Powered By Blogger

Thứ Bảy, 22 tháng 6, 2019

Kinh nghiệm quốc tế trong việc xây dựng cơ chế chính sách huy động nguồn nhân lực KHCN xây dựng nông thôn*


Hà Hữu Nga

1. Kinh nghiệm phương Tây 

1.1. Kinh nghiệm của Mỹ

Mỹ là nước có GDP/PPP tới 14.660 tỷ USD (2010), tuy nhiên nông nghiệp chỉ chiếm tỷ lệ có 1,1% trong GDP. Lao động làm nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản chỉ chiếm có 0,7% trong tổng số 153,9 triệu lao động trên toàn nước Mỹ. Vậy mà nông nghiệp Mỹ lại là một mô hình công nghiệp hóa, hiện đại hóa rất điển hình. Cư dân nông thôn Mỹ chỉ chiếm có 18% , cư dân thành thị chiếm 82% trong tổng số trên 313,23 triệu dân (năm 2011). Chính sách phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp Mỹ là công nghiệp hóa nguồn nhân lực, biến nông dân thành công nhân nông nghiệp vì lao động hoàn toàn bằng các phương tiện cơ giới hóa. Dữ liệu mới từ Alston et al. (2000) cho thấy rằng đối với nông nghiệp Mỹ, từ năm 1866 đến năm 2007 hệ số sản lượng trung bình của ngô tăng gấp 6 lần hệ số sản lượng lúa mì tăng 3,5 lần (Grigg 1989). Từ cuộc chiến tranh thế giới thứ hai đến đầu những năm 1980, công suất máy kéo tăng hơn mười lần và hệ số sử dụng phân bón nitơ tăng gấp 6 (Holderness 1985). Nông nghiệp Mỹ đạt được các thành tựu đó là do nhiều nhân tố, trong đó có một số nhân tố liên quan đến chính sách công nghệ và nhân lực công nghệ trong ngành nông nghiệp. Các chính sách đó gồm có: Trước hết, chính sách phát triển nhân lực của nông nghiệp Mỹ được hỗ trợ bằng chính sách đất đai: nước Mỹ có khoảng 2,1 triệu trang trại, với diện tích bình quân mỗi trang trại là 446 acres (1 acre= 0,4ha).  Thứ hai, chính sách phát triển nhân lực của nông nghiệp Mỹ được hỗ trợ bằng chính sách trợ cấp của Chính phủ. Năm 2006 Chính phủ đã trợ cấp tới 25 tỷ USD để hỗ trợ về thu nhập, bảo lãnh giá cả hoặc giống cây trồng cho nhà nông. Thứ ba, chính sách phát triển nhân lực của nông nghiệp Mỹ chính là phát triển nguồn nhân lực công nghệ sinh học. Mỹ là nước đã đi đầu trong số 23 nước trên thế giới triển khai rộng lớn cây trồng chuyển gen (GMC-genetically modified culture). Về phương diện nhân lực, Mỹ hiện có tới khoảng 1000 Công ty Công nghệ sinh học và riêng 8 tháng đầu năm 2008 đã thu về tới 360 tỷ USD (Nguyễn Lân Dũng 2011).  

1.2. Kinh nghiệm của Hà Lan

Nông nghiệp Hà Lan được coi là một kỳ tích của quốc gia này, và điều đó thể hiện trên các lĩnh vực sau: i) Hiệu suất xuất khẩu nông sản đứng đầu thế giới; ii) Hiệu suất sản xuất của đất đứng đầu thế giới; iii) Nền nông nghiệp được đầu tư kết cấu hạ tầng đứng hàng đầu thế giới. Năm 1997, tổng lượng tổ hợp nông-công-thương nghiệp Hà Lan có giá trị gia tăng đạt 33,3 tỉ Eurô, chiếm 11,7% GDP. Người Hà Lan quan niệm rằng: Một cơ chế, chính sách có hiệu quả là cơ chế, chính sách khuyến khích các nhà sản xuất kinh doanh, cải thiện và tối ưu hoá sử dụng các nguồn lực để nâng cao sức cạnh tranh, làm tốt các dịch vụ công, có nghĩa là đảm bảo cung ứng tốt các dịch vụ công và các sản phẩm công cộng mà cơ chế thị trường không đáp ứng được, từ đó gia tăng khả năng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Riêng về lĩnh vực KHCN được Chính phủ Hà Lan coi là tiêu điểm liên kết giữa chính sách, quản lý và tri thức. Do đó chính sách nông nghiệp của Hà Lan có 2 lĩnh vực: đầu tư vào tri thức KHCN và chính sách cơ cấu nông nghiệp. Năm 1996, Nhà nước tài trợ cho “Khoa học và truyền bá kiến thức”, khoảng 830 triệu USD, chiếm 41,5% kinh phí tài trợ của Chính phủ cho nông nghiệp, tính ra bình quân là 3000 USD/trang trại, hoặc 420 USD/ha. Nghiên cứu khoa học, giáo dục và chuyển giao công nghệ là một tam giác có lực thúc đẩy lẫn nhau, phục vụ lợi ích của nông dân (Nguyễn Công Tạn 2016).  

1.3. Kinh nghiệm Israel

Sau đây là 12 thành tựu của người Israel đã mang đến cho nhân loại, giúp thay đổi bộ mặt của nền sản xuất nông nghiệp toàn cầu, đem đến phương thức sản xuất hiệu quả và là cách thức để giải quyết vấn đề an ninh lương thực hiện nay: i) Công nghệ tưới nhỏ giọt: Sản phẩm công nghệ này của Israel đã cho phép 700 hộ nông dân ở Senegal có thể canh tác ba vụ một năm thay vì chỉ một vụ mỗi năm vào mùa mưa; ii) Kén tồn trữ lương thực: Sản phẩm này chỉ đơn giản là một chiếc túi khổng lồ của Giáo sư công nghệ thực thẩm Shlomo Navarro, giúp lương thực tránh được việc tiếp xúc với không khí và độ ẩm; iii) Kiểm soát côn trùng theo phương pháp sinh học: Các kỹ sư Israel đã lai tạo ra các giống côn trùng có ích nhằm giải quyết vấn đề kiểm soát sâu bệnh, thực hiện thụ phấn tự nhiên trong môi trường nhà kính; iv) Công nghệ chăn nuôi bò sữa công nghiệp: Đây là những hệ thống cho phép người chăn nuôi có thể quản lý, theo dõi, giám sát và cho ăn đàn gia súc tập trung thông qua các thiết bị máy tính; v) Nông nghiệp trực tuyến: Đó là một hệ thống tương tác trực tuyến trên toàn cầu, nó liên kết kho dữ liệu về kiến thức nông nghiệp, các chuyên gia và nông dân để giải quyết bất cứ một vấn đề gì trong nông nghiệp; vi) Giống khoai tây có thể trồng ở những nơi khắc nghiệt: Phải mất gần 30 năm nghiên cứu, Giáo sư David Levy của Đại học Hebrew mới lai tạo được giống khoai tây có thể phát triển mạnh trong khí hậu nóng, khô, và có thể được tưới bằng nước mặn, có thể canh tác tại cả các vùng cát sa mạc, ven biển; vii) Công nghệ tưới nước nhỏ giọt từ không khí: Tal-Ya là công nghệ thu thập sương, hơi nước từ không khí, giúp giảm lượng nước phải tưới cho cây trồng, tiết kiệm đến 50% lượng nước tưới, và bảo vệ thực vật khỏi sự thay đổi nhiệt độ khắc nghiệt tại các vùng sa mạc, đất cằn, làm giảm sự ô nghiễm nước ngầm; viii) Công nghệ bảo vệ thực vật thân thiện với môi trường: Đại học Hebrew hợp tác với Makhteshim Agan đã phát triển và thương mại hóa các sản phẩm thuốc diệt cỏ chậm phát tán vào đất và thuốc trừ sâu không gây tổn hại cho côn trùng có ích; ix) Nuôi cá trong sa mạc: Hệ thống nuôi cá này là một khu vực nuôi cá được khép kín và có thể đặt ở bất cứ đâu, không phụ thuộc vào các điều kiện về điện, nguồn nước cũng như môi trường bên ngoài; x) Sản xuất thực phẩm từ khí nhà kính: Đó là công nghệ seambiotic của Israel dùng để nuôi tảo, là loài thưc vật có thể mang lại giá trị cao gấp 30 lần so với bất kỳ loại cây trồng nào từng được biết đến; xi) Nhân giống cá chép châu Phi: Giáo sư Berta Sivan của Đại học Hebrew đã thực hiện một dự án kéo dài nhiều năm để nhân giống được các loại cá chép châu Phi nuôi tại các trang trại cá Uganda, và đào tạo để khai thác và nuôi trồng giống cá này với quy mô nhỏ, cung cấp nguồn protein dồi dào cho các vùng nghèo; xii) Hạt giống chất lượng cao: Tại Đại học Hebrew, các nhà khoa học Ilan Sela và Haim D. Rabinowitch đã phát triển một công nghệ cho phép cấy ghép vật liệu di truyền vào hạt giống mà không sửa đổi cấu trúc DNA gốc của chúng, giúp nâng cao năng suất và chất lượng cho các sản phẩm nông nghiệp, đảm bảo an ninh lương thực và tạo ra lợi thế cạnh tranh. A. K. 2012; VAAS, 2017).  

2. Kinh nghiệm phương Đông 

2.1. Kinh nghiệm của Ấn Độ

 Đó trước hết là chế độ và quyền sở hữu trí tuệ. Có thể nói rằng chế độ sở hữu trí tuệ mới đã quyết định mô hình phát triển công nghệ nông nghiệp Ấn Độ (Ravishankar A, Sunil Archak, 2000). Chế độ sở hữu trí tuệ tạo động lực dẫn dắt sự phát triển của công nghệ thể hiện ở mức độ và tính chất của việc bảo hộ, sẽ ảnh hưởng đến hành vi đầu tư (Moschini, Giancarlo and Harvey Lapan, 1997). Nhờ đó, một lớp công nghệ mới sẽ xuất hiện (Evenson, Robert, Carl E Pray and Mark W. Rosegrant, 1999). Chế độ sở hữu trí tuệ mới ảnh hưởng đến quyết định đầu tư theo hai cách: i) các công ty tư nhân sẽ bắt buộc phải tăng chi tiêu cho nghiên cứu, và điều đó có thể dẫn đến sự đổi mới; ii) tăng chuyển giao công nghệ thông qua liên doanh cũng như hợp nhất và mua lại giữa các công ty trong nước và nước ngoài (Pal, Suresh and Alka Singh, 1997). Nhờ sở hữu trí tuệ mà việc cải thiện các loại giống cây trồng phát triển đã góp phần tăng năng suất tối đa (Ravishankar A, Sunil Archak 1996, 2000). Tại Ấn Độ, khi thấy dòng đầu tư rất lớn vào phát triển giống, thì các nhà khoa học công nghệ đã phát triển các công nghệ bảo vệ các loại giống mới của họ. Các kỹ thuật ấy được gọi chung là Công nghệ Hạn chế Sử dụng Di truyền (Genetic Use Restriction Technologies - GURTs). Việc sản xuất hạt giống mỗi năm đều phụ thuộc vào các nhà công nghệ, bắt buộc nông dân mùa nào cũng phải mua hóa chất của họ để canh tác (Fuglie, K C, C Klotz and M Gill, 1996). Đó vốn là chủ đề đã được thảo luận tại nhiều diễn đàn quốc tế như Ủy ban FAO về Tài nguyên Di truyền Lương thực và Nông nghiệp và dự kiến ​​sẽ là một vấn đề lớn về việc xem xét quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến thương mại của WTO (FAO 1998). Mối tương tác giữa chế độ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và các mô hình nghiên cứu và triển khai (R&D) sẽ cải thiện dòng chảy đầu tư (Lende 1991). Rõ ràng mức độ mở rộng chuyển giao công nghệ và ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến sẽ phụ thuộc vào khả năng bảo vệ và vào các chương trình tự do hóa kinh tế chung khác (Kratitiger, A 1997; Ravishankar A, Sunil Archak, 2000). Chế độ sở hữu trí tuệ đã tác động đến các mô hình công nghệ thông qua ảnh hưởng quyết định đến khuynh hướng đầu tư tư nhân cho R&D ngày càng tăng.  

2.2. Kinh nghiệm của Đài Loan

Để chuyển giao các công nghệ mới về giống cây trồng cho nông dân, trong nhiều năm các nhà khoa học Đài Loan đã phát triển một hệ thống ba giai đoạn. Giai đoạn đầu tiêntrách nhiệm của nhà sản xuất giống trong việc sản xuất hạt giống, các nhà KHCN xây dựng các cánh đồng sản xuất ngay bên trong trạm nghiên cứu. Giai đoạn thứ hai là sản xuất các hạt giống cơ bản, trách nhiệm thuộc về chính quyền các địa phương trong việc xây dựng các cánh đồng sản xuất để nhân giống cung cấp cho nông dân. Giai đoạn thứ ba là sản xuất các loại giống đã được đăng ký, chính quyền địa phương sẽ ủy quyền cho các nông dân danh dự thiết lập các cánh đồng sản xuất giống. Dưới đây là một ví dụ về việc chuyển giao loại giống lúa Taiken 16 (TK16 - 台梗16 - Thai ngạnh 16 – Một giống lúa gié thơm) được Trạm Cải tiến Nông nghiệp Hoa Liên (花蓮區農業改良場– Hoa Liên khu nông nghiệp cải lương trường) lai tạo và đặt tên vào năm 1996. Các loại hạt giống này đã được cung cấp miễn phí, cho các nông hộ đã đăng ký. Tổng diện tích trồng lúa TK16 là 17.122 ha vào năm 2004, chiếm 7,2% tổng diện tích canh tác lúa tại Đài Loan (李超運;劉瑋婷 et al 2011 - Lý Siêu Vận, Lưu Đình Vĩ và cộng sự, 2011). Vì các lý do khác nhau, hệ thống chuyển giao ba giai đoạn không phù hợp với hầu hết các loại hoa màu trồng vườn, và phải được sửa đổi. Ví dụ, vào năm 1990, Trạm Hoa Liên đã đưa ra một loại giống cà chua Hualien AVRDC 5 (Tseng 1991). Từ năm 1992 đến 1997, tổng diện tích trồng là 1.355,7 ha. Các chi nhánh của Trạm Hoa Liên cử chuyên gia tham gia các cuộc họp và đưa ra các khuyến nghị. Năm 2004, Trạm Hoa Liên tổ chức 21 hoạt động khuyến nông, trong đó bao gồm sáu hội nghị chuyên đề, tám cuộc trình diễn các loại cây trồng mới, bốn cuộc trình diễn kỹ thuật mới, và hai khóa tập huấn (Hsueh-Shih Lin, 2005). Yếu tố con người có ảnh hưởng đến quyết định của người nông dân trong nhiều trường hợp. Chẳng hạn Thai ngạnh 4 (Tai-ken 4), là một giống lúa rất nổi tiếng vì hương thơm đặc biệt của nó. Nó đã được tìm thấy cách đây nhiều năm trong trang trại của một nông dân mà đặc tính hương thơm đã bị mất đi sau vài thế hệ trồng trọt. Vì vậy, chính phủ đã xem xét kỹ lưỡng các yếu tố con người, để từ đó lập ra một hệ thống ủy quyền liên quan. Kể từ khi sản xuất truyền thống đã trở nên kém cạnh tranh hơn so với các ngành khác, người nông dân đã buộc phải thay đổi sự lựa chọn của họ. Điều đó khiến cho Chính phủ cũng phải nhanh chóng thích ứng chính sách với thực tế đó. Đó trước hết là chính sách biến các vùng ruộng đồng bỏ hoang lớn thành vùng trồng nhiều loài cây làm phân xanh phi kinh tế như các loài cây họ đậu. Tổng diện tích cây phân xanh là 206.339 ha vào năm 2004 (Statistics Office, 2005), nó cũng giúp làm lợi cho ngành nông nghiệp giải trí (余德發; 周明和 - Dư Đức Phát; Chu Minh Hòa, 2003). Đó là một trong những ví dụ về sự kết hợp của quyền lực khoa học và công nghiệp nhằm thúc đẩy lợi ích kinh tế phát triển mạnh mẽ hơn. Sau khi ban hành Đạo luật Khoa học Cơ bản và Công nghệ năm 1999, tất cả các quyền sở hữu trí tuệ (IPR - Intellectual Property Rights) phát sinh từ các dự án nghiên cứu do chính phủ tài trợ đã được giao cho các tổ chức chịu trách nhiệm về dự án. Bản quyền của một nhà tạo giống là một quyền sở hữu trí tuệ, nên nó phải được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ. Đạo luật Giống cây trồng được ban hành và có hiệu lực vào năm 1988, giúp bảo vệ quyền đối với giống cây trồng, tạo điều kiện cải tiến giống cây trồng, và hệ thống quản lý giống cây trồng để thúc đẩy lợi ích của nông dân và làm lợi cho phát triển nông nghiệp (Hsueh-Shih Lin 2005). 

 2.3. Kinh nghiệm của Hàn Quốc

Theo một báo cáo gần đây của Ngân hàng Thế giới, 75% người nghèo trên thế giới sống ở khu vực nông thôn và hầu hết đều tham gia vào hoạt động nông nghiệp” (World Bank, 2009). Từ rất sớm, Hàn Quốc đã có sáng kiến ​phát động phong trào Saemaul Undong (SMU – nguyên nghĩa là Cuộc vận động Làng xã mới), còn gọi là Phong trào Cộng đồng Mới, do Tổng thống Park Chung Hee khởi xướng vào đầu những năm 1970. Saemaul Undong là một thành công của Hàn Quốc trong một khoảng thời gian tương đối ngắn trong việc nâng cao thu nhập và cải thiện mức sống ở nông thôn, do đó thu hẹp khoảng cách giữa thành thị và nông thôn. Thu nhập hộ gia đình tăng từ trung bình 255.800 won (tiền Hàn Quốc) trong năm 1970 lên đến đến 1.531.300 won vào năm 1979 (Mason, Edward S., et al., 1980; Ghazala Mansuri and Vijayendra Rao, 2004; Park Soo-young, 2008). Các chỉ số khác là sự gia tăng tiêu thụ các tiện ích hiện đại, như tivi và tủ lạnh, được hỗ trợ bằng điện khí hóa ở nông thôn. (Park Soo-young, 2008). Sản lượng lúa trung bình tăng từ 3,1 tấn / ha trong giai đoạn 1965-71 lên 4,0 tấn trong giai đoạn 1972-78, và thu nhập của nông dân cũng tăng do giá gạo tăng. Nhờ những thay đổi này, nghèo đói ở nông thôn giảm từ 27,9% năm 1970 xuống còn 10,8% năm 1978. Nền kinh tế Hàn Quốc tiếp tục mở rộng với tỷ lệ hàng năm trên 10%, đẩy mạnh tạo việc làm trong các lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ và tạo ra các nguồn tài chính công có sẵn để tái đầu tư (Kim, Eun Mee 1997; Woo, Jung-en 1991). Có thể nói Saemaul Undong được thực hiện trong bối cảnh có nhiều nhân tố thuận lợi, đảm bảo cho thành công (Mason, Edward S., et al., 1980). Đó là: khu vực nông thôn tương đối quân bình nhờ chính sách tái phân phối tài sản thông qua một cuộc cải cách ruộng đất triệt để gọi là: ruộng đất về tay dân cày; ii) Cấu trúc cộng đồng xã hội truyền thống ở nông thôn gắn bó (Brandt, Vincent S.R., 1981); iii) Áp lực dân số lên đất đai nông thôn giảm dần khi bắt đầu SMU (Burmeister, Larry L., 1990); iv) Các thể chế hỗ trợ nông nghiệp mạnh mẽ; v) Quản trị độc quyền hiệu quả (Burmeister, Larry L., 1990); vi) Tỷ lệ biết chữ gần như phổ cập (Ghazala Mansuri and Vijayendra Rao, 2004). 

Thành công của Saemaul Undong đã để lại cho nhiều quốc gia đang phát triển những bài học kinh nghiệm quý báu: (1). Tạo nguồn lực cho phát triển nông thôn: i) Đầu tư vào các chương trình giáo dục và y tế nông thôn giúp tạo ra nguồn nhân lực; ii) Tăng cường năng lực của các cơ quan quản lý địa phương; iii) Đầu tư vào năng lực nghiên cứu nông nghiệp và các dịch vụ khuyến nông; iv) Xây dựng các thể chế và cơ sở hạ tầng để hỗ trợ nền kinh tế nông thôn...v.v. (2) Phát triển nguồn lực con người bắt đầu bằng nhân tố lãnh đạo: i) Khuyến khích và hỗ trợ lãnh đạo cấp quốc gia cam kết cải thiện lâu dài trong khu vực nông thôn; ii) Đào tạo đội ngũ cán bộ cấp thôn làng và hỗ trợ họ bằng các nguồn lực khuyến nông; iii) Tổ chức các chuyến đi học tập cho các nhà lãnh đạo cấp quốc gia và cấp thôn cùng nhau học hỏi việc thực hiện phát triển nông thôn và cộng đồng; iv) Hỗ trợ việc trao quyền cho phụ nữ nông thôn để tăng cường khả năng nắm giữ vai trò lãnh đạo của họ trong nền kinh tế địa phương. (3) Xây dựng các chính sách hỗ trợ của quốc gia cho khu vực nông thôn: i) Lồng ghép phát triển nông thôn với mục tiêu ưu tiên cao vào kế hoạch phát triển kinh tế quốc dân; ii) Thực hiện tiếp thị đầu vào trang trại của nông dân và mua sắm sản phẩm thông qua các cơ chế định giá, tạo động cơ cho sản xuất và hỗ trợ thu nhập nông trại tăng cao; iii) Tăng cường phát triển công nghiệp phi tập trung để mở rộng cơ hội việc làm phi nông nghiệp ở nông thôn. (4) Phát động Tinh thần Saemaul: i) Khởi động và duy trì một chiến dịch quốc gia đặt nông dân vào trọng tâm của sức mạnh quốc gia và phát triển; ii) Khơi dậy niềm tin truyền thống “dĩ nông dân vi bản”; iii) Tham gia tích cực vào việc lập kế hoạch và thực hiện các dự án cộng đồng bằng các ưu tiên và hỗ trợ cộng đồng tăng thêm các nguồn lực và đầu tư thiết thực; iv) Khen thưởng các cộng đồng nông thôn thành công bằng nhiều nguồn lực và đầu tư hơn; nâng các cộng đồng đó lên thành các mô hình cho cả nước noi theo; v) Tưởng thưởng cho các cán bộ địa phương dựa trên đánh giá của các thôn trong phạm vi quyền hạn của họ. (Reed, Edward P, 2010).  

2.4. Kinh nghiệm của Trung Quốc

Năm 1978, Trung Quốc bắt đầu thực hiện cải cách nông thôn, chính phủ Trung Quốc đã kịp thời thực hiện cải cách cơ cấu khoa học và công nghệ, với phương châm Phát triển kinh tế phải là khoa học và công nghệ, và các nỗ lực khoa học và công nghệ cần phải hướng tới xây dựng kinh tế( - kinh tế phát triển yếu khoa kĩ thôi động, khoa kĩ công tác yếu diện hướng kinh tế kiến thiết”). Trung Quốc xác định phát triển nông thôn phụ thuộc vào ba nhân tố: i) có hệ thống chính sách tốt; ii) sử dụng KHCN, và iii) đầu tư cả nguồn nhân lực và nguồn tài chính (卢良恕,王东阳 - Lô Lương Thứ, Vương Đông Dương, 2002). Nhờ đó đến cuối năm 2001, ngân hàng giống cây trồng quốc gia đã có một bộ sưu tập 332.000 danh mục bổ sung, bao gồm 35 họ, 192 chi và hơn 712 loài hoặc phân loài. 32 vườn ươm nguồn gen của quốc gia bảo tồn 38.000 danh mục bổ sung, bao gồm 1050 loài và phân loài. Phát triển và áp dụng hơn 5.000 giống cây trồng và sản lượng của các loại cây trồng này tăng từ 10 đến 30%. Bước đột phá lớn trong việc sử dụng ưu thế lai với một số lượng lớn lúa năng suất cao và kháng nghịch, ngô, và hơn 100 loại rau giống; 90 giống gia súc, gia cầm mới. Đphủ của các dòng canh tác nông nghiệp đạt khoảng 80%. Các đột phá còn được thực hiện trong nghiên cứu và ứng dụng công nghệ năng suất cao và hiệu quả cao và nhanh chóng phát triển công nghệ xen canh, công nghệ đa canh, đa vụ (作物种植,多作物,多成熟技术 - đa tác vật chủng thực, đa tác vật, đa thành thục kĩ thuật). Trung Quốc thừa nhận vai trò của R&D và chuyển giao KHCN nên đã không ngừng tăng cường hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách này. Hiện nay, Luật Khuyến nông Kỹ thuật Nông nghiệp của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (中华人民共和国农业技术推广法 Trung Hoa Nhân dân Cộng hòa quốc Nông nghiệp Kĩ thuật Thôi nghiễm pháp) Luật Nông nghiệp của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (中华人民共和国农业法 Trung Hoa Nhân dân Cộng hòa quốc Nông nghiệp pháp) đang được thực hiện ở các vùng khác nhau của đất nước để ổn định và hài hoà hệ thống khuyến nông quốc gia. Luật này được ban hành và thực hiện vào năm 1993 và nó đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy và chính thức hoá sự nghiệp khuyến nông. Tuy nhiên, với sự phát triển của nền kinh tế thị trường, Luật Khuyến nông hiện hành không phù hợp với các biện pháp thực hiện các quy định khuyến nông do Đại hội nhân dân cấp tỉnh, cấp tự trị và cấp thành phố ban hành. Do đó, các học giả Trung Quốc cho rằng cần sửa đổi càng sớm càng tốt “Luật Khuyến nông của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và đưa ra các biện pháp phù hợp để đáp ứng được yêu cầu gia nhập WTO và từng bước đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế và của hệ thống pháp luật đảm bảo sự phát triển đúng đắn của sự nghiệp khuyến nông (高启杰 Cao Khải Kiệt 2008; 王达  Vương Đạt  2013).    

Trong quá trình sửa đổi luật pháp và các quy định, cần củng cố những thành tựu cải cách, đổi mới và cần làm ràng về vấn đề thực thi pháp luật và các chức năng, nhiệm vụ của tổ chức khuyến nông, các biện pháp bảo vệ, các cơ chế thưởng phạt. Trong khi đó, cần sửa đổi các quy định và chính sách liên quan đến khuyến nông để có thể đề xuất được hàng loạt biện pháp hỗ trợ cho các quyết sách khuyến nông có thể thích ứng với tình hình hiện tại của Trung Quốc (高启杰 Cao Khải Kiệt 2008). Các cơ sở khoa học và công nghệ phi chính phủ đã phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây, ví dụ: Tổ chức KH&CN Phi chính phủ Lai Châu (tỉnh Sơn Đông). Những đóng góp gần đây của các công nghệ tiên tiến và thích ứng đối với tăng trưởng nông nghiệp đã trở nên đặc biệt cao ở Trung Quốc (卢良恕,王东阳 - Lô Lương Thứ, Vương Đông Dương, 2002). Tuy nhiên, ở Trung Quốc hiện nay, chuyển giao KHCN nông nghiệp vẫn là nhiệm vụ chính của khuyến nông. Có 5 tổ chức khuyến nông chuyên ngành, bao gồm: nông nghiệp, chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản, cơ giới hoá nông nghiệp và quản lý kinh doanh nông nghiệp. Các tổ chức khuyến nông cấp huyện và hương trấn cũng như mạng lưới đội ngũ cán bộ khuyến nông tương ứng được coi là trung tâm và có vai trò chính trong công tác khuyến nông. Hệ thống khuyến nông từ trên xuống đang ngày càng trở lạc hậu và cản trở sự phát triển của cả nông nghiệp và công nghệ nông nghiệp Trung Quốc. Đó là: i) Mức đầu tư cho khuyến nông quá thấp; ii) Đội ngũ khuyến nông có chất lượng thấp là do cơ cấu cán bộ bất hợp lý; iii) Khuyến nông đi trệch hướng khỏi nhu cầu thực sự của người nông dân; iv) Phương thức và mô hình khuyến nông từ trên xuống” không đáp ứng được nhu cầu của nền kinh tế thị trường đối với lĩnh vực chuyển giao KHCN nông nghiệp (高启杰 Cao Khải Kiệt 2008; 王达 Vương Đạt 2013).  Đã có nhiều đề xuất cải cách cơ chế chính sách khắc phục các khuyết tật của hệ thống khuyến nông Trung Quốc, chẳng hạn: cần xác định rõ chức năng, cải tiến hệ thống, đổi mới cơ chế, đảm bảo đầu tư công và hoàn thiện các quy định có liên quan. Và Trung Quốc xác định vẫn phải tiếp tục cải cách hệ thống khuyến nông của họ, nhằm đáp ứng nhu cầu thực sự của sự phát triển nông thôn toàn diện (高启杰 Cao Khải Kiệt 2008). 

3. Các bài học từ kinh nghiệm quốc tế cho Việt Nam 

3.1. Bài học về việc cung cấp các nguồn lực tài chính cho KHCN nông thôn

Hai khía cạnh quan trọng nhất liên quan đến việc cung cấp các nguồn lực cho KHCN nông thôn chính là: i) Các nguồn lực tài trợ của chính phủ; ii) Các nguồn lực từ khu vực tư nhân. Điển hình cho mô hình đi bằng hai chân hoặc bay bằng hai cánh này của KHCN nông nghiệp là các quốc gia công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp thành công từ rất sớm là Mỹ và Hà Lan. Tiếp đó là các mô hình thành công của các quốc gia công nghiệp mới là Hàn Quốc và Đài Loan. Tuy nhiên các quốc gia chưa thành công về phương diện này cũng để lại cho chúng ta một bài học sâu sắc, mà gần chúng ta về mọi phương diện chính là Trung Quốc. Lâu nay họ chủ yếu mới “đi bằng một chân” và “bay bằng một cánh” nhà nước trong lĩnh vực cung cấp các nguồn lực cho KHCN nông thôn, cho nên đó vẫn là một mô hình không khỏi lệch lạc. Vì thế họ cũng đã bắt đầu thay đổi chính sách và cho phép phát triển tổ chức KH&CN phi chính phủ như trường hợp Lai Châu (tỉnh Sơn Đông). 

3.2. Bài học về chính sách phát triển KHCN bền vững cho nông thôn

Trước hết là thành công của mô hình phát triển nhân lực nông nghiệp Mỹ với chính sách hỗ trợ về đất đai; tiếp theo là chính sách trợ cấp của Chính phủ cho nông nghiệp; và cuối cùng là chính sách phát triển nguồn nhân lực công nghệ sinh học. Bên cạnh đó, chính sách đầu tư của cả nhà nước và tư nhân vào tri thức KHCN nông nghiệp phục vụ lợi ích của nông dân của Hà Lan là một thành công lớn. Ngoài ra, hầu hết các thành công của mô hình Israel đều cho thấy không chỉ năng lực chuyên môn mà còn cả phẩm chất đạo đức đích thực vì nông dân của các nhà KHCN Israel. Nhưng có lẽ bài học sâu sắc nhất cho Việt Nam chính là sự nhận diện khuyết tật của hệ thống khuyến nông Trung Quốc. Và đặc biệt là việc ban hành Luật Nông nghiệp và Luật Khuyến nông đã tạo nền tảng thể chế cho việc đề xuất cơ chế chính sách khắc phục các khuyết tật đó, nhằm thiết lập một hệ thống khuyến nông nhiều thành phần kinh tế, nhiều kênh và nhiều cấp dựa trên các tổ chức kinh tế hợp tác xã kết hợp với các dịch vụ có lợi nhuận và phi lợi nhuận, hệ thống dịch vụ toàn diện và chuyên nghiệp với mục đích cung cấp tất cả các loại hỗ trợ kỹ thuật nhằm phát triển một nền nông nghiệp hiệu quả cao, chất lượng cao, năng suất cao, sinh thái và an toàn.  

3.3. Bài học về việc huy động tổng thể nhân tố con người

Ấn Độ để lại một kinh nghiệm đáng lưu ý về quyền sở hữu trí tuệ và về việc nhà KHCN tự bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình trước các bên liên quan đa dạng gồm nhà khoa học, doanh nghiệp kinh doanh nông nghiệp và nông dân. Bên cạnh đó là bài học về việc quan tâm đến yếu tố con người trong chính sách chuyển giao KHCN nông nghiệp của Đài Loan. Nhưng lớn hơn cả vẫn là bài học về cuộc Vận động Cộng đồng mới do Tổng thống Park Chung Hee của Hàn Quốc khởi xướng với các chính sách căn cơ sau: i) Tạo nguồn lực cho phát triển nông thôn; ii) Phát triển nguồn nhân lực bắt đầu bằng nhân tố lãnh đạo; iii) Xây dựng các chính sách hỗ trợ của quốc gia cho khu vực nông thôn; và iv) Phát động Tinh thần Cộng đồng thông qua việc khởi động và duy trì một chiến dịch quốc gia rộng rãi đặt nông dân làm trọng tâm của sức mạnh quốc gia và của quá trình phát triển, khơi dậy niềm tin truyền thống “dĩ nông dân vi bản” của Hàn Quốc làm sức mạnh tinh thần để xây dựng một xã hội nông thôn Hàn Quốc mới thịnh vượng. Việt Nam hoàn toàn vẫn có thể học bài học này và cần phải nâng tầm chương trình NTM thành một phong trào hoặc một cuộc vận động toàn xã hội xây dựng NTM.
_______________________________________________

(Còn nữa…)

* Ghi chú: Bài viết cho Đề tài cấp Nhà nước Nghiên cứu đề xuất cơ chế chính sách huy động đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật tham gia chuyển giao khoa học công nghệ trong xây dựng nông thôn mới (thuộc Chương trình Khoa học Công nghệ Phục vụ Nông thôn mới) do tác giả làm Chủ nhiệm Đề tài (2017-2018).

Tài liệu dẫn


Alston J., Chan-Kang C., Marra M., Pardey P., Wyatt T. (2000)  Meta-analysis of rates of return to agricultural R&D: Ex Pede Herculem? Research Report No. 113. Washington, DC: IFPR.

Brandt, Vincent S.R. (1981). Value and Attitude Change and the Saemaul Movement,” in Man-Gap Lee, ed., Toward a New Community Live: Reports for International Research Seminar on the Saemaul Movement, Institute of Saemaul Undong Studies, Seoul National University, 1981, pp. 483–507.

Burmeister, Larry L. (1990). State, Industrialization and Agricultural Policy in Korea,” in Development and Change. Vol. 21, no. 2 (April 1990), pp. 197-223.

FAO (1998). The State of the World’s Plant Genetic Resources for Food and Agriculture, Rome, Italy.

高启杰 (2008)农业科技推广投资现状与制度改革分析,(来源:光明观察 2008 37), Cao Khải Kiệt (2008) Nông nghiệp khoa kĩ thôi nghiễm đầu tư hiện trạng dữ chế độ cải cách phân tích, Quang Minh quan sát 3 nguyệt 2008 niên.

李超運;劉瑋婷;丁全孝;鄭明欽;陳正昌;曾東海;劉大江(2011) 。水稻新品種台梗16號之育成及其特性。花蓮區農業改良場研究彙報,出版年月: 2011/6/2. (Lý Siêu Vận; Lưu Vĩ Đình; Đinh Toàn Hiếu; Trịnh Minh Khâm; Trần Chính Xương; Tằng Đông Hải; Lưu Đại Giang (2011). Thủy đạo tân phẩm chủng Thai ngạnh16 hiệu chi dục thành cập kì đặc tính, Hoa Liên khu Nông nghiệp Cải lương trường Nghiên cứu Vị báo, Xuất bản niên nguyệt: 6/2/2011.

余德發; 周明和 (2003) 。 落花生新品種花蓮1號之育成。 花蓮區農業改良場研究彙報. 卷期/出版年月:17期. (Dư Đức Phát; Chu Minh Hòa (2003). Lạc hoa sinh tân phẩm chủng Hoa liên 1 hiệu chi dục thành. Hoa Liên khu Nông nghiệp Cải lương trường Nghiên cứu Vị báo, Quyển kì/ xuất bản niên nguyệt: 17 kì, 2003)

Evenson, Robert, Carl E Pray and Mark W. Rosegrant (1999). Agricultural Research and
Productivity Growth in India, Research Report No 109, IFPRI, Washington, DC.

FAO (1998). The State of the World’s Plant Genetic Resources for Food and Agriculture, Rome, Italy.

Fuglie, K C, C Klotz and M Gill (1996). Intellectual Property Rights Encourage Private Investment in Plant Breeding, Choices (First Quarter) pp 22-23.

Ghazala Mansuri and Vijayendra Rao (2004). Community-based and driven Development: A Critical Review,” in World Bank Research Observer, (2004) 19 (1): 1–39.

Grigg D. (1989). English agriculture: an historical perspective. Oxford, UK: Blackwell.

Holderness B. (1985) British agriculture since 1945. Manchester, UK: Manchester University Press.

Hsueh-Shih Lin (2005). Agricultural Technology Transfer: From Free-of-Charge to Payable Services Considering Human Factors. Food and Fertilizer Technology Center, Hualien County, Taiwan.

Kim, Eun Mee (1997). Big Business, Strong State: Collusion and Conflict in South Korean Development, 1960–1990, State University of New York, 1997;

Kratitiger, A (1997). Insect Resistance in Crops: A Case Study of Bacillus Thuringiensis (Bt) and Its Transfer to Developing Countries, International Service for the Acquisition
for Agri-biotech Applications Briefs No 2, ISAAA, Ithaca, NY, USA.

Abigail Klein (2012). top ways Israel feeds the world, https://www.israel21c.org/ the-top-12-ways-israel-feeds-the-world / May 10, 2012.

 

Lende, R (1991). Marker Assisted selection in relation to traditional methods of Plant Bredding’ in H T Stalker and J P Murphy, Plant Breeding in the 1990s, pp 437-51, CAB International, London.

卢良恕,王东阳 (2002)世界科技研究与发展”2002年第02 (Lô Lương Thứ, Vương Đông Dương (2002). “Thế giới khoa kĩ nghiên cứu dữ phát triển”, 2002 niên đệ 02 kì (近现代中国农业科学技术发展回顾与展望 Cận hiện đại Trung Quốc nông nghiệp khoa học kĩ thuật phát triển hồi cố dữ triển vọng).

李超運;劉瑋婷;丁全孝;鄭明欽;陳正昌;曾東海;劉大江(2011) 。水稻新品種台梗16號之育成及其特性。花蓮區農業改良場研究彙報,出版年月: 2011/6/2. (Lý Siêu Vận; Lưu Vĩ Đình; Đinh Toàn Hiếu; Trịnh Minh Khâm; Trần Chính Xương; Tằng Đông Hải; Lưu Đại Giang (2011). Thủy đạo tân phẩm chủng Thai ngạnh16 hiệu chi dục thành cập kì đặc tính, Hoa Liên khu Nông nghiệp Cải lương trường Nghiên cứu Vị báo, Xuất bản niên nguyệt: 6/2/2011.

Mason, Edward S., et al. (1980). The Economic and Social Modernization of the Republic of Korea. Harvard College, 1980.

Moschini, Giancarlo and Harvey Lapan (1997). Intellectual Property Rights and the Welfare Effects of Agricultural R&D’, American Journal of Agricultural Economics, 79, November, pp 1229-42.

Nguyễn Công Tạn (2016). Nghiên cứu Hà Lan: Một nước nhỏ, nghèo tài nguyên thiên nhiên đã xây dựng được một nền nông nghiệp có sức cạnh tranh cao, phát triển bền vững, có hiệu quả cao nhất thế giới . http://www.academia.edu/4203449/

Nguyễn Lân Dũng (2011). Nông nghiệp Mỹ: mẫu hình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. http://blogtiengviet.net/nguyenlandung/, ngày 27/10/2011

Pal, Suresh and Alka Singh (1997). Agricultural Research and Extension in India: Institutional Structure and Investements, NCAP Policy Paper 7, New Delhi.

Park Soo-young (2008). Saemaul Undong for the 21st Century, in Journal of International Development Cooperation, KOICA, 2008, No. 2, p. 62.

Ravishankar, A (1996). Intellectual Property Rights and Indian Agriculture: Some Issues, Policy Brief No 7, NCAP-ICAR, New Delhi.

Ravishankar A, Sunil Archak (2000). Intellectual Property Rights and Agricultural Technology Interplay and Implications for India. Economic and Political Weekly, July 1, 2000. New Deli.

Reed, Edward P (2010). Is Saemaul Undong a Model for Developing Countries Today? Paper prepared for International Symposium in Commemoration of the 40th Anniversary of Saemaul Undong, Hosted by the Korea Saemaul Undong Center September 30, 2010.

Statistics Office (2005). Agricultural statistics yearbook 2004. Council of Agriculture, Executive Yuan. Taipei, Taiwan.

Tseng, S. I. (1991). A newly developed fresh market tomato cultiva Hualien AVRDC 5. Bulletin of the Hualien District Agricultural Improvement Station 7:113-125.
VAAS (2017). Mười hai cách người Israel thay đổi nền nông nghiệp thế giới, Viện KHNN Việt Nam, Hà Nội. http://vaas.org.vn/12-cach-nguoi-israel-thay-doi-nen-nong-nghiep-the-gioi-a16862.html, Ngày đăng: 26/01/2017.

王达 (2013) 我国农业推广体系现状与发展对策,龙江八一农垦大Vương Đạt: Ngã quốc nông nghiệp thôi nghiễm thế hệ hiện trạng dữ phát triển đối sách, Hắc Long Giang Bát nhất Nông khẩn Đại học. https://wenku.baidu.com/view/3cc4250b0912a216147929d0.html?

Woo, Jung-en (1991), Race to the Swift: State and Finance in Korean Industrialization, Columbia University Press, 1991.

World Bank (2009). Implementing Agriculture for Development: World Bank Group Agricultural Action Plan, 2010–1012,” July 2009, p. xiv.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét