Powered By Blogger

Thứ Năm, 27 tháng 12, 2018

Khảo chứng động cơ sử dụng “Long phi” của các di dân nhà Minh ở Đông Nam Á. (1)


TS. Nguyễn Dũng Hòa

Tóm tắt

Năm 1644, nhà Minh bị diệt vong, quân Thanh vào làm chủ Trung Nguyên, Mãn tộc kiểm soát chính quyền nhà Thanh, và nhiều người Hán đã từ chối chấp nhận sự cai trị của nhà Thanh và trốn ra nước ngoài, để lại một di sản ở Đông Nam Á. Trong số đó, Thanh Vân đình [1] Malacca và Minh hương xã của Việt Nam là do di dân nhà Minh xây dựng, và một số bia mộ, bia đá, bài biển còn được bảo tồn đến ngày nay. Từ việc khảo sát các di tích văn hóa, người ta thấy rằng trong các văn vật của di dân nhà Minh ở hai nơi này luôn có khắc chữ “Long phi” (rồng bay). Tuy nhiên cho đến nay, giới học thuật vẫn chưa có cách nào để khảo cứu được ý nghĩa thực sự của “Long phi”, còn các học giả thì có những kiến giải riêng. Bài viết này sẽ cố gắng khám phá các tài liệu lịch sử Trung Quốc liên quan đến “Long phi” từ bên trong Trung Quốc, kết hợp với các ghi chép cổ xưa, tiến hành phân tích, làm rõ để trả lời những nghi hoặc về từ “Long phi” trong giới học thuật. Đồng thời, thông qua việc khảo sát thực nghĩa của “Long phi”, tiến tới diễn giải động cơ và tâm tư của di dân nhà Minh với từ “Long phi” để lấp đầy những thiếu khuyết của lịch sử người Hoa hải ngoại.

1. Lời nói đầu

Thực trạng xã hội vào cuối thời nhà Minh là hỗn loạn bất an, đó là một tình huống trong buồn ngoài rầu. Vào thời điểm đó, đội quân nông dân khởi nghĩa của Lý Tự Thành [2] đã quật khởi chiến đấu, còn quân nhà Thanh thì đang từ phía bắc xâm chiếm lãnh thổ nhà Minh. Năm 1644, chính quyền nhà Minh đã bị đội quân nông dân khởi nghĩa của Lý Tự Thành đánh bại, và lập nước lấy tên là Đại Thuận [3]. Sau đó, Ngô Tam Quế [4], là tướng nhà Minh, đã lãnh đạo quân Thanh nhập hải quan, đánh bại quân Đại Thuận và định đô tại Bắc Kinh, khiến nhà Minh bị diệt vong, nhưng thế lực nhà Minh chưa bị tan rã hoàn toàn, và vẫn còn ảnh hưởng ở miền Nam, tôn thất nhà Minh và các đại thần còn sống sót di chuyển xuống phía nam và muốn xây dựng lại chính quyền nhà Minh, mà sử gọi là Nam Minh [5]. Mặc dù chính quyền Nam Minh được xây dựng lại trong một thời gian ngắn, nhưng nó đã ủng hộ Phúc Vương Chu đăng cơ xưng là Hoằng Quang Hoàng đế, và sau khi Hoằng Quang Hoàng đế đăng cơ không lâu, ông đã phải đối mặt với quân đội nhà Thanh đang mở rộng về phía nam. Hoằng Quang đế thân cô, không chỗ dựa, ngoài ra, đại quyền lại do bè lũ hoạn quan độc ác còn sót lại nắm giữ, bốn trấn ở Giang Bắc thì đều phải tự cai quản, Hoằng Quang đế cuối cùng bị sát hại, chính quyền Nam Minh bị quân nhà Thanh phá tan. Sau khi Hoằng Quang Hoàng đế qua đời, Giám Quốc Lỗ vương Chu Dĩ Hải [6], Thiệu Hưng, tỉnh Chiết Giang, Đường vương Chu Duật Kiện với sự hỗ trợ của bọn Trịnh Chi Long [7] (con trai ông là Trịnh Thành Công [8]) đã xưng đế tại Phúc Châu, Phúc Kiến, đó là Long Vũ đế. Tuy nhiên, hai thế lực chủ yếu của Nam Minh đã không thừa nhận sự tồn tại của nhau và cuối cùng đã dẫn đến tình huống tấn công lẫn nhau khi đối mặt với cuộc tấn công của quân Thanh (Tả Thư Ngạc 1986: 5-6). Quân Thanh đã tăng cường mở rộng và củng cố các lực lượng, chính quyền nhà Thanh đã lần lượt bình định xong các thế lực “Tam Phiên chi loạn” [9], “Minh Trịnh” [10], triều đại Nam Minh, giúp cho chính quyền nhà Thanh hoàn toàn kiểm soát lãnh thổ Trung Quốc.

Vào cuối triều đại nhà Minh đầu nhà Thanh, chiến tranh vẫn tiếp diễn luôn năm, người dân không biết dựa vào đâu để sống [11], chính quyền nhà Thanh bắt người dân thay đổi y phục, và cắt tóc, dẫn đến một số người không chấp nhận sự cai trị của chính quyền nhà Thanh đã trốn sang các quốc gia Đông Nam Á để bảo toàn chính khí của dân tộc Hán (Trần Kinh Hòa 1964: 25-26). Cho đến nay, ở khu vực Đông Nam Á vẫn có thể thấy rõ một số văn vật và di tích văn hóa còn lại của di dân nhà Minh, đặc biệt là tại Thanh Vân đình ở Melaka và Minh Hương xã ở Việt Nam. Trước hết, lấy việc thành lập Thanh Vân đình ở Malacca làm ví dụ, chủ yếu dưới sự lãnh đạo của Giáp tất đan [12] người Hoa ở Malacca Trịnh Phương Dương và Lý Vi Kinh, nên Thanh Vân đình đã được xây dựng vào năm 1645, chức năng chính là giúp xoa dịu một nhóm di dân nhà Minh đã rời bỏ nhà cửa, quê hương bản quán. Căn cứ vào dữ liệu lịch sử, Giáp tất đan người Hoa ở Malacca Trịnh Phương Dương và Lý Vi Kinh, Lý Chính Hào, Tăng Kỳ Lộc, v.v., chính là những nghĩa sĩ tị nạn “phản Thanh phục Minh”. Thứ hai, Minh Hương xã Việt Nam cũng do những di dân nhà Minh lập nên. Chức năng của nó là hỗ trợ những người tị nạn khốn khó. Trong các di tích văn hóa của hai nơi này, điều nổi bật hơn cả là từ “Long phi”, cũng đã làm dấy lên các cuộc thảo luận rộng rãi trong giới học thuật.

2. Tổng quan nghiên cứu về “long phi” ở Đông Nam Á

Dựa trên các tư liệu hiện tại, chỉ có thể tìm thấy các di tích văn hóa của di dân nhà Minh ở Malaysia và Việt Nam sử dụng từ “Long phi”. Có sáu loại di tích văn hóa được khắc chữ “Long phi” ở Malacca: Thứ nhất, mộ của Giáp tất đan Trịnh Phương Dương (Giáp tất đan Trịnh Phương Dương chi mộ), khắc dòng chữ “Lập ngày lành năm Mậu ngọ Long phi”  (long phi tuế thứ mậu ngọ cát đán lập); Thứ hai, bia ca tụng công đức của Giáp tất đan Lý Vi Kinh (Giáp tất đan lí vi kinh tụng đức bi) có khắc dòng chữ: “Năm Ất sử Long phi” (long phi ất sửu niên); Thứ ba, bia ca tụng công đức của Tăng Kỳ Lộc (đại công đức chủ tăng công tụng chúc bi) khắc: “Năm Bính tuất Long phi” (long phi tuế tại bính tuất); Thứ tư, bia trùng hưng Thanh Vân đình, có khắc “Năm Tân dậu Long phi” (long phi tân dậu niên); Thứ năm, “Ghi chép đóng góp tiền quy tập mộ, trùng hưng Từ tế cung, Thanh Vân đình” (cưu mộ trọng hưng thanh vân đình từ tế cung duyên ngân lục) có khắc: “Công lập ngày lành, trọng đông năm Bính ngọ Long phi” (long phi tuế thứ bính ngọ niên trọng đông cát nhật lập); Thứ sáu, “Ngày đản sinh Phật tổ Quan âm, xây mộ đền đại chúng, quy ước xuân thu hai lần cúng tế”, có khắc dòng chữ “Công lập vào ngày lành tháng tốt năm Bính ngọ Long phi” (long phi tuế thứ bính ngọ đoan nguyệt cát nhật cốc đán lập) (Trần Thiết Phàm, Phó Ngô Khang viết 1982: 224, 229, 237, 369; “Tinh châu Nhật báo”, ngày 31 tháng 10 năm 2017); Ngoài ra, tại Minh hương Gia Thịnh đường, Việt Nam, cũng có nhiều hoành phi khắc chữ “Long phi”, ví dụ hoành phi: “Thân tích vô cương” [13] có dòng lạc khoản “Ngày lành, tháng Trọng đông, năm Ất hợi, Long phi” (long phi ất hợi niên trọng đông nguyệt cát đán); hoành phi “Trạc trạc quyết linh” [14] có lạc khoản “Ngày lành, tháng Trọng đông, năm Đinh dậu, Long phi” (Long phi đinh dậu niên trọng đông cát đán); Hoành phi: “Tinh linh trác hạc” (Hồn thiêng rạng rỡ) có lạc khoản “Ngày lành, cuối thu, năm Bính tuất” (long phi bính tuất niên quý thu cốc đán); hoành phi “Bảo ngã lê dân” (Bảo vệ dân mình) có lạc khoản “Ngày lành cuối thu năm Bính tuất, Long phi” (long phi bính mậu niên quý thu cốc đán); hoành phi “Kinh tặng bảo an” có lạc khoản “Cát tạo tháng Mười năm Đinh hợi, Long phi” (long phi đinh hợi niên mạnh đông cát tạo); “Hoa bảo di hương”, có lạc khoản “Tháng cuối xuân năm Nhâm dần, Long phi” (long phi nhâm dần niên quý xuân chi nguyệt); “Thụ tư giới phúc”, lạc khoản “Ngày lành cuối thu năm Bính tuất” (bính tuất niên quý thu cốc đán); “Huệ trạch uông dương” lạc khoản “Cát lập tháng Tám năm Bính tuất, Long phi” (long phi bính mậu niên quế nguyệt cát lập), ngoài ra tại Minh hương Gia Thịnh đường còn có một chiếc chuông đồng có khắc dòng chữ “Long phi quý vị thu nguyệt”. (Giản An Chí 2012: 13)

Thanh Vân đình Malacca và Minh Hương xã ở Việt Nam được các di dân nhà Minh xây dựng; một số bia mộ, bia đá, hoành phi câu đối v.v., vẫn còn được bảo tồn, có khắc năm “Long phi”. Điều này không chỉ khiến nhiều người nghĩ liệu có phải “Long phi” là do di dân nhà Minh không chấp nhận sự cai trị của nhà Thanh, vì vậy họ đã cố ý sử dụng “Long phi” để tránh gọi tên nhà Thanh (Ba Tố [15] 1950: 15). Trong số đó, Lưu Tiền Độ [16] khi dịch “Lịch sử Hoa kiều Malaysia” của Ba Tố đã cho rằng hai từ “Long phi” do tiên sinh Đông Hồng [17] thời Minh sử dụng, và thường được thêm niên hiệu, chẳng hạn như: năm Thiên Khải Long phi Giáp tý, v.v. Bởi vì rồng bay phương múa là biểu tượng điềm lành dùng để nói về cái đức của đế vương. Do đó, các nghĩa sĩ thời Minh mạt đã không cam lòng làm người người dân mất nước, nên phải ồ ạt vượt biển đi nam, nhưng trong các ghi chép lại không muốn sử dụng niên hiệu nhà Thanh, vì vậy mà chọn giải pháp chiết trung, bỏ niên hiệu nhà Minh, giữ lại hai từ “long phi”, dựa vào Long phi năm Ất sửu, được tìm thấy ở Malacca. (Ba Tố 1950: 15). Kể từ đó, Nhiễu Tông Di [18] (1970) đã từng đề cập đến “Long phi” trong “Tinh mã hoa văn bi khắc hệ niên” (星馬華文碑刻系年), và đưa ra nghi vấn là Giáp tất đan người Hoa tại Malacca Thái Sĩ Chương trong “Trùng hưng Thanh Vân đình bi ký” sử dụng một từ “Long phi”; tuy nhiên, trong cùng năm đó, Thanh Vân đình đã viết tiêu đề biển ngạch “Linh sơn đệ nhất”, đã sử dụng niên hiệu “Đại Thanh Gia Khánh”, hai hiện vật cùng năm, tại sao lại có tiêu đề "Gia Khánh", mà một trong số đó lại viết “Long phi” cũng đủ để thấy rằng không phải là không sử dụng niên hiệu nhà Mãn Thanh. (422-423) Nhiêu Tông Di (1970). Bổ sung các tài liệu lịch sử liên quan đến “Long phi”, như “Sử thông” của Lưu Tri Kỷ [19] đã đề cập: “Dấu hiệu của Đế vương phải là Long phi” và Ngô Phác [20] viết “Long phi kỷ lược” cho rằng Long phi mỗ niên tức là nói đến Hoàng đế cai trị năm thứ bao nhiêu, đâu có nhất thiết phải có ngụ ý gì, không cần phải tìm tòi sâu xa vậy (423).

Vào những năm 1970, Diệp Đài Ngân đã công bố một bài viết có tựa đề “Giáp tất đan Malacca Lý Quân Thường và Thanh Vân đình” (Mã lục giáp giáp tất đan lí quân thường dữ thanh vân đình), đã liên hệ “Long phi” với thời nhà Minh khi Trương Liễn tự xưng “Phi Long”. Lý do chính là có thể bị ảnh hưởng bởi “Lịch đại kỉ nguyên biên quyển” của Lý Triệu Lạc [21] (1989), bởi vì trong đó có viết là Trương Liễn lấy “Long phi” làm niên hiệu (15). Tuy nhiên, theo Nhiêu Tông Di (1974) họ Lý đã sai, và đã viết bài “Luận về vấn đề Long phi và Trương Liễn” (Long phi dữ Trương Liễn vấn đề biện chính), cho rằng Lý Triệu Lạc đã viết sai “phi long” (Rồng bay*) thành “Long phi” (Niên hiệu Lương Lữ Quang thời Hậu Lương và Niên hiệu thời Trương Liễn nhà Minh*), đã dẫn đến nhiều từ điển và thậm chí người Nhật Bản soạn “Đại Hán – Nhật Từ điển” đều tiếp tục nối dài cái sai của ông (11 - 12). Điều này chủ yếu là do trong thời kỳ tạo phản động loạn, Trương Liễn đã tự xưng là “Phi long nhân chủ”. Tuy nhiên, Trương Liễn là người thời nhà Minh đã chết ở năm Gia Tĩnh thứ bốn mươi mốt (1562) và không có mối quan hệ nào với các hoạt động chống Thanh. Vì vậy, điều đó có nghĩa là “Phi long” không liên quan gì đến “Long phi” của di dân nhà Minh cả.

Cho đến nay, việc nghiên cứu về “Long phi” vẫn chưa có được lời giải thích dứt khoát. Do đó, các học giả Malaysia phân tích vấn đề “Long phi” ở Malacca từ những quan điểm khác nhau. Ví dụ, Hoàng Văn Bân từng suy đoán rằng “Long phi” nói về sự diệt vong của nhà Minh hay cái chết của hoàng đế, cả hai đã chết, nhưng những người trung thành với nhà Minh không thừa nhận nhà Thanh, nên họ đã sử dụng quốc hiệu này ("Nhật báo phương Đông", ngày 17 tháng 2 năm 2009). Ngoài ra, Vương Sâm Phát nhận ra ý nghĩa của “Long phi” không phải là Long phi đã mất, ngược lại, ông tin vào sự dũng cảm của Lý Vi Kinh, mặc dù lúc đó nhà Minh đã bị diệt vong, nhưng bi văn được sử dụng chủ yếu với ngụ ý niên hiệu “Long phi” đang đợi vị Hoàng đế mới lên ngôi”, nhưng vị Hoàng đế mới mà ông mong đợi chắc chắn không phải là Hoàng đế của nhà Thanh. (Tạ Trọng Dương, ngày 20, tháng 9 năm 2015, 2)

Các học giả ngày nay có ý kiến khác nhau về “Long phi”, nhưng tất cả họ đều bị vây nhiễu bởi bốn quan điểm sau: thứ nhất, “Long phi” mang nghĩa Hoàng đế lên ngôi; thứ hai, “Long phi” là việc di dân nhà Minh tránh dùng niên hiệu của nhà Thanh, nên cố tình dùng “Long phi”; thứ ba, “Long phi” là ẩn dụ Hoàng đế đã chết; thứ tư, “Long phi” là biểu tượng điềm lành, dùng để chỉ ân đức Hoàng đế. Trong một số quan niệm này, có thể thấy rằng nhiều học giả chỉ dựa vào các chữ khắc và bia mộ liên quan đến “Long phi” ở Malacca hoặc Việt Nam để tiến hành nghiên cứu và suy luận. Thiếu sót duy nhất là các tư liệu khai quật các minh bi, biển ngạch, bia mộ, thư tịch và các tư liệu khác liên quan đến “Long phi” ở Trung Quốc, để nghiên cứu thêm, điều này làm cho ý nghĩa thực sự của “Long phi” được Xác nhận là không tiến thêm được bước nào. Do đó, bài viết này nhằm mục đích tìm hiểu một số tài liệu lịch sử và di tích văn hóa Trung Quốc liên quan đến “Long phi” từ trong lòng Trung Quốc, để khám phá ý nghĩa thực sự và ý định của di dân nhà Minh đối với “Long phi” để trả lời những nghi hoặc của giới học thuật về “Long phi”.

3. Việc sử dụng “Long phi” trong xã hội Trung Quốc

Với kết quả nghiên cứu hiện tại của giới học thuật, hầu như  “Long phi” liên quan đến các di dân nhà Minh không sẵn lòng chấp nhận nhà Thanh và tạo ra “Long phi” của riêng mình để thể hiện tiếng nói của họ. Tuy nhiên, vào tháng 9 năm 2014, tác giả đã đến miếu Dương Sơn ở làng Đỉnh Thành, Nam An, tỉnh Phúc Kiến và phát hiện được chiếc lư hương trong miếu có khắc dòng chữ “Long phi Tân mão”. Do phát hiện ra lư hương có khắc chữ “Long phi”, nên tác giả bắt đầu chú ý xem liệu có những tài liệu khác ở Trung Quốc giống như ở Malacca và Việt Nam, được khắc chữ “Long phi” không. Bởi vì nếu có thể tìm thấy nhiều tư liệu liên quan đến “Long phi” ở Trung Quốc, thì sẽ giúp làm rõ hơn ý nghĩa thực sự của “Long phi”, nghĩa là hiểu được tâm nguyện của các di dân nhà Minh.

Sau khi thu thập dữ liệu trong một khoảng thời gian, có thể thấy rằng một số hiện vật và tư liệu ở Trung Quốc thực sự có hai chữ “Long phi”, bao gồm văn bia, hoành phi câu đổi, thi họa, thư tịch, bia mộ, minh văn, đồ thờ cúng và các di tích văn vật khác. Theo kết quả chỉnh lý và thống kê, hiện có ít nhất 97 tư liệu và văn vật ở Trung Quốc có liên quan đến hai chữ “Long phi”, bao gồm một tài liệu thời Hiếu Xương (525 – 527*) triều Bắc Ngụy có 1 hiện vật; tiếp đó thời nhà Đường có 2; nhà Minh có 35; Nam Minh có 3; nhà Thanh 53; thời Dân quốc có 2. Trong số đó, từ “Long phi” đa số xuất hiện trong thư tịch, có 30 tư liệu; tiếp đến là bia khắc có 23 tư liệu; rồi đến bài biển (hoành phi, câu đối, biển ngạch các loại) 11 hiện vật; thi họa có 9 tư liệu; bia mộ hoặc minh bi mộ chí có 7 hiện vật; vật kiến trúc có 6; đồ gốm sứ 3 hiện vật; các loại tư liệu khác có 9.      

Trước hết, lấy niên hiệu Hiếu Xương thời Bắc Ngụy làm ví dụ, tư liệu là bài minh trên mộ chí của Thanh Hà Văn hiến vương Nguyên Dịch [22] triều Bắc Ngụy, và dòng chữ trên văn bia là: “….Kim thượng Long phi, tăng ấp thiên thất, tiến vị ti đồ, thị trung như cố….Huyền phù toản lục, vâng lệnh Long phi, ư mục quân vương, dận thánh trọng huy….”. (Tiết Nguyên Minh 2014: 41, 96);  (…Hoàng đế Long Phi, tăng ấp nghìn nhà, cất nhắc Tư đồ, người hầu như cũ…Tín phù màu đen, thụ mệnh Long Phi, đẹp lòng Quân vương, noi thánh đức, trọng huy hoàng…)  

Sau đó, phát triển đến nhà Đường, tức là có “Sử thông” của Lưu Tri Kỷ (2014) trong tự sự thứ hai mươi hai có nói đến: “Bang quốc [23] sơ cơ, thời thế hỗn ám, điềm triệu Đế vương, tất hiệu Long phi”. (300) Ngoài ra, thi nhân thời nhà Đường Lý Ích sáng tác bài “Tặng Tuyên đại sư” [24] cũng sử dụng hai từ “Long phi” như sau:

Tặng Tuyên đại sư

Cả nước Sa di [23] tự giải thơ
Người người ý đẹp Huệ Lâm sư
Tiên hoàng hạ chiếu vời ngày trước
Kim thượng Long Phi nhập nội thì
Ngắm nguyệt nhớ về nơi tùng tự
Tầm hoa bỗng tưởng nước hạnh khê
Nhân bàn Phật địa cầu tâm địa
Chỉ thấy thường ngâm ấy trụ trì.

(Bành Định Cầu 2008: 1462)

Theo các ghi chép trên, từ thời Bắc Ngụy đến thời Đường, việc sử dụng “Long phi” dựa trên các từ “Kim thượng Long phi”, “Hiệu Long Phi” hoặc “Thụ mệnh Long phi”, cho thấy “Long phi” có liên quan mật thiết với Hoàng đế. Thời nhà Minh và nhà Thanh, các tư liệu đã trình hiện cách sử dụng các cụm từ “Long phi điện hạ”, “Thiên tử Long phi”, “Long phi cửu ngũ”, “Hoàng Minh Long phi”, “Đại Thanh Long phi”, “Hoàng thượng Long phi”, duy chỉ có Hoàng đế mới có thể tự xưng là “Long phi”. Nay xét “Ư tiên sinh trông thật rực rỡ” (Ư tiên sinh kiến chi hoàng hoàng) của “Nhị Hi đường văn tập” (do Văn học gia Thái Thế Viễn soạn năm Ung Chính thập niên, 1732, đời Thanh) có viết: “Hoàng thượng Long phi là trụ cột cho nền móng ngọt lành cựu học…” (Hoàng thượng Long phi ngự cực ư cam bàn cựu học…), (Quyển thứ nhất), theo đoạn này thì không còn nghi ngờ gì nữa, “Long phi” có mối liên hệ mật thiết với Hoàng đế.

Trong triều đại nhà Minh và nhà Thanh, từ “Long phi” trở nên phổ biến. Nhiều chữ khắc, bảng biển, thơ, sách, bia mộ hoặc văn bia, đồ sứ và các hiện vật kiến trúc có hai từ “Long phi” đã được tìm thấy trên khắp Trung Quốc. Ngoài ra, “Long phi” thường được sử dụng trong các ghi chép về một năm nào đó; cho đến nay, việc chỉnh lý các tư liệu lịch sử hiện tại cho thấy có 21 tư liệu trong triều đại nhà Minh, 3 thuộc triều đại Nam Minh, 47 thời nhà Thanh, 2 thuộc thời Trung Hoa Dân quốc, và vẫn còn một số năm chưa thống kê được tư liệu. Về hình thức tư liệu ghi chép về các năm nhất định, đại thể có năm cách thức: i) Long phi Hoàng đế mỗ năm mỗ; ii) Triều đại mỗ Long phi Hoàng đế mỗ, năm mỗ; iii) Triều đại mỗ Long phi năm mỗ; iv) Hoàng đế mỗ Long phi năm mỗ; v) Long phi năm mỗ. Từ cách thức ghi lại các năm này, có thể biết rằng từ “Long phi” đã dần trở thành một cách thức truyền thống từ thời nhà Minh và tiếp tục đến Nam Minh, Thanh và thậm chí cả thời Trung Hoa Dân quốc. Thời Dân quốc, đã bãi bỏ chế độ quân chủ, nhưng việc sử dụng “Long phi” cũng vẫn được tìm thấy, đây là một hiện tượng rất hiếm, tư liệu là “Càn thư” (乾書) và “Khôn thư” (坤書) như sau:

Lý do chính cho việc sử dụng “Long phi” trong thời Trung Hoa Dân quốc là “Long phi” được biến thành cách thức trong xã hội bình dân. Theo hai cuốn sách cổ của nhà Thanh, “Thiếp thức bộ” (
帖式簿) và “Tu luân” (修倫) mà xét thì hai cuốn sách này phân loại thành: “Loại rượu và gạo”, “Loại lễ nghi”, “Tiên tổ khảo”, “Bàn về hôn nhân tương bái” v.v., các loại khác có thể được gọi là toàn bộ phong tục xã hội dân gian Trung Quốc. Nội dung của những cuốn sách như vậy đã thống nhất phong tục và tập quán của xã hội dân gian Trung Quốc, để các thế hệ tương lai theo một phạm trù cố định. Do đó, khi người bình dân bách tính viết các vấn đề hôn nhân, lễ nghi, càn thư, khôn thư, thì căn cứ vào các cách thức đã có từ trước mà sao chép, vì vậy hai từ “Long phi” vẫn được sử dụng trong thời Dân quốc. Từ những dấu hiệu trên, xã hội cổ đại đã không hạn chế bất kỳ người nào sử dụng hai từ “Long phi”. Căn cứ vào các tư liệu xã hội của các triều đại Minh Thanh, số lượng “Long phi” được giới quý tộc sử dụng chiếm đa số, nhưng vẫn có thể tìm thấy trong các tư liệu tông miếu, phả hệ, hôn nhân và nghi thức mà người dân thường sử dụng hai từ “Long phi”. Do đó, từ việc khảo sát các tư liệu gốc, có thể xác minh rằng “Long phi” đã dần trở nên phổ biến trong các triều đại nhà Minh và nhà Thanh.

Từ
“Long phi” không chỉ được người Hán sử dụng mà người Mãn cũng từng dùng. Trong số đó, “Gia phả tộc Huy Phát Tát Khắc Đạt” (Hoifa Nara hala), được biên soạn vào năm Quang Tự thứ hai mươi tư (1898), là một ví dụ. Nó ghi lại tình huống của bà Phụng Thánh Phu nhân là nhũ mẫu của hai Hoàng đế Thuận Trị và Khang Hy cùng hậu duệ của bà, tộc phả ghi lại rõ ràng người của bộ tộc: “Thái tổ Long Phi của nội phủ tộc Nhật Huề nối đời nhận lấy” (Quách Hựu Lăng 2003: 630). Hơn nữa, Thái hậu Từ Hi cũng đã sử dụng “Long phi” trong tác phẩm “Mai hoa song thước đồ lập trục” (Tranh cuộn Hoa mai và hai con chim khách) của mình,  và viết bên rìa bức tranh “Long Phi Quang Tự năm thứ 15, tháng Giêng, ngày 15, ban cho Thái tử Thái bảo Thượng thư Bộ công, tạm nhậm Thượng thư Bộ hộ thần Phan Tổ Ấm [25]” ,

Tóm lại, lấy các ghi chép trong nhiều tài liệu hiện tại mà xét thì thấy từ “Long phi” không có nghĩa chỉ hoàng đế lên ngôi, cũng không phải là các nghĩa sĩ di dân hoặc phản Thanh của nhà Minh tự sáng tạo hoặc riêng có niên hiệu đó, mà có một lớp nghĩa khác. Tác giả sẽ tìm hiểu và lý giải thêm về ý nghĩa thực sự của “Long phi” để tìm hiểu động cơ và tiếng nói của di dân nhà Minh ở Đông Nam Á khi họ sử dụng từ “Long phi”.
_______________________________________

Nguồn: 阮湧俰,明朝民使用“龙飞”之机考,来西人文与社会科学学报,第六卷第一、二期合201712月:1-16, Nguyễn Dũng Hòa, đông nam á minh triều di dân sử dụng “long phi” chi động cơ khảo chứng, mã lai tây á nhân văn dữ xã hội khoa học học báo, đệ lục quyển đệ nhất, nhị kì hợp tập, 2017 niên 12 nguyệt: 1-16.

Người dịch: Hà Hữu Nga

Tác giả: Nguyễn Dũng Hòa (阮湧俰), Tiến sĩ Lịch sử Thế giới, Viện Nghiên cứu Nam Dương, Đại học Hạ Môn.

Chú thích của người dịch

[1] Thanh Vân đình (青雲亭) là ngôi đình cổ nhất của Trung Quốc ở Malaysia. Nó được xây dựng vào thế kỷ 15 và tọa lạc tại số 25 đường Tokong, Malacca. Đây là một loại tòa án và tổ chức trọng tài của cộng đồng người Hoa của khu vực này trong hàng trăm năm. Công việc mở rộng hầu hết được thực hiện bởi quyết định của đại diện cao nhất của cộng đồng người Hoa là Giáp Tất đan (dịch tiếng Hà Lan: Kapitan là Thủ lĩnh, Tộc trưởng). Khi người Anh bãi bỏ hệ thống Giáp Tất đan, thì Thanh Vân đình vẫn giữ vai trò tương tự cho đến năm 1911. Vào thời đó, vật liệu và các nghệ nhân xây dựng Thanh Vân đình đều được đưa từ Trung Quốc đến và sau này đã được đưa vào Danh sách Di sản Văn hóa Thế giới của Liên Hợp Quốc. Năm 2003, Thanh Vân đình đã giành được Giải thưởng Di sản Châu Á-Thái Bình Dương của UNESCO về Bảo tồn Di sản Văn hóa, là hình mẫu cho các dự án phục hồi tu bổ các công trình có giá trị nổi bật.

[2] Lý Tự Thành (李自成 1606-1645) nguyên là Hồng Cơ (鴻基), là nhân vật nổi tiếng thời "Minh mạt Thanh sơ" trong lịch sử Trung Quốc, ông đã lãnh đạo cuộc khởi nghĩa lật đổ nhà Minh sau 276 năm thống trị vào năm 1644, lên ngôi hoàng đế, lập ra nhà Đại Thuận. Lý Tự Thành là người huyện Mễ Chỉ, tỉnh Thiểm Tây, từ nhỏ đã đi chăn cừu thuê. Năm 1630, Trương Hiến Trung khởi nghĩa tại Mễ Chỉ, Thiểm Tây, Lý Tự Thành đến làm "Sấm Tướng" trong đạo nghĩa quân do người cậu là Cao Nghênh Tường lãnh đạo và trở thành một lãnh tụ nông dân kiệt xuất trong lịch sử Trung Quốc. Năm 1643, Lý Tự Thành lên làm “Tân Thuận vương”, chính thức thành lập bộ máy chính quyền mới tại Tương Dương và đổi tên gọi là Tương Kinh. Tháng 10-1643, nghĩa quân Lý Tự Thành đánh chiếm được khu vực Thiểm Tây – Cam Ninh ở miền Tây Bắc rộng lớn, hiểm trở xây dựng thành căn cứ kháng chiến lâu dài. Năm 1644, quân Lý Tự Thành tiến vào Bắc Kinh, lật đổ Vương triều nhà Minh thống trị Trung Quốc trong 276 năm trời. Tướng nhà Minh là Ngô Tam Quế kết hợp với Đa Nhĩ Cổn mở cổng Sơn Hải Quan dẫn quân Mãn Thanh vào tiến đánh chiếm lĩnh thành Bắc Kinh vào Tháng 5/1644. Chính quyết định này của Ngô Tam Quế đã mở đường cho quân Mãn Thanh tiến vào Trung Nguyên lập nên triều đại Mãn Thanh thống trị Trung Quốc gần 300 năm. Khoảng tháng 4-1645, trong lúc đang quan sát địa hình trên núi Cửu Cung, huyện Thông Sơn, tỉnh Hồ Bắc Lý Tự Thành bị tập kích giết chết vào năm ông 39 tuổi.

[3] Đại Thuận (大順) hay còn gọi là Lý Thuận (李順) là một chính quyền do Sấm vương Lý Tự Thành thành lập. Tháng 10 năm 1643, Sấm vương công phá Đồng Quan, đến tháng 11 thì chiếm Tây An. Tháng 1 năm Sùng Trinh thứ 17 (1644), Lý Sấm kiến quốc tại Tây An, đặt quốc hiệu là "Đại Thuận", đến tháng 3 tiến vào Tử Cấm Thành, Sùng Trinh Đế tự thắt cổ ở Môi Sơn tại Bắc Kinh. Chính quyền Đại Thuận vừa treo bảng yên dân, kêu gọi mọi người an cư lại nghiệp, vừa trừng phạt các hoàng thân quốc thích và quan lại tham ô của triều Minh. Ngô Tam Quế đã gửi thư cho Đa Nhĩ Cổn mời quân Thanh đến giúp. Đa Nhĩ Cổn tận dụng thời cơ đem quân Thanh đang mai phục tiến thẳng vào quân Đại Thuận. Lý Tự Thành lại bại trận ở Giang Tây, sau bị quân Nam Minh giết tại Cửu Cung Sơn ở phía nam huyện Thông Sơn của Hồ Bắc. Quan chế Đại Thuận đại thể theo quan chế triều Minh, có sửa đổi nhỏ, đổi nội các thành "Thiên hựu điện" (天佑殿), đổi Lục bộ là Lục Chính phủ, thiết lập các chức đại học sĩ, thượng thư, thị lang. Ở địa phương, chính quyền Đại Thiện đổi tuần phủ thành tiết độ sứ, tuần án trực chỉ sứ.

[4] Ngô Tam Quế (吳三桂, 1612 – 1678), là Tổng binh cuối triều Minh, sau đầu hàng và trở thành tướng của nhà Thanh. Trước đây Ngô Tam Quế từng dưới quyền của Viên Sùng Hoán (1584-1630). Sau khi viên tướng này bị vua nhà Minh là Sùng Trinh giết chết, Ngô Tam Quế dần dần được trao nhiệm vụ làm Tổng binh trấn giữ Sơn Hải Quan (nay thuộc tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc). Khoảng thời gian này, các nhóm khởi nghĩa chống lại nhà Minh đã dần lớn mạnh, trong số ấy có lực lượng của Lý Tự Thành. Sau những thắng lợi liên tiếp, Lý Tự Thành lên ngôi Hoàng đế ở Tây An (Thiểm Tây) và rồi đánh chiếm luôn Bắc Kinh vào ngày 26 tháng 5 năm 1644. Nghe tin kinh đô đã thất thủ, Sùng Trinh Hoàng đế đã chết, nên Ngô Tam Quế đã định hàng Lý Tự Thành. Nhưng khi hay ái thiếp của mình là Trần Viên Viên bị Tự Thành chiếm đoạt, cha của ông cũng bị Lý Tự Thành giết, ông nổi giận đổi ý, đến xin hợp tác với quân Mãn Thanh dưới quyền chỉ huy của Đa Nhĩ Cổn. Quân của Ngô Tam Quế sau đó mở cửa Sơn Hải cho quân Mãn tràn quan, phối hợp chống lại quân Lý Tự Thành. Kết quả là quân Mãn Châu đã tiêu diệt lực lượng của Lý Tự Thành. Khi mới thành lập, triều Thanh đã phong vương cho một số tướng lĩnh Hán tộc có công, trong số đó có Ngô Tam Quế được phong Bình Tây vương, trấn thủ Vân Nam. Năm 1673 vua Khang Hi đã ra lệnh bãi bỏ các phiên. Bị mất quyền lợi, ngay năm ấy Bình Tây vương Ngô Tam Quế nổi dậy chống lại nhà Thanh. Tuy nhiên, vì các lực lượng chống Thanh không có hành động thống nhất nên ít năm sau thì bị dẹp tan. Trong tình thế rất khó khăn, năm 1678, Ngô Tam Quế vẫn xưng làm Hoàng đế, lập ra nhà Đại Chu (大周), thủ đô tại Hành Dương, Hồ Nam. Nhưng chỉ được 5 tháng thì chết vào ngày 2 tháng 10 năm 1678, thọ 66 tuổi. Cháu của ông là Ngô Thế Phiên (Phan) (吴世璠) nối ngôi nhưng thế lực đã rất suy yếu. Năm 1681, quân nhà Thanh tấn công và chiếm được Vân Nam, Thế Phiên phải tự tử.

[5] Nhà Nam Minh (南明 - "triều Minh ở phía Nam" 1644 – 1662) là tên gọi của một triều đại được chính dòng dõi con cháu của nhà Minh thành lập ở phía Nam Trung Quốc sau khi kinh đô Bắc Kinh bị Lý Tự Thành chiếm được vào năm 1644. Một số quan lại nhà Minh di tản xuống vùng Giang Nam đến thủ đô thứ hai là Nam Kinh, cùng hoàng tộc ủng hộ lập vua mới. Tháng 5 năm 1644, Phúc vương lên ngôi ở Nam Kinh. Tháng 4 năm 1645, quân nhà Thanh xâm chiếm và đoạt được Nam Kinh, bắt đầu chiến dịch truy quét và tiêu diệt từng nhóm lẻ tẻ chống cự nhà Thanh. Phúc Vương nhảy xuống sông Trường Giang tự vẫn, tháng 6 năm 1645, quần thần lập Lỗ Vương Chu Dĩ Hải lên ngôi xưng Giám Quốc, thành lập chính quyền lưu vong đóng đô ở Thiệu Hưng, đồng thời với Phúc Vương là Đường Vương Chu Duật Kiện tức Long Vũ Đế cũng lên ngôi, Trịnh Chi Long và Hoàng Đạo Chu cùng phò tá cả hai vị hoàng đế của nhà Nam Minh lên ngôi vị tạo nên tình trạng phân liệt. Tháng 6 năm 1646 Lỗ Vương trốn thoát được, lén vượt biển sang nương tựa lực lượng của Trịnh Thành Công. Lúc này chỉ còn mỗi lực lượng của vua Long Vũ Đế, tháng 8 năm 1646 quân Thanh xâm lược Phúc Châu, tiêu diệt chính quyền của Long Vũ Đế. Sau cùng, em trai là Thiệu Vũ Đế kế vị anh tiếp túc cuộc kháng cự, cùng năm đó thất bại trước cuộc tấn công mãnh liệt của quân Thanh, Thiệu Vũ Đế tự sát. Tháng 10 năm 1646, Quế Vương Chu Do Lang xưng Giám Quốc, đóng đô ở Triệu Khánh, tháng 11 lên ngôi, thành lập chính quyền Vĩnh Lịch. Năm 1659, sau trận Ma Bàn Sơn, Vĩnh Lịch Đế chạy trốn sang Miến Điện, nhưng sau đó Ngô Tam Quế đem quân đánh, Miến Điện đã bắt vua giao nộp. Đến năm 1662 tháng 4, Ngô Tam Quế giết chết Vĩnh Lịch Đế. Ngoài ra vào năm 1662, Lỗ Vương Chu Dĩ Hải mắc bệnh chết bên cạnh Trịnh Thành Công, nhà Nam Minh coi như bị diệt vong.

[6] Giám Quốc Lỗ vương Chu Dĩ Hải (朱以海 1618 – 1662), là một vị vua của nhà Nam Minh. Tuy trị vì trong 10 năm (1645 – 1655) nhưng ông lại không đặt niên hiệu trong thời gian tại vị của mình. Ông là cháu 9 đời của Lỗ Hoang vương Chu Đàn. Năm Sùng Trinh thứ 15 (1642), quân Thanh tấn công Duyện Châu. Đại huynh của ông, Chu Dĩ Phái (朱以派), khi đó đang giữ tước Lỗ vương, cùng con trai và 2 người em là Chu Dĩ Hành (朱以) và Chu Dĩ Giang (朱以江) thắt cổ tự vẫn. Do đó, Chu Dĩ Hải trở thành người kế vị duy nhất của cha mình. 4 ngày sau khi được sắc phong Lỗ vương, Lý Tự Thành tấn công Bắc Kinh, Lỗ vương Chu Dĩ Hải phải chạy về phương nam, trú tại Thai Châu. Năm 1644, sau khi Sùng Trinh đế qua đời, Chu Do Tung lên ngôi Hoàng đế, lấy niên hiệu Hoằng Quang, lập ra nhà Nam Minh. Gần 1 năm sau đó, Hoằng Quang đế bị xử trảm cùng các thân vương khác tại Thái Thị Khẩu. Tháng 8 năm 1645, Chu Duật Kiện xưng đế tại Phúc Châu, đặt niên hiệu là Long Vũ (隆武). Cũng khi đó, Trịnh Tuân Khiêm (鄭遵謙) và Trương Quốc Duy (張國維) cùng tôn Lỗ Vương Chu Dĩ Hải giám quốc tại Thiệu Hưng. Hai bên đều có ý tranh đoạt ngôi vị hoàng thống, nội chiến liên miên, chưa đầy một năm thì triều Long Vũ bị diệt vong, Chu Duật Kiện bị quân Thanh bắt giết. Lỗ vương thoát được chạy về Chu San. Năm 1651, Lỗ vương chạy tới đảo Kim Môn nương nhờ Trịnh Thành Công. Tháng 12 năm 1662, Chu Dĩ Hải qua đời tại đó.

[7] Trịnh Chi Long (鄭芝龍 1604 – 1661), hiệu Phi Hồng, tên Kitô giáo là Nicholas hoặc Nicholas Iquan Gaspard, người làng Thạch Tĩnh, Nam An, phủ Tuyền Châu, Phúc Kiến, Trung Quốc. Ông là thương nhân, thủ lĩnh quân sự, quan lại triều đình kiêm cướp biển hoạt động mạnh ở vùng bờ biển Hoa Nam, Đài Loan và Nhật Bản vào cuối đời Nhà Minh. Ông chính là cha của Trịnh Thành Công, khởi nghiệp ở Hirado, Nhật Bản lúc ban đầu, sau tự tay tạo dựng nên tập đoàn thương nhân kiêm cướp biển vũ trang ngày càng lớn mạnh, tạo nền tảng vững chắc cho chính quyền Minh Trịnh sau này. Tháng 5 năm 1653 (năm Thuận Trị thứ 10), ông được tấn phong Đồng An Hầu, ra sức phủ dụ lực lượng của Trịnh Thành Công. Trịnh Chi Long phụng lệnh triều đình khuyên bảo  con trai Trịnh Thành Công quy thuận theo mình, nhưng Trịnh Thành Công nhất quyết từ chối. Năm 1655 (năm Thuận Trị thứ 12) Trịnh Chi Long bị triều đình hạch tội vì không chiêu dụ được Trịnh Thành Công, bèn tước chức quan, tống vào nhà ngục, năm 1657 (năm Thuận Trị thứ 14), Đề đốc Hoàng Ngô, nguyên là gia tướng của họ Trịnh dâng sớ khuyên triều đình nên trục xuất toàn gia tộc Trịnh Chi Long ra khỏi kinh sư, cho quản thúc ở Ninh Cổ Tháp, Thịnh Kinh, nhưng không được chấp nhận. Năm 1660 (năm Thuận Trị thứ 17), Tuần phủ Phúc Kiến Đồng Quốc Khí tâu rằng Trịnh Chi Long cùng con là Trịnh Thành Công lén lút liên lạc cá nhân. Hội nghị Đại thần Nghị Chính vương quyết định nghị luận ghép ông tội danh tư thông bên ngoài (Thông Hải), sau đó đày cả nhà Chi Long đến Ninh Cổ Tháp chờ xử tử. Tháng 10 năm 1661 (năm Thuận Trị thứ 18), vua Thuận Trị băng hà, Phụ chính Đại thần Tô Khắc Tát Cáp ra lệnh chém đầu Trịnh Chi Long cùng thân tộc tại Sài Thị ở kinh sư khi ông mới 58 tuổi.

[8] Trịnh Thành Công (鄭成功 1624 - 1662, nguyên huý là Sâm, tự là Minh Nghiễm hay Đại Mộc, hay còn được biết đến với tên gọi khác là Trịnh Sâm, Trịnh Quốc Tính, Trịnh Diên Bình, và được dân gian tôn sùng gọi ông là Quốc Tính Gia,[8] là nhà lãnh đạo quân sự, chính trị của triều Nam Minh, sinh tại Hirado, Nhật Bản, cha là Trịnh Chi Long một hải tặc/thương nhân và mẹ là người Nhật. Trịnh Thành Công là danh tướng kiệt xuất thời kỳ cuối nhà Minh đầu nhà Thanh. Ông là anh hùng dân tộc Trung Quốc, đã dùng 16 năm cuối đời mình để kháng chiến chống nhà Thanh, không thành công trong các chiến dịch quân sự tại miền Đông Nam Trung Quốc trong nỗ lực phản Thanh phục Minh, ông đưa tướng sĩ và gia quyến vượt biển di cư sang Đài Loan, sau đó ông tổ chức và chỉ huy một hạm đội tiến hành chiến dịch quân sự đánh bại công ty Đông Ấn Hà Lan trên đảo Đài Loan từ năm 1661 đến 1662, tiếp tục tiến hành xây dựng lực lượng vững mạnh trên đảo nhằm hỗ trợ cho các hoạt động chống nhà Thanh ở đại lục, sau khi ông mất, con là Trịnh Kinh tiếp tục tăng cường cai trị, biến đảo Đài Loan thành một nước độc lập là vương quốc Đông Ninh cho tới khi bị tướng Thi Lang của nhà Thanh vượt biển mang quân sang tiêu diệt năm 1683.

[9] Loạn Tam phiên (chữ Hán: 三藩之亂 tam phiên chi loạn; 1673-1681) là cuộc chiến giữa 3 phiên vương phía nam lãnh thổ Trung Quốc do Ngô Tam Quế cầm đầu chống lại vương triều nhà Thanh cuối thế kỷ 17 trong lịch sử Trung Quốc. Sau khi nhà Thanh tiến vào cai trị Trung Quốc, đến thời Khang Hi, lãnh thổ Trung Quốc chưa hoàn toàn được thống nhất, vẫn còn nguy cơ để lại từ cuối thời Minh: đó là "tam phiên" tức 3 vị vương từng là hàng tướng của nhà Minh gồm có Bình Tây vương Ngô Tam Quế ở Vân Nam, Bình Nam vương Thượng Khả Hỷ ở Quảng Đông và Tĩnh Nam vương Cảnh Tinh Trung ở Phúc Kiến; Trịnh Thành Công vẫn chiếm giữ Đài Loan, Nước Nga Sa hoàng nhiều lần gây chiến ở biên giới. Vì vậy từ khi chính thức trực tiếp nắm quyền hành, Khang Hi đã tự mình viết tấm biển "tam phiên, hà vụ, tào vận" để đặt ra nhiệm vụ giải quyết những mối lo của triều đình, trong đó tam phiên được coi là mục tiêu giải quyết trước. Tam phiên có địa bàn cai quản rộng lớn, thế lực ngày càng mạnh, lại là tướng cũ của nhà Minh, trở thành mối lo với nhà Thanh, do đó Khang Hi quyết tâm trừ bỏ. Cho đến năm 1678, quân Thanh giành thắng lợi, đánh chiếm lại Thiểm Tây. Một số tướng lĩnh của Tam Quế là Lâm Hưng Chu, Hàn Đại Nhiệm xin hàng nhà Thanh. Cùng lúc Vương Kiệt Thư đánh bại quân Ngô ở Giang Tây và Chiết Giang khiến Cảnh Tinh Trung không còn ngoại viện, thế cùng phải xin hàng. Thế cục đã thay đổi, Ngô Tam Quế phải rút về chỉ còn giữ được Vân Nam. Nhưng đầu năm 1678 Ngô Tam Quế vẫn cố xưng đế hiệu ở Hành Dương, đặt quốc hiệu là Chu. Chỉ 5 tháng sau Tam Quế già yếu mắc bệnh qua đời. Cháu Tam Quế là Ngô Thế Phan kế vị. Năm 1680, Khang Hi điều 3 cánh quân tấn công Vân Nam. Ngô Thế Phan thất bại liên tiếp, quân Thanh chiếm được Côn Minh. Thế Phan bị dồn vào đường cùng, phải uống thuốc độc tự sát. Sang năm 1681, Khang Hi hoàn toàn dẹp được Vân Nam, chấm dứt loạn Tam phiên.

[10] Minh Trịnh (明鄭 1628-1683) là quyền lực chính trị được lãnh đạo bởi gia đình Trịnh Chi Long trong thời nhà Thanh sơ nhằm khôi phục lại nhà Minh. Đây cũng là quyền lực chính trị cuối cùng của nhà Minh. Cha con Trịnh Chi Long và Trịnh Thành Công đều là những người đầu tiên sáng lập thời Minh Trịnh.

[11] Dân bất liêu sinh: là một thành ngữ của Trung Quốc, nguyên chỉ bách tính không biết nương tựa vào đâu để mưu sinh, nên cuộc sống cực kỳ khốn khổ. Thành ngữ này có nguồn gốc từ “Sử ký - Trương Nhĩ, Trần Dư liệt truyện” cảu Tư Mã Thiên thời Tây Hán: “Trăm họ rã rời, đếm đầu thu thuế, lấy làm quân phí, tài lực vét cạn, dân không đường sống” (Bách tính bãi tệ, đầu hội ki liễm, dĩ cung quân phí, tài quỹ lực tận, dân bất liêu sinh.”.

[12] Giáp tất đan (甲必丹), tiếng Mã Lai gốc từ tiếng Hà Lan: Kapitan Cina vì vùng này đã từng là thuộc địa của Hà Lan. Hệ thống này sẽ bổ nhiệm thủ lĩnh người Hoa ở nước ngoài để kinh doanh, kiếm sống hoặc định cư nhằm hỗ trợ chính quyền thực dân giải quyết các vấn đề của cộng đồng Kiều dân. Đến thế kỷ 16, Công ty Đông Ấn và chính phủ thực dân Anh tiếp quản Malacca, do chế độ quân chủ thế tập do người Mã Lai làm thủ lĩnh, nên họ giao cho thủ lĩnh người Hoa thay mặt chính quyền quản lý cộng đồng này và gọi ông ta là Kapitan Cina - Giáp tất đan, chịu trách nhiệm quản lý và giải quyết các tranh chấp dân sự khác nhau của Hoa Kiều. Nếu Giáp tất đan không thể giải quyết, thì đệ trình lên chính quyền thuộc địa. Vào thế kỷ 19, quyền lực và ảnh hưởng của Giáp tất đan ở Malaya và Eo biển Singapore được mở rộng ảnh hưởng đến uy tín của chính quyền thực dân. Do đó, chính quyền thuộc địa đã thành lập Chế độ bảo hộ người Hoa (華民護衛司署 Hoa nhân Hộ vệ Ty thự  - The Chinese Protectorate) can thiệp trực tiếp vào việc quản lý các vấn đề Hoa kiều. Sau năm 1935, hệ thống Kapitan đã bị bãi bỏ hoàn toàn ở Malaya thuộc Anh.

[13] Thân tích vô cương (Kinh thi, Thương tụng, Liệt tổ (詩經,商頌,烈祖)

烈祖

嗟嗟烈祖、有秩斯祜。
申錫無疆、及爾斯所。
既載清酤、賚我思成。
亦有和羹、既戒既平。
鬷假無言、時靡有爭。
綏我眉壽、黃耇無疆。
錯衡、八鸞鶬鶬
以假以享、我受命溥將。
自天降康、豐年穰穰。
來假來饗、降福無疆。
顧予烝嘗、湯孫之將。

Liệt tổ

Ta ta liệt tổ, hữu trật tư hỗ.
Thân tích vô cương, cập nhĩ tư sở.
Kí tái thanh cô, lãi ngã tư thành.
Diệc hữu hòa canh, kí giới kí bình.
Tông giả vô ngôn, thì mĩ hữu tranh.
Tuy ngã mi thọ, hoàng cẩu vô cương.
Ước để thác hành, bát loan thương thương.
Dĩ giả dĩ hưởng, ngã thụ mệnh phổ tương.
Tự thiên hàng khang, phong niên nhương nhương.
Lai giả lai hưởng, hàng phúc vô cương. 
Cố dữ chưng thường, thang tôn chi tương.  
 
Than ôi! Liệt tổ phúc dày 
Công đức vô tận đến Ngài hôm nay 
Trong veo rượu đã sẵn bày 
Khiến ta cùng được sum vầy tổ tiên 
Lại kính cẩn dâng canh hòa dịu 
Chốn lằng lặng nhạc thiều trình tấu 
Cõi thinh ngôn nào mảng luận tranh 
Ban cho thọ tỷ Nam sơn 
Chư hầu võng lọng mang mang 
Chuông reo ngựa hý hàng hàng chầu dâng 
Ta thụ mệnh Trời ban Đại phúc 
Mùa phong nhiêu ngũ cốc rợp đồng 
Tổ tiên lai giá hưởng cùng 
Đặng ban phúc lộc trùng trùng 
Thành Thang con cháu tương phùng kính dâng  

[14] Trạc trạc quyết linh (Kinh thi, Thương tụng, Ân vũ詩經,商頌,殷武》)

《殷武》


撻彼殷武、奮伐荊楚。
入其阻、裒荊之旅。
有截有所、湯孫之緒。
 維女荊楚、居國南
昔有成湯、自彼氐羌、
莫敢不來享、莫敢不來王、曰商是常。
天命多辟、設都于禹之績。
事來辟、勿予禍適、稼穡匪解。
天命降監、下民有嚴。
不僭不濫、不敢怠遑。
命于下國、封建厥福。
商邑翼翼、四方之極。
赫赫厥聲、濯濯厥靈。
壽考且寧、以保我後生。

Ân vũ

Thát bỉ ân vũ, phấn phạt kinh sở.
My nhập kì trở, bầu kinh chi lữ.
Hữu tiệt hữu sở, thang tôn chi tự.
Duy nữ kinh sở, cư quốc nam hương.
Tích hữu thành thang, tự bỉ để khương,
mạc cảm bất lai hưởng, mạc cảm bất lai vương, viết thương thị thường.
Thiên mệnh đa tích, thiết đô vu vũ chi tích.
Tuế sự lai tích, vật dữ họa thích, giá sắc phỉ giải.
Thiên mệnh hàng giam, hạ dân hữu nghiêm.
Bất tiếm bất lạm, bất cảm đãi hoàng.
Mệnh vu hạ quốc, phong kiến quyết phúc.
Thương ấp dực dực, tứ phương chi cực.
Hách hách quyết thanh, trạc trạc quyết linh.
Thọ khảo thả ninh, dĩ bảo ngã hậu sanh.
 
[15] Ba Tố (
巴素, Victor Purcell 1896 - 1965) gốc từ Vương quốc Anh, sinh ở Hoa Kỳ, chuyên về văn học và thơ ca. Ông gia nhập quân đội từ năm 1914 đến 1918, sau chiến tranh, ông được phái đi phục vụ ở thuộc địa Viễn Đông. Đầu tiên ông đến Quảng Châu để học tiếng Trung và đạt được kết quả xuất sắc, và thông thạo tiếng Quảng Đông. Ông làm việc cho chính phủ Mã Lai từ năm 1921 đến năm 1946. Sau khi phục vụ trong bộ phận chính phủ Malaysia hơn 20 năm, ông hết sức quan tâm đến người Hoa và đã tiến hành nghiên cứu chuyên sâu về lịch sử phát triển của người Hoa ở Đông Nam Á. Ông là tác giả của "Người Trung Quốc ở Malaya" và "Người Trung Quốc ở Đông Nam Á". Từ năm 1946 đến năm 1948, ông làm cố vấn cho Liên Hợp Quốc. Năm 1949, ông được giảng dạy tại Đại học Cambridge về Lịch sử Viễn Đông. Ông mất năm 1965 ở tuổi 68.

[16] Lưu Tiền Độ (劉前度): Lỗ Tấn được mời đến Hồng Kông vào năm 1927 để diễn thuyết với tựa đề “Trung Quốc im lặng” (Vô thanh đích Trung Quốc) và “Giai điệu cũ đã được hát” (Lão điều tử dĩ kinh xướng hoàn). Lưu Tiền Độ tham gia buổi gặp gỡ và ghi biên bản. Có sự trùng hợp kỳ lạ là có một Lão tác gia Malaysia, Lưu Tiền Độ, người đã đạt được một số thành tựu trong sáng tạo và dịch thuật tiểu thuyết, và trong quá khứ có quen biết Úc Đạt Phu (鬱達夫, Úc Văn 1896 – 1945, tự Đạt Phu, người Phú Dương, Chiết Giang, là Tiểu thuyết gia, thi nhân Trung Quốc cận đại*). Việc hai vị Lưu Tiền Độ này có mối quan hệ nào hay không thì vẫn chưa được biết rõ.

[17] Đông Hồng tiên sinh, là nói đến sự hồ đồ, hủ lậu. Đường Trịnh Huân chủ trì kỳ thi nhầm Nhan Tiêu là hậu duệ của Lỗ Công (Nhan Chân Khanh), nên đã chấm cho anh ta đỗ Trạng nguyên. Vào thời điểm đó, một số người đã viết các bài thơ chế giễu: “Khảo quan đầu óc quá đông hồng (gàn dở), Đánh lộn Nhan Tiêu với Lỗ Công” (Chủ ti đầu não thái đông hồng, Thác nhận Nhan Tiêu tác Lỗ Công).

[18] Nhiễu Tông Di (饒宗頤 1917 - 2018) người huyện Triều An, Quảng Đông, nay là huyện Tương Kiều, thành phố Triều Châu. Tổ tiên quê thôn Đồng Bà, Mai Huyện, tên tự là Cố Am, Bá Liêm, Bá Tử, Hào Tuyển Đường là các bậc thầy của giới học thuật, bậc thầy về thư pháp và hội họa trong và ngoài nước. Ông có những đóng góp quan trọng trong nhiều ngành học như nghiên cứu lịch sử, khảo cổ học, tôn giáo, triết học, nghệ thuật, văn học và nghệ thuật Cận Đông, và có uy tín cao trong cộng đồng Hán học quốc tế đương đại. Giới học thuật Trung Quốc luôn so sánh ông với Tiền Chung Thư (1910 – 1998, nhà văn, nhà nghiên cứu văn học nổi tiếng, thông thạo các ngôn ngữ: Anh, Pháp, Đức, Latin, Ý, Tây Ban Nha, vv…*), và Quý Tiện Lâm (1911 – 2009, giáo sư, nhà ngôn ngữ học, dịch giả văn học, chuyên gia tiếng Phạn và Pali) bằng cách nói: “Nam Nhiễu, bắc Tiền” và “Nam Nhiễu, bắc Quý”. Ông là giáo sư của Khoa Trung Quốc của Đại học Hồng Kông, giáo sư của Khoa Nghệ thuật và là cố vấn cho Viện Văn hóa Trung Quốc; giáo sư danh dự tại Đại học Hồng Kông, Đại học Bắc Kinh và Đại học Nam Kinh. Ông đến Hồng Kông năm 1949 và giảng dạy tại Đại học New Asia năm 1952. Từ năm 1952 đến năm 1968, ông giảng dạy tại Đại học Hồng Kông. Từ năm 1968 đến năm 1973, ông được bổ nhiệm làm giáo sư đầu tiên và trưởng khoa của Khoa Trung Quốc học của Đại học Singapore. Trong thời gian đó, ông là giáo sư thỉnh giảng tại Viện nghiên cứu Đại học Yale và Viện Nghiên cứu Ngôn ngữ. Năm 1973, ông trở thành Trưởng khoa Ngôn ngữ và Văn học Trung Quốc tại Đại học Hồng Kông Trung Quốc, và nghỉ hưu năm 1978. Sau đó, ông giảng bài tại Pháp, Nhật Bản, Trung Quốc Đại lục, Đài Loan và Ma Cao. Nhiễu Tông Di đã giành được nhiều giải thưởng, Tiến sĩ danh dự và giáo sư danh dự của Viện hàn lâm Khoa học Pháp, học giả nước ngoài của Viện hàn lâm Khoa học Pháp, thành viên danh dự của Hiệp hội Paris Châu Á. Cục Di tích Văn hóa và Chính quyền Nhân dân tỉnh Cam Túc đã trao tặng Bảo vệ Di tích Văn hóa Đôn Hoàng, Giải thưởng Đóng góp Nghiên cứu Đặc biệt, Huy chương Đại Bauhinia (Grand Bauhinia Medal, 大紫荊勳章 Đại tử kinh Huân chương) của Chính phủ Hồng Kông và Giải thưởng Thành tựu trọn đời của Hội đồng Phát triển Nghệ thuật Hồng Kông. Vào sáng sớm ngày 6 tháng 2 năm 2018, Rao Zongxi qua đời ở Hồng Kông khi 101 tuổi.

[19] Lưu Tri Kỷ (劉知幾 661-721), tự Tử Huyền, người họ Lưu Bành Thành, quan chức nhà Đường, nhà sử học. Trong thời Vĩnh Long (680 SCN), ông được thăng chức Tiến sỹ, Chí tả tán kỵ thường thị. Tiếp đó nhậm trứ tác tá lang, trung thư xá, kiêm tu quốc sử hơn hai mươi năm. Năm Cảnh Long thứ hai (708 SCN), ông đã từ chức và tự biên soạn sách sử cho đến hết đời. Các trước tác gồm: “Lưu thị gia thừa” 15 quyển, “Lưu thị phả khảo” 3 quyển, “Sử thông” 20 quyển, “Duệ Tông thực lục” 10 quyển,  “Lưu Tử Huyền tập” 30 quyển, cùng viết “Tam giáo châu anh” 313 quyển, “Tính tộc hệ lục” 200 quyển, “Đường thư” 80 quyển, “Cao Tông thực lục” 80 quyển, “Trung Tông thực lục” 20 quyển, “Tắc Thiên Hoàng hậu thực lục” 30 quyển, v.v.

[20] Ngô Phác ( 1500 – 1570), tự Hoa Phủ, người thôn Hạ Mỹ, huyện Triều An, Phúc Kiến, sinh năm Hoằng Trị thứ mười ba, tướng mạo tầm thường, nhưng đọc nhiều hiểu rộng, đọc đâu nhớ đó, đã đọc là không quên. Thời Gia Tĩnh, Lâm Hy Nguyên theo Mao Ôn Bá đánh An Nam, có mời Ngô Phác làm tham quân, chết năm Long Khánh thứ tư, 1570. Ông là tác giả của “Long Phi kỷ lược”, “Hoàng Minh đại sự kí”, “Y xỉ vấn nan”, “Độ hải phương trình”, “Cửu biên đồ yếu”, “Đông nam hải ngoại chư di” và “Phục đại ninh hà sáo chư kế hoạch”, nay hầu hết thất tán.

[21] Lý Triệu Lạc (李兆洛 1769 - 1841) nguyên họ Vương, tự Thân Kỳ, hiệu Dướng Nhất, người Thường Châu, Giang Tô. Ông là quan chức, nhà địa lí học, văn học gia, tiến sĩ xuất thân. Năm Gia Khánh thứ chín (1804) đỗ cử nhân (giải nguyên), năm Gia Khánh thứ mười (1805) đỗ Tiến sĩ nhị giáp đệ nhị danh. Từng nhậm phụng tri huyện Đài Huyện. Ông tinh thông âm vận, sử địa, lịch toán chi học, văn chương. Diêu Oánh gọi ông là “Đông Nam giảng tập đệ nhất nhân”. Tác phẩm có “Hoàng triều nhất thống dư địa toàn đồ”, “Dưỡng nhất trai tập”, “Lịch đại địa lí chí vận biên kim thích”, “Lịch đại địa lí duyên cách đồ”, “Hoàng triều dư địa vận biên”, văn tuyển có “Biền thể văn sao”.

[22] Nguyên Dịch (元懌 487年-520) tự Tuyên Nhân, người huyện Lạc Dương, quận Hà Nam, nay là thành phố Lạc Dương, tỉnh Hà Nam. Ông là con thứ tư của Ngụy Hiếu Văn đế Nguyên Hoành, mẹ là La phu nhân, tôn thất Bắc Ngụy. Thời thơ ấu mẫn tuệ, dung mạo đẹp đẽ, Hiếu Văn đế rất yêu chiều. Nguyên Dịch làu thông kinh sử, có văn tài, giỏi đàm lý, khoan nhân dung dụ, hỉ nộ không thể hiện ra sắc diện. Năm Thái Hòa thứ hai mươi mốt (497) phong Thanh Hà vương. Vì Tư không Cao Triệu chuyên quyền nên Nguyên Dịch và anh trai thứ ba Nguyên Du bất mãn, Nguyên Du bị sát hại, sau Hiếu Minh đế Nguyên Hủ tức vị, Nguyên Dịch tham gia tru sát Cao Triệu. Nguyên Dịch được bổ Thái úy, sau bị Nguyên Nghệ tố cáo Dịch mưu phản, cấm Nguyên Dịch ra khỏi nhà. Chính Quang nguyên niên (520), Nguyên Dịch bị cầm tù vì bị vu mưu phản, sau Nguyên Dịch được phục hồi thụy hiệu Văn Hiến.

[23] Bang quốc (邦國) là sự phát triển của các thực thể chính trị sau khi người Trung Quốc cổ đại bước vào xã hội văn minh nên được chuẩn hóa hơn như: Bang quốc – Vương quốc – Đế quốc là loại hình nhà nước ba giai đoạn và ba hình thức. Nhà nước đầu tiên ở Trung Quốc cổ đại (hoặc có thể được gọi là nhà nước sơ thủy) là một tiểu quốc quả dân với hình thức Bang quốc, sau đó phát triển thành vương quốc, và sau vương quốc, là loại hình đế quốc thông qua hình thức trung ương tập quyền.

[24] Tặng Tuyên đại sư

Nhất quốc sa di độc giải thi,
Nhân nhân đạo thắng huệ lâm sư.
Tiên hoàng chiếu hạ trưng hoàn nhật,
Kim thượng long phi nhập nội thì.
Khán nguyệt ức lai tùng tự túc,
Tầm hoa tư tác hạnh khê kì.
Nhân luận phật địa cầu tâm địa,
Chỉ thuyết thường ngâm thị trụ trì.

(Bành Định Cầu 2008: 1462)

李益:《贈宣大師》

一國沙彌獨解詩,人人道勝惠林師。
先皇詔下徵還日,今上龍飛入時。
看月憶來松寺宿,尋花思作杏溪期。
因論佛地求心地,只常吟是住持。
(彭定求 2008: 1462)

[25] Phan Tổ Ấm (潘祖蔭 1830 - 1890) là đại quan nhà Thanh, ông là thư pháp gia, tàng thư gia, tự Tại Chung, tiểu tự Phụng Sinh, hiệu Bá Dần, Thiểu Đường, Trịnh Am. Người Ngô Huyện, nay là Tô Châu, Giang Tô, là cháu nội của Đại học sĩ Phan Thế Ân, là con trai của Nội các Thị độc Phan Tằng Thụ, năm Hàm Phong thứ hai đỗ Nhất giáp Tam danh tiến sĩ, Thám hoa, thụ phong biên tu. Thời Quang Tự thụ phong Công bộ Thượng thư. Ông làu thông kinh sử, tinh giai pháp, tàng kim thạch. Trước tác có “Phàn cổ lâu di khí đồ thích”, “Bàng hỉ trai tùng thư”, “Công thuận đường tùng thư”.

Tài liệu tham khảo

(唐)刘知几著;白云注,2014,《史通》,北京:中华书局。(đường) lưu tri kỉ trứ; bạch vân dịch chú, 2014, “sử thông”, bắc kinh: trung hoa thư cục.

(清)李兆洛,1989,卷》,收《四部要》,北京:中华书局。(thanh) lí triệu lạc, 1989, “lịch đại kỉ nguyên biên quyển” thu lục “tứ bộ bị yếu”, bắc kinh: trung hoa thư cục.

(清)彭定求,2008,《全唐》,州:中州古籍出版社。(thanh) bành định cầu, 2008, “toàn đường thi”, trịnh châu: trung châu cổ tịch xuất bản xã.

(清)有昌吉录:《帖式薄》,龙飞戊申新春(未出版),网址:,览时间:2016430日。(thanh) trương hữu xương cát lục: “thiếp thức bạc”, long phi quang tự mậu thân tân xuân (vị xuất bản), võng chỉ: http:// book.kongfz. com/1351/173768356/, du lãm thì gian:2016 niên 4 nguyệt 30 nhật.

巴素,1950,亚华侨史》,城:光有限公司。ba tố, 1950, “mã lai á hoa kiều sử”, tân thành: quang hoa nhật báo hữu hạn công ti.

陈荆和撰,1964,《承天明氏正》,香港:香港中文大学新研究所。trần kinh hòa soạn, 1964, “thừa thiên minh hương xã trần thị chánh phổ”, hương cảng: hương cảng trung văn đại học tân á nghiên cứu sở.

陈铁凡,傅吾康合编,1982,来西亚华刻萃》,吉隆坡:大学出版社。trần thiết phàm, phó ngô khang hợp biên, 1982, “mã lai tây á hoa văn minh khắc tụy biên”, cát long pha: mã lai á đại học xuất bản xã.

方日》,2009217日。“đông phương nhật báo”, 2009  niên 2 nguyệt 17 nhật.

《二希堂文集》,第一卷,《四》(集部七·六)。 “nhị hi đường văn tập”, đệ nhất quyển, “tứ khố toàn thư” tập bộ thất - biệt tập loại lục).

郭又陵主编,2003,《北京图书馆藏家谱丛刊·民族卷》,北京:北京图书馆出版社。quách hựu lăng chủ biên, 2003, “bắc kinh đồ thư quán tàng gia phổ tùng khan - dân tộc quyển”, bắc kinh: bắc kinh đồ thư quán xuất bản xã.

安志,《“悠悠大明魂”:看十七世至十九世越南“明香/明人”的“原性”》,于《2012年“海外人研究”研究生国会:同与文化政治文集》,地点:来西拉曼大学(金宝校区),日期;2012525-26日。giản an chí, “du du  đại minh hồn”: khán thập thất thế kỉ chí thập cửu thế kỉ việt nam “minh hương/ minh hương nhân” đích “nguyên hương tính”, thu lục vu “2012 niên “hải ngoại hoa nhân nghiên cứu” nghiên cứu sinh quốc tế học thuật nghiên thảo hội: nhận đồng dữ văn hóa chính trị luận văn tập”, địa điểm: mã lai tây á lạp mạn đại học (kim bảo giáo khu), nhật kì; 2012 niên 5 nguyệt 25 – 26 nhật.

李瑄,2008,<南明抗清运中明民的失落>,《四川范大学学》(社会科学版),第35卷第4期,83lí tuyên, 2008, “nam minh kháng thanh vận động trung minh di dân đích thất lạc”, “tứ xuyên sư phạm đại học học báo” (xã hội khoa học bản), đệ 35 quyển đệ 4 kì, hiệt 83.

民国期的“乾”,“孔夫子旧网”网站:http:book.kongfz.com/,览时间:2016429日. dân quốc thì kì đích “can thư”, “khổng phu tử cựu thư võng” võng trạm: http: book.kongfz. com/, du lãm thì gian: 2016 niên 4 nguyệt 29 nhật.

民国期的“坤”,“孔夫子旧网”网站:http:book.kongfz.com/1351/325753363/,览时间:2016429日. dân quốc thì kì đích “khôn thư”, “khổng phu tử cựu thư võng” võng trạm: http: book.kongfz. com/1351/325753363/, du lãm thì gian: 2016 niên 4 nguyệt 29 nhật.

梅花双鹊图轴,“博宝拍网”网站:http://auction.artxun.com/pic,览时间:2016428. mai hoa song thước đồ lập trục, “bác bảo phách mại võng” võng trạm: http://auction. artxun.com/pic-28498453- 0.html, du lãm thì gian: 2016 niên 4 nguyệt 28 nhật.

颐,1999,<星马华文碑刻系年>,《颐东方学集》,汕头:大学出版社,418-434nhiêu tông di, 1999, “tinh mã hoa văn bi khắc hệ niên”, “nhiêu tông di đông phương học luận tập”, sán đầu: sán đầu đại học xuất bản xã, hiệt 418 - 434.

颐,1974,龙飞张琏问题辩证,《南洋学》,第29卷第1,2期,11-14nhiêu tông di, 1974, “long phi dữ trương liễn vấn đề biện chứng”, “nam dương học báo”, đệ 29 quyển đệ 1,2 kì, hiệt 11 - 14.

《日》,卷四百三十七,《定四书荟要》(部)。“nhật giảng dịch kinh giải nghĩa”, quyển tứ bách tam thập thất, “khâm định tứ khố toàn thư oái yếu” (kinh bộ).

阮湧俰,2015,<六甲人甲必丹李为经生平事迹补遗——以《厦光裕堂李氏族依据>,《来西人文与社会科学学》,第四卷第一期,201559-70nguyễn dũng hòa, 2015, “mã lục giáp hoa nhân giáp tất đan lí vi kinh sanh bình sự tích bổ di – dĩ “hạ môn quang dụ đường lí thị tộc phả” vi y cư”, “mã lai tây á nhân văn dữ xã hội khoa học học báo”, đệ tứ quyển đệ nhất kì, 2015, hiệt 59 – 70.

洁,1997,<试论南明政抗清的性>,《右江民族师专》,第10卷第一期,53-56ông khiết, 1997, “thí luận nam minh chánh quyền kháng thanh đích tính chất”, “hữu giang dân tộc sư chuyên học báo”, đệ 10 quyển đệ nhất kì, hiệt 53 – 56.

《厦光裕堂李氏族》(未出版)。 “hạ môn quang dụ đường lí thị tộc phả” (vị xuất bản).

仲洋,文教育起源和盛·追溯15甲王朝,《星洲日》,2015920日,2tạ trọng dương, “hoa văn giáo dục khởi nguyên hòa hưng thịnh – truy tố 15 thế kỉ giáp vương triêu”, “tinh châu nhật báo”, 2015 niên 9 nguyệt 20 nhật, hiệt 2.

《星洲日》,20171031日。“tinh châu nhật báo”, 2017 niên 10 nguyệt 31 nhật.

《修》(未出版)(现为笔者收藏)。“tu luân” (vị xuất bản) (hiện vi bút giả thu tàng).

薛元明,2014,《元墓志》,南昌:江西美出版社。tiết nguyên minh, 2014, “nguyên dịch mộ chí minh”, nam xương: giang tây mĩ thuật xuất bản xã.

《朱子语类》,卷六十八,《定四》(子部)。“chu tử ngữ loại”, quyển lục thập bát, “khâm định tứ khố toàn thư” (tử bộ).

《子夏易》,卷一,《定四》(部)。 “tử hạ dịch truyện”, quyển nhất, “khâm định tứ khố toàn thư” (kinh bộ).

愕,1986,<清朝一是史的必然>,《族研究》,第3期,3-9tả thư ngạc, 1986, “thanh triêu thống nhất thị lịch sử đích tất nhiên”, “mãn tộc nghiên cứu”, đệ 3 kì, hiệt 3 – 9.

* Những chỗ có đánh dấu (*) cũng là ghi chú của người dịch.



  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét