Powered By Blogger

Thứ Tư, 24 tháng 9, 2014

Kinh nghiệm nghiên cứu phát triển của Trung Quốc (I)



Kinh nghiệm nghiên cứu phát triển của Trung Quốc (I)

Hà Hữu Nga*

Bối cảnh Trung Quốc trong thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa

Khi Đảng cộng sản thắng lợi và lên nắm chính quyền tại Trung Quốc từ năm 1949, đất nước này đã bị tàn phá rất nặng nề sau gần một nửa thế kỷ nội chiến và tiến hành chiến tranh chống Nhật. Khắp đất nước nông nghiệp đình đốn, người dân phải chịu đói khổ. Trong bối cảnh đó, Đảng cộng sản đã tiến hành cuộc cách mạng ruộng đất bằng cách tịch thu ruộng đất của đại địa chủ sau đó chia nhỏ ra thông thường với diện tích nhỏ hơn 1ha để chia cho người nghèo. Theo các nhà nghiên cứu phương Tây, “Cuộc cải cách này có những ưu điểm và khuyết điểm của một cuộc cải cách ruộng đất rất bình quân chủ nghĩa. Một mặt điều kiện sinh họat của tầng lớp nông dân nghèo được cải thiện. Nhưng mặt khác, nó không cho phép cấp đất cho tất cả nông dân. Trung Quốc lúc bấy giờ cứ 5 người có một ha đất canh tác. Hơn nữa việc chia manh mún ruộng đất không cho phép áp dụng tiến bộ kỹ thuật: các loại vật tư nông nghiệp và trâu bò cày kéo tịch thu của các đại địa chủ hầu như không được đem sử dụng trên những mảnh đất quá nhỏ” [Grillet 1989: 270].

Trong bối cảnh đó, chính phủ Trung Quốc đã cho thành lập các tổ đổi công và hợp tác xã nông nghiệp. Kể từ cuối năm 1956 đến năm 1957 Trung Quốc đẩy mạnh tập thể hóa nông nghiệp, 87% nông dân được tập hợp thành 800.000 hợp tác xã. Các nhà kinh tế phương Tây cho rằng đường lối tập thể hóa là một thất bại nghiệm trọng trong chiến lược phát triển của Trung Quốc. Việc phá hủy sản xuất nông dân cá thể và tư hữu nhỏ về đất đai đã làm cho người nông dân chán nản không muốn sản xuất, trong khi đó các hợp tác xã thì lại thiếu phương tiện sản xuất nên không thể tăng năng suất được. Vì vậy sản lượng lương thực của Trung Quốc đã tụt từ 200 triệu tấn năm 1958 xuống còn 143 triệu tấn năm 1960. Ngược lại với năng suất suy giảm, sau chiến tranh, dân số Trung Quốc tăng thêm 100 triệu người. Phong trào hợp tác hóa kết hợp với nạn hạn hán xảy ra liên tục vào đầu những năm 1960s đã làm cho 15 triệu người dân Trung Quốc chết đói. Vì vạy năm 1962 Trung Quốc đã buộc phải khôi phục lại chợ nông thôn và những mảnh đất sản xuất cá thể.

Khi phá bỏ chế độ tư hữu nhỏ về ruộng đất, Trung Quốc đã thay bằng tổ chức công xã nhân dân và được tổ chức dưới hình thức các đội sản xuất gồm khoảng 30 gia đình sản xuất trên một diện tích từ 15 đến 20 ha. Hình thức phân phối sản phẩm nông nghiệp được tính căn cứ vào công điểm. Tuy bình quân chủ nghĩa, nhưng mức thu nhập giữa các đội sản xuất vẫn chênh lệch khoảng 10 – 15%. Cơ cấu sản xuất trên đội là đại đội sản xuất. Mỗi đại đội có 10 đội. Trên đại đội là trung đoàn sản xuất có nhiệm vụ tổ chức xây dựng các cơ cấu hạ tầng cơ sở như các hệ thống thủy lợi, đê điều, quản lý các xưởng thủ công hoặc các xí nghiệp nông thôn. Trong khi đó công xã nhân dân kiêm cả chức năng quản lý hành chính, tập hợp thành 10 trung đoàn, gồm khoảng 50.000 người. Mức trung bình là 15.000 người. Công xã có trách nhiệm đưa ra và thực hiện các phương hướng kế hoạch hóa, thu thuế, quản lý y tế, giáo dục và cả một số xí nghiệp nông thôn.

Việc phân phối sản phẩm manh tính tập thể. Các sản phẩm là nguyên vật liệu phục vụ cho công nghiệp nhẹ như ngũ cốc, bông, đường thường được giao nộp cho nhà nước hoặc đóng thuế bằng hiện vật, hoặc bán theo định mức thu mua của nhà nước theo mức giá do nhà nước ấn định. Số sản phẩm vượt khỏi phần thu mua của nhà nước vào cuối những năm 1970 thường vào khoảng một nửa sản lượng lương thực. Số này phải bán cho hợp tác xã tiêu thụ nhưng giá khá hơn bán cho công xã. Các sản phẩm phụ của nông nghiệp như rau quả, trứng, gà, vịt được phép đem bán ngoài chợ nhưng hệ thống chợ này không phải là hệ thống thị trường tự do, mà là một hệ thống do chính quyền tỉnh kiểm sóat chặt chẽ. Lương thực thu được từ các đội, đại đội, công xã đã được nhà nước phân phối lại cho người dân theo chế độ khẩu phần. Ví dụ nếu làm nghề nặng nhọc như công nhân mỏ thì được 25kg lương thực mỗi tháng; nếu là viên chức thì được 13kg, học sinh thì được 12kg. Số lương thực theo khẩu phần này được bán theo giá cố định thấp hơn giá nhà nước thu mua, có nghĩa là người tiêu dùng được nhà nước trợ cấp.

Nếu không kể thời kỳ “đại nhảy vọt” thì chính sách nông nghiệp của Trung Quốc đã khống chế được nạn đói xảy ra sau hòa bình lập lại. Bên cạnh đó, về mặt hình thức nó đã tạo ra nhiều việc làm hơn cho mọi người và góp phần tích lũy cho công nghiệp hóa. Dù Trung Quốc chỉ có 8% đất canh tác của thế giới, nhưng đã nuôi được một số lượng là 22% dân số toàn thế giới. Về phương diện này, chính sách của nhà nước Trung Quốc có thể được coi là một thành tựu. Tuy nhiên, người ta nghĩ rằng với điều kiện của mình, Trung Quốc có thể làm được hơn thế nhiều. Xu hướng diện tích đất canh tác ngày càng giảm đi do quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa và sa mạc hóa. Hệ số đầu người canh tác trên ha đất của Trung Quốc quá lớn (8 người/ha), gấp đôi so với ấn Độ, và gấp 30 lần so với Mỹ. Không những thế, đầu tư cho nông nghiệp của Trung Quốc là yếu kém. Diện tích canh tác không tăng người ta đã phải làm sao để tăng năng suất trên mỗi ha gieo trồng nhằm đảm bảo sản lượng lương thực cần thiết. Để khắc phục tình trạng đó, Trung Quốc đã xây dựng các công trình được gọi là lớn như thiết kế hệ thống đê để đảm bảo cho 32 triệu ha đất nông nghiệp không bị ngập lụt. Nhà nước cũng đã tổ chức xây dựng 86.000 đập thủy lợi để tưới nước và chống ngập úng. Nhà nước cũng xây những hệ thống đập lớn trên các con sông Hoàng Hà, Trường Giang nhằm điều tiết thủy lợi và làm thủy điện. Các công trình lớn ấy được thực hiện không phải là do các khoản đầu tư lớn của ngân sách nhà nước mà chủ yếu huy động sức lao động của người nông dân Trung Quốc. Vì vậy về phương diện này nhà nước Trung Quốc vẫn gặp phải một nam đề là dù đã có nhiều công trình lớn phục vụ nông nghiệp, nhưng năng suất lao động của nông dân vẫn không thể tăng lên được.

Cùng với việc thực hiện các công trình phục vụ nông nghiệp, nhà nước đã tính đến các khoản dàu tư cho vật tư, kỹ thuật nông nghiệp như giống, phân bón, thuốc trừ sâu…vv. Nhưng tình hình sản xuất cho đến trước năm 1977 vẫn không được cải thiện. Hầu hết công việc sản xuất nông nghiệp vẫn được thực hiện bằng các kỹ thuật thủ công và trông chờ phần lớn vào tự nhiên. Tính đến năm 1976, Trung Quốc mới chỉ có 400.000 máy kéo với bình quân đầu người là 1 máy/2000 lao động nông nghiệp và chỉ có 825.000 máy cày đẩy tay, mỗi ha đất chỉ bón 7kg phân hóa học, trong khi đó ở Pháp bón trung bình là 150kg. Các nhà kinh tế học phát triển đã đưa ra ba nguyên nhân cho tình trạng trì trệ trong phát triển nông nghiệp của Trung Quốc, đó là: i) cách nhà chức trách đã chọn lựa các kỹ thuật canh tác sử dụng toàn bộ lực lượng lao động; ii) trong một thời gian dài nhà nước chỉ ưu tiên cho đầu tư công nghiệp, trong khi đó nông nghiệp chỉ được đầu tư 20% tổng số vốn đầu tư của nhà nước trong thời gian 20 năm (1957-1977); iii) chính sách giá cả của nhà nước bất lợi cho nông nghiệp. Công nghiệp cung cấp vật tư, máy móc cho nông nghiệp với chất lượng xấu mà giá cả lại đắt đỏ. Tình hình chỉ được cải thiện từ năm 1977 trở đi. Chỉ tính trong vòng 4 năm (1976-1980) số lượng máy kéo đã tăng từ 400.000 chiếc lên đến 745.000 chiếc; máy cày đẩy tay từ 14.000 chiếc lên đến 23.000 chiếc; số lượng phân bón tăng lên gấp đôi; giá cả đã dược cải thiện có lợi cho nông nghiệp. Người ta đã nói đến cuộc cách mạng xanh trong nông nghiệp và ngược lại, tỷ lệ tăng dân số cũng đã được nhà nước kiểm soát. Tuy nhiên nông nghiệp Trung Quốc trong giai đoạn trước cải cách khó phát triển còn vì một nguyên nhân quan trọng khác, đó là việc tổ chức lao động. Phương thức quân sự hóa tổ chức nông dân theo đội, đại đội, trung đoàn sản xuất đã hầu như bóp chết hoàn toàn các sáng kiến cá nhân của người lao động. Mối liên hệ giữa thu nhập và nỗ lực lao động không được coi trọng vì hầu hết các nhu cầu đều được công xã - một hình thức chính quyền nhà nước bao cấp hết. Vì vậy sáng kiến trong lao động chỉ phụ thuộc lẻ tẻ vào cái gọi là “nhiệt tình” còn lại thì chủ yếu là do cưỡng chế. Tình hình càng trầm trọng thêm khi nhà nước Trung Quốc kết hợp nhiệt tình và cưỡng chế bằng hình thức giáo dục chính trị tư tưởng rộng khắp toàn xã hội.

Công nghiệp hóa nông dân, nông thôn, và nông nghiệp Trung Quốc

Khủng hoảng diễn ra phổ biến trong nông dân, nông thôn và nông nghiệp đã buộ chính phủ Trung Quốc phải đi tìm những biện pháp khắc khục. Và một hệ thống biện pháp đã ra đời dưới danh nghĩa cải cách. Nguyên tắc của cải cách mà Trung Quốc đưa ra là “khoán” hay còn được gọi theo ngôn ngữ kinh tế học phương Tây là “hợp đồng trách nhiệm”. Với mục đích cải thiện động cơ sản xuất nông nghiệp, mỗi đội hoăck mỗi gia đình ký với nhà nước một hợp đồng trách nhiệm, trong đó qui định người nông dân được hưởng phần sản lượng vượt định mức. Nếu không đạt được định mức thì phải chịu phạt. Với cơ chế mới, các hộ nông dân đã có nhiều sáng kiến để tăng năng suất lao động. Họ đã tập hợp nhau lại chung vốn mua máy cày, khai thác các đập thủy lợi, lập ra các đơn vị sản xuất nhỏ, trả lương cho người làm việc, tiền lãi được chia tỷ lệ thuận với số vốn hoặc công sức đã đóng góp. Có thể nói vào đầu những năm 1980, sáng kiến này là thuộc về những nông dân các vùng nghèo thuộc tỉnh An Huy. Nhà nước Trung Quốc đã đặt câu hỏi xem liệu có thể nhân rộng hình thức này ra cả nước được không?. Và vấn đề còn là ở chỗ giờ đây đã không còn đủ đất canh tác để các hộ nông dân quay trở lại với lối kinh doanh cá thể. Không những thế, kinh doanh cá thể còn có nguy cơ dẫn đến những bất công xã hội phổ biến, trái ngược với mục tiêu mà Đảng và nhà nước Trung Quốc đã đề ra. Mặt khác nhà nước cũng không kịp chuẩn bị để đối phó với những vấn đề xã hội do mất đất, không có công ăn việc làm và làn sóng di cư ồ ạt có thể xảy ra nhất là từ nông thôn ra thành thị. Trung Quốc đã tìm được giải pháp cho vấn đề bằng con đường công nghiệp hóa nông dân, nông thôn và nông nghiệp Trung Quốc.

Các học giả nghiên cứu về kinh nghiệm phát triển Trung Quốc cho rằng “Công nghiệp hóa nông thôn là một hiện tượng đặc thù của Đông á, hợp thành một bộ phận không thể tách rời của sự thần kỳ Đông á”, trong đó “Nét đặc thù của Trung Quốc là ở qui mô chưa từng thấy của những doanh nghiệp [hương trấn]. Năm 1978 có chưa đầy 10% lực lượng lao động nông thôn tham gia vào các họat động công nghiệp, và khu vực phi nông nghiệp chỉ chiếm 8% thu nhập nông thôn; đến năm 1996, 30% lực lượng lao động nông thôn đã làm việc trong các ngành công nghiệp địa phương, và thu nhập phi nông nghiệp đã chiếm tới 34% tổng thu nhập nông thôn” [Lin và Yang 2002: 183]. Trong vòng hơn 20 năm phát triển, hệ thống doanh nghiệp hương trấn (doanh nghiệp nông thôn) Trung Quốc đã làm thay đổi hẳmn điều kiện kinh tế của nông thôn Trung Quốc. Từ năm 1978 đến năm 1997 số lượng doanh nghiệp hương trấn đã tăng từ 1,5 triệu lên đến 20,2 triệu; số công nhân làm việc cho hệ thống doanh nghiệp này đã tăng từ 28,3 triệu lên đến 130,5 triệu (từ 9% lên đến 28% lực lượng lao động nông thôn). Tỷ trong của các doanh nghiệp hương trấn trong toàn bộ tổng giá trị sản lượng nông thôn tăng từ 24% năm 1978 lên đến 79% năm 1995. Các doanh nghiệp hương trấn đã trở thành lực lượng chính tạo nên sự tăng trưởng của Trung Quốc. Năm 1978 giá trị sản lượng của các doanh nghiệp hương trấn trong khu vực công nghiệp chiếm 9% tổng sản lượng toàn quốc, đến năm 1997, đã đạt tới 58%. Bên cạnh đó đóng góp vào xuất khẩu là một thành công rực rỡ của các doanh nghiệp hương trấn.Năm 1986, tỷ trọng của doanh nghiệp hương  trấn trong tổng kim ngạch xuất khẩu là 9%, đến năm 1997 đã lên đến 46% [Lin và Yang 2002: 187]. 

Về phương diện vùng, sự phát triển của doanh nghiệp hương trấn gắn liền với chiến lược xuất khẩu, ngay từ đầu đã lựa chọn vùng ven biển làm đất thi thố tài năng. Trong những năm 1980, để tránh những mâu thuần tiềm tàng phát triển đến độ bùng nổ, các nhà hoạch định chiến lược phát triển của Trung Quốc đã chọn vùng ven biển cho việc ưu tiên phát triển hệ thống xí nghiệp hương trấn định hướng xuất khẩu. Để thực hiện chủ trương đó, Quốc vụ viện Trung Quốc đã đề xuất quyết sách chiến lược “phải đi tới thị trường quốc tế một cách có lãnh đạo, có kế hoạch, từng bước, tham gia nhiều hơn nữa vào trao đổi và cạnh tranh quốc tế, phát triển mạnh mẽ nền kinh tế theo mô hình hướng ra bên ngoài”. Chiến lược đó đã được hệ thống doanh nghiệp hương trấn triệt để tuân thủ và phát huy. Họ đã tận dụng chính sách mở cửa lấy tam giác châu Châu Giang, tam giác châu Trường Giang, tam giác châu Mân Nam Kim, bán đảo Liêu Đông và bán đảo Giao Đông làm những điểm xuất phát để đưa sản phẩm của doanh nghiệp hương trấn hướng ngoại. Các nhà hoạch định chiến lược Trung Quốc cho rằng đối với các vùng này, kinh doanh quốc tế hóa vừa là cơ hội mở cửa ra với bên ngoài, cũng vừa đồng thời làm biến đổi môi trường phát triển trong nước. Rút kinh nghiệm mô hình kinh doanh quốc tế hóa của bốn con rồng Châu á, Trung Quốc đã thử nghiệm hình thức kinh doanh này bằng cả các xí nghiệp hương trấn. Trong khoảng 10 năm từ 1980-1991 Trung Quốc đã thành lập hơn 900 xí nghiệp phi mậu dịch ở nước ngoài với tổng đầu tư là 2,8 tỷ đô la.

Tuy nhiên Trung Quốc đã không đơn thương độc mã phát triển các doanh nghiệp ra ngoài biên giới để đỡ khổ cho nông dân, để giảm nghèo cho nông thôn và để cứu nguy cho nông nghiệp. ở trong nước, để thực hiện công nghiệp hóa và hiện địa hóa nông thôn, nông dân và nông nghiệp, Trung Quốc đã lựa chọn chiến lược sản nghiệp hóa nông nghiệp. “Cuối thập kỷ 80 đầu thập kỷ 90 của thế kỷ 20, một số tỉnh ở Trung Quốc như Hà Nam, Sơn Đông, Hồ Nam đã tích cực tìm lối thoát cho nông nghiệp, nông thôn. Đầu những năm 90, Gia Thành (thuộc tỉnh Sơn Đông) đưa ra chiến lược nhất thể hóa nông nghiệp – công nghiệp – thương nghiệp. Thọ Quang (tỉnh Sơn Đông) cũng gặt hái được thành công trong phát triển sản xuất rau xanh dựa vào nhu cầu của thị trường. Duy Phường (tỉnh Sơn Đông) tiến hành tổng kết kinh nghiệm của Gia Thành và Thọ Quang, tiếp đó tổ chức đoàn đi thăm quan khảo sát kinh nghiệm kinh doanh nông nghiệp của Nhật Bản, Pháp và Mỹ. Sau khi tổng kết những kinh nghiệm trong và ngoài nước, chính quyền Duy Phường trên cơ sở nhất thể hóa nông – công – mậu đã thúc đẩy thực hiện chiến lược sản nghiệp hóa nông nghiệp trong phạm vi toàn thành phố và thu được những thành quả lớn. Sản nghiệp hóa nông nghiệp ở Duy Phường được tổng kết là: “xác lập ngành nghề chủ đạo, thực hiện phân bố vùng, dựa vào các xí nghiệp đầu tàu lôi kéo, phát triển kinh doanh qui mô”. Chính quyền tỉnh Sơn Đông đã khẳng định kinh nghiệm của Duy Phường, vào năm 1993 đã quyết định tiến hành sản nghiệp hóa nông nghiệp từng bước vững chắc trên phạm vi toàn tỉnh. Kinh nghiệm của Sơn Đông được tổng kết và nhân rộng ra nhiều tỉnh của Trung Quốc” [Nguyễn Xuân Cường 2005: 63].

Nguyễn Xuân Cường dẫn lại Nhân dân Nhật báo Trung Quốc ngày 11 tháng 12 năm 1995 định nghĩa khái niệm sản nghiệp hóa nông nghiệp như sau: “lấy thị trường trong và ngoài nước làm phương hướng, lấy nâng cao hiệu quả kinh tế làm trung tâm, tiến hành phân bố vùng chuyên doanh, sản xuất chuyên nghiệp hóa, kinh doanh nhất thể hóa, dịch vụ xã hội hóa, quản lý xí nghiệp hóa đối với ngành nghề trụ cột và sản phẩm chủ đạo của nông nghiệp các địa phương. Kết hợp chặt chẽ giữa sản xuất – cung ứng và tiêu thụ, giữa mậu dịch – công nghiệp – nông nghiệp, giữa kinh doanh – khoa học – giáo dục, hình thành cơ chế kinh doanh xâu chuỗi”. Sản nghiệp hóa còn được nhà nghiên cứu Trung Quốc Bạch Việt Thế giải thích thêm là “lấy định hướng thị trường, lấy nông hộ làm cơ sở, lấy xí nghiệp đầu tàu làm chỗ dựa, lấy lợi ích kinh tế làm trung tâm, lấy dịch vụ làm biện pháp, thông qua sản xuất – cung ứng – tiêu thụ, nuôi trồng, gia công, liên kết các khâu trước – trong và sau của quá trình tái sản xuất nông nghiệp trở thành một hệ thống ngành nghề hoàn chỉnh. Và sản nghiệp hóa có chung một số nội hàm cơ bản sau:

1. Lấy thị trường làm phương hướng. Sản nghiệp hóa nông nghiệp là sản phẩm của kinh tế thị trường. Các sản phẩm nông nghiệp phải được sản xuất, gia công và tiêu thụ theo nhu cầu của thị trường thì mới có thể tồn tại và phát triển;

2. Lấy các xí nghiệp “đầu tàu” làm trung tâm. Các xí nghiệp, công ty phát huy tác dụng “đầu tàu” lôi kéo, liên kết các khâu trước – trong – và sau sản xuất giữa các nông hộ sản xuất qui mô nhỏ, phân tán với thị trường rộng lớn trong và ngoài nước;

3. Lấy các vùng chuyên doanh làm cơ sở, nơi sản xuất nông sản phẩm do các nông hộ hình thành. Chuyên doanh hóa các vùng trồng trọt, chuyên môn hóa sản xuất, thương phẩm, hàng hóa, để có thể tạo các sản phẩm nông nghiệp với số lượng lớn, chất lượng cao cho các xí nghiệp “đầu tàu”;

4. Dây truyền nông – công – thương, kết hợp hữu cơ giữa các ngành sản xuất nông nghiệp – các ngành gia công và các ngành tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp;

5. Hình thành cơ chế “rủi ro cùng chịu, lợi ích cùng chia” [Nguyễn Xuân Cường 2005: 66]. 

Khi lựa chọn chiến lược kinh doanh quốc tế hóa ven biển Trung Quốc đã gắn liền chiến lược này với một quan điểm xuyên suốt cho rằng cách họ lựa chọn chiến lược là ở trong một điều kiện thị trường quốc tế không hoàn thiện. Họ cho rằng trong điều kiện thị trường không hoàn thiện thì: i) độc quyền của xí nghiệp về bản quyền phát minh sáng chế, về kỹ thuật, về bí quyết sản xuất, kỹ năng quản lý cùng với một số nguyên vật liệu và sản phẩm trung gian quan trọng đã khiến cho có thể đầu tư trực tiếp. Vì vậy, để thu được lợi nhuận cao xí nghiệp sẵn sàng chịu rủi ro phụ gia, dùng phương thức đầu tư đối ngoại trực tiếp thay cho việc lưu động các yếu tố sản xuất bằng con đường mậu dịch; ii) khi mậu dịch tự do bị cản trở, đầu tư trực tiếp trở thành tất yếu. Do chính sách biên giới tồn tại phổ biến, sản phẩm khó đi vào thị trường nước khác và khó thu được các yếu tố sản xuất từ nước ngoài. Trong điều kiện đó việc sử dụng đầu tư trực tiếp đối ngoại có thể lập được hệ thống phân công quốc tế theo chiều ngang hoặc chiều dọc, hình thành kênh lưu thông quốc tế bên trong các xí nghiệp, từ đó tránh được hàng rào mậu dịch do các chính phủ dựng lên; iii) việc lựa chọn địa điểm sản xuất sản phẩm tiêu chuẩn hóa tất yếu đẻ ra đầu tư trực tiếp. Trong quá trình tiêu chuẩn hóa sản phẩm mới, khả năng lựa chọn địa điểm bố trí sản xuất không ngừng thay đổi ở các giai đọan khác nhau, và khi đó giá thành là mục tiêu cạnh tranh. Để hạ thấp giá thành sản xuất và giá thành vận chuyển đến nơi tiêu thụ, người đầu tư thường bố trí sản xuất ở gần nơi sản xuất nguyên vật liệu hoặc nơi có nguồn lao động dồi dào, có thị trường tiêu thụ rộng rãi.    
_______________________________

Còn tiếp...

* Hà Hữu Nga 2006. Nghiên cứu cơ sở lý thuyết cho việc xác định các ­­ưu tiên trong phát triển bền vững vùng kinh tế. Đề tài khoa học cấp Bộ, Viện Nghiên cứu Phát triển Bền vững vùng Bắc Bộ, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam.

Tài liệu dẫn

Brian Kelly and Mark London 1989. The Four Little Dragons – Inside Korea, Taiwan, Hong Kong and Singapore at the Dawn of the Pacific Century. Printed in the USA. Copyright 1989 Simon & Schuster Inc.

Grillet 1989. Cơ cấu và chiến lược phát triển kinh tế. Viện nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương. Hà Nội.

Hoàng Gia Thụ 1994. Đài Loan – Tiến trình hóa rồng. Bản dịch tiếng Việt của Nguyễn Văn Thi, Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin, Hà Nội.

Hồ An Cương (chủ biên) 2003: Trung Quốc – Những chiến lược lớn, bản dịch của Trần Khang và Bùi Xuân Tuấn, Nhà xuất bản Thông tấn, Hà Nội.

Lê Viết Thái 2005. Cải cách thể chế kinh tế – Kinh nghiệm của Trung Quốc. Viện nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương-Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tạp chí Quản lý kinh tế. CIEM, số 1-1-2005.

Lin, Justin Yifu và Yang, Pao 2002: Công nghiệp hóa nông thôn Trung Quốc trong bối cảnh của sự thần kỳ Đông á, trong Ngân hàng Thế giới Suy ngẫm lại sự thần kỳ của Đông á do Joseph E. Stiglitz và Shahid Yusuf (Biên tập), Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội 2002. (Bản dịch của Vũ Cương, Hoàng Thanh Dương, hiệu đính: Vũ Cương) tr. 183 - 247.

Nguyễn Xuân Cường 2005. Sản nghiệp hóa nông nghiệp ở Trung Quốc. Viện nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương-Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tạp chí Quản lý kinh tế. CIEM, số 4-10-2005.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét