Powered By Blogger

Thứ Tư, 20 tháng 9, 2023

Diễn giải Di sản và Du lịch – Gợi ý Ứng dụng cho Sapa

Hà Hữu Nga

I. Diễn giải Di sản trong Du lịch

1. Di sản với tư cách là nguồn lực của du lịch

Đối với xã hội đương đại, khái niệm di sản không bó hẹp trong một khuôn khổ duy nhất mà nó bao gồm tất cả những gì được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, là một phần của đời sống xã hội ngày nay và có thể được bảo tồn cho các thế hệ tương lai. (Nowacki M., 2012a, tr.5). Di sản là “những gì mà thế hệ trước đã bảo tồn và truyền lại cho hiện tại và là những gì mà một nhóm đáng kể dân chúng mong muốn truyền lại cho tương lai”. (Hewison R., 1986, tr. 6) Di sản bao gồm cả các hình thức vật thể, địa điểm, khu vực môi trường và văn hóa, cũng như các hình thức văn hóa phi vật thể, như tri thức khoa học, triết học, các truyền thống, các loại hình nghệ thuật, lối sống, văn học, văn hóa dân gian,…v.v.

Sự quan tâm về thể chế đối với di sản bắt đầu từ Công ước về Bảo tồn Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới, được UNESCO thông qua vào tháng 11 năm 1972. Theo Công ước này, Di sản văn hoá là: i) Các di tích: các công trình kiến trúc, điêu khắc hoặc hội hoạ hoành tráng, các yếu tố hay kết cấu có tính chất khảo cổ, các văn bản, các hang động và các nhóm yếu tố có giá trị quốc tế đặc biệt về phương diện lịch sử, nghệ thuật hay khoa học; ii) Các quần thể: các nhóm công trình xây dựng đứng một mình hoặc quần tụ có giá trị quốc tế đặc biệt về phương diện lịch sử, nghệ thuật hay khoa học, do kiến trúc, sự thống nhất của chúng hoặc sự nhất thể hoá của chúng vào cảnh quan; iii) Các thắng cảnh: các công trình của con người hoặc những công trình của con người kết hợp với các công trình của tự nhiên, cũng như các khu vực, kể cả các di chỉ khảo cổ học, có giá trị quốc tế đặc biệt về phương diện lịch sử, thẩm mỹ, dân tộc học hoặc nhân chủng học. Di sản tự nhiên là: i) Các di tích tự nhiên được tạo thành bởi những cấu trúc hình thể và sinh vật học hoặc bởi các nhóm cấu trúc như vậy, có một giá trị đặc biệt về phương diện thẩm mỹ hoặc khoa học; ii) Các cấu trúc địa chất học và địa lý tự nhiên và các khu vực có ranh giới đã được xác định là nơi cư trú của các giống động vật và thực vật có nguy cơ bị tiêu diệt, có giá trị quốc tế đặc biệt về phương diện khoa học bảo tồn; iii) Các cảnh vật tự nhiên hoặc các khu vực tự nhiên có ranh giới đã được xác định cụ thể, có giá trị quốc tế đặc biệt về phương diện khoa học, bảo tồn hoặc vẻ đẹp thiên nhiên. (UNESCO 1972)

Khái niệm di sản trong du lịch rộng hơn nhiều so với cách hiểu thông thường: nó bao gồm tất cả những gì có thể được sử dụng với tư cách là các nguồn lực để tạo ra các sản phẩm du lịch. (Prentice, Richard 1993). Do đó, di sản được tạo ra như là kết quả của việc tái hiện và diễn giải lịch sử có chọn lọc. “Không phải mọi thứ đều là di sản, nhưng bất cứ thứ gì cũng có thể trở thành di sản”, như Howard nhận xét (Timothy D. & Stephen W. Boyd 2003, tr. 7]. Điều này có nghĩa là di sản xuất hiện như là kết quả của một quá trình sáng tạo có ý thức, trở thành mục tiêu có chủ đích nhằm vào một đối tượng tiếp nhận cụ thể. Tại thời điểm này, điều đáng nói là khái niệm “hàng hóa văn hóa”, thường được đặt cạnh “di sản” (Gaweł 2011). Nguồn lực di sản có thể được chia thành nguồn lực vật thể và nguồn lực phi vật thể. Nguồn lực vật thể bao gồm di sản văn hóa và môi trường (tự nhiên). Di sản văn hóa bao gồm các vật thể nhân tạo, chẳng hạn như các di tích kiến trúc, điêu khắc và hội họa, các khu phức hợp xây dựng, địa điểm làm việc của con người, cũng như các cảnh quan văn hóa và di tích lịch sử. Di sản thiên nhiên bao gồm các yếu tố địa chất, địa hình, môi trường sống của thực vật và động vật, cũng như các lĩnh vực có giá trị khoa học, môi trường hoặc thẩm mỹ độc đáo [UNESCO 1972; Howard P., 2003). Di sản vật thể bao gồm truyền thống, lịch sử truyền miệng, ngôn ngữ, chương trình biểu diễn; phong tục, lễ kỷ niệm, kiến thức về vũ trụ, thiên nhiên và các tập quán liên quan cũng như các kỹ năng thủ công truyền thống. (Nowacki M., 2012a, tr.6)

Nguồn lực di sản được phân loại thành: 1) Nguồn lực di sản tự nhiên: i) động vật và thực vật; ii) không khí và nước; iii) Đặc điểm địa chất. 2) Di sản cảnh quan: (Hỗn hợp Tự nhiên, Văn hóa): i) công viên quốc gia và cảnh quan, khu vực cảnh quan được bảo vệ; ii) điểm quan sát và tuyến đường; iii) công viên và vườn cây, hoa; iv) bố cục đô thị. 3) Di sản văn hóa (cố định): i) các tòa nhà; ii) các tuyến đường liên lạc; iii) di chỉ/ di vật khảo cổ; iii) các công trình khác (chẳng hạn ruộng bậc thang ở Sapa); 4) Di sản văn hóa (di động): i) công trình/ tác phẩm nghệ thuật; ii) vật kỷ niệm gia đình; iii) hiện vật công nghệ; iv) sản phẩm thủ công mỹ nghệ. 5) Địa điểm: i) địa điểm lịch sử; ii) địa điểm truyền thuyết/ thần thoại; iii) nơi thờ cúng/ tín ngưỡng/ tôn giáo. 6) Các hình thức hoạt động/ trình diễn: i) ngôn ngữ; ii) tôn giáo/ tín ngưỡng; iii) nghệ thuật; iv) thể thao; v) ẩm thực; vi) lễ hội, phong tục, nghi lễ; vii) luật tục. (Nowacki M., 2012a, tr.6)

Việc chuyển đổi các địa điểm di sản thành điểm du lịch kéo theo cả những hậu quả tích cực và tiêu cực. Các khía cạnh tích cực bao gồm: cơ hội lớn hơn để gây quỹ cho việc bảo vệ và bảo tồn; tăng cường sự quan tâm của cộng đồng địa phương đến khu di sản, và hỗ trợ nhiều hơn cho việc bảo vệ khu di sản, giám sát bảo tồn di sản, đảm bảo khai thác khu di sản một cách hợp lý (duy trì tỷ lệ thích hợp giữa việc bảo vệ và những gì sẵn có của công chúng), tác động kích thích đến nền kinh tế địa phương (nguồn lực di sản giúp tạo thêm việc làm và tăng thu nhập cho người dân địa phương). Các khía cạnh tiêu cực của quá trình này bao gồm: i) làm mất đi tính xác thực của địa điểm di sản, vì quá trình diễn giải có xu hướng bóp méo lịch sử của nó (trong quá trình trình bày và diễn giải, địa điểm di sản được tân tạo, cách điệu hóa để có cảm giác chân thực, dễ thu hút khách nhiều hơn); ii) phải cắt gọt nội dung, vì việc chuyển hóa nguồn lực di sản thành sản phẩm du lịch bao gồm việc lựa chọn cắt gọn nội dung được trình bày dựa trên giá trị quảng bá của chúng; iii) ảnh hưởng đến môi trường địa phương, vì việc chuyển đổi các khu di sản thành điểm thu hút khách du lịch thường liên quan đến phát triển cơ sở hạ tầng, có thể có tác động tiêu cực đến môi trường tự nhiên; iv) cường độ giao thông du lịch tăng lên, có thể dẫn đến những thay đổi không mong muốn trong lối sống và văn hóa của cộng đồng địa phương. (Herbert, D.T. 1995, tr.40-42; Nowacki M., 2012a, tr.14)

2. Diễn giải Di sản trong Du lịch

Diễn giải là một quá trình tìm cách giảng giải, phân tích, làm sáng tỏ ý nghĩa của sự vật, hiện tượng nào đó. Diễn giải di sản là một hoạt động nhằm bộc lộ ý nghĩa của di sản về phương diện tự nhiên và văn hóa. Thông qua các phương tiện truyền thông khác nhau, việc diễn giải giúp nâng cao tri thức, hiểu rõ giá trị, góp phần bảo tồn các địa điểm tự nhiên và văn hóa (Beck L., & Cable T., 1998, tr. 16).

2.1. Các nguyên tắc diễn giải tiêu chuẩn của Tilden

Freeman Tilden đã trở thành một nhân vật chủ chốt trong lĩnh vực diễn giải di sản và những ý tưởng mà ông thể hiện như những nguyên tắc tiêu chuẩn, mang tính “kinh điển” đều có tính hiện thực và thường xuyên được điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn ngày nay. Kể từ khi xuất bản năm 1957, cuốn sách “Diễn giải di sản của chúng ta” đã được cộng đồng chuyên gia phụ trách bảo vệ và bảo tồn di sản coi là thành tựu quan trọng nhất trong lĩnh vực này. Ngày nay, nó là nền tảng trong việc diễn giải bất kỳ loại di sản nào và nó vẫn có giá trị và ấn tượng nhờ khả năng tiếp cận của nó. Cuốn sách của Tilden trở nên không thể thiếu đối với bất kỳ chuyên gia di sản nào vì nó đề cập đến những ý tưởng chung, được coi là nguyên tắc chứ không nhằm mục đích cung cấp giải pháp hoặc công thức chi tiết. Cách thức mà tác giả cố gắng thu hút sự chú ý và kích thích người đọc được phản ánh qua 6 nguyên tắc mà ông cho là thiết yếu trong bất kỳ chương trình diễn giải nào. Thông qua những nguyên tắc này, Tilden mang đến sự thay đổi trong quan điểm liên quan đến cách tiếp cận di sản thiên nhiên và nhân tạo, khiến nó có thể tiếp cận được và “chuyển tải” nó tới công chúng để phục vụ cho nhiệm vụ bảo tồn.

Nguyên tắc thứ nhất, “Bất kỳ diễn giải nào vì lý do nào đó không liên kết những gì đang được trưng bày hoặc mô tả với điều gì đó trong tính cách hoặc trải nghiệm của khách thăm thì đều trở nên vô ích” (Tilden, 1967:11). Để hiểu, ghi nhớ và phân tích một cách nghiêm túc một thông điệp đã nhận được, du khách phải cảm thấy được nhập cuộc, để thông tin được cung cấp bổ sung cho trải nghiệm và kiến thức đã có. Du khách không muốn chỉ “nghe thấy”, họ muốn được “trò chuyện” (Tilden, 1967:12). Điều này đặc biệt quan trọng đối với các chuyến tham quan có hướng dẫn viên, do có sự kết nối giữa các cá nhân giữa hướng dẫn viên và du khách. Tầm quan trọng của việc thu hút du khách tham gia vào câu chuyện còn được nhấn mạnh bởi thực tế là các cảm xúc là những trạng thái có thể được tạo ra hoặc kiểm soát. Do đó, trải nghiệm cảm xúc của người ta phần lớn nảy sinh từ cách diễn giải chủ quan về một sự kiện, chứ không phải là kết quả của chính sự kiện đó, bất kể việc diễn giải đó có phù hợp với mục đích của nó hay không (Heshmat, 2015).

Nguyên tắc thứ 2 phân biệt giữa dữ liệu thô và thông điệp. Theo nguyên tắc này, thông tin theo nghĩa đen không phải là diễn giải, “Diễn giải là sự bộc lộ ý nghĩa dựa trên thông tin. Nhưng chúng là những thứ hoàn toàn khác nhau. Tuy nhiên, mọi diễn giải đều bao gồm thông tin.” (Tilden, 1967:18). Hơn nữa, quá trình thông tin hoặc truyền thông hiếm khi sử dụng các tập thông tin thô, chẳng hạn như các sự kiện xảy ra tại một thời điểm nhất định, các sự kiện khoa học, các quy luật,…v.v. Trên cơ sở đó, những người chịu trách nhiệm truyền thông điệp cũng có đóng góp với nó, thông qua kinh nghiệm và nhận thức cá nhân của họ về chủ đề được đề cập. Tính xác thực và đạo đức của việc diễn giải chất lượng dựa trên sự kết hợp cân bằng giữa khoa học và nghệ thuật (Beck and Cable, 2011). Quá trình diễn giải du lịch dựa trên sự thật khoa học, được giải mã và bối cảnh hóa sao cho mỗi du khách có thể hiểu được thông điệp và chọn lọc nó dựa trên trải nghiệm cá nhân của họ. Bất kể trình độ học vấn của du khách như thế nào, họ đều phải có khả năng hiểu được thông điệp và sử dụng nó nhiều hơn. Qua đó, Tilden báo hiệu rằng quá trình diễn giải là có tính liên ngành và nó mang tính nghệ thuật hơn là khoa học, nó không thể cùng một lúc là cả hai được. (Dumbraveanu D., Ana Craciun, and Anca Tudoricu (2016, tr.64)

Nguyên tắc thứ ba, diễn giải di sản là một nghệ thuật, kết hợp nhiều nghệ thuật, bất kể loại chất liệu nào được xử lý (Tilden 1967, tr.26). Mục đích cuối cùng của diễn giải là mang lại một trải nghiệm đáng nhớ hơn là đào tạo, giáo dục du khách bằng bất cứ giá nào. Ông tin rằng không phải ai cũng có khả năng sáng tạo và thể hiện nghệ thuật, nhưng mỗi người đều có khả năng tiếp nhận nghệ thuật bằng giác quan và hiểu nó, chính vì vậy việc gửi thông điệp theo cách này là sự kết hợp tốt nhất để đào tạo, giáo dục và đồng thời gây được ấn tượng. Đối với Tilden, chức năng giải trí là cơ bản, hơn thế nữa lúc này các chuyên gia đang làm việc với thời gian nhàn rỗi của du khách. Trong những năm gần đây, với sự phát triển mạnh mẽ của phương tiện công nghệ, cũng góp phần thúc đẩy sự xuất hiện các trung tâm mua sắm đáp ứng một phần nhu cầu văn hóa của người tiêu dùng.

Nguyên tắc thứ Tư, rất quan trọng đối với Tilden là nhấn mạnh mục tiêu cuối cùng của quá trình diễn giải. Có nhiều cách để truyền tải thông điệp, tuy nhiên sự thành công hay thất bại của quá trình và phương pháp được lựa chọn đều được phản ánh qua thái độ và trạng thái cảm xúc của du khách khi kết thúc chuyến tham quan. Theo Tilden, “Mục đích chính của việc diễn giải không phải là hướng dẫn mà là khiêu khích” (Tilden, 1967). Ngay từ đầu, việc khiêu khích bao gồm một nhiệm vụ quan trọng khác: đó là thu hút sự chú ý. Vai trò mà các thể chế di sản phải đảm nhận chỉ mới được áp dụng gần đây, mặc dù thực tế là ý tưởng và nhu cầu của nó đã được thể hiện từ nhiều năm trước. Công viên tự nhiên ban đầu là những “phòng thí nghiệm”, nơi khuyến khích quá trình đào tạo từ giáo viên đến học sinh dựa trên sự tiếp xúc với các yếu tố đang được nói đến. Ngày nay, các công viên tự nhiên đã trở nên hấp dẫn dựa trên trải nghiệm cá nhân của du khách với không gian được đề cập, bỏ lại quá trình đào tạo ở phía sau và thúc đẩy việc kích thích du khách. Điều này được thực hiện bằng cách cung cấp lượng thông tin nhỏ hơn, đồng thời kết hợp các kỹ thuật khác nhau để thu hút sự chú ý và kết nối với trải nghiệm trước đó của du khách. Để hỗ trợ nhu cầu kích thích và lôi cuốn tham gia, một khía cạnh quan trọng là trải nghiệm trực tiếp, trong đó nêu bật tầm quan trọng của sự tương tác giữa con người và không gian, giữa con người và sự vật. Bằng cách này, du khách trải nghiệm cảm giác hài lòng liên tục khi tự mình khám phá in situ tại chỗ câu chuyện về không gian hoặc sự vật. Cách tiếp cận như vậy, dựa trên việc cung cấp trải nghiệm độc đáo thay vì truyền tải thông tin, sẽ kích thích du khách quay trở lại, để họ có thể tham dự một loạt sự kiện nhằm bổ sung cho thông tin đã thu thập được, thông qua các kỹ thuật có sự tham gia. (Dumbraveanu D., Ana Craciun, and Anca Tudoricu (2016, tr.65-66)

Nguyên tắc thứ 5 có lẽ là toàn diện nhất vì nó thể hiện sự kết hợp của bốn nguyên tắc nêu trên. Theo nguyên tắc này, việc diễn giải du lịch nên trình bày một tổng thể chứ không phải một phần, nên tận dụng diễn giải thông qua bối cảnh hóa, bất kể giá trị cụ thể của cuộc triển lãm và nên liên quan đến toàn bộ các cá nhân, bao gồm cả lợi ích của cá nhân trong một vấn đề cụ thể. Cách tiếp cận toàn diện để diễn giải sẽ làm tăng khả năng hiểu và tiếp thu thông điệp, đồng thời củng cố mối liên hệ giữa du khách và không gian họ đang hiện hữu, bằng cách nhấn mạnh tầm quan trọng của địa điểm. Bất kể mục đích ban đầu đằng sau chuyến thăm của họ là gì, khách du lịch cần được thông báo về những gì có ở nơi đó. Nhu cầu này không thể được thỏa mãn bằng cách chuyển giao thông tin thô về chủ đề/ đề tài của chuyến thăm, mà thay vào đó là thông qua cách tiếp cận đưa chủ đề lên hàng đầu bằng một thông điệp sẽ bổ sung cho thông tin và kinh nghiệm có được trước đó. Bằng cách này, sự tương tác của du khách với địa điểm sẽ mang lại quá trình hiểu biết từ quá khứ đến hiện tại. (Tilden, 1967, tr.40) Nhờ có tiến bộ công nghệ, đồng thời, việc tiếp cận lượng thông tin khổng lồ trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Nhu cầu của họ không chỉ là có một trải nghiệm độc đáo và hưởng lợi từ thông tin đã được được giải mã và “đóng gói” hấp dẫn; thay vào đó họ phải nhận được thông tin chính xác và toàn diện, có thể được kiểm tra kỹ lưỡng bằng cách tham khảo ý kiến từ nhiều nguồn. Yêu cầu cơ bản là cách tiếp cận phải hướng tới du khách, hướng tới kiến thức và kinh nghiệm của họ. Do khó đạt được cách tiếp cận cá nhân du khách, về cơ sở vật chất, thiết bị diễn giải và các chuyến tham quan có hướng dẫn viên, nên việc hiểu rõ du khách và đối tượng mục tiêu một cách chính xác nhất có thể để tạo điều kiện tiếp cận các chương trình do mỗi du khách thực hiện ngày càng trở nên quan trọng. (Dumbraveanu D., Ana Craciun, and Anca Tudoricu (2016, tr.67)

Nguyên tắc thứ 6: Việc giải thích cho trẻ em không nên làm loãng đi cách trình bày dành cho người lớn mà phải theo một cách tiếp cận khác. Sự khác biệt chính bao gồm việc lọc và giải mã thông tin được truyền tải, tránh quá chặt chẽ về mặt khoa học và các thuật ngữ chuyên ngành mà thiên về các ngôn từ dễ hiểu hơn. Trẻ em thường ưa thích những gì được phóng đại và liên quan đến các giác quan đặc biệt như chạm, ngửi và tương tác với đồ vật. Nhu cầu tương tác ấy tạo ra hình thức phổ biến nhất để trẻ em tham gia vào các tổ chức văn hóa, công viên hoặc bảo tàng là tham quan theo nhóm. (Tilden 1967, tr. 47). Mặc dù trước đây chúng được cả giáo viên và chuyên gia khuyến khích, nhưng trong những năm gần đây, những chuyến thăm quan như vậy ngày càng giảm đi, khả năng tập trung thấp hơn. Ngoài ra hiện nay, việc diễn giải du lịch được các chuyên gia từ nhiều lĩnh vực khác nhau thực hiện, họ cố gắng đưa vào phạm vi liên ngành những đặc điểm mang tính đặc thù. Tất cả những nỗ lực này đều dưới dạng nghiên cứu điển hình được trình bày ở quy mô nhỏ và hầu hết chúng đều phân tích tác động của một số phương pháp nhất định đối với một bộ phận công chúng cụ thể, mà không chỉ riêng cho trẻ em. Trong nỗ lực này, giá trị bản sắc và nhận thức của công chúng về thể chế đó đóng một vai trò quan trọng, điều này làm nảy sinh những kỳ vọng nhất định, đặc biệt là kỳ vọng về giá trị và bản sắc xã hội trong diễn giải di sản.

2.2. Bản sắc xã hội trong diễn giải di sản

Thoạt nhìn, khái niệm “bản sắc xã hội” có thể là một khái niệm dễ hiểu, tùy theo ý chí và tình huống, đó có thể đơn giản có nghĩa là chúng ta thuộc về một nhóm mà từ đó chúng ta rút ra được cảm giác về “chúng ta là ai”, về bản sắc của chúng ta. Hệ quả tất yếu là chúng ta cũng rút ra được sự đồng nhất này bằng cách so sánh với những người không thuộc nhóm của chúng ta mà thuộc về các nhóm khác được Henri Tajfel và John Turner (1986) khảo sát trong nghiên cứu của họ về sự phân biệt đối xử theo nhóm. Tajfel và Turner quan tâm đến một loạt các khía cạnh liên kết với nhau của tâm lý học hành vi, tập trung vào cách các cá nhân xác định với các nhóm xã hội, lòng trung thành với nhóm đó được thể hiện như thế nào bằng sự gây hấn với những nhóm bên ngoài, v.v. Cơ sở công trình của Tajfel và Turner là “so sánh xã hội” trong đó chúng ta đánh giá cảm giác về giá trị của mình (sự tự nhận thức tích cực) bằng cách so sánh bản thân với người khác và cách chúng ta nhìn nhận người khác như một phần của áp lực đặc trưng của cuộc sống. Như vậy, bản sắc xã hội là một phần trong nhận thức về bản thân của một cá nhân xuất phát từ tư cách thành viên được nhận thức trong một nhóm xã hội có liên quan. Theo công thức ban đầu của các nhà tâm lý học xã hội Henri Tajfel và John Turner vào những năm 1970 và 1980, lý thuyết bản sắc xã hội đã đưa ra khái niệm về bản sắc xã hội như một cách để giải thích hành vi giữa các nhóm. Lý thuyết bản sắc xã hội khám phá hiện tượng “trong nhóm” và “ngoài nhóm”, và dựa trên quan điểm cho rằng bản sắc được hình thành thông qua một quá trình phân biệt được xác định một cách tương đối hoặc linh hoạt tùy thuộc vào các hoạt động mà người ta tham gia”. (Benwell B., Stokoe E., 2006). Lý thuyết này được mô tả như một dự đoán các hành vi nhất định giữa các nhóm dựa trên sự khác biệt về địa vị nhóm được nhận thức, tính hợp thức và tính ổn định được nhận thức đối với những khác biệt về vị thế và khả năng nhận thức được việc chuyển từ nhóm này sang nhóm khác. Lý thuyết về bản sắc xã hội gợi ý rằng một thể chế có thể thay đổi hành vi cá nhân nếu nó có thể sửa đổi bản sắc riêng của họ hoặc một phần tự nhận thức của họ xuất phát từ hiểu biết và sự gắn kết tình cảm với nhóm. (Tajfel, H.; Turner, J. C. 1986)

Từ các đặc trưng và các khác biệt đó, con người dễ bị lôi kéo vào những nghịch lý giữa bản sắc xã hội nhóm với bản sắc tộc người, bản sắc dân tộc và có thể sa vào chủ nghĩa dân tộc trung tâm, một khái niệm định hình cuộc tranh luận về sắc tộc, quan hệ liên sắc tộc và các vấn đề xã hội tương tự. Cách sử dụng phổ biến nhất của thuật ngữ này là để mô tả việc “nghĩ rằng cách làm của nhóm mình luôn ưu việt hơn những nhóm khác” và “đánh giá các nhóm khác là kém hơn nhóm mình”. Mọi thứ có thể trở nên nghiêm trọng hơn khi các nhóm tin rằng họ vượt trội về mặt đạo đức hoặc trí tuệ: nguồn gốc của sự phân biệt chủng tộc và bạo lực giữa các nhóm là từ đó. Việc xây dựng sự khác biệt diễn ra xung quanh các ý tưởng như “tự nhiên” so với “văn minh”, thành thị so với nông thôn, đa số so với thiểu số, giàu so với nghèo, quyền lực so với bất lực. (Burns P. M. and M. Novelli 2006, tr.2) Những khác biệt mang tính phân đôi thâm căn cố đế dựa trên khía cạnh của bản sắc, quyền lực và rất dễ dàng nhận thấy tại các điểm di sản và du lịch có các nhóm dân tộc khác nhau cư trú, và không ít trường hợp hiện tượng đó còn xuất hiện cả trong diễn giải di sản nữa. Khi đó, có thể thấy rằng một phần phía cung của du lịch di sản sẽ bao gồm các sản phẩm, giá trị di sản văn hóa và lao động của người dân địa phương: nói cách khác, bản sắc xã hội nhóm tộc người trở thành một loại hàng hóa, và việc biến bản sắc xã hội thành hàng hóa này vẫn không ngừng gây ra tranh cãi (Burns & Holden, 1995).

Với sự phức tạp ngày càng tăng trong phân khúc thị trường và sự gia tăng của cả trào lưu tiêu dùng lẫn đòi hỏi về bảo vệ môi trường, người ta thừa nhận rằng bản thân khách du lịch không phải là một nhóm đồng nhất, mà hoàn toàn linh động trôi dạt vào và ra khỏi các bản sắc xã hội du lịch khác nhau trong suốt kỳ nghỉ của họ. Tính phức tạp của mối quan hệ kinh tế và xã hội của du lịch với điểm đến, cả về hiệu suất và tác động, khiến cho khó có thể coi nó là một “tổng thể” tích hợp, hài hòa và gắn kết bền chặt. Hiểu được các hệ thống và cấu trúc văn hóa tạo nên ý nghĩa giữa du khách và người dân địa phương là điều quan trọng vì ít nhất ba lý do. Thứ nhất, văn hóa - đặc biệt là văn hóa được các tác nhân bao gồm các chuyên gia tiếp thị và nhà hoạch định - hiểu là độc đáo hoặc khác thường, có thể được coi là một nguồn lực thương mại, một điểm thu hút. Thứ hai, và nảy sinh từ điều này là ý tưởng cho rằng sự hiểu biết về những phức tạp và tính toàn vẹn của các bản sắc xã hội có thể khiến làm chệch hướng, hoặc ngược lại, cải thiện những hình ảnh đơn giản về văn hóa sở tại thông qua hành vi tiếp đón du khách. Thứ ba, văn liệu du lịch hiếm khi thừa nhận thế giới như một hệ thống các mối quan hệ trong đó các thuộc tính của một “sự vật” - trong trường hợp này là văn hóa - có được ý nghĩa từ các mối quan hệ bên trong và bên ngoài của nó. (Burns P. M. and M. Novelli 2006, tr.2)

Ba mục này được phản ánh trong quan điểm tinh tế của Wood về vấn đề du lịch, bản sắc và tác động. Khi thảo luận về các diễn ngôn du lịch và phát triển, phân tích của ông về văn hóa và du lịch dựa vào việc xác định và hiểu các hệ thống. Ông cho rằng “Các câu hỏi trọng tâm được đặt ra là về quy trình và về những cách thức phức tạp mà du lịch thâm nhập và trở thành một phần của một quá trình đang diễn ra về ý nghĩa biểu tượng và sự tái dụng di sản đó”  (Wood R. 1993, tr.66). Ông xuất trình một mô tả tổng quát về các hệ thống tác động văn hóa, trong khi Greenwood lại đưa ra một ý nghĩa cụ thể hơn về vấn đề văn hóa mà những người nghiên cứu du lịch gặp phải: Về mặt logic, bất cứ thứ gì được bán đều phải được tạo ra bằng cách kết hợp các yếu tố của sản xuất như đất đai, lao động hoặc vốn và doanh nghiệp. Nếu là các hàng hóa vật chất thông thường thì không có vấn đề gì. Nhưng lại thành vấn đề khi người mua bị thu hút bởi một số đặc điểm nào đó của bản sắc văn hóa địa phương, chẳng hạn như một lễ hội khác lạ (Greenwood 1989, tr. 172).

Nền tảng cho những hiểu biết sâu sắc của Greenwood về văn hóa địa phương là quan niệm cho rằng địa điểm và không gian là những yếu tố không thể thay đổi của văn hóa, và do đó, bản sắc không thể tách rời khỏi môi trường địa phương nơi nó phát triển. Nếu mối quan tâm chính của Greenwood, vấn đề hàng hóa hóa văn hóa đối với du lịch, thì cần phải có một phân tích sâu hơn. Những người ủng hộ “Du lịch là trên hết” có xu hướng nhìn văn hóa từ quan điểm phía cung, được khuôn lại trong khái niệm bản sắc xã hội như một điểm thu hút. Vì vậy, trong khi các hấp lực có thể khác nhau đối với nhiều điểm đến, thì các yếu tố văn hóa, bao gồm cả bản sắc xã hội, gần như chắc chắn sẽ được đưa vào như một phần của “hỗn hợp sản phẩm”. (Ritchie & Zins 1978, tr. 257) Mức độ mà những thành phần văn hóa này được người dân địa phương khai thác và cung cấp cho khách du lịch để tiêu thụ có thể được định hình tối thiểu theo hai yếu tố. Trước hết, sự khác biệt tương đối và do đó là sự mới lạ tương đối giữa các cấu phần văn hóa của du khách và các cấu phần văn hóa của địa phương mà du khách đến thăm, và thứ hai, sự khác biệt tương đối và do đó là sự mới lạ tương đối theo loại hình và số lượng du khách. (Burns P. M. and M. Novelli 2006, tr.3)

Du lịch là một ngành kinh tế cực kỳ quan trọng đối với hầu hết các quốc gia và khu vực trên thế giới và được chấp nhận rộng rãi ngay cả khi một số chi tiết vẫn còn gây tranh cãi. Tuy nhiên, khi du lịch trở thành một chủ đề phát triển, các lý thuyết làm nền tảng cho nó nhất thiết phải phức tạp hơn; nó không thể chỉ được hiểu như một đề xuất kinh doanh, mà quan trong hơn, còn là hàng loạt vấn đề về quyền lực và bản sắc cần được làm rõ, điều tra và trả lời. Việc tạo ra và tiêu thụ hàng hóa du lịch diễn ra trong một môi trường xã hội phức tạp, với các chủ thể cạnh tranh liên quan đến “sản phẩm” lịch sử, văn hóa và lối sống của các dân tộc. Do đó con người, văn hóa và bản sắc của họ trở thành một phần của sản phẩm du lịch. (Burns P. M. and M. Novelli 2006, tr.6) Những hàm ý này vẫn chưa được hiểu đầy đủ, mặc dù các tài liệu đưa ra hàng loạt lập luận liên quan đến văn hóa, một mặt được mô tả là dễ bị tổn thương và bị tác động bởi du lịch, mặt khác nó lại được coi là sôi động và hoàn toàn có khả năng đối phó với bất kỳ thay đổi nào mà toàn cầu hóa và hiện đại có thể gây ra cho nó. (Wood R., 1993; Franklin A., 2004). Bản sắc xã hội đã thu hút tâm lực của giới học giả trong hàng thế kỷ, và họ thường cho rằng các cá nhân khái niệm hóa bản thân và người khác ở cấp độ cá nhân và xã hội rộng hơn. Trong khi đó, viễn cảnh bản sắc xã hội về du lịch lại tạo dựng cho chúng ta một nền tảng tri thức vững chắc đầy sắc thái về chủ nghĩa dân tộc, về bản ngã trong tương quan với kẻ khác và về chính diễn giải du lịch di sản trong một thế giới đồng nhất nhưng đầy nghịch lý. (Burns P. M. and M. Novelli 2006, tr.7)

3. Vài gợi ý ứng dụng cho Sa Pa

3.1. Tính phong phú của nguồn lực di sản và du lịch Sa Pa

Sa Pa là một trong số ít đô thị trên đất nước ta có đủ cả 6 loại hình nguồn lực di sản, đáp ứng được đầy đủ năng lực phát triển lâu dài và bền vững ngành du lịch. Đó là: 1) Nguồn lực di sản tự nhiên: độ cao trung bình từ 1500 – 1800m, với quần động vật và thảm thực vật phong phú; không khí và nước trong lành; khí hậu cận nhiệt đới ẩm, vừa mang tính ôn đới; các đặc điểm địa chất, địa hình và địa mạo đặc biệt thích hợp với du lịch; 2) Nguồn lực di sản cảnh quan (Hỗn hợp Tự nhiên, Văn hóa): Sa Pa có nhiều cảnh đẹp tự nhiên như thác Bạc cao khoảng 200m, cầu Mây là một di tích lịch sử của người dân tộc, cổng Trời là điểm cao nhất mà đường bộ có thể đi tới để đứng ngắm đỉnh Fansipan, rừng Trúc, động Tả Phìn; Đặc biệt ở Sa Pa có hệ thống ruộng bậc thang tuyệt đẹp ở thung lũng Mường Hoa, bản Tả Phìn, Tả Van tại trung tâm thị xã; 3) Nguồn lực di sản văn hóa cố định: Toàn cảnh đô thị Sa Pa với Nhà thờ đá trung tâm là nguồn lực di sản văn hóa cố định vô giá của Sa Pa; bên ngoài đô thị trung tâm là hàng loạt làng bản của người Dao, người Mông, người Giáy là những điểm thu hút khách chính của Sa Pa; bãi đá khảo cổ Sa Pa nằm trong Thung lũng Mường Hoa đã được xếp hạng di tích quốc gia và đang được Nhà nước Việt Nam đề nghị xếp hạng di sản thế giới; 4) Nguồn lực di sản văn hóa di động: Người Mông, Dao ở Sa Pa có nhiều nghề thủ công truyền thống có giá trị văn hoá cao như nghề chạm khắc bạc, nghề rèn đúc, nghề làm đồ mộc, tranh thờ...Đặc biệt các sản phẩm nghề thêu dệt - thổ cẩm sản xuất đa dạng, phù hợp với nhu cầu của du khách như: đệm, gối, túi đeo điện thoại di động, ví, mũ, túi xách tay, ba lô du lịch, trang phục…v.v. 5) Nguồn lực di sản tại các địa điểm: Sa Pa có 6 tộc người cùng cư trú, mỗi tộc người có một vốn văn hoá riêng, nổi bật là lễ hội “Roóng pọc” – xuống đồng của người Giáy ở bản Tả Van, lễ hội Gầu Tào, còn gọi là “Sải Sán” đạp núi của người H’Mông ở San Sả Hồ, lễ “Tết nhảy” của người Dao đỏ, tất cả đều diễn ra vào díp Tết; 6) Nguồn lực di sản sinh hoạt / trình diễn: Phong tục tắm lá thuốc của người Dao Đỏ; ẩm thực nổi danh với thắng cố, cơm lam, mèm mén, xôi 7 màu, gà đen, thịt trâu gác, măng đắng, cá hồi Sa Pa, …v.v.

3.2. Vài gợi ý diễn giải nguồn lực Di sản và Du lịch Sa Pa

Để làm rõ thêm giá trị nguồn lực di sản và du lịch Sa Pa, chúng tôi cho rằng trong thực tế Sa Pa là một đô thị di sản và du lịch. Vì vậy diễn giải di sản và du lịch, hay nói cách khác, diễn giải di sản để phục vụ cho phát triển du lịch bền vững là một xu hướng tất yếu của đô thị này. Từ xuất phát điểm đó chúng tôi xin được đưa ra một số gợi ý sau:   

- Ngành Văn hóa và Du lịch Sa Pa cần thể chế hóa lĩnh vực diễn giải di sản và du lịch theo hướng hiện đại nhằm đáp ứng nhu cầu hiểu biết, giải trí và tham gia ngày càng cao của du khách trong nước và du khách quốc tế. Việc thể chế hóa diễn giải di sản và du lịch có thể bắt đầu bằng việc xây dựng các nguyên tắc diễn giải mang đặc trưng riêng của Sa Pa, đáp ứng được các đòi hỏi tiếp cận, khai thác và sử dụng các nguồn lực di sản tự nhiên và văn hóa phục vụ cho bảo tồn, phát huy giá trị của di sản trong phát triển bền vững du lịch Sa Pa. Cùng với việc xây dựng nguyên tắc diễn giải di sản và du lịch, Sa Pa có thể tiến tới xây dựng bộ phận diễn giải di sản và du lịch chuyên nghiệp, có thể là tổ, nhóm, phòng, …v.v, trong điều kiện cho phép. Ngoài chuyên môn diễn giải, bộ phận này có thể tham gia, tổ chức các khóa đào tạo cán bộ diễn giải di sản và du lịch chuyên nghiệp.     

- Để có thể tạo ra nguồn lực tri thức phục vụ cho lĩnh vực diễn giải di sản và du lịch, Ngành Văn hóa và Du lịch Sa Pa có thể tổ chức các hội thảo chuyên đề về lĩnh vực này. Khác với các hình thức hội thảo chung về di sản và du lịch, hội thảo chuyên đề nên tập trung vào từng chuyên đề cụ thể mà ngành thấy có nhu cầu hoặc xác định thành định hướng cho tương lai. Các chuyên đề đó có thể được xây dựng theo các tiêu chí như đã được trình bày trong bài viết này, chẳng hạn: 1) Diễn giải nguồn lực di sản tự nhiên của Sa Pa; 2) Diễn giải nguồn lực di sản cảnh quan hỗn hợp tự nhiên-văn hóa của Sa Pa; 3) Diễn giải nguồn lực di sản văn hóa cố định của Sa Pa; 4) Diễn giải nguồn lực di sản văn hóa di động của Sa Pa; 5) Diễn giải nguồn lực di sản tại các địa điểm của Sa Pa; 6) Diễn giải nguồn lực di sản sinh hoạt / trình diễn của các cộng đồng dân tộc Sa Pa, …v.v. Hay cụ thể hơn nữa có thể là các chuyên đề hẹp hơn như: i) Diễn giải di sản bãi đá cổ Sa Pa; ii) Diễn giải di sản lễ hội Gầu Tào; iii) Diễn giải di sản tắm lá thuốc của người Dao Đỏ Sa Pa…v.v.  

- Để tăng cường năng lực diễn giải di sản và du lịch theo hướng hiện đại, Ngành Văn hóa và Du lịch Sa Pa có thể mời các chuyên gia thuộc các lĩnh vực có liên quan tại các trường Đại học và các Viện Nghiên cứu lên Sa Pa tham gia các Hội thảo chuyên đề, các lớp tập huấn Diễn giải di sản và du lịch với tư cách báo cáo viên hoặc giảng viên từng chuyên đề. Ngoài ra việc tăng cường năng lực diễn giải di sản và du lịch không nên bó hẹp trong phạm vi các cán bộ của ngành, mà nên mở rộng đến cả các công ty, cơ sở hoạt động trong các lĩnh vực liên quan đến các loại hình di sản và du lịch, cũng như những người dân địa phương có nhu cầu tham gia.    

________________________________________

Nguồn: Hà Hữu Nga (2023). Diễn giải Di sản và Du lịch – Gợi ý Ứng dụng cho Sapa. Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Sa Pa – Hành trình từ Trạm Nghỉ dưỡng đến Khu du lịch Quốc gia. Uỷ ban Nhân dân Thị xã Sa Pa, Sa Pa, Lào Cai, Ngày 22 tháng 9 năm 2023, tr.64-74.

Tài liệu dẫn

Beck L., Cable T., (1998). Interpretation for 21th Century. Fifteen Guiding Principles for interpreting Nature and Culture, Sagamore Publishing, Champaign, Il.

Beck, L & Cable, T.T (2011). The Gifts of Interpretation: Fifteen Guiding Principles for Interpreting Nature and Culture, Sagamore Pub.

Benwell B.,; Stokoe E., (2006). Discourse and Identity. Edinburgh University Press.

Burns, P., & Holden, A. (1995). Tourism: A new perspective. Hemel Hemstead: Prentice Hall.

Burns, Peter M. and Marina Novelli (2006). Tourism and Social Identities: Introduction, In book Tourism and Social Identities, Edited By Peter M. Burns and Marina Novelli Edition 1st Edition First Published 2006. Pub. Location London, Imprint Routledge.

Dumbraveanu D., Ana Craciun, and Anca Tudoricu (2016). Principles of interpretation, tourism and heritage interpretation – The experience of Romanian museums. In Human Geographies, Vol. 10, No. 1, May 2016.

Franklin, A. (2004). Tourism as an ordering: Towards a new ontology of tourism. Tourist Studies, 4(3), 277–301

Gaweł Ł., (2011). Zarządzanie Szlakiem Architektury Drewnianej w kontekście procesu profesjonalizacji szlaków kulturowych, „Turystyka Kulturowa” 2011, nr 1 (Management of the Wooden Architecture Trail in the context of the process of professionalization of cultural routes, “Turystyka Kulturowa” 2011, no. 1)

Greenwood, D. (1989). Culture by the pound: An anthropological perspective on tourism as cultural commoditization. In: V. L. Smith (Ed.), Hosts and guests. The anthropology of tourism (2nd ed., pp. 171–185). Philadelphia, USA: University of Pennsylvania Press.

Herbert, D.T. (1995). Heritage as literary place. In: Herbert, D. (ed.) Heritage, Tourism and Society. Mansell, London, UK. pp. 32-48.

Heshmat, S (2015). Ten Common Myths About Emotions (and Why They're Wrong), Psychology Today, Sussex Publishers LLC, United Kingdom.

Hewison R. (1989). Heritage: an interpretation. In book. D.L. Uzzell (ed.), Heritage Interpretation: The natural and Built Environment. Belhaven, London.

Howard, Peter (2003). Heritage: Management, Interpretation, Identity. Publisher: Leicester University Press.

Nowacki, Marek (2012a). Heritage interpretation. Seria: Podreczniki Nr. 72; Akademia Wychowania Fizycznego im. Eugeniusza Piaseckiego 61-871 Poznań, ul. Królowej Jadwigi 27/39.

Nowacki, Marek (2012b). Atrakcje turystyczne: koncepcje, stan, determinanty zadowolenia osób zwiedzających. A WF, Poznań. (Tourist attractions: concepts, condition, determinants of visitor satisfaction.) A PE, Poznań.

Prentice R.C. , (1993). Tourism and Heritage Attractions, Routledge, London.

Ritchie, J., & Zins, M. (1978). Culture as determinant of the attractiveness of a tourism region. Annals of Tourism Research, 5(2), 252–267.

Sharpe G., Gensler G., (1978). Interpretation as a management tool. Journal of Interpretation, 3 (2): 3-9.

Tilden F., (1967). Interpreting Our Heritage, University of North Carolina Press.

Timothy, Dallen J. and Stephen W. Boyd (2003). Heritage Tourism, Publisher: Prentice Hall, 2003.

 

Turner, John; Oakes, Penny (1986). The significance of the social identity concept for social psychology with reference to individualism, interactionism and social influence. British Journal of Social Psychology. 25 (3): 237–252.

UNESCO (1972). Convention Concerning the Protection of the World Cultural and Natural Heritage. The General Conference of UNESCO adopted on 16 November 1972 the Recommendation concerning the Protection at National Level, of the Cultural and Natural Heritage.

Wood R. (1993). Tourism, culture, and the sociology of development. In book: M. Hitchcock, V. T. King, & M. J. G. Parnwell (Eds), Tourism in Southeast Asia. London: Routledge, pp. 48–70.

 

 

 

 

 

 

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét