Biến
đổi xã hội là một thực tế nảy sinh, tồn tại và vận động cùng với lịch sử loài
người, góp phần tạo ra những thăng trầm của lịch sử loài người, vì vậy nó hiện
diện một cách khách quan trong suốt tiến trình phát triển của loài người. Biến
đổi xã hội tác động không ngừng đến mọi mặt của đời sống con người, và đặc biệt
tác động vừa trực tiếp vừa gián tiếp đến sự ổn định và phát triển của mọi khu
vực, quốc gia, dân tộc, các cộng đồng người, trong đó có các vùng DTTS nước ta
hiện nay. Biến đổi xã hội hoặc những vấn đề liên quan là chủ đề cốt lõi của
nhiều ngành khoa học xã hội như lịch sử, dân tộc học, nhân học xã hội, văn hóa
học, kinh tế-chính trị học, kinh tế học phát triển, luật học, nghiên cứu tôn
giáo, nghiên cứu phát triển vùng, khoa học quản lý, chính sách công…v.v, và đặc
biệt là xã hội học và nghiên cứu phát triển bền vững vùng.
Dưới
đây đề tài sẽ tổng quan một số kết quả, thành tựu nghiên cứu chủ yếu và những
vấn đề còn cần phải tiếp tục làm sáng tỏ về những vấn đề lý thuyết và thực tiễn
có liên quan, đặc biệt là việc ứng dụng lý thuyết biến đổi xã hội, lý thuyết phân
tầng xã hội và lý thuyết phát triển bền vững vùng vào việc xây dựng khung lý
thuyết quan hệ giữa biến đổi xã hội và phát triển bền vững; xây dựng khung lý
thuyết nghiên cứu tác động biến đổi xã hội đối với sự ổn định và phát triển
vùng DTTS; xây dựng khung lý thuyết nghiên cứu phân tầng xã hội. Cuối cùng là
việc sử dụng các công cụ này vào đánh giá thực trạng, đánh giá các tác động,
phân tích nguyên nhân và nhận diện những vấn đề cơ bản, cấp bách liên quan đến
biến đổi xã hội trong các vùng DTTS nước ta hiện nay, nhằm dự báo xu hướng biến
đổi xã hội và các tác động ảnh hưởng đến ổn định và phát triển vùng DTTS nước
ta trong thời gian tới; đề xuất được các quan điểm, giải pháp ổn định và phát
triển vùng DTTS nước ta đến năm 2030.
1.
Nghiên cứu ở nước ngoài
1.1. Khái niệm biến đổi xã hội.
1.1.1. Khái niệm xã hội: Đặc
trưng nổi bật của con người là tính xã hội và con người tổ chức các hoạt động
của mình theo nhóm. Nguyên nghĩa, thuật ngữ xã hội (society) được sử dụng để mô
tả một cấp độ tổ chức các nhóm mang tính độc lập. Tuy nhiên ranh giới giữa các
nhóm luôn luôn có tính tương đối, vì vậy các nhà xã hội học quy xã hội loài
người vào các đặc tính phụ thuộc lẫn nhau giữa tất cả các nhóm xã hội hoặc vào
các phụ nhóm như xã hội gia đình, nơi mà các tương tác điển hình giữa các cá
nhân tạo thành một nhóm thân thuộc khép kín. Tương tự như vậy, thuật ngữ xã hội
có thể được sử dụng để chỉ các hoạt động rộng hơn của các thành viên thuộc
quyền của một nhà nước riêng, chẳng hạn Nhà nước Pháp, Nhà nước Đức, v.v… Thuật
ngữ xã hội bắt đầu được sử dụng vào thế kỷ XVIII cùng với sự xuất hiện của tính
hiện đại châu Âu và bầu khí quyển công cộng của xã hội công dân và nhà nước của
nó. Ở đây, tính chất tương đối cởi mở của sự liên kết và hàng loạt hoạt động
của giới trí thức đã tạo không gian cho sự giao tiếp xã hội giữa những con
người thuộc giới có học và khá giả, là những người sẽ gia nhập thành “xã hội”
được coi là “xã hội thượng lưu”. Đây cũng chính là giai đoạn trùng khớp với sự
xuất hiện lý thuyết xã hội và phân biệt nó khỏi lý thuyết chính trị, khi các
tác giả bắt đầu quan tâm đến tính chất độc đáo của tính hiện đại và các thể chế
của nó. Với sự phát triển của khoa học xã hội và sự hình thành bộ môn xã hội
học, thì sự quần hợp xã hội và các dạng thức phân biệt của nó được coi là đối
tượng đặc biệt của môn xã hội học (Rapley, Mark & Susan Hansen, 2006, pp.
592-3). Nhà xã hội học Đức Ferdinand
Tonnies (1887, 1995) đã đề xuất một phân biệt có ảnh hưởng lớn giữa Gemeinschaft (cộng đồng) và Gesellschaft (xã hội) để xác định sự
khác biệt giữa các kiểu loại xã hội truyền thống và xã hội hiện đại. Trong đó
loại hình xã hội truyền thống được đặc trưng bởi các mối quan hệ gắn bó và tính
tương nhượng lẫn nhau; các phong tục tập quán chiếm địa vị nổi trội và nhìn
chung đó là xã hội thôn dã. Loại hình xã hội hiện đại được đặc trưng bởi tính
chất liên kết xã hội tự nguyện và các mối quan hệ trao đổi; tính toán duy lý
chiếm vị trí thống trị và nói chung đó là các xã hội đô thị, có tính thế giới.
Các nhà xã hội học chức năng luận và cấu trúc xã hội đã đưa ra một định nghĩa
mang tính phân tích về xã hội. Nó được kết hợp với cấp độ hệ thống xã hội,
trong đó mỗi hệ thống xã hội phải đáp ứng được các đòi hỏi mang tính chức năng,
hoặc các nguyên tắc cấu trúc, và các xã hội được phân loại theo trình độ phát
triển thể chế chuyên môn hóa xung quanh mỗi chức năng. Xã hội hiện đại được đặc
trưng bởi các thể chế chuyên môn hóa riêng biệt về kinh tế, chính trị, hệ thống
luật pháp và cộng đồng xã hội của các hội tự nguyện, mà mỗi hội là một phụ hệ
thống và toàn bộ các phụ hệ thống đó tạo thành xã hội hiện đại. Đối với chủ
nghĩa Marxism, với phương thức sản xuất kinh tế giữ địa vị thống trị thì các
thể chế khác của luật pháp, chính trị, và hệ tư tưởng đôi khi được đặc trưng là
hệ thống tổ chức xã hội (Holmwood 2006,
p. 592). Các nhà nhân học chia nhóm xã hội thành các kiểu loại sau: i) Nhóm cư
trú được hình thành trên cơ sở một tập hợp người cùng cư trú tại một địa điểm
nhất định; ii) Nhóm thân thích bao gồm các thành viên thuộc một dòng dõi họ
hàng nhất định, ngoài ra là người dưng; iii) Nhóm tuổi tác bao gồm các thành
viên cùng lứa tuổi; iv) Nhóm phường hội, bao gồm các thành viên có chung một sở
thích/ đặc điểm xã hội nào đó; v) Nhóm nghề nghiệp, bao gồm các thành viên có
chung nghề như thủ công, buôn bán, nghiệp đoàn trong xã hội hiện đại; vi) Giai
cấp xã hội là một nhóm xã hội lớn chủ yếu dựa trên cơ sở chung về tài sản, quyền
lợi, vị thế xã hội; vii) Nhóm xã hội tổng thể, là một tập hợp tạo thành một xã
hội, bao gồm toàn bộ các nhóm cư trú, thân thích, tuổi tác, phường hội, nghề
nghiệp, giai cấp v.v…đã đề cập ở trên, nói cách khác, nhóm xã hội tổng thể thường
được tạo dựng thành một nhà nước. Đặc điểm chung nhất của mọi nhóm xã hội là sự
tồn tại của các loại hình thể chế, có chức năng gắn kết xã hội thành hệ thống. Khái
niệm thể chế là đối tượng nghiên cứu của nhiều ngành khoa học xã hội khác nhau,
nên cách hiểu, việc định nghĩa khái niệm này cũng rất khác nhau (Bock Ph. K.
1969).
1.1.2.
Biến đổi xã hội: Cho đến nay, trong các văn liệu nghiên cứu khoa học xã hội nói
chung, và xã hội nói riêng, ở nước ngoài, đã xuất hiện rất nhiều định nghĩa
khác nhau về biến đổi xã hội. Dưới đây là một số định nghĩa tiêu biểu, chẳng
hạn: “Mối quan tâm trực tiếp của chúng ta với
tư cách nhà xã hội học chính là các mối quan hệ xã hội. Chỉ
có sự thay đổi trong những mối quan hệ này chúng
ta mới coi là biến đổi xã hội.” (MacIver R. and Page C. 1949); “Với khái niệm biến đổi xã hội, tôi
hiểu đó là một sự biến đổi trong cấu trúc xã hội, ví dụ như kích cỡ của một xã hội, thành phần hay sự cân bằng các bộ phận
của nó, hoặc loại tổ chức của nó.”
(Ginsberg M. 1958, pp.205-29); “Biến đổi xã hội
là sự thay đổi quan trọng của các cấu trúc xã hội (tức là các mô thức hành động và sự tương tác xã hội), bao gồm các hệ quả và các biểu hiện của các cấu trúc như
được thể hiện trong các chuẩn
mực (các quy tắc ứng xử), giá trị, các sản phẩm văn hoá và các
biểu tượng” (Moore, Wilbert E.,
1964); Biến đổi xã hội chỉ có nghĩa là những thay đổi như
xảy ra trong tổ chức xã hội, tức là, cấu trúc và chức năng của xã hội.”
(Joseph E. Davis ed., 2000); “Biến đổi xã hội là một thuật ngữ được sử dụng để mô tả các
thay đổi hoặc chuyển đổi bất kỳ
khía cạnh nào của quá trình xã hội, các mô thức xã hội, tương tác xã hội hoặc tổ chức xã hội.”
(Ellis Jones et al (2001); “Biến đổi xã hội, đối với xã hội học, là sự thay đổi cơ cấu trong cấu trúc xã hội, đặc
trưng bởi những thay đổi trong
các biểu tượng văn hóa, các quy tắc
hành vi, các tổ chức xã hội, hoặc các hệ thống giá trị” (Wilterdink Nico, William Form
1998).
Trong suốt quá trình phát triển lịch sử của ngành
xã hội học, các nhà xã hội học đã vay mượn các mô hình biến đổi xã hội từ các lĩnh vực học thuật khác. Vào cuối thế
kỷ 19, khi tiến hóa trở thành mô hình chiếm ưu thế để nhận
thức về biến đổi sinh học, thì những ý tưởng về biến đổi xã hội đã diễn ra theo khuôn đúc của tiến hóa
luận, và mặc dù các mô hình khác đã làm sáng tỏ
những quan niệm hiện đại về biến đổi xã hội, thì tiến hóa luận vẫn tồn tại như một nguyên tắc cơ bản. Các mô hình xã hội
học khác đã sáng tạo ra những phép loại suy để
đồng nhất giữa biến đổi xã hội và tiến bộ công nghệ của phương Tây. Vào giữa
thế kỷ 20, các nhà nhân học vay mượn cấu trúc luận từ lý thuyết ngôn ngữ để xây dựng một cách tiếp cận biến đổi xã hội được gọi là chức năng luận
cấu trúc. Lý thuyết này đã đưa ra định
đề về sự tồn tại của một số thể chế cơ bản (bao
gồm các mối quan hệ thân
tộc và phân công lao động) để
xác định hành vi xã hội. Vì bản chất tương
liên của chúng, sự biến đổi trong một tổ chức sẽ tác động đến các tổ chức khác (Wilterdink Nico, William Form
1998).
Các trường phái lý thuyết khác nhau nhấn mạnh những khía
cạnh khác nhau của sự biến đổi. Lý
thuyết Marxist cho rằng những thay
đổi trong các phương thức sản xuất có thể dẫn đến những thay đổi trong các hệ
thống giai cấp, điều này có thể thúc đẩy các hình thái
biến đổi mới hoặc kéo theo xung đột giai cấp. Một quan điểm khác là lý thuyết xung đột, hoạt động dựa trên
cơ sở rộng rãi bao gồm tất cả các thể chế. Trọng tâm không chỉ tập trung vào các khía
cạnh có tác động chia rẽ thuần túy của xung đột, bởi vì xung đột, trong khi không thể
tránh khỏi, nhưng cũng dẫn đến những biến đổi thúc đẩy hội nhập xã hội. Bằng
một cách tiếp cận khác, lý thuyết chức năng luận
cấu trúc nhấn mạnh đến các lực lượng tích hợp
trong xã hội, cuối cùng là giảm thiểu sự mất ổn định
xã hội. Biến đổi xã hội có thể phát triển từ nhiều nguồn khác nhau,
bao gồm việc tiếp xúc với các xã hội khác (quá trình truyền bá), các biến đổi về
hệ sinh thái (có thể gây ra tình
trạng mất mát các nguồn tài nguyên thiên nhiên hoặc bệnh tật
phổ biến), sự thay đổi công nghệ (được hình
thành bởi cuộc Cách mạng Công nghiệp, tạo
ra một nhóm xã hội mới, giai cấp vô sản thành thị), và sự gia tăng dân số cùng các biến số nhân khẩu học khác. Biến
đổi xã hội cũng được kích thích bởi các phong
trào chính trị, kinh tế, và
hệ tư tưởng (Parsons, Talcott 1983; Buxton,
William J. and David Rehorick 2001).
Biến đổi xã hội theo nghĩa rộng nhất là bất kỳ sự thay đổi nào
trong các quan hệ xã hội. Nhìn theo cách này, biến đổi xã hội là hiện tượng luôn hiện diện trong bất kỳ xã
hội nào. Đôi khi có sự phân biệt giữa các quá trình thay đổi trong cấu trúc xã
hội, một phần có tác dụng duy trì cấu
trúc đã có và các quá
trình làm thay đổi các
cấu trúc đó và tạo thành biến đổi xã hội. Ý nghĩa cụ thể của biến đổi xã hội trước hết phụ thuộc vào cái thực thể xã hội được xem xét. Những thay đổi trong một nhóm
nhỏ có thể quan trọng ở cấp độ của nhóm
đó, nhưng lại không đáng kể ở cấp độ xã hội rộng lớn hơn. Tương tự như vậy, việc quan sát biến đổi xã hội phụ thuộc vào khoảng thời gian nghiên cứu; hầu hết các thay đổi ngắn hạn là không đáng kể khi được xem
xét trong thời gian dài. Các thay đổi quy mô nhỏ
và ngắn hạn là đặc trưng của xã hội
loài người, bởi vì các tập quán và các chuẩn
mực thay đổi, các kỹ thuật và công nghệ mới được
phát minh, những thay đổi về môi trường tạo ra các thích ứng mới và các xung đột dẫn đến phân phối lại quyền lực.
1.2. Cấu trúc xã hội
Hai nhà xã hội học Form William và
Nico Wilterdink (2002) cho rằng “cấu trúc xã
hội, trong xã hội học, là sự sắp xếp riêng biệt, ổn định các thể chế qua đó con người trong một xã hội tương
tác và chung sống với nhau”. Cấu trúc xã hội thường được xem
xét cùng với khái niệm biến đổi xã hội, liên quan đến các lực lượng làm biến đổi cấu trúc xã hội và tổ chức xã hội. Mặc dù hầu
hết các nhà xã hội học đều đồng ý rằng
thuật ngữ cấu trúc xã hội đề cập đến các quy tắc trong đời sống xã hội, nhưng việc
sử dụng khái niệm này vẫn không
nhất quán. Ví dụ, thuật ngữ này có thể bị sử dụng sai trong
những trường hợp các khái niệm
khác như phong tục, truyền thống, vai trò, hoặc chuẩn mực có
lẽ chính xác hơn. Các nghiên cứu về cấu trúc xã
hội cố gắng giải thích các vấn đề như hòa nhập xã hội cũng như các xu hướng bất bình đẳng xã hội. Trong nghiên cứu về các hiện tượng này, các nhà xã hội
học phân tích các tổ chức, các nhóm xã hội, chẳng hạn như các nhóm tuổi, hoặc các loại tỷ lệ, như tỷ lệ tội phạm hoặc tỷ lệ sinh con. Cách tiếp cận này, đôi khi được gọi là xã hội
học chính quy, không đề cập trực tiếp đến hành vi cá nhân hoặc tương tác giữa
các cá nhân. Do đó, nghiên cứu cấu trúc xã hội không phải là khoa học về hành
vi; ở cấp độ này, việc phân tích thường là trừu tượng. Đó là một bước bị loại bỏ khỏi việc xem xét hành vi cụ thể của con người,
mặc dù các hiện tượng được nghiên cứu
trong cấu trúc xã hội là kết quả của con người ứng
xử với nhau và với
các môi trường của họ
(Form William, Nico Wilterdink 2002).
Cấu trúc xã hội đôi khi được định nghĩa đơn giản là “các mối quan hệ xã hội theo những
khuôn mẫu nhất định - những khía cạnh thường xuyên và lặp đi lặp lại của các
tương tác giữa các thành viên của một thực thể xã hội nhất định”
(Form William, Nico Wilterdink 2002). Ngay cả ở
cấp độ mô tả này, thì khái niệm cấu trúc xã hội vẫn khá trừu tượng: nó chỉ lựa chọn một số yếu tố từ các hoạt động xã hội đang diễn ra.
Các thực thể xã hội được xem xét càng lớn thì
khái niệm này có có xu hướng càng trừu tượng. Vì lý do này, cấu trúc xã hội của một nhóm nhỏ nhìn
chung gắn liền với hoạt động hàng ngày của các cá nhân thành viên hơn là cấu trúc xã hội của một xã hội lớn hơn.
Trong việc nghiên cứu
các nhóm xã hội lớn hơn, thì vấn đề lựa chọn lại
gay gắt hơn, vì nó phụ thuộc
nhiều vào những gì được bao gồm trong khái niệm này với tư cách là các thành phần của cấu trúc xã hội.
Các lý thuyết khác nhau đưa ra các giải pháp
khác nhau cho vấn đề này trong việc xác định các đặc điểm chính của một nhóm xã
hội. Tuy nhiên, trước khi thảo
luận những quan điểm lý thuyết khác nhau, cần phải có một số nhận xét về các
khía cạnh chung của cấu trúc xã hội của bất kỳ xã hội nào. Cuộc sống xã hội
được cấu trúc theo chiều kích của thời gian và không gian. Các hoạt động xã hội
cụ thể diễn ra vào những thời điểm cụ thể, và thời gian được chia thành các
giai đoạn gắn liền với nhịp điệu của
đời sống xã hội - các hoạt động thường nhật trong ngày, tháng và năm. Các hoạt
động xã hội cụ thể cũng được tổ chức ở những nơi cụ thể; ví dụ như các địa điểm cụ thể được dành cho các hoạt động
như làm việc, thờ phụng, ăn uống và ngủ nghỉ. Các ranh giới lãnh
thổ phân định những nơi này và được xác định bởi các quy tắc về tài sản quyết
định việc sử dụng và sở hữu các
loại hàng hoá khan hiếm. Thêm vào đó, trong bất kỳ
xã hội nào, ít nhiều đều có phân công lao
động thường xuyên hơn. Tuy nhiên, một đặc điểm cấu trúc phổ quát khác của xã
hội loài người là các quy định điều chỉnh bạo lực. Toàn bộ các loại hình bạo lực đều là một lực lượng phá hủy tiềm tàng; đồng thời nó cũng là một phương tiện cưỡng chế và điều phối các hoạt động. Con người đã tạo
thành các đơn vị chính trị, chẳng hạn như các quốc
gia, trong đó việc sử dụng bạo lực được quy định chặt chẽ và đồng thời được tổ
chức để sử dụng bạo lực đối với các nhóm bên ngoài. Hơn nữa, trong bất kỳ xã
hội nào cũng có sự sắp xếp về cấu trúc sinh sản hữu tính, cũng như chăm sóc và giáo dục trẻ em. Những sắp xếp này dưới hình thức một phần có
hình thức của các mối quan hệ họ
hàng và hôn nhân. Cuối cùng, các hệ thống giao tiếp biểu tượng, đặc biệt là ngôn ngữ, cấu trúc nên
những tương tác giữa các thành viên của bất kỳ xã
hội nào (Form William, Nico Wilterdink 2002).
Cấu trúc
xã hội và Tổ chức xã hội
Thuật ngữ cấu trúc đã được áp dụng cho các xã hội loài người kể từ thế kỷ thứ 19. Trước thời điểm đó, việc sử dụng nó phổ biến hơn trong các lĩnh vực khác như xây dựng hoặc sinh học. Karl Marx đã sử dụng cấu trúc như là một phép ẩn dụ khi ông nói về “cấu trúc kinh tế của xã hội, cơ sở thực sự đã dựng lên một cấu trúc thượng tầng chính trị hợp pháp và tương ứng với nó là những hình thức ý thức xã hội rõ ràng”. Vì vậy, đối với Marx, cấu trúc cơ bản của xã hội là cấu trúc kinh tế, hoặc vật chất, và cấu trúc này ảnh hưởng đến phần còn lại của đời sống xã hội, được định nghĩa là phi vật chất, mang tính tinh thần, hoặc ý thức hệ (Hall, Stuart 1977). Những ý nghĩa sinh học của thuật ngữ cấu trúc được thể hiện rõ trong tác phẩm của triết gia người Anh là Herbert Spencer. Ông và các nhà lý thuyết xã hội khác của thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20 đã nhận thức về xã hội như một sinh vật bao gồm các phần phụ thuộc lẫn nhau hình thành một cấu trúc tương tự như giải phẫu của một cơ thể sống (Spencer H. 1896, 1962). Mặc dù các nhà khoa học xã hội kể từ khi Spencer và Marx đã không thống nhất về khái niệm cấu trúc xã hội, nhưng các định nghĩa của họ lại có những yếu tố chung. Theo cách chung nhất, cấu trúc xã hội được xác định bởi những đặc điểm của một thực thể xã hội (một xã hội hoặc một nhóm trong một xã hội) tồn tại qua thời gian, có mối liên hệ với nhau và ảnh hưởng đến cả hoạt động của toàn thể thực thể và các hoạt động của các cá nhân thành viên của nó (Harman Ch. 1986).
Nguồn gốc của các tài
liệu tham khảo đương đại về cấu
trúc xã hội có thể được bắt nguồn từ Émile
Durkheim. Ông cho rằng các bộ
phận của xã hội phụ thuộc lẫn nhau và sự phụ thuộc lẫn nhau này đặt cấu trúc
lên hành vi của các thể chế và các thành viên của mình. Nói cách khác, Durkheim tin rằng hành vi của con người
được định hình bởi các lực lượng bên ngoài (Durkheim E.1893, 2008). Tương tự như vậy, nhà nhân học người Mỹ George P.
Murdock đã khảo sát các hệ thống thân tộc trong các xã hội tiền văn tự và sử dụng cấu trúc xã hội như là một công cụ phân loại,
so sánh các khía cạnh khác nhau của hệ thống dòng họ. Vẫn
còn một số ý tưởng tiềm ẩn trong khái
niệm cấu trúc xã hội. Thứ nhất, con người hình
thành các mối quan hệ xã hội không tùy tiện và ngẫu nhiên mà thể hiện một cách
thường xuyên và liên tục. Thứ hai, đời sống xã hội không phải là hỗn loạn và
không có khuôn mẫu, mà trên thực tế đã phân biệt thành các nhóm, các
vị trí, và các thể chế nhất định, phụ thuộc lẫn
nhau hoặc tương liên với nhau về phương diện chức năng. Thứ ba, các lựa chọn cá nhân được hình thành và giới
hạn bởi môi trường xã hội, bởi vì các nhóm xã
hội, dù được hình thành bởi các hoạt động xã hội của các cá nhân, nhưng
lại không phải là kết quả trực tiếp của mong muốn
và ý định của từng thành viên (Murdock G. P. 1949). Khái niệm cấu trúc xã hội ngụ ý rằng con người không
hoàn toàn tự do và tự trị trong các lựa chọn và hành động của họ mà thay vào đó
bị giới hạn bởi thế
giới xã hội mà họ đang sống và mối quan hệ xã hội mà họ tạo thành với nhau.
Trong khuôn khổ rộng lớn này và các đặc điểm chung khác của xã hội loài người,
có rất nhiều hình thái xã hội khác nhau giữa các
xã hội và trong một xã hội. Một số nhà khoa học xã hội sử dụng khái niệm cấu
trúc xã hội như là một công cụ để tạo ra một trật tự cho các khía cạnh khác
nhau của đời sống xã hội. Trong các nghiên cứu khác, khái niệm này có tầm quan
trọng lý thuyết lớn hơn; nó được coi là một khái niệm giải thích, một
chìa khóa cho sự hiểu biết về cuộc sống xã hội của con người. Các
nhà khoa học đã xây dựng một số lý
thuyết để giải thích cho những tương đồng và các khác biệt. Trong các lý thuyết này, một số khía cạnh của đời sống
xã hội được coi là cơ bản, và do đó, trở thành các cấu phần trung tâm của cấu trúc xã hội, trong đó đặc biệt liên quan đến
xã hội học cấu trúc xã hội là chức năng luận cấu trúc.
Chức năng luận cấu trúc
A.R. Radcliffe-Brown, một nhà nhân học xã hội
người Anh đã coi khái niệm cấu trúc xã hội có
một vị trí trung tâm trong cách tiếp cận của ông và kết
nối nó với khái niệm chức năng. Theo quan điểm của ông, các thành phần của cấu
trúc xã hội có những chức năng không thể thiếu được
đối với nhau, mà tồn tại liên tục của mỗi hợp phần đều phụ thuộc vào sự tồn tại của một hợp
phần khác - và không thể thiếu được đối với toàn bộ xã hội, với tư cách là một thực thể hữu cơ hợp nhất. Các nghiên cứu so sánh
của ông về các xã hội tiền văn tự cho thấy sự phụ thuộc lẫn nhau của các thể chế đã điều
chỉnh hầu hết cuộc sống cá
nhân và xã hội. Radcliffe-Brown đã định nghĩa
cấu trúc xã hội mang
tính kinh nghiệm là các mối quan hệ xã hội được mô thức hóa, hoặc “chuẩn thường”, đó là những khía cạnh của các hoạt động xã hội phù hợp với các
quy tắc hoặc chuẩn mực xã hội được
chấp nhận. Những quy tắc này ràng buộc các thành viên của xã hội vào
các hoạt động xã hội hữu ích (Radcliffe-Brown A.R. 1940). Dựa vào các công trình của Durkheim và Radcliffe-Brown, bằng cách sử dụng những hiểu biết sâu
sắc của họ về cấu trúc xã hội,
nhà xã hội học người Mỹ Talcott Parsons đã xây dựng một lý thuyết rất có giá trị để xem xét các xã hội lớn và phức tạp. Đối với Parsons, cấu trúc xã
hội về bản chất là có tính quy phạm, nghĩa là, bao gồm “các mô thức thể chế của văn hoá quy phạm”. Nói cách khác, các hành vi xã hội phù hợp với các chuẩn mực, giá
trị và quy tắc trực tiếp hướng dẫn hành vi trong các tình huống cụ thể
(Parsons, Talcott 1961). Các chuẩn mực này khác nhau tùy theo vị trí của từng cá nhân: chúng xác định các vai trò khác nhau, chẳng hạn như các vai
trò nghề nghiệp khác nhau hoặc vai trò của cha-chồng và vợ-mẹ. Hơn nữa, các chuẩn mực này cũng khác nhau trong
mỗi phạm vi khác nhau của cuộc sống và dẫn đến
việc tạo ra các thể chế xã hội, chẳng hạn như thể chế về tài sản và hôn nhân. Các chuẩn
mực, vai trò và thể chế là toàn
bộ các thành phần của cấu trúc xã hội ở các cấp độ phức tạp khác nhau. Các nhà xã hội học đương đại chỉ
trích các định nghĩa về cấu trúc xã hội của các học giả như Spencer và Parsons bởi vì họ cho rằng: i) các công trình đó đã sử dụng
không chính xác phép ngoại suy; ii) thông qua sự gắn kết với chức năng luận để bảo vệ hiện trạng, iii) quá trừu tượng, iv) không thể giải thích được các xung đột và biến đổi, và v) thiếu phương pháp luận đảm bảo về phương diện
thực nghiệm (Lockwood D., 1958; Black M., 1961; Gouldner A., 1970; Habermas J. 1987).
Các lý thuyết về giai cấp và quyền lực
Công trình của Parsons đã bị chỉ trích vì một vài lý do, đặc biệt là việc ông ít chú ý đến bất bình đẳng về quyền lực, sự giàu có, và các phần thưởng xã hội khác. Các nhà lý thuyết xã hội khác, bao gồm các nhà chức năng luận như nhà xã hội học Robert K. Merton của Mỹ, đã coi các thuộc tính “phân bổ” này là vấn đề trung tâm nhất trong khái niệm cấu trúc xã hội của họ. Đối với Merton và những người khác, cấu trúc xã hội không chỉ bao gồm các mô thức quy chuẩn mà còn về tình trạng bất bình đẳng về quyền lực, vị thế và các đặc quyền vật chất, tạo cho các thành viên của một xã hội có nhiều cơ hội và lựa chọn khác nhau. Trong các xã hội phức tạp, những bất bình đẳng này xác định các tầng lớp, hoặc các giai cấp khác nhau, hình thành nên hệ thống phân tầng, hoặc cấu trúc giai cấp của xã hội (Merton, Robert K. 1968). Cả các khía cạnh cấu trúc xã hội, khía cạnh quy tắc và phân phối, đều liên quan chặt chẽ với nhau, khi thấy rằng các thành viên của các giai cấp khác nhau thường có những chuẩn mực và giá trị khác nhau và thậm chí mâu thuẫn nhau. Điều này dẫn đến việc nhìn nhận ngược lại với chức năng luận cấu trúc: một số chuẩn mực nhất định trong một xã hội có thể được thiết lập không phải vì bất kỳ sự đồng thuận chung nào về giá trị đạo đức của họ mà bởi vì họ bị ép buộc vào bộ phận dân số đó bằng những kẻ vừa có quyền lợi để làm như vậy, lại vừa có quyền lực để thực thi các chuẩn mực đó. Ví dụ, các “chuẩn mực” của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc tại Nam Phi phản ánh các lợi ích và giá trị của một bộ phận dân số, có quyền lực buộc đa số phải theo các “chuẩn mực” đó. Trong các lý thuyết về giai cấp và quyền lực, lập luận này đã được khái quát hóa: các chuẩn mực, giá trị và tư tưởng được giải thích là kết quả của sự bất bình đẳng quyền lực giữa các nhóm có lợi ích xung đột nhau.
Lý thuyết có ảnh hưởng nhất của loại hình này là chủ nghĩa Marxism, hay chủ nghĩa duy vật lịch sử. Quan điểm của Marx được
tóm tắt ngắn gọn trong cụm từ của ông “Những tư tưởng của giai cấp cầm quyền, ở mọi thời đại, là tư tưởng cầm quyền.” (Die Gedanken der herrschenden Klasse sind in
jeder Epoche die herrschenden Gedanken) (Karl Marx - Friedrich Engels,
1969) Những tư tưởng này được coi là phản ánh các lợi ích của giai cấp
và liên quan đến cấu trúc quyền lực
được đồng nhất với cấu
trúc giai cấp. Một vấn đề cơ bản là sự khác biệt giữa cấu
trúc kinh tế và thượng tầng kiến trúc tinh thần, được đồng nhất với tồn tại xã hội và ý thức xã hội. Điều này cho thấy rằng các hoạt động và
các mối quan hệ kinh tế, bằng cách nào đó, tự thân độc lập với ý thức, như thể chúng xảy ra độc lập với con
người vậy. Tuy nhiên, mô hình Marxian đã trở nên ảnh hưởng ngay cả ở các nhà khoa học xã hội phi Marxist. Sự phân biệt giữa cấu trúc vật chất và thượng tầng kiến trúc phi vật chất vẫn tiếp tục được phản ánh trong các
cuốn sách giáo khoa xã hội học như là
sự khác biệt giữa cấu trúc xã hội và văn hoá.
Cấu trúc xã hội ở đây thuộc về những cách thức mà con người quan hệ với nhau hoặc phụ thuộc lẫn nhau; còn
văn hoá là nói về các tư tưởng, tri thức, chuẩn mực, tập quán, và năng lực mà họ đã học hỏi và chia sẻ với tư cách là thành viên của một xã hội
(Reckwitz A. 2002).
1.3. Thể chế xã hội
Emile Durkheim định nghĩa xã hội
học là nghiên cứu khoa học về các thể chế (Durkheim, Émile, 1982). Trong ngôn ngữ thường ngày,
chúng ta đề cập đến thể chế trong khuôn khổ của một phổ hỗn tạp các hình thái
xã hội cụ thể, chẳng hạn như gia đình, nhà Chùa, trường học. Xã hội học truyền
thống lồng ghép thể chế vào khóa học “lý thuyết xã hội” bằng cách xác định rằng
xã hội học là nghiên cứu về các thể chế chủ yếu tạo nên những gì mà chúng ta
gọi là xã hội. Tuy nhiên vẫn còn có một nghĩa thứ hai tương đối khó thấy, trong
đó thể chế được coi là các mô thức thường xuyên của hành vi được điều chỉnh bởi
các chuẩn mực và chấp thuận để các cá nhân có thể hòa nhập vào đời sống xã hội.
Vì vậy mà các thể chế là một tập hợp các vai trò xã hội. Truyền thống của xã
hội học chính thống thừa nhận có 5 tập hợp thể chế chủ yếu trong xã hội, đó là:
i) các thể chế kinh tế cho sản xuất, phân phối, và tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ;
ii) các thể chế chính trị điều chỉnh và kiểm soát việc tiếp cận quyền lực; iii)
các thể chế phân tầng xã hội điều chỉnh việc tiếp cận với uy tín và vị thế xã
hội; iv) các thể chế dòng họ, hôn nhân và gia đinh, kiểm soát sinh sản; và v)
các thể chế văn hóa liên quan đến tôn giáo, hệ thống biểu tượng và việc thực
hành văn hóa (Turner, Bryan S., 2006). Việc phân tích các tập hợp thể chế này
là đặc điểm trung tâm của lý thuyết các hệ thống xã hội, và có thể nói rằng xã
hội học chức năng luận Talcott Parsons là một đóng góp chủ đạo cho nhánh xã hội
học này. Parsons định nghĩa thể chế là một phức hợp vai trò được thể chế hóa
(hoặc các mối quan hệ vị thế) có ý nghĩa cấu trúc chiến lược cho hệ thống xã
hội, các thể chế là nền tảng cho sự tích hợp tổng thể các hệ thống xã hội
(Parsons, Talcott (1951).
Tuy nhiên các phân tích đương đại
về thể chế đã chịu ảnh hưởng quyết định bởi Peter L. Berger, còn bản thân
Berger thì lại chịu ảnh hưởng của nhà xã hội học người Đức là Arnold Gehlen.
Theo Gehlen con người được trang bị kém về mặt sinh học để đối phó với cái thế
giới mà mình sinh ra trong đó, và con người cũng không có cơ sở bản năng vô tận
để đối phó với môi trường tự nhiên và lại phụ thuộc một giai đoạn lâu dài vào
quá trình xã hội hóa để đạt được tri thức và kỹ năng giúp tồn tại được trong
thế giới này. Và ông cho rằng, để đối phó với cuộc sống con người có một tính
mở-thế giới, có nghĩa là con người phải sáng tạo và duy trì một thế giới văn
hóa để thay thế hoặc bổ sung cho thế giới bản năng. Chính tính chất bất toàn
này của con người đã cung cấp cách giải thích về phương diện nhân học cho các
nguồn gốc thể chế xã hội (Berger P.L, Kellner H., 1965). Các thể chế được coi
là những nhịp cầu xã hội nối giữa con người và môi trường tự nhiên, và trong
các khuôn khổ thể chế này mà cuộc sống của con người trở nên gắn kết và có ý
nghĩa. Để lấp đầy các khoảng trống do sự thiếu hụt của bản năng, các thể chế đã
đem đến cho con người sự trợ giúp từ những áp lực được tạo ra bởi những động
lực bản năng không được định hướng. Theo thời gian, các thể chế này bắt đầu trở
thành một bộ phận của cái nền tảng tiềm ẩn của hành động xã hội. Tuy nhiên với
quá trình hiện đại hóa, còn có một quá trình giải thể chế hóa và kết quả là cái
nền tảng đương nhiên đó trở nên ít đáng tin cậy và mở hơn cho việc thỏa thuận,
linh động về phương diện văn hóa và trở thành đối tượng cho các cuộc luận
chiến. Các thể chế khách quan và thiêng liêng của truyền thống lùi về phía sau
và cuộc sống hiện đại trở nên chủ quan, ngẫu nhiên và có vấn đề. Theo Gehlen,
chúng ta sống trong một thế giới của các thể chế thứ cấp hoặc các cận-thể chế
(Gehlen A. 2014). Có những biến đổi tâm lý sâu sắc gắn liền với các quá trình
phát triển xã hội này. Trong các xã hội cận đại, con người có đặc trưng là một
cấu trúc tâm lý vững chắc, gắn kết và xác định, tương hợp với các thể chế và
vai trò xã hội đáng tin cậy. Trong các xã hội hiện đại, con người có các tính
cách linh động, dễ thay đổi, giống như các thể chế tạm thời trong thế giới của
mình vậy. Các sức ép sinh tồn đối với con người là rất lớn, và ở một mức độ nào
đó con người hiện đại phải đối mặt với những bất chắc của tâm thức vô gia cư
(Berger, Peter L.; Brigitte Berger and Hansfried Kellner, 1974).
Loại lý thuyết thể chế này và sự
suy thoái của các thể chế đó đã hàm ngụ một lý thuyết thế tục hóa trong đó các
đồng thuận truyền thống đằng sau các loại hình thể chế cũng suy tàn theo cùng
với sự xuất hiện của các loại hình văn hóa hiện đại chứa đầy rủi ro. Tuy nhiên
sự phục hồi đức tin của các tôn giáo đương đại đã cho thấy bức tranh u buồn của
tình trạng bất chắc đòi hỏi phải được chỉnh trang lại. Xã hội học buổi đầu của
Berger cũng chịu ảnh hưởng công trình của Helmus Schelsky với câu hỏi: Có thể
thể chế hóa việc đặt thành vấn đề liên tục không? Kết luận của ông là một quá
trình phản ánh về phương diện con người là không thể, nếu những mối quan hệ xã
hội lâu bền và đáng tin cậy cần phải sống còn (Birnbaum, Norman, and Gertrud
Lenzer, eds., 1969). Trong khi một số nhà xã hội học chẳng hạn như Ulrich Beck
và Anthony Giddens đã cho rằng “quá trình giải truyền thống hóa” và “hiện đại
hóa phản xạ” là khuynh hướng ưu trội của tính hiện đại muộn, có những lập luận
đối trọng có giá trị cả về phương diện xã hội học lẫn tâm lý học, cho rằng
trong cuộc sống hàng ngày của con người, cần phải có các cấu trúc xã hội bền vững.
Ở nơi nào có giải truyền thống hóa thì cũng sẽ có những phong trào giải thể chế
hóa bù lại (Beck, Ulrich & Giddens, Anthony & Lash Scott, 1994). Trong
khi xã hội học truyền thống nghiên cứu các thể chế, thì tốc độ của biến đổi xã
hội trong xã hội đương đại và tính chất linh hoạt hiển nhiên của các sắp xếp xã
hội lại có nghĩa là các nhà xã hội học đã tìm cách lẩn tránh việc xử lý các thể
chế hệt như đó là các sự vật và đã hướng đến các quá trình xã hội, có nghĩa là
hướng đến các quá trình thể chế hóa, giải thể chế hóa và tái thể chế hóa – chứ
không phải là hướng đến các tập hợp bền vững của các vai trò. Không nên coi các
thể là những đồ vật, mà phải coi đó là các những ánh xạ, những tấm bản đồ để
đọc các quá trình xã hội (Turner B., 2006).
1.4. Phân tầng xã hội
Khái niệm phân tầng xã hội trong
xã hội học trước hết gắn liền với tên tuổi Max Weber với lý thuyết phân tầng ba thành phần, còn
gọi là phân tầng Weberian hoặc hệ thống ba lớp, được nhà xã hội học học người Đức Max Weber phát triển
với giai cấp, vị thế và quyền lực như là các kiểu loại lý tưởng riêng biệt. Weber đã phát triển cách tiếp cận đa
chiều đối với phân tầng xã
hội phản ánh mối tương tác giữa của
cải, uy tín và quyền lực. Weber lập luận rằng
quyền lực có thể có nhiều hình thức khác nhau. Quyền lực của một người có thể được thể hiện theo trật
tự xã hội thông qua vị
thế của họ, theo trật tự kinh tế thông qua giai
cấp của họ, và theo trật tự chính trị thông qua đảng
phái của họ. Do đó, giai cấp, vị thế và đảng phái là từng khía cạnh của sự phân chia quyền lực trong một
cộng đồng. Giai cấp, vị thế
và quyền lực không chỉ có
ảnh hưởng lớn trong phạm vi cá nhân mà còn có ảnh hưởng lớn
đến các lĩnh vực khác (Hurst, Ch. E. 2007). Tài sản: bao gồm các loại của cải như nhà cửa, đất đai, trang trại, nhà ở, nhà máy và các
tài sản khác – và đó là Tình trạng Kinh tế.
Uy tín: là sự tôn trọng mà người khác dành cho một
cá nhân hoặc một vị trí có vị thế - và đó là Tình trạng Vị thế.
Quyền lực: là khả năng của những người hoặc nhóm người đạt được mục tiêu của họ bất chấp sự phản đối của những
người khác – và đó là các
đảng phái. Theo Weber, có hai chiều
góc cơ bản của quyền lực,
đó là nắm quyền và thực thi quyền lực. Bài tiểu luận này được viết ngay trước Thế
chiến I và được xuất bản sau khi ông mất vào năm 1922 như là một phần của
tác phẩm Wirtschaft und Gesellschaft:
Grundriss der verstehenden Soziologie (Kinh
tế và Xã hội: Xã hội học diễn giải đại cương) của Weber. (Weber, Max 1922/1980).
Phân tầng xã hội là một loại sự phân biệt xã hội, theo đó một xã hội phân nhóm các thành viên của mình thành các tầng lớp kinh tế xã hội, dựa vào nghề nghiệp và thu nhập, của cải và địa vị xã hội, hoặc quyền lực có nguồn gốc xã hội và chính trị. Như vậy, phân tầng xã hội là vị trí xã hội tương đối của những người trong một nhóm xã hội, một thể loại xã hội, một khu vực địa lý, hoặc đơn vị xã hội. Trong xã hội phương Tây hiện đại, về đại thể, phân tầng xã hội thường được phân biệt thành ba giai cấp xã hội là tầng lớp thượng lưu, tầng lớp trung lưu, và tầng lớp dưới. Đến lượt mình, mỗi tầng lớp lại có thể được chia nhỏ hơn, ví dụ: Trung lưu lớp trên, Trung lưu lớp giữa và Trung lưu lớp dưới. Ngoài ra, một tầng lớp xã hội có thể được hình thành dựa trên cơ sở quan hệ dòng họ, thị tộc, bộ lạc, đẳng cấp, hoặc cả bốn cơ sở đó (Saunders P. 1990). Việc phân loại con người theo tầng lớp xã hội xuất hiện trong tất cả các xã hội, từ các xã hội phức tạp, thống nhất thành một nhà nước trung ương hoặc các xã hội phân chia thành nhiều trung tâm đến các xã hội bộ lạc, các xã hội phong kiến dựa trên các mối quan hệ kinh tế xã hội giữa giai cấp quý tộc và giai cấp nông dân. Việc xác định các cấu trúc phân tầng xã hội nảy sinh từ sự bất bình đẳng về vị thế giữa các cá nhân, do đó mức độ bất bình đẳng xã hội quyết định tầng lớp xã hội của mỗi con người. Nói chung, xã hội càng phức tạp thì càng nảy sinh nhiều tầng lớp xã hội, bằng cách phân biệt xã hội (Grusky, David B., 2011a).
Phân tầng xã hội là một loại sự phân biệt xã hội, theo đó một xã hội phân nhóm các thành viên của mình thành các tầng lớp kinh tế xã hội, dựa vào nghề nghiệp và thu nhập, của cải và địa vị xã hội, hoặc quyền lực có nguồn gốc xã hội và chính trị. Như vậy, phân tầng xã hội là vị trí xã hội tương đối của những người trong một nhóm xã hội, một thể loại xã hội, một khu vực địa lý, hoặc đơn vị xã hội. Trong xã hội phương Tây hiện đại, về đại thể, phân tầng xã hội thường được phân biệt thành ba giai cấp xã hội là tầng lớp thượng lưu, tầng lớp trung lưu, và tầng lớp dưới. Đến lượt mình, mỗi tầng lớp lại có thể được chia nhỏ hơn, ví dụ: Trung lưu lớp trên, Trung lưu lớp giữa và Trung lưu lớp dưới. Ngoài ra, một tầng lớp xã hội có thể được hình thành dựa trên cơ sở quan hệ dòng họ, thị tộc, bộ lạc, đẳng cấp, hoặc cả bốn cơ sở đó (Saunders P. 1990). Việc phân loại con người theo tầng lớp xã hội xuất hiện trong tất cả các xã hội, từ các xã hội phức tạp, thống nhất thành một nhà nước trung ương hoặc các xã hội phân chia thành nhiều trung tâm đến các xã hội bộ lạc, các xã hội phong kiến dựa trên các mối quan hệ kinh tế xã hội giữa giai cấp quý tộc và giai cấp nông dân. Việc xác định các cấu trúc phân tầng xã hội nảy sinh từ sự bất bình đẳng về vị thế giữa các cá nhân, do đó mức độ bất bình đẳng xã hội quyết định tầng lớp xã hội của mỗi con người. Nói chung, xã hội càng phức tạp thì càng nảy sinh nhiều tầng lớp xã hội, bằng cách phân biệt xã hội (Grusky, David B., 2011a).
Phân tầng xã hội là thuật ngữ được sử dụng trong các ngành khoa học xã hội để mô tả vị trí xã hội tương đối của các cá nhân trong một nhóm xã hội, khu vực địa lý hoặc đơn vị xã hội
nhất định. Trong các ngôn ngữ Châu Âu, nó xuất phát từ một từ tiếng Latin là stratum, số nhiều là strata có nghĩa là
các lớp nằm ngang song song
nhau, đề cập đến sự phân chia con người của một xã hội theo các hạng tầng lớp xã hội dựa trên các yếu tố như sự tài
sản, thu nhập, địa vị xã hội, nghề nghiệp và
quyền lực. Về tổng thể, trong các
xã hội phương Tây hiện đại, phân tầng thường bao
gồm ba tầng lớp xã hội
chủ yếu: tầng lớp thượng lưu, tầng lớp trung lưu và
tầng lớp dưới. Mỗi tầng lớp này có thể được chia thành các lớp nhỏ hơn,
ví dụ: trung lưu lớn trên. Các tầng lớp xã hội cũng có thể được phân
chia dựa trên cơ sở quan hệ họ hàng hoặc quan hệ đẳng
cấp. Khái niệm phân tầng xã hội thường được
sử dụng và giải thích khác nhau theo những lý thuyết phân tầng khác nhau. Ví dụ, trong xã hội học, những người
khởi xướng lý thuyết hành động cho rằng phân tầng xã hội thường thấy ở các xã hội phát triển,
trong đó có thể cần một thứ bậc thống trị để duy trì trật tự xã hội và tạo
dựng một cấu trúc xã hội ổn định
(Saunders P. 1990).
Các lý thuyết xung đột, chẳng hạn lý thuyết Marxist, cho rằng trong các xã hội phân tầng thì xuất hiện khả năng không thể tiếp cận được đối với các nguồn lực và tình trạng thiếu di động xã hội đối với tầng lớp dưới. Nhiều nhà lý thuyết xã hội học đã chỉ trích tình
trạng các tầng lớp lao động không thể
thăng tiến về kinh tế xã hội trong khi những người
giàu lại có xu hướng nắm giữ quyền lực chính trị và họ sử dụng để bóc lột giai cấp vô sản. Nhà xã hội học Mỹ Talcott Parsons khẳng định rằng sự ổn định và trật tự xã
hội được điều chỉnh, một phần, bằng các giá trị phổ quát. Những giá trị như vậy
không đồng nhất với “sự đồng thuận”, nhưng lại có thể là một động lực thúc đẩy xung đột xã hội trở
nên mãnh liệt. Đến lượt mình, các lý thuyết gia như Ralf Dahrendorf lại lưu ý đến xu hướng mở rộng tầng lớp trung lưu rong các xã hội phương Tây hiện đại do
sự cần thiết phải có một lực lượng
lao động có trình độ cao trong nền kinh tế công nghệ. Các quan điểm xã
hội và chính trị khác nhau liên quan đến toàn cầu hóa, như lý thuyết phụ thuộc,
lại cho rằng những ảnh hưởng này là do sự thay đổi vị
thế của người lao động khi
họ có xu hướng chuyển sang làm
việc tại thế giới thứ ba.
Các lý thuyết gia xã hội đã xác lập bốn nguyên tắc làm nền tảng cho phân tầng xã hội. Thứ nhất, phân tầng xã hội
được định nghĩa về mặt xã hội như một thuộc tính của một xã hội chứ không phải là những cá nhân trong xã
hội đó. Thứ hai, phân tầng xã hội được tái mô phỏng từ thế hệ này sang thế hệ khác. Thứ ba, phân tầng xã hội
là phổ quát, có ở mọi xã hội, nhưng biến đổi khác nhau theo thời gian và địa điểm. Thứ
tư, phân tầng xã hội không chỉ liên quan đến sự bất bình đẳng về định lượng mà
còn mang tính định tính về
niềm tin và thái độ đối với vị thế xã hội. (Grusky, D. B., 2011a).
Theo các nhà nhân học xã hội, mặc dù phân tầng không giới hạn ở các xã hội bộ lạc đã phát triển đến trình độ phức tạp, nhưng tất cả các xã hội phức tạp đều có những đặc điểm phân tầng xã hội. Trong bất kỳ xã hội phức tạp nào thì cũng có tình trạng là tổng số hàng hoá giá trị được phân phối không đều, trong đó các cá nhân và gia đình có đặc quyền nhất được hưởng phần lớn thu nhập, quyền lực và các nguồn lực có giá trị khác. Thuật ngữ “hệ thống phân tầng” đôi khi được sử dụng để chỉ các mối quan hệ xã hội phức tạp và cấu trúc xã hội tạo ra những bất bình đẳng quan sát được. Các thành phần chủ chốt của các hệ thống này là: i) các quá trình xã hội - thể chế xác định một số loại hàng hoá có giá trị và ai cũng muốn có; ii) các quy tắc phân phối hàng hoá và các nguồn lực đối với nhiều vị trí khác nhau trong phân công lao động (ví dụ thầy lang, người làm nương rẫy, bà chủ thị tộc mẫu hệ, và iii) các quá trình di động xã hội gắn các cá nhân với các vị trí xã hội và do đó tạo ra sự kiểm soát không công bằng các nguồn tài nguyên và các hàng hóa có giá trị (Grusky, David B. & Ann Azumi Takata, 1992).
Di động xã hội
Di động xã hội là sự dịch chuyển của cá nhân, các nhóm xã hội hoặc các loại người giữa các lớp hoặc tầng lớp trong một hệ thống phân tầng xã hội. Sự vận động này có thể được thực hiện trong một thế hệ hoặc liên thế hệ giữa hai hoặc nhiều thế hệ. Sự di động như vậy đôi khi được sử dụng để phân loại các hệ thống phân tầng xã hội khác nhau. Các hệ thống phân tầng mở là những hệ thống cho phép di chuyển giữa các tầng, điển hình bằng cách đặt giá trị vào các đặc trưng vị thế xã hội đạt được của các cá nhân. Những xã hội có mức độ di động một thế hệ cao nhất được coi là các hệ thống phân tầng mở và là các hện thống phân tầng linh động nhất (Grusky, D. B. 2011a). Những hệ thống ít hoặc không có sự di động xã hội, ngay cả trên cơ sở liên thế hệ, thì được coi là các hệ thống phân tầng đóng. Ví dụ, trong các hệ thống đẳng cấp, tất cả các khía cạnh của địa vị xã hội được gán cho, như vị trí xã hội của một người khi sinh ra là vị trí suốt một đời người. (Grusky, David B. & Ann Azumi Takata 1992).
Lý
thuyết phân tầng
Karl Marx
Trong lý thuyết Marxist, phương thức sản xuất hiện đại bao gồm hai bộ
phận chủ đạo: cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng. Cơ sở hạ
tầng bao gồm các mối quan hệ sản xuất: quan
hệ giữa chủ sử dụng lao động và người lao động, phân
công lao động, và các quan hệ tài sản. Theo Marx, giai
cấp xã hội được xác định bởi mối quan hệ của một
người với các phương tiện sản xuất. Trong bất kỳ xã hội có giai cấp
nào, thì tối thiểu cũng có hai giai
cấp: chủ sở hữu phương tiện sản xuất và những
người bán lao động cho chủ sở hữu phương tiện sản xuất
đó. Marx cho rằng rằng các giai cấp thống trị dường như là
chủ sở hữu tầng lớp lao động bởi vì họ chỉ có duy
nhất sức lao động là của riêng mình ('lao động ăn lương') để đem bán mà tồn tại. Marx cũng mô tả hai tầng
lớp khác, tầng lớp tiểu tư sản và tầng lớp vô sản lưu manh. Tầng lớp tiểu tư sản
giống như một tầng lớp doanh nhân nhỏ không bao giờ tích
lũy được đủ lợi nhuận để trở thành một phần của
giai cấp tư sản hoặc thậm chí thách thức được vị thế của họ. Tầng lớp vô sản lưu manh thuộc
tầng lớp thấp nhất, là
những người có rất ít hoặc không có vị thế xã hội. Tầng lớp này bao gồm gái mại dâm, người ăn xin, người vô gia cư
hoặc những người tiện dân khác trong
một xã hội nhất định. Cả hai tầng lớp này đều không ảnh hưởng nhiều đến hai giai
cấp chính của Marx, nhưng rất hữu ích khi biết
rằng Marx đã thừa nhận sự khác
biệt trong các giai cấp đó. (Doob,
Ch., 2012) Theo Marvin Harris và Tim Ingold, thì
các diễn giải của Lewis Henry Morgan về những người săn
bắn – hái lượm trong các xã hội bình quân chủ
nghĩa chính là một nguồn cảm hứng cho tư duy của Karl Marx và Friedrich Engels về chủ nghĩa cộng sản (Harris M. 1967; Ingold T. 2006).
Max Weber bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi những ý tưởng của Marx nhưng bác bỏ khả
năng chủ nghĩa cộng sản có hiệu quả, khi cho rằng nó đòi hỏi phải có một mức độ kiểm soát xã hội bất lợi và quan liêu hơn xã
hội tư bản. Hơn nữa, Weber đã chỉ trích giả thuyết biện chứng về một cuộc nổi dậy của giai cấp vô sản, và cho rằng điều đó là không có khả năng (Holborn,
M. & Langley, P., 2004). Thay vào
đó, ông xây dựng một lý thuyết
phân tầng ba thành phần cùng khái niệm về
các cơ hội sống. Weber cho rằng có nhiều đơn
vị phân tầng hơn Marx đề xuất, bằng
cách lấy các khái niệm khác nhau từ cả hai lý
thuyết chức năng luận và Marxist để tạo ra hệ thống của riêng mình. Ông nhấn
mạnh đến sự khác nhau giữa giai cấp, vị thế và quyền lực, và coi đây là các nguồn sức mạnh riêng
biệt nhưng có liên quan, mà mỗi nguồn đều có những tác
động khác nhau đối với hành động xã hội. Weber tuyên bố có bốn giai
cấp xã hội chính: giai cấp thượng lưu, giai cấp công nhân cổ áo trắng, giai cấp tiểu
tư sản, và giai cấp lao động chân tay. Lý thuyết của Weber gần giống với cấu trúc giai cấp
phương Tây hiện nay, mặc dù địa vị kinh tế dường như không phụ thuộc hoàn toàn vào thu nhập
theo cách mà Weber hình dung. Weber xây dựng nhiều khái niệm chính của ông về phân tầng xã hội bằng
cách xem xét cấu trúc xã
hội của Đức. Ông lưu ý rằng, trái với các lý thuyết của Marx, sự phân tầng dựa
trên nhiều yếu tố hơn là chỉ có sở hữu vốn. Weber xem xét bao nhiêu thành viên của tầng lớp quý tộc không
có tài sản về mặt kinh tế nhưng vẫn có quyền lực chính
trị mạnh mẽ. Nhiều gia đình giàu có nhưng lại thiếu uy tín và quyền lực, chẳng
hạn trường hợp họ là người Do Thái. Weber đưa
ra ba nhân tố độc lập hình thành nên lý thuyết phân cấp phân tầng
của ông, đó là; giai cấp, địa
vị và quyền lực:
Giai cấp: vị trí kinh
tế của một người trong một xã hội, dựa vào nguồn gốc gia đình và thành
tích cá nhân. Weber khác với Marx ở chỗ ông không coi đây là yếu tố tối cao trong phân tầng
xã hội. Weber lưu ý rằng các giám đốc điều hành kiểm
soát các công ty mà họ thường không sở hữu; Marx đã đặt những
người này vào giai cấp vô sản, mặc dù thu nhập cao vì họ bán lao động thay vì sở hữu tư
bản (Macionis,
Gerber, John, Linda 2010).
Vị thế: Uy tín, danh dự xã hội, hoặc sự nổi tiếng của một người trong xã hội. Weber lưu ý rằng quyền lực chính trị không chỉ bắt nguồn từ giá tư bản, mà còn bắt nguồn từ vị thế cá nhân của một người. Các nhà thơ hoặc các vị thánh, chẳng hạn, có thể có ảnh hưởng sâu rộng đến xã hội mặc dù có ít nguồn lực vật chất.
Quyền lực: Là
khả năng đạt được mục đích của một người mặc những người khác chống lại, đặc biệt là khả năng tham gia thay đổi xã hội
của họ. Ví dụ, các cá nhân trong chính phủ, chẳng
hạn như nhân viên của Văn phòng Điều tra liên bang, hoặc một nghị
sỹ của Quốc hội Hoa Kỳ, có thể có ít tài sản
hoặc vị thế nhưng vẫn nắm
và thực thi quyền lực xã hội
một cách đáng kể (Stark R. 2007).
Các nhà nhân học tranh cãi về bản chất “phổ quát” của sự phân tầng xã hội, cho rằng nó không phải là tiêu
chuẩn trong tất cả các xã
hội. John Gowdy (2006) viết, “Các giả định về hành vi của con người mà các thành viên của
các xã hội thị trường tin là phổ quát, rằng con người về thực chất
là có tính cạnh tranh và hám lợi, còn sự phân tầng xã hội là tự nhiên, không
thích hợp với nhiều tộc người săn bắn – hái lượm (Gowdy J. 2006). Có những xã hội bình quân chủ nghĩa, không phân tầng hoặc không có thủ lĩnh, có rất ít hoặc không có khái niệm về thứ
bậc xã hội, vị thế chính trị, kinh tế, giai cấp hoặc thậm chí là lãnh đạo lâu dài.
Định hướng thân tộc: Các nhà nhân
học xác định các nền văn hoá bình quân chủ nghĩa là “định hướng-thân tộc”, bởi vì các
xã hội đó dường như đánh giá sự hài hòa xã hội cao
hơn là sự giàu có hay địa vị. Các
xã hội này trái ngược với các xã
hội định hướng kinh tế (bao gồm cả các quốc gia), trong đó vị thế và sự giàu có vật chất được đánh giá cao, còn phân tầng, cạnh tranh và xung đột
xã hội trở thành phổ biến. Các xã hội định hướng thân tộc chủ động ngăn chặn phân cấp xã hội vì họ tin rằng sự
phân tầng như vậy có thể dẫn đến xung đột và bất ổn
(Deji
O. F., 2011).
Talcott Parsons đưa ra ba tiêu
chuẩn tổng hợp phân tầng xã hội bao gồm: i) Tư cách, phẩm chất, có nghĩa là ấn
định cho cá nhân những đặc tính và những địa vị nhất định, ví dụ tinh thần
trách nhiệm, uy tín, sự thành thạo trong công việc; ii) Sự thực thi là đánh giá
các hoạt động cá nhân trong quan hệ so sánh với hoạt động của những người khác;
iii) Sự sở hữu các giá trị vật chất, tài năng, trình độ nghề nghiệp, các tiềm
năng văn hóa. Theo Parsons, cần phải đánh giá các tiêu chuẩn khách quan đó phù
hợp với các giá trị và chuẩn mực của xã hội. Từ đó sự phân tầng trong xã hội tư
bản được xác định bằng 7 nhóm theo thang phân tầng chiều rộng, gồm: 1) Các nhà chuyên
môn và quản lý cấp cao; 2) Các chuyên gia kỹ thuật bậc trung; 3) Tầng lớp
thương gia; 4) Tầng lớp tiểu tư sản; 5) Công nhân kỹ thuật và công nhân làm
công tác quản lý (đốc công); 6) Người lao động có kỹ thuật được đào tạo; 7)
Người lao động đơn thuần, không có chuyên môn (Talcott Parsons, ed., 1968,
1983).
Dựa vào phương pháp trên, theo Ian
Robertson, hiện nay ở Mỹ có 6 tầng lớp được gọi là 6 giai cấp: 1) Giai cấp
thượng lưu lớp trên, là tầng lớp quý tộc theo dòng dõi, là những nhà tư bản
lớn, các tỷ phú nhiều đời, có quyền lực và uy tín lớn nhất trong xã hội; 2)
Giai cấp thượng lưu lớp dưới là những người có tiền, giới buôn bán bất động
sản, giới kinh doanh đồ ăn nhanh, trùm điện toán, v.v…; 3) Giai cấp trung lưu
lớp trên bao gồm các thương gia, các nhà doanh nghiệp, da trắng, theo đạo Tin
lành, gốc Anglo-Saxon; 4) Giai cấp trung lưu lớp dưới, có thu nhập trung bình,
không phải lao động chân tay, thương nhân cỡ nhỏ, đại lý buôn bán, giáo viên,
kỹ thuật viên, các nhà quản lý cỡ trung bình; 5) Giai cấp lao động, phần đông
là người da màu, được đào tạo ít hơn so với giai cấp trung và thượng lưu, giai
cấp “cổ cồn xanh”, người bán hàng, nhân viên phục vụ, công nhân bán chuyên
nghiệp. Đặc trưng là lao động chân tay, không có uy tín xã hội, không có phúc lợi
xã hội như hưu trí, bảo hiểm sức khỏe, trợ cấp ốm đau; 6) Giai cấp hạ lưu, gồm
những kẻ tiện dân không đáng kính trọng, sống trong những khu nhà tồi tàn ở
ngoại ô, hay những vùng nông thôn nghèo khó, thất nghiệp triền miên, không nghề
nghiệp, sống nhờ trợ cấp xã hội, bị xã hội khinh rẻ, vô giá trị trên thị trường
lao động, không hề có uy tín và quyền lực xã hội (Robertson I., 1989).
Các biến trong lý thuyết và nghiên cứu
Các biến số vị thế xã hội làm cơ sở cho phân tầng xã hội là dựa vào nhận thức và thái độ xã hội về các đặc điểm khác nhau của con người và các nhóm người. Trong khi nhiều biến như vậy cắt qua thời gian và địa điểm, thì trọng lượng tương đối của biến lại đặt vào mỗi biến và kết hợp cụ thể của các biến này sẽ khác nhau theo từng vị trí trong thời gian. Grusky đưa ra một cái nhìn tổng quát về sự phát triển lịch sử của các lý thuyết xã hội học về phân tầng xã hội và một bản tóm tắt các lý thuyết đương đại và nghiên cứu trong lĩnh vực này. (Grusky D.B. 2011b) Mặc dù nhiều biến số góp phần hiểu biết về sự phân tầng xã hội đã được xác định từ lâu, các mô hình của những biến số này và vai trò của chúng trong sự phân tầng xã hội vẫn là chủ đề tích cực của lý thuyết và nghiên cứu. Nói chung, các nhà xã hội học nhận thấy rằng không có các biến số kinh tế “thuần túy” vì các yếu tố xã hội là không thể tách rời với giá trị kinh tế. Tuy nhiên, các biến được cho là có ảnh hưởng đến sự phân tầng xã hội có thể được phân chia một cách lỏng lẻo thành các yếu tố kinh tế và các yếu tố xã hội khác.
Biến
kinh tế: Các biến số kinh tế định lượng chặt chẽ sẽ rất hữu ích cho việc mô tả phân tầng xã hội so với việc giải thích cách thức cấu thành và duy trì phân tầng xã hội đơn thuần. Thu nhập là biến phổ biến nhất được sử dụng để mô tả
phân tầng và bất bình đẳng kinh tế liên quan trong một xã hội
(Grusky,
D. B. & Ann Azumi Takata (1992). Tuy nhiên, sự phân phối giá trị thặng dư tích lũy và sự giàu có của cá nhân hay hộ gia đình cho chúng ta
thấy sự khác biệt về trạng thái hạnh phúc cá
nhân nhiều hơn so với
chỉ có biến thu nhập. (Domhoff, G. W. 2013) Các biến số tài sản cũng có thể minh hoạ sinh động hơn các biến nổi bật về phúc lợi của các nhóm trong các
xã hội phân tầng. (Perry-Rivers,
P. 2014) Tổng sản
phẩm quốc nội (GDP), đặc
biệt là GDP bình quân đầu người, đôi khi được sử dụng để mô tả sự bất bình đẳng
về mặt kinh tế và phân tầng ở cấp quốc tế hoặc toàn cầu.
Xã hội: Các biến số xã hội, cả về định tính và định lượng, thường cung cấp cho ta khả năng giải thích lớn nhất trong nghiên cứu nhân quả liên quan đến phân tầng xã hội, giống như các biến độc lập hoặc các biến can thiệp vậy. Ba biến số xã hội quan trọng bao gồm giới tính, chủng tộc và tộc người, ít nhất là cũng có ảnh hưởng can thiệp vào vị thế xã hội và sự phân tầng xã hội ở hầu hết các nơi trên thế giới (Collins P. H., 1998). Các biến bổ sung bao gồm các biến mô tả các đặc trưng vị thế gán cho và đạt được, chẳng hạn như nghề nghiệp và trình độ tay nghề, tuổi tác, trình độ học vấn, trình độ học vấn của cha mẹ và khu vực địa lý. Một số biến số đó có thể có cả tác động nhân quả và can thiệp đối với vị thế xã hội và phân tầng xã hội. Ví dụ, độ tuổi tuyệt đối có thể gây ra tình trạng thu nhập thấp nếu một người còn quá trẻ hoặc đã quá già khó mà làm việc tốt được. Nhận thức xã hội về tuổi tác và vai trò của nó trong môi trường làm việc, có thể dẫn đến cách phân biệt đối xử theo tuổi tác, thường có ảnh hưởng can thiệp đến việc làm và thu nhập. Các nhà khoa học xã hội đôi khi quan tâm đến việc định lượng mức độ phân tầng kinh tế giữa các kiểu loại xã hội khác nhau, chẳng hạn như nam giới và nữ giới, hoặc công nhân có trình độ học vấn khác nhau.
Giới: là một trong những đặc điểm xã hội phổ biến và thịnh hành nhất mà mọi người sử dụng để tạo ra sự phân biệt xã hội giữa các cá nhân. Các khác biệt về giới được tìm thấy trong các hệ thống phân tầng kinh tế, quan hệ thân tộc và đẳng cấp (Friedman E. & J. Marshall (2004). Những kỳ vọng về vai trò xã hội thường hình thành theo giới và giới tính. Toàn bộ xã hội có thể được các nhà khoa học xã hội phân loại theo các quyền và đặc quyền dành cho nam giới hoặc nữ giới, đặc biệt là các quyền và quyền sở hữu và thừa kế tài sản.Trong các xã hội gia trưởng, các quyền và đặc quyền như vậy được ban cấp một cách bình thường cho nam giới nhưng lại bỏ qua đối với phụ nữ; trong các xã hội mẫu hệ, thì lại ngược lại: các quyền và đặc quyền như vậy được ban cấp một cách bình thường cho nữ giới nhưng lại bỏ qua đối với nam giới (Mason, K. & H. Carlsson 2004).
Phân công lao động theo giới và giới tính được thấy trong lịch sử
của hầu hết các xã hội và những sự phân chia như vậy gia tăng cùng với sự ra đời của công nghiệp hóa. (Struening K.
2002) Phân biệt
tiền lương theo giới tính tồn tại ở một số xã hội như vậy mà nam giới, thông
thường, nhận mức lương cao hơn phụ nữ cho cùng một loại công việc. Sự khác biệt
về việc làm giữa nam giới và phụ nữ dẫn đến sự khác biệt về mức lương dựa trên
cơ sở giới tính ở nhiều xã hội, nơi mà phụ nữ là một loại kiếm được ít hơn nam
giới do các loại công việc mà phụ nữ được cung cấp và lấy, cũng như sự khác biệt
Số giờ làm việc của phụ nữ (Mies M. 1999). Những giá trị này và các giá trị khác liên quan đến
giới ảnh hưởng đến việc phân phối thu nhập, cảu cải và tài sản trong một trật tự xã hội nhất định.
Chủng tộc: Sự phân biệt chủng tộc bao gồm cả thành kiến và phân biệt đối xử dựa trên nhận thức xã hội về những khác biệt sinh học có thể quan sát được giữa các nhóm người. Nó thường mang hình thức các hành động xã hội, tập quán hay niềm tin của xã hội, hoặc các hệ thống chính trị trong đó các chủng tộc khác nhau được coi là có cấp bậc cao hơn hoặc thấp hơn nhau dựa trên các đặc tính, khả năng và phẩm chất chung được thừa nhận. Trong một xã hội nhất định, những người có chung các đặc điểm chủng tộc, về phương diện xã hội được coi là không được mong muốn, thường ít được đại diện ở các vị trí quyền lực xã hội, nghĩa là họ trở thành một nhóm thiểu số trong xã hội đó. Các thành viên thiểu số trong một xã hội như vậy thường bị áp dụng các hành động phân biệt đối xử do các chính sách của nhóm đa số, bao gồm sự đồng hóa, loại trừ, áp bức, trục xuất và cả tiêu diệt (Henrard K. 2000). Chủ nghĩa phân biệt chủng tộc công khai thường xuyên trực tiếp gây tác động vào một hệ thống phân tầng thông qua ảnh hưởng của nó đối với vị thế xã hội. Ví dụ, các thành viên liên quan đến một chủng tộc cụ thể có thể bị chỉ định một vị thế nô lệ, một hình thức đàn áp, trong đó nhóm đa số từ chối cấp các quyền cơ bản cho một thiểu số mà các quyền đó được cấp cho các thành viên khác trong xã hội. Chủ nghĩa phân biệt chủng tộc được che đậy, như nhiều học giả chỉ rõ, được thực hiện trong các xã hội hiện đại hơn, bị che dấu về mặt xã hội và không dễ phát hiện. Loại chủ nghĩa phân biệt chủng tộc che đậy này thường đưa vào các hệ thống phân tầng với tư các là một biến can thiệp ảnh hưởng đến thu nhập, các cơ hội giáo dục và nhà ở. Cả sự phân biệt chủng tộc công khai lẫn che đậy đều có thể có hình thức bất bình đẳng về cấu trúc trong một xã hội, trong đó chủ nghĩa phân biệt chủng tộc đã được thể chế hóa (Guess T. J. 2006).
Tộc người: Định kiến và phân biệt tộc người
cũng vận hành giống như định kiến và phân biệt chủng tộc trong xã hội. Thực tế, gần
đây các học giả đã bắt đầu phân biệt chủng tộc và tộc
người mà về mặt lịch sử, cả hai được coi là giống nhau
hoặc có quan hệ gần gũi. Với sự phát triển của khoa di truyền học và hệ gen của con người với
tư cách là những lĩnh vực nghiên cứu, hầu hết các học giả đều thừa nhận
rằng chủng tộc được xác định về mặt xã hội dựa trên những đặc điểm được xác
định về mặt sinh học có thể được quan sát trong một xã hội nhất
định, trong khi tộc người lại được xác định dựa trên cơ sở hành vi học được về phương diện văn hoá. Việc nhận dạng tộc người có thể bao gồm các di sản văn hoá chung như ngôn ngữ và phương ngữ, các hệ thống biểu tượng, tôn
giáo, thần thoại và ẩm thực. Giống như chủng tộc, các
thể loại tộc người có thể được định nghĩa về mặt xã hội là các nhóm
thiểu số có số thành viên đại diện thấp hơn ở các vị trí quyền lực xã hội. Như vậy, việc
phân chia các thể loại tộc người có thể tùy thuộc vào cùng một số kiểu loại chính sách của nhóm đa số. Cho dù tộc tính có nuôi dưỡng hệ thống phân
tầng như là một nhân tố trực tiếp, hay như là một biến số can thiệp có thể phụ
thuộc vào mức độ quan niệm tộc người trung tâm trong mỗi nhóm tộc người khác nhau trong xã hội, thì mức độ xung đột về các nguồn lực khan hiếm và quyền
lực xã hội tương đối vẫn
được duy trì trong mỗi thể loại tộc người. (Noel, D. L. 1968).
Phân tầng toàn cầu: Thế giới và tốc độ biến đổi xã hội ngày nay rất khác so với thời Karl Marx, Max
Weber, hoặc thậm chí là C. Wright Mills. Các lực lượng toàn cầu hóa dẫn đến quá trình hội nhập quốc tế nhanh chóng phát sinh từ sự trao đổi các
thế giới quan, các sản phẩm, tư tưởng và các chiều góc văn hóa khác. Những tiến bộ về cơ sở hạ tầng giao thông và viễn thông, bao gồm sự gia
tăng điện tín và các thế hệ tiếp nối của Internet
là những nhân tố chính trong toàn cầu hoá, tạo ra sự phụ thuộc lẫn nhau hơn nữa
của các hoạt động kinh tế và văn hoá (Al-Rodhan, R.F. Nayef and Gérard
Stoudmann. (2006). Giống như một hệ thống lớp phân tầng giai
cấp trong một quốc gia, nhìn vào nền kinh tế thế
giới, ta có thể thấy các vị trí giai cấp trong sự phân bổ không đồng đều của tư bản và các nguồn lực khác giữa các quốc gia. Thay vì có các
nền kinh tế quốc gia riêng biệt, giờ
đây các quốc gia được coi là những
người tham gia vào nền kinh tế thế giới. Kinh tế
thế giới thể hiện sự phân công lao động toàn cầu với ba lớp bao gồm: các quốc
gia vùng lõi, các quốc gia bán ngoại
vi và các quốc gia ngoại vi, theo các lý thuyết
các hệ thống thế giới và lý
thuyết phụ thuộc. Các nước vùng lõi chủ yếu sở hữu và kiểm soát các phương tiện sản xuất
chính trên thế giới và thực hiện các nhiệm vụ sản xuất ở cấp cao hơn và cung
cấp các dịch vụ tài chính quốc tế. Các quốc gia ngoại vi sở hữu rất ít phương tiện sản xuất của thế giới (ngay cả
khi các nhà máy nằm ở các quốc gia ngoại vi) và cung cấp lao động kỹ
năng thấp và lao động không có kỹ năng cho thế giới
(Wallerstein I. 1974). Các quốc gia
bán ngoại vi nằm giữa các
quốc gia vùng lõi và các quốc gia ngoại biên. Họ có xu hướng là các nước đang tiến tới công
nghiệp hóa và các nền kinh tế đa dạng hơn (Halsall P. 1997). Các quốc gia vùng lõi nhận được phần lớn sản lượng thặng
dư, và các quốc gia ngoại vi nhận được ít
nhất. Hơn nữa, các quốc gia vùng lõi thường có thể mua nguyên liệu thô và các hàng hoá
khác từ các quốc gia không phải vùng lõi với mức giá thấp, trong khi phải chịu giá cao hơn cho các sản phẩm nhập khẩu từ các quốc gia vùng lõi. (Chirot D. 1977) Một lực lượng
lao động toàn cầu được sử dụng thông qua một hệ thống kinh
doanh lao động chênh lệch giá toàn cầu đảm bảo rằng các công ty ở các nước vùng lõi có thể sử dụng lao động bán kỹ
năng và phi kỹ năng với mức giá rẻ nhất cho sản xuất.
Ngày nay chúng ta có đủ phương tiện thu thập và phân tích dữ liệu từ các nền kinh tế trên toàn cầu. Mặc dù nhiều xã hội trên toàn thế giới đã có những bước tiến lớn lao hướng tới sự bình đẳng giữa các vùng địa lý khác nhau, về mức sống và cơ hội sống cho người dân, nhưng chúng ta vẫn thấy khoảng cách lớn giữa những người giàu có nhất và những người nghèo nhất trong một quốc gia và giữa những quốc gia giàu có nhất và các quốc gia nghèo nhất trên thế giới (Population Reference Bureau 2013). Một báo cáo cho thấy 85 người giàu nhất trên thế giới có khối tài sản tương đương với khối tài sản của 50% dân số thế giới, vào khoảng 3,5 tỷ người (Oxfam International (2014). Ngược lại, một báo cáo của World Bank cho thấy 21% số người trên toàn thế giới, khoảng 1,5 tỷ người, sống trong cảnh đói nghèo cùng cực, hoặc dưới 1,25 đô la một ngày (Olinto, Pedro & Jaime Saavedra, 2012). Zygmunt Bauman đã quan sát thấy rằng sự gia tăng của người giàu có liên quan đến khả năng dẫn dắt cuộc sống có tính di động cao: “Tính di động leo lên thang bậc cao nhất trong số các giá trị được mong muốn - và quyền tự do liên tục di chuyển đến loại hàng hóa khan hiếm được phân phối một cách không đều, nhanh chóng trở thành nhân tố phân tầng chính của thời đại hiện đại muộn hoặc hậu hiện đại của chúng ta” (Bauman, Z. (1998).
Phân tầng xã hội thường được đặt
tương phản với phân biệt xã hội. Phân biệt xã hội thường liên quan đến việc
hình thành các phân chia xã hội theo chiều ngang; còn phân tầng xã hội thì lại
liên quan đến việc xếp thứ hạng xã hội theo trật tự chiều dọc của các tầng lớp
xã hội (Pakulsky J. 2006). Một số nhà xã hội học cũng đối lập quá trình phân
tầng ngầm ẩn việc phân cấp với việc phân chia thành các giai cấp xã hội, vốn
được coi là đối nghịch và phân cực. Phân tầng xã hội hàm ý sự phân cấp bền bỉ
liên tục của các giai cấp xã hội, các nhóm nghề nghiệp và các loại hình chủng
tộc, dân tộc, tộc người (Pakulsky J. 2006). Các tầng lớp xã hội có thể mang
tính danh nghĩa được các nhà xã hội học tạo dựng, hoặc có thật thông qua việc
phản ánh những khoảng cách xã hội thực sự giữa các nhóm. Các tầng xã hội có
thực, được chia theo khoảng cách xã hội cũng như các loại trừ mang tính hệ
thống (Silver H. 1994, 2007; Power, A.,
Wilson, W.J., 2000). Các nhà xã hội học cũng phân biệt các hệ thống phân tầng
xã hội khép kín, chẳng hạn như hệ thống đẳng cấp của người Hindu khỏi các hệ
thống phân tầng mở, chẳng hạn các hệ thống giai cấp/ nghề nghiệp. Trong các hệ
thống đóng kín, tính di động xã hội rất hạn hẹp và bị khống chế bởi các quy ước
truyền thống. Trong các hệ thống mở thì tính di động xã hội rất điển hình, có cường
độ mạnh và được xã hội chấp nhận. Trong lý thuyết chức năng về phân tầng xã
hội, các nhà xã hội học hình dung phân tầng xã hội là có ích và mang tính liên
ứng, đồng thuận. Các lý thuyết gia xung đột xã hội lại hiểu phân tầng xã hội là
mang tính tranh đoạt và luôn đi kèm với sự thống trị. Còn các nhà xã hội học
Marxist thì coi phân tầng xã hội là kết quả của bóc lột kinh tế, nảy sinh trong
các mối quan hệ giai cấp, trong khi các nhà xã hội học theo trường phái Weber
thì lại coi đó là một kết quả của tính ưu trội đa diện trong sự kết hợp giữa
giai cấp kinh tế xã hội, vị thế xã hội văn hóa, và sự phân cấp quyền lực chính
trị xã hội (Saunders, Peter 1990); Grusky, David B. & Ann Azumi Takata
1992); Grusky, David B. 2011; Doob, Christopher 2013).
Các hệ thống phân tầng xã hội mở
thì tính di động xã hội diễn ra thường xuyên và được xã hội mong đợi, và chúng
nhấn mạnh vào các đặc trưng đạt được, chẳng hạn như giáo dục, tri thức, kỹ
năng, năng lực hành động, và kinh nghiệm. Các hệ thống này cũng phát triển ngày
càng phức tạp với nhiều tiêu chí và nhiều chiều góc phân tầng tương tác và đan
xen lẫn nhau (Pakulsky J. 2006). Việc xếp hạng các cá nhân và các nhóm bằng
nhiều khía cạnh của hệ thống thứ bậc hiếm khi trùng khớp, vì vậy mà sinh ra
tính không nhất quán về vị thế. Biểu hiện phổ biến nhất của các hệ thống phân
tầng trong các xã hội hiện đại là các hình thức phân cấp vị thế nghề nghiệp
quốc gia bằng các thang đo. Các lược đồ vị thế như vậy phổ biến nhất ở Mỹ; các
nhà xã hội học châu Âu lại thường xem xét bằng các lược đồ giai cấp nghề nghiệp
tổng hợp (Pakulsky J. 2006). Trong khi hầu hết đều đồng ý rằng các vị thế nghề
nghiệp và việc làm tạo thành trụ cột cho phân tầng xã hội hiện đại, thì vẫn có
nhiều người chấp nhận phân tầng xã hội thông qua các loại tài sản và vị trí như
sau: i) quyền lực và ảnh hưởng chính trị (Dahrendorf R. 1959, 1968); ii) vị
thế, uy tín chủng tộc, tộc người (Warner, W. Lloyd 1945, 1960; Shils, Edward
1961); iii) giáo dục, kỹ năng, vốn con người, tri thức chuyên gia (Bell D.,
1966, 1973); những gắn bó xã hội, mạng xã hội, vốn con người (Coleman James S.
et al., 1966; Coleman James S. 1988, 1990); iv) vốn văn hóa, sở thích, phong
cách, giới (Bourdieu P. 1983, 1984a,b; 1988); v) các quyền, trao quyền, đặc
quyền (Turner, Bryan S., 1993, 2000; Sullivan, Sh. 2006; Elias, J. 2007; Adams R. 2008).
Các nhà nghiên cứu phân tầng xã
hội hiện đại thường kết hợp các chiều cạnh giai cấp, vị thế nghề nghiệp, và
quyền lực thành những phân cấp tổng hợp với tư cách là các lược đồ phân tầng xã
hội và giai cấp. Việc vẽ lược đồ phân tầng xã hội bao gồm các giai cấp nghề
nghiệp, giới tinh hoa và các nhóm ngoài lề xã hội, giai cấp thấp nhất đã được
các nhà xã hội học nổi tiếng thực hiện (Giddens A. 1973; Dahrendorf R. 1992).
Tương tự như vậy, cũng đã có những nghiên cứu khái quát hóa lược đồ giai cấp và
nghề nghiệp thành 11 giai cấp khác nhau (Goldthorpe J. 1987), hoặc lồng ghép
phân tích giai cấp xã hội vào việc nghiên cứu phân tầng xã hội về chủng tộc và
giới. Lược đồ phân tầng xã hội/ giai cấp còn tích hợp vào đó các chiều góc kiểm
soát quản lý và kỹ năng/ chuyên môn (Wright E.O. 1997). Cuối cùng là lược đồ
phân tầng thích nghi hóa vào các lược đồ giai cấp hậu công nghiệp các chiều góc
quyền lực, uy quyền (giới tinh hoa hoặc quản lý chính trị), tích hợp kinh tế, các
quyền công dân, với trường hợp người ngoài lề xã hội hoặc giai cấp dưới đáy xã
hội (Bell D. 1973; Esping-Andersen G., 1993). Cùng với quá trình toàn
cầu hóa, nhiều nhà xã hội học đã coi toàn bộ thế giới là một xã hội phân tầng
theo các chiều góc quyền lực, kinh tế và cấp độ phát triển. Vì vậy các lý
thuyết gia hệ thống thế giới và phụ thuộc đã phân biệt các tầng quyền lực toàn
cầu giữa các quốc gia thuộc các khu vực ngoại vi, bán ngoại vi và khu vực lõi
(Wallerstein, I.M., 1974; 2004).
_______________________________________
Còn tiếp…
* Ghi chú: Phần tổng
quan cho Đề cương nghiên cứu của Đề tài Tác
động của biến đổi xã hội đến ổn định và phát triển vùng dân tộc thiểu số nước
ta hiện nay (Thuộc Chương trình Khoa học và Công nghệ cấp quốc gia
giai đoạn 2016-2020: Những vấn đề cơ bản
và cấp bách về dân tộc thiểu số và chính sách dân tộc ở Việt Nam đến năm 2030”,
Mã số CTDT/16-20) của Viện Văn hóa Dân gian Ứng dụng, Hội Văn nghệ Dân gian
Việt Nam.
Tài liệu dẫn
Adams,
Robert (2008). Empowerment, participation and social work. New York:
Palgrave Macmillan.
Ahlburg, Dennis A. (1996). Population Growth and Poverty, In The Impact of Population Growth on Well-Being in Developing
Countries, ed. Dennis A. Ahlburg, Allen C. Kelley, and Karen Oppenheim
Mason (Berlin: Springer, 1996), 219-258.
Alchon, Austin Suzanne (2003). A pest in the land: new world epidemics in
a global perspective. University of New Mexico Press. p. 21.
Alchon, Austin Suzanne (2016). Historical Estimates of World Population.
Census.gov. Retrieved November 12, 2016.
Allen T, Thomas A (1992). Poverty and Development into the 21st
Century. Oxford: The Open University.
Al-Rodhan,
R.F. Nayef and Gérard Stoudmann. (2006). Definitions
of Globalization: A Comprehensive Overview and a Proposed Definition.
Program on the Geopolitical Implications of Globalization and Transnational
Security.
Althusser, Louis (2014). On The Reproduction Of Capitalism: Ideology And Ideological State Apparatuses, trans. and ed. G.M. Goshgarian (Verso, 2014).
Anderson, Benedict (1983). Imagined Communities: Reflections on the Origin and Spread of Nationalism, rev. ed., London: Verso.
Bairoch, Paul (1995). Were Third World Raw Materials Central to Western Industrialization?" in his Economics and World History (Chicago, 1995), 59-71;
Althusser, Louis (2014). On The Reproduction Of Capitalism: Ideology And Ideological State Apparatuses, trans. and ed. G.M. Goshgarian (Verso, 2014).
Anderson, Benedict (1983). Imagined Communities: Reflections on the Origin and Spread of Nationalism, rev. ed., London: Verso.
Bairoch, Paul (1995). Were Third World Raw Materials Central to Western Industrialization?" in his Economics and World History (Chicago, 1995), 59-71;
Barlow, Robin (1994). Population Growth and Economic Growth: Some
More Correlations,” Population and
Development Review 20, no. 1 (1994): 153-165.
Barry,
B., & Robinson, R.J. (2002). Ethics
in conflict resolution: The ties that bind. In International Negotiation,
7: 137-142.
Bauman, Z. (1998). Globalization: The Human Consequences.
Columbia University Press.
Beck, Ulrich & Giddens,
Anthony & Lash Scott (1994). Reflexive Modernization. Politics,
Tradition and Aesthetics in the Modern Social Order. Cambridge: Polity
Press.
Bell, Daniel (1966). Work, Alienation and Social Control, in
Irving Howe (ed.), The Radical Papers. Garden City, NY: Doubleday and
Co., 1966; pp. 86-98.
Bell, Daniel (1973). The Coming
of Post-Industrial Society: A Venture in Social Forecasting. New York:
Basic Books.
Berger,
Peter L; Kellner, Hansfried (1965). Arnold Gehlen and the
Theory of Institutions, In Social Research, Camden, N. J.32.1 (Spring 1965): 110.
Berger, Peter L.; Brigitte Berger
and Hansfried Kellner (1974). The
Homeless Mind, Published by Penguin Books Ltd.
Bilance (1997). A world in balance – Bilance stands for
Social Development: Policy paper”. Oegstgeest, September 1997.
Birnbaum, Norman, and Gertrud
Lenzer, eds. (1969). Sociology and
Religion: A Book of Readings. Englewood Cliffs: Prentice-Hall, 1969.
Black, Max (1961). Social
theories of Talcott Parsons: a critical examination.
Topics Sociology, Sociologie. Publisher
Englewood Cliffs, N.J.,: Prentice-Hall
Bock, Philippe. K. (1969). Modern Cultural Anthropology – An Introduction.
Alfred A. Knopf, New York.
Bond, Niall (1991). Sociology
and ideology in Ferdinand Tönnies’ Gemeinschaft und Gesellschaft. Freiburg
1991 (Freiburg (Breisgau), Univ., Diss., 1991).
Bourdieu, P. (1983). Ökonomisches Kapital, kulturelles Kapital, soziales
Kapital. in Soziale
Ungleichheiten (Soziale Welt, Sonderheft 2), edited by Reinhard
Kreckel. Goettingen: Otto Schartz & Co.. 1983. pp. 183-98.
Bourdieu, P. (1984a). Homo
Academicus, (French Edition) Les Éditions de Minuit, Paris, 1984
Bourdieu, P. (1984b). Distinction: A Social Critique of the
Judgment of Taste, trans. Richard Nice, 1984. Harvard University Press.
Bourdieu, P. (1989). The Corporatism of the Universal: The Role
of Intellectuals in the Modern World. Telos 81 (Fall 1989). New York
Bourdieu, Pierre and Jean-Claude
Passeron (1990). Reproduction in
Education, Society and Culture, Second Edition, SAGE Publications Ltd.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (2015). Đề án tổng thể chuyển đổi phương pháp tiếp cận đo lường nghèo từ đơn
chiều dựa vào thu nhập sang đa chiều áp dụng trong giai đoạn 2016-2020. Hà
Nội.
Brandt R (1980). North- South: a Programme for Survival, the
report of the Independent Commission on International Development Issues.
London: Pan Books.
Buxton,
William J. and David Rehorick (2001). The
Place of Max Weber in the Post-Structure Writings of Talcott Parsons. In A.
Javier Trevino (ed.) Talcott Parsons Today: His Theory and Legacy in
Contemporary Sociology. Lanham: Rowman & Littlefield.
Carneiro, Robert L. and Perrin,
Robert G. (2005). Herbert Spencer's
'Principles of Sociology:' a Centennial Retrospective and Appraisal. In Annals
of Science 2002 59(3): 221–261.
Carr,
L. (1932). Disaster and the
sequence-pattern concept of social change. In American Journal of Sociology, 38, 209-215.
Chirot, Daniel (1977). Social Change in the Twentieth Century.
New York: Harcourt Brace Jovanovich.
Clausen Lars, Carsten Schlüter
(Hrsg.) (1991). Hundert Jahre „Gemeinschaft und Gesellschaft“. Ferdinand
Tönnies in der internationalen Diskussion. Leske + Budrich, Opladen 1991.
Coetzee KJ, Graaf J, Heindricks F,
Wood G (2007). Development: Theory,
Policy and Practice. Cape Town: Oxford University Press.
Cohen, R.B. (1988). State
Formation and Political Legitimacy. Edited by Ronald Cohen and Judith D.
Toland. Myron J. Aronoff.
Coleman James S. (1988). Social Capital in the Creation of Human
Capital, article in The American Journal of Sociology, Vol. 94, Supplement: Organizations and Institutions:
Sociological and Economic Approaches to the Analysis of Social Structure,
pp. S95–120 (1988).
Coleman James S. (1990). Equality and Achievement in Education. Publisher: Westview Press.
Coleman, J. S., Campbell, E. Q.,
Hobson, C. J., McPartland, J., Mood, A. M., Weinfeld, F. D., and York, R. L.
(1966). Equality
of Educational Opportunity. 2 volumes. Washington, D.C.: Office of
Education, U. S. Department of Health, Education, and Welfare, U. S. Government
Printing Office.
Collins, Patricia Hill (1998).
Toward a new vision: race, class and gender as categories of analysis and
connection. In
Social Class and Stratification: Classic Statements and Theoretical Debates. Boston: Rowman & Littlefield.
pp. 231–247.
Comte, Auguste (1896,1974). The Positive Philosophy of Auguste Comte,
Volumes I, II, and III. London: Bell. Translated by Martineau, Harriet.
Dahrendorf, Ralf (1959). Class and Class Conflict in Industrial
Society. Stanford: Stanford University Press.
Dahrendorf, Ralf (1968). Essays
in the Theory of Society. Stanford: Stanford University Press
Dahrendorf R. (1992). Der
moderne soziale Konflikt: Essay zur Politik der Freiheit. DVA, Stuttgart.
Day, R.J. F. 2000. Multiculturalism
and the History of Canadian Diversity. University of Toronto Press, 2000.
Deji, Olanike F. (2011).
Gender and Rural Development. London: LIT Verlag Münster. p. 93.
Domhoff, G. William (2013).
Who Rules America? The Triumph of the Corporate Rich. McGraw-Hill. p. 288.
Doob, Christopher (2012). Social Inequality and Social Stratification
in US Society (1st ed.), Pearson Education.
Doob, Christopher (2013).
Social Inequality and Social Stratification in US Society. Upper Saddle River, New Jersey:
Pearson Education Inc. p. 38
Douglass C. North, John
Joseph Wallis, and Barry R. Weingast (2012). Violence and Social Orders: A Conceptual Framework for Interpreting
Recorded Human History. Cambridge: Cambridge University Press (2012).
Drèze, Jean, and Amartya Sen
(1995). India: Economic Development and
Social Opportunity. Delhi, Oxford University Press, New York.
Durkheim, Émile (1893, 2008). De la
division du travail social: étude sur l'organisation des sociétés supérieures.
Paris: Alcan, 1893.
Durkheim, Émile (1982).
Preface to the second edition. In The Rules of Sociological Method and Selected Texts on Sociology
and its Method. Edited with an introduction by Steven Lukes; translated by W. D.
Halls. New York: The Free Press. pp. 34–47.
Eaton, Jonathan and Samuel Kortum
(2001). Trade in Capital Goods.
European Economic Review 45:1195–1235.
Elias, J. (2007). Women Workers and Labour Standards: The
Problem of “Human Rights”’, Review of International Studies, 33(1):45-57
Ekelund,
R. & Hebert, R. (2007). A History
of Economic Theory and Method 5th Edition. Waveland Press, United States,
p. 105.
Ellis Jones, Ross Haenfler and
Brett Johnson (2001). Bringing Social
Change to Average Folks: The Power of Everyday Actions. Left Hand Books.
December 2001. Boulder, CO.
Esping-Andersen, Gøsta (1993).
Changing classes stratification and mobility in post-industrial societies. London Newbury Park, California:
Sage Publications.
Form William, Nico Wilterdink
(2002). Social structure, https://www.britannica.com/
Friedman, Ellen & Jennifer Marshall
(2004). Issues of Gender. New York: Pearson Education, Inc.
Frisbie, Parker (1975). Measuring the Degree of Bureaucratization at the Societal Level. Soc Forces (1975) 53 (4): 563-573.
Geertz, Clifford (1963) Agricultural Involution: The Processes of Ecological Change in Indonesia. Berkeley and Los Angeles, California: University of California Press.
Gehlen, Arnold (1914). Der Mensch, seine Natur und seine Stellung in der Welt. AULA-Verlag, Wiebelsheim 2014.
Frisbie, Parker (1975). Measuring the Degree of Bureaucratization at the Societal Level. Soc Forces (1975) 53 (4): 563-573.
Geertz, Clifford (1963) Agricultural Involution: The Processes of Ecological Change in Indonesia. Berkeley and Los Angeles, California: University of California Press.
Gehlen, Arnold (1914). Der Mensch, seine Natur und seine Stellung in der Welt. AULA-Verlag, Wiebelsheim 2014.
Gellner,
Ernest (1983). Nations
and Nationalism. Ithaca: Cornell University Press.
Giddens, Anthony (1971).
Capitalism and Modern Social Theory: an Analysis of the Writings of Marx,
Durkheim and Max Weber. Cambridge University Press.
Giddens, Anthony (1973). The
Class Structure of the Advanced Societies. London : Hutchinson.
Giddens, Anthony (ed.) (1986). Durkheim
on Politics and the State. Cambridge: Polity Press.
Ginsberg M. (1958). Social Change, The British Journal of
Sociology, Vol. 9, No. 3, Sep., 1958.
Goldthorpe J. (1987). Social
mobility and class structure in modern Britain. Oxford: Clarendon Press.
Gorski, Philip (2008). After Secularization? In Annual
Review of Sociology 34(1): 55-85.
Gouldner, Alvin (1970). The
Coming Crisis of Western Sociology. London: Heineman, 1970.
Gowdy, John (2006).
Hunter-gatherers and the mythology of the market. In
Lee, Richard B. and Richard H. Daly. The Cambridge Encyclopedia of
Hunters and Gatherers. Cambridge University Press. pp. 391–393.
Greenwood C. Lawrence Jr. (Vice President, Asian Development Bank) 2008. Sustainable Natural Resource Use and
Economic Competitiveness: Challenges and Opportunities. Greater Mekong
Subregion Economic Cooperation Program Second Environment Minister’s Meeting.
Grusky, David B. (2011). Theories of Stratification and Inequality.
In Ritzer, George and J. Michael Ryan. The
Concise Encyclopedia of Sociology. Wiley-Blackwell. pp. 622–624. Retrieved
23 June 2014.
Grusky, David B. (2011a). Theories of Stratification and Inequality. In Ritzer, George and J.
Michael Ryan. The Concise Encyclopedia of
Sociology. Wiley-Blackwell. pp. 622–624.
Grusky, David B (2011b). The Past, Present and Future of Social
Inequality. In Social Stratification:
Class, Race, and Gender in Sociological Perspective (Second Edition).
Boulder: Westview Press. pp. 3–51.
Grusky, David B. & Ann Azumi
Takata (1992). Social Stratification.
The Encyclopedia of Sociology. Macmillan Publishing Company. pp. 1955–70.
Guess,Teresa J (2006).
The Social Construction of Whiteness: Racism by Intent, Racism by Consequence. Critical Sociology. 32 (4): 649–673.
Habermas, Jürgen (1987). The
Theory of Communicative Action Volume 2. Lifeworld and System: A
Critique of Functionalist Reason. Boston: Beacon, 1987.
Hall, Stuart (1977). Rethinking
the Base and Superstructure Metaphor. Papers on Class, Hegemony and Party.
Bloomfield, J., ed. London: Lawrence & Wishart, 1977.
Halsall, Paul (1997). Modern History Sourcebook: Summary of
Wallerstein on World System Theory, Fordham University.
Harman, Chris (1986). Base
and Superstructure. International Socialism 2:32, Summer 1986, pp. 3–44.
Harris, Marvin (1967). The Rise of Anthropological Theory: A
History of Theories of Culture. Routledge.
Harrison,
D. (1988). The Sociology of Modernization
and Development. London: Unwin Hyman Ltd.
Hechter, M. and Horne, C. (2003). Theories of Social Order: A Reader.
Stanford University Press.
Henrard, Kristen (2000).
Devising an Adequate System of Minority Protection: Individual Human Rights,
Minority Rights and the Right to Self-Determination. New York: Springer.
Hilary
Silver (1994). Social Exclusion and
Social Solidarity. International Labour Review 133, nos. 5-6 (1994):
531-78.
Holborn,
M. & Langley, P. (2004). Sociology: Themes and perspectives, AS
& A level Student Handbook, accompanies the Sixth Edition: Haralambos &
Holborn,London: Collins Educational.
Holmwood, John (2006). Society. The Cambridge Dictionary of
Sociology, Edited by Bryan S. Turner. Cambridge University Press.
Hout, Michael and Claude Fischer
(2014). Explaining Why More Americans
Have No Religious Preference: Political Backlash and Generational Succession,
1987-2012.” Sociological Science 1(9).
Hout, W. (1993). Capitalism and
the Third World: Development, dependence and the world system, Hants:
Edward Elgar, 1993.
Hurst, Charles E. (2007). Social Inequality: Forms, Causes, and Consequences. Boston MA, Allyn and Bacon, 6th edn.
Ingold, Tim (2006). On the social relations of the hunter-gatherer band, in Richard B. Lee and Richard H. Daly (eds.), The Cambridge Encyclopedia of Hunters and Gatherers, p. 400. New York: Cambridge University Press.
Hurst, Charles E. (2007). Social Inequality: Forms, Causes, and Consequences. Boston MA, Allyn and Bacon, 6th edn.
Ingold, Tim (2006). On the social relations of the hunter-gatherer band, in Richard B. Lee and Richard H. Daly (eds.), The Cambridge Encyclopedia of Hunters and Gatherers, p. 400. New York: Cambridge University Press.
Innes M. (2003). Understanding Social Control: Crime and
Social Order in Late Modernity - Deviance, crime and social order.
McGraw-Hill Education (UK).
Isaacs, Harold 2004 (Ed.)
Exploring
Conflicts and conflict Resolution in the Contemporary Third World.
In ATWS Proceedings, Twenty Second Annual Meeting (2004) Americus, GA:
Association of Third World Studies, Inc., 2005, 97 pp.
Janowitz, Morris (1975). Sociological Theory and Social Control. American Journal of Sociology.
The University of Chicago Press Article. 81 (1): 82–108.
Joseph E. Davis ed. (2000). Identity and
Social Change. Routledge, Taylor & Francis Group. First
published by Transaction Publisher.
Karl Marx - Friedrich Engels
(1969). Die deutsche Ideologie,
Werke, Band 3, S. 5 – 530 Dietz Verlag, Berlin/DDR 1969.
Kenneth, A. (2006). Contemporary social and sociological theory:
visualizing social worlds. Thousand Oaks, CA: Pine Forge Press, 2006.
Kerr C., J. T. Dunlop, F. H. Harbison and C. A. Myers (1962). Industrialism and Industrial Man. Heinemann,
London.
Knight, C. (2008). Early Human Kinship was Matrilineal. In
N. J. Allen, H. Callan, R. Dunbar and W. James (eds), Early Human Kinship.
London: Royal Anthropological Institute, pp. 61–82.
Kondratieff N. (1935). The Long Waves in Economic Life. Review
of Economics and Statistics 18(6): 105–15.
Kondratieff N. 2002. Big Cycles of Conjuncture and Theory of
Prevision, Selected Works / Ed. by Y. V. Yakovets, and L. I. Abalkin. In
Russian (Кондратьев Н. Д. Большие циклы конъюнктуры и теория предвидения.
Избранные труды / Pед. Я. В. Яковец, Л. И. Абалкин. М.: Экономика).
Kondratieff N. 2004 [1922]. The World Economy and its Conjunctures
During and After the War / Ed. by Y. V. Yakovets, and N. A. Makasheva; transl.
by V. Wolfson. Moscow: International Kondratieff Foundation.
Krugman, Paul (2011). More
Thoughts on Equality of Outcome. Published in The New York Times.
(January 11, 2011)
Kymlicka, Will (1995). Multicultural
Citizenship: A Liberal Theory of Minority Rights. Oxford University Press,
1995.
Lepenies Wolf (2010). Auguste
Comte: die Macht der Zeichen, Carl Hanser, Munich.
Lindell, Michael K.; Carla S.
Prater; Ronald W. Perry; William C. Nicholson (2006). Fundamentals of Emergency Management. United States, Federal
Emergency Management Agency.
Lockwood, David (1958). Some Remarks on the Social System. In British
Journal of Sociology vol.7. no.2. 1958. pp. 115–124.
Luhmann,
Niklas (1984, 1995). Soziale Systeme: Grundriß einer allgemeinen Theorie,
Frankfurt: Suhrkamp (English translation: Social Systems, Stanford:
Stanford University Press, 1995).
MacIver R. and Page C. (1949). Society: An Introductory Analysis. New
York: Holt, Rinehart.
Macionis, Gerber, John, Linda (2010).
Sociology 7th Canadian Ed. Toronto, Ontario: Pearson Canada Inc. p. 243.
Mason, K. & H. Carlsson (2004).
The Impact of Gender Equality in Land Rights on Development. In
Human Rights and Development: Towards Mutual Reinforcement. New York.
Maslow A. (1943). A Theory of Human Motivation, in
Psychological Review, 1943, Vol. 50-4, pp. 370–396).
McIntire, C. T.; Perry, Marvin, eds. (1989).
Toynbee: Reappraisals. University of Toronto Press.
McRoberts, Kenneth (1997). Misconceiving
Canada: The Struggle for National Unity. Oxford University Press, 1997.
Merton,
Robert K. (1968). Social Theory and
Social Structure, Free Press.
Mies, Maria (1999).
Patriarchy and Accumulation on a World Scale: Women in the International
Division of Labour. London: Palgrave MacMillan.
Modis, T. (2007). Strengths and weaknesses of S-curves.
In Technological Forecasting and Social
Change, 2007, 74(6), 866-872.
Mommsen, Wolfgang J. (1992). The Political and Social Theory of Max
Weber: Collected Essays, University of Chicago Press.
Moore,
Wilbert E. (1964) Social Change, Prentice Hall: New Jersey.
Murdock, George Peter
(1949). Social Structure. New York: The MacMillan Company.
Neumayer, Eric (2010). Human Development and Sustainability. In
Human Development Research Paper,
United Nations Development Programme.
Ngân hàng Thế giới (2005). Sổ
tay hoạt động của Ngân hàng Thế giới – Chính sách hoạt động OP 4.10, tháng 7
năm 2005. Văn phòng Ngân hàng Thế giới tại Hà Nội.
Nielsen, Kai 1987. Rejecting
Egalitarianism, Political Theory, Vol. 15, No. 3 (Aug., 1987), pp. 411-423.
Noel, Donald L. (1968).
A Theory of the Origin of Ethnic Stratification. Social Problems. 16 (2): 157–172.
Norbert, Elias (1994). The
Civilizing Process. Sociogenetic and Psychogenetic Investigations. Oxford:
Basil Blackwell.
Ogburn,
William F. (1966). Social change: With
respect to cultural and original nature. Oxford England: Delta Books.
Olinto, Pedro & Jaime Saavedra
(April 2012). An Overview of Global
Income Inequality Trends". Inequalitty in Focus. 1 (1).
Ostergren R. C. and Rice J. G. (2004). The
Europeans: A Geography of People, Culture and Environment (New York:
Guilford Press).
Oxfam International (2014). Rigged rules mean economic growth
increasingly "winner takes all" for rich elites all over world.
Oxfam, 20 January 2014.
Pakulsky, Jan (2006). Social Stratification. The Cambridge
Dictionary of Sociology, Edited by Bryan S. Turner. Cambridge University Press,
pp. 586-7.
Parsons, Talcott (1951). The social system. First published in
England, 1951by Routledge & Kegan Paul Ltd.
Parsons, Talcott (1961). An Outline of the Social System, pp.
36-43, 44-7, 70-2 from Talcott Parsons, Edward A. Shils, Kaspar D. Naegle, and
Jesse R. Pitts (eds.), Theories
of Society (New York: Simon &
Schuster, The Free Press, 1961).
Parsons, Talcott 1983. The
Structure and Change of the Social System Edited by Washio Kurata (lectures
from Parsons' second visit to Japan).
Perry-Rivers, P. (2014).
Stratification, Economic Adversity, and Entrepreneurial Launch: The Converse
Effect of Resource Position on Entrepreneurial Strategy". Entrepreneurship
Theory & Practice.
Phan Xuân Sơn (2015). Phát triển
xã hội. Tạp chí Lý luận chính trị
số 5-2015, Hà Nội.
Pieterse, Nederveen Jan (1988). A Critique of World System Theory,
International Sociology, Volume: 3 issue: 3, page(s): 251-266, September 1,
1988.
Poore, S. (2007). Overview of Social Control Theories. The
Hewett School. Retrieved on: September 2, 2007.
Population Reference
Bureau (2013). World Population Data
Sheet". Population Research Bureau.
Power, A., Wilson, W.J., (2000). Social
Exclusion and the Future of Cities, Centre for Analysis of Social
Exclusion, London School of Economics, London
Prescott-Allen, R. (2001). The
wellbeing of nations. Washington DC: Island Press.
Putman R. 1993. The
Prosperous Community: Social Capital and Public Life, in : The American
Prospect, Volume 4, Issue 13, March 21, 1993, 35-42.
Quarantelli E.L. (editor) (1998). Where We Have Been and Where We Might Go,
What is a Disaster?: A Dozen Perspectives on the Question, London,
Routledge, 1 edition 1998, pp.146-159
Radcliffe-Brown A.R. (1940). On Social Structure, The Journal of the
Royal Anthropological Institute of Great Britain and Ireland, Vol. 70, No.1
(1940), 1-12.
Rapley, Mark & Susan Hansen
(2006). Society. In The Cambridge Dictionary of Sociology,
Gen. Ed. Bryan S. Turner, Cambridge University Press.
Raskin, P. 2006. The Great Transition
Today: A Report from the Future. Boston.
Reckwitz, Andreas (2002). The Status of the “Material” in Theories of
Culture: From “Social Structure” to “Artefacts”, Journal for the Theory of Social Behaviour 32:2, The
Executive Management Committee/ Blackwell Publishers Ltd. 2002
Robèrt,
Karl-Henrik 2002. The Natural Step Story: Seeding a Quiet Revolution.
Gabriola Island, BC: New Society Publishers.
Robertson I. (1989). Society: A Brief Introduction. New York:
Worth Publishing Co.
Robinson A.M. (2007). Multiculturalism
and the Foundations of Meaningful Life. UBC Press, 2007.
Sahlins, Marshall D. (1960).
Evolution and Culture, edited with Elman R Service. Ann Arbor: University
of Michigan Press.
Samapti, Marakkath, Nadiya (Eds.)
(2015). Technology and Innovation for
Social Change, Publisher Springer India.
Sass, J., and Crosbie, T. (2013). Democracy and Scandal: A esearch Agenda.
Comparative Sociology. 12(6): 851-862.
Saunders, Peter (1990). Social Class and Stratification.
Routledge.
Segnestam, Lisa (2002). Indicators of Environment and Sustainable
Development Theories and Practical Experience, The World Bank Environment
Department, Room MC-5-126. Paper No.89, Environmental Economics Series.
Sen, A., (1980). Equality of
What? in McMurrin (ed.), Tanner Lectures on Human Values, Cambridge:
Cambridge University Press.
Sen, A. (1984). Rights and
Capabilities, in Resources, Values and Development, Cambridge, MA:
Harvard University Press, pp. 307–324.
Sen, A. (1985). Commodities and
Capabilities, Amsterdam: North-Holland.
Sen, A., (1993). Capability and
Well-being, in Nussbaum and Sen (eds.), The Quality of Life, Oxford:
Clarendon Press, pp. 30–53
Sen, A. (2005). Human Rights
and Capabilities, in Journal of Human Development, 6(2): 151–66.ane.
Shils, Edward (1961). The
Intellectual Between Tradition and Modernity: The Indian Situation.
Comparative Studies in Society and History, Supplement 1. The Hague: Mouton.
Silver,
Hilary (2007). Social Exclusion:
Comparative Analysis of Europe and Middle East Youth, Middle East Youth
Initiative Working Paper (September 2007), p.15
Sorokin, Pitirim (1937). Social
and Cultural Dynamics, Cincinnati: American Book Company, 1937-41. 4 vol.
Sorokin, Pitirim (1947). Society,
Culture, and Personality: Their Structure and Dynamics, A System of General
Sociology, Harper & Brothers Publishers, New York & London.
Sorokin, Pitirim (1957). Social and Cultural Dynamics: A Study of Change in Major Systems
of Art, Truth, Ethics, Law and Social Relationships, Boston: Extending Horizons
Books.
Spencer, Herbert (1896, 1962). The study of sociology. New York, D. Appleton and Company.
Stark, Rodney (2007).
Sociology, Tenth Edition. Thompson Wadsworth.
Stern, Bernhard J. (1946) Lewis Henry Morgan Today; An Appraisal of
His Scientific Contributions, In Science & Society, vol. 10, no.
2 (Spring 1946), pp. 172–176.
Struening, Karen (2002).
New Family Values: Liberty, Equality, Diversity. New York: Rowman &
Littlefield.
Stutz, John 2006. The Role of Well-being in a Great Transition. Tellus Institute 11 Arlington Street Boston, USA.
Sullivan, Shannon (2006).
Revealing Whiteness: The Unconscious Habits of Racial Privilege. Indiana
University Press.
Sussman G.D (2011). Was the black death in India and China?.
Bulletin of the history of medicine. 85 (3): 319–55.
Talcott Parsons, ed. (1968). Knowledge
and Society - American Sociology. New York: Basic Books, 1968.
Talcott Parsons (1983). The
Structure and Change of the Social System Edited by Washio Kurata.
Taylor, Charles (1994). Multiculturalism:
Examining The Politics of Recognition. Ed. Amy Gutmann. Princeton
University Press, 1994.
Throsby, David (1994). The Production and Consumption of the Arts: A View of Cultural
Economics, In Journal of Economic Literature, V. XXXII, 1994, pp.
1-29
Throsby,
David 2001. Economics and Culture, Cambridge University Press, 2001.
Thủ tướng Chính phủ (2015). Quyết định số 1614/QĐ-TTg Phê duyệt Đề án tổng thể Chuyển đổi phương pháp tiếp
cận đo lường nghèo từ đơn chiều sang đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020.
Hà Nội, ngày 15 tháng 9 năm 2015.
Tönnies,
Ferdinand (1887, 1995). Gemeinschaft und Gesellschaft, Leipzig: Fues's
Verlag. An English translation of the 8th edition 1935 by Charles P. Loomis
appeared in 1940 as Fundamental Concepts of Sociology (Gemeinschaft und
Gesellschaft), New York: American Book Co.; in 1955 as Community and
Association (Gemeinschaft und gesellschaft[sic]), London: Routledge.
Toye, David L. (May 2004). The Emergence of Complex Societies: A
Comparative Approach. World History Connected. 11 (2).
Toynbee, Arnold J. (1939) A Study of History, In volume V The
Disintegration of Civilizations (Part One) (Oxford University 1939).
Tilly, Charles (1975).
Western State-Making and Theories of Political Transformation. Chapter 9 in
Tilly (ed.), 1975.
Tilly, Charles (1984). Social
Movements and National Politics. In Bright and Harding.
Tschannen,
Oliver (1991). The
Secularization Paradigm: A Systematization. In Journal for
the Scientific Study of Religion 30:395-415
Turner, Bryan S. (1993). Citizenship and Social Theory, London:
Sage.
Turner, Bryan S. (2006). Institution(s). The Cambridge Dictionary
of Sociology, Edited by Bryan S. Turner. Cambridge University Press.
UNEP
(United Nations Environment Programme) (1980). World
Conservation Strategy: Living Resource Conservation for Sustainable
Development. International Union for Conservation of Nature and Natural
Resources, Gland.
United Nations (1987). Report of the World Commission on Environment and
Development. General Assembly Resolution 42/187, 11
December 1987.
United Nations (1995). Indicators of Sustainable Development:
Guidelines and Methodology (UN, Division for Sustainable Development;
approved by the Commission on Sustainable Development at its Third Session in
1995).
United Nations (1996). Work
Programme on Indicators of Sustainable Development of the Commission on
Sustainable Development, prepared by The Division for Sustainable Development in the Department for Policy
Coordination and Sustainable Development, United Nations, New York.
Uỷ ban về các
vấn đề Xã hội của Quốc hội (2009). Tuyên
ngôn về quyền của những người thuộc các nhóm thiểu số về dân tộc, chủng tộc,
tôn giáo và ngôn ngữ của Liên hợp quốc - Trang tin của Nhóm nữ Nghị sĩ Việt
Nam - Uỷ ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội.
Vincent J. 2002. Anthropology
of Politics: A Reader in Ethnography, Theory, and Critique. Blackwell
Publisher.
Waites, Bernard (1999). Europe and the Third World: From
Colonisation to Decolonisation, c. 1500 - 1998 (New York, 1999), 225.
Wallerstein, I. (1974). The
Modern World System: Capitalist Agriculture and the Origins of the European
World Economy in the Sixteenth Century, New York: Academic Press, 1974.
Wallerstein, Immanuel Maurice (1974). The Modern World-System I: Capitalist Agriculture and the Origins of
the European World-Economy in the Sixteenth Century. New York: Academic
Press.
Wallerstein,
Immanuel Maurice (2004). World-systems analysis: An introduction. Duke
University Press.
Warner, W. Lloyd (1945). The Social Systems of American Ethnic Groups.
New Haven, Yale University Press.
Warner, W. Lloyd (1960). Social class in America: A Manual of
Procedure for the Measurement of Social Status. Gloucester, Mass., P.
Smith.
Weber, Max (1922/1980). Wirtschaft und Gesellschaft: Grundriss der verstehenden Soziologie. Tübingen, Mohr, 1922 ed. Marianne Weber, 5th edn 1980 ed. Johannes Winckelmann.
Weber, Max (2008). Nền đạo đức Tin lành và tinh thần của chủ nghĩa tư bản. Dịch giả: Bùi Văn Nam Sơn, Nguyễn Nghị, Nguyễn Tùng, Trần Hữu Quang. Nhà xuất bản Tri Thức. Hà Nội 2008.
White, Leslie A. (1959). The Evolution of Culture: The Development of Civilization to the Fall of Rome, published by Left Coast Press.
Weber, Max (1922/1980). Wirtschaft und Gesellschaft: Grundriss der verstehenden Soziologie. Tübingen, Mohr, 1922 ed. Marianne Weber, 5th edn 1980 ed. Johannes Winckelmann.
Weber, Max (2008). Nền đạo đức Tin lành và tinh thần của chủ nghĩa tư bản. Dịch giả: Bùi Văn Nam Sơn, Nguyễn Nghị, Nguyễn Tùng, Trần Hữu Quang. Nhà xuất bản Tri Thức. Hà Nội 2008.
White, Leslie A. (1959). The Evolution of Culture: The Development of Civilization to the Fall of Rome, published by Left Coast Press.
Wilterdink
Nico, William Form (1998). Social change. https://www.britannica.com/
Woodard,
James W. (1934). Critical Notes on the
Culture Lag Concept. Social Forces 12.3 (Mar. 1934): 388-398.
World Bank (2006). Social Development Papers, South Asia Series.
Social Development Department.
Worsley, Peter (1979). One World or Three? A Critique of World
System Theory of Immanuel Wallerstein. This paper was prepared for a Conference in Berlin in September 1979
organised by the Institut fiir
Vergleichende Sozialforschung (Viện Nghiên cứu So sánh Xã hội).
Wright, Erik Olin (1997).
Class counts: comparative studies in class analysis. Cambridge New York Paris:
Cambridge University Press.
Young, P. (1993). Technological growth curves: A competition
of forecasting models. In Technological
Forecasting and Social Change, 1993, 44(4), 375-389.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét