Powered By Blogger

Thứ Sáu, 21 tháng 6, 2019

Hành vi tập thể và tổ chức xã hội của các cộng đồng nông thôn trong thảm họa tự nhiên*

Hà Hữu Nga

Cho đến nay, ở Việt Nam việc nghiên cứu về thảm họa tự nhiên nói chung đã có một số kết quả bước đầu, với một nguồn tư liệu phong phú, đa dạng, nhưng tản mạn. Đặc biệt việc nghiên cứu xã hội học về hành vi tập thể và tổ chức xã hội ứng phó với thảm họa ở những cộng đồng nông thôn bị thảm họa tự nhiên vẫn còn là một lĩnh vực gần như hoàn toàn mới, kể cả về lý luận và thực tiễn. Trong khi đó, các nhân tố tạo dựng cơ sở lý luận cho lĩnh vực nghiên cứu này lại bao gồm hàng loạt khái niệm, nội hàm, nội dung, với rất nhiều quan niệm lý thuyết khác nhau, thậm chí xung đột và gây tranh cãi trong giới học thuật thế giới. Còn các nhân tố tạo dựng nền tảng thực tiễn cho hành vi tập thể và tổ chức xã hội ứng phó với thảm họa tự nhiên ở các cộng đồng bị thảm họa lại là những kinh nghiệm sinh động về nhận thức, về tri thức khoa học và bản địa, về các phương thức ứng phó truyền thống hiện đại, cũng như các kết quả hoạt động thực tiễn thuộc tất cả các lĩnh vực có liên quan ở trong nước và ngoài nước.

Về cơ sở lý luận, chúng tôi cố gắng làm rõ các khái niệm, với các nội hàm, nội dung và các lĩnh vực lý thuyết xã hội học chủ chốt có liên quan. Các khái niệm, nội hàm lý luận trừu tượng đều được thao tác thành các khuôn khổ và các tiêu chí cụ thể nhằm tạo dựng cơ sở lý luận cho việc nghiên cứu các hành vi tập thể và các tổ chức xã hội trong cách hoạt động ứng phó với thảm họa tự nhiên ở các cộng đồng dân cư, đặc biệt là các cộng đồng dân cư nông thôn miền Trung Việt Nam. Đó là các vấn đề và các lĩnh vực lý thuyết nghiên cứu xã hội học sau đây: 1) Xã hội học thảm họa; 2) Lý thuyết thảm họa; 3) Các diễn giải về nguyên nhân thảm họa; 4) Lý thuyết quản lý thảm họa; 5) Lý thuyết hành vi tập thể và ứng phó với thảm họa; 6) Lý thuyết cộng đồng và ứng phó với thảm họa; 7) Tổ chức xã hội và ứng phó với thảm họa; 8) Sức khỏe tâm thần thảm họa; 9) Tri thức bản địa trong ứng phó với thảm họa.

Về cơ sở thực tiễn, bằng cách tiếp cận và các công cụ nghiên cứu xã hội học, chúng tôi tập trung xem xét các lĩnh vực sau: 1) Thiên tai và thảm họa ở miền Trung Việt Nam; 2) Thực tiễn quản lý thảm họa tại miền Trung Việt Nam; 3) Thực tiễn ứng phó với thảm họa của các hệ thống tổ chức xã hội tại miền Trung Việt Nam; 4) Thực tiễn hành vi tập thể ứng phó với thảm họa của các cộng đồng nông thôn tại miền Trung Việt Nam; 5) Kinh nghiệm thực tiễn ứng phó với thảm họa của các cộng đồng dân cư bị thảm họa tại một số quốc gia trên thế giới.

1. Cơ sở lý luận của việc nghiên cứu xã hội học về hành vi tập thể và tổ chức xã hội ở những cộng đồng nông thôn bị thảm họa tự nhiên

1.1. Xã hội học thảm họa

Thảm họa tai từ lâu đã là các đối tượng nghiên cứu của các nhà xã hội học. Trước những năm 1980 các tài liệu nghiên cứu bị chi phối bởi phân tích định hướng xã hội học, tiếp theo là các nhà địa lý xã hội (Burton, Kates and White 1993). Mặc dù có nhiều định nghĩa về xã hội học thảm họa, nhưng hầu hết đều đồng ý rằng trọng tâm của ngành này là nghiên cứu sự tương tác của con người trước, trong và sau thảm họa. Do đó, khi thảm họa xảy ra, các nhà xã hội học cần phải đặt câu hỏi nghiên cứu: Con người phải ứng phó với thảm họa như thế nào?. Mặc dù tất cả các sự kiện thảm họa đều là các sự kiện (sự cố, tình tiết) lịch sử duy nhất, nhưng các phân tích so sánh lại có thể xác định các yếu tố về tính chất chung, nghĩa là các mô thức hành vi thảm họa của các đơn vị xã hội từ cá nhân, gia đình, đến các tổ chức cộng đồng (Barton 1969; Quarantelli and Dynes 1977; Kreps 1984; Drabek 1986). Các nhà xã hội học cho rằng thảm họa có thể phơi bày những giá trị và cấu trúc chủ chốt xác định chính các cộng đồng và các xã hội đó. Vì vậy, các yếu tố xã hội thúc đẩy cả sự ổn định và thay đổi đều có thể cần phải được khảo sát. Do đó, cả cácthức hành vi cốt lõi lẫn các nhân tố xã hội hạn chế chúng đều có thể được soi sáng bằng nghiên cứu thảm họa. Các khác biệt về văn hoá có thể gắn liền với các ứng phó trọng yếu khác nhau đã được chứng minh bằng những công trình so sánh hồ sơ của Hoa Kỳ với các ứng phó của người Anh (Parker 2000), người Nga (Portiriev 1998b), người Nhật (Yamamoto and Quarantelli 1982), và người Ý (Quarantelli and Pelanda 1989). Các kết quả cho thấy rất rõ vai trò của văn hóa trong sự biến đổi các mô thức hành vi của cá nhân, các nhóm xã hội và cộng đồng trong thảm họa. Thông thường, các nhà xã hội học phân biệt thảm họa (disasters) với nguy cơ (hazards). Thảm họamột sự kiện làm cho một cộng đồng bị những tổn thất nghiêm trọng về người và / hoặc tài sản vượt quá mức chịu đựng của các nguồn lực sẵn có trong cộng đồng. Còn nguy một điều kiện có tiềm năng gây hại cho cộng đồng hoặc môi trường (Drabek 2004). Xuất phát từ các định nghĩa này, hầu hết các nhà xã hội học xem việc quản lý khẩn cấp là Quá trình giảm thiểu các bất chắc tồn tại trong các tình huống nguy hiểm và đảm bảo an toàn tối đa cho cng đồng. Mục đích là hạn chế các chi phí của các trường hợp khẩn cấp hoặc thảm họa thông qua việc thực hiện hàng loạt chiến lược và chiến thuật phản ánh toàn bộ chu trình thảm họa, như phòng ngừa, ứng phó, phục hồi và giảm nhẹ (Drabek 2004).

Tuy nhiên, theo thời gian, các vấn đề và mối quan tâm chủ chốt lại gây ra nhiều tranh cãi. Trong số đó có hai vấn đề rõ ràng và cơ bản nhất thúc đẩy chương trình nghiên cứu xã hội học thảm họa theo các hướng khác nhau. Đó là: 1) Các quan niệm khác nhau về thuật ngữ thảm họa”; và 2) Lấy hệ mẫu (paradigm) dựa trên các rủi ro hay hệ mẫu dựa trên tính dễ bị tổn thương làm trọng tâm. Rõ ràng cần phải xác định những khác biệt căn bản và rất thực tế trong quan niệm về khái niệm cốt lõi thảm họa”. Từ góc độ xã hội học, khi coi thảm hoạ là một loại vấn đề xã hội đặc biệt thì cần phải tăng cường các phân tích so sánh. Các nhà xã hội học đưa ra bốn đặc điểm của các sự kiện thảm họa, bao gồm: i) Độ dài thời gian cảnh báo trước; ii) Mức độ tác động; iii) Phạm vi tác động;iv) Khoảng thời gian tác động (Kreps, Gary A. and Thomas E. Drabek 1996). Bên cạnh đó, có những quan điểm nhấn mạnh vào các quy trình xã hội, trong đó một số sự kiện hoặc mối đe dọa được xác định chung là mối quan tâm của công chúng, còn những sự kiện/ mối đe dọa khác thì không (Stallings, Robert A., 1995). Kreps Drabek cho rằng bản chất của thảm họa là sự kết nối các điều kiện lịch sử và các định nghĩa xã hội về những tổn hại thể chất và sự gián đoạn xã hội ở cộng đồng hoặc các cấp độ phân tích cao hơn (Kreps and Drabek 1996).

Vấn đề then chốt khác mà các các nhà xã hội học thảm họa phải tìm kiếm, đó là các hệ mẫu nghiên cứu. Một hệ mẫu là một tập hợp các khái niệm hoặc mô thức tư duy khác nhau, bao gồm các lý thuyết, phương pháp nghiên cứu, các định đề và tiêu chuẩn để tạo dựng thành một lĩnh vực khoa học. Thomas Kuhn đã xác định hệ mẫu là những thành tựu khoa học được công nhận rộng rãi, trong một thời gian, các thành tựu này cung cấp các mô thức vấn đề và các giải pháp cho một cộng đồng nghiên cứu (Kuhn, Thomas S. 1996, tr.X.). Một hệ mẫu mô tả những cần phải được quan sát và nghiên cứu kỹ lưỡng; loại câu hỏi cần phải đặt racần tìm kiếm các câu trả lời; cách thức cấu trúc các câu hỏi; cách thức diễn giải các kết quả nghiên cứu. Tóm lại, một hệ mẫu là một mô hình toàn diện về nhận thức cung cấp cho các nhà nghiên cứu khoa học các quan điểm và quy tắc về cách thức xem xét và giải quyết các vấn đề của lĩnh vực đó. Các hệ mẫu được vị thế của chúngchúng thành công hơn các đối thủ cạnh tranh trong việc giải quyết những vấn đề cấp thiết của thực tiễn cuộc sống (Kuhn, Thomas S. 1996, tr. 23). Về phương diện xã hội học thảm họa, một số hệ mẫu thông dụng vẫn được sử dụng dựa trên các quan điểm lý thuyết chức năng luận, cấu trúc luận, tương tác luận tượng trưng. Bên cạnh đó đã xuất hiện hệ mẫu tình trạng căng thẳng tập thể do Barton (1969) lần đầu tiên phác thảo. Gần đây nhất, người ta còn đề xuất một “thang thảm họa” có thể sử dụng để phân tích so sánh trong nghiên cứu và xây dựng các kế hoạch phòng ngừa trong thực tiễn. Thang “mười loại thảm họa” được xây dựng dựa trên cấp độ gián đoạn và điều chỉnh mà một cộng đồng / xã hội phải trải qua khi xem xét quy mô, phạm vi và độ dài thời gian (Fischer 2003). Một số nhóm lại sử dụng hệ mẫu giảm nhẹ thảm họa thân thiện với môi trường, các khái niệm về tính bền vững, các biện pháp điều chỉnh nguy cơ”, tìm kiếm các chương trình giảm nhẹ thảm họa dựa vào cộng đồng sẽ cổ vũ sự phát triển có thể sống với t nhiên hơn là chống lại tự nhiên (Mileti 1980). Đặc biệt có ý nghĩa là việc đề xuất hệ mẫu tập trung vào khái niệm tính dễ bị tổn thương (Wisner 2001). Và cuối cùng, hệ mẫu lý thuyết vốn xã hội cũng đã được mở rộng trong nghiên cứu tình huống tái thiết sau trận động đất tàn phá năm 1995 ở Kobe, Nhật Bản. Kết quả cho thấy mức độ tin cậy cao của người dân đối với các nhà lãnh đạo địa phương trong cộng đồng là nhân tố chính tạo điều kiện chấp nhận các quyết định tập thể được thực hiện trong suốt quá trình phục hồi (Dynes 2002, 2003); Nakagawa and Shaw 2004).

Một trong những đóng góp to lớn của xã hội học thảm họa là việc đưa ra các khuyến nghị, quan trọng nhất trong số đó là những nguyên tắc sau: i) Cần phải có cách tiếp cận toàn bộ các nguy cơ; ii) Các hoạt động lập kế hoạch và phòng ngừa là các quá trình liên tục, chứ không phải các mục tiêu hoàn thành rồi thì gác lại; iii) Cần phải sử dụng tri thức khoa học xã hội, chứ không phải huyền thoại, để hướng dẫn các hoạt động, các ưu tiên và các chiến lược thực hiện các chương trình, kế hoạch liên quan đến thảm họa; iv) Các chương trình, kế hoạch thảm họa phải được những người sẽ thực hiện kế hoạch xây dựng; v) Việc quản lý các ứng phó khẩn cấp đòi hỏi phải thực hiện các mô hình lý thuyết dựa vào các nguồn lực hơn là dựa vào quyền lực (Quarantelli and Dynes 1972; Drabek and Hoetmer 1991; Dynes and Drabek 1994; Neal and Phillips 1995, Drabek 2003).

1.2. Lý thuyết thảm họa

1.2.1. Khái niệm thảm họa  

những sự cố hoặc tai biến như bão tố, động đất, sóng thần, lốc xoáy, hỏa hoạn, lũ lụt, làm nhiều người thiệt mạng và hủy hoại nhiều tài sản,ảnh hưởng đến diện tích địa lý và số lượng người rất lớn và do đó có những hậu quả sâu xa. Thảm họa làm gián đoạn nghiêm trọng đối với hoạt động của một cộng đồng hoặc một xã hội những tác động mất mát vượt quá khả năng đối phó của cộng đồng bị ảnh hưởng bằng việc sử dụng các nguồn lực của chính mình. Trong học thuật đương đại, thảm họa được xem là kết quả của rủi ro quản lý không hợp lý (Quarantelli E.L. (editor), 1998). Thảm họa là một động năng của quá trình rủi ro, là kết quả của sự kết hợp các nguy hại, các nhóm xã hội dễ bị tổn thương và tình trạng không đủ năng lực hoặc các biện pháp để giảm thiểu các hậu quả tiêu cực có thể xảy ra. Do đó, thảm họa không phải là những sự kiện không thể dự đoán được và không thể tránh khỏi mà là các vấn đề phát triển chưa được giải quyết (United Nations 2004). Về phương diện từ nguyên, “thảm họa” là một từ tiếng Pháp thời trung đại “désastre vay mượn từ tiếng Ý cổ “disastro”. Đến lượt mình, hai từ này lại có nguồn gốc sâu xa hơn của một từ tiếng Hy Lạp cổ δυσἀστήρdusaster, trong đó tiền tố δυσ (dus) có nghĩa là “xấu”từ căn ἀστήρ (aster) là “ngôi sao”. Gốc rễ của từ thảm họa trong tiếng Hy Lạp xuất phát từ quan niệm của khoa chiêm tinh về các tai hoạ và nguyên nhân được quy cho vị trí của các hành tinh (Blaikie, Piers; Terry Cannon; Ian Davis and Ben Wisner, 2003)

Các nghiên cứu đều phản ánh một quan điểm chung cho rằng tất cả các thảm hoạ có thể được xem là do con người tạo ra, lý do là hành động của con người có thể ngăn chặn được sự cố phát triển thành thảm hoạ. Tất cả các thảm hoạ là do hậu quả của việc con người không đưa ra các biện pháp quản lý thiên tai thích hợp (Blaikie, Piers; Terry Cannon; Ian Davis and Ben Wisner, 2003). Thảm họa thường được chia thành các loại thảm họa tự nhiên và thảm họa do con người gây ra. Thảm họa tự nhiên là một quá trình hoặc hiện tượng tự nhiên gây thiệt hại tài sản, thương tích hoặc các ảnh hưởng sức khoẻ, mất sinh kế và dịch vụ, phá vỡ cấu trúc kinh tế - xã hội, hủy hoại môi trường. Các hiện tượng khác nhau như động đất, trượt lở đất, phun trào núi lửa, lũ lụt, bão tố, lốc xoáy, sóng thần đều là những thảm họa tự nhiên giết chết hàng ngàn người và tiêu hủy hàng tỷ đô la tài sản và môi trường sống mỗi năm. Với khí hậu nhiệt đới và các dạng đất không ổn định, cùng với nạn phá rừng, chạy đua tăng trưởng không kế hoạch, các công trình chất lượng kém làm cho các khu vực thảm họa càng gây nhiều tổn thương hơn. Bên cạnh đó là tình trạng chậm trễ truyền thông và phân bổ ngân sách nghèo nàn hoặc không có ngân sách cho phòng chống thảm họa, chính là nguyên nhân cho các nước đang phát triển, nhất là châu Á phải chịu nhiều tác động tiêu cực lớn khi thảm họa xảy ra; hơn 95% số ca tử vong do các thảm họa xảy ra ở các nước đang này, và thiệt hại do thảm họa gây ra cao hơn 20 lần so với các nước công nghiệp (World Bank 2016). 

Thảm hoạ liên quan đến sự kết hợp rất cụ thể của mức độ nghiêm trọng của sự kiện và thời gian / xác suất. Với tác động trên diện rộng, thảm hoạ là một sự kiện vượt quá các nguồn lực của nhiều cơ quan địa phương - trong một số trường hợp làm giảm khả năng phản ứng khẩn cấp của các cơ quan pháp luật và làm gián đoạn sự liên tục của các hoạt động khác của chính quyền địa phương. Cơn cuồng phong Katrina ở Mỹ (từ 23 – 31 tháng 8 năm 2005) đã phá huỷ các cơ quan ứng phó khẩn cấp tại địa phương và làm gián đoạn hoạt động của các cơ quan chính phủ địa phương khác ở Louisiana, Mississippi và Alabama chắc chắn là một ví dụ rõ ràng cho trường hợp này (Lindell, Michael K.; Carla S. Prater; Ronald W. Perry; William C. Nicholson 2006). Nghiên cứu của Prince về vụ nổ ở Halifax (Prince, S.H. 1920) là nghiên cứu thảm họa hiện đại đầu tiên. Vụ nổ này xảy ra cảng Halifax, Nova Scotia, Canada vào sáng ngày 6 tháng 12 năm 1917. Tàu chở hàng SS Mont Blanc của Pháp có chứa chất nổ cực mạnh, đã va chạm với tàu SS Imo của Na Uy ở Narrows, một eo biển nối Thượng nguồn cảng Halifax với lưu vực Bedford. Vụ nổ đã tàn phá quận Richmond của Halifax, khoảng 2.000 người đã bị giết chết, và khoảng 9.000 người khác bị thương. Đây một thảm họa nhân tạo lớn nhất trước khi phát triển vũ khí hạt nhân, với năng lượng giải phóng tương đương khoảng 2,9 nghìn tấn thuốc nổ TNT - Trinitrotoluene (Ruffman, Alan; Howell, Colin D., eds., 1994). Nhưng 12 năm sau đó Carr mới là người đầu tiên nỗ lực thực hiện việc định nghĩa chính xác về thảm họa (Carr L., 1932). Thảm họa thường được coi là một sự cố phi thông lệ về thời gian và không gian, gây ra thiệt hại cho con người, tài sản hoặc môi trường mà việc khắc phục đòi hỏi phải sử dụng các nguồn lực từ bên ngoài cộng đồng bị ảnh hưởng trực tiếp (Quarantelli 1984; Perry 1991, Tierney, Lindell & Perry 2001).  

Hiện nay có rất nhiều định nghĩa khác nhau về thảm họa trong các tài liệu chuyên môn và học thuật, nhưng hầu hết đều được bao gồm trong định nghĩa này. Có những khác biệt quan trọng trong các loại thảm họacác cách thức, chiến lược quản lý khẩn cấp thảm họa (Drabek, 1997). Cho dù người ta tin Thượng đế, t nhiên, bất công xã hội đã sản sinh ra thảm họa thì chắc chắn các niềm tin đó đều tác động đến thái độ mọi người đối với nạn nhân. Đặc biệt các nhà nghiên cứu vẫn còn tranh luận về những khác biệt và đồng thuận về các chi tiết cụ thể của những ý nghĩa khác nhau (Quarantelli, 1998). Tuy nhiên, trong lĩnh vực quản lý khẩn cấp, vẫn phải tập trung chủ yếu vào giả định rằng thiên tai xảy ra do sự chồng chéo của các hệ thống sử dụng con người với các quy trình tự nhiên và công nghệ và trách nhiệm chung là phải giảm thiểu các hậu quả tiêu cực. Ít nhất ở cấp độ ứng dụng, các nhà quản lý khẩn cấp chỉ có thể hành động dựa trên một định nghĩa ngắn gọn về thảm họa, trong khi ai cũng biết rằng khái niệm này có thể được mở rộng theo nhiều cách với vô số khía cạnh khác nhau. 

1.2.2. Diễn giải nguyên nhân thảm họa

Trong lịch sử hàng thiên niên kỷ trải nghiệm và quan sát thảm họa, đã có bốn cách diễn giải lý thuyết cơ bản về nguyên nhân thảm họa: i) Hành vi định mệnh, hành động của Thượng đế/ Trời/ Thiên Chúa tùy theo quan niệm của từng tộc người, từng tôn giáo khác nhau; ii) Hành vi của tự nhiên; iii) Các tác động chung của cả tự nhiên và xã hội; iv) Các tác động của hệ thống công trình xã hội.  

Hành động của Thượng đế/ Trời/ Thiên Chúa: Trong hàng thiên niên kỷ, thiên tai/ thảm họa được cho là phát sinh từ các lực lượng không có giới hạn và không kiểm soát được, và được coi là các hành động của Thượng đế/ Trời/ Thiên Chúa, vượt quá sự hiểu biết của con người. Cả hai hình thức của lý thuyết này đều xem thiên tai/ thảm họa là tiền định và do đó hoàn toàn vượt khỏi sự kiểm soát của nạn nhân. Một biến thể của lý thuyết này là thiên tai/ thảm họa là sự trả thù của thiên nhiên hay thần linh đối với những thất bại của con người các thảm hoạ gây ra cho cá nhân là do những thất bại cá nhân; còn các thảm hoạ gây ra cho tập thể là do những thất bại của xã hội. 

Hành vi của thiên nhiên: Theo thời gian, kiến ​​thức khoa học gia tăng đã khiến nhiều người thay thế nguyên nhân siêu nhiên bằng những nguyên nhân tự nhiên. Do đó người ta giải thích lũ lụt xảy ra vì lượng mưa lớn từ một cơn bão nghiêm trọng vượt quá khả năng hấp thụ của đất. Dòng nước chảy siết vượt quá dung lượng của lưu vực sông, do đó lượng nước dư thừa tràn qua các bờ sông, làm ngập lụt nhà cửa, và cuốn trôi người, vật. Theo đó, thuật ngữ thảm họa tự nhiên đã được quy cho “một cuộc tấn công từ bên ngoài vào các hệ thống xã hội gây ra đổ vỡ khi phải đối mặt với một cuộc tấn công như vậy từ bên ngoài (Quarantelli, 1998, p. 266). Kết quả làm nảy sinh quan niệm về con người chống lại tự nhiên đã trở nên đặc biệt mạnh mẽ. 

Các tương tác giữa T nhiên và Xã hội: Tuy nhiên, sau đó, người ta lại cho rằng những mối nguy hiểm phát sinh từ sự tương tác giữa các hệ thống sự kiện vật các hệ thống do con người tạo ra. Do đó, thảm họa xảy ra là do mối tương tác của cả hai hệ thống này. Nếu một trong hai hệ thống đó mất đi, thì thảm họa cũng sẽ không xảy ra. Theo Carr (1932, p. 211). Theo quan điểm này, xã hội loài người thích ứng với các điều kiện môi trường hiện tại (ví dụ: nhiệt độ, tốc độ gió, lượng mưa, hoạt động địa chấn) tại một vị trí nhất định. Thật không may, họ không dự đoán được sự biến thiên của những điều kiện môi trường đó. Do đó, việc thích ứng với điều kiện bình thường thì lại không thích hợp với các sự kiện cực đoan như gió bão, các đợt nóng, lốc xoáy, tố lốc, và lụt lội. Quan điểm này có lẽ được minh họa tốt nhất bởi thiệt hại do động đất và thương vong. Như các kỹ sư động đất thường diễn giải: động đất không giết người, các tòa nhà sụp đổ giết người. Theo quan điểm này, mọi người có thể tránh được thiên tai nếu họ ở ngoài địa điểm địa chấn hoặc, nếu họ di chuyển đến đó, họ phải xây dựng các cấu trúc chống lại các sự kiện môi trường khắc nghiệt sẽ xảy ra.  

Các công trình xã hội: Gần đây, các nhà nghiên cứu đã nhận ra rằng thảm họa gây hại một cách hệ thống đối với một số loại người, cũng như các loại vị trí địa lý và các hệ thống sử dụng con người. Đối với các hiệu ứng tương tác, thì các mối quan tâm về bộc lộ nguy cơ ở những vị trí cụ thể và tính dễ tổn thương vật lý của các cấu trúc cụ thể, lý thuyết công trình xã hội chú trọng đến tính dễ tổn thương xã hội của các phân đoạn dân số cụ thể. Khi nói rằng nguy cơ dễ bị tổn thương được xây dựng lên về phương diện xã hội không có nghĩa là người ta dễ bị tổn thương bởi vì những suy nghĩ sai lầm giống như người ta tin rằng lũ lụt là do sự sắp xếp của các hành tinh và sao vậy. Thay vào đó, các phân đoạn dân cư dễ bị tổn thương về phương diện xã hội xuất hiện bởi vì các quá trình tâm lý, nhân khẩu học, kinh tế và chính trị của chúng ta thường có xu hướng tạo ra các phân đoạn đó. Tất nhiên các quá trình này đã tạo ra nhiều điều tốt đẹp. Rất nhiều người dân có việc làm, cuộc sống thoải mái và đã được sống trong những xã hội ngày càng dân chủ hơn. Tuy nhiên, tất cả các điều kiện này đều thay đổi theo thời gian; cuộc sống bây giờ được cải thiện nhiều so với những gì đã có ở những thế kỷ trước và vẫn còn có nhiều cách để có thể cải thiện thêm nữa. Mối quan tâm đặc biệt đối với các nhà quản lý khẩn cấp là cần phải có nhiều cách thức có thể giảm nguy cơ dễ bị tổn thương đối với những người có mức độ hồi phục tâm lý thấp nhất, trong đó có hỗ trợ xã hội, tăng cường quyền lực chính trị cho những người nghèo nhất về phương diện kinh tế (Lindell, Michael K.; Carla S. Prater; Ronald W. Perry; William C. Nicholson, 2006). 

1.2.3. Quản lý rủi ro thảm họa  

quá trình sử dụng các quyết định hành chính, tổ chức, kỹ năng và năng lực quản trị một cách hệ thống để thực hiện các chính sách, chiến lược và các năng lực ứng phó của cộng đồng và xã hội để làm giảm tác động của rủi ro thảm hoạ. Quản lý rủi ro thảm họa bao gồm tất cả các hình thức hoạt động, các biện pháp cấu trúc và phi cấu trúc để tránh (phòng ngừa) hoặc hạn chế (giảm thiểu, chuẩn bị và ứng phó) với các tác động tiêu cực của các nguy . Quản lý rủi ro thảm họa thường được chia thành ba lĩnh vực hoạt động chính: i) Giảm thiểu rủi ro thảm họa (phòng ngừa, giảm nhẹ, và chuẩn bị); ii) Ứng phó thảm họa (cứu hộ và cứu trợ), và iii) Phục hồi thảm hoạ: trong khi các lĩnh vực hoạt động này thường được gọi là các giai đoạn riêng biệt hoặc các hợp phần của quản lý thảm họa cho việc tài trợ hành chính và các mục đích xây dựng chương trình, thì trong thực tế chúng đan xen và ảnh hưởng lẫn nhau.

Giảm thiểu rủi ro thảm họa là một quá trình phức tạp bao gồm các thành phần khác nhau của cộng đồng và xã hội, hành chính kỹ thuật, tham gia và huy động các nguồn lực (UN / ISDR, 2004). Giảm thiểu rủi ro thảm họa dựa trên nguyên tắc có thể quản lý, giảm thiểu và thậm chí đôi khi ngăn ngừa các tác động tiêu cực của các nguy cơ bằng cách thực hiện các hành động thích hợp nhằm làm giảm nguy hại cho cộng đồng và xã hội. Ngược lại, việc nhận thức và nâng cao năng lực của người dân để dự đoán, ứng phó, chống chịu và phục hồi từ các tác động nguy hại là một hợp phần thiết yếu của việc giảm thiểu mức độ tổn thương. Giảm thiểu rủi ro thảm họa nhằm mục đích giúp các xã hội có thể chống chọi với các mối nguy hại tự nhiên và đảm bảo rằng quá trình phát triển không làm tăng tính dễ tổn thương những mối nguy hại đó. Do đó, các hoạt động phục hồi nên cải thiện nhiều hơn so với việc chỉ hoàn trcho mọi người và các thể chế bị ảnh hưởng bởi thảm họa tình trạng đã tồn tại trước thảm hoạ. Cụ thể, giai đoạn phục hồi trong ứng phó thảm họa cũng tạo cơ hội để tăng cường năng lực của cộng đồng và của chính quyền  trong việc ứng phó với những tác động của thảm họa và để giảm thiểu tính dễ bị tổn thương trước những nguy hạicác cú sốc trong tương lai, ví dụ như phục hồi rừng ngập mặn bị phá hủy để ngăn ngừa gió bão, giúp tăng cường năng lực đánh bắt của người dân (De Silva, Samantha; Burton Cynthia 2008).

Ứng phó với thảm họa: việc cung cấp trợ giúp hoặc can thiệp trong hoặc ngay sau khi thảm họa xảy ra để đáp ứng được nhu cầu của những người bị ảnh hưởng, thhông thường  là trung hạn và ngắn hạn. Mục tiêu chính của sự trợ giúp nhân đạo này là để cứu mạng sống, giảm bớt đau khổ và duy trì phẩm giá con người. Ứng phó thảm họa bao gồm các hoạt động cứu trợ khẩn cấp sau thảm họa, như cung cấp thực phẩm, nước và vệ sinh, nhà ở, dịch vụ y tế và các trợ giúp khác cho người bị ảnh hưởng; bảo vệ những người dễ bị tổn thương - ví dụ như những người không tự nguyện di chuyển khỏi nhà của họ do một sự cố nguy hại hoặc có thể bị ảnh hưởng bởi các yếu tố như khuyết tật (The Sphere Project, 2011). Các nhóm cư dân bị ảnh hưởng bởi thảm họa ban đầu sẽ cần đến sự hỗ trợ mang tính sống còn. Đồng thời, các cộng đồng, các thể chế và các sinh kế của họ bị tàn phá về mặt vật chất hoặc bị suy yếu do tác động của thảm họa. Nhiều hộ gia đình và cộng đồng sẽ bắt đầu một quá trình tự phục hồi càng sớm càng tốt sau thảm họa. Những đặc tính dễ bị tổn thương đã biến mối nguy hại thành thảm họa ngay ở vị trí đầu tiên cần phải tái tạo. Các hộ gia đình nghèo có thể phải bán đi các tài sản khan hiếm của mình ngay sau thảm hoạ để đáp ứng nhu cầu cơ bản của họ và thậm chí còn dễ bị tổn thương hơn nữa trước những cú sốc tương lai. Cần phải có các lựa chọn liên quan đến việc cung cấp các loại trợ giúp cứu trợ, và cách thức cung cấp có thể tạo điều kiện hoặc cản trở việc phục hồi của các cộng đồng bị ảnh hưởng (Christoplos, 2006a). Các lựa chọn về cứu trợ cũng có thể có những tác động tích cực hoặc tiêu cực đến việc giảm rủi ro thảm học, ví dụ như tiến hành đánh giá nhanh tác động môi trường để xác định xem các chất độc hại bị thải ra môi trường sau trận động đất hay không, và sau đó gia tăng chiến dịch giảm thiểu mối đe doạ cho các cộng đồng lân cận. Vì những lý do này, cần phải thực hiện giảm nhẹ nhằm hỗ trợ và củng cố việc phục hồi sớm và giảm nguy cơ đối với những người bị ảnh hưởng thảm họa (De Silva, Samantha; Burton Cynthia 2008).

Phục hồi thảm họa: là các quyết định và hành động được thực hiện sau thảm hoạ nhằm phục hồi hoặc cải thiện cuộc sống trước thảm hoạ của cộng đồng bị ảnh hưởng, đồng thời khuyến khích và tạo điều kiện cho việc điều chỉnh cần thiết để giảm nguy cơ thảm họa. Phục hồi là cơ hội để phát triển và áp dụng các biện pháp giảm nguy cơ thảm họa (United Nations, 2004). Đặc biệt là trường hợp các thành viên là lao động chính trong gia đình bị chết hoặc bị khuyết tật vĩnh viễn. Đối với nhiều hộ gia đình, tình trạng dễ bị tổn thương về kinh tế và xã hội của họ sẽ không chỉ tăng lên, mà khả năng đối phó với những cú sốc tương lai cũng có thể bị xói mòn. Những áp lực này có thể góp phần làm tăng nghèo đói và bị gạt ra ngoài lề xã hội. Trong trường hợp các sự kiện nguy hại hoặc các cú sốc xảy ra chậm hoặc thường xuyên, thì nhiều cộng đồng nghèo sống trong một trạng thái phải hồi phục liên tục, và việc cứu trợ tạm thời lại trở thành một chiến lược ứng phó dai dẳng. Ví dụ, ở Malawi hạn hán xảy ra với tần số dày đến mức người dân rất ít thời gian để phục hồi trước khi đợt hạn hán khác ập đến. Điều này đã dẫn đến tình trạng nghèo đói ngày càng trầm trọng hơn, mất an ninh lương thực lâu dài và phụ thuộc vào viện trợ. Do đó, để có hiệu quả và bền vững, các sáng kiến phục hồi phải gắn với bối cảnh và quy trình phát triển của quốc gia và địa phương, cũng như sự hiểu biết về các điều kiện kinh tế, xã hội và chính trị đã tồn tại trước thảm hoạ (De Silva, Samantha; Burton Cynthia 2008).

1.3. Hành vi tập thể và thảm họa

1.3.1. Hành vi tập thể  

Là một khái niệm xã hội học, lần đầu tiên được nhà xã hội học Mỹ Franklin Henry Giddings (1908) sử dụng và sau đó là nhà xã hội học đô thị Robert E. Park (1921), nhà xã hội học chuyên về tương tác biểu tượng Herbert Blumer (1939), các nhà xã hội học Ralph Turner & Lewis Killian (1957) và Neil Smelser (1962) cũng tiếp tục phát triển. Về phương diện xã hội học, hành vi tập thể có nhiều hình thức nhưng nói chung đều nằm ngoài, hoặc vi phạm các chuẩn mực chính thức của xã hội. Hành vi tập thể luôn được thúc đẩy bởi các động lực nhóm, khuyến khích mọi người tham gia vào các hành vi mà người ta có thể coi là không thể tưởng tượng được trong các hoàn cảnh xã hội bình thường (Miller 2000, Locher 2002). Hành vi tập thể là các quy trình và sự kiện xã hội không phản ánh cấu trúc xã hội hiện tại bao gồm luật pháp, quy ước, thể chế, xuất hiện một cách tự phát. Tính chất tương đối tự phát của các hành vi tập thể phụ thuộc vào tính phi cấu trúc của một số lượng lớn các cá nhân hành động hoặc bị ảnh hưởng bởi các cá nhân khác. Tính chất phi cấu trúc thể hiện ở chỗ các hành vi đó phần nào không được tổ chức và không thể đoán trước. Các hình thức hành vi tập thể phổ biến bao gồm đám đông, đám hỗn tạp, đám hoảng loạn, bạo loạn, hành vi thảm họa, các hành động kỳ cục, lan truyền tin đồn. Trong số các hình thức này, một số liên quan đến những người thường cùng có mặt và những người ít nhiều có tương tác với nhau như đám đông, bạo loạn và thảm họa; trong khi các hình thức khác như là truyền tin đồn, hoảng loạn tinh thần, và các hành động kỳ cục lại liên quan đến những người không cùng có mặt - trong thực tế, họ có thể ở cách xa nhau hàng trăm hoặc hàng ngàn km, nhưng lại có chung niềm tin hoặc các mối quan tâm nhất định với nhau (Marx, Gary T. and Douglas McAdam, 1994).

1.3.2. Các loại hình hành vi tập thể

Người ta chia thành hai thể loại hành vi tập thể căn cứ vào niềm tin - nhận thức và hành động: i) niềm tin - nhận thức: tin đồn, kích động nhận thức của đám đông và hoảng loạn tinh thần; và ii) hành động: các hành động kỳ cục tình trạng hành động mất kiểm soát, điên cuồng. Các tin đồn, tình trạng khủng hoảng tinh thần đều liên quan đến những niềm tin và nhận thức mạnh mẽ thường không đúng sự thật hoặc ít nhất là một sự thật bị làm méo mó. Tin đồn là một câu chuyện dựa trên các nguồn tin không đáng tin cậy, tuy nhiên được truyền từ người này sang người khác. Một tin đồn có thể trở thành sự thật, nhưng hóa ra nó thường sai hoặc ít nhất là loại sự thât bị cường điệu hoặc biến dạng. Tuy nhiên, đặc điểm xác định của một tin đồn là khi nó phát sinh thì nó không dựa trên các bằng chứng đáng tin cậy và do đó là không có căn cứ (Goode, 1992). Trong thời đại điện tử ngày nay, tin đồn có thể lan truyền nhanh chóng qua Internet, qua Facebook, Twitter và các phương tiện truyền thông xã hội khác. Tình trạng kích động của dân chúng tình trạng hoảng sợ lan rộng, mãnh liệt và lo lắng về một nguy cơ mà thực tế lại là sai hoặc bị phóng đại quá mức (Marx, Gary T. and Douglas McAdam, 1994).

1.3.3. Hành vi thảm họa

Các nhà xã hội học quan tâm đến hành vi tập thể, chuyên nghiên cứu cách hành xử của con người trong và sau thảm họa gọi đối tượng nghiên cứu của mình là các hành vi thảm họa (Marx, Gary T. and Douglas McAdam, 1994). Khi thảm họa xảy ra, cuộc sống hàng ngày và các thói quen bình thường bị gián đoạn. Thảm họa thường xảy ra mà không có cảnh báo, và trong các trường hợp đó người ta đối mặt với những vấn đề bất ngờ và không quen thuộc, đòi hỏi phải hành động trực tiếp và nhanh chóng (Miller, Davis L., 2000). Trong thảm họa, cá nhân vừa phải đối mặt với những nỗi sợ hãi của họ lại vừa phải tìm kiếm an toàn cho chính mình và người khác. Sau thảm họa, người dân gặp phải rất nhiều vấn đề đòi hỏi những quyết định sống còn để cứu hộ và giúp đỡ người bị thương. Trong vài ngày, vài tuần và vài tháng tiếp theo, họ phải thực hiện nhiều điều chỉnh vì cuộc sống của họ dần dần trở lại bình thường, hoặc ít nhất là gần như bình thường. Con người phải hành xử thế nào trong khi tất cả những điều này đang xảy ra? Công chúng vẫn tin tưởng là mọi người phải tự lo cho mình sau thảm hoạ xảy ra và trong cơn hoảng loạn, họ tham gia vào hành vi hoang dã, ích kỷ, cá nhân, cướp bóc”. Tuy nhiên, thực tế thường ngược lại: mọi người bình tĩnh sau thảm hoạ xảy ra và phần lớn không phản ứng kinh hoàng hay hoảng sợ; mọi người cố gắng bàn bạc với nhau về cách hành động phù hợp (Goode, E. 1992). Họ cân nhắc các phương án lựa chọn, xem xét các hậu quả và đưa ra các giải pháp mang tính tập thể và xã hội hợp lý; ít người bị sốc cảm xúc. Hàng xóm, bạn bè, người thân, và thậm chí cả những người lạ thường có xu hướng giúp đỡ lẫn nhau và luôn thể hiện “thái độ rất quan tâm và rộng lượng đối với nạn nhân thảm hoạ (Goode, E. 1992). Sợ hãi, trầm cảm, và những hậu quả tâm lý khác xảy ra, nhưng không nghiêm như những phản ứng xảy ra đối với cái chết của bạn bè và người thân trong gia đình do các nguyên nhân khác ngoài thảm hoạ. 

1.4. Tổ chức xã hội và thảm họa

Cuộc sống xã hội bao gồm nhiều cấp độ tạo dựng các khối xã hội, từ vi mô đến vĩ mô. Các khối tạo dựng đó kết hợp lại để tạo thành cấu trúc xã hội. Cấu trúc xã hội các mô hình xã hội thông qua đó xã hội được tổ chức theo chiều ngang và chiều dọc. Việc tổ chức xã hội theo chiều ngang thể hiện các mối quan hệ xã hội và các đặc trưng xã hội và thể chất của các cộng đồng. Trong khi đó, việc tổ chức xã hội theo chiều dọc, thường dựa vào các khác biệt về vị thế, và thứ hạng các thành viên của các nhóm khác nhau theo hệ thống phân cấp, và được gọi là bất bình đẳng xã hội.

1.4.1. Vị thế, vai trò và mạng quan hệ xã hội

Vị thế xã hội là vị trí mà một người nắm giữ trong xã hội. Bất kỳ một cá nhân nào cũng có vài vị thế khác nhau, chẳng hạn cùng một người có thể có vị thế một trưởng thôn, một người cha, một ngươi mẹ, là một thành viên MTTQ (Mặt trận Tổ quốc) xã. Các nhà xã hội học chia thành ba loại vị thế xã hội khác nhau: i) Vị thế được gán cho, đó là vị thế có sẵn từ khi được sinh ra, chẳng hạn như giới tính, chủng tộc, tầng lớp xã hội, các mối quan hệ sinh học (con, cháu, anh chị em, vv); ii) Vị thế do cá nhân đạt được, chẳng hạn như chủ tịch xã, bí thư chi bộ thôn, trưởng thôn; iii) Vị thế chủ đạo, là loại vị thế quan trọng đến mức nó lấn át các vị thế khác mà một người có thể giữ. Ví dụ chủ tịch tỉnh là một vị thế vượt qua tất cả các vị thế khác mà vị này có, chẳng hạn như vị thế người chồng, người cha, người anh họ của ai đó. Trong các tình huống thảm họa, những người thuộc các nhóm dễ bị tổn thương như phụ nữ, người dân tộc thiểu số, người thiểu năng, người nghèo cũng có thể được coi là có các vị thế chủ đạo, bất kể họ có những vị thế xã hội nào khác (Barkan, Steve 2011). Vai trò xã hội: Bất kể loại hình của nó, mỗi vị thế đều đi kèm với một vai trò, đó là hành vi mong đợi của mọi người đối với một vị thế nhất định. Các vai trò đối với các vị thế nhất định đã tồn tại rất lâu rồi, và chúng sẽ tiếp tục tồn tại lâu dài mãi. Một khía cạnh chính của quá trình xã hội hóa là học những vai trò mà xã hội chúng ta có và hành xử theo cách mà một vai trò cụ thể đòi hỏi. Bởi vì vai trò là hành vi mong muốn của mọi người ở các vị thế khác nhau, nên vai trò giúp các cá nhân trong các nhóm xã hội tương tác vì trước hết, bất kỳ ai cũng đều phải quen với các vai trò xã hội. Mạng quan hệ xã hội là tổng thể của các mối quan hệ liên kết mỗi cá nhân với người khác, nhóm khác và thông qua họ để đến với những người và nhóm khác nữa. Ngày nay cùng với sự phát triển của công nghệ và các phương tiện truyền thông, mạng xã hội có thể được mở rộng vượt qua hầu hết các ranh giới. Mạng xã hội có thể quá lớn, đến mức một cá nhân trong mạng có thể biết rất ít hoặc không biết gì về một cá nhân khác trong mạng, ví dụ một người bạn của một người bạn …v.v.. Nhưng những “người bạn của người bạn” đó đôi khi có thể lại là một nguồn tư vấn quan trọng hoặc các loại trợ giúp khác cho cuộc sống của ai đó, chẳng hạn như cung cấp thông tin về việc làm, giới thiệu cho nhau các đối tác tiềm năng về vô số lĩnh vực kinh tế, xã hội khác nhau.

1.4.2. Tổ chức xã hội: 

Nhóm xã hội: Tổ chức xã hội được hình thành từ các nhóm xã hội tồn tại trên cơ sở kích cỡ, các liên kết tình cảm, và các đặc trưng khác. Một trong những loại nhóm quan trọng nhất lại các tổ chức xã hội chính thức, là một nhóm lớn tuân theo các quy tắc và thủ tục rõ ràng để đạt được các mục đích và nhiệm vụ chung. Nhóm xã hội bao gồm hai hoặc nhiều người thường xuyên tương tác trên cơ sở kỳ vọng lẫn nhau và những người có chung một tính đồng nhất vẫn thường được gọi là “bản sắc”. Hầu hết mọi người đều là thành viên của nhiều nhóm, bao gồm gia đình, nhóm bạn bè và nhóm đồng nghiệp. Người ta phân thành nhóm chính và nhóm phụ, phản ánh tầm quan trọng của quy mô nhóm đối với tính chất, hoạt động, sự ổn định của nhóm (Simmel, Georg 1950, 1972). Khi các nhóm trở nên lớn hơn, cường độ tương tác và liên kết của chúng sẽ giảm, nhưng tính ổn định của chúng tăng lên. Nhưng khi quy mô nhóm tăng lên, nhóm cũng trở nên ổn định hơn bởi vì nó đủ lớn để tồn tại khi một số thành viên rời khỏi nhóm (Quarantelli, E.L. 1984; Barkan, Steve 2011). Nhóm chính thường nhỏ, được đặc trưng bởi sự tương tác rộng rãi và mối quan hệ tình cảm mạnh mẽ, và tồn tại theo thời gian. Các thành viên của các nhóm như vậy rất quan tâm đến nhau, và tính đồng nhất với nhóm rất mạnh. Gia đình là nhóm chính dễ thấy nhất, nhưng các nhóm bạn bè thân thiết cũng là những nhóm chính (Cooley, Charles Horton 1909; Elsesser, K. Peplau L.A. 2006). Nhóm chính có ý nghĩa rất quan trọng đối với hạnh phúc và tinh thần của các thành viên (Marks, S. R. 1994). Những người tham gia vào các mạng lưới hỗ trợ xã hội như gia đình và bạn bè ít có tâm lý cùng quẫn so với những người chỉ sống một mình (Maimon & Kuhl, 2008). Tuy nhiên, các mối quan hệ giữa các nhóm chính đôi khi cũng rất ​​tiêu cực, và có thể gây ra nhiều căng thẳng về tinh thần và tình cảm, cho dù đó là các thành viên trong cùng một gia đình (Gosselin, 2010).

Các tổ chức chính thức: Về phương diện xã hội học, một tổ chức chính thức là một phụ nhóm quy mô lớn được tổ chức để đạt được mục đích chung một cách hiệu quả. Thông thường, các tổ chức chính thức có tính quan liêu cao. Thuật ngữ quan liêumột kiểu tổ chức chính thức lý tưởng (Weber, Max 1922). Nhà xã hội học Amitai Etzioni (1975) cho rằng có ba loại tổ chức chính thức. Trước hết là các Tổ chức chuẩn mực, còn được gọi là các tổ chức tự nguyện, được đặt trên cơ sở các lợi ích chung. Như tên gọi cho thấy, việc tham gia vào các tổ chức này là tự nguyện và thường được thực hiện một cách tiêu biểu bởi vì mọi người thấy phần thưởng cho tư cách thành viên theo một cách thức vô hình. Sự tuân thủ với nhóm được duy trì thông qua kiểm soát đạo đức. Thứ hai là các Tổ chức cưỡng bức thuộc các nhóm mà người ta buộc phải tham gia. Chúng có thể bao gồm nhà tù, quân đội, hoặc trung tâm phục hồi chức năng. Sự tuân thủ được duy trì thông qua sức mạnh và sự ép buộc. Hầu hết các tổ chức bắt buộc đều là các thể chế tuyệt đối, trong đó các thành viên sống một cuộc sống có kiểm soát tách biệt khỏi phần còn lại của xã hội và đó diễn ra quá trình tái xã hội hóa tuyệt đối (Goffman, 1961). Loại thứ ba là các Tổ chức vị lợi, được người ta tham gia nhu cầu có được phần thưởng vật chất cụ thể. Trường học hoặc nơi làm việc thuộc về loại này – người ta đến trường để theo đuổi mảnh bằng tốt nghiệp, và người ta đi làm để kiếm tiền. Sự tuân thủ được duy trì thông qua thù lao và phần thưởng (Etzioni, A. 1975, 1997). 

1.4.3. Các nhóm dễ bị tổn thương trong thảm họa

Tính dễ tổn thương đối với thảm họa được phân biệt theo độ tuổi, tình trạng khuyết tật, giới tính, dân tộc và các bộ phận xã hội khác, kể cả các cấp độ đói nghèo. Việc đánh giá  các tài liệu cho thấy những người bị chính sách và các sáng kiến thiên tai gạt ra bên lề ​​đã yêu cầu đưa họ tham gia vào các chinh sách và các sáng kiến đó thông qua các cuộc vận động, xây dựng mạng lưới, hợp tác nhiều bên, vận động hành lang và đào tạo giáo dục (Brown và Westway, 2011). Họ cũng cung cấp kiến ​​thức phù hợp về địa phương và văn hoá để củng cố cơ sở của họ trong các cộng đồng địa phương. Các mối quan tâm và lợi ích của các nhóm yếu thế này cần phải được bao gồm trong toàn bộ tư tưởng và hành động của DRR (Disaster Risk Reduction – Giảm thiểu Rủi ro Thảm họa), và cái liệu pháp lang băm “một cỡ giày vừa cho mọi đôi chân” đã bị loại bỏ (Dominelli, 2012).

Lớp tuổi: Lớp tuổi là một khía cạnh quan trọng của tình trạng dễ bị tổn thương xã hội ảnh hưởng đến trẻ em, thanh niên và người cao tuổi, đặc biệt là phụ nữ. Bão Katrina ở Hoa Kỳ năm 2015 đã làm nổi bật tình trạng dễ bị tổn thương của người cao tuổi. Sự giao thoa giữa tuổi tác, dân tộc và giới tính khiến phụ nữ Mỹ gốc Phi lớn tuổi bị tổn thương đáng kể (Pyles, 2007; Lovell and Masson, 2014). Người lớn tuổi cũng bao gồm các bộ phận xã hội khác như tầng lớp, ngôn ngữ, các nhóm tôn giáo, khả năng, hoặc tình trạng sức khoẻ tinh thần, các yếu tố này giao thoa và tương tác với nhau để tạo ra sự khác biệt phức tạp trong vị thế xã hội và mức độ hạnh phúc. Ứng phó với những trải nghiệm thảm họa khác nhau của trẻ em là một danh mục chương trình nghị sự cho tất cả các chính phủ. Chương trình này bao gồm một Khung Hành động Hyogo (UNISDR, 2013) thân thiện với trẻ em. Mục tiêu của họ bao gồm: sự tham gia của trẻ em và việc trao quyền; Luật bảo vệ trẻ em; những ngôi trường an toàn; kỹ năng sống; tiếp cận bình đẳng với các dịch vụ có chất lượng; công nhận các nhóm dễ bị tổn thương riêng biệt; nâng cao trách nhiệm giải trình từ cấp trung ương đến địa phương; đánh giá rủi ro nhạy cảm với trẻ em; giảm thiểu rủi ro; các kế hoạch hành động nhằm thúc đẩy sinh kế bền vững và môi trường an toàn; và giáo dục phát triển khả năng phục hồi của trẻ (World Vision, 2015; Qin et al., 2015). Trung Quốc là một quốc gia đi tiên phong trong lĩnh vực này, đặc biệt là những kinh nghiệm thu được sau hai trận động đất lớn tại Vấn Xuyên (2008) và Lô Sơn (2013) thuộc tỉnh Tứ Xuyên (ISDR, 2015).

Người khuyết tật: Khuyết tật là một nguồn dễ bị tổn thương về phương diện xã hội. Diễn đàn Người Khuyết tật Nhật Bản (JDF - Japan Disability Forum, 2015) cho biết trong trận động đất lớn ở Đông Nhật Bản năm 2011, người khuyết tật có nguy cơ tử vong cao gấp hai lần so với người không bị khuyết tật. Nghiên cứu của JDF cho thấy các trung tâm sơ tán, ứng phó đối với những người khuyết tật sống sót tại nhà và các can thiệp sau thiên tai đã không tính đến các nhu cầu cụ thể của họ. Họ đưa ra các sáng kiến giảm nhẹ, phòng ngừa, cứu trợ, phục hồi, tái thiết và hỗ trợ thảm họa lâu dài để giải quyết những vấn đề này và công việc đó phải được tiến hành để loại trừ các thành kiến ​​sâu xa đối với người khuyết tật (JDF, 2015: 116). Cùng với phong trào người khuyết tật toàn cầu và những người ủng hộ họ, những nỗ lực của họ đã đảm bảo rằng tuyên bố của Văn phòng Giảm thiểu Rủi ro Thảm họa của Liên hợp quốc (UNISDR - United Nations Office for Disaster Risk Reduction) trong kết luận tại Hội nghị Thế giới lần thứ ba về Giảm thiểu Rủi ro Thảm họa ở Sendai, Nhật Bản đã đưa người khuyết tật trở thành một nhóm ưu tiên.

Các vấn đề giới: Phụ nữ ít được đại diện trong các cơ cấu lãnh đạo và ra quyết định trong suốt chu kỳ thảm họa, trong nhận trợ giúp, và việc nắm giữ những kiến ​​thức thiết yếu để duy trì sự sống và tái thiết các cộng đồng (Enarson and Morrow, 1998; Dominelli, 2012, 2013; JNWDRR, năm 2015). Mặc dù Công ước Xoá bỏ các Hình thức Phân biệt Đối xử với Phụ nữ (CEDAW - Convention for the Elimination of Forms of Discrimination Against Women), chủ trương của các tổ chức như Giới trong Mạng lưới Thảm họa (Gender in Disaster Network) và cam kết của Công ước Rio năm 1993 đưa ra lý lẽ ủng hộ cho sự bình đẳng của phụ nữ trong toàn bộ đời sống xã hội, nhưng việc lồng ghép các mối quan tâm của phụ nữ vẫn bị gạt ra ngoài (Dominelli, 2013a,b, 2014). Hơn nữa, nhu cầu của những người nam giới cần hỗ trợ tâm lý và duy trì các vai trò đảm bảo sinh kế của họ đã bị hầu hết các nỗ lực viện trợ nhân đạo bỏ qua. Do đó, việc lồng ghép các quan điểm về giới giới có liên quan đến cả nam và nữ; cả các bé trai và bé gái ở tất cả các khía cạnh giảm thiểu rủi ro thảm họa bao gồm tất cả các quy mô thời gian và không gian (Dominelli, 2012, 2014).

Người nghèo: Một nhóm người dễ bị tổn thương khác là người nghèo, đặc biệt là những người sống ở vùng ngoại ô thành thị hoặc những người bị gạt ra bên lề. Đối với các quốc gia đang phát triển, nhóm này bao gồm các công nhân nhập cư rời bỏ vùng nông thôn để kiếm việc làm ở các thành phố và thường sống bên lề xã hội đô thị (Chan and Zhang, 1999). Tình trạng dễ bị tổn thương của nhóm này thường gắn liền với đói nghèo; qchật chội; cơ sở hạ tầng bao gồm nhà ở, nước sạch, vệ sinh, điện, giao thông và hệ thống thông tin liên lạc thiếu thốn; không có khả năng tiếp cận và phân phối các nguồn lực bao gồm đất đai, chăm sóc sức khoẻ và các dịch vụ chăm sóc xã hội và giáo dục; chịu nhiều loại xung đột xã hội khác nhau (IFRC, 2015). Các hành động nhằm giảm tính dễ tổn thương cần phải dựa vào sự phát triển các năng lực thích ứng về các hệ thống thể chế, kinh tế, xã hội và môi trường sinh thái (Wang et all, 2015). Đó có thể là các phương pháp tiếp cận  dựa vào sự hướng đạo của Nhà nước hoặc dựa trên cơ sở tham gia của người dân. Các năng lực thích ứng tìm cách giải quyết phương trình “rủi ro = tình trạng bị phơi bày trước thảm họa x tính dễ bị tổn thương”, bằng cách tăng khả năng phục hồi trong các cá nhân và cộng đồng.

Các nhóm DTTS: Về vấn đề chủng tộc, sắc tộc, ở hầu hết mọi quốc gia trên thế giới, các nhóm chủng tộc, sắc tộc thiểu số vẫn là những nhóm phải chịu thiệt thòi trong việc tuyển dụng, bổ nhiệm và lương bổng (Barkan, Steve 2011). Trong đời sống bình thường, các nhóm chủng tộc da màu, các sắc tộc thiểu số hầu hết đều thuộc về những nhóm yếu thế. Lý do cho tình trạng đó bao gồm: i) Bị cách biệt về địa lý và hạn chế trong tiếp cận thị trường; ii) Bị cô lập về mặt xã hội, yếu tố văn hóa và ngôn ngữ; iii) Hạn chế trong tiếp cận đất đai có chất lượng; iv) Tỷ lệ di cư khỏi nơi sinh sống thấp, và; v) Trình độ học vấn thấp. Ở Việt Nam, vùng dân tộc thiểu số và miền núi chiếm gần 3/4 diện tích tự nhiên, là địa bàn sinh sống của 54 dân tộc, trong đó có 53 dân tộc thiểu số với trên 13 triệu người, chiếm 14,28% dân số cả nước. Ở các vùng dân tộc thiểu số tỷ lệ hộ nghèo vẫn chiếm đến 47%, số hộ dân tộc thiểu số tái nghèo còn rất phổ biến… Vấn đề bất bình đẳng đối với dân tộc thiểu số mặc dù đã có cải thiện nhưng vẫn còn khoảng cách lớn. Tỷ lệ nghèo tòan quốc là 7% thì tỷ lệ này ở dân tộc thiểu số là 23%. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này do vị trí địa lý, hạn chế về cơ cấu, các định kiến xã hội về trao quyền, cơ hội và khả năng tiếp cận dịch vụ công. Các nhóm yếu thế thường có ít cơ hội tác động đến các thể chế và chính sách liên quan. Trong thảm họa thì các nhóm xã hội này lại càng là những nhóm dễ bị tổn thương và có tỷ lệ tổn thương cao nhất.

1.5. Cộng đồng và hành vi ứng phó với thảm họa

1.5.1. Khái niệm cộng đồng

Từ cộng đồng là một từ tiếng Pháp cổ “comuneté có nguồn gốc Latin “communitas” có nghĩa là tinh thần chung, có chung một cái gì, một điều gì đó, chẳng hạn như các chuẩn mực, tôn giáo, các giá trị hoặc bản sắc (Turner, Victor W., 1977). Thông thường các cộng đồng có chung ý thức về một khu vực địa lý nhất định, ví dụ một quốc gia, vùng, thị trấn, khu phố, làng thôn, hàng xóm. Các cộng đồng người có thể có chung ý hướng, niềm tin, nguồn lực, sở thích, nhu cầu ảnh hưởng đến tính đồng nhất vẫn được gọi là bản sắc, và mức độ gắn kết của các thành viên (James, Paul 2006). Việc sử dụng thuật ngữ cộng đồng ở một mức độ nào đó liên quan đến niềm hy vọng và mong muốn khôi phục lại một cách gần gũi hơn, ấm áp hơn, hài hòa hơn giữa những người gắn bó mơ hồ với các thế hệ trong quá khứ” (Elias N. 1974;  Hoggett P. 1997: 5). Định nghĩa cộng đồng đầu tiên được  xây dựng liên quan đến việc mô tả các cộng đồng nông thôn trong khuôn khổ các khu thương mại và dịch vụ xung quanh một làng trung tâm (Galpin C. J. 2015; Harper và Dunham 1959: 19). Một số định nghĩa khác coi cộng đồng như là một khu vực địa lý, với một nhóm người sống ở một nơi cụ thể, một khu vực cùng chung sống. Trước hết cần lưu ý rằng cộng đồng có thể được tiếp cận như một giá trị (Frazer 1999: 76). Theo cách đó, cộng đồng có thể được sử dụng để nhóm lại một số yếu tố, ví dụ như sự đoàn kết, cam kết, sự phụ thuộc lẫn nhau, tin tưởng nhau. Cộng đồng cũng có thể được tiếp cận như là một loại mô tả hoặc tập hợp các biến, hai phạm trù này xoắn xuýt lấy nhau và thường khó tách rời (Frazer 1999: 76). Nhưng phổ biến nhất vẫn là ba biến sau (Willmott 1986; Lee and Newby 1983; Crow and Allen 1995): Địa điểm: là nơi mọi người có những điểm chung, và yếu tố chung này được hiểu về phương diện địa lý, còn có một cách gọi khác “tính địa phương. Sở thích: còn gọi là cộng đồng tự chọn, mọi người có chung một đặc điểm không phải là đặc điểm địa phương. Người ta gắn bó với nhau bằng các yếu tố như niềm tin tôn giáo, khuynh hướng tình dục, nghề nghiệp hoặc nguồn gốc tộc thuộc. Sự phát triển của xã hội học về bản sắcbản ngã đã đóng một vai trò quan trọng để có thể hiểu được các hình thức cộng đồng phi địa phương tính này. Các cộng đồng tự chọn và cộng đồng có chủ đích là một đặc điểm chính của cuộc sống đương đại(Hoggett 1997). Cộng cảm: hình thức yếu ớt nhất là cảm giác gắn bó với một địa điểm, nhóm hay ý tưởng; hình thức mạnh mẽ nhất là “cộng cảm” không chỉ với người khác mà còn với các ý niệm như Thiên Chúa, thượng đến, sáng tạo. Willmott (1989) cho rằng cần phải bổ sung thêm một cách hiểu biết thứ ba về cộng đồng – là cộng đồng gắn bó - vì các cộng đồng địa phương hoặc cộng đồng sở thích có thể không có ý thức về bản sắc chung. Công trình của Anthony P. Cohen (1982, 1985) đề cập đến sự gắn bó hay “tính thuộc về”. Nói cách khác, cộng đồng đóng một vai trò tượng trưng quan trọng trong việc tạo ra cảm giác thuộc về ai, cái gì hoặc ý niệm nào đó (Crow and Allan 1994: 6), một yếu tố quan trọng mà Putnam gọi là vốn xã hội (Cohen 1985: 118).

1.5.2. Cộng đồng nông thôn

Cộng đồng nông thôn là các xã hội mật độ dân số thấp, trong đó các hoạt động kinh tế quan trọng nhất là sản xuất lương thực, thực phẩm, bông sợi và các loại nguyên liệu thô liên quan đến ruộng đồng, đất, nước, rừng núi, đồng cỏ, ao hồ. Trong quá trình đô thị hóa ồ ạt, các khu vực nông thôn ngày càng trở nên khó xác định một cách chính xác, mặc dù ở các quốc gia chưa công nghiệp hóa, thì sự chuyển đổi khu vực đô thị đến vùng nông thôn thường thấy rất rõ, nhưng trong các xã hội công nghiệp, thì rất khó xác định ranh giới giữa đô thị và các vùng nông thôn. Vấn đề thứ hai là nhiều quốc gia sử dụng các tiêu chuẩn thống kê khác nhau để tính dân số nông thôn và thành thị; Ví dụ như ở Nhật Bản, bất kỳ cụm dân cư nào dưới 30.000 người đều được coi là nông thôn, trong khi ở Albania một nhóm hơn 400 người được coi là một khu dân cư đô thị. Các cộng đồng nông thôn được đánh giá cao bởi sự thân mật và giá trị truyền thống thường được quy định bởi các phong tục tập quán và các nghi thức dòng tộc, và đặc biệt là quyền sở hữu và chăm sóc đất sản xuất được truyền thống thừa nhận suốt từ thế hệ này đến thế hệ khác (Lauermann, Manfred 2006). Nhà xã hội học người Đức Ferdinand Tönnies mô tả bản chất trái ngược của cuộc sống đô thị so với nông thôn bằng thuật ngữ Gesellschaft (xã hội), một trạng thái được đặc trưng bởi bộ máy quan liêu phi cá nhân, chuyên môn hoá theo phương thức duy hóa và cơ giới hóa (Ruben, Peter 1995, 2002; Lauermann, Manfred 2006). Gesellschaft thường gắn với công nghiệp hiện đại, mà ở đó mọi người đều những người làm công, thực hiện các chức năng cụ thể, định hướng mục tiêu một cách hợp lý và hiệu quả, trái ngược với cách thức truyền thống và hữu cơ. dân nông thôn làm việc với những người mà họ quen biết và quen với những mối quan hệ thân tình và quy mô nhỏ, trong khi những người dân đô thị quen biết nhau theo những cách thước hạn hẹp, phân đoạn và ít liên quan đến gia đình hoặc tình bạn. Theo Tönnies và các nhà xã hội học đi theo quan niệm của ông thì tất cả các xã hội đều được đặc trưng bởi sự pha trộn của Gemeinschaft (cộng đồng) Gesellschaft. Hoa Kỳ, là quốc gia mà nền nông nghiệp gần như hoàn toàn cơ giới hoá, thì gần với chung cục của phổ Gesellschaft hơn, trong khi nông thôn Ấn Độ, vẫn còn được truyền thống dẫn dắt, lại là một ví dụ điển hình về phổ cộng đồng Gemeinschaft (Ruben, Peter 1995, 2002; Osterkamp, Frank 2001, 2006). Ở các quốc gia công nghiệp, vùng nông thôn đôi khi hầu như không có hiện tượng suy giảm dân số, ví dụ như năm 1970 ở Hoa Kỳ chỉ có 6,7% người làm việc trong các khu vực nông nghiệp, ngư nghiệp và lâm nghiệp (Osterkamp, Frank 2001, 2006).  

1.5.3. Giảm thiểu nguy cơ thảm họa dựa vào cộng đồng  

Cách tiếp cận giảm thiểu nguy cơ thảm họa dựa vào cộng đồng đã được xây dựng một cách hệ thống từ khá sớm (Maskrey 1989), và đã nhận được sự đồng thuận và ủng hộ rộng rãi (Shaw, 2012, 2014, Shaw & Okazaki, 2003, Victoria, 2002). Quản lý thảm họa dựa vào cộng đồng là một thuật ngữ phổ biến vào cuối những năm 1980 và 1990, đã dần dần phát triển để trở thành quản lý rủi ro thảm họa dựa vào cộng đồng, rồi đến giảm thiểu nguy cơ thảm họa dựa vào cộng đồng Dynes 1991). Việc quản lý rủi ro thảm họa dựa vào cộng đồng như là một cách tiếp cận làm giảm tính dễ bị tổn thương và tăng cường năng lực của người dân để đối phó với các rủi ro (Yodmani 2001). Các yếu tố cốt lõi của việc giảm thiểu rủi ro thảm họa dựa vào cộng đồng bao gồm: i) Sự tham gia của người dân là rất quan trọng, các thành viên cộng đồng là những nhân tố chính; họ chia sẻ lợi ích và được hưởng lợi thông qua quá trình cải thiện giảm thiểu rủi ro thảm họa và phát triển; ii) Ưu tiên dành cho các nhóm, các gia đình và cá nhân dễ bị tổn thương nhất trong cộng đồng, đó là những người nghèo, người định cư không chính thức ở nông thôn và đô thị, nông dân, ngư dân, người cao tuổi, trẻ em, phụ nữ, các nhóm DTTS; iii) Các biện pháp giảm rủi ro chủ yếu là do cộng đồng đề xuất, được xác định trên cơ sở phân tích rủi ro thảm họa của cộng đồng; iv) Các năng lực hiện có và cơ chế ứng phó của chính cộng đồng và được cộng đồng thừa nhận dựa vào tri thức truyền thống, và các nguồn lực, các tổ chức xã hội, địa phương; v) Giảm thiểu rủi ro thảm họa là làm giảm tính dễ bị tổn thương của người dân với các điểm yếu cốt tử như nghèo đói, bất bình đẳng xã hội và suy thoái tài nguyên môi trường để hướng đến phát triển cộng đồng một cách dân chủ, công bằng và bền vững.  

1.5.4. Chính quyền địa phương trong giảm thiểu nguy cơ thảm họa  

Chính quyền địa phương có vai trò trọng tâm trong giảm thiểu nguy cơ thảm họa, vì: i) Các chính quyền địa phương tạo điều kiện và quản lý việc cung cấp các dịch vụ quan trọng đem lại lợi ích cho cộng đồng (Parker, 1995); ii) Chính quyền địa phươngtác nhân ủng hộ, huy động các nguồn lực, kết nối mạng lưới các thành phần địa phương và bên ngoài; và iii) Chính quyền địa phương tác động đến chương trình nghị sự của cộng đồng, đến việc ra quyết định, giải quyết vấn đề, xây dựng sự đồng thuận, phân bổ nguồn lực và giải quyết xung đột (Shaw, 2009). Chính quyền địa phương là một phần của cộng đồng, họ có vị trí thuận lợi giúp tăng cường khả năng tiếp cận của địa phương đối với các nguồn lực, các dịch vụ công và các cơ hội kinh tế; tăng cường quá trình trao quyền cho các chủ thể địa phương; và tăng cường tính bền vững của các quá trình phát triển địa phương (Manyena, 2006). Có ba nguyên do chính để khẳng định sự tham gia của chính quyền địa phương là rất quan trọng: i) Tổ chức người dân ứng phó phù hợp với các nguy cơ và giúp đỡ một cách hiệu quả các nhóm dễ bị tổn thương ở địa phương; ii) Khi thảm họa xảy ra, người dân địa phương phải dựa vào chính tổ chức chính quyền của mình để tự bảo vệ mình; iii) Các nguy cơ rủi ro ở cấp cộng đồng thường cao, chính cộng đồng luôn cần có một tổ chức để ứng phó với các nguy cơ đó một cách hiệu quả (Ballin 2008). Các chính quyền địa phương trong chương trình giảm thiểu rủi ro thảm họa có các vai trò chủ chốt sau: i) Điều phối và duy trì một nền tảng nhiều cấp, nhiều bên liên quan để thúc đẩy giảm thiểu rủi ro thảm họa trong khu vực; ii) Đưa các cộng đồng địa phương và công dân tham gia hiệu quả vào các hoạt động giảm thiểu rủi ro; iii) Tăng cường năng lực thể chế của các cộng đồng địa phương; iv) Chuẩn bị và thực hiện các công cụ và kỹ thuật tiên tiến, có thể được nhân rộng ở các nơi khác hoặc mở rộng trên toàn quốc, cho việc giảm thiểu rủi ro thảm họa (UNISDR 2009).  

1.5.5. Giảm thiểu nguy cơ thảm họa dựa vào tri thức bản địa  

Thảm họa sóng thần vào tháng 12/2004 đã làm cho cộng đồng toàn cầu thức tỉnh về sự tồn tại của người dân bản địa trong khu vực và tri ​​thức của họ trong việc dự đoán sóng thần. Người Moken bản xứ, còn gọi là người di gan biển của Thái Lan có thể dự đoán trước nguy cơ sóng thần. Kiến thức của họ về gió, thủy triều, và động vật, đã được truyền lại từ thế hệ này sang thế hệ, đã chuẩn bị cho họ để đối phó với thiên tai. Người Moken tin rằng sóng biển được tạo ra bởi các linh hồn của biển, họ có một huyền thoại được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác về Laboon sóng ăn thịt người. Người ta tin rằng các linh hồn giận dữ của tổ tiên đã mang sóng thần, trước khi sóng khổng lồ đến, biển luôn rút lui. Sau đó, nước tràn ngập trái đất, tiêu diệt mọi thứ và làm cho trái đất sạch hơn. Trên những hòn đảo này, các loài ve sầu thường kêu rả rích, nhưng lúc đó chúng đột nhiên im lặng. Già làng nhận thấy sự im lặng và cảnh báo mọi người về sóng thần. Khoảng 200 người Moken sống ở đảo Surin, cách bờ biển phía tây Thái Lan 65 km, tất cả đều sống sót, chỉ trừ một người. Salama, già làng người Moken 60 tuổi nói với tờ New York Times: Tôi chưa bao giờ thấy thủy triều xuống.  Đó là điềm lạ, tôi bảo dân làng là sóng ăn thịt người đang đến”. Nhờ nghe theo già làng nên tất cả cư dân Moken trên hòn đảo đã chạy lên núi cao và được an toàn. Chỉ có một người già tàn tật bị chết vì đã vô tình bị bỏ lại phía sau (Perez, Fabio Y. Lee, 2005). Một trường hợp khác của cơn sóng thần năm 2004, là người bản địa sống trên đảo Simeulue, ngoài khơi bờ biển phía tây của Aceh, Indonesia. Hầu hết cư dân sống dọc theo bờ biển trong các ngôi làng bị sóng thần tấn công, và có hàng trăm ngàn người đã bị thiệt mạng những nơi khác, nhưng trong số 78.000 người trên đảo Simeulue chỉ có bảy người chết. Cái đã cứu được hàng nghìn sinh mạng ở đây, chính tri thức bản địa được kể đi kể lại về thảm họa smong. Các thành viên trong cộng đồng thường nhắc nhở mọi người rằng: Nếu mặt đất rung chuyển và nếu biển rút ngay sau đó, thì phải lập tức chạy lên các ngọn đồi trước khi nước biển đổ ập vào bờ. Ngược lại, trong vùng đô thị Aceh, hầu hết người dân không còn biết đến tri thức bản địa về trận động đất lớnhư là một lời cảnh báo sóng thần. Vì vậy chỉ riêng ở thành phố Banda Aceh, Indonesia với khoảng 300.000 dân thì đã có đến hơn 31.000 người bị chết. Sau trận động đất ban đầu, người ta có khoảng 35 phút để chạy lên đồi cao trước khi sóng thần ập đến, nhưng hầu hết người dân ở đây đã không còn biết đến tri thức bản địa như người dân trên đảo Simeulue, nên họ đã trở thành nạn nhân của sống thần (National Research Council, 2011).  

Và một trường hợp khác nữa, đó là trận sóng thần tàn phá Nhật Bản vào năm 2011. Kamaishi, một thành phố thuộc tỉnh Iwate thuộc vùng Tohoku, đã từng sử dụng phương pháp giáo dục thiên tai dựa vào cộng đồng bằng cách tập luyện cho các trường học và cộng đồng. Thông thường, ở Nhật Bản, sau một trận động đất lớn, hiệu trưởng trường tập hợp học sinh, và nếu trường nằm ở khu vực ven biển, do sóng thần tiềm ẩn, học sinh sơ tán lên tầng trên của tòa nhà trường học. Đây là thực tiễn sơ tán chuẩn và ngày 11 tháng 3 năm 2011 sau trận động đất, hiệu trưởng trường tiểu học Unosumai và các trường trung học cơ sở đã làm theo thủ tục này. Tuy nhiên, nhờ có tri thức bản địa, một tình nguyện cộng đồng đã chạy đến cảnh báo các hiệu trưởng rằng sóng thần có thể vượt quá mái nhà nên phải đưa học sinh di tản đến vùng đất cao gần đó. Các hiệu trưởng tiểu học và trung học cơ sở theo gợi ý của tình nguyện cộng đồng đã ra lệnh sơ tán học sinh lên vùng đất cao hơn. Cả hai trường đều bị tàn phá hoàn toàn bởi những đợt sóng thần hung hãn nhưng không có học sinh nào bị hại (Shaw, R. 2016). Thực tế cho thấy tri thức bản địa luôn gắn liền với đời sống và hành vi của cộng đồng. Tri thức bản địa đã thực sự giúp giải quyết được các tình huống sống còn trong các điều kiện tự nhiên khác nhauđược liên kết với các khía cạnh vật lý hoặc các hệ thống văn hoá, giá trị xã hội khác nhau liên quan đến các hành vi và các hoạt động giảm thiểu nguy cơ thảm hoạ

1.5.6. Giảm thiểu nguy cơ sức khoẻ tâm thần thảm họa dựa vào cộng đồng  

Giảm thiểu nguy cơ sức khỏe tâm thần thảm họa dựa trên các nguyên tắc của y tế dự phòng. Nguyên tắc này đòi hỏi phải có sự chuyển đổi mô thức từ quản lý cứu trợ tập trung sau thảm họa thành phương pháp tiếp cận cộng đồng toàn diện, tổng hợp, đa chiều về nâng cao sức khỏe, ngăn ngừa, đề phòng và giảm nhẹ thảm họa. Điều đó đã kích thích sự chuyển đổi mô thức từ chữa bệnh sang các khía cạnh dự phòng trong quản lý thảm họa. Tỷ lệ hiện mắc các vấn đề về sức khoẻ tâm thần đối với dân số bị ảnh hưởng bởi thảm hoạ thường cao gấp hai đến ba lần so với trạng thái không thảm họa. Cùng với các rối loạn tâm thần có thể chẩn đoán, cộng đồng bị ảnh hưởng cũng mắc phải  một số lượng lớn các hội chứng phụ. Đa số các phản ứng giai đoạn cấp tính và rối loạn là tự hạn chế, trong khi rối loạn giai đoạn dài cần phải có sự hỗ trợ của các chuyên gia sức khỏe tâm thần. Vai trò của cách dùng thuốc tác động đến tâm thần rất hạn chế trong việc ngăn ngừa tình trạng trầm trọng của sức khoẻ tâm thần. Vai trò của liệu pháp hành vi nhận thức (CBT - Cognitive Behaviour Therapy) trong việc giảm thiểu mức độ trầm trọng về sức khoẻ tâm thần thường hứa hẹn hơn. Vai trò Sơ cứu Chấn thương Tâm lý (PFA - Psychological First Aid) và phỏng vấn không có hiệu quả lâu dài. Quản lý thảm họa là một chu trình tổng hợp liên tục của việc xây dựng kế hoạch, tổ chức, điều phối và thực hiện các biện pháp phòng ngừa và quản lý thảm họa hiệu quả. Vì vậy, cần phải lồng ghép các nguyên tắc y tế công cộng vào quá trình quản lý sức khoẻ tâm thần thảm hoạ (Math S.B, Maria C. N. et al. 2015).

Can thiệp dựa vào cộng đồng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy quá trình phục hồi sức khỏe tam thần thảm họa. Những can thiệp này bao gồm, sắp xếp các hoạt động hàng ngày; tránh sự dịch chuyển; bồi dưỡng tinh thần gia đình, văn hoá, các nghi lễ tôn giáo; chuyện trò trong nhóm; xác nhận các cảm súc qua các trải nghiệm của người sống sót, kể cả những lầm lỗi của họ nữa; cung cấp các thông tin thực tế về cuộc sống sau thảm họa cho họ; tập huấn cho cha mẹ và giáo viên; thu hút trẻ em tham gia vào các phương pháp giáo dục không chính thức khác nhau với những ý tưởng sáng tạo như vẽ, ca hát, diễn kịch, kịch câm...bằng cách sử dụng các nguồn lực cộng đồng có sẵn  (Williams R, Alexander D.A, Bolsover D, Bakke F.K 2008); thu hút những người còn sống sót vào các hoạt động chung như nấu ăn, dọn dẹp và hỗ trợ công việc cứu trợ; khởi động các trường học trong vùng bị ảnh hưởng thảm họa sớm nhất để bình thường hoá và sắp xếp lại nền nếp hoạt động hàng ngày cho trẻ em  (Williams R, Alexander DA, Bolsover D, Bakke F.K., 2008); ít nhất là bắt đầu các hoạt động giáo dục không chính thức; giảng dạy các kỹ thuật vệ sinh giấc ngủ đơn giản; giáo dục người sống sót về tác động có hại của việc sử dụng chất gây nghiện; sắp xếp các kế hoạch hoạt động của nhóm dựa vào cộng đồng như liệu pháp nghệ thuật (hội họa, đồ họa), thảo luận nhóm, đóng kịch, kể chuyện, sắp xếp công việc hàng ngày của người bị ảnh hưởng, tham gia các hoạt động, cầu nguyện, các bài tập dưỡng sinh, các hoạt động thư giãn, thể thao, trò chơi; quản lý tình trạng trấn thương tâm lý của nhân viên cứu trợ là điều thiết yếu; thu hút những người bị ảnh hưởng vào các hoạt động tinh thần và đưa người bị ảnh hưởng tham gia vào việc xây dựng lại cộng đồng là điều tối cần thiết (Math S.B, John JP, et al., 2008; Math S.B, Tandon S, et al., 2008). Những can thiệp ấy không chỉ trợ giúp cho bộ phận dân số có nguy cơ cao mà còn giúp cho toàn bộ dân số bị ảnh hưởng của thảm hoạ (Reyes G., Elhai J.D. 2004; Reyes G. 2006; Frankenberg E, Friedman J., et al 2008).
______________________________________________

(Còn nữa…)

* Ghi chú: Bài viết cho Đề tài “Hành vi Tập thể và tổ chức xã hội: Nghiên cứu Xã hội học về Thảm họa (Trường hợp những cộng đồng nông thôn bị thảm họa tự nhiên ở miền Trung Việt Nam)” của Viện Nghiên cứu và Hỗ trợ Phát triển, do Quỹ Khoa học Công nghệ Quốc gia tài trợ, PGS.TS. Nguyễn Danh Sơn làm chủ nhiệm, Hà Nội 2017.

Tài liệu tham khảo

Barkan, Steve (2011). Sociology: Understanding and Changing the Social World, Comprehensive Edition, v. 1.0, Pub Date: February 2011. 

Barton, Allen H. (1969). Communities in Disaster: A Sociological Analysis of Collective Stress Situations. Garden City, New York: Doubleday and Company, Inc. 

Blaikie, Piers; Terry Cannon; Ian Davis and Ben Wisner (2003). At Risk – Natural hazards, people's vulnerability and disasters, Wiltshire: Routledge.

Blumer, Herbert (1951). Collective Behavior, in A. M. Lee, ed., Principles of Sociology, New York, Barnes & Noble, 1951, pp. 67–121.

Blumer, Herbert (1969). Collective behavior. In A. M. Lee (Ed.), Principles of sociology. New York, NY: Barnes and Noble, pp. 165–221)

Brown, T. S. (2009). When friends attend to business. Philadelphia, PA: Philadelphia Yearly Meeting.

Burton, I., Kates, R. & White, G.F. (1993). The environment as hazard, 2nd ed. New York: Guildford Press.

Carr, L. (1932). Disaster and the sequence-pattern concept of social change. In American Journal of Sociology, 38, 209-215.

Chan, K.W. and Zhang, L. (1999). The Hukou System and Rural-Urban Migration in China: Processes and Changes’, The China Quarterly, 160(Dec): 818–55CPPR (

Cohen, A. P. (1982) Belonging: identity and social organization in British rural cultures, Manchester: Manchester University Press.

Cohen, A. P. (1985) The Symbolic Construction of Community, London: Tavistock.

Cooley, Charles Horton (1909). Social Organization: A Study of the Larger Mind. New York: Charles Scribner's Sons, pp. 25-31.

Crow, G. and Allan, G. (1994) Community Life. An introduction to local social relations, Hemel Hempstead: Harvester Wheatsheaf.

De Silva, Samantha; Burton Cynthia (2008). Building Resilient Communities - Risk Management and Response to Natural Disasters through Social Funds and Community-Driven Development Operations. The World Bank. http://siteresources. worldbank.org/

Dominelli, Lena; Timothy Sim and Cui Ke (2015). Community-based approaches to disaster risk reduction in China. In Overseas Development Institute (2015). Pathways to earthquake resilience in China, Report by Overseas Development Institute 2015.

Drabek, Thomas E. (1986). Human System Responses to Disaster: An Inventory of Sociological Findings. New York: Springer-Verlag.

Drabek, Thomas E. (1997). The social dimensions of disaster (FEMA Higher Education Project college course). Emmitsburg, MD: FEMA Emergency Management Institute.

Drabek, Thomas E. (2003). Strategies For Coordinating Disaster Responses. Boulder, Colorado: Institute of Behavioral Science, University of Colorado.

Drabek, Thomas E. (2004). Social Dimensions of Disaster 2nd ed.: Instructor Guide. Emmitsburg, Maryland: Emergency Management Institute, Federal Emergency Management Agency.

Drabek, Thomas E. (2005). Sociology, Disasters and Emergency Management: History, Contributions, and Future Agenda. In Disciplines, Disasters and Emergency Management: The Convergence and Divergence of Concepts, Issues and Trends in the Research Literature edited by David A. McEntire, Emmitsburg, Maryland: Emergency Management Institute, Federal Emergency Management Agency.

Drabek, Thomas E. and Gerard J. Hoetmer (eds.). 1991. Emergency Management: Principles and Practice for Local Government. Washington, D.C.: International City Management Association.

Dynes, Russell R. and Thomas E. Drabek (1994). The Structure of Disaster Research: Its Policy and Disciplinary Implications. In International Journal of Mass Emergencies and Disasters 12:5-23. 

Elias N. (1974). Towards a Theory of Communities, in Colin Bell and Howard Newby (eds), The Sociology of Community: A Selection of Readings (London: Frank Cass). 

Elsesser, K.; Peplau L.A. (2006). The glass partition: Obstacles to cross-sex friendships at work. In Human Relations, 59, 1077–1100.

Etzioni, A. (1975). A comprehensive analysis of complex organizations (rev. ed.). New York, NY: Free Press.

Etzioni, A. (1997). Modern organizations. Englewood Cliffs, NJ: Prentice Hall.

Frankenberg E, Friedman J., et al (2008). Mental health in Sumatra after the tsunami. Am J Public Health. 2008; 98: 1671–7.

Frazer, E. (1999) The Problem of Communitarian Politics. Unity and conflict, Oxford: Oxford University Press.

Galpin, C.J., (1915). The Social A natomy of an Agricultural Community. Research Bulletin 34, Madison: University of Wisconsin Agricultural Experiment Station. 

Giddings, Franklin Henry (1908). Sociology. New York: Columbia University Press.  

Goffman (1961). Asylums: Essays on the Social Situation of Mental Patients and Other Inmates. Doubleday Anchor, New York, 1961.

Goode, Erich (1992). Collective behavior. Fort Worth, Harcourt Brace Jovanovich, p.22).  

Gosselin, D. K. (2010). Heavy hands: An introduction to the crimes of family violence (4th ed.). Upper Saddle River, NJ: Prentice Hall. 

Harper, E. H. and Dunham, A. (1959). Community Organization in Action. Basic literature and critical comments, New York: Association Press. 

Hoggett, P. (1997). Contested communities, in P. Hoggett (ed.) Contested Communities. Experiences, struggles, policies, Bristol: Policy Press.  

IFRC - International Federation of Red Cross and Red Crescent Societies (2015). Annual Report 2015. http://www.ifrc.org/Global/Documents/

ISDR (The International Strategy for Disaster Reduction) (2015a). Meeting Report, The First ISDR Asia Partnership Meeting of 2015, 3-5 June 2015, Bangkok, Thailand.

ISDR (International Strategy for Disaster Reduction) (2015b). Review and Prospects of China’s 25 Year Comprehensive Disaster Reduction. New York: ISDR

James, Paul (2006). Globalism, Nationalism, Tribalism: Bring Theory Back In – Volume 2 of Towards a Theory of Abstract Community. London: Sage Publications.  

JDF - Japan Disability Forum (2015). Report on the Great East Japan Earthquake and Support for People with Disabilities Activities and Proposals of the Japan Disability Forum and Related Organizations. Infomation Center, Japanese Society for Rehabilitation of Persons with Disabilities, Tokyo, Japan March 2015. 

Kreps, Gary A. (1984). Sociological Inquiry and Disaster Research. In Annual Review of Sociology 10:309-330. 

Kreps, Gary A. and Thomas E. Drabek (1996). Disasters Are Non-Routine Social Problems. In International Journal of Mass Emergencies and Disasters 14:129-153. 

Kuhn, Thomas S. (1996). The Structure of Scientific Revolutions. University of Chicago Press. 
Lauermann, Manfred (2006). Das Schwanken des Sozialstaats zwischen Gemeinschaft und Gesellschaft. In: Uwe Carstens u. a.: Neuordnung der sozialen Leistungen. Ferdinand-Tönnies-Gesellschaft, Kiel 2006.

Lee, D. and Newby H. (1983) The Problem of Sociology: an introduction to the discipline, London: Unwin Hyman.

Lindell, M.K. & Perry, R.W. (1992). Behavioral foundations of community emergency planning. Washington DC: Hemisphere.

Lindell, M.K. & Perry, R.W. (2004). Communicating environmental risk in multiethnic communities. Thousand Oaks CA: Sage.

Lindell, Michael K.; Carla S. Prater; Ronald W. Perry; William C. Nicholson (2006). Fundamentals of Emergency Management. United States, Federal Emergency Management Agency.

Locher, David A., Collective Behavior, Upper Saddle River, NJ: Prentice Hall, 2002.  

Maimon, D., & Kuhl, D. C. (2008). Social control and youth suicidality: Situating Durkheim’s ideas in a multilevel framework. In American Sociological Review, 73.  

Marks, S. R. (1994). Intimacy in the public realm: The case of co-workers. In Social Forces, 72, 843–858. 

Marx, Gary T. and Douglas McAdam (1994). Collective Behavior and Social Movements: Process and Structure, Prentice Hall , 1994. 

Math S.B, John J.P, et al. (2008). Comparative study of psychiatric morbidity among the displaced and non-displaced populations in the Andaman and Nicobar Islands following the tsunami. Prehosp Disaster Med. 2008;23:29–34.

Math S.B, Tandon S, et al. (2008). Psychological impact of the tsunami on children and adolescents from the Andaman and Nicobar islands. Prim Care Companion J Clin Psychiatry. 2008;10:31–7.

Math S.B, Maria C. N. et al. (2015).  Disaster Management: Mental Health Perspective, Indian Journal of Psychological Medicine. 2015 Jul-Sep, 37(3): 261-271.

Mileti, Dennis S. (1980). Human Adjustment to the Risk of Environmental Extremes. In Sociology and Social Research 64:327-347.

Miller, Davis L. (2000). Introduction to collective behavior and collective action (2nd ed.). Springfield, IL: Waveland Press.)

Nakagawa, Yuko and Rajib Shaw (2004). Social Capital: A Missing Link to Disaster Recovery. In International Journal of Mass Emergencies and Disasters. 22 (No. 1):5-34. 

National Research Council (2011). Tsunami Warning and Preparedness: An Assessment of the U.S. Tsunami Program and the Nation's Preparedness Efforts. Washington, DC: The National Academies Press. 

Neal, David M. and Brenda D. Phillips (1995). Effective Emergency Management: Reconsidering the Bureaucratic Approach. In Disasters: The Journal of Disaster Studies, Policy and Management 19:327-337. 

Osterkamp, Frank (2001, 2006). Gemeinschaft und Gesellschaft. Über die Schwierigkeit einen Unterschied zu machen. Zur Rekonstruktion des primären Theorieentwurfs von Ferdinand Tönnies. Duncker & Humblot, Berlin 2006, (Beiträge zur Sozialforschung 10), (Zugleich: Kiel, Univ., Diss., 2001). 

Park, Robert E and Ernest W. Burgess. (1921). Introduction to the Science of Sociology Chicago, IL: University of Chicago Press. Parker, Dennis J. (ed.). 2000. Floods. London: Routledge.

Perez, Fabio Y. Lee (2005). Survival Tactics of Indigenous People. In Waves of Devastation, University of Wisconsin-Eau Claire, USA, Spring 2005.

Perry, R.W. (1991). Managing disaster response operations. In T.E. Drabek & G. Hoetmer (eds.), Emergency management: Principles and practice for local government (pp. 201-223). International City/County Management Association, Washington, D.C.

Porfiriev, Boris (1998b). “Issues in the Definition and Delineation of Disasters and Disaster Areas.” Pp. 56-72 in What Is a Disaster?: Perspectives on the Question. London and New York: Routledge.

Prince, S.H. (1920). Catastrophe and social change. New York: Columbia University Faculty of Political Science.

Quarantelli and Dynes (1977). Response to Social Crisis and Disaster. In Annual Review of Sociology 3:23-49.

Quarantelli, E.L. (1984). Organizational behavior in disasters and implications for disaster planning. Emmitsburg MD: Federal Emergency Management Agency National Emergency Training Center.

Quarantelli, E.L. (1987). What should we study?. In International Journal of Mass Emergencies and Disasters, 5, 7-32.

Quarantelli E.L. (editor) (1998). Where We Have Been and Where We Might Go, What is a Disaster?: A Dozen Perspectives on the Question, London, Routledge, 1 edition 1998, pp.146-159

Quarantelli, E.L. and Russell R. Dynes (1972). When Disaster Strikes (It Isn’t Much Like What You’ve Heard and Read About). In Psychology Today 5:66-70.

Quarantelli, E.L. and Carlo Pelanda (eds.). 1989. Proceedings of the Italy-United States Seminar on Preparations for, Responses to and Recovery from Major Community Disasters, held October 5-10, 1986. Newark, Delaware: Disaster Research Center, University of Delaware. 

Qin, D., Zhang, J., Shan, C. and Song L. (eds) (2015). China National Assessment Report on Risk Management and Adaptation of Climate Extremes and Disasters. Beijing: Science Press.  

Reyes G., Elhai JD. (2004) Psychosocial interventions in the early phases of disasters. Psychotherapy. Theory, research, practice, training. 2004;41:399–411. 

Reyes G. (2006). Psychological first aid: Principles of community-based psychological support. In: Reyes G., Jacobs G. A, editors (2006). Handbook of International Disaster Psychology. Practices and Programs. Vol. 2. Westport: Praeger; 2006. pp. 1–12. 

Ruben, Peter (1995, 2002). Gemeinschaft und Gesellschaft – erneut betrachtet. In Dittmar Schorkovitz (Hrsg.): Ethnohistorische Wege und Lehrjahre eines Philosophen. Frankfurt 1995; Ders.: Grenzen der Gemeinschaft? In: Berliner Debatte Initial. 13/2002. 

Ruffman, Alan; Howell, Collin D. eds, (1994). Ground Zero - A Reassessment of the 1917 Explosion in Halifax Harbour. Nimbus Publishing.

Schneidereit, Nele (2008, 2010). Die Dialektik von Gemeinschaft und Gesellschaft. Grundbegriffe einer kritischen Sozialphilosophie. Akademie-Verlag, Berlin 2010. (Politische Ideen 22), (Zugleich: Dresden, Univ., Diss., 2008). 

Shaw, R. (2014). Kobe earthquake: Turning point of community based risk reduction in Japan. In R. Shaw (Ed.), Community practices for disaster risk reduction in Japan (pp. 21–31). Tokyo: Springer. 

Shaw, Rajib (2016). Community-Based Disaster Risk Reduction. Kyoto University. 

Simmel, Georg (1950). The Sociology of Georg Simmel, Compiled and translated by Kurt Wolff, Glencoe, IL: Free Press. 

Simmel, Georg (1972). On Individuality and Social Forms, Edited by and with an introduction by Donald Levine, Chicago: University of Chicago Press. 

Smelser, Neil J. Theory of Collective Behavior, Free Press, Glencoe, Ill., 1962. 

Smillie, Susan (2014). The Last Sea Normads: Inside the disappearing world of the Moken, Published by The Guardian.

Stacey, Margaret (1969). The Myth of Community Studies. British Journal of Sociology 20:134-147.

Stallings, Robert A. (1995). Promoting Risk: Constructing the Earthquake Threat. Hawthorne, New York: Aldine de Gruyter.

Tierney, K., Lindell, M.K. & Perry, R.W. (2001). Facing the unexpected: Disaster preparedness and response in the United States. Washington DC: Joseph Henry Press.

Tönnies, F. (1963). Community and society. New York, NY: Harper and Row. (Original work published 1887). 

Turner, Ralph H. and Lewis M. Killian (1957). Collective Behavior, Englewood Cliffs, N. J., Prentice-Hall, 1957 1st ed., 2d ed., 1972; 3d. ed. 1987; 4th ed. 1993.  

Turner, Victor W., (1977). The Ritual Process: Structure and Anti-Structure. Cornell University Press, Ithaca, New York. 

United Nations (2004). Living with Risk - A global review of disaster reduction initiatives. 2004 Version - Volume I, New York and Geneva.

UNISDR - United Nations Office for Disaster Risk Reduction (2013). Annual Report 2013, Biennium Work Programme, 9-11 Rue de Varembé, 1202 Geneva, Switzerland.

Weber, Max (1922, 2015). Bureaucracy. In Weber, Max. Weber's Rationalism and Modern Society: New translations on Politics, Bureaucracy, and Social Stratification. Edited and Translated by Tony Waters and Dagmar Waters, 2015.

Wenger, G. C. (1984) The Supportive Network, London: Allen and Unwin.

Wenger, G. C. (1989). Support networks in old age – constructing a typology. In M. Jefferys (ed.) Growing Old in the Twentieth Century, London: Routledge.

Wenger, G. C. (1995). A comparison of urban and rural support networks. In Ageing and Society 15: 59-81.

Williams R, Alexander DA, Bolsover D, Bakke FK (2008). Children, resilience and disasters: Recent evidence that should influence a model of psychosocial care. Curr Opin Psychiatry. 2008;21:338–44.

Willmott, P. (1986). Social Networks, Informal Care and Public Policy, London: Policy Studies Institute.

Willmott, P. (1989). Community Initiatives. Patterns and prospects, London: Policy Studies Institute.

Wisner, Ben (2001). Capitalism and the Shifting Spatial and Social Distribution of Hazard and Vulnerability. In Australian Journal of Emergency Management 16:44-50.

World Bank (2016). Disaster Risk Management. http://www.worldbank.org/

Yamamoto, Yasumasa and E. L. Quarantelli. 1982. Inventory of the Japanese Disaster Research Literature in the Social and Behavioral Sciences. Columbus, Ohio: Disaster Research Center, The Ohio State University.





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét