Powered By Blogger

Thứ Sáu, 7 tháng 5, 2021

Khảo cổ học Đông Bắc Việt Nam từ những hệ thống sinh thái nhân văn tới các cấu trúc xã hội tiền nhà nước (II)

Hà Hữu Nga

5. Mô hình

5.1. Mô hình vùng Mai Pha

Mai Pha là một cấu trúc xã hội vùng dựa trên hệ thống sinh thái nhân văn sơn khổi đá vôi Bắc Sơn. Cho đến bây giờ vẫn chưa có tư liệu chi tiết về cơ sở kinh tế của cư dân Mai Pha. Tuy nhiên dưới góc độ sinh thái, người Mai Pha sống trong các thung lũng thượng nguồn sông Thương, sông Kỳ Cùng, trong lưu vực của con sông Rồng và sông Trung. Địa bàn này án ngữ con đường thông thương trao đổi giữa các cư dân thuộc lưu vực sông Hồng ở Việt Nam và sông Tả Giang, Hữu Giang ở Quảng Tây (Trung Quốc). Ngoài ra địa bàn Mai Pha cũng đóng vai trò là cầu nối giữa vùng ven biển Đông Bắc Việt Nam với những bộ phận cư dân khác tại cực bắc Việt Nam (văn hóa Hà Giang) và các cộng đồng người bên kia biên giới.

Ở vị trí đó, tuy là một mô hình tổ chức xã hội miền núi, nhưng người Mai Pha không sống biệt lập. Ngược lại, các mối liên hệ kinh tế, văn hóa, xã hội và tộc thuộc của cư dân này khá nhiều chiều về phương diện địa lý, vùng Mai Pha là một trong những cửa ngõ quan trọng nhất mở xuống châu thổ sông Hồng qua hệ thống sông Thương, sông Cầu. Có thể thấy rất rõ mối tương đồng văn hóa không thể chối cãi giữa cư dân Mai Pha và cư dân Phùng Nguyên qua tập hợp rùi bôn tứ giác, đồ trang sức và đồ gốm (dọi xe chỉ) (Hà Hữu Nga, Nguyễn Cường 2001: 232).

Xã hội Mai Pha không đơn giản chỉ là một mô hình nông nghiệp thung lũng chân núi. Nhiều khả năng đây là một xã hội phức hợp làm nông, khai thác, thu lượm, làm gốm, đặc biệt là một trung tâm trao đổi Núi – Biển, Núi – Đồng bằng, Núi – Núi. Chỉ một quãng ngắn vượt qua đường phân thủy giữa thượng nguồn sông Kỳ Cùng và hệ thống sông suối đổ xuống các cửa sông Tiên Yên – Quảng Hà (Quảng Ninh) là đã có một con đường giao thông Núi – Biển giữa cư dân Mai Pha và cư dân Hạ Long. Trong khu vực phân bố của cư dân Mai Pha đã tìm thấy vỏ ốc biển Cyprea phổ biến ở vùng vịnh Hạ Long, thấy bôn có vai có nấc, gốm pha vỏ nhuyễn thể, các motif hoa văn chắp thêm, hoa văn trổ lỗ điển hình Hạ Long. Việc trao đổi lâm sản, nguồn nguyên liệu đá của cư dân Mai Pha để có được muối, ngọc trai, vỏ ốc và các loại hải sản khác của cư dân Hạ Long là chắc chắn. Tại hang Phai Vệ II, cùng với rùi mài có vai, gốm màu Mai Pha là một kho nguyên liệu đá tướng granite được chuẩn bị thành những khối nhỏ (1-2kg) vuông vắn. Đó có thể là một thứ hàng hóa nguyên liệu.

Các bằng chứng liên hệ giữa Mai Pha và các xã hội phức hợp khác tại vùng châu thổ sông Hồng, sông Mã và thậm chí xa hơn nữa về phía nam có thể thấy qua tư liệu gốm, đặc biệt là các dọi xe chỉ, kỹ thuật gốm màu, đồ trang sức bằng đá ngọc và bộ công cụ rùi bôn tứ giác, phần lớn có chất liệu là đá bán quý và đá ngọc. Nhiều khả năng khu vực sơn khối đá vôi Bắc Sơn và vùng phụ cận, địa bàn của cư dân Mai Pha là một trong những nguồn cung cấp nguyên liệu đá quý và bán quý cho hệ thống công xưởng chế tác đá ở vùng châu thổ sông Hồng. Ngoài những bằng chứng tương đồng về gốm, bộ công cụ đá mài giữa Mai Pha và Phùng Nguyên, trên địa bàn của cư dân Phùng Nguyên còn phát hiện được các “dấu Bắc Sơn”, một chứng cứ chắc chắn về mối liên hệ giữa hệ thống sinh thái sơn khối Bắc Sơn và hệ thống sinh thái nhân văn châu thổ sông Hồng.

Người Mai Pha rõ ràng có một tư duy phát triển cao. Đồ gốm và bộ công cụ đá của họ đều rất trang nhã và tinh xảo. Các kỹ thuật xử lý gốm màu, hoa văn khắc vạch, pha chế nguyên liệu và nung gốm đều ở trình độ hoàn thiện. Điều đáng kinh ngạc là hoa văn gốm Mai Pha làm thành một hệ thống biểu tượng riêng, khó trộn lẫn với biểu tượng trên đồ vật của bất cứ nhóm cư dân nào khác. Trên hai mảnh gốm còn phát hiện được văn khắc hình động vật có sừng, nối đuôi nhau – có lẽ là một loài hươu. Rất có thể biểu tượng này đã gia nhập vào hệ thống biểu tượng trên trống đồng Đông Sơn ở giai đoạn sau như một bằng chứng về yếu tố núi trong quá trình hội tụ để tạo dựng nền văn minh Đông Sơn. Và như vậy, xã hội phức hợp Mai Pha không chỉ đóng góp các nguồn nguyên vật liệu, các nguồn hàng hóa cho vùng châu thổ sông Hồng, mà nó còn đóng góp cả nguồn nhân lực có kỹ năng cao – một nguồn vốn trí tuệ thời cổ đại – là các thợ thủ công làm gốm, làm đá, hoặc chí ít thì cũng là tri thức, kinh nghiệm của họ cho nền văn minh Việt cổ.

Về phương diện cấu trúc xã hội, cộng đồng vùng Mai Pha có lẽ bao gồm những nhóm người thuộc các nguyên tộc khác nhau. Những khác biệt giữa phong cách gốm Phia Điểm và gốm ở địa điểm Mai Pha phần nào thể hiện điều đó. Hơn nữa đây lại là một trong những tâm điểm của các luồng di dân: Bắc xuống, Nam lên, Đông vào, Tây sang…cho nên không thể có một cấu trúc tộc thuộc thuần nhất trong địa bàn vào thời điểm đầy biến động trước ngưỡng cửa của văn minh sơ kỳ Kim khí ấy. Tuy nhiên đối với xã hội phức hợp này, tộc thuộc chỉ là một trong rất nhiều yếu tố làm nên cấu trúc, hơn nữa, đó lại không phải là nhân tố đóng vai trò trung tâm. Các quyết định hình thái tổ chức quyền lực vùng ở đây chính là các mô hình phân công lao động, cấu trúc xã hội và cơ chế quyền lực.

Giống như một trạm trung chuyển văn hóa, Mai Pha là một xã hội có các đầu vào ngoại sinh phong phú. Các yếu tố biển trong phong cách trang trí hoa văn gốm, những chiếc vỏ ốc Cyprea, kỹ thuật pha vỏ nhuyễn thể để tạo chất liệu gốm…đã chứng tỏ cư dân Mai Pha có những hoạt động trao đổi, buôn bán đường dài. Đây không chỉ là đầu vào của các nguồn hàng hóa, mà nó còn là đầu vào của các dòng thông tin, trong đó có những dòng thông tin đóng vai trò định hướng phát triển cho cộng đồng này. Mối liên hệ giữa cư dân Mai Pha và các xã hội phức hợp đang bước vào ngưỡng cửa văn minh ở vùng châu thổ sông Hồng chính là một nguồn thông tin quan trọng nhất đối với xã hội Mai Pha. Tuy nhiên, không phải bất cứ thành viên nào trong cộng đồng Mai Pha cũng có thể có những mối liên hệ với các xã hội khác. Khả năng ấy phụ thuộc vào phân công lao động, cấu trúc xã hội và cơ chế quyền lực của xã hội Mai Pha.

Trong bất cứ một tổ chức vùng nào cũng có một nhóm các thành viên có nhiều lợi thế hơn đa số còn lại. Họ tập hợp thành giới tinh hoa trí thức, kinh tế, xã hội, hoặc chính trị. Họ là một phụ hệ thống khép kín, vừa đóng vai trò trung tâm hệ thống quyền lực trong xã hội của họ tính theo địa vực, họ lại vừa là phụ hệ thống của một trung tâm quyền lực khác, thuộc vào một xã hội chi phối xã hội của họ. Cấu trúc đó tạo nên xu hướng hướng tâm của quyền lực vùng; ly tâm chỉ xuất hiện khi các xã hội trung tâm đã không còn đủ mạnh. Nhưng tình trạng đó thường xuất hiện vào những giai đoạn sau của quá trình lịch sử.

Cho đến nay chúng ta vẫn chưa có đủ dữ kiện để phục dựng lại một cách hoàn chỉnh cấu trúc nội sinh của xã hội Mai Pha. Tuy nhiên một số mô hình cư trú cũng phần nào giúp hình dung về các cấu trúc đó. Trước hết, có thể lây địa điểm Mai Pha làm một trường hợp để nghiên cứu. Di chỉ Mai Pha nằm giữa thung lũng nhỏ Mai Pha, bên cạnh dòng sông Kỳ Cùng. Có thể coi loại hình cư trú của cư dân Mai Pha ở đây như một thứ nhà dài của các cộng đồng cư dân Tây Nguyên. Một nhà dài được coi là một hộ, trung bình có khoảng từ 4 – 10 gia đình hạt nhân, mà mỗi gia đình hạt nhân có khoảng 5-6 người gồm hai vợ chồng và 2-3 đứa con của họ. Địa điểm Mai Pha có thể là có 2-3 “nhà dài” như vậy. Và dân số trung bình ở đây là khoảng 100 người. Hệ thống sinh thái cung cấp các nguồn cho họ gồm: 1) Nông nghiệp trồng lúa và hoa màu trong phạm vi thung lũng và các sườn núi đất bao quanh; 2) Phát triển nghề làm vườn ở chân núi đá vôi phía bắc; 3) Khai thác nguồn thủy sinh trên sông Kỳ Cùng; 4) Săn bắt trên các quả núi đất; 5) Hái lượm ở mọi loại phụ hệ thống sinh thái trong khu vực; 6) Khai thác nguồn nguyên liệu đá gồm cả đá quý và đá bán quý; 7) Khai thác đất sét phát triển nghề gốm; 8) Chăn nuôi gia súc, gia cầm; 9) Trao đổi đường dài…

Cho đến nay khảo cổ học chưa đưa ra được một bằng chứng nào có thể giúp hình dung về cơ chế và các hoạt động quân sự trong xã hội Mai Pha. Vì vậy chúng ta buộc phải tiếp cận vấn đề bằng phương pháp diễn dịch. Về phương diện địa quân sự, không thể chối cãi được rằng khu vực cư trú của cư dân Mai Pha là một địa bàn chiến lược. Đây là một trong những cửa ngõ thuận lợi nhất cho các hoạt động quân sự tấn công xuống vùng châu thổ sông Hồng từ phía bắc. Và đây cũng là vị trí hiểm yếu để phòng thủ, ngăn chặn các cuộc tấn công từ phía bắc xuống và từ phía nam lên. Xã hội Mai Pha tồn tại và phát triển được tại một vùng cửa ngõ như vậy không thể thiếu một cơ cấu quân sự mạnh.

Về phương diện sinh thái, các nhân tố tham gia vào một cơ cấu quân sự không chỉ là con người, mà còn là tính chất lợi hại của địa hình nữa. Đối với người lạ, với đội quân lạ thì địa hình vùng Mai Pha hoàn toàn là một mê hồn trận. Hơn nữa những người dân sơn cước Mai Pha bẩm sinh đã là những chiến binh: giữ đất, giữ rừng, giữ các nguồn, săn bắn, buôn bán đường dài, khai thác sản phẩm rừng…đều đòi hỏi mỗi thành viên trong cộng đồng những phẩm chất của người lính. Vì thế mà thượng võ là truyền thống hàng đầu của biết bao thế hệ người dân nơi đây. Và biết đâu trong di sản quân sự của nền văn minh Đông Sơn, đặc biệt là của quốc gia Âu Lạc, cây nỏ, một loại vũ khí lợi hại, lại có xuất xứ từ những chiến binh sơn cước Mai Pha?

Và vẫn còn một câu hỏi lớn đặt ra cho người nghiên cứu mô hình vùng Mai Pha là ý thức hệ nào thống trị trong xã hội Mai Pha? Câu trả lời dễ dàng và đơn giản nhất là: Vật linh giáo. Nhưng câu trả lời ấy không thể làm thỏa mãn được người hỏi. Vật linh giáo là một yếu tố của ý thức hệ, nhưng bản thân nó không làm thành một ý thức hệ xã hội phức hợp như xã hội Mai Pha. Giống như hầu hết các cộng đồng miền núi khác, trong hệ thống vật linh giáo Mai Pha có thể bao gồm các thần núi, thần đá, thần nước, thần cây, các loại thần gây ra mây mưa, sấm chớp, gió bão, thần mặt trời, mặt trăng, các vì sao…Nhưng lực lượng nào điều hành hệ thống các thần ấy? Hoặc vị thần nào là tối cao, có uy lực chi phối toàn bộ các thần? Hoặc mối quan hệ giữa các thần là bình đẳng, ai lo phận người ấy? Về phương diện này chúng ta biết rằng cấu trúc xã hội thần linh phản ánh thực chất cấu trúc xã hội loài người. Còn nguồn năng lượng của thần linh chính là nguồn năng lượng của các sự vật, hiện tượng tự nhiên mà con người không thể chế ngự nổi, kể cả bằng trí tưởng tượng. Và nhịp cầu nối hai xã hội: Con người – Thần linh chính là đội ngũ thầy cúng, các pháp sư, những người thợ thủ công tinh xảo, những người bào chế thuốc và đặc biệt là những giấc mơ của các thành viên trong cộng đồng, mà ngày nay người ta gọi là hiện tượng báo mộng.

Quan niệm về nguồn năng lượng siêu nhiên của thần linh ít nhiều ẩn chứa trong hệ thống biểu tượng – hoa văn gốm – của người Mai Pha. Giống như nhiều cư dân đang bước vào ngưỡng cửa của văn minh, xã hội Mai Pha cũng đi tìm một hướng tâm quyền lực – quyền lực thần linh, nhưng thực ra là quyền lực trên trần thế trong chính xã hội Mai Pha. Biểu hiện của quyền lực hướng tâm thể hiện rất rõ trên hoa văn gốm Mai Pha, đặc biệt là trên những dọi xe sợi bằng đất nung ở hang Ba Xã và ở di chỉ Mai Pha. Có hai cách biểu hiện hướng tâm tĩnh và động. Hoặc nói cách khác là ẩn và hiện. Biểu tượng hướng tâm tĩnh là 6 đường khắc vạch từ lỗ tròn ở tâm dọi xe sợi ra đến mép theo cặp, mỗi cặp hai vạch thẳng. Đó là hoa văn trên dọi xe sợi mang ký hiệu 96MPII(c)547 (Mai Pha). Biểu tượng hướng tâm động là những vạch đơn gồm những đường cong cách đều nhau từ lỗ tròn ở tâm dọi xe sợi ra đến mép, mô tả hướng chuyển động quay ngược chiều kim đồng hồ, cũng là chiều quay của hệ thống biểu tượng trên mặt trống đồng Đông Sơn. Đó là hoa văn trang trí trên dọi xe sợi, ký hiệu 96MPII(b)414, cũng thuộc di chỉ Mai Pha.        

Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng những loại hoa văn như vậy là biểu tượng của tục thờ thần mặt trời. Có thể điều đó không sai, nhưng tính đa nghĩa của hệ thống biểu tượng nguyên khởi không cho phép ta yên tâm chấp nhận cách lý giải đơn nghĩa ấy. Còn một lớp nghĩa khác tiềm ẩn sâu hơn sau động thái thờ thần mặt trời chính là biểu hiện hạt nhân, trung tâm điểm của một cấu trúc không gian xã hội. Về mặt chức nghiệp xã hội, đại diện cho cái trung tâm cấu trúc quyền lực ấy có thể mang nhãn hiệu là tộc trưởng, thủ lĩnh (vùng), vua, chúa, đại vương, Pơ Tao, Pò Khun, Chậu, v.v…Nhưng về vai trò xã hội, nhân vật trung tâm đó, cái mặt trời trần thế đó phải là nơi phát ra những quyết định  và kiểm soát việc thực thi các quyết định đó một cách hợp pháp – có nghĩa là phù hợp với lợi ích của toàn thể cộng đồng mà nhân vật đó đại diện. Về phương diện này, ý thức hệ của cấu trúc quyền lực vùng Mai Pha là ý thức hệ của một xã hội dân chủ quân sự.

Một xã hội tiền nhà nước mang tính quân sự trước hết phải là một cộng đồng thường trực bảo vệ mình và tấn công cộng đồng khác bằng những hoạt động quân sự. Điều đó cũng chứng tỏ quân sự là một phương thức tồn tại và phát triển chủ đạo của xã hội đó. Như thế quá trình nhập văn hóa (enculturation) và các nghi lễ chuyển hóa đối với các bé trai phải là quá trình định hướng để trở thành các chiến binh tương lai. Đặc biệt cơ cấu tổ chức của xã hội đó phải thích ứng với cơ cấu của một tổ chức quân sự trên chính địa bàn sinh tồn của họ, bao gồm một loạt hợp phần với các chức năng kép sau: 1) Hậu phương và mặt trận; 2) Dân sự và quân sự; 3) Dân thường và chiến binh; 4) Sản xuất và chiến đấu; 5) Tấn công và phòng thủ; 6) Công cụ và vũ khí; 7) Trao đổi và cướp đoạt; 8) Liên minh và thù địch; 9) Thông tin và che giấu thông tin… Một cơ cấu xã hội như vậy của mô hình Mai Pha có lẽ đã để dấu ấn lại trong truyện Cẩu Chúa Treng Bùa (Chín chúa tranh vua), và có lẽ trong đoàn quân nam tiến chinh phục chấu thổ sông Hồng, giành ngôi báu từ tay họ Hùng của Thục Phán còn có cả đạo quân sơn cước Mai Pha với những tay nỏ cự phách.

Tuy nhiên có một điều chắc chắn là tính chất quân sự của mô hình Mai Pha không đồng nghĩa với một cơ cấu xã hội độc tài, mà ngược lại, đó là một xã hội dân chủ. Cơ sở của nền dân chủ Mai Pha chính là khuynh hướng phân hóa xã hội theo chiều ngang chứ không phải là một xã hội đẳng cấp theo chiều dọc. Sự phân nhóm xã hội theo họ lớn với nhiều thế hệ cộng cư nhưng lại chia thành các gia đình hạt nhân có bếp riêng, cư trú theo địa vực có thể tạo nên những chênh lệch lợi thế, chênh lệch thu nhập và phần nào chênh lệch thân phận, nhưng không thể nói rằng đây là một xã hội phân chia giai cấp. Trong xã hội Mai Pha, có lẽ đã xuất hiện những gia đình lớn có đông thành viên nam khỏe mạnh và giỏi giang, cư trú tại một địa bàn thuận lợi hơn; họ là những người nổi bật trong các hoạt động kinh tế, quân sự và quản lý xã hội…như vậy họ dễ dàng được cộng đồng chọn lựa hoặc đạt được địa vị thủ lĩnh. Nhưng dù có là thủ lĩnh thì người ta vẫn không thể xóa bỏ được những thể chế truyền thống trong một xã hội như vậy; đó chính là cơ cấu hội đồng và hội nghị toàn dân để quyết định những vấn đề liên quan đến toàn bộ cộng đồng. Và như vậy, ba trong số các thể chế dân chủ của xã hội Mai Pha có lẽ là: 1) Hội đồng người già; 2) Hội đồng những người đại diện của các tiểu vùng; 3) Hội nghị toàn dân. Đây chính là những phương tiện để cấu tạo nên quyền lực, trong đó những người lãnh đạo được cộng đồng chọn lựa thông qua bầu cử. Chính vì vậy mà J. Schumpeter đã định nghĩa bản chất của dân chủ là bầu cử và nó không chỉ là phương tiện để cấu tạo nên quyền lực, mà còn là phương tiện để hạn chế quyền lực (Schumpeter J. 1942). Như vậy đối với xã hội Mai Pha, phương thức quân sự và các thể chế dân chủ chính là những nguồn sinh lực cho sự tồn tại và phát triển của cộng đồng này trong một hệ thống sinh thái nhân văn đặc biệt của sơn khối đá vôi Bắc Sơn và vùng phụ cận vào đầu thời đại kim khí.

5.2. Mô hình vùng Hạ Long              

Giống như Mai Pha, Hạ Long cũng là một mô hình vùng phát triển ở một trong những cửa ngõ quan trọng nhất dẫn vào châu thổ sông Hồng trong buổi bình minh của nền văn minh Việt cổ. Tuy nhiên mô hình vùng Hạ Long lại được xây dựng trên một nền tảng sinh thái nhân văn hoàn toàn khác biệt với mô hình Mai Pha. Đó là sự khác biệt giữa một xã hội miền núi và một xã hội miền biển; sự khác biệt giữa một hệ thống sinh thái nông nghiệp thung lũng định hướng châu thổ và một hệ thống sinh thái nhân văn cửa sông – vũng vịnh – đảo, định hướng trao đổi và khai thác biển. Nhưng dù có khác biệt đến mấy thì định hướng cấu trúc của cả hai xã hội phức hợp này vẫn là quyền lực trung tâm vùng châu thổ sông Hồng.

Bước vào thời kỳ tiền nhà nước Việt cổ, xã hội vùng Hạ Long được tổ chức trên cơ sở những cộng đồng dân cư sống dọc ven biển và các hải đảo từ Hải Phòng ngược lên phía đông bắc, chí ít là tới Móng Cái, thuộc vùng cửa sông Ka Long. Có thể nói đây là một hệ thống sinh thái nhân văn biển vào loại lâu đời nhất trên đất Việt Nam. Cư dân Hạ Long định cư chủ yếu xung quanh các hệ thống cửa sông Bạch Đằng – sông Chanh, hệ thống cửa sông Cửa Lục, cửa sông Tiên Yên, Hà Cối và Ka Long. Có thể nói rằng môi trường cửa sông, hay hệ thống sinh thái cửa sông ở vùng này còn bao gồm một hệ thống các hòn đảo đá vôi và đảo đất từ Cát Bà cho tới Vĩnh Thực, Vĩnh Trung thuộc thị xã Móng Cái. Trong hệ thống sinh thái này, các đầu vào cho nền kinh tế sinh nhai của cư dân nơi đây là vô cùng phong phú, bao gồm cả sản vật của rừng, sông, cửa sông, vũng vịnh, biển khơi và các nguồn trên các hệ thống đảo.

Về cơ cấu kinh tế của xã hội Hạ Long, các di vật khảo cổ học cho thấy các hoạt động khai thác môi trường rừng ngập mặn, hái lượm trên núi, khai thác nhuyễn thể, săn bắn, đánh cá, sản xuất công cụ đá, làm gốm, làm đồ trang sức, khai thác đá quý và bán quý, đóng thuyền, làm muối (?), khái thác ngọc trai (?), trao đổi buôn bán, bao gồm cả thương mại đường dài với các cư dân miền núi, châu thổ sông Hồng và các cư dân dọc bờ biển Nam Trung Quốc.

Một cơ sở kinh tế như vậy giúp ta hình dung phần nào rõ ràng về cấu trúc xã hội của cư dân Hạ Long. Trước hết về mô hình cư trú, khác với môi trường rừng núi Mai Pha – cư dân khó có thể tập trung thành những điểm tụ cư lớn vì sự phân tán và khan hiếm tương đối của các nguồn – người Hạ Long đã quần cư thành một số trung tâm lớn, đặc biệt là ở vùng lưu vực sông Bạch Đằng, sông Chanh, ven vịnh Cửa Lục, đảo Cát Bà, đảo Ngọc Vừng, và vùng cửa sông Ka Long (Thoi Giếng, Vạn Ninh). Các điểm tụ cư này cho phép ta hình dung về những cộng đồng làng sầm uất và có tổ chức chặt chẽ. Tuy nhiên, có một thực tế là các địa bàn cư trúc của người Hạ Long tại những vùng cửa sông và trên các hòn đảo là những nơi bị chia cắt bởi vũng vịnh và các dòng sông. Vì vậy phương tiện duy nhất để kết nối các nhóm chia cắt tương đối ấy phải là những con thuyền hoặc những chiếc bè, mảng.

Cho đến giờ khảo cổ học chưa tìm thấy dấu tích con thuyền nào trong các di chỉ Hạ Long, tuy nhiên một sưu tập bôn đá, búa đá kích thước lớn đã được tập hợp lại từ nhiều địa điểm trong khu vực này. Nhiều khả năng đó là những công cụ chặt gỗ, đục thuyền độc mộc hoặc ghép bè, mảng. Trừ Hạ Long, chưa nơi nào khác trên đất nước ta tìm thấy loại công cụ này với số lượng đáng kể như vậy. Đối với người dân Hạ Long nói riêng và cư dân Việt cổ nói chung, con thuyền không chỉ là phương tiện đi lại trên sông biển, mà nó còn là tài sản, là ngôi nhà và là biểu tượng văn hóa nữa. Cùng với sự ra đời của con thuyền và nghề sông nước, có thể nói rằng các luồng giao thương sông biển trở thành một đầu vào kinh tế và văn hóa quan trọng nhất trong xã hội Hạ Long. Có lẽ chính con thuyền của họ là phương tiện kết nối nền văn hóa Đông Á đặc sắc của các xã hội thuộc đồng bằng Hoàng Hà, Dương Tử với các nhóm cư dân vùng châu thổ sông Hồng. Không phải ngẫu nhiên mà sách Hoài Nam Tử phải thừa nhận rằng Rợ Hồ rất thạo đi ngựa, còn người Việt lại giỏi chèo thuyền. Họ thực sự là những người đi tiên phong trong việc mở mang các tuyến hàng hải trên biển, có thể từ khoảng thiên niên kỷ II TCN (Guangdong Science and Technology Press 1991: 4). Với tác giả sách Hoài Nam Tử, khái niệm người Việt ấy đương nhiên bao gồm cả xã hội Hạ Long. Và như vậy đối với nền văn minh châu thổ sông Hồng, xã hội Hạ Long là kênh thông tin chính yếu nhất, trực tiếp nhất kích thích những biến đổi xã hội lớn lao nơi đây.

Tuy cùng bình tuyến lịch sử, nhưng có lẽ do điều kiện địa lý và môi trường sinh thái nhân văn mà tính chất phức hợp của xã hội Hạ Long chắc chắn ở mức độ cao hơn so với xã hội Mai Pha. Cấu trúc xã hội Hạ Long, về phương diện phân công lao động có thể bao gồm các phụ hệ thống: 1) Làm nông trên các đồng bằng cửa sông, đặc biệt là vùng tam giác Hải Phòng – Kinh Môn – Yên Hưng; 2) Khai thác ven biển (chủ yếu là cửa sông nhỏ, các vùng rừng ngập mặn) là thế mạnh của các nhóm cư dân xung quanh vịnh Cửa Lục, vùng hố trũng Tiên Yên, các khu vực cửa sông Hà Cối lên đến vùng cửa sông Ka Long (Móng Cái); 3) Khai thác biển khơi (hải sản, ngọc trai là các nhóm cư dân đảo Cát Bà, Cái Bầu, Ngọc Vừng, Vĩnh Trung, Vĩnh Thực, Cô Tô…); 4) Sản xuất thủ công và trao đổi đường dài : Vùng tam giác Hoàng Tân (Yên Hưng) – Cát Bà – Tràng Kênh (Hải Phòng), và xa về phía cực bắc là Thoi Giếng (Vạn Ninh); 5) Giao thông sông biển: các nhóm Cát Bà, Ngọc Vừng, Thoi Giếng…v.v.

Việc phân thành 5 phụ hệ thống theo địa vực như trên chỉ là một cách phân loại hình thức để dễ hình dung. Trên thực tế, điều quan trọng nhất là phục dựng không gian xã hội tổng thể của mô hình vùng Hạ Long. Về phương diện tộc thuộc và ngôn ngữ, có thể nói xã hội Hạ Long là một phức hợp các nhóm dân cư khác nhau trên cơ sở nhóm cư dân gốc thuộc hệ thống sinh thái nhân văn Soi Nhụ đã tồn tại hàng vạn năm tại khu vực này. Quá trình tích hợp tộc thuộc và văn hóa xã hội Hạ Long có lẽ xảy ra vào giai đoạn muộn của hệ thống Soi Nhụ, đặc biệt là trước – sau đợt biển tiến Holocene Trung vào khoảng 5000 năm cách ngày nay. Đợt biển tiến Holocene Trung đã gây ra một hiệu ứng thuận - nghịch đối với các chiến lược di động kiếm sống và cư trú của cư dân Đông Á, Đông Nam Á lục địa và Đông Nam Á hải đảo, tạo nên sự tiếp xúc tăng cường giữa các nhóm cư dân vốn biệt lập tương đối. Đợt biển tiến này đã làm mất đi một không gian vật lý đáng kể của các cư dân ven biển, đặc biệt là cư dân hải đảo, khiến họ phải tăng cường di trú tới các dải ven biển thuộc khu vực Đông Nam Á lục địa. Nhưng cũng chính đợt biển tiến này đã tạo thêm cơ hội và các nguồn lợi cho các nhóm miền núi tiến xuống đồng bằng ven biển để phát triển nghề nông, khai thác thủy sản và trao đổi tăng cường.

Chính vì vậy, biển tiến Holocene Trung đã tạo ra một thời cơ tích hợp văn hóa chưa từng có tại hệ thống sinh thái nhân văn Soi Nhụ, làm cho hệ thống này đã có những thay đổi mang tính cách mạng. Tiếp xúc văn hóa và trao đổi tăng cường giữa các nhóm xã hội khác nhau đã góp phần kích thích sự gia tăngcác nhu cầu, và như vậy cũng đồng nghĩa với việc thúc đẩy các quá trình phân công lao động và các mô hình chuyên môn hóa phát triển theo chiều sâu. Đó có thể là logic lịch sử của những biến đổi xã hội từ những mô hình sinh thái nhân văn Soi Nhụ qua mô hình trung gian Cái Bèo để xuất hiện xã hội phức hợp tiền nhà nước Hạ Long trên cơ sở phân bố các nguồn, mà trong đó ưu thế thuộc về trung tâm thu hút các nguồn.

Như mọi người đều biết, bước vào đầu thời đại Kim khí, toàn bộ châu thổ sông Hồng đã trở thành vùng hạch phát triển của khu vực bắc Đông Dương – nam Trung Quốc.  Vì vậy một loạt xã hội miền núi và ven biển, trong đó có xã hội Mai Pha và xã hội Hạ Long – đã trở thành những cấu trúc vệ tinh của vùng hạch châu thổ. Và chính lực hướng tâm châu thổ đã tạo nên những trung tâm vệ tinh hướng về vùng hạch. Đối với trường hợp xã hội Hạ Long, trung tâm ấy chính là cửa ngõ mở vào vùng châu thổ sông Hồng, và cửa ngõ ấy không đâu khác ngoài khu vực cửa sông Bạch Đằng, một ngã ba nối các huyết mạch Cát Bà – Hạ Long – Châu thổ sông Hồng và Tràng Kênh chính là trung tâm đó.

Không giống với hầu hết những mô hình vùng khác – nơi mà trung tâm của hệ thống chính là trung tâm địa lý vùng – xã hội Hạ Long lại có trung tâm nằm về cực tây của vùng về phương diện địa lý. Vị trí đó cho người ta một ấn tượng lệch. Nhưng như vậy lại thành hợp lý, bởi một lý do đơn giản là nơi đó mới có khả năng cân bằng được hệ thống sinh thái nhân văn biển Hạ Long với một hệ thống sinh thái nông nghiệp hạ lưu châu thổ bao gồm khu vực Hải Dương - Hải Phòng – Thái Bình ngày nay. Và có lẽ đó chính là hệ sinh thái nông nghiệp mà sách Giao Châu ngoại vực ký ghi nhận là “Theo nước triều lên xuống mà làm”. Đây là một bằng chứng rất quan trọng đề cập tới vai trò của xã hội Hạ Long trong hệ thống các xã hội đã góp phần tạo dựng nền văn minh Việt cổ. Như vậy chí ít Giao Châu ngoại vực ký cũng đã cho thấy xã hội Hạ Long đã đóng góp trí tuệ của mình vào nền văn minh châu thổ sông Hồng bằng tri thức khoa học của họ về chế độ thủy triều. Quan sát thủy triều là công việc của cư dân biển, trong khi đó thủy triều và các quy luật “con nước” lại gắn liền với sự chi phối của mặt trăng – cơ sở của lịch pháp phương Đông. Mặt trăng – Con nước – Thủy triều Tập quán di chuyển, kiếm ăn và sinh sản của các luồng tôm cá chính là những tri thức thường nhật của cư dân Hạ Long, ấy là chưa kể tới hiểu biết về thiên văn: xem sao, định vị, xác định phương hướng trên biển, quan sát mây, mưa, dông bão để tồn tại và phát triển trong môi trường biển.

Đã có ý kiến cho rằng các hoa văn trên mặt trống đồng là một hệ thống lịch của người Việt cổ. Dù nhận định đó có không đúng chăng nữa thì việc người Việt cổ có một hệ thống lịch pháp là điều đương nhiên. Những biểu tượng chuyển động biểu kiến của mặt trời và hình ngôi sao trung tâm mặt trống, tượng cóc trên mặt trống, v.v…đã chứng tỏ rằng người Việt cổ đã quan sát thiên văn, đã ghi nhận những hiện tượng tự nhiên thành quy luật. Không thể nói rằng đó không phải là những tri thức cơ bản về lịch pháp, và thậm chí có thể nói đó chính là lịch pháp. Nếu chấp nhận giả định đề đó thì chí ít cũng là chấp nhận một nửa công lao sáng tạo lịch pháp Việt cổ thuộc về những người quan sát mặt trăng, và đó không phải ai khác ngoài những cư dân biển Hạ Long.

Những mối liên hệ giữa mặt trăng – thủy triều – con nước – tập tính của tôm cá được người Hạ Long quan sát, đúc kết thành quy luật, đã cắm một cột mốc quan trọng trên con đường phát triển của xã hội Hạ Long, khiến xã hội đó trở thành một xã hội sản xuất biểu tượng – một trong những tiêu chí quan trọng nhất để tiến tới một xã hội có nhà nước. Tuy nhiên, nền sản xuất biểu tượng của xã hội Hạ Long còn thể hiện ở một hợp phần không gian xã hội khác. Đó là xã hội của những người chuyên môn hóa sản xuất đồ trang sức bằng đá quý và bán quý tại khu vực Tràng Kênh. Như chúng ta đã biết, việc chuyên môn hóa trong bất kỳ lĩnh vực sản xuất nào cũng chứng tỏ một trình độ phát triển cao của các quá trình phân công lao động. Nó làm cho mối liên hệ phụ thuộc giữa các nhóm người ngày càng cao, và đó chính là động lực thúc đẩy quá trình phát triển tính xã hội của loài người. Nếu quá trình chuyên môn hóa trong sản xuất sinh nhai đóng góp vào sự phát triển tính xã hội một đơn vị thì có thể nói rằng quá trình chuyên môn hóa trong lĩnh vực sản xuất biểu tượng đóng góp tới mười đơn vị.

Cho dù đại lượng 1/10 chỉ là một ngoa dụ đi nữa thì vai trò của sản xuất biểu tượng không vì thế mà giảm đi. Chân lý đó thật là đơn giản khi chúng ta quy sản xuất vào các nguồn: Nếu đầu vào của sản xuất sinh nhai trước hết chỉ cần nguồn năng lượng cơ bắp thì đầu vào của sản xuất biểu tượng lại cần nguồn năng lượng trí tuệ. Nguồn năng lượng cơ bắp đực tích lũy dưới vô vàn dạng thức các nguồn tự nhiên xung quanh ta, trong khi đó nguồn năng lượng trí tuệ lại là kinh nghiệm của nhiều thế hệ kết tinh lại qua những quá trình chọn lọc khắt khe. Vì vậy cái tỷ giá chi phí 1/10 cho hai nguồn này thực sự là một chênh lệch khiêm tốn.

Sở dĩ chúng ta có thể xếp công việc sản xuất đồ trang sức vào lĩnh vực sản xuất biểu tượng cổ đại, vì đầu vào nguyên liệu và đầu vào kỹ năng sản xuất đều khan hiếm. Đặc biệt đầu vào kỹ năng đòi hỏi người thợ phải ký thác một hàm lượng trí tuệ cao để tạo thành hệ biểu tượng có ý nghĩa mà người ta có thể đọc được. chính vì vậy, mỗi cấu phần, mỗi chi tiết của sản phẩm phải là một chữ cái, và toàn bộ sản phẩm phải là một hoặc những mệnh đề. Và như vậy, mỗi món “đồ trang sức” phải là một nhãn hiệu nhằm phân biệt các cá nhân, các nhóm người phù hợp với vai trò và vị thế xã hội của họ. Trong thời đại đó, mục đích sản xuất “đồ trang sức” không phải chỉ là để thực hiện chức năng thẩm mỹ; và sản xuất biểu tượng không phải là khu vực sản xuất thứ sinh, mà nó là một hình thức sản xuất hình ảnh vị thế xã hội, kết tinh trí tuệ nhân loại để mở màn thời đại văn minh của con người. Cùng với “đồ trang sức”, các sản phẩm gốm, đồng cao cấp, vải có hoa văn, v.v…đều có thể được xếp vào khu vực sản xuất biểu tượng, và các hệ thống biểu tượng đó chính là cơ sở để ra đời chữ viết. Có thể nói, bản chất của sản xuất biểu tượng chính là sản xuất thông tin, và nó là cấu phần chủ đạo của nền kinh tế tri thức cổ đại.

Những phân tích trên dường như đã phác thảo một cấu trúc hình rẻ quạt cho xã hội Hạ Long, mà điểm xuất phát của các nan quạt về phương diện không gian vật lý chính là vùng cử sông Bạch Đằng. Một cấu trúc như vậy thể hiện rõ ràng mối liên hệ trực tiếp giữa trung tâm và ngoại vi. Và điều đó chỉ có được ở những xã hội lấy trao đổi và thương mại làm nền tảng. Nói cách khác, đó là một xã hội phân công lao động cao hơn xã hội Mai Pha. Như vậy có nghĩa là có sự tương đồng nhất định giữa cấu trúc không gian vật lý và không gian xã hội. Định hướng trao đổi và thương mại đã thúc đẩy các quá trình chuyên môn hóa. Những nghiên cứu mới nhất về công xưởng chế tác mũi khoan tại di chỉ Bãi Bến, Cát Bà và công xưởng chế tác đồ trang sức tại Tràng Kênh, Hải Phòng đã cho thấy điều đó (Nguyễn Kim Dung 1996: 79, 170; Nguyễn Kim Dung, Nguyễn Đình Bướng, Bùi Thu Phương, Nguyễn Trường Đông 2001: 110; 124; Nguyễn Kim Dung 2001).

Xã hội Hạ Long là một phức hợp gồm các nhóm làm nông – thủ công – trao đổi và khai thác. Các quá trình trao đổi không chỉ diễn ra với những xã hội khác ở vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng, với xã hội Mai Pha và các xã hội Nam Trung Quốc, mà còn diễn ra trong chính các nhóm người và các điểm dân cư khác nhau giữa những người khai thác và những người làm nông; giữa những người làm nông và người làm thủ công; giữ những người thủ công và những người khai thác. Và có lẽ trung tâm của mọi trao đổi ấy đã diễn ra tập trung nhất tại khu vực sông Bạch Đằng – sông Chanh, có nghĩa là tại vùng Tràng Kênh, nơi mà các mô hình sản xuất nông nghiệp, sản xuất thủ công và thương mại đều đạt tới đỉnh điểm.

Mô hình sinh thái nhân văn cửa sông – vũng vịnh – đảo ấy đã tạo dựng quyền lực cho nhóm tinh hoa làm nông – thương mại; nhóm tinh hoa thủ công – thương mại. Chính họ là những người có điều kiện thuận lợi nhất để kiểm soát các nguồn, kể cả các nguồn cho sản xuất và tiêu dùng. Nhưng có lẽ quyền lực của nhóm Tràng Kênh là lớn nhất, bởi vì đây là trung tâm trao đổi các nguồn quan trọng nhất, với lưu lượng lớn nhất. Về một phương diện nào đó, có thể nói rằng toàn bộ hoạt động của xã hội Hạ Long bị chi phối bởi trung tâm này. Nó luôn đóng vai trò là nơi phân phối hàng hóa và thông tin từ những thế giới bên ngoài vào toàn bộ vùng châu thổ sông Hồng, và quyền lợi của giới tinh hoa trong xã hội Hạ Long gắn liền với quyền lợi của giới tinh hoa vùng châu thổ. Về bản chất, mô hình Hạ Long khác với mô hình Mai Pha. Mai Pha là xã hội định hướng làm nông, cho nên càng phát triển thì nó càng khan hiếm đất. Ngược lại, định hướng của xã hội Hạ Long là khai thác và trao đổi cho nên giới tinh hoa của xã hội này khao khát kiểm soát được các nguồn và các luồng thương mại đường dài. Đối với họ tri thức về sông biển và phương tiện để kiểm soát được giao thương sông biển – cụ thể là con thuyền, luôn luôn là những thúc bách hàng đầu.

Có thể nói xã hội Hạ Long đã góp phần vào nền văn minh Việt cổ trước hết là: 1) Hợp phần sông biển và phương diện văn hóa mà biểu tượng của nó chính là hình ảnh con thuyền và vai trò của con thuyền trong nền văn minh Đông Sơn; 2) Đóng góp quan trọng thứ hai của họ chính là các tri thức về sông biển và những hiện tượng thiên văn liên quan đến thủy triều, mưa gió, dông bão thông qua quan sát trăng sao và lịch con nước; 3) Đóng góp quan trọng thứ ba là tri thức và kinh nghiệm thủy chiến trong lĩnh vực quân sự; 4) Cuối cùng có thể coi xã hội Hạ Long vừa là xã hội liên bộ lạc, vừa là tác nhân kích thích sự phát triển văn hóa – văn minh nội sinh tiền nhà nước Việt cổ từ cả các nguồn ngoại sinh.

6. Kết luận                            

6.1. Có thể nói, khảo cổ học tiền sử đông bắc Việt Nam bao gồm hai hệ thống sinh thái rất đặc trưng: 1) Hệ thống sinh thái Núi với sơn khối đá vôi Bắc Sơn. 2) Hệ thống sinh thái Biển với khu vực vịnh Hạ Long. Hai hệ thống sinh thái nhân văn này dường như đều cùng chung một bình tuyến lịch sử, chí ít là từ Hậu kỳ Pleistocene và phát triển liên tục cho đến khi xuất hiện các cấu trúc xã hội tiền nhà nước Mai Pha và Hạ Long.

Trong gần một thế kỷ qua, các tiếp cận lịch sử văn hóa trong nghiên cứu khảo cổ học tiền sử vùng này đã có những đóng góp to lớn để làm rõ trật tự và các đặc trưng văn hóa nơi đây. Tuy nhiên phương pháp tiếp cận truyền thống ấy vẫn còn để lại những mảng trống lớn trong sự hiểu biết của chúng ta về quá khứ khu vực. Vì vậy tôi muốn đi tìm một cách tiếp cận mới từ một mô hình lý thuyết tổng quát hiện đại, lý thuyết các hệ thống (Hà Hữu Nga 1997: 76), cùng với bộ công cụ khái niệm nhân học xã hội nhằm tái lý giải các dữ kiện khảo cổ học của khu vực đông bắc Việt Nam.

6.2. Từ những hệ thống sinh thái nhân văn tới các cấu trúc xã hội tiền nhà nước có thể được coi là một quá trình tiến hóa của các phụ hệ thống văn hóa và các cộng đồng xã hội Tiền sử Đông Bắc. Về cơ bản, đó là một quá trình chuyển biến của con người dựa trên cơ sở thích nghi và sáng tạo để thoát khỏi sự chi phối, sự lệ thuộc vào tự nhiên. Đặc biệt là trong giai đoạn tiền sử muộn, với sự tích lũy và phát triển vượt bậc của trí tuệ, con người đã bước vào một nền sản xuất biểu tượng và đã sáng tạo ra những cấu trúc xã hội mới. Đó chính là tiền đề để con người tạo dựng nền văn minh của mình bằng một cấu trúc xã hội thống nhất trên một quy mô sâu rộng – tổ chức Nhà nước.  

________________________________________

Nguồn: Hà Hữu Nga (2001). Khảo cổ học Đông Bắc Việt Nam từ những hệ thống sinh thái nhân văn tới các cấu trúc xã hội tiền nhà nước. Bài tham gia Hội nghị Quốc tế “Một thế kỷ khảo cổ học Việt Nam". Viện Khảo cổ học thuộc Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia tổ chức tại Hà Nội. Đăng lại trong: Viện Khoa học Xã hội Việt Nam – Viện Khảo cổ học (2004), Một thế kỷ Khảo cổ học Việt Nam, Tập I, Nxb. KHXH, Hà Nội, tr. 117-139.

Tài Tham khảo

Ambrose W.R. Bird J.R. and Duerden P. (1981). The Impermanence of obsidian source in Melanesia. In F. Leach and J. Davidson (eds). Archaeological studies of Pacific stone resources, pp. 1-19 BAR Internatioanl Series 104.              

Bock P.K. (1969). Modern Cultural Anthropology – An Introduction. Alfred A. Kroff, New York.

Clayton Frederisksen (2000). Points of discussion: obsidian blade technology in the Admiralty Island, 2100 BP to 50 BP.

Guangdong Science and Technology Press (1993). The collection of antiquities from silk road on South China Sea.

Hà Hữu Nga (1997). Lý thuyết hệ thống và khảo cổ học thời đại đá Việt Nam. Trong Những phát hiện mới về Khảo cổ học năm 1996, tr.76.

Hà Hữu Nga, Nguyễn Cường (2001). Mối quan hệ giữa văn hóa Mai Pha và văn hóa Phùng Nguyên qua sưu tập rùi bôn tứ giác. Trong: Sở Văn hóa Thông tin Thể thao tỉnh Phú Thọ (2001) Tìm hiểu văn hóa Phùng Nguyên.

Nguyễn Kim Dung (1996). Công xưởng và kỹ thuật chế tạo đồ trang sức bằng đá thời đại đồng thau ở Việt Nam. Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội.

Nguyễn Kim Dung, Nguyễn Đình Bướng, Bùi Thu Phương, Nguyễn Trường Đông (2001). Khai quật Bãi Bến (Đảo Cát Bà, Hải Phòng). Trong Những phát hiện mới về Khảo cổ học năm 2000, tr.110-111.

Nguyễn Trường Đông (2001). Mũi khoan ở di chỉ Bãi Bến (Đảo Cát Bà, Hải Phòng). Trong Những phát hiện mới về Khảo cổ học năm 2000, tr.124-127.

Schumpter J. (1942). Capitalism, Socialism, and Democracy. New York, Harper.

Stephen Chia (1999). The Obsidian Industry at Bukit Tengkorat, Malaysia. Colloquium on Archaeology in Southeast Asia in the 3nd Millenium in Conjunction with the 30th Anniversary Sain Malaysia 27th- 29th September 1999 in Penang, Malaysia.

White J.C. (1995). Incorporating Heterarchy into Theory on Socio-political Development: The Case from Southeast Asia. Heterarchy and the Analysis of Complex Societies. Archaeological Papers of the American Anthropological Association, No.6.  

 

 

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét