Powered By Blogger

Thứ Ba, 11 tháng 7, 2023

Suy tư của Descartes và Hiện tượng luận (I)

Edmund Husserl

Người dịch: Hà Hữu Nga

Giới thiệu

1. Nguyên mẫu của Suy tư Triết học

[Tr.43] Tôi có lý do đặc biệt để vui mừng là mình lại có thể nói về hiện tượng luận siêu việt ở nơi này, một vị trí đáng kính nhất của nền khoa học Pháp.1 Nhà tư tưởng vĩ đại nhất của nước Pháp, René Descartes, đã mang lại cho hiện tượng luận siêu việt những xung lực mới thông qua Suy tư của ông; các tìm tòi của Tác phẩm đã tác động khá trực tiếp đến việc chuyển đổi một hiện tượng luận vốn đang phát triển thành một loại triết học siêu việt mới. Theo đó, người ta gần như có thể gọi hiện tượng luận siêu việt là một chủ thuyết Descartes-Mới, mặc dù nó được ơn nhờ - và chính xác bởi sự phát triển triệt để của các motifs Descartes - để bác bỏ gần như toàn bộ nội dung học thuyết nổi tiếng của triết học Descartes. Trong tình huống đó, tôi đã có thể yên tâm về sự quan tâm của các bạn nếu tôi bắt đầu với những motifs đó trong Suy tư về Triết học Đầu tiên (Mediationes de prima philosophia) [Thomas Aquinas coi siêu hình học là Prima Philosophia Triết học Đầu tiên vì nó quan tâm đến những gì có trước trong trật tự bản thể luận – những nguyên nhân đầu tiên của tồn tại, hơn nữa, các khoa học khác dựa vào nó như là các nguyên lý đầu tiên của mình - HHN], vì vậy tôi tin rằng, có một ý nghĩa vĩnh cửu, tiếp tục mô tả các biến đổi, các hình thành mới, là cội nguồn của phương pháp và những vấn đề của hiện tượng luận siêu việt.

Bất cứ ai bắt đầu với triết học đều biết dòng tư tưởng đáng kể chứa đựng trong Suy tư. Chúng ta hãy nhớ lại tư tưởng dẫn đạo của nó. Mục đích của Suy tư là cải cách toàn bộ triết học thành một khoa học dựa trên nền tảng tuyệt đối. Đối với Descartes điều đó ngụ ý một cuộc cải cách tương ứng của tất cả các ngành khoa học, bởi vì theo quan điểm ​​của ông, chúng chỉ là những thành viên không-tự túc của một ngành khoa học bao gồm-tất cả, và đó là triết học. Chỉ trong sự thống nhất có hệ thống của triết học, chúng mới có thể phát triển thành những khoa học đích thực. Mặt khác, khi đã phát triển [tr.44] về mặt lịch sử, các khoa học đó thiếu tính xác thực khoa học vốn bao gồm nền tảng hoàn chỉnh và tối hậu của chúng trên cơ sở các hiểu biết tuyệt đối, những hiểu biết mà người ta không thể đảo ngược được nữa. Do đó, cần phải triệt để tái tạo nhằm thỏa mãn ý tưởng coi triết học như là sự thống nhất bao gồm tất cả các khoa học, trong sự thống nhất của một nền tảng duy lý tuyệt đối2 như vậy. Với Descartes, nhu cầu này đã làm nảy sinh một triết học hướng về bản thân chủ thể. Bước ngoặt chuyển sang chủ thể được thực hiện ở hai cấp độ quan trọng.

Trước hết, bất kỳ ai có ý định nghiêm túc trở thành một triết gia đều phải “một lần trong đời” lui về với chính bản thân mình và cố gắng, từ sâu trong bản thân mình, lật đổ và xây dựng lại tất cả các ngành khoa học mà cho đến lúc đó ông ta đã chấp nhận. Minh triết (sagesse) triết học  là chuyện hoàn toàn riêng tư của triết gia. Nó phải xuất hiện với tư cách là Bà cô Khôn ngoan, khi khối tri thức ông ta thu thập được hướng tới tính phổ quát, một loại tri thức mà ông ta có thể trả lời ngay từ đầu và ở mỗi bước, nhờ vào những hiểu biết tuyệt đối của chính mình. Nếu tôi đã quyết định sống với nó như là mục tiêu của mình, thì quyết định duy nhất có thể bắt đầu đối với tôi trên con đường phát triển triết học, do đó tôi chọn khởi đầu trong cảnh nghèo khó tuyệt đối, thiếu tri ​​thức tuyệt đối. Bắt đầu như vậy, rõ ràng một trong những điều đầu tiên tôi phải làm là suy nghĩ về cách tôi có thể tìm ra một phương pháp để tiếp tục, một phương pháp hứa hẹn dẫn đến sự hiểu biết chân chính. Theo đó, Suy tư của Descartes không nhằm mục đích chỉ là mối quan tâm riêng tư của triết gia Descartes, chưa nói gì về việc chúng chỉ đơn thuần là một hình thái văn chương ấn tượng để trình bày nền tảng triết học của ông. Thay vào đó, các suy tư đó vẽ ra nguyên mẫu cho bất kỳ suy tư cần thiết nào của bất kỳ triết gia khởi đầu nào, những suy tư mà chỉ riêng triết học mới có thể phát triển từ đó.3

Khi chuyển sang nội dung của Suy tư, vốn rất xa lạ đối với con người ngày nay, chúng ta nhận thấy sự thoái lui vào / cái bản ngã [ego] triết học hóa [tr.45] theo một nghĩa thứ hai và sâu sắc hơn: bản ngã với tư cách là chủ thể của những suy nghĩ thuần túy của anh ta. Kẻ suy tư thực hiện bước thoái lui này bằng phương pháp hoài nghi nổi tiếng và rất đáng chú ý. Với mục tiêu nhất quán triệt để là tri thức tuyệt đối, ông ta không cho phép mình chấp nhận bất cứ điều gì là tồn tại trừ khi nó được bảo đảm chống lại mọi khả tính có thể lĩnh hội trở nên đáng ngờ. Do đó, tất cả những gì chắc chắn, trong cuộc sống trải nghiệm và suy nghĩ tự nhiên của mình, ông ta phải chịu sự phê phán có phương pháp liên quan đến tính có thể hiểu được khi nghi ngờ về nó; và, bằng cách loại trừ mọi thứ có khả năng gây nghi ngờ, ông ta tìm cách để suy nghĩ thấu đáo những thứ hoàn toàn hiển nhiên. Khi tuân thủ phương pháp này, thì tính chắc chắn của trải nghiệm giác quan, tính chắc chắn mà thế giới được ban cho trong cuộc sống tự nhiên, chống lại sự chỉ trích; theo đó, sự tồn tại của thế giới phải vẫn không được chấp nhận ở giai đoạn khởi đầu này. Kẻ suy tư chỉ tự giữ mình, với tư cách là bản ngã thuần túy của những suy tư của mình, như có một sự tồn tại tuyệt đối rõ ràng, như một điều gì đó không thể bị loại bỏ, một điều gì đó sẽ tồn tại mặc dù thế giới này không-tồn tại. Được quy giản như vậy, bản ngã [the ego] luôn xúc tiến một kiểu làm triết học duy ngã. Ông ta tìm kiếm những cách chắc chắn xác thực mà nhờ đó, trong tính hướng nội thuần túy của chính mình, có thể suy ra tính hướng ngoại Khách quan5. Tiến trình của cuộc tranh luận đã được biết rõ: Đầu tiên, sự tồn tại và tính xác thực của Chúa được suy ra và sau đó, nhờ chúng, Tự nhiên Khách quan, nói ngắn gọn là tính nhị nguyên của các chất hữu hạn, lĩnh vực Khách quan của siêu hình học và các khoa học thực chứng, và tự thân các bộ môn này. Tất cả các suy luận khác nhau tiến hành, như chúng phải, theo các nguyên tắc hướng dẫn nội tại, hoặc “bẩm sinh”, trong bản ngã thuần túy.

2. Cần phải có một khởi đầu mới triệt để của triết học

Cho đến nay, vẫn là Descartes. Giờ đây chúng ta cần đưa ra câu hỏi: Có thực sự đáng để săn lùng một ý nghĩa vĩnh cửu thuộc về những tư tưởng này hoặc một cốt lõi rõ ràng nào đó có thể chứa đựng trong chúng? Ở thời đại chúng ta, phải chăng đó vẫn còn là những suy nghĩ có thể truyền sinh lực? Tối thiểu người ta cũng có thể nghi ngờ bởi thực tế là các khoa học thực chứng, vốn đã trải qua một nền tảng tuyệt đối duy lý nhờ những suy tư này, lại ít chú ý đến chúng. Chắc chắn rằng các khoa học thực chứng, sau ba thế kỷ phát triển rực rỡ, hiện đang cảm thấy bị che mờ bởi những tối tăm tận nền tảng của chúng, trong các khái niệm và phương pháp cơ bản của chúng. Nhưng, khi người ta cố gắng tạo cho những nền tảng đó một [tr.46] hình thức mới, thì họ lại không nghĩ đến việc quay trở về để tiếp tục các Suy tư của Descartes. Mặt khác, rất cần phải cân nhắc kỹ lưỡng xem, trong triết học, các Suy tư ấy đã tạo ra một kỷ nguyên theo nghĩa khá độc đáo, và chính xác là do chúng quay trở về với ego cogito cái tôi tư duy thuần túy. Trên thực tế, Descartes đã mở đầu cho một loại triết học hoàn toàn mới. Thay đổi hoàn toàn phong cách của mình, triết học đã thực hiện một bước ngoặt triệt để: từ Khách quan luận ngây thơ sang Chủ quan luận siêu việt, loại chủ thuyết với những nỗ lực luôn luôn mới nhưng luôn luôn thiếu sót, dường như đang cố gắng hướng tới một hình thức cuối cùng cần thiết nào đó, trong đó ý nghĩa thực sự của nó và ý nghĩa của chính sự đột biến triệt để có thể bắt đầu được bộc lộ. Chẳng phải xu hướng tiếp tục này bao hàm một ý nghĩa vĩnh cửu và, đối với chúng ta, một nhiệm vụ do chính lịch sử đặt ra, một nhiệm vụ vĩ đại mà tất cả chúng ta được triệu tập để cùng làm?

Tình trạng bong tróc của triết học ngày nay, với hành tung phức tạp của nó, càng khiến người ta phải suy nghĩ. Khi chúng ta cố gắng coi triết học phương Tây là một khoa học đơn nhất, thì sự suy tàn của nó kể từ giữa thế kỷ 19 là điều chẳng chút nghi ngờ. Nhất tính so sánh mà nó có trong các thời đại trước, trong mục tiêu, vấn đề và phương pháp của nó, đã một đi không trở lại. Khi, với sự khởi đầu của thời hiện đại, niềm tin tôn giáo ngày càng trở nên bên ngoại tại hóa như một quy ước vô hồn, thì những kẻ trí đã được nâng cánh bởi một niềm tin mới, niềm tin lớn lao vào một triết học và khoa học tự trị. Toàn bộ nền văn hóa nhân loại đã phải được hướng dẫn và soi sáng bởi những kiến giải [insights] khoa học và do đó phải được cải cách, để trở nên mới mẻ và tự trị. Nhưng rồi, niềm tin này cũng đã bắt đầu tàn tạ. Không phải không có lý do. Thay vì một triết học nhất thể sống động, chúng ta có một khối văn liệu triết học phát triển vượt ra ngoài mọi giới hạn và hầu như không hề gắn kết6. Thay vì thảo luận nghiêm túc giữa các lý thuyết mâu thuẫn nhau, mà trong chính mâu thuẫn của chúng, lại chứng tỏ mối quan hệ mật thiết mà chúng thuộc về nhau, điểm chung trong những niềm tin cơ bản của chúng, và niềm tin không lay chuyển vào một triết học chân chính, thì chúng ta lại có những giả-công trình, những giả-phê phán, chỉ được cái na ná nghiêm túc làm triết với nhau, làm triết cho nhau. Điều này thật khó mà làm chứng cho một nghiên cứu tương lân được thực hiện với ý thức trách nhiệm, trên tinh thần đặc trưng cho sự hợp tác nghiêm túc và ý định tạo ra các kết quả có giá trị một cách [tr.47] khách quan. Cụm từ “Kết quả khách quan [objektiv] hợp lệ” xét cho cùng, chẳng có ý nghĩa gì ngoài những thứ đã được sàng sảy bằng sự phê bình lẫn nhau và hiện đang hứng chịu mọi chỉ trích. Nhưng làm sao có thể nghiên cứu thực sự và cộng tác thực sự, ở cái nơi có quá nhiều triết gia và vô số loại triết học như nhau? Chắc chắn là chúng ta vẫn có những đại hội triết học. Các nhà triết học gặp nhau, nhưng thật không may, đó lại không phải là các triết học. Các triết học thiếu sự thống nhất trong một không gian tinh thần mà ở đó chúng có thể tồn tại và tác động lẫn nhau.7 Có thể là, trong mỗi “trường phái” hoặc “dòng tư tưởng” khác nhau, tình hình lại có phần tốt hơn. Tuy nhiên, với sự tồn tại của những loại triết học cô lập này, thì toàn bộ triết học hiện tại về cơ bản chẳng khác gì những thứ mà chúng tôi đã mô tả.

Trong hiện tại bất hạnh này, chẳng phải hoàn cảnh của chúng ta cũng giống với hoàn cảnh mà Descartes đã gặp phải khi còn trẻ hay sao? Nếu vậy, thì đây chẳng phải là thời điểm thích hợp để đổi mới tính cấp tiến của ông, tính cấp tiến của triết gia khai mở: chịu sự lật đổ Cartesian đối với khối văn liệu triết học bao la với sự pha trộn của các truyền thống vĩ đại, của những khởi đầu mới tương đối nghiêm túc, của hoạt động văn chương có phong cách (vốn hy vọng “tạo ra hiệu quả” chứ không phải được nghiên cứu), và để bắt đầu với meditationes de prima philosophia những suy tư mới về triết học đầu tiên?. Chẳng lẽ sự chán nản trong quan điểm triết học của chúng ta rốt cuộc lại không thể bắt nguồn từ thực tế là các động lực phát ra từ Suy tư của Descartes đã mất đi sức sống nguyên thủy của chúng, bởi vì tinh thần đặc trưng cho tính cấp tiến của tính tự chịu trách nhiệm triết học đã bị mất đi? Phải chăng đòi hỏi về một nền triết học hướng tới sự tự do tối hậu có thể hình dung được khỏi định kiến, định hình chính nó với quyền tự chủ thực sự theo những bằng chứng tối hậu mà nó tự tạo ra, và do đó tuyệt đối tự chịu trách nhiệm, lại không phải là đòi hỏi này, thay vì thái quá, không phải là một phần ý nghĩa cơ bản của triết học chân chính? Trong thời gian gần đây, niềm khao khát về một triết học hoàn toàn sống động đã dẫn nhiều người đến cuộc phục hưng. Lẽ nào cuộc phục hưng hiệu quả duy nhất lại không phải là cuộc phục hưng tái đánh thức động lực của Suy tư Descartes: không chấp nhận nội dung của chúng mà, trong khi không làm như vậy, đổi mới với cường độ cao hơn tính triệt để của tinh thần chúng, tính triệt để tinh thần của chúng, tính triệt để tự chịu trách nhiệm, để tạo ra tính triệt để đó thực sự cho lần đầu tiên bằng cách nâng cao nó đến [tr.48] mức độ cuối cùng, / để lần đầu tiên khám phá ra ý nghĩa chân thực của sự thoái lui cần thiết đối với cái tôi [the ego], và do đó vượt qua sự ngây thơ tiềm ẩn nhưng đã được cảm nhận6 của việc làm triết học sớm hơn? Trong mọi trường hợp, câu hỏi chỉ ra một trong những cách đã dẫn đến hiện tượng luận siêu việt. Trên con đường đó giờ đây chúng ta dự định sẽ sóng bước cùng nhau. Theo kiểu gần như Descartes, chúng ta, với tư cách là những nhà triết học thực sự mới bắt đầu, dự định thực hiện các suy tư với sự thận trọng tối đa và sẵn sàng cho bất kỳ sự chuyển đổi sâu rộng nhất nào của các suy tư Cartesian-cũ. Những lầm lạc đầy cám dỗ, mà Descartes và các nhà tư tưởng sau này đã lạc vào, sẽ phải được làm rõ và tránh đi khi chúng ta theo đuổi con đường của mình.

Suy tư Đầu tiên – Con đường dẫn đến Bản ngã Siêu Việt

3. Lật đổ kiểu Cartesian và Ý tưởng Cuối cùng Dẫn đạo về Nền tảng Tuyệt đối8 của Khoa học

[Tr.48] Và vì vậy, chúng ta có một khởi đầu mới, mỗi người cho chính mình và trong chính mình, với quyết định của các nhà triết học, những người bắt đầu từ gốc rễ: trước tiên, chúng ta sẽ loại bỏ tất cả mọi niềm tin mà mình đã chấp nhận cho đến nay, bao gồm cả tất cả các khoa học của chúng ta. Hãy để ý tưởng hướng dẫn suy tư của chúng ta lúc đầu là ý tưởng Cartesian về một khoa học sẽ được thiết lập là một khoa học tuyệt đối chân thực, cuối cùng là một khoa học toàn diện. Nhưng, giờ đây chúng ta không còn có sẵn bất kỳ khoa học đã được-trao cho nào với tư cách là một ví dụ về khoa học chân thực triệt để (xét cho cùng, chúng ta không chấp nhận bất kỳ khoa học nào) là cái về tính không thể nghi ngờ của chính ý tưởng đó, cái ý tưởng cụ thể về một khoa học sẽ được tạo cơ sở tuyệt đối vững chắc. Đó có phải là một ý tưởng cuối cùng hợp thức, mục tiêu khả thể của một thực hành khả thể nào đó? Rõ ràng đó cũng là một cái gì đó mà chúng ta không giả định trước, chứ chưa nói đến việc sử dụng bất kỳ chuẩn mực nào như đã được thiết lập để thử nghiệm những khả tính như vậy hoặc có lẽ là cả một hệ thống chuẩn mực trong đó phong cách phù hợp với khoa học chân chính được cho là đã quy định. Điều đó có nghĩa là giả định trước toàn bộ logic như một lý thuyết khoa học; ngược lại, logic phải được bao gồm trong số các khoa học bị lật đổ trong việc lật đổ mọi khoa học. Bản thân Descartes đã giả định trước một lý tưởng về khoa học, thứ lý tưởng xấp xỉ bằng hình học và khoa học tự nhiên toán học. Như một định mệnh/định kiến, lý tưởng này quyết định các triết học [tr.49] trong nhiều thế kỷ và ngầm định chính các Suy tư. Rõ ràng, đối với Descartes, một chân lý hiển nhiên ngay từ đầu chính là khoa học bao trùm-tất cả phải có hình thức của một hệ thống diễn dịch, mà toàn bộ cấu trúc, ordine geometryo theo trật tự hình học, dựa trên một nền tảng tiên đề làm cơ sở cho diễn dịch tuyệt đối. Đối với ông, một vai trò tương tự như vai trò của các tiên đề hình học trong hình học được đóng vai trò trong khoa học-toàn diện bởi tiên đề về tính chắc chắn tuyệt đối của bản ngã về bản thân, cùng với các nguyên tắc tiên đề bẩm sinh trong bản ngã, mà chỉ nền tảng tiên đề này còn nằm sâu hơn các tiên đề của hình học và được kêu gọi đưa ngay cả tri thức hình học vào nền tảng tối hậu đó.9

Không có gì trong số đó sẽ xác định tư duy của chúng ta. Là những nhà triết học đầu tiên, chúng ta chưa chấp nhận bất kỳ lý tưởng khoa học định chuẩn nào; và chỉ khi sản xuất ra một triết học mới cho chính mình, thì chúng ta mới có thể có một lý tưởng như vậy. Nhưng điều này không ngụ ý rằng chúng ta từ bỏ tuyệt đối mục đích chung của nền tảng khoa học. Mục đích đó thực sự sẽ liên tục thúc đẩy quá trình suy tư của chúng ta, như nó đã thúc đẩy quá trình suy tư của Descartes; và dần dần, trong các suy tư của chúng ta, nó sẽ được xác định một cách cụ thể. Chỉ có điều chúng ta phải cẩn thận về cách chúng ta đặt nền tảng khoa học tuyệt đối cho mục tiêu của mình. Thoạt đầu, chúng ta không được giả định trước khả tính của nó. Vậy thì làm thế nào chúng ta có thể tìm ra cách hợp thức để biến nó thành mục tiêu của mình? Làm thế nào chúng ta có thể đảm bảo mục tiêu của mình một cách hoàn hảo, và do đó được đảm bảo như một khả tính thực tiễn? Sau đó, làm thế nào chúng ta phân biệt được cái khả tính, mà thoạt tiên chúng ta có một kiến giải chung, và do đó vạch ra tiến trình mang tính phương pháp quyết định của một triết học chân chính, một triết học cấp tiến bắt đầu từ những gì về bản chất là đầu tiên?

Đương nhiên, chúng ta có được ý tưởng chung về khoa học từ các ngành khoa học được đưa ra trên thực tế. Nếu chúng đã bắt đầu thích hợp với chúng ta, theo thái độ phê phán triệt để của chúng ta, chỉ là những khoa học được khẳng định mà không có bằng chứng, thì theo những gì đã nói, ý tưởng khái quát cuối cùng của chúng, theo một nghĩa tương tự, đã trở thành một giả định đơn thuần. Vì vậy, chúng ta vẫn chưa biết liệu ý tưởng đó có đủ năng lực trở thành hiện thực hay không.10 Tuy nhiên, chúng ta có nó ở hình thái này, và ở trạng thái tính tổng quát dễ biến đổi, không xác định; theo đó chúng ta cũng có ý tưởng về triết học: như một ý tưởng về thứ mà chúng ta không biết liệu nó có thể được hiện thực hóa hay không hoặc bằng cách nào.11 Do đó, chúng ta coi lý tưởng chung của khoa học như một giả định tiên quyết, mà chúng ta ngập ngừng cho phép bản thân, theo đó chúng ta ngập ngừng cho phép mình được hướng dẫn bằng các suy tư của mình. Chúng ta xem xét cách thức nó có thể được coi là một khả tính và sau đó xem xét liệu nó có thể được hiện thực hóa xác định hay không và bằng cách nào. Để chắc chắn, ban đầu chúng ta đi vào những tình huống khá kỳ lạ nhưng làm sao có thể / chúng có thể tránh được, nếu tính cấp tiến của chúng ta không phải là một cử chỉ [tr.50] trống rỗng mà trở thành một hành động thực sự? Chúng ta hãy tiếp tục với lòng kiên nhẫn của mình.

4. Ý nghĩa của khoa học với tư cách là hiện tượng noematic (ý nghĩa có tính ý hướng)

Rõ ràng một trong những điều đầu tiên giờ đây chúng ta cần thực hiện là làm rõ ý tưởng chủ đạo mà ngay từ đầu nó nổi lên trước mắt chúng ta như một khái quát mơ hồ. Khái niệm khoa học đích thực đương nhiên không được tạo ra bởi một quá trình trừu tượng hóa dựa trên sự so sánh de facto các ngành khoa học thực tế, tức là các cấu trúc lý thuyết (các định đề, lý thuyết) được ghi nhận một cách khách quan mà trên thực tế thường được chấp nhận là khoa học. Ý nghĩa của toàn bộ suy tư của chúng ta ngụ ý rằng các khoa học, với tư cách là những sự kiện của văn hóa Khách quan, và các khoa học “theo nghĩa chân lý và đích thực” không cần phải giống hệt nhau, và khoa học, hơn hết và trên hết là các sự kiện văn hóa, liên quan đến một yêu sách, lẽ ra phải được thiết lập như một cái mà chúng đã thỏa mãn. Khoa học với tư cách là ý tưởng, khoa học chân chính “nằm lỳ”, vẫn chưa được tiết lộ, chính xác trong tuyên bố này. Làm cách nào để có thể được khám phá và lĩnh hội ý tưởng này? Mặc dù chúng ta không được có bất kỳ lập trường nào đối với tính hợp lệ của các khoa học de facto thực tế (những khoa học “tuyên bố” tính hợp lệ), tức là liên quan đến tính xác thực của các lý thuyết của chúng và tương ứng, năng lực của các phương pháp lý thuyết hóa của chúng, không có gì để ngăn cản chúng ta “đắm mình trong nỗ lực khoa học và thực hiện những gì liên quan đến chúng để thấy rõ ràng và khác biệt những gì thực sự được nhắm tới. Nếu chúng ta làm như vậy,12 nếu chúng ta đắm chìm dần dần trong ý hướng đặc trưng của nỗ lực khoa học, các bộ phận cấu thành của ý tưởng cuối cùng chung, thì khoa học chân chính bắt đầu được kiến giải đối với chúng ta, mặc dù lúc đầu, sự khác biệt tự thân là khái quát.

Trước hết, đây thuộc về việc làm sáng tỏ ban đầu hành động “có tính phán đoán” tự thân“sự phán đoán”, cùng với sự phân biệt giữa các phán đoán tức thời và phán đoán trung gian: phán đoán trung gian có mối liên hệ-ý nghĩa với các phán đoán khác đến mức niềm tin có suy xét vào chúng “giả định” niềm tin vào những phán đoán khác này theo cách đặc trưng của một niềm tin vào việc giải thích một điều gì đó đã được tin tưởng. Đồng thời làm rõ việc nỗ lực để đạt được các phán đoán có căn cứ, làm rõ việc hành động làm căn cứ, trong đó thể hiện “tính đúng đắn”, “chân lý” của phán đoán [tr.51] hoặc trong trường hợp thất bại thì thể hiện tính không đúng đắn, sự giả dối, của phán đoán. Nơi có liên quan đến các phán đoán trung gian, bản thân sự thể hiện này là trung gian; nó dựa trên sự thể hiện gắn liền với các phán đoán trực tiếp liên quan đến ý nghĩa-phán đoán và, với tư cách cụ thể, bao gồm cả cơ sở của chúng. Đối với một nền tảng đã được thực hiện, hoặc với chân lý được thể hiện trong đó, người ta có thể “quay lại” theo ý muốn. Nhờ sự tự do này để tái hiện thực hóa một chân lý như vậy, với nhận thức về nó là một và giống nhau, đó là việc đạt được hoặc sở hữu lâu dài và, theo nghĩa hẹp, được gọi là một cognition - nhận thức.

Nếu chúng ta tiếp tục theo cách này (ở đây, đương nhiên, chúng ta chỉ biểu thị quy trình), thì khi giải thích chính xác hơn ý nghĩa của một nền tảng hoặc của một nhận thức, chúng ta sẽ đi đến ý tưởng về evidence - bằng chứng. Trong một nền tảng xác thực, các phán đoán tự thể hiện là “đúng”, là “đồng ý”; có nghĩa là, cơ sở là sự đồng ý của phán đoán với Urteilsverhalt trạng huống được phán đoán (chính sự việc hoặc phức hợp sự việc [Sachverhalf) “tự thân”. Nói chính xác hơn: Phán đoán là ý nghĩa và, như một quy tắc, chỉ giả định rằng cái này và cái kia tồn tại và có những quyết định như thế này, như thế kia; vậy là việc phán đoán (những gì được phán đoán) chỉ là một sự việc hoặc sự phức hợp của các sự việc thuần túy được giả định: một sự việc, tình trạng huống, với tư cách là cái có nghĩa. Nhưng, trái ngược với điều đó, đôi khi lại có một ý nghĩa phán đoán ưu việt [Meinen ngụ ý, một tình trạng hiện hữu phán đoán về tự thân cái này cái kia. Tình trạng hiện hữu này được gọi là bằng chứng. Trong đó, sự việc, phức hợp (hoặc trạng thái) của sự việc, thay vì chỉ có nghĩa là “từ xa”, lại hiện diện với tư cách là sự việc “tự thân”, phức hợp sự việc hoặc trạng thái “tự thân”] theo đó kẻ phán đoán sở hữu tự thân nó. Một hành động phán đoán đơn thuần giả định bắt đầu được điều chỉnh theo tự thân các sự việc, các phức hợp sự việc, bằng cách chuyển đổi có ý thức thành bằng chứng tương ứng. Sự chuyển đổi này vốn được mô tả là việc hoàn thành những gì đơn thuần có nghĩa, một sự tổng hợp trong đó những gì có ý nghĩa trùng hợp và đồng ý với những gì được tự thân trao cho; đó là sự sở hữu rõ ràng về tính đúng đắn của những gì trước đây có nghĩa ở cách xa với các sự việc.

Vậy là khi chúng ta tiến hành, thì các cấu thành cơ bản của ý tưởng cuối cùng chi phối mọi hoạt động khoa học sẽ ngay lập tức trình hiện. Ví dụ, nhà khoa học có ý định, không chỉ phán đoán, mà còn đặt cơ sở cho những phán đoán của mình. Nói chính xác hơn: Ông ta có ý định không để bản thân hoặc những người khác chấp nhận bất kỳ phán đoán nào là “tri thức khoa học”, trừ khi ông ta đã đặt nền móng cho nó một cách hoàn hảo và do đó có thể biện minh hoàn toàn cho phán đoán đó bất cứ lúc nào bằng cách quay trở lại hành động căn cứ có thể lặp lại của mình một cách tự do có thể hiện thực hóa. Trên thực tế, điều đó có thể không bao giờ vượt ra ngoài việc chỉ là một khẳng định đơn thuần; tại tất cả các sự kiện, khẳng định liên quan đến một mục tiêu lý tưởng. Tuy nhiên, còn một điều nữa cần được dẫn ra, [tr.52] để bổ sung cho những gì chúng tôi đã nói. Chúng ta phải phân biệt phán đoán theo nghĩa rộng nhất (một cái gì đó có nghĩa là hiện hữu) và bằng chứng theo nghĩa rộng nhất với phán đoán khẳng định và với bằng chứng khẳng định tương ứng. Khẳng định bao gồm bằng chứng tiền-khẳng định. Việc mà nó có nghĩa hoặc, may ra, được xem là rõ ràng nhận được biểu đạt khẳng định; và khoa học luôn có ý định phán xét một cách rõ ràng và giữ cho phán đoán về [hoặc?] chân lý được cố định, như một phán đoán rõ ràng hoặc như một chân lý rõ ràng. Nhưng việc biểu đạt như vậy có cách thức tương đối tốt hoặc xấu của riêng nó để phù hợp với cái có ý nghĩa hoặc tự thân được trao cho; và do đó nó có bằng chứng hoặc phi-bằng chứng riêng, điều này cũng lâm vào tình trạng khẳng định. Do đó, bằng chứng của biểu đạt cũng là một phần quyết định của ý tưởng về chân lý khoa học, với tư cách là những phức hợp khẳng định được hoặc có thể được đặt cơ sở một cách tuyệt đối.

5. Bằng chứng và ý tưởng khoa học chân chính

Khi chúng ta tiếp tục suy tư theo cách này và theo hướng này, chúng ta, những nhà triết học mới bắt đầu, nhận ra rằng ý tưởng Cartesian về một khoa học (cuối cùng là một khoa học bao trùm-tất cả) đặt cơ sở trên một nền tảng tuyệt đối, và được chứng minh một cách tuyệt đối, không gì khác hơn là ý tưởng không ngừng cung cấp hướng dẫn trong tất cả các ngành khoa học và trong nỗ lực hướng tới tính phổ quát của chúng trong bất kỳ tình huống nào có thể liên quan đến việc hiện thực hóa ý tưởng đó trên thực tế. Bằng chứng, theo một nghĩa cực kỳ rộng, là một “trải nghiệm” về một cái gì đó là, và là như vậy; nó chính xác là một cái nhìn tinh thần về tự thân cái gì đó. Xung đột với cái mà bằng chứng chỉ ra, với cái mà “kinh nghiệm” chỉ ra, dẫn đến cái phủ định của bằng chứng (hoặc bằng chứng phủ định) được đặt dưới dạng một phán đoán: bằng chứng khẳng định về cái không-hiện hữu của sự việc. Nói cách khác, bằng chứng phủ định có nội dung rõ ràng là tính giả. Bằng chứng, trên thực tế bao gồm toàn bộ trải nghiệm theo nghĩa thông thường và hẹp hơn, có thể ít nhiều hoàn hảo. Bằng chứng hoàn hảo cùng yếu tố tương liên chân lý xác thực và thuần khiết của nó được trao cho với tư cách là những ý tưởng nằm trong nỗ lực đạt được tri thức, để thực hiện dự định có ý nghĩa của người ta. Bằng cách dầm mình trong một nỗ lực như vậy, chúng ta có thể rút ra được các ý tưởng đó. Chân và giả, sự chỉ trích và so sánh phê phán với dữ liệu rõ ràng, là một chủ đề hàng ngày, không ngừng góp phần của chúng ngay cả trong cuộc sống tiền khoa học. Đối với cuộc sống hàng ngày này, với những mục đích tương đối và luôn thay đổi của nó, các bằng chứng tương đối13 và các chân lý là đủ đáp ứng. Nhưng khoa học [tr.53] tìm kiếm các chân lý có giá trị, và vẫn như vậy, một lần cuối cùng cho tất cả mọi người], theo đó, nó tìm kiếm những loại xác chứng mới, những xác chứng được thực hiện cho đến cùng. Mặc dù trên thực tế, như chính khoa học cuối cùng phải thấy, nó không hiện thực hóa được một hệ thống các chân lý tuyệt đối, nhưng thay vào đó nó buộc phải sửa đổi đi sửa đổi lại các “chân lý” của mình, cho dù nó vẫn tuân theo ý tưởng về chân lý tuyệt đối hoặc chân lý thực sự khoa học; và theo đó, nó tự hòa giải với một chân trời vô tận của các phép tính xấp xỉ, hướng về ý tưởng đó.

Nhờ đó, khoa học tin rằng, nó có thể vượt qua vô tận không chỉ sự hiểu biết hàng ngày mà còn cả bản thân nó nữa; tuy nhiên, tương tự như vậy bởi mục đích của nó là tính phổ quát có hệ thống của tri thức, cho dù mục tiêu đó liên quan đến một lĩnh vực khoa học khép kín cụ thể hay một sự thống nhất bao trùm-tất cả được giả định trước của bất cứ điều gì tồn tại như nó tồn tại nếu một “triết học” là khả thể và đang bị đặt vấn đề. Do đó, theo ý định, cái tư tưởng về khoa học và triết học liên quan đến một trật tự nhận thức, tiến triển từ nhận thức thực chất sớm hơn đến nhận thức thực chất muộn hơn], cuối cùng thì một điểm khởi đầu và một đường hướng tiến lên không được lựa chọn một cách võ đoán mà phải có cơ sở “trong bản chất của tự thân sự vật”. Do đó, bằng cách đắm mình suy tư vào những ý hướng chung của nỗ lực khoa học, chúng ta khám phá ra những phần cơ bản của ý tưởng cuối cùng, khoa học chân chính, là cái - mặc dù ban đầu còn mơ hồ - chi phối nỗ lực kia. Trong khi đó, chúng tôi không đưa ra phán đoán trước nào thiên về cái khả tính của những cấu thành đó hoặc thiên về một lý tưởng khoa học được cho là bất khả nghi ngờ. Vào thời điểm này chúng ta không được nói: “Tại sao phải bận tâm đến những nghiên cứu và xác quyết như vậy? Rõ ràng chúng thuộc về thứ lý thuyết tổng quát của khoa học, thuộc logic, đương nhiên phải được áp dụng cả bây giờ và sau này.” Ngược lại, chúng ta phải tự bảo vệ mình khỏi thứ quan điểm thuần túy mang tính vấn-đề-tất-nhiên này. Xin nhấn mạnh những gì chúng tôi đã nói chống lại Descartes: Giống như mọi khoa học đã-có-sẵn khác, logic không được chấp nhận bởi sự lật đổ phổ quát. Tất cả những gì làm cho một sự khởi đầu triết học trở nên khả thể, trước tiên chúng ta phải tự mình đạt được.14 Liệu, sau này, một khoa học đích thực tương tự như logic truyền thống có được tài bồi cho chúng ta hay không là một sự kiện có thể xảy ra mà hiện tại chúng ta không thể biết được.

Bằng công trình sơ bộ này, ở đây chỉ ra đại khái chứ không phải [tr.54] được thực hiện một cách dứt khoát, chúng tôi đã đạt được mức độ minh bạch đủ để cố định, cho toàn bộ quy trình tiếp theo của mình, một nguyên tắc phương pháp luận đầu tiên. Rõ ràng tôi, với tư cách là một người bắt đầu nghiên cứu triết học, vì tôi đang phấn đấu hướng tới mục đích có cơ sở, khoa học chân chính, không được đưa ra hay tiếp tục chấp nhận bất kỳ phán đoán nào là khoa học mà tôi không rút ra được từ các bằng chứng, từ các “kinh nghiệm” trong đó các sự việc và các phức hợp công việc được đề cập hiện diện với tôi như là “tự thân chúng”. Thật vậy, ngay cả khi đó tôi phải luôn suy nghĩ về bằng chứng thích hợp; tôi phải xem xét “phạm vi” của nó và tự mình làm rõ bằng chứng đó, mức độ “hoàn hảo” của nó, bản thân sự việc đưa ra thực tế, mở rộng đến đâu. Ở nơi mà điều này vẫn còn là mong muốn, thì tôi không được yêu cầu bất kỳ giá trị cuối cùng nào, mà tốt nhất phải coi phán đoán của tôi là một giai đoạn trung gian khả thể trên con đường đạt được giá trị cuối cùng. Bởi vì các ngành khoa học nhắm đến những khẳng định thể hiện hoàn toàn và hiển nhiên phù hợp với những gì được coi là khẳng định trước, nên rõ ràng là tôi cũng phải cẩn thận về khía cạnh này của bằng chứng khoa học.  Do tính không ổn định và mơ hồ của ngôn ngữ thông thường và thói tự mãn quá lớn của nó về tính hoàn chỉnh của cách biểu đạt, nên chúng ta yêu cầu, ngay cả khi sử dụng các phương tiện biểu đạt của nó, thì một quá trình hợp thức hóa mới của các cách biểu nghĩa bằng cách định hướng chúng theo những kiến giải tích lũy được và việc cố định của các từ với tư cách thể hiện các biểu nghĩa do đó được hợp thức hóa. Điều đó cũng được chúng ta tính đến như một phần của nguyên tắc chứng cứ định chuẩn của mình, mà chúng ta sẽ áp dụng một cách nhất quán kể từ bây giờ.

Nhưng nguyên tắc này, hoặc tất cả những suy tư của chúng ta cho đến lúc này, sẽ giúp chúng ta như thế nào, nếu nó không cho phép chúng ta tạo ra một khởi đầu thực sự, nghĩa là bắt đầu hiện thực hóa ý tưởng về khoa học chân chính? Vì hình thức thuộc về một trật tự có hệ thống của nhận thức mà nhận thức thực sự là một phần của ý tưởng này, nên xuất hiện, như là câu hỏi về sự khởi đầu, việc truy vấn những nhận thức đó tự nó là đầu tiên và có thể hỗ trợ toàn bộ tòa nhà tri ​​thức phổ quát. Do đó, nếu mục tiêu giả định của chúng ta có đủ năng lực trở thành một mục tiêu khả thể trên thực tế, thì những người suy tư chúng ta, trong khi hoàn toàn thiếu tri thức khoa học, phải [tr.55] tiếp cận với các bằng chứng đã mang dấu ấn phù hợp với chức năng như vậy, ở chỗ chúng có thể được nhận ra là có trước tất cả các bằng chứng có thể tưởng tượng khác.15 Hơn nữa, đối với bằng chứng có trước này, chúng phải có mức độ hoàn hảo nhất định, chúng phải mang theo mình một sự chắc chắn tuyệt đối, nếu tiến lên từ chúng và xây dựng trên cơ sở của chúng một khoa học được điều hành bởi ý tưởng về một hệ thống tri thức xác định xem xét tính vô hạn được coi là một phần của ý tưởng này phải là năng lực của tình trạng hiện hữu bất kỳ ý nghĩa nào.   

______________________________________

(Còn nữa…)

Nguồn: Edmund Husserl (1929, 1960). Cartesian Meditations An Introduction to Phenomenology, Translated by Dorion Cairns, Martinus Nijhoff Publishers. The Hague/Boston/London; First published in 1960.

Tác giả: Edmund Gustav Albrecht Husserl (1859 –1938) là một nhà triết học và toán học người Áo gốc Đức, đã sáng lập trường phái hiện tượng luận. Trong tác phẩm đầu tiên của mình, ông đã tiến hành phê phán chủ nghĩa lịch sử và chủ nghĩa tâm lý logic dựa trên các phân tích về tính ý hướng. Trong các công trình chím muồi của mình, ông đã tìm cách phát triển một khoa học nền tảng có hệ thống dựa trên cái gọi là quy giản hiện tượng luận. Lập luận rằng ý thức siêu việt đặt ra các giới hạn của tất cả các tri ​​thức khả thể, Husserl đã định nghĩa lại hiện tượng luận như một triết học duy tâm siêu việt. Tư tưởng của Husserl đã ảnh hưởng sâu sắc đến triết học thế kỷ 20, và ông vẫn là một nhân vật đáng chú ý trong triết học đương đại và hơn thế nữa. Thầy dạy toán của ông là Karl Weierstrass và Leo Königsberger, còn thầy dạy triết học là Franz Brentano và Carl Stumpf. Ông là giáo sư triết học tại tại Göttingen từ năm 1901, sau đó tại Freiburg từ năm 1916 cho đến khi ông nghỉ hưu vào năm 1928, sau đó ông vẫn làm việc rất hiệu quả. Năm 1933, theo luật phân biệt chủng tộc của Đảng Quốc xã, Husserl bị trục xuất khỏi thư viện của Đại học Freiburg do xuất thân là người Do Thái và vài tháng sau đó ông đã rời khỏi Deutsche Akademie. Sau một trận ốm, ông qua đời ở Freiburg năm 1938.

Notes

1 Translator's note: The Mediations are an elaboration of two lectures, entitled “Einleitung in die Transzendentale Phänomenotogie” (Introduction to Transcendental Phenomenology), that Husserl delivered at the Sorbonne on the twenty-third and twenty-fifth of February, 1929. See Strasser's introduction, Husserliana, Vol. I, p. XXIIL

2. Supplied in accordance with Typescript C. Cf. the French: "sur un fondement d'un caractere absolu".

3. Author's note : For confirmation of this interpretation see Lettre de Vauteur to the translator of the Principia (Descartes, Oeuvres, Adam and Tannery edition, Vol. IX, 1904, Part 2, pp. 1-20). Appended later: If someone were to object that, on the contrary, science, philosophy, takes its rise in the cooperative labor oi the scientific community of philosophers and, at each level, acquires its perfection only therein, Descartes' answer might well be: I, the solitary individual philosophizer, owe much to others; but what they accept as true, what they offer me as allegedly established by their insight, is for me at first only something they claim. If I am to accept it, I must justify it by a perfect insight on my own part. Therein consists my autonomy mine and that of every genuine scientist.

4. Translator's note: Sometimes Husserl uses Ego and Ich to express different senses. Since the homophony of I and eye makes the English noun I intolerable, Ich has been translated as Ego (spelled with a capital) and Ego has been translated as ego (spelled with a small letter).

5. Translator's note: Husserl frequently uses the words Gegenstand and Objekt to express importantly different senses. Having found no acceptable alternative to translating them both as object, I differentiate by spelling this word with a small letter when it represents Gegenstand and with a capital when it represents Objekt. All this applies, mutatis mutandis, in the case of any word derived from Gegenstand or Objekt. If the English word object, or a word derived from it, stands first in a sentence, the German word is given in brackets.

6. Later modified to read: we have an indeed literary, but not seriously scientific, philosophical literature growing beyond all bounds and without coherence.

7. The passage beginning "To be sure ..." marked for deletion.

8. Supplied in accordance with Typescript C and the French translation.

9. The passage beginning "Obviously it was . . ." marked for deletion.

10. This sentence marked for deletion.

11. Reading, with Typescript C, “als unbekannt ob und wie zu verwirklichende" instead of “als finer unbekannt ob und wie zu verwirklickenden” . Thus the published text (unlike either Typescript C or the French translation) relates the phrase to Philosophy rather than to idea.

12. Reading, with Typescript C, “Tun wir so”, instead of “Treten wir so”. Cf. the French; “Si, agissent de la sorte”.

13. Author's marginal note: They are relative, inasmuch as the sense of the everyday judgment, made at a particular time, relates that judgment to the judger's circumstances on that occasion.

14. Reading with Typescript C and the French translation. The published text may be rendered: "All that has been developed as beginnings of philosophy we must first acquire by ourselves."

15. Author's marginal note: As founding evidences! And absolutely certain.

 

 

 

 

 

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét