Powered By Blogger

Thứ Hai, 24 tháng 6, 2019

Phân tích Xã hội Quốc gia Dân tộc Thiểu số và Phát triển ở Việt Nam


Hà Hữu Nga

1. Giới thiệu khái quát

“Chương trình Phân tích Xã hội Quốc gia Việt Nam” (CSA) được Ngân hàng Thế giới thực hiện nhằm xem xét sự phát triển của các dân tộc thiểu số thuộc các vùng miền núi Việt Nam: Miền núi miền Bắc, vùng Trường Sơn và Tây Nguyên dưới các góc độ khả năng tiếp cận với các nguồn tài sản, năng lực phát triển, và tiếng nói của các cộng đồng dân tộc thiểu số (DTTS) thuộc các vùng đó trong quá trình phát triển. Về tổng thể, mặc dù Việt Nam được đánh giá là thành công về phương diện kinh tế, nhưng các DTTS vẫn còn tụt hậu rất xa: khoảng 75% người DTTS rơi vào dưới chuẩn nghèo quốc tế so với 31 % người Kinh, là dân tộc đa số. Tình trạng đó của các nhóm DTTS được mô tả là “những tác động đan xen của tình trạng biệt lập. Nghèo đói, không có quyền lực, dễ bị tổn thương, và tình trạng yếu đuối về thể lực từ lâu vẫn được coi là điển hình của cái bẫy nghèo đói”. Trong bối cảnh đó, đề tài Phân tích Xã hội Quốc gia sẽ xem xét tại sao các dân tộc thiểu số vẫn cứ tiếp tục phải chịu tình trạng đứng bên lề phát triển kinh tế – xã hội, so với các nhóm dân tộc đa số như người Kinh, mặc dù chính phủ đã tìm nhiều cách để đưa họ gia nhập vào quá trình phát triển thông qua các chương trình mục tiêu và các chính sách khách nhau. Thông qua việc xem xét những vấn đề này, đề tài Phân tích Xã hội Quốc gia muốn đưa đến một chính sách khả thi và những phương thức thao tác cho Ngân hàng Thế giới và các đối tác của Ngân hàng nhằm đưa các nhóm DTTS Việt Nam gia nhập vào quá trình phát triển”. [EASSD 2006]

Với những mục tiêu như vậy, Nhóm công tác của Chương trình đã tuyển tác giả làm Chuyên gia Phát triển DTTS và Miền núi tham gia vào nhóm nghiên cứu. Dưới đây là Điều khoản giao việc (ToR) cho Chuyên gia Phát triển DTTS và Miền núi của đề tài.

TOR cho Chuyên gia Dân tộc Thiểu số và Phát triển Miền núi

Chuyên gia Dân tộc Thiểu số và Phát triển Miền núi cần thực hiện các nhiệm vụ sau:

a) Góp phần đánh giá lại các tư liệu đã có: Việc đánh giá lại tư liệu được tiến hành bằng cách phân tích những tư liệu nghiên cứu hiện hành và các loại tư liệu khác về các DTTS ở VN. Chuyên gia cần phải viết một tổng quan khoảng 10 – 15 trang về công việc đã được tiến hành về các chiến lược phát triển miền núi Việt Nam, đặc biệt là ở vùng DTTS. Việc rà soát ấy bao gồm các công trình đã có về: các chính sách phát triển miền núi (chẳng hạn Nghị quyết 22 cho Tây Nguyên…vv) và tác động của chúng đối với các cộng đồng miền núi; sự thâm nhập của thị trường và việc tiếp cận thị trường ở các vùng núi, đặc biệt là đối với người DTTS; các hàng hóa chủ chốt ở vùng núi và vai trò của người DTTS trong việc sản xuất các hàng hóa cho thị trường (nông nghiệp, lâm nghiệp hoặc các sản phẩm chăn nuôi); sự triển khai và thực hiện các chương trình giảm nghèo ở vùng núi, đặc biệt là các chính sách HEPR và P135; và tác động của các chính sách quốc gia liên quan đến việc cho thuê đất ở vùng núi (đặc biệt là Nghị quyết 134 của thủ tướng; Cải cách Lâm trường Quốc doanh; Xem xét lại Luật quản lý Lâm nghiệp 2004; …vv) về các khuynh hướng phát triển chung ở miền núi

b) Tham gia nghiên cứu thực địa: Với tư cách là thành viên của nhóm thực địa chuyên gia tư vấn phải tiến hành các nghiên cứu thực địa nhân học cấp buôn làng trong ba vùng, tập trung vào các vấn đề phát triển, bằng cách sử dụng các kỹ thuật nghiên cứu thực địa định tính. Các cách tiếp cận định tính sẽ bao gồm phỏng vấn bán cấu trúc với các thông tin viên chủ chốt, các thông tin viên đại diện và các nhóm, tập trung vào việc thảo luận nhóm, và quan sát tham gia. Các đề tài chủ yếu mà chuyên gia tư vấn phải xác định trong nghiên cứu định tính gồm có: lịch sử kinh tế và xã hội của các DTTS được nghiên cứu; những biến đổi xã hội và những biến đổi phát triển kinh tế tác động đến quyền về đất đai (chẳng hạn các thể chế, các niềm tin tôn giáo, niềm tin văn hóa, tổ chức gia đình, tổ chức nhóm và buôn làng) tác động đến vị thế kinh tế – xã hội của các nhóm DTTS khác nhau; việc tiếp cận với các dịch vụ phát triển và các chính sách/chương trình giảm nghèo của các DTTS khác nhau; và những khác biệt nội nhóm và giữa các nhóm DTTS về vấn đề họ thích ứng như thế nào và bị tác động ra sao với và bởi các chính sách giảm nghèo.

c). Viết một báo cáo cuối cùng sau thực địa về các khuynh hướng phát triển vùng núi và vùng DTTS: Báo cáo này nên dựa vào công việc thực địa và việc đánh giá tư liệu và tìm cách trả lời các câu hỏi chính sau: i) Tại sao các vùng núi của người DTTS thường có tỷ lệ phát triển kinh tế thấp hơn các vùng đồng bằng? ii) Những hạng mục nào đo lường mức độ phát triển khác nhau trong các nhóm DTTS ở các vùng núi có cùng một điều kiện địa lý? iii) Những gì cản trở công việc giảm nghèo ở các vùng cao và ở các DTTS (chẳng hạn như mức độ và tính chất phù hợp của các chính sách, sự tham gia của người DTTS vào các quyết định phát triển, vv). Những thay đổi chính sách nào có thể cần thiết để cải thiện sự tiếp cận của người DTTS với các chương trình giảm nghèo trong tương lai?

Báo cáo cần xem xét các vấn đề chẳng hạn như: i) Mục tiêu về chất lượng và số lượng của tính bao trùm của các chương trình giảm nghèo chẳng hạn như HERPR và P135 ở các khu vực được nghiên cứu; ii) Vai trò của các khuynh hướng phát triển vùng trong ba vùng núi được nghiên cứu (Vùng núi phía Bắc, Tây Nguyên, và vùng Trường Sơn); iii) Những khác biệt trong các chính sách phát triển người DTTS ở các tỉnh khác nhau (chẳng hạn như các tỉnh có tỷ lệ người DTTS cao so với các tỉnh có tỷ lệ thấp); iv) Sự tiếp cận với các tài sản vật chất và xã hội ở người DTTS vùng núi và vai trò của sự tham gia cá nhân và cộng đồng vào các chính sách phát triển của các xã, huyện và tỉnh; và v) Những trở ngại chính cho sự phát triển kinh tế trong tương lai ở các vùng DTTS được nghiên cứu.

Các cơ sở dữ liệu để xây dựng báo cáo: Cơ sở dữ liệu chủ yếu để tác giả xây dựng báo cáo trước hết là nguồn tư liệu thứ cấp thu thập được từ các cấp chính quyền huyện, xã trong đợt thực địa Đắc Lắc vào tháng 7/2006. Đặc biệt Ban Dân tộc tỉnh đã tổ chức một cuộc hội thảo về vấn đề Dân tộc thiểu số và Phát triển vào ngày 21/7/2006 tại thành phố Buôn Ma Thuột để cung cấp tư liệu và các đánh giá của các ban ngành thuộc tỉnh về sự phát triển DTTS ở địa phương. Thành phần tham gia cuộc hội thảo này gồm có đại diện của các Sở, Ban, Ngành trực thuộc UBND tỉnh Đak Lak: i) Ban Dân tộc tỉnh; ii) Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; iii) Sở Giáo dục; iv) Hội Phụ nữ Tỉnh; v) Sở Lao động Thương binh Xã hội; vi) Ngân hàng Chính sách; vii) Sở Tài nguyên Môi trường; viii) Sở Y tế; ix) Sở Văn hóa Thông tin.

Ngoài ra lãnh đạo UBND huyện Krông Buk và huyện Lak cũng cung cấp cho nhóm nghiên cứu một số tư liệu khái quát về tình hình kinh tế – xã hội của huyện. UBND xã Ia Siêng huyện Krông Buk và xã Đak Phơi huyện Lak cũng cung cấp cho nhóm nghiên cứu, trong đó có tác giả của báo cáo này, một số báo cáo tổng kết năm của UBND hai xã trên. Tuy nhiên nguồn tư liệu chủ yếu giúp cho việc xây dựng báo cáo này chính là các tư liệu do tác giả thu thập được trong đợt thực địa từ 11/7 – 22/7/2006 tại xã Ia Siêng huyện Krông Buk và xã Đak Phơi huyện Lak. Phương pháp thu thập tư liệu bao gồm: 1) Quan sát tham gia; 2) Phỏng vấn bằng bảng hỏi; 3) Thảo luận nhóm tập trung; 4) Hội thảo tham gia với người dân tộc thiểu số có liên quan thuộc hai xã trên; 5) Ngoài ra tác giả còn tiến hành một số cuộc phỏng vấn sâu đối với những người có khả năng cung cấp nhiều thông tin nhất về các vấn đề có liên quan ở thực địa, đó là: i) Các già làng; ii) Các trưởng buôn làng; iii) Những người Kinh sống cùng người dân tộc thiểu số trong các buôn làng. Phần lớn những người này làm các dịch vụ với người dân tộc thiểu số: như xay xát, thu mua nông sản, cung cấp tín dụng bằng cách cho vay nặng lãi, trả bằng nông sản, cung cấp các nhu yếu phẩm thiết yếu bằng cách đổi lấy nông sản…vv. Những kết quả thu được từ các đợt thực địa Hà Giang, Quảng Trị của các đồng nghiệp trong đội nghiên cứu cũng là những nguồn so sánh, đối chiếu và tham khảo quan trọng. Bên cạnh đó còn phải kể đến hàng lọat công trình của các nhà nghiên cứu nhân học, nông học, môi trường, xã hội học…vv trong nước và ngoài nước về các vùng miền núi và DTTS; còn phải kể đến rất nhiều chính sách, chiến lược, nghị quyết, chương trình của Đảng và các cấp nhà nước trung ương và địa phương nhằm phát triển các vùng có liên quan. Nguồn tài liệu này đã được thống kê trong “Báo cáo tổng quan về các chiến lược phát triển DTTS” của tác giả.

Nguồn tư liệu cuối cùng tác giả dựa vào để xây dựng báo cáo, đó là các tư liệu, các kiến thức, và kinh nghiệm mà bản thân tác giả có được qua nhiều năm làm chuyên gia phát triển DTTS tại Tây Nam Bộ (Sóc Trăng, Trà Vinh, Kiên Giang), Tây Nguyên (Lâm Đồng, Đak Nông, Đak Lak, Gia Lai, Kon Tum), miền Trung (Khánh Hòa, Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa) và các tỉnh miền Bắc Việt Nam (Lạng Sơn, Bắc Giang, Hòa Bình, Lào Cai, Sơn La, Phú Thọ, Yên Bái, Điện Biên, Lai Châu) cho các dự án: 1) Dự án “Đa dạng hóa nông nghiệp” do World Bank cho vay vốn; 2) Dự án “Giảm nghèo Miền Trung”, gói thầu Kon Tum, do ADB và DEFID cho vay vốn; 3) Dự án “Giảm nghèo các tỉnh miền núi Phía Bắc” do WB và DEFID cho vay vốn, 4) Dự án “Phát triển rừng thương mại”...vv.

2. Nội dung Báo cáo

2.1. Tại sao mức độ phát triển kinh tế ở người DTTS thấp?

Đây là một câu hỏi không hề đơn giản và nó cần phải được trả lời từ nhiều góc độ, như lịch sử, địa lý, kinh tế, xã hội, chính trị, văn hóa, môi trường, thể chế, chính sách, khả năng tiếp cận các nguồn lực, và đặc biệt là năng lực tham gia vào quá trình phát triển của bản thân người DTTS tại các vùng đó.

Trước hết, về phương diện địa lý và lịch sử: So với nhóm đa số là người Kinh (Việt), hầu hết các nhóm DTTS ở Việt Nam (trừ người Hoa, người Champa, người Khmer) đều có lịch sử phát triển muộn hơn hoặc bất lợi hơn. Trong lịch sử phát triển của mình, các nhóm người đó chưa bao giờ tự tổ chức được cộng đồng dưới bất cứ một hình thức nhà nước nào như người Hoa, người Chămpa, người Khmer hoặc người Việt đã từng làm. Cá biệt, ở miền Bắc có một vài dân tộc như người H’mong, người Dao đã bị người Hán xua đuổi khỏi vùng đất gốc của mình để rồi họ phải phiêu bạt đến các vùng đất đã có các tộc người khác (Việt, Tày, Thái, Mường, Nùng…) cư trú. Không còn các thung lũng phì nhiêu thuận lợi cho giao thông, thương mại và phát triển nông nghiệp, họ phải sống biệt lập trên các vùng núi cao từ 600 met đến 2000 met so với mặt biển. Tại miền Trung, các cuộc chiến giữa các triều đại quân chủ từ thời tiền Lê (thế kỷ XI) cho đến thời Trịnh- Nguyễn (thế kỷ XVIII) với vương quốc Chămpa đã biến vùng đất này trở thành một bộ phận của Việt Nam, và người Chămpa trở thành một DTTS trong cộng đồng đa sắc tộc Việt Nam.

Về phương diện xã hội, chính trị và văn hóa: Trong suốt hàng nghìn năm, cho đến trước cuộc cách mạng tháng Tám năm 1945, các cộng đồng DTTS sống trên dải Trường Sơn - Tây Nguyên (người Bahnar, Brâu, Bru-Vân Kiều, Êđê, Giẻ - Triêng, Hrê, Jarai, Kơ Tu, Mạ, Mnông, Raglay, Sê Đăng…vv) luôn bị các nhà nước quân chủ, kể cả Chămpa và Việt Nam coi là “man di mọi rợ”, chưa được ánh sáng văn minh soi rọi tới. Về cơ bản, đó là các cộng đồng nhỏ tụ cư thành từng buôn làng, dân số từ vài chục đến vài trăm người theo chế độ mẫu hệ (matriarchal) hoặc song hệ (bilateral), do một người phụ nữ đứng đầu (đối với xã hội mẫu hệ); do một trưởng làng thay mặt hội đồng già làng đứng đầu (đối với xã hội song hệ). Đó là các cộng đồng chủ yếu theo tín ngưỡng vật linh (animism), không có khả năng tập hợp thành một ý thức hệ tư tưởng thống nhất nhằm tập hợp cộng đồng vào những cấp độ xã hội cao hơn. Vì vậy Hội đồng già làng đã trở thành thiết chế chủ đạo điều hành loại hình xã hội này. Cơ sở của thiết chế hội đồng già làng là kinh nghiệm và luật tục. Thiết chế đó còn được củng cố bởi các sợi dây liên kết tạo thành sự đồng thuận cộng đồng thông qua các hình thức lễ hội mang tín ngưỡng vật linh linh như cúng thần nước, thần lúa, thần rừng, thần đất, thần đá, thần nhà rông…vv.

Về phương diện kinh tế: Đối với các DTTS miền núi phía Bắc cho đến trước phong trào hợp tác hóa vào cuối những năm 50 đầu những năm 60 của thế kỷ XX; đối với các DTTS vùng Trường Sơn – Tây Nguyên cho đến trước cuộc cải cách điền địa miền Nam dưới thời Ngô Đình Diệm (cũng vào cuối những năm 50 đầu những năm 60 của thế kỷ XX), và đặc biệt là trước cuộc thống nhất đất nước năm 1975, về cơ bản các cộng đồng DTTS đều sống bằng nền kinh tế tự cấp tự túc dựa vào nền nông nghiệp nương rẫy (Trường Sơn – Tây Nguyên), và nương rẫy kết hợp với lúa nước (miền Bắc Việt Nam), nhằm đáp ứng nhu cầu tối thiểu của cuộc sống là ăn và mặc. Tuy thế, người dân vẫn thiếu ăn (trung bình từ 4 đến 8 tháng/năm), thiếu mặc quanh năm suốt tháng vì nền sản xuất năng suất quá thấp, vì chiến tranh, vì các khoản đóng góp sức người, và của cải cho các cấp chính quyền nhà nước.

Về thể chế, chính sách, khả năng tiếp cận với các nguồn lực và năng lực tham gia của người dân: Những nguyên nhân cụ thể của nghèo đói luôn luôn được nhìn nhận từ các góc độ thể chế, chính sách, khả năng tiếp cận với các nguồn lực và năng lực tham gia của người dân. Một công trình nghiên cứu về nghèo đói đã thống kê các quan niệm về nguyên nhân nghèo tại tỉnh Đak Lak từ chính người nghèo. Họ cho rằng họ nghèo vì: i) các thị trường yếu tố và các sản phẩm kém phát triển; ii) cơ sở hạ tầng yếu kém, đặc biệt là hệ thống thủy lợi và đường xá; iii) các chính sách và chương trình của chính phủ ở cấp địa phương kém hiệu quả; iv) thiếu tính minh bạch, trách nhiệm, thiếu sự tham gia của người dân dẫn đến tham nhũng; v) chính quyền cơ sở yếu kém, thiếu năng lực; học vấn của người dân thấp, không có khả năng áp dụng các công nghệ canh tác; vi) thiếu đất; vii) thiếu vốn; viii) di dân tự do; ix) sức khỏe kém và thiếu sức lao động; x) khí hậu khắc nghiệt và hạn hán [Hội nghị Tư vấn các nhà tài trợ Việt Nam, 2003: 24]. Còn chính quyền địa phương thì cho rằng nguyên nhân nghèo khổ của người DTTS bản địa là: i) thiếu vốn; ii) thiếu đất; iii) nhiều người cần hỗ trợ; iv) thiếu kinh nghiệm và không có khả năng và năng lực để áp dụng những kỹ thuật canh tác mới; v) thất bại trong đầu tư, các rủi ro trong nông nghiệp (giá cà phê giảm); vi) sức khỏe kém, tàn tật và trở nên già yếu; vii) thiếu lao động; viii) bị mắc các bệnh xã hội và tính lười biếng; ix) điều kiện địa lý khắc nghiệt: hạn hán, lũ lụt [Hội nghị Tư vấn các nhà tài trợ Việt Nam, 2003: 24].

Bảy năm trước đây, vào năm 1999, trong “Báo cáo về thực trạng đời sống đồng bào dân tộc bản địa của tỉnh” Đak Lak, UBND tỉnh đã nhận định về nguyên nhân đói nghèo của người Êđê và M’nông như sau: “khu vực II và III chủ yếu là trồng cây lương thực. Tuy nhiên do điều kiện kỹ thuật trồng, chăm bón chưa được đảm bảo, năng suất còn thấp, chỉ bằng 50% mức thu ở khu vực I. Tổng số hộ nghèo đói còn chiếm tỷ lệ cao hơn 40%”. Bên cạnh đó là các nguyên nhân khác, chẳng hạn như: phân hóa giàu nghèo, một số hộ quá thiếu đất canh tác, người dân chưa tận dụng được nguồn vốn vay của ngân hàng, thường vay của tư nhân với lãi suất quá cao nên bị thất thoát, nợ nần nhiều. Việc chi tiêu trong các gia đình dân tộc thiểu số thường không có kế hoạch, bình quân nhân khẩu trong mỗi gia đình cao, tư tưởng trông chờ vào trợ cấp nhà nước còn phổ biến…[Hội đồng Nhân dân tỉnh Đak Lak 1999: 18-19]. Trong khi đó, theo báo cáo của Ngân hàng Chính sách Xã hội, Chi nhánh tỉnh Đak Lak thì “Hiện nay nhà nước không có chính sách tín dụng giành riêng cho đồng bào DTTS mà tất cả đều thực hiện theo chính sách tín dụng đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách theo nghị định 78/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2002 của Chính phủ…Số nợ quá hạn của người DTTS tập trung chủ yếu là nợ trước năm 2000, khả năng thu hồi thấp. Nguyên nhân chủ yếu là hộ nghèo sử dụng vốn không có hiệu quả, trong quá trình sản xuất gặp thiên tai không khắc phục được, mức vay bình quân 4 triệu đồng/hộ, thời hạn vay tối đa là 5 năm” [Ngân hàng Chính sách Xã hội, Chi nhánh tỉnh Đak Lak, 2006: Phần phụ lục: “Một số ý kiến tham luận”].

Trong cuộc hội thảo tại Ban Dân tộc tỉnh Đak Lak ngày 21/7/2006, báo cáo của đại diện Cơ quan thường trực khu vực Tây Nguyên của Uỷ ban Dân tộc đánh giá thực trạng nghèo đói của người dân tộc thiểu số địa phương là: “Du canh du cư, tập quán sản xuất lạc hậu chủ yếu đốt rừng làm rẫy, sản xuất mang tính tự cung tự cấp, chưa có sản phẩm hàng hóa; sử dụng giống cây trồng truyền thống địa phương, trình độ canh tác giản đơn, không có vốn, không có kiến thức kỹ thuật sản xuất, cả về kiến thức phòng chống bệnh tật; tự ty, bằng lòng với cuộc sống đang có; đói nghèo, ốm đau bệnh tật chiếm tỷ lệ cao…” [Nguyễn Xuân Đức 2006: 2]. Báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh cho biết số hộ nghèo của toàn tỉnh là 47.243 hộ, chiếm 27.55%, trong đó số hộ dân tộc thiểu số chiếm 52.35% tổng số hộ nghèo [Ban Dân tộc tỉnh Đak Lak, 2006: 1]. Phân tích nguyên nhân nghèo của người dân tộc thiểu số từ góc độ nguồn nhân lực, Sở Lao động Thương binh Xã hội tỉnh Đak Lak nhận định: “do chất lượng nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế, một tỷ lệ lớn (khoảng trên 80%) lao động là người DTTS chưa qua đào tạo kỹ năng lao động, chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất công nghiệp, tâm lý và ý thức về kỷ luật lao động thấp, phong tục tập quán có mặt lạc hậu. Đó là những nguyên nhân chính làm cho lao động là người DTTS ít có cơ hội tìm kiếm được việc làm so với lao động là người Kinh” [Sở Lao động Thương binh Xã hội tỉnh Đak Lak, 2006: 2]. Nhìn nhận nghèo đói từ góc độ tiếp cận nguồn tài nguyên đất đai, Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: số hộ DTTS có nhu cầu đất sản xuất “còn phải tiếp tục giải quyết là 10.435 hộ với diện tích là 4.038,99ha” [Sở Tài nguyên và Môi trường Đak Lak 2006: 2]. Nhìn nhận nguyên nhân nghèo đói từ góc độ giáo dục, Sở Giáo dục Đào tạo Đak Lak khẳng định: “DTTS ở Đak Lak từ trước đến nay vẫn còn chịu ảnh hưởng phong tục tập quán du canh du cư, dễ làm, khó bỏ. Họ ít kiên trì nhẫn nại (ảnh hưởng đến việc học tập rất lớn), ngôn ngữ của đồng bào DTTS chưa thực sự phát triển, chưa đủ khả năng để diễn tả những khía cạnh sâu kín trong tâm hồn con người. Và đặc biệt là phải vay mượn rất nhiều các từ ngữ chính trị, khoa học kỹ thuật…của người Kinh để diễn đạt” [Văn phòng Sở Giáo dục Đào tạo Đak Lak, 2006: 4]. Đánh giá về hiện trạng thanh niên DTTS Đak Lak, Ban chấp hành Đoàn thanh niên Cộng sản Đak Lak nhận thấy: “Hiện nay một bộ phận thanh niên DTTS còn thiếu ý thức, thiếu tu dưỡng, rèn luyện về đạo đức, chạy theo lối sống thực dụng, bị chi phối bởi tác động của mặt trái cơ chế thị trường, sa ngã vào các tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức. Ngoài ra một bộ phận thanh niên DTTS do trình độ dân trí thấp nên đã bị bọn phản động lôi kéo, dụ dỗ, kích động tham gia biểu tình, bạo lọan chính trị, vượt biên trái phép…” [Ban chấp hành tỉnh Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Đak Lak, 2006: 2]

Tuy nhiên, ngoài các nguyên nhân như các báo cáo tại cuộc hội thảo ngày 21/7/2006 tại Ban Dân tộc tỉnh Đak Lak đã nêu, thông qua các nghiên cứu trường hợp cũng tại Đak Lak là chính, báo cáo này sẽ xem xét và bổ sung những nguyên nhân khác có liên quan nhằm trả lời câu hỏi: tại sao người DTTS sống ở vùng núi thường có tỷ lệ phát triển kinh tế thấp hơn các vùng đồng bằng?. Trước hết, để góp phần làm sáng tỏ câu hỏi này, trong đợt thực địa tại Buôn Jiê Yuk, xã Đak Phơi, huyện Lak, tỉnh Đak Lak chúng tôi đã hỏi chuyện gia đình người Kinh là anh Phạm Văn T. (sinh năm 1980) và vợ là chị Nguyễn Thị H. (sinh năm 1980): Tại sao anh chị và 10 gia đình người Kinh khác sống tại các buôn Bu Juk, Du Mah, Jiê Yuk, và Liêng Keh lại rời bỏ vùng đồng bằng ven biển Quảng Ngãi thuận lợi hơn nhiều để lên vùng rừng núi hẻo lánh này sinh sống? Chị H. cho biết họ rời bỏ quê cha đất tổ để định cư tại các buôn làng thuộc xã Đak Phơi, huyện Lak, tỉnh Đak Lak vì ở đây dễ làm ăn hơn nhiều. Theo chị H. dễ làm ăn bao gồm: in) Mua, xin, mượn hoặc thuê lại đất của người dân tộc thiểu số M’nông nơi đây để phát triển sản xuất, chủ yếu là trồng ngô lai; ii) Thu mua các loại nông sản của người M’nông địa phương để bán lại cho các đại lý nông sản ngoài thị trấn Lak. Nguồn nông sản chính là ngô lai, cà phê, và hạt điều, trong đó nguồn lợi to lớn nhất là ngô lai; iii) Trao đổi các mặt hàng thiết yếu, loại giá rẻ như muối, nước mắm, dầu thắp, bột ngọt, kẹo, đường, quần áo, giày dép trẻ em, đồ dùng học tập cho trẻ…vv để đổi lấy các loại nông sản như lúa, gạo, và đặc biệt là ngô để tích trữ đem bán lại cho các đại lý hoặc dùng để chăn nuôi gia súc, chủ yếu là lợn; iv) Trao đổi với người dân tộc thiểu số các mặt hàng xa xỉ giá rẻ như xe máy, TV, đầu đĩa hình, máy quay băng Trung Quốc để lấy lúa hoặc các nông sản khác như cà phê, hạt điều, đặc biệt là ngô với một tỷ lệ lãi rất cao; v) Cung cấp tín dụng bằng cách cho vay nặng lãi nhưng không lấy tiền mà đợi đến mùa thu hoạch lấy lãi bằng nông sản với tỷ lệ rất cao rồi đem bán lại cho các đại lý nông sản ngoài thị trấn; vi) Cung cấp cho người M’nông bản địa những vật tư nông nghiệp như cây con giống, phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, nông cụ, máy móc cơ khí nhưng không nhận tiền mặt mà đợi đến mùa thu hoạch lấy lãi bằng nông sản rồi đem bán lại cho các đại lý nông sản ngoài thị trấn; vii) Cung cấp cho người M’nông bản địa các dịch vụ chế biến nông sản như xấy khô cà phê, tách hạt ngô, xay xát lúa nhưng không thu bằng tiền mặt mà thu bằng nông sản với tỷ lệ cao dùng để chăn nuôi hoặc tích trữ bán cho các đại lý nông sản ngoài thị trấn; viii) Cung cấp cho người DTTS ba loại hàng hóa không thể thiếu được trong cuộc sống hàng ngày của mọi gia đình là gạo, rượu, thuốc lá và cá khô, nhưng không nhận tiền mặt mà ghi nợ để lấy lãi cao bằng cách thu nông sản trừ nợ vào mùa thu hoạch.

2.2. Những trở ngại chính cho sự phát triển kinh tế trong các vùng DTTS

Khi được hỏi về tình trạng kinh tế của 11 hộ gia đình người Kinh lúc bắt đầu lập nghiệp tại các buôn Bu Juk, Du Mah, Jiê Yuk, và Liêng Keh ở xã Đak Phơi (huyện Lak, tỉnh Đak Lak), chị H. trả lời một cách đơn giản: “Tay trắng”. Chúng tôi đề nghị chị giải thích thêm tay trắng là thế nào? tại sao lại tay trắng?, chị H. cho biết: Cách đây khoảng hơn 10 năm, bà B. quê ở Quảng Ngãi bị chồng ruồng bỏ, theo trai lên đây, sau đó cũng bị người người đàn ông kia bỏ rơi. Xấu hổ không dám quay trở lại quê, bà cất một túp lều ven đường, đặt một cái bàn gãy chân, trao đổi lặt vặt với người M’nông địa phương mấy thứ thuốc lá, rượu rẻ tiền đổi lấy gạo ăn qua ngày. Sau đó bà kiếm được một cái TV và một đầu băng hình rẻ tiền của Trung Quốc, bà ra thị trấn thuê băng về chiếu phim cho người dân tộc thiểu số xem, tổ chức “bán vé”. Mỗi vé lúc đầu bà thu 500 đồng, sau đó 1000 đồng. Người dân tộc thiểu số đến xem rất đông. Ai không có tiền thì bà thu một “bò gạo” (lấy ống sữa bò rỗng để đong gạo). Sau đó thấy thu gạo có lợi hơn, bà quyết định không “bán vé” thu tiền, mà chỉ đổi bằng lúa, gạo, ngô, cà phê hoặc hạt điều.

Cuộc sống khá giả hơn, bà B. quay về quê đưa hai con gái nhỏ lên sống với mình. Khi lớn lên, họ xây dựng gia đình và mở rộng công việc kinh doanh trao đổi với người M’nông tại địa phương. Nhờ nhạy bén và tháo vát hơn mẹ, hai con gái của bà là S. và Th. đã nhanh chóng “làm giàu bất chính bằng bóc lột” người dân tộc thiểu số. Cách thức làm giàu của họ là cho vay nặng lãi với tỷ lệ 5-6%/tháng. Tuy nhiên “thủ đoạn bóc lột của họ thì rất tinh vi và trắng trợn”. Lúc mùa gieo hạt và chăm bón bắp (ngô), người M’nông cần tiền, hai người kia cho dân làng vay tiền và qui số tiền cho vay thành đơn vị giá trị tương đương là một tấn bắp (ngô), theo giá bắp của vụ vừa rồi. Ví dụ giá bắp vụ vừa rồi là 700.000 đồng/tấn thì họ cho dân làng vay 700.000 đồng để vụ bắp tới thu của người dân 1 tấn bắp. Họ không bao giờ lấy nợ bằng tiền mặt, mà chỉ lấy bắp, vì trên thực tế thì giá bắp vụ tới là 1.300.000 đến 1.400.000 đồng/tấn. Nếu để đến cuối vụ thì được 1.500.000 – 1.600.000 đồng/tấn. Như vậy đòi nợ bằng bắp, họ được lãi hơn 100%, chứ không phải chỉ vào khoảng 30 - 35 % (sau 5 - 6 tháng) như lấy bằng tiền mặt. Với trường hợp thanh toán bằng lúa cũng như vậy. Cho vay 1.000.000 đồng thì đến mùa người M’nông phải trả 1 tấn lúa, trong khi đó 1 tấn lúa bán được 2.000.000 đồng. Như vậy là lãi gấp đôi.

Mùa bắp năm 2005, chỉ riêng 56 hộ M’nông buôn Du Mah, đã trả nợ các khoản cho vợ chồng S. (sống ở buôn Liêng Keh) 84 tấn bắp (tính ra tiền là 109.200.000 đồng). Trong năm 2005, các khoản nợ của người Du Mah hầu hết là nhờ vợ chồng S. ứng tiền ra mua hộ TV và đầu đĩa hình từ năm 2000 đến 2004. Cách tính nợ của vợ chống S. với người dân là như sau: 1 chiếc TV giá 2.000.000 đồng (giá thực tế cao nhất chỉ là 1.000.000) họ đòi 3 tấn bắp hạt tươi. Nhưng hầu hết các gia đình không trả đủ ngay trong 1 vụ. Vụ đầu họ thường trả được khoảng 1 tấn. Lúc đó giá bắp là 1.300.000 đồng/tấn. Người dân còn nợ 2 tấn thì chủ nợ tính là 2.600.000 đồng và bắt đầu tính nợ lãi từ 2.600.000 đồng đó. Nếu đến vụ, qui ra bắp thì người dân đã phải trả cho chủ nợ 3 tấn bắp. Như vậy hiện nay vợ chồng S. đã trở thành chủ nợ của cả buôn, và cả buôn phụ thuộc vào gia đình đó. Họ đã thực sự trở thành chủ buôn. Nhà Ma Rin nợ 1 TV, 1 đầu đĩa từ năm 2004. Năm 2005 làm được nhiều bắp nhưng vợ chồng S. bắt nợ hết, vợ Ma Rin uất ức tự tử, dân làng cứu được. Năm 2002, gia đình Ma Lợi nhờ người em gái của S. là Th. Mua 1 TV Sonny 17 inches. Th. đòi 4 tấn bắp hạt. Ma Lợi trả mãi cho đến nay (2006) vẫn còn nợ 800 kg, trong khi đó TV đã hỏng, không thể xem được nữa mà con nợ vẫn phải tiếp tục trả nợ. 4 tấn bắp trị giá 5.000.000 đồng, trong khi giá thật của chiếc TV chỉ là 2.000.000 đồng.

Cho đến bây giờ, hai chị em S. và Th. phân chia thị trường cho vay đối với 4 buôn M’nông thuộc xã Đak Phơi. Trong khi S. chủ yếu cung cấp các đầu vào giải trí (TV, đầu đĩa hình) thì đối tượng dịch vụ cho vay của Th. lại là những nhu yếu phẩm thiết thân hàng ngày, đặc biệt là gạo. Riêng thôn Jie Yuk có 101 hộ, trong đó có 98 hộ M’nông, với 608 khẩu, theo tính toán của người dân trong cuộc thảo luận nhóm tập trung chiều ngày 18/7/2006 (Nhóm Pamela, Hà Hữu Nga, Lò Giàng Páo) thì trung bình mỗi hộ trong thôn thiếu ăn 3 tháng, tập trung vào các tháng 7, 8, 9. Mỗi hộ cần 250 kg gạo/tháng thì tổng số gạo mà người dân cần thêm là: 101 hộ x 250kg x 3 tháng = 75.750 kg (75,750 tấn)/năm. Đây là một nhu cầu rất lớn, và nhu cầu đó đã trở thành một thị trường béo bở cho riêng vợ chồng Th. Về việc đáp ứng nhu cầu này, thủ đoạn của Th. là không bao giờ cho người dân vay tiền dù là lấy lãi cao để đi mua gạo ngoài thị trường. Th. chỉ cho vay gạo theo từng bao, mỗi bao 50kg, giá 175.000 đồng. Đến mùa bắp, Th. thu 250kg, với giá thật là 13.000đ/kg. Như vậy là Th. bán được 310.000 đồng. Trừ tiền gốc, riêng số lãi đã được 235.000 đồng. Nếu ba hộ người Kinh cho vay trung bình là 50.000 kg gạo/năm, thì tổng số lãi họ thu được riêng từ cho vay gạo là 235.000.000 đồng; và mỗi hộ trung bình thu lợi từ 70.000.000 đến 80.000.000 đồng/năm. 

Về mặt hình thức, cách thức cho vay trả nợ bằng hiện vật như vậy rất hợp với tâm lý và điều kiện kinh tế của người M’nông. Hầu hết họ là những gia đình nghèo, không biết tính toán lỗ lãi, không bao giờ có tiền mặt cho nên nếu như một nhà có 7 khẩu, vay được 700.000 đồng để sản xuất được 2 tấn bắp, 1 tấn dùng cho gia đình và 1 tấn đem đi trả nợ, đối với họ như vậy là hợp lý, và họ không hề buồn phiền hoặc băn khoăn là tại sao mình lại bị bóc lột nhiều đến như vậy. Vấn đề chỉ trở nên nghiêm trọng khi họ trả một lần không hết nợ và lại phải tiếp tục tính lãi để vụ sau trả tiếp. Bi kịch của gia đình Ma Rin chính là một điển hình cho hiện trạng đó của người dân buôn Du Mah. Tuy nhiên, không chỉ người Kinh mới biết cho vay nặng lãi, theo Y Tiêng Cil, người buôn Jiê Yuk thì trong buôn có một người M’nông cũng cho vay nặng lãi. Ông này trước đây tham gia Hội đồng xã dưới thời chính quyền Nguyễn Văn Thiệu, thạo tiếng Kinh, giỏi tính toán nên kinh tế gia đình rất phát triển. Ông ta cho vay lãi với tỷ lệ 40%/năm, nhưng số tiền ông ta cho vay không nhiều và không dám lấy lãi bằng bắp và thóc như những chủ cho vay lãi người Kinh.

Có một cách khác để người dân M’nông đa dạng hóa các loại hình sản xuất của mình, đó là tham gia vào thị trường dịch vụ chế biến nông sản. Hình thức dễ dàng và đơn giản nhất là làm dịch vụ xát gạo cho người dân trong buôn. Tuy nhiên khi thâm nhập thị trường này, người M’nông đã thất bại thảm hại trước sự cạnh tranh của các chủ xay xát người Kinh, trong đó già làng buôn Jie Yuk là một điển hình. Gìa làng mua một chiếc máy xay xát cũ với giá thực là 4.000.000 đồng, nhưng nhờ người Kinh mua giúp, nên giá chiếc máy đã bị tính đến 6.500.000 đồng. Trong khi đó giá một chiếc máy mới là khoảng 9.500.000 đồng. Do người dân trong buôn không có tiền mặt để trả công xát gạo nên chủ máy tính tiền công bằng gạo theo tỷ lệ là 1kg gạo /50kg thóc. Có nghĩa là chủ máy nhận được 1kg gạo sau khi đã xát cho người dân 50kg thóc. Chỉ có như vậy thì chủ máy mới có được một chút lãi, vì tiền dầu chạy máy khá cao (8.500 đồng/lít). Tuy nhiên rất không may cho già làng là ngay lập tức xuất hiện vài máy xát gạo rong hàng ngày chạy khắp các buôn đáp ứng nhu cầu xát gạo của người dân. Về mặt hình thức, chủ máy xát rong lấy công rất rẻ, chỉ bằng 1/4 tiền công của già làng (xát 1 bao thóc 50 kg, họ lấy 1 “bò” gạo (250gram, trong khi đó già làng lấy 1kg gạo). Nhưng thực ra thì không phải như vậy. Các chủ máy người Kinh (người thị trấn Lak) đã khéo léo lắp thêm một thùng gỗ dưới bệ máy và đục một lỗ thủng nhỏ để lấy trộm gạo của dân làng. Trong thực tế mỗi bao thóc 50kg, họ lấy được khoảng 2.5kg gạo, gấp 10 lần số gạo mà họ tính công với dân làng.

Trong thời gian đó, vợ chồng chị Nguyễn Thị H. cũng mua một máy xay xát về để kinh doanh. Biết được thủ đoạn của những người xát gạo rong, vợ chồng H. đã tổ chức cho dân làng vạch mặt thủ đoạn gian dối của họ. Nhờ hành động “trung thực” này, vợ chồng H. đã hoàn toàn dành được thị trường dịch vụ xay xát gạo trong thôn, mà theo họ là “không phải để lấy tiền công hoặc gạo của đồng bào, mà chỉ để kiếm chút cám nuôi lợn”. Đúng là vào thời điểm đó (20/7/2006) trong chuồng nhà họ có 12 con lợn từ 50 kg – 150kg, tuy đã đủ lớn để “xuất chuồng” (bán), nhưng vì có dịch lở mồm long móng nên họ không thể bán được. Sau vụ vợ chồng H. vạch mặt bọn xát gạo rong, thị trường xay xát gạo ổn định trở lại, nên ngay lập tức vợ chồng Th. cũng mua một máy xay xát để hành nghề. Vậy là trong buôn đã có tới 3 máy xay xát: 2 của người Kinh và 1 của già làng. Nhưng vì lấy giá cao cho nên máy của già làng hầu như không có người đến xát, họ chủ yếu đem đến nhà H. Trong 2 giờ thăm hỏi gia đình này, tôi đếm được 12 người đem thóc đến xát, vì vậy có lúc mọi người phải xếp hàng theo thứ tự để đợi đến lượt mình.

Không chỉ chịu thiệt thòi trong việc đuổi theo các khoản trả nợ lãi với cái giá cắt cổ cho những kẻ cho vay nặng lãi, người dân M’nông buôn Jiê Yuk còn phải chịu nạn cân gian, tính điêu của những kẻ đi thu mua nông sản rong người Kinh nữa. Theo chị Nguyễn Thị H. - và sau đó trong buổi nói chuyện với chị Th., người cho vay lãi với giá “cắt cổ”, vào ngày 19/7/2006 tại chính nhà chị, chị cũng khẳng định rằng gia đình chị không thể cạnh tranh nổi với bọn người đi mua nông sản rong. Theo hai chị, thủ đoạn của họ rất đơn giản là lợi dụng sự thật thà và khả năng tính toán kém của người dân tộc thiểu số: Đến mùa thu hoạch họ đem ô tô tải đến tận từng gia đình trong buôn để thu mua nông sản. Họ đi một bọn khoảng 6 – 8 người, họ làm nhanh như ăn cướp, kẻ thì cân, kẻ thì bốc xếp, chỉ một loáng đã đầy một ô tô hàng hóa, người dân trong buôn không thể nào kiểm soát nổi. Đặc biệt là họ sử dụng một chiếc cân bàn có cài một miếng bìa các tông nhỏ ở lò so nên khi cân bao nông sản 100kg thì kim trên mặt cân dừng lại ở con số 70 - 80kg. Tối thiểu mỗi tạ họ cũng lấy cắp được của người dân 20 – 30kg. Vậy là mỗi tấn nông sản bán cho bọn mua rong, người dân mất từ 200 đến 300 kg mà không hề hay biết. Nhờ nhiều thủ đoạn ăn cắp như vậy, bọn mua rong ra giá rất hời nên người dân thích bán cho họ; và những người thu mua nghiêm túc không thể cạnh tranh với họ về thị trường nông sản.

2.3. Những khó khăn trong việc giảm nghèo tại các vùng DTTS

Theo đánh giá của Ban dân tộc tỉnh Đak Lak, một số khó khăn nổi bật trong công cuộc giảm nghèo tại tỉnh Đak Lak hiện nay là: i) Khó khăn lớn nhất hiện nay là thiếu quĩ đất sản xuất và vốn cho người DTTS; ii) Tiếp theo là chính sách trợ cước trợ giá cũng gặp trở ngại vì vốn ít, đối tượng trợ cấp thì nhiều, nên “chẳng khác nào muối bỏ bể”; iii) Chính sách giao rừng bắt đầu từ năm 1994, Đak Lak đã giao được 125.000 ha rừng nghèo kiệt cho người DTTS quản lý, nhưng vì không có nguồn thu nên người dân bỏ mặc; iv) Việc phát triển cơ sở hạ tầng cũng không dễ dàng. Tỉnh đã ban hành chính sách huy động 70% vốn đầu tư của nhà nước, 30% vốn của người dân, nhưng nay chủ yếu mới chỉ có vốn nhà nước nên mức độ phát triển cơ sở hạ tầng còn thấp. Những đánh giá của Ban dân tộc tỉnh là không sai, tuy nhiên nếu nhìn nhận vấn đề DTTS từ góc độ phát triển, hay nói khác đi, nếu đặt vấn đề DTTS từ góc độ giảm nghèo bền vững thì các khó khăn về đất, vốn, chính sách trợ giá trợ cước …vẫn không phải là vấn đề then chốt nhất. Vấn đề khó khăn lớn nhất của người DTTS là sau 5 đến 10 năm nữa khi dân số tăng thêm, khi đất đai không sinh ra, khi cơ cấu kinh tế, cơ cấu sản xuất, cơ cấu đầu tư, cơ cấu tiêu dùng thay đổi thì bản thân người DTTS và con em họ còn có cơ hội tìm được việc làm trên chính quê hương mình hay không. Đó mới là vấn đề cốt lõi của công cuộc giảm nghèo một cách bền vững cho người dân vùng đất này. Kết quả khảo sát thực địa của chúng tôi tại buôn Dlung II, xã Ea Siên huyện Krông Buk từ ngày 13/7 đến 15/7/2006 cho thấy rất rõ điều đó.

Buôn Dlung II được thành lập năm 1993, gồm có 3 dân tộc Êđê, Nùng, và Kinh, trong đó Êđê có 39 hộ, Nùng 13 hộ, và Kinh 12 hộ với tổng số là 316 khẩu. Đời sống của người dân nơi đây chủ yếu dựa vào canh tác cà phê (25ha), ngô (12ha), và lúa ruộng (32ha). Chúng tôi đã tổ chức hai buổi hội thảo nhóm tập trung với người Êđê tại buôn để phân tích sinh kế của họ. Kết quả cho thấy người dân Êđê thôn Dlung II đều nghèo, 39 hộ chỉ có 6ha lúa ruộng, 9ha ngô, 5ha cà phê; rừng và bãi chăn thả gia súc chung của buôn làng không còn một mảnh nào. Vì vậy thu nhập của họ rất thấp. Trong 5 năm vừa rồi, do cà phê mất giá nên hầu hết người Êđê không có khả năng duy trì và chăm sóc vườn cà phê. Họ phải trông chờ vào các nguồn thu dưới đây (được tính trung bình cho 39 hộ gia đình Êđê): i) bán ngô được: 3.000.000 đồng/hộ/năm; ii) làm thuê cho người Kinh và người Nùng trong buôn được: 2.000.000 đồng/hộ/năm. Tổng thu trung bình là 5.000.000 đồng/hộ/năm. Trong khi đó các khoản tối thiểu phải chi là: i) tiền mua gạo: trung bình mỗi hộ phải mua thêm 500kg/năm x 4.100 đồng/kg = 2.050.000 đồng; ii) tiền mua thức ăn (mỡ, nước mắm, mì chính, cá khô, thịt, thuốc hút, rượu) 1.000.000 đồng/ hộ/ năm; iii) tiền mua sắm quần áo, tiêu dùng cho con cái đi học, chi phí đi lại là 1.800.000 đồng/hộ/năm.

Tổng số tiền hàng năm phải chi là: 4.850.000 đồng/hộ/năm. Như vậy là trung bình mỗi năm mỗi hộ để dành được 150.000 đồng. Tuy là một món tiền rất nhỏ, nhưng nếu so sánh với người M’nông buôn Jiê Yuk và buôn Du Mah thuộc xã Đak Phơi huyện Đak Lak thì người Êđê buôn Dlung II còn may mắn hơn rất nhiều. Trong buôn này chỉ có một trường hợp duy nhất là một hộ gia đình có nguy cơ vỡ nợ vì vay tiền ngân hàng nông nghiệp huyện, nói là làm cà phê, nhưng thực tế lại đem dùng để xây một ngôi nhà đẹp như nhà ở thành phố. Số hộ còn lại không đến mức quá phụ thuộc vào chủ nợ như ở buôn Du Mah. Sở dĩ người Êđê buôn Dlung II không bị mắc nợ như người M’nông buôn Du Mah xã Đak Phơi vì hầu hết các gia đình đều có khoản tiền kiếm thêm ngoài bán nông sản, đó là 2000.000 đồng tiền thu được từ tiền công làm thuê cho người Kinh và người Nùng trong buôn (trong khi đó trung bình mỗi hộ gia đình M’nông buôn Jiê Yuk trung bình chỉ kiếm thêm được 50.000 đồng/năm nhờ đan gùi bán cho người M’nông xã Đak Liêng bên cạnh. Số tiền người M’nông kiếm thêm được nhờ đan gùi thấp hơn 40 lần so với người Êđê kiếm được do làm thuê). Công việc làm thuê của họ rất đơn giản là đào hố trồng cà phê, chăm bón, thu hái cà phê…vv. Không những thế, tại làng Dlung I đã có đến hơn 30 thanh niên Êđê đi làm công nhân may mặc, sản xuất giày dép, chế biến hạt điều tại thành phố Hồ Chí Minh và đã thường xuyên gửi được tiền về giúp gia đình. Điều này không hề có trong các buôn M’nông thuộc xã Đak Phơi.

Tuy nhiên, đối với trường hợp buôn Dlung II, việc so sánh mức độ thịnh vượng và phát triển giữa hai nhóm DTTS là người Êđê và người Nùng (13 hộ từ Lạng Sơn vào) thì trong khi mỗi hộ Êđê trung bình có 0,53 ha đất canh tác thì mỗi hộ người Nùng có đến 1,15ha. Theo đánh giá của người dân Êđê tham gia cuộc thảo luận nhóm thì tổng giá trị tài sản của 13 hộ người Nùng lớn hơn gấp 3 lần tổng giá trị tài sản của 39 hộ Êđê. Khi được hỏi tại sao lại có sự chênh lệch như vậy, một số người Êđê thông thạo tin tức cho rằng người Nùng rất ham đất và họ có năng lực quản lý và tổ chức sản xuất gia đình rất tốt. Không những thế họ làm việc rất có kế hoạch, biết tính toán kỹ càng, tính tình của họ lại rất quyết đoán, quyết tâm theo đuổi mục đích đến cùng. Nhờ những phẩm chất như vậy, cuộc sống của họ nhanh chóng phát triển hơn hẳn người Êđê. Vì vậy việc họ giàu có hơn người Êđê là đương nhiên.

Cuộc thảo luận nhóm cũng đã tiến hành đánh giá thử về mức độ thịnh vượng và phát triển của 12 hộ người Kinh trong buôn Dlung II. Trung bình mỗi hộ có 1,08 ha đất, không ít hơn bao nhiêu so với diện tích đất trung bình của mỗi hộ Nùng. Nếu người Nùng có 10 máy cày thì người Kinh chỉ có 5 cái. Tuy nhiên theo đánh giá của cuộc hội thảo thì tổng giá trị tài sản của người Kinh ở đây phải gấp đôi của người Nùng, vì trong số này có 3 hộ chuyên thu mua nông sản và cho vay lãi, số tiền mà họ có người Nùng không thể so nổi. Tuy không có điều kiện để kiểm chứng những kết quả đánh giá của cuộc hội thảo nhóm, nhưng có một thực tế mà tất cả mọi người Êđê ở đây khi được hỏi: tại sao người Kinh lại giàu hơn cả người Nùng thì mọi người đều cho rằng: Người Kinh quan hệ rộng hơn. Khái niệm “quan hệ rộng”  mà người Êđê sử dụng cho người Kinh chính là họ muốn nói đến nguồn vốn xã hội của nhóm người này. Theo người dân Êđê trong buôn thì người Kinh dễ dàng quan hệ với các cấp chính quyền, với các thương nhân, với mọi người dân để vay vốn, mua bán, trao đổi hàng hóa, thu thập thông tin thị trường, tìm kiếm thị trường…vv. Nhận xét của người Êđê thôn Dlung II về nguồn vốn xã hội của người Kinh trong phát triển phần nào trùng hợp với nhận xét của người dân thôn Jiê Yuk, xã Đak Phơi, huyện Lak về trường hợp một người dân trong buôn tên là Y Tiêng Cil, sinh năm 1963. Người này trước đây nghiện rượu và lười lao động, nhưng sau khi theo đạo Tin Lành đã trở nên khá giả hơn nhờ bỏ rượu, sống có ý thức, và lao động chăm chỉ hơn, biết tính toán kinh tế và có trách nhiệm đối với gia đình nhiều hơn. Hiện nay nhà Y Tiêng Cil có 4 con bò, một máy cày trị giá 10.000.000 đồng, 3 sào (3000 mét vuông) cà phê, đã có nhà kiên cố, có đủ TV, đầu đĩa hình, bàn ghế, giường tủ. Hiện nay Y Tiêng Cil vẫn còn nợ 15.000.000 đồng, trong số đó nợ Ngân hàng 7000.000đ, nợ chủ hàng bán máy cày 7.000.000đ, và nợ chủ kinh doanh phân bón 1.000.000đ. Tuy nhiên Y Tiêng Cil không lo lắng gì về khoản nợ này, vì “trong nhà đã có 4 con bò”.

Những dẫn chứng ở trên cho thấy, cái mà những người DTTS thiếu thì những gia đình người Kinh sống bên cạnh họ còn thiếu hơn, đặc biệt là đất và vốn đầu tư ban đầu. Tuy nhiên người Kinh nhanh chóng vượt lên được vì họ tìm thấy ở người DTTS nơi đây một thị trường tiềm tàng lớn cho việc trao đổi hai chiều của họ, kể cả việc cung cấp những đầu vào cho cuộc sống và sản xuất của các cộng đồng DTTS, cũng như đảm bảo tiêu thụ đầu ra cho các sản phẩm của người DTTS, mà chủ yếu là nông sản. Khi hỏi chuyện một người giỏi nhất trong số những người M’nông buôn Jiê Yuk, xã Đak Phơi - ông Krai, chủ tịch Hội đồng xã dưới thời Nguyễn Văn Thiệu, là người giúp dịch tiếng M’nông trong các cuộc thảo luận nhóm tại Jiê Yuk - ông cho biết: Người DTTS địa phương không làm được điều đó vì các lý do sau: i) họ không nói thạo tiếng Kinh; ii) họ không giao dịch giỏi như người Kinh; iii) họ không quan hệ rộng rãi được như người Kinh; iv) họ không quản lý giỏi được như người Kinh; v) họ không biết tổ chức sản xuất gia đình tốt như người Kinh; Vi) trình độ văn hóa của họ thấp hơn người Kinh nhiều; vii) gia đình và bạn bè họ không có điều kiện để giúp đỡ họ như người Kinh; viii) họ nắm bắt thông tin chậm hơn người Kinh rất nhiều.

Trong 8 thiếu hụt của người DTTS mà Krai nêu ra, không có bất cứ cái gì trùng với những khó khăn, hạn chế mà tất cả mọi báo cáo của các Sở, Ban, Ngành, các cấp chính quyền thuộc xã, huyện, tỉnh trong tỉnh Đak Lak đã nêu ra. Sở dĩ Krai có một lối nhìn riêng vào các vấn đề phát triển DTTS vì ông nhìn nó bằng con mắt của người trong cuộc (insider), bản thân ông đã trải nghiệm và thấm thía những thiếu hụt đó; ông đặt vấn đề phát triển DTTS trong thế đối sánh của hai xã hội ở hai cấp độ phát triển khác nhau; ông nhìn vấn đề phát triển DTTS không phải ở vị thế của người đi xin, lại càng không phải ở vị thế của người đem cho. Chính vì vậy cái nhìn của ông trở nên chân thực hơn rất nhiều so với nhiều báo cáo về vấn đề phát triển người DTTS.

2.4. Các dự án giảm nghèo nên làm gì thêm nữa tại các vùng DTTS

Cho đến bây giờ, tất cả các dự án giảm nghèo triển khai tại các vùng DTTS đã có đóng góp to lớn cho sự nghiệp giảm nghèo và phát triển các cộng đồng DTTS. Và khi các dự án đó đưa lại rất nhiều thành quả cho người dân nghèo thì các thành quả đó cũng làm bộc lộ nhiều mặt hạn chế của người nghèo rõ rệt hơn bao giờ hết, và chính mặt trái đó lại có nguy cơ làm cho một bộ phận người nghèo vẫn tiếp tục rơi sâu vào nghèo đói. Ví dụ về các buôn làng M’nông tại xã Đak Phơi phần nào đã chứng tỏ điều đó. Khi những con đường giảm nghèo bò sâu vào mọi buôn làng cũng là khi đội ngũ thương nhân tự do tìm mọi cơ hội để khai thác sức người, sức của và lợi dụng sự kém hiểu biết, không biết tính toán, sự thật thà, cả tin của người DTTS để làm giàu bất chính cho mình trên những thiệt thòi, mất mát, thậm chí đau khổ của người dân lành.

Tình hình trên không phải chỉ có ở Đak Phơi. Trong đợt công tác truyền thông DTTS trong khuôn khổ dự án giảm nghèo 6 tỉnh miền núi phía Bắc (Bắc Giang, Hòa Bình, Lào Cai, Phú Thọ, Sơn La, và Yên Bái) vào cuối tháng 10, đầu tháng 11/2006 chúng tôi cũng đã được chứng kiến những hoàn cảnh tương tự. Bà con người Thái xã Chiềng Chăn huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La cũng kêu là từ khi có con đường mới vào bản, bọn thu mua nông sản rong đem ô tô tải vào từng nhà, vừa mua bán, vừa lừa đảo như ăn cướp nông sản của bà con. Đặc biệt là tại buôn Bó Sặp, xã Lóng Sập, huyện Mộc Châu, người Thái ở đây nói rằng kể từ khi có con đường tốt thì tệ nạn buôn bán và hút hít ma túy cũng tràn về theo. Hiện nay trong thôn đã có 6 người bị nhiễm HIV và 3 người đã chết. Nạn trộm cắp xảy ra thường xuyên trong thôn, kể cả trộm cắp xe máy. Nhưng điều làm chúng tôi sửng sốt nhất lại là một số kết quả của cuộc điều tra về nhu cầu thông tin của người dân: trong số 56 phụ nữ người H’mông của các tỉnh Yên Bái, Lào Cai, Sơn La và Hòa Bình tham gia các cuộc thảo luận nhóm tập trung được mời một cách ngẫu nhiên, có đến 49 chị em không biết đọc biết viết, không hiểu được tiếng Kinh khi nghe đài hoặc xem TV. Tại một bản người Nùng (thôn Đồng Phúc, xã Kim Sơn, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang), trong số 13 người dân đang gặt lúa từ mấy thửa ruộng xung quanh nhà ông trưởng thôn được mời tham gia cuộc họp, có 6 phụ nữ từ 35 – 45 tuổi thì cả 6 chị đều không biết đọc biết viết. Khi được hỏi có biết tờ rơi hoặc tờ giấy phổ biến kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, sinh đẻ có kế hoạch…vv, là gì không thì trong số 13 người dự họp chỉ có duy nhất 1 người đàn ông (làm công tác mặt trận thôn) nói là có biết.

Dù không nói về dân trí, nhưng trình độ học vấn thấp ở các cộng đồng DTTS thực sự là một thảm kịch đối với cuộc chiến chống đói nghèo. Tại Việt Nam hiện nay, mọi chủ trương, chính sách, tất cả các thông tin về kỹ thuật, công nghệ, thương mại, giá cả thị trường, văn hóa giáo dục…vv, đều được phổ biến bằng tiếng Kinh, đều phát triển và được làm rõ nghĩa bằng tiếng Kinh, vì vậy đối với những người DTTS, biết tiếng Kinh là một trong những chiếc chìa khóa để mở vào kho tri thức chung của nhân loại. Chúng tôi hết sức sửng sốt  khi thu được một kết quả khảo sát về nhu cầu thông tin dưới đây: Trong đợt điều tra nhu cầu thông tin dự án với người DTTS phía Bắc cuối tháng 10, đầu tháng 11/2006, trong số 257 người DTTS (Cao Lan, Dao, Giáy, H’mông, Mường, Nùng, Sán Chí, Tày, Thái) được yêu cầu lựa chọn 3 phương thức phổ biến thông tin dự án bằng các thứ tiếng: i) Kinh; ii) Song ngữ tiếng Kinh và tiếng mẹ đẻ; iii) tiếng dân tộc mẹ đẻ? Thì 231 (89.88%) người trả lời là ưu tiên cho tiếng Kinh. Khi được hỏi tại sao lại như vậy thì người dân giải thích bằng 3 lý do sau: i) Khi đến trường tất cả mọi người đều học bằng tiếng Kinh; ii) Chỉ tiếng Kinh mới có đủ từ để truyền đạt nhiều loại thông tin hiện đại mà họ cần; iii) Tiếng mẹ đẻ của người DTTS khó nghe vì mỗi vùng phát âm khác nhau và có vốn từ ngữ khác nhau. Với tư cách là các nhà nhân học, chúng tôi rất buồn vì kết quả khảo sát như vậy, nhưng đó lại là một thực tế mà chúng ta cần phải suy nghĩ trong việc đi tìm những chiến lược hữu ích trợ giúp phát triển DTTS.

Từ vốn kinh nghiệm thu được qua quá trình làm chuyên gia phát triển DTTS cho nhiều dự án giảm nghèo lớn tại các tỉnh Tây Nam Bộ, Miền Trung, Tây Nguyên và miền Bắc, chúng tôi luôn băn khoăn rằng: nguyên nhân của nghèo đói của người DTTS có phải chỉ do thiếu các hạng mục vật chất là hạ tầng cơ sở; vốn; đất đai; các loại vật tư như giống, phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ; các tri thức kỹ thuật…vv không? Khi hỏi một cách không chính thức các cán bộ người Kinh và người dân người Kinh tại các vùng DTTS là: Tại sao người DTTS lại nghèo? Thì không cần phải suy nghĩ, ai cũng lập tức trả lời: “lười biếng, quen dựa dẫm vào nhà nước”; nhưng khi được hỏi một cách chính thức thì báo cáo nào cũng nói: “thiếu đất, thiếu vốn, thiếu kiến thức kỹ thuật công nghệ…”. Hai cách trả lời như vậy rõ ràng ẩn chứa một ý nghĩa “tế nhị”, “khó nói”, hoặc người quan sát mới chỉ nhận thấy một cách bản năng, trực cảm. Nói cách khác, căn nguyên của nó không phải thuộc lĩnh vực kỹ thuật, vật chất, mà chính là thuộc lĩnh vực xã hội, văn hóa, tâm lý, ý chí, nghị lực, năng lực của từng con người và của mỗi cộng đồng.

  Vậy thì đã đến lúc người ta cần phải thay đổi tận gốc rễ tư duy về vấn đề nghèo đói, thay đổi cách thức đặt vấn đề về đói nghèo, thay đổi phương pháp xây dựng chính sách giảm nghèo, thay đổi, bổ sung các hợp phần trong mỗi dự án giảm nghèo. Đã đến lúc cần phải đưa thêm vào các dự án giảm nghèo những hợp phần ít kỹ thuật hơn, nhưng nhiều tính con người và tính xã hội hơn. Đã đến lúc các dự giảm nghèo ngoài các hợp phần đường – chợ, mô hình nông nghiệp, ngân sách phát triển xã …vv cần bổ sung thêm bằng các hợp phần chẳng hạn như: i) Nâng cao năng lực thị trường của cá nhân, gia đình, cộng đồng DTTS; ii) Phát triển khả năng thu thập, phân tích thông tin của người DTTS; iii) Nâng cao năng lực quản lý gia đình và cộng đồng; iv) Phát triển khả năng giao tiếp của phụ nữ DTTS; v) Xây dựng vốn xã hội các cộng đồng DTTS; vi) Phân tích nguyên nhân nghèo đói và năng lực cộng đồng…vv. Nói tóm lại, đã đến lúc các dự án giảm nghèo cần lấy con người, văn hóa, và xã hội của người DTTS làm trung tâm chứ không nên chỉ dừng lại ở những đồ vật ngoài con người như đường xá, cầu cống, chợ búa, ruộng nương…vv. Và nếu làm được như vậy có nghĩa là các dự án giảm nghèo đã chuyển từ mục tiêu giảm nghèo sang các mục tiêu phát triển, và thậm chí là phát triển bền vững. Chỉ có như vậy thì người DTTS mới không tái nghèo, không bị sa vào cái bẫy luẩn quẩn của đói nghèo mà không bao giờ có thể thoát ra được. Nếu chỉ đi tìm nguyên nhân nghèo đói từ những thiếu hụt về vật chất và cố gắng bằng mọi cách để khắc phục sự thiếu hụt về vật chất mà bỏ quên phương xã hội và con người thì người DTTS có cơ mãi mãi nghèo đói. Cần phải trang bị thêm cho họ một góc nhìn nghèo đói từ các nguyên nhân xã hội và con người để chính họ thoát khỏi đói nghèo.  
________________________________________

* Ghi chú: Đây là Báo cáo cuối cùng của Chuyên gia Dân tộc Thiểu số và Miền núi cho Chương trình nghiên cứu của Ban Phát triển Đông Á thuộc Ngân hàng Thế giới, Washington DC, năm 2006, Hà Nội tháng 9 năm 2006.

Tài liệu dẫn

Ban chấp hành tỉnh Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Đak Lak (2006). Báo cáo tham luận. Báo cáo tham gia hội thảo Phân tích Xã hội Quốc gia ngày 21/7/2006 do Viện dân tộc thuộc Uỷ Ban Dân tộc và Ban Dân tộc tỉnh Đak Lak tổ chức tại trụ sở Ban Dân tộc tỉnh.

Ban Dân tộc tỉnh Đak Lak (2006). Báo cáo khái quát một số vấn đề về dân tộc trên địa bàn tỉnh Đak Lak. Báo cáo tham gia hội thảo Phân tích Xã hội Quốc gia ngày 21/7/2006 do Viện dân tộc thuộc Uỷ Ban Dân tộc và Ban Dân tộc tỉnh Đak Lak tổ chức tại trụ sở Ban Dân tộc tỉnh.

EASSD (2006). East Asia Social Development Unit (EASSD), Washington DC, The World Bank June  2006. Country Social Analysis Concept Note - Ethnicity and Development in Vietnam. Introduction.

Hội đồng Nhân dân tỉnh Đak Lak (1999). Văn bản về đợt giám sát thực trạng đời sống đồng bào dân tộc Êđê và M’nông tại Đak Lak (Tháng 6 năm 1999).

Hội nghị Tư vấn các nhà tài trợ Việt Nam (2003). Báo cáo phát triển Việt Nam, 2004. Nghèo. Báo cáo chung của các nhà tài trợ tại Hội nghị Tư vấn các nhà tài trợ Việt Nam. Hà Nội, 2-3 tháng 12 năm 2003. Trang 24.

Ngân hàng Chính sách Xã hội, Chi nhánh tỉnh Đak Lak (2006). Báo cáo tình hình họat động NHCSXH (Ngân hàng Chính sách Xã hội) giai đoạn 2003-2005 và 5 tháng năm 2006. Báo cáo tham gia hội thảo Phân tích Xã hội Quốc gia ngày 21/7/2006 do Viện dân tộc thuộc Uỷ Ban Dân tộc và Ban Dân tộc tỉnh Đak Lak tổ chức tại trụ sở Ban Dân tộc tỉnh.

Nguyễn Xuân Đức (đại diện cho Cơ quan Thường trực khu vực Tây Nguyên của Uỷ ban Dân tộc) (2006). Báo cáo một số vấn đề về dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Báo cáo tham gia hội thảo Phân tích Xã hội Quốc gia ngày 21/7/2006 do Viện dân tộc thuộc Uỷ Ban Dân tộc và Ban Dân tộc tỉnh Đak Lak tổ chức tại trụ sở Ban Dân tộc tỉnh.

Sở Lao động Thương binh Xã hội tỉnh Đak Lak (2006). Báo cáo Tham luận. Báo cáo tham gia hội thảo Phân tích Xã hội Quốc gia ngày 21/7/2006 do Viện dân tộc thuộc Uỷ Ban Dân tộc và Ban Dân tộc tỉnh Đak Lak tổ chức tại trụ sở Ban Dân tộc tỉnh.

Sở Tài nguyên và Môi trường Đak Lak (2006). Báo cáo chính sách, pháp luật về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Báo cáo tham gia hội thảo Phân tích Xã hội Quốc gia ngày 21/7/2006 do Viện dân tộc thuộc Uỷ Ban Dân tộc và Ban Dân tộc tỉnh Đak Lak tổ chức tại trụ sở Ban Dân tộc tỉnh.

Văn phòng Sở Giáo dục Đào tạo Đak Lak (2006). Một số vấn đề về công tác giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Đak Lak. Báo cáo tham gia hội thảo Phân tích Xã hội Quốc gia ngày 21/7/2006 do Viện dân tộc thuộc Uỷ Ban Dân tộc và Ban Dân tộc tỉnh Đak Lak tổ chức tại trụ sở Ban Dân tộc tỉnh.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét