David B. Allison
Người dịch: Hà Hữu Nga
Giờ đây là lúc bác bỏ huyền thoại cảm ứng và Wesenschau – trực giác về các bản chất và cấu trúc thiết yếu, được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, được coi là điểm danh dự... Nguyên ủy liệu tôi có phải là kẻ quyền năng chiêm nghiệm, một cái nhìn thuần khiết sắp xếp mọi thứ ở vị trí tạm thời và cục bộ của chúng cùng những tinh hoa trong một thiên đường vô hình; liệu tôi có phải là phổ nhận thức sẽ phải nảy sinh từ hư không?1
Tóm tắt - Tác giả xem lại phê phán của Derrida đối với hiện tượng luận Husserl, sao cho có thể chỉ ra được cách thức mà tính cố kết cấu trúc của nó phát sinh không phải quá nhiều từ việc quy giản thành một học thuyết cụ thể, mà là từ những đòi hỏi của một quan niệm nhất thể, đặc biệt là từ những đòi hỏi áp đặt bởi các quyết định nhận thức luận và siêu hình về hiện diện.
Thực tế là sự thật hiển nhiên khi nói rằng hầu hết các nhà bình luận về Husserl đều nhấn mạnh tính hệ thống nghiêm nhặt trong các công trình của ông. Bất chấp những sửa đổi mà những “khởi đầu mới” của ông liên tục đưa ra, hầu hết các nhà phê bình đều tìm cách giải thích sự phát triển hình thức mạch lạc trong các tác phẩm của Husserl bằng cách lôi cuốn vào chủ đề chính hoặc có vấn đề. Thông thường, mục đích của những nỗ lực này không phải chỉ để gợi lên một kiến tạo ẩn chứa của các khái niệm nhằm nhấn mạnh một trục khảo sát tạo sinh trong chủ đề rất đa dạng của các tư tưởng Husserl. Tuy nhiên, thông thường nhất, cách tiếp cận này dẫn đến việc nâng cao các học thuyết cụ thể, mà mỗi học thuyết đều có giá trị tùy theo sự quan tâm của các học giả tương ứng. Do đó, nhiệm vụ tư duy triết học thực sự của Husserl đã trở thành cái mà Eugen Fink gọi là một loạt các “triệu chứng”2, và công trình hoàn chỉnh được đánh giá theo cái gọi là “học thuyết” của Husserl vào thời điểm này. Hơn nữa, số lượng “ảnh hưởng” lịch sử mà tư tưởng của ông được cho là đã mắc nợ cũng được giả định là những tương quan lan truyền kiểu dịch bệnh. Do đó, sự tiếp cận phê phán đối với tư tưởng của Husserl tập trung vào các chủ đề hoặc học thuyết rõ ràng về nhận thức, bản ngã, liên chủ thể tính, bản thể luận, sự thành tạo, logic, quy giản, tính lý tưởng và hiện thân - chứ không phải để nói đến chủ nghĩa Cartesianism, chủ nghĩa kinh nghiệm của Husserl, hoặc việc ông mắc nợ đối với Frege và Wundt.
Tuy nhiên, với việc xuất bản cuốn Lời nói và Hiện tượng - La Voix et le phénomène3 của Jacques Derrida, học thuật Husserlian đã trải qua một đợt sửa đổi kịch tính.4 Trong đó và một số văn bản liên quan,5 Derrida lập luận rằng sự phát triển có hệ thống của hiện tượng luận Husserl đã được chứng minh tốt nhất không phải về một vấn đề cụ thể, mà bằng cách xem xét một định kiến nhất định – đó là giá trị nhận thức luận và siêu hình học hiện diện - một định kiến đã định hướng cho việc hình thành toàn bộ tác phẩm của Husserl.6 Derrida cho rằng lời giải thích của Husserl về ý thức, chủ thể tính, khách tính, cấu thành, bằng chứng và logic ngầm ẩn hoặc hiển lộ ồ ạt viện vào định kiến chưa được giải thích này.
Đối với Derrida, tính cố kết cấu trúc của hiện tượng luận Husserlian phát sinh không phải từ phép quy giản thành một “học thuyết” cụ thể, mà là từ những đòi hỏi của một quan niệm nhất thể, cụ thể là từ những đòi hỏi được áp đặt bởi các xác định nhận thức và siêu hình về sự hiện diện. Chính xác giá trị của sự hiện diện này bao gồm những gì, nó vận hành thế nào với tư cách một định kiến tiên đề trong hệ thống triết học của ông, và những hệ quả mà nó gây ra cho hiện tượng luận Husserlian là chủ đề phê phán chung của ông.
Derrida luận về ba khẳng định cơ bản trong Lời nói và Hiện tượng. Đầu tiên là hiện diện thời tính trên thực tế với vai trò là tiên đề cơ bản trong học thuyết về nghĩa của Husserl - như được nêu trong Khảo sát Logic của ông, “Khảo sát 1: Diễn đạt và Nghĩa.”7 Khẳng định thứ hai của Derrida là những phản ánh tiếp theo của Husserl về tính lý tưởng, ý thức, và khách tính liên tục viện vào những “khác biệt cơ bản” mà ông đã thiết lập để có ý nghĩa trong Khảo sát Logic Đầu tiên. Do đó, việc nhấn mạnh vào văn bản sớm mà là cần thiết đối với Derrida. Thứ ba, và tổng quát hơn, Derrida cho rằng tiên đề hiện diện bằng cách này hay cách khác đã xác định các giải thích khác nhau về bản thể, chân lý và ngôn ngữ, không chỉ đối với Husserl và hiện tượng luận, mà còn đối với truyền thống rộng lớn hơn của triết học phương Tây theo nghĩa đen của từ.
Khi chọn bắt đầu bằng việc phê phán về Khảo sát Logic, Derrida đã chọn những tác phẩm có lẽ là quan trọng nhất, nếu không muốn nói là có ảnh hưởng nhất về ngôn ngữ của Husserl. Cách diễn giải của Derrida gây ấn tượng mạnh vì ông tuyên bố rằng toàn bộ hiện tượng luận được ngụ ý trong sự phản ánh về ngôn ngữ, và cho rằng việc thảo luận về nghĩa, cách diễn đạt, ngữ pháp và logic - các chủ đề của các Khảo sát - sẽ dự báo và sau đó quyết định các vấn đề “siêu việt” sắp tới. Giá trị của việc tập trung phân tích ở đây là ở chỗ Husserl bắt đầu Khảo sát với một tập hợp “những khác biệt cơ bản”, một nhóm các khái niệm thao tác sẽ hướng dẫn suy nghĩ của ông một cách chặt chẽ và có hệ thống đến cùng.
Derrida nhấn mạnh tầm quan trọng của những “khác biệt cốt yếu” này, không chỉ vì chúng quy định tiến trình và nhất tính cấu trúc trong công trình của chính Husserl, mà còn bởi vì chúng lặp lại, một cách rõ ràng và hàm súc, chính những tiên đề của siêu hình học truyền thống. Tuy nhiên, đây chỉ là một giai đoạn của lập luận, vì ông không có ý miêu tả Husserl và hiện tượng luận chỉ như một ví dụ khác trong lịch sử siêu hình học. Derrida sẽ lập luận một cách dứt khoát hơn rằng tư tưởng của Husserl chính xác là hệ mẫu, trường hợp cao nhất và cuối cùng, của truyền thống này. Và cuối cùng thì những khẳng định và kỳ vọng của truyền thống này - những thông số của truyền thống này được thừa nhận là rất lớn – mới là cái mà Derrida muốn tranh cãi.
Derrida khẳng định rằng trong suốt các công trình của mình, Husserl liên tục viện dẫn những khái niệm thông thường nhất của siêu hình học phương Tây để làm nền tảng tiên đề cho hiện tượng luận, và điều này hiển nhiên từ “sự khác biệt bản chất” đầu tiên. Bằng thủ tục này, một quyết định nhất định được đưa ra để diễn giải ý thức về hiện hữu theo một cách cụ thể.8 Đối với Husserl và truyền thống, Derrida lập luận, ý thức về hiện hữu luôn được diễn giải là hiện diện, và cách diễn giải này giả định có hai hình thức: một cái gì đó tồn tại trong chừng mực nó tự thể hiện hoặc có khả năng tự thể hiện với một chủ thể - với tư cách là đối tượng hiện tại (ob-jectum) của một trực giác nhạy cảm, hoặc như một khách tính được thể hiện với tư tưởng. Thứ hai, chúng tôi nói rằng một chủ thể (sub-jectum), hay tự ngã nói chung, tồn tại chỉ trong chừng mực nó tự-hiện-diện, hiện diện với chính nó tức thời bằng một hành động có ý thức. Ý thức về khách thể đánh dấu việc diễn giải của hiện hữu là khách tính (ousia – chất thể, physis - vật chất, v.v.), ý thức về chủ thể là chủ thể tính (parousia – hiện diện, nous – trí tuệ, v.v.). Việc diễn giải hiện hữu là hiện diện và tự-hiện-diện9 kéo theo một loạt hệ quả triết học và các quan niệm đối lập vẫn tồn tại dai dẳng cho đến tận ngày nay, và không ở đâu những hệ quả này lại rõ ràng hơn trong tư tưởng của Husserl. Như một phần của dự án giải cấu trúc quan trọng của mình,10 Derrida thảo luận về sự phát sinh và nguồn gốc của loạt hệ quả này khi nó vận hành trong hiện tượng luận. Trong số nhiều đối lập khái niệm phải được tìm ra, có những đối lập về vật chất (hyle) và hình thức (loại hình, ý tưởng), thực thể và phi thực thể, thể xác và linh hồn, linh động và bất động, biểu đạt và được biểu đạt.11
Do đó, khác xa với tình trạng “phi tiền giả định”, việc diễn giải hiện hữu như là hiện diện sẽ cung cấp cho hiện tượng luận các khái niệm trục của nó. Nguyên tắc cao nhất của hiện tượng luận, bằng chứng hiển nhiên, chính xác là sự kêu gọi việc trình hiện hoặc sinh ra (e-videre) các đối tượng cho một trực giác tức thời và tự-hiện-diện. Quan niệm về ý thức siêu việt, cũng không có gì khác hơn là tự-hiện-diện tức thời của cuộc sống thức tỉnh này, lĩnh vực của cái nguyên ủy là “của riêng tôi”. Ngược lại, các khái niệm về thực nghiệm, thế gian, hữu hình, v.v., lại đối lập với lĩnh vực của cái tự tính tự-hiện-diện này. Chúng tạo thành phạm vi của tha tính, cái trung gian, cái khác với cuộc sống tự hiện tại có ý thức, v.v ... Tất cả những khái niệm này đều tìm thấy nhất tính có hệ thống của chúng trong tường trình của Husserl về ngôn ngữ.
Đối với Husserl, ngôn ngữ phục vụ cho tư tưởng khoa học và tìm ra mô hình của nó ở mức độ khách tính khoa học cao nhất, hình thức khẳng định logic. Và, chúng ta không nên quên, chính bằng ngôn ngữ mà những tuyên bố có nghĩa có thể được ghi lại và truyền đi; một thể học thuyết có thể được thiết lập và minh định; một cộng đồng các nhà khoa học có thể giao tiếp, và bản thân khoa học mới trở nên khả thể. Do đó, ngôn ngữ có nghĩa có các quy tắc và mục đích riêng của nó; nó là một “ngữ pháp logic thuần túy” và nó diễn đạt nghĩa ở hình thức khẳng định, tức là dưới dạng một tham chiếu khả thể đến một đối tượng. Đây là nơi Husserl tạo ra “sự khác biệt cơ bản” đầu tiên của Khảo sát Logic. Trong ngôn ngữ, có hai loại biểu nghĩa khác nhau: biểu thị và diễn đạt. Tuy nhiên, đối với Husserl, chỉ một trong hai – diễn đạt - là có nghĩa. Nói một cách chính xác, chỉ có diễn đạt mới mang nghĩa.
Điều quan trọng là phải hiểu tại sao Derrida nắm bắt được sự khác biệt này. Ngôn ngữ có nghĩa được giới hạn trong việc diễn đạt. Nhưng diễn đạt khác với biểu thị như thế nào? Husserl hiểu biểu thị là một chuyển động của sự kết hợp thực nghiệm. Một dấu hiệu có thể nhận thức được bằng giác quan đại diện cho một cái gì đó khác: một bày tỏ, lưu ý, một đối tượng làm cho chúng ta chuyển từ một cái gì đó hiện tại để suy nghĩ về một cái gì đó chỉ được dự báo hoặc mong đợi. Không có nội dung có nghĩa nào hiện diện trong biểu thị, chỉ có một biểu đạt trống và không có gì được biểu đạt. Điều đó vẫn chưa đến, nó vẫn chưa được trình hiện. Tuy nhiên, một diễn đạt mang theo một nội dung có nghĩa. Nghĩa hiện diện với tư cách là nội dung được biểu đạt của việc diễn đạt. Cái có lẽ xa vời hơn, nhưng đối với Husserl lại đảm bảo chính cái khả tính của ngôn ngữ có nghĩa, là nền tảng của nó dựa trên việc diễn giải về tồn tại với tư cách hiện diện. Derrida không chỉ lập luận rằng việc giải thích này về ngôn ngữ và nghĩa là không thể, mà còn mâu thuẫn về cơ bản, dựa trên khuôn khổ khái niệm của siêu hình học hiện diện.
Đối với Husserl, nội dung nghĩa của diễn đạt là lý tưởng. Một diễn đạt bao gồm chủ ý rõ ràng về nghĩa, “làm sống động” một cái biểu đạt không thể nhận thức được bằng giác quan, ví dụ: từ “tư tưởng” hoặc “được tưởng tượng”, chỉ là “hình thức” của dấu hiệu thực sự được nói ra hoặc viết ra. Khi làm sinh động cái biểu đạt hoàn toàn hình thức này, dấu hiệu trở nên có nghĩa, và nghĩa (Bedeutung) cuối cùng chính là nội dung của một diễn giải (Deutung), trong khi dấu hiệu hoặc cái biểu đạt nói chung luôn là dấu hiệu của hoặc cho một cái gì đó. Giờ đây, đối với Husserl, tất cả những yếu tố diễn đạt này đều không có thực bởi vì tất cả đều diễn ra bên trong tính tức thời của ý thức tự-hiện-diện, là cái mà trong Khảo sát Logic ông gọi là lĩnh vực “đời sống tinh thần đơn độc”, và cái mà sau này ông gọi là ý thức siêu việt.
Khó khăn trong quan niệm như vậy - và Husserl nhận ra điều này - là giao tiếp thực tế luôn bao gồm việc từ bỏ lĩnh vực đặc quyền này. Nó liên quan đến việc gia nhập một thế giới, vào một lĩnh vực của thực tế thực nghiệm. Vì lý do này, ông cho rằng diễn đạt nhất thiết phải “đan xen” với biểu thị trong mọi trường hợp giao tiếp hiệu quả. Tuy nhiên, Husserl phải bảo tồn sự phân biệt giữa hai loại dấu hiệu, nếu ông muốn giữ nguyên vị thế lý tưởng của nghĩa, thì khả tính có một nghĩa thuần túy hiện diện và hoàn thiện. Đến lượt mình, sự phân biệt nguyên ủy là có thể, chỉ khi diễn đạt có thể diễn ra một cách hiệu quả trong tính thuần khiết của “đời sống tinh thần đơn độc”. Khi đó, giao tiếp sẽ là tái-trình hiện những gì xảy ra nguyên thủy ở lĩnh vực bên trong này. Cái được gọi là “có nghĩa” trong giao tiếp chỉ đơn thuần được “biểu thị” bằng các dấu hiệu có thể nhận thức được bằng giác quan, bằng các dấu hiệu thực sự được nói hoặc viết ra. Vấn đề đối với Husserl nằm ở mối quan hệ giữa diễn đạt và biểu thị. Bản chất của sự “đan xen” này là gì? Nếu cần phải có diễn đạt thuần túy - và do đó, nghĩa thuần túy - thì nó phải diễn ra hoàn toàn trong phạm vi nội tại, độc lập với biểu thị: đó sẽ là một độc thoại “lặng im”.
Không thể có sự giao tiếp có nghĩa trong per se tự thân trường hợp như vậy, và theo giải thích của Husserl, giao tiếp sẽ phải trả giá bằng nghĩa. Nhưng nếu biểu thị không chỉ đơn thuần là “đan xen” với diễn đạt, nếu nó cho thấy là hoàn toàn cần thiết đối với chính khái niệm diễn đạt, thì khả tính ban đầu về sự phân biệt của chúng lại trở nên đáng ngờ. Và chính đó là sự khác biệt mà Derrida tranh cãi, cùng với các thuật ngữ mà nó dựa vào, tức là “đời sống tinh thần đơn độc” và ý nghĩa hoàn toàn lý tưởng, tự-hiện-diện.
Derrida lần đầu tiên dành một bài phê bình dài cho lời giải thích của Husserl về tính lý tưởng. Ông nhấn mạnh rằng một nghĩa lý tưởng không bao giờ bắt đầu với một trình hiện thuần túy; đúng hơn, nó đã là một tái trình hiện (Husserl sử dụng thuật ngữ Vorstellung) cho ý thức, nó là một sản phẩm được cấu thành từ một loạt hành vi riêng rẽ. Cái tạo dựng tính lý tưởng của nghĩa đối với Husserl là khả tính lặp đi lặp lại vô số lần của nó. Rõ ràng, điều này không bao giờ được hoàn thành; nếu nó hoàn thành thì đòi hỏi chúng ta phải biến mất với tư cách là các chủ thể hữu hạn. Trong mọi sự kiện, lý tưởng liên quan đến mối quan hệ đồng nhất tính giữa các hành vi, giữa một hành động hiện tại và một hành động nằm ngoài ý thức hiện tại. Hơn nữa, chính hình thức của cái biểu đạt, ranh giới cảm quan của một từ hoặc dấu hiệu, tự nó là một sản phẩm lịch sử được cấu thành. Cái biểu đạt không phải ngẫu nhiên cũng không phải đặc ngữ; nó luôn phản ánh một nguồn gốc và di sản ngôn ngữ nhất định. Ngoài ra, mỗi dịp sử dụng nó chỉ trình hiện (Repräsentation) một trường hợp trong số nhiều cách sử dụng khả thể của nó; mỗi lần sử dụng lặp lại một cách chọn lọc một quy ước tồn tại trước đó.
Và cuối cùng, điều gì thực sự xảy ra trong “độc thoại nội tâm”, trong cách diễn đạt “đời sống tinh thần đơn độc” này? Cách diễn đạt không phải là một giao tiếp, vì không có gì để giao tiếp: nghĩa chính là tức thời tự-hiện-diện với chủ thể nên không cần phải giao tiếp. Đây là kiểu diễn đạt gì nếu không cần giao tiếp bất cứ điều gì với bất cứ ai? Husserl nói rằng cách diễn đạt thuần túy này diễn ra hoàn toàn trong trí tưởng tượng. Khi đó, độc thoại nội tâm là một kiểu trình hiện hình ảnh tưởng tượng (Phantasievorstellung, Vergegenwärtigung). Nhưng Derrida nhắc chúng ta rằng, đối với Husserl, trí tưởng tượng không bao giờ có thể hoàn toàn là “trung lập”; nó luôn luôn là sự sửa đổi của một kinh nghiệm tiền lệ, và đặc tính vị trí của nó luôn chứng tỏ nguồn gốc trong hiện thực kinh nghiệm.12 Cho dù nó có được sửa đổi như thế nào đi nữa, thì hiện thực vẫn được trình hiện trong tưởng tượng. Trí tưởng tượng, và do đó, độc thoại biểu cảm, chứa đầy toàn bộ các yếu tố mà Husserl tìm cách loại trừ khỏi nó, toàn bộ những tham chiếu kinh nghiệm gia nhập vào dưới các tiêu đề lặp lại và trình hiện khác nhau. Vậy thì ngay từ đầu, ngôn ngữ phải là thế này: một cấu trúc lặp lại và trình hiện. Không thể có nơi ẩn náu từ sự xác định thực nghiệm trong một cấu trúc như vậy.
Phê phán của Derrida dẫn đến hai hệ quả đối với lý thuyết ngôn ngữ của Husserl: không thể có nghĩa thuần túy “lý tưởng”, không có sự hiện diện thuần túy của tính lý tưởng, vì tại mọi thời điểm, tính lý tưởng sẽ phải phụ thuộc vào chính những gì không hiện diện, những gì chỉ lặp lại và trình hiện bằng một hiện diện khác. Cũng không thể có phạm vi tự-hiện-diện thuần túy, vì trong hành động biểu đạt đơn giản nhất, thì “đời sống tinh thần đơn độc” cũng sẽ đổ vỡ bởi tất cả những gì nằm ngoài nó, cụ thể là thế giới. Một khi điều này xảy ra, thì phân biệt giữa biểu thị và diễn đạt không thể duy trì. Không có hiện diện của tự-hiện-diện để có được nghĩa, chỉ có một chuỗi âm vang vô tận. Bản thân những gì tự “thể hiện” trong ngôn ngữ chính là trình hiện của không hiện diện, điều mà Derrida gọi là “tha tính”, “khác biệt” hay “cải tính.”13
Derrida cho rằng sự phân biệt giữa biểu thị và diễn đạt có vẻ còn đáng ngờ, một khi chức năng quan trọng của trình hiện và lặp lại được làm rõ. Nhưng khi thực hiện nhiệm vụ quan trọng giải cấu trúc, Derrida cho thấy toàn bộ lý thuyết về ngôn ngữ của Husserl bị phá hoại như thế nào bởi một vấn đề vẫn cơ bản hơn - vấn đề dẫn trở lại hình thức hiện tượng luận của tự thân trải nghiệm - vấn đề thời gian. Husserl tuyên bố không cần giao tiếp trong “độc thoại nội tâm” bởi vì, trong số các lý do khác, nó diễn ra “tức thì”, trong “chớp mắt”. Theo cách giải thích này, nghĩa sẽ tức thời hiện diện trong thời điểm y hệt. Sẽ không cần phải dàn xếp trình hiện của nó bằng các dấu hiệu biểu thị. Sẽ không có tình trạng trương phồng thời tính trong quá trình này bởi vì cái biểu đạt và cái được biểu đạt được thống nhất trong tức thời “lúc này”.
Tuy nhiên, theo các tiền đề riêng của Husserl, lập luận như vậy phải thất bại. Lý thuyết về thời gian của ông tuyên bố dựa vào bất kỳ thời khắc “điểm biệt lập” nào, vì thời gian là một “phân đoạn”, một vận động liên tục của các dấu vết lưu lại (Retention) và dự kiến thời khắc tiếp theo (Protention). Trong Hiện tượng luận Ý thức-Thời gian Nội tại,14 Husserl lập luận rằng hiện tại nhất thiết phải bao gồm các giai đoạn của quá khứ và tương lai dưới tiêu đề là lưu lại và dự kiến thời khắc tiếp theo. Quan niệm này về thời gian phủ nhận khả tính về một “khoảng khắc” biệt lập thời tính hoặc “tức thời”. Chính sự hiện diện của hiện tại được quy định bởi những gì vắng mặt hoặc chưa được nhận ra. Không phải là điểm gốc của cấu thành, “hiện tại” tự nó được cấu thành, được tạo ra và xuất phát từ một nguồn nguyên thủy hơn của không hiện diện. Một lần nữa, Derrida không tìm thấy arche cội nguồn của hiện diện hay tự-hiện-diện. Những gì ông thực sự tìm thấy là một trò chơi vô căn cứ của các khác biệt phản ánh “bên ngoài và vượt khỏi” quá khứ và tương lai.15
Derrida viện dẫn tường trình về thời tính trên không chỉ để giải thích tính không nhất quán trong tư tưởng của chính Husserl, mà còn để thể hiện một điều gì đó quan trọng hơn nhiều. Trong Khảo sát Logic và ở các công trình khác, chính khái niệm cuộc sống đã được hiểu là tự- hiện-diện tức thời, cũng như “hiện diện sống động” của tư tưởng tự-ý-thức. Tầm quan trọng lịch sử của khái niệm này không thể bị phóng đại lên; nó đặc trưng cho tư tưởng chủ thể tính hiện đại kể từ thời Descartes. Tuy nhiên, Husserl ngày càng nghi ngờ quan điểm này, như có thể thấy trong các lập luận của ông chống lại Brentano trong Hiện tượng học Ý thức Thời gian Nội tại, chống lại Hume trong Triết học Đầu tiên - Erste Philosophie,16 và xuyên suốt tất cả các công trình sau này của ông, cho đến và bao gồm cả Nguồn gốc của Hình học. Ông nhận ra rằng nếu cái hiện tại “bây giờ” được quan niệm là một thời điểm, thì không thể có sự tường trình chặt chẽ về kinh nghiệm theo đúng nghĩa. Người ta sẽ kết thúc một cách nghịch lý bằng việc phủ nhận tính đồng nhất của trải nghiệm của chính ai đó, bản ngã của chính ái đó, như Hume đã làm. Không thể là tự-quan-hệ trong trường hợp như vậy, và nói tóm lại, có thể là không phải cuộc sống, được hiểu là chủ thể tính tuyệt đối.
Derrida kết luận rằng toàn bộ vấn đề và lịch sử của ngôn ngữ phải được suy nghĩ lại hoàn toàn. Thay vì cố gắng nắm bắt và duy trì một hiện diện thuần túy, ngay từ đầu chúng ta phải quan niệm biểu nghĩa (signification) như một vận động rời xa tự-hiện-diện, một vận động rời xa hiện diện thuần túy của một nguồn gốc rời rạc và hiện diện lý tưởng của một nội dung nghĩa giống hệt nhau.17 Với tư cách là một vận động khác biệt, biểu nghĩa có trước và làm phát sinh chính các khái niệm tự ngã, hiện diện và nghĩa. Việc giải thích đúng đắn về biểu nghĩa không bắt đầu với nội dung nghĩa hiện tại và đã hoàn thành, mà với ý nghĩa vẫn phải được tập hợp và xây dựng trong suốt lộ trình quy ước và thực tiễn. Theo công trình của Ferdinand de Saussure, Derrida khẳng định rằng nghĩa ngôn ngữ không phải là sản phẩm của một chủ ý nghĩa rõ ràng vì nó là cấu hình võ đoán của sự khác biệt giữa các dấu hiệu. Nghĩa bắt nguồn từ khoảng cách mở rộng giữa một dấu hiệu cụ thể và hệ thống các dấu hiệu khác trong sử dụng ngôn ngữ. Đó là đặc điểm khác biệt của các dấu hiệu trước tiên phải được tính đến, và điều này là kết quả của các quy ước tồn tại trong ngôn ngữ - nó không phải là vấn đề các chủ ý về nghĩa bất ngờ xảy ra từ không có gì. Không có ý nghĩa, không có nội dung được biểu đạt, vượt lên và không có trong trò chơi của các khác biệt này. Nghĩa cũng không thể chịu đựng được sự chuyển dịch liên tục của các khác biệt, sự liên tục lắng đọng của các dấu vết, như một tính đồng nhất lý tưởng nào đó. Đối với Derrida, chỉ có một sự tương tự hoặc giống hệt về nghĩa, được cấu thành trong suốt lịch sử sử dụng luôn thay đổi. Do đó, khách tính tuyệt đối không bao giờ có thể được khẳng định về nghĩa (nhưng đối với Husserl, mức độ khách tính cao nhất là tính lý tưởng tuyệt đối: tính đồng nhất hoàn hảo của một nghĩa toàn thời).18
Điều nổi bật trong khẳng định của Derrida là sự phản đối rằng nghĩa ngôn ngữ không bao giờ có thể hoàn toàn hiện diện, dù là tự thân nó hay là nội dung của ý thức. Không bao giờ có thể có một nội dung được biểu đạt tuyệt đối, một nghĩa hoàn toàn giống hệt nhau hoặc đơn nhất trong ngôn ngữ.19 Tất cả những giá trị này bị phủ nhận về nghĩa một khi chúng ta thừa nhận sự phụ thuộc của nó vào các yếu tố không hiện diện. Nghĩa không bao giờ có thể bị cô lập hoặc trừu tượng khỏi ngữ cảnh của nó, chẳng hạn như ngữ cảnh ngôn ngữ, ký hiệu học hoặc lịch sử của nó. Mỗi ngữ cảnh như vậy tự nó là một hệ quy chiếu, một hệ thống các cái biểu đạt, mà chức năng và hiện thực của chúng vượt ra ngoài hiện tại. Vì vậy, những gì được biểu đạt trong hiện tại nhất thiết phải đề cập đến hệ thống các cái biểu đạt phân biệt và không hiện diện trong chính ý nghĩa của nó. Chúng ta chỉ có thể tập hợp và gợi lại những dấu vết của những gì đã đi trước: chúng ta đứng bên trong ngôn ngữ chứ không phải bên ngoài nó.
Bắt đầu với phép ẩn dụ về “hiện diện”, triết học đã tạo ra một hệ thống các khái niệm mà tầm quan trọng của chúng về cơ bản có thể được coi là thần học, cái mà Heidegger đã gọi là truyền thống “thần-học-hữu-thể.”20 Hữu thể luận và thần học về cơ bản thống nhất trong chúng sự kiên định dựa trên một căn nguyên chung và các giải thích phổ quát về hiện hữu, nguyên nhân đầu tiên và lý do cuối cùng của sự vật. Đối với truyền thống siêu hình học phương Tây, nhất tính này luôn được khẳng định dưới tiêu đề của một thực tại tuyệt đối và phi kinh nghiệm, một hiện hữu hay nguyên lý siêu việt có lẽ nằm đối diện với trật tự kinh nghiệm nhờ vai trò của nó như là nguyên nhân và hình thức, arche nguồn gốc hay telos mục đích. Những gì theo truyền thống được coi là dành cho thế giới với trật tự và thực chất cuối cùng là một cái gì đó siêu việt hơn so với trật tự đó: Thần thánh, Nhất tính, nguyên tắc khả tri, vô điều kiện.
Giờ đây, chính loại vị thế thần học này mà khái niệm nghĩa - được diễn giải là tính lý tưởng hay đồng nhất tuyệt đối - đã được hưởng ứng trong lịch sử tư tưởng phương Tây, và đặc biệt khi cách giải thích chuyển sang các vấn đề về tri thức và biểu nghĩa. Bất chấp tính không thuần khiết của ngôn ngữ và giao tiếp, khả tính về một nghĩa lý tưởng và giống hệt nhau vẫn luôn được diễn ra, cho dù dưới dạng “hình thức” thuần túy, “eidos” bản chất, “ý tưởng”, “lý tưởng” hay như một chỉ vật tuyệt đối dưới dạng một nội dung lý tưởng về biểu nghĩa, cái mà Derrida gọi là “cái được biểu đạt siêu việt.”21 Vì vậy, đối với Husserl, cái “không thuần khiết” trong ngôn ngữ chỉ là tính từ của khía cạnh “giác quan hay nói cách khác về cơ thể”, tức là cụm từ được thốt ra thực tế, phức hợp thực sự được viết ra. “Tính thuần khiết” của ngôn ngữ, chính cái khả tính của ngôn ngữ có nghĩa, nằm ngoài phạm vi này trong phạm vi nghĩa phi kinh nghiệm hoặc lý tưởng, trong những gì có thể hoàn toàn là “có nghĩa” hoặc “có ý định” của ngôn ngữ, trong những gì có thể được “diễn đạt” bằng ngôn ngữ.22 Nhưng suy tư của Derrida dẫn chúng ta đến kết luận rằng những khác biệt này không còn có thể được khẳng định đối với ngôn ngữ vì lý do chính xác là không thể có diễn đạt mà không có biểu thị, không có cái được biểu đạt mà không có cái biểu đạt, không có nghĩa hoặc ý nghĩa mà không có cái phức tạp được thực sự cấu thành của những cái biểu đạt. Việc kết luận rằng diễn đạt không bao giờ có thể bị “quy giản” thành một cốt lõi nghĩa hoàn toàn khách quan, việc kết luận rằng bản thân nghĩa không còn có thể được hình dung như một hiện diện hoàn toàn lý tưởng, đối với Derrida cũng là kết luận rằng một giai đoạn nhất định của tư tưởng siêu hình đã đến lúc kết thúc.
______________________________________
Nguồn: Allison, David B. (2005). Derrida’s Critique of Husserl and the Philosophy of Presence, Veritas (Porto Alegre) v. 50 n. 1 Março 2005 p. 89-99.
Ghi chú
1. Maurice Merleau-Ponty, Le Visible et l’invisible (Paris: Editions Gallimard, 1964), Eng. tr., Alphonso Lingis, The Visible and the Invisible (Evanston: Northwestern University Press, 1968). pp. 113-116.
2. Eugen Fink, “Les Concepts opératoires dans la phénoménologie de Husserl,” in HUSSERL: Les cahiers de Royaumont, Philosophie No. III, ed. M.-A. Bera (Paris: Éditions de Minuit, 1959), p. 214.
3. Jacques Derrida, La Voix et le phénomène (Paris: Presses Universitaires de France, 1967), Eng. tr., David B. Allison, Speech and Phenomena (Evanston: Northwestern University Press, 1973).
4. The response was immediate. See. e.g., Emmanuel Levinas, “Tout Autrement,” in L’Arc: Jacques Derrida, No. 54 (1973), pp. 33-37, Gérard Granel, “Jacques Derrida et la rature de l’origine,” in Critique, Vol. XXII, No. 246 (Nov., 1967), pp. 887-905, Jean Catesson, “A propos d’une pensée de l’intervalle,” in Revue de la Métaphysique et de la Morale, No. 1 (1969), pp. 74-90, and Maurice Corvez, “les nouveaux structuralistes,” in Revue Philosophique de Louvain, Vol. 67 (Series III), No. 96 (Nov., 1969), pp. 582-605.
5. See. esp., Jacques Derrida, Introduction to the French edition of Edmund Husserl, L’Origine de la Géométrie (Paris: Presses Universitaires de France, 1962), pp. 3-171; Eng tr., John P. Leavey, Edmuund Husserl’s The Origin of Geometry: An Introduction (Stony Brook: Nicholas Hays, Ltd., 1978), pp. 23-153. Also, Jacques Derrida, De la Grammatologie (Paris: Ed. de Minuit, 1967), Eng. tr., Gayatri Chakravorty Spivak, Of Grammatology (Baltimore: The Johns Hopkins University Press, 1974), and Jacques Derrida, L’Ecriture et la différence (Paris: Éditions du Seuil, 1967), Eng. tr., Alan Bass, Writing and Difference (Chicago: The University of Chicago Press, 1978).
6. Merleau-Ponty had earlier made an extended criticism of the role presence played in Husserl’s thought; especially in The Visible and the Invisible. See particularly, Ch. 3, “Interrogation and Intuition,” pp. 105-129.
7. Edmund Husserl, Logische Untersuchungen, 1st ed., 2 Vols. (Halle: Max Niemeyer, 1900; 2nd ed., 1913). Eng. tr., J.N. Findlay, Logical Investigations, 2 Vols. (New York: Humanities Press, 1970).
8. Derrida follows Heidegger’s distinction between (a) the sense of Being, (b) the word Being, and (c) the concept of Being. For Heidegger’s discussion of this, see Martin Heidegger, Sein und Zeit, 12th ed. (Tübingen: Max Niemeyer, 1972), English translation, John Macquarrie and Edward Robinson, Being and Time (New York: Harper & Row, 1972), pp. 19-31.
9. Điều này không có nghĩa là Husserl hay các nhà tư tưởng hiện tượng luận nói chung nhầm lẫn sự khác biệt giữa hiện diện và tự-hiện-diện. Đây có lẽ là sự phân tách cơ bản nhất trong văn bản của Heidegger, Khái niệm Kinh nghiệm của Hegel. Đối với Aristotle, “Có một khoa học (episteme) đưa ra lý thuyết (theorein) về sự tồn tại (on) và “hiện hữu” có nghĩa là gì, được hiểu bởi chính nó (auto) (Metaphysics, 1003a21ff., Eng. Tr., Richard Hope, New York, Columbia University Press, 1952). Theo từ nguyên của Heidegger và cách diễn giải các thuật ngữ Hy Lạp liên quan, cùng một đoạn văn đó, cùng với phần chú giải ngắn gọn sau đây: “Triết học” xem xét những gì hiện diện trong chừng mực nó hiện diện và do đó (xem xét) những gì đã thịnh hành trong nó từ chính nó.”... “Triết học suy ngẫm về những gì hiện diện, trong sự hiện diện của nó. Sự chiêm nghiệm liên quan đến những gì hiện diện, và cố gắng chỉ quan tâm đến nó theo đúng nghĩa”. Sau đó, Heidegger đối sánh đánh giá cao của Hegel đối với thời kỳ hiện đại của chủ thể tính, tức là parousia hiện diện. Ông trích dẫn Hegel (WW,XV,p. 328): “Chỉ bây giờ chúng ta mới thực sự đạt đến triết học của thế giới hiện đại, và chúng ta bắt đầu với Descartes. Với ông, chúng ta thực sự gia nhập vào một sản phẩm độc lập của lý tính, và ý thức về tự ngã, tự-ý-thức, là một khoảnh khắc thiết yếu của chân lý. Ở đây, chúng ta có thể nói, chúng ta đang ở nhà; ở đây, giống như người thủy thủ khi kết thúc chuyến đi dài trên vùng biển bão tố, chúng ta có thể kêu lên ‘Đất liền!’ ... Trong giai đoạn mới này, nguyên tắc là tư duy, tư duy tiến hành từ chính nó.” Heidegger bổ sung thêm nhận xét sau: “Tư duy tìm kiếm fundamentum absolutum cái tuyệt đối cơ bản của nó trong sự chắc chắn không thể lay chuyển của chính nó về những gì nó đã nghĩ. Mảnh đất mà trong đó từ đấy triết học đã tự biến nó trở thành bản quán chính là sự tự tin vô điều kiện của tri thức”. (Hegel’s Concept of Experience - Khái niệm Kinh nghiệm của Hegel, Eng. Tr., Kenley Royce Dove, New York: Harper & Row, 1970, tr. 27-28.)
10. Thuật ngữ “giải cấu trúc” (déconstruction) biểu đạt một dự án tư tưởng phê phán có nhiệm vụ định vị, trình bày rõ ràng và “loại bỏ” những khái niệm đóng vai trò là tiên đề hoặc quy tắc cho một giai đoạn tư duy, những khái niệm đó điều khiển việc mở ra cả một kỷ nguyên siêu hình học. “Giải cấu trúc” có phần ít tiêu cực hơn so với thuật ngữ “phá hủy” Heideggerian hoặc “đảo ngược” Nietzschean. Nó gợi ý rằng một số khái niệm nền tảng nhất định của siêu hình học sẽ không bao giờ bị loại bỏ hoàn toàn, ngay cả khi tầm quan trọng của chúng dường như bị giảm đi một cách thực sự. Không có sự “vượt qua” đơn giản của siêu hình học hay ngôn ngữ của siêu hình học. Trả lời câu hỏi do Jan Kott đặt ra, Derrida nhận xét: “Ở đây hay ở chỗ khác, tôi đã dùng từ déconstruction – giải cấu trúc, không liên quan gì đến hủy diệt. Điều đó có nghĩa là, nó chỉ đơn giản là vấn đề (và đây là điều cần thiết của phê bình theo nghĩa cổ điển của từ này) phải tỉnh táo trước những hàm ý, trước sự lắng đọng lịch sử của thứ ngôn ngữ mà chúng ta sử dụng - và đó không phải là hủy diệt.” Thảo luận này xuất hiện trong Ngôn ngữ Phê bình và Khoa học về Con người: Tranh cãi Cấu trúc luận, - The Languages of Criticism and the Sciences of Man: the Structuralist Controversy, ed. Richard Macksey and Eugenio Donato (Baltimore: The Johns Hopkins University Press, 1970), p. 271. Tuy nhiên, Derrida công nhận rằng hệ thống tư tưởng phương Tây là hữu hạn. Nó có một số hữu hạn các tiên đề và một số hữu hạn các hoán vị sẽ tiếp tục tự hoạt động trong một khoảng thời gian nhất định như là những khoảnh khắc cụ thể trong truyền thống này, ví dụ như các trường phái cụ thể hoặc các trào lưu triết học. Theo nghĩa này, Derrida cũng nói về sự “hoàn thành” của siêu hình học, điểm cuối cùng “khép lại” (clôture) đối với hệ thống; xem Of Grammatology, op. cit., pp. 4-5. Nhưng công việc giải cấu trúc không chỉ bao gồm việc chỉ ra các giới hạn cấu trúc của siêu hình học. Thay vào đó, trong việc phá vỡ và tháo gỡ nền tảng của truyền thống này, nhiệm vụ của nó là vừa thể hiện nguồn gốc của nghịch lý và mâu thuẫn bên trong hệ thống, bên trong bản thân các tiên đề, vừa đặt ra các khả tính cho một loại suy tư mới, một loại suy tư không còn được đặt trên siêu hình học hiện diện. Xem thêm, Philipe Boyer, “Déconstruction: le désire à la lettre,” trong Change: la destruction, Vol. I, no. 2 (1969), pp. 127-148.
11. Here Derrida very closely follows the remarks made by Nietzsche, in his work of 1886, Beyond Good and Evil, especially in Part One, “On the Prejudices of Philosophers,” and strikingly so in paragraph 20 of Part One. For an account of Nietzsche’s analysis of these issues, see David B. Allison, Reading the New Nietzsche (Lanham: Rowman & Littlefield, 2001), pp. 82-83.
12. Speech and Phenomena, op. cit., p. 55.
13. Chủ đề về sự khác biệt xuất hiện dưới nhiều hình thức xuyên suốt bài phê phán sâu rộng của Derrida về Husserl. Ông lập luận rằng Husserl đã quá thiếu chú ý đến giá trị cấu thành của sự khác biệt, tức là của các phi đồng nhất không gian, thời gian, cá nhân và logic. Rõ ràng nhất, Derrida tập trung vào các vấn đề được nêu ra bởi sự khác biệt liên quan đến sự phân biệt của Husserl giữa bên trong và bên ngoài - siêu việt và kinh nghiệm - cũng như vai trò của sự lặp lại và trình hiện trong cấu thành của các khách tính ngôn ngữ học và lý tưởng, và có lẽ đáng chú ý nhất là các vấn đề được đưa ra do sự khác biệt trong hiểu biết của Husserl về thời tính. Derrida tiếp tục thảo luận về khái niệm khác biệt vì nó liên quan đến các lĩnh vực ký hiệu học, nhận thức luận và hữu thể luận, trong số những lĩnh vực khác. Mỗi cách sử dụng này đều tìm thấy nguồn gốc của nó trong chuyển động nguyên thủy hơn của cái mà Derrida gọi là “differance” (với âm vị a). Derrida tạo ra từ mới này từ một từ tiếng Pháp “différence”. Như trong tiếng Latinh “differre”, từ “différer” trong tiếng Pháp mang hai biểu nghĩa khá khác biệt. Người ta có tham chiếu đến không gian tính, như động từ tiếng Anh “to differ” - là khác với, không giống, khác biệt, không giống nhau, khác biệt về bản chất hoặc chất lượng với một cái gì đó. Điều này thậm chí còn rõ ràng hơn trong hình thức từ cùng gốc của nó, “to differentiate” phân biệt. Biểu nghĩa khác có liên quan đến thời gian tính, như “to defer” trong tiếng Anh - tạm dừng hành động đến một thời điểm trong tương lai, trì hoãn hoặc hoãn lại. Trong khi Derrida giải thích ngắn gọn thuật ngữ này trong đoạn đầu tiên thuộc Chương 7 của Speech and Phenomena - Lời nói và Hiện tượng, ông đã dành một bài viết có độ dài đáng kể và tầm quan trọng nào đó về nó sau này, được đưa vào phụ lục cho bản dịch Tiếng Anh của Lời nói và Hiện tượng, pp. 129-60.
14. Edmund Husserl, Vorlesungen zur Phanomenologie des inneren Zeitbewusstseins, ed. Martin Heidegger (Halle: Niemeyer, 1929). The Phenomenology of Internal Time-Consciousness, Eng. tr., James S. Churchill (Bloomington: The Indiana University Press, 1964).
15. Speech and Phenomena, esp. pp. 82-87
16. Edmund Husserl, ERSTE PHILOSOPHIE (1923-24), Erster Teil: Kritische Ideengeschichte, ed. Rudolf Boehm (The Hague: Martinus Nijhoff, 1956). This is to be found in Vol. VII of Husserliana, Gesammelte Werke.
17. Derrida calls such a move, “decentering.” See Jacques Derrida, “Structure, Sign, and Play in the Discourses of the Human Sciences,” in The language of Criticism and the Sciences of Man, op. cit., pp. 247-72. This is also to be found in Writing and Difference, op. cit., pp. 278-93.
18. Derrida presents a clear account of this in his essay, “White Mythololgy: Metaphor in the Text of Philosophy,” in Margins of Philosophy (Chicago: The University of Chicago Press, 1982), pp. 207-71. The argument draws extensively on Nietzsche’s early essay of 1873, “On Truth and Lie in a Nonmoral Sense.” See Friedrich Nietzsche, Philosophy and Truth: Selections from Nietzsche’s Notebooks of the Early 1870’s, Eng. tr. and ed., Daniel Breazeale (Atlantic Highlands: Humanities Press, 1979), pp. 79-97.
19. Do đó, lập luận của Derrida phủ nhận một trong những luận điểm chính của Husserl trong Khảo sát Logic (cũng như trong Logic Hình thức và Siêu việt và Nguồn gốc Hình học), tức là, một lý thuyết phê bình về ngôn ngữ có thể cố định các nghĩa lý tưởng và giống hệt nhau làm nền tảng để khảo sát khoa học nghiêm nhặt. Giống như Wittgenstein với Khảo sát Triết học và Ghi chú, Derrida lập luận mạnh mẽ chống lại khả tính đơn nghĩa, một nghĩa có thể cam chịu sự “những biến đổi nghĩa” liên tục và nổi lên như một tượng đài vĩnh viễn về tính khả tri phi-ngữ-cảnh. Đối với Derrida, nghĩa về cơ bản là “chuyển vị”, “chuyển giao”, “ẩn dụ”, “giải trung tâm”, v.v., và nó luôn phụ thuộc vào một vũ trụ ngữ nghĩa đã định trước.
20. For an account of this, see especially Martin Heidegger, “Die Onto-Theo-Logische Verfassung der Metaphysik,” in Identität und Differenz (Pfullingen: Neske, 1957), Eng. tr., Joan Stambaugh, Identity and Difference (New York: Harper & Row, 1969), pp. 42-76.
21. See Jacques Derrida, “Sémiologie et grammatologie: entretien avec Julia Kristeva,” in Positions (Paris: Ed. de Minuit, 1972), pp. 25-50. Eng. tr., Alan Bass, Positions (Chicago: The University of Chicago Press, 1972), pp. 14-36. See also, Jacques Derrida, “Linguistics and Grammatology,” in Of Grammatology, Part I, ch. 3, pp. 27-73.
22. Để bảo vệ hiện diện thuần túy của cả đời sống tinh thần đơn độc và ý nghĩa được biểu đạt, cần phải có một “phương tiện” biểu nghĩa không bị cản trở bởi mọi sự chống đối theo kinh nghiệm: cần có một “yếu tố” biểu nghĩa hoàn toàn phi kinh nghiệm. Derrida chứng minh rằng, đối với Husserl, “phương tiện” hay “yếu tố” này là giọng nói (và dù im lặng đến đâu thì độc thoại nội tâm này vẫn được “nói ra”), và điều này vì hai lý do: (1) giọng nói là phương tiện biểu nghĩa “lý tưởng” nhất ở chỗ nó xuất hiện hoàn toàn không có bất kỳ thực thể kinh nghiệm nào. (2) Chỉ trong lời nói, thì cái biểu đạt dường như mới thực sự được “quy giản” hoàn toàn thành nội dung được biểu đạt của nó. Từ được nói xuất hiện như một phương tiện trong suốt và minh bạch một cách kỳ lạ đối với nghĩa. Bởi vì nó làm sinh động cái biểu đạt thuần túy hình thức (“đường viền cảm giác” của âm vị - không phải bản thân phức hợp âm thanh thực sự được thốt ra), lời nói im lặng được coi là một hiện tượng thuần túy - điều mà Derrida gọi là “giọng nói hiện tượng luận”. Tầm quan trọng của giọng nói không phải ngẫu nhiên đối với Husserl: ngầm ẩn hay hiển minh, phương tiện âm thanh luôn vận hành như một hình thức biểu nghĩa cao nhất, thuần khiết nhất. Tính ưu việt của nó cũng là tính ưu viết của lý tính và tư tưởng. Tội đồng lõa này vận hành như thế nào đối với Husserl và truyền thống là một trong những chủ đề chính của bài phê bình tổng quát của Derrida. Tuy nhiên, đối với Derrida, tính ưu việt của lời nói - cuối cùng là tính ưu việt của hiện diện - là ảo tưởng: nó có vẻ là chính yếu vì nó diễn ra “ngay lập tức”, trong sự vắng mặt rõ ràng của thế giới. Nhưng trong thực tế, lời nói chỉ khả thể bởi vì một loại “chữ viết” nhất định có trước nó: cụ thể là sự khắc ghi vô hình và vô thức của các dấu vết biểu nghĩa, vận động phi hiện diện và mang tính tạo sinh của differance tạo nên bản thân hệ thống ngôn ngữ. Và chính xác ở ghi chú này, Derrida kết thúc bài luận của mình, Linguistique et grammatologie: [Việc] tham chiếu nghĩa của một cái biểu đạt có thể suy nghĩ và có thể xảy ra bên ngoài tất cả những cái biểu đạt vẫn phụ thuộc vào thuyết mục-đích-luận-thần-học-hữu-thể mà tôi vừa nêu ra. Do đó, ý tưởng về dấu hiệu phải được giải cấu trúc thông qua việc suy ngẫm về viết, nó sẽ hợp nhất, như nó phải vậy, với việc tháo dỡ [sollicitation – nài xin, khêu gơi] cái thần-học-hữu-thể, lặp lại một cách trung thực về tổng thể tính của nó và làm cho nó không an toàn trong các bằng chứng đảm bảo nhất. Người ta nhất thiết phải được dẫn đến điều này ngay từ lúc dấu vết ảnh hưởng đến tổng thể tính của dấu hiệu trên cả hai mặt của nó. Điều mà cái được biểu đạt nguyên gốc và về cơ bản là ... dấu vết, điều mà nó đã luôn luôn ở vị trí của cái biểu đạt, là một mệnh đề rõ ràng vô tội bên trong cái mà siêu hình học của ngôn trí (logos), của hiện diện và ý thức, phải phản ánh về việc viết như là cái chết của nó và nguồn lực của nó ”(Of Grammatology, p. 73).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét