Powered By Blogger

Chủ Nhật, 23 tháng 5, 2021

Nghiên cứu Thời đại Đá – một Hành trình Đã qua và Chặng đường Phía trước

Hà Hữu Nga

Không chỉ 30 năm kể từ khi thành lập Viện Khảo cổ học, công cuộc nghiên cứu thời đại đá ở Việt Nam mới bắt đầu. Cuộc hành trình ấy đã ít nhất ba lần dài hơn 30 năm với các mốc khởi đầu là những phát hiện và nghiên cứu của các học giả Pháp từ đầu thế kỷ này. Nhưng trên con đường gian nan gần trọn thế kỷ ấy, có lẽ 30 năm cuối cùng là quãng đường nhiều ý nghĩa nhất.

Cùng với sự ra đời của Viện Khảo cổ học vào năm 1968 là sự ra đời của bộ phận nghiên cứu thời đại đá. Điều đó trước hết đánh dấu sự trưởng thành về mọi mặt của đội ngũ các nhà nghiên cứu Việt Nam. Họ đã đủ lớn mạnh để có thể tự mình tìm về cội nguồn lịch sử dân tộc mà không phải dựa vào các học giả nước ngoài, đặc biệt trong một lĩnh vực chịu nhiều ảnh hưởng của các kết quả nghiên cứu của người Pháp như việc nghiên cứu thời đại đá.

Có một sự trùng hợp ngẫu nhiên thật thú vị: năm thành lập Viện Khảo cổ học cũng là năm phát hiện văn hóa hậu kỳ đá cũ Sơn Vi. Kỷ niệm 30 năm Viện Khảo cổ học cũng là kỷ niệm 30 năm khai sinh văn hóa khảo cổ Sơn Vi. Tuy nhiên ý nghĩa của phát hiện Sơn Vi không chỉ ở sự trùng hợp mang tính hình thức đó. Ý nghĩa của phát hiện ấy nằm ở những chiều sâu khác, mà càng ngày người ta càng khám phá được nhiều điều mới mẻ hơn. Nhưng ít nhất cho tới nay ý nghĩa đó thể hiện trên mấy phương diện sau:

- Cùng với phát hiện văn hóa Sơn Vi, truyền thống công cụ cuội Việt Nam và khu vực được đẩy sâu thêm về quá khứ.

- Các văn hóa Hòa Bình, Bắc Sơn đã tìm thấy một nguồn gốc chắc chắn.

- Các phát hiện văn hóa Sơn Vi ngày càng lấp dần khoảng trống lớn trong bản đồ phân bố các di chỉ khảo cổ học thời đại đá Việt Nam, đặc biệt là trên các đồi gò, thềm sông, v.v…

- Sự tồn tại của văn hóa Sơn Vi đã góp phần lý giải một cách có cơ sở vững chắc tính chất phức hợp của các sưu tập công cụ Hòa Bình.

- Văn hóa Sơn Vi góp phần phác họa một bức tranh rõ ràng hơn về tiền sử Việt Nam và khu vực trước văn hóa Hòa Bình và cho chính cả nền tạo dựng văn hóa Hòa Bình nữa (Hà Văn Tấn, Nguyễn Khắc Sử, Trình Năng Chung 1998).

Tiếp theo phát hiện Sơn Vi, những phát hiện kỹ nghệ manh tước Ngườm – Miệng Hổ - Lạng Nắc thực sự là một sự kiện lớn của khảo cổ học thời đại đá Việt Nam, nó gần như làm đảo lộn những suy nghĩ thông thường cho rằng Đông Nam Á lục địa, trong đó có Việt Nam không có truyền thống mảnh, mà chỉ có truyền thống chế tác công cụ hòn cuội. Và đằng sau cái gọi là truyền thống công cụ hòn cuội lớn ấy có ẩn chứa một hàm ý khá tế nhị, có lúc đã được nói thẳng ra đó là sự lạc hậu, trì trệ về mặt kỹ thuật chế tác đá. Đó là một suy diễn hoàn toàn phi lịch sử với mưu toan áp đặt mô hình phát triển tiền sử châu Âu cho toàn bộ thế giới bất chấp những khác biệt môi trường, điều kiện sống của con người (Nguyễn Khắc Sử 1978: 9-21).

Thật ra các nhà khảo cổ học Việt Nam và khu vực cũng không cần phải viện tới những phát hiện kiểu Ngườm, Miệng Hổ, Lạng Nắc để nói rằng Đông Nam Á lục địa không phải là một mô hình lạc hậu về kỹ thuật chế tác đá. Ý nghĩa của những phát hiện ấy còn to lớn hơn thế nhiều.

- Trước hết, việc phát hiện kỹ nghệ mảnh tại Việt Nam đã làm phong phú thêm bức tranh truyền thống kỹ nghệ đá tiền sử khu vực. Điều này vừa có ý nghĩa thực tế, vừa có ý nghĩa phương pháp luận. Một mô hình đơn tuyến – chỉ với truyền thống công cụ hòn cuội – cho nơi này là không thể chấp nhận.

- Cùng với phát hiện Ngườm – Miệng Hổ, truyền thống tiền sử khu vực tiếp tục được đẩy sâu hơn về quá khứ: thậm chí đã có lúc nó được so sánh với thời trung kỳ đá cũ thế giới.

- Với cuộc khai quật Ngườm, người ta đã cố gắng tìm kiếm, không phải hoàn toàn không có cơ sở, một trật tự phát triển liên tục Ngườm (bao gồm Miệng Hổ) - Sơn Vi – Hòa Bình (bao gồm Bắc Sơn) (Quang Văn Cậy, Trình Năng Chung…1981).

- Ngoài ra cuộc khai quật Ngườm còn giúp phục dựng lại một bức tranh khá tin cậy về những biến đổi môi trường sống từ hậu kỳ Cánh tân – một trong những yếu tố khác chắc chắn giúp lý giải các biến đổi kỹ nghệ chế tác đá của người tiền sử khu vực (Hà Văn Tấn 1984: 18-20).

- Không những thế, các phát hiện Ngườm – Miệng Hổ - Lạng Nắc cũng góp phần lý giải một trong những cội nguồn kỹ thuật mảnh tồn tại khá phổ biến trong văn hóa Bắc Sơn. Nó phần nào làm thay đổi cách suy nghĩ về một truyền thống hòn cuội thuần túy, không hề có mặt của kỹ nghệ mảnh trong dòng truyền thống công cụ hòn cuội Sơn Vi – Hòa Bình – Bắc Sơn.

Sau các phát hiện Sơn Vi - Ngườm – Miệng Hổ - Lạng Nắc, một phát hiện quan trọng khác mà có lẽ cho đến tận bây giờ ý nghĩa của nó vẫn chưa được nhận chân đầy đủ. Đó chính là phát hiện di chỉ đá cũ Đồi Thông ở thị xã Hà Giang. Không thể không thừa nhận rằng sưu tập Đồi Thông là một hỗn hợp được thu lượm cả trên bề mặt đồi (thềm sông cổ) lẫn cả trong địa tầng đã được cắt xẻ thành một vách ở độ sâu tới 3 m vẫn tìm thấy một vỉa công cụ cuội. Những đặc trưng Sơn Vi thể hiện tương đối rõ nét trong một phần đáng kể của sưu tập này. Tuy nhiên về phương diện loại hình và kỹ thuật, bản thân cái gọi là Sơn Vi cũng là một phức hợp bao gồm cả yếu tố truyền thống từ rất xa xưa, thậm chí từ sơ kỳ đá cũ cho tới cả những đặc trưng chỉ trở thành phổ biến ở giai đoạn sau nó – thuộc văn hóa Hòa Bình. Vì vậy cũng không thể không thừa nhận rằng trong sưu tập Đồi Thông có thể có cả một tập hợp xưa hơn Sơn Vi, thậm chí tới tận sơ kỳ đá cũ. Và nếu đúng như vậy thì khái niệm “văn hóa Đồi Thông” là có thể chấp nhận được nếu như trong tương lai, những yếu tố không Sơn Vi và các đặc trưng của sưu tập này được làm rõ cùng những nghiên cứu địa chất hỗ trợ.

Càng ngày, cùng với những phát hiện, những cách lý giải mới, bức tranh công cụ cuội Việt Nam càng trở nên đa sắc. Cho đến bây giờ có lẽ cũng chỉ nên tạm chấp nhận xếp sưu tập công cụ cuội Làng Vạc vào khung niên đại Sơn Vi, trong khi vấn đề địa tầng, vấn đề loại hình và kỹ thuật của sưu tập này vẫn phải được nghiên cứu kỹ càng hơn. Cũng như vậy, ranh giới giữa Sơn Vi và không Sơn Vi của một loạt sưu tập công cụ cuội được phát hiện trong các hang động, thềm sông suối khu vực Tây Bắc chưa thể làm yên lòng hoàn toàn những người nghiên cứu. Một khoảng trống mênh mông từ văn hóa hậu kỳ đá cũ Sơn Vi cho tới sơ kỳ đá cũ ở khu vực này vẫn là một câu hỏi lớn luôn day dứt các nhà khảo cổ học.

Thêm vào đó những hoài nghi khoa học về một Núi Đọ sơ kỳ đá cũ được nêu lên trong những năm gần đây, một mặt đánh dấu một tinh thần khách quan trong nghiên cứu, mặt khác, nó cũng như một lời nhắc nhở về một món nợ của công cuộc nghiên cứu thời đại đá Việt Nam: lẽ nào trên đất nước ta lại không tồn tại những di tích sơ kỳ đá cũ với những bằng chứng chắc chắn về phương diện khảo cổ học? Các phát hiện thêm ở Quan Yên, Núi Nuông, dù rất có ý nghĩa, nhưng vẫn không giúp khẳng định một cách chắc chắn tính chất sơ kỳ đá cũ của những địa điểm khảo cổ học này. Về vấn đề này, phát hiện Tấn Mài (Quảng Ninh) đã có lúc tưởng như có thể lấp bớt khoảng trống sơ kỳ đá cũ trên đất nước ta, nhưng trên thực tế sưu tập này vẫn làm gợn lên nỗi ngờ vực về việc nó được tạo ra hoàn toàn là bởi bàn tay con người, chứ chưa nói gì tới việc khẳng định đó là một di tích thời sơ kỳ đá cũ (Trương Hoàng Châu 1978: 35-38).

Các kết quả nghiên cứu Hòa Bình có lẽ là một trong những bù đắp lớn cho những thiếu hụt của giai đoạn sơ-trung kỳ đá cũ trên đất nước ta. Kể từ khi phát hiện cho tới giờ, vấn đề Hòa Bình luôn luôn cuốn hút giới khảo cổ học Việt Nam, khu vực và cả thế giới. Trong 30 mươi năm nay, các nhà khảo cổ học Việt Nam đã làm được rất nhiều công việc để cho bộ mặt văn hóa Hòa Bình trở nên rõ ràng hơn. Đặc biệt các cuộc khai quật Con Moong, Xóm Trại, Mái đá Điều, cũng với các kết quả nghiên cứu văn hóa Sơn Vi đã làm thay đổi hẳn những nhận thức về Hòa Bình. Văn hóa Hòa Bình không lùi sâu về quá khứ tới 50.000 năm như Solheim đã từng chủ trương. Nhưng nó cũng không bắt đầu muộn mằn ở cái mốc 10.000 năm như lâu nay các nhà khảo cổ học Việt Nam vẫn nghĩ. Cả một quãng đường dài từ gần 2 vạn năm cho tới 6 nghìn năm cách ngày nay cho nền văn hóa này đang dần dần được chấp nhận.

Ranh giới về phía bắc của văn hóa Hòa Bình cũng trở nên rõ ràng hơn. Đó chắc chắn là Sơn La – Lai Châu, và mới đây lại được phát hiện thêm ở Hà Giang với những đặc trưng Hòa Bình điển hình. Hơn nữa mối quan hệ chằng chéo giữa Hòa Bình và Bắc Sơn cũng được làm rõ hơn. Ngày nay hầu hết các nhà khảo cổ học Việt Nam đều chấp nhận Hòa Bình và Bắc Sơn là hai nền văn hóa riêng, có những đặc trưng chung trong dòng truyền thống công cụ cuội, nhưng cũng có những đặc trưng văn hóa riêng, và thậm chí cả nguồn gốc cũng không hoàn toàn chung như trước kia vẫn hiểu. Yếu tố nguồn gốc từ kỹ nghệ mảnh, bên cạnh truyền thống công cụ cuội trong văn hóa Bắc Sơn là không thể phủ nhận (Hà Hữu Nga 1994: 123-134).

Ngoài ra trong phạm vi thời đại Hòa Bình, Bắc Sơn, nhóm di tích Soi Nhụ lâu nay vẫn được hiểu là dấu vết của một bộ phận người Hòa Bình, Bắc Sơn tiến xuống chinh phục đồng bằng, ven biển ở vào giai đoạn muộn của các nền văn hóa này thì đến giờ đã xuất hiện những lý giải hoàn toàn khác. Nhóm di tích này phân bố trên một không gian khoảng 2000km2 bao gồm Quảng Ninh, Cát Bà, Thủy Nguyên (Hải Phòng) và một phần Hải Dương được coi là một nền văn hóa đồng đại với Hòa Bình, Bắc Sơn – văn hóa Soi Nhụ tồn tại trong khoảng thời gian mực nước biển còn thấp hơn ngày nay nhiều. Người Soi Nhụ là cư dân gốc của địa bàn này, chứ không phải người Hòa Bình, Bắc Sơn giai đoạn muộn. Nền văn hóa Soi Nhụ có những đặc trưng chung với Hòa Bình, Bắc Sơn, nhưng cũng có những đặc trưng hoàn toàn khác biệt với hai nền văn hóa trên, đủ để nó tồn tại như một nền văn hóa độc lập.

Có lẽ một trong những thành quả lớn nhất của khảo cổ học thời đại đá trong vòng 30 năm qua đó là việc làm rõ những con đường phát triển sau Hòa Bình, Bắc Sơn, và bây giờ là cả Soi Nhụ nữa. Nói cách khác, đó là những “con đường đá mới hóa” ở Việt Nam và Đông Nam Á.

1. Con đường của văn hóa Đa Bút ở Thanh Hóa, với những chiếc rìu mài lưỡi giai đoạn đầu, và những chiếc rìu mài hoàn toàn ở giai đoạn cuối cùng với gốm đáy tròn làm bằng bàn đập hòn kê.

2. Con đường của văn hóa Quỳnh Văn ở Nghệ Tĩnh với các công cụ đá ghè đẽo chưa được mài và gốm giải cuộn có đáy nhọn.

3. Con đường của di chỉ Cái Bèo trên đảo Cát Bà (Hải Phòng) với những đồ đá đẽo và rìu mài lưỡi cùng với gốm thô ở giai đoạn sớm, những rìu bôn mài toàn thân cùng gốm mịn “Tiền Hạ Long” ở giai đoạn muộn.

4. Con đường của di chỉ Bàu Dũ ở Quảng Nam – Đà Nẵng với những công cụ đá ghè đẽo một mặt hay hai mặt, gần giống công cụ văn hóa Hòa Bình, chưa có gốm (Hà Văn Tấn 1990: 152-153).

Mô hình 4 con đường phát triển nội sinh sau Hòa Bình – Bắc Sơn vừa nêu trên đều được hình dung là những hướng đi của con người từ miền núi xuống khai phá các vùng đồng bằng ven biển. Tuy nhiên với những phát hiện mới gần đây ở Tây Bắc (Sơn La – Lai Châu), ở Việt Bắc (Hà Giang – Lạng Sơn) ta có thể thấy không nhất thiết vào cuối thời đại Hòa Bình, Bắc Sơn tất cả mọi cư dân đều tiến xuống khai phá các vùng đồng bằng, ven biển. Thật ra tiềm năng cho việc phát triển một nền nông nghiệp ở các thung lũng Tây Bắc, Việt Bắc là rất lớn. Trên thực tế, chính những nơi này có lẽ đã diễn ra các quá trình đá mới hóa sớm nhất, sớm hơn cả Đa Bút, Cái Bèo, Quỳnh Văn, Bàu Dũ. Bằng chứng đầu tiên cho nhận định này chính là sự xuất hiện và phát triển của kỹ thuật mài rất sớm tại các thung lũng thuộc văn hóa Hòa Bình, Bắc Sơn.

Vậy thì cho đến giờ chúng ta có thể bổ sung thêm con đường phát triển sau Bắc Sơn tại Lạng Sơn được bắt đầu với địa điểm Phai Vệ tiếp đến là Phia Điểm và giai đoạn muộn là địa điểm Mai Pha và toàn bộ nền văn hóa Mai Pha. Con đường phát triển sau Hòa Bình ở Hà Giang được bắt đầu với loại hình Hòa Bình muộn tại hang Khuổi Nấng (xã Thượng Tân – Bắc Mê) và giai đoạn muộn là lớp mặt của hang Khuổi Nấng và toàn bộ nền văn hóa Hà Giang. Chắc chắn còn có một hoặc những con đường đá mới hóa sau Hòa Bình tại Tây Bắc. Nhưng những diễn biến cụ thể cần được tiếp tục làm rõ trong những năm tới.

Trong những năm gần đây, việc nghiên cứu giai đoạn hậu kỳ đá mới miền núi phía bắc đã đưa lại những kết quả rất khả quan. Ít nhất đã có thêm hai nền văn hóa khảo cổ học mới được khai sinh. Đó là văn hóa Hà Giang (Hà Văn Tấn, Bùi Vinh, Võ Quý 1990), và văn hóa Mai Pha (Bùi Vinh, Nguyễn Cường 1997: 40). Hai nền văn hóa ấy cũng chính là đỉnh cao của hai con đường đá mới hóa theo mô hình nền nông nghiệp  thung lũng trước núi. Nó chính là hậu duệ trực tiếp của các nền văn hóa thung lũng Hòa Bình, Bắc Sơn trước đó (Trần Quốc Vượng 1986: 1-6). Với sự tồn tại của các nền văn hóa này, mô hình đá mới hóa sau Hòa Bình, Bắc Sơn, Soi Nhụ trở nên phong phú và đa dạng hơn nhiều.

Tuy nhiên sau 30 năm nghiên cứu thời đại đá, bên cạnh những thành tựu, cũng còn những khoảng trống lớn. Nói cách khác, đó còn là những khiếm khuyết cần phải được khắc phục. Một trong số những khiếm khuyết ấy chính là việc nghiên cứu khảo cổ học lý thuyết. Từ trước tới nay, trong danh mục các đề tài nghiên cứu có lẽ chưa hề có một đề tài chính thức nào chuyên về khảo cổ học lý thuyết. Mới chỉ có một số bài viết hoặc một số đoạn tản mạn trong các bài viết có đề cập tới một vài khía cạnh nào đó của khảo cổ học lý thuyết.

Thật ra nghiên cứu thời đại đá rất cần có những hiểu biết sâu sắc về khảo cổ học lý thuyết, và cần phải phát triển bộ môn này. Vì không phát triển khảo cổ học lý thuyết, rất nhiều lý giải dễ trở nên một chiều. Và cũng chính vì vậy mà có rất ít khả năng đề xuất được những lý thuyết khảo cổ học có giá trị.

Vậy là ít nhất trong những năm tới, khảo cổ học thời đại đá Việt Nam phải tiếp bước trên con đường dài hun hút từ hậu kỳ đá cũ trở về sơ kỳ đá cũ. Áng sáng rực rỡ của phát hiện Núi Đọ đang nhạt nhòa dần, nhưng những đốm lửa mới đang le lói từ Đồi Thông, từ Tây Bắc, Việt Bắc và có lẽ cả vùng Đông Bắc xung quanh Tấn Mài nữa…những tia hy vọng ấy đang rất cần được nhen nhóm lên để nó cũng trở thành sáng láng như rất nhiều thành quả đã đạt được trong suốt cuộc hành trình đã qua.

Cuối cùng người viết thấy cần phải nói rằng đây không phải là một bảng tổng kết thành tựu 30 năm nghiên cứu thời đại đá. Nó cũng không phải là một phương hướng công tác cho tương lai. Nó chỉ là những nhận xét cá nhân của tác giả bài báo – giống như một người, trong hành trình của mình có lúc ngoái đầu nhìn lại đoạn đường đã qua để rồi bước tiếp trên chặng đường phía trước.

________________________________________

Nguồn: Hà Hữu Nga (1998). Nghiên cứu Thời đại Đá – Một hành trình đã qua và chặng đường phía trước. Khảo cổ học, số 3 năm 1998, tr. 30-35.

Tài liệu dẫn

Bùi Vinh, Nguyễn Cường (1997). Văn hóa Mai Pha sau khai quật ở Lạng Sơn. Khảo cổ học, số 2 năm 1997, tr. 40-54.

Hà Hữu Nga (1994). Văn hóa Bắc Sơn và vị trí của nó trong thời đại đá mới Việt Nam. Luận án Phó tiến sĩ Khoa học Lịch sử, Hà Nội.

Hà Văn Tấn (1984). Lớp dăm đá vôi ở Ngườm với khí hậu cuối Pleistocene ở Đông Nam Á. Trong Những phát hiện mới về khảo cổ học năm 1984. Hà Nội.                           

Hà Văn Tấn (chủ biên) (1990). Thời Tiền sử và Sơ sử, Lịch sử Thanh Hóa. Tập I, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội.

Hà Văn Tấn, Bùi Vinh, Võ Quý (1990). Dấu hiệu của một văn hóa khảo cổ học mới ở Hà Tuyên.  Khảo cổ học, số 1-2 năm 1990, tr. 34-38.

Hà Văn Tấn, Nguyễn Khắc Sử, Trình Năng Chung (bản thảo) (1998). Văn hóa Sơn Vi. (Sẽ xuất bản năm 1998).

Nguyễn Khắc Sử (1987). Kỹ thuật công cụ cuội Việt Nam và vị trí của nó trong thời đại đá Đông Nam Á. Khảo cổ học, số 2 năm 1987, tr. 9-21.

Quang Văn Cậy, Trình Năng Chung, Ngô Thế Phong, Bùi Văn Tiến (1981). Thần Sa – những di tích của con người thời đại đồ đá. Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam và Ty Văn hóa Thông tin Bắc Thái.

Trần Quốc Vượng (1986). Trong viễn cảnh sinh thái học. Văn hóa Hòa Bình – Văn hóa Thung lũng. Khảo cổ học, số 2 năm 1986, tr. 1-6.

Trương Hoàng Châu (1978). Góp bàn về di tích đá cũ Tấn Mài (Quảng Ninh). Trong Những phát hiện mới về khảo cổ học năm 1978. Hà Nội, tr. 35-37.                           

 

 

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét