Powered By Blogger

Thứ Năm, 20 tháng 6, 2019

Chính sách huy động nguồn nhân lực khoa học kỹ thuật (KHKT) tham gia xây dựng nông thôn mới (NTM)*


Hà Hữu Nga

1. Cơ sở lý thuyết của việc đề xuất cơ chế chính sách huy động nguồn nhân lực KHKT (khoc học kỹ thuật) tham gia xây dựng NTM (nông thôn mới)

1.1. Khái niệm chính sách

Chính sách công là một hệ thống nguyên tắc hướng dẫn cho hành động của các bộ phận điều hành hành chính của nhà nước đối với một loạt vấn đề theo cách thức phù hợp với luật pháp và tập quán của thể chế. Nền tảng của chính sách công bao gồm các luật và quy định hiến pháp quốc gia (Davis G., J. Wanna, J. Warhurst, and P. Weller 1993). Chính sách công còn bao gồm cả cách diễn giải và các quy định của tòa án thông thường được pháp luật cho phép. Một chính sách được coi là tốt khi nó giải quyết vấn đề một cách hiệu lực và hiệu quả, phục vụ xã hội một cách công bằng, hỗ trợ các thể chế và chính sách của chính phủ, và động viên được tính tích cực của các bên liên quan (Sharkansky I., and Richard I. Hofferbert 1969). Chính sách công còn được coi là một hệ thống các quy trình hành động, các biện pháp quản lý, các luật pháp và các ưu tiên hỗ trợ liên quan đến một lĩnh vực nhất định được một cơ quan chính phủ hoặc các đại diện của chính phủ ban hành (Hill, Michael, 2005). Đặc trưng chủ yếu nhất của chính sách là hướng dẫn các hành động và các hành vi nhằm đạt được các kết quả theo ý định và mục đích mong muốn (Howard, Cosmo 2005).

Đối với Việt Nam, chính sách là đường lối cụ thể của một chính đảng hoặc một chủ thể quyền lực về một lĩnh vực nhất định cùng các biện pháp, kế hoạch thực hiện đường lối ấy. Cấu trúc của chính sách bao gồm đường lối cụ thể (nhằm thực hiện đường lối chung), các biện pháp, kế hoạch thực hiện. Chủ thể ban hành chính sách là chính đảng, cơ quan quản lý nhà nước. Chính sách được chia thành các loại hình: i) Chính sách của Nhà nước gồm có: chính sách kinh tế, chính sách đối ngoại, chính sách quốc phòng, chính sách khoa học công nghệ (KHCN), chính sách giáo dục, chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo. Chính sách được cụ thể hóa thành hệ thống các văn bản: 1) Các nghị quyết, chỉ thị của Đảng; 2) Các văn bản quy phạm pháp luật : i) Ở cấp Trung ương có: Luật, pháp lệnh, nghị quyết (của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội); Lệnh, quyết định của Chủ tịch nước; Nghị định của Chính phủ; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; Thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ; Quyết định của các tổng cục Nhà nước; Nghị quyết liên tịch giữa Uỷ ban Thường vụ Quốc hội hoặc giữa Chính phủ với cơ quan TƯ (Trung ương) của các tổ chức chính trị - xã hội; Thông tư liên tịch giữa các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ. ii) Ở cấp địa phương có: nghị quyết của HĐND (Hội đồng Nhân dân); Quyết định, chỉ thị của UBND (Uỷ ban Nhân dân); Các văn bản quy phạm của cơ sở, bao gồm: nghị quyết của đại hội Đảng, cấp uỷ, đơn vị, các đề án, dự án của Nhà nước tại địa phương…v.v. (Nguyễn Minh Thuyết 2012).

Cơ chế trong lĩnh vực chính sách: Trong lĩnh vực chính sách, khái niệm cơ chế dùng để chỉ sự sắp xếp, kết nối các bộ phận khác nhau của một hoặc những chính sách nào đó nhằm vận hành một cách hiệu quả để đạt được các ý định, mục tiêu, mục đích xác định của chính sách đó. Các chính sách cũng bao hàm trong đó các cơ chế sắp xếp, kết nối, đảm bảo sự vận hành thông suốt và hiệu quả của hệ thống với vô số lĩnh vực, bộ phận liên quan giữa kinh tế, chính trị, xã hội, môi trường, văn hóa; giữa quản lý hành chính với quản lý tài chính; giữa lợi ích của các vùng miền, các nhóm xã hội, dân cư khác nhau; việc xác lập cơ chế chia sẻ lợi ích giữa các bên liên quan khác nhau trong từng chính sách và trong các tập hợp chính sách của nhà nước ở các cấp (Parsons D.W. 1995; Spicker, Paul 2006). Về phương diện này, đề tài xác định các cơ chế liên kết chủ yếu như: i) cơ chế kết nối giữa lợi ích chính trị (chủ trương của đảng) và lợi ích kinh tế (các chỉ tiêu kinh tế của nhà nước) nhằm đạt được mục tiêu chuyển giao KHCN trong xây dựng NTM; ii) cơ chế kết nối giữa lợi ích quản lý và lợi ích đầu tư các nguồn lực cho chuyển giao KHCN trong xây dựng NTM; iii) cơ chế kết nối giữa lợi ích huy động số lượng và lợi ích huy động chất lượng nguồn nhân lực cho chuyển giao KHCN trong xây dựng NTM; iv) cơ chế chia sẻ lợi ích giữa các thực thể khác nhau (nhà nước, doanh nghiệp, các viện nghiên cứu, trường đại học, hợp tác xã, các tổ chức NGO Việt Nam, tư nhân) tham gia chuyển giao KHCN trong xây dựng NTM; v) cơ chế chia sẻ lợi ích giữa nhà khoa học, đội ngũ khuyến nông và nông dân tham gia chuyển giao KHCN trong xây dựng NTM. 

1.2. Quy trình hoạch định và phân tích chính sách Việc nhận thức chung về một quy trình xây dựng chính sách với các giai đoạn của nó đóng vai trò quan trọng, làm cơ sở cho việc tiếp cận nghiên cứu và thực hành chính sách (Kingdon, J. 2011; Kraft, M & Furlong, S., 2015). Dưới đây khái quát một số giai đoạn chính trong một quá trình hoạch định chính sách truyền thống: i) Lập chương trình: Các cá nhân, tổ chức, cơ quan chức năng tham gia làm chính sách trình vấn đề ra thảo luận, và xem xét đưa vào chương trình chính thức; ii) Thiết kế chính sách: Chính thức đề xuất các phương án nhằm mục tiêu giải quyết vấn đề chính sách; iii) Thông qua chính sách: Chính sách được chính thức thông qua bởi đa số, hay được hợp pháp hoá (Knoepfel, P, Larrue, C, Varone, F & Hill, M. 2007). Nói chung, chính sách có thể được Quốc hội, Chính phủ thông qua trong phạm vi luật định; iv) Thực thi chính sách: Một chính sách được thông qua sẽ được chuyển đến cơ quan hành pháp để huy động các nguồn lực tài chính, nhân lực triển khai thực hiện (Thissen, W & Walker, W., 2013; Nguyễn Anh Phương, 2016a); v) Đánh giá chính sách: Các đơn vị chức năng xác định xem các cơ quan thực thi chính sách có đáp ứng yêu cầu, tuân thủ quy định pháp lý, và đạt được các mục tiêu của chính sách không (Weimer, D & Vining, A., 2011). Phân tích chính sách là quá trình tư vấn chính sách, và quan trọng nhất là giai đoạn phát hiện vấn đề và xây dựng chương trình phân tích, bao gồm các bước tuần tự cơ bản sau: i) phát hiện, lựa chọn vấn đề cần giải quyết; ii) lựa chọn sử dụng các công cụ phân tích thích hợp, ví dụ phân tích chi phí – lợi ích, phân tích chi phí – hiệu quả, đánh giá tác động đối với dự án luật; iii) hình thành, đề xuất các giải pháp giải quyết vấn đề; iv) xác định các tiêu chí đánh giá; và v) trình bày giải pháp hợp lý, thuyết phục người làm chính sách (Thissen, W & Walker, W. 2013). Phân tích chính sách cần giải quyết vấn đề trong điều kiện thích ứng với tình huống có nhiều chủ thể làm chính sách công, với những giá trị đa dạng (Kay, A. 2006; Mintrom, M. 2012). Phân tích chính sách chính là quá trình tìm kiếm, đưa ra những giải pháp hữu ích và hợp lý để làm cơ sở cho quyết định hình thành, lựa chọn chính sách (Weimer, D & Vining, A, 2011; Bardach, E. 2012). Phân tích chính sách diễn ra cả ở giai đoạn trước, và sau của một quá trình chính sách (Nguyễn Anh Phương 2016a). Phân tích chính sách không dừng lại ở việc đưa ra khuyến nghị, hay lựa chọn giải pháp giải quyết vấn đề kinh tế xã hội, mà nó còn cung cấp các công cụ cần thiết để phân tích, đánh giá kết quả của phương án chính sách đã được thông qua, quá trình thực thi và hiệu quả đạt được của chính sách đó (Walker W, Fisher G. 1994; Dunn, W. 2012). 

1.3. Tiêu chí đánh giá chính sách Các tiêu chí đánh giá chính sách phải đáp ứng được yêu cầu về: i) Tính phù hợp: chỉ tiêu đánh giá phải phản ánh mục đích hoặc thành quả của việc thực hiện chính sách một cách phù hợp; ii) Mức độ ảnh hưởng của chính sách: tầm ảnh hưởng của chính sách đối với sự việc mà chỉ tiêu đánh giá đo lường; iii) Mức độ đầy đủ: đảm bảo đẩy đủ các chỉ tiêu đánh giá, đo lường các khía cạnh khác nhau trong chính sách; iv) Chi phí dùng để thu thập dữ liệu: mức chi phí dùng để thu thập dữ liệu cho nhóm chỉ tiêu đánh giá; v) Độ bền vững của chính sách trước các phản biện, phê phán, đối lập khác nhau (Patton, Carl V. and David S. Sawicki, 1993; Kraft, Michaek E. and Scott R. Furlong, 2007). Tùy thuộc vào từng mục tiêu chính sách để xác định đúng tiêu chí cần phải đánh giá. Tại Nhật Bản, để đánh giá chính sách công, người ta thường sử dụng ba tiêu chí là: i) tính hiệu lực, ii) tính hiệu quả, và iii) tính kinh tế (còn gọi là 3E: Efficiency, Effectivness và Economy). Trong khi đó, tại Mỹ lại sử dụng tiêu chí 4E (Efficiency, Effectivness, Economy and Equality), vì người Mỹ muốn nhấn mạnh tiêu chí bình đẳng (Equality) (Kraft, Michaek E. and Scott R. Furlong, 2007). Dưới đây là nội hàm các tiêu chí trên: 

1.3.1. Tính hiệu lực của chính sách: Hiệu lực của chính sách công là khái niệm phản ánh tác dụng đích thực của một chính sách. Tính hiệu lực của chính sách được đo lường bằng mức độ mà hiệu quả của hoạt động đạt được mức mục tiêu; khả năng vận hành của chính sách thông qua tính toán về chi phí - lợi ích, khả năng ngân sách, nguồn lực và các điều kiện khác. Tính hiệu lực của chính sách đòi hỏi phải có sự tuân thủ, chấp hành đầy đủ các quy định thuộc về chính sách. Các yếu tố cần đánh giá là: i) Mức độ đảm bảo các nguồn lực tài chính, nhân sự; ii) Mức độ đáp ứng về phương tiện kỹ thuật, công nghệ cần thiết cho việc thực hiện chính sách; iii) Tính toán về chi phí và lợi ích, khẳng định lợi ích có thể vượt qua các chi phí; iv) Bất kỳ đề xuất nào không có tính hiệu lực, đều cần thiết phải dừng lại để xem xét, bổ sung các điều kiện hoặc chấm dứt ban hành chính sách; v) Khả năng giải quyết những mâu thuẫn, chồng chéo chính sách; vi) Rào cản chính sách và khả năng vượt qua; vii) Mức độ đạt được mục tiêu chính sách (Đỗ Thị Kim Tiên 2017)

1.3.2. Tính khả thi của chính sách: Tính khả thi của chính sách được phản ánh ở khả năng thực hiện trên thực tế của một chính sách. Để đánh giá tính khả thi của chính sách, cần phải dựa vào các chỉ tiêu cụ thể như: mức độ khả thi chính trị, khả thi kinh tế, hành chính và khả thi về xã hội. Đánh giá tính khả thi về chính trị đòi hỏi quá trình đánh giá phải dự báo được mức độ ủng hộ của những nhà ra quyết định về một đề xuất chính sách. Về kinh tế, cần đánh giá đầy đủ khả năng ngân sách, nguồn lực con người để triển khai chính sách và những đảm bảo về lợi ích vượt qua chi phí. Đánh giá tính khả thi về xã hội được đo lường, dự báo về mức độ công chúng chấp nhận, ủng hộ đề xuất chính sách. Tiêu chí này cần khai thác sâu về các chỉ tiêu tác động đến môi trường tự nhiên, xã hội (dân trí, tôn giáo, văn hóa, mức độ dân chủ), mở rộng sự tham gia, tính minh bạch, văn bản dễ hiểu, dễ áp dụng,... Ngoài ra, cần phải đánh giá mức độ thống nhất với các chính sách đã ban hành, phù hợp với chính sách do cơ quan có thẩm quyền cấp trên và những các cam kết quốc tế (Kraft, Michaek E. and Scott R. Furlong, 2007).

1.3.3. Tính hiệu quả của chính sách: Tính hiệu quả của chính sách công là mức độ kết quả thu được từ việc sử dụng nguồn lực cố định; làm cho các nguồn lực phát huy hiệu suất lớn nhất, trong sự so sánh với các đề xuất khác. Tiêu chí hiệu quả của đề xuất chính sách phải được biểu hiện bằng khả năng đạt được các mục tiêu và mục đích chính sách. Sức thuyết phục về tính hiệu quả của một đề xuất chính sách được chứng minh về khả năng đạt được mục tiêu với hiệu suất công việc cao (Patton, Carl V. and David S. Sawicki 1993). Các yếu tố cần đo lường để đánh giá tính hiệu quả bao gồm: i) Số lượng các nguồn lực đầu vào (lượng đầu vào); ii) Độ dài thời gian cần hoàn thành; iii) Số lượng công việc cần phải làm; iv) Tính cần thiết của các công việc này (hạn chế tối đa động tác thừa); v) Những chi phí cho các hoạt động phải làm; vi) Số lượng công việc được hoàn thành trong thời gian và chi phí nào; vii) Hiệu suất làm việc: mức độ tập trung đạt được chất lượng công việc; viii) Xác định các mục tiêu của chính sách và so sánh (Nguyễn Đăng Thành 2012).

1.3.4. Tính công bằng của chính sách: Chính sách của Nhà nước nếu đảm bảo sự công bằng sẽ nhận được sự ủng hộ, đồng thuận cao, tạo động lực cho xã hội phát triển. Tiêu chí công bằng trong chính sách là đòi hỏi không thể thiếu đối với hoạt động quản lý công. Quan niệm về công bằng trong chính sách công hiện nay được hiểu theo hai cách, công bằng về quy trình và công bằng theo kết quả cuối cùng. Công bằng theo kết quả coi việc đạt được những điều tốt đẹp trong xã hội không đơn thuần đến từ các đặc điểm cá nhân về tài năng, sự cầu tiến hay đạo đức làm việc (Patton, Carl V. and David S. Sawicki, 1993; Đỗ Thị Kim Tiên 2017). Trong Phụ lục V, Mẫu số 01. Báo cáo đánh giá tác động của chính sách của Nghị định số 34/2016/ NĐ-CP của Chính phủ có quy định: Việc phân tích mỗi vấn đề chính sách bao gồm các nội dung: xác định vấn đề bất cập (thực trạng của vấn đề, phân tích các bất cập, hậu quả, nguyên nhân); mục tiêu để giải quyết vấn đề; các giải pháp đề xuất (trong đó bắt buộc phải có giải pháp giữ nguyên hiện trạng); đánh giá tác động của giải pháp đề xuất (đánh giá tác động tích cực (lợi ích), tiêu cực (chi phí) của từng giải pháp chính sách đối với Nhà nước, người dân, doanh nghiệp); kiến nghị lựa chọn giải pháp trên cơ sở phân tích, so sánh tác động tích cực, tiêu cực của từng giải pháp (Chính phủ 2016).  

2. Cơ sở thực tiễn của việc đề xuất cơ chế, chính sách huy động nguồn nhân lực KHKT tham gia xây dựng NTM 

Trước hết, về cơ sở pháp lý, việc thực hiện đề tài Nghiên cứu đề xuất cơ chế chính sách huy động nguồn nhân lực KHKT tham gia chuyển giao KHCN trong xây dựng NTM chính là nhằm thực hiện mục tiêu của quyết định Số 27/QĐ-TTg., ngày 05 tháng 01 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó liên quan trực tiếp đến mục tiêu thứ hai của quyết định trên là “Nghiên cứu, đề xuất bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, giải pháp KH&CN xây dựng NTM để áp dụng cho Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM giai đoạn 2010 - 2020”. Về nội dung, một trong những vấn đề quan trọng hàng đầu mà Chương trình KHCN đưa ra là: “Nghiên cứu, đề xuất bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách xây dựng NTM, bao gồm cơ chế chính sách huy động các nguồn lực xã hội, doanh nghiệp, nông dân tham gia xây dựng NTM” (Nội dung thứ 2). Và “Xây dựng nội dung và tổ chức các chương trình đào tạo, tập huấn nhằm nâng cao năng lực nắm bắt, ứng dụng KH&CN cho các đối tượng có liên quan đến việc xây dựng NTM, đặc biệt là đội ngũ cán bộ chuyển giao công nghệ, nông dân và doanh nghiệp” (Nội dung thứ 5) (Thủ tướng Chính phủ 2012). Dưới đây, Đề tài sẽ hệ thống lại một số chủ trương, đường lối của Đảng; quyết sách và Luật pháp của Quốc hội; Nghị định, Quyết định, các văn bản pháp quy chủ chốt của Chính phủ và các Bộ, ngành có liên quan với tư cách là một phần cơ sở thực tiễn cho việc nghiên cứu đề xuất cơ chế chính sách huy động nguồn nhân lực KHKT tham gia chuyển giao KHCN trong xây dựng NTM. 

2.1. Các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước


Các chủ trương đường lối của Đảng: Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng ngày 5/8/2008 tại Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa X “Về nông nghiệp, nông dân, nông thôn” chỉ rõ nông nghiệp, nông dân,nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước. Một trong những mục tiêu quan trọng của Nghị quyết tới năm 2020 là “tỷ lệ lao động xã hội chỉ chiếm khoảng 30% lao động nông nghiệp, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 50%; số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới khoảng 50%”. Ngoài ra, mục tiêu ngắn hạn tới năm 2010 ở thời điểm đó được Nghị quyết nhấn mạnh “tăng cường nghiên cứu và chuyển giao khoa học – công nghệ tiến tiến, tạo bước đột phá trong đào tạo nguồn nhân lực”. Để đạt được mục tiêu trên, Nghị quyết đưa ra một số giải pháp thực hiện tới năm 2020: i) Xây dựng được chính sách đãi ngộ thỏa đáng để thu hút các cá nhân, tổ chức tham gia nghiên cứu, chuyển giao công nghệ; ii) Có chính sách thu hút các thanh niên trẻ có chuyên môn về các ngành trọng điểm như: Nông nghiệp, y tế, giáo dục, văn hóa; iii) Tăng cường năng lực của các cán bộ địa phương: Khuyến nông, khuyến ngư, bảo vệ thực vật; iv) Tổ chức các lớp tập huấn để tăng cường bồi dưỡng kĩ thuật cho người dân, nhằm đảm bảo việc chăm sóc sản phẩm nông nghiệp đạt hiệu quả cao; v) Hình thành chương trình mục tiêu quốc gia về đào tạo nghề, tăng cường công tác đào tạo, tập huấn trên địa bàn các địa phương. (Ban chấp hành Trung ương, 2008).  

Tại Đại hội toàn quốc lần thứ XI (2011), Đảng nhận định hoạt động KHCN đã có bước phát triển, hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao tiến bộ KHKT (khoa học kỹ thuật) được đẩy mạnh, góp phần phát triển kinh tế xã hội, đẩy mạnh phát triển KHCN (Đảng Cộng sản Việt Nam, 2011). Và Nghị quyết cũng đề ra nhiệm vụ và giải pháp với các nội dung sau: i) Nâng tổng đầu tư xã hội cho KH&CN đạt 1,5% GDP vào năm 2015, trên 2% GDP vào năm 2020 và khoảng 3% GDP vào năm 2030. Tăng đầu tư của Nhà nước cho KH&CN bảo đảm tối thiểu 2% tổng chi ngân sách nhà nước hằng năm; ii) Đổi mới hệ thống tổ chức KH&CN đáp ứng yêu cầu phát triển thị trường KH&CN; iii) Đổi mới cơ chế hoạt động của các tổ chức KH&CN; iv) Đổi mới quy hoạch phát triển nguồn nhân lực, cơ chế, chính sách sử dụng và trọng dụng nguồn nhân lực KH&CN; v) Kiện toàn, nâng cao năng lực bộ máy quản lý nhà nước về KH&CN; và vi) Thực hành dân chủ, tôn trọng và phát huy tự do tư tưởng trong hoạt động nghiên cứu, sáng tạo, tư vấn, phản biện của các nhà khoa học (Ban chấp hành Trung ương, 2012). Kết luận số 97-KL/TW của Bộ Chính trị về một số chủ trương, giải pháp tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 Khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Trong đó khẳng định: đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trong sản xuất, bảo quản, chế biến nông sản; đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp đào tạo nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Thực hiện đổi mới cơ chế, chính sách, huy động nguồn lực bao gồm chính sách đất đai, chính sách tài chính, tiền tệ, chính sách thương mại (Bộ Chính trị, 2014). Tại Đại hội XII (2015), Đảng đã có các chủ trương phát triển nguồn nhân lực KHCN trong nông nghiệp: i) Tổ chức xây dựng các cánh đồng mẫu, liền thửa; hình thành các vùng chuyên môn hóa, công nghệ cao nhằm tổ chưc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm đồng bộ; ii) Phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, chất lượng nguồn nhân lực; phát triển KH&CN và kinh tế tri thức; iii) Đầu tư kinh phí vào triển khai các chương trình trọng điểm cấp nhà nước, xây dựng các mô hình, sản phẩm trọng điểm tại từng địa phương, từng khác nhau trên cả nước; vi) Nâng cao năng suất lao động, tăng cường ứng dụng tiến bộ KHKT và chuyển KHCN tại các vùng miền, phát triển nguồn nhân lực (Ban Chấp hành Trung ương, 2015).

Các Luật và quyết sách của Quốc hội và Nhà nước: Với chủ trương: “KH&CN là quốc sách hàng đầu, giữ vai trò then chốt trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là nền tảng và động lực cho công nghiệp hoá, hiện đại hoá, phát triển nhanh, bền vững đất nước” (Luật KH&CN số 21/2000/QH10 ngày 9/6/2000) (Quốc hội, 2000). Quốc hội và Nhà nước Việt Nam đã cố gắng hoàn thiện hệ thống thể chế pháp lý nhằm thúc đẩy sự phát triển của KH&CN. Các hệ thống luật và văn bản pháp luật quan trọng được xây dựng như Luật Sở hữu trí tuệ 2005, Luật Chuyển giao công nghệ (2006), Luật Công nghệ cao (Quốc hội, 2008a), Luật cán bộ, công chức (Quốc hội, 2008b). Luật KH&CN (2000) xác định mục tiêu của hoạt động KH&CN đã nhấn mạnh tầm quan trọng của KHCN như là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội và đảm bảo an ninh, quốc phòng (Quốc hội, 2000). Điểm đáng lưu ý về KHCN chính là định hướng phát triển và ưu tiên cho các khu vực nông nghiệp và phát triển các khu vực nông thôn khó khăn. Trong phạm vi điều chỉnh của Luật Sở hữu Trí tuệ nói rõ về lĩnh vực KHCN liên quan đến phát triển nông thôn, đặc biệt là giống cây trồng. Đáng chú ý là Luật Sở hữu Trí tuệ khẳng định về lợi ích các bên liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ như sau: i) Công nhận và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của tổ chức, cá nhân; ii) Khuyến khích, thúc đẩy hoạt động sáng tạo, khai thác tài sản trí tuệ; iii) Hỗ trợ tài chính cho việc nhận chuyển giao, khai thác quyền sở hữu trí tuệ; iv) Ưu tiên đầu tư cho việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, các đối tượng liên quan làm công tác bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và nghiên cứu, ứng dụng KHKT về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ (Quốc hội 2005, Điều 8). Luật Chuyển giao Công nghệ đề xuất chính sách hoạt động chuyển giao công nghệ là: i) Bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân hoạt động chuyển giao công nghệ; ii) Ưu tiên phát triển nguồn nhân lực công nghệ đồng bộ với đầu tư đổi mới công nghệ; iii) Phát triển mạnh thị trường công nghệ; đẩy mạnh việc chuyển giao kết quả nghiên cứu vào sản xuất, kinh doanh; iv) Chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động chuyển giao công nghệ ở vùng nông thôn, miền núi (Quốc hội, 2006, Điều 5). Đặc biệt Luật cán bộ, công chức đã đề xuất chính sách đối với người có tài năng, trong đó khẳng định: “Nhà nước có chính sách để phát hiện, thu hút, bồi dưỡng, trọng dụng và đãi ngộ xứng đáng đối với người có tài năng” (Quốc hội, 2008b, Điều 6). Nghị quyết số 21/2011/QH13 khẳng định: “i) Tăng đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn, bảo đảm mức đầu tư 5 năm tới cao gấp 2 lần 5 năm 2005-2010; ii) Phát triển các hình thức hợp tác trong nông nghiệp, liên kết 4 nhà, liên kết vùng; iii) Nhân rộng mô hình “cánh đồng mẫu lớn” để cơ giới hóa và áp dụng khoa học, công nghệ tiên tiến vào sản xuất (Quốc hội 2011). Luật KH&CN cũng cụ thể hóa việc ưu tiên tập trung mọi nguồn lực để phát triển KHCN; ưu tiên đầu tư trước một bước để phát triển, ứng dụng KHCN phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước (Viện Chiến lược và Chính sách KHCN, 2014). Dù có những nỗ lực to lớn trong việc xây dựng các bộ luật liên quan, nhưng trong bối cảnh quốc tế biến đổi không ngừng, giới khoa học vẫn yêu cầu Quốc hội xem xét, cập nhật và sửa đổi một số vấn đề trong một số bộ Luật đã được ban hành, trong đó có Luật Chuyển giao Công nghệ. Sửa đổi trước tiên là cần phải tăng mức đầu tư cho KHCN: Ở các nước, nhà nước chi một đồng cho KHCN, thì xã hội bỏ ra 4 - 5 đồng, nên tổng chi cho KHCN thường chiếm 4 - 5% GDP (Mạnh Bôn 2016). 

2.2. Các nhóm cơ chế, chính sách chủ yếu của Nhà nước

Về phương diện này, Đề tài quan tâm đến 5 nhóm cơ chế, chính sách có liên quan, bao gồm: i) Nhóm cơ chế, chính sách chung về KHCN; ii) Nhóm cơ chế, chính sách tạo nguồn lực cho KHCN; iii) Nhóm cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển KHCN; iv) Nhóm cơ chế, chính sách huy động nguồn nhân lực KHCN; và v) Nhóm cơ chế, chính sách hợp tác quốc tế về KHCN. Dưới đây Đề tài sẽ mô tả cụ thể từng nhóm cơ chế, chính sách đó.

Nhóm cơ chế chính sách chung về KHCN: Đây chính là nhóm chính sách góp phần tạo thành một bộ phận nền tảng thể chế cho các nhóm chính sách liên quan khác. Trong khuôn khổ chính sách phát triển NTM, có lẽ văn bản pháp quy sớm nhất của Chính phủ liên quan trực tiếp đến đối tượng nghiên cứu của Đề tài là Quyết định về việc ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về NTM (Thủ tướng Chính phủ, 2009). Tiếp đó là Quyết định phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 – 2020 (Thủ tướng Chính phủ, 2010b); Quyết định số 1895/QĐ-TTg., Về việc phê duyệt Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thuộc Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020 (Thủ tướng Chính phủ, 2012c); Quyết định phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 – 2020 (Thủ tướng Chính phủ, 2016b); Quyết định về việc ban hành bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM giai đoạn 2016 – 2020 (Thủ tướng Chính phủ, 2016c). Và mới đây là Quyết định phê duyệt Chương trình KH&CN phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 – 2020 (Sửa đổi, bổ sung Quyết định số 27 QĐ-TTg., ngày 05 tháng 01 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ) (Thủ tướng Chính phủ, 2017). Về phía các Bộ liên quan thì từ năm 2017, một trong những nội dung trọng tâm mà Bộ KH&CN sẽ tập trung thực hiện là hoàn thiện chính sách, pháp luật để thúc đẩy KHCN phát triển. Cụ thể là hoàn thiện dự án Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi), trình Quốc hội xem xét thông qua vào Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV. Rà soát, kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ việc sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu Trí tuệ, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật và văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến KH&CN để phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, thúc đẩy phát triển KHCN đến năm 2020, đưa KHCN phục vụ phát triển nông nghiệp, xây dựng nền nông nghiệp công nghệ cao. Về phương diện KHCN nông nghiệp, Bộ chủ trương thúc đẩy tập trung nâng cao chất lượng các mặt hàng chủ lực xuất khẩu; nghiên cứu, chuyển giao, sản xuất các loại giống cây trồng, vật nuôi năng suất, chất lượng cao, có khả năng chống bệnh, thích ứng với biến đổi khí hậu; tập trung hoàn thiện công nghệ chế biến, bảo quản sau thu hoạch; hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu nông sản, nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp. Giống như Bộ KH&CN, Bộ NN&PTNT cũng đã ban hành hàng loạt văn bản chính sách liên quan như: Thông tư hướng dẫn thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia về NTM (Bộ NN&PTNT, 2009a; 2013a); Quyết định về việc ban hành quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt cho rau, quả tươi an toàn (Bộ NN&PTNT, 2008a); Quyết định về việc Ban hành chương trình hành động thức hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững (Bộ NN&PTNT, 2013c).

Nhóm cơ chế chính sách tạo nguồn lực cho KHCN: Kể từ sau Đổi mới, về cơ chế chính sách chuyển giao KHCN của Chính phủ, trước hết phải nói đến chính sách khuyến nông. Ngay từ đầu những năm 1990, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 13-CP/1993 về công tác khuyến nông (Chính phủ 1993). Tiếp đó là Nghị định số 56/2005/NĐ-CP của Chính phủ về Khuyến nông Khuyến ngư. Đáng chú ý là Nghị định 56 có đề xuất các cơ chế chính sách mới, đó là: i) Tạo sự liên kết chặt chẽ giữa nhà quản lý, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp với người sản xuất và giữa người sản xuất với nhau; ii) Xã  hội hóa hoạt động khuyến nông, khuyến ngư; iii) Tư vấn, hỗ trợ chính sách, pháp ii) Dịch vụ trong các lĩnh vực tập huấn, đào tạo, cung cấp thông tin, chuyển giao KHCN; iv) Mua bản quyền tác giả, mua công nghệ mới phù hợp, thuê chuyên gia trong hoạt động khuyến nông, khuyến ngư (Chính phủ 2005a, Điều 14). Gần đây, Nghị định 02/2010/NĐ-CP về khuyến nông đã có những bước tiến mới mẻ hơn nhiều so với các Nghị định 13 và Nghị định 56. Có nhiều cơ chế chính sách ưu tiên cho người hoạt động khuyến nông như cơ chế hỗ trợ 100% chi phí về tài liệu và nơi ở, khi tham dự đào tạo; hỗ trợ 100% chi phí về tài liệu, đi lại, ăn và nơi ở khi tham dự đào tạo (Chính phủ 2010a, Điều 12). Một trong những điểm mới của Nghị định 02 là vấn đề quỹ khuyến nông, gồm các nội dung sau: i) Quỹ hoạt động khuyến nông (sau đây được gọi chung là quỹ khuyến nông), được hình thành từ các nguồn tài trợ, đóng góp tự nguyện của các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước; ii) Tổ chức nào thành lập quỹ thì tổ chức đó ban hành quy chế quản lý và vận hành quỹ khuyến nông theo quy định của pháp luật (Chính phủ 2010a, Điều 21).

Cụ thể hóa các cơ chế chính sách của Chính phủ, Bộ NN&PTNT (Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn) cũng đã ban hành hàng loạt văn bản chính sách liên quan: Quyết định ban hành các định mức tạm thời áp dụng cho các chương trình, dự án khuyến nông, khuyến ngư (Bộ NN&PTNT, 2009b); Quyết định về việc thành lập tổ thẩm định đề cương gói thầu “Nâng cấp và xây dựng cơ sở dữ liệu Công nghệ sinh học nông nghiệp - thuỷ sản” thuộc “Chương trình trọng điểm phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực nông nghiệp và Phát triển nông thôn” (Bộ NN&PTNT, 2011); Quyết định phê duyệt chương trình khuyến nông trung ương trọng điểm giai đoạn 2013 – 2020 (Bộ NN&PTNT, 2013b). Đặc biệt, Quyết định về việc phê  duyệt kế hoạch chuyển giao, ứng dụng KHCN phục vụ tái cơ cấu ngành thủy sản giai đoạn 2017-2020. Trong đó tạo được cơ sở huy động nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân để phát triển thị trường KHCN thủy sản. Bên cạnh đó, thúc đẩy, công nhận được và phát hành rộng rãi tối thiểu 12 tiến bộ kỹ thuật (05 tiến bộ kỹ thuật trong lĩnh vực khai thác thủy sản và 07 tiến bộ kỹ thuật trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản) để nâng cao hiệu quả khai thác (tăng >25% so với hiện tại), giảm tổn thất sau thu hoạch (giảm >20% so với hiện tại) các đối tượng khai thác chủ lực: cá ngừ đại dương, mực, cá nổi lớn và cá nổi nhỏ trên các tàu lưới vây, lưới rê, lưới chụp và nghề câu; nâng cao chất lượng giống, năng suất nuôi và chất lượng sản phẩm các đối tượng nuôi chủ lực và đặc sản: cá tra, tôm nước lợ, nhuyễn thể, cá rô phi và tôm hùm. Ngoài ra, xây dựng được tối thiểu 40 mô hình trình diễn ứng dụng KHCN gắn với mô hình hợp tác xã và tổ hợp tác đạt hiệu quả kinh tế tăng >25% so với mô hình sản xuất truyền thống; tối thiểu 1.500 tổ chức, cá nhân được đào tạo, tập huấn các kỹ thuật, kỹ năng để ứng dụng các tiến bộ KHCN trong khai thác và nuôi trồng thủy sản (Bộ NN&PTNT, 2017).

Nhóm cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển KHCN: Một văn bản quan trọng, kết nối chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng hóa thông qua hợp đồng với chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và công nghệ nông nghiệp, đó là Quyết định số 80/2002/QĐ-TTg của Chính phủ (Thủ tướng Chính phủ 2002a). Tiếp đó, một chính sách hỗ trợ đắc lực, làm nền tảng cho cơ chế liên kết “bốn nhà”, đó là Chỉ thị số 25/2008/CT-TTg., về việc tăng cường chỉ đạo tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng (Thủ tướng Chính phủ, 2008b). Ngoài ra còn hàng loạt chính sách liên quan đến vấn đề KHCN phục vụ nông thôn mới như: Quyết định số 27/QĐ-TTg., phê duyệt Chương trình KH&CN phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 – 2015 (Thủ tướng Chính phủ, 2012a); Quyết định số 695/QĐTTg ngày 08 tháng 6 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi nguyên tắc cơ chế hỗ trợ vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2010 - 2020 (Thủ tướng Chính Phủ, 2012b); Nghị định số 210/2013/NĐ-CP của Chính phủ Về Chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn (Chính phủ 2013b); Quyết định phê duyệt chương trình KH&CN phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 – 2015, giai đoạn 2016 - 2020 (Thủ tướng Chính phủ, 2012a; 2017). Đáng lưu ý là Chính phủ đã ban hành một loạt chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn, bao gồm: Quyết định số:1956/QĐ-TTg, Về hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 (Thủ tướng Chính phủ, 2009c); Quyết định số:01/2012/QĐ-TTg, Về  một số chính sách hỗ trợ việc áp dụng Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản (Thủ tướng Chính phủ, 2012b); Nghị định 210/2013/NĐ-CP: Về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; (Chính phủ, 2013b); Quyết định số: 62/2013/QĐ-TTg, Về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn (Thủ tướng Chính phủ, 2013b); Nghị định số 67/2014/NĐ-CP về chính sách phát triển thủy sản (Chính phủ, 2014b). Quyết định số 50/2014/QĐ-TTg, Về chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ giai đoạn 2015 – 2020 (Thủ tướng Chính phủ, 2014a). Nghị định số 55/2015/NĐ-CP: Về  chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn (Chính phủ, 2015); Quyết định số 1747/QĐ-TTg., Phê duyệt chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN thúc đẩy phát triển KT-XH (kinh tế - xã hội) nông thôn, miền núi, vùng DTTS giai đoạn 2016-2025 (Thủ tướng Chính phủ 2015).

Bộ KH&CN cũng ban hành một số văn bản chủ yếu liên quan đến lĩnh vực này, đó là: i) Quyết định phát triển thị trường KH&CN đến năm 2020 (Bộ KH&CN, 2015b); ii) Quy định quản lý hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2025 (Bộ KH&CN, 2016a); iii) Quản lý hỗ trợ phát triển doanh nghiệp KH&CN và tổ chức KH&CN công lập thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm (Bộ KH&CN, 2016b). Về phía Bộ NN&PTNT, ngay từ rất sớm, Bộ đã ban hành Quyết định số 77/2002/QĐ-BNN Hướng dẫn về mẫu hợp đồng tiêu thụ nông sản hàng hóa thực hiện Quyết định số 80/2002/QĐ-TTg ngày 24/6/2002 của Thủ tướng Chính phủ (Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp Thực phẩm, 2002). Một trong những văn bản chính sách hỗ trợ quan trọng nhất liên quan trực tiếp đến việc đánh giá cơ chế “bốn nhà” là “Báo cáo số 578 BC/BNN-KTHT tổng kết 5 năm thực hiện Quyết định số 80/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng hóa thông qua hợp đồng” (Bộ NN&PTNT, 2008b). Báo cáo 578 đã tiến hành đánh giá về các nội dung quan trọng sau: i) Công tác tổ chức thực hiện chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng hóa thông qua hợp đồng; ii) Kết quả thực hiện chính sách; iii) Một số điển hình trong việc thực hiện chính sách; iv) Đánh giá mạnh yếu trong thực hiện chính sách; và v) Giải pháp tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách. Đặc biệt là Báo cáo này được xây dựng dựa trên cách tiếp cận đánh giá cơ chế liên kết “bốn nhà”. Điều đó thể hiện rõ ràng ngay từ nội dung về công tác tổ chức thực hiện, Báo cáo đã đánh giá vai trò của từng “nhà”, gồm Nhà nước, Nhà doanh nghiệp, Nhà khoa học và Nhà nông trong việc thực hiện chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng hóa thông qua hợp đồng (Bộ NN&PTNT, 2008b).

Nhóm cơ chế chính sách huy động nguồn nhân lực KHCN: Liên quan đến lĩnh vực huy động nguồn nhân lực tham gia chuyển giao KHCN, Chính phủ đã ban hành các cơ chế, chính sách liên quan đến việc thưởng phạt, chẳng hạn như: Nghị định số 127/2004/NĐ-CP: Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động KH&CN (Chính phủ, 2004b); Nghị định số 49/2009/NĐ-CP: Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động chuyển giao công nghệ (Chính phủ 2009, Điều 13). Bộ KH&CN cũng ban hành một số văn bản chủ yếu liên quan đến lĩnh vực này, đó là: i) Quy định về đánh giá tổ chức KH&CN (Bộ KH&CN, 2014c); Quy định tuyển chọn, giao trực tiếp tổ chức và cá nhân thực hiện nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia sử dụng ngân sách nhà nước (Bộ KH&CN, 2014a); iv) Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động KH&CN, chuyển giao công nghệ (Bộ KH&CN, 2015c); vi) Bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh cứu khoa học: nghiên cứu viên cao cấp hạng I (Bộ KH&CN, 2016c), nghiên cứu viên chính hạng II (Bộ KH&CN (2016d), kỹ sư cao cấp hạng I (Bộ KH&CN, 2016e), kỹ sư chính hạng II (Bộ KH&CN, 2016g); ix) Xây dựng mạng lưới chuyên gia Việt Nam trên thế giới (Bộ KH&CN, 2016h); x) Quy định về xây dựng dự toán chi công lao động khoa học của dự án thuộc “Chương trình Hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 – 2025 (Bộ KH&CN, 2017); xi) Quyết định Phê duyệt danh mục nhiệm vụ KH&CN đặt hàng thuộc Chương trình phát triển thị trường KH&CN đến năm 2020 để xét giao trực tiếp (Bộ KH&CN, 2017). Liên quan trực tiếp đến việc huy động nguồn nhân lực KHCN phục vụ nông nghiệp có hai Dự án thuộc lĩnh vực công nghệ phục vụ nông nghiệp với hai cán bộ KHCN được lựa chọn (Nguyễn Văn Xuất, Sở KHCN tỉnh Bắc Giang) với Dự án “Xây dựng chỉ dẫn địa lý cho vải thiều Lục Ngạn”; và Đào Văn Phùng (Sở KHCN Phú Thọ) với Dự án “Quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý Đoan Hùng cho sản phẩm bưởi quả của tỉnh Phú Thọ” (Bộ KH&CN, 2007). Quyết định phê duyệt danh đặt hàng nhiệm vụ quỹ gien cấp quốc gia xét giao trực tiếp (Bộ KH&CN, 2016i), đó là việc khai thác, phát triển nguồn gen lúa nếp địa phương chất lượng cao (Nếp tan nhe, Khẩu nua nương) phục vụ sản xuất hàng hóa tại miền núi phía Bắc (Bộ KH&CN, 2016i). Và bản thân Bộ NN&PTNT cũng đã ban hành các văn bản chính sách liên quan, trong đó đặc biệt có Quyết định số 918/QĐ-BNN-TC ngày 5/5/2014 về việc phê duyệt quy định tạm thời nội dung, mức hỗ trợ và mức chi cho các hoạt động khuyến nông (Bộ NN&PTNT, 2014).

Nhóm cơ chế chính sách hợp tác quốc tế về KHCN: Bộ KH&CN đã ban hành nhiều văn bản chính sách liên quan đến hợp tác quốc tế về KHCN, chẳng hạn: 1) Quy định quản lý các nhiệm vụ KH&CN theo Nghị định thư. Trong đó xác định rõ: a) Nhiệm vụ KH&CN theo Nghị định thư bao gồm: i) Các văn bản thỏa thuận của lãnh đạo Đảng và Nhà nước với các đối tác nước ngoài về khoa học và công nghệ; ii) Các Biên bản cuộc họp Ủy ban, Tiểu ban hợp tác về KH&CN với các đối tác hợp tác song phương và đa phương mà Bộ KH&CN được Chính phủ giao là đại diện; các văn bản thỏa thuận song phương và đa phương về hợp tác KH&CN được Bộ trưởng Bộ KH&CN hoặc đại diện được ủy quyền của Bộ KH&CN ký kết với các đối tác cấp kinh phí của nước ngoài theo quy định; b) Đối tác nước ngoài bao gồm: i) Đối tác cấp kinh phí: Các tổ chức, cá nhân hỗ trợ kinh phí để thực hiện nhiệm vụ Nghị định thư với tổ chức KH&CN Việt Nam; ii) Đối tác thực hiện: Các tổ chức, cá nhân cùng hợp tác thực hiện nhiệm vụ Nghị định thư với tổ chức KH&CN Việt Nam (Bộ KH&CN, 2014b). 2) Quy định thực hiện chương trình hợp tác nghiên cứu song phương và đa phương về KH&CN đến năm 2020 và chương trình tìm kiếm và chuyển giao công nghệ nước ngoài đến năm 2020. Trong đó xác định rõ nhiệm vụ KH&CN của Chương trình bao gồm: i) Nhiệm vụ hợp tác nghiên cứu song phương và đa phương là đề tài, dự án KH&CN do tổ chức KH&CN Việt Nam hợp tác với đối tác nước ngoài cùng xây dựng, đóng góp các nguồn lực để tổ chức thực hiện; ii) Nhiệm vụ tìm kiếm, hỗ trợ chuyển giao công nghệ nước ngoài là đề tài, dự án KH&CN có hoạt động tìm kiếm công nghệ; có hoạt động hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân trong nước thực hiện chuyển giao công nghệ, hoàn thiện công nghệ, sản xuất thử nghiệm và sản xuất sản phẩm (Bộ KH&CN, 2015a, Điều 3).

Tuy nhiên, việc thực hiện các chính sách KHCN vẫn còn nhiều khó khăn. “Mặc dù Nhà nước đã đưa ra Nghị định 115, Nghị định 43, Nghị định 80 để trao quyền tự chủ cho cơ quan sự nghiệp hoạt động KHCN công lập, thậm chí cho phép thành lập các doanh nghiệp KHCN nhưng những văn bản trên đi vào cuộc sống rất chậm (Nghị định 115 đã phải lùi thời hạn thực hiện từ 2009 đến năm 2013). Cho tới nay, các cơ quan sự nghiệp vẫn tiếp tục quan hệ “xin – cho” với các cơ quan quản lý về nhiều hoạt động tổ chức và tài chính. Nguyên nhân chính là có cơ quan quản lý Nhà nước không muốn mất quyền, một số cán bộ làm công tác quản lý không muốn mất lợi” (Đặng Kim Sơn 2011).  

2.3. Những kết quả bước đầu trong chuyển giao KHCN xây dựng NTM

Các hoạt động KHCN của Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam: Để thấy rõ các kết quả bước đầu của đội ngũ KHKT trong chuyển giao KHCN xây dựng nông thôn, trước hết, Đề tài sẽ lấy Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam làm một nghiên cứu trường hợp. Tại các tỉnh phía Bắc diện tích giống lúa mới của Viện chiếm khoảng 750 - 800 ngàn ha/năm, giúp tăng thêm khoảng 350 ngàn tấn thóc, tương đương 1,2 ngàn tỷ đồng/năm. Ở miền Nam với 2,4 triệu ha, giống mới cho năng suất tăng 10%, sản lượng, giúp tăng thêm 1,2 triệu tấn thóc/năm thì đã làm lợi khoảng 4.200 tỷ đồng/năm. Viện cũng đã cung cấp 20 giống ngô mới; các giống chè mới, giống cà phê mới. Viện cũng đã tuyển chọn và thuần hóa được nhiều giống cây ăn quả ôn đới như hồng, lê, đào, mận, đang được trồng ở một số tiểu vùng có khí hậu đặc thù tại Miền núi phía Bắc và Tây Nguyên. Đã tạo được giống cà chua lai, giống dưa chuột lai, 2 giống ớt cay lai có thời gian sinh trưởng ngắn, năng suất trung bình đạt 30 - 35 tấn/ha. Viện cũng đã chọn, tạo được 13 giống hoa mới, gồm hoa hồng, cúc, đồng tiền, lily, loa kèn, lan hồ điệp và layơn. Các giống và quy trình kỹ thuật trồng hoa của Viện đã được chuyển giao cho trên 30 tỉnh (VAAS, 2017). Về chăn nuôi, Viện đã chuyển giao vào sản xuất rộng rãi dòng lợn nái, dòng lợn đực; giống lợn, gà của Viện đều cho hiệu quả kinh tế cao hơn các nguồn giống khác từ 10 - 15%. Đã cung cấp 150 bò đực giống lai Sind, chuyển giao 30 trâu đực Murah, góp phần gia tăng tầm vóc đàn trâu lên khoảng 15%. Đã tổ chức tổng cộng 200 khóa huấn luyện chăn nuôi lợn gà cho 3.000 lượt cán bộ, kỹ thuật viên chăn nuôi và nông dân ở 61 tỉnh thành trong cả nước. Ngoài ra Viện còn có các quy trình phòng trừ rầy nâu, vàng lùn, lùn xoắn lá; quy trình phòng bệnh vàng lá trên cây có múi...v.v., đã được công nhận và chuyển giao vào sản xuất. Công nghệ trồng hoa cao cấp đã được hoàn thiện và chuyển giao cho trên 50% tỉnh thành trong cả nước. Viện còn được giao nhiệm vụ đào tạo sau đại học với 7 chuyên ngành Thạc sỹ và 11 chuyên ngành Tiến sỹ. Trong giai đoạn 2006 - 6/2012, Viện đã đào tạo được 103 Tiến sỹ và 188 Thạc sỹ, đưa tổng số Tiến sỹ được đào tạo tại Viện là 372 và số Thạc sỹ là 583. Ngoài đào tạo sau đại học, từ năm 2009, Viện còn phối hợp với Trường Cán bộ Quản lý NN&PTNT-I tổ chức trên 20 lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ khuyến nông, quản lý các cấp với trên 1.200 học viên (VAAS, 2008; 2017). Về Hợp tác quốc tế: Hiện nay, Viện và các đơn vị trực thuộc có quan hệ hợp tác với 21 quốc gia, vùng lãnh thổ và 24 tổ chức quốc tế để triển khai hàng chục dự án hợp tác quốc tế theo Nghị định thư, trên 50 dự án song phương và đa phương với các viện nghiên cứu, trường đại học của Trung Quốc, Cộng hòa Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc, Argentina, Venezuela, …v.v. Hiện nay một số nước đang yêu cầu Viện hợp tác giúp đỡ như Sierra Leone, Công gô, Angola, Cuba. Viện đã mời các tổ chức quốc tế đặt văn phòng tại Viện, đồng thời Chính phủ cũng đã đồng ý để Viện làm đại diện của Việt Nam tham gia CABI, APAARI và TFNet. Ngoài ra Viện cũng tích cực tham gia Hiệp hội Hồ tiêu quốc tế, màng lưới nghiên cứu sắn; các chương trình của IRRI như IRRC, CURE, Hybrid- Rice. Một số đơn vị cũng mời được tình nguyện viên nước ngoài (VAAS, 2017).

Các kết quả KHCN thuộc ngành Lâm nghiệp, đặc biệt là lĩnh vực lâm sinh, bao gồm: i) Các biện pháp kỹ thuật lâm sinh phục hồi rừng tự nhiên nghèo kiệt; ii) Xúc tiến tái sinh tự nhiên, từng bước cải thiện tổ thành rừng phát triển theo các mục tiêu kinh tế đa dạng; iii) Xác định mối quan hệ giữa phân bố rừng ngập mặn và đặc điểm đất đai ở miền Bắc, phục hồi phát triển hê sinh thái rừng ngập mặn ở ngoài Bắc; iv) Kết quả trồng rừng cây bản địa đặc biêt họ Sao, Dầu ở miền Nam, các đề tài thử nghiệm trồng rừng cây họ Dầu: vên vên (Anisoptera sp.), dầu rái (Dipterocapus alatus); v) Tạo lớp áo phủ ban đầu trên đất đồi trọc, mở ra triển vọng về khả năng khôi phục dần hệ sinh thái rừng lá rộng trên đất đồi trọc bị thoái hoá; vi) Các kết quả nghiên cứu cải thiện giống ưu việt như keo lai, bạch đàn cùng các biện pháp làm đất bón phân có thể tạo rừng trồng có năng suất cao đạt tới 25 – 30 m3/ ha/ năm hoặc cao hơn; vii) Các nghiên cứu về khảo nghiệm loài, xuất xứ, nghiên cứu các biện pháp kỹ thuật lâm sinh gây trồng rừng, điều tra đánh giá các mô hình với các mục tiêu khác nhau như phòng hộ, đặc dung, sản xuất; viii) Các nghiên cứu về cải thiện giống, bao gồm các nhóm loài cây bạch đàn, keo, thông, tre trúc, tràm, xà cừ, tếch… có thể trồng rừng tập trung và nhiều loài cây trồng phân tán khác; ix) Nghiên cứu về sâu bệnh rừng trồng giúp đảm bảo tính bền vững của rừng sau 10 – 15 năm gây trồng; x) Các nghiên cứu về bảo tồn nguồn gen cây rừng đã phát hiện nhiều loài, và nhân giống một số loài quí hiếm; xi) Công nhận giống quốc gia: 3 dòng keo lai ở miền Bắc, các giống tiến bộ kỹ thuật: 4 dòng keo lai ở miền Nam, 12 xuất xứ bạch đàn, 10 xuất xứ keo vùng thấp, 4 xuất xứ keo vùng cao, 3 xuất xứ keo chịu hạn, 5 xuất xư thông caribeae, 6 xuất xư tràm. Các kết quả nghiên cứu khảo nghiệm các xuất xứ tràm trước kia và thực hiện dự án do JICA tài trợ đã có tác dụng lớn trong chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trồng tràm cho nhiều tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, thành phố Hồ Chí Minh và là một trong những cây trồng chủ lực quan trọng của vùng (VAFS, 2005)

Về lĩnh vực thủy sản, Đề tài cũng lấy Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I làm nghiên cứu trường hợp. Kể từ năm 2000 tới nay, Viện đã làm chủ được công nghệ sản xuất giống 06 loài cá biển và nhiều loài nhuyễn thể, giáp xác có giá trị kinh tế cao, có khả năng đưa vào sản xuất hàng hoá ở quy mô lớn. Viện đã làm chủ công nghệ sản xuất giống các đối tượng thủy sản nước ngọt truyền thống như cá mè trắng, cá trôi, cá trắm cỏ, cá chép, cá lăng chấm, cá anh vũ, cá dầm xanh, cá chiên. Từ năm 2000 đến nay, Viện I đã thực hiện chuyển giao nhiều công nghệ, bao gồm: i) Công nghệ sản xuất giống và nuôi thương phẩm cá song chấm nâu; ii) Công nghệ sản xuất giống và nuôi thương phẩm cá song chuột; iii) Công nghệ sản xuất giống và nuôi thương phẩm cá hồng Mỹ; iv) Công nghệ sản xuất giống và nuôi thương phẩm cá chim vây vàng; v) Công nghệ sản xuất giống và nuôi thương phẩm cá giò; vi) Công nghệ sản xuất giống và nuôi thương phẩm tu hài; vii) Công nghệ sản xuất giống và nuôi thương phẩm ngao Bến Tre, ngao hoa; viii) Công nghệ sản xuất giống và nuôi thương phẩm hầu Thái Bình Dương; ix) Công nghệ sản xuất giống tôm chân trắng bố mẹ sạch bệnh; ix) Công nghệ sản xuất giống và nuôi thương phẩm cá lăng chấm; xi) Công nghệ sản xuất giống và nuôi thương phẩm cá hồi vân; xii) Công nghệ sản xuất cá rô phi đơn tính bằng phương pháp lai xa khác loài; xiii) Công nghệ sản xuất cá rô phi đơn tính; xiv) Công nghệ nuôi cá rô phi chọn giống; và xv) Công nghệ sản xuất giống cá chép. Về hợp tác quốc tế, và đào tạo nguồn nhân lực, Viện I đã tiến hành thành công dự án UNDP/FAO VIE 86/001 “Nghiên cứu và khuyến ngư”. Trong vòng 15 năm qua, Viện I đã mở rộng phạm vi hợp tác quốc tế với rất nhiều tổ chức như UNDP, FAO, DANIDA, NORAD, SIDA, ACIAR, DFID, ICLARM, EU, AECID AusAID, ...v.v. Cho đến năm 2007, Viện đã phối hợp đào tạo được 11 khóa đại học với 312 sinh viên đã tốt nghiệp. Từ đó đến nay đã có 14 khóa cao học với 222 học viên đã tốt nghiệp và 7 học viên đang học tập tại Viện. Đây là những chương trình đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao đầu tiên cho ngành nuôi trồng thủy sản phía Bắc. Hiện nay, ngoài chương trình đào tạo cao học ngành nuôi trồng thủy sản tại Viện, các cán bộ của Viện cũng đang tham gia đào tạo đại học, cao học cho một số trường đại học trong cả nước (Phan Thị Vân và các cộng sự, 2013). 

Về lĩnh vực cơ giới hóa nông nghiệp: Mức độ cơ giới hóa nông nghiệp là một trong những thước đo thể hiện năng lực hiện đại hóa sản xuất, hình thành sức cạnh tranh trong nền nông nghiệp hàng hóa. Hiện nay, trong nền nông nghiệp nước ta, mức độ cơ giới hoá bình quân các khâu trong sản xuất là như sau: làm đất trồng lúa đạt 35- 80 %; tưới lúa chủ động đạt 85%; thu hoạch đạt 23% (vùng ĐBSCL đạt 36%); sấy lúa chủ động ĐBSCL 39%; tuốt lúa 95%; xay xát lúa, gạo 95%, góp phần bảo đảm tính thời vụ khẩn trương, tăng năng suất, chất lượng và giảm tổn thất sau thu hoạch. Tuy nhiên, cơ giới hoá trong sản xuất nông nghiệp còn thấp, chưa đồng bộ và phát triển chưa toàn diện. So với các nước trong khu vực, mức độ trang bị động lực của nông nghiệp Việt Nam còn thấp, bình quân đạt 1,3 CV (Cheval-vapeur – Mã lực)/ha canh tác. Các khâu canh tác như gieo cấy, chăm sóc, thu hoạch lúa và các loại cây trồng khác mức độ cơ giới hóa rất thấp, lao động thủ công vẫn là chủ yếu (Cục Chế biến, Thương mại Nông Lâm Thủy sản và Nghề muối, 2011). Về nguồn nhân lực KHCN, Hội Cơ khí nông nghiệp Việt Nam được thành lập từ năm 1993. Đến nay, Hội đã có 756 hội viên, phần lớn là cán bộ khoa học kỹ thuật và quản lý, trong đó có: 26 giáo sư, phó giáo sư, 118 tiến sỹ, 328 thạc sỹ và Kỹ sư (Hội Cơ khí Nông nghiệp Việt Nam, 2016). Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt nam đến năm 2010, tầm nhìn 2020 (Thủ tướng Chính phủ, 2002b). Bên cạnh đó, là các chính sách hỗ trợ như: Quyết định số 497 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ lãi suất vốn vay mua máy móc thiết bị, vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp (Thủ tướng Chính phủ 2009b), và Quyết định số 2213 ngày 31/12/2009 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi một số điều của Quyết định số 497/QĐ-TTg ngày 17 tháng 4 năm 2009 về việc hỗ trợ lãi suất vốn vay mua máy móc, thiết bị, vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp và vật liệu xây dựng nhà ở khu vực nông thôn (Thủ tướng Chính phủ 2009d). Đến tháng 7 năm 2011, đã có 1.011.000 hộ gia đình và cá nhân được hưởng gói hỗ trợ này, với dư nợ cho vay theo Quyết định 497 là 739 tỷ đồng trong đó 656,4 tỷ đồng mua máy móc, thiết bị cơ khí và phương tiện phục vụ sản xuất, chế biến nông nghiệp (85%); theo Quyết định số 2213 đến cuối năm 2010 đạt 1.560,14 tỷ đồng trong đó 374,45 tỷ đồng là dư nợ với nhóm vật tư nông nghiệp (Cục Chế biến, Thương mại Nông Lâm Thủy sản và Nghề muối, 2011). Một số giải pháp tiếp tục phát triển ngành cơ khí nông nghiệp được xác định như sau: i) Bổ sung cơ chế chính sách thúc đẩy tổ chức cá nhân đầu tư máy móc nông nghiệp; ii) Tăng cường mối liên kết giữa các cơ quan quản lý Nhà nước với Hội Cơ khí Nông nghiệp; iii) Đổi mới công tác nghiên cứu ứng dụng, gắn với chuyển giao vào sản xuất máy móc, công cụ sản xuất nông nghiệp theo hướng tăng cường xã hội hóa (Hội Cơ khí Nông nghiệp Việt Nam, 2016). 

Xây dựng mạng lưới kết nối nguồn nhân lực KHCN: Hiện có những chính sách huy động nguồn nhân lực KHKT hiệu quả mà Bộ KH&CN đã và đang thực hiện, đó là phương thức huy động thông qua các dự án, đề án ứng dụng chuyển giao KHCN xây dựng nông thôn mới. Một trong số đó là “Đề án Xây dựng Mạng lưói chuyên gia Việt Nam trên thế giới”. Mục tiêu cụ thể của Đề án là: i) Hình thành Mạng lưới chuyên gia Việt Nam trên thế giới; ii) Cung cấp thông tin về các yêu cầu, đề xuất, dự án cụ thể của các đối tác trong nước có mục đích thu hút, sử dụng các chuyên gia người Việt Nam ở nước ngoài, chuyên gia giỏi nước ngoài; iii) Kết nối các đối tượng có khả năng và tiềm năng đóng góp cho sự nghiệp phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; iv) Cung cấp công cụ hỗ trợ tìm kiếm, tra cứu, lưu giữ thông tin, dữ liệu về các chuyên gia Việt Nam, các chuyên gia giỏi nước ngoài và các tổ chức, đơn vị đối tác tiềm năng có liên quan; v) Cung cấp các công cụ kết nối và nâng cao khả năng tiếp cận của cộng đồng các nhà khoa học, chuyên gia, nghiên cứu sinh, du học sinh, doanh nhân Việt Nam trên thế giới tới các nguồn thông tin KH&CN trong nước; vi) Cung cấp thông tin hệ thống về chủ trương, đường lối, chính sách, chế độ của Đảng và Nhà nước đối với đội ngũ KH&CN cũng như người Việt Nam ở nước ngoài trong lĩnh vực KH&CN và đổi mới sáng tạo (Bộ KH&CN, 2016h).  

Dự án tuyển chọn 600 trí thức trẻ làm Phó Chủ tịch UBND xã: Tên đầy đủ là “Dự án thí điểm tuyển chọn 600 trí thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học tăng cường về làm Phó Chủ tịch UBND xã thuộc 62 huyện nghèo”, được thực hiện theo Quyết định số: 170/QĐ-TTg, ngày 26 tháng 01 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ (Thủ tướng Chính phủ 2011b). Đến nay, nhiều trí thức trẻ đã phát huy được trình độ, năng lực và có đóng góp tích cực vào việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Kết quả như sau: có 258/575 trí thức trẻ (chiếm 44,9%) được quy hoạch vào chức danh lãnh đạo cao hơn (Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng cấp huyện; Bí thư, Phó Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND, HĐND xã; 190/575 trí thức trẻ (chiếm 33%) tiếp tục được quy hoạch giữ chức danh Phó Chủ tịch UBND xã nhiệm kỳ 2016–2021; còn lại 127/575 trí thức trẻ (chiếm 22,1%) chưa được quy hoạch. Như vậy, có 448/575 trí thức trẻ (chiếm 77,9%) được tiếp tục bố trí làm Phó Chủ tịch UBND xã và các chức danh lãnh đạo cao hơn (Chính phủ.vn.,2016). 

Ứng dụng tiêu chuẩn VietGAP: VietGAP (là cụm từ viết tắt của: Vietnamese Good Agricultural Practices) có nghĩa là Thực hành Sản xuất Nông nghiệp tốt ở Việt Nam, do Bộ NN& PTNT ban hành đối với từng sản phẩm, nhóm sản phẩm thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi. VietGAP là những nguyên tắc, trình tự, thủ tục hướng dẫn tổ chức, cá nhân sản xuất, thu hoạch, xử lý sau thu hoạch nhằm đảm bảo an toàn, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo phúc lợi xã hội, sức khỏe người sản xuất và người tiêu dùng; đồng thời bảo vệ môi trường và truy nguyên nguồn gốc sản xuất (VietGap 2015). Nhà nước có chính sách hỗ trợ cho việc ứng dụng quy trình VietGap trong các lĩnh vực sau: i) Hỗ trợ 100% kinh phí phục vụ công tác điều tra cơ bản, phân tích mẫu đất, nước, không khí và xây dựng vùng sản xuất VietGAP; ii) Hỗ trợ 50% vốn xây dựng các công trình cơ bản, hỗ trợ tập huấn kỹ thuật cho cán bộ, người dân; hỗ trợ thuê chuyên gia đánh giá về cấp chứng nhận sản phẩm; hỗ trợ ứng dụng công nghệ hiện đại trong công tác bảo vệ thực vật và được hỗ trợ xúc tiến thương mại (Thủ tướng Chính phủ, 2012b). Tình hình phát triển KHCN theo chuẩn VietGAP đã có những bước tiến mới trên cả nước. Ví dụ tại tỉnh Lâm Đồng, là tỉnh sản xuất rau lớn nhất cả nước với tổng diện tích là 53.600 ha, sản lượng thu được là 1,78 triệu tấn rau vào năm 2014 (Hoàng Liên Sơn, 2015). Tại thành phố Hồ Chí Minh, tính tới năm 2012, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã tập huấn tăng cường năng lực nguồn nhân lực và cấp giấy chứng nhận cho 6.084 người đủ tiêu chuẩn sản xuất, sơ chế rau an toàn theo VietGAP (Ngọc Sơn, Huệ Sơn và Bảo Vinh, 2015). Cũng trong giai đoạn 2010 – 2012 có 2185 hộ gia đình tham gia các mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ tiên tiến do trung tâm nghiên cứu; trung tâm khuyến nông và các doanh nghiệp tham gia chuyển giao. Tại Bắc Giang, mô hình sản xuất vải theo tiêu chuẩn VietGAP đang được thực hiện trên quy mô lớn tại huyện Lục Ngạn. Trong năm 2015, Lục Ngạn đã có kế hoạch triển khai 9,5 nghìn ha tại địa bàn 30 xã trên địa bàn huyện. Bên cạnh đó, tại huyện Thanh Hà, Hải Dương, mô hình cũng được áp dụng với quy mô lớn và đạt được hiệu quả kinh tế cao (Trịnh Lan 2015). 

2.4. Tập đoàn Lộc Trời - một kinh nghiệm mới từ khu vực ngoài nhà nước

Tiền thân của Tập đoàn Lộc Trời là Công ty Dịch vụ Bảo vệ Thực vật An Giang (AGPPS - An Giang Plant Protection Service) được Uỷ ban nhân dân tỉnh An Giang ra quyết định thành lập vào ngày 30/11/1993, với cơ sở vật chất ban đầu rất nhỏ bé, tiền vốn  kinh doanh ban đầu chỉ 750 triệu đồng và 23 nhân viên. Năm 1999, sau 06 năm hoạt động, Bảo vệ thực vật An Giang đã tăng vốn lên gấp 57 lần, doanh thu đạt mức 600 tỷ đồng, nộp ngân sách tổng cộng 109,8 tỷ đồng. Năm 2000, công ty được. Công ty được cổ phần hoá vào năm 2004 với số vốn điều lệ 150 tỷ đồng. Năm 2010, ngành Lương thực của công ty chính thức được khởi động. Những cánh đồng mẫu lớn đầu tiên được công ty xây dựng trên khắp vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long và Chuỗi giá trị lúa gạo đầu tiên của Việt Nam từng bước được định hình. Đến năm 2014, AGPPS chính thức tăng vốn điều lệ lên 652,05 tỷ đồng. Tổng giá trị tài sản của Công ty đến hết năm 2014 đạt 5.702 tỷ đồng.  Doanh thu của Công ty trong năm 2014 đạt 8.846 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 701 tỉ đồng. Tổng số nhân viên của AGPPS đến hết năm 2014 là 3.439 người. Năm 2015, AGPPS doanh thu đạt 10.294 tỉ đồng. Mục tiêu doanh thu đến năm 2020 sẽ đạt mức 1 tỷ USD. Sau 22 năm hoạt động, AGPPS đã trở thành nhà sản xuất, cung ứng sản phẩm và dịch vụ dẫn đầu Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp, với chuỗi giá trị bền vững từ nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh các sản phẩm hạt giống, thuốc bảo vệ thực vật, các sản phẩm hữu cơ sinh học. Đặc biệt, trong lĩnh vực lúa gạo, AGPPS đã trở thành công ty dẫn dầu trong việc xây dựng chuỗi giá trị sản xuất lúa gạo, với 5 nhà máy chế biến gạo hiện đại trải khắp vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long, với hơn 40.000 hộ nông dân tham gia sản xuất gạo chất lượng cao và an toàn cùng sự đồng hành kỹ thuật của gần 1300 kỹ sư nông nghiệp. Năm 2014, AGPPS đã chính thức bắt tay triển khai xây dựng chiến lược Chuỗi giá trị trên cây cà phê, với bước đi đầu tiên là hỗ trợ người nông dân Tây Nguyên tháo gỡ những khó khăn bức thiết trong việc tái canh cây cà phê. Ngày 23 tháng 8 năm 2015, AGPPS đã  chính thức đổi tên thành Tập đoàn Lộc Trời. Tập đoàn đã tiến những bước dài trong việc làm chủ quá trình nghiên cứu, chọn tạo các bộ giống mới phù hợp với điều kiện canh tác của Việt Nam và đáp ứng tốt nhất yêu cầu của thị trường thế giới. Tập đoàn đã xây dựng trung tâm nghiên cứu khoa học thuộc sở hữu công ty tư nhân đầu tiên tại Việt Nam đặt tại Định Thành, An Giang. Đây là Trung tâm nghiên cứu qui mô, tiên tiến, với đội ngũ khoa học tài năng, luôn sát cánh giúp người nông dân gia tăng hàm lượng chất xám và tạo nên sự khác biệt trong sản phẩm để chiếm ưu thế cạnh tranh trên thương trường. Tập đoàn hợp tác rộng rãi với các cơ quan nghiên cứu, các viện trường trong nước và quốc tế để chuyển giao những thành quả khoa học tiến bộ cho nông dân. Các bộ môn nghiên cứu của Trung tâm mang tính ứng dụng cao phục vụ cho hoạt động sản xuất nông nghiệp bao gồm:  Di truyền chọn giống, Bảo vệ thực vật, Khoa học đất và nông học, Vi sinh, Cơ khí nông nghiệp, Chế biến lương thực, thực phẩm. Ngoài ra, Tập đoàn Lộc Trời cũng đã xây dựng Trung tâm Nghiên cứu và thực nghiệm nông nghiệp Đà Lạt, với diện tích 17.000 m2 , có hệ thống nhà lưới và tưới tiêu áp dụng công nghệ cao của Israel. Mục tiêu của Trung tâm là tiến hành các hoạt động nghiên cứu ứng dụng trên chuỗi cây trồng từ lúa đến cà phê, cây công nghiệp và rau màu. Bên cạnh hoạt động nghiên cứu và thực nghiệm, Trung tâm còn tích cực hướng dẫn, chuyển giao công nghệ mới trong trồng rau và hoa tại Lâm Đồng và các tỉnh lân cận. (Lộc Trời 2017)

(Còn nữa…)

* Ghi chú: Bài viết cho Đề tài cấp Nhà nước Nghiên cứu đề xuất cơ chế chính sách huy động đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật tham gia chuyển giao khoa học công nghệ trong xây dựng nông thôn mới (thuộc Chương trình Khoa học Công nghệ Phục vụ Nông thôn mới) do tác giả làm Chủ nhiệm Đề tài (2017-2018).

Tài liệu dẫn

Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (2008). Nghị quyết Số: 26-NQ/TW Hội nghị lần thứ bảy Ban chấp hành Trung ương khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Hà Nội ngày 05 tháng 8 năm 2008.  


Bardach, E. (2012). A practical guide for policy analysis: The eightfold path to more effective problem solving, CQ Press. 

Bộ Chính trị (2014). Kết luận số 97-KL/TW của Bộ Chính trị về một số chủ trương, giải pháp tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 Khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Hà Nội ngày 9 tháng 5 năm 2014. 

Bộ KH&CN (2007). Quyết định số 1398/2007/QĐ-BKHCN Về việc phê duyệt kết quả tuyển chọn các tổ chức, cá nhân chủ trì thực hiện Dự án thuộc Chương Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ của doanh nghiệp thực hiện trong 2 năm 2007-2008, Hà Nội ngày 11/07/2007. 

Bộ KH&CN (2014a). Thông tư số 10/2014/TT-BKHCN, Quy định tuyển chọn, giao trực tiếp tổ chức và cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia sử dụng ngân sách nhà nước,  Hà Nội ngày 30/05/2014. 

Bộ KH&CN (2014b). Thông tư số 38/2014/TT-BKHCN, Quy định về đánh giá tổ chức khoa học và công nghệ,  Hà Nội ngày 16/12/2014. 

Bộ KH&CN (2014c). Thông tư số 38/2014/TT-BKHCN, Quy định về đánh giá tổ chức khoa học và công nghệ,  Hà Nội ngày 16/12/2014. 

Bộ KH&CN (2015a). Thông tư số 08/2015/TT-BKHCN Quy định thực hiện Chương trình hợp tác nghiên cứu song phương và đa phương về KH&CN đến năm 2020 và Chương trình tìm kiếm và chuyển giao công nghệ nước ngoài đến năm 2020,  Hà Nội ngày 05/05/2015. 

Bộ KH&CN (2015b). Quyết định số 2217/2015/QĐ-BKHCN về việc phê duyệt danh mục nhiệm vụ KH&CN đặt hàng thuộc Chương trình “Phát triển thị trường khoa học và công nghệ đến năm 2020” để xét giao trực tiếp bắt đầu thực hiện, Hà Nội ngày 30/8/2015. 

Bộ KH&CN (2015c). Thông tư số 20/2015/TT-BKHCN Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Nghị định số 93/2014/NĐ-CP ngày 17/10/2014 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 64/2013/NĐ-CP ngày 27/6/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động KH&CN, chuyển giao công nghệ,  Hà Nội ngày 05/11/2015. 

Bộ KH&CN (2016a). Thông tư số 07/2016/TT-BKHCN Quy định quản lý Chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2025,  Hà Nội ngày 22/04/2016. 

Bộ KH&CN (2016b). Thông tư số 19/2016/TT-BKHCN, Quy định quản lý Chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ và tổ chức khoa học và công nghệ công lập thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm,  Hà Nội ngày 28/10/2016. 

Bộ KH&CN (2016c). Quyết định số 2471/2016/QĐ-BKHCN về việc Bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh cứu khoa học:Nghiên cứu viên cao cấp (hạng I), Hà Nội ngày 31/8/2016. 

Bộ KH&CN (2016d). Quyết định số 2472/2016/QĐ-BKHCN về việc Bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh cứu khoa học:Nghiên cứu viên chính (hạng II), Hà Nội ngày 31/8/2016. 

Bộ KH&CN (2016e). Quyết định số 2474/2016/QĐ-BKHCN về việc Bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh Kỹ sư cao cấp (hạng I), Hà Nội ngày 31/8/2016. 

Bộ KH&CN (2016g). Quyết định số 2475/2016/QĐ-BKHCN về việc Bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh Kỹ sư chính (hạng II), Hà Nội ngày 31/8/2016. 

Bộ KH&CN (2016h). Quyết định số 3975/2016/QĐ-BKHCN Quyết định Phê duyệt Đề án Xây dựng Mạng lưói chuyên gia Việt Nam trên thế giói, Hà Nội ngày 14/12/2016. 

Bộ KH&CN (2016i). Quyết định số 154/2016/QĐ-BKHCN Quyết định Phê duyệt danh đặt hàng nhiệm vụ quỹ gien cấp quốc gia xét giao trực tiếp bắt đầu thực hiện từ năm 2016. Hà Nội ngày 28/01/2016. 

Bộ KH&CN (2017). Quyết định số 224/2017/QĐ-BKHCN Quy định về xây dựng dự toán chi công lao động khoa học của dự án thuộc “Chương trình Hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 - 2025”, Hà Nội ngày 15/02/2017. 

Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp Thực phẩm (2002). Quyết định số 77/2002/QĐ-BNN Hướng dẫn về mẫu hợp đồng tiêu thụ nông sản hàng hóa thực hiện Quyết định số 80/2002/QĐ-TTg ngày 24/6/2002 của Thủ tướng Chính phủ. Hà Nội ngày 28 tháng 08 năm 2002. 

Bộ NN&PTNT (2008a). Số 379/QĐ – BNN-KHCN, Quyết định ban hành quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt cho rau, quả tươi an toàn. Hà Nội, 28 tháng 1 năm 2008. 

Bộ NN&PTNT (2009a). Thông tư số 54/2009/TTBNNPTNT ngày 21 tháng 8 năm 2009 của Bộ Nông nghiệp và PTNT hướng dẫn thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới, Hà Nội. 

Bộ NN&PTNT (2009b). Số 3073/QĐ – BNN-KHCN, Quyết định ban hành các định mức tạm thời áp dụng cho các chương trình, dự án khuyến nông, khuyến ngư. Hà Nội ngày 28 tháng 10 năm 2009. 

Bộ NN&PTNT (2011). Quyết định 1376/QĐ-BNN-KHCN của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc thành lập tổ thẩm định đề cương gói thầu "Nâng cấp và xây dựng cơ sở dữ liệu Công nghệ sinh học nông nghiệp - thuỷ sản" thuộc "Chương trình trọng điểm phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực nông ngiệp và Phát triển nông thôn". Hà Nội ngày 22 tháng 9 năm 2011. 

Bộ NN&PTNT (2013a). Thông tư hướng dẫn thực hiện Bộ tiêu chí Quốc gia về Nông thôn mới. Hà Nội, ngày 04 tháng 10 năm 2013.  

Bộ NN&PTNT (2013b). Số 1258/QĐ – BNN-KHCN, Quyết định phê duyệt chương trình khuyến nông trung ương trọng điểm giai đoạn 2013 - 2020. Hà Nội, 4 tháng 6 năm 2013. 



Bộ NN&PTNT (2017). Quyết định số: 655/QĐ-BNN-TCTS: Về việc phê duyệt Kế hoạch chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ tái cơ cấu ngành thủy sản giai đoạn 2017-2020. Hà Nội. 

Chính phủ (1993). Nghị định số 13-CP của Chính phủ ban hành bản quy định về công tác khuyến nông. Hà Nội ngày 02 tháng 3 năm 1993. 

Chính phủ (2004b). Nghị định số 127/2004/NĐ-CP: Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động khoa học và công nghệ. Hà Nội ngày 31/5/2004. 

Chính phủ (2005a). Nghị định số 56/2005/NĐ-CP của Chính phủ về Khuyến nông Khuyến ngư, Hà Nội ngày 26 tháng 4 năm 2005. 

Chính phủ (2009). Nghị định số 49/2009/NĐ-CP: Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động chuyển giao công nghệ. Hà Nội ngày 21/5/2009. 


Chính phủ (2013b). Nghị định số 210/2013/NĐ-CP: Về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; Hà Nội ngày 19/12/2013. 

Chính phủ (2014a). Nghị định số 08/2014/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Khoa học và Công nghệ. Hà Nội ngày 27 tháng 01 năm 2014. 

Chính phủ (2014b). Nghị định số 67/2014/NĐ-CP: Về chính sách phát triển thủy sản. Hà Nội ngày 07/7/2014. 

Chính phủ (2015). Nghị định số 55/2015/NĐ-CP: Về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Nội ngày 9/6/2015.

Chính phủ.vn.(2016). Bộ Nội vụ trả lời về bố trí đội viên Dự án 600 Phó Chủ tịch xã http://baochinhphu.vn/Tra-loi-cong-dan/Bo-Noi-vu-tra-loi-ve-bo-tri-doi-vien-Du-an-600-Pho-Chu-tich-xa/247370.vgp,Ngày 04/02/2016. 

Chính phủ (2016). Nghị định (Số 34/2016/NĐ-CP) quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Phụ lục V, Mẫu số 01. Báo cáo đánh giá tác động của chính sách. Hà Nội ngày 14 tháng 5 năm 2016. 

Cục Chế biến, Thương mại Nông Lâm Thủy sản và Nghề muối (2011). Tình hình cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp hiện nay và các cơ chế chính sách hỗ trợ đầu tư máy móc thiết bị, vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp. Tham luận Hội thảo Cơ giới hóa nông nghiệp, ngày 26/10/2011 tại Hội chợ Nông nghiệp - Thương mại - Giao lưu kinh tế cửa khẩu Khánh Bình - An Giang 2011. 

Davis G., J. Wanna, J. Warhurst, and P. Weller (1993). Public Policy in Australia, Second Edition, Allen & Unwin. 

Dunn, W (2012). Public policy analysis: an introduction, Pearson.  

Đặng Kim Sơn (2011). Năm kiến nghị về quản lý khoa học công nghệ trong nông nghiệp  Tạp chí Tia sáng (Bộ Khoa học và Công nghệ), Số 17 ngày 5 tháng 9 năm 2011, Hà Nội.  

Đỗ Thị Kim Tiên (2017). Tiêu chí đánh giá chính sách trong xây dựng pháp luật. Nghiên cứu lập pháp, Tháng 3/2017. 

Hill, Michael (2005). Public Policy Process. Harlow, England; New York: Pearson Longman. 

Hoàng Liên Sơn (2015). Lâm Đồng ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, http://dangcongsan.vn/cpv/, cập nhật ngày 30.9/2015. 

Howard, Cosmo (2005). The Policy Cycle: a Model of Post-Machiavellian Policy Making? The Australian Journal of Public Administration, September 2005.  


Hội Cơ khí Nông nghiệp Việt Nam (2016). Cơ giới hóa nông nghiệp và tác động của chính sách. http://www.cogioihoa.com/tin-tuc-su-kien/co-gioi-hoa-nong-nghiep-va-tac-dong-cua-cac-chinh-sach/  

Kay, A (2006). The Dynamics of Public Policy: Theory and Evidence, in New horizons in public policy, Edward Elgar. Kingdon, J (2011). Agendas, Alternatives, and Public Policies, 2nd ed., New York: Pearson. 

Knoepfel, P, Larrue, C, Varone, F & Hill, M (2007). Public policy analysis, The Policy Press, University of Bristol, p.117. 

Kraft, Michaek E. and Scott R. Furlong (2007). Public Policy: Politics, Analysis, and Alternatives, Published by CQ Press. 

Kraft, Michaek E. and Scott R. Furlong (2015). Public policy: politics, analysis, and alternatives, 5th ed, CQ Press. 

Lộc Trời (2017). Nghiên cứu Khoa học, Đăng trong http://loctroi.vn/nghien-cuu-khoa-hoc/

Mạnh Bôn (2016). Không sớm sửa đổi Luật Chuyển giao công nghệ, Việt Nam khó có thể thành công trong hội nhập. http://tinnhanhchungkhoan.vn/dau-tu/Thứ Ba, 20/9/2016. 

Mintrom, M (2012). Contemporary policy analysis, Oxford University Press. Ngọc Sơn, Huệ Sơn và Bảo Vinh (2015). Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp,http:// www.nhandan.com.vn/

Nguyễn Anh Phương (2016a). Quy trình chính sách và phân tích chính sách trong hoạt động lập pháp ở Việt Nam. Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, số 02+03 (306+307). 

Nguyễn Anh Phương (2016b). Một số vấn đề của nghiên cứu chính sách và ứng dụng lập pháp ở Việt Nam, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, số 09 (313), tr. 31-40, Hà Nội.

Nguyễn Đăng Thành (2012). Đánh giá chính sách công ở Việt Nam: vấn đề và giải pháp, Tạp chí Cộng sản, ngày 17/12/2012. http://www.tapchicongsan.org.vn/Home/Nghiencuu-Traodoi/2012/19245/Danh-gia-chinh-sach-cong-o-Viet-Nam-van-de-va-giai.aspx.  

Nguyễn Minh Thuyết (2012). Chính sách và công cụ phân tích. Bài giảng tại Trung tâm bồi dưỡng đại biểu dân cử, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, 7/2012. 

Parsons D.W.  (1995). Public Policy: An Introduction to the Theory and Practice of Policy Analysis. Edward Elgar Publishing Ltd. Patton, Carl V. and David S. Sawicki (1993). Basic Methods of Policy Analysic and Planning, Published by Prentice Hall. 

Phan Thị Vân và các cộng sự (2013). Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I 50 năm xây dựng và phát triển. Tư liệu của Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I, Hà Nội. 

Quốc hội (2000). Luật Khoa học và Công nghệ. Luật số 21/2000/QH10, Quốc hội khóa X, kỳ họp thứ 7 thông qua  ngày 09 tháng 6 năm 2000. 

Quốc hội (2005). Luật sở hữu trí tuệ. Luật số: 50/2005/QH11, Quốc hội khóa XI, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 29 tháng 11 năm 2005. Hà Nội.  

Quốc hội (2006). Luật Chuyển giao Công nghệ, Luật số: 80/2006/QH 11, Hà Nội, ngày 29 tháng 11 năm 2006. 

Quốc hội (2008a). Luật Công nghệ cao, Luật số: 21/2008/QH 12, Hà Nội, ngày 13 tháng 11 năm 2008. Quốc hội (2008b). Luật cán bộ, công chức, Luật số 22/2008/QH12, Hà Nội ngày 13 tháng 11 năm 2008.  

Quốc hội (2011). Nghị quyết số 21/2011/QH13 về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIII. Hà Nội ngày 26 tháng 11 năm 2011.

Sharkansky I., and Richard I. Hofferbert (1969). Dimensions of State Politics, Economics and Public Policy. American Political Science Review 63: 869-79.

Spicker, Paul (2006). Policy Analysis for Practice: Applying Social Policy. Policy Press at the University of Bristol. Thissen, W & Walker, W (2013). Public Policy Analysis: New Developments, Springer, New York, p.3. 

Thủ tướng Chính phủ (2002a). Quyết định số 80/2002/QĐ-TTg về chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng hóa thông qua hợp đồng. Hà Nội ngày 24 tháng 6 năm 2002.   

Thủ tướng Chính phủ (2002b). Quyết định số 186/2002/QĐ-TTg Phê duyệt Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt nam đến năm 2010, tầm nhìn 2020. Hà Nội ngày 26/12/2002. 

Thủ tướng Chính phủ (2008b). Chỉ thị số 25/2008/CT-TTg., về việc tăng cường chỉ đạo tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng. Hà Nội, ngày 25 tháng 08 năm 2008.  

Thủ tướng Chính phủ (2009a). Quyết định số 491/QĐ-TTg., Về việc ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới. Hà Nội ngày 16, tháng 04, năm 2009.

Thủ tướng Chính phủ (2009b). Quyết định số 497/QĐ-TTg về việc hỗ trợ lãi suất vốn vay mua máy móc thiết bị, vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp và vật liệu xây dựng nhà ở khu vực nông thôn. Hà Nội, ngày 17 tháng 4 năm 2009.  

Thủ tướng Chính phủ (2009c). Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020. Hà Nội ngày 27/11/2009.  

Thủ tướng Chính phủ (2009d). Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 497/QĐ-TTg ngày 17 tháng 4 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ lãi suất vốn vay mua máy móc, thiết bị, vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp và vật liệu xây dựng nhà ở khu vực nông thôn. Hà Nội, ngày 31 tháng 12 năm 2009.  

Thủ tướng Chính phủ (2010b). Quyết định số 295/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Đề án “Hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm giai đoạn 2010 - 2015. Hà Nội ngày 26/02/2010. 

Thủ tướng Chính phủ (2010c). Quyết định số 800/QĐ-TTg. Phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 – 2020. Hà Nội ngày 04, tháng 06, năm 2010.

Thủ tướng Chính phủ (2011b). Quyết định số 170/QĐ-TTg., của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Dự án thí điểm tuyển chọn 600 trí thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học tăng cường về làm Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã thuộc 62 huyện nghèo. Hà Nội ngày 26/01/2011. 

Thủ tướng Chính phủ (2012a). Quyết định số 27/QĐ-TTg. Phê duyệt Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 – 2015. Hà Nội ngày 05 tháng 01 năm 2012. 


Thủ tướng Chính Phủ (2012c). Quyết định số 695/QĐTTg của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi nguyên tắc cơ chế hỗ trợ vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 2020, Hà Nội ngày 08 tháng 6 năm 2012.

Thủ tướng Chính phủ (2015). Quyết định số 1747/QĐ-TTg., Phê duyệt chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN thúc đẩy phát triển KT-XH nông thôn, miền núi, vùng DTTS giai đoạn 2016-2025. Hà Nội  ngày 13 tháng 10 năm 2015.

Thủ tướng Chính phủ (2016b). Quyết định số 1600/QĐ-TTg., phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 – 2020. Hà Nội ngày 16 tháng 8 năm 2016.

Thủ tướng Chính phủ (2016c). Quyết định số 1980/QĐ-TTg., về việc ban hành bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016 – 2020. Hà Nội ngày 17 tháng 10 năm 2016.

Thủ tướng Chính phủ (2017). Quyết định số 45/QĐ-TTg. Phê duyệt Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 – 2020 (Sửa đổi, bổ sung Quyết định số 27 QĐ-TTg., ngày 05 tháng 01 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ). Hà Nội ngày 12 tháng 01 năm 2017.

Trịnh Lan (2015). Lục Ngạn: Diện tích vải thiểu sản xuất VietGAP tăng, http:// baobacgiang.com.vn/bg/khoa-hoc/140072/luc-ngan--dien-tich-vai-thieu-vietgap-tang.html, cập nhật ngày 30/9/2015.

VAAS (2008) Chuyển giao công nghệ và khuyến nông tại Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam. http://www.vaas.org.vn/chuyen-giao-cong-nghe-va-khuyen-nong-tai-vien-khoa-hoc-nong-nghiep-viet-nam-a5911.html

VAAS (2017). Mười hai cách người Israel thay đổi nền nông nghiệp thế giới, Viện KHNN Việt Nam, Hà Nội. http://vaas.org.vn/12-cach-nguoi-israel-thay-doi-nen-nong-nghiep-the-gioi-a16862.html, Ngày đăng: 26/01/2017.

VAFS (2005). Những thành tựu chủ yếu trong nghiên cứu khoa học và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất cuả Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt nam. http://vafs.gov.vn/vn/2005/07/nhung-thanh-tuu-chu-yeu-trong-nghien-cuu-khoa-hoc-va-chuyen-giao-tien-bo-ky-thuat-vao-san-xuat-cua-vien-khoa-hoc-lam-nghiep-viet-nam/.  

Viện Chiến lược và Chính sách KHCN (2014). Luật Khoa học và công nghệ 2013: Nền tảng phát triển mạnh mẽ, http://nistpass.gov.vn:81/tin-chien-luoc-chinh-sach/630-luat-khoa-hoc-va-cong-nghe-2013-nen-tang-phat-trien-manh-me.html, Hà Nội 24/2/2014. 

VietGap (2015).  Lợi ích khi áp dụng VietGap. http://www.vietgap.com/1553/cm/loi-ich-khi-ap-dung-vietgap.html cập nhật ngày 19/9/2015. 

Walker W, Fisher G (1994). Public Policy Analysis: a brief definition, RAND Paper. 

Weimer, D & Vining, A (2011). Policy Analysis: Concepts and Practice, Pearson.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét