Powered By Blogger

Chủ Nhật, 9 tháng 12, 2018

Ngữ tộc Nam Đảo và cuộc giành giật mộ tổ (của những kẻ khác) (I)**

Xem xét lại nguồn gốc Mân - Đài của “Ngữ tộc Nam Đảo” (1)

Ngô Xuân Minh

Trích yếu:

“Ngữ tộc Nam Đảo” là nhóm dân tộc xuyên biên giới quan trọng nhất ở châu Á-Thái Bình Dương, trong nghiên cứu về nguồn gốc của “Ngữ tộc Nam Đảo”, cộng đồng ngôn ngữ học quốc tế chủ yếu giới hạn vào phạm vi phân bố của các nhóm dân tộc thuộc ngữ tộc Nam Đảo, mà bỏ qua hệ thống văn hóa cổ Nam Đảo quan trọng của các nhóm Bách Việt thời cổ ở miền Nam Trung Quốc. Các nghiên cứu gần đây nhất về dân tộc khảo cổ học đối với văn hóa “Nguyên ngữ tộc Nam Đảo” thuộc giai đoạn sớm của văn hóa Đại Phần Khanh (大坌坑) [1] và loại hình Phú Quốc Đôn (()國墩) [2] của thời đại đá mới vùng duyên hải Mân Đài (Phúc Kiến – Đài Loan), điều này không phù hợp với sự hội nhập mô thức văn hóa dân tộc của Bách Việt – Nam Đảo và vùng đông nam của Đại lục Trung Quốc với các quần đảo Đông Nam Á, Thái Bình Dương.

“Ngữ tộc Nam Đảo” (Austronesian) tức ngữ tộc “Mã lai - Ba lợi ni tây á” (馬來-波利尼西亞 -Malayo-Polynesian), để chỉ những người bản địa phân bố rộng rãi trong các khu vực biển Đông Nam Á đến các quần đảo Thái Bình Dương, có các mối quan hệ văn hóa và ngôn ngữ dân tộc bản địa tương đồng. Từ cuối thế kỷ 19, các học giả Trung Quốc và nước ngoài đã khám phá nguồn gốc của ngữ tộc Nam Đảo từ quan điểm dân tộc học, khảo cổ học, ngôn ngữ học và sinh học phân tử, và đề xuất những quan điểm khác nhau. Kể từ cuối thế kỷ 20, Bellwood và Trương Quang Trực đã xem xét lịch sử mở rộng của “Ngữ tộc Nam Đảo” từ quan điểm dân tộc khảo cổ học, đưa ra khái niệm “Văn hóa ngôn ngữ nguyên Nam Đảo” cho văn hóa Đại Phần Khanh và loại hình Phú Quốc Đôn trong giai đoạn đầu của thời kỳ đồ đá mới của vùng ven biển Đài Loan, và các nghiên cứu trong lĩnh vực này có ảnh hưởng lớn (1). Trong thực tế, vẫn còn rất nhiều vấn đề cần phải được xem xét thêm.

1. Xem xét các quan điểm dân tộc khảo cổ học và ngôn ngữ học về nguồn gốc của “Ngữ tộc Nam Đảo"

Các học giả khoa học nhân văn chú ý đến vấn đề về ngữ tộc Nam Đảo bắt đầu từ các “nghiên cứu thực dân” của các nhà nhân học phương Tây vào cuối thế kỷ 19 như nhà nhân học tiến hóa cổ điển Đức, A. Bastian, với công trình “Indonesia” [(Bastian, Adolf (1884) Indonesien oder die Inseln des Malayischen Archipels, Berlin, F. Dümmlers verlagsbuchhandlung - Indonesia hoặc các đảo thuộc Quần đảo Mã Lai, Berlin. Nhà xuất bản F. Dümmlers*. HHN), nhà nhân học lịch sử người Mỹ A. L. Kroeber với “Dân tộc Philippines” (Peoples of the Philippines, Kroeber, A. L., 1876-1960. New York: American Museum Press, 1919*. HHN)] đều lấy các quần đảo Đông Nam Á làm trung tâm, vạch ra đặc điểm của cộng đồng văn hóa bản địa phân bố giữa hai đại dương và hai đại lục địa, cụ thể là “Vòng văn hóa Indonesia” hoặc “Vòng văn hóa cổ Đông Nam Á” (2). Trong hơn một thế kỷ, các học giả dân tộc, khảo cổ và ngôn ngữ học trong hệ thống nhân học văn hóa đã đề xuất nhiều nhận thức khác nhau về nguồn gốc văn hóa của ngữ tộc Nam Đảo, chủ yếu bao gồm “Lý thuyết quần đảo Thái Bình Dương”, “Lý thuyết quần đảo Đông Nam Á” và “Lý thuyết Bán đảo Nam Trung Quốc”, “Lý thuyết Đại lục Hoa Nam” là một số loại chủ yếu.

C.E. Fox theo lý thuyết vòng văn hóa, và tin rằng trong một vòng văn hóa cụ thể, khu vực trung tâm là khu vực văn hóa ban đầu, nhưng nó lại là nơi tập trung các nhân tố văn hóa xuất hiện muộn, còn vùng rìa là nơi tập hợp văn hóa tiên phong bị gạt ra khỏi khu vực trung tâm. Ông cho rằng vòng văn hóa thuộc ngữ tộc Nam Đảo ổn định tại ba quần đảo lớn của Thái Bình Dương, và tin rằng khu vực khởi nguồn là quần đảo Micronesia ở giữa, sau đó, do sự thay đổi của biển cả và lục địa, mà người ta thiên di về các hướng tây, nam và đông thuộc các vùng ngoại vi. (3) Trong thực tế, vòng văn hóa thuộc ngữ tộc Nam Đảo không chỉ giới hạn ở các quần đảo Thái Bình Dương, mà còn ở tất cả các biên niên văn hóa dân tộc khảo cổ học của vòng văn hóa, văn hóa quần đảo Thái Bình Dương tương đối muộn.
 
Sử dụng các phương pháp ngôn ngữ học lịch sử, I. Dyen chủ trương mối quan hệ quần tộc của các họ ngôn ngữ, khu vực có mức độ biến đổi ngôn ngữ và độ phức tạp cao nhất là nơi cư trú ban đầu của quần tộc. Đó là, các đảo Đài Loan, Sumatra và New Guinea, đặc biệt là Đảo New Guinea, có số lượng ngôn ngữ lớn nhất, vì vậy đây là khu vực khởi nguồn của ngữ tộc Nam Đảo. Trong thực tế, có rất nhiều lý do cho sự thay đổi ngôn ngữ, vậy thì độ tin cậy của lý thuyết ngôn ngữ lịch sử và tính ứng dụng của nó trong nghiên cứu về ngữ tộc Nam Đảo là gì? Có phải so sánh ngôn ngữ từ vị “thông dụng” và “cơ bản” của biến thể ngôn ngữ biểu thị tính không thích dụng với ngữ tộc Nam Đảo không? Mặc dù khu vực Nam Trung Hoa không phải là nơi cư trú của ngữ tộc Nam Đảo, nhưng ngữ tộc Tráng Đồng của Nam Trung Quốc và phương ngữ Hán Mân Việt vẫn bảo lưu “các nhân tố cơ bản của ngôn ngữ Nam Đảo cổ.” Vậy thì trong nghiên cứu so sánh phân loại ngôn ngữ của ngữ tộc Nam Đảo lại tránh Nam Trung Quốc liệu có thích hợp không? Việc thoát ly dân tộc học, khảo cổ học mà chỉ nghiên cứu thuần túy ngôn ngữ học thì liệu có đáng tin cậy không? Những câu hỏi này đều vượt quá năng lực giải thích của lý thuyết Dyen (4).

Phương pháp của H.A. Kern được gọi là “ngôn ngữ cổ sinh học”, ông dựa vào thành phần của từ vựng trong ngôn ngữ Nam Đảo hiện đại để kiểm tra ngôn ngữ tổ tiên của ngữ tộc Nam Đảo, tức nguyên ngữ Nam Đảo, để xem nội dung môi trường được bao gồm trong ngôn ngữ Nam Đảo cổ xưa, đặc biệt là việc cấu thành hệ thực vật và động vật, để rồi suy đoán nơi có thể là khởi nguồn của ngữ tộc Nam Đảo. Kết luận của H.A. Kern là hệ thực vật và động vật của nguyên ngữ tộc Nam Đảo là đặc điểm môi trường vùng ven biển nhiệt đới, và có thể cho là ngữ tộc Nam Đảo ban đầu có thể cư trú trên bờ biển phía đông của Indonesia hoặc bán đảo Đông Dương, không vượt quá Chí tuyến bắc (song song với đường xích đạo và nằm ở vĩ tuyến 23° 26' 22" bắc*) về phía bắc; không vượt quá Java về phía nam, nhiều khả năng thuộc bờ biển bán đảo Đông Dương. Từ những năm 1970, nhiều nhà ngôn ngữ học đã thực hiện những công trình tương tự, và đi đến các kết luận tương tự (5). Phương pháp của H.A. Kern chắc chắn được nhiều nhà ngôn ngữ học khẳng định hơn, nhưng nhiều học giả nhận thấy rằng ông đã bỏ qua các tài liệu ngôn ngữ của một số vùng, đặc biệt, là thiếu tài liệu của một không gian không thể thiếu là Nam Trung Quốc.
  
Từ những năm 1930, học giả Trung Quốc Lâm Huệ Tường [3] đã chỉ ra rằng người Bách Việt ở Nam Trung Quốc là người Mã Lai cổ đại sống trên đất liền, còn gọi là người “nguyên Malay”, và thảo luận nguồn gốc của người Mã Lai ở miền Nam Trung Quốc. (6) Giới hạn trong các điều kiện lịch sử tại thời điểm đó, lập luận của Lâm Huệ Tường chỉ dựa vào việc liệt kê các đặc trưng vật chất và văn hóa chung, mà không thể phân loại nguồn gốc và các quá trình của các hệ thống văn hóa dân tộc từ Bách Việt đến Mã Lai từ góc nhìn rõ ràng hơn về cấu trúc khu hệ của quần thể người và văn hóa, và nếu ông có tầm nhìn học thuật rộng hơn và khách quan hơn trong nghiên cứu chủ đạo về ngôn ngữ ngữ tộc Nam Đảo, và đúc rút được các kết quả từ sự tích hợp đa ngành về dân tộc học, khảo cổ học và nhân học thể chất thì chắc chắn sẽ thuyết phục hơn.

Trong lý thuyết Vòng văn hóa Địa Trung Hải của Châu Á (Châu Á và Úc) về Biển Nam Trung Quốc do Lăng Thuần Thanh [4] xây dựng, bao gồm cả các cộng đồng văn hóa bản địa giữa ba lục địa Đông Á, Đông Nam Á và Tây Nam Thái Bình Dương cũng như các đảo và bán đảo, văn hóa bản địa của khu vực bắt nguồn từ quá trình thay đổi lịch sử dân tộc trong cơ tầng văn hóa của lục địa Nam Trung Quốc. (7) Từ những năm 1960, cộng đồng học thuật quốc tế đã bắt đầu vượt qua sự thống trị của ngôn ngữ học trong nghiên cứu về nguồn gốc của ngữ tộc Nam Đảo, và đã có xu hướng hội nhập liên ngành hơn, ngoài ra nó còn chú ý đến tầm quan trọng của Nam Trung Quốc trong lĩnh vực này. Trương Quang Trực [5] , G. Grace và W.G. Solheim [6], hợp tác viết “Lịch sử di cư của các dân tộc Malay-Polynesia: Từ 1500 trước Công nguyên đến 500 sau Công nguyên”, trong bài viết, các phương pháp khảo cổ và ngôn ngữ được kết hợp để khám phá tuyến đường và niên đại di cư của người bản địa giữa Nam Trung Quốc và các quần đảo Thái Bình Dương, họ cũng bắt đầu liên kết văn hóa gốm văn thừng của Nam Trung Quốc với tổ tiên của ngữ tộc Nam Đảo (8). Peter Bellwood [7] thảo luận rõ hơn về lịch sử mở rộng của ngữ tộc Nam Đảo từ Đài Loan ở Nam Trung Quốc đến Châu Đại Dương, nghĩa là từ bờ biển phía đông nam Trung Quốc, trung tâm là Phúc Kiến và Đài Loan, 5.000 năm trước, rồi mở rộng ra các quần đảo Đông Nam Á từ 5.000 đến 3.000 năm trước, rồi từ 3000 – 1000 năm trước lan sang các quần đảo Thái Bình Dương (9). Sau đó, trong bài viết “Khảo cổ học vùng bờ biển Đông Nam Trung Quốc và vấn đề nguồn gốc của ngữ tộc Nam Đảo”, Trương Quang Trực đã chỉ ra nguồn gốc sớm nhất của ngữ tộc Nam Đảo là văn hóa Đại Phần Khanh ở bờ biển phía tây Đài Loan và loại hình Phú Quốc Đôn vùng bờ biển Phúc Kiến, luận thuyết của ông đã có tác động sâu sắc đến việc nghiên cứu về ngữ tộc Nam Đảo trong những năm gần đây.

2. “Thuyết Mân - Đài” đã chia rẽ tính thống nhất văn hóa “Nguyên Nam Đảo – Bách Việt”

Luận thuyết của Peter Bellwood và Trương Quang Trực đã chỉ hướng quê hương của nguyên ngữ tộc Nam Đảo đến Nam Trung Quốc, đại diện cho những phát triển mới nhất trong nghiên cứu về nguồn gốc của ngữ tộc Nam Đảo. Luận thuyết của Trương Tiên sinh được trình bày bằng tiếng Trung có ảnh hưởng lớn nhất ở Trung Quốc, đó là luận thuyết về “nguồn gốc Mân - Đài” (Phúc Kiến – Đài Loan) của ngữ tộc Nam Đảo, trên thực tế, các tài liệu dân tộc học và khảo cổ học của Đài Loan được sử dụng để diễn giải lý thuyết của Bellwood về sự mở rộng của ngữ tộc Nam Đảo: trong ngôn ngữ học dân tộc, các ngôn ngữ của hệ thống Nam Đảo do người bản địa Đài Loan thực hành rất khác nhau và ngữ tộc này được chia thành nhiều nhóm, cho thấy các ngôn ngữ Nam Đảo tại Đài Loan cổ hơn; trong khảo cổ học, văn hóa bản địa của Đài Loan có một sự liên tục lâu dài, mà phân bố sớm nhất và rộng nhất là văn hóa Đại Phần Khanh thuộc thời đại đồ đá mới, do đó, văn hóa Đại Phần Khanh là tổ tiên của ngữ tộc Nam Đảo Đài Loan và là một phần của toàn bộ quê hương gốc của ngữ tộc Nam Đảo; với tựa đề “Văn hóa Đại Phần Khanh của Đài Loan chưa mở rộng đến Đại lục”, ông chú ý đến loại hình Phú Quốc Đôn dọc theo bờ biển Phúc Kiến, do đó, ước đoán rằng các khu vực ven biển Phúc Kiến và Đông Quảng Đông là nơi có thể tìm được nguyên ngữ tộc Nam Đảo tại Đại lục đông nam Trung Quốc. (10)

Trương Tiên sinh coi “phát hiện” ngôn ngữ học của Bellwood là tiền đề cho nghiên cứu khảo cổ học, trên thực tế, nó đặt ra một “cái bẫy” không thể giải thích được cho nghiên cứu khảo cổ học, “luận chứng” của ông đơn giản là đã phát hiện ra cội nguồn của văn hóa Nam Đảo Đài Loan, chỉ ra rằng lý thuyết của các nhà ngôn ngữ học về văn hóa ngữ tộc Nam Đảo tối cổ trong các bằng chứng của khảo cổ học không hề cung cấp bằng chứng cho cái gọi là “phát hiện” văn hóa ngữ tộc Nam Đảo Đài Loan là văn hóa lâu đời nhất của toàn bộ ngữ tộc Nam Đảo”. Trên thực tế, ngữ tộc Nam Đảo là một hệ thống văn hóa tộc quần “nhất thể đa nguyên”, văn hóa khảo cổ học của ngữ tộc nguyên Nam Đảo cũng phải là một hệ thống văn hóa bản địa, không nên cho rằng ý nghĩa văn hóa khảo cổ học là “đồng nhất”, do đó, từ nội dung cụ thể của văn hóa Đại Phần Khanh ở Đài Loan, mà đo lường văn hóa khảo cổ của ngữ tộc nguyên Nam Đảo ở bờ biển phía đông nam của Đại lục, giới hạn điểm quan sát đối với loại hình Phú Quốc Đôn trên bờ biển Phúc Kiến, hơn nữa, loại trừ được khả năng cùng loại văn hóa dọc bờ biển Việt Nam ở phía tây và văn hóa Hà Mỗ Độ thuộc vùng ven biển Chiết Giang ở phía bắc, tối thiểu là với thời đại đồ đá mới, vì tính thống nhất cấu trúc của hệ thống văn hóa khảo cổ của các dân tộc bản địa Đông Nam không đồng nhất với nhau.

Giới khảo cổ học và lịch sử dân tộc Trung Quốc nhận thức đầy đủ về vấn đề tính thống nhất của các văn hóa bản địa tiền sử và thượng cổ ở khu vực đông nam của đất nước (11). Tính thống nhất và đa dạng của văn hóa dân tộc Bách Việt phân bố rộng rãi ở các vùng ven biển phía nam hạ lưu sông Dương Tử, từ thời tiền sử đến thời Chu Hán, và khác với hệ thống Hoa Hạ Trung Nguyên, từ Câu Ngô, Ư Việt của Giang Nam và Đông Âu của dải Chiết Giang – Phúc Kiến, từ Mân Việt đến Nam Việt thuộc Lĩnh Nam, Tây Âu và Lạc Việt, thì tính cộng đồng giữa các nhóm dân tộc khác nhau của Bách Việt lớn hơn cả tính cá nhân, nếu tính thống nhất này được đặt trên quan điểm vĩ mô của sự phân bố không gian của các nền văn hóa dân tộc thượng cổ trên khắp Đông Á, thì các đặc trưng văn hóa khu vực của các dân tộc Bách Việt, đặc biệt khác với địa vị lịch sử văn hóa của các dân tộc thuộc hệ thống Hoa Hạ Trung Nguyên, sẽ trở nên rõ hơn. Hơn nữa, hầu hết tất cả các đặc điểm chung này được thể hiện trong lịch sử và thực tế văn hóa của tộc Cao Sơn [8] tại Đài Loan, không chỉ các dân tộc Bách Việt thượng cổ ở đông nam Trung Quốc đại lục là một chỉnh thể thống nhất về văn hóa, nó cũng không phải là hai hệ thống văn hóa dân tộc, mà là ngữ tộc Nam Đảo ở Đài Loan, Đông Nam Á và Tây Nam Thái Bình Dương. “Sự khác biệt” giữa “Bách Việt” và “Nam Đảo” trong tài liệu học thuật là một rào cản giữa các diễn đàn học thuật Trung Quốc và nước ngoài, và kết quả là các học giả Trung Quốc “nhìn Nam Đảo từ Bách Việt”, còn các học giả nước ngoài thì ngược lại “nhìn Bách Việt từ Nam Đảo” bằng khoảng cách thị giác.

Bản thiết kế lịch sử dân tộc cho sự hợp nhất Bách Việt – Nam Đảo có đủ bằng chứng về khảo cổ học, mà bằng chứng tối sơ là hóa thạch người và các văn hóa đá cũ có niên đại Cánh tân (Pleistocene) từ đông nam đại lục Trung Quốc đến Đông Nam Á. Hơn một chục hóa thạch người được phát hiện ở phía đông nam Trung Quốc (nguyên văn:我國 ngã quốc*) có những đặc điểm địa lý khác với những người cùng thời ở Bắc Trung Quốc (nguyên văn: 華北 Hoa Bắc*), mà những đặc trưng phân khu này lại biểu hiện rất trùng khớp đồng dạng  với các hóa thạch người ở các quần đảo Đông Nam Á và Châu Đại Dương. Ví dụ, người Hòa Huyện (和縣人 Hòa Huyện nhân, danh pháp học là Homo erectus hexianensis là sọ hóa thạch khai quật được vào năm 1980-1981 tại hang Long Đàm, núi Uông Gia, thị trấn Đào Điếm, huyện Hòa, tỉnh An Huy*) thuộc giai đoạn Homo erectus cho thấy một loạt đặc điểm thể chất tương tự như người Java (爪哇猿人 Trảo Oa viên nhân – Người vượn Java, danh pháp học là Homo erectus erectus, niên đại trung kỳ Pleistocene do nhà cổ sinh học Hà Lan Marie Eugène François Thomas Dubois phát hiện được vào năm 1891 trên bờ sông Solo, Đông Java, và ông đặt tên là Pithecanthropus erectus*), và khác với người vượn Bắc Kinh (北京猿人 Bắc Kinh viên nhân – Người vượn Bắc Kinh, danh pháp học là Homo erectus pekinensi, còn gọi là Người vượn Trung Quốc, chủng Bắc Kinh: Sinanthropus pekinensis, được nhà địa chất Thụy Điển Johan Gunnar Andersson và nhà cổ sinh vật học người Mỹ Walter W. Granger phát hiện lần đầu tiên tại hang Chu Khẩu Điếm, tây nam Bắc Kinh, năm 1921. Cho đến nay có nhiều thang niên đại khác nhau, niên đại mới xác định khoảng từ 680.000 – 780.000 năm cách ngày nay*), người Mã Bá (馬壩人 Mã Bá nhân, hóa thạch người, phát hiện năm 1958 tại hang đá vôi thị trấn Mã Bá, Thiều Quan, Quảng Đông*) trong giai đoạn đầu Homo sapiens cũng có nhiều đặc điểm giống với người Angdong ở đảo Java và khác với người Homo sapiens sớm ở Bắc Trung Quốc, hệ số chênh lệch giữa người Homo sapiens giai đoạn muộn Liễu Giang (柳江人 Liễu Giang nhân, hóa thạch người phát hiện năm 1958 tại Thông Thiên Động, huyện Liễu Giang, Quảng Tây; niên đại tương đối từ 67.000 đến 227.000 năm trước*) và người Niya ở đảo Kalimantan cũng nhỏ hơn đáng kể so với hệ số chênh lệch giữa người Liễu Giang và người cổ Sơn Đỉnh Động (山頂洞人 Sơn Đính Động nhân – Người Sơn Đỉnh Động là hóa thạch người được phát hiện tại đỉnh núi Long Cốt, Chu Khẩu Điếm nên có tên là Sơn Đỉnh Động; niên đại tương đối vào cuối thời Pleistocene, niên đại C14 là 30.000 năm trước*). (12) Về thành phần văn hóa, kỹ nghệ công cụ cuội (礫石石器工業 lịch thạch thạch khí công nghiệp) đặc biệt hình thành từ giai đoạn giữa của thời Pleistocene muộn đã phân bố rộng rãi và có một lịch sử lâu dài, đại diện cho hình thái chủ đạo của các văn hóa đá cũ ở vùng Đông Nam và trở thành bằng chứng sớm nhất về nguồn gốc và sự phát triển của văn hóa bản địa vùng Đông Nam Trung Quốc. Điều thú vị là kỹ nghệ công cụ cuội này cũng là một đặc trưng đại diện của các văn hóa đá cũ từ Bán đảo Trung Nam (中南半島 Trung nam bán đảo – đây là “số phận kỳ lạ của vùng đất không tên” Việt Nam, Lào, Campudia, Thái Land, Miến Điện và Mã Lai – cho đến bây giờ người Tàu học giả này vẫn gọi bán đảo Đông Dương như vậy, còn trước đây người Châu Âu gọi là Indochina: vùng đất nằm giữa Ấn Độ và Trung Quốc*) đến các quần đảo Đông Nam Á. (13). Bước vào thời kỳ đồ đá mới và đồ đồng đến thời kỳ đồ sắt sớm, cấu trúc đa nguyên văn hóa khảo cổ của các dân tộc bản địa Đông Nam Trung Quốc được thể hiện rõ ràng và cụ thể hơn, liên kết các kết nối chỉnh thể thống nhất đa văn hóa này chính là di tồn của văn hóa gốm văn in. Trong thực tế, văn hóa gốm văn in là chỉ một hệ thống văn hóa khảo cổ với nhiều không - thời gian phân bố rộng rãi ở vùng đông nam Trung Quốc, đặc trưng bởi tàn dư của gốm văn in trong quá trình hình thành và phát triển, mà không phải là một nền văn hóa khảo cổ cụ thể. Chúng tôi đã tóm tắt cấu trúc phả hệ của văn hóa bản địa này là một tổng phả hệ “phân vùng, nhiều vùng, nhưng thống nhất”, đó là khoảng cách của mối quan hệ không gian “tựa lưng Hoa Hạ đối mặt Nam Đảo", sự nhất thể đa nguyên văn hóa bản địa của mạng lưới hồ Giang Nam, ở vùng đồng bằng, vùng đồi núi ven biển và đảo. (14)

Lấy thành phần của nhóm gốm làm ví dụ, ba khu vực đã được hình thành từ thời đại đồ đá mới, mà đế gốm tròn là đặc trưng cơ bản của truyền thống văn hóa bản địa. Ngay cả ở vùng đồng bằng Giang Nam với mạng lưới hồ gần Hoa Hạ nhất, La Gia Giác, Mã Gia Banh, Hà Mỗ Độ, Tiên Nhân Động v.v., và các văn hóa giai đoạn sớm khác, tập hợp hiện vật bản địa tương đối đơn giản, thì ảnh hưởng văn hóa từ hệ thống văn hóa Trung Nguyên phương bắc, được thể hiện bằng các hiện vật gốm có chân túi (袋足 đại túc) và có ba chân, là rất hiếm, mặc dù ảnh hưởng của văn hóa ở miền nam đã tăng lên ở văn hóa Long Sơn, nhưng từ thời Tam đại (Hạ, Thương, Chu) trở đi, các hiện vật ba chân và chân túi có xu hướng ngày càng tăng, tuy nhiên, nhóm bản địa được đại diện bởi gốm đế tròn, chân tròn luôn là đặc trưng chính của văn hóa của khu vực, cho đến thời kỳ đồ sắt sớm, thì loại hình Thích Gia Đôn [9] vẫn như vậy. Tại núi Vũ Di [10] – Nam Lĩnh [11] về phía đông, ở địa hình đồi núi ven biển phía đông nam Trung Quốc, trong các không – thời gian văn hóa, thì tổ hợp hiện vật bản địa thậm chí còn biểu hiện triệt để hơn. Các nền văn hóa giai đoạn sớm như Xác Khâu Đầu [12] và Tiền Thạch Hạp [13] là yếu tố duy nhất của các loại hình gốm đáy tròn và gốm chân đế tròn, tuyệt đối không có loại gốm ba chân, và gốm chân túi, tuy nhiên tại Long Sơn, Ba đời (Hạ Thương Chu) đã bị thẩm thấu và ảnh hưởng bởi hệ thống văn hóa Trung Nguyên phương bắc ở các mức độ khác nhau, nhưng những nhân tố phương Nam này chưa bao giờ thực sự trở thành chủ thể văn hóa và tác động ảnh hưởng lâu dài, do đó, cho đến tận thời Chu Hán trong các di tích văn hóa khảo cổ đông nam Lưỡng Việt (Quảng Đông, Quảng Tây và Phúc Kiến) vẫn còn rất hiếm gặp các loại hình gốm ba chân, chân túi.

Ở Đài Loan và các đảo khác, văn hóa thổ dân được đại diện bởi các loại hình gốm đáy tròn và gốm chân đế tròn thậm chí còn khép kín hơn, mặc dù đà phát triển của văn hóa Hán ở Đài Loan đã dần được củng cố kể từ thời nhà Hán và nhà Đường, nhưng tác động không sâu sắc, tập hợp gốm trực thuộc các khu vực và hệ thống văn hóa thời đại đá mới luôn là hệ thống bản địa đông nam Trung Quốc, mà không thấy có các hiện vật gốm ba chân, chân túi của Trung Nguyên phía bắc, ngay cả nếu văn hóa chế tạo gốm nguyên thủy tiếp tục phát triển thành các chi hệ dân tộc Cao Sơn hiện đại cũng chỉ là các loại hình gốm đáy tròn, chân đế tròn của hệ thống đông nam Trung Quốc, phù hợp với các tập hợp hiện vật gốm thuộc văn hóa bản địa thượng cổ ở khu vực Phúc Kiến, Quảng Đông, hơn nữa, hệ thống văn hóa khảo cổ bản địa ở Nam Trung Quốc này cũng mở rộng đến các nền văn hóa tiền sử và cổ đại ở Đông Nam Á và Châu Đại Dương.

Trong các di chỉ khảo cổ tiền sử Philippines, ở Kalanay, Tabon, Novaliches, v.v. trong tính đại diện của văn hóa tiền sử, các đặc trưng tổng thể của đồ gốm là rất rõ ràng, đó là, loại gốm đế tròn là chủ yếu, một phần là đồ gốm chân tròn, không thấy đồ gốm ba chân, loại hình đơn nhất, có thể là đồ đựng hoặc đun nấu, chén bát là loại hình chủ đạo, mô thức trang trí rất phong phú, nhưng chủ yếu dựa trên các loại hoa văn hình học. Trong văn hóa thời đại đồ đá mới của quần đảo Indonesia, đồ đựng, bát chén với hoa văn khắc vạch, văn in hình học cũng là những hiện vật tiêu biểu. Ngay cả trong thời đại đá mới Châu Đại Dương, tiêu biểu là văn hóa Lapita, bàn xoa gốm màu đỏ, nồi, mận, bát đĩa văn in hình chữ V, hình răng cưa, hoa văn hình học v.v…, một tập hợp gốm bộc lộ những nét đặc trưng bản địa đậm đặc của tập hợp gốm Nam Trung Quốc nói trên (15).

Kế hoạch chi tiết của văn hóa dân tộc cho sự hợp nhất Bách Việt – Nam Đảo nên dựa trên sự tồn tại của một nhóm người bản địa có đặc điểm thể chất tương đối ổn định, mà các nghiên cứu mới nhất trong nhân học thể chất đã cung cấp bằng chứng quan trọng. Các nhà cổ nhân học đã tổng hợp các nghiên cứu phát hiện ra xương cốt người thời tiên Tần được tìm thấy tại các di chỉ trong khu vực Bách Việt đông nam, các đặc trưng chủng tộc của xương người được khai quật từ các di tích văn hóa thời đại đồ đá mới như Hà Mỗ Độ ở Dư Diêu, Chiết Giang; Thạch Sơn, Mân Hầu Đàm, Phúc Kiến; Hà Đãng, Phật Sơn, Quảng Đông; Tắng Bì Nham, Quế Lâm, Quảng Tây: đó là, hộp sọ dài, mặt thấp, mũi rộng, cung mày thấp, hàm nhô ra, tầm vóc ngắn, loại cư dân này chủ yếu phân bố ở các vùng ven biển như Chiết Giang, Phúc Kiến, Quảng Đông và Quảng Tây trong thời kỳ tiên Tần, về cơ bản phù hợp với không gian hoạt động của người Việt cổ. Nghiên cứu này đã thiết lập một loại khu vực trọng yếu của loại hình khu vực quần thể người cổ Đông Á, “loại hình cổ Hoa Nam”, mà tiền thân của nó cũng có thể được truy nguyên từ người Liễu Giang, Quảng Tây thời đá cũ. Hơn nữa, loại đặc điểm thể chất này khác với tập hợp người Nam Trung Quốc hiện đại, nó gần với người bản địa Nam Đảo như người Indonesia ở Đông Nam Á và người Melanesia ở Châu Đại Dương vậy (16).
_______________________________

Nguồn:“南島語族”閩台起源的重新思考 (廈門大學歷史系,福建廈門) “Nam Đảo ngữ tộc” Mân Đài khởi nguyên thuyết đích trọng tân tư khảo (Hạ Môn Đại học Lịch sử hệ, Phúc Kiến Hạ Môn)

Người dịch: Hà Hữu Nga

Tác giả: Ngô Xuân Minh (春明), sinh năm 1966, người Cổ Điền, Phúc Kiến. Ông đã từng là Giáo sư Khoa Lịch sử của Trường của Đại học Hạ Môn, tiến sĩ Khảo cổ học và Bảo tàng học. Ông cũng là một nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Văn minh Cổ đại của Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, Viện văn hóa Trung Quốc của Đại học Hồng Kông, Trung Quốc; Trung tâm nghiên cứu Quốc tế Lương Chử (Chiết Giang), và Giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Hải Dương (Thanh Đảo), thành viên của Hiệp hội Nghiên cứu Dân tộc Trung Quốc và Bách Việt Trung Quốc. Thành viên và là Phó Tổng thư ký của Hiệp hội Nghiên cứu Lịch sử Quốc gia. Ngày 14 tháng 10 năm 2014, Đại học Hạ Môn đã khai trừ đảng và tước học hàm giáo sư của ông. Hiện tại, ông là thủ thư tại Viện nghiên cứu Nam Hải của Đại học Hạ Môn.

Chú thích của người dịch

[1] Văn hóa Đại Phần Khanh (大坌坑文化), là văn hóa thuộc thời đại đồ đá mới của Đài Loan, được đặt theo tên địa điểm Đại Phần Khanh, làng Bát Lý, quận Đài Bắc. Niên đại đoán định là khoảng 7.000 đến 4.700 năm trước, so sánh giữa loại hình học di vật và bằng chứng địa tầng cho thấy dạng thức văn hóa Đại Phần Khanh ở bờ biển phía đông là giai đoạn cuối của văn hóa Đại Phần Khanh nói chung. Đồ gốm của văn hóa này được gọi là gốm văn thừng thô, bởi vì hầu hết đồ gốm được trang trí bằng văn thừng dưới mép miệng chạy quanh phần cổ, từ phần giữa bụng gốm trở xuống thì toàn là văn thừng.  Vào thời điểm đó, các khu định cư vẫn còn nhỏ, thường nằm ở cửa sông hoặc gần các bậc thềm cổ, săn bắn và đánh cá, hái lượm các giống cây hoang dã và các loại sợi thực vật, và có thể đã có nông nghiệp sơ khai. Từ nghiên cứu so sánh, người ta cho rằng chủ nhân của nền văn hóa này có thể là tổ tiên của họ ngôn ngữ Nam Đảo, trong khi thổ dân Đài Loan là thành viên của họ ngôn ngữ Nam Đảo, do đó văn hóa Đại Phần Khanh có thể là văn hóa tổ tiên của thổ dân Đài Loan, hoặc có thể là tổ tiên của toàn bộ nhóm ngôn ngữ Nam Đảo. Văn hóa thời tiền sử tương tự như văn hóa này cũng xuất hiện ở các vùng duyên hải đông nam Trung Quốc đại lục, phía nam của cửa sông Mân Giang và bán đảo Lôi Châu.

[2] Phú Quốc Đôn (()國墩): Di chỉ Phú Quốc Đôn, nguyên tên là Hà Xác Đôn (蚵殼墩) Đống Vỏ sò) nằm ở làng Khê Hồ, thị trấn Kim Hồ, huyện Kim Môn, tại Đài Loan, Trung Hoa Dân quốc; cách 100 m về phía bắc có một ngôi làng. Vào tháng 9 năm 1968, năm thứ 57 của Trung Hoa Dân quốc, Giáo sư Lâm Chiêu Khải (林朝棨) đã phát hiện ra một địa điểm có nhiều mảnh gốm và vỏ sò. Vỏ sò của di chỉ đã được Khoa Vật lý của Đại học Quốc gia Đài Loan xác định niên đại Carbon phóng xạ C14, các ngày nay từ 6300 đến 5500 năm, di chỉ này có niên đại tương đối vào cuối thời đại đá cũ. Cư dân sống bằng nghề đánh bắt cá và chế tác công cụ đá bằng phương pháp ghè đẽo, chưa có nông nghiệp. Đồ gốm có gốm đỏ và gốm đen, chủ yếu là gốm đỏ da trơn. Nhà khảo cổ học Trương Quang Trực cho rằng địa điểm này có những điểm tương đồng với văn hóa Đại Phần Khanh (大坌坑, riêng chữ này thường được phiên là “bộn”*) ở Đài Loan. Quách Tố Thu, trợ lý nghiên cứu tại Viện Lịch sử và Ngôn ngữ của Học viện Sinica cho rằng văn hóa Phú Quốc Đôn này là một trong những nguồn gốc của Văn hóa Đại Phần Khanh.

[3] Lâm Huệ Tường (林惠祥 1901 - 1958) còn được gọi là Thánh Lân, Thạch Nhân, Đạm Mặc, sinh ra ở Tấn Giang, Phúc Kiến năm 1901, di cư đến Đài Loan khi còn trẻ. Ông tốt nghiệp Khoa Xã hội học của Đại học Hạ Môn năm 1926 và tốt nghiệp Khoa Nhân chủng học của Đại học Philippines năm 1928 với bằng thạc sĩ nhân chủng học. Năm 1929, ông là nhà nghiên cứu tại Academia Sinica. Năm 1931, ông là giáo sư Khoa Lịch sử và Xã hội học của Đại học Hạ Môn. Sau chiến tranh chống Nhật bùng nổ, ông lánh nạn ở Penang, bắt đầu nghiên cứu về các vấn đề dân tộc và điều tra khảo cổ học ở Nam Dương. Năm 1941, ông phát hiện ra các địa điểm Cổ sinh vật ở khu vực Kedah, Malaysia. Năm 1947, ông trở lại Đại học Hạ Môn để giảng dạy và làm việc trong ngành nhân chủng học và khảo cổ học. Sau năm 1949, ông là Chủ nhiệm khoa Lịch sử của Đại học Hạ Môn. Năm 1951, ông đã quyên tặng tất cả những cuốn sách về di tích văn hóa mà ông đã thu thập được trong suốt cuộc đời của mình cho đất nước, và thành lập Bảo tàng Nhân học tại Đại học Hạ Môn với tư cách là người quản lý. Ông qua đời vào năm 1958. Giáo sư Lâm dành cả cuộc đời của mình cho nghiên cứu và giảng dạy nhân học, và tham gia vào các cuộc khai quật khảo cổ và điều tra dân tộc học ở Đông Nam Trung Quốc và Đông Nam Á. Các tác phẩm chính của ông gồm có “Lịch sử quốc gia Trung Quốc”, “Văn hóa dân gian”, “Nhân học văn hóa”, “Dân tộc học thế giới”, “Dân tộc học Sumatra”, “Dân tộc học Borneo” và nhiều công trình khác; ông đã công bố hơn 70 bài báo và bản dịch.

[4] Lăng Thuần Thanh (凌純聲 1902 - 1981), tự Dân Phức, hiệu Nhuận Sinh, nhà dân tộc học, nhân học, nhạc sĩ Trung Quốc, người Thường Châu, Giang Tô. Ông học tại Đại học Trung ương trong những năm đầu, sau đó học tại Đại học Paris nước Pháp, và nghiên cứu về nhân học và dân tộc học với nhà nhân chủng học M. Moss, học vị Tiến sỹ. Sau khi trở về Trung Quốc, ông là nhà nghiên cứu tại Viện Lịch sử và Ngôn ngữ của Học viện Sinica, giám đốc của Tổ Dân tộc học, Giám đốc Trung tâm Giáo dục Biên giới Quốc gia,  giáo sư và trưởng khoa của Đại học Trung ương. Trước khi thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, ông đã đến Đài Loan và làm giáo sư tại Đại học Đài Loan, giám đốc Viện Dân tộc học của Viện Nghiên cứu Trung ương Đài Loan, viện sỹ của Học viện Đài Loan Sinica. Lăng Thuần Thanh đã có nhiều đóng góp cho điều tra thực địa và nghiên cứu so sánh về dân tộc học.

[5] Trương Quang Trực (張光直 1931- 2001), sinh tại Bắc Bình, Đài Loan, là nhà khảo cổ học và nhân chủng học, cựu phó Viện trưởng Viện Hàn lâm Sinica, viện sỹ Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia, đã từng giảng dạy tại Đại học Yale và Đại học Harvard. Cha Trương Ngã Quân là một thiên tài văn học mới của Đài Loan, và anh trai của ông là Trương Quang Chính đã đến Khu Soviet để tham gia cách mạng khi ông còn là một thiếu niên. Ông là đảng viên của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Em trai của ông, Trương Quang Thành, từ Đại lục trở về Đài Loan và sau đó sang Hoa Kỳ. Sau khi trở về Đài Loan cùng cha mẹ, Trương Quang Trực theo học trường trung học Kiến Quốc ở Đài Bắc. Dưới ảnh hưởng của hiệu trưởng trường theo phái tả Trần Văn Bân và giáo viên Trung Quốc La Thiết Ưng, ông chấp nhận tư tưởng cánh tả và nuôi dưỡng niềm đam mê văn học. Trương Quang Trực bị bắt trong vụ khủng bố thứ 46 của phái Bạch Sắc và bị giam giữ hơn một năm. Sau đó được thả thông qua quan hệ của cha. Sau khi tốt nghiệp Khoa Khảo cổ học và Nhân chủng học tại Đại học Quốc gia Đài Loan, ông sang học tại Hoa Kỳ, tốt nghiệp tiến sĩ nhân chủng học Đại học Harvard với GS. Gordon Randolph Willie. Sau đó ông giảng dạy tại Khoa Nhân chủng học tại Đại học Yale trong 16 năm. Năm 1977, ông trở lại trường cũ của mình, Khoa Nhân chủng học Harvard, và làm trưởng khoa. Năm 1994, ông được Lý Viễn Triết mời trở về Đài Loan làm phó chủ tịch Viện Hàn lâm Sinica. Ông đã từ chức năm 1996 và đến Hoa Kỳ nghỉ hưu. Năm 2001, ông qua đời vì bệnh Parkinson ở Massachusetts, Hoa Kỳ.

[6] Wilhelm G. Solheim II (1924 - 2014) là một nhà nhân học người Mỹ, tiên phong trong nghiên cứu khảo cổ học tiền sử Philippines và Đông Nam Á. Tuy nhiên, ông có lẽ được biết đến nhiều nhất vì đã đưa ra giả thuyết về sự tồn tại của Mạng lưới Giao tiếp và Thương mại Hàng hải Nusantao, một trong hai giả thuyết nổi bật về dân tộc ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương trong thời đại đồ đá mới. Wilhelm Gerhard Solheim II sinh ngày 19 tháng 11 năm 1924 tại Champaign, Illinois. Ông vào Đại học Bang Utah năm 1941, với chuyên ngành Toán lý. Năm 1943, ông gia nhập Không quân Hoa Kỳ để đào tạo thành một nhà khí tượng học. Năm 1947, Bill trở về Mỹ để hoàn thành bằng cử nhân Toán học, ba tháng sau khi hoàn thành chương trình đại học, ông theo đuổi bằng thạc sĩ nhân học tại Đại học California-Berkeley. Sau đó Solheim đến Philippines lần đầu tiên vào ngày 30 tháng 11 năm 1949, làm việc với Tiến sĩ H. Otley Beyer. Ông bắt đầu làm tiến sĩ năm 1954 tại Đại học Arizona và sử dụng tập hợp hiện vật Kalanay (Đảo Masbate, Philippines) cho luận án tiến sĩ của mình, và hoàn thành bằng tiến sĩ tại Đại học Arizona vào năm 1959, sau đó ông chuyển đến Khoa Nhân chủng học, Đại học Hawaii Mānoa năm 1961. Ông nghỉ hưu từ Đại học Hawaii tại Mānoa năm 1991 và tham gia Chương trình Nghiên cứu Khảo cổ học (Đại học Philippines) năm 1997. Sau khi nghỉ hưu, ông trở thành Giáo sư danh dự tại Khoa Nhân chủng học, Đại học Hawaiʻi tại Mānoa. Solheim là thành viên sáng lập của Hiệp hội vì sự tiến bộ của khoa học Philippines và là thành viên của Hiệp hội vì sự tiến bộ của khoa học Hoa Kỳ. Sau khi thành lập Chương trình Nghiên cứu Khảo cổ học tại Đại học Philippines năm 1995, Solheim đã chuyển toàn bộ bộ sưu tập sách của mình cho chương trình. Vào giữa những năm 1990, ông đã thành lập một trạm nghiên cứu tại địa điểm Ille Rockshelter và Cave ở phía bắc Palawan. Năm 2003, Quỹ Solheim được thành lập để thúc đẩy khảo cổ học ở Philippines. Solheim và vợ Dolorlina Nene Solheim đã xây dựng nơi cư trú lâu dài của họ ở El Nido, gần hang Ille. Ông mất vào ngày 25 tháng 7 năm 2014 ở tuổi 89.

[7] Peter Bellwood, tên đầy đủ là Peter Stafford Bellwood, sinh ở Leicester, Anh, năm 1943, là Giáo sư Khảo cổ học tại Trường Khảo cổ học và Nhân chủng học của Đại học Quốc gia Úc (ANU) tại Canberra. Ông nhận bằng tiến sĩ tại Đại học King's ở Cambridge năm 1980. Lĩnh vực chuyên môn của ông rất rộng lớn: tiền sử Đông Nam Á và Thái Bình Dương từ các quan điểm khảo cổ học, ngôn ngữ học và sinh học; nguồn gốc của nông nghiệp và kết quả phát triển văn hóa, ngôn ngữ và sinh học trên phạm vi toàn thế giới; kết nối liên ngành giữa khảo cổ học, ngôn ngữ học và sinh học người. Giáo sư Bellwood là Tổng thư ký Hiệp hội tiền sử Ấn Độ-Thái Bình Dương và biên tập viên Bản tin của Hiệp hội tiền sử Ấn Độ-Thái Bình Dương, thành viên của các ban biên tập: Viễn cảnh châu Á; Tạp chí Phương pháp và Lý thuyết Khảo cổ học; Tạp chí Nghiên cứu Austronesian; Tạp chí Tiền sử thế giới; Tạp chí Khảo cổ học; Tạp chí Bảo tàng Sarawak. Ông là thành viên của Học viện Nhân văn Úc; thành viên tương ứng của Học viện Anh. Bellwood đã tham gia vào một dự án nghiên cứu thực địa ở các đảo Moluccas phía bắc Indonesia, liên quan đến tiền sử của một loạt hang động tiền sử trong 35.000 năm qua, với các dấu hiệu rất rõ ràng về sự hiện diện của người Austronesian bắt đầu sau 4000 năm TCN. Bellwood đã thực hiện dự án ARC Discovery từ 2014 đến 2017, trong đó họ tập trung vào việc di cư của con người liên quan đến thời kỳ đồ đá mới ở Châu Á. Giáo sư Bellwood hiện đã nghỉ hưu nhưng ông vẫn sẵn sàng tư vấn cho bất kỳ ai quan tâm đến việc nghiên cứu thời đại đá mới Đông Á và Đông Nam Á, nhất là quá trình di cư của người tiền sử.

[8] Cao Sơn tộc (高山族) là tên được chính quyền ngoại quốc trước đây sử dụng để thực hiện quản lý phân loại thổ dân Đài Loan theo mức độ hòa nhập xã hội của họ, cũng tương đương với nhà Thanh gọi là “dã man” (生番 Sinh phiên), hay chính quyền thực dân Nhật gọi là “Phiên nhân” (蕃人), “Cao cát tộc” (高砂族). Chính phủ Trung Hoa Dân Quốc gọi họ là “Các nhóm dân tộc định cư trên đảo Đài Loan trước khi người Hán di cư đến Đài Loan vào thế kỷ 17”. Ngoài ra, theo định nghĩa chính thức của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, dân tộc Cao Sơn thuộc “dân tộc Trung Quốc”. Tuy nhiên, hiện tại, ý thức của người bản địa đã nâng cao. Trong những năm gần đây, các bộ lạc đã cam kết phá vỡ các kiểu phân loại chính trị trên để đáp ứng với diện mạo văn hóa truyền thống của họ.

[9] Thích Gia Đôn (戚家墩) là di chỉ văn hóa cổ tại thôn Thích Gia Đôn, hương Sơn Dương, huyện Kim Sơn, đông bắc vịnh Hàng Châu. Di chỉ được phát hiện lần đầu vào năm 1935, tầng trên của di chỉ thuộc văn hóa thời Tây Hán, trong khi lớp dưới được đặc trưng bởi gốm cứng văn in hình kỷ hà và gốm tráng men, đặc trưng cho văn hóa thời Xuân Thu Chiến Quốc.

[10] Núi Vũ Di hay Vũ Di Sơn nằm ở ngã ba của Giang Tây và tỉnh Phúc Kiến, là danh sơn của ba tôn giáo Nho, Phật, Đạo, với diện tích tới 999,75km2. Tổng thể khu thắng cảnh gồm có khu vực núi, khu vực bảo tồn nhiên nhiên và khu di chỉ thành Hán cổ. Vũ Di Sơn là một trong số bốn di sản nằm trong danh sách di sản hỗn hợp - di sản thiên nhiên và di sản văn hóa - của Trung Quốc. Vũ Di Sơn có 36 ngọn, 72 hang động và 99 vách đá hùng vĩ. Nét độc đáo nhất của khu thắng cảnh ở đây là suối nước chia làm chín khúc chảy quanh co uốn khúc giữa các ngọn núi. Nổi tiếng nhất là đỉnh Đại Vương, đỉnh Ngọc Nữ, đỉnh Thiên Du, Vân Oa, động Thuỷ Liêm, động Lưu Hương, cung Vạn Niên. Vũ Di còn bảo tồn được các di sản lâu đời như văn hóa trà, tôn giáo, phong tục tập quán. Tại đây có hơn 450 bức thư pháp khắc đá và mấy nghìn bài thơ. Nhiều loại chè được sản xuất xung quanh núi Vũ Di, đặc biệt là trà Đại Hồng Bào nổi tiếng.

[11] Nam Lĩnh (南嶺), còn gọi là Ngũ Lĩnh là tên dãy núi ở vùng ranh giới các tỉnh Hồ Nam, Giang Tây, Quảng Đông , Quảng Tây của Trung Quốc, ngăn cách vùng Lưỡng Quảng với phần lãnh thổ phía bắc của vùng Giang Nam. Ngũ Lĩnh gồm 5 dãy núi nhỏ: Việt Thành Lĩnh (越城嶺), Đô Bàng Lĩnh (都龐嶺), Manh Chử Lĩnh (萌渚嶺), Kỵ Điền Lĩnh (騎田嶺) và Đại Dữu Lĩnh (大庾嶺). Ngũ Lĩnh cũng là đường phân thủy giữa hai con sông lớn là Dương Tử và Châu Giang. Khu vực phía nam dãy núi Nam Lĩnh gọi là Lĩnh Nam. Các dãy núi hợp thành gồm có: Việt Thành Lĩnh có đỉnh Miêu Nhi Sơn (貓兒山) cao 2.142 m; Hải Dương Sơn có đỉnh Bảo Giới Lĩnh; Đô Bàng Lĩnh có núi Cửu Thái Lĩnh (韭菜嶺) cao 2.009 m; Manh Chử Lĩnh có đỉnh Mã Đường (馬塘頂) cao 1.787 m; Kỵ Điền Lĩnh có đỉnh cùng tên cao 1.510 m; Đại Dũ Lĩnh có núi Du Sơn cao 1.073 m. Các dãy núi hợp thành Nam Lĩnh chủ yếu chạy theo hướng đông bắc- tây nam, nhưng về tổng thể thì Nam Lĩnh chạy dài theo hướng đông-tây.

[12] Xác Khâu Đầu (殼丘頭) là di chỉ khảo cổ học, nằm ở phía đông thôn Nam Lũng, hương Bình Nguyên, huyện Bình Đàm, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc. Xác Khâu Đầu là di chỉ thuộc thời đại đồ đá mới. Ngày 9 tháng 11 năm 2017, “Trung Quốc Nhật báo võng” (中國日報網) đã đăng bài “Học giả Trung Quốc tìm kiếm nguồn gốc của người Nam Đảo” (中國學者找尋南島語族的起源 Trung Quốc học giả trảo tầm Nam Đảo ngữ tộc đích khởi nguyên). “Cơ sở Nghiên cứu Khảo cổ học Ngữ tộc Quốc tế Nam Đảo” đặt tại thị trấn Bình Nguyên, huyện Bình Đàm, tỉnh Phúc Kiến nói rằng tại di chỉ Xác Khâu Đầu, Bình Đàm, Phúc Kiến, người ta đã phát hiện được một số lượng đáng kể rìu đá tương tự như loại đã tìm thấy tại địa điểm Đại Phần Khanh ở Bát Lý, thành phố Tân Bắc, Đài Loan; mạng Truyền thông Nhân dân Trung Quốc kiến nghị rằng để khám phá nguồn gốc của ngữ tộc Nam Đảo thì cần phải tìm ở “Trung Quốc đại lục”.

[13] Thạch Hạp (前石峽), di chỉ khảo cổ học thời đá mới này nằm ở khu Khúc Giang, thị trấn Thiều Quan, tỉnh Quảng Đông. Các tàn tích ở di chỉ Thạch Hạp có bốn lớp văn hóa liên tục: lớp thứ nhất là tầng văn hóa thời đại đồ đá mới khoảng 6.000 năm trước, lớp thứ hai là tầng văn hóa thời kỳ đồ đá mới cách đây khoảng 5000-4000 năm (được đặt tên là “văn hóa Thạch Hạp”, lớp thứ ba là lớp văn hóa đồ đồng sớm có niên đại từ khoảng 3800 đến 3100 năm, lớp thứ tư thuộc thời kỳ đồ đồng muộn từ cuối triều đại nhà Chu đến cuối Xuân Thu. Có các trụ cột, hố tro, lò gốm và các di tích khác trong khu vực hẻm núi đá, và 136 ngôi mộ đã bị tàn phá. Một số lượng lớn các di vật văn hóa như đồ đá, đồ gốm và ngọc bích đã được tìm thấy trong các cuộc khai quật ở đây.

Tài liệu Tham khảo

(1) (9) (10) (17) Peter Bellwood, New Perspectives on Indo-Malaysian Prehistory, Bulletin of Indo-Pacific Prehistory Assocition[C], 1983(4);張光直.中國東南海岸考古與南島語族的起源[A].南方民族考古.1-14.1[C].成都:四川大學出版社1987.新石器時代的台灣海峽.考古[J]19896.541-550.

(2) (7)
凌純聲.東南亞古文化研究發凡[A].中國邊疆民族與環太平洋文化[C],台北:台灣聯經圖書1979.
 
(3)
李壬癸.台灣原住民的族群與遷徙[M].台北:常民文化,1997.20-21.
 
(4)
(3).3440.郭志超,春明.台灣原住民南來論辨析.廈門大學學報[J].2002(2).54—62

(5)
(3).2334.張光直.中國東南海岸考古與南島語族的起源[A].南方民族考古(1[C].成都:四川大學出版社,1987.

(6)
林惠祥.林惠祥人類學論著[M].福州:福建人民出版社,1981.294333.
 
(8) Kwang-chih Chang, George W. Grace, Wilhelm G. Solheim II.Movement of the Malayo-Polyncsians: !500B.C.to AD500[J], Current Anthropology. 1964 (5). 359
406.

(11) (20) 陳國強,蔣炳釗,綿吉,辛土成.百越民族史[M].北京:中國社會科學出版社,1988.蔣炳釗,綿吉,辛土成.百越民族文化[M].北京:學林出版社,1988.
 
(12)
汝康..中國遠古人類[M],北京:科學出版社1989.新智.中國晚舊石器時代人類與其南鄰(尼阿人和塔邦人)的關係[J].人類學學報.1987(3).180—183

(13)
春明.中國東南土著民族歷史與文化的考古學觀察.[M].廈門:廈門大學出版社1999.4160.
 
(14)
(13)6381.
 
(15)
春明.菲律賓史前文化中的大陸因素[A],中國百越民族史學會2002年年會論文[C].紹興.2002(6).Patrick V. Kirch. Advances in Polynesian Prehistory: Three Decades in Review[J], Advances in World Archaeology, 1982(1).

(16)
朱泓.中國南方地區的古代種族.吉林大學學報[J].2002(3).5—12

* Những chỗ có đánh dấu (*) cũng là ghi chú của người dịch.
 

 ** Đầu đề của người dịch


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét