Powered By Blogger

Thứ Sáu, 14 tháng 5, 2021

Khảo cổ học Tiền sử Việt Nam và Đông Nam Á trước Ngưỡng cửa Thiên niên kỷ mới

Hà Hữu Nga

Trước ngưỡng cửa Thiên niên kỷ mới, hầu hết các nhà Khảo cổ học Đông Nam Á đang phải đối mặt với một câu hỏi lớn: Có cần đi tìm những cách tiếp cận mới, những công cụ phân tích mới cho khảo cổ học tiền sử không? Và tìm chúng ở đâu? Câu trả lời chắc chắn là có. Đó là tìm ở chính cội nguồn văn hóa và sự sáng tạo không ngừng của mình, cũng như ở những nền khảo cổ học hiện đại đạt được nhiều thành tựu khoa học. Nhưng điều đó thật chẳng dễ dàng chút nào, bởi chính những thói quen lâu đời của người nghiên cứu, và bởi cả những thiên kiến có tính chất ý thức hệ của các nền khảo cổ học khác nhau trên thế giới nữa. Nhưng dù sao cũng vẫn phải đi tìm. Cuộc tìm kiếm có thể bắt đầu, và trước hết hãy bắt đầu với môn nhân học, cho dù đối với Khảo cổ học Hậu quá trình thì Khảo cổ học Nhân học cũng đã trở thành Khảo cổ học truyền thống. Không phải ngẫu nhiên mà Lewis Binford đã đề xuất chương trình Khảo cổ học Mới của mình bằng bài báo Khảo cổ học là nhân học (1962). Không chỉ có thế, người ta còn khẳng định rằng Khảo cổ học là Nhân học hoặc không là cái gì cả (Willey and Phillips 1958). Đặc biệt Khảo cổ học Mới mắc nợ nhân học sinh thái trước hết ở quan niệm nền tảng của nó về văn hóa như là các hệ thống thích ứng của các hành vi. Quá trình phát triển môn sinh thái học người được đánh giá là một cố gắng nhằm đưa môn nhân học thoát khỏi ngõ cụt lý thuyết bằng cách nhìn nhận các hệ thống xã hội là những hệ thống mở chứ không phải là những hệ thống đóng. Chính khái niệm sinh thái học văn hóa của J. Steward (1955: 337-344) đã khiến cho người ta thừa nhận rằng “các sự kiện xã hội” không chỉ được lý giải bởi “các sự kiện xã hội” mà còn bởi “các sự kiện sinh thái” nữa. Theo cách nhìn này, mô hình các hệ thống sinh thái người đã mô tả các hệ thống xã hội trong các mối tương tác với các hệ thống sinh thái nói chung. Sự tiến hóa của nó là một loạt các quá trình biến đổi, thích nghi, và những bức bách dẫn tới biến đổi có thể bắt nguồn từ cả hai hệ thống đó (Rambo 1983: 23-29).

Khi coi mô hình các hệ thống là một công cụ phân tích chủ chốt, không những thế, mà còn là một mô hình nhận thức để xem xét các xã hội, Khảo cổ học Mới không dùng khái niệm “văn hóa khảo cổ” . Ngược lại, nó sử dụng khái niệm “các hệ thống văn hóa” của nhân học, và định nghĩa các hệ thống đó là các hành vi, các lề thói, các hành động do con người tạo ra trong quá trình tương tác với môi trường (tự nhiên và xã hội) và đến lượt mình, tất cả các hành vi đó lại hướng dẫn con người sống trong các hệ thống của mình. Với quan niệm như vậy, Khảo cổ học Mới nghĩ rằng nó đã thoát khỏi khung khái niệm văn hóa khảo cổ, để nắm bắt và làm sống lại các quá trình hành vi của con người trong quá khứ.

Khuynh hướng không dùng khái niệm văn hóa khảo cổ thể hiện rất rõ đối với trường hợp các nhà tiền sử học phương Tây nghiên cứu Đông Nam Á nói chung và nghiên cứu các vấn đề thuộc văn hóa Hòa Bình nói riêng. Có lẽ người phương Tây cuối cùng trung thành với khái niệm văn hóa khảo cổ trong việc nghiên cứu một cách hệ thống trường hợp Hòa Bình là J.M. Matthews, nhưng cũng đã khá lâu rồi (Matthews J.M., 1964), và đối với ông đó là văn hóa “đá giữa”. Trước ông, người đi tìm một khái niệm khác thay thế cho khái niệm văn hóa là trường hợp van Heekeren với khái niệm “kỹ nghệ công cụ đá cuội Hòa Bình” (1957). Sau đó F.L. Dunn cho rằng khái niệm “kỹ nghệ” cho Hòa Bình là không ổn, vì nó chỉ dựa vào hệ thống kỹ thuật, mà không bao gồm các khía cạnh khác của hệ thống văn hóa, nên ông đã sử dụng khái niệm “truyền thống” theo định nghĩa khái niệm truyền thống của Willey và Phillips (Dunn 1970 - 1975). Nhưng có lẽ khái niệm “phức hợp kỹ thuật” do Gorman mượn của D. Clarke để áp dụng cho Hòa Bình là gây nhiều tranh luận mang tính thời sự hơn cả, bởi vì đơn giản là nó rất thời thượng khi dựa trên những thành quả mới nhất của ngành tin học và điều khiển học, với một cơ chế trao đổi thông tin bao giờ cũng là cơ chế phức hợp (Gorman Ch., 1969, 1970, 1971).

Có lẽ đi xa nhất trong lĩnh vực danh pháp học áp dụng cho việc nghiên cứu các vấn đề Hòa Bình là Rasmi Shoocongdej. Trong luận án Tiến sỹ được bảo vệ tại Đại học Michigan Hoa Kỳ năm 1996, cô đã tiến hành phê phán tất cả các khái niệm, các thuật ngữ, các quan niệm đã có liên quan đến vấn đề Tiền sử Đông Nam Á nói chung, và đặc biệt là các vấn đề Hòa Bình nói riêng, để rồi đi đến kết luận là cần phải loại bỏ không chỉ khái niệm “văn hóa Hòa Bình” ra khỏi công cuộc nghiên cứu Tiền sử Đông Nam Á (Rasmi Shoocongdej 1996: 342). Thay vào đó, R. Shoocongdej dùng khái niệm quen thuộc của nhân học sinh thái là “các hệ thống văn hóa”. Đặc biệt là cách cô nhìn nhận mục đích của khảo cổ học Việt Nam trong việc nghiên cứu lịch sử văn hóa, và trong việc sử dụng khái niệm văn hóa khảo cổ là “dân tộc chủ nghĩa”, và “làm rối” công cuộc nghiên cứu tiền sử Đông Nam Á (Rasmi Shoocongdej 1996: 94,110,111; 1999: 7). Nhưng cho đến nay vẫn chưa có bất cứ một thảo luận trực tiếp nào với các quan điểm của cô, kể cả từ phía các nhà khảo cổ Việt Nam.

Ngoài ra khuynh hướng tiếp cận nhân học chính trị cũng có chiều hướng phát triển trong việc nghiên cứu tiền sử Đông Nam Á. Đó là một số nhà Khảo cổ học Mỹ đang cố gắng áp dụng mô hình tiến hóa nhóm – bộ lạc – thủ lĩnh địa – quốc gia để lý giải tiền sử, sơ sử và cả lịch sử Đông Nam Á. Điển hình cho khuynh hướng này là J.C. White và E.A. Bacus. White đã có cả một công trình khảo cứu khá công phu dựa trên cách tiếp cận đưa khái niệm phi thứ bậc (mô hình mạng) vào lý thuyết phát triển chính trị-xã hội để nghiên cứu trường hợp “các xã hội phức hợp” Đông Nam Á. Theo White, có ít nhất 4 mô hình có thể được coi là phi thức bậc trong vùng hạch Đông Nam Á lục địa, tối thiểu từ thiên niên kỷ II TCN. Đó là 1) Đa nguyên văn hóa; 2) Các nền kinh tế bản địa được đặc trưng bởi: a) Đơn vị sản xuất dựa trên cơ sở hộ; b) Cơ chế xếp lớp đa trung tâm, cạnh tranh trong việc phân phối hàng hóa, chứ không phải là những độc quyền được kiểm soát bởi một trung tâm duy nhất; 3) Hệ thống vị thế xã hội có khuynh hướng linh động và thiên về thành đạt cá nhân; 4) Giải pháp xung đột và các chiến lược tập trung hóa chính trị có khuynh hướng tạo thành liên minh với các động cơ cạnh tranh – hợp tác ở trung tâm và có thể thỏa thuận định kỳ thông qua chiến tranh, kiểm soát, chinh phục hoặc các động cơ bạo lực khác (White 1995: 104).

Ngược lại với White, E.A. Bacus lại tìm hiểu và lý giải những phát triển bất bình đẳng trong các xã hội phức hợp Đông Nam Á muộn, nơi mà trật tự phân cấp được gán vào từ bên ngoài và đã xuất hiện cấu trúc chính trị tập trung với sự phân cấp ra quyết định ngoại sinh, dựa trên các dữ kiện nhân học và khảo cổ học tại Phillipines và Malaysia. Chẳng hạn Bacus tiếp cận với thực thể chính trị Melaka, với tư cách là một chính thể khai thác các chiến lược mạng, mà quyền lực độc nhất giành được thông qua việc sử dụng hệ thống hàng hóa uy tín để kiểm soát người lao động và các chiến binh. Bacus xem xét bản chất quyền lực theo một quan niệm ngược lại với quan niệm truyền thống phương Tây. Nếu đối với phương Tây, quyền lực được hiểu là sự cưỡng bức người khác phải tuân theo thì trong trường hợp các xã hội phức hợp Đông Nam Á, quyền lực được hiểu là một thứ “quyền năng thiêng liêng, bí ẩn và vô hình” là một thứ sinh khí vũ trụ, các thủ lĩnh tìm kiếm để tích lũy nó chứ không phải để thực thi. Vì là vô hình, nên các quyền lực chỉ được nhận biết thông qua các dấu hiệu của nó. Các dấu hiệu ấy có thể là uy tín, của cải, hàng hóa, và đặc biệt là các hàng hóa nước ngoài, và những người tùng phục …vv (Bacus E.A. 1999, Bacus E.A. and L.J. Lucero (eds) 1999).

Tóm lại bước vào thiên niên kỷ mới, Khảo cổ học Việt Nam cũng như Khảo cổ học Đông Nam Á đang phải đối đầu với cuộc “cạnh tranh” quyết liệt của nhân học. Không chỉ có cạnh tranh, khảo cổ học cũng đang chứng kiến một quá trình xâm nhập và khuyếch trương ảnh hưởng to lớn của nhân học đối với bản thân nó. Các dự án nghiên cứu nhân học đối với khu vực Đông Nam Á chứa đầy tham vọng, đặc biệt là khi Đông Nam Á đang có những chuyển biến tích cực trên con đường phát triển của mình. Trước những ảnh hưởng mạnh mẽ của các trường phái khảo cổ học thế giới, hơn bao giờ hết, các nhà khảo cổ học Đông Nam Á đã nhận thấy một nhu cầu bức bách là cần phải nghiên cứu, đề xuất các chương trình nghiên cứu liên quốc gia, tăng cường trao đổi thông tin, thống nhất hệ thống thuật ngữ, thay đổi lối tiếp cận (CARM 1999), tăng cường phương pháp diễn dịch và nghiên cứu định hướng vấn đề. Tuy nhiên dường như khảo cổ học Đông Nam Á vẫn còn phải đi tìm điểm xuất phát đích thực của mình trước thềm thiên niên kỷ mới – cái điểm xuất phát còn thiếu ấy chính là các lý thuyết khảo cổ học của riêng nó – mà các lý thuyết chỉ có thể tìm thấy được khi nó quay trở về với cội nguồn văn hóa của mình.

__________________________________   

Nguồn: Hà Hữu Nga (2001). Khảo cổ học Tiền sử Việt Nam và Đông Nam Á trước Ngưỡng cửa Thiên niên kỷ mới. Trong Những phát hiện mới về Khảo cổ học năm 2000, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, tr. 63-66.

Tài liệu dẫn

Bacus, E.A., (1999). The Interplay of Western Archaeological Theories and Southeast Asian Archaeology: Insights from the Past and Consideration for Future. International Colloquium on Archaeology in Southeast Asia in the 3rd Millennium in Conjunction with the 30th Anniversary of University Sain Malaysia 27th-29th September, 1999 in Penang, Malaysia.

Bacus, E.A., and L.J. Lucero (1999). Complex Polities in the Ancient Tropical World, edited by E.A. Bacus and L.J. Lucero, 1–11. Archeological Papers of the American Anthropological Association No. 9. Arlington, VA: American Anthropological Association, pp.217-225.

CARM (Center for Archaeological Research Malaysia) (1999). Final Report, International Colloquium on Archaeology in Southeast Asia in the 3rd Millennium in Conjunction with the 30th Anniversary of University Sain Malaysia 27th-29th September, 1999 in Penang, Malaysia.

Dunn F.L. (1970). Cultural Evolution in the Late Pleistocene and Holocene of Southeast Asia. American Anthropologist 72: 1-28. 

Dunn F.L. (1975). Rain-Forest Collectors and Traders: A Study of Resource Utilization in Modern and Ancient Malaysia. Monographs of the Malaysia Branch Royal Asiatic Society No.5, Kuala Lumpur. 

Gorman, Chester (1969). Hoabinhian: a pebble-tool complex with early plant associations in Southeast Asia. Science 163: 671-673. 

Gorman, Chester (1970). Hoabinhian: a pebble-tool complex with early plant associations in South-East Asia. Proceedings of the Prehistoric Society 35: 355-358. 

Gorman, Chester (1971). The Hoabinhian and after: subsistence patterns in Southeast Asia during the late Pleistocene and early Recent periods. World Archaeology 2(3): 300-320. 

Heekeren H.R. van (1972). The Stone Age of Indonesia. Nijhoff, the Hague.

Matthews J.M. (1964). The Hoabinhian in Southeast Asia and Elsewhere. Ph.D. Dissertation, Australian National University, Canberra, Australia.

Rambo A.T., (1983). Conceptual Approaches to Huamn Ecology. East-West Environment and Policy Institute. Research Repot No.14.

Shoocongdeij, Rasmi (1996). Forager Mobility Organization in Seasonal Tropical Environments: A View from Lang Kamma Cave. Western Thailand. Ph.D. Dissertation in Anthropology, Michigan University.

Shoocongdeij, Rasmi (1999). The Penang’s Talk, International Colloquium on Archaeology in Southeast Asia in the 3rd Millennium in Conjunction with the 30th Anniversary of University Sain Malaysia 27th-29th September, 1999 in Penang, Malaysia.

Steward J.H. (1955). Theory of Culture Change. Urbana, University of Illinois Press.

White J.C. (1995). Incorporating Heterarchy into Theory on Socio-Political Development: the Case from Southeast Asia. Heterarchy and the Analysis of Complex Societies. Archaeological Papers of the American Anthropological Association, No. 6.

Willey G.R. and P. Phillips (1958). Method and Theory in American Archaeology. University of Chicago, Chicago.  

 

 

 

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét