Powered By Blogger

Thứ Ba, 4 tháng 6, 2019

Tiếp cận văn hóa – xã hội Tây Nguyên bằng các công cụ khái niệm vốn và bản sắc


Hà Hữu Nga

I. Một số đặc trưng văn hóa – xã hội Tây Nguyên

Vùng Tây Nguyên gồm 4 tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắc, và Đak Nông, có vị trí chiến lược hết sức quan trọng về kinh tế, chính trị, an ninh - quốc phòng. Đồng thời là khu vực giàu tiềm năng kinh tế, có nhiều lợi thế so sánh hết sức quan trọng. Với diện tích tự nhiên 54.460 km2, dân số năm 2000 là 4,25 triệu người (chiếm 5,3% dân số cả nước), trong đó đồng bào dân tộc ít người có 1,37 triệu người gồm các dân tộc Ba Na, Brâu, Ê Đê, Giẻ Triêng, Ha Lăng, H’Rê, Ja Rai, M’Nông, Rơ Ngao, Sê Đăng, Tơ Đrá, v.v...; Do được thiên nhiên ưu đãi về đất đai (nhất là đất basalt), khí hậu nên Tây Nguyên có nhiều khả năng thuận lợi để hình thành các vùng chuyên canh cây công nghiệp lớn có giá trị kinh tế cao như cà phê, cao su, chè, dâu tằm, bông, điều...; Tây Nguyên còn có các tiềm năng lớn về phát triển thuỷ điện, du lịch; khai thác, chế biến bôxit, tuy chỉ bằng 16,3% diện tích tự nhiên của cả nước, nhưng diện tích rừng lại chiếm tới 25,9% diện tích rừng cả nước.

Thời gian qua, Nhà nước Việt Nam đã có nhiều chủ trương và chính sách quan trọng nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội Tây Nguyên; đặc biệt là Quyết định 656/TTG của Thủ tướng Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội Tây Nguyên. Giai đoạn 1996 -2000 tổng vốn đầu tư xã hội trên địa bàn Tây Nguyên khoảng 24,0 nghìn tỷ đồng, gấp hơn 4 lần so với giai đoạn 1991-1995. Trong tổng vốn đầu tư xã hội, tỷ lệ đầu tư cho công nghiệp 33%, cho nông lâm nghiệp thuỷ lợi 38%, cho giao thông 11,6%, cho lĩnh vực y tế, giáo dục văn hoá 4%...Cũng trong thời kỳ 1996-2000, vốn ngân sách Nhà nước đầu tư cho Tây Nguyên khoảng 8,94 nghìn tỷ đồng chiếm khoảng 37% vốn đầu tư xã hội của vùng và khoảng 10% vốn đầu tư từ ngân sách của cả nước; chủ yếu tập trung đầu tư vào phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng như xây dựng hệ thống giao thông, xây dựng các công trình thuỷ lợi, thuỷ điện, các công trình y tế, văn hoá giáo dục và chương trình xoá đói giảm nghèo. Để phát triển mạnh hơn nữa, và khai thác được mọi tiềm năng của khu vực ngã ba Đông Dương, chính phủ ba nước Căm Pu Chia, Lào và Việt Nam đã thống nhất qui hoạch khu vực Tam giác Phát triển vùng biên giới ba nước vào năm 1999, bao gồm 10 tỉnh thuộc khu vực biên giới chung giữa ba nước là Stung Treng, Rattanakiri, Mondulkiri (Cămpuchia), Sekong, Attapư, Saravan (Lào), Kon Tum, Gia Lai, Đak Lak, và Đak Nông (Việt Nam). Nhìn chung đây là khu vực kém phát triển so với các vùng khác của cả ba nước, với tổng diện tích tự nhiên là 111.021 km2, với số dân là 4,267 triệu người. Ba nước đã nhất trí phối hợp xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội khu vực Tam giác phát triển CLV (Cămpuchia – Lào – Việt Nam) đến năm 2020 và được ba thủ tướng ba nước thông qua tháng 11 năm 2004 tại Viêng Chăn. Tại đây ba bên đã ký tuyên bố Viên Chăn về Khu vực Tam giác Phát triển CLV và nhận được sự đồng tình hỗ trợ của chính phủ Nhật Bản cho khu vực này. Vì vậy tương lai phát triển của Tây Nguyên là rất rực rỡ. Tuy nhiên để có thể phát triển được Tây Nguyên, chúng ta cần phải hiểu Tây Nguyên từ trong chính cội nguồn văn hoá, lịch sử tộc người sâu xa của bản thân vùng đất này. Vì vậy chúng tôi cố gắng khái quát một số đặc trưng văn hoá – xã hội Tây Nguyên truyền thống theo cách tiếp cận vốn kinh tế - văn hoá – xã hội và con người như dưới đây:

Nền kinh tế truyền thống Tây Nguyên là một nền kinh tế biểu trưng: Chúng tôi cho rằng một nền kinh tế biểu trưng là một nền kinh tế trong đó phương thức và mục đích của các hoạt động kinh tế là do các giá trị văn hoá – xã hội quyết định. Điều này thể hiện rõ nhất trong quan niệm của người Tây Nguyên bản địa, không hề có bất cứ một quan niệm nào về tài sản, năng suất, sản lượng. Những thứ tương tự như vậy được họ coi là của Yàng (thần linh), thuộc về Yàng, do các Yàng cho chứ không phải do con người làm ra được. Để không lấy nhiều của Yàng, không làm phí của của Yàng, người Tây Nguyên có nhiều cách thức kiểm soát năng suất và sản lượng bằng cách qui định diện tích rẫy mỗi hộ có thể phát, số gùi thóc giống tối đa mỗi hộ có thể gieo, số gùi thóc tối đa mỗi hộ thu được trong vụ gặt. Nếu hộ nào thu được quá số lượng gùi thóc qui định thì buôn làng sẽ phạt bằng cách phải làm cơm đãi cả làng cho hết số gùi thóc dôi ra thì mới thôi.

Tài sản không phải là sự giàu có mà là biểu trưng của quyền uy: Đối với các gia đình Tây Nguyên truyền thống thì sự giàu có được thể hiện bằng hai loại tài sản tượng trưng chủ yếu, không có giá trị kinh tế, đó là các bộ ghế (ghế dài để đánh chiêng, ghế chủ, ghế khách, v.v...), và các dàn chiêng dùng trong các dịp hội lễ. Một thứ tài sản tưởng chừng như là  thước đo sự giàu có là số trâu mà mỗi hộ gia đình nuôi được thì trên thực tế nó cũng chỉ có giá trị biểu tượng. Người ta nuôi trâu chỉ để cúng Yàng và để mời cả làng “ăn trâu” trong các lễ hội. Một con trâu khi bán người ta không sử dụng đơn vị tính bằng giá trị kinh tế (cân nặng, gầy hay béo) mà tính bằng một chỉ số tượng trưng là độ dài của sừng. Khi lấy trâu làm thước đo giá trị (trao đổi ngang giá) thì người ta không lấy đơn vị cân hoặc con làm đại lượng để tính mà lấy độ dài rất tương đối của lối mòn trâu đi làm đơn vị tính. Năm 2004, khi thực địa tại làng Đak Dục (huyện Ngọc Hồi, Kon Tum), một lần tôi hỏi giá một loại chiêng quí nhất của người Giẻ là chiêng “Tha” giá bao nhiêu? Thì câu trả lời của già làng làm tôi sửng sốt, vì không hiểu nghĩa, dù già làng nói tiếng Kinh rất sõi: “Giá cái chiêng “Tha” bằng một quãng đường trâu”. Và già làng chỉ tay lên lối mòn trâu đi ăn trên núi, rồi giải thích cho tôi biết là “một quãng đường trâu” con nọ nối đuôi theo con kia đi lên núi thì vào khoảng 13 – 15 con. Có nghĩa là chiếc chiêng “Tha” này có giá bằng 13 – 15 con trâu.

Đất đai không được coi là tài sản: Người dân Tây Nguyên truyền thống không coi đất đai, rừng núi, sông suối là tài sản của các hộ gia đình, mà là của Yàng, vì vậy không ai được chiếm làm của riêng. Con người chỉ sống nhờ trên đất của các Yàng, đồ ăn thức uống và các vật dụng đều do Yàng ban cho vì vậy không ai được phép lấy quá một lượng tối thiểu cần thiết cho cuộc sống. Nhiều người Kinh đã lợi dụng quan niệm này để xin, đổi, “mua” rẻ, mà thực chất là chiếm không phần đất của người dân địa phương, buộc người ta phải phá thêm rừng, khai hoang thêm các khoảng đất mới để mưu sinh.

Không có khái niệm lời lãi trong lối sống của người Tây Nguyên truyền thống: Vì mọi của cải (đất, rừng, nước, chim, thú, rau, quả, củ, gỗ lạt, v.v...) đều được coi là của các Yàng vì vậy mà không bao giờ cạn kiệt, ai cần đến đâu (thường ở mức tối thiểu để duy trì cuộc sống) thì lấy đến đó. Vì vậy người dân Tây Nguyên truyền thống không biết lời lãi là gì. Các con buôn người Kinh thường lợi dụng đặc trưng văn hoá này của người Tây Nguyên để bóc lột, mua rẻ, bán đắt đối với họ.

Chia sẻ mọi thứ cho những ai cần đến: điều này đã trở thành nguyên tắc xuyên suốt trong lối sống của người dân Tây Nguyên, nói theo khái niệm kinh tế học thì đó chính là phương thức phân phối bình quân (chia đều mọi thứ cho mọi người). Chính vì vậy một nhà nghiên cứu người Pháp đã rất kinh ngạc khi thấy 40 đứa trẻ chăn trâu tại Kon Tum chia thịt một con chim sẻ thành 40 phần bằng nhau, kể cả một lá gan bé tí của con vật cũng được chia đều ra như vậy.

II. Các công cụ khái niệm vốn

Trong kinh tế học cổ điển vốn là một trong bốn yếu tố sản xuất, ba yếu tố còn lại bao gồm đất đai, lao động và nhà xưởng. Các loại hàng hoá sau đây thường được coi là vốn: có thể được sử dụng để sản xuất ra các loại hàng hoá khác, và chính điều này làm cho nó trở thành yếu tố sản xuất; nó được sản xuất ra trái ngược hẳn với “đất” là yếu tố thuộc về các nguồn từ tự nhiên chẳng hạn như các vị trí địa lý và các loại khoáng sản; nó không được sử dụng trực tiếp trong quá trình sản xuất như các vật liệu hoặc các hàng hoá trung gian. Những khác biệt mang tính vật chất đó được chuyển cho môn kinh tế học tân cổ điểnvới đôi chút thay đổi cách phân tích hình thức trong một giai đoạn mở rộng. Người ta đã đưa ra thêm cách phân loại coi vốn là một trữ lượng. Với loại vốn này giá trị của nó có thể được tính theo thời điểm, chẳng hạn như vào ngày 31 tháng 12. Ngược lại, một khoản đầu tư khi sản xuất được bổ sung vào vốn cổ đông thì được mô tả là thay đổi theo thời gian (theo năm), và như vậy là một lưu lượng. Tất cả các loại vốn trên đều được coi là các hạng mục vốn vật chất chẳng hạn như công cụ, nhà xưởng, xe máy được sử dụng trong quá trình sản xuất. Nhưng tối thiểu từ những năm 1960, các nhà kinh tế học ngày càng tập trung vào các loại hình vốn mở rộng. Chẳng hạn như việc đầu tư vào kỹ năng và giáo dục có thể được coi là phát triển vốn con người hoặc vốn tri thức và các khoản đầu tư vào tài sản trí tuệ có thể được coi là việc xây dựng vốn trí tuệ. Tuy nhiên các khái niệm đó đều dẫn đến nhiều quan điểm trái ngược nhau và vẫn còn cần phải thảo luận thêm. Gần đây bên cạnh các loại vốn truyền thống, các lý thuyết phát triển con người không ngững bổ sung thêm nhiều loại hình vốn mới liên quan chặt chẽ tới các quá trình phát triển của quan điểm phát triển bền vững, và nhiều khái niệm vốn đã được sử dụng một cách thông dụng trong nghiên cứu và đánh giá phát triển bền vững. Dưới đây là một số loại hình vốn tiêu biểu.

1. Vốn tự nhiên: bao gồm các trữ lượng và các lưu lượng trong tự nhiên mà các hoạt động kinh tế của con người tìm kiếm, khai thác làm nguyên vật liệu và năng lượng (các nguồn) và cũng là nơi mà con người thải bỏ chính các loại nguyên vật liệu và năng lượng đó sau khi đã được sử dụng (các bãi thải). Các hoạt động kinh tế của con người sử dụng nhiều nguồn vật liệu và năng lượng được khai thác từ tự nhiên, gắn liền với nguồn vốn tự nhiên về cả phương diện các vật liệu và năng lương đầu nguồn lẫn các vật liệu thải và chất thải ở cuối nguồn. Vốn tự nhiên sẽ được sử dụng không bền vững khi các nguồn bị suy thoái hoặc lượng vật chất thải tăng. Các chỉ số cần phải làm sáng tỏ mức độ hữu hạn của các trữ lượng vốn tự nhiên. Vốn tự nhiên cần phải được giám sát ở mọi cấp độ địa lý. Con người cần phải lượng hoá bằng các chỉ số cho các hệ thống hỗ trợ cuộc sống – những hệ thống mà cho đến bây giờ con người vẫn chưa hiểu biết bao nhiêu.

2. Vốn xã hội: là một khái niêm cốt lõi trong các lĩnh vực chuyên môn kinh tế học, xã hội học, tâm lý học, chính trị học, khoa học tổ chức, v.v...và được coi là một lợi thế do vị trí của một cá nhân, một nhóm, một cộng đồng xã hội trong cấu trúc các quan hệ giữa con người với con người. Nhà triết học và xã hội học Pháp Bourdieu cho rằng vốn xã hội là tổng hợp của các nguồn tiềm năng và hiện thực gắn liền với việc có được một mạng quan hệ quen thân ít nhiều được thể chế hoá [Bourdieu, Pierre. 1983: 183-198]. Còn theo nhà xã hội học Mỹ Robert Putnam thì vốn xã hội là giá trị tập thể của toàn bộ các mạng lưới xã hội và các sở thích xuất hiện từ các mạng lưới đó để mọi người có thể giúp đỡ lẫn nhau; vốn xã hội là một thành tố chủ chốt để duy trì dân chủ [Fukuyama 1999; Putnam R. 2000]. Có một số nhà nghiên cứu cho rằng sự phụ thuộc vào bối cảnh của vốn xã hội làm nảy sinh hai yếu tố không rõ ràng của vốn xã hội: i) mọi người không có một lượng vốn xã hội ngang bằng nhau, hơn nữa, các hình thức tồn tại của vốn xã hội cũng khác biệt nhau; ii) không phải tất cả mọi loại vốn xã hội đều được tạo ra giống như nhau. Giá trị của một nguồn vốn xã hội cụ thể tuỳ thuộc không nhỏ vào vị trí kinh tế - xã hội của nguồn. Vì vậy Portes [1998] đã xác định được 4 hệ quả tiêu cực của vốn xã hội: i) loại trừ người bên ngoài; ii) đòi hỏi quá mức đối với các thành viên của nhóm; iii) hạn chế tự do cá nhân; iv) hạ thấp cấp độ các chuẩn mực. Portes cho rằng các hệ quả này cùng với bản chất bất bình đẳng của khả năng tiếp cận với nguồn vốn xã hội cần phải được cân bằng so với cách nhìn lạc quan coi vốn xã hội hoàn toàn là một công cụ hữu ích cho phân tích và chuyển hoá xã hội. Về vấn đề làm cách nào để lượng hoá được vốn xã hội hiện còn tồn tại rất nhiều ý kiến bất đồng. Người ta có thể cảm nhận được một cấp độ hay một lượng vốn xã hội nào đó trong các mối quan hệ xã hội, tuy nhiên không dễ để lượng hoá các cảm nhận đó. Vì vậy đã có rất nhiều cách lượng hoá vốn xã hội cho những chức năng khác nhau. Việc lượng hoá vốn xã hội trong các hoạt động chính trị - xã hội thường được đo bằng tổng số các thành viên của mỗi nhóm. Các nhóm có đông số thành viên hơn thì thường được coi là có số vốn xã hội lớn hơn. Mức độ cố kết của một nhóm cũng tác động đến vốn xã hội của nó, nhưng cho đến bây giờ vẫn chưa có cách lượng hoá đáng tin cậy nào về mức độ cố kết đó. Nhưng dù sao vốn xã hội vẫn là một nguồn lực không thể thiếu trong phát triển bền vững.  

3. Vốn con người: vốn con người là một khái niệm dùng để chỉ nguồn trữ lượng kỹ năng sản xuất và tri thức kỹ thuật hàm chứa trong lao động. Nhiều lý thuyết kinh tế trước đây coi vốn con người chỉ đơn giản là một trong ba yếu tố của sản xuất là lao động, và coi đó là một nguồn có thể thay thế được – một loại nguồn đồng nhất và dễ dàng hoán đổi mà không ảnh hưởng gì đến phương cách và kết quả hoạt động. Bản thân Adam Smith cũng xác định 4 loại vốn cố định, mỗi loại được đặc trưng bởi khả năng đảm bảo một loại thu nhập hoặc lợi tức mà không có vấn đề luân chuyển hoặc thay đổi. Bốn loại vốn đó bao gồm: i) các loại máy móc, thiết bị thương mại; ii) các công trình xây dựng là phương tiện kiếm được thu nhập; iii) những phương pháp cải thiện đất đai; và iv) vốn con người. Tuy nhiên cũng giống như Marx, Smith chưa dùng khái niệm vốn con người mà vẫn dùng khái niệm sức lao động, nhưng cách định nghĩa của ông đã vượt khỏi nội hàm khái niệm sức lao động mà chuyển tải nội hàm khái niệm vốn con người với những phẩm chất và năng lực mà Smith nhấn mạnh là tài năng có được do giáo dục, nghiên cứu, hoặc học nghề tồn tại trong mỗi cá nhân. Mãi đến năm 1928, A.C. Pigou [1928] mới sử dụng khái niệm vốn con người (human capital). Ngày nay trong các tài liệu nghiên cứu người ta thường coi J. Mincer [1958] là người đi tiên phong trong việc sử dụng khái niệm vốn con người. Nhưng người xây dựng hệ mẫu cho khái niệm vốn con người là lại là nhà kinh tế học đoạt giải Nobel người Mỹ, G. Becker [1964] với tác phẩm Vốn con người nổi tiếng của ông. Becker chủ yếu phát triển khái niệm quá trình gia tăng vốn con người. Ông đã luận giải một cách thuyết phục rằng các cá nhân lựa chọn đầu tư vào vốn con người dựa trên các lợi ích và các chi phí duy lý bao gồm một khoản lãi về đầu tư cũng như về phương diện văn hoá. Cách tiếp cận hành vi luận về vốn con người của Becker bao gồm cả tác động của những thói quen tích cực và tiêu cực chẳng hạn như sự chấp hành giờ giấc cũng thường đi liền với chứng nghiện rượu, nghiện thuốc, nghiện cờ bạc trong vốn con người. Ngày nay một bộ phận vốn con người đã được đồng nhất với kinh tế tri thức thuộc các lĩnh vực công nghệ cao, đòi hỏi lao động có kỹ năng và được đào tạo bài bản, và bộ phận ưu tú nhất của trữ lượng vốn con người trong một quốc gia được coi là lượng chất xám của quốc gia đó. Và càng ngày phát triển bền vững càng được coi là đồng nghĩa với phát triển vốn con người, với các cấu trúc bao gồm cả tuổi tác, mức độ giáo dục, sức khoẻ, bình đẳng giới, việc chăm lo đến con người từ khi còn trong bụng mẹ, và đặc biệt là việc đầu tư vào chăm sóc vốn con người ngay từ giai đoạn còn là trẻ thơ.      

4. Vốn tạo dựng (Built Capital): khái niệm này dùng để chỉ loại năng lực vật chất lâu dài do con người tạo dựng, bao gồm các thiết bị, các công trình hạ tầng, các xí nghiệp, công ty, công sở, các công cụ sản xuất, các loại máy móc sản xuất ra các sản phẩm kinh tế. Bản chất và khối lượng vốn tạo dựng quyết định nhu cầu thường trực đối với vốn con người (lao động, kỹ năng, tri thức) và đối với lượng nguyên vật liệu và năng lượng từ nguồn vốn tự nhiên được tiêu dùng cho sản xuất. Phần vốn được sử dụng để tái tạo vốn tạo dựng chính là các khoản đầu tư quyết định tỷ lệ tăng trưởng kinh tế. Tính bền vững ở cấp độ vốn tạo dựng có nghĩa là việc đầu tư tối thiểu cũng phải nhanh chóng như mức độ sụt giảm giá trị vốn vậy. Đối với mọi cấp độ thì vốn tạo dựng có nghĩa là đảm bảo nhu cầu về lượng nguyên vật liệu và năng lượng được tiêu dùng cho sản xuất của vốn tạo dựng phù hợp với các sản lượng bền vững và năng lực hấp thụ của vốn tự nhiên và giữ cho nhu cầu lao động và quản lý phù hợp với việc sử dụng bền vững nguồn vốn con người. Có nhiều hạng mục vốn tạo dựng, vì vậy cần phải có loại chỉ số hữu dụng có thể phản ánh được mức độ cân bằng chính xác giữa các hạng mục để tạo điều kiện cho việc sử dụng toàn bộ các loại vốn theo cách sinh lợi bền vững nhất. 

5. Vốn văn hoá là một khái niệm xã hội học do Pierre Bourdieu đề xuất đã được sử dụng rộng rãi. Lần đầu tiên Bourdieu và Jean-Claude Passeron [1973] đã sử dụng thuật ngữ vốn văn hoá trong công trình Tái sản xuất văn hoá và Tái sản xuất xã hội (Cultural Reproduction and Social Reproduction). Trong công trình này các ông đã cố gắng lý giải những khác biệt về những tác động của giáo dục ở Pháp trong những năm 1960. Đối với Bourdieu vốn tác động với tư cách một mối quan hệ xã hội trong một hệ thống trao đổi, và thuật ngữ này đã được mở rộng cho tất cả các loại hàng hoá vật chất và biểu tượng, không có sự khác biệt, được tạo thành trong những điều kiện xã hội đặc biệt hiếm khi được mua bán, vì nó thường là vô giá; vốn văn hoá tác động như một mối quan hệ xã hội trong một hệ thống trao đổi bao gồm cả những tri thức văn hoá được tích luỹ với một quyền lực và vị thế xã hội to lớn. Trong công trình “The Forms of Capital’ [1986] Bourdieu đã phân biệt ba loại hình vốn: i) vốn kinh tế bao gồm các nguồn lực kinh tế như tiền, tài sản, các nguồn lực v.v...; ii) vốn xã hội là các nguồn dựa trên các tư cách thành viên của một nhóm xã hội nhất định, các mối liên hệ, các mạng lưới ảnh hưởng và trợ giúp. Bourdieu đã định nghĩa vốn xã hội là “tổng các nguồn thực sự hoặc tiềm tàng gắn liền với việc sở hữu một mạng lưới bền vững các mối quan hệ quen biết và thừa nhận lẫn nhau đã ít nhiều được thể chế hoá”. Vốn văn hoá là các loại hình tri thức, kỹ năng, giáo dục, hoặc bất cứ lợi thế nào khiến cho vị thế xã hội của người sở hữu nó cao hơn, kể cả một tương lai hứa hẹn hơn. Cha mẹ cấp vốn văn hoá cho con cái bằng tri thức, các thái độ, phong cách sống làm cho hệ thống giáo dục trở thành một vị trí thân thuộc, thuận tiện giúp chúng có thể dễ dàng thành công.

Các loại vốn văn hoá: vốn văn hoá bao gồm ba phụ loại: i) phụ loại vốn tự thân; ii) phụ loại vốn khách thể hoá, và iii) phụ loại thể chế hoá [Bourdieu, 1986:47]. Ông phân biệt ba phụ loại này như sau: Trạng thái tự thân trong đó vốn văn hoá tự thể hiện trong cá nhân. Nó vừa là thứ thuộc sản (property) thừa kế, lại vừa do bản thân mỗi người tìm kiếm được. Thuộc sản thừa kế không theo nghĩa di truyền, mà theo nghĩa thời gian, văn hoá và các truyền thống mà gia đình ban tặng các yếu tố trạng thái tự thân đó cho một người khác thông qua hình thức xã hội hoá. Nó không thể được chuyển giao tức thì giống như một món quà. Nó gắn liền với sinh tính (habitus) của người ta – chẳng hạn như tính cách hoặc lối suy nghĩ, hành xử chẳng hạn. Vốn ngôn ngữ được xác định là ưu thế của các mối quan hệ, và là bản thân các mối quan hệ với ngôn ngữ [Bourdieu, 1990:114], nó thể hiện qua cách nói, có thể được hiểu là một loại hình của vốn văn hoá tự thân. Trạng thái vật thể hoá, là những gì mà một cá nhân sở hữu, chẳng hạn như các thiết bị khoa học hoặc các tác phẩm nghệ thuật. Các loại hàng hoá văn hoá này có thể được trao truyền về phương diện vật chất (kể cả mua bán) như một cách thức thực hiện vốn kinh tế, và được trao truyền “một cách tượng trưng” như một loại vốn văn hoá. Tuy nhiên trong khi người ta có thể sở hữu vốn văn hoá được vật thể hoá bằng cách có được một bức tranh, thì họ lại chỉ có thể “tiêu dùng” bức tranh đó (hiểu theo nghĩa văn hoá) nếu như họ có loại vốn văn hoá tự thân thích đáng (là thứ có thể hoặc không thể được trao truyền khi bán bức tranh). Trạng thái thể chế hoá là sự thừa nhận mang tính thể chế của vốn văn hoá của một cá nhân, thường được hiểu là những phẩm chất hoặc trình độ chuyên môn học thuật. Nó được hiểu chủ yếu gắn liền với thị trường lao động. Nó cho phép chuyển đổi vốn văn hoá thành vốn kinh tế một cách dễ dàng hơn bằng cách bảo lãnh một giá trị tiền nào đó cho việc đạt được một cấp thể chế nào đó.

Vốn văn hoá liên quan đến một số khái niệm khác của Bourdieu: khái niệm vốn văn hoá về cơ bản gắn liền với khái niệm các trường, môi trường (fields) và sinh tính (habitus). Các khái niệm này được phát triển liên tục trong tất cả mọi công trình của Bourdieu. Một trường hoặc môi trường có thể là bất cứ cấu trúc quan hệ xã hội nào đó [King 2005: 223]. Nó là một địa điểm trong trường đó và được tạo bởi sự xung đột nảy sinh khi các cá nhân hoặc các nhóm cố gắng thiết lập những gì gọi là một loại vốn giá trị và được chính thức thừa nhận trong không gian đó. Vì vậy một loại vốn văn hoá đồng thời có thể được thừa nhận chính thức và không được thừa nhận chính thức thuỳ thuộc vào loại trường tồn tại của nó. Vì vậy có thể thấy rằng việc chính thống hoá một loại hình vốn văn hoá riêng biệt nào đó là hoàn toàn võ đoán. Sức mạnh quyết định một cách võ đoán những gì tạo nên vốn văn hoá một cách chính thống trong một lĩnh vực riêng xuất phát từ vốn biểu tượng. Habitus là một khái niệm rất quan trọng đối với vốn văn hoá, cũng hệt như là vốn văn hoá có thể có nguồn gốc từ một tập tính cá nhân vậy. Nó thường được định nghĩa là tính khí, thiên hướng, được khắc sâu trong gia đình nhưng lại tự thể hiện theo những cách thức khác nhau trong mỗi cá nhân [Harker, 1990:10; Webb, 2002:37; Gorder, 1980:226]. Nó không chỉ được tạo thành bởi các tập quán gia đình [Harker et al, 1990:11] mà còn bởi các tác động giai cấp của mỗi cá nhân [King, 2005:222] trong các tương tác hàng ngày của họ [Gorder, 1980:226] và nó biến đổi khi vị trí của cá nhân trong một môi trường biến đổi [Harker, 1990:11].

Khái niệm vốn văn hoá đã được chú ý rộng rãi trên toàn thế giới, kể từ các nhà nghiên cứu thực tiễn cho đến các lý thuyết gia. Nó thường được hệ thống giáo dục khai thác, nhưng lại được sử dụng và phát triển trong các diễn ngôn ngoài lĩnh vực giáo dục. Khái niệm vốn văn hoá của Bourdieu có thể được chia thành một số loại. i) Trước hết, nó được sử dụng về phương diện lý thuyết như một phương tiện giải thích hoặc như một khung nghiên cứu. Thứ hai, nó được sử dụng để phát triển thêm lý thuyết của Bourdieu. Cuối cùng, có nhiều người đã cố bác bỏ các phát hiện của Bourdieu hoặc cố hạ thấp các khái niệm của ông thành một lý thuyết phụ gia. Đa số các công trình này liên quan đến lý thuyết của Bourdieu theo các hệ thống giáo dục, chỉ có một số nhỏ áp dụng lý thuyết của ông vào xã hội học để giải quyết vấn đề bất bình đẳng xã hội.

Các nhà nghiên cứu và các lý thuyết gia khai thác hoặc sử dụng lý thuyết  của Bourdieu đều dùng nó theo cùng một cách do chính Bourdieu đã xây dựng. Có nghĩa là họ sử dụng các lý thuyết đó mà không hề có sự phê phán và phụ thuộc vào các chỉ số có thể đo được của vốn văn hoá. Nhìn chung, lý thuyết của Bourdieu cũng được dùng để hỗ trợ cho luận cứ đó theo cách định tính. Các công trình này giúp xác định tính hữu dụng của khái niệm của Bourdieu trong phân tích tính bất bình đẳng nhưng chúng lại không bổ sung thêm được bất cứ điều gì cho lý thuyết của ông. Emirbayer & Williams [2005] đã khai thác lý thuyết của Bourdieu bằng cách sử dụng khái niệm các môi trường và các loại vốn để xem xét các mối quan hệ quyền lực trong lĩnh vực dịch vụ xã hội, đặc biệt là những nơi nương náu của những người cơ nhỡ. Các tác giả này đã nói về các lĩnh vực riêng biệt vận hành trong cùng một vị trí địa lý (nơi nương náu) và các loại vốn chính thống được định giá trị. Đặc biệt là họ đã chỉ ra cách thức mà những người lang thang khai thác loại vốn được công quyền chấp nhận, mà ở đó vừa có hy vọng lại vừa có thất vọng, vừa tự tôn lại vừa tự ty tuỳ thuộc vào lĩnh môi trường hoạt động của họ. Mặc dù các tác giả không xác định rõ ràng vị thế đó là vốn văn hoá và khẳng định rằng các nguồn tạo thành hai loại vốn này được tập họp từ cuộc sống của một con người đối lập với gia đình họ, thì người ta vẫn có thể thấy lý thuyết của Bourdieu về vốn văn hoá có thể là một lý thuyết rất có giá trị trong việc phân tích tính chất bất bình đẳng trong một môi trường xã hội nhất định.

Một số công trình nghiên cứu đã mở rộng lý thuyết vốn văn hoá của Bourdieu theo hướng lợi ích nhưng không đi lệch khỏi khung phân tích của ông về những loại vốn khác nhau. Trong thực tế các tác giả này đã khai thác các lĩnh vực bên ngoài những gì Bourdieu đã khớp nối lại để tạo ra một lý thuyết mới. Chẳng hạn Stanton-Salazar & Dornbusch [1995:121] đã xem xét cách thức chuyển đổi vốn văn hoá thành “các quan hệ công cụ” hoặc vốn xã hội bằng các tác nhân thể chế bằng cách hối lộ cho nhân vật giúp họ thành công nhiều hơn trong chính môi trường của họ. Họ tuyên bố rằng đó chính là một phát minh lý thuyết của Bourdieu. Tương tự như vậy, Dumais [2002] đã đưa biến số giới vào việc xác định khả năng của vốn văn hoá nhằm làm tăng khả năng thành công trong giáo dục. Theo ông giới và giai cấp xã hội tương tác với nhau để tạo ra các lợi ích khác nhau từ chính vốn văn hoá. Trong thực tế thì chính trong công trình Distinction, Bourdieu [1984:107] đã khẳng định: “các thuộc tính giới khác hẳn các thuộc tính giai cấp như là màu vàng của quả chanh khác với vị chua của bản thân nó vậy”. Vấn đề là ở chỗ ông không kết hợp một cách đơn giản các khác biệt có thể qui cho giới trong lý thuyết tổng quát của ông về sự mô phỏng trong hệ thống giáo dục.

Mặt khác, hai tác giả khác cũng đưa các biến số mới vào khái niệm vốn văn hoá của Bourdieu. Emmison & Frow’s [1998] đã tập trung khai thác khả năng công nghệ thông tin có thể được xem như là một loại hình vốn văn hoá. Hai tác giả này cho rằng “tính chất quen thuộc và thiên hướng tích cực hướng đến việc sử dụng các công nghệ trong thời đại thông tin có thể được coi là một loại hình bổ sung của vốn văn hoá, đem lợi thế đến cho các gia đình sử dụng các công nghệ đó”. Đặc biệt computer là những “chiếc máy” [Bourdieu, 1986:47] tạo ra một loại hình vốn văn hoá vật thể hoá, và khả năng sử dụng chúng là một loại hình vốn văn hoá tự thân. Công trình này rất có ích vì nó chỉ ra những cách thức mở rộng khái niệm vốn văn hoá của Bourdieu và cập nhật hoá khái niệm đó để bao gồm được cả các loại hàng hoá và các hoạt động văn hoá mới nhất.

Hage đã sử dụng lý thuyết vốn văn hoá của Bourdieu để khai thác chủ thuyết đa văn hoá và phân biệt chủng tộc tại Úc. Lập luận về chủng tộc của ông khác với cách xử lý vấn đề người di cư và lượng vốn ngôn ngữ và tập tính của Bourdieu. Hage thực sự hiểu “đặc tính da trắng” [theo Dolby, 2000:49] là một loại hình vốn văn hoá. “Da trắng” không phải là một đặc điểm bền vững và có tính quyết định về phương diện sinh học, mà là “một hợp các hoạt động xã hội luôn biến đổi” [Dolby, 2000:49]. Ông khái niệm hoá dân tộc thành một môi trường khép kín với trật tự thứ bậc chuyển từ trung tâm quyền lực (bao gồm những người Úc “da trắng”) thành ngoại vi ít quyền lực hơn (bao gồm những “loại người khác”). Tuy nhiên những loại người khác không đơn giản là bị thống trị, mà là bị buộc phải cạnh tranh với nhau để có được một vị trí gần trung tâm hơn. Cách sử dụng khái niệm vốn và trường của Bourdieu như vậy đã minh hoạ một cách rõ ràng cho cách hiểu là những người không thuộc các tộc người Anglo có thể trao đổi vốn văn hoá dựa trên nền tảng tộc thuộc của họ với vốn văn hoá của “người da trắng” để có được một vị thế cao hơn trong trật tự xã hội Úc. Vấn đề trở nên đặc biệt hữu ích khi xem xét nó trong khuôn khổ đó, vì nó bộc lộ thực chất võ đoán của cái gọi là “người Úc” và cách thức mà kẻ thống trị (chủ yếu là người Úc “da trắng”) xác định vấn đề. 

Người ta thường phê phán Bourdieu dựa trên một cách nhận thức riêng biệt về các khác niệm của ông. Các nhà nghiên cứu chẳng hạn như De Graaf, Kalmijn & Kraaykamp [1996] thường có khuynh hướng định nghĩa vốn văn hoá rất hẹp trong khuôn khổ vốn văn hoá mang tính tri thức hàn lâm, sách vở, chẳng hạn như nhà hát, âm nhạc cổ điển, bảo tàng, v.v... [De Graaf et al, 2000: 93] để rồi khẳng định rằng định nghĩa hẹp đó không hữu dụng khi tìm hiểu sự bất bình đẳng về giáo dục. Tương tự như vậy, một số nhà nghiên cứu lý thuyết như Gorder [1980], Robbins [1991], Kingston [2001] sử dụng các khái niệm của Bourdieu nhưng lại bỏ qua khái niệm văn hoá giai cấp lao động, khi cho rằng vốn văn hoá là một cái gì đó chỉ có những người thuộc nhóm tinh hoa hoặc các giai cấp thống trị xã hội mới có, vì vậy để thành công trong giáo dục thì những người thuộc các giai cấp thấp hơn phải có được vốn văn hoá của bản thân mình. Việc xác định vốn văn hoá theo cách đó đã thực sự giới hạn tính chất hữu dụng của thuật ngữ này vào việc tìm hiểu về tính chất bất bình đẳng xã hội.  

Tuy nhiên Bourdieu đã gộp mọi nguồn vốn văn hoá hiện có vào các cá nhân hoặc nhóm thuộc bất cứ môi trường nào. Vốn được định giá hay không là tuỳ thuộc vào môi trường của chính bản thân nó. Ví dụ như một người xuất thân từ một giai cấp thấp trong xã hội trong môi trường lớp học có thể nói bằng giọng điệu lỗ mãng vì vậy mà không có được một vốn văn hoá ngôn ngữ chính thống và có giá trị trong bối cảnh đó. Nhưng trong môi trường sân chơi thể thao vây quanh là những con người cũng thuộc cùng giai cấp thấp với anh ta thì cung cách lỗ mãng đó lại tạo ra một loại vốn văn hoá ngôn ngữ chính thống. Vì vậy vốn văn hoá không thể bị giới hạn chỉ theo tiêu chuẩn văn hoá sách vở mà nó còn cho phép các văn hoá của giai cấp lao động tồn tại và có giá trị trong những môi trường đặc biệt. Ngoài ra các nhà nghiên cứu lý thuyết thường nhắm vào bản chất quyết định luận trong công trình của Bourdieu. Chẳng hạn trong công trình của Robinson và Garnier [1986: 147] các tác giả đã khẳng định rằng quá trình giáo dục “chỉ có thể được đánh giá bởi những người xuất thân từ các gia đình có giáo dục” và “cấp độ giáo dục đạt được không có gì khác hơn là loại vốn văn hoá  bằng cấp”. Các lý giải đó về Bourdieu hàm ý cho ông là một nhà cấu trúc luận không giành chỗ cho những nhân tố khác, ngay cả tác nhân cá nhân.  

Đó cũng là một hiểu lầm và thể hiện sai lý thuyết của Bourdieu. Trên thực tế thì người ta thường coi Bourdieu là một lý thuyết gia xử lý ý tưởng về cấu trúc khác với tác nhân trung gian và xử lý ý tưởng về khách thể luận trái với chủ thể luận [King, 2005; Webb, 2002; Harker, 1990], và cho rằng đó là cách thức ông sử dụng để cố gắng thoát khỏi tình trạng phân đôi đó. Webb [2002: 36] đã tuyên bố “Bourdieu khẳng định rằng thực tiễn luôn luôn được mách bảo bởi ý nghĩa về một tác nhân...nhưng người ta cần phải hiểu khả năng của các tác nhân và được qui định bởi bối cảnh trong khuôn khổ của các mối quan hệ với các cấu trúc khách quan của một văn hoá”. Bourdieu nói về “các cơ hội khách quan” “các khả năng khách quan” chứ không phải là sự khẳng định tính chắc chắn tách biệt với môi trường [Bourdieu: 1990: 156 – 157].  Còn có ý kiến cho rằng khái niệm vốn văn hoá chỉ hữu dụng trong một môi trường hạn chế, bởi vì “suy cho cùng thì Bourdieu là một nhà qui giản luận kinh tế” [Martin & Szelenyi, 1987:282]. Tuy nhiên trong công trình Distinction Bourdieu [1984] đã tích hợp vào khung giai cấp xã hội của ông một số tiêu chuẩn phi kinh tế để phân tầng xã hội, bằng cách coi vốn kinh tế không phải là duy nhất hoặc không nhất thiết phải là cách thức thích hợp nhất cho việc quyết định tạo thành các nhóm giai cấp. Đó là một cách tách biệt độc đáo giai cấp và xã hội khỏi quan điểm qui giản luận kinh tế. Một số nhà nghiên cứu phê phán Bourdieu là đã bỏ qua các khác biệt giới trong việc tái sản xuất các giai cấp. Kanter [theo Robinson & Garnier, 1986] cho rằng lý thuyết vốn văn hoá không có khả năng giải thích hiện tượng này, và họ kết luận rằng khó sử dụng vốn văn hoá cho việc tìm hiểu quá trình tái sản sinh giai cấp. Tuy nhiên trong thực tế Bourdieu đã thừa nhận tầm quan trọng của giới. Nhưng điểm yếu trong lý thuyết của ông là ở chỗ ông đã không khai thác lĩnh vực này trong các công trình nghiên cứu cụ thể của mình.

6. Vốn biểu tượng Bourdieu coi vốn biểu tượng (chẳng hạn như uy tín, danh dự, tiếng nói) là một nguồn quyết định của quyền lực. Vốn biểu tượng là bất cứ loại vốn nào được nhận thức thông qua các sơ đồ phân loại đã trở thành  dấu ấn xã hội. Khi một người có một nguồn vốn biểu tượng sử dụng quyền lực đối với một người có ít quyền lực hơn, và vì vậy mà tìm cách làm biến đổi các hành động của họ, thì như vậy có nghĩa là người đó đã thực hiện một loại bạo lực tượng trưng. Bạo lực tượng trưng về cơ bản là sự áp đặt các loại tư duy và hành động phụ thuộc vào các tác nhân xã hội thống trị là những kẻ có khả năng buộc người khác phải thừa nhận trật tự xã hội hiện hành là chính đáng. Nó là sự tổng hợp của những cấu trúc không cần tư duy, mà chỉ cần duy trì lâu dài các cấu trúc hành động của kẻ thống trị, buộc kẻ bị trị phải chấp nhận vị thế của họ là “phải” như vậy. Bạo lực tượng trưng theo một nghĩa nào đó còn mạnh hơn cả bạo lực vật thể trong đó có rất nhiều mô thức hành động và các cấu trúc nhận thức của các cá nhân, và áp đặt nhãn quan về tính chính đáng của trật tự xã hội. Trong các công trình lý thuyết của mình, Bourdieu đã khai thác một số thuật ngữ kinh tế học để phân tích các quá trình tái sản xuất văn hoá và xã hội, trong đó các loại hình vốn khác nhau có khuynh hướng được trao truyền từ thế hệ này cho các thế hệ kế tiếp. Đối với Bourdieu, giáo dục thể hiện rất rõ quá trình này. Theo ông, sự thành công về phương diện giáo dục đưa đến hàng loạt hành vi văn hoá bằng cách mở rộng đến các đặc điểm về bề ngoài không mang tính chất học thuật như phong thái hoặc giọng nói chẳng hạn. Con cái các gia đình đặc quyền học được các hành vi đó vì chúng có những người thầy. Con cái các gia đình thiệt thòi không có được những hành vi đó. Vì vậy con cái của các gia đình có đặc quyền dễ  hiện thực hoá các mô thức mà người thầy mong đợi ở chúng; và chúng trở nên là “con nhà lành” (docile). Con cái các gia đình không có đặc quyền thì khó mà thể hiện được các thách thức trong cuộc đời chúng. Nhưng cả hai đều hành xử theo những cách thức mà chúng đã được dạy dỗ. Bourdieu coi sự dễ dàng đó, hoặc khả năng tự nhiên đó như là sản phẩm của một loại lao động xã hội to lớn, chủ yếu là từ phía cha mẹ. Nó trang bị cho con trẻ những thiên hướng hành xử và tư duy đảm bảo cho chúng có thể thành công được trong hệ thống giáo dục của chúng và sau đó có thể tái sản xuất địa vị giai cấp của cha mẹ trong cái hệ thống xã hội rộng lớn hơn mà chúng đang sống.  

Vốn văn hoá (chẳng hạn các năng lực, kỹ năng, phẩm chất) cũng có thể là nguồn gốc của sự hiểu lầm hoặc bạo lực tượng trưng. Vì vậy con cái của giai cấp lao động có thể nhận ra được sự thành công trong giáo dục của những người thuộc giai cấp trung lưu luôn luôn được chính thống hoá bằng cách nhìn nhận những gì là bất bình đẳng giai cấp thay vì lao động nặng nhọc hoặc khả năng “tự nhiên”. Một phần chủ yếu của quá trình này là quá trình chuyển đổi tài sản kinh tế hoặc biểu tượng (chẳng hạn như giọng nói hoặc một khoản tài sản cụ thể) thành vốn văn hoá (chẳng hạn các bằng cấp giáo dục) – một quá trình mà logic môi trường văn hoá gây trở ngại, nhưng không ngăn cản.   

III. Khái niệm bản sắc

Về phương diện xã hội, bản sắc cộng đồng là một thuộc tính được cấu thành và được sáng tạo nên, còn tính cách cộng đồng thì biểu hiện những thuộc tính văn hoá  đã được định hình và bền vững. Vì vậy bản sắc có thuộc tính liên chủ thể (Intersubjectivity). Trong các khoa học xã hội, lý thuyết bản sắc của nhà xã hội học George Herbert Mead [1934] coi bản sắc là phụ thuộc vào việc thừa nhận những bản ngã khác đã đưa tới những dạng nhận thức phức tạp hơn nhiều. Mead cho rằng các bản sắc của các cộng đồng  người phát triển vượt khỏi thoại tích của bản ngã chủ thể, bản ngã khách thể và các bản ngã khái quát hoá khác; là cách “xây dựng một thái độ đối với bản ngã khác”; người ta suy tư để giám sát các bản sắc của cộng đồng mình và thể hiện nó với các cộng đồng khác. 

Nếu toàn bộ bản sắc được tạo ra trong bối cảnh cộng đồng thì người ta thường xem xét các cách thức điều chỉnh và kiểm soát, đặc biệt là vai trò của quyền lực và văn hoá trong quá trình tạo dựng bản sắc. Ngày nay các nhà nước hiện đại đều ra sức can thiệp vào quá trình điều chỉnh và giám sát các bản sắc thông qua các thể chế từ văn học, nghệ thuật, truyền thông, nhà tù đến toà án, từ hệ thống giáo dục đến việc kiểm soát biên giới quốc gia. Hơn nữa các đặc trưng của bản sắc lại gắn liền với sự xuất hiện của nền chính trị bản sắc vùng và dân tộc trong suốt thế kỷ XX. Trong khi các xã hội hiện đại tìm cách kiểm soát bản sắc thì các xã hội truyền thống lại ra sức khẳng định bản sắc như một phương tiện tổ chức và phục hưng cộng đồng. Mặt khác, nhiều phong trào xã hội cũng đã tìm cách khẳng định một bản sắc tuyệt đối được dùng làm phương tiện đấu tranh chính trị. Chính trị bản sắc bao gồm nhiều phong trào và mạng lưới xã hội vùng, có những phong trào đưa ra các vấn đề mang tính phê phán, trong khi đó lại có những phong trào nhằm tái khẳng định các mối gắn kết bền chặt của cộng đồng.

Tác động của các mô hình bản sắc phức tạp hơn do Mead đề xuất đã dẫn tới trào lưu tái định giá tính chất phức tạp của bản sắc vùng. Trong thực tế thì nhiều người vẫn coi khái niệm bản sắc là bao gồm nhiều bản ngã cộng đồng khác nhau, không thể lý giải nó bằng một bản ngã duy nhất được. Các bản ngã hiện đại bao gồm một loạt các biến đổi và đồng nhất hoá về phương diện xã hội và văn hoá đa dạng. Người ta có khuynh hướng cho rằng năng lực xây dựng bản sắc chính là khả năng kể một thoại tích về bản ngã. Hệt như một thoại tích, bản sắc cần phải được kể đi kể lại và phải luôn luôn được tái hệ thống hoá dưới ánh sáng của những nhận thức mới. Nếu các biến đổi xã hội và văn hoá liên quan đến công nghệ và toàn cầu hoá có thể tăng cường năng lực vun trồng thoại tích bản sắc thì nó cũng giúp cho người ta những điều kiện thuận lợi hơn để khẳng định các phiên bản thoại tích chính thống của bản sắc. Việc xuất hiện các phương tiện truyền thông hiện đại cũng góp phần tạo ra các xung đột và các cạnh tranh mới giữa các thoại tích bản sắc vượt khỏi phạm vi một vùng, và một nhà nước dân tộc .

Theo các nhà nghiên cứu văn hoá vùng thì bản sắc vùng được tạo dựng chủ yếu dựa trên ba nhân tố: truyền thống, ký ức văn hoá và di sản. Lâu nay người phương Tây vẫn coi truyền thống là sự chuyển giao các đặc điểm văn hoá được kế thừa thì các nghiên cứu mới đây lại cho rằng truyền thống là một quá trình gia nhập vào sự sáng tạo và tái tạo liên tục. Theo Michael Kammen thì các truyền thống “được sản sinh, nuôi dưỡng và trưởng thành”. Cơ hội đặc biệt giành cho sự sáng tạo truyền thống là những thời kỳ chuyển giao xã hội nhanh chóng khi các nền tảng và các mô thức xã hội cũ bị đổ vỡ thì chính là lúc truyền thống sống dậy, kể cả bằng cách huy động vào các dịch vụ. Truyền thống không đơn giản chỉ là một “quá khứ sống sót”, mà là một lực lượng xã hội mạnh mẽ có thể được sử dụng vào hàng loạt mục đích. Hobsbawn cho rằng cách sử dụng chính đáng nhất xuất hiện khi một nhóm, một giai cấp hoặc một quốc gia khai thác truyền thống bằng cách tìm kiếm tính chính thống của nó về mặt lịch sử. Mặc dù hầu hết các tìm tòi về sự sáng tạo truyền thống đều tập trung ở phạm vi quốc gia, nhưng rõ ràng là các nghiên cứu truyền thống đều có thể hưởng lợi từ cùng một mục đích [Stevenson, N. 2006: 278].

Cần phải khẳng định rằng không thể có được sự phát triển bền vững về kinh tế, xã hội, văn hoá của một vùng nếu vùng đó không có bản sắc vùng, hoặc nếu người ta cố xoá bỏ bản sắc vùng bằng cách này hay cách khác. Cho đến nay đã có hàng trăm định nghĩa về bản sắc, nhưng để có được một cách tiếp cận nhất quán và dễ ứng dụng trong nghiên cứu vùng, chúng tôi muốn đưa ra một quan niệm riêng như sau: Bản sắc của một cộng đồng là sự đồng nhất của tất cả các thành viên trong cộng đồng đó với một hoặc một hệ giá trị thường được biểu hiện bằng một hoặc một hệ biểu tượng được cộng đồng sáng tạo và/hoặc lựa chọn. Thuộc tính đó của bản sắc một mặt  là sợi dây giúp cố kết cộng đồng xã hội vùng làm cho nó trở thành bền vững, mặt khác, trong thế giới toàn cầu hoá và trong nền kinh tế ngày càng phát triển dựa trên tri thức thì chuỗi giá trị (địa phương, vùng, quốc gia) của cộng đồng sẽ ngày càng phụ thuộc vào bản sắc địa phương, vùng, và quốc gia.

IV. Gợi ý sử dụng khái niệm vốn và bản sắc cho nghiên cứu văn hóa – xã hội Tây Nguyên

Chúng ta hoàn toàn có thể sử dụng một cách có phê phán các khái niệm vốn do các tác giả phương Tây đề xuất vào việc nghiên cứu văn hoá xã hội Tây Nguyên vì đây là những công cụ khái niệm có nội hàm xác định, có đối tượng rõ ràng và có cách tiếp cận khoa học. Trước hết nói đến Tây Nguyên là nói đến các nguồn vốn tự nhiên phong phú là đầu vào cho cả các nguồn vồn kinh tế lẫn vốn xã hội, con người, và văn hoá nơi đây. Các trữ lượng của nguồn vốn tự nhiên Tây Nguyên gồm có đất đai, rừng, động thực vật, các loại khoáng sản quí. Các nguồn lưu lượng, đặc biệt là thuỷ văn, là một tài sản vô giá cho công nghiệp thuỷ điện Tây Nguyên. Tuy nhiên các nguồn tạo nên bản sắc và sự độc đáo của Tây Nguyên chính là nguồn vốn xã hội, con người và văn hoá.

Hoàn toàn khác với quan niệm và thực tiễn phương Tây về vai trò của các tác tố cá nhân trong các nguồn vốn xã hội, con người, và văn hoá, các tác tố tạo nên bản sắc Tây Nguyên lại mang tính phi cá nhân, bao gồm các cộng đồng gia đình, dòng họ, buôn làng, tộc thuộc và bản sắc vùng liên tộc người của các mạng lưới xã hội, văn hoá, con người Tây Nguyên. Chính các mạng lưới xã hội tổng thể đó đã được kết nối lại bằng rất nhiều loại hình thể chế, trong đó có 7 loại hình thể chế cơ bản là i) các thể chế kinh tế phục vụ cho sản xuất, phân phối và tiêu dùng các hàng hoá và dịch vụ; ii) các thể chế chính trị điều phối và kiểm soát các đầu vào quyền lực; iii) các thể chế phân tầng xã hội điều phối và kiểm soát các đầu vào uy tín và vị thế xã hội; iv) các thể chế thân tộc kiểm soát các quan hệ gắn bó trực hệ, bàng hệ xã hội; v) các thể chế hôn nhân điều phối và kiểm soát các mạng lưới kết giao xã hội và quyền lực; vi) các thể chế gia đình điều phối và kiểm soát kinh tế hộ và tái sinh sản; vii) các thể chế văn hoá điều phối và kiểm soát các quá trình xã hội hoá của cá nhân và cộng đồng; viii) các thể chế tôn giáo điều phối và kiểm soát định hướng tương lai và quá trình ra các quyết định sống còn của cộng đồng; ix) các thể chế biểu tượng điều phối và kiểm soát sự cố kết và đồng nhất hoá của cộng đồng thành những bản sắc phân biệt với phần thế giới còn lại.  

Vậy là trong khi khái niệm vốn xã hội, văn hoá và con người phương Tây gắn liền với năng lực, phẩm chất, các quyền và hành động tạo thành tiểu văn hoá của các cá nhân để khẳng định vai trò quyết định của cá nhân đối với tiến bộ xã hội thì ngược lại các khái niệm vốn xã hội, vốn văn hoá và vốn con người Tây Nguyên lại gắn liền với năng lực, phẩm chất, các quyền và các hành động tạo thành tiểu văn hoá – văn hoá của các cộng đồng gia đình, dòng họ, buôn làng, tộc người và liên tộc người (hoặc vùng). Chính đặc trưng này đã làm cho nội hàm các loại vốn xã hội, vốn văn hoá, và vốn con người của Tây Nguyên phân biệt hoàn toàn với nội hàm của các loại vốn trên trong quan niệm và thực tiễn phương Tây. Đó chính là lý do tại sao các xã hội phương Tây hiện đại thường không chấp nhận khái niệm bản sắc cộng đồng, bản sắc tộc người, bản sắc dân tộc, và chính trị học phương Tây hiện đại là loại chính trị học phản bản sắc. Xuất phát từ quan niệm phổ biến trên các lý thuyết xã hội phương Tây hiện đại thường phê phán trào lưu vùng về phương diện văn hoá và coi đó là quá trình tái sinh tinh thần bộ lạc trong xã hội hiện đại [Popper K. 1957, 2005]. Nhưng chính “tinh thần bộ lạc” đó lại là những kết tinh thành các nguồn vốn xã hội, văn hoá và con người Tây Nguyên qua hàng ngàn năm lịch sử.

Tài liệu tham khảo

Becker Gary S. 1964, 1993, (3rd ed.). Human Capital: A Theoretical and Empirical Analysis, with Special Reference to Education.. Chicago, University of Chicago Press.
Bourdieu Pierre 1980. L’identité et la représentation. Éléments pour une réflexion critique sur l’idée de région. Actes de la recherché en Scienes sociales, 35(nov.) pp. 63-72.
Bourdieu, Pierre. 1983. Ökonomisches Kapital, kulturelles Kapital, soziales Kapital. In Soziale Ungleichheiten (Soziale Welt, Sonderheft 2), edited by Reinhard Kreckel. Goettingen: Otto Schartz & Co. pp. 183-98.
De Graaf, N., De Graaf, P., & Kraaykamp, G., 2000. Parental cultural capital and educational attainment in the Netherlands: a refinement of the cultural capital perspective. In Sociology of Education, v.73, i.2, pp.92-11
Dolby, N., 2000. Race, National, State: Multiculturalism in Australia. In Arena Magazine, v.45, pp.48-51
Dumais, S., 2002. Cultural Capital, Gender, and School Success: the role of habitus. In Sociology of Education, v.75, i.1, pp.44-68
Emirbayer, M., & Williams, E., 2005. Bourdieu and Social Work. In Social Service Review, v.79, i.4 p689-725
Emmison, M., & Frow, J., 1998. Information Technology as Cultural Capital. In Australian Universities Review, Issue 1/1998, p.41-45
Fukuyama, Francis 1999. Social Capital and Civil Society. The Institute of Public Policy; George Mason University; October 1, 1999 Prepared for delivery at the IMF Conference on Second Generation Reforms.
Gorder, K., 1980. Understanding School Knowledge: a critical appraisal of Basil Bernstein and Pierre Bourdieu. In Robbins, D., 2000. Pierre Bourdieu Volume II, Sage Publications, London, pp.218-233
Harker, R., 1990. Education and Cultural Capital. In Harker, R., Mahar, C., & Wilkes, C., (eds) 1990. An Introduction to the Work of Pierre Bourdieu: the practice of theory, Macmillan Press, London
Kalmijn, M., & Kraaykamp, G., 1996. Race, cultural capital, and schooling: An analysis of trends in the United States. In Sociology of Education, v.69, i.1, pp.22-34
King, A., 2005. Structure and Agency. In Harrington, A., (ed) 2005. Modern Social Theory: an introduction, Oxford University Press, Oxford, pp.215-232
Kingston, P., 2001. The Uunfulfilled Promise of Cultural Capital Theory. In Sociology of Education, Extra Issue, pp.88-99
Martin, B., & Szelenyi, I., 1987. Beyond Cultural Capital: toward a theory of symbolic domination. In Robbins, D., (ed) 2000. Pierre Bourdieu Volume I, Sage Publications, London, pp.278-302.
Mead, George Herbert 1934. Mind, Self, and Society. Chicago: The University of Chicago Press.
Mincer J. 1958. Investment in Human Capital and Personal Income Distribution. In The Journal of Political Economy in 1958.
Pigou, A. C. 1928. A Study in Public Finance, Macmillan, London, p. 29.
Popper, Karl 1957, 2005. The Poverty of Historicism. Routledge & Kegan Paul 1957, 2005.  
Portes, A. 1998. Social Capital: its origins and applications in modern sociology.  In Annual Review of Sociology, 24, 1-24.
Putnam, Robert 2000. Bowling Alone: The Collapse and Revival of American Community. Simon and Schuster.
Robbins, D., 1991. The Work of Pierre Bourdieu: recognising society, Open University Press, Buckingham
Robinson, R., & Garnier, M., 1986. Class Reproduction among Men and Women in France: reproduction theory on its home ground. In Robbins, D., (ed) 2000. Pierre Bourdieu Volume I, Sage Publications, London, pp.144-153
Stanton-Salazar, R. & Dornbusch, S., 1995. Social Capital and the Reproduction of Inequality: information networks among Mexican-origin high school students. In Sociology of Education (Albany), v.68, i.2
Steveson, Nick 2005. Identity. In The Cambridge Dictionary of Sociology. Edited by Bryan S. Turner. Cambridge University Press, Cambridge, New York, Melbourne, Madrid, Cape Town, Singapore, Sao Paolo. Cambridge University Press. The Edinburgh Building, Cambridge CB2 2RU, UK. Printed in the United States of America by Cambridge University Press, New York.
Webb, J., Schirato, T. & Danaher, G., 2002. Understanding Bourdieu, Sage Publications, London



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét