Powered By Blogger

Thứ Sáu, 21 tháng 6, 2013

Chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và chính sách phát triển bản địa hiện đại (II)*



Chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và chính sách
phát triển bản địa hiện đại (II)*

Hà Hữu Nga

4. Bài học về chính sách Mỹ hoá người bản địa

Chính sách Mỹ hoá trong giai đoạn 1790 – 1920 là một chiến lược của chính phủ Mỹ nhằm chuyển hoá văn hoá bản địa Mỹ thành văn hoá Mỹ của người châu Âu [Hoxie, Frederick 1984; Remini, Robert 1969a]. George Washington và Henry Knox là những người đầu tiên đề xuất chuyển hoá văn hoá của người Mỹ bản địa [Perdue, Theda 2003]. Họ đã thiết kế chính sách cổ vũ cho quá trình “văn minh hoá” [Remini, Robert 1969a]. Với là sóng di cư ngày càng tăng từ châu Âu tới, chính phủ đã tổ chức hỗ trợ giáo dục để kích thích nâng cao các chuẩn mực giá trị văn hoá và thực tiễn sống cho công dân Mỹ. Giáo dục được coi là phương pháp hàng đầu trong quá trình đồng hoá văn hoá các nhóm bản địa và dân tộc thiểu số. Các chính sách Mỹ hoá được xây dựng dựa trên tư tưởng cho rằng khi người bản địa học theo phong tục tập quán và các giá trị châu Âu thì họ mới có thể hoà nhập các truyền thống bộ lạc với nền văn hoá Mỹ theo phong cách châu Âu và mới có thể gia nhập một cách hoà bình vào xã hội đa số. Sau khi kết thúc các cuộc chiến tranh với người Da đỏ, vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, chính phủ Mỹ đã đặt ra ngoài vòng pháp luật các lễ thức tôn giáo truyền thống của người bản địa. Cùng với chính sách đó, chính phủ thành lập các trường học nội trú cho trẻ em bản địa. Trong các trường học này trẻ em buộc phải nói tiếng Anh, học các môn học mới xa rời với giáo dục bản địa, đi lễ nhà thờ, và rời bỏ các truyền thống của tổ tiên mình. Đạo luật “Dawes Act 1887” phân chia đất đai của các bộ lạc cho các cá nhân, được coi là một cách tạo ra những trang trại riêng rẽ cho các gia đình cư dân bản địa. Việc chính phủ của người da trắng phân chia đất công nhằm cướp phần đất còn lại của người bản địa và đánh đổi cho họ quyền được trở thành công dân Mỹ đã làm cho người da đỏ phải từ bỏ nhiều thể chế truyền thống và quyền tự trị của họ. Kết quả là 6.100 km2 đất của người bản địa đã bị cướp trắng để bán cho các tư nhân. Đạo luật quyền công dân của người da đỏ năm 1924 cũng là một phần trong chính sách Mỹ hoá đó [Hoxie, Frederick 1984].    

4.1. Quá trình thực dân hoá Bắc Mỹ giai đoạn 1513-1600

Những người châu Âu đã tiếp xúc với các xã hội bản địa tại châu Mỹ đã phát hiện ra nhiều văn hoá khác biệt nhau luôn tranh đấu để hiểu nhau và để thống trị nhau nữa. Các cuộc và chạm và hiểu lầm thường xuyên dẫn đến kết cục bạo lực. Người châu Âu tin tưởng vào sứ mệnh khai hoá văn minh và cai trị bằng bạo lực của họ dưới sự trợ giúp của các loại vũ khí nguy hiểm là súng đạn, và họ cưỡng bức người bản địa phải làm lụng, phục dịch họ. Juan Ponce de León được coi là người châu Âu đầu tiên đặt chân lên vùng đất ngày nay đã trở thành bang Florida nước Mỹ vào năm 1513 [Ponce de Leon, Juan 2005]. Tiếp theo sau là các cuộc thám hiểm của Alvar Nunnez Cabeza de Vaca (1528), Hernando de Soto (1538-42) và những người khác nữa tại Florida và các bang miền Nam nước Mỹ ngày nay. Cuộc thám hiểm của Francisco Vásquez de Coronado (1540-1542), được bắt đầu tại New Spain (Mexico), và ngược dần lên phía bắc đến tận Kansas. Các cuộc thám hiểm này đã dẫn đến các va chạm giữa người châu Âu và người bản địa Mỹ và nhiều nhà thám hiểm đã bị giết chết. Nhưng các cuộc thám hiểm này đã thu được rất nhiều kết quả lâu dài. Người châu Âu đã đặt chân lên Florida, sau đó họ đưa theo ngựa đến đây. Người dân bản địa Mỹ cũng học cưỡi ngựa và sử dụng ngựa để vận chuyển hàng hoá và làm sức kéo. Cuối cùng tác động dễ thấy nhất là người châu Âu đã đem đến cho người bản địa bệnh đậu mùa và các loại bệnh truyền nhiễm khác trong quá trình tiếp xúc. Tỷ lệ cư dân bản địa nhiễm bệnh và chết rất cao vì họ không quen miễn dịch với các loại bệnh này. Nhiều loại bệnh còn lây truyền sang cả gia súc nữa. Vào thời gian người châu Âu di cư đến nhiều hơn, vào những năm 1600, càng ngày càng có nhiều nhóm cư dân bản địa bị tiêu diệt.

Lịch sử thực dân địa Anh bắt đầu tại Bắc Mỹ rất sớm, vào năm 1497 ở vùng Newfoundland, sau đó vùng này đã chính thức trở thành thực dân địa của Anh năm 1583. Vùng thực dân địa Roanoke bị bỏ rơi (1585/1587) chỉ trở thành thực dân địa chính thức vào đầu thế kỷ 17, khi một số thực dân địa mới đã được thành lập, bao gồm Jamestown, Virginia, là những nơi cư trú ổn định lâu dài đầu tiên của người Anh tại Mỹ. Trong khi đó quá trình thực dân địa của Pháp tại Bắc Mỹ bắt đầu vào năm 1524, khi vua Francis I cử Giovanni da Verrazzano đi thám hiểm theo tuyến đường phía bắc đi lên Thái Bình Dương. Sau nhiều thất bại vào các năm 1564 và 1598, người Pháp đã thành công đầu tiên với thực dân địa Acadia được thành lập năm 1604. Hầu như tất cả những người châu Âu đều coi vùng đất châu Mỹ là chưa có người chủ theo đúng nghĩa con người mà họ quan niệm. Vì vậy có những nhóm ghé qua hoặc đến định cư và những nhóm khác thì đến “chinh phục và cai trị” [De Vaca, Alvar Nuñez Cabeza, and Fanny Bandelier, trans. 1905]. Bất kể là nhóm nào thì tất cả những người châu Âu đến đây đều đối xử với người bản địa như là những chiếc bóng vật vờ, chứ không phải là những thực thể đang tồn tại giống như họ, vì vậy mà họ đã tự cho phép mình đến chinh phục và khai hoá vùng đất này và dần dần đẩy các nền văn hoá bản địa ra khỏi những vùng đất mà họ đang chiếm đoạt [Fritz, Henry E. 1963]. 

4.2. Người Châu Âu và người bản địa giai đoạn 1601-1776

Đông Bắc Mỹ theo ranh giới công bố năm 1763 là biên giới giữa các vùng màu đỏ và hồng. Trong giai đoạn này, các cường quốc châu Âu đã tranh giành nhau để kiểm soát Bắc Mỹ, hệt như họ cũng đang làm như vậy tại châu Âu. Các bộ lạc bản địa Mỹ thường được sử dụng như là những đội quân trợ chiến của quân đội Anh, quân đội Pháp và quân đội Tây Ban Nha. Để đảm bảo có được sự trợ giúp của các bộ lạc, người châu Âu thường biếu họ quà cáp và ký các thoả ước. Các thoả ước này thường hứa hẹn rằng cường quốc châu Âu sẽ tôn trọng các vùng đất truyền thống của bộ lạc và nền độc lập của họ. Nhiều bộ lạc bản địa đã tham gia vào cuộc chiến tranh của vua William 1689-1697, Dummer 1721-1725, và cuộc chiến giữa người Pháp với người Anh Điêng 1754-1763. Sau cuộc chiến này, người Anh đã trở thành cường quốc thống trị và đã chính thức hoá bằng Tuyên bố Hoàng gia năm 1763. Tập tài liệu này đã phân định ranh giới tách riêng đất của người bản địa khỏi cộng đồng người châu Âu. Một mặt điều đó biện minh cho sự kiểm soát hoàn toàn đất đai về phía người châu Âu, nhưng nó lại không ngăn chặn được một cách hiệu quả những cá nhân người châu Âu tiếp tục di cư về phía Tây. Giống như trước đó, các sức mạnh kinh tế, quân sự và ngoại giao đã được người châu Âu và các chính phủ của họ áp dụng để kiểm soát thêm nhiều vùng lãnh thổ của người bản địa Mỹ. Từ quan điểm của người châu Âu, sự kiểm soát của họ đối với một vùng đất có nghĩa là đi liền với nó sẽ là sự thay đổi tận căn cội về lối sống của người bản địa, làm cho nhiều cộng đồng bản địa đã không thể tiếp tục tồn tại được nữa.

4.3. Nước Mỹ và người bản địa giai đoạn 1776-1860

Các cuộc đấu tranh để xây dựng đế quốc Bắc Mỹ đã làm ra đời nước Mỹ ngay từ những năm đâu ftiên áp dụng chính sách về người Anh Điêng tương tự với chính sách mà nước Anh đã sử dụng trong thời thực dân [Fritz, Henry E. 1963]. Họ đã nhận ra rằng các mối quan hệ tốt đẹp với các bộ lạc ở vùng gianh giới có ý nghĩa rất quan trọng cho các hoạt động chính trị và thương mại, nhưng giống như người Anh đã làm, họ vẫn giành sẵn quyền từ bỏ các mối quan hệ tốt đẹp đó để lấn chiếm đất đai của cả kẻ thù lẫn của các đồng minh giống hệt như ranh giới đất nông nghiệp dịch chuyển về phía tây vậy. Nước Mỹ tiếp tục dùng người bản địa làm các đồng minh kể cả trong cuộc chiến tranh cách mạng và cuộc chiến tranh năm 1812. Khi các mối quan hệ với nước Anh và Tây Ban Nha đã được bình thường hoá vào đầu những năm 1800, nhu cầu có các quan hệ hữu nghị như vậy đã kết thúc. Nước Mỹ đã không còn cần phải “ve vãn” các bộ lạc để ngăn chặn các cường quốc khác sử dụng họ chống lại nước Mỹ nữa. Giờ đây thay cho một vùng đệm chống lại các kẻ thù đã “văn minh hoá”, các bộ lạc thường được coi là một trở ngại cho chính sách bành trướng của Mỹ. Chính vì vậy mà George Washington và Henry Knox đã tin rằng những người bản địa Mỹ là bình đẳng nhưng xã hội của họ thì thấp kém hơn. Họ đã xây dựng chính sách để khuyến khích quá trình “văn minh hoá” [Remini, Robert 1969 a], và Washington đã đưa ra kế hoạch 6 điểm cho quá trình văn minh hoá đó như sau: i) luật pháp công bằng cho người bản địa Mỹ; ii) mua đất của người bản địa có điều tiết; iii) thúc đẩy thương mại; iv) khuyến khích thực hành nhằm văn minh hoá và cải thiện xã hội bản địa Mỹ; v) thẩm quyền tổng thống trong việc trao tặng quà cho người bản địa; vi) trừng phạt những ai vi phạm các quyền của người bản địa [Miller, Eric 1994a]. Sử gia Robert Remini đã viết rằng “một khi những người Anh Điêng đã chấp nhận thực tiễn tư hữu tài sản, xây dựng nhà cửa, làm trang trại, giáo dục con cái và theo đạo Thiên chúa thì những người Mỹ bản địa này sẽ được người Mỹ da trắng chấp nhận” [Remini, Robert 1969 b].

Nước Mỹ đã bổ nhiệm các đặc vụ như Benjamin Hawkins vào sống cùng với người bản địa và dạy họ lối sống của người da trắng [Perdue, Theda 2003]. “Thật là khác lạ, cái cảm giác về một tư duy triết học thay vì phản ánh sự huỷ diệt một phần chủng tộc con người theo các phương thức phổ biến của chúng ta, thì nó lại phản ánh những phương thức mà chúng ta đã kiên trì qua bao khó khăn, và cuối cùng chúng ta cũng đã truyền thụ được tri thức về canh tác và các loại hình nghệ thuật đến những người bản địa của đất nước này để rồi dựa vào đó mà suối nguồn cuộc sống và hạnh phúc tương lai đã được gìn giữ và lan toả. Nhưng người ta đã hiểu được rằng không thể thực hiện được quá trình văn minh hoá những người Anh Điêng Bắc Mỹ - Quan điểm này có thể thực sự thuận lợi hơn nhiều”. (Henry Knox (Bộ trưởng Chiến tranh) gửi cho Tổng thống George Washington, những năm 1790) [Miller E. 1994b]. 

4.4. Mỹ hoá và đồng hoá (1880-1920)

Phong trào cải cách hành chính Anh Điêng và đồng hoá người Anh Điêng thành công dân bắt đầu từ những tiếng kêu cứu của những người sống gần gũi với những người bản địa và bị chấn động bởi cách thức quản lý lừa gạt và thờ ơ trong lĩnh vực các vấn đề bản địa. Họ tự coi mình là “những người bạn của người Anh Điêng” và vận động hành lang các quan chức nhân danh người Anh Điêng. Dần dần các nhà cải cách miền đông đã chấp nhận lời kêu gọi thay đổi trong cách thức ứng xử với người Anh Điêng [Fritz, Henry E. 1963]. Nhiều nhà cải cách là những người Tin lành coi việc đồng hoá là cần thiết để Thiên chúa giáo oá người Anh Điêng. Thế kỷ 19 là thời gian đã chứng kiến những nỗ lực chủ yếu trong việc xây dựng các cơ sở Tin lành thông qua các cuộc thám hiểm đến các vùng người không phải Thiên chúa giáo. Năm 1865, chính phủ Mỹ bắt đầu ký các hợp đồng với các hội truyền giáo để vận hành các trường học cho học sinh Anh Điêng và dạy về quyền công dân, tiếng Anh, và các nghề nông nghiệp, cơ khí. 

4.5. Vai trò của Toà án trong chính sách

Các tư tưởng chính trị trong thời gian thực thi chính sách đồng hoá được nhiều người Anh Điêng coi là kỷ nguyên tiến bộ, nhưng hầu hết đều cho rằng đó là kỷ nguyên đồng hoá từ 1890 đến 1928 [Hoxie, Frederick E. 2001]. Kỷ nguyên tiến bộ được đặc trưng bởi cách giải quyết nhấn mạnh đến tầm quan trọng của phẩm giá và độc lập trong thế giới công nghiệp hoá hiện đại [Tomlins, Christopher L. 2005]. Tư tưởng này được áp dụng vào người bản địa trong một đoạn trích từ ghichép của Uỷ viên John Oberly: “Người Mỹ bản địa phải được nhuộm đẫm bằng tính ích kỷ của nền văn minh Mỹ đến mức họ luôn nói “Tôi” thay vì “Chúng tôi”, và “Đây là của tôi” thay vì “Đây là của chúng ta” [Wilkins, David E. 1997]. Đó sẽ là một tư tưởng nguy hiểm khi xuất hiện loại khoa học liên quan đến việc xếp hạng các chủng tộc dựa trên các năng lực đoạ đức và trí tuệ [Tomlins, Christopher L. 2005]. Thay vào đó là ý tưởng về một chủng tộc Anh Điêng thấp kém đã làm cho người ta phải ra toà. Các nhà tư tưởng của Kỷ nguyên tiến bộ muốn có một cái nhìn vượt khỏi các định nghĩa pháp luật về bình đẳng để tạo ra một khái niệm hiện thực về tính công bằng. Một khái niệm như vậy đã bảo hàm cả một lợi ích hợp lý, các điều kiện làm việc tươm tất, cũng như một sức khoẻ và niềm vui sống cho mỗi người Mỹ [Tomlins, Christopher L. 2005].  

Các tư tưởng này thể hiện rất rõ trong các quyết định của Toà án Tối cao trong kỷ nguyên đồng hoá. Thông qua các trường hợp như Leon Wolf kiện Hitchcock, Talton kiện Mayes, Winters kiện Nhà nước Mỹ, Nhà nước Mỹ kiện Winans, Nhà nước Mỹ kiện Nice, Nhà nước Mỹ kiện Sandoval, Toà án Tối cao đã đưa ra nhiều tiền lệ và giúp đỡ rất nhiều  cho các khuôn khổ lập pháp liên quan đến những người bản địa Mỹ. Một trong những quyết định cơ bản đã được thực hiện trong hầu hết các vụ án là làm thế nào để xác định được các dân tộc bản địa và họ có những quyền gì. Vụ Lone Wolf kiện Hitchcock đã cho thấy một ví dụ điển hình về việc thực hiện quan điểm phụ quyền của người bản địa vì nó đã quy chiếu ngược vào tư tưởng của người Anh Điêng là “các phân khu vực của quốc gia” [Duthu, Bruce 2008]. Một số vấn đề khác liên quan đến quyền săn bắt và đánh cá của người bản địa, đặc biệt là khi vùng đất vượt khỏi các hoạt động của riêng họ, dù có hay không có các quyền Hiến pháp cần thiết được áp dụng cho người Anh Điêng, và cho dù các chính quyền bộ lạc có quyền lực để xây dựng luật pháp của riêng họ. Khi bộ luật mới cố ép buộc người bản địa trở thanh công dân Mỹ, thì Toà án Tôi cao đã đưa ra các quyết định cuối cùng này. Các dân tộc bản địa Mỹ được Marshall trong vụ kiện giữa dân tộc Cherokee với bang Georgia dán nhãn là “các dân tộc phụ thuộc quốc nội”, đây là một trong những vụ kiện có ý nghĩa đánh dấu các vấn đề liên quan đến người Anh Điêng [Tomlins, Christopher L. 2005]. Một số quyết định tập trung chủ yếu vàotính chất phụ thuộc của các bộ lạc trong khi các quyết định khác lại bảo vệ chủ quyền của bộ lạc, và các quyết định khác nữa thì cố gắng thực hiện cả hai vấn đề trên.

4.6. Đàn áp tôn giáo bản địa

Vì các quan chức chính phủ tin vào đức hạnh của Thiên chúa giáo nên Chính phủ Mỹ đã thực hiện việc cải đạo cho nhiều người Anh Điêng thành người Thiên chúa giáo và đàn áp việc thực hành các lễ thức tôn giáo truyền thống của bản địa, các thù lĩnh tinh thần của họ phải đi với các cuộc nổi loạn chống lại chính quyền. Mục đích của Chính phủ Mỹ là đồng hoá dân bản địa vào nền văn hoá châu Âu của họ. Một số người gọi chính sách này là “biến thành những quả táo”, vì người Anh Điêng vẫn thể hiện mình là “người da đỏ” ở vẻ ngoài, nhưng lại bị “tẩy trắng” từ bên trong [LexisNexis 2009d]. Thậm chí cho đến thế kỷ 20 mà “các thủ lĩnh tinh thần vẫn phải lẩn trốn các án tù tới 30 năm chỉ đơn giản là vì họ thực hành các lễ thức tôn giáo truyền thống” [37]. Mãi cho đến tận năm 1973 khi luật pháp đã có những thay đổi, thì Đạo luật Tự do Tôn giáo mới được thông qua, mặc dù chính phủ đã ngừng truy tố các thủ lĩnh tinh thần của người bản địa [36]. Trên thực tế, các truyền thống tôn giáo khác nhau vẫn tiếp tục tạo ra các vấn đề, chẳng hạn chính phủ đã đưa cây xương rồng Mexico vào danh sách các loại thuốc gây nghiện nặng và trở thành bất hợp pháp trên thị trường tự do vì các đặc tính gây ảo giác của loại cây này và các vấn đề chúng khác đối với việc lạm dụng thuốc có chất gây nghiện. Nhưng người Anh Điêng Peyote theo thói quen vẫn dùng loại xương rồng peyote (xương rồng Mexico) này làm một yếu tố trung tâm trong các lễ thức tôn giáo của họ. Mãi cho đến năm 1993 thì Đạo luật Tự do Thực hành Tôn giáo Bản địa Mỹ mới được thông qua và người Anh Điêng Peyote lại có thể sử dụng cây xương rồng peyote để hành lễ một cách hợp pháp.

_________________________________________   

Còn nữa...

* Ghi chú: Bài viết năm 2008, tham gia Đề án: Luận cứ và giải pháp phát triển nguồn nhân lực dân tộc thiểu số nước ta đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, do PGS. Nguyễn Đăng Thành, PGĐ Học viện Chính trị Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh làm Chủ nhiệm, Hà Nội 2008 – 2010.

Tài liệu tham khảo

Armitage, A. 1995. Comparing the Policy of Aboriginal Assimilation: Australia, Canada, and New Zealand. UBC Press, Vancouver, p.14.

Asch, M., & Zlotkin, N. 1997. Affirming Aboriginal title: A new basis for comprehensive claims negotiation. In Michael Asch, ed., Aboriginal and Treaty Rights in Canada: Essays on Law, Equality, and Respect for Difference, UBC, Vancouver, pp.208, 270.

Barman, J., Herbert, Y., and McCaskill, D. 1986. The Legacy of the Past: An Overview. In Jean Barman, Y. Herbert, and D. McCaskill, eds, Indian Education in Canada: Volume 1: The Legacy, University of British Columbia Press, Vancouver, p.4.

Beresford, Q., & Omaji, P. 1998. Our State of Mind: Racial Planing and the Stolen Generations, Fremantle Arts Centre Press, Fremantle, p.32; Harris, J. 1994. One Blood. 200 Years of Aboriginal Encounter with Christianity: A Story of Hope, 2nd Ed., Albatross, Sydney, p. 25.

Brock, P. 1995. Aboriginal families and the law in the era of segregation and assimilation, 1890s-1950s. In Diane Kirkby, ed., Sex, Power and Justice: historical perspectives of law in Australia, Oxford University Press, Melbourne, p.136.

Buti, Tony 2002. The Systematic Removal of Indigenous Children from their Families in Australia and Canada: the History – Similarities and Differences. Lecture in Law, Law School, Murdoch University; JLV/ Louis St. John Johnson Memorial Trust Fellowship in Aboriginal Legal Issues and Public Policy.

Cazenave, Noël A.; Darlene Alvarez 1999. Defending the White Race:White Male Faculty Opposition to a White Racism Course”. In  Race and Society 2. pp. 25–50.

Chesterman, J., and Galligan, B. 1997. Citizens Without Rights: Aborigines and Australian Citizenship, Cambridge University Press, p. 60.

Churchill, Ward 1997. A Little Matter of Genocide (San Francisco: City Lights).

Culleen, C., & Libesman, T. 1995. Indigenous People and the Law in Australia, Butterworths, Sydney, p. 36.

Deloria, Vine Jr. 1988. “Indian Humor.” Custer Died For Your Sins: An Indian Manifesto. NY: Scribner, 1969. Rpt. U of OK Press.

Dickason, O. 1997. Canada’s First Nations: A History of Founding Peoples from Earliest Times, 2nd Ed., Oxford University Press, p. 248.

Eduardo, Bonilla-Silva  2006. Racism Without Racists: Color-Blind Racism and the Persistence of Racial Inequality in the United States. Rowman & Littlefield. pp. 53–54.

Feagin, Joe R. 2000. Racist America: Roots, Current Realities, and Future Reparations. New York, NY: Routledge. p. 6.

Feagin, Joe R. 2006. Systemic Racism: A Theory of Oppression Published by Routledge.

Grinde Donald A. and Bruce E. Johansen 1998. Ecocide Of Native America: Environmental Destruction Of Indian Lands And Peoples. Clear Light Publishers.

Jaimes M. Annette, ed., 1992. The State of Native America: Genocide, Colonization, and Resistance. Boston: South End Press, Pp.175-177.

Lippmann, L. 1992. Generations of Resistance: Aborigines Demand Justice, 2nd Ed., Longman Cheshire, Melbourne, p. 18.

McGrath, A. 1995. A national story. In Anne McGrath, ed., Contested Ground: Australian Aborigines under the British Crown, Allen & Unwin, Sydney, p. 14.

Miller, J. 1994. Skyscrapers Hide the Heavens: A History of Indian-White Relations in Canada, Revised Ed., University of Toronto Press, Toronto, pp. 269-70.

Sellers, R.M., & Shelton, J.N. 2003. The role of racial identity in perceived racial discrimination. Journal of Personality and Social Psychology, 84, 1079-1092.

Stiffarm, Lenore A. with Phil Lane, Jr. 1992. The Demography of Native North America: A Question of  American Indian Survival. In The State of Native America: Genocide, Colonization, and Resistance. Boston: South End Press, 1992. 23-54.

Trepagnier, Barbara 2006. Silent Racism: How Well-Meaning White People Perpetuate the Racial Divide. Boulder, CO: Paradigm Publishers, 2006.

United Nations 1996. International Covenant on Civil and Political Rights. Adopted and opened for signature, ratification and accession by General Assembly resolution 2200A (XXI) of 16 December 1966, Entry into force 23 March 1976, in accordance with Article 49.

Waters, Anne 2003. Indigenous Genocide: The United States of North America. Presentation at the American Academy of Religion Conference, Atlanta, Georgia, USA.

Wellman, David T. 1993. Portraits of White Racism. New York, NY: Cambridge University Press. pp. x.