Powered By Blogger

Thứ Tư, 12 tháng 12, 2018

“Lạc Việt” – mặc cảm và toan tính của học giới Nam Trung Quốc (III)**

Bộ nhớ lịch sử và bản sắc dân tộc: Đại diện văn hóa của Lạc Việt như là nguồn chính của dân tộc Tráng (1)

GS.TS. La Thải Quyên

Trích yếu:

Tộc quần “Lạc Việt” với tư cách là một trong những chủ nguồn của dân tộc Tráng, mà nền văn hóa của nó không chỉ được trình bày trong văn bản lịch sử của chúng ta, mà còn tồn tại trong các biểu tượng văn hóa dân tộc của con cháu Lạc Việt - dân tộc Tráng - từ thế hệ này sang thế hệ khác, chẳng hạn như nhà sàn, lễ hội, và các biểu tượng văn hóa khác. Người Tráng tại khu vực cố đô nước Lạc Việt sử dụng phương thức trưng bày của Phòng Trưng bày Văn hóa Lạc Việt, đồng thời, sử dụng các hoạt động lễ hội và nghi lễ thường niên của người Lạc Việt để tuyên truyền và quảng bá văn hóa Lạc Việt. Sự xuất hiện của tộc danh “Lạc Việt” chính là một tiêu chí sản sinh ý thức tộc quần; tập tục sinh hoạt cộng đồng của người Lạc Việt chính là sự tích lũy các đặc trưng văn hóa của người Tráng; các di chỉ nước Lạc Việt cổ - các hoạt động sôi động của người Tráng ở hương Vũ Minh liên quan đến trưng bày văn hóa Lạc Việt và các hoạt động thực hành nghi thức và lễ hội, chính là trí tưởng tượng của ký ức lịch sử nước Lạc Việt, và chính quyền địa phương đã từng một thời huy hoàng, đó cũng là nhu cầu thực sự để người Tráng đoàn kết và nâng cao bản sắc tộc quần.

Dẫn ngôn

Lạc Việt là một trong những chủng người Bách Việt, sống ở phía tây Lĩnh Nam từ thời Thương Chu đến thời Tần Hán, do phân bố trên khắp hai nước Trung Quốc và Việt Nam ngày nay, nên có cũng có các mối quan hệ lịch sử với các nhóm tộc người Đồng Thái. Ngay từ những năm 20 của thế kỷ XX, các học giả Trung Quốc và Việt Nam đã tiến hành nghiên cứu chuyên sâu về văn hóa Lạc Việt, và đã đạt được nhiều thành quả. Nghiên cứu của các học giả Trung Quốc về văn hóa Lạc Việt chủ yếu tập trung vào các phương diện sau: i) Nguồn gốc và sự phân bố của người Lạc Việt; ii) Văn hóa Lạc Việt; iii) Ý nghĩa của tộc danh Lạc Việt; iv) Kinh tế xã hội Lạc Việt; v) Tín ngưỡng tôn giáo Lạc việt; vi) Mối quan hệ của Lạc Việt với các dân tộc láng giềng hiện tại; vii) Xã hội Lạc Việt và tính chất của nó, viii) Nghiên cứu văn hóa Lạc Việt Việt Nam của các học giả Trung Quốc; ix) Các học giả Trung Quốc phê bác và phân tích, uốn nắm những tồn tại giả dối về lịch sử Lạc Việt trong giới học thuật Việt Nam (1). Đối với một số vấn đề này, các học giả vẫn chưa đạt được sự đồng thuận cuối cùng.

Giới học thuật Việt Nam triển khai nghiên cứu về Lạc Việt, chủ yếu liên quan đến nguồn gốc và sự phân bố của Lạc Việt, việc kiến lập quốc gia sơ cấp, sự sùng bái Hùng Vương, văn hóa đồ đồng, trống đồng Đông Sơn, cũng có những phương diện về mối quan hệ giữa dân tộc Việt Nam và Lạc Việt. Có nhiều mâu thuẫn giữa các kết quả nghiên cứu và sự thật lịch sử, về vấn đề này, các học giả Trung Quốc thông qua khảo sát thực địa và sưu tầm tư liệu, các biện bác mạnh mẽ được thực hiện với tài liệu thực nghiệm và kết quả nghiên cứu. (2) .

Nghiên cứu của Việt Nam về lịch sử và văn hóa Lạc Việt có những đặc điểm và xu hướng sau: i) Truy tìm nguồn gốc dân tộc Lạc Việt phục vụ cho việc “bản địa hóa”; ii) Phát huy bản sắc dân tộc dựa trên sự truyền thừa bản sắc văn hóa của Lạc Việt; iii) 3. Dốc đại lực thúc đẩy việc nghiên cứu, quốc tế hóa truyền bá và giao lưu văn hóa Lạc Việt (3). Do đó, theo nhu cầu xây dựng bản sắc quốc gia, Việt Nam tích cực phát huy bản sắc quốc tộc Lạc Việt và bản sắc văn hóa Lạc Việt đặc sắc mang đặc trưng địa phương, việc nghiên cứu văn hóa Lạc Việt đã tạo ra một hiện tượng phát triển biến đổi rõ ràng phục vụ cho bản sắc dân tộc (4). Ngược lại, nghiên cứu của các học giả Trung Quốc về Lạc Việt chủ yếu dựa trên tài liệu lịch sử và dữ liệu thực địa, thực hiện các cuộc thảo luận học thuật liên quan đến lịch sử và văn hóa Lạc Việt, ít cần bản sắc dân tộc và bản sắc quốc gia, thậm chí còn cho thấy đó hoàn toàn là học thuật và ít mang tính chính trị. Dựa vào điều đó, tác giả tin rằng việc kết hợp các tài liệu lịch sử với các hoạt động thực hành văn hóa Lạc Việt có liên quan trong khu vực người Tráng hiện tại, khám phá vấn đề văn hóa Lạc Việt từ góc độ bản sắc tộc quần và bản sắc dân tộc, đó là một quan điểm trọng yếu. Bài viết này sẽ thực hiện một nỗ lực bước đầu từ phương diện ấy, điều đó sẽ chỉ rõ hơn logic và ý nghĩa đằng sau thực tiễn sống động của văn hóa Lạc Việt.
 
1. Sự xuất hiện của tộc danh “Lạc Việt” và sản sinh ý thức tộc quần  

Mặc dù giới học thuật vẫn còn tranh cãi về sự phân bố địa lý của Lạc Việt và ý nghĩa của danh xưng Lạc Việt, tuy nhiên, tổ tiên của người Tráng có nguồn gốc từ Tây Âu và Lạc Việt trong nhóm dân tộc Bách Việt cổ đại ở Trung Quốc (nguyên văn: 我國 ngã quốc, nước ta*), điều này đã trở thành sự đồng thuận của dân tộc học và nhân học ở Trung Quốc. Trong “Lược sử người Tráng” xuất bản năm 1980, có ghi: “Các chi nhánh của Tây Âu và Lạc Việt phân bố ở phía tây Quảng Đông và Quảng Tây, có mối quan hệ chặt chẽ với người Tráng”,  “Nguồn gốc của người Tráng chủ yếu là Tây Âu và Lạc Việt bản địa” (5) 7-8. Trương Thanh Chấn [1] chủ biên sách “Tráng tộc thông sử” cho rằng: “Trong số nhiều nhóm người Việt, thì người Tráng có nguồn gốc từ người Tây Âu và Lạc Việt.” (6) 228. Từ Kiệt Thuấn [2] đề xuất quan điểm cho rằng tộc người Tráng có nguồn gốc từ người Lạc của tập đoàn Bách Việt cổ đại, được hình thành từ thời Lưỡng Tống [3].

Từ quá trình lịch sử của Lạc đến Tráng, đã trải qua ba giai đoạn phát triển: i) Từ Lạc đến Âu Lạc và Lạc Việt là giai đoạn đầu tiên; ii) Từ Âu Lạc và Lạc Việt đến các tộc Lý và Liêu là lần thứ hai; iii) Từ sự phát triển của một bộ phận tộc Lý và tộc Liêu đến tộc Tráng là giai đoạn thứ ba. Đến ranh giới Tần Hán, trong thời kỳ tiên Tần, Lạc đã dần dần chia thành hai dân tộc là Tây Âu và Lạc Việt (7). Ngọc Thời Giai [4] cho rằng lưu vực sông Tả Giang và đồng bằng sông Hồng ở Việt Nam cùng đảo Hải Nam ngày nay là khu vực cư trú và hoạt động của người Lạc Việt. Cuối cùng, ông đi tới kết luận: Tây Âu, Lạc Việt cổ đã tiến hóa thành hai nhánh Bắc Tráng và Nam Tráng sau này, họ là hai nguồn chính của tộc người Tráng, vì vậy chính nguồn gốc dân tộc Tráng không phải là nhất nguyên luận, mà là nhị nguyên luận. (8)

Tây Âu và Lạc Việt, hai nguồn chính của dân tộc Tráng, thuộc cùng một bộ lạc, họ sống với nhau từ rất sớm, đôi khi được gọi là “Âu” hoặc “Lạc Việt”, dựa vào nghiên cứu bằng văn bản về lịch sử của nhà Đường và nhà Tống, La Hương Lâm [5] tiên sinh tin rằng, có lẽ cả Tây Âu và Lạc Việt giống như khu vực ở bờ tây sông Lưu Giang ngày nay, phía đông nam sông Liễu Giang được gọi là Âu, còn phía tây của sông Liễu Giang được gọi là Lạc, còn các khu vực kế tiếp nhau của bờ tây được gọi là Tây Âu Lạc Việt (9). La Hương Lâm dựa vào sông Liễu Giang để phân biệt giữa Tây Âu và Lạc việt về vị trí địa lý: “Tây Âu gần như lấy lưu vực sông Tương Thủy và Ly Thủy làm trung tâm hoạt động, còn Lạc Việt chủ yếu tập trung tại lưu vực sông Tả Giang và Hữu Giang.” (10)

Trương Nhất Dân [6] và cộng sự đã tiến hành phân chia chi tiết hơn, cho rằng, “Khu vực hoạt động của Tây Âu nằm ở phía nam của Ngũ Lĩnh, phía tây Nam Việt, phía đông Lạc Việt, đại thể bao gồm quận Uất Lâm và quận Thương Ngô thời nhà Hán, tương đương với phía đông của sông Liễu Giang, lưu vực sông Quế Giang và một dải trung lưu của sông Tây Giang. Khu vực hoạt động của Lạc Việt nằm ở phía tây của Tây Âu, phần phía đông và đông nam của quận Tang Ca thời Hán, phía bắc bán đảo Đông Dương; đại thể tương đương lưu vực Tả Giang, Hữu Giang, phần tây nam tỉnh Quý Châu một dải đến tam giác châu sông Hồng của Việt Nam ngày nay” (11). Do đó, các khu vực địa lý khác nhau của các hoạt động và phân bố khác nhau của Tây Âu và Lạc Việt đã được xác định. Các đặc trưng phân bố địa lý của Tây Âu và Lạc Việt được xác lập trong phạm vi gần như trùng với các vùng dân tộc Tráng sau này.
  
Tộc danh “Lạc Việt” luôn luôn là một chủ đề chính trong các công trình nghiên cứu học thuật. “Giao châu Ngoại vực ký” chép: “Khi chưa chia thành quận huyện, Giao Chỉ đã có ruộng Lạc, theo nước triều lên xuống, người làm ruộng ấy mà ăn gọi là Lạc dân”. Còn sách “Quảng châu kí” thì ghi: “Giao Chỉ có lạc điền, theo nước triều lên xuống, dân ăn ruộng ấy”. Có thể thấy rằng “Lạc điền” (駱田) và “Lạc điền” (雒 田) tương thông với nhau, “Lạc dân” (雒民) còn được gọi là “Lạc nhân” (駱人) vì vậy ý nghĩa của “Lạc nhân” chính là người gieo trồng và ăn ruộng Lạc vậy.

Vương Bách Trung [7] đã công bố một bài viết dài “Lạc điền nghiên cứu khảo tác” trong “Nghiên cứu động thái lịch sử Trung Quốc” để xem xét các nghiên cứu học thuật liên quan đến vấn đề Lạc điền. Giới học giả có bốn quan điểm về “Lạc điền”: i) Lạc điền là đất nông nghiệp; quan điểm phổ biến nhất cho rằng Lạc điền là một loại đất nông nghiệp được người Lạc Việt cổ khai khẩn, được sử dụng để làm ruộng trồng lúa nước; ii) “Lạc điền” là một phương pháp canh tác bằng cách diệt cỏ (水耨 thủy nậu); iii) Lạc điền là chế độ ruộng đất của Lạc Việt; iv) Lạc Điền là tên dân tộc. Cuối cùng ông đã chỉ ra rằng thời đại của lịch sử ký thuật “Lạc điền” tương đối xa xưa, các tài liệu không đầy đủ và mơ hồ, và các kết luận nghiên cứu hiện có là hợp lý, vì vậy, hiện giờ vẫn chưa đủ cơ sở để đưa ra kết luận cuối cùng (12).

Cho đến giờ vẫn không có kết luận thống nhất về ý nghĩa của “Lạc điền”, tuy nhiên, về cơ bản người ta thừa nhận có thể Lạc (), còn viết là Lạc (), nhân khai khẩn mà ăn ruộng “Lạc điền” và khu vực hoạt động nhiều “Lạc điền” nên có tên gọi đó, đó là một thuyết. Do vùng đất đó có Lạc điền, dân khai khẩn mà ăn ruộng đó, nên gọi là Lạc dân, còn những người cai quản các Lạc điền này là Lạc vương, Lạc hầu, Lạc tướng, kết quả là gọi người Việt khai khẩn mà ăn ruộng Việt ấy là Lạc Việt (13) 38. Do đó, người trồng cấy Lạc điền được gọi là Lạc dân. Theo các tài liệu hiện có, từ “Lạc” () của “Lạc Việt” (駱越) có nguồn gốc từ “Lạc dân” (駱民) mà ra. Là một trong những nguồn chính của tộc danh Tráng, sự xuất hiện của tộc danh “Lạc Việt”, điều đó có nghĩa là sự sản sinh ý thức tộc quần của tổ tiên tối sơ của tộc người Tráng.  

2. Ký ức “Lạc việt” – Tích lũy các đặc trưng văn hóa nguồn chính của quần tộc Tráng

Sau khi đã hiểu được ngọn nguồn (來龍去脈 lai long khứ mạch) của tộc danh “Lạc Việt”, và sau khi giải thích mối quan hệ giữa sự xuất hiện của tộc danh “Lạc Việt” và sự xuất hiện của ý thức dân tộc, chúng ta không thể không hỏi, những đặc điểm văn hóa nào của Lạc Việt vẫn còn truyền lại cho đến ngày nay? Những ký ức lịch sử và tích lũy văn hóa nào có thể trở thành yếu tố quan trọng trong sự hòa nhập của người Tráng?

Đàm Đức Thanh [8] coi tộc duệ Âu Lạc là “Hậu duệ của người Tây Âu, Lạc Việt thuộc tộc quần Bách Việt thời tiên Tần, chủ yếu bao gồm tộc quần ngôn ngữ Tráng Đồng ở Trung Quốc, và một số nhóm dân tộc ở các quốc gia láng giềng có cùng nguồn gốc với người Tráng, chẳng hạn như người Đại (岱族 Đại tộc), người Nùng (儂族 Nùng tộc) ở Việt Nam, người Thái ở Thái Lan, người Lão ở Lào, người Đạn ở Myanmar và người Ahom ở bang Assam, Ấn Độ (14).

Trong “Tráng tộc thông sử” do Trương Thanh Chấn chủ biên, và “Tráng tộc sử” do Đàm Thải Loan [9] viết, cả văn hóa Lạc Việt và đặc điểm của nó đều được tóm tắt đầy đủ, điều đó có nghĩa là, văn hóa Lạc Việt lấy văn hóa sản xuất lúa gạo làm hạch tâm, nó được đánh dấu bằng những bức tranh đá ở Hoa Sơn bên sông Tả Giang và văn hóa trống đồng, biểu hiện nổi bật trong văn hóa đồ đồng, văn hóa âm nhạc và vũ đạo, văn hóa ca dao, văn hóa nhà sàn, văn hóa ngữ ngôn và văn hóa thổ cẩm, văn hóa của các địa danh nà, bản, lũng, văn hóa tôn giáo đại diện bởi phù thủy, thờ cúng sinh sản, thờ cúng tổ tiên, văn hóa thể chế lấy Lạc hầu, Lạc tướng, Lạc dân làm tiêu chí, lấy xăm mình, chôn cất người chết trong hang động, giỏi chèo thuyền, canh tác bằng lửa trừ cỏ bằng nước (火耕水耨 hỏa canh thủy nậu), cơm gạo với canh cá là những điển hình về nhiều phương diện tập tục, sinh hoạt.

Nói chung, tổ tiên người Tráng là Tây Âu và Lạc Việt có những đặc trưng ngôn ngữ riêng; trong thói quen sinh hoạt, có tục cắt tóc xăm mình (斷發紋身 đoạn phát văn thân), ở “nhà sàn”, bên trên là chủ nhà, dưới gầm nhà là gia súc. Lại còn học biết chế tạo trống đồng và sử dụng trống đồng, truyền lại một di sản văn hóa quý giá và giàu có cho con cháu của người Tráng.

2.1. Kiến trúc nhà sàn

Nhà sàn là một kiểu kiến trúc độc đáo được xây dựng bởi tổ tiên tộc Tráng nhằm thích nghi với môi trường tự nhiên, nó cũng là một tiêu chí quan trọng thể hiện rằng tộc Tráng khác với các nhóm dân tộc khác. Tổ tiên tộc Tráng (bao gồm cả người Lạc Việt) đã tạo ra kiến trúc nhà sàn trong thời kỳ lịch sử là đại diện của văn hóa nhà sàn bởi nó cũng là một phần quan trọng của văn hóa truyền thống Tráng. Nó có ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển hạnh phúc và xã hội của tộc Tráng và tổ tiên của họ (15). Lịch sử của kiến trúc nhà sàn có một cội nguồn lâu dài, trong xã hội cổ đại, thói quen ở nhà sàn phổ biến rộng rãi trong các nhóm dân tộc Bách Việt nằm ở phía nam sông Dương Tử. Theo cuốn sách nghiên cứu “Lịch sử dân tộc Bách Việt” của Trần Quốc Cường [10] thì nhà sàn của người Việt đã có từ thời nguyên thủy sớm nhất là sáu hoặc bảy ngàn năm trước, tổ tiên của họ đã từng sử dụng phổ biến. Chẳng hạn như di chỉ Hà Mỗ Độ ở Dư Diêu, Chiết Giang; Tiền San ở Ngô Hưng, và trong những di chỉ thuộc thời đại đá mới ở Hàng Châu, v.v., đều có các phát hiện về di tồn của nhà sàn (6) 43. Tương tự, là hai nhánh của tộc hệ Bách Việt là Tây Âu và Lạc Việt, đây cũng là những nhóm dân tộc sớm nhất sống trong những ngôi nhà sàn. “Các di tích kiến trúc nhà sàn bằng gốm và đồng được khai quật từ những ngôi mộ đầu của triều đại Tây Hán ở khu vực Quảng Đông-Quảng Tây đã được điều tra, người ta ước tính rằng trong các triều đại Thương và Chu, các nhóm dân tộc Tây Âu và Lạc Việt sinh sống trong khu vực Lĩnh Nam đã xây dựng và sử dụng nhà sàn” (17). Do đó, lịch sử xây dựng và sử dụng nhà sàn của tổ tiên người Tây Âu và Lạc Việt là rất dài, nó đã được truyền lại cho đến ngày nay và đã trở thành một đặc trưng điển hình cho mô thức cư trú của người Tráng.

Dân tộc Lạc Việt và con cháu của họ đã tạo ra và lựa chọn kiến trúc nhà sàn làm nơi ở của riêng họ, đó là vì quy cách kiến trúc cư trú nhà sàn có các đặc trưng sau: i) Nội thất mát mẻ và thoáng đãng, vì nhà sàn cách mặt đất vài mét, nhà sàn cũng tốt cho việc phòng ngừa ẩm ướt, lũ lụt, thú dữ và côn trùng; ii) Sử dụng gầm sàn để chăn nuôi, đặt xưởng rèn, mài, chứa xếp các dụng cụ nông nghiệp và đồ lặt vặt; iii) Vật liệu xây dựng chủ yếu được làm từ tre và gỗ, có thể khai thác ngay tại địa phương nên kinh tế và thực dụng. Tất nhiên, mô thức kiến trúc nhà sàn là sản phẩm thích ứng với môi trường sinh thái tự nhiên cụ thể, do đó những tộc người thịnh hành kiến trúc nhà sàn trong thời cổ đại không nhất thiết phải là tộc Việt, những người sống trong cùng môi trường hoặc môi trường tự nhiên tương tự đều có khả năng sử dụng những ngôi nhà thực tế như vậy, tuy nhiên, có thể khẳng định rằng các quần thể tộc Việt và con cháu của họ thường đều sử dụng nhà sàn (18) 75-76.

Cần phải nói rằng sự phát triển của kiến trúc nhà sàn từ Tây Âu, Lạc Việt đến nay đã thay đổi rất nhiều. Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng văn hóa nhà sàn đã là một phần quan trọng của hệ thống văn hóa truyền thống Tráng, đây cũng là một trong những biểu trưng văn hóa truyền thống của tộc Tráng là tộc có nền văn hóa phong phú nhất của phương nam. Đàm Thải Loan chỉ ra rằng "Kiến trúc nhà sàn tộc Tráng không chỉ là một biểu tượng quan trọng của văn hóa truyền thống Tráng, mà nó còn là một di sản văn hóa phong phú về tinh thần siêng năng và cầu tiến của người Tráng, nó phả ánh những thành tựu văn hóa độc đáo của người Tráng và thể hiện những cảm xúc sâu sắc của người Tráng, là một di sản lịch sử và văn hóa quý giá của tộc Tráng" (19). Ngày nay, di sản lịch sử và văn hóa giá trị của kiến trúc nhà sàn này còn là một yếu tố phân biệt Tráng với các nhóm dân tộc khác, và duy trì bản sắc tộc quần của dân tộc chúng ta. Có thể nói rằng ngay từ thời Tây Âu Lạc Việt, tổ tiên người Tráng đã có những đóng góp to lớn cho nền văn hóa dân tộc tượng trưng bằng nhà sàn tộc Tráng.

2.2. Văn hóa trống đồng 

Khi nói đến tộc Tráng, không ai không nghĩ đến trống đồng. Trống đồng là một trong những tiêu chí văn hóa của người Tráng, và là thần vật trong con tim nhân dân Tráng. Văn hóa trống đồng lưu truyền lâu dài và có một loạt ảnh hưởng, tác động cực kỳ sâu rộng. Từ thời nhà Minh và nhà Thanh, với sự thay đổi của thời đại và sự phát triển của xã hội, tống đồng diễn biến thành một nhạc cụ gõ với các tính năng giải trí. Mọi người thường đánh trống đồng trong lễ hội để trợ hứng, việc sử dụng trống đồng cũng bắt đầu trở nên thế tục hóa.

Tiên sinh La Hương Lâm đã chỉ ra vào những năm 50 của thế kỷ XX như sau: “Đáng chú ý nhất trong văn hóa Việt tộc cổ đại, là việc sản xuất và sử dụng trống đồng. Càng nhiều trống đồng được tạo ra, chúng càng làm cho Lạc Việt hưng thịnh, vì vậy chúng còn được gọi là là trống đồng Lạc Việt". Dân tộc Lạc Việt là một trong những dân tộc cổ đại chế tạo và sử dụng trống đồng sớm nhất. Từ Tùng Thạch [11], nhà Tráng học tiên phong, khéo léo gọi tộc Tráng là "Dân tộc thi ca" (歌與詩的民族 ca dữ thi đích dân tộc), cũng như “Cổ tộc”, nghĩa là “Dân tộc trống đồng” vậy. Ông nói: “Trong mọi trường hợp, chúng ta có thể kết luận rằng trống đồng là một sáng chế phẩm của tộc Đồng và tộc Liêu Lạc Việt vậy… Do đó, chúng ta đã tìm thấy những chiếc trống đồng này ở Trung Quốc, được người Lạc Việt và người Đồng Lưỡng Quảng sử dụng đầu tiên” (20) 163.

“Hậu Hán thư – Mã Viện liệt truyện” viết rằng thời Mã Viện đánh Giao Chỉ, “lấy được trống đồng Lạc Việt”. Công trình “Nghiên cứu trống đồng tộc Tráng” (21) của giám đốc Bảo tàng Quảng Tây, nhà nghiên cứu Tưởng Đình Du là một nỗ lực nghiên cứu chuyên môn và xử lý các vấn đề liên quan. Cuốn sách phân tích và nghiên cứu từ các khía cạnh khác nhau như hồ sơ tài liệu, tài liệu khảo cổ, bộ sưu tập dân gian, hoạt động dân gian, tín ngưỡng dân gian và văn hóa dân tộc, kết hợp bối cảnh lịch sử phát triển văn hóa trống đồng của dân tộc Tráng, nó cho thấy tộc Tráng và tổ tiên của mình là những nhóm dân tộc chính đúc và sử dụng trống đòng trong lịch sử, và họ đã có những đóng góp nổi bật trong việc tạo ra văn hóa trống đồng. Đàm Hiểu Hàng [12] tin rằng nếu từ tiếng Tráng “Việt Lạc” được dịch sang nghĩa Hán tự, thì phải đạt được ý “Đồng cổ Việt nhân”. Ý nghĩa này tương ứng với “Lạc Việt có trống đồng, nhân đó mà có được cái tên ấy vậy” (越駱有銅鼓,因得其名Việt Lạc hữu đồng cổ nhân đắc kì danh) được ghi lại trong tài liệu lịch sử (22). Do đó, cách thích hợp nhất để gọi người Việt là những người giỏi làm trống đồng. Văn hóa trống đồng và ký ức lịch sử vĩ đại khác cùng sự giàu có, quý giá do tổ tiên Lạc Việt để lại.
____________________________________

Nguồn: 羅彩娟 (2018) 歷史記憶與族群認同:作為壯族主源的“駱越”文化表徵, La Thải Quyên, Lịch sử kí ức dữ tộc quần nhận đồng: tác vi tráng tộc chủ nguyên đích “Lạc Việt” văn hóa biểu chinh. http://www.chinesefolklore.org.cn/web/index.php?NewsID=18117

Người dịch: Hà Hữu Nga

Tác giả: GS.TS. La Thải Quyên, Trường Dân tộc học và Xã hội học, Đại học Quốc gia Quảng Tây, Tiến sĩ Nhân học. Từ 1998 - 2002: Trường Lịch sử Văn hóa và Du lịch Quảng Tây, Đại học Sư phạm, cử nhân lịch sử. Từ năm 2002 - 2005, cô học thạc sĩ về dân tộc học tại Đại học Dân tộc học và Xã hội học của Đại học Dân tộc Quảng Tây và có được bằng thạc sĩ về luật. Từ 2005 - 2008, cô học tiến sĩ về nhân học tại Trường Dân tộc học và Xã hội học của Đại học Dân tộc Trung ương và lấy bằng tiến sĩ luật. Từ 2008 - 2016, cô tham gia giảng dạy và nghiên cứu tại Khoa Khoa học Chính trị và Luật học, Đại học Sư phạm Quảng Tây. Năm 2015, cô là giáo sư.

Chú thích của người dịch

[1] Trương Thanh Chấn (1924 niên), người Ung Ninh, Quảng Tây, là nhân vật chính trị của Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc. Ông từng là phó giám đốc Sở tài nguyên nước tỉnh Quảng Tây. Năm 1954, ông được bầu làm đại diện của Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc. Thường vụ của Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc.

[2] Từ Kiệt Thuấn (徐杰舜 1943 - ) Nhà dân tộc học và nhân chủng học đương đại Trung Quốc, sinh ra ở Linh Lăng, tỉnh Hồ Nam, người Dư Diêu, Chiết Giang. Kiệt Thuấn có những đóng góp học thuật sáng tạo trong các lĩnh vực dân tộc học Trung Quốc. Năm 1965, ông tốt nghiệp khoa Lịch sử và Chính trị của Phân viện Dân tộc học Trung ương (nay là Viện Dân tộc học Trung Nam). Ông là giáo sư của Viện Dân tộc học và Nhân  học của Đại học Dân tộc Quảng Tây, Giám đốc Hiệp hội Nghiên cứu Lịch sử Bách Việt Trung Quốc.

[3] Lưỡng Tống (兩宋): Nhà Tống là một triều đại cai trị ở Trung Quốc từ năm 960 đến 1279,  đã thành công trong việc thống nhất Trung Quốc trong thời kỳ Ngũ Đại Thập Quốc, và được thay thế bởi nhà Nguyên. Nhà Tống là nhà nước đầu tiên trên thế giới phát hành ra tiền giấy, và nhà nước Trung Quốc đầu tiên thành lập lực lượng hải quân thường trực lâu dài. Triều đại này cũng lần đầu tiên sử dụng thuốc súng, và la bàn. Triều Tống được chia thành hai giai đoạn riêng biệt: i) Bắc Tống (北宋, 960-1127) là giai đoạn có thủ đô Biện Kinh (nay là Khai Phong) ở miền bắc và triều đình kiểm soát toàn bộ Trung Hoa; ii) Nam Tống (南宋, 1127-1279) để chỉ khoảng thời gian nhà Tống mất quyền kiểm soát phía bắc cho người Nữ Chân nhà Kim, còn nhà Tống lui về phía nam sông Dương Tử và lập kinh đô ở Lâm An (nay là Hàng Châu).

[4] Ngọc Thời Giai (玉時階) 1950 -) người Tráng, huyện Nam Đan, Khu tự trị dân tộc Tráng, Quảng Tây. Ông hiện là giám đốc của Trung tâm Dao học, thuộc Đại học Dân tộc Quảng Tây và là giáo sư tại Trường Cao đẳng Dân tộc học và Xã hội học của Đại học Dân tộc Quảng Tây. Giảng viên Nghệ thuật Thiết kế bán thời gian tại Trường Thiết kế, Đại học Nghệ thuật Quảng Tây. Ông là một chuyên gia và học giả nổi tiếng về nghiên cứu Dao ở Trung Quốc. Năm 1978, ông được nhận vào Khoa Lịch sử của Đại học Sư phạm Quảng Tây, và sau đó đã xuất bản một nghiên cứu về sự phát triển của lịch sử xã hội mang tên “Bạch khố Dao Du Oa tổ chức nghiên cứu”  có liên quan đến Khu tự trị Quảng Tây.

[5] La Hương Lâm (羅香林 1906 - 1978), người trấn Ninh Tân, huyện Hưng Ninh, tỉnh Quảng Đông. Năm 1930, sau khi tốt nghiệp Đại học Thanh Hoa, ông chuyên nghiên cứu về lịch sử nhà Đường và Bách Việt. Năm 1936, ông là giám tuyển của Thư viện Trung Sơn của thành phố Quảng Châu và là phó giáo sư tại Đại học Tôn Dật Tiên, dạy lịch sử và sáng lập ấn phẩm quý “Quảng châu học báo” và bán nguyệt san “Thư lâm”. Từ tháng 11 năm 1945 đến tháng 7 năm 1946, ông là Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghệ thuật và Khoa học tỉnh Quảng Đông. Năm 1949, cả gia đình ông chuyển đến Hồng Kông và dạy tại trường Cao đẳng New Asia và Đại học Hồng Kông. Ông là một nhà sử học nổi tiếng, là nhà dân tộc học và là người sáng lập ra những nghiên cứu về người Khách Gia Trung Quốc hiện đại, ông là một nhân vật nổi bật trong giới học thuật khoa học xã hội và nhân văn hiện đại.

[6] Trương Nhất Dân (張一民 1915 - 2009), người huyện An Bình, tỉnh Hà Bắc, trưởng bộ phận Nghiên cứu Lịch sử thời chiến của Học viện Khoa học Quân sự Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, nguyên Phó Tư lệnh Quân khu Sơn Tây. Năm 1955, ông được phong quân hàm đại tá, được trao tặng huân chương danh dự của Ngôi sao đỏ hạng hai. Ông gia nhập quân đội năm 1937 và gia nhập Đảng Cộng sản Trung Quốc cùng năm. Sau khi thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, ông là Giám đốc Phòng Nghiên cứu Khoa học Quân sự, Giám đốc Khoa Nghiên cứu Lịch sử. Ông qua đời tại Bắc Kinh ngày 30 tháng 10 năm 2009, ở tuổi 94.

[7] Vương Bách Trung (王柏中 1966 - ), Giáo sư, Đại học Dân tộc học và Xã hội học, Đại học Quốc gia Quảng Tây; tiến sỹ 2004, Đại học Cát Lâm, Lịch sử Trung Quốc cổ đại. Có nhiều công trình nghiên cứu về lịch sử, dân tộc, văn hóa dân gian và du lịch Việt Nam.

[8] Đàm Đức Thanh (覃德清 1963 - ), GS.TS nhân học, người Tráng, huyện Liễu Giang, Quảng Tây, hiện là giám đốc của ban biên tập Tạp chí Đại học Sư phạm Quảng Tây. Năm 1986, ông tốt nghiệp khoa Trung Quốc của Đại học Sư phạm Hoa Trung. Cùng năm đó, theo học thạc sĩ về văn học thiểu số Trung Quốc thuộc Đại học Sư phạm Quảng Tây. Ông được nhận vào Khoa Nhân học, Đại học Tôn Dật Tiên năm 1995 và nhận bằng Tiến sĩ Nhân học Văn hóa năm 1998. Ông là thành viên của Hiệp hội Tráng học Quảng Tây, thành viên của Hiệp hội Nhân học Trung Quốc, thành viên của Hiệp hội Văn học và Nghệ thuật Dân gian Quảng Tây. Ông hiện là giáo sư và giảng dạy các khóa học như nguyên tắc văn hóa dân gian, nhân học thẩm mỹ, lịch sử văn học Tráng và nhân học văn hóa.

[9] Đàm Thải Loan (覃彩鑾 1950 -) người Liễu Giang, Quảng Tây. Sau khi tốt nghiệp khoa Khảo cổ học tại Đại học Bắc Kinh vào tháng 7 năm 1977, ông vào làm tại Bảo tàng Văn hóa Khu bảo tồn Khu tự trị Quảng Tây để tham gia vào công tác khảo cổ. Năm 1986, ông được chuyển đến Viện nghiên cứu dân tộc của Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây. Ông hiện là nhà nghiên cứu của Văn phòng nghiên cứu chính sách và lý thuyết dân tộc của Ủy ban dân sự Quảng Tây, giám đốc Trung tâm nghiên cứu dân tộc Quảng Tây (cựu giám đốc của Viện nghiên cứu dân tộc Quảng Tây), biên tập viên của Hội nghiên cứu dân tộc Tây Nam Trung Quốc. Chủ tịch Hội Tráng học, chuyên ngành lịch sử dân tộc thiểu số Trung Quốc tại Đại học Sư phạm Quảng Tây.

[10] Trần Quốc Cường (陳國強 1931 - 2004), nhà nhân học, Giáo sư Đại học Hạ Môn, Năm 1951, ông tốt nghiệp trường và làm trợ lý cho nhà nhân chủng học nổi tiếng Lâm Huệ Tường. Ông từng làm trợ lý giáo sư, giảng viên, phó giáo sư và giáo sư và trưởng khoa Nhân học, giám đốc Viện Nhân học. Năm 1973, ông thành lập Khoa Khảo cổ học thuộc Khoa Lịch sử. Năm 1978, ông tổ chức phục hồi Bảo tàng Con người. Năm 1984, ông thành lập Viện Nhân học và Khoa Nhân học tại Đại học Hạ Môn.

[11] Từ Tùng Thạch (徐松石 1900 - 1999), là mục sư, nhà văn và nhà sử học, tốt nghiệp Đại học Hỗ Giang, Thượng Hải và theo Thiên chúa giáo lúc 19 tuổi. Trong cuộc kháng chiến chống lại sự xâm lược của Nhật Bản, Mục sư Từ đã thành lập Cơ đốc giáo văn xã đầu tiên ở Trung Quốc để quảng bá Thiên chúa giáo cho người dân. Với tư cách là một nhà sử học, Mục sư Từ đã biên soạn sách nghiên cứu đa sắc tộc bằng cả tiếng Trung và tiếng Anh, ông còn đưa ra bằng chứng rằng người Trung Quốc đã tìm ra lục địa Mỹ và người Trung Quốc là tổ tiên của người Indians và người Eskimo. Ông biên soạn và dịch nhiều thể loại, bao gồm Hoa nhân phát hiện Mỹ châu khảo”, “Vũ tích Hoa tung Mỹ châu hoài cổ”, “Thái tộc, Đồng tộc, Việt tộc khảo”, “Cơ đốc giáo dữ Trung Quốc văn hóa”, v.v. 

[12] Đàm Hiểu Hàng (覃曉航 1952 - 2012) người Tráng, huyện Mã San, Quảng Tây, tốt nghiệp Đại học Dân tộc Quảng Tây và Đại học Quốc gia Trung ương. Ông là thành viên của ban biên tập “Dân tộc Ngữ văn”, phó tổng biên tập Tạp chí “Hán Tạng ngữ học báo”, Viện trưởng Viện Ngôn ngữ và Cổ tịch Dân tộc Trung Hoa của Đại học Quốc gia Trung ương. Ông chủ yếu tham gia nghiên cứu về Hán Tạng ngữ, đặc biệt là Tráng Đồng ngữ và Tráng tự, cũng như nghiên cứu về mối quan hệ giữa các ngôn ngữ Hán, Tráng và Nam Á. Nghiên cứu về ngữ pháp tiếng Tráng đã đạt được những thành tựu đột phá.

Tài liệu Tham khảo

(1)覃彩鑾,付廣華,覃麗丹.駱越文化研究一世紀:[J].廣西民族研究,2015(4).đàm thải loan, phó quảng hoa, đàm lệ đan. lạc việt văn hóa nghiên cứu nhất thế kỉ: thượng[J]. quảng tây dân tộc nghiên cứu, 2015 (4).

(2)覃彩鑾,付廣華,覃麗丹.駱越文化研究一世紀:[J].廣西民族研究,2015(5).đàm thải loan, phó quảng hoa, đàm lệ đan. lạc việt văn hóa nghiên cứu nhất thế kỉ: hạ[J]. quảng tây dân tộc nghiên cứu, 2015 (5).

(3) 楊健,周智生,熊世平.中越兩國駱越文化研究的流變與分異[J].雲南師範大學學報(哲學社會科學版),2016(1). dương kiện, chu trí sinh, hùng thế bình. Trung việt lưỡng quốc lạc việt văn hóa nghiên cứu đích lưu biến dữ phân dị[J]. vân nam sư phạm đại học học báo (triết học xã hội khoa học bản), 2016(1). 

(4) 周智生,楊健.國家認同視閾下越南駱越文化的研究流變——以對安陽王建甌駱國史料解讀為線索[J].雲南民族大學學報(哲學社會科學版),2016(5). chu trí sinh, dương kiện. quốc gia nhận đồng thị quắc hạ việt nam lạc việt văn hóa đích nghiên cứu lưu biến – dĩ đối “an dương vương kiến âu lạc quốc” sử liệu giải độc vi tuyến tác [J]. vân nam dân tộc đại học học báo (triết học xã hội khoa học bản), 2016 (5).

(5)《壯族簡史》編寫組.壯族簡史[M].南寧:廣西人民出版社,1980. “tráng tộc giản sử” biên tả tổ. tráng tộc giản sử [M], nam ninh: quảng tây nhân dân xuất bản xã, 1980.
  
(6)張聲震.壯族通史[M].北京:民族出版社,1997. trương thanh chấn. tráng tộc thông sử [M]. bắc kinh: dân tộc xuất bản xã, 1997.

(7)徐傑舜.從駱到壯——壯族起源和形成試探[J].學術論壇,1990(5).từ kiệt thuấn. tòng lạc đáo tráng - tráng tộc khởi nguyên hòa hình thành thí tham [J]. học thuật luận đàn, 1990 (5).

(8)玉時階.論壯族文化與壯族族源的關係[J].廣西大學學報(哲學社會科學版),1991(4). ngọc thì giai. luận tráng tộc văn hóa dữ tráng tộc tộc nguyên đích quan hệ [J]. quảng tây đại học học báo (triết học xã hội khoa học bản), 1991 (4).

(9)轉引徐恆彬.南越族先秦史初探.會議論文. chuyển dẫn từ hằng bân. nam việt tộc tiên tần sử sơ tham. hội nghị luận văn.

(10)王明亮.西甌駱越三題[J].嶺南文史,1993(3). vương minh lượng. tây âu lạc việt tam đề [J]. lĩnh nam văn sử, 1993 (3).

(11)張一民,何英德.西甌駱越與壯族的關係[J].廣西師範大學學報(哲學社會科學版),1987(2). trương nhất dân, hà anh đức. tây âu lạc việt dữ tráng tộc đích quan hệ [J]. quảng tây sư phạm đại học học báo (triết học xã hội khoa học bản), 1987 (2).

(12)王柏中.“雒田問題研究考索[J].中國史研究動態,2012(3).vương bách trung. “lạc điền” vấn đề nghiên cứu khảo tác [J]. trung quốc sử nghiên cứu động thái, 2012 (3).

(13)黃現璠,黃增慶,張一民.壯族通史[M].南寧:廣西民族出版社,1988.hoàng hiện phan, hoàng tăng khánh, trương nhất dân. tráng tộc thông sử [M]. nam ninh: quảng tây dân tộc xuất bản xã, 1988.

(14)覃德清.甌駱族裔——壯侗語民族的族群記憶與人文重建[J].廣西民族研究,2005(3). đàm đức thanh. âu lạc tộc duệ - tráng đồng ngữ dân tộc đích tộc quần kí ức dữ nhân văn trọng kiến [J]. quảng tây dân tộc nghiên cứu, 2005 (3).

(15)覃彩鑾.論壯族干欄文化的現代化[J].廣西民族學院學報(哲學社會科學),2000(1). đàm thải loan. luận tráng tộc can lan văn hóa đích hiện đại hóa [J]. quảng tây dân tộc học viện học báo (triết học xã hội khoa học bản), 2000 (1).

(16)陳國強,蔣炳釗,綿古,辛土成.百越民族史[M].北京:中國社會科學出版社,1988.
trần quốc cường, tương bỉnh chiêu, ngô miên cổ, tân thổ thành. bách việt dân tộc sử [M]. bắc kinh:  trung quốc xã hội khoa học xuất bản xã, 1988.

(17)巫惠民.壯族干欄建築源流談[J].廣西民族研究,1989(1). vu huệ dân. tráng tộc can lan kiến trúc nguyên lưu đàm [J]. quảng tây dân tộc nghiên cứu, 1989 (1).

(18)王文光,李曉斌.百越民族發展演變史——從越、僚到壯侗語族各民族[M].北京:民族出版社,2007. vương văn quang, lí hiểu bân. bách việt dân tộc phát triển diễn biến sử- tòng việt, liêu đáo tráng đồng ngữ tộc các dân tộc [M]. bắc kinh: dân tộc xuất bản xã, 2007.

(19)覃彩鑾.關於壯族干欄文化研究的幾個問題[J].廣西民族研究,1998(2). đàm thải loan. quan ư tráng tộc can lan văn hóa nghiên cứu đích ki cá vấn đề [J]. quảng tây dân tộc nghiên cứu, 1998 (2).

(20)徐松石.徐松石民族學文集:上卷[M].桂林:廣西師範大學出版社,2005. từ tùng thạch. từ tùng thạch dân tộc học văn tập: thượng quyển[M]. quế lâm: quảng tây sư phạm đại học xuất bản xã, 2005.

(21)蔣廷瑜.壯族銅鼓研究[M].南寧:廣西人民出版社,2005. tương đình du. tráng tộc đồng cổ nghiên cứu [M]. nam ninh: quảng tây nhân dân xuất bản xã, 2005.

(22)覃曉航.駱越西甌語源考[J].中央民族大學學報(哲學社會科學版),1994(6).đàm hiểu hàng. “lạc việt” “tây âu” ngữ nguyên khảo [J]. trung ương dân tộc đại học học báo (triết học xã hội khoa học bản), 1994 (6).

(23)歐陽若修.壯族文學史:1[M].南寧:廣西人民出版社,1986.âu dương nhược tu. tráng tộc văn học sử: đệ 1 sách [M]. nam ninh: quảng tây nhân dân xuất bản xã, 1986.

(24)梁庭望.西甌駱越關係考略[J].廣西民族研究,1989(4). lương đình vọng. tây âu lạc việt quan hệ khảo lược [J]. quảng tây dân tộc nghiên cứu, 1989 (4).

(25)丘振聲.壯族圖騰考[M].南寧:廣西教育出版社,2006.khâu chấn thanh. tráng tộc đồ đằng khảo [M]. nam ninh: quảng tây giáo dục xuất bản xã, 2006.

(26)鄭超雄.壯族文明起源研究[M].南寧:廣西人民出版社,2005. trịnh siêu hùng. tráng tộc văn minh khởi nguyên nghiên cứu [M]. nam ninh: quảng tây nhân dân xuất bản xã, 2005.

(27)梁庭望:古駱越方國考證[J].百色學院學報,2014(3). lương đình vọng: cổ lạc việt phương quốc khảo chứng [J]. bách sắc học viện học báo, 2014 (3).

(28)黃桂秋,單益強.近年廣西駱越文化研究的回顧與思考[J].廣西民族研究,2015(4). hoàng quế thu, đan ích cường. cận niên quảng tây lạc việt văn hóa nghiên cứu đích hồi cố dữ tư khảo [J]. quảng tây dân tộc nghiên cứu, 2015 (4).

(29)王明珂.華夏邊緣:歷史記憶與族群認同[M].台北:允晨文化實業股份有限公司,1997. [引用格式]羅彩娟.歷史記憶與族群認同:作為壯族主源的駱越文化表徵[J].廣西民族研究,2017(06):77-84.vương minh kha. hoa hạ biên duyên: lịch sử kí ức dữ tộc quần nhận đồng [M]. thai bắc: duẫn thần văn hóa thật nghiệp cổ phần hữu hạn công ti, 1997. [dẫn dụng cách thức] la thải quyên. lịch sử kí ức dữ tộc quần nhận đồng: tác vi tráng tộc chủ nguyên đích “lạc việt” văn hóa biểu trưng [J]. quảng tây dân tộc nghiên cứu, 2017 (06):77-84.  


* Những chỗ có đánh dấu (*) cũng là ghi chú của người dịch.
 

** Đầu đề của người dịch

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét