Trách nhiệm giải trình xã hội*
Hà Hữu Nga
1. Trách nhiệm giải trình xã hội là gì?
Trách nhiệm giải trình xã hội
là những hành động do các nhóm công dân khởi xướng nhằm đảm bảo rằng các quan
chức nhà nước, các nhà lãnh đạo, và các nhà cung cấp dịch vụ phải giải trình về
tư cách và hành động của họ trong khuôn khổ chuyển giao các dịch vụ, cải thiện
phúc lợi của người dân và bảo vệ các quyền của họ. Các cuộc bàu cử và việc thực
hiện quyền lực của người dân là những hành động điển hình của người công dân.
Nhưng việc tiếp cận trách nhiệm giải trình xã hội lại đại diện cho một kiểu
hành động khác – và điều đó thể hiện cấp độ cam kết và tham gia của người dân ở
mức cao hơn. Trách nhiệm giải trình xã hội đòi hỏi người dân, nhất là những người
nghèo tham gia vào các hoạt động: i) thu thập thông tin về các chương trình, dự
án của chính phủ để có được một tập hợp các dữ liệu vững chắc; ii) phân tích
các thông tin đã thu thập được; và iii) sau đó sử dụng các thông tin đã được
thu thập, phân tích một cách thận trọng để đảm bảo rằng các quan chức nhà nước,
các nhà lãnh đạo, các nhà quản lý, các nhà cung cấp dịch vụ phải thực sự phục vụ
cho lợi ích của người dân một cách hiệu quả, và công bằng. [Edwards and Hulme
1996].
Trách nhiệm giải trình theo nghĩa hẹp là phương tiện mà các cá nhân
và tổ chức sử dụng để báo cáo lên cấp có thẩm quyền và phải chịu trách nhiệm về
các hành động của họ [Mulgan 2000a].
Định nghĩa này bao gồm một số
khái niệm sau: i) có tính bên ngoài: giải trình với một cấp thẩm quyền bên
ngoài nào đó; ii) liên quan đến các tương tác và trao đổi xã hội: “có thể trả lời
cho ai đó và chấp nhận thưởng phạt, phê chuẩn”; và iii) hàm ý về các quyền của
cấp có thẩm quyền: gọi một người nào đó đến để giải trình, yêu cầu trả lời và
buộc phải chấp nhận hình phạt hoặc khen thưởng.
Trách nhiệm giải trình theo nghĩa rộng biểu hiện mối quan hệ giữa một
cá nhân/nhóm, tổ chức có các quyền hoặc một yêu cầu pháp lý mà các cá nhân, hoặc
tổ chức phải chịu trách nhiệm thực hiện đầy đủ hoặc nói về đến quyền đó bằng
cách đưa ra hành động cụ thể hoặc từ bỏ các hành động đặc biệt (người chịu
trách nhiệm). Theo ngôn ngữ về các quyền thì trách nhiệm giải trình liên quan đến
tính chất phải trả lời của người chịu trách nhiệm và tiếng nói của người có quyền
nhằm kết nối các nhu cầu và đòi hỏi các quyền của họ [Lipsky, M. and Smith, S.
R. 1990; Mulgan, R. 2000b].
Tiếng nói là thế mạnh của sự thúc bách mà người ra
quyết định hoặc người chịu trách nhiệm nhận được từ người có quyền. Việc có
trách nhiệm trả lời là nói về cách thức mà một cá nhân, tổ chức hiểu về các nhu
cầu và trả lời cho các yêu cầu của các nhóm đặc biệt nào đó, ví dụ như nhóm người
nghèo chẳng hạn.
Trách nhiệm giải trình dọc biểu hiện mối quan hệ trực tiếp
giữa công dân và các đại biểu nắm giữ cơ quan công quyền trước hết là thong qua
bàu cử nhưng cũng có thể thông qua nhiều hình thức tham gia trực tiếp và các hoạt
động của các tổ chức công dân khác.
Trách nhiệm giải trình ngang thuộc về các cơ chế được các
thể chế nhà nước sử dụng để buộc người ta phải giải trình nhân danh người dân.
Trách nhiệm giải trình ngang trước hết hàm ý là người thực hiện có trách nhiệm
trả lời với luật pháp, toà án, và các cơ quan đặc trách, chẳng hạn như các uỷ
ban về quyền con người; những người bảo vệ luật pháp/các thanh tra, kiểm
tra; tổng kiểm toán, các uỷ ban bàu cử độc
lập; các ngân hàng trung ương độc lập; các nhà cầm quyền; và các tổ chức chống
tham nhũng.
Trách nhiệm giải trình ngược là trách nhiệm phải trả lời của
các cấp thấp cho cấp cao hơn, chẳng hạn một cơ quan hành chính địa phương phải
có trách nhiệm giải trình với một cơ quan trung ương quản lý cơ quan đó.
Trách nhiệm giải trình xuôi là trách nhiệm phải trả lời của
các cấp cao hơn cho một cấp thẩm quyền
thấp hơn, ngược lại với trường hợp giải trình ngược, một cơ quan cấp trung ương
có trách nhiệm trả lời cho cơ quan cấp dưới của mình những vấn đề có liên quan
nhằm hỗ trợ cho các hoạt động của cấp dưới được trôi chảy.
Trách nhiệm giải trình xã hội thể hiện trách nhiệm trả lời
của các tổ chức đối với người dân. Trách nhiệm này trước hết liên quan đến quản
trị công, nhưng cũng còn có nghĩa là trách nhiệm giải trình của các đối tác
phát triển cho những người hưởng lợi cuối cùng trong các dự án phát triển.
Trách nhiệm giải trình chung thể hiện mối liên quan trách
nhiệm giải trình dựa trên khái niệm hợp đồng. Nó đã trở thành một khái niệm
quan trọng đặc biệt là trong quan hệ trợ giúp phát triển. Tuyên bố Paris quy định
rằng “Các nhà tài trợ và các đối tác có trách nhiệm giải trình về các kết quả
phát triển: một ưu tiên chính cho các nước đối tác và các nhà tài trợ là tăng
cường trách nhiệm giải trình chung và tính minh bạch trong việc sử dụng các nguồn
lực phát triển. Trách nhiệm đó cũng giúp củng có sự hỗ trợ của công chúng cho
các chính sách quốc gia và sự trợ giúp phát triển”.
Trách nhiệm giải trình ngoài thể hiện trách nhiệm giải
trình của các cơ quan phát triển quốc nội đối với các nhà tài trợ và các đối
tác ngoại quốc, và thường là không hoàn toàn giống với các trách nhiệm giải
trình quốc nội.
Trách nhiệm giải trình trong thể hiện hàng loạt mối quan hệ
giải trình trách nhiệm thuộc cơ cấu hành chính, luật pháp, truyền thống của một
quốc gia, bao gồm các trách nhiệm giải trình dọc, trách nhiệm giải trình ngang,
trách nhiệm giải trình xuôi, trách nhiệm giải trình ngược, và trách nhiệm giải
trình xã hội [Lipsky, M. and Smith, S. R. 1990; Mulgan, R. 2000b].
2. Các chiến lược tham gia bằng trách nhiệm giải trình xã hội
Trách niệm giải trình xã hội
được xây dựng dựa trên bốn trụ cột là:
(1) tổ chức những người dân có
năng lực lại thành các nhóm;
(2) tạo dựng được môi trường với
những con người thực sự hoạt động vì lợi ích của người dân
(3) đảm bảo tính thích hợp về
văn hoá; và,
(4) tiếp cận được với các nguồn
thông tin.
2.1. Cách tiếp cận trách nhiệm giải trình xã hội
Các hành động được coi là những
cách tiếp cận trách nhiệm giải trình xã hội bao gồm việc hoạch định chính sách
công bằng phương pháp tham gia, xây dựng ngân sách tham gia, theo dõi việc chi
tiêu công cộng, thực hiện giám sát đánh giá có sự tham gia. Bên cạnh đó giải
trình trách nhiệm xã hội còn bao gồm các nỗ lực nhằm nâng cao sự hiểu biết của
người dân và sử dụng các cơ chế truyền thống giải trình chẳng hạn như thông qua
giáo dục công cộng về các quyền lợi hợp pháp của người dân và các dịch vụ mà
người dân có quyền được tiếp cận; trách nhiệm giải trình xã hội còn là những nỗ
lực cải thiện tính hiệu quả của các cơ chế giải trình nội tại, chẳng hạn như sự
tham gia của người dân vào các nhiệm vụ, các phiên toà công cộng, các tổ chức
tư vấn công dân, và các ban giám sát [Lipsky, M. and Smith, S. R. 1990; Mulgan,
R. 2000b].
2.2. Trách nhiệm giải trình xã hội thể hiện như thế nào?
Trách nhiệm giải trình xã hội
phát triển từ khái niệm tham gia của người dân vào công việc quản trị công. Khi
các cơ chế của chính phủ và các lực lượng thị trường không thể cải thiện tình
hình một cách toàn diện đặc biệt là trong việc thanh toán các tệ nạn như tham
nhũng, xoá bỏ nghèo đói thì cần phải có thêm sự tham gia trực tiếp của người
dân vào các hoạt động đó.
2.3. Ai đóng vai trò quan trọng nhất trong trách nhiệm giải trình xã hội?
Người đóng vai trò quan trọng
nhất trong trách nhiệm giải trình xã hội là cả các nhóm công dân và các quan chức
nhà nước. Các cơ quan nhà nước có trách nhiệm tạo điều kiện cho người dân có thể
tiếp cận được với tất cả các nguồn thông tin trong khi người dân phải khẳng định
được các quyền của mình trong việc tham gia vào công việc quản trị công cộng.
Công dân phải được tổ chức lại để có thể tham gia tốt hơn vào tất cả các hoạt động
có liên quan [Lipsky, M. and Smith, S. R. 1990; Mulgan, R. 2000b].
2.4. Khi nào thì người dân tham gia vào trách nhiệm giải trình xã hội?
Cần phải tiến hành hoạt động
trách nhiệm giải trình xã hội ở mọi giai đoạn trong toàn bộ các khâu của dự án.
Quyền công dân không chỉ được thực hiện trong bàu cử là nơi người dân bỏ phiếu
bầu các đại biểu của mình. Cách tiếp cận giải trình trách nhiệm xã hội còn kêu
gọi người dân tham gia vào việc giám sát tư cách và các hành động của những người
đại diện cho quyền lợi của mình, và của những người cung cấp cách dịch vụ xã hội
cho mình.
Cách tiếp cận trách nhiệm giải
trình xã hội trước hết có thể được coi là: i) nhà nước đảm bảo mở cửa cho người
dân tham gia vào các hoạt động của dự án; và ii) người dân mong muốn và sẵn
sàng tham gia vào các hoạt động của dự án. Động thái của mối quan hệ giữa nhà
nước và người dân là một quá trình tham gia mang tính xây dựng [Lipsky, M. and
Smith, S. R. 1990; Mulgan, R. 2000b].
Tại sao trách nhiệm giải trình
lại có tính chất sống còn đối với việc phát triển năng lực? Khi đề cập đến phát
triển năng lực người ta thường nghĩ ngay đến loại hoạt động hướng đến củng cố tổ
chức. Người ta đương nhiên thừa nhận rằng nguồn nhân lực được đào tạo tốt và được
trang bị kỹ thuật tiên tiến thì sẽ có được những dịch vụ chất lượng cao. Kinh
nghiệm cho thấy không hoàn toàn như vậy. Trong khi việc đầu tư vào nhân sự, các
quy trình và các hệ thống trong khu vực công (bên cung) là rất quan trọng thì
các tổ chức lại thường thực hiện tốt hơn khi các tổ chức đó có hệ thống giải
trình trách nhiệm vận hành thông suốt bởi các chủ sở hữu, các bên liên quan hoặc
các khách hàng (bên cầu).
Áp lực trách nhiệm giải trình
mà các nhóm này phải làm tạo ra các động cơ cho việc hoàn thành nhiệm vụ. Điều
đó thể hiện rất rõ ràng trong khu vực tư nhân, trong đó các công ty luôn sẵn
sàng đáp ứng các nhu cầu của các khách hàng để đảm bảo sự sống còn của mình.
Ngược lại khi không có cạnh tranh thì chất lượng của các dịch vụ công thường
không đáng ứng được như mong đợi mặc dù người ta đã đầu tư rất nhiều cho việc
phát triển nhân lực và cung cấp đầy đủ các trang thiết bị hiện đại. Khái niệm
“người có quyền” và “người có nghĩa vụ” có thể sẽ minh hoạ rất hữu hiệu cho mối
quan hệ giữa những người cung cấp dịch vụ (bên cung) và những người sử dụng dịch
vụ (bên cầu), và tầm quan trọng của các cơ chế giải trình trách nhiệm gắn kết cả
bên cung lẫn bên cầu lại với nhau [Lipsky, M. and Smith, S. R. 1990; Mulgan, R.
2000b].
Người
có nghĩa vụ,
chẳng hạn các Bộ thuộc chính phủ cung cấp các dịch vụ công cộng.
Người
có quyền là những người hưởng lợi hợp
pháp các hoạt động của những người có nghĩa vụ. Chẳng hạn như các công dân là
người có quyền đối với các dịch vụ công do chính phủ cung cấp.
Các
cơ chế trách nhiệm giải trình ràng buộc cả hai bên bằng các quy định, các quyền và
các trách nhiệm đã được xác định. Các cơ chế này giúp cho những người có quyền
nói lên các nhu cầu của mình và xác lập trách nhiệm của người có nghĩa vụ phải
đáp ứng các nhu cầu đó.
Trách nhiệm đáp ứng là
cách thức mà “người có nghĩa vụ” nhận thức và thấu hiểu được nhu cầu của “người
có quyền” và phải có trách nhiệm đáp ứng các nhu cầu của các nhóm riêng biệt,
chẳng hạn như nhóm người nghèo trong xã hội, hoặc các bên tiếp nhận một dịch vụ
đặc biệt nào đó [Rhodes,
R. A. W. 1997; Scott, C. 2000].
Các cơ chế trách nhiệm giải
trình giúp chỉ đạo, giám sát, và điều chỉnh hành vi trong toàn bộ hệ thống xã hội,
bao gồm: gia đình, các nhóm người, các tổ chức, và các xã hội nói chung. Trong
các xã hội tiên tiến, chính phủ được tổ chức để giải trình chỉ ở mức tối thiểu
vì họ đã được bàu và có thể bị thay thế bằng hòm phiếu. Vì điều đó đơn giản là
không đủ, hàng loạt cơ chế đã được dựng lên để kiểm tra khu vực hành chính công
từ địa phương đến cấp quốc gia. Trong khu vực tư nhân, người giám đốc có trách
nhiệm giải trình với các cổ đông. Các cơ quan quốc tế được tổ chức để có trách
nhiệm giải trình thông qua các bộ phận quản trị của các cơ quan này. Các hội
đoàn địa phương và các tổ chức phi chính phủ có các bộ phận hoặc các hội đồng để
đảm bảo rằng họ phục vụ cho các mục tiêu mà họ đã được uỷ nhiệm. Vì vậy việc
coi trách nhiệm giải trình là tiêu điểm trong các hoạt động củng cố xã hội có
thể trở thành một lối tiếp cận chiến lược nhằm thúc đẩy sự phát triển năng lực
xã hội. Tối thiểu cũng có năm lý do để khẳng định giải trình trách nhiệm là
tiêu điểm trong các hoạt động củng cố xã hội [Barrett, P. 1999; Leat, D. 1990; Mulgan,
R. 2000a; Uhr, J. 1993]:
• Các động cơ – Các cơ
chế trách nhiệm giải trình tạo điều kiện cho các sức ép của bên cầu phải được
bên cung đáp ứng.
• Tính hợp pháp – Trách nhiệm giải trình tạo dựng tính hợp pháp trong
việc ra quyết định, trong các quá trình thực hiện và giám sát, và vì vậy nó có
thể đẩy mạnh khả năng của các cá nhân và các nhóm hành động nhân danh quyền lợi
hợp pháp của nhóm.
• Tăng cường quyền lực –
Các cơ chế trách nhiệm giải trình có thể được sử dụng để tăng cường quyền lực
cho người dân nhằm đảm bảo các quyền hợp pháp của họ theo cách tiếp cận “từ dưới
lên”, để rèn luyện một nền văn hoá dân chủ thông qua phương thức tham gia và nhập
cuộc của người dân, và để bảo vệ người dân khỏi tình trạng lạm dụng quyền lực.
• Xây dựng chính sách –
Chuỗi trách nhiệm giải trình cho phép kiểm tra và đảm bảo cân bằng trong các
quá trình đưa ra các quyết định nhằm tăng cường tính minh bạch và hạn chế các
tác động tiêu cực của các nhóm lợi ích đối với việc xây dựng và thực hiện các
chính sách công.
• Hành động phát triển –
Các cơ chế trách nhiệm giải trình có thể được thiết kế, được tuyên truyền, được
thực hiện và được đo lường bằng các thước đo cụ thể. Có thể thấy rằng các cơ chế
trách nhiệm giải trình hữu hiệu là một phần quan trọng của bất cứ hệ thống quản
lý xã hội nào được vận hành trôi chảy. Giống như các cơ thể sống, và các hệ
sinh thái vận hành bằng chuỗi hồi tiếp, các hệ thống xã hội cũng có các chức
năng điều tiết. Các cơ chế trách nhiệm giải trình là một bộ phận của các hệ thống
đó và tạo thuận lợi cho các hệ thống xã hội học tập, tự điều chỉnh mà vẫn thích
hợp với các cử tri của mình, và đạt được các mục đích tương ứng. Vì vậy mà khả
năng của một quốc gia trong việc quản lý các hoạt động của quốc gia đó không chỉ
tuỳ thuộc vào “người có nghĩa vụ” chuyển giao các dịch vụ liên quan, mà nó còn
tuỳ thuộc vào các cơ chế tạo điều kiện cho “người có quyền” đảm bảo có được các
dịch vụ thích hợp với nhu cầu của mình [Barrett, P. 1999; Leat, D. 1990; Mulgan,
R. 2000a; Uhr, J. 1993].
3. Các nguyên tắc của trách nhiệm giải trình xã hội
3.1. Các nguyên
tắc nền tảng phải đáng tin cậy và hợp pháp
Về cơ bản trách nhiệm giải
trình được thực thi khi người dân nhất trí cam kết với nhau bằng sức mạnh ràng
buộc mang tính đạo đức. Sự nhất trí đó có thể được thực hiện dựa trên cơ sở các
nguyên tắc phi chính thức hoặc thông qua một hợp đồng chính thức. Nếu các
nguyên tắc không rõ ràng thì người dân có thể hiểu lầm về các vai trò và trách
nhiệm có liên quan và tác động tiêu cực đến các nỗ lực tập thể. Các nguyên tắc
cơ bản được soạn thảo trong sáng, dễ hiểu giúp làm nổi bật mục đích chung [Barrett,
P. 1999; Leat, D. 1990; Mulgan, R. 2000a; Uhr, J. 1993].
3.2. Tính minh
bạch, khả năng tiếp cận thông tin và nhận thức
Tính minh bạch là một trụ cột của niềm tin
và tính hợp pháp trong các hệ thống xã hội. Người dân (người có quyền) chỉ có
thể khẳng định được các quyền của mình khi họ nhận thức rõ các quyền mà họ có,
khi các quy trình đó thực sự minh bạch,
và khi người dân người dân tiếp cận được với các nguồn thông tin chủ yếu. Hơn nữa
việc tiếp cận được các nguồn thông tin đảm bảo cho người dân tăng thêm năng lực
tham gia của mình vào các quá trình củng cố và phát triển xã hội. Một bộ luật về
quyền tiếp cận thông tin có thể có ý nghĩa quyết định trong việc tạo lập môi
trường và dẫn đến công khai minh bạch trong các hoạt động của khu vực công [Rhodes,
R. A. W. 1997; Scott, C. 2000]
3.3. Các sự kiện, bằng chứng
và tính khách quan
Ngay cả ở những nơi người ta chưa hoàn
toàn nhất trí với các quy tắc cơ bản thì những sáng kiến nhằm xác lập các bằng
chứng vẫn là những phương tiện đầy sức thuyết phục để thu hút sự quan tâm của
các bên liên quan. Các đánh giá kết quả thực hiện, đánh giá chức năng, đánh giá
chi tiêu công cộng, phân tích giới, đánh giá chương trình, dự án và các đánh
giá của các nhà chuyên môn đều là những phương tiện hữu ích cho việc tạo dựng mức
độ đáng tin cậy của thông tin liên quan. Mức độ độc lập của tổ chức chịu trách
nhiệm đánh giá cũng như trình độ hiểu biết của các nhóm khách hàng hoặc các bên
liên quan sẽ làm tăng tình hợp pháp của bất kỳ đánh giá nào về dự án. [Lipsky, M. and Smith, S. R. 1990]
3.4. Thường
xuyên kiểm soát, giám sát
Trong các xã hội tiên tiến, có hàng loạt
cơ chế thể chế hoá việc kiểm soát và giám sát. Chẳng hạn các thực thể bất kỳ
nào đó, chẳng hạn như Tổng kiểm toán hoặc Uỷ ban Bầu cử độc lập được uỷ nhiệm
buộc các cơ quan nhà nước khác phải có trách nhiệm giải trình – và hành động đó
chính là gián tiếp thay mặt người dân để kiểm soát và giám sát các dịch vụ
công. Các cơ chế và các thực thể như vậy có thể giám sát các mối liên hệ trách
nhiệm giải trình theo thời gian. Tương tự như vậy, các tổ chức độc lập đánh giá
các hoạt động của mình, và các dự án thường được giám sát, đánh giá định kỳ để
điều chỉnh và cải thiện các yếu kém. [Lipsky, M. and Smith, S. R. 1990; Mulgan,
R. 2000b; Rhodes, R. A. W. 1997; Scott,
C. 2000]
3.5. Cải thiện
khả năng tiếp cận các nguồn lực và trọng
tài phân xử
Việc tiếp cận với hệ thống luật
pháp và hành pháp, đặc biệt là đối với người nghèo ở nhiều nơi trên thế giới vẫn
còn rất hạn chế. Ngay cho dù có quyền và có các thể chế công, nhưng các quyền
và các thể chế này có thể bị thiên lệch theo quyền lợi của các nhóm lợi ích
khác nhau. Nhiều cơ quan, tổ chức đã sử dụng một cách thành công hoạt động của
toà án để thực hiện các quyền, và sử dụng toà án để thúc đẩy một cách có ý thức
việc cải thiện khả năng hưởng lợi của những người yếu thế và những người dễ bị
tổn thương. Thể chế thanh tra, kiểm tra được thành lập ở nhiều nước đều ít nhiều
là các thể chế độc lập xem xét các khiếu kiện của người dân và tìm kiếm các giải
pháp và tạo lập một môi trường công bằng trong xã hội.
3.6. Đưa trách
nhiệm giải trình đến với người dân
Khi người sử dụng các dịch vụ
thực sự có cơ hội để tác động ảnh hưởng đến các chính sách và các dịch vụ công
thì họ sẽ tăng cường kết nối các nhu cầu của mình lại với nhau. Giải tập trung
hoá không nhất thiết đảm bảo rằng các dịch vụ được chính quyền địa phương cung
cấp luôn luôn hiệu quả, thoả đáng và đảm bảo khả năng giải trình trách nhiệm.
Tuy nhiên việc củng cố các kênh truyền thông và các cuộc đối thoại giữa người
dân với các thể chế chính quyền địa phương thường hiệu quả trong việc cải thiện
trách nhiệm giải trình trực tiếp và các hoạt động cung cấp dịch vụ cho người
dân địa phương.
3.7. Tạo dựng
cách kênh và các môi trường tham gia
Cách tiếp cận này tập trung vào các kênh
thể chế và môi trường mà người dân có thể tham gia vào các quá trình ra quyết định.
Các cơ chế tham gia có nhiều hình thức khác nhau, bao gồm các cơ chế tham vấn
công chúng, các cuộc hội họp với công chúng, lắng nghe các hội đồng địa phương,
thực hiện các cuộc tham vấn về các lựa chọn của các dự án, hoặc các diễn đàn
trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Cách tiếp cận tham gia trong xây dựng
kế hoạch, dự thảo ngân sách và đánh giá tham gia đều là các cơ chế có thể được
sử dụng thành công nhằm tăng tiếng nói của người dân. Các cơ chế thanh tra, kiểm
tra xã hội đều có thể và phải được sử dụng để đảm bảo các hoạt động trách nhiệm
giải trình xã hội. Tuy nhiên công việc tham vấn nặng nhọc đã trở thành một hiện
tượng thông thường và là nhu cầu không thể thiếu để đảm bảo các quyền của người
dân và để đảm bảo rằng người dân hiểu rõ các vấn đề được tham vấn và sẵn sàng
tham dự một cách hiệu quả vào các cuộc tham vấn vì các lợi ích của bản thân họ.
[Edwards and Hulme 1996; McDonald, C. 1999; Milward, H. B. and Provan, K. G. 2000.].
3.8. Tiếng nói
của người dân và khả năng kết nối tham gia
Các cách tiếp cận đã được đề cập đều nhấn
mạnh các thay đổi cấu trúc và việc mở ra các cơ hội bằng cách thay đổi các yếu
tố trong mối quan hệ trách nhiệm giải trình. Cách tiếp cận này nhằm trực tiếp
tăng cường khả năng của những người có quyền, đặc biệt là người nghèo và những
người ủng hộ họ để họ có thể nói ra, có thể tổ chức, hiểu biết các quyền của
mình và khẳng định các quyền đó. Các tổ chức xã hội dân sự thường gắn bó với
các bên liên quan địa phương và hiểu rõ những khó khăn, hạn chế mà người dân gặp
phải trong việc nói ra được các nhu cầu của họ đối với việc tham gia vào các
quá trình xây dựng và thực hiện chính sách. Việc tiếp cận với giáo dục có chất
lượng, các chiến dịch truyền thông nâng cao nhận thức của người dân, việc hỗ trợ
cho sự phát triển khả năng lãnh đạo của các cấp địa phương hoặc những cách tiếp
cận khác để tăng cường năng lực tham gia của người dân đều cần đến việc củng cố
các phương thức kết nối nhu cầu của người dân [Barrett, P. 1999; Leat, D. 1990;
Mulgan, R. 2000a; Uhr, J. 1993]
Phần trên đã cố gắng làm rõ những
cách tiếp cận khác nhau đối với việc củng cố năng lực của một hệ thống xã hội để
vận hành một cách hiệu quả bằng cách sàng lọc các cấu trúc xã hội. Việc đầu tư
vào trách nhiệm giải trình có thể duy trì sức khoẻ của hệ thống, củng cố quyền
sở hữu và tính hợp pháp và ươm mầm cho sự phát triển các năng lực bền vững ở tất
cả các cấp độ xã hội. Các câu hỏi sau đây tóm tắt các khía cạnh mà các nhà hoạt
động thực tiễn có khuynh hướng xem là các lựa chọn trong bối cảnh các thách thức
cụ thể mà họ phải đối mặt:
1.
Các nguyên tắc cam kết cơ bản nào hữu ích cho việc phát triển năng lực xã hội?
2.
Các thước đo nào có thể làm tăng tính minh bạch và quyền tiếp cận với các nguồn
thông tin?
3.
Người ta có thể xác lập các sự kiện và mở rộng việc tập hợp bằng chứng như một
cơ sở công bằng cho hành động tập thể như thế nào?
4.
Có nên thể chế hoá các cơ chế trách nhiệm giải trình và giám sát thường xuyên không?
5.
Cần phải cải thiện quyền tiếp cận chính thức và không chính thức đối với các
nguồn và quyền làm trọng tài phân xử như thế nào?
6.
Nên đưa những chuỗi trách nhiệm giải
trình nào đến với người dân địa phương?
7.
Cần phải mở ra những kênh tham gia và truyền thông nào?
8.
Có thể hỗ trợ năng lực của người dân và các tổ chức dựa trên cơ sở cộng đồng để
kết nối các nhu cầu và khẳng định các quyền của người dân như thế nào?
__________________________________________________
*
Tài liệu
Hướng dẫn “Trách nhiệm giải trình của các bên liên quan trong
các Dự án lớn và các Chương trình Trợ giúp Phát triển” được chuẩn bị theo yêu cầu của World
Bank - Ngân hàng Thế giới tại Hà Nội, và tác giả trực tiếp tham gia tập huấn
điểm cho các bên liên quan tại các tỉnh Lào Cai, Cao Bằng, Hải Phòng, Quảng
Nam, Gia Lai, Kiên Giang năm 2010.
Tài liệu tham khảo
Barrett, P. 1999. Auditing in Contemporary Public Administration, Discussion Paper No
66 Canberra: Graduate Program in Public Policy, Australian National University)
Industry Commission (1995) Charitable Organisations in Australia. (Melbourne: AGPS)
Edwards and Hulme 1996. Accountability In Practice: Mechanisms for
NGOs. World DevelopmentVol. 31, No. 5, pp. 813–829, 20.
Leat, D. 1990. Voluntary organizations and accountability: theory and practice. In
H. K. Anheier and W. Seibel (eds) The Third Sector: Comparative Studies of Nonprofit
Organizations: 141-53. Berlin: Walter de Gruyter.
Lipsky, M. and Smith, S. R. 1990. Nonprofit organizations, government and the welfare
state, Political Science Quarterly, 104: 625-48.
McDonald, C. 1999. Internal control and accountability in non-profit human organisations,
Australian Journal of Public Administration, 58 (1): 11-22.
Milward, H. B. and Provan, K. G. 2000. Governing the hollow state, Journal of
Public Administration and Theory 10 (2), 359-79.
Mulgan, R. 1997. Accountability and contracting out, Australian Journal of Public
Administration 56 (4) (1997), 106-17
Mulgan, R. 2000a. Comparing accountability in the public and private sectors,
Australian Journal of Public Administration 59(1), 87-97
Mulgan, R. 2000b. ”Accountability”: an ever-expanding concept?, Public Administration
78, 555-74
Rhodes, R. A. W. 1997. Understanding Governance. Public
Networks, Governance, Reflexivity and Accountability (Buckingham: Open
University Press).
Scott, C. 2000. Accountability in the regulatory state, Journal of Law and Society 27
(1), 38-60
Uhr, J. 1993. Redesigning accountability, Australian Quarterly 65 (Winter), 1-16.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét