GS.TS. Vương Bách Trung
Ở Trung Quốc cổ đại, tộc quần Bách Việt và văn minh
lúa gạo có mối liên hệ chặt chẽ. Trong lịch sử văn hóa lúa gạo Bách Việt ở vùng
Lĩnh Nam, “Lạc điền” là một nội dung quan trọng được các học giả quan tâm rộng
rãi, nó đồng thời còn là một vấn đề học thuật lâu dài. Mô tả về “Lạc điền” lần
đầu tiên thấy trong “Giao Châu ngoại vực ký”. “Thủy kinh chú”, Quyển 37
(Trần Kiều Dịch đính chính giải thích, Nhà xuất bản Đại học Hàng Châu, 1999) sông
“Diệp Du” dẫn “Giao Châu ngoại vực ký”: “Khi chưa chia thành quận huyện,
Giao Chỉ đã có ruộng Lạc, theo nước triều lên xuống, người làm ruộng ấy mà ăn gọi
là Lạc dân. Đặt chế độ Lạc vương, Lạc hầu làm chủ các quận huyện này. Phần nhiều
các huyện đã có các Lạc tướng. Lạc tướng có ấn đồng quai thao
xanh”. Những mô tả tương tự cũng thấy có
trong “Quảng Châu ký”, “Nam Việt chí”, “Sử ký – Nam Việt liệt truyện”, sách “Tác
ẩn” của Tư Mã Trinh [1] dẫn “Quảng Châu ký” (Trung Hoa thư cục, 1959): “Giao
Chỉ có Lạc điền, theo nước triều lên xuống, người ăn ruộng ấy gọi là người Lạc.
Có Lạc vương, Lạc hầu. Các huyện tự gọi là “Lạc tướng”, ấn đồng quai thao xanh,
thời nay tức là huyện lệnh vậy. Sau vương tử nhà Thục đem binh đánh Lạc hầu, tự
xưng là An Dương vương, trị sở tại huyện Phong Khê. Rồi Nam Việt vương Úy Đà đánh
An Dương vương, lệnh cho hai vị sứ cai quản người hai quận Giao Chỉ, Cửu Chân.”
“Thái Bình quảng ký” quyển 482 “Giao Chỉ” dẫn “Nam Việt chí” (Đoàn kết Xuất bản
xã 1994): “Vùng Giao Chỉ đất đai rất tươi tốt. Di dân đến đó, rồi mới biết trồng
cấy. Đất đen xốp màu mỡ, khí đất hùng mạnh. Vì vậy ruộng đất ấy gọi là Hùng điền,
dân ấy là Hùng dân. Có các bậc quân trưởng cũng gọi là Hùng vương; còn các phụ
tá thì gọi là Hùng hầu. Đất đó được phân chia ra mà có các Hùng tướng”. Nay xét
“Tác Ẩn” dẫn “Lạc nhân” (駱人) ở sách “Quảng châu ký”, vốn là “Lạc dân” (駱民), chính Tư Mã Trinh vì kỵ
húy Đường Thái tông (tên là Lý Thế Dân 李世民, 626-649*) nên đã thay đổi.
Sách “Thủy Kinh chú sớ” của Dương Thủ Kính [2] viết: “Thủ Kính xét “Sử ký – Nam
Việt truyện” Tác Ẩn, “Quảng Châu ký” Giao Chỉ có Lạc điền …v.v., với “Giao
Châu ngoại vực kí” đại lược giống nhau. Căn cứ ở sách “Quảng Châu ký”, An Dương
vương đóng trị sở tại huyện Phong Khê, họ Lý xưa dẫn “Giao châu ngoại vực kí”
cũng vậy. “Hoàn vũ kí” huyện Bình Đạo dẫn “Nam Việt chí”, lạc (雒) viết thành hùng (雄).” (Bách Trung xét: “Hoàn
vũ kí” huyện Bình Đạo dẫn “Nam Việt chí”, lạc (雒) viết thành hùng (雄).”, không có câu này trong
ấn bản “Thủy kinh chú sớ” của Khoa học Xuất bản xã năm 1957, mặc dù ấn bản
“Dương Hùng hợp soạn Thủy kinh chú sớ” được Đài Bắc Trung Hoa Thư cục xuất bản
năm 1971 có trong văn bản, nhưng lại không phải ở chính văn bản, thay vào đó,
nó được đánh dấu ở góc bên dưới trang 4446 của cuốn sách, phông chữ cũng khác với
chữ trong các cột, có vẻ như đó không phải là chữ viết tay của một người, mà đã
được viết thêm vào cuốn sách) như đã viết trong “Thủy kinh chú sớ”, “Lạc điền” (雒田) cũng có thể được viết
thành “Lạc điền” (駱田), “Lạc (雒) và Lạc (駱) được viết bằng hai chữ
khác nhau, nhưng lại có thể thông với nhau; nhưng đối với chữ Hùng (雄) của Hùng vương (雄王) và Hùng điền (雄田) thì trong giới học thuật
vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau. (Ư Hướng Đông, Lưu Tuấn
Đào: “Việc tranh luận về danh hiệu “Hùng vương” và “Lạc vương”, “Nghiên cứu
Đông Nam Á”, số 5, 2009) (1).
Nhìn lại các nghiên cứu liên quan đến “Lạc điền”, hầu
hết các học giả thảo luận về vấn đề “Lạc điền” đều chú ý đến việc giải quyết ý
nghĩa của “Lạc điền”, vì vậy có khá nhiều học giả khảo cứu về nội dung cụ thể của
“Lạc điền”; thực hiện phân loại lịch sử nghiên cứu, ngoại trừ bài viết “Biện giải
‘Lạc điền’”, ‘Lạc dân’, ‘Lạc vương’” của Tần Khâm Trĩ (2), còn lại đều trống vắng.
Đóng góp của họ Tần dựa trên việc kiểm tra các tư liệu lịch sử về “Lạc điền”,
giới thiệu quan điểm của các học giả nước ngoài như Việt Nam, Nhật Bản và Pháp,
cho đến nay, các học giả trong nước đã có những thành quả có trọng lượng nhất
trong nghiên cứu về lịch sử học thuật về “Lạc điền”. Tuy nhiên, việc khám phá “Lạc
điền” trong bài viết này chỉ là một phần của toàn bộ bài viết, và không liệt kê
các quan điểm nghiên cứu về Lạc điền của các học giả trong nước, rõ ràng là tác
giả không cố thực hiện công việc hoàn thiện lịch sử nghiên cứu về “Lạc điền”.
Do đó, phân loại và khảo sát việc nghiên cứu về “Lạc điền” vẫn là một đề xuất học
thuật cần được bổ sung.
1. Quan điểm Lạc điền là nông điền
Hiện tại, trong nghiên cứu về “Lạc điền”, quan điểm phổ
biến nhất cho rằng “Lạc điền” là một loại đất nông nghiệp được người Lạc Việt cổ
phát triển và sử dụng, tức là dùng làm cánh đồng nước để trồng lúa. Ví dụ Tần Khâm Trĩ tin rằng: “Cái
gọi là ‘Lạc điền’, nếu nó được nói trước thế kỷ thứ ba trước Công nguyên, sau
đó, chỉ có thể là ‘Lạc dân’ lợi dụng nước sông lên xuống, khi có khi không, mà
xã hội người Lạc tối nguyên thủy mở rộng thành ‘điền’ (田 ruộng)”, nó phải là “một hình
thức nông nghiệp nguyên thủy của xã hội người Việt ở khu vực đồng bằng sông Hồng
thời cổ” (2). Du Tu Linh trong bài “Lịch sử trồng lúa của Trung Quốc” (Báo Nông nghiệp
Trung Quốc, 1995) viết: “Tác giả cho rằng cái tên đồng chim (鳥田 điểu điền) có thể là dịch
ý tiếng Việt sang tiếng Hán, mà Lạc điền
(雒田) là phiên âm tiếng Việt, vì vậy cũng có thể viết Lạc
điền (駱田)” (3). Trong tiếng Việt, 稻 (đạo: lúa gạo) bây giờ
được gọi là “Lúa”, đồng âm với “Lạc”, vì vậy Lạc điền cũng có nghĩa là đạo điền
(稻田) tức cánh đồng lúa vậy. Lâm Úy Văn cho rằng: Một
số người nghĩ rằng “Lạc điền” trong sách “Thủy kinh chú” dẫn “Giao châu
ngoại vực truyện” tức là “Điểu điền”, dường như là
sai (4)… Nhưng từ góc độ âm nghĩa mà xét, “Lạc
điền” (雒田) là âm đọc của tiếng Việt, cũng có thể được viết là Lạc
điền (駱田), mà trong tiếng Việt, lúa gạo (稻 đạo) vẫn được gọi là “Lúa”,
và đồng âm với “Lạc” (雒), do đó, Lạc điền cũng
có nghĩa là cánh đồng lúa. Cốc Nhân
trong bài “Diễn giải mới về ‘Lục lương’”, đăng trong “Quý Châu dân tộc nghiên cứu”
số 1, 1994 lại cho rằng: “Người Việt sống ở khu vực
rộng lớn phía nam sông Dương Tử và là những người đầu tiên tham gia trồng lúa,
lúa phải có tài nguyên nước, vì vậy nó là một đặc điểm nổi bật của tộc này, là
tộc người có nhiều ruộng đồng dồi dào tài nguyên nước, hơn nữa, “Quảng Châu ký”
và “Giao Châu ngoại vực ký” đều viết Lạc điền theo nước triều lên xuống, chẳng
qua cũng chỉ là một số lượng nhỏ các cánh đồng lúa đặc biệt trong đại đa số các
cánh đồng lúa của người Việt mà thôi” (5).
Mặc dù Cốc Nhân có chỉ ra rằng “Lạc điền” là một loại cánh
đồng lúa đặc biệt của người Việt, nhưng lại không diễn giải mở rộng. Và một số
học giả đã khẳng định “Lạc điền” dựa trên cơ sở đất nông nghiệp, thì lại giải
thích cụ thể hơn. Các tuyên bố liên quan, chủ yếu bao gồm:
1. Lạc điền là giá điền (架田,架
= giá, kệ, khung, giàn*). “Giá điền” (6), còn được gọi là “Phong điền” (葑田, 葑
= rau phong, nấm phúng:
mọc từng chùm, rễ quấn lấy nhau*), là một loại cánh
đồng nhờ có cấu trúc giá đỡ nổi trên mặt nước. Phương pháp làm “Giá điền” được
mô tả trong “Nông thư” của Trần Phu triều Nam Tống, “Nông thư” của Vương Trinh
nhà Nguyên, và “Nông chính Toàn thư” của Từ Quang Khải nhà Minh. Bởi vì nó có
thể nổi lên và hạ xuống cùng với sự biến động của thủy vực, nên các thế hệ sau liên
hệ thể loại canh tác này với “Lạc điền” (雒田). Ví dụ, Tôn Quang Long cho
rằng: “Ở trong nước và khu vực Lĩnh Nam kể từ thời nhà Tấn, sử thư của các triều
đại đều đã ghi lại Lạc điền ở các mức độ khác nhau, cũng có thể nói rằng việc canh
tác Lạc điền chưa bị gián đoạn ở Trung Quốc và Lĩnh Nam, từ thời nhà Tần đến
nay, nó đều được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Vào thời cổ đại, Lạc (雒) thông với “Lạc” (駱). Lạc điền (雒田) hoặc Lạc điền (駱田) tức là giá điền (架田), phù điền (浮田), tại lưu vực Trường Giang
còn gọi là phong điền (葑田)…Do thiếu đất canh tác nông
nghiệp trong các vùng quê chằng chịt ao đầm, dân quê sử dụng cọc gỗ làm giá đưa
đất và nước lên kệ để trồng trọt. Khung gỗ nổi trên mặt nước, và mùa màng không
bị ngập trong nước, trước hết, loại giá điền này có thể di chuyển bất cứ lúc nào,
và thứ hai có thể lên xuống theo thủy triều. Trong sách “Nông thư” của mình,
Vương Trinh đã gọi nó là “hoạt điền” (活田hoạt điền) “ruộng sống". Tại Lĩnh Nam, hầu hết
giá điền được xây dựng ở cửa sông. Lĩnh Nam là quê hương của các tộc Bách Việt
(百粵), cũng tức là Bách Việt
(百越) mà ‘người Lạc lại chính
là biệt danh Việt’ vậy”. Do đó, ở Lĩnh Nam, chúng ta gọi giá điền, phong điền là
Lạc điền (雒田) hoặc Lạc điền (駱田). Theo họ Tôn: “Kỹ thuật
nương theo thủy triều lên xuống rất khoa học. Tại nhiều vùng đất ở các cửa
sông, do nước mặn và nhẹ của sông, do nước biển mặn nặng, nước sông nhạt nhẹ,
hai loại đó không hòa hợp với nhau, hình thành hai tầng nước với lớp nước biển ở
dưới, nước sông ở trên (7). Khi thủy
triều dâng lên, nước tầng dưới tầng trên của sông biển
hình thành trạng thái nước hình nêm ở khu vực cửa sông, hình thành các lưỡi nước
ngọt, lưỡi nước ngọt tức là loại nước nhạt nhẹ ở tầng trên có thể được sử dụng
để tưới cho cánh đồng…Việc
canh tác Lạc điền hoặc Giá điền đã không bị gián đoạn ở Trung Quốc, từ thời nhà Tần trở đi, nó đã được truyền từ thế
hệ này sang thế hệ khác.
Giá điền là
một sáng tạo tuyệt vời của người dân Trung Quốc trong sử dụng đất và là thủ đoạn
canh tác biển trọng yếu. Bành Niên
(8) cũng dẫn sách “Nông thư” của Trần Phu, và ủng
hộ mạnh mẽ cho quan điểm coi Giá điền là Lạc điền đã nói: “Tại các vùng cửa
sông đổ ra biển hoặc các vùng mặt nước ven biển, đóng cọt làm giá điền, đưa đất
trên giá là ‘điền khâu’ (田蚯, 蚯蚓 khâu dẫn = giun đất), sau
đó trồng cấy trên thửa “điền khâu” đó”. “Điền khâu” nổi trên mặt nước dâng lên và hạ
xuống mà không chìm”. Đó chính là Lạc điền. Ông cũng đề cập đến việc: “Lạc điền
đem lại lợi ích cho “Lạc nhân” (người Lạc). Lý Hiền (con trai Võ Tắc Thiên*)
chú “Hậu Hán thư – Mã Viện liệt truyện” viết: “Lạc, chính là biệt danh của Việt
vậy”. Nói một cách chính xác, Lạc điền là một hình thức “canh tác biển” tức là
một hình thức nông nghiệp hải dương được người Việt Lĩnh Nam sáng tạo ra trong
thời tiên Tần…“Điểu canh”dùng để chỉ cánh đồng
nơi tộc Điểu Di trồng trọt, nghĩa là “Điểu điền” (Ruộng chim), như tộc Lạc Việt
canh tác “Điền khâu” cũng đều gọi là “Lạc điền” vậy. Và năng lực “tượng canh” chính
là hình thức canh tác “Điểu điền”. Cái gọi là “tượng canh” chính là việc sử dụng
những con voi hoang dã để giẫm làm sục bùn những cánh đồng lầy ven biển, làm
cho đất thuần thục, dễ gieo lúa và vùi cỏ vào đất, biến nó thành phân bón. Đây
là một dạng khác của “hải canh” ở Trung Quốc cổ đại, ngoại trừ “Lạc điền”. Nó
cho thấy ông giống với họ Tôn, đều coi “Lạc điền” là một công việc tiên phong
trong canh tác biển, hoặc canh tác biển chính là nền nông nghiệp hải dương giai
đoạn sớm. Tuy nhiên, một số học giả đã đặt câu hỏi về tuyên bố về “Lạc điền” hoặc
“Giá điền”, chẳng hạn Tăng Hùng Sinh cho rằng: "Tên gọi giá điền được thấy
lần đầu tiên trong "Nông thư" của triều đại Nguyên, trong đó viết:
“Giá điền, giá (架) cũng là bè vậy, còn gọi
là phong điền (葑田).” Đây là một kiểu lợi dụng
mặt nước để thâm canh thực thi công năng
nông điền được phát triển từ triều đại Tống Nguyên trở đi. Tuy nhiên, Lạc điền
tồn tại ở Giao Chỉ từ thời chưa có quận huyện, nghĩa là trước Tần Hán, giới hạn
trên là không rõ về thời gian, theo các ghi chép lịch sử, nền nông nghiệp trước
triều đại Tần và Hán vẫn còn sơ khai, “đốt cỏ làm ruộng” (燒草種田 thiêu thảo chủng điền,
“không biết cày trâu” (不知牛耕 bất tri ngưu canh). Đến
thời Đông Hán, “Thái thú Cửu Chân là Nhâm Diên, bắt đầu dạy dùng cày, phổ biến
cho toàn đất Giao Chỉ, rồi lan đến huyện Tượng Lâm (lập vào thời Tây Hán, thuộc
quận Nhật Nam, huyện Tượng Lâm nay thuộc Quảng Nam, cuối thời Đông Hán bị Lâm Ấp
chiếm cứ, nhà Tùy diệt Lâm Ấp, đổi thành huyện Tượng Phố*), kể từ khi biết cày
đến nay, trong hơn 600 năm, kỹ thuật canh tác dùng lửa và cuốc để diệt cỏ, và hình
luật cũng giống như Trung Quốc. Trước đó, hình thức nông nghiệp ở khu vực Giao
Chỉ, vẫn còn trong giai đoạn nguyên thủy thì việc vận hành kỹ thuật làm nông
cao như giá điền thật là khó mà tưởng tượng được (9). Quan điểm cho rằng “Lạc điền” tức “Giá điền”, xuất hiện từ thời nhà
Thanh. Trương Chú (1776 - 1847) người đời Thanh, khi
biên soạn “Thập tam châu chí”, đã ghi chú về “Bách Việt hữu Lạc điền” như sau:
“Âm Lạc “giá”, tức giá điền, cũng chính là phong điền vậy” (駱音架,即架田,亦即葑田也 Lạc âm giá, tức giá điền, diệc tức phong điền dã) (10). Theo tham luận
“Voi cày chim làm cỏ” (象耕鳥耘 Tượng canh Điểu vân) của
Tăng Hùng Sinh thì: “Quan điểm cho rằng ‘lạc điền tức là giá điền, cũng tức là
phong điền’ của Chương Chú, người thời nhà Thanh, thì người đời sau sử dụng nhiều”.
Tuy nhiên, khi xem xét kỹ thì, tuyên bố của họ Trương không phải là bản gốc, mà
nó chỉ là một tài liệu tham khảo từ một nguồn khác. Chẳng hạn, Vương Sĩ Trinh
(1634-1711), trong sách “Hoàng hoa
kỉ văn”, quyển III có nói: "Xét thấy “Thập
tam châu chí” viết “Lĩnh Nam có Lạc điền”, thì Lạc
(駱) âm là “giá” (架). “Nông thư” của họ
Vương viết: “Giá điền tức là phong điền, lấy gỗ buộc lại thành giá mà làm nên
ruộng, nổi trên mặt nước, lấy rau phong trộn bùn đắp lên giá gỗ thành ruộng. Ruộng
theo con nước lên xuống”. Đó cũng là một
loại, nhưng không phải là bùn trộn rau phong vậy”. Về việc Vương Sĩ Trinh trước
đây có tuyên bố như vậy hay không, vẫn cần phải nghiên cứu thêm.
2. Lạc điền
tức là Điểu điền. Cái gọi là điểu điền “Ruộng chim”
chủ yếu thấy trong sách “Việt tuyệt thư” và “Ngô Việt Xuân Thu”, như “Việt tuyệt
thư - Việt tuyệt ngoại truyện kí địa truyền” (Thượng Hải Cổ tịch Xuất bản
xã năm 1985) viết: Người dân Đại Việt vùng bãi biển,
chỉ làm điểu điền, lớn nhỏ có sai khác, nhưng tiến thoái đều có hàng lối,
tuyệt không lộn xộn. Tại sao lại như vậy?. Đáp: Vũ
khởi lên vậy, lo cho dân mà ngăn nước lại, đến Đại Việt, chèo lên Mao Sơn, dùng
kế sách tụ họp đông người, ban tước cho người có đức, phong thưởng lấy kẻ có
công, đổi tên Mao Sơn thành Hội Kê. Đến khi thịnh trị, tuần thú Đại Việt…bị bệnh
mà mất, táng tại Hội Kê...Ngõ hầu lấy ở làm vui, làm thách, đâu lấy đó làm đền công
dân, dạy dân làm điểu điền, khi suy, lúc thịnh. Vào thời Vũ, Thuấn mất tại Thương
Ngô, voi vì dân mà làm ruộng vậy. Vũ đến đó, là có duyên cớ vậy, là để tu bổ lại
vậy”. Sách “Ngô Việt Xuân Thu - Việt vương Vô Dư ngoại truyện” (Giang Tô
cổ tịch xuất bản xã năm 1999) cũng viết: “Sau khi Vũ mất, mọi điều lành cũng
theo đi, những phẩm hạnh trời ban cho Vũ, cho đến công lao của ông, khiến trăm
loài chim vì dân mà quay về làm ruộng, lớn nhỏ có sai khác, nhưng tiến thoái đều
có hàng lối, khi suy, lúc thịnh, đi đến thường hằng.”
Đó là tư liệu liên quan đến “Điểu điền”
ghi lại. Là vì chữ “Lạc” (雒) có thể thông với “Điểu” (鳥),
hơn nữa “Lạc điền” (雒田) lại có “nước triều lên xuống”, nên “Điểu điền”
tất “lớn nhỏ có sai khác, nhưng tiến thoái đều có
hàng lối, khi suy, lúc thịnh, đi đến thường hằng.”
Mô tả
của hai đều có thể được so sánh và liên kết lại. Do đó, các học giả về sau có
nhiều người giữ quan điểm “Lạc điền” tức là “Điểu điền”. Chẳng hạn Thạch Chung Kiện (11) trong “Bằng chứng Việt và Lạc Việt cùng một cội nguồn”
có viết: “Khu vực Lạc Việt có “Lạc điền” (駱田), từ thứ hai được viết là
“Lạc điền” (雒田), xem “Giao Châu ngoại vực ký”. Về lý do tại sao cuốn
sách này gọi là “Lạc điền” (雒田) thì lại không có lời giải
thích. Tác giả nghi ngờ rằng “Lạc điền” (雒田) của “Giao Châu ngoại vực
ký” là “Điểu điền” (鳥田) của “Việt tuyệt thư”, đó là một
tên gọi khác cho cùng một truyền thuyết…“Giao Châu ngoại vực kí” dùng chữ
“Lạc điền” (雒田), vào thời nhà Hán viết 'Lạc' (駱), 'Lạc' (駱), và 'Lạc' (雒) là hai từ đồng âm, khác
chữ viết...Có thể thấy rằng từ “Lạc
điền” (雒田) bản thân nó đã bao gồm một truyền thuyết về “Điểu điền”
(鳥田). Theo thuyết này, huyền thoại về “Điểu điền” trong “Giao Châu ngoại vực kí” đã không ghi lại được, rồi sau đó kinh sách
hàm ẩn chữ “Lạc” (雒) trong đó. Tăng Hùng Sinh trong tham luận “Voi cày chim làm cỏ”
cho rằng: “Tượng điền, điểu điền là một hình thức
nông nghiệp nguyên thủy, là sản phẩm của một môi trường cụ thể và điều kiện lịch
sử cụ thể…Điểu điền không thể tách rời khỏi môi trường tự nhiên của đầm lầy, mà
các đầm lầy thì lại phân bố dọc theo các con sông gần biển…Thật trùng hợp, ở đồng
bằng cửa sông Châu Giang của Quảng Đông và sông Hồng của Việt Nam, có cùng điều
kiện tự nhiên, trong lịch sử, cũng có sự phân bố các điểu điền, được gọi là Lạc
điền.” Trong một bài viết khác, ông
bổ sung quan điểm này từ quan điểm ngôn ngữ: Trong một thông tin cá nhân với
tác giả, Giáo sư Du Tu Linh viết: “Tiếng Việt hiện đại gọi đạo (稻,
thóc gạo)
là “Lúa”, âm thanh nghe giống tựa “lạc” (雒 ký âm [luò]), người Việt
cổ xưa trồng lúa trên các đầm lầy, lợi dụng phân của các loài chim di cư, nên gọi
loại ruộng này là Lạc điền (雒田), người Hán dịch nghĩa của
nó, viết là điểu điền (鳥田), ở phương nam, người
Hán ít, người Việt nhiều, người Hán đã tiện dịch âm của nó mà viết “Lạc điền” (雒田)
hoặc “Lạc
điền” (駱田), và “Lạc điền” (駱田) thuần túy là dịch âm, “Lạc điền” (雒田)
là một
cách dịch cả âm thanh và ý nghĩa, là phương pháp mà người Hán sử dụng.” Trong
“Bàn lại về voi cày chim làm cỏ” (12), Du Tu Linh đã diễn giải cụ thể hơn về
quan điểm “Điểu điền” tức “Lạc điền”,
ông viết: “Điểu điền còn được gọi là Lạc điền (雒田) âm lạc (駱) cũng viết là Lạc điền (駱田). Lạc [(雒 gồm
có 各 (các) + 隹 (chuy)] là chữ hình thanh, trong đó “các” (各) là
thanh phù, “chuy” (隹) là
tượng hình. Căn cứ vào đoạn chú “Thuyết văn giải tự” thì chim đuôi ngắn gọi là chuy
(隹), chim đuôi dài gọi là điểu
(鳥). Chẳng hạn xem xét loài
chim nhạn (雁 là loài hậu điểu – di cư,
đuôi ngắn, vì chữ nhạn 雁được tạo thành với chữ “chuy”
隹), thì gọi “Lạc điền” (雒田) sẽ phù hợp hơn, vì “Lạc”
(駱 đuôi dài được tạo thành với chữ “điểu” 鳥) chỉ là hình thanh, không thể hội nghĩa. Điểu điền được
Vương Sung [3] ghi lại là ở sông Tiền Đường, đồng bằng ven biển của sông Sơn Âm
và sông Thượng Ngu. Lạc điền tất phân bố tại Giao Chỉ, Giao Chỉ thời nhà Hán
bao gồm sông Tây Giang và lưu vực sông Hồng… Có những Điểu điền hoặc Lạc
điền ở đồng bằng sông Tiền Đường, đồng bằng sông Châu Giang và đồng bằng sông Hồng,
bởi vì đồng bằng cửa sông bị ảnh hưởng bởi thủy triều, hình thành nhiều đầm lầy
tích nước, trên cơ sở này, việc sản xuất các Điểu điền hoặc Lạc điền được xác định
bởi các điều kiện tự nhiên. Tác giả cho rằng cái tên Điểu điền có thể là người
Hán dịch ý Lạc điền (雒田) tiếng Việt, mà Lạc điền
tất là phiên âm tiếng Việt, vì vậy ta cũng có thể viết Lạc điền (駱田). Trong tiếng Việt Nam hiện nay, lúa gạo (稻 đạo) được gọi là Lúa, và
nó giống như âm Lạc (雒), vì vậy Lạc điền (雒田) tất cũng có nghĩa là Đạo điền (稻田) cánh đồng lúa” (Xem
sách đã dẫn của tác giả). Phùng Quảng
Hoành cũng cho rằng: “Ngô Việt Xuân Thu”, “Việt
tuyệt thư” đã đề cập đến việc có những điểu điền ở khu vực ven biển, lớn nhỏ có
sai khác, nhưng tiến thoái có hàng lối, khi suy, lúc thịnh, đi đến thường hằng,
người ta nói rằng đó là công đức của Đại Vũ để lại cho dân Việt vậy. Lũ tôm tép
cua ốc bị bỏ lại trên những cánh đồng ngập nước triều, lũ chim đến tìm thức ăn,
đồng thời giẫm nhuyễn bùn đất, phân chim
tích lại và trở thành đất nông nghiệp màu mỡ, do đó mới có điểu điền, đồng
nghĩa với Lạc điền (雒 田)" (13). Ngoài ra, một số học giả tin rằng có một
sự khác biệt đáng kể giữa “Lạc điền”
và “Điểu điền”. Chẳng hạn, Lưu Phó Tĩnh cho
rằng Điểu điền có ở bờ biển phía đông nam của Câu
Ngô, Ư Việt; còn Lạc điền thì có ở Giao Chỉ, Nam Việt (14). Nếu như “Điểu điền”
là lúa nước và ruộng nước, vậy thì “Lạc điền” là gì? Tác giả cho rằng hai loại
ruộng đó là khác biệt: Do vị trí địa lý không giống nhau, nên Điểu điền ở phía
đông của bờ biển Đại Việt chỉ là những cánh đồng lúa thông thường, còn Lạc điền
phương nam của “Giao Châu ngoại vực ký” tất là để chỉ cánh đồng sâu nơi giành để trồng lúa nổi”. Lâm
Úy Văn còn cho rằng “Lạc điền” và “Điểu điền” về cơ bản là không giống nhau. Bài
viết “Sản xuất
nông nghiệp của dân tộc Bách Việt” của cô cho biết: “Một phần người Việt trong
canh tác nông nghiệp cổ đại tại các khu vực ven biển phía đông nam, cho đến nay vẫn tồn tại hiện
tượng ngoại lệ của “Ruộng chim” (鳥田 Điểu điền), “Ruộng voi” (象田 Tượng điền), “Ruộng nai”
(麋田 Mi điền), một số người thậm
chí coi “Tam điền” này có liên quan đến chế độ ruộng đất của người Việt, trong
thực tế, đây là một sự hiểu lầm lớn.” Cô cho rằng “Điểu điền” là một biểu
hiện của uế vật của những con ngỗng trời là loại chim di cư từ phương nam tới ăn
cỏ và rễ cây thải ra, đó là một “phương pháp canh tác” đặc biệt được người Việt
cổ đại tận dụng những loài chim có ích để làm ruộng; và “Lạc điền” chính là phương
thức canh tác thủy nậu (水耨 dùng nước làm thối cỏ để
vừa diệt cỏ, vừa làm tăng độ phì của đất*) đặc biệt của người Việt ở Lĩnh Nam
(15).
3.
Lạc điền là cánh đồng lúa sâu nơi trồng lúa nổi. Lưu Phó Tĩnh tin rằng: Lạc
điền ở khu vực phía
nam Giao Châu chính là những tràn ruộng sâu để trồng lúa nổi. “Giao Châu còn được gọi là Giao Chỉ, phiếm chỉ phía
nam Ngũ Lĩnh, Hán Vũ đế nhà Tây Hán đã thành lập Thứ sử bộ Giao Chỉ, bao gồm hầu
hết hai tỉnh (vùng) Quảng Đông, Quảng Tây, và các vùng phía bắc và trung bộ Việt
Nam, bên ngoài khu vực Giao Châu chính là nói đến khu vực Đông Nam Á ngày nay vậy.”
Và trích dẫn “Lịch sử nông nghiệp Trung Quốc” của Ngô Tồn Hạo, nói: “Ngày nay,
lúa nước và lúa nổi vẫn được trồng ở Thái Lan và Miến Điện thuộc Đông Nam Á.
Lúa nổi được trồng trong điều kiện nước sâu, sử dụng hình thức gieo hạt, khi
mùa mưa đến, những cánh đồng lúa đầy nước, mực nước dâng cao và thân cây lúa
dài dần. Từ tháng 8 đến tháng 10, độ sâu của nước có thể tăng thêm 8-10 cm mỗi
ngày và lúa nổi có thể tăng lên 30 cm mỗi ngày; trong trường hợp mưa lớn, lũ lụt
và nước chảy xiết, rễ lúa nổi sẽ rời khỏi đất và lá phía trên sẽ nổi trên mặt
nước, toàn bộ cây lúa sẽ nổi với nước, hấp thụ các chất dinh dưỡng trong nước
và tiếp tục phát triển, sau khi nước rút, rễ bị chìm xuống bùn; từ tháng 12 đến
tháng 1 năm sau, lũ rút hết, lúc ấy lúa nổi đã chín và có thể thu hoạch được (16).
Do đó, cô kết luận: “Giao Châu ngoại vực
kí” nói rằng Lạc điền “theo nước triều lên xuống” chính
là mô hình sinh trưởng đặc biệt của lúa nổi. Và nó cũng được xác nhận bằng ví dụ
sau: “Theo ghi chép của “Giao Châu ngoại vực kí”, tộc Việt của người Giao Chỉ cổ đại thường trồng lúa nổi,
tại Giao Chỉ, vẫn còn nhiều vùng nước sâu gần nguồn nước ở vùng Quảng Đông, Quảng
Tây, người ta gieo hạt xuống nước, khi có những cơn mưa, lũ lụt và nước chảy xiết
xảy ra vào mùa hè, nước trên các cánh đồng tăng mạnh và thân cây lúa mọc lên
nhanh chóng, chúng lớn nhanh hơn lúa thường và thành loại lúa nổi trên mặt nước.
Quê hương của tác giả là Giao Chỉ cổ đại vốn thuộc vùng ven biển Nam Việt, ở
thành phố Trạm Giang, tỉnh Quảng Đông, các trường tiểu học và trung học thường
tổ chức cho học sinh về nông thôn để học nông dân, mỗi lần thu hoạch loại lúa
thân dài trên các cánh đồng nước sâu, lũ học trò sợ nhất là bắt gặp châu chấu
và rắn trong nước. Người viết những dòng này tin rằng tác giả của “Giao
Châu ngoại vực kí” rất quen thuộc với phong tục địa
phương và đã được thấy loại lúa nổi mà người dân địa phương vẫn đang trồng, vì
vậy ông mới có thể mô tả chính xác hình thái sinh trưởng đặc biệt của loại lúa
nổi “theo nước triều lên xuống.” (Xem sách dẫn của tác giả ở trên). Sự giải thích của Lưu Phó Tĩnh về “Lạc
điền” với sự trợ giúp của các tài liệu dân tộc học và kinh nghiệm sống của
chính ông, và ở một mức độ nhất định cũng đã được Ngô Thiên Minh khẳng định
(17). Họ Lưu nói về lúa
nổi của khu vực Đông Nam Á, người thời Nguyên Chu Đạt Quan (周達觀) cũng đã từng viết về nó trong tác phẩm “Chân Lạp phong thổ kí” (真臘風土記) quyển 17 “Canh chủng”, Điều mục hạ, ghi
lại sản xuất nông nghiệp và các giống lúa nổi địa phương ven bờ Biển Hồ (nay là
hồ Tonle Sap ở Campuchia): “Đại để, trong một năm có thể thu hoạch ba bốn lần.
Như thường lệ, bốn lần vào tháng Năm, tháng Sáu, cũng không hề có sương giá và
tuyết. Vùng đất này nửa năm có mưa, nửa năm tuyệt không hề mưa. Từ tháng Tư đến
tháng Chín, ngày nào cũng có mưa, vào buổi chiều, sau giờ ngọ. Nước ở Biển Hồ dâng
cao tới 7 – 8 trượng (1 trượng = 3,33m*), ngập vút cả cây lớn, chỉ chừa lại phần
ngọn vậy. Những người cư trú ven hồ, sau đó đều phải chuyển vào núi. Từ
tháng Mười đến tháng Ba năm sau, không hề có lấy một hạt mưa. Ở giữa Biển Hồ, chỉ có thể sử dụng những chiếc thuyền nhỏ.
Độ sâu chỉ có ba hoặc năm xích (1 xích = 0,33 cm), mọi
người lại phải chuyển xuống thấp hơn,
việc canh tác chỉ bắt đầu khi lúa chín, đó là lúc nước chảy mạnh, tùy vào đất
mà gieo hạt. Canh tác không dùng sức kéo súc vật, các dụng cụ cày, cuốc, liềm,
mặc dù hơi giống, nhưng cách làm ra thời lại khác nhau. Lại có loại ruộng
hoang, không loài cây nào sinh trưởng được, nước ngập đến một trượng (3,3m), mà
cây lúa thì cũng đã cao, tựa như một biệt loại vậy” (18), vào thời điểm đó, người Chân Lạp bên bờ Biển Hồ, hàng năm
di chuyển lên xuống theo sự biến động của nước hồ, và với điều kiện thuận lợi của
sự biến động của nước hồ, người ta sử dụng các công cụ nông nghiệp tương đối
đơn giản cho sản xuất nông nghiệp truyền thống. Đối với loại lúa ruộng
hoang, được viết trong cuốn sách “Bất chủng trường sinh” (Không loài nào sống
mãi), Hạ Nãi [4] tiên sinh đã trích dẫn nghiên cứu của các học giả chú thích
như sau: “Biệt loại” lúa nước. Nay thấy: Họ Bá (伯氏) ghi chú: “Xét lúa nước
của vùng đất ấy, như đã nêu trong ghi chú, mặc dù nước dâng cao, đầu cây lúa vẫn
thường trên mặt nước.” Lại xét: Trần
Chính Tường [5] nói: “Đây là nói về lúa nổi, còn
được gọi là Oryza sativa, được trồng ở
những nơi luôn bị lũ lụt, thường đạt tới mức nước sâu hai mét, đôi khi lên đến
bốn, năm mét. Mùa trồng lúa nổi là giữa tháng Năm và tháng Một. Trong thời kỳ lũ lụt, cây lúa nổi có thể phát triển tới 20 cm trong một
ngày, do đó, đầu luôn có thể chạm tới mặt nước, thân vươn cao đến năm mét.
Nhưng nếu lũ quá nhanh và lúa nổi không thể thích nghi thì dễ bị chết úng. Sản lượng tính theo diện tích lúa nổi không thấp, nhưng chất lượng kém.
Họ Trần cũng cho rằng nguyên văn ghi “Bất chủng thường sinh” (不種常生 Không gieo trồng mà vẫn
sinh ra) là viết sai của “Không gieo trồng lúa thường” (不種常禾 Bất chủng thường hòa). Bản
sửa đổi này khá hợp lý, nhưng nó có thể không sai. Lúa nổi được gieo trực tiếp, trong khi các loài lúa
khác phải dùng phương pháp chọn lựa mạ giống để cấy lúa. Có thể thấy rằng đó là
một giống lúa nổi tương tự như loại lúa nước mà Ngô Tồn Hạo và Lưu Phó Tĩnh đã
nói.
_______________________________________
Nguồn: 王柏中.“雒田”問題研究考索.中國史研究動態, 2012 (3). vương bách trung. “lạc điền” vấn đề nghiên cứu khảo
tác. trung quốc sử nghiên cứu động thái, 2012.
Người dịch: Hà
Hữu Nga
Tác giả: Vương
Bách Trung (王柏中 1966 - ), Giáo sư, Đại học Dân tộc học và
Xã hội học, Đại học Quốc gia Quảng Tây; tiến sỹ 2004, Đại học Cát Lâm, Lịch sử Trung Quốc cổ đại. Có nhiều
công trình nghiên cứu về lịch sử, dân tộc, văn hóa dân gian và du lịch Việt
Nam. Bài “Lạc điền nghiên cứu khảo tác” được công bố trong “Nghiên cứu động
thái lịch sử Trung Quốc”. [(王柏中.“雒田”問題研究考索[J].中國史研究動態,2012(3).vương bách trung. “lạc điền” vấn đề nghiên cứu khảo
tác [J]. trung quốc sử nghiên cứu động thái, 2012].
Chú thích của người dịch:
[1] Tư Mã Trinh (司馬貞 679 - 732), tự Tử Chính,
người thời Đường, quê Hà Nội, nay là Thẩm Dương, năm Khai Nguyên Trung Quan,
làm đến chức Triêu tán đại phu, Hoành văn quán học sỹ, chủ quản việc biên soạn
và khởi thảo chiếu lệnh của Hoàng đế. Ông là sử gia đại trứ danh, viết “Sử ký
tác ẩn” 30 quyển, người đời gọi ông là “Tiểu Tư Mã”. Tư Mã Trinh lấy các chú giải cũ của “Sử ký” thất tán
đã lâu năm, rồi mới chọn nhặt từ “Sử ký âm nghĩa” của Từ Quảng nhà Tống Nam Triều,
“Sử kí tập giải” của Bùi Nhân, “Sử kí tập chú” của Trâu Đản Sinh nhà Tề, “Sử ký
âm nghĩa” của Lưu Bá Trang nhà Đường, “Sử ký địa danh” nhiều nhà chú giải, tham
khảo các trứ tác của Vi Chiêu, Cổ Quỳ, Đỗ Dự, Tiếu Chu, v.v., rồi xem lại các trứ tác của chính mình và đã viết được một
kiệt tác lịch sử có ảnh hưởng lớn đến hậu thế là “Sử ký Tác ẩn”, cuốn sách mang âm nghĩa có sức nặng, và các ghi chú chứa
đựng nhiều thông tin trung thực, bổ chính cho nhiều thiếu khuyết, có giá trị
nghiên cứu lịch sử rất cao và cùng với “Sử ký tập giải” của Bùi Nhân nhà
Tống Nam triều, “Sử ký chính nghĩa” của Trương Thủ Tiết nhà Đường hợp thành “Sử ký tam gia chú”. Các nhà sử học đời sau ca ngợi cuốn sách là giá trị còn
hơn cả hai cuốn của họ Bùi và họ Trương (價值在裴,張兩家之上) Giá trị tại Bùi, Trương lưỡng gia chi thượng).
[2] Dương Thủ Kính (楊守敬 1839 – 1915) người thị
trấn Lục Thành, thành phố Nghi Đô, tỉnh Hồ Bắc. Là một nhà địa lý học lịch sử
xuất sắc, một nhà kim thạch văn tự học, một nhà thư mục học, một nhà thư pháp,
một nhà tiền tệ học, và một nhà sưu tập sách vào cuối triều đại nhà Thanh và
Trung Hoa Dân Quốc. Ông đã viết tới 83 loại chủ đề thư sách và được coi là “Đệ
nhất học giả thời cuối Thanh, đầu Trung Hoa Dân quốc”. Kiệt tác “Thủy kinh chú
sớ” của ông là một tượng đài trong nghiên cứu về Lịch Đạo Nguyên.
[3] Vương Sung (王充
27 SCN - khoảng 97 SCN), nhà triết học duy vật thời Đông Hán, người Thượng
Ngu, Hội Kê, nay là Thiệu Hưng, Chiết Giang. Học Thái học với thầy Ban Bưu.
Vương Sung lấy tự nhiên vô vi của Đạo gia làm tôn chỉ, coi “Thiên” là phạm trù
cao nhất của khái niệm Đạo giáo. Lấy “Khí” làm phạm trù cốt lõi, do nguyên khí,
tinh khí, hòa khí tạo thành một mô thức vũ trụ sinh thành, và thiên nhân cảm ứng
luận hình thành thế đối lập. Ông chủ trương sống chết tự nhiên, thúc đẩy chôn cất
đơn bạc và nổi loạn chống lại Nho giáo. Mặc dù tư tưởng của Vương Sung thuộc về
trường phái Đạo gia, nhưng nó hoàn toàn khác với tư tưởng của Lão Trang thời tiên
Tần.
[5] Trần Chính Tường (陳正祥 1922 - 2003), quê làng Tứ Bản Kiều, thị trấn Tương Dương, thành phố Lạc Thanh. Ông tốt nghiệp khoa Địa lý của trường Khoa học, Đại học Quốc gia Trung ương năm 1942, và sau đó ở lại làm giáo viên. Sau chiến tranh chống Nhật năm 1945, ông vào học tại Đại học Sydney, Úc và sau đó đến Vương quốc Anh, Nhật Bản, Tây Đức và các nước khác để tiếp tục học. Ông nhận bằng tiến sĩ về địa lý của Đại học Quốc gia Tokyo, của Vương quốc Anh và Tây Đức. Ông là một nhà địa lý học nổi tiếng quốc tế và được cựu chủ tịch của Hiệp hội Địa lý Quốc tế gọi là "Alexander von Humboldt của phương Đông".
Tài liệu tham khảo
(1) 于向东、刘俊涛:《“雄王”、“雒王”称谓之辩管见》,《东南亚研究》2009 年第5期。vu hướng đông, lưu tuấn đào: “hùng vương”, “lạc vương”
xưng vị chi biện quản kiến”, “đông nam á nghiên cứu” 2009 niên đệ 5
kì.
(2)秦钦峙《“雒田”,“雒民”,“雒王”析》(《东南亚》1984年第3期。Tần Khâm Trĩ, “‘Lạc điền’,
‘Lạc dân’, ‘Lạc vương’ tích” (Đông Nam Á, số 3, 1984)
(3)遊修齡《中國稻作史》,中國農業出版社1995年。Du Tu Linh “Trung Quốc đạo tác sử” (Trung Quốc nông
nghiệp xuất bản xã 1995 niên)
(4) 林蔚文《百越民族的農業生產(續)》《農業考古》2004年第1期。Lâm Úy Văn “Bách Việt dân tộc đích nông nghiệp sinh sản
(tục)”, “Nông nghiệp khảo cổ” 2004 niên đệ 1 kì.
(5) 谷因《“陸梁”新解》《貴州民族研究》1994年第1期。Cốc Nhân [“Lục lương” tân giải”] “Quý Châu dân tộc nghiên
cứu” 1994 niên đệ 1 kì.
(6) 孫關龍《嶺南,中國和世界海洋農業文化的源地》,《學術研究》1999
年第3期。Tôn Quan Long, “Lĩnh Nam, Trung
Quốc hòa thế giới hải dương nông nghiệp văn hóa đích nguyên địa”, “Học thuật
nghiên cứu” 1999 niên đệ 3 kì.
(7)孫關龍、孫永:《古代海耕與今日海洋農牧化》,《固原師專學報》2002年第5期。Tôn Quan Long, Tôn Vĩnh: “Cổ đại hải canh dữ kim nhật hải
dương nông mục hóa”, “Cố nguyên sư chuyên học báo” 2002 niên đệ 5 kì.
(8) 彭年《遠古秦漢海洋漁農文化史事拾摭》《廣東教育學院學報》2002年第4期。
Bành Niên “Viễn cổ Tần
Hán hải dương ngư nông văn hóa sử sự thập chích”, “Quảng Đông giáo dục học viện
học báo” 2002 niên đệ 4 kì.
(9)曾雄生《“象耕鳥耘”探論》,《自然科學史研究》1990年第1期。Tăng Hùng Sinh “Tượng canh điểu vân” tham luận”, “Tự nhiên
khoa học sử nghiên cứu” 1990 niên đệ1 kì.
(10) 張澍, 輯闞駟《十三州志》,“百粵有駱田”,
清道光元年《張氏叢書三十六種》刊本。Trương Chú (1776
– 1847) tập khám tứ “Thập tam châu chí”, Thanh đạo quang nguyên niên “Trương thị
tùng thư tam thập lục chủng” khan bản.
(11) 石鐘鍵《試證越與駱越出自同源》《百越民族史論集》,中國社會科學出版社1982年。Thạch Chung Kiện “Thí chứng việt dữ lạc việt xuất tự đồng
nguyên” (“Bách Việt dân tộc sử luận tập”, Trung Quốc Xã hội Khoa học xuất bản
xã 1982 niên).
(12) 遊修齡《“象耕鳥耘”再論》,《中國農史》1992年第1期。Du Tu
Linh (“Tượng
canh điểu vân” tái luận”, “Trung Quốc nông sử” 1992 niên đệ 1 kì).
(13) 馮廣宏《考古揭示蜀人三源說》,《阿壩師範高等專科學校學報》2005年第3期。Phùng Quảng Hoành, Khảo cổ yết kì thục nhân tam nguyên
thuyết”, “A bá sư phạm cao đẳng chuyên khoa học giáo học báo” 2005 niên đệ 3 kì.
(14) 劉付靖《百越民族的水稻、浮稻與“鳥田”傳說新解》,《民族研究》2003年第1
期。Lưu Phó Tĩnh “Bách Việt dân tộc đích thủy đạo, phù đạo
dữ “điểu điền” truyền thuyết tân giải”,
“Dân tộc nghiên cứu” 2003 niên đệ 1 kì.
(15) 林蔚文,《百越民族的農業生產(續)》Lâm
Uý Văn “Bách Việt dân tộc đích
nông nghiệp sinh sản (tục)”.
(16) 吳存浩,《中國農業史》,警官教育出版社1996年。Ngô Tồn Hạo “Trung Quốc nông nghiệp sử”, Cảnh quan Giáo
dục Xuất bản xã 1996 niên.
(17) 吳天明,(《“鳥田”新證兼考“人田”、“糜田”、“象田”》,《浙江社會科學》2003年第6期)。Ngô Thiên Minh, “Điểu điền” tân chứng kiêm khảo “nhân điền”, “Mi điền”, “Tượng điền”, “Chiết Giang Xã hội Khoa học” 2003 niên đệ 6 kì.
(17) 吳天明,(《“鳥田”新證兼考“人田”、“糜田”、“象田”》,《浙江社會科學》2003年第6期)。Ngô Thiên Minh, “Điểu điền” tân chứng kiêm khảo “nhân điền”, “Mi điền”, “Tượng điền”, “Chiết Giang Xã hội Khoa học” 2003 niên đệ 6 kì.
(18) 夏鼐:《(真臘風土記)校注》,中華書局1981年
Hạ Nãi “Chân Lạp phong thổ kí giáo
chú”, Trung Hoa thư cục 1981 niên.
* Những chỗ có đánh dấu (*) cũng là ghi chú của người dịch.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét