Powered By Blogger

Thứ Tư, 26 tháng 6, 2019

Đặc điểm khảo cổ, lịch sử, văn hóa xã hội vùng biển, ven bờ và các đảo vùng Nam Bộ*

Hà Hữu Nga

1. Khái quát về vùng biển, ven bờ và các đảo vùng Nam Bộ

Nam Bộ là khu vực phía cực nam của Việt Nam và chính là Nam Kỳ từ khi Việt Nam giành được độc lập vào năm 1945. Nam Bộ là một trong ba vùng chính của lãnh thổ Việt Nam (gồm Bắc Bộ, Trung Bộ và Nam Bộ). Trước đây Nam Bộ còn được gọi là Nam phần. Địa hình trên toàn vùng Nam Bộ khá bằng phẳng, phía Tây giáp vịnh Thái Lan, phía Đông và Đông Nam giáp biển Đông, phía Bắc và Tây Bắc giáp Campuchia và một phần phía Tây Bắc giáp Nam Trung Bộ. Nam Bộ bao gồm 17 tỉnh từ Bình Phước trở xuống phía Nam và hai thành phố: thành phố Hồ Chí Minh và và thành phố Cần Thơ. Khu vực này chia làm 2 vùng chính: i) vùng Đông Nam Bộ có 5 tỉnh và 1 thành phố: 5 tỉnh: Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh, Bà Rịa – Vũng Tàu, và thành phố Hồ Chí Minh; trong số 5 tỉnh thành ở vùng Đồng Nam Bộ có 3 tỉnh thành thuộc vùng ven biển là Bà Rịa – Vùng Tàu, Đồng Nai, và thành phố Hồ Chí Minh; ii) vùng đồng bằng sông Cửu Long, còn gọi là Tây Nam Bộ, có 12 tỉnh và 1 thành phố: Long An, Đồng Tháp, Tiền Giang, An Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Hậu Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, và thành phố Cần Thơ; trong số 12 tỉnh,  thành phố vùng Tây Nam Bộ có 6 tỉnh thuộc vùng ven biển là Bạc Liêu, Bến Tre, Cà Mau, Kiên Giang, Sóc Trăng, Tiền Giang, và Trà Vinh.

Ngoài các đơn vị hành chính trong đất liền, Nam Bộ còn bao gồm một số huyện đảo tiêu biểu. Trước hết phải nói đến huyện đảo Phú Quý là đơn vị hành chính đảo tiếp nối giữa các huyện đảo miền Trung và các huyện đảo miền Nam. Phú Quý (còn gọi là cù lao Thu hay cù lao Khoai Xứ) là một đảo nhỏ, với diện tích 16 km². Huyện đảo Phú Quý thuộc tỉnh Bình Thuận, cách thành phố Phan Thiết 120 km về hướng Đông Nam; cách quần đảo Trường Sa 540 km về phía Tây Bắc; cách thị xã Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa 150km (về phía Nam); cách Côn Đảo 330km (về phía Đông Bắc); và cách thành phố Vũng Tàu 200km (về phía Đông). Ngoài đảo chính, chung quanh đảo Phú Quý còn Hòn Đá Cao hướng tây-bắc, Hòn Đỏ hướng đông-bắc và Hòn Tranh và Hòn Hải hướng Tây Nam. Huyện đảo Phú Quý có 3 xã: i) Long Hải: thôn Tân Hải, Quý Hải, Đông Hải, Phú Long; ii) Ngũ Phụng (huyện lỵ): thôn Phú An, Thương Châu, Quý Thạnh; iii) Tam Thanh: thôn Mỹ Khê, Hội An, Triều Dương.

Tiếp theo huyện đảo Phú Quý thuộc miền Trung, huyện đảo đầu tiên thuộc vùng biển miền Nam là Côn Đảo. Đây là tên một quần đảo ngoài khơi thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, cách Vũng Tàu 97 hải lý và cách song Hậu 45 hải lý. Côn Đảo còn được gọi là Côn Sơn, là tên của hòn đảo lớn nhất trong quần đảo này. Trong sách sử, sách trước đây, Côn Đảo thường được gọi là đảo Côn Lôn. Trong các văn bản tiếng Anh và tiếng Pháp khu vực đảo này được gọi là Poulo Condor. Năm 1977, Quốc hội nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam quyết định tên gọi chính thức là Côn Đảo. Côn Đảo cũng là đơn vị hành chính cấp huyện của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Côn Đảo có cùng một kinh độ với thành phố Hồ Chí Minh (106°36′) và cùng một vĩ độ với tỉnh Cà Mau (8°36′). Côn Đảo gồm 16 hòn đảo với tổng diện tích 76 km², trong đó lớn nhất là đảo Côn Lôn hay Côn Sơn, với diện tích là 51,52km². 15 đảo còn lại có diện tích từ 0,1 đến 5,5 km². Tên gọi Côn Đảo có nguồn gốc từ chữ "Pulau Kundur" nghĩa là "Hòn Bí". Người Âu Châu phiên âm là "Poulo Condor". Sử Việt thì gọi là "Đảo Côn Lôn" có thể cũng từ "Kundur" mà ra. Cuối thế kỷ 17 và đầu thế kỷ 18 các công ty của Anh, Pháp cho người tới Côn Đảo điều tra, dò xét tình hình mọi mặt với dụng ý xâm chiếm Côn Đảo. Năm 1702, năm thứ 12 đời chúa Nguyễn Phúc Chu, công ty Đông Ấn của Anh đổ quân lên Côn Đảo xây dựng pháo đài và cột cờ. Tháng 4 năm 1861, Pháp đánh chiếm Định Tường và ngày 28 tháng 11 năm 1861 đến xâm chiếm Côn Lôn. Tháng 2 năm 1862 Pháp thành lập nhà tù Côn Đảo, và từ đó biến Côn Lôn thành nơi giam giữ những người tù chính trị Việt Nam với hệ thống chuồng cọp nổi tiếng. Quần đảo Côn Lôn trước khi thuộc Pháp, thuộc tỉnh Hà Tiên, sau đổi cho tỉnh Vĩnh Long quản lý. Tháng 9 năm 1954 chính quyền Ngô Đình Diệm tiếp tục chế độ nhà tù của Pháp và đổi tên quần đảo Côn Lôn thành hải đảo Côn Sơn. Ngày 22 tháng 10 năm 1956, Ngô Đình Diệm ký sắc lệnh thành lập tỉnh Côn Sơn. Ngày 24 tháng 4 năm 1965 Việt Nam Cộng hoà đổi tỉnh Côn Sơn thành cơ sở hành chính Côn Sơn, trực thuộc bộ Nội vụ và chức tỉnh trưởng được đổi thành Đặc phái viên hành chính. Kể từ khi thống nhất đất nước vào năm 1975, Côn Đảo trở thành một huyện có chính quyền một cấp, thông qua các cơ quan chức năng huyện, trực tiếp đến địa bàn dân cư, không có các cấp phụ thuộc như xã, phường hay thị trấn. Dân số tính đến cuối năm 2003 là 4.466 người, thuộc 9 khu dân cư.

Tiếp đến huyện đảo Kiên Hải là một huyện thuộc tỉnh Kiên Giang nằm ngoài khơi vùng biển Tây Nam Việt Nam. Huyện có diện tích khoảng 30 km² và dân số khoảng 25.000 người, sinh sống trên các đảo trong quần đảo Kiên Hải. Huyện Kiên Hải có 4 xã là Hòn Tre (trung tâm hành chính), Lại Sơn, An Sơn và quần đảo Nam Du. Người dân ở đây chủ yếu sinh sống bằng nghề biển. Hòn Tre - trung tâm hành chính của huyện, cách Thành phố Rạch Giá 30 km. Xã có diện tích nhỏ nhất, chỉ rộng khoảng 4 km², đỉnh cao nhất là 395 m. Số dân trên 4 ngàn người, họ sinh sống bằng nghề làm vườn, đánh bắt và chế biến thuỷ hải sản. Trên đảo có hai ngọn núi, ngọn cao phía nam và ngọn thấp phía bắc. Hai ngọn núi này tạo cho đảo có hình dáng giống như một con rùa nổi giữa biển nên người dân còn gọi khu vực này là Đảo Rùa. Hòn Rái là một hòn đảo độc lập nằm trong vịnh Thái Lan, thuộc địa bàn xã Lại Sơn, huyện Kiên Hải, Kiên Giang cách bờ biển Kiên Giang khoảng 25 km. Đảo có tên chữ là Thát Dự, nhưng do người dân trên đảo trồng nhiều cây rái để ép dầu, vì thế, mới có tên là Hòn Rái. Cũng có người giải thích rằng, gọi tên là Hòn Rái vì đảo có hình dáng giống như một con rái lộn về hướng thành phố Rạch Giá.

Phú Quốc hay còn được mệnh danh là Đảo Ngọc, là đảo lớn nhất trong quần thể 22 đảo tại đây, và cũng là hòn đảo lớn nhất đất nước, nằm trong vịnh Thái Lan. Đảo Phú Quốc cùng với các đảo khác tạo thành huyện đảo Phú Quốc trực thuộc tỉnh Kiên Giang. Toàn bộ huyện đảo có tổng diện tích 589,23 km²(theo thống kê số liệu đất năm 2005), xấp xỉ diện tích đảo quốc Singapore. Trong đó đảo Phú Quốc lớn nhất có diện tích 567 km² (56.700 ha), dài 49 km, nơi rộng nhất (ở phía bắc đảo) 25 km, nơi hẹp nhất (ở phía nam đảo) 3km. Điểm cao nhất tới 603 m (núi Chúa). Địa hình thiên nhiên thoai thoải chạy từ bắc xuống nam với 99 ngọn núi đồi. Phú Quốc cách thành phố Rạch Giá 120 km và cách thị xã Hà Tiên 45 km. Trước năm 1975 dân số trên đảo chỉ hơn 5000 người; sau năm 1975, dân số trên đảo tăng lên nhanh chóng do hiện tượng di dân. Đến năm 2003, theo thống kê của tỉnh Kiên Giang dân cư sinh sống trên đảo đã lên đến trên 79.800 người, với mật độ trung bình là 135 người/km², thấp hơn mật độ trung bình của cả nước 253 người/km². Các khu dân cư chính gồm có: thị trấn Dương Đông, thị trấn An Thới, làng chài Hàm Ninh, làng chài Cửa Cạn, và xã đảo Hòn Thơm. Thuộc vào đơn vị huyện đảo Phú Quốc còn có quần đảo Thổ Châu, ở cực tây nam nước Việt Nam, đơn vị hành chính là xã đảo Thổ Châu. Quần đảo gồm 8 đảo, lớn nhất là đảo Thổ Chu, điểm cao nhất là 167 m. Quần đảo cách Mũi Cà Mau 80 hải lý, cách đảo Phú Quốc 100 km về phía tây nam. Xã hiện có 5.500 dân, trong đó có gần 500 là người dân nhập cư. Đảo được các nhà thám hiểm phương Tây biết đến với tên Mã Lai là Poulo Panjang.

2. Đặc điểm Khảo cổ học vùng biển, ven bờ và các đảo vùng Nam Bộ

2.1. Văn hoá Khảo cổ học Đồng Nai

Văn hóa Đồng Nai là nền văn hóa khảo cổ tiền sử vùng Đông Nam Bộ, gồm các tỉnh Tây Ninh, Bình Phước, Bình Dương. Đồng Nai, TP.Hồ Chí Minh, Bà Rịa- Vũng Tàu. Phạm vi phân bố của văn hóa Đồng Nai là lưu vực các con sông Đồng Nai, sông Bé, sông Sài Gòn và sông Vàm Cỏ. Từ cuối thế kỷ 19, người ta đã phát hiện được các di vật khảo cổ học ở khu vực này trong khi xây dựng một số công trình lớn ở Sài Gòn. Thập niên 1960-1970 một số nhà địa chất học người Pháp đã công bố việc phát hiện các công cụ thời đá cũ ở Xuân Lộc (Đồng Nai) và nhiều di tích ở vùng hạ lưu sông Đồng Nai mà họ định danh là “văn hóa Cù Lao Rùa” [Fontaine, Hoàng Thị Thân 1975]. Từ sau 1975 việc khai quật và nghiên cứu văn hóa Đồng Nai được đẩy mạnh và cho đến nay tiền sử lưu vực sông Đồng Nai đã được làm rõ nét qua hệ thống hàng trăm di tích và hàng chục ngàn di vật. [Lê Xuân Diệm - Đào Linh Côn - Võ Sĩ Khải 1995; Nguyễn Thị Hậu 2009 a,b].

Các di tích khảo cổ văn hóa Đồng Nai chia thành 3 khu vực: khu vực đồi đất đỏ bazan và cao nguyên đất xám phù sa cũ: các di tích ở đây có diện phân bố rộng, tích tụ văn hóa dày, hiện vật vô cùng phong phú chủ yếu là đồ gốm và công cụ đá. Tiêu biểu là cụm di tích Xuân Lộc – Đồng Nai, di tích thành tròn ở Lộc Ninh – Bình Phước. Khu vực hạ lưu sông Đồng Nai: Đây là khu vực di tích phân bố dày đặc, nhiều loại hình di tích như nơi cư trú, nơi chế tạo các loại công cụ và đồ dùng sinh hoạt, các khu mộ táng với nhiều táng thức khác nhau… Các di tích nổi tiếng ở đây là Cù Lao Rùa, Dốc Chùa, Bưng Sình (Bình Dương), Bình Đa, Suối Linh, Đồi Phòng Không, Gò Me…(Đồng Nai), An Sơn, Rạch Núi, Lộc Giang…(Long An). Khu vực ven biển Đông Nam bộ: đây là vùng đất thấp trũng, phần lớn là rừng ngập mặn. Di tích cư trú và mộ táng rải rác trên các gò, giồng đất cao hoặc ven các bưng lầy, di vật ở đây rất đa dạng, thể hiện những mối quan hệ giao lưu văn hóa rộng rãi, chẳng hạn như nhóm di tích mộ chum ở Cần Giờ – TP.HCM, các di tích vùng bưng lầy Bà Rịa-Vũng Tàu như Bưng Bạc, Bưng Thơm, Cái Vạn, Cái Lăng, Giồng Nổi, Gò Me…[Hoàng Xuân Chinh 1984; Phạm Quang Sơn 1984; Nguyễn Thị Hậu 2009a,b].

Đồ đá là di vật phổ biến nhất và có số lượng lớn nhất, đồng thời cũng là loại công cụ- vũ khí tồn tại lâu dài đến cả những giai đoạn về sau, do sự khan hiếm của quặng kim loại. Loại hình công cụ phổ biến là rìu, cuốc, dao hái, “Qua đá”, đục, mũi tên, … được chuyên môn hóa về chức năng. Đồ trang sức nhiều nhất là các loại vòng đeo tay, đeo tai. Việc phát hiện được những bộ đàn đá trong địa tầng di tích khảo cổ học ở Đồng Nai, Bình Phước đã khẳng dịnh sự ra đời và tồn tại của loại nhạc cụ cổ truyền  này ở lưu vực Đồng Nai từ 3000 – 2000 năm cách ngày nay. Nghề đúc đồng và luyện kim đồng thau phổ biến trong văn hóa Đồng Nai khoảng 3000 năm cách ngày nay. Đồ đồng ở đây được chế tạo bằng phương pháp đúc trong khuôn hai mang “liên hoàn”  nhiều vật đúc: Rìu, giáo, lao, mũi tên, lục lạc, lưỡi câu, lao có ngạnh… Tại di tích Long Giao (Đồng Nai) còn tìm thấy một kho “qua đồng”- một loại vũ khí  cổ phổ biến cả trong văn hóa Đông Sơn. Gần đây còn tìm thấy một số trống đồng “kiểu Đông Sơn” được sử dụng làm nắp đậy những ngôi mộ chum bằng gỗ ở di tích Bưng Sình- Phú Chánh (Bình Dương) [Phạm Đức Mạnh 1985; Phạm Đức Mạnh – Thuý Nga 1995; Nguyễn Thị Hậu 2009a].

Đồ gốm và nghề làm gốm rất phát triển, các loại đồ dùng trong sinh hoạt như nồi, bát đĩa chân cao, bình, bếp lò… có mặt trong tất cả các di tích khảo cổ. Ngoài ra còn có nhiều dụng cụ bằng gốm như bàn xoa, dọi se sợi, chì lưới… Ngoài các chất liệu chủ yếu trên trong văn hóa Đồng Nai còn tìm thấy những di vật bằng gỗ, xương, sừng hay mai rùa… làm công cụ và đồ trang sức. Giai đoạn muộn của văn hóa Đồng Nai xuất hiện những di tích mộ táng với táng thức chủ đạo là “mộ chum”: than tro hỏa táng hoặc di cốt được chôn  nguyên vẹn trong những chum, vò lớn bằng gốm hay bằng gỗ, cùng nhiều đồ tuỳ táng có giá trị như trang sức đá ngọc, mã não, thủy tinh, giáo sắt, đồ gốm minh khí… nổi bật là bộ sưu tập 26 “khuyên tai hai đầu thú” tại di tích Giồng Cá Vồ  - số lượng nhiều nhất được tìm thấy trong các di tích mộ chum ở Việt nam và Đông Nam Á [Hà Văn Tấn 1979; Nguyễn Kim Dung và những người khác 1995; Nguyễn Thị Hậu 2009 a,b].

Các nhà khảo cổ học cho rằng qua gần 2000 năm phát triển, phương thức kinh tế chính của cư dân cổ Đồng Nai là nông nghiệp ruộng khô (nương rẫy, dùng cuốc) kết hợp với khai thác tự nhiên như đánh bắt cá, hái lượm… đồng thời phát triển các nghề thủ công. Tuy nhiên, tại vùng cửa sông Đồng Nai đã xuất hiện những dấu tích của một nhóm cư dân đặc biệt sinh sống bằng nghề trao đổi buôn bán, đó là chủ nhân các di tích mộ chum ở Cần Giờ-TP.HCM. Trong khoảng 2500-2000 năm cách ngày nay Cần Giờ đã từng là một “cảng thị sơ khai” phát triển thương mại qua đường sông, đường biển với nhiều nơi như với khu vực văn hóa Sa Huỳnh ở miền Trung, các đảo ở Philippine, Indonesia, đặc biệt quan hệ kinh tế-kỹ thuật với Ấn Độ đã thể hiện rõ nét từ rất sớm. Văn hóa Đồng Nai phát triển trong thiên niên kỷ I-II trước Công Nguyên đã được nhìn nhận như bước mở đầu cho truyền thống văn hóa bản địa ở Nam Bộ với bản sắc riêng và sức sống mãnh liệt. Truyền thống văn hóa Đồng Nai cùng với một số yếu tố văn hóa “ngoại sinh” do cư dân cổ Đồng Nai tiếp thu đã trở thành những yếu tố quan trọng để hình thành nền văn hóa Óc Eo nổi tiếng trong giai đoạn lịch sử kế tiếp– thế kỷ I-VII sau Công nguyên [Hoàng Xuân Chinh 1984; Phạm Đức Mạnh 1996; Nguyễn Thị Hậu 2009 a].

2.2. Mối quan hệ giữa văn hóa Sa Huỳnh và văn hóa Đồng Nai

Văn hóa Sa Huỳnh phân bố ở khu vực miền Trung phát triển từ sơ kỳ đồng thau đến sơ kỳ đồ sắt, từ khoảng 3500 năm đến những thế kỷ trước sau Công nguyên. Đặc trưng cơ bản của văn hóa Sa Huỳnh là táng thức mộ chum, vò suốt từ giai đoạn sớm đến muộn, tuy ở một vài địa điểm vẫn có sự hiện diện của mộ huyệt đất. Các khu mộ phân bố tập trung ở những cồn cát ven biển, lan dần ra các đảo ven bờ, ngoài ra còn phân bố ở vùng đồng bằng và miền núi phía tây. Di tích là những khu mộ táng rộng lớn gồm hàng chục, hàng trăm chum, vò gốm chôn đứng trong địa tầng. Loại hình chum, vò chủ yếu hình trụ, hình trứng, hình cầu đáy bằng có nắp đậy hình nón cụt hay hình lồng bàn. Đặc biệt trong các mộ táng chum, vò thuộc văn hóa Sa Huỳnh ít tìm thấy di cốt hay than tro hỏa táng, vì vậy theo các nhà nghiên cứu táng tục của cư dân Sa Huỳnh có thể là “chôn tượng trưng” [Hà Văn Tấn 1983; Nguyễn Thị Hậu 2009 b; Lâm Thị Mỹ Dung và Nguyễn Đức Minh 1997].

Trong các mộ chum và mộ vò chứa nhiều đồ tùy táng gồm các chất liệu đá, gốm, sắt, đá quý, thủy tinh rất đa dạng về loại hình: công cụ lao động, vũ khí, đồ dùng sinh hoạt, trang sức… Đặc trưng về di vật là sự phổ biến của công cụ lao động và vũ khí bằng sắt, đồ gốm tô màu trang trí nhiều đồ án hoa văn khắc vạch, đồ trang sức bằng đá ngọc, mã não, thủy tinh như vòng, hạt chuỗi, khuyên tai ba mấu, khuyên tai hai đầu thú… Chủ nhân văn hóa Sa Huỳnh có nền kinh tế đa thành phần, gồm trồng trọt trên nương rẫy và khai thác sản phẩm rừng núi, trồng lúa ở đồng bằng, phát triển các nghề thủ công, đánh bắt cá ven biển và trao đổi buôn bán với những tộc người trong khu vực Đông Nam Á và xa hơn, với Trung Quốc và Ấn Độ. Những di tích văn hóa Sa Huỳnh ven biển đã có thể từng là những “tiền cảng thị” (như khu vực Hội An với di tích Hậu Xá chẳng hạn). Trung tâm của văn hóa Sa Huỳnh là khu vực Quảng Nam – Quảng Ngãi. Khu vực Nam Trung Bộ, từ Phú Yên đến Bình Thuận những di tích và di vật thời tiền – sơ sử mới được phát hiện và nghiên cứu từ sau năm 1975. Cho đến nay số lượng di tích và di vật ở khu vực này chưa nhiều lắm song đã thể hiện tính chất và diện mạo của “văn hóa Sa Huỳnh” có phần khác biệt so với vùng trung tâm, kể cả giai đoạn nối tiếp từ văn hóa Sa Huỳnh sang văn hóa Chămpa. Văn hóa khảo cổ ở đây có những nét độc lập nhất định so với vùng trung tâm của văn hóa Sa Huỳnh. Ngay từ giai đoạn đồ đồng ở  khu vực Khánh Hòa đã phân lập được một văn hóa khảo cổ là “văn hóa Xóm Cồn”. Đến giai đoạn muộn sơ kỳ thời đại Đồ Sắt, ở một số di tích mộ vò ở Nam Trung bộ như Hòa Diêm (Cam Ranh, Khánh Hòa), Hòn Đỏ, Bàu Hòe (Bình Thuận) có nhiều yếu tố khác biệt mộ chum vò Sa Huỳnh điển hình và thậm chí còn có những yếu tố gần gũi với văn hóa Đồng Nai ở miền Đông Nam bộ như hình dáng chum, vò mai táng, hiện tượng di cốt và than tro có trong mộ chum, mộ vò [Hà Văn Tấn 1983; Nguyễn Thị Hậu 2009 b; Lâm Thị Mỹ Dung và Nguyễn Đức Minh 1997].

Dưới đây là một số so sánh giữa giai đọan phát triển cao nhất của hai văn hóa Sa Huỳnh và Đồng Nai từ nửa sau thiên niên kỷ I trước CN đến đầu CN, trong đó đối với văn hoá Đồng Nai, tiêu biểu là nhóm mộ chum ở Cần Giờ - TPHCM. Cần Giờ nằm ở phía Đông Nam và là cửa ngõ đi ra biển Đông của Tp Hồ Chí Minh, là một phần của miền Đông Nam Bộ thành tạo do dòng chảy của sông Cửu Long cổ. Với diện tích khoảng gần 700 km2 được bao bọc bốn phía bởi sông và biển ( phía Bắc là sông Nhà Bè và sông Lòng Tàu, phía Đông là sông Đồng Tranh và sông Thị Vải, phía Tây là sông Soài Rạp và phía Nam là biển Đông). Trên vùng đất sình lầy ven biển này đã có một thảm thực vật kiểu rừng nước mặn phát triển phong phú – nổi danh với địa danh Rừng Sác. Từ đầu nguồn chảy xuống, sông Đồng Nai và sông Sài Gòn hợp lưu ở Nhà Bè rồi lại tách ra làm hai đổ xuôi ra biển: từ đây, sông Sài Gòn được gọi là sông Lòng Tàu đổ ra biển bằng cửa chính là cửa Cần Giờ ở vịnh Rành Gái; sông Đồng Nai được gọi là sông Soài Rạp, hợp lưu với sông Vàm Cỏ ( Đông – Tây)  đổ ra biển bằng cửa Soài Rạp ở vịnh Đông Tranh. Cả hai sông Sài Gòn và Đồng Nai đều có một hệ thống chi lưu, phụ lưu và các con sông rạch nhỏ, Khí hậu ở khu vực Cần Giờ vô cùng khắc nghiệt. Mùa khô kéo dài và mùa mưa đến chậm , lượng mưa cũng ít hơn những nơi khác ở miền Đông Nam Bộ [Nguyễn Thị Hậu 2009 a,b].

Phân bố trên vùng đất ven biển có địa hình hết sức phức tạp này, nhóm mộ chum Cần Giờ gồm 2 di tích Giồng Phệt và Giồng Cá Vồ có những đặc trưng cơ bản sau: Là một nhóm di tích cư trú và mộ chum phân bố trên những giồng đất đỏ hoặc đất nâu đen. Mộ chum phân bố dày đặc không có qui luật ngay trên tầng văn hóa của di chỉ cư trú. Bên cạnh số lượng mộ chum lớn còn có cả mộ đất. Loại hình chum mai táng tuyệt đại đa số là hình cầu đáy tròn, miệng hơi khum được mài khá nhẵn. Chum được đặt đứng trên một lớp đất gia cố đặc biệt, hoàn toàn không có nắp đậy. Trong chum di cốt còn khá nguyên vẹn thể hiện tục hung táng.Truyền thống mộ táng ở Cần Giờ có sự chuyển biến về táng thức: Mộ huyệt đất sét – mộ chum gốm đặt trong huyệt đất sét – mộ chum gốm – mộ huyệt đất. Có thể nhận biết truyền thống này qua các di tích Khu Bao Đồng – Giồng Cá Vồ - Giồng Phệt [Đặng Văn Thắng, Nguyễn Thị Hậu 2006].

Tầng văn hóa gồm mộ táng và một hệ gốm di chỉ có lọai hình và kỹ thuật sản xuất riêng biệt “gốm Cần Giờ”. Đây là lọai gốm do cư dân cổ Cần Giờ sản xuất, nguyên liệu tại chỗ, lọai hình riêng biệt, kỹ thuật đặc thù, diễn biến liên tục qua các di tích KCH ở đây từ khỏang 3000 năm đến khỏang 1500 năm cách nay. Lọai hình đặc trưng là bình thân cầu miệng khum có rãnh, bình đáy hình trứng cổ thắt miệng loe vành miệng gập vào trong có rãnh, bình đáy chỏm cầu cổ thắt vành miệng vê tròn. Hoa văn in đập xương cá hay ô vuông, ô trám. Kỹ thuật nặn tay, gắn chắp. Xương gốm pha cát khá mịn, độ nung cao. Đáng chú ý là các lọai chum gốm mai táng cũng cùng chất liệu và kỹ thuật sản xuất. Hiện vật trong mộ chum, mộ đất và trong tầng văn hóa có cùng loại hình và chất liệu, thể hiện mối giao lưu vô cùng rộng rãi và mật thiết với nhiều vùng khác nhau, như văn hóa Sa Huỳnh, văn hóa Đồng Nai, văn hóa Óc Eo và của cả những vùng xa hơn như Thái Lan, Campuchia và nhất là Philippin. Nhóm di tích này có khung niên đại khoảng từ 3000 năm đến 2000 năm cách ngày nay, niên đại C14 của lớp mộ táng Giồng Cá Vồ 2480 ± 50 năm cách ngày nay và Giồng Phệt là 2100 ± 50 năm,  tương đương giai đoạn Hậu kỳ của Văn hóa Sa Huỳnh. Từ những đặc trưng này đã có ý kiến kiên trì phân lập nhóm di tích này thành một văn hóa mới: “Văn hóa Giồng Phệt” [Nguyễn Thị Hậu, Đặng Văn Thắng, 2004].

Đặc trưng đầu tiên của Văn hóa Sa Huỳnh là từ giai đoạn Sơ kỳ đến gia đoạn Hậu kỳ đều được mai táng bằng những chum gốm lớn, trong đó một số một đất, nằm ở vùng địa tầng và có cùng loại đáy tròn và chum có vai gãy đáy bằng của Văn hóa Giồng Phệt khá khác biệt 3 loại chum hình trụ hay hình ống, hình trứng và hình cầu dùng mai táng trong Văn hóa Sa Huỳnh. Mộ chum ở Sa Huỳnh thường không tìm thấy xương răng người chết, nên có thể đó là những chum dùng để cải táng. Trong khi đó tuyệt đại đa số mộ chum ở Cần Giờ còn di cốt người như: sọ, răng, sương ống, xương chi.. trong nhiều mộ, di cốt còn khá nguyên vẹn cho thấy cư dân cổ nơi đây đã chôn nguyên thi thể người chết trong chum bằng cách bó ngồi [Nguyễn Lân Cường, 1995]. Tục cải táng hay chôn ở mộ đất chỉ là những ngoại lệ. Với số lượng lớn mộ chum ở di tích Giồng Cá Vồ: 339 mộ/225 m2 , với sự đồng nhất của loại hình chum mai táng và sự thống nhất trong táng tục, ta thấy cư dân ở đây đã có một tập tục hung táng lâu dài, ổn định và độc đáo. Đây là yếu tố đầu tiên giúp ta phân biệt Giồng Phệt với các đặc điểm văn hóa khác có cùng tục mai táng bằng chum gốm. Đồ gốm tùy táng ở Giồng Phệt và Giồng Cá Vồ dễ dàng nhận thấy những yếu tố của gốm Sa Huỳnh về loại hình và hoa văn: các loại nồi gãy góc ở thân, bình Sa Huỳnh, bát đĩa chân cao với số lượng không nhiều. Các hiện vật kiểu Sa Huỳnh ấy được tìm thấy trong mộ chum, mộ đất và trong tầng văn hóa. Thủ pháp trang trí gốm các của cư dân Sa Huỳnh là khắc vạch kết hợp in mép sò và tô màu ( chủ yếu là tô đen ánh chì) cũng chính là thủ pháp trang trí gốm của chủ nhân nhóm mộ chum Giồng Cá Vồ, Giồng Phệt. Hoa văn gốm uốn lượn mềm mại kết hợp với in mép sò, ấn chân chim vào một số họa tiết đệm khác như tam giác, những vạch chéo…tạo nên những đồ án chữ S kép nối nhau chạy ngang thanh gốm với những vạch xiên chéo, hay những chữ S gấp khúc nằm xiên móc vào nhau có tam giác đệm. Đồ gốm “kiểu Sa Huỳnh” ở đây hoàn toàn vắng mặt thủ pháp tô đen ánh chì, mà chỉ có một số tiêu bản được tô thổ hoàng. Ở Giồng Phệt và Giồng Cá Vồ đã tìm thấy 32 khuyên tai hai đầu thú (Giồng Phệt 5 chiếc bằng đá ngọc và Giồng Cá Vồ 27 chiếc, trong đó có 19 chiếc bằng đá và 8 chiếc bằng thủy tinh [Nguyễn Thị Hậu 2006].

Đặc biệt, ở Giồng Cá Vồ còn tìm thấy một chiếc khuyên tai hai đầu thú bằng đá hình chiếc khánh, đây là tiêu bản độc đáo nhất của loại hình này và cho đến nay là tiêu bản duy nhất đã tìm thấy ở Việt Nam và Đông Nam Á. Tại Giồng Cá Vồ, đã tìm thấy 4 cặp khuyên tai 2 đầu thú bằng đá giống nhau trong mộ chum. Quan trọng hơn, trong mộ chum di cốt còn khá nhiều hộp sọ còn nguyên với 2 hàm đầy đủ có một khuyên tai hai đầu thú bằng đá màu xanh nằm áp sát vào tay trái rất ngay ngắn. Móc đeo và hai cặp sừng quay lên trên, hai miệng ở phía dưới đúng tư thế và vị trí của một khuyên tai. Như vậy, việc phát hiện những khuyên tai hai đầu thú ở Giồng Phệt và Giồng Cá Vồ đã cung cấp thêm những tư liệu để xác định chức năng của nó. Chủ nhân văn hóa Giồng Phệt đã sử dụng đồ trang sức này ở cả nam và nữ, đeo ở một hay cả hai bên tai, cả chủ nhân mộ chum và mộ đất. Cùng tượng hình “hai đầu thú”, ở Giồng Phệt và Giồng Cá Vồ còn tìm thấy nhiều tượng hình chim bằng đất nung có 2 hoặc 3,4 đầu. Những tượng hình chim này được gắn lên đỉnh mộ hình tháp bằng đất nung có 4 mặt, hoặc đơn giản hơn, gắn trên một đoạn gốm hình trụ có chân đế choãi cao. Loại hình đồ gốm độc đáo này tìm thấy trong cả mộ táng và trong tầng văn hóa. Rõ ràng hình tượng hai, hay nhiều đầu chim, đầu thú thể hiện trên đồ trang sức và đồ gốm ở đây có mối quan hệ với nhau, theo chúng tôi, chúng đều là biểu tượng của một hình thái tôn giáo – tín ngưỡng, có thể coi loại hình hiện vật có hình tượng đầu chim, đầu thú là một đặc trưng văn hóa của văn hóa Giồng Phệt [Vũ Quốc Hiền, Nguyễn Thị Hậu 1995; Nguyễn Thị Hậu, 1997].

Ngoài khuyên tai 2 đầu thú ở đây còn phổ biến một số loại hình trang sức quen thuộc của văn hóa Sa Huỳnh như: khuyên tai 3 mấu, hạt chuỗi mã não có số lượng nhiều nhất với nhiều hình dáng và kích cỡ. Đồ trang sức thủy tinh: Ngoài khuyên tai 2 đầu thú và khuyên tai 3 mấu, còn có rất nhiều loại hạt chuỗi và vòng đeo. Có thể nói đồ trang sức của Giồng Cá Vồ và Giồng Phệt đã thể hiện khả năng “hội tụ” những yếu tố đặc trưng của nhiều nền văn hóa trong Sơ kỳ Thời đại sắt ở Đông Nam Á và vùng xa hơn, trong đó ảnh hưởng của Văn hóa Sa Huỳnh là khá đậm nét. Trong Văn hóa Sa Huỳnh công cụ bằng sắt khá phong phú như rìu, cuốc, thuổng, dao, liềm. Nhưng trong Giồng Cá Vồ, Giồng Phệt lại phổ biến các loại vũ khí như giáo, kiếm, lao kích thước khá lớn, thường được bẻ cong hoặc gấp đôi để đặt vào mộ chum. Chủ nhân của những mộ chum này chắc chắn là người có địa vị cao trong xã hội; công cụ sản xuất nông nghiệp rất ít, bên cạnh số lượng lớn các loại dao dùng trong sinh hoạt và nhiều loại lưỡi câu để đánh bắt hải sản. Một số hiện vật sắt được bọc nhiều lớp vải. Một số hiện vật sắt được bọc nhiều lớp vải, có loại vải thô nhưng cũng có loại khá mịn, cho thấy giá trị cao của chúng. Công cụ vũ khí bằng sắt ngoài chất năng thông dụng còn là biểu tượng cho quyền lực của chủ nhân chúng trong một xã hội đã có sự phân hóa khá sâu sắc. Yếu tố của nông nghiệp trồng trọt khá mờ nhạt trong văn hóa Giồng Phệt; cảnh quan môi trường sinh thái ở đây đã không cho phép cư dân sống bằng nghề nông chứ chưa nói đến việc phát triển kinh tế nông nghiệp; chỉ có nghề khai thác biển là khá phát triển [Nguyễn Thị Hậu 2009 a,b].

Như vậy, những yếu tố của Văn hóa Sa Huỳnh trong “văn hóa Giồng Phệt” khá rõ nét trên đồ gốm tùy táng và đồ trang sức, là những loại hình hiện vật thể hiện tư duy thẩm mỹ và đời sống tâm linh của cư dân cổ. Chính vì vậy, đồ gốm và đồ trang sức thường xuyên được trao đổi giao lưu về cả sản phẩm và kỹ thuật. Như trên đã nói, đã tìm thấy những bằng chứng chế tạo đồ trang sức tại Giồng Cá Vồ, và kỹ thuật nặn tay, gắn chắp làm gốm di chỉ cũng sử dụng trong làm đồ gốm tùy táng. Khu vực Cần Giờ thể hiện hiện rõ sự tiếp nhận kỹ thuật từ các vùng xung quanh và phát triển thành một đặc trưng riêng biệt. Di tích mộ chum Hòa Diêm (xã Cam Thịnh, thị xã Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa) và nhóm di tích mộ chum Giồng Cá Vồ, Giồng Phệt (Cần Giờ, TP.HCM). Qua diễn biến tầng văn hóa, đối sánh với các di tích trong khu vực và xa hơn, bước đầu những người khai quật cho rằng niên đại di tích Hòa Diêm có thể kéo dài trong khoảng thế kỷ 1-2 TCN đến thế kỷ 2-3 sau CN, trong đó lớp sớm có quan hệ chặt chẽ với văn hóa Xóm Cồn – văn hóa sơ kỳ kim khí ở Khánh Hòa, lớp văn hóa muộn có quan hệ với giai đoạn sớm của văn hóa Chăm, còn giai đoạn Hòa Diêm tương đương với văn hóa Sa Huỳnh cổ điển ở ven biển miền Trung Việt Nam. Ngoài ra di tích Hòa Diêm còn có mối quan hệ rộng hơn với các di tích liền kề cũng như một số văn hóa cùng thời ở khu vực phía Nam. Con đường phát triển và quan hệ văn hóa của di tích Hòa Diêm đã góp phần tạo nên một khu vực văn hóa tiền sử mang những đặc điểm riêng ở Nam Trung bộ [Nguyễn Thị Hậu 2009 a,b].

Tầng văn hóa di tích Hòa Diêm còn khá nguyên vẹn và chứa nhiều hiện vật đồ đá, gốm, vỏ nhuyễn thể, kim loại. Sự diễn biến từ sớm đến muộn với các giai đoạn văn hóa khác nhau, kể cả địa tầng gốm và cả địa tầng mộ táng cho biết tính chất của di tích là nơi cư trú đồng thời là khu mộ táng có nhiều táng thức như hung táng, cải táng, mộ đất, mộ chum, mộ vò gốm, mộ tượng trưng. Đặc trưng nổi bật của di tích Hòa Diêm là mộ chum: mật độ phân bố dày đặc, chum hình cầu có một chum khác đậy lên trên, chum dưới ghè rộng miệng để dễ sắp xếp di cốt và hiện vật. Do cải táng và hỏa táng rồi cho xương vào chum nên di cốt trong chum không theo quy luật nào cả, có mộ có tới 3 cá thể, nhiều mộ có 2 cá thể, mộ số 1 có 1 cá thể và nhiều mộ chỉ có vài mẩu xương vụn, thậm chí có mộ không còn di cốt. Trong các mộ chum có di cốt người lớn và cả trẻ em. Phần di cốt được bảo quản cẩn thận nhất là sọ, thường có mảnh gốm lớn kê ở dưới. Nhiều mộ chum có hiện tượng nắp vỡ sụp xuống lòng chum, vị trí một số đồ gốm tùy táng có chức năng như kê, che cho di cốt quan trọng như sọ, hàm [Nguyễn Công Bằng, 2005].

Như vậy, mộ táng trong di tích Hòa Diêm đã thể hiện những đặc trưng gần với Giồng Cá Vồ, Giồng Phệt thuộc khu vực văn hóa Đồng Nai hơn là văn hóa Sa Hùynh. Ngoài ra, các mộ đất có hiện tượng rải, phủ gốm, loại hình rìu đồng tùy táng, đá cuội trong mộ chum và mộ đất ở Hòa Diêm đều là những hiện tượng đã gặp và khá phổ biến trong văn hóa Đồng Nai. Tất nhiên không thể vì vậy mà mở rộng phạm vi của “văn hóa Giồng Phệt” hay văn hóa Đồng Nai đến Nam Trung bộ, một vùng cảnh quan sinh thái tương đối khác biệt. Với những bằng chứng trên, Khánh Hòa – rộng hơn là khu vực Nam Trung bộ với nhóm di tích Bàu Hòe – Hòn Đỏ - Mỹ Tường ở Bình Thuận mà các mộ vò ở đây với phong cách mai táng, hình dáng và kích thước gần gũi với cụm di tích Suối Chồn – Đồng Nai và khác lạ với cụm vò lớn hình trụ hay hình trứng điển hình của văn hóa Sa Huỳnh, đã thể hiện rõ tính chất vùng giao thoa, vùng đệm của hai trung tâm văn hóa thời đại kim khí trong thời gian sơ kỳ đồ sắt giao lưu văn hóa qua buôn bán và các luồng di dân ven biển Đông Nam Á. [Lương Ninh 2001; Nguyễn Thị Hậu 2009a,b; Phạm Đức Mạnh và cộng sự1984].

Văn hóa Sa Huỳnh có vị trí quan trọng trong việc định vị và đối sánh các văn hóa cùng thời, nhất là những văn hóa ven biển và hải đảo có mối quan hệ giao lưu mật thiết với nó. Sự giao thoa giữa các nền văn hóa cùng thời, cùng trình độ phát triển, địa  bàn kề cận nhau là hiện tượng văn hóa mang tính quy luật. Ở khu vực giáp ranh Nam Trung bộ tùy từng giai đọan mà văn hóa ở đây ảnh hưởng đậm nét các yếu tố văn hóa Sa Huỳnh hay văn hóa Đồng Nai. Những đặc trưng của văn hóa Sa Hùynh ngày nay đã tìm thấy trong nhiều nền văn hóa ở những môi trường và địa hình khác nhau. Điều này càng cho thấy rõ hơn mối quan hệ qua biển, bằng biển của cư dân cổ Đông Nam Á: yếu tố văn hóa biển mang lại những nét tương đồng còn yếu tố lục địa làm nên nét khác biệt cho các nền văn hóa cổ, Biển Đông từ thời xa xưa cho đến nay luôn có một vị trí quan trọng trong sự phát triển của khu vực Đông Nam Á. Đây cũng là một trong những yếu tố thúc đẩy sự phát triển từ văn hóa Sa Huỳnh đến văn hóa Chămpa và từ văn hóa Đồng Nai đến văn hóa Óc Eo. [Nguyễn Thị Hậu 2004; Nguyễn Thị Hậu 2009a,b; Lâm Thị Mỹ Dung 2009].

2.3. Giai đoạn tiền Óc Eo ở vùng ven biển và các đảo Nam Bộ

Từ sau năm 1975, nghiên cứu về các văn hóa cổ ở Nam bộ là một nhiệm vụ trọng yếu của khảo cổ học Việt Nam. Những phát hiện mới về văn hóa Đồng Nai, văn hóa Oc Eo đã làm cho diện mạo các nền văn hoá cổ này ngày càng rõ nét. Đặc biệt, một trong những thành tựu quan trọng nhất là đã phát hiện và khai quật những di chỉ có niên đại thuộc giai đoạn sơ kỳ sắt như Gò Cây Tung (An Giang ), Gò Cao Su, Gò Ô Chùa ( Long An), Giồng Cá Vồ, Giồng Phệt ( Cần Giờ- TP.HCM ), Giồng Nổi (Bến Tre), Giồng Lớn (Bà Rịa –Vũng Tàu). Các khám phá mới về giai đoạn “tiền Óc Eo” ở Nam bộ ngày càng làm rõ hơn nguồn gốc bản điạ của văn hóa này từ nhiều di tích thuộc văn hóa tiền – sơ sử. Những di tích được xếp vào giai đoạn “tiền Óc Eo” khi trong sưu tập di vật  hiện diện rõ ràng các yếu tố của văn hóa Óc Eo ở loại hình, chất liệu hay kỹ thuật chế tác. Trong các di tích điểm lại một cách khái quát dưới đây yếu tố văn hóa Óc Eo được nhận biết trong di vật gốm và đồ trang sức. Qua đó có thể nhận biết tính chất xã hội và các mối quan hệ giao lưu văn hóa của văn hóa Óc Eo đã có mầm mống từ các di tích tiền sử ở Nam Bộ. Vì vậy, nhìn lại các di tích thuộc giai đoạn “tiền Óc Eo” là để góp thêm tư liệu cho việc làm sáng tỏ lịch sử vùng đất Nam bộ, giai đoạn chuyển biến từ thời kỳ tiền sử vào thời kỳ lịch sử với sự hình thành nền văn hóa Óc Eo rực rỡ [Sở Văn hóa Thông tin An Giang 1984; Nguyễn Thị Hậu 2009a,b; Lâm Thị Mỹ Dung 2009].

Các di tích thuộc giai đoạn “tiền Óc Eo” gồm có Gò Cây Tung (An Giang), Gò Cao Su, Gò Ô Chùa (Long An), Giồng Cá Vồ, Giồng Phệt, Giồng Cá Trăng (Cần Giờ- Thành phố Hồ Chí Minh), Giồng Nổi (Bến Tre), Giồng Lớn (Bà Rịa-Vũng Tàu), đều được khai quật trong những năm 1990 đến nay. Niên đại của các di tích này khoảng từ 500 năm trước công nguyên đến thế kỷ 1-2 sau công nguyên. Địa hình di tích là những gò, giồng đất cao phân bố ở những khu vực sinh thái khác nhau: Gò Cây Tung nằm trong đồng bằng tứ giác Long Xuyên thấp trũng, Gò Cao Su, Gò Ô Chùa ở ven Đồng Tháp Mười đầm lầy, Giồng Cá Vồ, Giồng Phệt, Giồng Cá Trăng ở vùng rừng ngập mặn ven biển Đông Nam Bộ, Giồng Nổi, Giồng Lớn là những giồng cát cổ gần biển. Trong thời tiền sử đây là những khu vực chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của chế độ bán nhật triều của biển Đông - Tây Nam Bộ và mùa nước nổi của sông Cửu Long. Tầng văn hóa di tích do phù sa cổ (sông, biển) cùng với quá trình cư trú của con người tạo thành, độ dày tầng văn hóa trung bình khoảng 1-1,5m, Gò Cây Tung dày đến 3,5m. Qua khảo sát thực tế, các di tích này hầu như không bị ngập trong mùa lũ lụt hay khi triều cường, đây chính là điều kiện tiên quyết để người xưa chọn làm nơi cư trú lâu dài. Các di tích nói trên là di chỉ cư trú - mộ táng. Dấu tích di chỉ cư trú chủ yếu là mảnh gốm ken dày trong tầng văn hóa lẫn với một số hiện vật khác như đồ đá ở Gò Cây Tung, xương răng động vật ở Gò Ô Chùa, Giồng Nổi, hay vỏ nhuyễn thể ở các di tích khu vực Cần Giờ. Di tích cư trú và lớp mộ táng thường không có ngăn cách mà diễn biến liên tục qua vài trăm năm. Sinh thổ là lớp sét xám đen hay vàng nhạt, loại sét có thể sử dụng làm gốm. Loại hình phân bố mộ táng khá phức tạp, gồm mộ huyệt đất, mộ chum vò, dấu vết cải táng, hỏa táng. Đồ tùy táng nhiều loại hình, nhiều chất liệu, cả đồ gia dụng và minh khí, mang tính chất riêng nhưng cũng thể hiện mối quan hệ với nhau, nhất là qua đồ gốm [Tống Trung Tín, Bùi Minh Trí, Nguyễn Minh Sang 1994; Tống Trung Tín, Bùi Minh Trí, Nguyễn Minh Sang 1995].
 
Gốm trong các di tích “tiền Óc Eo” gồm hai loại gốm thô và gốm mịn, trong đó gốm mịn ở các lớp văn hóa trên và số lượng cũng ít hơn gốm thô, tuy đều có thể nhận biết hai loại gốm cùng làm từ nguyên liệu sét tại chỗ. Ở di tích Gò Cây Tung thì số lượng đồ gốm rất nhiều, với hai loại chất liệu gốm thô và gốm mịn, tỷ lệ gốm mịn ít và chỉ có ở lớp 1 của hố II. Loại hình gốm Gò Cây Tung có mâm bồng, bát có chân đế, bình, nồi, nắp vung, vòi ấm, mảnh chai gốm. Trang trí văn thừng kết hợp miết láng, đắp nổi hoặc ấn lõm, tô màu đỏ gạch. Tại đây có một hệ thống gốm dường như chưa thấy ở một di tích nào, trong suốt thời kỳ dài gần như không có gốm mịn nhưng giai đoạn cuối của thời tiền sử gốm mịn đã xuất hiện với loại hình mảnh vòi ấm, bình, chai gốm tuy số lượng không nhiều. Trong chừng mực nhất định, gốm Gò Cây Tung có lẽ cũng phát huy ảnh hưởng đối với văn hóa Óc Eo qua kỹ thuật trang trí hoa văn đắp gờ nổi, ấn lõm, trổ lỗ kết hợp với tô màu đỏ. Gò Cây Tung được những người khai quật định niên đại khá dài, trong đó lớp văn hóa tiền Óc Eo khoảng 2500 BP đến 2000 – 1800 BP [Trần Anh Dũng, Bùi Văn Liêm, Nguyễn Đăng Cường, Vương Thu Hồng 1995].

Di tích Gò Cao Su: hàng vạn mảnh gốm của các loại bình, vò, nắp gốm, nồi, chậu, dọi xe chỉ, mảnh khuôn đúc, mảnh bếp gốm… Đặc biệt là một nắp gốm trắng mịn, trang trí nhiều kiểu hoa văn khắc vạch. Tại đây còn phát hiện loại gốm trắng mốc ở cả giai đoạn sớm và muộn, tuy chất lượng có khác nhau. Đây là loại gốm đặc trưng của văn hóa Óc Eo, như vậy loại gốm này có một quá trình hình thành và mang tính bản địa, phát triển từ trước khi văn hóa Óc Eo định hình. Niên đại C14 của Gò Cao Su là 3370 ± 80 và 2650 ± 70BP. Di tích Gò Ô Chùa: Chất liệu gốm Gò Ô Chùa khá mịn, tỷ lệ gốm thô do pha cát ít. Gốm thường có xương xám đen, một số ít gốm xương đen, đỏ, xương gốm trắng rất ít. Hầu hết mảnh gốm có lớp áo khá mịn. Lớp áo gốm trắng ngà hoặc trắng hồng, sau đó tô màu vàng, đỏ cam hay đen láng. Điều đó chứng tỏ kỹ thuật gia công đồ gốm ở đây khá cao, nhất là khâu nguyên liệu và độ nung. Hoa văn chủ yếu là văn thừng đập và văn chải, văn khắc vạch bằng que một hay nhiều răng. Đặc biệt một số mảnh gốm có dấu in khuôn bên trong. Loại hình khá tập trung gồm mâm bồng, nồi cổ thắt, bát, chậu, chum nhỏ, các loại hình… Hàng vạn mảnh gốm và hàng chục tiêu bản gốm được phục dựng đã cho thấy di tích này là khu sản xuất gốm, nhất là với sự có mặt của hàng trăm chạc gốm, mà Malleret gọi là vật kê lò. Niên đại C14 của Gò Ô Chùa là 1900 ± 60 năm và 2420 ± 70BP [Nguyễn Mạnh Cường 1996; Sở Văn hóa Thông tin An Giang 1984; Trần Anh Dũng, Bùi Văn Liêm, Nguyễn Đăng Cường, Vương Thu Hồng 1995; Nguyễn Thị Hậu 2000; Ngô Thế Phong, Bùi Phát Diệm 2001].

Gốm Cần Giờ: Là loại gốm tìm thấy tại các di tích cư trú có và không có mộ chum ở khu vực này. Gốm Cần Giờ có một truyền thống riêng biệt cả về loại hình, hoa văn, kỹ thuật tạo dáng và trang trí hoa văn, thể hiện trong cả một số đồ gốm minh khí tùy táng. Loại hình phổ biến là gốm thân hình cầu, hình chai, đáy tròn hay đáy hình trứng, không có chân đế. Miệng khum cong là chủ đạo, có thể có vành miệng loe trang trí hoa văn in ấn hay khắc vạch. Hoa văn in đập ô vuông, xương cá thô. Văn thừng ít, chỉ phổ biến ở chum gốm mai táng, hoa văn khắc vạch trang trí ở vành miệng hoặc ngang thân. Các loại gốm tùy táng có chân đế loe cao hình trụ, trang trí văn khắc vạch, ấn lõm hay trổ lỗ hình học, phổ biến loại mâm bồng, bát chậu, bát chậu, bình, nồi cổ thắt hình giỏ cua, cà ràng  với xương gốm khá mịn tuy pha nhiều cát, gốm chắc, độ nung khá cao và đều. Gốm thường có màu đỏ, hồng hay xám nhạt, riêng chum gốm dày hơn, áo láng và có màu xám đen. Gốm Cần Giờ nặn bằng tay là chính, kết hợp với bàn đập hòn kê, dấu vết kỹ thuật này để lại rất rõ ở phần mép trong miệng hay phần gắn chắp chân đế vào đáy gốm. Ngoài ra, có thể coi kỹ thuật tạo gốm bằng in khuôn là đặc trưng của gốm Cần Giờ, vì đây là kỹ thuật tạo dáng hai loại sản phẩm chủ yếu là chum gốm và chai gốm, ngoài ra còn dùng để làm gạch nhỏ ở giai đoạn đầu Công nguyên. Kỹ thuật bàn xoay dùng để hỗ trợ tu sửa đồ gốm. Sưu tập gốm Cần Giờ thể hiện yếu tố “tiền Óc Eo” tiêu biểu nhất là đồ tùy táng trong hai di tích mộ chum Giồng Cá Vồ (2480 ± 50BP) và Giồng Phệt (2420 ± 480, 2100 ± 50BP) [Vũ Quốc Hiền, Nguyễn Thị Hậu 1995 ; Đặng Văn Thắng, Vũ Quốc Hiền 1995; Nguyễn Lân Cường, 1995].

Gốm Giồng Nổi: Mặc dầu địa tầng di chỉ Giồng Nổi khá mỏng nhưng trong bộ sưu tập gốm ở đây dường như có hai nhóm gốm khá tách biệt nhau: một nhóm gốm tương đương với gốm tiền sử Đông Nam bộ có niên đại thuộc hậu kỳ đá mới – sơ kỳ đồng thau (trên dưới 3000 năm), và một nhóm gốm khác có thể tương đương về niên đại với các di tích tiền Óc Eo vùng Nam bộ (khoảng trước – sau công nguyên). Nhóm gốm “tiền Óc Eo” ở Giồng Nổi thể hiện trên một số loại hình như chai gốm miệng dày và hơi uốn lõm, phảng phất loại miệng bình Giồng Phệt, Giồng Cá Vồ, lọ gốm đáy nhọn, nắp vung, đĩa gốm cùng một số loại hình khác, nồi nhỏ có tay cầm, miệng khum, nồi nhỏ hình gáo dừa. Hoa văn gốm giai đoạn này có những mô típ tương tự hoa văn gốm tùy táng ở Giồng Phệt, Giồng Cá Vồ, Gò Ô Chùa như kiểu ấn chìm tạo hình hoa 4 cánh, băng chữ V liền nhau, chấm dải trang trí trên vành miệng… Chất liệu nhóm gốm này khá mịn. Niên đại Giồng Nổi: 2200 ± 50, 2290 ± 65, 2310 ± 70 BP.Gốm Giồng Lớn: Phần lớn là đồ tùy táng, chất liệu, loại hình, hoa văn khá giống gốm tùy táng ở Giồng Phệt, Giồng Cá Vồ, bình cổ thắt miệng loe chân đế cao có hoa văn khắc vạch hồi văn, bình kiểu Giồng Phệt, nồi gãy góc gần đáy thân trang trí những băng hồi văn. Ngoài ra tại di tích này những công cụ sắt cũng rất giống công cụ sắt trong mộ chum ở Cần Giờ. Niên đại Giồng Lớn: thế kỷ 1,2 trước sau công nguyên [Vũ Quốc Hiền, Nguyễn Thị Hậu 1995 ; Đặng Văn Thắng, Vũ Quốc Hiền 1995].

Đồ trang sức trong các di tích “tiền Oc Eo”, nổi bật là loại hình trang sức tùy táng trong các di tích mộ táng chum gốm, nồi gốm Giồng Phệt, Giồng Cá Vồ, Giồng Lớn (đều nằm ven Vịnh Gành Rái của sông Đồng Nai): vòng, hạt chuỗi, khuyên tai hai đầu thú bằng chất liệu đá ngọc, mã não, thủy tinh, chất liệu vàng có những mảnh vành trổ lỗ,  khuyên tai, hạt vàng hình đốt trúc, vàng dát mỏng bọc ngoài hạt chuỗi gốm. Tại di tích mộ chum Giồng Cá Vồ còn tìm thấy dấu tích chế tạo tại chỗ các loại trang sức bằng đá ngọc và thủy tinh [Nguyễn Thị Kim Dung, Đặng Văn Thắng, Vũ Quốc Hiền, Nguyễn Thị Hậu, Trịnh Căn 1995 ; Nguyễn Thị Kim Dung, Đặng Văn Thắng 1996]. Mối quan hệ của các di tích  “tiền Óc Eo” với nhau và với văn hóa Óc Eo: thể hiện rõ ràng nhất qua sự phổ biến của những loại hình, kiểu dáng đồ gốm và hoa văn gốm khá đặc trưng ở Nam Bộ, đồng thời qua sự bảo lưu lâu dài các phương pháp kỹ thuật đặc thù trong việc chế tác đồ gốm. Đồ gốm ở Gò Cao Su có một số nét giống gốm Giồng Cá Vồ, Long Bửu như gốm cứng văn in ca rô và lá dừa nước, văn khắc vạch chữ S, chữ J, quay lưng vào nhau. Nhưng gốm Gò Cao Su cũng có những yếu tố gần với gốm Óc Eo hơn như gốm áo trắng mốc, áo đen miết láng, đã xuất hiện việc sử dụng sét lọc khá kỹ trong nguyên liệu làm gốm. Hiện tượng này cũng xuất hiện trong gốm giai đoạn muộn ở Giồng Nổi. Trong khi đó, Gò Ô Chùa lại có những loại miệng gốm giống tới từng chi tiết với gốm Gò Cao Su: chấm dải trên mép miệng, mép miệng khía đôi nửa dưới vạch chéo… Lớp muộn của Gò Cao Su tương đương giai đoạn sớm của Gò Ô Chùa [Trần Anh Dũng và cộng sự 1996]. Như vậy, có thể coi Long Bửu (quận 9 TP.HCM) và Gò Cao Su là gạch nối giữa Gò Ô Chùa và các di tích mộ chum ở Cần Giờ, tuy niên đại sớm hơn chút ít. Giữa Gò Ô Chùa và Giồng Cá Vồ, Giồng Phệt, Giồng Lớn vừa có mối quan hệ giao lưu, vừa là đồng đại. Đây là dấu ấn của kỹ thuật nặn gốm bằng cách đắp phôi gốm lên khuôn, người thợ gốm có thể tạo hai mảng sau đó ghép lại. Những hạt tròn nổi bên trong chính là các chấm lõm trên khuôn, vì có các chấm lõm này thì mới dễ dàng dỡ khuôn khi xương gốm se mặt. Cũng có thể dùng vải bọc khuôn để nhấc hiện vật ra khỏi khuôn. Kỹ thuật làm gốm bằng khuôn là một trong những kỹ thuật tương đối phổ biến trên thế giới, nhất là vùng hải đảo và châu Đại Dương. Đến Giồng Am thuộc văn hóa Óc Eo thì kỹ thuật làm gốm bằng khuôn là kỹ thuật chủ yếu sản xuất chai gốm đáy tròn, đồng thời có cả loại gốm giống như khuôn đúc kim loại vì sản phẩm là các loại gạch hình cọc, hình nêm [Nguyễn Thị Hậu 1995; Vũ Quốc Hiền, Nguyễn Văn Đoàn 1995 ; Trần Anh Dũng và cộng sự 1996].

Như đã nói ở trên, đồ gốm Gò Cây Tung đã xuất hiện một số về chất liệu, hoa văn trang trí và loại hình của đồ gốm Óc Eo. Còn ở các di tích khác thì yếu tố Óc Eo đã khá rõ ràng, nhất là Gò Ô Chùa và hệ thống gốm Cần Giờ. Đó là kiểu bếp gốm (cà ràng) minh khí và gia dụng, chân đế trổ lỗ, các kiểu núm gốm hình tháp nhọn, hình hoa, hình sao, các trụ đế ở Cần Giờ; là bình cổ nhỏ, chạc gốm, nắp gốm có núm cầm hay vành móc, loại nồi nhỏ hay nắp vung gốm, đèn gốm ở Giồng Nổi. Nhiều kiểu hoa văn in đập hay vạch từ que nhiều răng thành sóng nước, nửa vòng tròn. Trong hệ thống các di tích khảo cổ học ở Cần Giờ, di tích Giồng Am và 15 di tích khác, thuộc hai xã Long Hòa và Cần Thạnh là nhóm di tích muộn nhất, được xếp vào văn hóa Óc Eo niên đại khoảng thế kỷ IV – V sau Công nguyên, hiện vật đặc trưng là chai gốm văn in đập thô, gạch xây dựng loại hình cọc gốm hình trụ tròn, trụ vuông, gạch hình nêm, hình thang, một số hũ bình. Tuy nhiên, như đã nói ở trên, không phải đến giai đoạn Giồng Am, vùng Cần Giờ mới có những dấu hiệu thể hiện mối quan hệ với văn hóa Óc Eo, mà từ sớm hơn, đồ tùy táng trong các mộ chum Giồng Cá Vồ, Giồng Phệt đã cho thấy phong cách của văn hóa Óc Eo, nhất là các di vật đặc trưng của nhóm mộ chum này. Về đồ gốm, điển hình là các kiểu cà ràng ở Giồng Cá Vồ, sau này phổ biến trong các di tích cư trú ở vùng đồng bằng thấp trong văn hóa Óc Eo. Các loại gốm hình con tiện, các kiểu núm gốm hoa thị, hình nấm hay hình sao cùng mang phong cách và kỹ thuật trang trí núm cầm nắp vung gốm trong văn hóa Óc Eo. Hoa văn đồ gốm gần gũi với nhau ở các kiểu khắc vạch chữ S gấp khúc, khuôn nhạc tạo hình sóng nước hay díc dắc ở vai đồ đựng, kiểu văn đắp nổi có ấn lõm, kiểu văn trổ lỗ tam giác hay hình tròn ở chân đế khay cà ràng. Đáng lưu ý là hoa văn in đập xương cá thô đặc trưng của gốm di chỉ Giồng Cá Vồ đã tìm thấy ở nhiều di chỉ Óc Eo, Cạnh Đền trong văn hóa Óc Eo. [Nguyễn Thị Kim Dung, Đặng Văn Thắng, Vũ Quốc Hiền, Nguyễn Thị Hậu, Trịnh Căn 1995; Nguyễn Thị Hậu, Đặng Văn Thắng 2000].

Đồ trang sức, nhất là loại hình hạt chuỗi bằng thủy tinh, mã não, đá quý… có thể nói hoàn toàn giống nhau giữa những sưu tập đồ trang sức Óc Eo tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh và nhiều bảo tàng các tỉnh Nam bộ như bảo tàng Long An, bảo tàng An Giang, với sưu tập trang sức tùy táng trong mộ chum Cần Giờ. Đó là các chuỗi hạt đá mã não hình cầu, đá Crystal trong suốt, đá Agate vạch đen trắng có nguồn gốc từ Ấn Độ. Tại Giồng Cá Vồ, và Giồng Am cũng tìm thấy những dấu tích của việc chế tạo thủy tinh tại chỗ như đã tìm thấy trong văn hóa Óc Eo. Đặc biệt, sự có mặt của trang sức bằng vàng, bọc vàng tại Giồng Cá Vồ, trong đó có cả những miếng vàng dát mỏng hoa văn trổ lỗ tương tự các di vật vàng vô cùng phong phú và độc đáo trong văn hóa Óc Eo vài thế kỷ sau đó. Ngoài ra còn đồ trang sức ở Giồng Lớn cũng có cùng những tính chất này. Như vậy, loại hình, hoa văn, kỹ thuật của đồ gốm và đồ trang sức trong những di tích trên có thể coi là là những yếu tố quan trọng để xác định một truyền thống văn hóa riêng biệt của giai đoạn “tiền Oc Eo”. Những di vật gốm trong các di tích khảo cổ học giai đoạn “tiền Óc Eo” nói trên đã cho thấy những con đường phát triển đến nền văn hóa Óc Eo vừa độc lập, vừa đan xen với nhau [Nguyễn Thị Hậu 1995; Nguyễn Thị Kim Dung, Đặng Văn Thắng, Vũ Quốc Hiền, Nguyễn Thị Hậu, Trịnh Căn 1995].

2.4. Văn hoá Óc Eo các tỉnh ven biển Nam Bộ

Ngay từ đầu TK 20 những cổ vật đầu tiên của văn hóa Óc Eo đã được phát hiện trên cánh đồng Óc Eo - Ba Thê thuộc xã Vọng Thê, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang. Các phát hiện này đã làm cho nhiều học giả nổi tiếng người Pháp như G.Coedès, L.Malleret, H.Parmentier chú ý. Tuy nhiên công cuộc nghiên cứu văn hóa này chỉ thực sự bắt đầu bằng cuộc khai quật của L.Malleret tại di tích Óc Eo vào năm 1944 và những năm sau đó. L.Malleret đã công bố kết qủa khám phá và nghiên cứu của mình và công trình này được coi là thành tựu Khảo cổ học chủ yếu về Văn hóa Óc Eo cho đến trước năm 1975 [Malleret 1963]. Nền văn hóa này có phạm vi phân bố chủ yếu ở vùng trũng miền Tây sông Hậu gồm điạ bàn các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Bạc Liêu, và một phần đất Đông Nam Campuchia. Các di tích cuả nền văn hóa này có quy mô khá lớn, trong đó có hai thị trấn Trăm Phố và Óc Eo. Riêng Óc Eo có diện tích rộng tới 450 ha, là một đô thị mang đặc điểm của một thành phố ven biển với tiền cảng Tà Keo (Cạnh Đền) cách đấy 15km. Óc Eo là một xã hội phát triển nhiều ngành nghề thủ công như nghề gốm, nghề luyện đồng, luyện sắt, luyện thiếc, nghề kim hoàn. Đặc biệt nông nghiệp và thương nghiệp lúc này đã khá phát triển với một loạt chứng cứ như những công trình thuỷ lợi cổ, kênh rạch vừa tưới tiêu vừa là đường giao thông, sản phẩm thủ công thể hiện sự chuyên hoá, những đồng tiền bằng vàng, bạc, thiếc còn nguyên hay cắt làm tư làm tám, các loại trang sức, con dấu bằng đá quý, thuỷ tinh, nhiều sản phẩm có nguồn gốc ngoại nhập. Nền văn hoá này còn để lại nhiều kiến trúc khác nhau như vết tích nhà sàn, những kiến trúc đồ sộ bằng gạch đá lẫn lộn thể hiện trình độ cao trong kỹ thuật xây dựng. Nghệ thuật tạc tượng điêu luyện gồm hai nhóm tượng Ấn Độ giáo và Phật giáo. Ngoài ra còn tìm thấy chữ viết trên các con dấu, mặt nhẫn, bia đá, đó là chữ Phạn. L.Malleret cho rằng nền văn hóa này là sản phẩm của một nhà nước cổ đại tồn tại từ thế kỷ II đến thế kỷ VI ở Đông Nam Á, từng được sử Trung Quốc ghi chép nhiều lần, đó là Vương quốc Phù Nam. Tính chất cảng thị thể hiện qua vị trí địa lý của thành thị Óc Eo và các di vật có nguồn gốc từ Ấn Độ, Điạ Trung Hải, Trung Đông, Trung Hoa làm cho văn hóa Óc Eo mang đậm yếu tố ngoại sinh, được những nhà nghiên cứu trước đây coi là nguyên nhân chủ yếu của sự phát triển  văn hóa này [Malleret L. 1963].

Các thành quả nghiên cứu mới kể từ sau năm 1975 đã làm cho số lượng di tích và di vật tăng gấp nhiều lần trước đây. Diện mạo văn hoá Óc Eo ngày càng rõ nét, nhất là tính chất và truyền thống phát triển cuả nó trong khoảng 10 thế kỷ đầu Công nguyên và trong không gian từ lưu vực sông Hậu, sông Tiền đến lưu vực Vàm Cỏ - Đồng Nai. Cư dân văn hóa Óc Eo cư trú trên những tiểu vùng sinh thái khác nhau nên có những đặc điểm khác nhau về lối sống, thể hiện trên các di tích và di vật khảo cổ học. Đó là các tiểu vùng: tứ giác Long Xuyên, Đồng Tháp Mười, ven biển Tây Nam (vùng Bạc Liêu- Cà Mau),hạ lưu sông Tiền, Đông Nam bộ và khu vực rừng ngập mặn ven biển Đông Nam bộ. Điạ bàn sinh tụ cuả cư dân văn hóa Óc Eo rất rộng lớn nhưng họ đã thích ứng được với mọi hoàn cảnh, tạo lập cuộc sống ổn định và phát triển nền văn hoá đặc sắc của mình. Các cuộc khai quật quan trọng là tại các di tích Nền Chùa (Kiên Giang), Óc Eo (An Giang), Gò Tháp (Đồng Tháp), Đá Nổi (An Giang), Cây Gáo (Đồng Nai), Lưu Cừ (Trà Vinh), Bình Tả- Gò Xoài (Long An), Gò Thành (Tiền Giang), Phụng Sơn Tự-Chùa Gò (TP.HCM)…[Lê Xuân Diệm, Đào Linh Côn, Võ Sỹ Khải 1995; Nguyễn Lân Cường, Nguyễn Thị Kim Thuỷ 1996; Sở Văn hoá Thông tin An Giang 1984].

Đây cũng là những Di tích Lịch sử-Văn hóa Quốc gia được bảo tồn và tôn tạo thành những bảo tàng ngoài trời phục vụ cho nghiên cứu, học tập và du lịch. Di tích kiến trúc trong văn hóa Óc Eo gồm di tích cư trú, kiến trúc đền tháp và mộ táng. Vật liệu xây dựng gồm gỗ, gạch, đá: dấu tích các cọc nhà sàn và một số cấu kiện trang trí hoa văn, phế tích hay nền móng đền tháp thờ hoặc đền tháp-mộ táng. Gỗ và đá là nguyên vật liệu cư dân bản điạ quen dùng từ thời tiền sử còn gạch là vật liệu mới do tiếp thu kỹ thuật cuả Ấn Độ từ đầu Công nguyên. Vật liệu đá có kích thước rất lớn, tham gia vào các công trình là  bộ phận cuả kiến trúc chứ không chỉ là các chi tiết trang trí, được lắp ghép bằng kỹ thuật chốt mộng. Hầu hết phế tích cho biết đây là đền tháp theo kiểu Ấn Độ có bình đồ hình vuông, nền móng dày đến hơn 1m xây bằng gạch, đất sét và đá sỏi để có thể chịu lực cuả công trình đồ sộ  bên trên. Đặc biệt, các nhà khảo cổ học Việt Nam đã phát hiện được loại hình mộ táng mà trước đây các học giả Pháp chưa biết đến. Đó là các huyệt mộ hình vuông, hình chữ nhật hay hình phễu, bên trên ốp gạch hay lát đá tạo thành bề mặt khá bằng phẳng. Trong các huyệt mộ có cát trắng lẫn nhiều hiện vật quý giá như các mảnh vàng chạm khắc những biểu tượng của Brahman hoặc Phật giáo, các loại đồ trang sức, đồ tuỳ táng [Nguyễn Thị Hậu 2009 a,b; Lâm Thị Mỹ Dung 2009].

Các phát hiện mới về giai đoạn “tiền Óc Eo” ở Nam bộ ngày càng làm rõ hơn nguồn gốc bản điạ cuả văn hóa này, đồng thời cũng cho thấy yếu tố văn hóa Ấn Độ đã xuất hiện ngay từ giai đoạn tiền sử ở đây. Vì vậy ảnh hưởng cuả văn hoá Ấn Độ đến văn hoá Óc Eo từ đầu Công nguyên trở về sau chỉ là sự tăng cường các ảnh hưởng đã có từ trước đó. Hàng ngàn hiện vật nguyên vẹn làm bằng các chất liệu như vàng, bạc, đồng, thiếc, chì, thuỷ tinh, đá, gỗ, gốm và hàng trăm ngàn mảnh hiện vật đang được bảo quản và trưng bày tại bảo tàng các tỉnh Nam bộ là nguồn tài liệu chủ yếu giúp các nhà khoa học nghiên cứu về nhiều mặt đời sống cư dân văn hóa Óc Eo. Nổi bật là các loại đồ trang sức, tượng thờ và đồ gốm gia dụng. Đây cũng là sản phẩm cuả các nghề thủ công phát triển cao, đa dạng và tinh xảo. Nhiều di chỉ -xưởng chế tạo đồ gốm, đồ trang sức được tìm thấy ở khu di tích lớn như Óc Eo-Ba Thê, Nền Chuà, Cạnh Đền, Gò Tháp, Gò Hàng. Hiện vật bằng vàng có nhiều kiểu dáng như nhẫn, bông tai, hạt chuỗi, các lá vàng chạm khắc chế tác bằng nhiều kỹ thuật khác nhau mà đặc sắc nhất là kỹ thuật khắc miết tạo ra hình và chữ trên lá vàng. Đồ trang sức bằng đá ngọc, mã não, thạch anh, thuỷ tinh với nhiều màu sắc, nhiều kích cỡ, nhiều hình dáng, những con dấu, mặt nhẫn khắc hình người, động vật, khắc chữ Phạn cổ và các loại tiền vàng, bạc, hợp kim thiếc [Nguyễn Thị Hậu 2009 a,b; Lâm Thị Mỹ Dung 2009].

Tượng thờ Brahman và Phật giáo bằng đá và bằng gỗ, một số ít bằng đồng, được tìm thấy trong nhiều di tích và rải rác trên khắp vùng Nam bộ cả miền Tây và miền Đông. Giai đoạn phát triển rực rỡ nhất cuả nghệ thuật điêu khắc Hindu giáo và Phật giáo ở đây là từ TK 5 đến TK7. Về loại hình không phải chỉ có tượng và biểu tượng thần phật mà còn có nhiều hình tượng linh thú, thần thoại trong điện thờ Ấn Độ giáo và Phật giáo. Đặc biệt trong văn hóa Óc Eo có những pho tượng Phật bằng gỗ khá lớn và độc đáo như sưu tập tượng gỗ ở di tích Gò Tháp. Nghệ thuật Phật giáo và Ấn Độ giáo đến đồng bằng sông Cửu Long thông qua giao lưu trao đổi các vật phẩm chủ yếu bằng đường biển, chúng góp phần làm giàu thêm văn hóa bản điạ và là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy sự hình thành, phát triển các trung tâm văn hoá lớn ở vùng đất này trong những TK đầu Công nguyên. Đồ gốm có mặt trong hầu hết các di tích khảo cổ và là loại hình hiện vật thể hiện truyền thống bản địa nhất. Sản phẩm gồm các loại bình, hũ, nồi, nắp, bát, cốc, chai. Phổ biến có loại bếp lò làm bằng gốm “cà ràng”, bếp lò, loại vật dụng quen thuộc và rất cần thiết cuả cư dân sống ở vùng ven biển và sông rạch, trên nhà sàn hay trên ghe xuồng. Bếp lò gốm đã xuất hiện trong các di tích cư  trú và cả trong mộ tang, với chức năng là đồ tuỳ táng từ thời tiền sử trước đó ở lưu vực sông Vàm Cỏ - Đồng Nai. Đến văn hóa Óc Eo loại hình này đã trở thành di vật đặc trưng văn hóa nơi đây [Trịnh Căn, Nguyễn Thị Hậu 1995]. Ngoài đồ gốm gia dụng, vật liệu xây dựng bằng đất nung như gạch ngói, phù điêu trang trí cũng là di vật chủ yếu trong các di tích kiến trúc đền tháp cuả văn hóa Óc Eo. Các ghi chép về quốc gia cổ Phù Nam, các tài liệu cổ văn tự trên các tấm bia đá, mảnh vàng, các đặc điểm hiện vật, nghệ thuật điêu khắc và nhất là kết quả các mẫu niên đại C14 của các di tích khảo cổ cho thấy niên đại cho nền văn hóa Óc Eo có thể trải từ TK I đến TK VII; giai đoạn “hậu Óc Eo” từ thế kỷ VIII đến khoảng thế kỷ X – XII, truyền thống văn hoá Óc Eo vẫn được cư dân cổ nơi đây bảo lưu và có sự phát triển nhất định trong hoàn cảnh lịch sử – xã hội có nhiều biến đổi [Nguyễn Thị Hậu 2009 a,b; Lâm Thị Mỹ Dung 2009].

2.5. Khảo cổ học Côn Đảo gắn liền với các đặc điểm khảo cổ học ven biển Bà Rịa – Vũng Tàu

Riêng đối với Côn Đảo tuy cách đất liền tới 97 hải lý, nhưng khoảng 2000 đến 3000 năm cách ngày nay đã là một khu vực cư trú quan trọng của nhóm cư dân thuộc văn hoá Sa Huỳnh. Mặc dù đến nay trên địa bàn Bà Rịa Vũng Tàu chưa phát hiện dấu tích của con người và di vật thời đại đá cũ đến hậu kỳ đá mới. Nhưng những phát hiện khảo cổ học liên tục về giai đoạn sơ kỳ thời đại sắt (sắt sớm) trong những năm gần đây, mang lại nhận thức mới thời kỳ tiền sơ sử và những giá trị văn hoá độc đáo của thời kỳ này trên đất Bà Rịa - Vũng Tàu. Trong đó: - Nhóm di chỉ khảo cổ Gò Cá Sỏi và các gò ven sông Thị Vải, đảo Long Sơn phân bố trên vùng ngập mặn triền sông, cửa biển. - Nhóm di chỉ Bưng Bạc, Bưng Thơm, phân bố trên vùng đầm lầy cận biển. - Nhóm di tích phân bố trên triền cát hải đảo Côn Đảo, được xem là những nhóm di tích tiêu biểu, do tính chất quy mô khu di tích và những đặc trưng độc đáo về loại hình di tích, di vật. Đây là cơ sở khoa học quan trọng giới thiệu, trưng bày về văn hoá tiền sơ sử Bà Rịa - Vũng Tàu [Bảo tàng Bà Rịa Vũng Tàu 2006; Nguyễn Trung Chiến 2001; Phạm Quang Minh 2005].

Những sưu tập hiện vật quan trọng từ những di tích được khai quật đa dạng về loại hình, chất liệu: kim loại, đồ đá, đồ gốm, đồ gỗ, dấu tích động thực vật. Trong đó đặc trưng nổi bật là các công cụ đá, những khuôn đúc, vòng trang sức, gốm tô vẽ màu, công cụ là đồ gỗ và di tích nhà sàn, mộ vò và đồ tuỳ táng… nhiều di vật có giá trị về loại hình, chất liệu lần đầu tiên được tìm thấy ở khu vực. Những di vật đó vừa mang những nét chung với truyền thống văn hoá lưu vực sông Đồng Nai, Sa Huỳnh và quá trình giao lưu tiếp xúc văn hoá trong vùng, trong khu vực Đông Nam Á. Gò cá Sỏi, Bưng Bạc, Bưng Thơm, Hòn Cau, Côn Đảo là những minh chứng hiển nhiên về những “làng” cổ cư trú trên địa bàn cận biển. Từ những làng cổ này, có thể nghiên cứu để giới thiệu về các loại hình hoạt động kinh tế sản xuất, đời sống vật chất, tinh thần thần. Trong đó, khác với những làng nông nghiệp thuần tuý ở các tiểu vùng văn hoá khác, Bưng Bạc - Bưng Thơm được xem là những “làng nghề” cổ truyền thống trên cơ sở kết hợp sản xuất nông nghiệp và hoạt động thủ công. Thông qua con đường giao lưu tiếp xúc kinh tế - văn hoá, họ thay đổi tập quán tự cung tự cấp để tồn tại và phát triển. Những sản phẩm của họ có thể đã được dùng làm hàng hoá trao đổi với khu vực xung quanh. Đời sống vật chất và tinh thần của họ đã phát triển ở một trình độ nhất định. [Lê Xuân Diệm, Phạm Quang Sơn, Phạm Đức Mạnh 1996; Nguyễn Trung Chiến 2001; Phạm Quang Minh 2005].

Hoạt động khảo cổ học được biết đến gần một thế kỷ nay, các nhà nghiên cứu khảo cổ, địa chất người Pháp đã có những thành tựu bước đầu nghiên cứu tiền sơ sử Bà Rịa – Vũng Tàu và miền Đông Nam Bộ. từ sau 1975, hoạt động nghiên cứu khảo cổ tiến hành trên quy mô lớn, nhịp điệu mạnh hơn và đạt được những thành tựu quan trọng, bước đầu làm rõ được một số giai đoạn trong thời tiền sơ sử. Vào hậu kỳ đồng, sơ kỳ sắt,. cách nay khoảng 3000 năm, tại Bà Rịa – Vũng Tàu đã xuất hiện những lớp cư dân mới từ vùng cao, theo dòng sông Đồng Nai về hạ lưu, Họ đã khởi dựng những làng trên các gò đất cao ven sông Thị Vải, Những làng nông nghiệp trù phú trên vùng đồng bằng ven biển ở Bưng Bạc, Bưng Thơm và cả ở Côn Đảo xa khơi. Đất Bà Rịa – Vũng Tàu từ thiên nhiên hoang sơ, nguyên thủy đã dần dần trở thành địa bàn kinh tế dân cư trù phú, góp phần tạo dựng một truyền thống văn hoá lưu vực sông Đồng Nai phát triển trong sơ kỳ thời đại sắt. nhiều di vật khảo cổ học tìm thất ở Bà Rịa – Vũng Tàu đã khẳng định đỉnh cao của tiến trình phát triển văn hoá, kỹ thuật vào khoảng thời gian giữa thiên niên kỷ thứ I trước công nguyên. Từ một vùng đất tưởng chừng qúa hiếm di tích khảo cổ. Những phát hiện liên tục bởi các cuộc điều tra, khảo sát, khai quật khảo cổ trong những năm gần đây, mang lại nhận thức mới về nghiên cứu thời tiền sơ sử trên đất Bà Rịa – Vũng Tàu. trong đó: Nhóm di tích khảo cổ Bưng Bạc, Bưng Thơm; Nhóm di tích Gò Cá Sỏi và các gò ven sông Thị Vải, Long Sơn; Nhóm các di tích Côn Đảo được xem là những nhóm di tích tiêu biểu, do tính chất quy mô khu di tích và những đặc trưng độc đáo về loại hình di tích, di vật. Do vậy việc trưng bày ở chủ đề này sẽ tập trung giới thiệu những đặc trưng cơ bản về những làng cổ sơ khai với những di vật và tài liệu diễn tả sinh hoạt kinh tế, đời sống vật chất, tinh thần của các cộng đồng cư dân cổ [Bùi Chí Hoàng 1991Nguyễn Trung Chiến 2001; Phạm Quang Minh 2005; Trần Quốc Vượng 1998].

Hai làng di tích khảo cổ học Bưng Bạc, Bưng Thơm nằm kề gần nhau về cơ bản đều có những đặc trưng di tích, di vật giống nhau, có thể sắp xếp chung cùng trong một loại hình di tích và văn hoá. Chúng được biết đến như một loại hình di tích tiêu biểu, phân bố trên vùng đầm lầy cận biển của vùng Đông Nam Bộ thuộc giai đoạn sơ kỳ thời đại sắt. Với diện tích khai quật, đào thám sát 907m2, có thể nói Bưng Bạc, Bưng Thơm là những di tích được nghiên cứu trên quy mô lớn nhất ở Bà Rịa –Vũng Tàu và Đông Nam Bộ cho đến nay. Những sưu tập hiện vật quan trọng gồm nhiều chất liệu: Kim loại, Đồ đá, Đồ gốm, Đồ gỗ…Trong đó đặc trưng nổi bật là những khuôn đúc vòng trang sức, gốm tô, vẽ màu.. vừa mang nét chung với truyền thống văn hoá lưu vực sông Đồng Nai và quá trình giao lưu tiếp xúc văn hoá trong vùng. Sự phân bố rộng của dấu tích nhà sàn và di vật cho thấy tính chất quy mô, phạm vi cư trú của những làng cổ thời tiền sơ sử ở vùng cận biển Đông Nam Bộ. Đặc điểm cư trú: Làng bố trí khá rộng, ở nhà sàn trên đầm lầy di chuyển bằng thuyền (độc mộc). Đời sống kinh tế: sản xuất nông nghiệp: Biết trồng lúa, kết hợp khai thác tự nhiên hái lượm, săn bắt. Sản xuất thủ công: Là “xưởng” chế tác khuôn đúc, vòng tay đá, biết đúc đồng, chế tác đồ gốm mà tiêu biểu là kiểu gốm bát bồng, đồ có chân đế cao, nghề mộc ở trình độ phát triển nhất định. Quan hệ: Có những nét tương đồng với cư dân Dốc Chùa về kỹ thuật đúc đồng, tương đồng cư dân Cái Vạn, Cái Lăng về cách sống trên nhà sàn. Kỹ thuật vẽ màu trên gốm, sản xuất bát bồng là chính, sản xuất vòng tay đá, việc có quặng nguyên liệu để đúc đồng chứng tỏ người Bưng Bạc, Bưng Thơm biết giao lưu, trao đổi rất sớm có thể tận Thái Lan, Cămpuchia. Niên đại: 2500 đến 2700 năm cách ngày nay [Bùi Chí Hoàng 1991; Đặng Văn Thắng 1998; Phạm Đức Mạnh 1996; Nguyễn Trung Chiến 2001; Phạm Quang Minh 2005].

Cư dân Gò Cá Sỏi, là những nhóm người đầu tiên khai phá vùng đất ngập mặn ven biển ở Bà Rịa- Vũng Tàu. Nguời Gò Cá Sỏi sinh sống trên gò cao trong sinh thái rừng ngập mặn giống với nhóm di tích Cần Giờ (thành phố Hồ Chí Minh). Do nằm trên một bình địa thấp, địa bàn cư trú của cư dân Gò Cá Sỏi vẫn bị ảnh hưởng của chế độ thủy triều. Họ sinh sống chủ yếu bằng phương thức kinh tế khai thác sản vật từ biển. Cùng khối lượng lớn vỏ nhuyễn thể sò, ốc biển tìm thấy trong di tích đã minh chứng điều đó. Đặc điểm cư trú: Vùng gò nổi ven sông Thị Vải, nơi chịu tác động của chế độ thủy triều. Đời sống kinh tế: Kinh tế khai thác tự nhiên là chính: săn bắt, khai thác sản vật biển, đánh cá, tàn tích các vỏ ốc, sò điệp dày đặc bên cạnh bếp lửa cùng những công cụ chày đập đơn giản chứng tỏ điều đó. Sản xuất thủ công: Biết chế tác đồ gốm, nhưng còn ở trình độ thấp, gốm chỉ nặn bằng tay, chưa biết kỹ thuật bàn xoay, hoa văn đơn giản, chủ yếu là khắc vạch. Đồ đá là công cụ chủ yếu, sử dụng: Ghè đập, chày, bàn nghiền. Niên đại: Khoảng 3000 năm cách ngày nay. [Bùi Chí Hoàng 1991; Đặng Văn Thắng 1998; Hoàng Xuân Chinh 1984].

Táng thức là những tư liệu quan trọng để nghiên cứu đời sống tinh thần của người xưa. Ngoài khu mộ vò tại Côn Đảo. Di chỉ Giồng Lớn, xã Long Sơn (được đánh giá như loại hình Giồng Phệt, Cần Giờ, Thành phố Hồ Chí Minh). Cuộc khai quật Giồng Lớn, xã Long Sơn vào tháng 4 năm 2003 và tháng 6 năm 2005 cho thấy trên một địa điểm khu mộ táng, có cả mộ nồi, mộ đất cùng nhiều di vật được chôn theo. Trong giai đoạn này, việc chôn người chết bằng vò, chum lớn khá phổ biến ở những địa bàn ảnh hưởng văn hoá Sa Huỳnh gần kề, thì tại Bà Rịa -Vũng Tàu chưa phát hiện loại hình mộ chum. Những di vật chôn theo khá phong phú, đa dạng, cho thấy đời sống vật chất tinh thần của cư dân Long Sơn bấy giờ đã đạt một trình độ phát triển khá cao, nhờ sự phát triển tự thân, nội tại và giao lưu tiếp xúc kinh tế văn hoá trong khu vực… Có thể khẳng định tính chất của di tích Giồng Lớn là một khu mộ táng, bao gồm hai loại hình: mộ nồi và mộ đất, trong đó mộ đất chiếm ưu thế. Quy mô khu mộ táng được định vị trên sườn phía Nam của Giồng Lớn, diện tích trong khoảng 1000m2 (chiều dài khoảng 50m, chiều rộng khoảng 20m). Vấn đề chủ nhân khu mộ táng Giồng Lớn: chủ nhân của khu mộ rất có thể chính là chủ nhân của các di tích Giồng Ông Trượng, Bãi Cá Xỉu, Bãi Cá Sóng trên đảo Long Sơn. Với 2.310 hiện vật thu được trong các đợt khai quật (lần 1: 672 hiện vật, lần 2: 1.638 hiện vật) di tích Giồng Lớn đã có một sưu tập lớn rất phong phú về chất liệu và loại hình. Đây là một sưu tập quý giá có giá trị nhiều mặt trong nghiên cứu và trưng bày. Đồ trang sức ở Giồng Lớn được làm từ nhiều chất liệu khác nhau như: thuỷ tinh, đá quý và vàng... có được chắc chắn thông qua con đường giao thương buôn bán. Về văn hóa, qua di tích và di vật có thể xếp di tích Giồng Lớn thuộc văn hoá Óc Eo. Về niên đại, đồng tiền Ngũ Thù thời Tây Hán (206 TCN đến năm 25 SCN) cho phép khẳng định niên đại của di tích này vào khoảng trên dưới 2.000 năm cách ngày nay. [Hoàng Xuân Chinh 1984; Lê Xuân Diệm, Phạm Quang Sơn, Phạm Đức Mạnh 1996; Trần Quốc Vượng 1998].

Làng cổ Hòn Cau, là đảo có nguồn nước ngọt, thung lũng hẹp nhưng có điều kiện sản xuất trồng trọt. Làng cổ Hòn Cau có mối liên hệ với các làng cổ trên đảo Côn Đảo, thuộc văn hoá Sa Huỳnh. Kinh tế khai thác tự nhiên là chính, gồm có săn bắt, khai thác sản vật biển, đánh cá bằng lưới, chì lưới được làm bằng đá, san hô đục lỗ để buộc dây lưới; tàn tích vỏ ốc núi, xương vích dày đặc bên cạnh bếp lửa cùng những công cụ chày đập đơn giản chứng tỏ điều đó. Sản xuất thủ công đã biết chế tác đồ gốm, trang trí nhiều kiểu hoa văn khắc vạch, chạm, nhiều gốm tô thổ hoàng. Đồ đá là công cụ chủ yếu, nhiều công cụ ghè đẽo thô sơ cùng tồn tại với những công cụ mài tinh xảo. Đặc biệt nhiều công cụ, vũ khí được làm từ xương vích. Niên đại khoảng 2500 năm cách ngày nay. [Nguyễn Trung Chiến 2001; Phạm Quang Minh 2005]. Làng cổ Côn Đảo và khu mộ vò cồn Hải Đăng, Miếu Bà, nằm trên quần đảo cách xa đất liền, những di vật đa dạng, phong phú, mức độ dày đặc các di tích khảo cổ học tại đây cho thấy vào sơ kỳ thời đại kim khí, con người đã khai phá, lập nên những làng nông nghiệp trù phú. Các làng cổ Côn Đảo phân bố trên những cồn cát quanh hồ nước ngọt (hồ Sen) ở vùng trung tâm đảo. Đến nay tuy chưa khai quật một di chỉ cư trú nhưng đã phát hiện nhiều dấu tích, di vật đồ đá, gốm cổ thuộc thời đại kim khí. Các di tích tiền sơ sử Côn Đảo ảnh hưởng văn hoá Sa Huỳnh. Khu mộ vò cồn Hải Đăng, Miếu Bà có quy mô khá rộng và mật độ dày đặc. Hiện vật chôn theo bên trong hoặc bên ngoài vò là những công cụ lao động, đồ dùng sinh hoạt của họ như: Nồi, bình, bát, đồ trang sức.. mộ vò, mộ chum là một táng thức độc đáo của văn hoá Sa Huỳnh. Những phát hiện khảo cổ học ở đây đã giúp phục dựng, cung cấp thông tin về những giá trị lịch sử, văn hoá thời kỳ này, góp phần làm rõ các đặc trưng, đặc thù của Bà Rịa – Vũng Tàu thời kỳ tiền sơ sử. [Nguyễn Trung Chiến 2001; Phạm Quang Minh 2005].
__________________________________________

(Còn nữa…)

* Ghi chú: Chuyên đề thuộc đề tài KC.09-13/06-10 “Lập luận chứng khoa học kỹ thuật về mô hình quản lý tổng hợp và phát triển bền vững dải ven bờ biển Nam Bộ” của Viện Tài nguyên và Môi trường biển, Bộ Khoa học và Công nghệ, Hà Nội 2010.

Tài liệu tham khảo

Bảo tàng Bà Rịa Vũng Tàu 2006. Đề cương Trưng bày Nhà Bảo tàng Bà Rịa - Vũng Tàu. Vũng Tàu, 2006.

Cao Tự Thanh (Chủ biên) 2007. Lịch sử Sài Gòn – Gia Định trước 1802. Nxb. Văn hoá Sài Gòn, Thành phố Hồ Chí Minh, tr.13-15.

Chu Đạt Quan 2006. Chân Lạp phong thổ ký. Nxb. Thế giới, Hà Nội, tr.45.

Đặng Văn Thắng và những người khác 1998. Khảo cổ học tiền sử và sơ sử TP.HCM. Nxb. Trẻ, 1998.

Đặng Văn Thắng, Nguyễn Thị Hậu, 2006. Khai quật di tích Khu Bao Đồng (Cần Giờ - TPHCM). Tạp chí KCH số 5/2006, tr. 38 – 49.

Đặng Văn Thắng, Vũ Quốc Hiền 1995. Khai quật Giồng Cá Vồ, Khảo cổ học, số 2, tr.3-19.

Fontaine, Hoàng Thị Thân 1975. Nouvelles notes sur le champ de jarres funèraires de Phu Hoa avec une remarque rur la crémation au Vietnam, BSEL, T.I.No.1, Sai Gon.pp.7-50.

Hà Văn Tấn 1979. Khuyên tai hai đầu thú ở Đông Nam Á và những nơi khác. Trong Những phát hiện mới về khảo cổ học năm 1978, tr. 196-198.

Hà Văn Tấn 1983. Suy nghĩ về Sa Huỳnh và từ Sa Huỳnh. Trong Thông báo Khảo cổ học, Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, số 1, tr.45-50.

Hall D.G.E. 1968. Đông Nam Á sử lược. Bản dịch của Nguyễn Phút Tấn, Nhà sách Khai trí, Sài Gòn.

Harrison B. 1966. South-East Asia – A short History, Third Edition. MacMillian and Company Limited, Great Britain.

Hiệp hội du lịch TP HCM 1995. Kiến thức phục vụ thuyết minh du lịch. Giáo trình do Hiệp hội du lịch Thành phố Hồ Chí Minh biên soạn, Nxb Tp. HCM, Thành phố Hồ Chí Minh.

Hoàng Xuân Chinh 1984. Đông Nam Bộ - một trung tâm văn hoá thời đại kim khí. Trong: Văn hoá Óc Eo và các văn hoá cổ đồng bằng sông Cửu Long. Long Xuyên; tr.93-98.

Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam 2008. Lược sử vùng đất Nam Bộ (in lần thứ 2) do GS TSKH Vũ Minh Giang chủ biên. Sách của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức biên soạn, Nxb. Thế Giới ấn hành, Hà Nội, 2008.

Lâm Thị Mỹ Dung 2009. Khảo cổ học Óc Eo. http://dzunglam.blogspot.com/.

Lâm Thị Mỹ Dung và Nguyễn Đức Minh 1997. Những di tích mộ chum Sa Huỳnh và di tích Chăm cổ ở Hội An. Khảo cổ học, số 3, tr.66-74.

Lê thị Liên 2003. Nghệ thuật Phật giáo và Hindu giáo ở đồng bằng sông Cưủ Long trước TK10. Luận án TS Lịch sử, Viện Khảo cổ học, Hà Nội.

Lê Xuân Diệm, Phạm Quang Sơn, Bùi Chí Hoàng 1991. Khảo cổ Đồng Nai thời tiền sử. Nxb Đồng Nai, 1991

Lê Xuân Diệm - Đào Linh Côn - Võ Sĩ Khải 1995. Văn hoá Óc Eo những khám phá mới. NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội.

Lương Ninh (chủ biên) 2000. Lịch sử Việt Nam giản yếu. Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

Lương Ninh, 2001. Xóm Cồn – Hòa Diêm – Sa Hùynh. Tạp chí Khảo cổ học số 2/ 2001. Tr 72 – 80.

Lý Tùng Hiếu 2009. Vùng văn hoá Nam Bộ: Định vị và đặc trưng văn hoá, www.vanhoahoc.edu.vn, 15/5/2009.

Mã Đoan Lâm, Văn hiến thông khảo, Quyển 332, Tứ duệ khảo, tờ 9. (Tư liệu khoa Sử, Đại học Quốc gia Hà Nội, H. 875.

Malleret L. 1963. L’archéologie du delta du Mekong, BEFEO, Tome XLIII, 1959-1963. Paris.

Ngô Thế Phong, Bùi Phát Diệm 2001. Khai quật di chỉ Gò Ô Chùa (Long An). Thông báo khoa học BTLSVN 2001, tr. 1-38.

Ngô thư, Ngô chủ truyện (quyển 47, tờ 31). Dẫn lại theo Lược sử vùng đất Nam Bộ Việt Nam, tr. 14.

Ngô Văn Doanh 1999. Từ điển Văn hóa Đông Nam Á phổ thông. Nxb Văn hoá Thông tin, Hà Nội.
Ngô Văn Doanh 2002. Văn hóa Chăm Pa, Nxb. Văn hóa Dân tộc, Hà Nội.

Ngô Văn Doanh 2009. Vương quốc Phù Nam (khái quát những giai đoạn lịch sử), Trong Nghiên cứu Đông Nam Á, số tháng 3, trang 13-20.

Nguyễn Công Bằng, 2005. Di tích Hòa Diêm - Khánh Hòa nhìn từ văn hóa Đồng Nai. Tạp chí Khảo cổ học số 4/2005. Tr 48 – 54.

Nguyễn Công Bình, Lê Xuân Diệm, Mạc Đường 1990. Văn hoá và cư dân đồng bằng sông Cửu Long. Nxb. KHXH, Hà Nội.

Nguyễn Kim Dung và những người khác 1995. Đồ trang sức trong các mộ chum ở Cần Giờ (thành phố Hồ Chí Minh), Khảo cố học, số 2, tr.27-46.

Nguyễn Lân Cường, 1995. Nghiên cứu các di cốt người cổ tại Giồng Cá Vồ, Giồng Phệt (Cần Giờ - TPHCM). Tạp chí KCH số 2/1995.

Nguyễn Lân Cường, Nguyễn Thị Kim Thuỷ 1996. Tư liệu mới về những sọ cổ Óc Eo. Khảo cổ học, số 1, tr.3-9.

Nguyễn Mạnh Cường 1996. Trở lại vấn đề Tiền Óc Eo. Những phát hiện mới về khảo cổ học (NPHMVKCH), 1996, tr. 640-641.

Nguyễn Thị Hậu 1995. Mộ chum Giồng Cá Vồ. Khảo cổ học, số 2, tr.47-50.

Nguyễn Thị Hậu, 1997. Khuyên tai hai đầu thú trong các di tích mộ chum Cần Giờ (TPHCM) . Tạp chí VHNT số 8/1997 trang 23 - 26.

Nguyễn Thị Hậu 2000. Gốm Cần Giờ. NPHMVKCH, 2000, tr. 285-287.

Nguyễn Thị Hậu 2004. Hệ thống di tích khảo cổ học vùng sinh thái ngập mặn ở Cần Giờ, thành phố Hồ Chí Minh. Trong Một thế kỷ Khảo cổ học Việt Nam, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, Viện Khảo cổ học, Nxb. KHXH, Tập I, Hà Nội. Tr. 874-893.

Nguyễn Thị Hậu, 2006. Di tích KCH ở Cần Giờ - TPHCM, những tư liệu mới. NPHVKCH 2006.

Nguyễn Thị Hậu 2009a. Văn hoá Óc Eo, một nền văn hoá cổ ở Nam Bộ. http://www.vanchuongviet.org/vietnamese/tulieu_tacpham.asp?TPID=10694&LOAIID=18&TGID=1046.

Nguyễn Thị Hậu 2009b. Văn hoá Sa Huỳnh nhìn từ văn hoá Đồng Nai. http://www.vanchuongviet.org/vietnamese/tulieu_tacpham.asp?TPID=10694&LOAIID=18&TGID=1046.

Nguyễn Thị Hậu, Đặng Văn Thắng 2000. Văn hoá Giồng Phệt và văn hoá Sa Huỳnh. Thông báo Khoa học Bảo tàng Lịch sử Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh, số 2, tr.102-108.

Nguyễn Thị Hậu, Đặng Văn Thắng, 2004. Về những yếu tố Sa Hùynh trong văn hóa Giồng Phệt. Trong Văn hóa Sa Hùynh ở Hội An – Kỷ yếu HTKH, Hội An 2004. Tr.262 – 281.

Nguyễn Thị Kim Dung 2007. Di chỉ Giồng Nổi (Bến Tre) trong nền cảnh khảo cổ học tiền – sơ sử vùng Nam bộ Việt Nam. Tạp chí Khảo cổ học số 2/2007, tr.86.

Nguyễn Thị Kim Dung, Đặng Văn Thắng 1996. Về những bằng chứng của nghề chế tạo thuỷ tinh địa phương ở Cần Giờ, trong NPHMVKCH năm 1995, tr.242.

Nguyễn Thị Kim Dung, Đặng Văn Thắng, Vũ Quốc Hiền, Nguyễn Thị Hậu, Trịnh Căn 1995. Đồ trang sức trong mộ chum ở Cần Giờ. Khảo cố học, số 2, tr.27-45.

Nguyễn Trung Chiến 2001. Khảo cổ học trên các vùng biển Việt Nam. Tư liệu Viện Khảo cổ học, 2001.

Pelliot P. 1903. Le Fou Nan, Hanoi, 1903.

Phạm Việt Trung, Nguyễn Xuân Kỳ, Đỗ Văn Nhung 1982. Lịch Sử Campuchia. Nxb Đại Học & THCN, Hà Nội.

Phạm Đức Mạnh 1985. Qua đồng Long Giao (Đồng Nai). Khảo cổ học, số 1, tr.37-68.

Phạm Đức Mạnh 1996. Di tích khảo cổ học Bưng Bạc, Bà Rịa – Vũng Tàu. Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội.

Phạm Đức Mạnh, Bùi Chí Hoàng 1984. Cụm di tích mộ vò miền đông Nam bộ. Văn hóa Óc Eo và các văn hóa cổ ĐBSCL, Long Xuyên 1984, trang 128- 131.

Phạm Đức Mạnh – Thuý Nga 1995. Phát hiện những đồ đồng ở Long Giao (Xuân Lộc). Tạp chí Thông tin Đồng Nai, số 1,12.

Phạm Quang Minh 2005. Diện mạo thời Tiền Sơ sử Bà Rịa Vũng Tàu qua di chỉ Bưng Thơm. Thông tin Khoa học Công nghệ Bà Rịa – Vũng Tàu. Số 4-2005

Phạm Quang Sơn 1978. Bước đầu tìm hiểu sự phát triển văn hoá hậu kỳ đá mới – sơ kỳ đồng ở lưu vực sông Đồng Nai. Khảo cổ học, số 1. Tr.35-40.

Sở Văn hóa Thông tin An Giang 1984. Văn hóa Óc Eo và các văn hóa cổ ở đồng bằng sông Cửu Long. Long Xuyên, An Giang 1984.

Tân Đường thư, (bản chữ Hán). Tư liệu khoa sử, Đại học Quốc Hà Nội, H.1948.

Tùy thư, Quyển 82, Liệt truyện 47, tờ 5. Tư liệu khoa sử, Đại học Quốc Hà Nội, H. 1949.

Thạch Phương, Hồ Lê, Huỳnh Lứa, Nguyễn Quang Vinh 1992. Văn hoá dân gian người Việt ở Nam Bộ. Nxb. KHXH, Hà Nội.

Thái Văn Chải – Tỳ kheo Thiện Minh 2009. Nghiên cứu chữ viết cổ trên bia ký ở Đông Dương. Viện Khoa học Xã hội, Viện Phát triển Bền vững vùng Nam Bộ, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội.

Tống Trung Tín, Bùi Minh Trí, Nguyễn Minh Sang 1994. Khai quật di tích Gò Cây Tung (An Giang) lần thứ nhất. NPHMVKCH, 1994, tr. 419-422.

Tống Trung Tín, Bùi Minh Trí, Nguyễn Minh Sang 1995. Khai quật di tích Gò Cây Tung (An Giang) lần thứ hai. NPHMVKCH, 1995tr. 233-234.

Tổng cục Thống kê 2009. Báo cáo kết quả sơ bộ Tổng điều tra dân số và nhà ở 01/4/2009. Trình bày tại Hội nghị công bố Kết quả sơ bộ Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009. Hà Nội.

Trần Anh Dũng, Bùi Văn Liêm, Nguyễn Đăng Cường, Vương Thu Hồng 1995. Khai quật di chỉ Gò Cao Su (Long An). NPHMVKCH, 1995, tr. 220-222.

Trần Anh Dũng và cộng sự 1996. Khai quật di chỉ khảo cổ học Gò Cao Su (Long An). Trong NPHMVKCH năm 1995, Hà Nội, tr. 220-222.

Trần Ngọc Thêm 2001. Bản sắc văn hóa Việt Nam trước ngưỡng cửa thiên niên kỷ mới. Trong tuyển tập Văn hóa Việt Nam - đặc trưng và cách tiếp cận (Lê Ngọc Trà chủ biên), Nxb. Giáo dục, tr. 292-301.

Trần Quốc V ượng 1998. Việt Nam cái nhìn địa - văn hoá. Nxb Văn hoá Dân tộc, Tạp chí Văn hoá Nghệ thuật, 1998.

Trần Văn Giàu, Trần Bạch Đằng (Chủ biên) 1998. Địa chí văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh, Tập 1: Lịch sử, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hồ Chí Minh.

Trần Văn Giàu, Trần Bạch Đằng 1998. Địa chí văn hoá Thành phố Hồ Chí Minh, Tập IV: Tư tưởng và tín ngưỡng. – Nxb.Tp. Hồ Chí Minh.

Trịnh Căn, Nguyễn Thị Hậu 1995. Trở lại với cà ràng, trong NPHMVKCH năm 1994, tr. 182.

Trịnh Hoài Đức 1998: Gia Định thành thông chí (1820). Nxb. Giáo dục (phối hợp với Viện Sử học), Hà Nội.

Uỷ ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh 2011. Giới thiệu lịch sử văn hoá , kinh tế - xã hội Thành phố Hồ Chí Minh. http://hochiminhcity.gov.vn/default.aspx.

Viện Văn hóa 1993. Văn hóa người Khmer ở Đồng bằng sông Cửu Long. Nxb. Văn hóa Dân tộc, Hà Nội.   

Võ Sĩ Khải  1987. Địa chí văn hóa TP. HCMinh, tập I, phần 2. Nxb TP. Hồ Chí Minh, Thành phố Hồ Chí Minh.

Võ Sĩ Khải 2003. Văn hoá đồng bằng Nam bộ (di tích kiến trúc cổ). Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội.

Vũ Công Quý, 1995. Văn hóa Sa Huỳnh trong thời đại kim khí Việt Nam. Văn hóa Sa Huỳnh ở Hội An – Kỷ yếu HTKH, Hội An 2004. Tr 283 – 296.

Vũ Quốc Hiền, Nguyễn Thị Hậu 1995. Di tích mộ táng ở Giồng Phệt và Giồng Cá Vồ, trong NPHMVKCH năm 1994. Hà Nội, tr. 149.

Vũ Quốc Hiền, Nguyễn Văn Đoàn 1995. Về hiện vật lạ trong di chỉ Giồng Cá Vồ, trong NPHMVKCH năm 1994, tr.152.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét