Hà Hữu Nga
(Bài viết tham gia Hội thảo Quốc gia về Lý luận và Thực tiễn trong xây dựng Nông thôn mới ở Việt Nam do Bộ NN&PTNT, Bộ KH&CN và UBND tỉnh Nam Định tổ chức ngày 16/7/2019 tại Khách sạn Vị Hoàng Thành phố Nam Định)
1. ĐẶT VẤN ĐỀ
Mục tiêu xây dựng nông thôn mới và các tiêu chí liên quan đến việc phát
huy giá trị văn hóa trong xây dựng nông thôn mới: Nhằm thực hiện Nghị
quyết số 100/2015/QH13 ngày 12 tháng 11 năm 2015 của Quốc hội Khóa XIII về phê
duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020
được đồng bộ, kịp thời, thống nhất và có hiệu quả, Thủ tướng Chính phủ ban hành
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) giai
đoạn 2016-2020 với mục tiêu tổng quát là xây dựng
nông thôn mới để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân; có kết
cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phù hợp; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức
sản xuất hợp lý, gắn phát triển nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ; gắn phát
triển nông thôn với đô thị; xã hội nông thôn dân chủ, bình đẳng, ổn định, giàu
bản sắc văn hóa dân tộc; môi trường sinh thái được bảo vệ; quốc phòng và an
ninh, trật tự được giữ vững (Thủ tướng Chính phủ 2016a).
Đáng chú ý là trong số 19 tiêu chí NTM thì có đến 10 tiêu chí với 18 nội dung
liên quan trực tiếp đến việc phát huy giá trị văn hóa trong xây dựng NTM. Đó là
các tiêu chí và các nội dung cụ thể sau: i) Tiêu chí 1: Tiêu chí quy hoạch,
nội dung 1.1. Có
quy hoạch chung xây dựng xã; ii) Tiêu chí 2, Giao
thông, Nội dung 2.3: Đường
ngõ, xóm sạch và không lầy lội vào mùa mưa; iii) Tiêu chí 3, Thủy lợi, Nội dung 3.2: Đảm
bảo đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu dân sinh và theo quy định về phòng chống thiên
tai tại chỗ; iv) Tiêu chí 6: Cơ sở vật chất văn hóa, nội dung 6.1. Xã có nhà văn hóa hoặc hội trường đa năng và sân
thể thao phục vụ sinh hoạt văn hóa, thể thao của toàn xã; 6.2. Xã
có điểm vui chơi, giải trí và thể thao cho trẻ em và người cao
tuổi theo quy định; 6.3. Tỷ lệ thôn, bản, ấp có nhà văn hóa hoặc nơi
sinh hoạt văn hóa, thể thao phục vụ cộng đồng; v) Tiêu chí 8: Thông tin và Truyền thông, nội dung 8.3. Xã có đài truyền thanh
và hệ thống loa đến các thôn; vi) Tiêu chí 10: Thu nhập,
nội dung: Thu
nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đến năm 2020 (triệu đồng/người); vii) Tiêu chí 16: Văn hóa, nội dung là: Tỷ lệ thôn, bản, ấp đạt tiêu chuẩn văn hóa theo
quy định; viii) Tiêu chí 17: Môi trường và an toàn thực phẩm, với các nội dung sau: 17.1. Tỷ lệ hộ được sử dụng nước hợp vệ
sinh và nước sạch theo quy định; 17.2. Tỷ lệ cơ sở sản xuất - kinh doanh, nuôi
trồng thủy sản, làng nghề đảm bảo quy định về bảo vệ môi trường; 17.3.
Xây dựng cảnh quan, môi trường xanh - sạch - đẹp, an toàn; 17.4.
Mai táng phù hợp với quy định và theo quy hoạch; ix)Tiêu chí 18: Hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật, với các nội dung sau: 18.2. Có đủ các tổ chức trong hệ thống chính trị cơ
sở theo quy định; 18.5. Xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo quy
định; 18.6. Đảm bảo bình đẳng giới và phòng chống bạo lực
gia đình; bảo vệ và hỗ trợ những người dễ bị tổn thương trong các lĩnh vực của
gia đình và đời sống xã hội; x) Tiêu chí 19: Quốc phòng và An ninh, với các nội dung sau: 19.1. Xây dựng lực lượng dân quân “vững mạnh, rộng
khắp” và hoàn thành các chỉ tiêu quốc phòng; 19.2.
Xã đạt chuẩn an toàn về an ninh, trật tự xã hội và đảm bảo bình yên: không có
khiếu kiện đông người kéo dài; không để xảy ra trọng án; tội phạm và tệ nạn xã
hội (ma túy, trộm cắp, cờ bạc, nghiện hút) được kiềm chế, giảm liên tục so với các năm trước (Thủ tướng Chính phủ, 2016a, 2016b).
Tính bức thiết và tầm quan trọng của việc phát huy giá trị văn hóa
trong xây dựng NTM: Chúng ta đều biết rằng xây
dựng NTM là sự nghiệp của dân, do dân và vì dân, mà trước hết và trực tiếp là
toàn thể các cộng đồng dân cư nông thôn. Trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện
đại hóa, đô thị hóa và hội nhập quốc tế ngày càng gia tăng với tốc độ cao, ngày
càng tác động trực tiếp và mạnh mẽ vào mọi mặt của cuộc sống và công cuộc xây
dựng đất nước, thì giá trị văn hóa và truyền thống của dân tộc chính là cội
nguồn sức mạnh giúp cho chúng ta đứng vững và phát triển. Trong bối cảnh hiện
nay, hơn bao giờ hết, các giá trị văn hóa truyền thống đang trở thành một nguồn
lực to lớn cho công cuộc xây dựng đất nước, và đặc biệt việc khai thác các
nguồn lực đó – kể cả ở phương diện các giá trị phi sử dụng (tinh thần) lẫn các
giá trị sử dụng (vật chất) - cho xây dựng NTM đã trở nên vô cùng bức thiết. Vì
vậy, để thực hiện được các tiêu chí xây dựng NTM liên quan kể trên, thì toàn bộ
hệ thống Đảng, Chính quyền, đoàn thể và người dân không còn cách nào tốt hơn là phải phát huy mọi giá trị văn hóa trong xây dựng NTM.
2.
CÁC CƠ SỞ LÝ THUYẾT CHO VIỆC PHÁT HUY CÁC GIÁ TRỊ VĂN HÓA TRONG XÂY DỰNG NTM
2.1. Khái niệm văn hóa
Cho
đến giữa thế kỷ XX, người ta đã tổng hợp được ba cách sử dụng khái niệm văn hóa chủ yếu như
dưới đây: 1) Thứ
nhất, là quan điểm mang
tính thẩm mỹ thuần túy của Matthew Arnolds trong việc định nghĩa khái niệm văn
hóa, được minh họa trong công trình Văn hoá và Tình trạng Vô chính phủ (1867), trong đó văn hóa được quy về các
nỗ lực hoặc các sản phẩm nghệ thuật hoặc trí tuệ đặc biệt, những
gì mà ngày nay chúng ta có thể gọi là “văn hóa thượng lưu” trái ngược với “văn hóa đại chúng” [Robert H. Super 1965]. 2) Thứ hai, theo nhà nhân học Edward Tylor thì
văn hóa là “Toàn bộ phức hợp
bao gồm tri thức, tín ngưỡng, nghệ thuật, đạo đức, pháp luật, tập quán, và bất kỳ khả
năng và thói quen nào
khác mà con người đạt
được với tư cách là một thành viên của xã hội” (Tylor E., 1871). Và di sản lớn nhất
của định nghĩa của Tylor
được cho là nằm trong công thức “toàn bộ phức hợp” của ông. 3) Thứ ba, là quan niệm tương đối luận văn hóa của Franz Boas và
các học trò của ông vào đầu thế
kỷ XX: Không bao giờ nên phân biệt văn
hóa theo thứ bậc cao thấp, và không được định giá trị cho các nền văn hóa là
dã man hay văn minh, vì mỗi nền văn hóa đều có giá trị tương đối bình đẳng với
nhau (Boas F. 1887). Theo
ông, văn hóa là “tổng thể của các phản ứng và hoạt động tinh thần và thể chất đặc trưng cho
các hành vi của các cá nhân hợp thành một nhóm xã hội mang tính tập thể và cá
nhân liên quan đến môi trường tự nhiên của họ, đến các nhóm khác, đến các thành viên của bản thân nhóm, và bản thân mỗi cá nhân”. [Boas F. 1963 (1911), 1996; Glazer M.
1994]. Và vào cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI là 4) Thứ tư: đó là định nghĩa
của UNESCO về văn hóa như sau: “Không kể những thứ khác, văn hóa bao gồm lối sống, ngôn ngữ, văn học truyền miệng và văn học viết, âm nhạc và bài
hát, giao tiếp không
bằng văn bản hay lời nói, các hệ thống tôn giáo hoặc tín ngưỡng, các nghi lễ và các
nghi thức, thể thao và các trò chơi, các phương pháp sản xuất, hoặc công nghệ, các môi trường tự
nhiên và nhân tạo, thực phẩm, quần áo và nơi nương tựa và nghệ thuật, các phong tục và
truyền thống thông qua đó các cá nhân, các nhóm cá nhân và cộng đồng
thể hiện tính con người và ý nghĩa mà họ đem đến cho sự tồn tại
của mình, và xây dựng thế giới quan của họ đại diện cho sự chạm trán của họ với các
lực lượng bên ngoài ảnh hưởng đến cuộc sống của họ” (UNESCO 2002). Định nghĩa của UNESCO
được bổ sung mới bằng một số lĩnh vực quan trọng mà định nghĩa của Taylor không
có, đó trước hết là việc đề cập đến văn hóa thông qua lĩnh vực cá nhân và lĩnh
vực nhóm; lĩnh vực nhân tính và lĩnh vực ý nghĩa của văn hóa. 5) Thứ 5 là định nghĩa văn hóa trong Tuyên
bố Fribourg về các quyền văn hóa như sau: “a. Thuật ngữ “văn hóa” bao gồm các giá trị, các tín ngưỡng, niềm tin, ngôn
ngữ, kiến thức và các
loại hình nghệ thuật, các truyền thống, các thể chế và lối sống thông qua đó
một người hoặc một nhóm người
thể hiện nhân tính và các
ý nghĩa mà họ đem lại cho sự tồn tại và cho sự phát
triển của họ; b. Việc
thể hiện “bản sắc văn hóa” được hiểu là tổng của tất cả các mối quan hệ văn hóa thông qua
đó mà một người, tự
mình hoặc cùng với những người khác, tự
xác định hoặc tạo lập
bản thân, giao tiếp và mong muốn được thừa nhận về phẩm giá của mình; c. “Cộng đồng văn hóa” bao hàm một nhóm
người cùng chia sẻ các
mối quan hệ tạo thành một bản sắc văn hóa chung mà họ có ý định
bảo tồn và phát triển.”
[Fribourg Declaration, Article 2]. Bên cạnh việc kế thức những điểm mạnh trong
định nghĩa văn hóa của UNESCO, định nghĩa Tuyên bố Fribourg còn có những đóng
góp quan trọng sau: i) Văn hóa còn bao gồm các giá trị; ii) Ý nghĩa và nhân
tính của văn hóa không chỉ vì sự tồn tại mà còn vì sự phát triển của các cá
nhân và các nhóm người; iii) Văn hóa là việc thể hiện bản sắc và chia sẻ bản
sắc; iv) Văn hóa là tự xác định và tự tạo lập bản thân cá nhân và nhóm; v) Văn
hóa là mong muốn được thừa nhận phẩm giá của cá nhân và nhóm; v) Văn hóa là sự
bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa chung (Fribourg
Group, 2007).
2.2.
Các giá trị văn hóa
Các
nhà giá trị học cho rằng: Giá trị là kết quả những định giá trở thành tiêu
chuẩn, mục tiêu, mục đích cho các niềm tin hoặc tư tưởng quan trọng và lâu bền
của những con người thuộc một nền văn hóa nhất định về những gì được coi là tốt
đẹp và đáng ước vọng nhất. Các giá trị chi phối, tác động đến hành vi của mỗi
cá nhân, nhóm xã hội, cộng đồng, quốc gia, nhân loại và được sử dụng làm những hướng dẫn
chung cho mọi tình huống của cuộc sống. Giá trị được phân biệt
thành nhiều hình thái, nhiều cấp độ căn cứ vào tầm quan trọng được xác định bởi
các nguyên tắc định giá sinh tồn và phát triển của mỗi cá nhân, nhóm xã hội trong những
không gian và thời gian khác nhau [Rokeach M., 1973; Schwartz 1992, 2006]. Trong những năm 1960, các chính sách phát triển hầu như không hề quan tâm đến văn
hóa (Yudice
G., 2002). Ngày nay, ngoài
ba trụ cột: kinh tế, xã hội, và môi trường, người ta đã chấp nhận văn hóa thành trụ cột thứ tư của phát triển bền vững,
trong đó một loạt giá trị của trụ cột văn hóa đã được xác lập và được coi
là một tập hợp “các giá trị cốt lõi”
trong quá trình phát triển. Đó là: i) Giá trị dân chủ gắn liền với sự tham gia; ii) Giá trị hòa nhập gắn liền với lòng khoan dung, và tình thương yêu; iii) Giá
trị tự do
gắn liền với công lý và bình đẳng; iv) Giá trị hòa bình gắn liền với an toàn và an ninh; v) Giá
trị hạnh phúc
gắn liền với sức khỏe, và thịnh vượng; vi) Giá trị sáng tạo gắn liền với trí tuệ phong phú và đổi mới; vii) Giá trị yêu thương gắn liền với sự tôn trọng đối
với môi trường
(Hawkes
J. 2001). Văn hóa không phải
là một tập hợp tĩnh của các
giá trị và các
thực tiễn: nó được liên tục tái tạo khi ta đặt vấn đề, và xác định lại
các giá trị, thực hành các
giá trị đó khi phải đối mặt với những thay đổi hay trao đổi các ý tưởng; và trên hết, tính đa dạng văn hóa là vốn có của loài người (Maraña M. 2010). Đối với chúng
tôi, giá trị văn hóa chính là các bản sắc văn hóa đã được các thế hệ nối tiếp
nhau trải nghiệm, kiểm nghiệm và thừa nhận bằng cảm tính và/ hoặc lý tính (Hà
Hữu Nga 1996, 2015b), chẳng hạn khi những người dân ven biển Trung Bộ đồng nhất
hóa sức mạnh phù trợ cho họ trên biển là Cá Ông và qua nhiều thế hệ thờ cúng Cá
Ông, nhờ niềm tin đó, họ an nhiên sống với thiên tai, khi gặp nạn trên biển họ
bình tĩnh xử trí và vượt qua thì chính niềm tin từ sự đồng nhất đó đã trở thành
một giá trị văn hóa.
2.3. Bản sắc văn
hóa
Ở
Việt Nam, bản sắc văn hóa thường được định nghĩa theo phương pháp lịch sử luận hoặc bản chất luận, chẳng hạn bản sắc được coi là “tổng thể các giá trị đặc trưng của văn hóa
dân tộc, được hình thành, tồn tại và phát triển suốt quá trình lịch sử lâu dài
của đất nước, với các giá trị đặc trưng mang tính bền vững, trường tồn, trừu
tượng và tiềm ẩn…thông qua
vô vàn các sắc thái văn hóa, với tư cách là sự biểu hiện của bản sắc văn
hóa ấy" (Ngô Đức Thịnh, 2007). Hoặc bản sắc
văn hóa Việt Nam là “một hệ thống 5 đặc trưng: i) Tính cộng đồng (làng
xã); ii) Tính ưa hài hòa; iii) Tính trọng âm; iv) Tính tổng hợp; v) Tính linh
hoạt (Trần Ngọc Thêm, 2009). Các học giả nước ngoài lại thiên về phương pháp
xã hội học, gắn liền việc xem xét bản sắc văn hóa với cá nhân và các nhóm xã hội
khác nhau, và xuất phát điểm bản sắc của họ đều từ đặc tính đồng nhất. Ngay cả người Trung Quốc cũng
dùng một cụm từ chỉ sự đồng nhất để dịch khái niệm bản sắc (identité, identity) là 身份認同 “thân
phần nhận đồng” - “nhận thức hoặc đồng nhất với vị thế/ vị
trí nào đó”; bản sắc dân tộc là 國家身份認同– quốc gia thân phần nhận đồng (Le Minh
Khai (Liam Kelly Christopher), 2010; 鄭宏泰 - 黃紹倫 Trịnh Hoành Thái
- Hoàng Thiệu Luân, 2012). Khi một cá nhân đồng nhất với nhóm, thì mọi người có xu
hướng trải nghiệm, thể
hiện vai trò hoặc thương
lượng không chỉ một bản sắc văn hóa tại một thời điểm mà thường là nhiều bản sắc
văn hóa cùng một lúc (Yea-Wen
Chen and Hengjun Lin 2016). Có ba cách hiểu cốt lõi về bản sắc văn hóa: Thứ nhất, bản sắc văn hóa
đồng thời là một thực thể cá nhân, một phạm trù xã hội và một hệ thống thực
hành giao tiếp;
Thứ hai, bản sắc văn hóa vừa là sự lựa chọn cá nhân
vừa là quyền của một nhóm; Thứ ba, bản sắc văn hóa là thích
ứng, diễn tiến, linh hoạt, có
thể hoặc không thể thương thảo, mang tính khác biệt, có tính cộng đồng và rời rạc (Kim, 2007).
Còn
đối với chúng tôi, bản sắc văn hóa được nhìn nhận cả từ phương diện bản chất/ lịch
sử luận (xem xét bản sắc thông qua các mối quan hệ giữa cái trừu tượng và cái cụ
thể, theo thời gian), và xã hội học (bản sắc văn hóa là kết quả đồng nhất của cá
nhân vào các nhóm xã hội). Trước hết, khái niệm bản sắc có nguồn gốc từ tiếng Latin identitat, identitats có từ căn là idem,
có nghĩa là cũng thế, như thế. Trong tiếng Pháp, danh từ bản sắc
là identité, và trong tiếng Anh là identity. Các động từ identifier (tiếng Pháp) và to identify (tiếng Anh) đều có nghĩa là đồng nhất hóa; như vậy bản sắc trước hết
được tạo nên bởi tính đồng nhất. Tuy nhiên, khái niệm bản sắc là lớp khái niệm trừu tượng nhất; và khi coi bản sắc là đồng
nhất, có nghĩa là chúng ta đề cập tới vấn đề bản thể - một vấn đề tồn tại,
nhưng thuần túy trừu tượng và là nguồn gốc của mọi sự vật, hiện tượng, và người
ta chỉ có thể cảm nhận được nó gián tiếp thông qua các biểu hiện của nó. Như vậy
là ở đây ta có cặp khái niệm bản sắc
như là cái bản thể, còn sắc thái như
là các hiện tượng. Vì là đồng nhất cho nên bản sắc, với tư cách là bản thể,
chính là cái thống nhất tuyệt đối, còn hiện tượng hay các sắc thái là biểu hiện
của bản thể trong vô vàn trạng huống, nên vô cùng phong phú, và có thể nhận biết
nó trực tiếp bằng giác quan. Bản sắc của một cộng đồng người được tạo bởi sự đồng
nhất giữa các cá nhân, các nhóm lại với nhau theo những phương thức nào đó.
Nguyên lý của sự đồng nhất ấy chính là tôi (ego) tìm thấy bản thân mình (sự giống
hệt) trong các cá thể khác, và tìm thấy tôi trong cả cộng đồng (Hà Hữu Nga,
1996). Có rất nhiều phương cách đồng nhất, nhưng có thể qui vào 2 dạng chính:
i) Đồng nhất cảm tính với những yêu thương, thông cảm, gần gũi, hòa hợp, tin tưởng,
hy vọng … v.v. Loại đồng nhất này thể hiện ở tình cảm yêu/ ghét chung nào đó:
yêu nước, yêu tự do, hướng thiện, ghét giả dối, căm giận cái ác…v.v; hoặc thể
hiện ở niềm tin, tín ngưỡng, đặc biệt là niềm tin tôn giáo. Đồng nhất cảm tính
thường được các cộng đồng củng cố bằng những vô số loại hình văn hóa dân gian,
đặc biệt là lễ hội và các sinh hoạt tôn giáo tín ngưỡng khác. Đối với trường hợp
người Việt truyền thống, việc đồng nhất mình là con cháu của Lạc Long Quân và
Âu Cơ là một trong những biểu hiện điển hình của phương thức đồng nhất cảm tính,
tạo nên một giá trị văn hóa, một bản sắc
của cả cộng đồng dân tộc; ii) Đồng
nhất lý tính thường là thông qua việc nhận thức rõ ràng, có suy tính liên quan
tới lợi ích ví dụ như lợi ích kinh tế, quyền lợi giai cấp, quyền lực chính trị,
quyền lực tôn giáo …v.v. Loại đồng nhất này thường được củng cố bằng những hình
thức tổ chức chặt chẽ và có hệ thống như hệ tư tưởng, hệ thống giáo lý, các tổ
chức chính trị, tôn giáo, hệ thống thể chế nhà nước…vv. Cũng trong trường hợp
người Việt hiện đại, việc đồng nhất mình với con đường cách mạng là một trong
những biểu hiện điển hình của phương thức đồng nhất lý tính, góp phần tạo dựng
bản sắc văn hóa hiện đại của cộng đồng dân tộc. Vì bản sắc mang tính đồng nhất,
và nguyên lý của sự đồng nhất ấy chính là việc đối tượng hóa bản thân để nhận
biết đối tượng, tìm thấy mình ở đối tượng, cho nên nói tới bản sắc văn hóa của
một cá nhân, nhóm, cộng đồng, dân tộc cũng chính là nói tới ý thức tập thể về một
hệ thống niềm tin, một hệ thống ứng xử và thực hành chung được di truyền từ thế
hệ này sang thế hệ khác (Hà Hữu Nga 1996, 2010).
2.4. Vốn văn hóa
Vốn văn hoá là một khái niệm xã hội học do Bourdieu P. và
Jean-Claude Passeron (1970) đề xuất trong công trình La Reproduction - Tái sản xuất. Sau này
Bourdieu đã tiếp tục phân biệt ba loại hình vốn: i) Vốn kinh tế bao gồm các nguồn
lực kinh tế như tiền, tài sản, các nguồn lực v.v...; ii) Vốn xã hội là các nguồn
dựa trên các tư cách thành viên của một nhóm xã hội nhất định, các mối liên hệ,
các mạng lưới ảnh hưởng và trợ giúp; iii) Vốn văn hoá là các loại hình tri thức,
kỹ năng, giáo dục, hoặc bất cứ lợi thế nào khiến cho vị thế xã hội của người sở
hữu nó cao hơn, kể cả một tương lai hứa hẹn hơn. Tuy nhiên Bourdieu đã gộp mọi
nguồn vốn văn hoá hiện có vào các cá nhân hoặc nhóm thuộc bất cứ môi trường
nào. Vốn được định giá hay không là tuỳ thuộc vào môi trường của chính bản thân
nó, vì vậy vốn văn hoá không thể bị giới hạn chỉ theo tiêu chuẩn văn hoá sách vở
mà nó còn cho phép các văn hoá của giai cấp lao động tồn tại và có giá trị
trong những môi trường riêng biệt (Bourdieu P. 1986, 1996). Vốn văn hóa tác động với tư cách quan hệ xã hội
trong một hệ thống trao đổi, và thuật ngữ này đã được mở rộng cho tất cả các loại
hàng hoá vật chất và biểu tượng, được tạo thành trong những điều kiện xã hội đặc
biệt hiếm khi được mua bán, vì nó thường là vô giá; vốn văn hoá tác động như một
mối quan hệ xã hội trong một hệ thống trao đổi bao gồm cả những tri thức văn
hoá được tích luỹ với một quyền lực và vị thế xã hội to lớn, và như vậy về một
số phương diện, vốn văn hóa bao hàm trong nó cả vốn xã hội và ngược lại (Bourdieu P. 1983; Bourdieu P. and J.C. Passeron, 1990).
2.5. Các thể chế văn hóa
Một thể chế văn hóa là một hệ thống
được tổ chức ổn định cho các mô hình hành vi và hành động được chấp nhận để đáp ứng nhu cầu văn hóa của xã hội (Cohen B. J. & Terri L. Orbech 1990). Đó là một phức hợp
các vị trí, vai trò, chuẩn mực và giá trị văn hóa được đặt trong các loại
cấu trúc cụ thể và tổ chức các mô hình hoạt động văn hóa tương đối ổn định trong
việc tái sản xuất các cá nhân về
phương diện văn hóa trong một môi trường nhất định (Turner J., 1997). Một đặc tính điển hình của các
thể chế là chúng tương đối bền lâu, có nghĩa là
các thể chế đó
có tên gọi và chúng vận
hành theo thời gian
(Weber M. 1947; Parsons
T. & Smelser N. J. 1956). Đặc
biệt các học giả Mỹ (Gretchen
Helmke and Steven Levitsky, 2004)
đã xây dựng bộ công cụ lý thuyết hữu dụng về 4 vai trò của các thể chế phi
chính thức - bao gồm hầu hết các lĩnh vực văn hóa truyền thống – đối với các thể
chế chính thức do Nhà nước thiết lập, gồm các vai trò sau: 1) Vai trò bổ sung của hệ thống thể chế
phi chính thức, góp phần khắc phục những
thiếu hụt hoặc làm tăng thêm hiệu quả
và sức mạnh thực thi của hệ thống thể chế chính thức; 2) Vai trò điều chỉnh
của hệ thống thể chế phi chính thức, góp phần khắc phục tình trạng lệch hướng và/ hoặc tăng cường tính phù hợp của hệ thống thể chế chính thức; 3) Vai trò
cạnh tranh của hệ thống thể chế phi chính thức tạo môi trường đua tranh cho quá
trình bổ sung và đổi mới hệ thống thể chính thức, hoặc cản trở, làm lệch hướng
quá trình bổ sung và đổi mới hệ thống thể chính thức; 4) Vai trò thay thế của
hệ thống thể chế phi chính thức, luôn là cặp bài trùng và
luôn song hành
vai trò cạnh tranh của hệ thống thể chế phi chính thức, trong đó nguồn vốn xã
hội và văn hóa như quan hệ cộng đồng, gia đình, dòng họ, thể chế già làng, có
thể được sử dụng với nhiều mục đích khác nhau. Bộ công cụ lý thuyết thể chế này
đã được sử dụng hữu hiệu vào việc phân tích mối tương tác giữa các thể chế phi
chính thức và chính thức về phương diện chính trị - xã hội - văn hóa ở Tây
Nguyên trong những năm gần đây (Hà Hữu Nga 2014, 2015a). Ở Việt Nam, thể chế
văn hóa được gọi là thiết chế văn hóa. Theo Từ điển
Bách khoa Việt Nam, “thiết chế văn hóa là chỉnh thể văn hóa hội tụ đầy đủ
các yếu tố: cơ sở vật chất, bộ máy tổ chức, nhân sự, quy chế hoạt động, nguồn
kinh phí; chỉ riêng ngôi nhà hoặc công trình văn hóa chưa đủ để gọi là thiết chế
văn hóa” (Hội đồng Quốc gia chỉ đạo biên soạn Từ điển Bách khoa Việt Nam 2005, tr. 28). Trong các văn bản chính thức, “Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao”,
gồm có: 1). Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở phục vụ cộng
đồng thuộc ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch quản lý. 2) Hệ thống thiết
chế văn hóa, thể thao cơ sở phục vụ thanh niên, thiếu niên và nhi đồng. 3) Hệ thống thiết
chế văn hóa, thể thao cơ sở
phục vụ công nhân viên chức, người lao động. 4) Hệ thống thiết chế văn
hóa, thể thao cơ sở thuộc các Bộ, ngành, đoàn thể và lực lượng vũ trang (Thủ tướng Chính phủ, 2013).
2.6. Văn hóa truyền thống
Từ “truyền thống” (tradition) trong tiếng Anh có nguồn gốc từ tiếng Latin “traditio”, từ động từ “traderere” hoặc “tradere” (truyền lại, truyền cho, chuyển giao, đưa cho ai cái gì
để giữ an toàn) (Giddens A., 2003, tr. 39). Ý nghĩa hiện đại
của khái niệm truyền thống được phát triển trong vòng
hai trăm năm qua, từ thời Khai sáng, khi các nhà triết học và các nhà tư tưởng đặt đối trọng với khái niệm về tính
hiện đại bằng khái niệm truyền thống, trong bối cảnh tiến bộ (Beck, Ulrich;
Giddens, Anthony; Lash, Scott 1994). Một truyền thống cũng có thể
được điều chỉnh cho phù hợp với nhu cầu hiện tại và các yếu tố của truyền thống có thể thay đổi và
có thể được chấp nhận như một phần của truyền thống cổ xưa. Một đặc điểm quan trọng của truyền thống chính
là thực tiễn “phát minh truyền thống”, được dùng để chỉ các niềm tin, các thực hành hoặc sự vật trở thành “truyền thống mới” và
thường có liên quan đến quá khứ (Hobsbawm, E. J. 1983). Các nhà nước dân tộc thường phát minh
ra những “truyền thống” mới
để hợp pháp hóa vị thế của chính mình; và các truyền thống này có thể trở thành cấu phần văn hóa trung tâm phản ánh lợi ích cá nhân, nhóm, cộng đồng hoặc quốc gia hiện đại,
thúc đẩy bản sắc dân tộc thống nhất (Ingraham Ch., 2008; Ranger T. 1992). Ở
Việt Nam văn hoá truyền thống là
khái niệm dùng để chỉ một cấu trúc văn hoá, chỉ văn hoá của các xã hội nông
nghiệp truyền thống, còn truyền thống
văn hoá là khái niệm dùng để chỉ sự tồn tại của những yếu tố không thay
đổi của văn hoá, thường được gọi một cách tương đối là những hằng số văn hoá, là bản sắc văn hoá, là hệ giá trị văn hoá (Nguyễn Xuân Kính
2008). Hiện nay, xã hội Việt Nam đang
chuyển đổi hệ giá trị văn hóa truyền thống sang văn hoá hiện đại theo ba hướng:
i) Kế thừa và phát huy các giá trị của văn hoá truyền thống; i) Tiếp nhận những
giá trị văn hoá thế giới; iii) Phát triển các hoạt động văn hoá mới, kết hợp
những giá trị văn hoá truyền thống với những giá trị văn hoá mới. Ba hướng
chuyển đổi ấy diễn ra vừa tự phát lại vừa theo định hướng của nhà nước, vì vậy
rất phức tạp và bộc lộ những dấu hiệu khủng
hoảng văn hoá (Chu Xuân Diên 2004, tr.294-295; Nguyễn Xuân Kính 2008).
Đối với chúng tôi, các giá trị của văn hóa truyền thống được tạo dựng từ những
đồng nhất của các cộng đồng người với các biểu tượng/ hệ biểu tượng, trở thành
bản sắc, được các thế hệ nối tiếp nhau trải/ kiểm nghiệm và thừa nhận bằng cảm
tính và/ hoặc lý tính.
2.7. Công nghiệp văn hóa và văn hóa
tiêu dùng hiện đại
Thuật ngữ “công nghiệp văn hoá” (tiếng Đức Kulturindustrie) được các lý thuyết gia
phê phán thuộc trường phái Frankfurt sáng tạo ra trong tác phẩm Phép biện chứng Khai sáng (Dialektik der Aufklärung). Công nghiệp văn hoá cung cấp “hàng hóa” bằng cách sản xuất hàng loạt, mọi thứ đều giống nhau,
mà cùng đích của nó là hướng đến thành công kinh tế
và tối đa hóa lợi
nhuận (Horkheimer M.; Adorno Th.W. 2006). Sau Horkheimer và
Adorno, thuật
ngữ công nghiệp văn hóa được sử dụng với những đánh giá tích cực cả về kinh tế
và nghiên cứu văn hoá, đối với trào lưu tiêu dùng, và sự khám phá về “người tiêu dùng và khán giả”
được tăng thêm quyền lực, kể cả người tiêu dùng và “văn hóa tiêu dùng” trong
các xã hội nông thôn. Văn hóa tiêu dùng là một loại
hình văn hóa mà ở đó vị thế xã hội, các giá trị, và các hoạt động được xác định bằng việc tiêu thụ
hàng hóa và dịch vụ; hầu hết những gì người ta làm, những gì người ta xác định giá trị và cách thức xác định giá trị cho bản
thân và cho những người khác đều liên quan đến việc tiêu dùng các hàng hóa và
dịch vụ (Hà Hữu Nga 2017a).
Đặc trưng nổi bật
của văn hóa tiêu dùng là các thiên hướng mô phỏng, dung hợp, và ganh đua xã
hội thể hiện thông qua những
lựa chọn trên thị trường luôn gắn liền với thiên hướng thể
hiện sự khác biệt, cá tính, và chính tính khác biệt cũng thể
hiện thông qua những lựa chọn trên thị trường. (Featherstone 1991, tr. 115). Bốn đặc trưng cốt yếu của văn hóa tiêu dùng
bao gồm: i) Việc lưu hành
phổ biến và nhanh chóng của các sản phẩm thương mại, đó là, mọi thứ được sản
xuất cho mục đích trao đổi; ii) Tính độc lập tương đối của các hoạt động tiêu thụ đem lại cho người tiêu dùng sức mạnh cũng như uy tín ngày càng tăng dựa
vào các động thái
thị trường; iii) Những biến đổi trong
các mối quan hệ giữa các hệ thống sản xuất và thẩm định giá trị khác nhau trong xã hội ngày càng gắn
liền với nhau và được
dàn xếp bởi các giá trị thị trường; iv) Hành động tiêu dùng hàng hóa được cho là
có tầm quan trọng đặc biệt trong việc xác định vị thế, uy tín, mức độ thịnh vượng và chất lượng
cuộc sống cá nhân (Lury C., 1996, tr. 4). Vì
vậy việc phân tích các ngành công nghiệp văn hoá hiện nay không chỉ dựa vào
kinh tế học Marxist, mà còn dựa
vào các phát triển trong kinh tế học
công nghiệp và thông tin
kinh tế chính thống, để phân tích chi tiết hơn và sắc bén hơn
về cấu trúc kinh tế và những
động thái của các ngành
công nghiệp văn hoá so với trường phái Frankfurt của Adorno và Horkheimer
vào giữa thế kỷ XX. Trong công nghiệp
văn hóa ngày nay, hàng hoá được bán không còn thuần túy là hiện vật và dịch vụ
nữa, mà còn là các khán thính giả của các nhà quảng cáo và phần lớn giá trị gia tăng được thu
được không phải thuộc các nhà sản xuất nội dung, mà thuộc các nhà sản xuất thiết bị điện tử tiêu dùng
(ví dụ: bộ TV (Television) và radio, máy ghi hình, đầu đĩa DVD
(Digital Versatile Disc), điện thoại đa
tính năng, v.v ...). Cách tiếp cận
ngành công nghiệp văn hoá hiện nay đã được phát triển theo ba hướng khác biệt. Thứ nhất,
việc tập trung vào
phân phối và các liên kết
của ngành với ngành điện tử tiêu dùng đã dẫn đến việc tập trung vào tác động của sự phát triển của
công nghệ thông tin truyền thông và các vấn đề chính sách liên quan. Ở
đây, vấn đề trung tâm là về mức
độ phát triển trong các
ngành truyền thông và văn hoá
đã được quyết định về mặt công nghệ. Thứ hai, việc
tập trung vào kinh tế học
công nghiệp truyền
thông đã dẫn tới việc thừa
nhận công nghiệp văn hóa đã
đáp ứng cả
các nhu cầu phi vật chất,
và các nhu cầu văn hoá (Lash
& Urry 1994). Thứ ba, thuật ngữ công nghiệp văn hoá đã làm
xuất hiện hàng
loạt thuật ngữ liên
quan khác nữa như công nghiệp giải trí, ngành
thông tin, các
ngành công nghiệp tri thức, và đặc biệt là các ngành công nghiệp sáng tạo (Castells M. 1999), kể cả ở các nước Thế giới
thứ ba và các vùng nông thôn, nơi chịu tác động mạnh mẽ đến các quá trình thay
đổi hàng ngày từ công nghiệp văn hóa và văn hóa tiêu dùng.
2.8. Giá trị văn hóa từ góc độ kinh tế
học
Giá
trị là một khái niệm cơ bản làm cơ sở cho bất kỳ đánh giá
nào về tầm quan trọng hoặc tính
hữu ích của văn
hóa và di sản văn hóa
(Throsby D., 2007). Vì vậy, đề
cập đến giá trị kinh tế của văn hóa và di sản văn hóa, chính là đề cập đến các loại giá trị
mà các cá nhân nhận ra và sẵn sàng trả tiền (WTP - willingness to pay) bằng cách này hay cách khác. Trong kinh tế học văn hóa, giá trị
được phân chi thành các loại sau: 1) Giá trị
sử dụng: là loại giá trị mà các cá nhân, hộ gia đình hoặc doanh nghiệp nhận được thông qua việc
tiêu thụ trực tiếp các sản
phẩm, hàng hóa, dịch vụ văn
hóa và di sản
văn hóa. Giá trị sử dụng trực tiếp của di sản cũng được dành cho khách du lịch
đến thăm các di sản; có thể được đo bằng phí vào cửa, hoặc bằng các giá trị thặng dư của
người tiêu dùng được ước tính bằng các phương pháp như phân tích chi phí đi
lại. 2) Giá trị không sử dụng: là giá trị mà các
cá nhân trải nghiệm nhưng không được phản ánh trong các quy trình thị trường vì chúng có
nguồn gốc từ các thuộc tính của văn hóa hoặc di sản văn hóa, mà các thuộc tính đó có thể phân loại là các
loại hàng hóa công (Throsby D., 2007). Có ba loại giá trị
sử dụng thụ động, liên quan giống
nhau với văn hóa và di sản văn hóa, đó là: i) Giá trị tồn
tại: các cá nhân luôn coi di sản là giá trị, đơn giản vì nó tồn tại; ii) Giá
trị lựa chọn: các cá nhân luôn mong muốn giữ cho các hạng mục di sản được để mở cho sự lựa chọn mà họ có thể
được tiêu thụ các dịch vụ của chúng trong tương lai; và
iii) Giá trị để lại: các cá nhân mong muốn truyền lại các tài sản di sản
cho các thế hệ tương lai. 3)
Giá trị tập thể: là một khái niệm đa diện phản ánh các
phẩm chất như giá trị thẩm mỹ, giá
trị biểu tượng, giá
trị tinh thần hoặc lịch sử gắn liền với một hạng mục văn hóa cụ thể. Một số giá trị như
vậy chỉ có thể được thực hiện đầy đủ trong khuôn khổ tập thể, và
không thể được thể
hiện một cách hợp lý trong các định giá riêng về tiền tệ, đặc biệt là khái niệm bản sắc: chúng ta cho rằng lễ hội Đền Hùng rất quan trọng vì
nó thể hiện bản sắc người
Việt, nó kể những câu chuyện của người Việt, nó giúp xác
định chúng ta là người Việt (Hà
Hữu Nga 2017, 2019). Trong
thực tế chính loại giá trị văn hóa này
cần phải đưa được đưa vào các bài toán phân tích chi phí-lợi ích (CBA: Cost-benefit Analysis) của một dự án di sản văn
hóa nhất định
(Throsby, David 2003). 4) Giá trị công cộng:
Còn một khác biệt cơ bản rất quan trọng trong việc xem xét giá trị của di sản văn
hóa là sự khác biệt giữa giá trị tư
nhân và giá trị công cộng, hoặc giữa lợi ích riêng và lợi ích chung. Đối với các mục
đích chính sách công, việc
đánh giá giá trị công
hay giá trị xã hội phải hướng dẫn các quá trình hình thành và thực
thi chính sách, vì đó
chính là các công cụ của Nhà nước ở tất cả các cấp trung ương, vùng, tỉnh, huyện và xã, với tư cách
là người bảo vệ lợi ích công cộng (Throsby D., 2007).
3.
CÁC CƠ SỞ THỰC TIỄN CHO VIỆC PHÁT HUY CÁC GIÁ TRỊ VĂN HÓA TRONG XÂY DỰNG NTM
3.1. Nội hàm khái niệm “phát huy các
giá trị văn hóa” trong xây dựng NTM
Khái
niệm phát huy các giá trị văn hóa được nhóm tác giả Nguyễn Thị Trà Vinh tổng
hợp như sau: 1) Là lấy văn hoá làm nền tảng tinh thần của
xã hội; ii) Là sáng tạo nên những giá trị văn hoá mới, làm cho những giá trị ấy
thấm sâu vào cuộc sống của toàn xã hội và mỗi con người; iii) Là phát triển một
nền văn hóa tiên tiến, lành mạnh, gắn kết cộng đồng dân tộc, sáng tạo những giá
trị mới, bao gồm cả văn hoá vật thể và phi vật thể; iv) Là phát triển giáo dục,
đào tạo và khoa học công nghệ, bồi dưỡng ý thức và năng lực phát huy giá trị
văn hoá dân tộc, tiếp thụ tinh hoa văn hoá nhân loại; v) Là phát huy và phát
triển những giá trị mới về văn hoá các dân tộc thiểu số (DTTS); vi) Là việc xây
dựng chính sách phát triển liên quan đến văn hóa; vii) Là thực hiện phong trào
toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa mới, tiên tiến, lành mạnh (Nguyễn Thị Trà Vinh, 2017, tr. 55 - 56). Đối với chúng tôi,
phát huy các giá
trị văn hóa là làm gia tăng các giá trị văn hóa cả về số lượng, chất lượng và
hiệu quả sử dụng trong thực tiễn cuộc sống (Hà Hữu Nga 2019a).
3.2. Các chủ trương, chính sách và đường
lối của Đảng và Nhà nước về việc phát huy các giá trị văn hóa
Đảng coi “Văn hóa là nền tảng tinh thần
của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã
hội” (Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa VII của Đại hội VIII,
1996) và thể hiện tập trung ở Nghị quyết 03 “Về xây dựng và phát triển nền văn
hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” (Ban chấp hành Trung ương Đảng
1998). Sau đó, Chính phủ đã đưa ra Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết
Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa VIII) về “Xây dựng và
phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc” (Chính phủ,
1998). Căn cứ vào kết luận của
Bộ Chính trị về Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020, Thủ tướng Chính phủ
đã ban hành Quyết định phê duyệt chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020 (Thủ tướng Chính phủ, 2009). Tiếp theo chính là Quyết định phê duyệt Đề
án “Phát triển văn hóa nông thôn đến năm 2015, định hướng đến năm 2020” ban
hành, ngày 5/1/2010 (Thủ tướng Chính phủ, 2010). Và để hiện thực hóa Đề án bảo tồn và phát huy các di sản
văn hóa dân tộc, ngày 27/7/2011 Thủ tướng Chính Phủ kí Quyết định phê duyệt Đề
án “Bảo tồn, phát triển văn hóa dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020” (Thủ tướng Chính phủ,
2011). Tiếp đó, Chỉnh phủ có
Nghị quyết “Ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW (Ban
chấp hành Trung ương Đảng, 2014) ngày 9/6/2014 của Hội nghị lần thứ 9 Ban chấp
hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt
Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” (Chỉnh phủ 2014). Để hoàn thiện
các văn bản pháp luật làm cơ sở pháp lý cho các chương trình/ đề án trên, năm
2001 Quốc hội cũng thông qua Luật di sản văn hoá (Quốc hội, 2001); Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật di
sản văn hóa (Quốc hội, 2009), và Luật Di sản văn hóa
(Văn phòng Quốc hội, 2013). Trong việc thực hiện 19 tiêu chí
NTM: 1) Quy hoạch, 2) Giao thông, 3) Thủy lợi, 4) Điện, 5) Trường học, 6) Cơ sở vật chất văn hóa,
7) Cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn,
8) Thông tin và Truyền thông, 9) Nhà ở dân cư, 10) Thu nhập, 11) Hộ nghèo, 12) Lao
động có việc làm, 13) Tổ chức sản xuất, 14) Giáo dục và Đào tạo, 15) Y tế, 16) Văn hóa, 17) Môi trường và an
toàn thực phẩm,
18) Hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật, 19) Quốc phòng và An ninh, thì không tiêu chí nào không liên
quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến việc “phát huy các giá trị văn hóa”; ngay cả
tiêu chí số 4 là Điện, tưởng chừng ít liên quan nhất thì nội dung 4.2. “Tỷ lệ hộ sử dụng điện thường xuyên, an
toàn từ các nguồn”
sẽ không thể thực hiện được nếu các hộ không có ý thức văn hóa.
3.3.
Thực tiễn phát huy các giá trị văn hóa trong xây
dựng NTM
Về việc xác định chủ thể bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa trong xây
dựng NTM, nhóm tác giả Nguyễn Thị Trà Vinh cho là có 3 chủ
thể chính: i) Chính quyền xã; ii) Cộng đồng làng/xã; và iii) Hệ thống thân tộc
(Nguyễn Thị Trà Vinh 2017, tr. 111). 1) Đối
với chính quyền xã là tôn tạo các công trình di tích văn hoá như chùa chiền,
hay hỗ trợ tổ chức các lễ hội truyền thống làm điểm thu hút du lịch. Tuy vậy,
có thể thấy vai trò chính quyền địa phương bị giới hạn bởi: i) Chính sách và
quan điểm của chính quyền cấp trên; (ii) Nhiều địa phương vì không được Bộ Văn
hoá công nhận di tích lịch sử nên chính quyền không có cơ sở để triển khai công
tác bảo vệ; (iii) Thiếu nguồn kinh phí, ngân sách. 2) Về cộng đồng làng xã: i) Vai trò của các thiết chế phi chính thức thông
qua sức mạnh của các quy ước, hương ước; ii) Các giá trị của cộng đồng được duy
trì thông qua các cơ chế tập thể; iii) Các cộng đồng đã tự vận động hiến đất,
xây dựng các quỹ chung, và tham gia tự nguyện vào việc xây dựng các công trình
thuộc chương trình NTM; iv) Tuy vậy, so với vai trò chính quyền thì sự tham gia
của người dân địa phương lại khá mờ nhạt và bị động, chưa lôi cuốn được sự tham
gia của cộng đồng, khiến cho cộng đồng phó mặc chính quyền trong việc bảo tồn
và phát huy các giá trị truyền thống trong phát triển kinh tế và đời sống mới. 3)
Về hệ thống thân tộc thể hiện ở các
khía cạnh sau: i) Việc tham gia của các gia đình vào các cuộc vận động văn hóa;
ii) Gia đình thực hiện giáo dục và chuyển tải các giá trị tinh thần truyền thống;
iii) Việc duy trì các giá trị tinh thần góp phần tạo ra môi trường văn hóa
chung lành mạnh cho làng xã (Nguyễn Thị Trà Vinh 2017, tr. 164- 165).
3.4. Những kết
quả nghiên cứu liên quan
3.4.1. Phát huy các giá trị văn hóa trong
ứng dụng hương ước: Cho đến nay đã có nhiều công trình
nghiên cứu về hương ước và quản lý làng xã (Vũ Duy Mền (chủ biên) – Hoàng Minh
Lợi, 2001; Vũ Duy Mền, 2010; Bùi Quang Dũng, 2013), nhưng liên quan trực tiếp đến
vấn đề xây dựng NTM, nhóm tác giả Phạm Hữu Nghị đã chỉ ra những bất cập trong ứng dụng hương ước vào tự quản
làng xã hiện nay, gồm có: i) Một bộ phận lớn các bản hương ước đều
sao chép những điều khoản trong luật pháp của nhà nước, nhắc lại nội dung
pháp luật một các cứng nhắc, do được soạn theo “mẫu” nên có nội dung và hình thức
kết cấu, lời văn diễn đạt na ná như nhau; ii) Nhiều bản hương ước lẫn lộn
giữa quy ước về nếp sống với bản đề án phát triển kinh tế- xã hội, đưa vào
hương ước cả các chỉ tiêu phát triển kinh tế- xã hội, do vậy tính thiết thực và
tính khả thi rất thấp; iii) Nhiều bản
hương ước có các điều khoản không
phù hợp, thậm chí trái với quy định của pháp luật, nhất là quy định thu các loại phí, lệ phí tuỳ tiện, đề
ra các hình phạt vượt quá thẩm quyền của cấp xã và không đúng tinh thần của
pháp luật (đuổi khỏi đoàn thể, thu hồi ruộng đất của người vi phạm hương ước);
iv) Kỹ thuật lập hương ước hiện nay không chuẩn, từ ngữ không chính xác; trong
khi văn phong của hương ước cũ ngắn gọn, khúc chiết, có âm vần, vừa có dáng dấp
của văn phong pháp lý, lại vừa có âm hưởng, vần điệu của giáo huấn “thuyết
pháp” nên đọc hay nghe đọc hương ước cũ, người nông dân dù trình độ thấp vẫn dễ
“nhập tâm”, hiểu được đâu là quyền lợi, trách nhiệm của mình, việc gì được làm
và phải làm, việc gì không được làm và phải tránh.
(Phạm Hữu Nghị 2015,
tr.16- 17).
3.4.2. Phát huy các giá trị văn hóa trong sử dụng luật tục dân tộc thiểu số:
Trong xã hội Tây Nguyên theo lối
tự quản, các giá trị văn hóa truyền thống được đúc kết thành các điều luật của tòa án phong tục bao gồm: i) Các tội xúc
phạm đến trưởng buôn làng; ii) Các tội của người trưởng buôn làng; iii) Các tội
vi phạm lợi ích công cộng; iv) Các tội về hôn nhân; v) Các tội về quan hệ cha mẹ - con cái; vi) Các tội gian dâm; vii) Các tội liên quan đến trộm cắp;
viii) Các trọng tội; ix) Các tội liên quan đến của cải, tài sản; x) Các tội để
gia súc gây thiệt hại hoa màu; xi) Các tội liên quan đến đất đai. Tòa án phong
tục sử dụng cả chế tài của luật tục như làm lễ dâng cúng rượu, gà, lợn, dê,
trâu để tạ lỗi với thần linh và cộng đồng; bên cạnh đó là việc song song áp dụng
chế tài hiện đại như phạt tiền, phạt tù, tịch biên tài sản kẻ phạm tội (Phan
Đăng Nhật, 2007). Cho đến nay, các giá trị văn hóa đó vẫn tiếp tục tồn tại dưới hình thức mới là tổ
hòa giải buôn làng, một kiểu toà án phong tục mới ở các buôn làng hiện nay.
Tổ hòa giải chủ yếu giải quyết
những vụ việc xã hội như đánh chửi nhau, ly hôn, trộm cắp, ngoại tình, tranh chấp
tài sản, đất đai, mâu thuẫn vợ chồng, nhằm góp phần tự quản, ổn định xã hội và phát
huy giá trị văn hóa truyền thống
(Bùi Minh Đạo, 2010).
3.4.3.
Phát
huy các giá trị văn hóa trong lĩnh vực tín ngưỡng tôn giáo: Nhiều
giá trị văn hóa truyền thống cũng
được ứng dụng hiệu quả tại các buôn làng theo
Công giáo, mỗi buôn làng biên chế thành một họ đạo, trực thuộc giáo xứ hoặc nhà
thờ trên địa bàn. Giáo dân trong mỗi buôn
làng được tổ chức thành các giáo đoàn thanh niên, giáo đoàn phụ nữ, giáo đoàn
người già và giáo đoàn thiếu niên, một trưởng giáo đoàn phụ trách (Bùi Minh Đạo, 2011). Các tổ chức xã hội
mới có ảnh hưởng của một số tổ chức xã hội truyền thống, bao gồm thiết chế và tổ
chức tự quản buôn làng, tòa án phong tục và chế độ quản lý, sở hữu đất đai (Đỗ Quang Hưng,
2011).
Ở Sóc Trăng thuộc
miền tây Nam Bộ, việc phát huy các giá trị văn hóa của các cộng đồng DTTS Khmer
theo Phật giáo Nam tông trong xây dựng NTM bao gồm các công việc sau: 1) Đào
tạo bố trí cán bộ là người được đồng bào tin tưởng vào việc xây dựng NTM; 2)
Giao cho các sở, ban, ngành xây dựng lực lượng người có uy tín trong các cộng
đồng DTTS; hiện Sóc Trăng có 360 người có uy tín trong cộng đồng người Khmer và
người Hoa; họ hoạt động rất hiệu quả, được đưa đi thăm quan thực hiện các mô
hình trong nước và nước ngoài; 3) Các chức sắc tôn giáo tập trung ở 327 cơ sở
thờ tự, tín ngưỡng, tôn giáo tích cực tham gia các hoạt động xây dựng NTM; iii)
Có tuyên truyền viên của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể ở các khu dân cư vận
động người dân tham gia các hoạt động xây dựng NTM; 4) Điển hình là việc xây
dựng một số mô hình điểm cho người Khmer, vận động bà con hiến đất, hoa màu,
cây ăn trái làm đường phát triển NTM; góp công lao động, góp quỹ giúp người
nghèo; đóng góp công, quỹ xây cầu; 5) Sử dụng người có uy tín trong xây dựng
NTM, động viên, như thăm hỏi, đáp ứng các nhu cầu thiết thân chính đáng của họ;
6) Các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, vận động bà con người Khmer tham gia
xây dựng NTM đều được tổ chức tại các ngôi chùa và nhà thờ tự của người Khmer,
và đều có sự tham gia của các nhà sư (Hà Hữu Nga 2019a).
3.4.4. Phát huy các giá trị văn hóa
trong các mô hình tự quản an ninh trật tự xây dựng NTM: Về phương diện
này, nhóm tác giả Nguyễn Hữu Đễ cho rằng: i) Thôn là một
tổ chức tự quản lớn thông qua hương ước, quy ước thôn, khi một cá nhân vi phạm và lệch chuẩn thì
anh ta sẽ luôn cảm thấy xấu hổ và sợ hãi trước tập thể thôn hay gia đình, dòng
họ; tuy nhiên, ở một số nơi, hương ước, quy ước chỉ có tính hình thức, không
phát huy chức năng và vai trò của nó; ii) Tổ hòa giải thôn: ở miền núi là các già
làng, trưởng bản, trưởng các dòng họ, người có uy tín trong cộng đồng; iii) Tự
quản dòng họ: hoạt động theo
những điều lệ, quy định ứng xử, bảo tồn những nét văn hóa riêng của dòng họ, được
cụ thể hóa trong tộc ước, do những người có vai vế hay người cao tuổi điều hành;
iv) Tổ chức tôn giáo tự quản: bao gồm Ban hành giáo, Ban điều hành các giáo
khu, Ban trị sự các giới, là những người có đức độ, uy tín, phải là dân cộng đồng
cũ (chính cư) và tương đối lớn tuổi; giáo dân luôn đoàn kết trong công tác an
ninh trật tự cộng đồng của họ; v) Tự quản hộ gia
đình: có hai kiểu phổ biến đó
là các tổ liên gia tự quản và các nhóm gia đình tự quản (Nguyễn Hữu Đễ 2017,
tr. 92- 120).
3.4.5. Phát huy các giá trị văn hóa thông
qua các tổ chức chính trị - xã hội trong xây dựng nông thôn mới: Thực tế
phát huy các giá trị văn hóa truyền thống thông qua các tổ chức chính trị - xã
hội trong xây dựng NTM thể hiện ở một số hình thức phổ biến sau: i) Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính
trị xã hội các xã đã
tham gia tích cực vào
phát huy vai trò và giá trị của các thiết chế văn hóa ở cơ sở trong
các lĩnh vực phát triển kinh tế,
xóa đói giảm nghèo, các phong trào tự quản, xây dựng nông thôn xanh, sạch, đẹp; và
phát huy truyền thống tương thân tương ái xây dựng cộng
đồng bằng việc như hiến
đất, đóng góp ngày công, ủng hộ kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở hạ
tầng, làm đường giao thông v.v.v....Thúc đẩy tinh thần chủ động, tính sáng tạo, tạo động lực cho họ thực hiện
xây dưng NTM một cách hiệu quả; ii) Phát huy các giá trị văn hóa truyền thống thông
qua cuộc vận động “Toàn
dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, cụ thể như
xây dựng các danh hiệu nông thôn, nhân rộng mô hình sản xuất kinh doanh
giỏi, chăm lo gia đình chính sách; kết hợp xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế
với xã hội, chăm lo đời sống văn hóa tinh thần, thực hiện tốt các
chính sách xã hội, y tế, giáo dục, văn hóa, thể dục- thể thao; xây
dựng hệ thống chính trị vững mạnh, khai thác và phát huy những phong
tục tốt đẹp của nhân dân (Lê Cao Đoàn 2017, tr72-74)
4. HỆ GIẢI PHÁP PHÁT HUY CÁC GIÁ TRỊ VĂN HÓA TRONG XÂY DỰNG NTM
4.1.
Hệ giải pháp đã được các đề tài nghiên cứu của Chương trình Khoa học và Công
nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 – 2015 đề xuất
Về hệ giải pháp phát
huy các giá trị văn hóa trong việc áp dụng luật pháp và hương ước làng xã bao gồm: i) Xác định rõ
chủ thể của hương ước; ii) Phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong soạn thảo
hương ước; iii) Phân biệt về đối tượng điều chỉnh của hương ước với quy chế dân chủ cơ
sở; iv) Nội dung của hương ước không lặp lại pháp luật và chủ trương chính
sách; v) Tránh xu hướng “hành chính hóa” trong quá trình soạn thảo và thực hiện
hương ước (Phạm Hữu Nghị
2015a, tr.16- 17). Các giải pháp nhân rộng mô hình tự quản về an ninh
trật tự tại các khu dân cư trong xây dựng nông thôn mới gồm có: i) Phát huy dân chủ cơ sở, vai trò tích cực,
chủ động của người dân và phát huy truyền thống tự quản, văn hóa tích cực; ii) Hướng dẫn các thôn, làng, khu dân cư, dòng họ
xây dựng hương ước, gắn với thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở n; iii) Phát huy
vai trò của hòa giải ở cơ sở để giảm thiểu nguyên nhân, điều kiện phạm tội; iv Thúc đẩy công tác tuyên truyền nâng cao nhận
thức về sự cần thiết, tầm quan trọng của mô hình tự quản đối với đảm bảo an
ninh trật tự ở địa phương (Nguyễn Hữu Đễ 2016, tr. 128-149). Các
giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động xây dựng nông thôn mới của các tổ chức
chính trị xã hội, gồm: i) Hướng tới phát huy dân chủ cơ sở, đề cao truyền thống tự
quản trong xây dựng nông thôn mới;
ii) Bổ xung, hoàn thiện bộ tiêu chí nông thôn mới để phù hợp với thực tiễn văn
hóa, xã hội của từng vùng miền; iii) Quan tâm đến đội
ngũ người có uy tín trong phát triển thành viên; iv) Nâng cao chất lượng các cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết
xây dựng NTM”; v) Đa dạng hóa hơn nữa các hình thức tham gia của nhân dân (Lê Cao Đoàn 2017, tr.
188 - 203).
Đặc biệt,
đề tài “Nghiên cứu các chính sách và
giải pháp bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống trong xây dựng nông thôn mới”
đã đưa ra một hệ giải pháp với 4 nhóm liên quan trực tiếp đến việc phát huy các
giá trị văn hóa trong xây dựng NTM như sau: 1) Nhóm giải pháp chính sách nâng cao hiệu quả quản lý về văn hóa: i)
Hoàn thiện hệ thống văn bản quy
phạm pháp luật, cơ chế, chính sách về văn hóa; ii) Phân
cấp, phân quyền, phi tập trung hóa trong quản lý văn hóa truyền thống; iii) Xây
dựng chính sách liên quan phải dựa trên nhu cầu và điều kiện thực tiễn của từng
cộng đồng, địa phương, vùng miền; iv) Đẩy mạnh quá trình chuyển đổi cơ chế quản lý, tổ chức và
hoạt động của các đơn vị sự nghiệp văn hóa, các hội nghề nghiệp. 2)
Nhóm giải pháp liên quan tới các nguyên tắc bảo tồn và phát huy văn hóa
truyền thống: i) Tôn trọng kiến
thức và nhu cầu từ phía “người trong cuộc”; ii) Tôn trọng “tính đa dạng văn
hóa” trong bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống; iii) Cần nhận thức đúng
vai trò của tôn giáo, tín ngưỡng với tư cách là một thành tố di sản văn hóa;
iv) Tuân thủ các
quy trình và quy định khoa học trong việc bảo tồn và duy trì các di sản văn hóa;
v) Việc bảo tồn phải tôn trọng tính nguyên gốc và tính chân xác lịch sử; vi) Kiên
quyết chống xu hướng thương mại hóa nghệ thuật dân tộc; vii) Tránh xu
hướng “hiện đại hóa”di sản văn hóa truyền thống. 3) Nhóm giải pháp liên quan tới các chủ
thể và các phương thức bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống: i) Tăng
cường cuộc vận động xây dựng làng xóm, thôn bản văn hóa mới, kết hợp bảo tồn và
phát huy văn hóa truyền thống; ii) Chính quyền
cơ sở phải thực sự “vào cuộc” bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống tại cơ
sở; iii) Xây dựng các mô hình phát huy vai trò dòng họ, gia tộc; iv) Phát huy vai trò của các tổ chức tự quản; v) Xây
dựng chiến lược phát triển đội ngũ cán bộ văn hóa; vi) Đảm
bảo nguyên tắc lợi ích đối với các nghệ nhân; vii) Thống kê, lập hồ sơ
các di sản văn hóa địa phương để có kế hoạch bảo tồn, phát huy một cách chủ động;
viii) Xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước văn hóa kết hợp những yếu tố
truyền thống tốt đẹp; ix) Tăng cường tổ chức Hội nghị, hội thảo, làm công trình
nghiên cứu, tổ chức biểu diễn, quảng
bá nghệ thuật dân tộc; x) Quảng bá mô
hình “bảo tàng hóa” di sản văn hóa làng. 4) Nhóm giải pháp bảo tồn và phát huy vai trò của văn hóa truyền thống
trong xây dựng nông thôn mới: i) Xây dựng các điểm văn hóa mới tại
cơ sở phải gắn liền với bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống; ii) Phát huy truyền thống văn hóa dòng họ góp phần xây
dựng NTM; iii) Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh gắn với việc củng cố các giá trị gia đình; iv) Khơi dậy tinh thần đoàn kết cộng đồng, tình yêu quê hương đất nước, yêu lao động (Nguyễn Thị
Trà Vinh 2017, tr. 169- 182).
4.2.
Gợi ý các nhóm giải pháp bổ sung
4.2.1. Nhóm giải pháp thay đổi nhận thức về việc phát huy
các giá trị văn hóa trong xây dựng NTM: 1) Cần
thay đổi nhận thức về nông nghiệp, nông thôn và nông dân ngày nay khi xây
dựng chính sách liên quan đến việc phát huy các giá trị văn hóa trong xây dựng
NTM: i) Nông nghiệp ngày nay không còn là nền nông nghiệp lúa nước sản xuất
thóc gạo và vài loại hoa màu chủ đạo để tự nuôi sống nông dân và người dân quốc
nội nữa, mà là một nền nông nghiệp tất yếu theo hướng công nghiệp hóa, sản xuất
hàng hóa, dịch vụ, chuyên môn hóa, đa dạng hóa sản phẩm và hội nhập quốc tế;
ii) Nông thôn ngày nay không còn là các làng xã khép kín nữa, mà là một nông
thôn mở, nhờ mạng lưới điện, thị trường, hệ thống và phương tiện giao thông và
thông tin đại chúng mà nông thôn đang phát triển theo hướng đô thị hóa và hiện
đại hóa; iii) Nông dân không còn thuần túy là người lao động chân tay trong các
cộng đồng truyền thống nữa mà đang biến đổi dần thành công nhân/ người làm
thuê, làm công, tiểu chủ/ điền chủ/ hoặc kinh doanh dịch vụ đa dạng; với việc
phổ cập các thiết bị công nghệ thông tin cá nhân và phương tiện giao thông hiện
đại, họ đang trở thành những cá nhân hoặc nhóm kết nối thành một mạng tiêu dùng
toàn cầu; iv) Trong tương lai gần, hầu hết thế hệ con cháu của các nông dân
hiện nay sẽ không lựa chọn làm nông dân như thế hệ ông bà, cha mẹ mình nữa. 2) Cần thay đổi nhận thức về văn hóa, giá trị
văn hóa và việc phát huy các giá trị văn hóa trong xây dựng NTM theo định nghĩa văn hóa của UNESCO và Tuyên
bố Fribourg: i) Ngoài văn hóa, giá trị văn hóa của cộng đồng dân tộc, đó còn là
vấn đề văn hóa cá nhân, văn hóa nhóm; ii) Vấn đề nhân tính và ý nghĩa của văn
hóa; iii) Vấn đề thể hiện bản sắc và chia sẻ bản sắc; iv) Vấn đề tự xác định và
tự tạo lập bản thân cá nhân và nhóm; v) Mong muốn được thừa nhận phẩm giá của
cá nhân và nhóm. 3) Cần nhận thức rõ vai
trò của các giá trị văn hóa phổ biến của nhân loại đối với việc phát huy
các giá trị văn hóa trong xây dựng NTM, đó là: i) Giá trị dân
chủ; ii) Giá trị hòa nhập; iii) Giá trị tự do; iv) Giá trị hòa
bình; v) Giá trị
hạnh phúc; vi) Giá trị sáng
tạo; vii) Giá trị yêu thương. 4) Cần nhận
thức rõ bản sắc văn hóa và vai trò sáng tạo các giá trị văn hóa của các nhóm xã
hội nông thôn như nhóm hộ, nhóm sở thích, nhóm sản xuất, nhóm dịch vụ, nhóm
câu lạc bộ, giới, DTTS, v.v…, nhằm phát huy các giá trị văn hóa trong xây dựng
NTM: các nhóm nông dân ngày nay ngoài những phương thức đồng nhất với các giá
trị văn hóa truyền thống và các giá trị văn hóa chung của cộng đồng, họ còn có
những phương thức đồng nhất riêng, mang đậm cá tính nhóm, chẳng hạn nhóm thợ
thủ công làm gốm, nhóm thợ thủ công làm đồ mộc, nhóm sở thích trồng cây ăn quả,
trồng hoa, cây cảnh, nhóm nông dân làm du lịch homestay, v.v….Mỗi nhóm đó đều
có thể sáng tạo ra các giá trị văn hóa riêng, đóng góp cho giá trị văn hóa
chung của một cộng đồng NTM nào đó. 5) Cần
nhận thức rõ bản sắc văn hóa và vai trò sáng tạo các giá trị văn hóa của cá
nhân nông dân nhằm phát huy các giá trị văn hóa trong xây dựng NTM: Nông
dân ngày nay không còn thuần nhất như nông dân trong xã hội truyền thống nữa,
mà họ sống trong những điều kiện, hoàn cảnh, môi trường tự nhiên, kinh tế,
chính trị, xã hội, văn hóa, giáo dục, gia đình, cộng đồng, dân tộc, tôn giáo,
vùng miền khác nhau, với những trải nghiệm cá nhân rất khác nhau; đặc biệt
trong bối cảnh sản xuất và cung cấp sản phẩm, dịch vụ cho một thị trường ngày
càng cạnh tranh thì sự sáng tạo của mỗi cá nhân nông dân đóng vai trò rất lớn
trong việc tạo ra các giá trị văn hoá trong xây dựng NTM.
4.2.2. Nhóm giải pháp phát huy các giá trị văn hóa truyền
thống trong xây dựng NTM: 1)
Phát huy các giá trị văn hóa truyền thống bằng cách làm gia tăng số lượng giá trị văn hóa; dù không dễ để định lượng các
giá trị văn hóa truyền thống, nhưng giả sử nếu chúng ta danh số hóa một lễ hội
cổ truyền của một làng với số lượng giá trị là 4 đơn vị đều thuộc lĩnh vực giá
trị phi sử dụng, tương ứng với: i) giá trị 1 là cố kết cộng đồng; ii) giá trị 2
là giải trí; iii) giá trị 3 là trao đổi, học hỏi kinh nghiệm làm nông; và iv) giá
trị 4 là: trao truyền toàn bộ các giá trị của cộng đồng làng cho các thế hệ sau,
thì giờ đây có thể làm tăng thêm một giá trị nữa, là v) giá trị thứ 5: tri thức
địa phương về các lĩnh vực nhất định thể hiện trong lễ hội chẳng hạn. 2) Phát
huy các giá trị văn hóa bằng cách làm gia
tăng chất lượng giá trị văn hóa truyền thống, thông qua rất nhiều phương
thức khác nhau, chẳng hạn: i) Cải thiện khả năng hưởng thụ tại chỗ các giá trị
phi sử dụng (tình cảm yêu ghét, thẩm mỹ, giáo dục, nâng cao nhận thức, giải
trí, v.v…) của khách thăm; ii) Tăng cường khả năng hưởng thụ các giá trị phi sử
dụng sau lễ hội cho khách thăm thông qua ấn tượng lưu lại về cảnh vật, kiến
trúc, con người, văn hóa, ẩm thực, mức độ thân thiện, lòng hiếu khách vv…của
địa phương; iii) Tăng cường khả năng hưởng thụ các giá trị phi sử dụng sau lễ
hội cho khách thăm thông qua các sản phẩm văn hóa như: sách báo, tranh ảnh,
băng đĩa, tài liệu giới thiệu về địa phương, về lễ hội, v.v…3) Phát huy các giá
trị văn hóa truyền thống bằng cách làm
gia tăng hiệu quả sử dụng các giá trị đó trong cuộc sống, có nghĩa là làm
gia tăng hiệu quả của các giá trị phi sử dụng (tình cảm yêu ghét, thẩm mỹ, giáo
dục, nâng cao nhận thức, giải trí, v.v…) và làm gia tăng hiệu quả của các giá
trị sử dụng của các giá trị văn hóa (như ở tiểu mục 4 tiếp theo đây): 4) Phát
huy các giá trị văn hóa truyền thống bằng cách làm gia tăng giá trị sử dụng, hay giá trị kinh tế của văn hóa hoặc
di sản văn hóa, biến các tài nguyên giá trị phi sử dụng của di sản truyền thống
thành nguồn tài nguyên tạo ra tiền bạc thông qua việc bán các sản phẩm du lịch,
các sản phẩm nông nghiệp, thủ công truyền thống của địa phương, các dịch vụ
phục vụ khách thăm, hoặc các khoản thu từ vé vào cửa tham gia lễ hội, v.v…
4.2.3. Nhóm giải pháp phát huy các giá trị văn hóa mới trong
xây dựng NTM: 1)
Tạo ra các giá trị văn hóa mới trên nền tảng bổ sung, điều chỉnh, cạnh tranh và thay thế giữa các giá trị văn hóa truyền thống, giữa các thể chế
văn hóa truyền thống với các giá trị văn mới, các thể chế văn hóa mới; 2) Tạo
ra các giá trị văn hóa mới từ các phương thức đồng nhất hóa NTM với một nền
nông nghiệp phát triển theo hướng công nghiệp hóa, sản xuất hàng hóa, dịch vụ,
chuyên môn hóa (lúa, cà phê, chè, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây nguyên liệu
y dược; chăn nuôi bò sữa, lợn, gà, thủy hải sản; các mặt hàng thủ công mỹ nghệ
như đồ gốm, đồ gỗ, v.v…), đa dạng hóa sản phẩm và hội nhập quốc tế, đặc biệt là
các đặc trưng văn hóa mới trong chuỗi giá trị sản phẩm, chất lượng sản phẩm,
đóng gói sản phẩm, tiếp thị, nhãn mác sản phẩm, truy xuất nguồn gốc của sản
phẩm, v.v…3) Tạo ra các
giá trị văn hóa mới từ các phương thức đồng nhất hóa NTM với một xã hội nông
thôn mở, nhờ mạng lưới điện; mạng lưới thị trường, kể cả thị trường lao động;
hệ thống và phương tiện giao thông hiện đại; hệ thống và phương tiện thông tin
đại chúng hiện đại; và bản thân NTM cũng chính là nông thôn phát triển theo
hướng đô thị hóa, hiện đại hóa, tiến bộ, văn minh; 4)
Tạo ra các giá trị văn hóa mới từ các cá nhân và các nhóm
nông dân không còn thuần túy là người lao động chân tay trong các cộng đồng
truyền thống nữa mà đang biến đổi dần thành công nhân/ người làm thuê, làm
công, tiểu chủ/ điền chủ, trí thức nông thôn, hoặc người kinh doanh vô số dịch
vụ khác nhau; với việc phổ cập các thiết bị công nghệ thông tin cá nhân và
phương tiện giao thông hiện đại, họ đang trở thành những cá nhân hoặc nhóm kết
nối thành một mạng tiêu dùng toàn cầu; 5) Tạo ra các giá trị văn hóa mới từ vốn
văn hoá của các cá nhân, các nhóm xã hội, bao gồm các loại hình tri thức, kỹ
năng, giáo dục, hoặc bất cứ lợi thế nào khiến cho vị thế xã hội của cá nhân,
nhóm người sở hữu nó ở các vùng NTM trở nên cao đẹp, tiến bộ và văn minh hơn, để
đạt tới một tương lai hứa hẹn hơn. 6) Tạo ra
các giá trị văn hóa mới từ việc chia sẻ bản sắc giữa các cá nhân, các nhóm xã
hội cộng đồng làng xã với các cá nhân, các nhóm xã hội vùng, quốc gia và quốc
tế thông qua giao lưu trao đổi trên mạng xã hội, các ấn phẩm, các chuyến thăm
quan, các study tours, các cuộc hội thảo, v.v…; 7) Chủ thể tạo ra giá trị văn
hóa NTM không còn đơn giản chỉ là chính quyền xã, cộng đồng người dân trong xã,
và các hộ gia đình nữa mà NTM phải dần dần phát triển thành một xã hội đa chủ
thể văn hóa, bao gồm: a) Những người bên trong (inside stakeholders), đó là: i)
các cá nhân, ii) các hộ gia đình, iii) các nhóm cộng đồng, iv) các nhóm chuyên
môn, v) chính quyền xã; b) Những người bên ngoài (kể cả trong nước và quốc tế)
(outside stakeholders): i) các cá nhân, ii) các hộ gia đình, iii) các nhóm
người, iv) các nhóm chuyên môn, v) các chính quyền, v.v… có liên quan, quan
tâm, giao dịch, trao đổi, hỗ trợ, quản lý, tư vấn, khách thăm có tác động và
đóng góp cho các giá trị văn hóa và việc phát huy các giá trị văn hóa của cộng
đồng địa phương.
5. KẾT LUẬN
Phát huy các giá trị văn hóa trong xây
dựng NTM là một định hướng hoàn toàn đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên
nhận thức về văn hóa, giá trị văn hóa luôn biến đổi và vận động theo sự vận động
và biến đổi của cuộc sống. Vì vậy vấn đề cốt lõi là mỗi giai đoạn cách mạng cần
phải có phương thức phát huy các giá trị văn hóa phù hợp với thực tiễn của giai
đoạn đó. Ngày nay nông nghiệp, nông thôn, và nông dân đều đã thay
đổi khác với nông nghiệp, nông thôn, và nông dân cách đây một hai thập kỷ. Hơn
nữa, việc xây dựng NTM đòi hỏi phải đáp ứng được các tiêu chí cụ thể, đó là một
yêu cầu hoàn toàn mang tính khoa học. Vì vậy cách tiếp cận với việc phát
huy các giá trị văn hóa trong xây dựng NTM cũng đỏi hỏi
phải được xây dựng dựa trên các cơ sở khoa học, đặc biệt là việc làm rõ nội hàm
của các khái niệm liên quan. Đó còn là việc thay đổi nhận thức, cập nhật tri
thức về hàng loạt vấn đề về nông nghiệp, nông thôn, và nông dân trong một thế
giới biến động hàng năm, hàng tháng, thậm chí hàng ngày kể cả về môi trường tự
nhiên như tác động của biến đổi khí hậu, đến các vấn đề về kinh tế, xã hội, văn
hóa, thể chế, con người. Và thành công của sự nghiệp phát triển nông thôn không
thể thiếu được các đóng góp của lĩnh vực văn hóa, của ngành văn hóa, đặc biệt
là trong việc phát huy các giá trị văn hóa trong xây dựng NTM.
________________________________________
* Ghi chú: Bài viết theo đặt hàng của PGS.TS. Bùi
Quang Dũng, thành viên Ban chủ nhiệm Chương trình Khoa học và Công nghệ Phục vụ Xây dựng Nông thôn mới (và anh Dũng
có thể cùng đứng tên tác giả).
TÀI LIỆU DẪN
Ban chấp hành Trung ương Đảng (1998). Nghị quyết số 03-NQ/TW, về “Xây dựng và phát
triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, Hà Nội ngày
16 tháng 7 năm 1998.
Ban chấp hành Trung ương Đảng (2014). Nghị quyết số 33-NQ/TW về “xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững đất nước”, Hà Nội ngày 9 tháng 6 năm 2014.
Beck, Ulrich; Giddens, Anthony; Lash, Scott (1994) Reflexive Modernization. Politics, Tradition and Aesthetics in the Modern Social Order. Cambridge: Polity.
Boas, Franz (1887). Museums of Ethnology and their classification. Published in Science 9: 589.
Ban chấp hành Trung ương Đảng (2014). Nghị quyết số 33-NQ/TW về “xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững đất nước”, Hà Nội ngày 9 tháng 6 năm 2014.
Beck, Ulrich; Giddens, Anthony; Lash, Scott (1994) Reflexive Modernization. Politics, Tradition and Aesthetics in the Modern Social Order. Cambridge: Polity.
Boas, Franz (1887). Museums of Ethnology and their classification. Published in Science 9: 589.
Boas, Franz 1963 [1911]. The Mind of Primitive Man New York: Collier Books. page 149.
Boas, Franz (1996). The Study of Geography. InVolksgeist as Method and Ethic: Essays on Boasian Anthropology and the German Anthropological Tradition. J. George W. Stocking, ed. Pp. 9-17. History of Anthropology, Volume 8. Madison, WI and London, UK: University of Wisconsin Press.
Bourdieu, Pierre et Jean-Claude Passeron (1970). La reproduction, Paris, Éditions de Minuit, 1970.
Bourdieu, Pierre (1983). Ökonomisches Kapital, kulturelles Kapital, soziales Kapital. In Soziale Ungleichheiten (Soziale Welt, Sonderheft 2), edited by Reinhard Kreckel. Goettingen: Otto Schartz & Co. pp. 183-98.
Bourdieu, Pierre (1983). Ökonomisches Kapital, kulturelles Kapital, soziales Kapital. In Soziale Ungleichheiten (Soziale Welt, Sonderheft 2), edited by Reinhard Kreckel. Goettingen: Otto Schartz & Co. pp. 183-98.
Bourdieu, Pierre. (1986). The forms of capital. In: Richardson, J., Handbook of Theory and Research for the Sociology of Education. Westport, CT: Greenwood: 241–58.
Bourdieu, Pierre (1996). The State Nobility, Translated by Lauretta C. Clough Foreword by Loic J. D. Wacquant,
Bùi Minh Đạo (2010). Tổ chức ở và hoạt động buôn làng trong phát triển bền vững vùng Tây Nguyên, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.
Bùi Minh Đạo (2011). Thực trạng phát triển Tây Nguyên và một số vấn đề phát triển bền vững, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.
Bùi Quang Dũng (2013). Hương ước và mấy vấn đề quản lý xã hội nông thôn hiện nay. Xã hội học, Số 1 (121), 2013.
Castells, M. (1999). The Rise of Network Society. Blackwell, Oxford.
Chính phủ (1998). Chương trình hình động thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”. Hà Nội ngày 17 tháng 9 năm 1998.
Chính phủ (2014). Nghị quyết số 102/NQ-CP “Ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 của Hội nghị lần thứ 9 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. Hà Nội ngày 31 tháng 12 năm 2014.
Chu Xuân Diên (2004). Về khái niệm văn hoá dân tộc và nền văn hoá hiện đại mang bản sắc dân tộc, in trong Mấy vấn đề văn hoá và văn học dân gian Việt Nam, Nxb. Văn nghệ, Thành phố Hồ Chí Minh.
Cohen, Bruce J. & Terri L. Orbech (1990). Social Institutions and Formal Organisations. Introduction to Sociology. New York: McGraw Hill.
Đỗ Quang Hưng (2011). Một số vấn đề về Tin Lành Tây Nguyên, Tạp chí Khoa học xã hội Tây Nguyên, Số 2.
Featherstone, Mike (1991), Consumer Culture and Postmodernism, London and Newbury Park, CA: Sage Publications.
Fribourg Group (2007). Fribourg Declaration on Cultural Rights. (Document for UNESCO) organized by The Interdisciplinary Institute of Ethnics and Human Rights at the Fribourg University.
Giddens, Anthony (2003). Runaway world: how globalization is reshaping our lives. Taylor & Francis. p. 39.
Glazer, Mark (1994). Cultural Relativism. Texas: University of Texas-Pan American.
Gretchen Helmke and Steven Levitsky (2004). Informal Institutions and Comparative Politics: A Research Agenda. Perspectives on Politics, Vol. 2, No. 4 (Dec., 2004), pp. 725-740, Published by: American Political Science Association.
Hà Hữu Nga (1996). Bản sắc Dân tộc và Phát triển. Tư liệu của Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn về Phát triển, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam.
Hà Hữu Nga (Đồng tác giả) (2010). (Sách): Chính sách vùng và chính sách địa phương. In trong Chính trị học - Một số vấn đề lý luận và thực tiễn. (Chủ biên: PGS.TS. Ngô Ngọc Thắng, TS. Lê Văn Phụng, TS. Đoàn Minh Huấn), Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2010.
Hà Hữu Nga (2014). Mối tương tác giữa các thể chế chính thức và phi chính thức ở Tây Nguyên. Bài viết cho Đề tài cấp Nhà nước: Xây dựng luận cứ khoa học cho việc bổ sung và đổi mới hệ thống thể chế phát triển bền vững vùng Tây Nguyên. Mã số TN3/X09. 2013-2014.
Hà Hữu Nga (Đồng tác giả) (2015a), (Sách): Đổi mới hệ thống thể chế phát triển bền vững vùng Tây Nguyên – Lý luận & Thực tiễn. (Chủ biên: Hà Huy Thành – Nguyễn Hồng Quang), Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội.
Hà Hữu Nga (2015b). Văn hóa như một hệ giá trị phát triển cơ bản. Tạp chí Nghiên cứu Châu Âu, Số 7 (178), 2015, tr.48-58.
Hà Hữu Nga (2017a). Văn hóa tiêu dùng. Tạp chí Văn hóa Nghệ An, số 342, 10.6.2017.
Hà Hữu Nga (2017b). Công nghiệp văn hóa trong thời đại tư bản hậu kỳ. Tạp chí Văn hóa Nghệ An, số 349, 10.9.2017.
Hà Hữu Nga (2017c). Khái lược về Kinh tế học di sản. Tạp chí Văn hóa Nghệ An, số 354, 10-12, 2017.
Hà Hữu Nga (2019a). Ghi chú thực địa Nông thôn mới tỉnh Sóc Trăng. Đề tài Điều tra, đánh giá kết quả xây dựng nông thôn mới (NTM) tại các vùng để phục vụ tổng kết Chương trình Mục tiêu Quốc gia (MTQG) xây dựng NTM. Thảo luận với cán bộ quản lý các ban ngành và cán bộ chuyên môn cấp tỉnh (tại Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Sóc Trăng, chiều 02 tháng 04 năm 2019).
Hà Hữu Nga (2019b). Khái niệm giá trị trong kinh tế học di sản và vài gợi ý ứng dụng ở Nghệ An. In trong: Uỷ ban Nhân dân tỉnh Nghệ An, Tài liệu hội thảo khoa học Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển kinh tế di sản tỉnh Nghệ An. Vinh, ngày 8 tháng 5 năm 2019, tr. 9-23.
Hawkes,
Jon (2001). The Four Pillar of
Sustainability - Culture’s
essential role in public planning. Common Ground
Publishing Pty Ltd in association with the Cultural Development Network (Vic).
Hobsbawm, E. J. (1983). Introduction: Inventing Traditions, in E. J. (Eric J.) Hobsbawm; T. O. (Terence O.) Ranger. The Invention of tradition. Cambridge University Press.
Horkheimer, Max; Adorno, Theodor W. (2006). Dialektik der Aufklärung. Philosophische Fragmente. Frankfurt a. M: Fischer Verlag 16. Auflage 2006. S. 129.
Hội đồng Quốc gia chỉ đạo biên soạn Từ điển Bách khoa Việt Nam (2005). Từ điển Bách khoa Việt Nam, tập 4, Nxb. Từ điển Bách khoa, Hà Nội, 2005, tr.28.
Ingraham, Chrys (2008). White Weddings: Romancing Heterosexuality in Popular Culture. New York: Taylor & Francis, Inc. pp. 60–61.
Kim, Y. Y. (2007). Ideology, identity, and intercultural communication: An analysis of differing academic conceptions of cultural identity. Journal of Intercultural Communication Research, 36(3), 237–253.
Lash, S. & Urry, J. (1994). Economies of Signs and Space. Sage, London.
Lê Cao Đoàn (2017). Nghiên cứu thực trạng, vai trò của các tổ chức chính trị- xã hội sau 3
năm xây dựng nông thôn mới và đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động
xây dựng nông thôn mới của các tổ chức chính trị xã hội này. Báo cáo tổng hợp
kết quả khoa học công nghệ Đề tài cấp Nhà nước, Chương trình Khoa học và Công
nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 – 2015. Viện Hàn lâm Khoa học
Xã hội Việt Nam chủ trì.
Le Minh Khai (Liam Kelly Christopher)
(2010). Bản Sắc and Identity. https: leminhkhai.wordpress.com/
Lury, Celia (1996), Consumer Culture, Cambridge: Polity Press.
Mendoza L. S. Halualani R. T. and Drezwiecka J. A. (2002). Moving the discourse on identities in intercultural communication: Structure, culture, and resignifications. In Communication Quarterly, 50 (3), 312–327.
Ngô Đức Thịnh (2007). Văn hóa dân gian và văn hóa dân tộc, đăng trên Tạp chí Cộng sản (http://www.tapchicongsan.org.vn/Home/Nghiencuu-Traodoi/2007/2441/Van-hoa-dan-gian-va-van-hoa-dan-toc.aspx, posted 26/2/2007).
Nguyễn Hữu Đễ (2016). Nghiên cứu đề xuất giải pháp nhân rộng mô hình tự quản về an ninh trật tự tại các khu dân cư trong xây dựng nông thôn mới. Báo cáo tổng hợp kết quả khoa học công nghệ Đề tài cấp Nhà nước, Chương trình Khoa học và Công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 – 2015. Học viện Khoa học Xã hội chủ trì.
Nguyễn Thị Trà Vinh (2017). Nghiên cứu các chính sách và giải pháp bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống trong xây dựng nông thôn mới. Báo cáo tổng hợp kết quả khoa học công nghệ Đề tài cấp Nhà nước, Chương trình Khoa học và Công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 – 2015. Viện Nghiên cứu và Hỗ trợ Phát triển chủ trì.
Nguyễn Xuân Kính (2008). Văn hóa cổ truyền, văn hóa truyền thống và truyền thống văn hóa. http://www.vanhoahoc.vn/nghien-cuu/van-hoa-viet-nam/vhvn-nhung-van-de-chung/. Posted ngày 29 tháng 9 năm 2008.
Parsons, Talcott & Smelser, Neil J. (1956). Economy and society: A study in the integration of economic and social theory. Glencoe, IL: Free Press;
Phạm Hữu Nghị (2015). Cơ sở khoa học đề xuất các giải pháp vận dụng Luật pháp và Hương ước làng để quản lý xã hội trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Báo cáo II, của Đề tài Nghiên cứu, đề xuất các giải pháp áp dụng luật pháp và hương ước làng xã trong quản lý xã hội nông thôn mới. Đề tài thuộc Chương trình Khoa học và Công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 – 2015, do Học viện Khoa học Xã hội chủ trì.
Phan Đăng Nhật (2007). Tòa án phong tục: Một kiểu vận dụng luật tục có hiệu quả. Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, Số 3/ 2007. Hà Nội.
Quốc hội (2001). Luật của Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam số 28/2001/QH10 về Di sản văn hóa. Hà Nội ngày 29 tháng 6 năm 2001.
Quốc hội (2009). Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa của Quốc hội Khoa XII, Kỳ họp thứ 5. Hà Nội ngày 18 tháng 6 năm 2009.
Ranger, Terence (1992). The Invention of Tradition in Colonial Africa, in Eric J. Hobsbawm;
Terence O. Ranger: The Invention of tradition. Cambridge University Press. pp. 211–263.
Robert H. Super (1965). Culture and Anarchy with Friendship's Garland and Some Literary Essays, Volume V, The Complete Works of Matthew Arnold, The University of Michigan Press.
Rokeach M., (1973). The Nature of Human Values. New York: The Free Press.
Schwartz S.H. (1992). Universal in the contents and structure of values: theoretical advances and empirical tests in 20-centuries. In M. Zana (ed.) Advances in Experimental social psychology (Vol.25, pp.1-65). Orlando FL: Academic Press
Schwartz, S. H. (2006.) Value orientations: Measurement, antecedents and consequences across nations. In R. Jowell, C. Roberts, R. Fitzgerald, & G. Eva (Eds.), Measuring attitudes cross-nationally - lessons from the European Social Survey. London: Sage.
Throsby, David (2003). Determining the value of cultural goods: how much (or how little) does contingent valuation tell us?, Journal of Cultural Economics, 27(3–4): 275-285.
Throsby, David (2007). The Value of Heritage, Heritage Economics Workshop ANU, 11–12 October 2007.
Thủ tướng Chính phủ (2009). Quyết định số 581/QĐ-TTg về việc phê duyệt chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020. Hà Nội ngày 06 tháng 05 năm 2009.
Thủ tướng Chính phủ (2010). Quyết định 22/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Phát triển văn hóa nông thôn đến năm 2015, định hướng đến năm 2020. Hà Nội ngày 05 tháng 01 năm 2010.
Thủ tướng Chính phủ (2011). Quyết định số 1270/QĐ-TTg Phê duyệt Đề án “Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020. Hà Nội ngày 27 tháng 07 năm 2011.
Thủ tướng Chính phủ (2013). Quyết định số 2164/QĐ-TTg Phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở giai đoạn 2013 – 2020, định hướng đến năm 2030. Hà Nội, ngày 11 tháng 11 năm 2013.
Thủ tướng Chính phủ (2016a). Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 – 2020. (Ban hành kèm theo Quyết định số 1600/QĐ-TTg ngày 16 tháng 8 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ), Hà Nội 2016.
Thủ tướng Chính phủ (2016b). Quyết định số 1980-QĐ-TTG ngày 17/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020. Hà Nội 2016.
鄭宏泰 - 黃紹倫 (2012). 身份认同:台,港,澳的比较. 香港大学亚洲研究中心 (trịnh hoành thái - hoàng thiệu luân (2012). Thân phần nhận đồng: Đài, Cảng, Áo đích bỉ giác. hương cảng đại học á châu nghiên cứu trung tâm. https://www.modernchinastudies.org/us/issues/past-issues/100-mcs-2008-issue-2/1052-2012-01-05-15-35-31.html (Trịnh Hoành Thái - Hoàng Thiệu Luân (2012). Bản sắc: So sánh Đài Loan, Hồng Kông và Macao. Trung tâm nghiên cứu châu Á của Đại học Hồng Kông).
Trần Ngọc Thêm (2009). Giá trị và sự chuyển đổi hệ giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam. Báo cáo trình bày tại Hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam trong quá trình đổi mới và hội nhập”, do Khoa Văn hóa học (Trường ĐH KHXH&NV – ĐHQG TP.HCM) phối hợp với Ban chủ nhiệm Đề tài KX. 03.14/06-10 (Chương trình KX.03/06-10) tổ chức ngày 17-18/9/2009 tại Biên Hòa, Đồng Nai.
Turner, Jonathan (1997). The Institutional Order. New York: Longman.
Tylor, Edward (1871). Primitive Culture. Volumes 1, 2. London: John Murray. London 1871.
UNESCO (2002). Universal Declaration on Cultural Diversity - A document for the World Summit on Sustainable Development, Johannesburg, 26 Aug. – 4 Sept. 2002. Series No. 1.
Văn phòng Quốc hội (2013). Luật Di sản văn hóa. Hà Nội ngày 23 tháng 07 năm 2013.
Vũ Duy Mền (2010). Hương ước cổ làng xã đồng bằng Bắc Bộ. Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
Vũ Duy Mền (chủ biên) – Hoàng Minh Lợi (2001). Hương ước làng xã Bắc Bộ Việt Nam với Luật làng Kanto Nhật Bản (Thế kỷ XVII- XIX). Viện Sử học. Hà Nội.
Weber, Max (1947). The Theory of Social and Economic Organization. A.M. Henderson & Talcott Parsons (eds.). Glencoe, IL: Free Press.
Yea-Wen Chen and Hengjun Lin (2016). Cultural Identities, Subject: Communication and Culture, Online Publication Date: Jul 2016. https://oxfordre.com/communication/view/
Yúdice, G. (2002). El Recurso de la Cultura: Usos de la Cultura en la Era Global. Editorial Gedisa, Barcelona.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét