối quan tâm chung, có những sở thích tương đồng cho dù có những cá nhân, hộ gia đình không phải có cùng một quê hương, bản quán); iv) Có chung lợi ích (trong lao động, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; trong an ninh, an toàn, hạnh phúc vì một xã hội ngày càng tốt đẹp hơn).
5.2.6. Xây dựng mô hình thích ứng với các đặc trưng vùng miền
Các mô hình tự quản cộng đồng của cư dân làng xã phải thích ứng với tính đa dạng về văn hóa, dân tộc, tôn giáo và các đặc trưng, trình độ phát triển khác nhau của từng địa phương theo 7 vùng kinh tế của đất nước, bao gồm: i) Miền núi và Trung du Bắc Bộ; ii) Đồng bằng Bắc Bộ; iii) Bắc Trung Bộ; iv) Nam Trung Bộ; v) Tây Nguyên; vi) Đông Nam Bộ; và vii) Vùng đồng bằng sông Cửu Long.
5.2.7. Xây dựng mô hình thích ứng với các biến đổi của thời đại
Các mô hình tự quản cộng đồng của cư dân làng xã phải thích ứng với tình trạng biến động dân cư do di cư, thay đổi chỗ ở, thay đổi việc làm, thay đổi cơ cấu dân số nông thôn; thích ứng với các tác động ngày càng tăng của công nghiệp hóa, đô thị hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, và công nghệ 4.0 trong quá trình xây dựng Nông thôn mới bền vững.
5.2.8. Chuẩn bị cho việc xây dựng các mô hình mới trong tương lai gần
Trong tương lai, khi thành tựu xây dựng nông thôn mới đã trở nên vững chắc hơn, Nhà nước cần phải ban hành một loại hình Luật tổ chức Tự quản Cộng đồng làng xã Nông thôn mới, sao cho người dân có thể dựa vào đó để xây dựng một “tổ chức tự quản mang tính quần chúng cơ sở tự mình quản lý, tự mình giáo dục, tự mình phục vụ, thực hiện bầu cử dân chủ, quyết sách dân chủ, quản lý dân chủ, giám sát dân chủ”.
5.3. Giải pháp
5.3.1. Hoàn thiện khung thể chế về xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước về mô hình tự quản cộng đồng cư dân làng – xã
5.3.1.1. Hoàn thiện các quy định đối với hương ước, quy ước,bao gồm: i) Quy định thống nhất và xác định rõ nội dung của hương ước, quy ước; ii) Tổ chức tốt việc thực hiện hương ước, quy ước; iii) Kiểm tra, giám sát việc thực hiện hương ước, quy ước; iv)Cần tránh sai sót trong quá trình xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước; v) Xác định trách nhiệm trong quản lý việc xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước.
5.3.1.2. Quy định chung về Mô hình Tự quản của cộng đồng cư dân làng-xã: i) Mô hình Tự quản cộng đồng cư dân làng-xã được thành lập theo nhu cầu, nguyện vọng của Nhân dân địa phương; ii) Mô hình Tự quản cộng đồng là nơi người dân thực thi các công việc lợi ích trên địa bàn nhằm phát triển kinh tế - xã hội và giữ gìn an ninh trật tự; iii) Mô hình Tự quản cộng đồng là nơi người dân thực thi các quyền làm chủ của mình vì lợi ích phát triển kinh tế - xã hội và giữ gìn an ninh trật tự trong cộng đồng.
5.3.2. Xác định rõ vai trò của các bên liên quan trong Mô hình Tự quản
5.3.2.1. Vai trò lãnh đạo, quản lý, trợ giúp tổ chức hoạt động: i) Mô hình Tự quản Cộng đồng hoạt động dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Chính quyền địa phương ở xã, phường, thị trấn; ii) Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã, Công an cấp xã, Trưởng xóm, Tổ trưởng tổ dân phố phối hợp hướng dẫn về các biện pháp, cách thức thực hiện nhiệm vụ tự quản cộng đồng.
5.3.2.2. Vai trò của Ban điều hành Mô hình Tự quản: i) Ban điều hành Mô hình Tự quản có 02 người gồm: 01 trưởng và 01 phó, do đại diện các hộ dân trong Tổ tham gia Mô hình bầu ra; ii) Người tham gia Ban điều hành phải đáp ứng một số tiêu chuẩn: i) Là người có uy tín; ii) Có năng lực, trình độ, hiểu biết; iii) Có tinh thần trách nhiệm, vì cộng đồng; iii) Trưởng xóm/ Tổ trưởng dân phố có trách nhiệm tổ chức việc bầu Ban điều hành Mô hình Tự quản cộng đồng dân cư và đề nghị Ủy ban nhân dân cấp xã công nhận; iv) Nhiệm kỳ hoạt động của Ban điều hành Mô hình tự quản là hai năm rưỡi (cùng với nhiệm kỳ của Trưởng xóm, Tổ trưởng dân phố); v) Ban điều hành được bồi dưỡng kiến thức pháp luật, được tập huấn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Mô hình Tự quản, kỹ năng tuyên truyền, vận động nhân dân và nghiệp vụ về công tác tự quản và an ninh trật tự.
5.3.3. Huy động các nguồn lực trợ giúp cho việc xây dựng các mô hình tự quản cộng đồng trong phát triển NTM bền vững
5.3.3.1. Nguồn lực trong cộng đồng: i) Kinh phí, nguồn nhân, vật lực và thời gian do các thành viên trong tổ đóng góp; ii) Các đóng góp đó chính là biện pháp hàng đầu trong duy trì lâu dài Mô hình tự quản cộng đồng trong xây dựng NTM bền vững.
5.3.3.2. Nguồn lực ngoài cộng đồng: i) Cần tranh thủ các khoản đóng góp tự nguyện của các “Mạnh Thường Quân”, các tổ chức, cá nhân bên ngoài cộng đồng; ii) Việc huy động đóng góp phải theo đúng quy định của Pháp luật.
5.3.4. Xây dựng mô hình điểm về tự quản cộng đồng trong xây dựng NTM
5.3.4.1. Xây dựng mô hình điểm về An ninh Trật tự: i) Xây dựng các mô hình điểm tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số; ii) Xây dựng các mô hình điểm tại các vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo; iii) Xây dựng Mô hình Tự quản “Xã, Phường không tệ nạn ma túy”; iv) Đa dạng hóa các Mô hình Tự quản Cộng đồng cư dân làng xã.
5.3.5. Lồng ghép các hoạt động tự quản cộng đồng vào các chương trình, kế hoạch, đề án, dự án phát triển NTM giai đoạn 2021 – 2025.
- Đưa tự quản cộng đồng trong phát triển NTM bền vững thành một trong những tiêu chí của Đề án xây dựng Bộ tiêu chí Quốc gia về NTM giai đoạn 2021 – 2025.
- Xây dựng Đề án Phát triển Tự quản Cộng đồng trong phát triển NTM bền vững giai đoạn 2021 – 2025.
5.3.6. Xây dựng tinh thần, lối sống, văn hóa tự quản cộng đồng.
Sự nghiệp xây dựng NTM bền vững là sự nghiệp của dân, do dân, vì dân, và nó chỉ có thể phát triển bền vững khi người dân là chủ thể thực sự dựa trên các nguyên tắc: Tự nguyện, Tự chủ, Tự quản, và Dân chủ, trong đó về lâu về dài, nguyên tắc Tự quản phải trở thành một trong những trụ cột của sự nghiệp, phải trở thành tinh thần, lối sống, và văn hóa đặc trưng của Nông thôn mới. Đây là một trong những nhiệm vụ mới và không kém phần nặng nề và vinh quang của ngành Văn hóa nước nhà.
Kết luận
Có thể nói rằng vấn đề xây dựng các mô hình tự quản cộng đồng trong phát triển NTM bền vững ở Việt Nam hiện nay vẫn còn rất nhiều khoảng trống đòi hỏi phải được tiếp tục được lấp đầy. Thực tiễn cho thấy so với yêu cầu xây dựng các mô hình tự quản cộng đồng trong phát triển NTM bền vững nước ta thì kết quả đạt được vẫn còn khá khiêm tốn. Trong khi đó hệ thống khung thể chế liên quan đến soạn thảo, thực hiện hương ước, quy ước tự quản, khung luật pháp liên quan đến việc xây dựng các mô hình tự quản của cộng đồng cư dân làng xã trong phát triển NTM bền vững vẫn còn chưa hoàn thiện, không đồng bộ và thiếu tính hiệu lực, tính khả thi và hiệu quả. Chính vì vậy chúng tôi hy vọng rằng các kết quả nghiên cứu của Đề tài sẽ góp phần nhỏ bé làm vững chắc thêm cơ sở lý luận cũng như cơ sở thực tiễn cho việc đề xuất, bổ sung và hoàn thiện hệ thống quan điểm, định hướng và giải pháp xây dựng các mô hình tự quản của cộng đồng dân cư làng xã trong phát triển nông thôn mới bền vững; giúp làm tăng thêm năng lực, hiệu quả tham gia của người dân vào việc xây dựng và vận hành các mô hình tự quản của cộng đồng, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu trước mắt cũng như các mục tiêu lâu dài của Chương trình NTM mà Đảng, Nhà nước và nhân dân luôn mong muốn đạt được trong hiện tại và tương lai gần.
_____________________________________
Nguồn: Hà Hữu Nga (2021). Quan điểm, định hướng, giải pháp xây dựng các mô hình tự quản của cộng đồng dân cư làng xã trong phát triển nông thôn mới bền vững. Bài tham gia Hội nghị Sơ kết (giai đoạn 2018 - 2020) và Đề xuất Khung Chương trình Khoa học Công nghệ Phục vụ Xây dựng Nông thôn mới (giai đoạn 2021 - 2025) ngày 26 tháng Tư năm 2021 tại thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.
Tài liệu tham khảo
Ban chấp hành Trung ương Đảng (1998). Chỉ thị số 30/CT-TW của Ban chấp hành Trung ương về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở. Hà Nội.
Bird, Colin (2000). The Possibility of Self-Government. In The American Political Science Review, Vol. 94, No. 3 (Sep., 2000), pp. 563-577.
Bộ Tư pháp (2016). Báo cáo số 108/BC-BTP ngày 23/5/2016 của Bộ Tư pháp về tình hình xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước của làng, bản, thôn, ấp, cụm dân cư giai đoạn 1998 - 2015 và phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp giai đoạn 2016 - 2020. Hà Nội.
Bùi Minh Đạo (2010). Tổ chức ở và hoạt động buôn làng trong phát triển bền vững vùng Tây Nguyên, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.
Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (1998). Nghị định số 29/1998/NĐ-CP của Chính phủ về việc ban hành quy chế thực hiện dân chủ ở xã. Hà Nội.
Cohen, A. P. (1985). The Symbolic Construction of Community, London: Tavistock.
Đảng Cộng sản Việt Nam (1993). Văn kiện Hội nghị lần thứ 5 BCHTW khóa VII. Nxb. Chính trị quốc gia. Hà Nội
Đỗ Quang Hưng (2011). Một số vấn đề về Tin lành Tây Nguyên. Tạp chí Khoa học xã hội Tây Nguyên, số 2.
Hoàng Chí Bảo (2010). Dân chủ và dân chủ ở cơ sở nông thôn trong tiến trình Đổi mới. Nxb. Chính trị quốc gia. Hà Nội.
Hoggett, P. (1997). Contested communities. In P. Hoggett (ed.) Contested Communities. Experiences, struggles, policies, Bristol: Policy Press.
Lê Cao Đoàn (2017). Nghiên cứu thực trạng, vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội sau 3 năm xây dựng nông thôn mới và đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động xây dựng nông thôn mới của các tổ chức chính trị xã hội này. Báo cáo tổng hợp kết quả khoa học công nghệ Đề tài cấp Nhà nước, Chương trình Khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2015.
Nguyễn Hữu Đễ (2016). Nghiên cứu đề xuất giải pháp nhân rộng mô hình tự quản về an ninh trật tự tại các khu dân cư trong xây dựng nông thôn mới. Báo cáo tổng hợp kết quả khoa học công nghệ Đề tài cấp Nhà nước, Chương trình Khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2015.
Parsons, Talcott (1949). The Structure of Social Action - A Study in Social Theory with Special Reference to a Group of Recent European Writers. Harvard University, The Free Press Glencoe, Illinois 1949, pp. 43-51; (Chapter II, Action Theory).
Parsons, Talcott (1951). The Social System. Routledge, London.
Parsons, Talcott, & Shils, A., (eds) (1976). Toward a General Theory of Action. Harvard University Press, Cambridge.
Phạm Hữu Nghị. (2015). Cơ sở khoa học đề xuất các giải pháp vận dụng Luật pháp và Hương ước làng để quản lí xã hội trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Báo cáo II của Đề tài Nghiên cứu, đề xuất các giải pháp áp dụng luật pháp và hương ước làng xã trong quản lí xã hội nông thôn mới. Đề tài thuộc Chương trình Khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2015.
Phan Đăng Nhật (2007). Tòa án phong tục: Một kiểu vận dụng luật tục có hiệu quả. Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, số 3/2007.
Putnam, RD Robert D. (1995). Bowling Alone: America’s Declining Social Capital. In Journal of Democracy 6 (1):65–78.
Radcliff, Benjamin (1992). The General Will and Social Choice Theory. In The Review of Politics 54 (Winter): 34- 49.
Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (1998). Chỉ thị số 24/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của làng, bản, thôn, ấp, cụm dân cư. Hà Nội.
Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2016). Quyết định số 1980/QĐ-TTg ngày 17/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020. Hà Nội.
Trần Từ (1984). Cơ cấu tổ chức của làng Việt cổ truyền ở Bắc Bộ. Nxb. Khoa học xã hội. Hà Nội.
Ủy ban thường vụ Quốc hội (2007). “Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 của Ủy ban thường vụ Quốc hội: Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn”. Hà Nội.
Weber, Max (1991). “The Nature of Social Action”. Runciman, W.G. Weber: Selections in Translation. Cambridge University Press.
Willmott, P. (1989). Community Initiatives. Patterns and prospects. London: Policy Studies Institute.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét