Powered By Blogger

Thứ Ba, 30 tháng 10, 2018

Tùy thư – Truyện Lâm Ấp


Nam man

Nam man đa tạp, cư trú tách riêng khỏi người Hoa, có các tên gọi Diên man ( diên là loại sâu hình thể như con ốc sên không vỏ, có súc tu, chuyển động bằng cách bò, thân tiết dịch nhờn*); Lang man ( lang: chó sói xám, tên latinh là Canis lupus Linnaeus, là một loài động vật có vú thuộc bộ ăn thịt Carnivora*); Lý man ( lý: quê kệch, thô lậu, lười biếng, thấp hèn, thô bỉ*), Lão man ( lão: tiếng chửi, hung ác, xấu xí*), Ngỗi man ( ngỗi: yên lặng*), đều không có quân trưởng [1], dựa vào hang, núi mà ở, xưa kia tổ tiên chúng chính là Bách Việt vậy. Chúng có tục cắt tóc vẽ mình, chỉ giỏi đánh lẫn nhau, để đến nỗi ngày càng trở nên yếu ớt, dần dần lệ thuộc vào Trung Quốc, đều cùng bị chia ra thành quận huyện, chúng là loại người giống như nhau, ở đây không nhắc lại những ghi chép đầy đủ nữa. Giữa thời Đại Nghiệp (năm 605-617), phương nam xa xôi hẻo lánh đến triều cống tới hơn 10 nước, các nước đó phần nhiều mai một cứ như là không còn nghe thấy vậy. Nay xét thấy trong số đó chỉ còn bốn nước mà thôi.

Lâm Ấp

Trước hết là Lâm Ấp, thời Hán mạt, do chị em Trưng Trắc khởi loạn tại Giao Chỉ, nên con của công tào [2] trong huyện là Khu Liên (Sri Mara श्री मार*) đã giết chết huyện lệnh [3], tự xưng là vua. Không con trai, đưa cháu bên ngoại là Phạm Hùng kế vị, Hùng chết, con là Dật lên thay. Có người Nhật Nam tên Phạm Văn nhân loạn vào làm nô bộc cho Dật, thỏa sức sai bảo xây dựng nhà cửa, chế tạo khí giới. Dật vô cùng tín nhiệm, sai Văn làm tướng chỉ huy quân đội, rất được lòng binh chúng. Văn nhân đó truy hỏi về con em của Dật, những kẻ đã phải trốn chạy, hoặc dời đi nơi khác. Đến khi Dật chết, nước không người thừa kế, Văn tự lập làm vua. Sau đó Phạm Phật bị Tấn Dương uy tướng quân Đái Hoàn đánh bại. Thứ sử Giao Châu của nhà Tống là Đàn Hòa Chi [4] đưa quân đến đánh, vào sâu được đất Lâm Ấp. Đến Lương, Trần đều cử sứ giả về triều.

Nước này kéo dài theo chiều bắc nam hàng ngàn dặm, vùng đất này có nhiều hương mộc, vàng và đồ chân quý, sản vật đại để giống như Giao Chỉ. Lấy gạch xây thành, trát bằng vôi nung từ vỏ sò, cửa quay về hướng đông. Quan lớn có hai vị: người thứ nhất gọi là Tây Na Bà Đế (西那婆帝-Senāpati सेनापति: quan tư lệnh*), người thứ hai gọi là Tát Bà Địa Ca (薩婆地歌-Sarvādhikārin – सर्वाधिकारि: quan hành chính*). Dưới quyền hai vị trên có ba thuộc cấp: cấp thứ nhất gọi là Luân Đa Tính (倫多姓 chưa xác định được tên tiếng Phạn*), cấp thứ 2 gọi là  Ca Luân Trí Đế (歌倫致帝 chưa xác định được tên tiếng Phạn*), cấp thức ba gọi là Ất Tha Cà Lan (乙他伽蘭chưa xác định được tên tiếng Phạn*). Các chức quan khác phân thành hơn 200 đơn vị. Trưởng quan viết phất la (弗羅 - पुत्र putra: con trai (vua), hoàng tử*), thứ quan gọi là khả luân (可輪 trong văn bia tiền Angkor là klong, có nghĩa là thủ lĩnh*) giống như phái viên của trưởng quan châu huyện vậy. Nhà vua đội mũ nạm hoa lá bằng vàng, giống như chiếc mũ tế lễ, y phục may bằng vải thêu dệt ráng mây bình minh rực rỡ [5], đeo trân châu, chuỗi ngọc, chân đi giày da, thường mặc áo bào gấm.

Con nhà lương thiện làm thị vệ ước khoảng 200 người, đều mang đao kim trang. Có cung, tên, đao, giáo dài, lấy trúc làm nõ, tên tẩm thuốc độc. Nhạc có đàn, sáo, đàn tì bà, đàn năm dây, giống như các nhạc cụ cùng loại Trung Quốc. Thường đánh trống để cảnh báo dân chúng, thổi quả bầu tức là có chuyện binh đao.

Dân man ở đây mũi cao, mắt sâu, tóc quăn, đen. Tất cả đều có thói quen đi chân đất, dùng vải quấn lấy thân mình. Những tháng mùa đông thì mặc áo khoác ngoài. Phụ nữ búi tóc. Lấy lá dừa làm chiếu. Mỗi khi có cưới hỏi, bà mối đem theo vòng xuyến vàng, bạc, hai vò rượu, vài con cá đến nhà gái. Cuối cùng, chọn ngày tốt, gia đình nhà trai mời tân khách hai bên cùng đối ca vũ. Nhà nữ mời một vị bà la môn [婆羅門 - ब्राह्मण tăng lữ, sư*] đưa con gái về nhà chồng, chàng rể rửa tay, rồi vị Bà La Môn bèn dắt cô dâu đến mà trao cho. Vua chết 7 ngày mới an táng, quan chết thì 3 ngày, thứ dân thì 1 ngày. Tất cả đều dùng hòm đặt thi thể vào đó, rồi đánh trống, nhảy múa đưa đường mà đi, khiêng đến bến nước, bèn chất củi mà thiêu. Thu lấy xương cốt còn lại, của vua thì tất là xếp vào hũ vàng, táng ngoài biển sâu, nếu là quan thì bỏ vào hũ đồng, táng nơi cửa biển, thứ dân hũ sành, táng xuống sông.

Nam nữ đều cắt hết tóc, đi theo đám tang đến bến nước, tất cả đều hết sức thương xót, nhưng giữ yên lặng, quay về cũng không khóc. Cứ 7 ngày, lại đốt hương, thả hoa, than khóc, hết sức thương tâm. Hết 49 ngày thì thôi, đến 100 ngày, 3 năm, cũng làm lễ như thế. Tất cả chúng man đều thờ Phật, chữ viết giống như của Thiên Trúc vậy [6].

Sau khi Cao Tổ dẹp yên nhà Trần, [Lâm Ấp] bèn khiến sứ giả đến cống phương vật, sau đó việc triều cống cũng chấm dứt. Đúng thời thiên hạ vô sự, quần thần nói Lâm Ấp có nhiều thứ quý giá hiếm lạ. Thấy tuổi đã về chiều, hoàng đế bèn sai đại tướng quân Lưu Phương làm hành quân tổng quản [8] đạo Hoan Châu, mang theo thứ sử Khâm Châu Nịnh Trường Chân, thứ sử Hoan Châu Lý Vựng cùng hơn vạn quân bộ, quân kỵ và vài ngàn tội phạm đánh tới. Vua Lâm Ấp là Phạm Chí đưa xe trận và voi chiến ra cự địch, quân Lưu Phương bất lợi. Vì vậy Phương cho đào nhiều hầm hố, phủ cỏ ẩn phục, nhân đó cho quân khiêu chiến. Phạm Chí cùng voi xe và quân lính vào trận, Phương chờ đợi, giả thua, Phạm Chí đuổi theo, đến các hầm phủ cỏ, hầu hết bị sa xuống hố, trở nên hoàn toàn hoảng loạn. Phương tung lính ra đánh, đại phá quân Lâm Ấp. Bị thất bại nặng nề, cuối cùng chúng phải bỏ thành chạy trốn. Phương tiến vào thành, bắt giữ thủ đền, thu được 18 núm chuông, tất cả đều đúc bằng vàng, bởi vì họ có 18 đời vua vậy. Phương đem quân về, Phạm Chí lại trở về nơi cố địa, bèn sai sứ đến tạ tội, từ đó triều cống không dứt.
___________________________________

Người dịch: Hà Hữu Nga

Nguồn: 隋書/ 82,卷八十二,列傳第四十七,南蠻.Tùy thư/ Quyển bát thập nhị - Liệt truyện, Đệ tứ thập thất.

Ghi chú của người dịch

[1] Quân trưởng (君長) khởi từ việc Tần Thủy Hoàng đánh về phía đông, tạo dựng chế độ quận huyện với hệ thống quan chế chuyên quản lý quận Mân Trung, đến Tần mạt thì bỏ. Thời gian 222 - 221 TCN, Tần thôn tính Sở và Việt, sau đó tiến vào vùng nam bộ Chiết Giang và Phúc Kiến ngày nay, chinh phục địa phận của người Việt. Nhà Tần phế bỏ quốc vương Vô Chư (sau đó thành Mân Việt vương) lấy An Chu làm quân trưởng, lấy vùng đất thuộc quận Mân Trung của ông ta, nhưng sự khống chế của Tần lúc ấy còn ít, trong quận hầu như không bố trí cấp huyện. Sử sách không ghi thời gian bỏ quận Mân Trung. Nhưng sau đó Vô Chư tiến về phía bắc ra sức giúp Hán đánh Sở, Hán Cao Tổ phong Vô Chư làm Mân Việt Vương, Diêu (con của An Chu) làm Đông Âu Vương, phong cho vùng đất họ cai quản là Mân Việt quốc và Đông Âu quốc, việc sắp đặt quận Mân Trung không còn tái xuất hiện nữa, chức quân trưởng cũng bị phế bỏ theo. [史記-東越列傳“Sử kí - Đông Việt liệt truyện”].

[2] Công tào (功曹), quan chức thời cổ ở Trung Quốc; còn gọi là công tào sứ. Bắt đầu có từ thời Tây Hán, thời Tần cũng có chức quan này, chính Tiêu Hà đồng hương với Lưu Bang làm chức quan này. Nhưng với quận thủ, thì huyện lệnh chủ yếu lại là tá lại giúp việc. Thời Đông Hán các châu cũng có công tào, nhưng tên gọi thì có thay đổi. Nếu là người thuộc Ty lệ hiệu úy thì gọi là công tào tòng sự, ở dưới có môn công tào thư tá cùng trợ giúp xử lí tuyển dụng nhân viên. Những công tào tòng sự khác thì đổi gọi là trị trung (Thời Tây Hán Nguyên đế đặt chức quan này, tên đầy đủ là trị trung tòng sự sứ, còn gọi là trị trung tòng sự, là quan phụ tá cao cấp duy nhất cho thứ sử các châu, tương đương với phó trưởng châu). Các thời tiếp theo đều có chức danh này. Đến Lưỡng Tấn, Nam Bắc triều hầu hết đều đổi gọi Tây Tào, đồng thời còn có công tào tòng sự, công tào sứ, tây tào thư tá, tây tào tham quân. Các châu phủ thời Bắc Tề có công tào tham quân sự, người thuộc quyền quận thủ thì đều gọi là công tào. Tùy Dượng Đế bỏ châu giữ lại quận, đổi công tào thành thư tá. Thời nhà Đường tại vương phủ, đô đốc phủ đều bố trí công tào tham quân sự ở các châu gọi là ty công tham quân sự. Quyền lực của công tào thời Hán đạt mức tối thịnh. Công tào quận, ngoại trừ nhân sự, thường tham gia nắm bắt nội tình sự vụ toàn quận. Công tào tòng sự Ti lệ hiệu úy thì đương nhiên, thực sự là trợ lý của trưởng quan. Bắt đầu từ thời Ngụy, Tấn công tào chỉ còn quản lý các sự vụ của cơ quan mà thôi.

[3] Huyện lệnh (縣令) là vị trí huyện trưởng, cái tên huyện lệnh có từ thời Chiến Quốc (TK 5-3 TCN). Thời cổ mỗi huyện có một người đứng đầu, quản lý và chịu trách nhiệm mọi mặt về nhân sự, hành chính, tư pháp, thẩm phán, thuế khóa, lao dịch, binh dịch, an ninh của bách tính. Dưới quyền huyện lệnh có huyện thừa, chủ bộ, huyện úy, điển sứ (người phụ tá làm việc vặt cho huyện lệnh), v.v.

[4] Đàn Hòa Chi (檀和之 ? - 456) người Kim Hương, Cao Bình, là tướng lĩnh nhà Lưu Tống (420-459). Hòa Chi là con trai của tướng Đông Tấn Đàn Bằng Chi. Năm Nguyên Gia thứ 23 (446, Lưu Tống Văn đế lấy Hòa Chi làm Long tương tướng quân, thứ sử Giao Châu, chinh phạt nước Lâm Ấp. Vua Lâm Ấp Phạm Dương Mại sai sứ dâng biểu, xin trả dân chúng Nhật Nam đã bắt đi, dâng hiến trân bảo trong nước. Tháng 2 ÂL, quân Tống đến Chu Ngô thú, Hòa Chi sai Phủ hộ tào tham quân, Thái thú Nhật Nam Khương Trọng Cơ, gặp Dương Mại tuyên chiếu, Dương Mại bắt bọn Trọng Cơ, Tinh Nô 28 người, sai Hoằng Dân quay về gởi lời xin hàng, nhưng lại tổ chức phòng bị nghiêm mật hơn. Bọn Cảnh Hiến bèn tiến quân nhắm đến thành Khu Túc, Dương Mại sai đại tướng Phạm Phù Long Đại giữ Khu Túc. Cảnh Hiến phá tan ngoại viện, rồi đánh thành; tháng 5 Âl, phá được, chém đầu Phạm Phù Long Đại, cướp được rất nhiều của cải. Quân Tống thừa thắng chiếm thành Lâm Ấp, cha con Dương Mại bỏ trốn. Hòa Chi nhờ công được nhận chức Hoàng môn thị lang, lãnh Việt kị hiệu úy, Hành Kiến vũ tướng quân.  Tháng 10 ÂL năm thứ 24 (447), Hòa Chi rời chức Giao Châu thứ sử quay về, đi qua Dự Chương, gặp lúc dân Dự Chương là Hồ Đản Thế nổi dậy chống nhà Tống, bèn đánh dẹp, bắt chém Đản Thế. Triều đình luận công đánh Lâm Ấp, ông được phong Vân Đỗ huyện tử, thực ấp 400 hộ. Năm Nguyên Gia thứ 27 (450), Hòa Chi được thăng từ Thái tử tả vệ soái lên làm Trấn quân tư mã cho Vũ Lăng vương Lưu Tuấn, Phụ quốc tướng quân, Thái thú Bành Thành. Lưu Tuấn lên ngôi, là Hiếu Vũ đế, lấy Hòa Chi làm Hữu vệ tướng quân. Năm Hiếu Kiến thứ 2 (455), được ban chức Phụ quốc tướng quân. Năm thứ 3 (456), được bổ Thứ sử Nam Duyện Châu, bị kết tội say sưa, tham ô, đưa nữ phạm nhân về nhà, nên bị miễn quan giam giữ. Ông mất trong năm ấy, được truy tặng Tả tướng quân, thụy là Tương tử. Sau được gia tặng An Bắc tướng quân, cải thụy hiệu là “Tráng hầu”  (晋書; Tấn thư, Q. 97, liệt truyện 67 – Di Man truyện; 資治通鑒 quyển 124, 125, 127 – Tống kỷ 6, 7, 9)

[5] Tuy nhiên cụm từ 衣朝霞布 y triều hà bố” này vẫn gây tranh cãi, Hirth và Rockhill [(Hirth Friedrich and W. W. Rockhill (1911). Chau Ju-kua, his work on the Chinese and Arab trade in the twelfth and thirteenth centuries, entitled Chu-fan-chï. Translated from the Chinese and Annotated by Friedrich Hirth and W. W. Rockhill (St. Petersburg: Printing Office of the Imperial Academy of Sciences, 1911, p.218)] cho 朝霞 “triều hà” là phiên âm của từ tiếng Sanskrit kauseya, कौशेय có nghĩa là tơ lụa. Còn Beal và Pelliot thì lại hiểu 朝霞布 theo nghĩa đen, là buổi sáng, bình minh hoặc hoàng cung; còn nghĩa là những tia sáng màu hồng thẫm, rực rỡ hệt như bầu trời lúc bình minh vậy (Beal, Samuel (1884) Buddhist Records of the Westwen World, Vol. I. London, p.166.). Theo cách hiểu đó, Pelliot diễn giải cụm từ trên là “ánh hồng-bình minh” (Pelliot, Paul (1959). Note on Marco Polo I : Ouvrage Posthume, Paris, p.453)).  

[6] Thiên Trúc (天竺) là tên người Trung Quốc thời cổ gọi Ấn Độ. Sử Trung Quốc ghi chép sớm nhất về Ấn Độ là tác phẩm “Sử ký – Đại Uyển truyện” (Đại Uyển - Ferghana ở Trung Á, nay thuộc về Uzbekistan, Tajikistan, và Kyrgyzstan*), thời đó gọi Ấn Độ là Thân Độc (âm Hán ngữ thời thượng cổ [n̥iŋdˁuk]) (Phạn văn là “Sindhu” (सिन्धु*). Theo Sử ký: Trương Khiên [7] viết: “Trong thời gian thần lưu tại Đại Hạ (大夏國 - Bactria) thấy có gậy trúc đất Cung (nay thuộc tỉnh Sơn Đông), vải đất Thục”. Lại hỏi: “Làm sao có thể như vậy được.” Người nước Đại Hạ nói: “Thương nhân nước tôi đến buôn bán với nước Thân Độc, nước Thân Độc ở phía đông nam Đại Hạ, cách vài ngàn dặm.” Sách “Hậu Hán thư – Tây Vực truyện” ghi: “Nước Thiên Trúc có tên là Thân Độc, cách Nguyệt Thị (月氏 – Tokharia, Trung Á) vài ngàn dặm về đông nam”. Những năm đầu nhà Đường chính thức gọi là “Thiên Trúc”, tên ấy trong tiếng Hán trung cổ đọc là: [tʰenʈiuk]), đúng là phương ngữ phía Nam đọc theo âm dịch là “Sindhu”; “Hiền đậu” [ɦen dəu], “Quyến đốc” [kʷiɛntuok]), “Can đốc” [gian tuok]) đều gọi theo ngôn ngữ âm dịch Ba Tư ngữ là “Hindu”; người Ba Tư đọc “Sindhu” thành “Hindu”; người Hy Lạp đọc “Hindu” thành “Indu”. Cao tăng Huyền Trang đời Đường đến Tây Vực lấy kinh, căn cứ vào âm “Indu” mà đọc thành tên chính thống là “Ấn Độ” ([ʔinduo]). Sách “Đại đường Tây Vực kí” viết: “Danh xưng Thiên Trúc, tranh chấp giằng co, xưa gọi Thân Độc, hoặc kêu Thiên Trúc, nay theo chính âm là Ấn Độ. (Huyền Trang, “Đại Đường Tây vực kí”, quyển nhị - 玄奘,《大唐西域記》卷二).

[7] Trương Khiên (張騫 164? - 114 TCN) tự Tử Văn, người Thành Cố, quận Hán Trung, thời Tây Hán (nay thuộc huyện Thành Cố, tỉnh Thiểm Tây), là một nhà du lịch, thám hiểm và ngoại giao vĩ đại của Trung Quốc. Phụng mệnh Hán Vũ đế, rời Trường An đi Tây Vực (nay thuộc bồn địa Tarim vùng Tân Cương sang Trung Á), hai lần bị quân Hung Nô cầm tù, trải qua 13 năm tìm đường quay về Trường An phục mệnh, nhân đó mà khai thách thành công con đường tơ lụa. Nhân công tích vĩ đại của ông, Hán Vũ đế phong Trương Khiên hàm Bác Vọng hầu, với ý “nhìn xa trông rộng”, còn có chủ ý gọi ông là Trương Bác Vọng, ban cho ông vùng đất Bác Vọng (nay thuộc thị trấn Bác Vọng, huyện Phương Thành, tỉnh Hà Nam). Vì nhà Hán với Tây Vực có được mối quan hệ hữu hảo nhờ cống hiến trọng yếu của ông, nên ông được ca ngợi là “người Trung Quốc hạng một mở mắt nhìn ra thế giới”.

[8] Hành quân tổng quản (行軍總管), tên chức quan, có từ thời Bắc Chu (557 - 581).  Thời chiến tạm thời nhận lệnh lấy đại thần thống suất binh mã xuất chinh, khi xong việc thì bãi chức. Khi có những hoạt động quân sự hệ trọng thì lệ thuộc vào hành quân nguyên soái. Sách Chu thư, Tuyên đế kỷ có viết: “Thượng trụ quốc, Vân quốc công là Hiếu Khoan làm hành quân nguyên soái, mang theo hành quân tổng quản, Kỷ quốc công Lượng, Thành quốc công Lương Sỹ Ngạn đi đánh Trần (557-589).  Nhà Tùy cũng theo đó mà bố trí chức quan này. Năm Khai Hoàng thứ 10 (590), Lý Lăng, người Giang Nam dấy binh chống lại nhà Tùy, Văn Đế lấy Dương Tố làm hành quân tổng quản, đưa quân đi chinh phạt. Bắt đầu từ thời nhà Tùy, hành quân tổng quản dần dần trở thành chánh trưởng quan quân địa phương, hoặc chỉ huy một đạo hoặc vài đạo quân chính. Thời Đường đổi thành đô đốc, thời Ngũ đại lại lấy đô tổng quản làm thống suất tối cao. Triều Tống đổi thành đô tổng quản, phó tổng quản.   

* Những chỗ có đánh dấu (*) cũng là ghi chú của người dịch.


Thứ Bảy, 27 tháng 10, 2018

Tân Đường thư. Nam Chiếu tục (I)


Năm Nguyên Hòa thứ 3 (808), Dị Mưu Tầm chết, lệnh cho quan thái thường khanh [1] Vũ Thiếu Nghi chủ trì điếu tế. Con trai Tầm Các Khuyến kế vị, còn gọi là Mộng Thấu, tự xưng “phiếu tín”, trong ngôn ngữ man nghĩa là vua vậy. Xin đổi con dấu Nguyên Hòa. Năm sau chết, con trai Khuyến là Long Thịnh lên ngôi, hoang dâm buông thả thậm trái đạo, trên dưới người người đều oán giận chán ghét. Năm thứ 11, bị tiết độ sứ Lộng Đống Vương Tha Điên giết, đưa em Thịnh là Khuyến Lợi lên ngôi. Lệnh cho Thiếu phủ Thiếu giám Lý Tiển đứng ra lo lập điếu tế sứ. Khuyến Lợi cảm kích công đức của Tha Điên, ban cho họ Mông, phong làm “Đại Dong” (đại huynh*), người man gọi huynh là “dong”. Năm Trường Khánh thứ 3 (823), khởi điểm ban ấn. Đến đầu năm sau chết, em là Phong Hựu kế vị. Phong Hựu cực kỳ can đảm, giỏi dùng người dưới, kính mộ Trung Quốc, không muốn gắn liền với tên tuổi của cha. Mục Tông (làm vua từ 820-824) sai quan thiếu doãn (phó phủ doãn, hàm tòng tứ phẩm*) Kinh Triệu (kinh đô Trường An và vùng phụ cận*) Vi Thẩm Quy chủ trì lễ sách phong. Phong Hựu sai Hồng Thành Tù, Triệu Long Ta, Dương Định Kỳ vào tạ ơn thiên tử.

Sau đó, tiết độ sứ Tây Xuyên Đỗ Nguyên Dĩnh cai trị hống hách, che giấu, bê trễ, tham lam, lừa dối, đó là thời Đại Hòa năm thứ 3 (829) vậy. Tha Điên hiểu tường tận chúng ỉm đi việc Cung Châu [2], Nhung Châu [3], Tây Châu [4] bị đánh chiếm. Vào Thành Đô, dừng lại ở vùng ngoại thành phía tây 10 ngày, an ủi, tặng thưởng cho cư dân, mua bán không quấy nhiễu. Vừa mới quay về thì con trai con gái, hàng vạn tay nghề có kỹ xảo đã bị cướp đoạt đưa tới phương nam, người ta sợ hãi mà tự sát, vì chẳng còn cách nào hơn. Viện binh giải cứu truy đuổi, Tha Điên tự thân bảo vệ, tới sông Đại Độ [5] nói với bọn người Hoa: “Giờ đây ta ở phương nam, các ngươi hãy về nước đi, đừng có khóc nữa”. Chúng gào to, lao mình xuống sông chết đến 30 tên. Nam Chiếu tự cho mình là khéo léo, có giáo hóa, với Trung Quốc là ngang hàng. Năm sau dâng biểu cầu xin tha tội. Hàng năm đều sai sứ về triều, thời Khai Thành (836 - 840), Hội Xương (841 - 846) đều nhiều lần tới.

Thời Đại Trung (847 - 860), Lý Trác [6] làm An Nam kinh lược sứ, tàn khốc tham lam, tư lợi cho riêng mình, ban lệnh độc ác một đấu muối đổi lấy một con trâu hoặc một con ngựa. Man dân không thể chịu đựng nổi, kết giao với tướng Nam Chiếu là Đoàn Tù Thiên đánh chiếm An Nam Đô họ phủ, xưng là “đoàn quân cảm tử áo trắng” (những chữ dùng để dịch 白衣沒命軍- bạch y một mệnh quân - trong bản dịch An Nam Chí lược của Viện Đại học Huế, Uỷ ban Phiên dịch Sử liệu Việt Nam, 1961, đoạn viết về Lý Trác  phần Việt dịch tr. 168*), Nam Chiếu đưa ra 3000 trợ thủ với nỏ đai da. Nhưng các khoản triều cống hàng năm vẫn còn rất nhiều. Đỗ Tông từ Tây Xuyên về triều tấu chẳng phải trong triều thê thiếp nhiều lắm sao. Phong Hựu giận dữ, ngay lập tức kiêu mãn cật vấn con cháu. Nhân Tuyên Tông băng (năm 859), sứ giả báo tang. Đúng lúc đó Phong Hựu cũng chết, quan thản xước Tù Long kế vị, do oán hận triều đình nên không phúng viếng tang lễ; lại ban chiếu thư thông báo cho bá quan và thần dân cầu xin ơn huệ của cố vương. Lấy cơm rau (草具 thảo cụ) [7] dâng mời sứ giả mà đuổi về. Rồi tiếm xưng hoàng đế, đặt niên hiệu là Kiến Cực, tự xưng Đại Lễ quốc. Ý Tông (làm vua từ 859 – 873*) thấy danh hiệu ấy gần với húy kỵ của Huyền Tông (làm vua từ 712 – 756*) nên chấm dứt việc triều cống.

Rồi lại chiếm Bá Châu [8]. Quan đô hộ An Nam là Lý Hộ đóng quân phòng thủ Vũ Châu [11], Hàm Thông nguyên niên (năm 860), bị người man tấn công nên bỏ châu quận mà chạy. Thiên tử phế bỏ Hộ, lấy Vương Khoan [12] thay. Năm sau man lại đánh Ung Quản [13], kinh lược sứ Lý Hoằng vì ít quân, không thể cự lại được, nên đã chạy sang Loan Châu. Quay lại chuyện Nam Chiếu. Lệnh cho điện trung giám [16] Đoàn Văn Sở [17] làm kinh lược sứ, cân nhắc thay đổi các điều ước, chúng man không thuận, nên mới lấy Hồ Hoài Ngọc thay vào. Nam Chiếu biết người biên giới thậm khốn khổ, lại thêm nạn cướp bóc, nên không để bọn cướp thâm nhập. Đỗ Tông [19] coi sóc việc nước, là bậc chúa tể về mưu lược, sai sứ giả điếu tế rất ân tín, đồng thời vua Nam Chiếu với cái tên đáng ngờ, ban lệnh chưa thể tuyển chọn, đương nhiên thay đổi tên mới được phong. Hoàng đế bèn lệnh cho tả tư lang trung [20] Mạnh Mục cầm cờ tiết mà đi. Gặp lúc Nam Chiếu chiếm Tây Châu, Mục không đi.

Ở An Nam có ngươi Đào Lâm, ẩn cư ở đồng lũng Lâm Tây (Tây Bắc ngày nay), làm chủ Thất Động tên Lý Do Độc, năm này qua năm khác phòng giữ vùng biên giới. Ở An Nam, Lý Trác dâng tấu xin bãi đạo binh phòng thủ mùa đông gồm 6000 tên, vì Do Độc có thể ngăn cản man tặc xâm phạm cướp phá. Nhưng rồi tù trưởng man đã gả con gái cho con trai của y, Do Độc bèn tuân phục đưa người của mình theo man tặc. Khoan không thể chế ngự nổi. Ba năm lấy quan sát sứ Hồ Nam là Thái Tập [24] thay Khoan, đem toàn bộ đạo binh 2 vạn tên lên vùng biên ải đồn trú, Nam Chiếu kinh hãi không dám xâm phạm.

Đúng lúc đó triều đình ban chiếu cho tả thứ tử [25] Thái Kinh cai quản Lĩnh Nam. Vốn ganh ghét công lao của Tập, lại tồi bại và đầy tham vọng, Thái Kinh sàm tấu về triều như sau: “Phương nam vô lo, kẻ vũ phu mong cầu huân công, phần lớn là bóc lột quân binh, tiêu phí binh quỹ, nên thỉnh cầu triều đình bãi bỏ thú binh, dè xẻn chi dùng tiền của”. Để Tập cai quản thì không thể, chỉ hòng lưu giữ 5000 tên lính thú, phần hao hụt không bù lại được. Trường hợp xấu nhất là Nam Chiếu rình mò để tìm thời cơ, thì vẫn còn 10 phần sẵn sàng chết. Triều đình mê đắm buông thả, bất tỉnh rồi. Kinh lại dâng tấu biểu, quá đắc ý, liền được ban chiếu cho làm tuyên úy an phủ sứ [26]. Tức thì đưa ra chủ kiến chia tách Quảng Châu thành Lĩnh Nam Đông đạo, Ung Châu là Tây đạo, gộp các châu Cung, Tượng, Đằng, Nham thành Lệ Châu. Rồi phong cho Kinh chức tiết độ sứ Tây đạo. Kinh hẹp hòi, ganh ghét, đố kỵ, tham lam, khe khắt, điều lệnh khắc nghiệt, đặt ra các hình luật sấy người, hun khói, cắt thịt, chém, cai trị độc ác, khiến cho quân lính truy đuổi, phải tháo chạy về Đằng Châu, làm giả ấn công thảo sứ, triệu tập hương binh coi như quân binh của đạo đó mà tấn công Ung Châu. Lấy quan sát sứ Quế  Quản (gồm 13 châu là Quế Châu, Ngô Châu, Hạ Châu, Liên Châu, Liễu Châu, Phú Châu, Chiêu Châu, Hoàn Châu, Dung Châu, Cổ Châu, Tư Đường Châu, Cung Châu, và Tương Châu*) Trịnh Ngu thay làm Tiết độ sứ.

Nam Chiếu tấn công Giao Châu, tiến tới chiếm An Nam, Tập kêu cứu, điều động 5000 quân Hồ Nam, Kinh Châu, Quế Châu phòng thủ Ung Châu. Vi Trụ (Lĩnh Nam Đông lộ Tiết độ sứ*) tấu về triều: “Nam Chiếu chắc chắn sẽ đánh úp Ung Quản, nếu không phòng bị trước thì cương vực của mình thành của người, nên phải uy hiếp, quấy phá, cắt đứt con đường vận lương, xem dám đến không.” Bèn lệnh cho Tập đem quân đến Hải Môn, sai Trịnh Ngu chia binh lính ra mà phòng ngự. Tập yêu cầu viện binh, lấy 1000 quân từ Sơn Nam Đông Đạo đến trợ giúp. Các tướng tù trưởng Nam Chiếu Dương Tư Tiếm, Ma Quang Cao đưa 6000 quân tiến chiếm thành lũy mà đóng quân. Tháng Giêng, năm Hàm Thông thứ 4 (863), tình hình ngày càng nguy cấp, Tập ghi lại lời thề của Dị Mưu Tầm, buộc vào mũi tên, bắn vào doanh trại của Nam Chiếu, nhưng không có hồi đáp. Ngay sau đó thành bị chiếm, gia đình Tập 70 người tử nạn, liêu thuộc Phàn Xước ôm ấn tín của Tập qua sông chạy thoát được. Lính Kinh Nam (thuộc các huyện Giang Lăng, Tỷ Quy, Tây Lăng của Hồ Bắc ngày nay*) thọc sâu vào phía đông thành cố đánh, chém được 2000 thủ cấp quân Nam Chiếu. Đêm đó, quân man thỏa sức chém giết toàn thành. Ban lệnh cho các đạo quân bảo vệ Lĩnh Nam, lại lấy kinh lược sứ Tần Châu là Cao Biền làm An Nam đô hộ. Hoàng đế thấy thua liên tiếp nên bỏ du ngoạn, không tấu nhạc, tể tướng Đỗ Tông thấy có gì đó không ổn, nhưng chỉ lặng im.

Nam Chiếu dần dần uy hiếp Ung Châu, Trịnh Ngu tự chứng tỏ mình không phải có tài cầm quân, nên tình nguyện thay bằng người khác. Nhân lúc Khang Thừa Huấn [27] từ Nghĩa Thành về triều, bèn nhậm chức Tiết độ sứ Lĩnh Nam Tây đạo, đưa hàng vạn quân Kinh Châu (nay thuộc vùng Hồ Nam, Hồ Bắc, Quảng Tây, Quý Châu*), Tương (Hồ Nam, Hồ Bắc*), Hồng, Ngạc (tỉnh Hồ Bắc ngày nay*) cùng đi. Thừa Huấn không chấp nhận ít quân, bèn đại phát triển các đạo binh tới 5 vạn tên. Tháng 6, lên đường đi Giao Châu ở Hải Môn, được tiến cử làm đô hộ phủ, điều một vạn quân binh Sơn Đông tăng thêm cho việc phòng thủ biên ải, lấy Kinh lược sứ Dung Quản là Trương Nhân trấn giữ. Vì có lệnh làm Kinh lược An Nam, nên Nhân phải ở lại, không dám tiến quân. An Nam bị đánh chiếm, quan lại nhiều người bị bỏ rơi ở các vùng khê động, lệnh cho quan sở tại tìm kiếm giúp đỡ đưa về, miễn thuế cho An Nam hai năm.

Vi Trụ xin phân binh phòng giữ Dung Châu, Đằng Châu để chia tách thế lực của giặc man. Năm thứ 5 (864), Nam Chiếu quay lại cướp Tây Châu và quấy nhiễu vùng Tây Nam. Tiết độ sứ Tây Xuyên là Tiêu Nghiệp hấp tấp gặp phải chúa vương quỷ man chặn ở Đại Độ Hà, bại luôn. Năm sau trở lại đánh tiếp. Gặp lúc thứ sử Dụ Sĩ Trân tham lam quỷ quyệt, lén đoạt lấy hai quan ải Lâm Đông của người man, cam kết bán đi, đổi lấy vàng của người man, cố tình mở cửa đầu hàng. Nam Chiếu giết hết lính phòng thủ, riêng Sĩ Trân thuận lòng thần phục giặc man. An Nam phải phòng thủ lâu dài, binh lính tinh nhuệ Lưỡng Hà (sau loạn An Sử gọi hai đạo Hà Nam và Hà Bắc là Lưỡng Hà) chết vì lam chướng đến bảy phần mười, Tể tướng Dương Thu [28] bàn thảo về việc bãi Bắc quân, lấy Giang Tây làm Trấn Nam quân, tuyển mộ 2 vạn lính bắn nỏ mạnh khỏe phục vụ dưới quyền tiết độ sứ, vả chăng vùng đất đó lại gần kề tiện lợi, trao đổi, thuế khóa đều phát đạt. Ban chiếu ưng cho. Hạ Hầu Tư [(người đất Tiếu, Bạc Châu, thời Đường Tuyên Tông vốn là Binh bộ Thị lang, thăng làm Đồng trung thư môn hạ bình chương sự (tể tướng), thời Đường Ý Tông phong làm Tư không, rồi lại bãi chức)] cũng biết Trương Nhân hèn kém, không đủ năng lực, bèn trao quyền thống suất quân binh cho Cao Biền. Sau đó Biền tuyển chọn 5000 quân vượt sông đánh bại quân Lâm Ấp ở Ung Châu, tấn công đồn binh Nam Chiếu ở Long Châu, thủ lĩnh man là Thiêu Ti Húc bỏ chạy. Tù Long sai Dương Tập Tư giúp Tù Thiên cùng giữ An Nam, lấy Phạm Nễ Ta làm An Nam đô thống, lấy Nặc Mi làm phụ tá đô thống. Tháng 6 năm Hàm Thông thứ 7 (866), Biền đến Giao Châu, đánh thắng mấy trận, binh sĩ thả cửa đánh giết, chém được tướng giặc Trương Thuyên. Lý Tra Long đánh lấy được thành, hàng vạn man tặc hàng phục, phá đổ ba vòng thành. Tập Tư xuất chiến thất bại, quay đầu bỏ chạy vào thành. Quân sĩ đuổi theo, vượt tường thành tiến vào, chém Tù Thiên, Thúy Ta, Nặc Mi, giao nộp ba vạn thủ cấp, An Nam yên ổn.
__________________________________________

Người dịch: Hà Hữu Nga

Nguồn: 新唐書/222中;南蠻中,南詔續 - Tân Đường thư Quyển 222; Nam man trung, Nam Chiếu tục.

Chú thích của người dịch

[1] Thái thường khanh (太常卿) là vị quan to cai quản việc xây dựng thực hành các lĩnh vực liên quan đến các nghi thức, phép tắc, lễ tiết của con người và thần linh, các điều lành dữ, nghi thức hôn nhân, tân khách, quân binh cùng với chuông trống ngọc lụa các loại thể hiện sự tôn nghiêm của quan viên, tức là trật tự tông pháp thời Đường Ngu; dòng phái tổ tiên thời nhà Chu; đạo lý phụng mệnh triều Tần, cấp bậc, trì thủ tước vị cửu khanh từ thời nhà Chu đến thời nhà Hán, gồm: Thiếu Sư 少師, Thiếu phó 少傅, Thiếu bảo 少保, Trủng tể  冢宰, Tư đồ 司徒, Tông Bá 宗伯, Tư mã 司馬, Tư khấu 司寇, Tư không 司空, là những địa vị mười phần cao trọng, kiêm quản mọi lĩnh vực của đời sống. Vị tổ của thái thường thời Đường Ngu chính là trật tự tông pháp Bá Di. Thái thường vốn chỉ thiên tử nhà Chu tế tự dựng lên Tam thần kỳ (ba lá cờ thần) đại biểu cho giới vương giả. Tam thần kỳ bao gồm nhật thần kỳ (日辰旗), nguyệt thần kỳ (月辰旗), tinh thần kỳ (星辰旗). Tam thần kỳ là tượng trưng cho ánh sáng của trời. Tam thần tượng trưng cho trời, cho hạo thiên (trời rộng) thượng đế, cho thiên đạo. Thuộc quan của thái thường có thái nhạc, thái chúc, thái tể, thái sử, thái bốc, thái y tất cả là 6 chức quan phụ tá cai quản từng lĩnh vực lễ nghi riêng gồm: âm nhạc, cúng tế, cung phụng, thiên văn lịch pháp, bói toán, chăm lo bệnh tật. Thời nhà Hán thái thường thuộc Thái úy bộ, phụ trách lễ nghi tế tự. Đến thời nhà Tấn, Nam Triều thì chia thành duy nhất 9 quan khanh, thời nhà Tùy thì có 9 dinh quan nắm giữ. Hai triều Đường Tống thì lập tự khanh, thiếu khanh phụ trách các sự vụ về lễ nhạc, tế giao, tế tổ tiên, xã tắc.

[2] Cung Châu (邛州) được nhà Lương lập vào  thời Nam Bắc triều tại Trung Quốc, những năm đầu nhà Đường, trị sở đặt tại huyện Nghi Chính, nay ở phía đông nam thành phố Đông Lai, tỉnh Tứ Xuyện. Thời Hiển Khánh (656 - 661) chuyển trị sở về huyện Lâm Cung, nay thuộc thành phố Cung Lai, huyện Đại Ấp, huyện Bồ Giang, tỉnh Tứ Xuyên. Thời nhà Đường đã từng đổi Cung Châu thành quận Lâm Cung. Những năm đầu triều Minh bị giáng cấp thành Cung Huyện, thời Thành Hóa (1464 - 1487) đổi thành Cung Châu trực thuộc Lệ Châu. Triều Thanh vẫn theo như vậy. Năm 1913 bỏ Cung Châu, đổi thành huyện Cung Lai.

 [3] Nhung Châu (戎州), được nhà Lương thành lập vào niên hiệu Đại Đồng (544) thời Nam Bắc triều, cai quản huyện Bặc Đạo, nay thuộc tây nam thành phố Nghi Tân, tỉnh Tứ Xuyên. Thời Bắc Chu đổi thành huyện Ngoại Giang, thời nhà Tùy khôi phục tên huyện cũ Bặc Đạo, đều dời trị sở đến nơi mà ngày nay là thành phố Nghi Tân, Tứ Xuyên. Thời Tùy Dượng Đế, những năm đầu niên hiệu Đại Nghiệp (605 - 617) đổi thành quận Kiền Vi, Đường Cao Tổ Vũ Đức nguyên niên (năm 618) khôi phục lại Nhung Châu, địa vực tương đương các huyện Nghi Tân, Nam Khê, Bình Sơn thuộc tỉnh Tứ Xuyên ngày nay. Năm Trinh Quán thứ tư (630) lập đô đốc phủ. Thời Thiên Bảo (742 - 756) về sau lập các châu huyện ki mi thuộc địa phận Nam Chiếu. Thời nhà Đường việc cai quản các châu huyện luôn thay đổi, Châu Vũ Đức cai quản huyện Nam Khê (nay là trang trấn Đông Lý, thành phố Nghi Tân, tỉnh Tứ Xuyện). Niên hiệu Trinh Quán khôi phục lại huyện Bặc Đạo, Trường Khánh cũng cai quản huyện Nam Khê. Thời Trinh Nguyên tái cai quản huyện Bặc Đạo. Năm Chính Hòa thứ 4 (1114) thời Bắc Tống đổi thành Tự Châu. 

[4] Tây Châu () được Vũ Lăng vương Tiêu Kỷ nhà Lương lập ra vào niên hiệu Đại Đồng (năm 537) thời Nam Bắc Triều. Năm Thiên Hòa thứ 5 (570) thời Bắc Chu đổi thành châu Tây Ninh, rồi lại đổi thành Nghiêm Châu. Niên hiệu Khai Hoàng thứ 6 (năm 586) khôi phục châu Tâu Ninh, năm thứ 18 lại đổi thành Tây Châu, trị sở đặt tại huyện Việt Tây, nay là thành phố Tây Xương, tỉnh Tứ Xuyên. Địa vực tương đương các huyện Miện Ninh, Việt Tây, Mỹ Cô ở phía nam, Sa Giang phía tây, phía bắc, Diêm Nguyên, Diêm Tỉnh phía đông. Những năm đầu niên hiệu Đại Nghiệp (605 - 617) cũng đổi thành quận Việt Tây. Năm Vũ Đức nguyên niên (618) thời nhà Đường khôi phục Tây Châu. Bố trí đô đốc phủ cai quản 16 châu ki mi. Năm Chí Đức thứ 2 (757) bị Thổ Phồn chiếm đoạt. Niên hiệu Trinh Nguyên thứ 13 (năm 797) lấy lại được. Thái Hòa thứ 5 (năm 831) châu trị thuộc về Nam Chiếu, năm thứ 6 chuyển trị sở về huyện Thai Đăng, nay thuộc phía nam huyện Miện Ninh, Tứ Xuyên. Sau thời Hàm Thông tất cả đều nhập vào Nam Chiếu, đổi thành phủ Kiến Xương.

[5] Đại Độ hà (大渡河), sông Đại Độ, xưa gọi là Mạt Thủy, Nga Thủy, Bắc Giang, Tập Thủy, Đại Độ Thủy, Mông Thủy, Lô Thủy, Lô Hà, Dương, Dương Sơn Giang, Trung Trấn hà, Ngư Thông hà, Kim Xuyên, Đồng Hà, chính là đại chi lưu của sông Dân Giang, hiện nay thuộc trung tây bộ tỉnh Tứ Xuyên, phát nguyên từ khu tự trị Ngọc Thụ Tạng tộc tỉnh Thanh Hải. Chảy về phía nam, nhập vào tỉnh Tứ Xuyên, phân chia A Bá Tạng tộc Lưu Kinh, châu tự trị Khương tộc, châu tự trị Cam Tư Tạng tộc, thành phố Nhã An, châu tự trị Lương Sơn Di tộc, thành phố Nhạc Sơn. Sông Đại Độ có hai bình nguyên, tây nguyên Ma Nhĩ Kha Hà và đông nguyên Đa Kha Hà, sau này gọi là Đại Kim Xuyên, tiếp vào Tiểu Kim Xuyên, sau gọi là sông Đại Độ. Năm 1863, Dực vương Thạch Đạt Khai của Thái Bình Thiên quốc đã từng bị vây khốn tại Đại Độ hà, quân tướng tranh nhau vượt sông không được, “hết sạch lương thảo phải ăn cỏ rễ, cỏ rễ cạn kiệt phải ăn thịt chiến mã, lại còn ốm đau bệnh tật hoành hành, chết thì gối đầu lên vài cuốn kinh” (平天國翼王石達開紫打地蒙難紀實碑文- Thái Bình Thiên quốc Dực vương Thạch Đạt Khai tử đả địa mông nan kỉ thực bi văn), cuối cùng toàn quân bị tiêu diệt sạch. Thời Vạn lý Trường chinh, Hồng quân công nông từng kiên cường vượt sông bằng cách lấy thừng chão làm cầu qua Đại Độ hà an toàn.

[6] Lý Trác (李琢) Thời Đường Tuyên Tông niên hiệu Đại Trung (847 - 860), An Nam Đô hộ Lý Trác “vi chính tham bạo”, ban cường lệnh: một đấu muối, đổi lấy 1 con trâu hoặc 1 con ngựa (以鹽一斗,交易牛或馬一頭 dĩ diêm nhất đấu, giao dịch ngưu mã nhất đầu), lại giết hại thủ lĩnh Đỗ Tồn Thành (蠻酋杜存誠 man tù Đỗ Tồn Thành) của người An Nam, làm cho dân chúng oán nộ, nhân đó kết giao với người Nam Chiếu tiến công An Nam đô hộ phủ. Sử gia Tư Mã Quang cho rằng: Dân chúng An Nam đối địch với nhà Đường là do bất mãn, “dẫn đường cho người Nam Chiếu xâm lăng cướp bóc biên cảnh”, dẫn đến hậu quả về sau Nam Chiếu trường kỳ tiến công An Nam đô hộ phủ. (司馬光.資治通鑑&;唐紀,胡三省注.北京:中華書局,1995 - Tư Mã Quang, Tư trị Thông giám; Đường kỉ, Hồ Tam Tỉnh chú, Bắc Kinh: Trung Hoa Thư cục 1995).

[7] Thảo cụ (草具) được giải thích là: i) Thứ đồ ăn bằng rau cỏ; ii) Thứ mới được làm sơ sài; iii) Dùng rau cỏ để làm ra một thứ vật dụng nào đó, kể cả đồ ăn. Giải thích rõ thêm: Đồ ăn bằng rau cỏ: “Sử ký – Phạm Thư, Thái Trạch liệt truyện” (史記范雎蔡澤列傳): “Tần vương chẳng tin, bắt ở quán trọ, ăn rau dưa, phải chờ hơn một năm” (秦王弗信,使舍食草具,待命歲馀 - Tần vương phất tín, sử xá thực thảo cụ, đãi mệnh tuế dư). “Chiến quốc sách - Tề sách tứ” (戰國策齊策四): “Nước Tề có Phùng Huyên, nghèo khốn đến nỗi khó mà tự mưu sinh, nhờ người đến cầu xin Mạnh Thường Quân cho ăn nhờ ở đậu trong nhà. Mạnh Thường Quân hỏi: “Vị khách đó có gì tốt đẹp?” Đáp: “Vị khách đó chẳng có gì tốt đẹp”. Lại hỏi: “Vị khách đó có tài cán gì?” Đáp: “Vị khách đó không có tài cán gì”. Mạnh Thường Quân cười mà đáp: “Được”. Tả hữu thấy Quân coi thường Phùng Huyên nên chỉ cho ăn rau dưa.” (齊人有馮諼者,貧乏不能自存,使人屬孟嘗君,願寄食門下。孟嘗君曰:客何好?」曰:客無好也。」曰:客何能?」曰:客無能也。」孟嘗君笑而受之曰:諾。」左右以君賤之也,食以草具Tề nhân hữu Phùng Huyên giả, bần phạp bất năng tự tồn, sử nhân chúc Mạnh Thường Quân, nguyện kí thực môn hạ. Mạnh Thường Quân viết: “Khách hà hảo?”, viết: “Khách vô hảo dã”. Viết: “Khách hà năng?” Viết: “Khách vô năng dã”. Mạnh Thường Quân tiếu nhi thụ chi viết: “Nặc”. Tả hữu dĩ Quân tiện chi dã, thực dĩ thảo cụ.)

[8] Bá Châu (播州) được lập ra dưới thời nhà Đường, từ năm 876 bắt đầu hình thành chính quyền cát cứ họ Dương tại Bá Châu, kéo dài liên tục cho đến tận nhà Minh. Năm Trinh Quán thứ 9 (năm 635), nhà Đường lấy quận Tang Kha thuộc huyện Tang Kha của nhà Tùy lập thành Lang Châu. Năm Trinh Quán thứ 11 (637) phế bỏ, năm Trinh Quán thứ 13 (639) khôi phục, đổi thành Bá Châu. Đã từng đổi tên là quận Bá Xuyên. Đặc sản địa phương: trúc đốm (斑竹) [9]. Có 490 hộ với 2168 khẩu. Cai quản ba huyện: Tuân Nghĩa, Phù Dung, và Đái Thủy. Về sau nhập vào Nam Chiếu. Niên hiệu Can Phù thứ 3 (năm 876), Dương Đoan đánh bại Nam Chiếu, tự lập làm minh chủ, hình thành chế độ thế tập thứ sử của gia tộc họ Dương. Đến thời nhà Nguyên đổi thành Bá Châu tuyên úy ty. Thời Minh chính quyền Bá Châu loạn, đổi Bá Châu tuyên úy ty thành phủ Tuân Nghĩa và phủ Bình Việt.  

[9] Trúc đốm (斑竹) tên khoa học là Phyllostachys bambusoides f. lacrimadeae, còn gọi là Tương Phi trúc 湘妃竹 [10]. Phyllostachys bambusoides forma. lacrima-deae, có nguồn gốc từ Hồ Nam, Hà Nam, Giang Tây và Chiết Giang, đặc biệt là vùng núi Cửu Nghi Sơn (九嶷山) ở Hồ Nam, giáp giới Quảng Đông, Trung Quốc. Thân trúc đốm rất hữu ích để làm cán bút viết chữ nho, đặc biệt được sử dụng cho thư pháp và hội họa. Có những chiếc bút lông từ thế kỷ thứ tám thuộc triều đại nhà Đường, ở Trung Quốc vẫn được bảo tồn Chính Thương viện (正倉院 - Shōsōin) Nhật Bản; trên thực tế, giá trị uy tín của trúc đốm rõ ràng là rất cao trong khi ở các kho báu vật Shōsōin còn lưu giữ cả những chiếc bút lông được làm từ một số loại tre giả trúc đốm.

[10] Tương Phi (湘妃): tương truyền là hai con gái của Đế Nghiêu tên là Nga Hoàng (娥皇) và Nữ Anh (女英). Khi Đế Nghiêu về già, ông thấy các con trai mải mê tửu sắc nên có ý chọn người khác kế thừa ngôi vị. Ông hỏi Tứ Nhạc đại thần và họ đều ca tụng công đức của Diêu Trọng Hoa. Rồi đó Đế Nghiêu cấp cho Diêu Trọng Hoa kho lương thực và gả 2 con gái là Nga Hoàng và Nữ Anh cho ông ta. Đế Nghiêu phong Diêu Trọng Hoa làm vua nước Hữu Ngu, rồi thiện nhượng cho Diêu Trọng Hoa làm đế Thuấn. Tương truyền khi Thuấn cai trị chỉ ngồi gảy khúc Nam Phong mà chúng dân an cư lạc nghiệp, Nga Hoàng cùng Nữ Anh cai quản tam cung lục viện và xử lý triều chính lúc chồng đi tuần thú nơi xa. Sau khi Thuấn thiện nhượng ngôi đế cho Hạ Vũ thì ông vẫn tiếp tục công việc đi tuần thú, giúp dân cày cấy. Lần cuối Thuấn đến đất Thương Ngô bên bờ sông Tương thì bị bệnh qua đời. Nga Hoàng và Nữ Anh ngồi cạnh mộ bên bờ sông Tương khóc ròng rã suốt 7 ngày 7 đêm. Nước mắt của 2 bà rơi xuống mọc ra bụi trúc nên người đời gọi đó là Tương phi trúc (湘妃竹). Sau đó Nga Hoàng cùng Nữ Anh đều trầm mình xuống sông tuẫn tiết và trở thành nữ thần sông Tương. Sau này Khuất Nguyên viết hai bài trong Cửu ca, Tương quân ca ngợi Nga Hoàng, Tương phu nhân ca ngợi Nữ Anh.

[11] Vũ Châu (武州), thời Tây Ngụy (535 - 557) đổi quận Vũ Đô thành Vũ Châu; nhà Đường từng đổi quận Vũ Đô của thời nhà Tùy (nay là Vũ Đô ở Cam Túc) thành Vũ Châu, sau đổi thành Giai Châu. Vũ Châu nhà Đường lập tại thành phố Trương Gia Khẩu thuộc tỉnh Hà Bắc ngày nay. Niên hiệu Đại Trung thứ 5 (năm 851) thành lập Vũ Châu tại khu tự trị Trữ Hạ, Hồi tộc ngày nay.


[12] Vương Khoan (王寬) thay Lý Hộ làm An Nam kinh lược chiêu thảo sứ. Lý Trác dâng tấu xin bãi đạo binh phòng thủ mùa đông gồm 6000 tên, vì cho là thủ lĩnh Động bảy chuỗi (七綰 thất oản) Lý Do Độc (李由独) của Đào lâm Tây nguyên có thể ngăn cản man tặc xâm phạm cướp phá…Nhưng rồi tù trưởng man đã gả con gái cho con trai của y, Do Độc bèn tuân phục đưa người của mình theo man tặc. Khoan không thể chế ngự nổi. [(Bản dịch An Nam Chí lược của Viện Đại học Huế, Uỷ ban Phiên dịch Sử liệu Việt Nam, 1961, tại trang 168, đoạn về Vương Khoan, phần phiên âm chữ Hán có ghi “Tây Nguyên thất quán động”, và phần Việt dịch cũng ghi: “động bảy quán”. Trong khi đó tại trang 101 phần Hán văn chép là: 李琢奏防冬兵六千人,桃林西原七綰洞首李由独可以遏蛮入寇,trong câu này không chép 七館洞 thất quán động, mà chép 七綰洞 thất oản động. Như vậy Uỷ ban Phiên dịch đã dịch nhầm chữ oản thành chữ quán, trong khi đó chữ oản thuộc bộ mịch, có chữ mịch và chữ quan, nghĩa của nó là: i) bó buộc; ii) mắc vào, xâu chuỗi vào; iii) thông suốt. Còn chữ quán bộ thực ( = ăn, đồ ăn, lộc) có nghĩa là nhà, nơi ở trọ, quán trọ, và chữ quan ( bộ miên = mái nhà, mái che) = quan, người làm việc cho nhà nước)]. 


[13] Ung Quản (邕管) là tên gọi khu hành chính triều Đường. Năm Càn Phong thứ 2 (năm 667) lập Ung Châu đại đô đốc phủ, năm Khai Nguyên thứ 21 (năm 733) đặt Kinh lược sứ 5 phủ Lĩnh Nam, niên hiệu Thượng Nguyên (năm 760 - 761) về sau đặt Kinh lược sứ Ung Quản. Bổ Kinh lược sứ viên trú tại Ung Châu. Cai quản quân, chính sự vụ, cầm đầu 1700 tên. Nam Ninh gọi vắn tắt là Ung, tên cổ là Ung Châu, là trung tâm của khu vực. Năm Càn Phong thứ 2 (667) đặt Ung Châu đại đô đốc phủ. Cựu chí (舊志) ghi: “Năm Trinh Quán thứ 6 dựng lên, nhưng năm Trinh Quán thứ 6 Ung Châu một lần nữa lại gọi là Nam Tấn châu, thuộc Quế Châu đô đốc phủ. Năm Khai Nguyên thứ 21 (733) đặt Kinh lược sứ 5 phủ Lĩnh Nam, niên hiệu Thượng Nguyên (760 - 761) về sau đặt Kinh lược sứ Ung Quản, sau lại bãi bỏ. Tháng 6 năm Trường Khánh thứ 2 (822) khôi phục lại chức Kinh lược sứ, lấy Thứ sử [13] bổ vào chức này. Hàm Thông năm thứ 3 (862) phân đạo Lĩnh Nam thành hai đạo Đông, Tây, lệ thuộc vào Lĩnh Nam Tây đạo, và rồi theo Quế Quản thì trù liệu nhập Cung (nay là Bình Nam), Tượng (nay là Tượng Châu, Vũ Tuyên) 2 châu, theo Dung Quản thì trù liệu nhập Đằng (nay là Đằng Huyện), Nham (nay là khu Ngọc Lâm), Hoành (nay là Hoành Huyện), Điền (nay là Điền Đông, Điền Dương), Nghiêm (nay là khu Lai Tân), Sơn (nay là khu Bác Bạch), Loan (nay là khu Hoành Huyện), La (nay là khu Liêm Giang, Quảng Đông), Phan (nay là khu Bác Bạch), Cung, Tượng, Đằng, Nham 14 châu, và Quy Thuận (nay là Tĩnh Tây), Tư Ân (nay là Đô An, Mã Sơn, Bình Quả), Tư Đồng (nay là khu Đại Tân), Tư Minh (nay là khu Ninh Minh), Vạn Hình, Vạn Thừa (nay đều là khu Đại Tân), Thượng Tư Ba (nay là khu Đại Tân), Viên (nay là khu Thiên Đẳng), Công Nhiêu (nay là khu Điền Đông), Tả (nay là khu Sùng Tả), Tư Thành (nay là khu Đại Tân), Ôi, Hầu, Quy Thành, Đàm, Tư Lang (nay đều là khu vực Nam Ninh), Vạn Đức, Ngư Dịch, Quy Nhạc, Thanh, Đắc (nay đều là khu vực nam Nam Ninh), Thất Nguyên (nay thuộc Việt Nam) tất cả là 26 châu ki mi. Đặt 1 viên kinh lược sứ, trú tại Ung Châu, cai quản mọi sự vụ quân, chính và chỉ huy 1700 quân binh. 

[14] Thứ sử (刺史): vốn cùng chủng loại quan danh với ngự sử (御史), khởi ở thời nhà Hán, mạt kỳ Đông Hán, những năm cuối thời Tam quốc cũng có một chức châu mục cùng loại. Phạm vi đẳng cấp và chức quyền tùy theo triều đại khác nhau và thay đổi rất nhiều, nhưng lẽ thường thì là hệ thống quan viên của các địa phương trọng yếu. “Thứ” () là tra xét, đối chiếu, hạch hỏi, truy vấn suy nghĩ, ý tứ, tâm tư, nguyện vọng, tức là giám sát các quan chức.  “Sử” () là ngự sử chi ý (御史之意), có nghĩa là suy nghĩ, tâm tư, tình cảm, thành kiến, nguyện vọng của quan ngự sử (ngự nghĩa đen là kẻ cầm cương xe). Thời Tây Hán, nhà Tần đặt ra chức quan ngự sử phụ trách giám sát, gọi là giám sát ngự sử. Thời Hán Văn đế do nhiều quan ngự sử bị mất chức nên đã lệnh cho thừa tướng phái người đến dò la các quận huyện, xem xét, đánh giá quan chức địa phương, gọi là thứ ngự sử (刺御史), gọi tắt là thứ sử, nhưng không phải là chuyên chức. Hán Vũ đế sắp xếp các địa phương trên toàn quốc thành 13 giám sát khu, bao gồm: Ký, Duyện, Dự, Thanh, Từ, U, Tịnh, Lương, Kinh, Dương, Ích, Sóc Phương, và Giao Chỉ, tổng cộng 13 châu. Còn kinh đô và 7 quận phụ cận có Ty lệ hiệu úy bộ (司隸校尉部) [15] hoạt động với tư cách là một đơn vị giám sát duy nhất. Mỗi châu cử ra một thứ sử, mỗi năm có 8 tháng tuần hành các sở bộ, giám sát đội ngũ quan lại và cường hào địa phương, cuối năm quay về kinh đô bẩm báo với ngự sử trung thừa. Lúc đó đích thân thứ sử làm giám sát quan, bổng lộc của phẩm trật này là 600 thạch ngũ cốc (1 thạch = 10 đấu hay 100 thưng, hay 120 cân TQ), đại khái so với phẩm trật của quận thủ (郡守 đứng đầu quận) là 2000 thạch thì thấp hơn.

[15] Ty lệ hiệu úy bộ (司隸校尉部) đầu tiên được lập ra dưới thời nhà Hán, mà trưởng quan hành chính của nó là Ty lệ hiệu úy (司隸校尉). Thời Tây Hán là giám sát quan của triều đình. Vì trưởng quan của khu vực ty lệnh phòng bị và dân chính kinh đô tối quan trọng nên chức quan này phải là đại thần và hoàng thân quốc thích trong triều cai quản. Thời Tây Hán mạt kỳ quan doãn kinh triệu (đứng đầu kinh đô) kiêm quản kinh đô và vùng phụ cận, bên tả là quận Phùng Dực, bên hữu là quận Phù Phong và các quận Hà Đông, Hà Nam, Hà Nội, Hoằng Nông gồm toàn bộ quan viên 7 quận. Thời Đông Hán, Ty lệ hiệu úy bộ trở thành khu hành chính chính thức, Ty lệ hiệu úy trở thành trưởng quan hành chính địa phương cao nhất, bên cạnh đó là 13 châu là một của thời Đông Hán. Năm Kiến An thứ 18 (213) trở đi tỉnh phụ thuộc quận lại quay về phụ thuộc Ung Châu, Ký Châu và Dự Châu. 

[16] Điện trung giám (殿中監) nghĩa đen là giám quan trong cung điện, một chức quan danh, và cũng là một quan thự danh (tên cơ quan). Tào Ngụy thời Tam quốc lập ra, nhà Tấn và Nam Bắc triều vẫn làm theo như vậy. Thời Tống Nam Triều, và Bắc Ngụy cũng bố trí chức quan và quan thự Điện trung giám. Bắc Tề lấy Điện trung cục làm tên cơ quan, bố trí 4 giám quan. Nhà Tùy thì gọi là Điện nội cục, có 2 giám quan. Tùy Dượng Đế đổi thành Điện nội tỉnh, trưởng quan gọi là Điện nội giám. Nhà Đường đổi thành Điện trung tỉnh, trưởng quan gọi là Điện trung giám. Bắc Tống Điện trung giám chỉ còn là hư danh. Điện trung giám cai quản mọi lễ nghi trong triều, thời Nam Bắc triều tiếp quản bộ phận chức trách Thiếu phủ, kiêm quản cuộc sống hàng ngày của hoàng đế.

[17] Đoàn Văn Sở (段文楚), người Thiên Dương, Thiểm Tây ngày nay, tổ phụ là Đoàn Tú Thực. Đường Ý Tông Hàm Thông Năn thứ 2 (861), Văn Sở tới đạo Lĩnh Nam nhậm chức kinh lược sứ Ung Châu, gánh vác nhiệm vụ phòng ngừa vùng biên cương trọng yếu. Thời gian đó lính phòng vệ Ung Châu định ngạch là 3000 tên, có gốc gác tại 3 châu Quảng, Quế, Dung, dự định 3 năm thì hoán đổi, chúng không yên tâm, gây khó cho đại sự phòng vệ biên giới. Văn Sở bẩm tấu thực sự dự tính thu hồi hoặc giải tán đoàn quân đó, toàn bộ số kinh phí trao cho kinh lược sứ, chiêu mộ đinh tráng địa phương đảm nhiệm phòng vệ. Bản tấu đó được chấp thuận, nhưng mới chiêu mộ được 500 tên thì có lệnh quay về Trường An, nhậm chức kim ngô tướng quân (金吾將軍) [18], cảnh giới và phòng bị kinh thành, kinh lược sứ Ung Châu là Lý Mông kế nhậm. Lý Mông dừng mộ binh, dùng 500 tên do Văn Sở mộ được, số kinh phí còn lại hầu hết bị chiếm dụng. Đúng năm đó Lý Mông chết, Lý Hoằng Nguyên kế nhiệm. Nhưng đến nhậm chức được 10 ngày thì người man thừa cơ xâm nhập, kết cục là vì binh lính ít, không thể địch lại được, Lý Hoằng Nguyên cùng giám quân bỏ thành chạy sang Loan Châu (tại Quế Lâm ngày nay, cách Ung Châu 300 lý. Quân man chiếm lĩnh Ung Châu đến 20 ngày mới thoái lui, Lý Hoằng Nguyên quay về nhiệm sở, không lâu sau bị biếm chức làm ty hộ ( chức quan quản lý hộ khẩu, tiền lương, tài vật cấp huyện) Kiến Châu, Văn Sở (lúc đó đang là Điện trung tỉnh Điện trung giám, tòng tam phẩm) trở lại nhậm chức kinh lược sứ Ung Châu. Quân binh man cướp bóc Ung Châu, dân mười phần không còn một, cảnh tan nát bao trùm không ai có thể chịu nổi. Có kẻ thấy thành trì, cầu cống bị hủy hoại, người, nhà điêu tán (“thành di trì phế, nhân hộ tàn háo”) bèn hạch hỏi Văn Sở, nói: Ung Châu gặp nạn là do Văn Sở cải biến thể lệ cũ chế phòng vụ cựu chế sở trí. Văn Sở lại bị giáng chức làm phân ty uy vệ tướng quân (威衛將軍的分司). Thời Hậu Đường Hy Tông kế vị, phục chức cho Văn Sở làm đại đồng phòng ngự sứ [21] kiêm thủy lục phát vận sứ [22] (大同防禦使兼水陸發運使).

[18] Kim ngô tướng quân (金吾將軍) là tên gọi chức võ quan Trung Quốc cổ đại. Thời nhà Minh, Kim ngô tướng quân là tên gọi võ cấp thứ 6, thuộc hàm quan chánh nhị phẩm. Thời Kim phân thành 42 cấp võ quan, thời Nguyên 34 cấp. Thời nhà Minh cũng đặt 30 cấp võ quan. Thời nhà Kim, Kim ngô tướng quân thuộc cấp thứ 10, thời Nguyên Kim ngô vệ thượng tướng quân thuộc cấp võ quan thứ 2.
  
[19] Đỗ Tông (杜悰 794 – 873) tự Doãn Dụ (có thuyết nói là Vĩnh Dụ), người Vạn Niên thuộc Kinh Triệu (nay là Trường An, Thiểm Tây). Là cháu của tể tướng Đỗ Hựu thời Đường trung kỳ, là anh con nhà bác của thi nhân Đỗ Mục thời vãn Đường, và cũng là anh em con cô con cậu với Lý Thương Ẩn. Đường Vũ Tông (làm vua từ năm 840-846) nghe nói về ca nữ Dương Châu, rất giỏi hầu rượu, bèn lệnh cho giám quân Hoài Nam lựa chọn 17 ca nữ, dâng lên cung vua. Giám quân thỉnh cầu tiết độ sứ Đỗ Tông cùng mình tuyển chọn, đồng thời toan tính chọn lựa gái đẹp con nhà lương thiện, dạy cho cách thức hầu rượu, rồi cùng tiến cung. Đỗ Tông nói: “Cá nhân ngài nhận lệnh Hoàng thượng, ta không dám can dự công việc này”. Giám quân ba lần thỉnh cầu, nhưng Đỗ Tông vẫn không đồng ý. Giám quân cực kỳ giận dữ, nhân tiện khích bác với Đường Vũ Tông về thái độ của Đỗ Tông. Sau khi nghe xong, Đường Vũ Tông trầm mặc không nói. Tả hữu theo hầu, đều xúm lại bàn tán: Chẳng phải sắc lệnh ban cho tiết độ sứ và giám quân cùng tuyển sao?. Đường Vũ Tông trầm tư một lúc rồi nói: “Ban lệnh cho phiên trấn tuyển chọn ca nữ nhập cung, lẽ nào lại là thứ công việc mà bậc thánh minh thiên tử làm sao? Đỗ Tông không khuất mình theo ý kiến của giám quân, thật là đáng mặt với thân phận của một kẻ đại thần, thật sự có tài năng phong thái của bậc tể tướng, ta cảm thấy vô cùng hổ thẹn!”

 [20] Tả tư lang trung (左司郎中), tên chức quan, có từ thời Đường Thái Tông năm Trinh Quán thứ 2 (628), một người, tòng ngũ phẩm thượng, làm Thượng thư tả thừa phó nhị, hiệp chưởng thượng thư đô tỉnh sự vụ, giám quản các ty chánh vụ bộ Lại, bộ Hộ, bộ Lễ. Cao Tông Long Sóc năm thứ 2 (662) đổi thành tả thừa vụ, niên hiệu Hàm Hanh nguyên niên (670) khôi phục lại. Những năm đầu triều Bắc Tống là kí lộc quan, Thần Tông Nguyên Phong (1078—1085) đổi quy chế, bổ nhiệm một người, hàm chánh lục phẩm, chịu trách nhiệm các bộ Lại, Hộ, Lễ. Nhà Liêu vẫn theo quy chế đó. Nhà Kim bố trí thượng thư tỉnh tả ti một người, hàm chánh ngũ phẩm, cai quản bản ti tấu sự, tổng sát các bộ Lại, Hộ, Lễ. Triều Nguyên bổ hai viên trung thư tỉnh tả ti, hàm chánh ngũ phẩm. Thời Nguyên mạt, thời Chu Nguyên Chương trung thư tỉnh bổ làm chúc quan, hàm chánh ngũ phẩm, Minh Hồng Vũ năm thứ 3 (1380) bãi bỏ.

[21] Phòng ngự sứ (節度使) là quan danh Trung Quốc thời cổ. Nhà Đường bắt đầu bố trí trưởng quan quân sự địa phương. Thời Võ Tắc Thiên bắt đầu bổ chức vụ này tại Hạ Châu, thời loạn An Sử thì phân ra, bố trí tại khu vực trọng yếu Trung Nguyên, cai quản bản khu quân sự, lấy thứ sử kiêm nhiệm, thường có đoàn luyện sứ [23] hỗ trợ kiêm nhiệm, về sau có khi sắp xếp, có khi không.

[22] Phát vận sứ, (發運使- quan cai quản vận tải hàng hóa): Niên hiệu Khai Nguyên thứ hai (714) nhà Đường, đặt ra chức quan thủy lục phát vận sứ ở Thiểm Châu. Những năm đầu nhà Tống bố trí thủy lục phát vận sứ đông tây kinh kì, sau đó có phát vận sứ kiêm chế trí sứ (制置使- quan cai quản sản xuất buôn bán) trà, muối ở Giang, Hoài, Lưỡng Chiết. Hoài Nam, Giang, Chiết, Kinh Hồ chế trí trà muối kiêm đô đại phát vận sứ, lại có Tam môn Bạch ba phát vận sứ, Thiểm phủ Tam môn phát vận sứ. Những năm đầu nhà Nam Tống, phát vận sứ chỉ cai quản việc mua bán cốc loại, năm Càn Đạo thứ 6 (1170) phế bỏ.

 [23] Đoàn luyện sứ (團練使), tên đầy đủ là Đoàn luyện thủ tróc sứ, một chức quan thời Đường, phụ trách đội tự vệ của một địa phương. Những năm đầu nhà Đường, Đoàn luyện sứ có hai loại: Đô đoàn luyện sứ, và Châu đoàn luyện sứ, đều phụ trách việc cai quản các đội tự vệ địa phương, địa vị thấp hơn Tiết độ sứ. Một bậc như nhau, Đô đoàn luyện sứ hầu hết do quan sát sứ kiêm nhiệm, Châu đoàn luyện sứ thường do thứ sử kiêm nhiệm. Bia Đại Nhạc Quan () còn ghi: Năm Thánh Lịch nguyên niên (698) có đoàn luyện sứ Duyện Châu, tức là Châu đoàn luyện sứ. Sau loạn An Sử, triều đình mở rộng việc bổ nhiệm đoàn luyện sứ, để bổ sung tiết độ sứ vào chỗ thiếu khuyết”. Thời Đường Đại tôn, niên hiệu Quảng Đức thứ 2 (764), bố trí “Hồ Nam đô đoàn luyện thủ tróc quan sát xử trí sứ” nhậm chức ở Hành Châu, cai quản cả Hành Châu, Đàm Châu, Đạo Châu, Thiệu Châu, Vĩnh Châu tất cả là 5  châu. Niên hiệu Đại Lịch thứ 12 (năm 777), tháng 5, Dương Oản làm tướng, bỏ chức đoàn luyện sứ, nhưng không lâu sau lại khôi phục. Sau loạn Hoàng Sào, đô đoàn luyện sứ dần dần lên đến chức Tiết độ sứ.

[24] Thái Tập (蔡襲) Niên hiệu Hàm Thông thứ 3 (năm 862), thay Vương Khoan làm An Nam kinh lược sứ. Tháng 11, quân man Nam Chiếu vây Giao Chỉ. Tập đóng cửa thành cố thủ, viện binh không đến. Tháng Giêng năm Hàm Thông thứ 4 (863), quân man đánh gấp, thành bị chiếm. Toàn bộ gia đình, họ hàng nhà Tập 70 người đều tử nạn. Tập cùng bộ hạ đi chân không, cố đánh, mong đuổi kịp thuyền của giám quân, nhưng thuyền đã rời bờ, Tập chìm dưới sông mà chết. Tướng sỹ Kinh Nam 400 người, chạy được đến bờ sông phía đông thành, quan ngu hầu Nguyên Duy Đức nói với chúng rằng: “Bọn ta không thuyền, xuống nước chắc chết. Chi bằng quay lại đánh nhau với bọn man.” Bèn quay về phía thành, giết chết hơn 2000 chúng man rồi cùng chịu chết. Chỉ riêng liêu thuộc của Tập là Phàn Xước mang ấn tín của Tập, chạy trước qua sông nên thoát chết. Nam Chiếu hai lần đánh chiếm Giao Chỉ, cướp bóc khoảng 10 vạn người, lưu lại 12 vạn quân binh, sử kì tương Dương Tư Tấn chiếm đóng An Nam. [(Bản dịch An Nam Chí lược của Viện Đại học Huế, Uỷ ban Phiên dịch Sử liệu Việt Nam, 1961, đoạn viết về Thái Tập, phần chữ Hán tr. 101 - 102; phần phiên âm chữ Hán và Việt dịch tr. 168-169)].

[25] Tả thứ tử (左庶子) cai quản Thỉnh chiêm sự phủ tả xuân phường. Thỉnh chiêm sự phủ theo nghĩa đen là phủ quan bái yết Thái tử. Từ Ngụy Tấn trở đi gọi cung thái tử là Xuân phường, còn gọi là Xuân cung. Công việc chiêm sự chủ yếu đi theo phục vụ các hoàng tử hoặc hoàng đế. Từ thời nhà Hán về sau, đó chính là chức quan thái tự thị tòng; thời Nam Bắc triều gọi là trung thứ tử. Từ triều Đường về sau là trong Thái tử quan thự có Tả hữu xuân phường, phân thành tả hữu thứ tử, lấy bỉ thị trung, trung thư lệnh. Từ đó trơ đi đều theo như vậy, đến nhà Thanh thì thiên chuyển sử dụng hàn lâm quan. Cuối thời nhà Thanh phế bỏ.

[26] Tuyên úy an phủ sứ (宣慰安撫使)  tuyên úy (宣慰) là tuyên dương chính lệnh, vỗ về trăm họ. An phủ sứ (安撫使) là một chức quan, do triều đình trung ương bổ nhiệm xử lí các sự vụ của quan chức địa phương. Thời nhà Tùy đã từng đặt an phủ đại sứ, kiêm chức chủ soái quân binh. Thời nhà Đường thời kỳ đầu, phái đại thần đi xem xét đánh giá về chiến tranh hoặc thiên tai địa phương, gọi là an phủ sứ. Những năm đầu nhà Tống vẫn theo như vậy, sau dần chuyển thành trưởng quan phụ trách quân vụ trị an các lộ, lấy tri châu, tri phủ kiêm nhiệm.

[27] Khang Thừa Huấn (康承訓 809 874), danh tướng thời Đường mạt. Từ nhỏ theo thế hệ cha chú đi chinh phạt, nhờ có công lao mà được tiến cử tả thần vũ quân tướng quân. Thời Đường Tuyên Tông, thăng nhậm Phòng ngự sứ quân khu Thiên Đức (nay là khu tự trị Ô Lạp Đặc thuộc Nội Mông) “Bãi nhũng phí, mua ngựa trang bị, khiến cho quân binh càng thêm lớn mạnh, dũng mãnh”, bọn Đảng Hạng (dòng dõi tộc Tam Miêu xưa) không dám cướp phá. Niên hiệu Hàm Thông thứ 10 (năm 869) nhậm Thần sách Đại tướng quân, sứ giả của ba bộ lạc Suất Sa Đà là Chu Tà Xích Tâm tự đi theo, cùng Vương Yến Quyền, Đái Khả Sư từ ba hướng cùng tiến, tiêu diệt Bàng Huân ở Từ Châu. Vì đắc tội như con rể Ý Tông là Vi Bảo Hành, Lộ Nham, Vi Bảo Hành bẩm báo: “Thời Khang Thừa Huấn thảo phạt Bàng Huân, lừng chừng không tiến, vừa không tận diệt dư đảng, lại còn ham cướp đoạt, đôi khi báo thêm công lao.” Liền bị biếm làm Ân Châu tư mã. Đường Hy Tông nối ngôi, Thừa Huấn được triệu hồi về kinh sư, không lâu sau thì mất. Sau loạn Hoàng Sào, Hy Tông nói: “Xã tắc gặp nạn, thì Khang Thừa Huấn lại chết mất rồi”.

[28] Dương Thu (楊收 816870) tự Thành Chi, người cùng châu với Phùng Dực (nay là Đại Lệ, Thiểm Tây). Tự xưng là hậu duệ của Dương Tố (Dương Tố (544606), tự Xử Đạo, người Hoằng Nông, Hoa Âm, thi nhân, quân sự gia nhà Tùy thời Bắc Chu. Tước phong Việt Quốc công, thụy Cảnh Vũ. Tổ phụ ông là Dương Huyên là thị trung đẳng quan viên (Phụ quốc tướng quân, gián nghị đại phu thời Bắc Ngụy, cha Dương Huyên là Dương Phu, thứ sử Phần Châu, khai quốc công thần Bắc Chu). Cha Thu là Dương Di Trực, em trai của tiết độ sứ Lĩnh Nam Dương Phát. Mười ba tuổi giỏi văn vịnh, người ta gọi là thần đồng, dân quê đồn thổi, đua nhau đến đòi thưởng thức thi phú của Thu, xô đổ cả hàng rào nhà y. Hội Xương nguyên niên thi đậu, được giao làm quan hàn lâm học sĩ, Dương Thu cùng tả thần sách trung úy Dương Huyền Giá nhân đồng tông tương kết. Được giao làm quan trung thư thị lang đồng bình chương sự. Khi Lộ Nham nhậm chức tể tướng, có người viết thành ca dao như sau: “Cười nhạo tứ tướng”: “Xác (Tào Xác) xác vô luận sự, Tiền tài tống bị thu (Dương Thu). Thương (Từ Thương) nhân còn không quản, Hóa lộ (Lộ Nham) sắp nghỉ hưu”). Ca dao trào phúng trên đúng là nói về 4 ông tể tướng triều Đường Tào Xác, Dương Thu, Từ Thương, Lộ Nham. Nhân đắc tội Dương Huyền Giá (1), tháng 2 năm Hàm Thông thứ 11  (870) Thu bị biếm đày Hoan Châu [29]. Ngày 15 tháng Ba tại cuộc gặp mặt để chuẩn bị đi Hoan Châu, Thu được ban ơn cho chết tại Đoan Châu (端州, nay là thành phố Triệu Khánh, Quảng Đông).(2) [(1).新唐書楊收傳:收不能從,玄價以負己,大恚,陰加毀短” - “Tân Đường thư” Dương Thu truyện: “Thu bất năng tòng, Huyền Giá dĩ phụ kỉ, đại khuể, âm gia hủy đoản”. (2).唐文,卷八十四《賜楊收自盡敕- “Toàn Đường văn”, Quyển bát thập tứ “Tứ Dương Thu tự tận sắc”)].

 [29] Hoan Châu () thuộc Nghệ An – Hà Tĩnh ngày nay, được lập vào thời nhà Tùy, năm 598 đổi là Đức Châu, trị sở tại huyện Cửu Đức, nay là thành phố Vinh. Niên hiệu Vũ Đức thứ 5 (622) thời nhà Đường, đổi thành Nam Đức Châu, năm thứ 8 (624) đổi lại thành Đức Châu. Trinh Quán nguyên niên (627), khôi phục lại tên Hoan Châu. Cả châu có 9.619 hộ, với 581.800 khẩu, với 4 huyện: Cửu Đức, Phổ Dương, Việt Thường, và Hoài Hoan. Năm 1036 Nhà Lý đổi thành Nghĩa An châu.

* Những chỗ có đánh dấu (*) cũng là ghi chú của người dịch.