Người dịch: Hà Hữu Nga
Văn bản là một thứ bất định. Tính bất định của văn bản được tạo ra bởi, và như là một đặc điểm hoạt tác của văn bản. Thật vậy, tính văn bản của văn bản chính là tính bất định của nó. Không phải văn bản là một đồ vật và có một vấn đề về việc xác định thứ đó là gì - mặc dù việc trình bày rõ ràng tình trạng của văn bản không phải là một vấn đề dễ dàng và việc làm sáng tỏ tính văn bản của nó không phải là một thủ tục đơn giản. Bất định không phải là một trạng thái tâm lý của người đọc, mặc dù việc diễn giải thường là cần thiết để hiểu được tính chất văn bản của văn bản. Người đọc thường yêu cầu việc diễn giải để loại bỏ bất kỳ sự nhầm lẫn nào có thể nảy sinh trong quá trình đọc, hoặc việc đọc một văn bản. Tuy nhiên, tính bất định của văn bản không nằm trong sự nhầm lẫn của người đọc. Hơn nữa, tính bất định của văn bản không phải là kết quả của một tham chiếu không xác định hoặc nhiều tham chiếu đơn giản. Nhiều văn bản thể hiện một thế giới trong đó thực tại thường không rõ ràng là gì (nếu có), trải nghiệm gì (nếu có), sự kiện gì (nếu có) được trích dẫn hoặc viện dẫn. Và nhiều văn bản đưa ra vô số thế giới khả thể khác nhau phù hợp, hoặc có thể phù hợp với thứ tự sự được đưa ra trong một văn bản cụ thể. Tuy nhiên, cả hai tính năng này đều không đặc trưng cho tính bất định của văn bản. Tính bất định của văn bản nằm ở tính chất văn bản hoặc các tính chất văn bản mà qua đó văn bản ấy (hoặc một văn bản nào đó) thiết lập tính đồng nhất của nó như một văn bản.
Tính văn bản là cái cấu thành một văn bản với tư cách là một văn bản theo một cách cụ thể. Tính văn bản cấu thành văn bản như một thứ bất định. Tính văn bản của một văn bản tạo ra kiến thức về văn bản. Kiến thức mà nó tạo ra thuộc một loại cụ thể và theo một cách cụ thể. Khả tính xác định của nó không nằm ở tri thức được tạo lập mà là ở trạng thái của văn bản mà quá trình tạo lập diễn ra. Tính văn bản (nói chung) được tạo ra trong quá trình hình thành văn bản. Khi văn bản tự tạo lập, văn bản xuất trình một tính văn bản mà bản thân nó là bất định. Văn bản là một thứ bất định bởi vì tính văn bản của nó là bất định. Tính văn bản của nó là bất định bởi vì tính văn bản xuất hiện ở nơi mà văn bản thoát khỏi định nghĩa, sự xác định cụ thể, đặc tả, nơi văn bản tự xóa bỏ thiên về điều mà Paul DeMan gọi là “sự biến dạng”. Tính chất văn bản xuất hiện khi văn bản tự lệch tâm. Văn bản bị lệch tâm (lệch tâm); tính văn bản của nó là sự giải trung tâm của nó theo những cách cụ thể.
Việc đọc văn bản diễn ra thông qua tính văn bản hoặc những tính văn bản của nó. Văn bản là cái được đọc, nhưng tính văn bản hoặc những tính văn bản lại là cách đọc nó. Việc diễn giải văn bản nảy sinh trong đó những tính văn bản được hiểu là (các) cấu trúc-nghĩa của văn bản. Việc diễn giải văn bản mang lại tính văn bản hoặc những tính văn bản để sao cho đưa chúng ra bên ngoài văn bản, để cụ thể hóa và xác định văn bản theo một kiểu cụ thể. Văn bản tách rời khỏi các cách đọc và diễn giải. Tính văn bản hoặc những tính văn bản của nó được cấu thành trong quá trình đọc văn bản và được xác định thông qua việc diễn giải nó. Nhưng, nếu văn bản là một thứ bất khả xác định và tính chất văn bản của nó là bất khả xác định, thì có thể có ý nghĩa gì khi nói về việc đọc hoặc diễn giải một văn bản? Nếu không thể xác định, thì loại đọc và diễn giải thích nào là khả thể? Nếu không thể xác định, thì tại sao lại phải đọc hoặc diễn giải?
Để đưa ra bất cứ điều gì giống như một lời đáp cho những câu hỏi này, thì phải đánh giá cả bản chất của tính bất định và vị trí của văn bản. Bằng cách xác lập vị trí của văn bản, thì khía cạnh nó là một thứ bất định sẽ trở nên rõ ràng. Việc đánh giá và diễn giải về tính bất định của nó cũng sẽ là việc đánh giá và diễn giải về tính văn bản của nó.
Như Edward Said (1980, tr. 89) đã chỉ ra, tính văn bản là một thực tiễn. Thông qua tính văn bản của nó, văn bản tự làm cho mình trở nên có nghĩa, tự làm cho mình hiện hữu, tự làm cho mình xuất hiện một cách cụ thể. Đồng thời, thông qua tính văn bản của nó, văn bản làm cho chính nó trở nên khác với những gì nó vốn có theo một cách hoặc nhiều cách cụ thể. Thông qua tính văn bản của nó, văn bản từ bỏ vị thế của mình với tư cách là đồng nhất tính và khẳng định trạng huống của nó là thuần túy khác biệt. Vì tính văn bản của nó, văn bản tự ẩn mình, tự định nghĩa, hoặc tự xác định theo những cách cụ thể. Nhưng vì tính văn bản của nó là khác, nên văn bản tự “xác định”, tự miêu tả bằng một kết cấu hoặc mạng ý nghĩa không giới hạn trong bản thân văn bản. Bằng cách tự giải xác định, văn bản cung cấp khả năng đọc một cách dứt khoát và một cách diễn giải quyết định. Tự bản chất tính văn bản của nó, không có cách đọc dứt khoát cũng không có diễn giải quyết định nào thành công. Mặc dù cách đọc có thể xác định và việc diễn giải có thể quyết định, nhưng văn bản không định nghĩa hay quyết định. Văn bản vẫn hoạt tác và về cơ bản là bất định. Tính văn bản của nó như một thông lệ, là văn bản tự giải xác định và tự bản thân nó hoạt tác, và về cơ bản là bất định. Văn bản tự thân là sự khác biệt; tính văn bản của nó khác với chính nó, làm cho chính nó trở nên khác biệt. Mỗi văn bản là khác nhau. Vì khác biệt, nên nó trì hoãn lại; nó tạo ra một tính văn bản phù hợp và thậm chí giống hệt với tính văn bản của các văn bản khác. Do đó, thông qua tính văn bản của nó, văn bản đưa vào, tích hợp và viện dẫn các văn bản khác. Nhưng bởi vì văn bản là bất định, nên tính văn bản của nó không xác định một lần duy nhất nghĩa hoặc các nghĩa nào, cách diễn giải hay những cách diễn giải nào, cách đọc hay những cách đọc nào chiếm ưu thế, còn cách nào thì không.
Tính bất định về tính văn bản của văn bản khác với văn bản như một thứ bất định. Văn bản như một thứ bất định được quy định bởi bản chất và chức năng của các bất định. Theo Derrida, cái bất định không phải là những cấu hình lý thuyết được đánh dấu và định vị trong văn bản viết dưới dạng các “từ” hoặc các “khái niệm” nổi bật nhất. Derrida vận hành và sử dụng một chiến lược tổng quát về giải cấu trúc “tránh vô hiệu hóa một cách đơn giản các đối lập nhị phân của siêu hình học. Nó cũng “không chỉ đơn giản tập trung vào cái trường đóng của các đối lập nhị phân, vì điều đó sẽ chỉ xác nhận bản thân trường nhị phân” (Derrida, 1981a, p. 41). Do đó, các bất định thực hiện một chức năng kép. Chúng giữ cho các ý niệm không biến thành thuật ngữ thứ ba, tổng hợp và do đó vô hiệu hóa các cặp đối lập và chúng ngăn chặn các ý niệm choán chiếm bên này hay bên kia. Nói một cách ngắn gọn, những cái bất định không phải là Aufhebungen (tương trừ) Hegelian nhưng chúng cũng không chỉ đơn giản là cấu tạo nên những cặp cấu trúc phản đề (hoặc đối lập).
Các bất định tự định vị tại giao diện hoặc vệt chéo giữa các cặp đối lập như vậy. Chúng nghiêng về mỗi hướng cùng một lúc mà không khẳng định, với tính loại trừ, cả bên này hay bên kia. Các bất định xuất hiện trong ngữ cảnh của các thuật ngữ siêu hình, triết học hoặc văn học truyền thống và do đó trong lĩnh vực văn bản viết chung. Các bất định không có vị thế độc lập ngoài lĩnh vực văn bản viết chung và các cấu trúc đối lập nơi chúng diễn ra. Hơn nữa, chúng được truyền bá - phổ biến - thông qua lĩnh vực văn bản viết chung. Chúng biểu thị những giới hạn của các quan niệm truyền thống và vẫn được khắc sâu trong chính các diễn ngôn mà ở đó các quan niệm truyền thống như vậy được đặt định.
Chiến lược giải cấu trúc của Derrida thực hành một loại văn bản “viết kép”. Viết kép mà ông trình bày trong bài luận về “Phiên kép” cho thấy khía cạnh mà văn bản tác hoạt ở hai nơi cùng một lúc. Viết kép cũng là một khoa học kép, một phiên kép, một cảnh kép, v.v. Viết kép là cách viết một cấu trúc đối lập nhị phân trong lĩnh vực viết chung. Trong lĩnh vực chung đó, với các khái niệm siêu hình truyền thống của nó, các hệ thống thứ bậc tự khẳng định mình. Chiến lược giải cấu trúc tạo ra và gây nên sự đảo lộn hoặc đảo ngược hệ thống thứ bậc như đã khẳng định trong truyền thống. Để thực hiện được việc đảo lộn như vậy, cần phải định vị các thuật ngữ đối lập có liên quan trong trường chung và do đó cũng định vị các bất định nữa.
Derrida xác định hàng loạt loại bất định: giao tiếp, không phải là cho cũng không phải là cái nhận; sự khác biệt, không phải là sự trì hoãn theo thời gian cũng không khác biệt về không gian; pharmakon, không phải là phương thuốc hay thuốc độc, cũng không phải là nói hay viết; màng trinh, không phải là tuyệt mãn cũng không phải là trinh tiết, không phải là màng che cũng không phải là khai mở; bổ sung, không phải là ngẫu nhiên cũng không phải bản chất, không phải là bên ngoài cũng không phải là bổ sung của bên trong; và v.v… (Derrida, 1981a, tr. 43). Sau đó, chiến lược là hoạt tác ở giao diện bất định giữa “cũng không” và “không”. Cái bất định không phải là thuật ngữ thứ ba, cũng không phải, nó có thể giải quyết được cho một trong hai bên. Nếu giờ đây văn bản là một văn bản bất định, thì nó sẽ dễ dàng rõ rệt hơn theo nghĩa nào đó như vậy.
Văn bản là “thái quá” (Said, 1980, PP. 93-94). Văn bản vượt ngoài bản thân nó. Văn bản thể hiện tính bổ sung của nó bằng cách là một cái gì đó khác hơn những gì hiện có. Cái gì đó đặt ra giới hạn cho chính nó, thiết lập các ranh giới, mép lề, đường biên, giới hạn, các ngoại tiếp của chính nó. Tuy nhiên, đồng thời văn bản cũng tràn qua các ranh giới, mép lề, đường biên, và giới hạn đó. Văn bản tràn vào một hoặc một định nghĩa khác về chính nó. Nó không thể và không còn nguyên sự khác biệt thuần túy. Luôn luôn có một phần còn lại, theo đó văn bản khẳng định một đồng nhất tính cho chính nó. Văn bản có xu hướng rơi vào bên này hoặc bên kia của toàn bộ phức hợp các đối lập nhị phân. Theo nghĩa này, văn bản (a) không hữu hình cũng không vô hình, (b) không phải bên trong cũng không phải bên ngoài, (c) không hiện diện cũng không vắng mặt, (d) không phải văn bản cũng không phải ngữ cảnh, (e) không phải một cũng không phải nhiều. Bằng cách xem xét các khía cạnh mà văn bản nằm ở giao diện của những đối lập này, sẽ hoàn toàn trở nên rõ ràng tính văn bản của văn bản xuất hiện ở đâu và cụ thể nó có xu hướng tràn sang bên này hay bên kia ra sao với tư cách là độ phân giải của loại tính bất định này hay tính bất định khác của nó.
Hữu hình / Vô hình
Văn bản luôn luôn che giấu một cái gì đó: một cái gì đó của chính nó, một cái gì đó không phải là nó. Như Said đã chỉ ra, không giống như quan điểm của Foucault trong đó văn bản là vô hình, có điều gì đó phải được khải lộ, tuyên nêu, mang đến một kiến tính nhất định. Tuy nhiên, đối với Derrida, càng hiểu nhiều về văn bản, thì càng có nhiều chi tiết về những gì không có ở đó (Said, 1980, trang 89). Quan điểm được đề xuất ở đây là những gì vô hình hoặc ẩn giấu trong văn bản sẽ được nhìn thấy về phương diện tính văn bản của nó, nhưng với tư cách văn bản thì càng được khẳng định về văn bản về phương diện tính văn bản, thì văn bản càng làm lu mờ chính nó, lảng tránh định nghĩa, thoát khỏi sự xác định hữu hình. Văn bản hữu hình ở chỗ nó trình hiện một tự sự, khải lộ một thế giới, khai quang một khoảng không trong đó các thanh âm, ý tưởng, nhịp điệu và tích truyện được thể hiện rõ ràng. Nhưng văn bản cũng có xu hướng che đậy bản thân tính văn bản hoặc những tính văn bản của nó. Nó có xu hướng đậy điệm ý nghĩa và cấu trúc ý nghĩa của nó.
Các cách đọc chỉ khải lộ các bề mặt; cần phải diễn giải để khai mở ý nghĩa của nó, làm cho đặc tính bí ẩn và bất định của nó trở nên rõ ràng hơn. Không thể khẳng quyết được liệu văn bản có hữu hình hay không. Việc lựa chọn cái này hay cái kia là làm cho tính văn bản của nó có thể xác định được — mặc dù tính văn bản của nó về cơ bản vẫn là bất định. Một văn bản có thể là một thiên tiểu thuyết sử thi hoặc cũng có thể chỉ là một phân đoạn, có thể là một bài thơ dài hoặc cũng có thể là cả một kịch bản. Các giới hạn của Thần khúc Dante được soạn thảo rõ ràng dưới dạng bộ ba lặp đi lặp lại: từ toàn bộ Thần khúc đến các đoạn khổ Thần khúc và từ các đoạn khổ đến từng khổ thơ ba dòng; từ Địa ngục đến Thiên đường qua Luyện ngục, từ Virgil đến Beatrice qua Statius, v.v. nhưng phần lớn tính văn bản tự truyện, tính văn bản lịch sử và tính văn bản thi ca đều bị che đậy khỏi tầm nhìn. Các khổ thơ ba dòng của Thần khúc làm cho một số đặc điểm nhất định về tính văn bản thần học của nó trở nên hữu hình và để mở cho việc kiểm nghiệm. Mặc dù ở các biên lề, ba ngôi biến thành một thể thống nhất, chín mươi chín khổ Thần khúc sinh ra thứ một trăm, cùng với Địa ngục, Luyện ngục và Thiên đường, cũng có một Vừng hồng hoặc một Hỏa thiên là nơi Chúa ngự quy tụ lấy tất cả. Những gì có thể nói về ba ngôi, về những tranh cãi giữa những người theo hiện thực luận và duy danh luận, về chức năng của những ngụ ngôn tôn giáo trong những thiên diễm tình thời trung cổ thế tục, những phát minh của Dante về Weltanschauung (Vũ trụ quan), đều không hiển hiện trong văn bản. Việc chúng được che giấu và việc tuyên rằng chúng cấu thành bản văn theo một cách cơ bản nào đó chính là việc quyết định về tính văn bản thần học của nó ở mức độ không thể quyết định được, nơi nó hoạt tác ở ranh giới giữa những gì hữu hình và những gì vô hình trong bản văn.
Bên trong / Bên ngoài
Nếu có thể xác định được cái ở bên trong văn bản và cái ở bên ngoài, thì tính văn bản hoặc những tính văn bản của văn bản cũng sẽ có thể quyết định được. Aporia – các phân vân - của các vở kịch Shakespeare thuộc bên trong văn bản hay bên ngoài? Phần kết của Roman de Ia rose Tiểu thuyết Đóa hồng - của Jean de Meun và được thêm vào bài thơ của Guillaume de Lorris thuộc bên trong hay bên ngoài văn bản? Stephen Hero có phải là một phần A Portrait of the Artist as a Young Man – Chân dung của một Nghệ sỹ trẻ - của Joyce theo cách mà các phiên bản A và B của Kant là một phần của (bên trong) cuốn Phê phán Lý tính Thuần túy không? Khoảng cách giữa các câu cách ngôn trong Khoa học Đồng tính của Nietzsche nằm trong hay ngoài văn bản? Cái là bất định về mỗi văn bản này cũng chính là bất định về văn bản. Văn bản không phải là một tác phẩm cũng không phải là một loạt các từ, không phải là một cuốn sách, cũng không phải nội dung các trang của nó. Văn bản là lệch tâm, được định vị giữa nội văn bản gặp gỡ ngoại văn bản và giải định nghĩa các đường biên của nó. Tính văn bản của nó chính xác là điều kiện của việc không thiết lập ranh giới rõ ràng giữa nội văn bản và ngoại văn bản, giữa những gì được coi là một phần của văn bản và những gì không được coi như vậy. Tính văn bản của nó cũng là việc thực hành việc đảo lộn các quy cách liên quan đến nơi xuất hiện các đường biên. Như Said đã xác định, văn bản “bừng nở qua các chân trời ngữ nghĩa” (Said, 1980, tr. 108). Việc thực hành tính văn bản là vượt qua những giới hạn của ý nghĩa và đặc biệt là những giới hạn thiết lập võ đoán các ranh giới cho văn bản.
Hiện diện / Vắng mặt
Văn bản không hiện diện cũng không vắng mặt, không phải thể viết cũng không phải thể nói, không phải bản viết cũng không phải đoạn nói. Văn bản không phải là bản đồ họa cũng không phải là những âm thanh được nói ra. Văn bản không phải là sự thay thế cho một điều gì đó vắng mặt cũng như không phải là hình thức trực tiếp của một điều gì đó hiện diện. Cái mà Derrida gọi là văn tự (ecriture) là cái bất định giữa cái hiện diện và cái vắng mặt, giữa văn tự dưới dạng ký hiệu đồ họa và văn ngôn với tư cách âm thanh khẩu ngữ. Giống như văn tự ecriture, văn bản hoạt tác ở giao diện giữa các cực đối lập. Mặc dù có những văn bản cụ thể, nhưng Derrida vẫn cho rằng có một “văn bản chung” “thực tế khắc ghi và tràn vượt giới hạn của một diễn ngôn” hoàn toàn được quy định bởi bản chất, ý nghĩa, chân lý, ý thức, lý tưởng, v.v. ” Derrida tiếp tục khẳng định “có một văn bản chung như vậy ở khắp mọi nơi mà diễn ngôn này và trật tự của nó (bản chất, ý thức, chân lý, ý nghĩa, ý thức, lý tưởng, v.v.) bị tràn vượt, nghĩa là, ở mọi nơi mà thẩm quyền của chúng được đưa trở lại vị trí của một nhãn hiệu trong một chuỗi mà thẩm quyền này tin tưởng một cách thực chất và ảo tưởng rằng nó mong muốn chi phối, và trên thực tế, có chi phối. Văn bản chung này không giới hạn trong các văn tự theo trang viết” (Derrida, 1981a, p. 60). Văn bản chung không hiện diện đầy đủ trong bất kỳ văn bản cụ thể nào. Thật ra, cũng hệt như không có cách nào để quyết định những gì tồn tại trong một văn bản, không có cách nào để quyết định những gì hiện diện trong văn bản. Những gì hiện diện trong văn bản cụ thể thì cũng hiện diện trong văn bản chung, nhưng những gì vắng mặt trong văn bản cụ thể lại có thể không vắng mặt trong văn bản chung. Các đặc điểm của văn bản chung xuyên thấm văn bản cụ thể, tự thể hiện rõ ràng và hiện diện trong văn bản cụ thể, nhưng trong đó chúng cũng không vắng mặt trực tiếp và rõ ràng khỏi văn bản; chúng không thể được cho là hiện diện.
Văn bản là một trình diễn, một hành động nói theo một nghĩa nào đó. Với tư cách trình diễn, văn bản tự hiển thị hiện diện, nhưng những gì được hiển thị hiện diện lại hoàn toàn vắng mặt. Có lẽ trong văn bản chung, cái vắng mặt được nói ra và thậm chí được viết ra thể hiện cái vắng mặt hiện diện. Khái niệm Descartes về tính trong sáng và hiển minh được thể hiện trong tiểu thuyết Princesse de Cleves của Madame de Lafayette, các lý thuyết và trạng huống xa lánh được nói đến trong Mother Courage của Brecht, trong văn bản chung, Lâu đài của Kafka thể hiện cuộc tìm kiếm một lý tưởng bản ngã mà phân tâm học Freud đã xác định thuộc nền văn hóa. Tính văn bản của các văn bản tích hợp với tư cách hiện diện cả cái vắng mặt; tích hợp các yếu tố này theo cách không có cách nào để quyết định xem liệu chúng hiện diện hay vắng mặt — chỉ là chúng đang chơi, trong trò chơi của những khác biệt tạo thành văn bản.
Văn bản / Ngữ cảnh
Văn bản đặt ra các giới hạn riêng của nó. Trong việc thiết lập các giới hạn của riêng mình, nó cũng thiết lập những gì đi cùng với nó và những gì không. Nhưng một văn bản có khác biệt với ngữ cảnh của nó không? Ngữ cảnh là những gì đi kèm với văn bản. Nó cũng là những gì ở bên ngoài và do đó khác với văn bản. Trong tha tính của mình, nó chỉ là ngữ cảnh ở chỗ nó được báo hiệu trong văn bản hệt như văn bản đi cùng với nó vậy. Như Derrida (1977) đã chỉ ra trong “Limited Inc. a b c ...”, ngữ cảnh trong tiếng Pháp có thể được nói là “qu’on texte” — tức là văn bản nào. Nói cách khác, ngữ cảnh là văn bản được hiển thị. Nó bao gồm động từ tân dụng “tạo thành văn bản” (to text). Do đó, ngữ cảnh là phần tạo nên văn bản không phải là một phần của văn bản và là phần còn lại ngoài văn bản. Ngữ cảnh có thể là chính trị, lịch sử, văn học, văn hóa, xã hội, v.v. Mặc dù nhiều tính năng trong số này thường được coi là ngoại lai văn bản, bên ngoài văn bản, không phải văn bản, tuy nhiên chúng đi kèm với văn bản và được “biến thành văn bản”, ở chỗ chúng là ngữ cảnh cho văn bản được đề cập. Ở chỗ chúng được “biến thành văn bản”, hay về khía cạnh tính văn bản của chúng, “được văn bản hóa”, chúng cũng là nội tại của văn bản. Chiến tranh thế giới thứ hai được văn bản hóa trong tiểu thuyết Chemins de la liberte (Đường đến tự do) của Sartre, Nội chiến Hoa Kỳ trong cuốn The Red Badge of Courage (Huy chương Quả cảm Đỏ) của Stephen Crane. Tình cảnh của người da đen ở Mỹ được mô tả bằng văn bản trong Invisible Man (Người vô hình) của Ralph Elliston; nạn phân biệt chủng tộc được hiển thị bằng văn bản trong Cry the Beloved Country (Khóc cho Quê hương Dấu yêu) của Alan Paton. Cấu trúc xã hội đầu thế kỷ 20 của tầng lớp tư sản thượng lưu được văn bản hóa trong Bà Dalloway của Virginia Woolf đối với nước Anh và trong A la Recherche du temps perdu (Tìm lại Thời gian Đã mất) của Marcel Proust đối với Pháp. Trong các trường hợp này, những gì được đưa ra không phải là sự trình hiện thế giới bên ngoài trong văn bản, mặc tính văn bản của văn bản có thể được diễn giải như vậy. Thay vào đó, mặc dù tách biệt và khác, nhưng ngữ cảnh hoặc bối cảnh khái quát hóa được tích hợp vào khuôn khổ của văn bản mà không có chủ đề và nhận dạng cụ thể.
Cùng với các ngữ cảnh, các văn bản còn có các liên văn bản. Mặc dù các liên văn bản là các văn bản đi cùng với các văn bản, chúng cũng được xác định và chỉ rõ trong văn bản. Các liên văn bản được bao gồm trong các văn bản ở chỗ chúng trở thành một phần của phức hợp các văn bản tạo thành văn bản được đề cập. Bởi vì các liên văn bản trải rộng các ranh giới giữa văn bản và liên văn bản, nên không có cách nào để quyết định xem liệu chúng nằm bên trong hay bên ngoài, là một phần hay tách biệt với văn bản được đề cập.
Văn bản: Nhất tính hay Đa tính?
Tính văn bản là tính bất định của văn bản. Văn bản nằm ở giao diện giữa hữu hình / vô hình, bên trong / bên ngoài, hiện diện / vắng mặt, văn bản /ngữ cảnh. Văn bản là một thứ bất định. Văn bản không rơi vào bên nay hay bên kia. Không thể quyết định nó thuộc về bên nào. Tính bất định của nó chính là tính văn của nó. Đặc trưng khác biệt của nó chính là tính bất định. Tính văn bản của văn bản vừa là điều kiện của văn bản vừa là thực hành của văn bản. Tính văn bản, tuy nhiên, không phải là duy nhất. Đối với mỗi văn bản, có nhiều tính văn bản. Các tính văn bản khác nhau này được đọc và diễn giải. Các tính văn bản không bị ràng buộc với các văn bản cụ thể. Chúng là một phần của văn bản chung. Tuy nhiên, các văn bản cụ thể thể hiện, biểu lộ và hoạt tác các tính văn bản cụ thể. Tính văn bản tự truyện xuất hiện trong Ecce Homo – Kẻ Người của Nietzsche và Walden - Ở Rừng của Thoreau, nhưng cũng nằm trong một phạm vi hạn chế hơn trong nhiều sách giáo khoa sinh học hoặc trong các tài liệu nghiên cứu tâm lý. Tính văn bản lịch sử xuất hiện trong các văn bản đa dạng như Chiến tranh và Hòa bình của Tolstoy, Đỏ Đen của Stendhal, và Tích truyện hai Thành phố của Dickens, nhưng nó cũng đi vào Hiện tượng học Tư duy của Hegel và Nguồn gốc các loài của Darwin. Tính văn bản khoa học, tính văn bản tâm lý, tính văn bản ẩm thực, v.v. hoạt tác để tạo ra tính bất định của các văn bản. Chắc chắn không phải tất cả các văn bản đều thể hiện và thực hành tất cả các loại tính văn bản. Một số có được ưu thế trong khi những văn bản khác lại giữ vị thế thứ yếu trong các văn bản cụ thể. Các tính văn bản cụ thể có thể được đặc trưng và đủ phẩm chất khác với các văn bản, nhưng chúng đạt được tính thực hành và chức năng của chúng trong khuôn khổ các văn bản cụ thể. Từ đa tính của mình, chúng góp phần tạo nên tính bất định của văn bản và có được vị thế của chính chúng ở nơi và những nơi khác biệt.
_____________________________________
Nguồn: Silverman, Hugh I. (1986). What is Textuality? Part II, in Phenomenology + Pedagogy Volume 4, Number 2 1986, State University of New York at Stony Brook.
Tác giả: Hugh J. Silverman (1945-2013) sinh ra ở Boston, Massachusetts, là một nhà triết học và lý thuyết văn hóa người Mỹ. Ông là Giám đốc Điều hành của Hiệp hội Triết học và Văn học Quốc tế và là Giáo sư Triết học và Nghiên cứu Văn học & So sánh tại Đại học Stony Brook (New York, Hoa Kỳ). Ông là Giám đốc Chương trình Chứng chỉ Tốt nghiệp Cao học Stony Brook về Nghệ thuật và Triết học. Ông cũng là đồng sáng lập và đồng giám đốc của Hội thảo Triết học Quốc tế hàng năm kể từ năm 1991 tại Nam Tyrol, Ý. Từ năm 1980-86, ông là Đồng Giám đốc Điều hành của Hiệp hội Hiện tượng học và Triết học Hiện sinh. Các công trình của ông dựa trên giải cấu trúc, tường giải học, ký hiệu học, hiện tượng học, mỹ học, lý thuyết nghệ thuật, lý thuyết phim và khảo cổ học tri thức. Ông nhận bằng tiến sĩ tại Đại học Stanford (1973). Từ năm 1980, ông giữ các chức danh giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Warwick và Đại học Leeds (Anh), Đại học Milan, Đại học Torino và Đại học Rome-Tor Vergata (Ý), Đại học Vienna và Đại học Klagenfurt (Áo), Đại học Helsinki và Đại học Tampere (Phần Lan), Đại học Sydney và Đại học Tasmania ở Hobart (Úc), Đại học Trondheim (Na Uy) và Đại học Cao đẳng, Cork (Ireland), Đại học Nice (Faculte des Lettres) (Pháp ). Giáo sư Silverman đã viết và giảng dạy chuyên về các lĩnh vực triết học lục địa, mỹ học, đạo đức hậu hiện đại và lý thuyết văn hóa / nghệ thuật / phim ảnh / xã hội. Các công trình của ông chủ yếu liên quan đến các tác phẩm của Maurice Merleau-Ponty, Jacques Derrida, Mikel Dufrenne, Roland Barthes, Michel Foucault, Jean-François Lyotard, và đối thoại với những nhân vật đương thời như Julia Kristeva, Gianni Vattimo, Mario Perniola và Carlo Sini. Các bài viết của ông dựa trên triết lý của Friedrich Nietzsche, Edmund Husserl, Martin Heidegger, Hans-Georg Gadamer và Paul Ricoeur. Silverman qua đời ở Long Island, vì bệnh ung thư.
Tài liệu dẫn
Barthes, R. (1968). Writing degree zero. (A. Layers and C. Smith, Trans.). New York: Hill and Wang. (Original book published 1953)
Barthes, R. (1975). The pleasure of the text. (R. Miller, Trans.). New York: Hill and Wang. (Original book published 1973)
DeMan, P. (1979). Shelley disfigured. Deconstruction and criticism. New York: Seabury.
Derrida, J. (1977). Limited Inc. a b c.. . . Glyph 2 (pp. 162-254). Baltimore: The John Hopkins University Press.
Derrida, J. (1981a). Positions. (A. Bass, Trans.). Chicago: University of Chicago Press.
Derrida, J. (1981b). The double session. Dissemination. (B. Johnson, Trans.). Chicago: University of Chicago Press.
Foucault, M. (1970). The order of things: An archeology of the human sciences. New York: Pantheon. (Original book published 1966)
Heidegger, M. (1961). Nietzsche II. Pfullingen: Neske.
Heidegger, M. (1971). Poetry, language, and thought. (A. Hofstadter, Trans.). New York: Harper & Row. (Original essays written in the 1950s)
Heidegger, M. (1972). On Time and Being. (J. Stambaugh, Trans.). New York: Harper & Row. (Original book published 1969)
Heidegger, M. (1973). Being and time. (J. Macquarrie and E. Robinson, Trans.). New York: Harper & Row. (Original book published 1927)
Merleau-Ponty, M. (1962). Phenomenology of Perception. (C. Smith, Trans.). New York: Humanities Press. (Original book published 1945)
Ryle, G. (1949). The concept of mind. London: Huchinson.
Said, E. (1980). The problem of textuality: Two exemplary positions. In M. Philipson and P.J. Gudel (Eds.). Aesthetics today. New York: Meridian/New American Library.
Sartre, J. (1956). Being and nothingness: A phenomenological essay on ontology. (H. Barnes, Trans.). New York: Washington Square Press. (Original book published 1943)
Sartre, J. (1965). What is literature? (B. Frechtman, Trans.). Secaucus: Citadel Press. (Original book published 1947)
Sartre, J. (1972). The transcendence of the ego: An existentialist theory of consciousness. (F. Williams and R. Kirkpatrick, Trans.). New York: Octagon Books. (Original book published 1936).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét