Powered By Blogger

Thứ Hai, 21 tháng 10, 2013

Nguồn gốc danh xưng Phật Hoàng Trần Nhân Tông



Nguồn gốc danh xưng Phật Hoàng Trần Nhân Tông

Người tìm đọc, dịch: Hà Hữu Nga 

Lâu nay, danh xưng Phật hoàng dùng cho Trần Nhân Tông vẫn gây nhiều tranh cãi. Cho đến bây giờ tôi chưa được biết ai khác sớm hơn Tể tướng Trần Khắc Chung (陳克終 ? –1330), đã sử dụng hai chữ Phật hoàng để chỉ Trần Nhân Tông trong lời bạt cho Bộ sách Thượng sĩ Ngữ lục của Tuệ Trung Thượng sĩ.

Trần Khắc Chung tên thật là Đỗ Khắc Chung, người ở làng Cam Lộ, huyện Giáp Sơn, tỉnh Hải Dương, người em trai Đỗ Thiên Hư cũng là một nhân vật nổi tiếng thời ấy, từng được cử làm Sứ thần sang nhà Nguyên năm 1288. Nhờ những công trạng to lớn trong hai cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ hai 1285 và lần thứ ba 1288 mà tháng 4 năm 1289 Khắc Chung được nhà Trần ban quốc tính.  Năm 1280, ông được phong chức Thiếu bảo Hành thánh Từ cung, xung vào hàng Tể tướng. Đỗ Khắc Chung làm quan dưới 4 triều vua Trần: i) Trần Nhân Tông (1280-1293); ii) Trần Anh Tông (1293-1314); iii) Trần Minh Tông (1314-1329); iv) Trần Hiến Tông (1329 -  1330). Ông mất tháng 7 năm Canh Ngọ, hưởng thọ 84 tuổi. Làng Gốm, xã Sơn Đông, Lập Thạch (Vĩnh Phúc) tôn xưng Đỗ Khắc Chung là thành hoàng và lập đền thờ vì ông có công mở trường, dạy chữ và lễ nghĩa cho dân xứ này.

Dưới đây xin được phiên âm và lược nghĩa Thượng sĩ Ngữ lục bạt để rõ thêm về nguồn gốc hai chữ Phật Hoàng.

上士語錄跋

上士,佛皇之祖燈也。相心以心。佛捨金輪王位。坐菩提樹。演無上乗。渡無量眾。作人天師。上士實開誤之。上士以在家菩薩。振佛家風。提起句語。引後學。倬乎有光。佛皇實成就之。

在乎繼釋迦志。受燃燈記。成等正覺。佛皇以之。在乎錄愽陵王問融禪師。到究竟處。上士以之。蓋佛皇之心。起乎佛祖之域。上士之語。窮乎心性之源。微上士不能成佛皇之大報。佛皇豈能登上士之蘊哉。而使昏者明。瞶者聽。是大有功於佛教也。

佛皇一日命持其錄來。吿曰。維持佛法。在國王大臣。且別求一字。倂螻板。以光其傳。今上皇帝遂命臣克終跋謹其後。則雲漢天彰。昭揭於前矣。

臣克終拜受其錄。焚香伏讀。始焉如醉。繼焉如醒。終焉心目明焉。初不自知其所以然而然。

臣謹此筆以跋。

Phiên âm

Thượng sĩ Ngữ lục bạt

Thượng sĩ, Phật hoàng chi tổ đăng dã, tương tâm dĩ tâm. Phật xả kim luân vương vị, tọa bồ đề thụ, diễn vô thượng thừa, độ vô lượng chúng, tác nhân thiên sư. Thượng sĩ thực khai ngộ chi. Thượng sĩ dĩ tại gia Bồ Tát, chấn Phật gia phong, đề khởi cú ngữ, dẫn hậu học, trác hồ hữu quang. Phật hoàng thực thành tựu chi.

Tại hồ kế Thích Ca chí, thụ Nhiên Đăng ký, thành đẳng chính giác, Phật hoàng dĩ chi. Tại hồ lục Bác Lăng vương, vấn Dung Thiền sư, đáo cứu cánh xứ, Thượng sĩ dĩ chi.

Cái Phật hoàng chi tâm, khởi hồ Phật tổ chi vực; Thượng sĩ chi ngữ, cùng hồ tâm tính chi nguyên. Vi Thượng sĩ bất năng thành Phật hoàng chi đại báo, Phật hoàng khởi năng đăng Thượng sĩ chi uẩn tai! Nhi sử hôn giả minh, quý giả thính, thị đại hữu công ư Phật giáo dã.

Phật hoàng nhất nhật mệnh trì kỳ lục lai, cáo viết: "Duy trì Phật pháp, tại quốc vương đại thần. Thả biệt cầu nhất tự, tính lâu bản dĩ quang kỳ truyền".

Kim thượng hoàng đế toại mệnh thần Khắc Chung, cẩn bạt kỳ hậu, tắc Vân - hán thiên chương chiêu yết ư tiển hỹ.

Thần Khắc Chung bái thụ kỳ lục, phần hương phục độc, thủy yên như túy, kế yên như tỉnh, chung yên tâm mục minh yên; sơ bất tự tri kỳ sở dĩ nhiên nhi nhiên.

Thần cẩn thử bút dĩ bạt.

Lược nghĩa

Thượng sĩ là Tổ truyền thừa của Phật hoàng bằng phép tâm truyền tâm. Đức Phật từng xả bỏ vương vị, xe vàng, tu dưới gốc Bồ Đề chứng đắc quả vô thượng, độ cho vô lượng chúng sinh, trở thành bậc thầy của cả Nhân giới lẫn Thiên giới. Thượng sĩ thực sự chứng ngộ pháp ấy. Ông vốn dĩ Bồ Tát tại gia, chấn hưng Phật pháp, đề khởi cú kệ, dẫn dắt môn đệ đi tới giác ngộ. Nhờ đó mà Phật hoàng đã thực sự thành tựu trong chốn Thiền lâm.

Phật hoàng đã nối chí Phật Thích Ca, thụ ký Phật Nhiên Đăng mà đạt tới chính đẳng chính giác. Còn Thượng sĩ thì khắc ghi lời Bác Lăng vương, tham vấn Dung Thiền sư mà thành giác ngộ.

Bởi lẽ cái tâm Phật hoàng khởi từ tâm Phật, mà cú kệ của Thượng sĩ thì lại thấu suốt đến tận ngọn nguồn. Nếu không có Thượng sĩ thì sao có được thành tựu của Phật hoàng; Nếu không có Thượng sĩ thì há Phật hoàng có đạt tới được độ cao diệu của Thượng sĩ chăng! Giờ đây mắt đui nên sáng, tai điếc nên thính, đó chính là công lớn của Phật giáo vậy.  

Ngày nọ Phật hoàng sai người đem sách Ngữ lục đến truyền rằng: “Duy trì được Phật pháp là ở quốc vương, đại thần. Hãy viết nên bài tựa ý nghĩa sáng tỏ, cho khắc bản lưu truyền”. 

Đương kim Hoàng đế bèn sai thần Khắc Chung nương theo vầng Ngân hà sáng rỡ của Bộ ngữ lục mà cẩn tâm viết lời bạt cho Bộ sách. 

Thần là Khắc Chung, bái mệnh tiếp nhận bộ Ngữ lục, châm hương cúi đọc. Thoạt đầu như say, hốt nhiên lai tỉnh, tâm trí sáng bừng nào biết do đâu.

Thần kính cẩn nâng bút dâng lời bạt này.

 

Thứ Ba, 8 tháng 10, 2013

Phổ biến thông tin trong các dự án phát triển



Phổ biến thông tin trong các dự án phát triển

 

Người chuẩn bị: Hà Hữu Nga

 

Thế nào là phổ biến thông tin

 

Thông tin là gì?


Phổ biến thông tin hay còn gọi là truyền thông  là quá trình chia sẻ thông tin và ý nghĩa của thông tin. Nó có thể được sử dụng để thông tin cho mọi người về mọi lĩnh vực liên quan đến phạm vi thông tin được phổ biến. 

Phổ biến thông tin như thế nào?

Có nhiều cách khác nhau để phổ biến thông tin và các chương trình phổ biến thông tin hiệu quả cần phải sử dụng hàng loạt quá trình, phương tiện và kỹ thuật phổ biến thông tin khác nhau. Cách thức được sử dụng và các thông điệp cũng như ý nghĩa mà các thông điệp chuyển tải có thể khác nhau theo từng văn hoá và bối cảnh của nó. Các quá trình đó có thể bao gồm việc đọc, viết, thảo luận, đặt câu hỏi, trả lời, xem truyền hình, hoặc học được ở lớp học, nghe được ở nơi công cộng.  Các kỹ thuật phổ biến thông tin bao gồm việc sử dụng giọng nói, biểu hiện bằng nét mặt, và động tác. Các phương thức phổ biến thông tin là những kênh khác nhau mà chúng ta sử dụng để truyền thông tin, chủ yếu có bốn loại sau: “cá nhân với cá nhân” hoặc còn gọi là phương thức thông tin “liên nhân”, các phương thức phổ biến nhỏ lẻ, các phương thức truyền thống và các phương thức truyền thông đại chúng hiện đại. Phổ biến thông tin công cộng bao gồm toàn bộ các phương thức trên [Becker, Ted & Slaton, Christa D. 2000; White, Stuart 2000; Seargeant, John & Steele, Jane, 1998; Morrell, M. E. 1999].

Phương thức cá nhân với cá nhân hoặc liên nhân

Đây là phương thức tiếp xúc trực tiếp, trực diện và cho phép người tiếp xúc đặt câu hỏi và xác định rõ ràng ý nghĩa của thông điệp. Phương thức phổ biến thông tin này đảm bảo cho sự hiểu biết lẫn nhau một cách hiệu quả. Phương thức liên nhân bao gồm cả hình thức chuyện trò giữa bạn bè hoặc người thân trong gia đình với nhau, và người ta có thể thông tin cho nhau mọi điều liên quan đến mọi lĩnh vực mà các cá nhân, nhóm quan tâm, kể cả những điều thầm kín, “bí mật” [Blaug, Ricardo 1999; Blomeley, N 1996; UK Cabinet Office 2000].

Các phương thức truyền thống

Các phương thức phổ biến thông tin truyền thống là các nghệ thuật trình diễn được sử dụng để minh hoạ và chuyển tải thông tin một cách hấp dẫn và thú vị. Các cách thức trình diễn trong đời sống có thể đem lại những cơ hội đặc biệt cho sự tương tác giữa người biểu diễn và khán thính giả. Các hình thức đó gồm có kịch, các loại hình hát múa truyền thống, biểu diễn con rối, hát rong, kể truyện, kịch câm, truyền thông tin bằng âm thanh, bằng ánh sáng, bằng điệu bộ, bằng ký hiệu, v.v... Các phương thức truyền thống thường là những cách thức mang tính nghệ thuật lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác [Carson, Lyn & Martin, Brian 1999; Seargeant, John & Steele, Jane, 1998; Sarkissian, Wendy & Walsh, Kevin (eds) 1994].

Các phương thức nhỏ lẻ

Các phương thức phổ biến thông tin nhỏ lẻ thường là những công cụ được sử dụng để hỗ trợ cho các cách thức phổ biến thông tin rộng lớn hơn, hoặc minh họa cho phương thức thông tin cá nhân với cá nhân. Các phương thức này gồm có: các áp phích, tờ rơi, băng cát sét, cách sách mỏng, các bộ slides, video, các bảng biểu, thẻ hình (flash cards), quảng cáo trên trang phục, phù hiệu, phổ biến trên loa phát thanh, v.v... [Carson L. and Katharine Gelber 2001; Kathlene L. & Martin, J. 1991; Morrell, M. E. 1999].
 
Các phương thức phổ biến thông tin đại chúng

Các phương thức phổ biến thông tin đại chúng cung cấp thông tin gián tiếp, một chiếu, và bao gồm các phương tiện kỹ thuật hiện đại như phát thanh, truyền hình, báo, tạp chí, sách có hình vẽ, phim ảnh, internets, các websites, hoặc nhiều phương tiện khác ở phạm vi cộng đồng, quốc gia, và lớn nhất là ở phạm vi quốc tế và toàn cầu. 

Thế nào là phổ biến thông tin

Phổ biến thông tin dự án liên quan đến việc truyền thông cho các cá nhân, đơn vị, tổ chức, nhóm, cộng đồng và các bên liên quan khác nhau. Vì vậy họ là người chủ động tìm kiếm, nhận, xử lý, phân tích và tìm ra ý nghĩa của thông tin để tăng cường sự tham gia của mình vào các quá trình của dự án. Các bên liên quan không phải là các khán, thính giả thụ động của các hoạt động phổ biến thông tin [Carson, Lyn & Martin, Brian 1999; Seargeant, John & Steele, Jane, 1998; Sarkissian, Wendy & Walsh, Kevin (eds) 1994]. 

Ai là đối tượng mục tiêu của hoạt động phổ biến thông tin dự án?

Đây là câu hỏi quan trọng hàng đầu nhằm xác định một cách rõ ràng đối tượng mục tiêu của các hoạt động phổ biến thông tin dự án; i) đối tượng mục tiêu quan trọng nhất là các thành viên cộng đồng chịu tác động (theo cả hai nghĩa tích cực lẫn tiêu cực từ dự án); ii) đối tượng mục tiêu thứ hai là các bên liên quan trực tiếp đến quá trình hình thành, xây dựng kế hoạch, và thực hiện các kế hoạch, và kết thúc dự án; iii) đối tượng quan trọng thứ ba là các bên liên quan gián tiếp đến dự án. Tất cả các đối tượng phổ biến thông tin được làm rõ ở phần Phân tích các bên liên quan [Carson L. and Katharine Gelber 2001; Kathlene L. & Martin, J. 1991; Morrell, M. E. 1999].

Quá trình chấp nhận hành vi mới


Mục đích của việc phổ biến thông tin dự án là để các bên liên quan tiếp nhận thông tin, hiểu biết về dự án, tăng cường nhận thức về vai trò tham gia của họ, và thay đổi hành vi để thực sự tham gia vào các khâu, các quá trình của dự án. Điều quan trọng là đối tượng phổ biến thông tin phải hiểu được tại sao họ cần thay đổi nhận thức và hành vi của mình, thay đổi như thế nào, và họ phải làm gì để có thể tham gia một cách hiệu quả vào các quá trình của dự án [Carson, Lyn & Martin, Brian 1999; Seargeant, John & Steele, Jane, 1998; Sarkissian, Wendy & Walsh, Kevin (eds) 1994].

Cơ sở xác lập chiến lược phổ biến thông tin dự án


Vấn đề quan trọng là chiến lược phổ biến thông tin cần phải dựa trên việc xác định rõ ràng các quá trình, các kỹ thuật, các phương thức và các kênh phổ biến thông tin thích hợp nhất đối với các đối tượng mục tiêu. Trong thực tế không có bất cứ một chiến lược phổ biến thông tin chung nào mà lại áp dụng hiệu quả được vào mọi trường hợp cụ thể. Vì vậy các quá trình, phương thức, kỹ thuật, kênh phổ biến thông tin phải được xác định dựa trên các đặc điểm cụ thể của nhóm đối tượng mục tiêu về: dân tộc, lứa tuổi, giới tính, ngôn ngữ, vị thế xã hội, bối cảnh địa lý, kinh tế, chính trị, thời gian, không gian để có thể có được những tác động hiệu quả đến đối tượng được phổ biến thông tin [Carson L. and Katharine Gelber 2001; Kathlene L. & Martin, J. 1991; Morrell, M. E. 1999].

Mỗi chiến lược phổ biến thông tin dự án cần dựa trên việc nghiên cứu cẩn trọng và được xây dựng phù hợp với mỗi vùng, mỗi tộc người, mỗi nhóm xã hội. Cần phải phối hợp các quá trình, các kênh khác nhau và thông điệp cần phải được lặp đi lặp lại nhiều lần. Cần phải xác định một cách rõ ràng mục tiêu chung và các mục tiêu cụ thể của mỗi chiến lược phổ biến thông tin, và việc phổ biến thông tin trước hết phải tập trung vào các đối tượng ưu tiên, các vấn đề ưu tiên, các phương tiện, phương thức ưu tiên nhằm đạt được hiệu quả cao nhất để rồi nhân rộng ra các bên liên quan và các đối tượng khác, ở cấp độ ưu tiên thấp hơn [Carson L. and Katharine Gelber 2001; Kathlene L. & Martin, J. 1991; Morrell, M. E. 1999].
 

Xác định nhóm đối tượng mục tiêu chủ yếu


Khi đã xác định được mục tiêu phổ biến thông tin rồi thì cần phải xác định các nhóm đối tượng mục tiêu quan trọng nhất. Cần phải xem xét vấn đề này một cách thận trọng. Cách xác định nhóm đối tượng mục tiêu tốt nhất là sử dụng phương pháp phân tích các bên liên quan. [Morrell, M. E. 1999; Renn, O., Webler,T., Rakel, H., Dienel, P. & Johnson, B. 1993]. 

Phát triển chiến lược phổ biến thông tin - Các chiến lược phổ biến thông tin

Các bước thiết kế: Về cơ bản việc thiết kế chiến lược phổ biến thông tin dự án sẽ được thực hiện theo các bước sau: i) Xác định các mục tiêu ưu tiên của cộng đồng trong các vấn đề liên quan đến dự án; ii) Phân tích số liệu và tiến hành điều tra, khảo sát để xác định vấn đề về thói quen của cộng đồng chịu tác động của dự án; cuộc khảo sát xây dựng chiến lược truyền thông đầu tiên của dự án thể hiện theo sơ đồ dưới đây: iii) Kết quả khảo sát sẽ là một trong những yếu tố quan trọng để xây dựng chiến dịch truyền thông cũng như làm cơ sở cho việc giám sát và đánh giá sau này; iv) Phân tích các bên liên quan: đối tượng nào cần tác động tới để thay đổi hành vi, thói quen nào cần thay đổi, thay đổi như thế nào, làm thế nào để có thể thúc đẩy sự thay đổi các hành vi đó... [Carson L. and Katharine Gelber 2001; Kathlene L. & Martin, J. 1991; Morrell, M. E. 1999].

Các yếu tố quyết định chiến lược: Việc xây dựng chiến lược truyền thông phải đảm bảo 5 yếu tố quyết định dưới đây: i) Nguồn thông tin: Nguồn nào? Có những thông tin gì?; ii) Thông điệp: Thông điệp gì sẽ phù hợp?; iii) Kênh truyền thông: Kênh truyền thông nào sẽ có hiệu quả nhất để đến với đối tượng? iv) Đối tượng: Truyền thông phải đến được với ai?; v) Phản hồi: Cần thay đổi gì về hành vi? vi) Đánh giá: Thành công /thất bại của chiến lược truyền thông sẽ được đo lường bằng cách nào? [Carson L. and Katharine Gelber 2001; Kathlene L. & Martin, J. 1991; Morrell, M. E. 1999]. 

Các phương tiện được sử dụng để phổ biến thông tin

i) Báo chí; ii) Tài liệu dự án; iii) Tổ thông tin lưu động; iv) Hình thức biểu diễn; v) Quảng cáo; vi) Họp cộng đồng; vii) Các hình thức khác

Nếu như cách thực tiễn nhất là sử dụng cả phương tiện thông tin truyền thông đại chúng kết hợp với các phương tiện thông tin truyền thống thì chúng ta cần phải xác định rõ ai nghe và/hoặc nhìn, nghe và/hoặc nhìn cái gì, khi nào, ở đâu. Chúng ta cũng cần phải biết về sở thích của các đối tượng phổ biến thông tin để xây dựng và sử lý chương trình phổ biến thông tin một cách thích hợp. Cần phải nhận thức rõ ràng về sở thích khác nhau giữa các nhóm phụ nữ, nam giới, thanh niên, người lớn tuổi, người già; khác nhau về trình độ học vấn, về ngôn ngữ, về thị lực, về thói quen sinh hoạt, sử dụng giờ giấc, v.v…để lựa chọn các phương tiện, phương thức, ngôn ngữ, kênh phổ biến thông tin thích hợp [Morrell, M. E. 1999; Renn, O., Webler,T., Rakel, H., Dienel, P. & Johnson, B. 1993].

Lấy trường hợp dùng Radio làm phương tiện phổ biến thông tin thì cần lưu ý đến các câu hỏi sau: i) Những ai có radio?; ii) Họ nghe ai, nghe cái gì, nghe lúc nào, nghe bằng ngôn ngữ nào, nghe vì mục đích gì?; iii) Thông tin được truyền đi như thế nào? có những đài phát nào? tần số nào? truyền vào thời điểm nào? truyền bằng thức tiếng gì? phủ sóng được đến đâu? 

Các phương pháp được sử dụng để thu thập thông tin

Không có các quy tắc cố định cho việc nghiên cứu, khảo sát, thu thập thông tin cho mọi trường hợp. Công việc thu thập thông tin cần được thực hiện một cách linh hoạt và thích ứng với các kỹ thuật và các cách tiếp cận do nhiều yếu tố có liên quan quy định. Dưới đây là một số phương pháp và kỹ thuật thông dụng nhất được sử dụng để thu thập thông tin: 

Chiến lược thu thập thông tin

Cần phải thực hiện hai hoạt động thực địa chủ yếu để có đầy đủ điều kiện chuẩn bị kế hoạch xác định tác động của dự án và vấn đề tái định cư: i) tiến hành một cuộc điều tra dân số, chủ yếu nhằm xác định những người phải chịu tác động của dự án (PAP - Project Affected Persons) sống trong khu vực chịu tác động của dự án và những loại tài sản nào mà người dân làm chủ hoặc sử dụng mà không thể di dời được; ii) tiến hành khảo sát kinh tế - xã hội chủ yếu nhằm tìm hiểu các yếu tố kinh tế - xã hội và các hạn chế cần được xem xét khi đưa ra các chi tiết đề xuất các gói tái định cư [Carson L. and Katharine Gelber 2001; Kathlene L. & Martin, J. 1991; Morrell, M. E. 1999].

Điều quan trọng là cần phải có quan điểm rõ ràng về chiến lược nhằm thực hiện việc thu thập đầy đủ dữ liệu, bao gồm cả việc điều tra kinh tế - xã hội và dân số. Trong quá trình thiết kế và thực hiện dự án, cần trả lời một số vấn đề chủ chốt càng sớm càng tốt. Cần xây dựng bảng thể hiện các vấn đề và các yếu tố chủ chốt quyết định các phản ứng đối với các vấn đề này. 

Phương pháp định lượng bằng bảng hỏi

Việc thu thập thông tin định lượng bằng bảng hỏi có tác dụng to lớn trong tham vấn cộng đồng. Tuy nhiên đây là một công việc đòi hỏi có kỹ năng cao của các nhà chuyên môn, hoặc những người có nhiều kinh nghiệm trong tham vấn cộng đồng bằng bảng hỏi. Điều đó thể hiện trước hết ở việc xây dựng bảng hỏi.

Viết câu hỏi

- Khi sử dụng từ và ngữ pháp cần phải định hướng vào đối tượng khảo sát: i) đối với các nghiên cứu trong một tổ chức cụ thể, có thể sử dụng các ngôn ngữ riêng của tổ chức đó; ii) cần cẩn thận để tránh loại ngôn từ quen thuộc của người viết, nhưng lại xa lạ đối với người trả lời. Tránh dùng các từ viết tắt không cần thiết.

- Tránh mập mờ, lẫn lộn và phỏng chừng: cần phải đảm bảo rằng những gì bạn muốn hỏi và bạn muốn được trả lời như thế nào cần phải tuyệt đối rõ ràng. Chẳng hạn nếu bạn chỉ hỏi “Thu nhập của ông/bà là bao nhiêu?” Thì người trả lời sẽ không biết bạn muốn hỏi thu nhập theo tuần, tháng, hay năm, trước thuế hoay sau thuế, thu nhập của hộ gia đình hay của cá nhân, năm nay hay năm trước, chỉ có thu nhập từ lương hay bao gồm cả tiền lãi cổ phần, lợi tức, v.v... [Carson L. and Katharine Gelber 2001; Kathlene L. & Martin, J. 1991; Morrell, M. E. 1999].

- Tránh dùng các từ bất định hoặc các loại từ dễ gây phản ứng. Chẳng hạn “Ông vẫn tiến hành đều đặc chứ?” thì “đều đặn” nghĩa là gì?

- Tránh các ngôn từ thiên về tình cảm, uy tín hoặc các câu hỏi hướng dẫn: i) cần thận trọng với các từ có một lịch sử gắn liền với các tình huống cực đoan. Chẳng hạn cần tránh các câu hỏi chẳng hạn “Nên làm gì đối với những kẻ tham nhũng trong xã, những lũ ăn cướp của người dân lành?”; ii) cần cẩn thận với những cái mác uy tín gợi cho người trả lời nên sử dụng câu trả lời “đúng”, “phải”, “vâng”. Chẳng hạn câu hỏi “Các bí thư chi bộ đều nói rằng hầu hết người dân trong xã là người tốt. Ông bà có đồng ý như vậy không?” loại câu hỏi như vậy thường có khuynh hướng gợi cho người ta trả lời “Có”, vì mọi người thường tin tưởng vào các bí thư chi bộ. Tương tự như vậy, “Ông bà có ủng hộ chính sách của Nhà nước  không?” thường gợi cho người ta đáp “Có” vì với những câu hỏi loại này mọi người không bao giờ nói theo cách khác.

- Tránh các câu hỏi dẫn dắt như “Ông không đòi bồi thường, phải không?” hoặc “Chắc chắn là các đảng viên sẽ gương mẫu trong việc di dời đến khu tái định cư”.

- Tránh các câu hỏi có các đoạn giải thích bổ sung chẳng hạn như “Chủ tịch huyện có nên quyết định tăng ngân sách để tăng thêm việc làm cho người dân tại các khu vực tái định cư không?”

- Tránh các câu hỏi có hai phần nối nhau: Mỗi câu hỏi đưa ra theo một chủ đề và chỉ một chủ đề mà thôi. Chẳng hạn không nên hỏi “Công ty của ông bà có các khoản phúc lợi hưu trí và y tế không?” vì nếu Công ty chỉ có một trong hai khoản phúc lợi đó thì người trả lời không biết nên nói “có” hay “không”.

- Tránh những câu hỏi vượt quá khả năng của người trả lời: mọi người đều có những hạn chế nhận thức, nhất là khi nó gợi lên các ký ức trong quá khứ. Vì vậy việc đặt câu hỏi “Ông bà suy nghĩ gì về chủ tịch xã lúc ông ấy còn thanh niên” là một câu hỏi vô dụng.

- Cũng sẽ là vô vị khi đặt câu hỏi về những thứ mà người ta không để ý gì đến. Chẳng hạn, không nên bận tâm để hỏi “Năm ngoái ông đã mua bao nhiêu lít xăng để chạy xe?”

- Tránh các tiền đề giả như câu hỏi “Điều gì là quan trọng nhất mà chúng ta cần làm để chấm dứt tình trạng suy thoái hơn nữa nền kinh tế của huyện nhà?”. Giả định rằng nền kinh tế đang suy thoái, có thể người trả lời không đồng ý với nhận định đó. Điều đó đặt người trả lời vào một tình huống khó xử. Trong trường hợp này nên sắp xếp lại câu hỏi thành “Theo ông bà điều gì là quan trọng nhất mà lãnh đạo huyện có thể thực hiện để tăng cường nền kinh tế của huyện nhà?” [Carson L. and Katharine Gelber 2001; Kathlene L. & Martin, J. 1991; Morrell, M. E. 1999].

- Tránh hỏi về các dự định tương lai (nếu có thể): Các câu hỏi có tính giả thuyết như “Nếu có một cái chợ ngay tại khu tái định cư thì ông bà có đến đó buôn bán không?” là một câu hỏi không liên quan gì đến hành vi tương lai thực.

- Tránh các câu phủ định và đặc biệt là phủ định kép: Các câu phủ định như “Những người không nhận tiền đề bù thì không ghi tên vào danh sách được tham vấn” đối với nhiều người trả lời thường khó xử lý, đặc biệt là khi họ đồng ý với điều khẳng định, vì như vậy thì họ lại không đồng ý với không làm một điều gì đó, như vậy là lẫn lộn! [Morrell, M. E. 1999; Renn, O., Webler,T., Rakel, H., Dienel, P. & Johnson, B. 1993].

Xắp sếp câu hỏi

- Cần phải xếp những câu hỏi khó, dễ lẫn hoặc có vẻ hăm doạ xuống cuối bảng hỏi khi người được hỏi thấy dễ chịu hơn. Điều đó có hai lợi ích. Trước hết nó làm cho họ muốn trả lời thêm, và thứ hai, nếu học bực tức và bỏ cuộc thì tối thiểu bạn cũng đã đưa ra được hầu hết các câu hỏi của mình! [Morrell, M. E. 1999; Renn, O., Webler,T., Rakel, H., Dienel, P. & Johnson, B. 1993].

- Đặt các câu hỏi có liên quan với nhau để tránh gây ra ấn tượng là thiếu tỷ mỷ

- Xem xét cẩn thận các câu hỏi làm cho việc trả lời ảnh hưởng đến các câu hỏi khác. Ví dụ: i) Ông bà có nghĩ rằng chính quyền địa phương nên để cho các phóng viên đến khai thác tin tức về dự án không?; ii) Ông bà có nghĩ rằng một địa phương trong vùng dự án có nên để cho các nhà báo đến lấy tin tức ở địa phương mình không? [Carson L. and Katharine Gelber 2001; Kathlene L. & Martin, J. 1991; Morrell, M. E. 1999].

Số lẻ hoặc số chẵn của các bước trong thang trả lời

Nhìn chung người ta gợi ý rằng bạn sử dụng một số lẻ trong các bước để cho phép người trả lời thể hiện độ mạnh của một quan điểm ở mức trung bình. Điều đó gây ra vấn đề đối với một số người trả lời khi họ từ chối không bộc lộ ý kiến và đưa ra những câu trả lời ở mức trung bình cho tất cả các câu hỏi. Tuy nhiên phương án khác có thể còn tồi tệ hơn: những người trả lời không có hoặc chỉ có ý kiến trung gian bị ép phải lựa chọn ý kiến phủ định hoặc khẳng định và thực hiện điều đó một cách ngẫu nhiên [Morrell, M. E. 1999; Renn, O., Webler,T., Rakel, H., Dienel, P. & Johnson, B. 1993].

Phân cấp trong thang trả lời

Mức độ đáng tin cây về phương diện thống kê các dữ liệu tăng lên rõ ràng với một số bước trong thang trả lời, lên đến khoảng 7 bước, sau đó tăng chậm hơn, và chững lại ở khoảng 11 cấp. Sau 20 cấp thì suy giảm rõ ràng. Tuy nhiên bạn có càng nhiều cấp hơn thì càng khó cho người trả lời, và câu trả lời sẽ trở nên ít có giá trị. Nếu các biến được kết hợp với nhau theo cách cộng thêm vào giống như khi chúng ta tạo ra một thang đo hoặc một chỉ số so sánh thì số cấp sẽ không phải là một vấn đề về mức độ đáng tin cậy nữa. Bạn có thể sử dụng hai cấp (thật/giả) nếu bạn muốn. Có người thích sử dụng thang trả lời 3 điểm vì chúng nhanh và dễ cho người trả lời [Morrell, M. E. 1999; Renn, O., Webler,T., Rakel, H., Dienel, P. & Johnson, B. 1993].

Thang đo tầm quan trọng trực tiếp

Thang đo tầm quan trọng là một phương pháp để đạt được các dữ liệu thang tỷ lệ từ những người cung cấp thông tin. Ý tưởng cơ bản là đưa ra cho người trả lời một điểm neo (anchor point), và sau đó yêu cầu họ trả lời các câu hỏi liên quan đến điểm neo đó. Chẳng hạn hãy giả sử bạn quan tâm đến tính chất nghiêm trọng của các tội ác. Hãy bắt đầu bằng việc ấn định một con số cho một tội phạm. Chẳng hạn, hãy lấy “trọng tội” và nói với người trả lời rằng mức độ nghiêm trọng của một trọng tội là 100 đơn vị. Sau đó nói: “Được rồi, nếu trọng tội là 100 điểm thì tội “giết người” là bao nhiêu? Nếu bạn cho rằng tội giết người là 10 lần xấu hơn một trọng tội, thì hãy viết 1000. Nếu xấu gấp hai lần thì viết 200. Sau đó bạn đề nghị như vậy cho từng tội phạm [Renn, O., Webler,T., Rakel, H., Dienel, P. & Johnson, B. 1993; Sarkissian, Wendy & Walsh, Kevin (eds) 1994].

Xếp thứ tự phân cấp

Xếp thứ tự phân cấp là một phương pháp vận hành tốt với một số lượng nhỏ các đối tượng, chẳng hạn 10. Ví dụ thay cho việc phân loại mỗi tập vấn đề nghiêm trọng đến mức nào bạn có thể yêu cầu người trả lời phân loại một cách đơn giản các vấn đề đó theo trật tự từ nghiêm trọng nhất đến ít nghiêm trọng nhất [Renn, O., Webler,T., Rakel, H., Dienel, P. & Johnson, B. 1993; Sarkissian, Wendy & Walsh, Kevin (eds) 1994].

So sánh theo cặp

Bằng phương pháp này bạn thể hiện các hạng mục mỗi lần hai hạng mục, và yêu cầu người trả lời nhặt ra cặp nào có nhiều hơn một thuộc tính nào đó. Chẳng hạn, bạn có thể thể hiện các vấn đề tổ chức và hỏi xem vấn đề nào nghiêm trọng hơn [Morrell, M. E. 1999; Renn, O., Webler,T., Rakel, H., Dienel, P. & Johnson, B. 1993].

Các phương pháp định tính


Chắc chắn cần phải tiến hành các cuộc khảo sát về mức độ phủ sóng của các kênh truyền thông hiện có. Hầu hết các tổ chức truyền thông đại chúng đều có một chỉ báo nào đó về mức độ nghe, nhìn, đọc và mức độ bao phủ về phương diện địa lý của các hoạt động thông tin truyền thông địa phương, vùng và quốc gia. Điều đó cần đến các phương pháp nghiên cứu định tính [Renn, O., Webler,T., Rakel, H., Dienel, P. & Johnson, B. 1993; Sarkissian, Wendy & Walsh, Kevin (eds) 1994].

Một phần vì những bất tiện của các phương pháp định lượng, trong các chiến dịch thông tin truyền thông dự án người ta còn sử dụng nhiều phương pháp thu thập thông tin định tính khác nhau. Vì công việc khảo sát như vậy thu thập thông tin về các cảm xúc và ấn tượng từ một số tương đối nhỏ những người trả lời, nên các dữ liệu thường không thể được định lượng hoá bằng các con số được. Vì vậy việc khái quát hoá từ các kết quả thu thập thông tin phải được tiến hành một cách thận trọng. Lợi thế chủ yếu của các phương pháp định tính là ở chỗ chúng tạo ra sự đối thoại với những người tham gia, cho phép chúng ta biết được các bên liên quan thực sự suy nghĩ và cảm nhận vấn đề như thế nào. Các phương pháp định tính cũng rất hữu ích cho việc thiết kế các công cụ khảo sát. Những điều bất tiện là ở chỗ các phương pháp thu thập thông tin định tính đòi hỏi các kỹ năng tốt, thời gian chuẩn bị thu thập và phân tích dữ liệu dài và việc lý giải các thông tin định tính không hề đơn giản [Renn, O., Webler,T., Rakel, H., Dienel, P. & Johnson, B. 1993; Sarkissian, Wendy & Walsh, Kevin (eds) 1994].

 

Phương pháp thảo luận nhóm tập trung


Thảo luận nhóm tập trung là một trong những phương pháp thu thập thông tin định tính rất có kết quả. Trong một cuộc thảo luận nhóm tập trung, người điều khiển thảo luận hướng dẫn một số nhỏ (thường từ 6 đến 10 người) có các đặc trưng tương đồng về tuổi tác, giới tính, trình độ học vấn, là người nông thôn hoặc đô thị, v.v… nhằm thảo luận về một chủ đề được lựa chọn, trong cuộc thảo luận đó mọi người được tự do phát biểu ý kiến một cách thoải mái. Các câu hỏi chính sử dụng trong cuộc thảo luận cần phải được quyết định trước khi tiến hành thảo luận, và người điều hành cần phải ghi lại tất cả các kết quả chủ yếu của cuộc thảo luận ngay sau khi kết thúc thảo luận nhóm [Kathlene L. & Martin, J. 1991; Miesen, Rene 1997; White, Stuart 2000]. 

Quản lý thông tin cơ bản - Tại sao phải quản lý thông tin

Cần phải xây dựng một hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu nhằm quản lý các thông tin cơ bản, đặc biệt là thông tin dân số cần phải được tiếp cận, xử lý, thay đổi, và quản lý trong toàn bộ quá trình thực hiện dự án, nhất là trong giai đoạn căng thẳng nhất của hoạt động tái định cư và đền bù. Tối thiểu thì hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu này cần được kết hợp với  các thông tin về tài sản và các dữ liệu kinh tế xã hội. Bên cạnh đó các thông tin liên quan đến việc tiếp tục thực hiện chương trình cũng có thể được quản lý cùng với nhau chẳng hạn như các lựa chọn tái định cư và đền bù, các khoản đề bù đã nhận và các tài liệu hành chính, luật pháp, khiếu kiện, các cuộc họp tham vấn và giám sát hậu tái định cư có liên quan. Việc chuẩn bị các báo cáo tiến độ cũng là một mục tiêu của hệ thống [Kathlene L. & Martin, J. 1991; Miesen, Rene 1997; White, Stuart 2000].

Các phương pháp thay thế trong việc quản lý dữ liệu nguồn mở ngày càng cung cấp cho chính quyền các giải pháp tài khéo, sáng tạo với mức chi phí thấp hơn các giải pháp thương mại truyền thống. Tất cả các thông tin này cần phải được lập bảng chú dẫn bằng cách sử dụng một con số duy nhất để xác định một hộ gia đình. An toàn là một trong những bộ phận quan trọng của hệ thống, vì vậy hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu cần phải hỗ trợ các vai trò và các đặc quyền kiểm soát tiếp cận và bảo đảm an toàn dữ liệu nhằm ngăn chặn sự gian lận hoặc lẫn lộn dữ liệu. Cần phải có sự kiểm kê tài liệu một cách hợp lý thông qua một “kênh kiểm kê”: tất cả mọi can thiệp tác động đến dữ liệu cần phải được theo dõi thông qua các chức năng theo dõi thay đổi hoặc khoá dữ liệu để tăng cường tính minh bạch và cho phép kiểm kê cả nội bộ lẫn bên ngoài [Carson L. and Katharine Gelber 2001; Kathlene L. & Martin, J. 1991; Morrell, M. E. 1999].

 

Các đặc trưng trong quản lý thông tin dự án


Tối thiểu thì các đặc trưng chức năng của một hệ thống quản lý dữ liệu định hướng tái định cư cần phải như sau: i) phát hành các thẻ căn cước của các chủ hộ chịu tác động bao gồm cả ảnh kỹ thuật số của họ; ii) chuẩn bị các danh sách những người chịu tác động, phân loại theo những tiêu chuẩn khác nhau chẳng hạn như vị trí, giá trị tài sản, sở thích đền bù, v.v…; iii) chuẩn bị các tài liệu, chứng từ đền bù (các chứng nhận đền bù, hoá đơn, séc, nếu có thể thì bao gồm cả chứng thư); iv) chuẩn bị các danh mục tài sản bị ảnh hưởng được ghi chú toạ độ, các ảnh, chủ sở hữu hoặc người sử dụng; v) chuẩn bị các báo cáo tóm tắt về các thông tin kinh tế xã hội cơ bản (những người dễ bị tổn thương, nghề nghiệp, thu nhập, vị trí hoạt động kiếm sống); vi) củng cố hồ sơ hộ gia đình bằng các thông tin hộ có liên quan và cho phép lưu ý đến việc giám sát hậu tái định cư về vị trí trong khu vực tái định cư, mức đề bù, sinh kế trong tình huống hậu tái định cư dựa trên cơ sở hộ gia đình [Carson L. and Katharine Gelber 2001; Kathlene L. & Martin, J. 1991; Morrell, M. E. 1999].
____________________________

Tài liệu tham khảo

Becker, Ted & Slaton, Christa D. 2000. The Future of Teledemocracy, Westport, Connecticut, Praeger.

Blaug, Ricardo 1999. Democracy, Real and Ideal Discourse Ethics and Radical Politics, Albany, State University of New York Press.

Blomeley, N 1996. Talking with Indigenous Australians’, in Menere, R. & Bird, J. (eds) Health and Australian Indigenous Peoples: Study Guide, Lismore, Southern Cross University.

Carson, Lyn 1999. Random Selection: Achieving Representation in Planning’, Alison Burton Memorial Lecture, Royal Australian Planning Institute, Canberra ACT, 31 August.

Carson, Lyn & Martin, Brian 1999. Random Selection in Politics, Westport, CT, Praeger Publishers.

Carson L. and Katharine Gelber 2001. Ideas for Community Consultation - A discussion on principles and procedures for making consultation work. A report prepared for the NSW Department of Urban Affairs and Planning. NSW Department of Urban Affairs and Planning

Kathlene L. & Martin, J. 1991. Enhancing Citizen Participation: Panel Designs, Perspectives and Policy Formation’, Journal of Policy Analysis and Management, 10 (1): 46–63.

Miesen, Rene 1997. The Villawood Charrette from a Consultation Perspective, from Conference Proceedings: Reaching Common Ground — Open Government, Community Consultation and Public Participation, 23–24 October 1996, published by the Open Government Network.

Morrell, M. E. 1999. Citizens’ Evaluations of Participatory Democratic Procedures: Normative Theory Meets Empirical Science, Political Research Quarterly, 52 (2): 293–322.

Renn, O., Webler,T., Rakel, H., Dienel, P. & Johnson, B. 1993. Public Participation in Decision-Making: A Three-Step Procedure, Policy Sciences, 26: 189–214.

Sarkissian, Wendy & Walsh, Kevin (eds) 1994. Community Participation in Practice: Casebook, Institute for Science and Technology Policy, Murdoch University.

Seargeant, John & Steele, Jane, 1998. Consulting the Public: Guidelines and Good Practice, Policy Studies Institute, London.

UK Cabinet Office 2000. How to Consult Your Users: An Introductory Guide, London.

UK Local Government Association 2000. Let’s Talk About It… Principles for consultation on local governance, Smith Square, London, March.

White, Stuart 2000. information provided by Dr White regarding a proposed Container Deposit Legislation Televote, Institute for Sustainable Futures, University of Technology, Sydney.