TS.
Lý Khánh Tân
Tóm tắt: Dưới thời nhà Minh và
nhà Thanh, vì các lý do chính trị và kinh tế, một số lượng lớn người dân ven biển
đã rời bỏ quê hương ra nước ngoài sinh sống. Năm 1671, một người Hải Khang ở
Lôi Châu, tỉnh Quảng Đông, là Mạc Cửu “Vì không thể chịu nổi sự nhiễu loạn vì rợ
Hồ xâm nhập”, đã vận động gia tộc vượt qua Hải Nam đến nương nhờ nước Chân Lạp
làm khách”. Tại đất Hà Tiên của Chân Lạp, Mạc Cửu đã dốc sức phát triển thế lực,
xây dựng thị trấn, làng mạc, và đưa Hà Tiên thành một vùng dân cư đông đúc,
“Hoa di chung sống”, một hải cảng phồn vinh, mang tính quốc tế, mà thời đó gọi
là “Cảng khẩu quốc”; sau theo về Quảng Nam (đúng ra phải là Thuận Hóa*) xin làm
thần thuộc. Sau khi Mạc Cửu qua đời, con ông là Mạc Thiên Tứ đã coi trọng phát
triển kinh tế và tích cực mở rộng giao thương với Trung Quốc, Bán đảo Malaysia
và quần đảo Indonesia, biến Hà Tiên thành một hải cảng thịnh vượng ở Đông Nam
Á, được gọi là “Quảng Châu nhỏ”, đóng góp quan trọng cho sự phát triển và tiến
bộ xã hội của Nam Việt Nam. Trong những năm gần đây, tác giả đã đến Hà Tiên của
Việt Nam và Lôi Châu, Quảng Đông, để điều tra về lịch sử của gia tộc Mạc, và
tìm thấy một số tư liệu văn bia và tộc phả mới trong ngôi đền thờ tổ tiên họ Mạc
ở Hà Tiên và nghĩa trang của gia tộc ở thôn Đông Lĩnh, Lôi Châu, có giá trị sử liệu
rất cao. Kết hợp các kết quả nghiên cứu và các tài liệu liên quan của các bậc
tiền nhân về sự khởi phát của gia tộc họ Mạc, Mạc Cửu di cư về phương nam, cha
con họ Mạc và sự hưng suy của chính quyền Hà Tiên, tác giả tiếp tục khám phá và
suy ngẫm thêm nhằm phát triển học thuật ở trình độ cao.
Vào thế kỷ 17, Trung Quốc
đang trong quá trình động loạn thay đổi triều đại, một số lượng lớn dân chúng
không hài lòng với sự thống trị của triều đại nhà Thanh đã di cư ra nước ngoài,
tới Triều Tiên và Nhật Bản ở Đông Bắc Á, đến An Nam, Campuchia, Xiêm La, bán đảo
Malaysia, cho đến tận các quần đảo Indonesia và Philippines ở Đông Nam Á, còn
có cả những người Hoa lưu vong thân ảnh. Trong thế kỷ 17, di dân mang tính chính
trị đã trở thành một đặc trưng quan trọng của dòng lưu dân người Hoa hướng ra
nước ngoài. Năm 1671 (Khang Hy năm thứ 10), Mạc Cửu, người Hải Khang, Lôi Châu,
Quảng Đông đã di cư đến Chân Lạp, tại Hà Tiên ông bắt đầu thành lập một chính
quyền rất có ảnh hưởng, lấy người Hoa làm chủ thể, có quân đội riêng, quan chức
tự trị, tự chủ ngoại giao, cho đến độc lập tự chủ cả kinh tế; ngoài ra, ông còn
theo làm phiên thần cho Chúa Nguyễn của Việt Nam, trở thành thành viên của “hệ
thống triều cống” của Nhà Chúa. Mạc Thiên Tứ con trai ông kế vị, lấy chế độ và
văn hóa của nhà Minh làm mẫu mực, xây Khổng miếu, lập Nghĩa học (học không mất
tiền*), dạy thi thư, tương dung văn hóa các dân tộc địa phương với văn hóa
tôn giáo Châu Âu,
bắt tay khởi dựng một thứ văn chất tốt đẹp, có sắc thái “y
quan văn vật chi bang” (nước có lễ nghi phép tắc) đậm chất Trung Hoa bên bờ đại dương, và trong các mối quan hệ
quân sự và ngoại giao xung quanh cục diện chính trị quốc tế của bán đảo Đông
Dương, có tác động quan trọng đến sự phát triển của lịch sử các quốc gia như Việt
Nam và Campuchia.
Liên quan đến họ Mạc và chính quyền Hà Tiên, sách “Gia
Định thành thông chí” của nhà cổ tịch học Việt Nam Trịnh Hoài Đức, và “Hà
Tiên trấn diệp trấn Mạc thị gia phả” của Vũ Thế Doanh đều có ghi chép, ngoài ra
sách “Đại Nam thực lục”, “Đại Nam nhất thống chí” thời Tự Đức, “Phủ biên tạp lục” của Lê
Quý Đôn, cho đến “Thanh thực lục”, “Thanh triều văn hiến thông khảo” của nhà
Thanh đều rải rác ghi chép.
Từ những năm 1950 trở đi, các học giả người Pháp E.
Gaspardone, Maybon, học giả người Canada William E. Willmott và học giả người
Nhật Fujiwara
Riichiro
đều có những thảo luận hữu ích về các đóng góp và quan hệ đối ngoại của chính
quyền Hà Tiên. Vào cuối những năm 1950 và đầu những năm 1960, chuyên gia lịch sử
Trung Quốc nổi tiếng ở nước ngoài Trần Kinh Hòa giảng dạy tại Đại học Huế ở Việt
Nam, đã thu thập một số tư liệu và tài liệu khảo cổ học có giá trị, tổ chức
nghiên cứu một cách có hệ thống cây gia phả và dòng dõi họ Mạc. Từ sau thập
niên 1970, học giả người Đài Loan Trịnh Thụy Minh và những người khác đã công bố
nhiều kết quả nghiên cứu có giá trị. (1) Vào năm 1996, Nhà xuất bản Sách cổ
Trung Châu của Đại học Trịnh Châu đã xuất bản các thư sách “Gia
Định thành thông chí”, và “Hà Tiên trấn diệp trấn Mạc thị gia phả” và giới thiệu các thư tịch
chữ Hán quý báu của Việt Nam cho người Trung Quốc, khiến cho việc nghiên cứu
chính quyền họ Mạc trở nên thuận lợi hơn nhiều.
Trong những năm gần đây,
tác giả đã đến Hà Tiên của Việt Nam và Lôi Châu, Quảng Đông, để điều tra về lịch
sử của gia tộc Mạc, và tìm thấy một số tư liệu văn bia và tộc phả mới trong
ngôi đền thờ tổ tiên họ Mạc ở Hà Tiên và nghĩa trang của gia tộc ở thôn Đông
Lĩnh, Lôi Châu, có giá trị sử liệu rất cao. Kết hợp các kết quả nghiên cứu và
các tài liệu liên quan của các bậc tiền nhân về sự khởi phát của gia tộc họ Mạc,
Mạc Cửu di cư về phương nam, cha con họ Mạc và sự hưng suy của chính quyền Hà
Tiên, tác giả tiếp tục khám phá và suy ngẫm thêm nhằm phát triển học thuật ở
trình độ cao.
1. Vọng tộc của bán đảo – Họ Mạc hưng
khởi
1.1. Họ Mạc thiên di đến Lôi Châu
Lôi Châu nằm ở bán đảo
Lôi Châu, phía tây Quảng Đông, tương liên với Đại lục ở phía bắc, và biển ở
phía đông và phía tây, đối diện với Hải Nam về phía biển. Theo bán đảo Lôi
Châu, giữa đảo Hải Nam và Việt Nam ở phía tây là vịnh Bắc Bộ, còn được gọi là Vịnh
Đông Kinh, có diện tích khoảng 130.000 km2. Khu vực này có nhiều cảng dọc theo
bờ biển và các đảo nhiều tựa sao giăng cờ bày (tinh la kỳ bố), trên con đường
huyết mạch giao thông hàng hải giữa Nam Trung Quốc và Đông Nam Á, trong lịch sử,
đây là một khu vực biển quốc tế có sự trao đổi thường xuyên liên tục, cấu thành
một hệ thống thương mại hàng hải tương liên mật thiết với Vịnh Bắc Bộ. Theo ghi
chép của các sử sách Trung Quốc, từ Lôi Châu về phía tây “thông với quốc gia
chư hầu An Nam, về phía đông “lênh đênh trên biển nối Ân Châu, Hoài Chiết (Hà
Nam, An Huy, Giang Tô, Chiết Giang*), Phúc Kiến v.v., do đó, nó thường được các
thương nhân từ Phúc Kiến, Chiết Giang và Quảng Đông ghé thăm. (2) Điển tịch nhà
Đường “Nguyên Hòa quận huyện đồ chí” cho biết: “Từ Văn, vốn huyện cũ thời Hán vậy,
cũng thuộc quận Hợp Phố... Thời Hán đã thiết lập xung quanh huyện Hầu Quan, cách
huyện 7 dặm về phía nam, tích trữ hàng hóa ở đây, chuẩn bị theo nhu cầu, nên giao
dịch rất có lợi, vì vậy ngạn ngữ cổ mới nói: Tham vọng thắng bần hàn, giỏi giang
rồi sẽ vang danh (Dục bạt bần, nghệ
từ văn) (3). Vào những năm 1940, nhà Đông phương học
nổi tiếng người Pháp Georges Coedès đã chỉ ra rằng từ khi có sử đến nay, từ bán
đảo Mã Lai mở ra đến các đảo xung quanh, hình thành một hàng rào tự nhiên bởi Biển
Trung Quốc, Vịnh Xiêm La và Biển Java, vì vậy một số học giả gọi vùng biển vịnh
Bắc Bộ là “Tiểu Địa Trung Hải” (4).
Trong thời Tần, Lôi Châu trực
thuộc Tượng Quận. Nam Triều, thời Lương Vũ đế tách Hợp Phố, đặt thành Hợp Châu,
năm Đại Nghiệp thứ hai nhà Tùy bỏ Hợp Châu, lấy huyện Hải Khang phụ thuộc vào Hợp
Quận. Đường Vũ Đức năm thứ tư, gộp
nam Hợp Châu, quản bốn huyện Hải Khang, Tùy Khang
(sau đổi thành Toại Khê), Thiết Ba, và Châm Xuyên. Năm Trinh Quán thứ tám đổi
đông Hợp Châu thành Lôi Châu, Thiên Bảo nguyên niên đổi thành quận Hải Khang,
Can Nguyên nguyên niên gộp vào Lôi Châu. Các triều đại nhà Tống và Nguyên vẫn
theo như vậy. Vào thời nhà Minh, Lôi Châu quản ba huyện Hải Khang, Toại Khê, và
Từ Văn, Hải Khang được gộp vào Quách Huyện và lập thành hai “sương” (vùng, bên),
bao gồm “ngung” (góc, cạnh) đông bắc và “ngung” tây nam. Có hai hương, trong đó
hương Diên Đức quản 5 đô: Nhất, Nhị, Tứ, Ngũ, và Lục; hương Diên Hòa cũng quản
5 đô, gồm: Thất, Cửu, Thập, Thập Nhất, Thập Nhị (5). Đến đầu đời Thanh đổi
“sương” thành “ngung”, lập 2 ngung, 2 hương, 10 đô; dưới hương lập 20 xã, 30
thôn, Lê Quách là một trong hai xã đó. Năm Khang Hy thứ 26, hai xã Na Hòa và
Quan Sơn gộp thành xã Quan Hòa, tổng cộng huyện Hải Khang có 19 xã (6).
Trong thời Minh Thanh, họ
Mạc sống tại thôn Đông Lĩnh và thôn Lê Quách, xã Lê Quách. “Lôi Châu phủ chí”
thời Gia Khánh ghi xã Lê Quách gồm bốn thôn: “Thôn Lê Quách, cách thành hai
mươi dặm về phía tây, Mạc tính (姓 tính: họ mẹ*) nối đời ở đây; thôn
Bình Nguyên cách thành mười lăm dặm về phía tây, là nơi Hoàng tính (姓 tính: họ mẹ*) cư ngụ; thôn Điều
Sảng cách thành mười hai dặm về phía tây, là đất Trần tính (姓 tính: họ mẹ*); thôn Đông Lĩnh, cách
thành hai mươi dặm về phía tây là nơi Mạc thị (氏 thị: họ cha*) nối đời sinh sống”
(7). “Hải Khang huyện chí - Cương
vực chí” mục “Lê Quách xã” thời Gia Khánh ghi chép
giống với phủ chí. Họ Mạc ở thôn Lê Quách có trưởng phòng, họ Mạc thôn Đông
Lĩnh có thứ phòng, phòng ba, phòng bốn, phòng năm, phòng sáu, phòng bảy.
Theo nhiều bản khắc được
lưu giữ trong Hội quán tổ tiên của họ Mạc Đông Lĩnh, nguyên quán họ Mạc ở Phúc
Kiến, thủy tổ thọ Mạc là Mạc Dữ làm thị ngự trong những năm đầu của nhà Nguyên,
vì trực ngôn nên bị biếm đến phủ Lôi Châu làm kinh lịch [1] vì đó là vùng biển
quê nhà (8). Bài tựa “Trưởng phòng
nhất xuân” (Trưởng tộc một mình tổ phụ) của Mạc Nhữ Tương họ Mạc Lê Quách, viết: “Thủy tổ khai cơ họ ta vốn là người
Long Khê, phủ Chương Châu, Phúc Kiến, được ban chức quan Tiến sỹ, Viện trưởng Đô
sát viện [2], Tả đô ngự sử, tên thụy là Trung Trực, tên húy Dữ công, tên tự là
Nguyên tể Lôi Châu, con cháu nối đời giữ lấy…(9). “Mạc thị tộc phả” Đông Lĩnh
có một thiên ghi Minh Nam Lễ bộ Thượng thư Vương Hoằng Hối [3] soạn “Đông
Lĩnh Mạc thị thế hệ tộc phả tự”, cũng nói là “Mạc
thị chi tiên mân sản dã.” (Họ Mạc do tổ tiên ở Phúc Kiến sinh ra vậy) (10). Tuy nhiên, theo “Lôi Châu phủ chí – Chức quan chí” đời
Gia Khánh, mục “Kinh lịch” ghi lại, triều đại nhà Nguyên Kinh lịch Lôi Châu chỉ
có ba người, đó là Nguyên Bích, Quách Tư Thành, Phiền Ích Tuấn, mà không hề có
Mạc Dữ, tuy nhiên, hồ sơ giảng sư lại có Mạc Dĩ Đạo. (11) Không biết đó có phải
là Mạc Dữ không? Lẽ nào tộc phả lại ghi chép sai?
Mạc Dữ được công nhận là thủy
tổ nhập Lôi Châu của họ Mạc, chết táng tại Bạch Sa, dốc Phùng Thôn, ngôi mộ hiện
vẫn còn. “Trưởng phòng nhất xuân”,
mục “Cự Lộc quận [4] Thái thủy tổ nhất thế Mạc Dữ”
(Thái thủy tổ đời thứ nhất người quận Cự Lộc Mạc Dữ) của họ Mạc Lê Quách viết: “Công
hưởng dương thọ 84 tuổi,…Công và mẹ táng
tại thôn Phùng, xã Đường Vĩ, huyện Hải Khang. Liên quan đến Mạc Dữ trở xuống
vài đời, có những khác biệt trong gia phả của họ Mạc ở hai thôn Đông Lĩnh và Lê
Quách. “Trưởng phòng nhất xuân” của họ Mạc Lê
Quách ghi là Mạc Dữ sinh hạ hai con trai, con cả là Tiên Tri, con thứ là Tiên
Giác, là đời thứ hai. Tiên Tri sinh ba con trai: Khiêm, Trung, Kinh là đời thứ
ba. Khiêm sinh ra Khanh, là đời thứ tư, cử nhân khoa Tân Mão đời nhà Minh. Với
trường hợp Tiên Giác, “Trưởng phòng nhất xuân” không ghi cụ thể, chỉ viết:
“Công kế thừa thủy tổ với phận con thứ, là bào đệ của Tiên Tri công vậy,…tách
ra sống tại thôn Đông Lĩnh”. Điều đó cho thấy ngay
từ rất sớm họ Mạc đã phân cư ra hai thôn Lê Quách và Đông Lĩnh và phát triển
riêng.
“Mạc thị tộc phả” thôn Đông Lĩnh tất có ghi lại rằng Mạc Dữ sinh một trai Tiên Giác, là đời thứ hai
mà không hề nói đến “bào huynh” Mạc Tiên Tri. Tiên Giác sinh ba trai: Tri
Mệnh, Như Mệnh, Như Nghĩa là thế hệ thứ ba. Vài đời đến đời thứ tám Dũ Lương,
sinh bảy trai, phân thành bảy phòng. Họ Mạc đời thứ chín phòng thứ là Hoa,
phòng ba là Ấu chết, phòng bốn là Nhu, phòng năm là Dụ, phòng sáu là Tung,
phòng bảy là Dịch. Phòng sáu Tung sinh bốn trai: Ẩn Hiền, Ẩn Tính, Ẩn Nghĩa, Ẩn
Trí là đời thứ mười. Truyền đến đời thứ mười một, họ Mạc Đông Lĩnh không chỉ giàu nhất một phương với rất nhiều điền sản
tài vật, mà còn là một gia đình hoàng kim khoa bảng, thành một vọng tộc ở bán đảo
Lôi Châu.
Tộc phả họ Mạc Lê Quách và Đông Lĩnh mô tả khác nhau về tổ tiên của họ, người ta nói rằng huynh
đệ tổ tiên đã không còn hòa thuận, nhưng không rõ tình hình cụ thể. Căn cứ vào “Trưởng
phòng nhất xuân” của họ Mạc Lê Quách, ghi chép thế
thứ Mạc Khanh (đời thứ tư) để tính toán thì phả này ghi không chính xác về dòng
dõi tổ tiên trên Mạc Khanh, và phải có thiếu sót. Ngày nay, đền thờ họ Mạc thôn
Đông Lĩnh, duy nhất vẫn còn giữ được tên người viết bài minh “Dịch thế y quan”
(Nối đời làm quan) trên bia, về thế thứ thì Mạc Khanh là đời thứ chín, bởi vì trong
bảy năm đời Minh Thành Hóa (1464 – 1487*), ông đã giành được danh tiếng, thì thủy
tổ họ Mạc nhập Lôi Châu đại để là vào thời Đại Đức (1297 – 1307*) nhà Nguyên có
lẽ hợp lý hơn. “Trưởng phòng nhất xuân” ghi
lại rằng Trưởng phòng Mạc Trung là tổ tiên thứ ba, điều đó là không chính xác.
Nếu Mạc Trung và Mạc Khanh là cha con, thì không có sai sót nào về thế thứ, và
Mạc Trung đương nhiên phải là Trưởng phòng đời thứ tám. Tộc phả chép ông
là “Phủ học tuế cống sinh, nhậm chức tuần kiểm Giao Chỉ Bắc Nhai” (12), đương
nhiên là chỉ thời Minh Thành tổ (1402 – 1424*). Vĩnh
Lạc năm thứ tư (1405*), Minh Thành tổ phái Chu Năng, Mộc Thịnh, Trương Phụ,
v.v., đánh An Nam, chiếm đất đó lập thành “Quận huyện”, bố trí Bố chánh ty Giao
Chỉ, và phân thành 17 phủ, 157 huyện, và sau đó đến thời Tuyên Đức năm thứ hai,
bỏ Giao Chỉ, trong khi đó, một số lượng lớn các quan chức phủ huyện đã được chọn
từ các tỉnh lân cận như Quảng Đông và Quảng Tây, và Mạc Trung có thể được tuyển
dụng nhậm chức tại Giao Chỉ.
1.2. Nhân tài họ Mạc hưng thịnh dưới thời nhà Minh
Tên của họ Mạc trong các
kỳ khoa cử công danh đã thu hút sự chú ý của người đời, trước hết, đó là cống
sinh Mạc Trung, trưởng phòng đời thứ tám, nhậm chức tuần kiểm Giao Chi Bắc Nhai.
Trưởng phòng đời thứ chín Mạc Khanh được bổ nhiệm làm chi huyện, và đó là một sự
kiện vinh quang mang tính thời đại trong lịch sử của Gia tộc Mạc ở Lôi Châu. Mạc
Khanh là người đỗ đạt năm Tân Mão, Thành Hóa thứ bảy. “Phúc Kiến thông chí”, “Trường Thái huyện chí” đời
Khang Hy có ghi lại rằng Hoằng Trị năm thứ năm Mạc
Khanh nhậm chức tri huyện Trường Thái (13).
Đại tông từ họ Mạc thôn
Lê Quách có hai tấm biển đề “Nhất ngạc” (一 鹗 Con chim ưng biển đầu
đàn) và “Chung tú” (鐘秀 Hội tụ tú khí linh thiêng), được làm từ thời nhà Minh.
Biển đề “Nhất ngạc” còn ghi “Quý dậu
khoa cử nhân Mạc□□”, v.v. “Quý dậu khoa” chính là Khoa thi Quý dậu năm Chính Đức, cho thấy rõ năm Chính Đức thứ tám (1512*) vẫn có người
là Trưởng phòng trúng cử. Ngoài ra còn có các dòng chữ “Tuần án Quảng Đông
giám sát ngự sử cao công…”, “Đề đốc…”, “Quảng Đông bố chánh ti phân ti”, “Chính
Đức Ất hợi”, “Quý dậu khoa cử nhân Mạc□□” v.v. Chính Đức Ất hợi chính là năm Chính
Đức thứ mười (1514*). Căn cứ vào ghi chép của sách “Quảng Đông thông chí” thì “Tuần
án Quảng Đông giám sát ngự sử Cao công…” chính là Cao Công Thiều, người Nội
Giang, Tứ Xuyên, tiến sỹ năm Ất sửu. (14) Họ Mạc
được các cao quan ở Quảng Đông như Công Thiều tôn vinh cho thấy thời Thành Hóa –
Hoằng Trị - Chính Đức (1464 – 1521*) gia tộc họ Mạc có thế lực và ảnh hưởng lớn
tại địa phương.
Từ thời Gia Tĩnh (1521 –
1566*) về sau một số nhân tài họ Mạc đã đạt được công danh, tiến nhập quan trường,
thậm chí cả việc nhậm chức tại Kinh sư, trong số đó Phòng bốn thể hiện là tột đỉnh
xuất sắc. Trong tông từ họ Mạc tại Đông
Lĩnh vẫn giữa được thư tịch “Mạc thị Thế tổ từ tự tự” (Thứ tự thờ cúng các vị tổ
họ Mạc) do Mạc Thiên Nhiên soạn vào năm Tân sửu Vạn Lịch thứ 29 (1601) có ghi sự
tích họ Mạc về khoa cử thì truyền tục đỗ đạt, công nghiệp thì lớn lao chói lọi (Khoa
đệ thiện tục, huân nghiệp hách dịch) như sau:
Họ Mạc ta, tổ tiên người đất Mân, thủy tổ tên húy là Dữ, đầu đời nhà Nguyên làm thị ngự (phục dịch nhà vua*), vì lời nói mà bị trách phạt đưa về Hải Khang, tức quê nhà Đông Lĩnh này vậy, nối đời làm người Hải Khang. Truyền đến đời thứ hai húy Tiên Giác công, nhậm chức học lục [5]; đời thứ tám tên húy Phủ công, nhậm chức Học chính [6]; vốn đều là nhân tài được tiến cử lên triều đình. Đời thứ chính tên húy Khanh công, do hương tiến làm ấp lệnh (tức huyện lệnh, đứng đầu huyện); đời thứ mười húy Huệ công, nhậm chức giám thừa [7]; tên húy Ngạn Nam công, nhậm Học chính; đều do tiến cử nhân tài hàng năm. Đời thứ mười một, người anh thứ hai húy Thiên Phú, thi đậu Tiến sỹ khoa Nhâm tuất Gia Tĩnh, lần lượt nhậm chức hiến phó (thời nhà Thanh là phó trưởng quan Đô sát viện, phụ trách Giám sát, Luận tội và Kiến nghị hình phạt, biệt xưng là Tả phó đô ngự sử*) Quảng Tây; người anh kế húy Lữ, nhân tài được tiến cử làm ty giáo; đời thứ mười hai, con trai của người anh thứ hai là Nhĩ Tiên, được tiến cử năm Mậu tý đời Vạn Lịch, từ đó khoa cử thì truyền tục đỗ đạt, công nghiệp thì lớn lao chói lọi, công thành như ý vậy.
Cổng bài phường (tưởng niệm) tại Tông từ họ Mạc thôn Đông Lĩnh "Đời đời làm quan" (Dịch thế y quan - Đời đời mũ áo) ghi lại công danh 12 đời họ Mạc, bên phải là “Khoa giáp” (Đỗ đạt) ghi tên bốn người:
(1.) Thủy tổ Mạc Dữ, tiến sĩ, sĩ□.
(2.) Đời thứ chín Mạc Khanh, cử nhân, sĩ huyện□□.
(3.) Đời thứ mười một Mạc Thiên Phú, tiến sĩ, lịch□
phó.
(4.) Đời thứ mười hai Mạc Nhĩ Tiên, cử nhân.
Bên trái là “Cống giám” “Tuế cống” (Tiến cử) ghi tên 8
người:
(1.) Đời thứ hai Mạc Tiên Giác, cống sĩ, sĩ học□.
(2.) Đời thứ tám Mạc Phủ, giám sinh, sĩ học chính.
(3.) Đời thứ chín Mạc Huệ, giám sinh, sĩ giám thừa.
(4.) Đời thứ chín Mạc Nam Ngạn, cống sĩ, sĩ giáo dụ.
(5.) Đời thứ mười một Mạc Lữ, cống sĩ, tuyển ti giáo.
(6.) Đời thứ mười hai Mạc□, giám sinh, phụng sai lễ bộ
chính sử.
(7.) Đời thứ mười hai Mạc Nhữ Hàn, tuyển cống sĩ Nịnh Viễn
huyện lệnh.
(8.) Đời thứ □□□ Mạc Nhược Mẫn, giám sinh, sĩ quang lộc
thự thừa.
Xét “Mạc thị Thế tổ từ tự tự” (Thứ tự thờ cúng các vị tổ họ
Mạc) kể lại và đề danh khoa cử của “Dịch thế
y quan” ở cổng Bài phường (cổng tưởng niệm)
có hơi khác nhau, “Mạc thị Thế tổ từ tự tự”
chép là đời thứ mười Mạc Huệ Công, Ngạn Nam công, còn Đề danh khoa cử lại ghi
là đời thứ chín, và “Ngạn Nam công” thì viết là “Nam Ngạn công”, không biết
cái nào đúng. Tuy nhiên, có thể khẳng định rằng từ
đời thứ chín về sau số người họ Mạc đắc công danh khoa cử đã tăng đáng kể, Phòng
bốn đời thứ mười một gồm anh em Mạc Thiên Phú, Mạc Thiên Nhiên là nổi tiếng nhất. Mạc Thiên Phú, tự Tử Dực, vốn
tính tình ngay thẳng. Năm Kỷ dậu Gia Tĩnh (1549) được tiến cử, khích lệ chí
khí, không dám cẩu thả cùng dòng tục. Năm Nhâm tuất (1562) đỗ hạng tiến sỹ, được
bổ làm Phủ Điền lệnh (Trưởng quan) Phúc Kiến, gặp lúc cương giới ven biển không
yên, địa phương động loạn, Thiên Phú chiêu tập người lưu tán, thu vén đổ nát, nhờ
đó cả một phương trở nên yên ổn.
“Việt Đại ký” của Quách Phỉ viết khi vết thương vừa mới
khởi phát, mà dòng người lưu tán vì đói khát đã lên đến hàng ngàn. Thiên Phú
yên ủi úy lạo, dân tranh giành để được trợ giúp. Giặc cướp địa phương trốn trong thành, lũ xấu
ác rời khỏi hang ổ, kết đảng hoành hành, lột quần áo, đoạt vàng bạc, ngay tại cổng
làng quen thuộc cũng chẳng ít oan sai. Sau hàng loạt tham cứu kiến nghị của phủ
quan, vài chục người nhân đó mà liên lụy. Thiên Phú mật bạch với quận thủ [8] để trao đổi đàm đạo, yết bảng
phủ dụ các thôn làng, lũ mạc quan (quan sau màn trướng, quan ở hậu trường*) bắt
đầu co tay lại, không dám phạm tội. Lũ học trò (chư sinh [9]) y phục thô phác
không thể thi lễ tất cấp cho quan phục và tiền. Nông dân bị khốn khó bại hoại không có trâu bò ruộng đất
nông cụ tất được chia gia súc, giống má. Kiện lên tỉnh chuộc tiền, xóa tội nên
đều êm đẹp, vậy nên người tin phục, đường đi hanh thông, sừng sững sum suê tươi
tốt, Lỗ Cung [10] của Trung Mưu [11] cũng không hơn vậy. (15)
Mạc Thiên Phú làm Phủ Điền lệnh (Trưởng quan) Phúc Kiến,
công nghiệp hanh thông, đời Vạn Lịch năm thứ ba (1575) ông được cất nhắc làm chủ
sự Bộ hình ở Mân Nam, vì thế quan dân Phủ Điền vài trăm người nhờ ông mà thăng
tiến. Kể từ đó quan dân Tứ Thượng (bờ bắc Tứ Thủy) tôn ông làm lệnh, lại cai quản
thiện chính, nên dân chúng làm ca dao khen: “Xưa Hải Khang, Nay Tứ Thượng” (昔有海康,今有泗上
Tích hữu Hải Khang, kim hữu Tứ Thượng) (16). Ông đã mất mà thấy như vẫn còn ở đó.
“Lôi Châu phủ chí” đời nhà Thanh viết: “Công nghiệp lẫy lừng, người Phủ Điền
luôn tưởng nhớ, đời đời cúng tế” (17)
Ngay sau khi Thiên Phú được
thăng cấp Nam Hình bộ Lang trung, ông luôn xét đoán thận trọng. Làm thái thú Đại Lý, ông
thăm nom những kẻ nghèo khổ tật bệnh, dốc sức hưng thịnh địa phương. “Phế bỏ
lao động cưỡng bức cho dân đen, giảm hạn ngạch phân chia khai thác khoáng vàng,
cứu sống hàng trăm nhân mạng. Lại cứu tế kẻ sa cơ, chẩn cấp người già cả, khuyến
học, nuôi tài. Khi đó có khúc ca Thiệu Đỗ, lập bia Đức Chính ghi chép công nghiệp
của ông.” Năm Vạn Lịch thứ tư, thăng Phó sứ đạo Hữu Giang, Quảng Tây, chưa kịp
nhậm chức thì mất tại gia. Mạc Thiên Phú làm quan đều có thành tích trị dân, được
người đương thời khen ngợi, “Sĩ phu Lôi Châu gọi ông là người tài học, tiết
tháo, tất là Thôi Trọng công (người thúc đẩy sự cao quý) vậy (18). “Việt đại kí”
của Quách Phỉ liệt ông vào hàng quan “Lòng lành, đức cả”.
_____________________________________
Nguồn: 鄚玖與河仙政權(港口國); 南方華裔研究雑志,第四卷
Mạc Cửu dữ hà tiên chính quyền (cảng
khẩu quốc); nam phương hoa duệ nghiên cứu tạp chí, đệ tứ quyển, 2010.
Người dịch: Hà Hữu Nga
Tác giả: 李慶新 Lý Khánh Tân sinh năm 1962, người Yết
Tây, Quảng Đông. Cử nhân Lịch sử, Đại học Tôn Dật Tiên, Tiến sĩ Lịch sử, Đại học
Nam Khai, Nghiên cứu sinh, Viện Lịch sử và Địa lý, Đại học Phúc Đán. Ông hiện
là giám đốc của Viện Lịch sử và Tôn Trung Sơn của Viện Khoa học Xã hội Quảng
Đông, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Lịch sử Đại dương Quảng Đông, và Tổng biên
tập tạp chí Nghiên cứu Lịch sử Hàng hải (CSSCI). Ông còn là thành viên của Hiệp
hội Lịch sử Trung Quốc, Phó chủ tịch Hiệp hội Nghiên cứu Lịch sử Giao thông
Trung Quốc, Giám đốc điều hành của Hiệp hội Lịch sử Trung Quốc ở nước ngoài, Hiệp
hội Lịch sử Kinh tế Trung Quốc, Hiệp hội Lịch sử Đối ngoại Trung Quốc, Phó Chủ
tịch Hội Lịch sử Quảng Đông và “Nghiên cứu Lý thuyết Lịch sử”, “Con đường tơ lụa”,
“Nghiên cứu học thuật”, “Khoa học xã hội Quảng Đông” và thành viên các ban biên
tập khác, thành viên Ban chỉ đạo quốc tế Mạng lưới lịch sử toàn cầu, nhà nghiên
cứu tại Trung tâm hợp tác nghiên cứu và đổi mới biển Nam Trung Quốc của Đại học
Nam Kinh, Nhà nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Công nghiệp văn hóa biển của
Đại học Quảng Châu, Nghiên cứu Cơ sở Văn hóa Nhập cư của Đại học Phúc Đán.
Chú thích của người dịch
[1] Kinh lịch (經歷), vị trí quan văn thời cổ ở Trung Quốc, là quan chức
của chính quyền trung ương và địa phương, được nhà Kim và nhà Nguyên thành lập,
quản các tài liệu và các công việc hàng ngày khác. Thời nhà Minh thường là phụ
tá của trưởng quan quân chính, tương đương với tham quân từ nhà Tống trở về trước.
[2] Đô sát viện (都察院) là tên quan thự chính thức của triều đại nhà Minh và
nhà Thanh, được phát triển từ Ngự sử đài của các triều trước, chịu trách nhiệm
giám sát, luận tội và kiến nghị, cùng với Bộ hình và Đại lý tự được gọi là Tam
pháp ty, trong trường hợp đại án, do Tam pháp ty hội thẩm thì gọi là “Tam ty hội
thẩm”. Năm thứ 15 (1382) đời Minh Hồng Vũ, đổi Ngự sử đài thành Đô sát viện,
trưởng quan là tả hữu đô ngự sử, dưới có phó đô ngự sử, thiêm đô ngự sử. Theo
đó, 13 đạo trong cả nước lập giám sát ngự sử, tuần án châu huyện, chuyên khảo
sát quan lại, trưng ra những việc làm sai trái mà luận tội. Vào thời nhà Minh,
đô sát viện không chỉ giám sát các cơ quan tư pháp, nó còn có quyền “án lớn thì
dâng tấu tài phán, án nhỏ thì phán quyết” (大事奏裁,小事立断 đại sự tấu tài, tiểu sự
lập đoán) và là cơ quan giám sát cao nhất. Thời nhà Thanh đổi lấy tả hữu phó đô
ngự sử chính thức là quốc hàm tổng đốc, tuần phủ (thời Minh đô ngự sử, phó đô ngự sử đô kiêm dùng gia hàm - hư hàm) để làm phương tiện hành sự. Năm Càn Long thứ mười ba
(1748), bỏ tả thiêm đô ngự sử.
[3] Vương Hoằng Hối (王弘誨1541 - 1617), tự Thiệu
Truyền, hiệu Trung Minh, người huyện Định An, phủ Quỳnh Châu, Quảng Đông, nay
là tỉnh Hải Nam. Chết được triều
đình tặng Thái tử Thiếu bảo. Ông là danh thần nhà Minh, nhà giáo dục có tiếng,
từng nhậm hàn lâm viện kiểm thảo, biên tu, khảo quan thi hội, Tế tửu Quốc tử
lâm, Lại bộ hữu thị lang Nam Kinh, Lễ bộ thượng thư Nam Kinh. Tác phẩm văn học có
“Thượng hữu đường cảo”, “Ngô việt du kí”, “Thiên trì thảo”, “Lai hạc hiên tập”,
“Nam minh kì điện lục”, “Nam lễ tấu độc”, “Văn tự đàm uyển”. Sinh thời ông là vị
quan hiền năng thanh chính, dân chúng đồng tình, quan tâm sự nghiệp giáo dục,
lưu danh thơm ngàn đời. Vương Hoằng Hối thông minh hiếu học từ nhỏ, bác lãm quần
thư, 20 tuổi thi hương trúng cử nhân đệ nhất danh, năm Gia Tĩnh 44 (1565) đỗ tiến
sĩ.
[4] Cự Lộc quận (鉅鹿郡), hay Cự Lộc quốc, quận
cổ của Trung Quốc, tên nước, do nhà Tần đặt ra, là một trong 36 quận thời Tần,
tọa lạc tại thành phố Hình Đài, tỉnh Hà Bắc. Tần vương Chính năm thứ 25 (năm 222 TCN) diệt nước Triệu,
lấy được quận Cự Lộc. Đầu thời nhà Hán thuộc Trùng Nhĩ nước Triệu. Hán Cao đế năm
thứ 9 (năm 196 TCN), lấy Ẩn vương Lưu Như Ý làm Triệu vương, kiêm quản hai nước
Triệu, Đại; đồng thì tách phần đông quận Cự Lộc lập thành quận Thanh Hà, và quận
Hà Gian. Cảnh Đế năm thứ 3 (năm 154 TCN), các nước Triệu, Ngô, Sở, Tế Nam phát
động “Thất quốc chi loạn”, sau khi dẹp xong loạn lạc, lấy quận Cự Lộc và quận
Thanh Hà của nước Triệu. Thời Hán Vũ đế, chia phần nam quận Cự Lộc, lập quận Quảng
Bình. Năm Thành Đế Nguyên Diên thứ tư (năm 9 TCN) quận Cự Lộc quản huyện Cự Lộc
(nay là thành phố Hình Đài, huyện Bình Hương). Năm Nguyên Thủy thứ hai (2 SCN)
thời Bình Đế phân quận Cự Lộc, lập nước Quảng Tông để con của Cảnh Đế là Đại Hiếu
vương cúng tế, không lâu sau bị Vương Mãng soán ngôi nhà Hán nên phế bỏ.
[5] Học lục (學錄) là chức danh quan văn của Trung Quốc xưa, thuộc hàng
quan chức cơ sở, được chính thức sắp xếp tại Quốc tử giám và cơ cấu nhà trường,
tương đương giáo viên hoặc phụ trách hành chính giáo học. Năm 1910 nhà Thanh diệt
vong nên phế bỏ chức quan này.
[6] Học chính (學正) là tên chức quan của Trung
Quốc xưa, là người chịu trách nhiệm thực hiện các quy tắc và giám sát việc học.
Thời Tống, Quốc tử giám bố trí cả Học chính quan và Học lục quan duy trì việc
chấp hành học quy, khảo giáo việc dạy học. Đến thời Nguyên trừ Quốc tử giám,
còn lại Bộ Lễ cho đến hàng tỉnh, tuyên vệ ty, cho đến các lộ, châu, huyện thì học
quan đều gọi là Học chính. Quốc tử giám nhà Minh và nhà Thanh cũng đều bố trí
như vậy. Thời Minh, Học chính hàm Chánh cửu phẩm, đầu nhà Thanh giữ nguyên, đến
đời đầu Càn Long đổi thăng Chánh bát phẩm. Dưới thời nhà Thanh thì học quan ở
các châu đều gọi là Học chính. Học chính là một trong những quan chức cơ sở. Nó
được triển khai ở Quốc tử giám và chức ngạch tương đương với giáo viên hoặc quản
trị viên trong hệ thống học đường. Vào năm 1910, sau sự sụp đổ của nhà Thanh, vị
trí Học chính bị bãi bỏ.
[7] Giám thừa (監丞) thời nhà Thanh, là một
vị trí quan văn chính thức được đặt ở Quốc tử giám, hàm chánh thất phẩm. Thời
nhà Thanh, Quốc tử giám là trường học cao nhất trong hệ thống giáo dục, và Giám
thừa là người chính thức phụ trách các quy tắc của
trường. Vào năm 1910, sau khi nhà Thanh sụp đổ, vị trí này bị bãi bỏ.
[8] Quận thủ (郡守)
là một loại quan danh chính thức thời cổ, là trưởng quan hành chính của một
quận lần đầu tiên được lập ra vào thời Chiến Quốc. Các quốc gia thời Chiến Quốc
tham chiến đã thiết lập các quận ở khu vực biên giới, phái các quan chức đến phòng
thủ, bảo vệ nên có quan danh là “Thủ”. Vốn là võ chức dần trở thành trưởng quan
hành chính điều hành địa phương. Sau khi thống nhất nhà Tần, hệ thống phân chia
hành chính địa phương ở cấp quận, huyện được thực hiện, và mỗi quận đều có
“Quận thủ” để cai quản dân chính.
[9] Chư sinh (諸生): các thí sinh ngày xưa
tham gia các kỳ thi đã được nhận vào các trường trung ương, phủ, châu, huyện
các cấp học, bao gồm cả sinh viên trường Thái học. Các sinh viên dôi dư (增生 tăng sinh), các sinh viên thêm vào (廩生 phụ sinh), các sinh viên hưởng bổng lộc (廩生 lẫm sinh), các sinh viên theo định lệ (例生 lệ sinh), v.v., đều gọi là “chư sinh”.
[10]
Lỗ Cung (魯恭 32-112), đại
thần Đông Hán, tự Trọng Khang, người huyện Bình Lăng, quận Phù Phong (nay là
thành phố Hàm Dương, tỉnh Thiểm Tây). Thời niên thiếu Lỗ Cung sống và học tập tại
Thái học, tu tập Lỗ thi, đóng cửa giảng tụng. Sau đó nhậm chức quận lại, rồi lại
được Thái phó Triệu Hi triệu vời tham gia hội nghị Bạch Hổ Quan, đảm nhậm huyenj
lệnh Trung Mưu. Đương thì, thiên hạ bỏ khảo xét, chấp pháp bất nhất, nhưng tại
Trung Mưu, Lỗ Cung lấy đức hóa mà cai quản, không coi trọng dùng hình phạt, mà
vẫn an trị một phương. Sau vì tang mẹ nên thôi chức, rồi lại đảm nhậm thị ngự sử.
Thời Hán Hòa đế (88 – 105 SCN), ông kiến nghị đình chỉ Đậu Hiến đánh Hung Nô ở
phía bắc. Rồi nhậm chức Thị trung, Nhạc An quốc tướng. Vĩnh Nguyên năm thứ chín
(97 SCN), đảm nhậm Nghị lang, rồi chuyển nhậm Quang lộc huân. Vĩnh Sơ năm thứ
ba (109 SCN) có bệnh nên miễn quan, Vĩnh Sơ năm thứ sáu (112 SCN), Lỗ Cung mất
tại nhà, thọ 81 tuổi. Con cháu: Lỗ Quỳ, làm quan đến chức Thái bộc, Đổng Trác
thiên đô, theo Hán Hiến đế vào Quan Trung, cùng Vương Doãn đồng mưu diệt Đổng Trác.
Bộ tướng của Đổng Trác là Lý Quyết, Quách Tỉ nhập thành Trường An, giết Thái bộc
Lỗ Quỳ, Đại hồng lư Chu Hoán, Thành môn hiệu úy Thôi Liệt, Việt kị hiệu úy Vương
Kì.
[11] Huyện Trung Mưu trực
thuộc thành phố Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam. Nó nằm ở vùng nội địa của đồng bằng
trung tâm và bờ sông Hoàng Hà. Nó thuộc về Trịnh Châu, thủ phủ của tỉnh Hà Nam.
Nó được gọi là Phố Điền, Mưu Châu và nhà Hán lập huyện Trung Mưu, là nơi diễn
ra Trận chiến Quan Độ lịch sử vào năm 200 tại bờ nam sông Hoàng Hà giữa Tào
Tháo và Viên Thiệu là 2 thế lực quân sự mạnh nhất trong thời kì tiền Tam Quốc.
Kết quả trận chiến là Tào Tháo đã tiêu diệt gần như hoàn toàn quân số của đối
thủ lớn nhất Viên Thiệu, tiến tới đánh bại nốt các thế lực chống đối ở Trung
Nguyên, tạo điều kiện xây dựng nên nhà Tào Ngụy đồng thời chấm dứt thời kì Tiền
Tam Quốc.
Chú thích
作者系廣東省社會科學院歷史與孫中山研究所所長、廣東海洋史研究中心主任、研究員。作者電郵:arlenlee10272003@yahoo.com.cn
*本文系2008 年國家社會科學基金專案“17-18 世紀華人南渡與越南社會”(08BZ052)的階段性成果。此文是作者首次發表于《海洋史研究》第一輯“鄚玖、鄚天賜與河仙政權(港口國)”(第171-216頁)一文的第一部分。
(1) 藤原利一郎:《鄚玖事蹟考》,《史窗》第五、六號(1954 年);同氏《廣南王阮氏ご華僑----特に阮氏の對華僑方針につぃて》,《東洋史研究》,第10
卷第5 期,1949 年。陳荊和:《河仙鄚氏世系考》,《華岡學報》第五期(1969 年);武世營撰、陳荊和注釋:《河仙鎮葉鎮鄚氏家譜注釋》,臺灣大學《文史哲學報》第七期(1955
年);鄭瑞明:《清代越南的華僑》,臺灣師範大學歷史研究所專刊,1976 年;同氏《十八世紀後半中南半島的華僑—河仙鄚天賜與暹羅鄭昭的關係及清廷的態度》,臺灣師範大學歷史研究所、歷史學會編《歷史學報》第六期(1978
年)。另外法國學者Maybon 的《安南近代史》(Histoire modernedu Pays d’Annam),加拿大學者William E.
Willmott 的《柬埔寨的中國人》(The Chinese in Cambodia,Vancouver Canada: University of
British Columbia,1967),張文和的《越南華僑史話》(臺灣黎明文化事業股份有限公司,1975 年)、呂士朋的《盛清時期的中越經濟關係—兼述華人對南圻的開發》(中央研究院近代史研究所編《近代中國初期歷史研討會論文集》下冊,
1989 年)等亦有述及。
(2) 樂史:《太平寰宇記》卷159《嶺南道·雷州》。
(3) 李吉甫撰、繆荃孫輯:《元和郡縣圖志闕卷逸文》卷3《嶺南道·雷州》,中華書局,1983
年;彭定求等編《全唐詩》卷877《徐聞諺》,中華書局,1960 年。
(4) G. 賽代斯(Georges Coedès):《東南亞的印度化國家》,蔡華、楊葆筠譯,商務印書館,2008
年,第14 頁。G. 賽代斯(Georges Coedès),過去誤譯為戈岱司或柯代司。2008 年3 月,澳大利亞國立大學、廣西社會科學院在廣西南寧舉辦了一個名為“小地中海:北部灣的歷史與未來”(A
Small Mediterranean Sea: Gulf of Tongking through History)的國際性學術研討會,可見“小地中海”已經受到國際學界的關注。
(5) 黃佐:《廣東通志》卷15《輿地志·坊都》,香港大東圖書公司,1977 年。
(6) 鄭俊:《海康縣誌》卷上《輿地志》,海南出版社,2001 年。
(7) 雷學海修、陳昌齊纂:《雷州府志》卷2《地理志》,嘉慶十六年刊本。
(8) 明王弘誨:《海康莫氏族祠記》(萬曆辛卯年,1591),王弘誨:《莫氏嗣宗祠記》(萬曆丙申年,1596),柯時複:《莫公亞崖祠田跋》(萬曆二十五年,1597),何複亨:《莫公亞崖祠田記》(萬曆二十八年,1600),葉修:《海康莫氏族祠記》(萬曆壬寅年,1602),莫天然:《莫氏世祖祠自敍》(萬曆辛丑年,1601)等,
今存東嶺莫氏宗祠。
(9) 黎郭莫氏《長房一椿》,全名《廣東雷州海康縣黎郭社黎郭村莫西曆代宗公萬世系譜》,共三冊,版本不可辨識。篇首有“大明萬曆十八年歲次庚寅上浣六房十三世祖原任江西建昌府副府”莫行狀、“大清乾隆四十一年歲次丙申正月望五日六房十八世裔孫龍騰”莫汝驤所撰序言,10 《東嶺莫氏世系族譜序》,東嶺《莫氏族譜》謂明萬曆三十年南禮部尚書王弘誨撰,收錄於《族譜》卷首。東嶺《莫氏族譜》始修于道光十八年,同治八年、光緒二十四年、宣統三年、民國十六年、二十九年、1955
年、1968 年、1979 年、1986 年、1993 年、2001 年續修。
(10) 雷學海修、陳昌齊纂:《雷州府志》卷九《職官志》,嘉慶十六年刊本。
(11)同上。
(12) 黎郭村《長房一椿》“三世祖”條。
(13) 金鋐、鄭開極纂修:《福建通志》卷27《職官志》,北京圖書館古籍珍本叢刊,書目文獻出版社,1990年;王鈺修、葉先登等纂:《長泰縣誌》卷7《職官志》,國家圖書館藏清代孤本方志選,線裝書局,2001年。雷州白沙鎮“山裏宮”有《馮婷序言》碑刻,敍述明英宗時雷州府海四都徒閩村民馮仁義之女馮婷,“天資聰穎,識醫理,關照庶民,為凡解厄”;複建百草藥亭於村前,供鄉民歇息、飲茶、解疾,鄉民尊為仙女。一日,入山采藥,狂風大雨,鄉民遍尋不見,傳言已經仙化,皇天敕封“天曹聖娘”。題名“知縣莫卿撰”、“倡建人莫卿”、“首事”陳年修等六人、及“大明皇朝憲宗皇帝癸己年仲春吉旦豎立”。《序言》語涉怪誕,不合邏輯,當為後人托莫卿之名所作。黎郭村莫氏大宗祠保存有1997
年所立“鐘秀”石牌匾,並刻有銘文,據說是弘治壬子泰和府知府黃瑜為莫卿所立牌坊,民國時擴拆街道遺失,“今為保存先祖殊榮而仿製之”。
(14) 黃佐:《廣東通志》卷10《職官表》下,嘉靖三十六年刊本。
(15) 郭棐:《粵大記》卷20《獻征類》,黃國聲、鄧中貴點校,中山大學出版社,1998 年,第615 頁。
(16) 同上。
(17) 雷學海修、陳昌齊纂:《雷州府志》卷6《人物志》,嘉慶十七年刊本。
(18) 郭棐:《粵大記》卷20《獻征類》,第615 頁。
* Những chỗ
có đánh dấu (*) cũng là ghi chú của người dịch.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét