Powered By Blogger

Thứ Ba, 11 tháng 5, 2021

Báo cáo Khai quật Di chỉ Ba Vũng (Quảng Ninh) năm 2001 (I)

Hà Hữu Nga

A. Mở đầu

Cuộc khai quật di chỉ Ba Vũng theo Quyết định số 2601/QĐ-BVHTT, ngày 4/10/2001 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin về việc khai quật khảo cổ học, do Thứ trưởng Lưu Trần Tiêu ký. Tham gia khai quật có: Hà Hữu Nga, Nguyễn Văn Hảo, Nguyễn Đình Bướng (Viện Khảo cổ học), Nguyễn Thị Nhung (Bảo tàng Quảng Ninh) và Chen Wei Chun (陳維鈞 Trần Duy Quân, Đài Loan) do Hà Hữu Nga chủ trì. Thời gian khai quật từ 16/10 đến 6/11/2001. 

I. Lược sử phát hiện di chỉ Ba Vũng

Cuối năm 1999, Viện Khảo cổ học và Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh tiến hành một cuộc điều tra khảo cổ học trên diện rộng và đã phát hiện di chỉ Ba Vũng, xã Hạ Long, huyện đảo Vân Đồn. Trong Hội nghị Thông báo Khảo cổ học năm 2000, chúng tôi đã miêu tả di chỉ Ba Vũng vốn là một đượng cát cao, hiện đang có nguy cơ bị đào phá sạch, giống như ở Vũng Tây và Vũng Giữa. Tại nơi đó, trên bề mặt khai thác cát, chúng tôi đã thu lượm được nhiều hiện vật tiền sử. Đó là những hòn ghè, hòn kê, bàn mài Hạ Long, công cụ ghè đẽo, gốm còn vương vãi sau quá trình khai thác cát. Hiện tại khu Vũng Đông còn một đượng cát rộng, cao từ 2 đến 2.5m so với mực nước biển, cách mép nước biển hơn 100m khi triều xuống. Trong đợt điều tra này, chúng tôi đã đào một hố thám sát 1.5m2 tại mép phía đông của đượng cát. Hố thám sát sâu 180cm, có kết cấu địa tầng như sau: i) Lớp mặt dày 20cm, gồm đất pha cát, màu xám, tơi xốp; ii) Lớp văn hóa dày 60cm, màu xám đen, tơi xốp, xen lẫn sạn sỏi nhỏ, độ dày của tầng văn hóa đều đặc, bao gồm các di vật khảo cổ là đồ đá, mảnh gốm; iii) Lớp cát màu trắng, dày 40cm lẫn sạn sỏi màu trắng; iv) Lớp cát sạch, màu trắng, không lẫn tạp chất khác; v) Dưới cùng là lớp cát hạt to, màu vàng, xem lẫn sỏi nhỏ, dài 40cm. Tại hố thăm dò khác, khi đào sâu xuống dưới lớp cát hạt to, màu vàng như vừa mô tả trên, khoảng 40cm, chúng tôi đã thấy một lớp cát vàng tinh khiết. Trong lớp văn hóa, đã tìm thấy: 8 hòn kê; 2 bàn mài lòng máng; 8 bàn mài rãnh Hạ Long; 1 rìu có vai, 1 rìu tứ giác, 7 công cụ ghè đẽo gốm có 2 công cụ hình tam giác, 2 công cụ gần tròn, 1 công cụ bầu dục nhọn một đầu, 2 công cụ hình dáng không xác định, có một cạnh rìa lưỡi. Hầu hết các công cụ đá này đều được làm từ loại nguyên liệu granite khá phổ biến trong khu vực Tiên Yên, Ba Chẽ đưa ra cửa sông (Hà Hữu Nga, Trình Năng Chung, Trần Văn Minh, 2001: 116-118).

Đáng lưu ý là Nguyễn Gia Đối (1992: 31) có thông báo về sưu tập đồ đá tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, do M. Colani phát hiện tại Hayart, Cẩm Phả, Quảng Ninh (Hayart là cách ghi âm địa danh Hà Giát của người Pháp, còn “Hayart tại Cẩm Phả” là vì trước đây đảo Cái Bầu thuộc huyện Cẩm Phả, quen gọi là Cẩm Phả đảo). Chúng tôi hỏi người già xã Hạ Long thì được biết có thể cái tên Hà Giát là do người Hoa trước đây sinh sống tại xã Hạ Long đặt tên cho khu vực Ba Vũng. Trong Địa danh Quảng Ninh của Ban chỉ đạo Dự án Địa chí Quảng Ninh (1996) chỉ đề vắn tắt là “tên di chỉ khảo cổ ở huyện Vân Đồn”. Cho đến nay, nơi duy nhất tìm thấy loại hình công cụ Hà Giát là di chỉ Ba Vũng. Sưu tập Hà Giát có 70 hiện vật; toàn bộ là đồ đá ghè đẽo và công cụ có dấu vết sử dụng không qua chế tác. Nguyễn Gia Đối phân loại sơ bộ như sau: 7 công cụ hình tam giác, có xu hướng sử dụng rìa lưỡi ở một cạnh; 5 công cụ hình chữ U đốc bằng do đập bẻ gãy hay sử dụng một mặt phẳng tự nhiên của viên cuội, rìa lưỡi hơi vòng cung, mang dáng dấp của kỹ thuật rùi ngắn; 22 tiêu bản hình bầu dục nhọn đầu hay gần tam giác, sử dụng rìa lưỡi ở một đầu viên cuội, trong đó có mũi nhọn, hoặc lưỡi hơi vòng cung mà tác giả nghi là công cụ đào bới; 9 tiêu bản không định hình; 16 hòn ghè đập, đa số có hình tam giác, kích thước lớn, dài 15-30cm, rộng 10-15cm, riềm cuội có vết mòn hoặc rạn vỡ, 2 hòn kê đập có vết mòn lõm giữa và 7 bàn mài kiểu Hạ Long.

Tác giả nhận định rằng hầu hết đồ đá trong sưu tập này đều làm bằng cuội granite và một ít bằng quartzite, đá hạt thô lẫn tinh thể màu trắng, vỏ sù sì do bị phong hóa mạnh, tương tự như chất liệu đá cuội ở Cái Bèo, Thoi Giếng và các di chỉ ven biển và hải đảo vùng Đông Bắc. Nhóm công cụ này được tạo bởi thủ pháp lợi dụng hình dáng tự nhiên của hòn cuội, vết ghè đẽo chủ yếu để tạo rìa lưỡi. Trong số này chỉ có 4 tiêu bản là ghè hết vỏ cuội ở một mặt, còn lại là ghè 1/3, 1/2 và 2/3 vỏ cuội cũng ở một mặt. Sưu tập này được coi là đồng dạng với Cái Bèo (Nguyễn Gia Đối 1992: 31). Loại công cụ này cũng được tìm thấy khá phổ biến trong đợt điền dã năm 1999 của chúng tôi và sưu tập công cụ ghè đẽo đã được đưa về Bảo tàng tỉnh. Trong đợt khai quật 2001, chúng tôi cũng phát hiện được loại hình này.

II. Mục tiêu, Phương pháp Khai quật   

2.1. Sau đợt điền dã 1999, vì thấy rõ giá trị khoa học của di chỉ Ba Vũng đối với việc tiếp tục nghiên cứu sâu hơn nữa hệ thống văn hóa Hạ Long, chúng tôi đã đề nghị Viện Khảo cổ học phê duyệt một Dự án cấp Viện cho đề tài này. Tuy nhiên khi khâu chuẩn bị tiến hành khai quật sắp hoàn tất thì Chen Wei Chun (陳維鈞 Trần Duy Quân, người Đài Loan, năm 2002 có công bố báo cáo: 越南北部沿海地區考古調硏究報告 Việt Nam Bắc Bộ duyên hải địa khu khảo cổ điều tra nghiên cứu báo cáo – HHN ghi chú 2021) đã đề nghị được cộng tác và chấp nhận bỏ kinh phí ra cho cuộc khai quật. Lãnh đạo Viện Khảo cổ học đã đồng ý và số kinh phí dự tính cho Đề tài cấp Viện được giữ lại cho năm sau.

Người đề xuất khai quật Ba Vũng muốn tiếp cận nghiên cứu hệ thống văn hóa Hạ Long bằng một phương pháp luận mới, với bộ công cụ giải thích mới, đó là phương pháp luận Khảo cổ học cộng đồng. Trên thực tế, đây là một phương pháp luận cổ xã hội học, tiếp cận đối tượng ở một phạm vi vi mô, coi cư dân Ba Vũng là một cộng đồng độc lập (tất nhiên là không biệt lập) để chủ yếu tìm hiểu và phân tích cấu trúc xã hội của cư dân nơi đây thông qua hệ thống cư trú, thông qua mọi yếu tố được nhìn nhận là mang các thông tin quá khứ về các mối quan hệ xã hội, mức độ nhận thức và các yếu tố thượng tầng khác để xem xét, giải thích mức độ phát triển của cộng đồng cư dân Ba Vũng.

2.3. Mục tiêu quan trọng nhất mà tôi muốn theo đuổi trong việc đề xuất khai quật di chỉ Ba Vũng chính là phương pháp tiếp cận các vấn đề cổ xã hội học bằng hệ thống các quyền và khả năng của cá nhân và cộng đồng. Đó là quyền và khả năng tiếp cận, kiểm soát các nguồn; quyền và khả năng ra quyết định; quyền và khả năng chia sẻ và được thụ hưởng lợi ích cộng đồng v.v… chính là nội dung của lối tiếp cận khảo cổ học cộng đồng. Ba Vũng là một trong những mẫu nghiên cứu trường hợp khá tốt cho mục tiêu này. Nói cụ thể hơn, đối tượng của lối tiếp cận này là khả năng và quyền tiếp cận đối với nguồn lợi xã hội, trước hết đó là tri thức cá nhân và xã hội 

2.4. Ngoài ra, một mục tiêu khác của khảo cổ học cộng đồng là gắn liền công việc nghiên cứu lịch sử, văn hóa, xã hội học với sự nghiệp phát triển địa phương. Chúng tôi được biết rằng chính quyền địa phương – kể cả cấp tỉnh, huyện đến xã – đều mong muốn phát triển khu vực Ba Vũng thành một Tổ hợp kinh tế - du lịch. Và thực tế hiện nay nơi đây đã trở thành một khu du lịch đầy triển vọng của tỉnh – nhưng họ lại chưa quan tâm tới yếu tố văn hóa trong mục tiêu phát triển của họ. Vì vậy, bằng cuộc khai quật Ba Vũng, chúng tôi muốn chính quyền và đặc biệt là nhân dân địa phương quan tâm hơn nữa tới phương diện văn hóa của phát  triển để góp phần bảo vệ và phát huy các giá trị quí giá của di chỉ này.

Tuy nhiên, sự "hợp tác" với Chen Wei Chun đã làm thay đổi đôi chút mục tiêu ban đầu của tôi. Ông Chen không quan tâm nhiều tới tính chất tổng thể của cuộc khai quật. Cũng phải nói thật rằng ông Chen Wei Chun và ông Nguyễn Văn Hảo không đồng ý với cách khai thác tư liệu trên hiện trường của tôi theo phương pháp đào từng lớp mỏng, giữ nguyên vị trí của di vật để đo, vẽ, chụp ảnh, miêu tả cấu trúc tổng thể thông qua các mối quan hệ giữa các di vật với nhau và với tổng thể di tích, sau đó mới thu lượm di vật và tất nhiên phải coi cả mảnh tước cũng là một sưu tập di vật. Tôi cũng không chấp nhận cách khai quật tìm nhặt hiện vật của hai ông. Ngoài ra, ông Chen Wei Chun và ông Nguyễn Văn Hảo đều bỏ qua bộ sưu tập mảnh tước, phiến tước rất phong phú của di chỉ. Chính vì vậy, trong báo cáo này, để tôn trọng phương pháp và quan điểm khoa học riêng của hai ông, tôi vẫn đợi các ông gửi báo cáo của mình, và để riêng toàn bộ các thống kê, miêu tả hiện vật của hai ông vì đó là sản phẩm nghiên cứu theo cách thức và quan điểm của họ. Tôi chỉ bình luận những gì có liên quan chung giữa chúng tôi mà thôi.

B. Kết quả Khai quật

I. Di chỉ, Vị trí Địa lý, Môi trường và các Nguồn

1.1. Ba Vũng (hay còn gọi Ba Vụng) là một địa danh để chỉ ba vũng biển nhỏ: Vũng Tây, Vũng Giữa và Vũng Đông, nằm ở phía đông nam thôn Hai, xã Hạ Long, thuộc đảo Cái Bầu, huyện Vân Đồn. Đây là khu vực núi đá vôi có tên gọi là đảo Đá Trắng. Trên bán đảo địa hình thôn Hai, tờ F-48-107-D-h-4 (do Tổng cụ Địa chính xây dựng bằng phương pháp toàn năng năm 1998, tại Xí nghiệp Trắc địa ảnh, Công ty Trắc địa Bản đồ số, chụp ảnh bằng máy bay năm 1995, đo vẽ thực địa năm 1997, với hệ tọa độ và độ cao nhà nước năm 1972. Múi chiếu 30 kinh tuyến Trung ương 1080, tỷ lệ 1:10.000, được vẽ và in tại Nhà xuất bản Bản đồ lần thứ nhất năm 1999), đảo Đá Trắng nằm theo hướng đông bắc – tây nam với chiều dài là 1500m, chỗ rộng nhất là 620m, đỉnh cao nhất, nằm kề phía tây di chỉ là 181m.

1.2. Di chỉ là một thềm phù sa, nằm ở đầu phía đông đảo Đá Trắng, thuộc Vũng Đông. Vũng Đông, Vũng Tây, và Vũng Giữa được tạo bởi mỏm phía đông của đảo Đá Trắng và hồn hòn đảo đá nhỏ khác nằm liền kề ở phía đông, chếch bắc 100, một hòn khác nằm ở chính nam của mỏm. Hòn phía đông, cách mỏm 50m, có độ cao 172m, dài 182m, rộng 110m. Hòn này có bình độ gần hình một quả trứng, ở độ cao 70m so với mặt nước biển có một cửa hang lớn quay về phía tây nam, nhưng vì rất hiểm trở nên không thể leo lên thám sát được. Nhiều khả năng đây là một hang cổ sinh, cổ nhân có tuổi rất xa xưa. Đối diện với hòn núi phía đông, cách hòn núi này 160m về phía chính tây, thuộc đảo Đá Trắng còn có một hang lớn, ở độ cao khoảng 60m. Hang có cửa quay về phía chính đông. Nhưng vì khá hiểm trở, và lại không có đủ thời gian, nên chúng tôi chưa thể trèo lên thăm dò được. Kinh nghiệm cho thấy, loại hang này nhiều có thể là nơi cư trú của cư dân thuộc hệ thống văn hóa Soi Nhụ.

Hòn đảo đá vôi nhỏ (từ nay gọi là Hòn Ba Vũng lớn – Hòn lớn) nằm ở phía chính nam của di chỉ, tạo nên một bức tường thành bằng đá vững chãi che chở cho khu di chỉ, cách vách đông của đảo Đá Trắng 150m. Hòn này có bình độ gần giống một chiếc rìu có vai, đốc quay về phía bắc, lưỡi quay về phía nam, hơi chếch đông. Đỉnh cao nhất là 98,6m. Phía tây hòn Ba Vũng, và cũng là phía tây của di chỉ chính là Vũng Tây. Hiện giờ Vũng Tây đã được cải tạo thành một hồ nuôi tôm, của lớn của một liên doanh tư nhân, xung quanh hồ được kè đá, và có đường dây điện cao thế dẫn ra tận hồ. Trong quá trình làm hồ, người ta đã cuốc lộ ra một lò nung gốm sứ thời trung cổ, nhưng không ai để ý. Lò nung được cán bộ Bảo tàng Quảng Ninh phát hiện trong đợt đoàn đến thăm cuộc khai quật di chỉ Ba Vũng. Một số mẫu gốm sứ có men đã được giám đốc Trần Trọng Hà – một trong những người phát hiện khu lò này cho đem về Bảo tàng tỉnh.

Cách hòn đảo đá vôi vừa miêu tả trên về phía nam 100m, có một hòn núi đá nhỏ hơn (từ đây gọi là hòn Ba Vũng nhỏ - Hòn nhỏ), có bình độ gần hình tròn, đường kính khoảng 80m. Phía đông của núi này có một hang đá to vừa phải, quay về phía đông, chếch bắc, có thể làm nơi cư trú của cư dân Soi Nhụ, nhưng chưa tìm thấy bất cứ di tích văn hóa tiền sử nào trong hang này. Nhưng có một điều đáng lưu ý là trong đợt điền dã năm 1999, chúng tôi đã nhặt được một số công cụ cuội ghè đẽo một mặt, rất đơn giản, loại hình Hà Giát, Giáp Khẩu mà một số nhà khảo cổ học  cho là thuộc loại hình Hòa Bình ngoài trời.

Trở lại với di chỉ Ba Vũng, nói một cách chính xác thì đó là đượng cát ngăn cách giữa Vũng Đông và Vũng Tây. Đây là bậc thềm phù sa cổ, có dáng hình thang tương đối cân, với đáy lớn là thềm cát Vũng Đông. Năm 1999, khi đến điều tra tại đây, chúng tôi ước tính dài 350m. Đến năm 2000, khi có được bản đồ địa hình trong tay, chúng tôi đã đo được số đo chính xác như vậy. Tuy nhiên, do bản đồ được đo vẽ trên thực địa vào năm 1997, nên bề ngang của thềm phù sa – do bị khai thác cát suốt vài chục năm, nên chỉ còn lại 150m. Nhưng chúng tôi hỏi những người già Thôn Hai, dù chỉ mới di cư từ Hà Nam (Yên Hưng) và Trà Cổ tới trong vòng 20-30 năm nay thì họ đều nói rằng khi họ mới đến đây, rừng phi lao vươn ra cách bờ hiện thời khoảng 200m. Như vậy có nghĩa là con số ước tính bề ngang của di chỉ 300m của chúng tôi năm 1999 là chính xác. Như vậy diện tích của toàn bộ di chỉ vào khoảng 105.000m2. Điều này hoàn toàn phù hợp với một thực tế là cách bờ cát thuộc phần còn lại của di chỉ khoảng 200, chúng tôi vẫn nhặt được nhiều mảnh gốm, và đặc biệt là rất nhiều bàn mài “dấu Hạ Long” do quá trình khai thác cát làm lộ ra và còn rơi rớt lại. Trên thực tế thì diện tích “ngôi làng tiền sử” Ba Vũng không chỉ có diện tích hạn chế như vậy. Trong khi điều tra Vũng Giữa vào năm 1999, nằm cách di chỉ hiện thời một hòn núi phía nam (có nghĩa là cách 170m về phía chính nam), chúng tôi đã nhặt được rất nhiều mảnh gốm, bàn mài rãnh, công cụ đá điển hình Hạ Long. Tuy nhiên Vũng Giữa đã bị khai thác cát tàn phá không còn để lại dấu tích. Thực ra “làng tiền sử” Ba Vũng bao gồm cả Vũng Giữa và Vũng Tây và như vậy, chí ít diện tích của nó cũng gấp ba lần con số 105.000m2, có nghĩa là vào khoảng 315.000m2.  

1.3. Có thể nói rằng ngôi làng tiền sử Ba Vũng được bố trí xung quanh Hòn Lớn có mặt phía đông và phía nam là vịnh biển chính. Như bất cứ một di chỉ phong phú nào khác, ngôi làng đã được chọn đặt ở một vị trí đắc địa. Vừa thuận tiện cho sinh hoạt, vừa an toàn cho việc phòng thủ khi bị tấn công từ bên ngoài. Khi thất thủ có thể rút lên các hang đá hiểm trở của hệ thống đảo đá xung quanh. Nhưng vị trí lý tưởng của ngôi làng không chỉ đơn giản được đánh giá dưới góc độ an ninh, mà điều quan trọng nhất là ở góc độ kinh tế, xã hội. Có thể nói ngôi làng nằm ở trung tâm của các nguồn mà dân cư của nó có thể dễ dàng kiểm soát được. Trước hết đó là vùng vịnh biển kín trước mặt phía đông di chỉ. Trên bản đồ, vùng vịnh biển này vẫn được ghi là Bái Tử Long. Nhưng thực ra, ở một mức nước thấp hơn, đây là hệ thống một dòng chảy cổ, đông bắc là khu vực vịnh Hạ Long, đảo Cát Bà ở phía tây nam, dù nước có dâng cao thì khu vực này cũng không biệt lập, vì nó gắn liền với hệ thống đảo như là chiếc cầu nối với chính các vùng kể trên. Trong một phạm vi hẹp, làng tiền sử Ba Vũng chế ngự phía trước mặt một dải vịnh biển nông, kín gió, thuận tiện cho việc đánh bắt các nguồn hải sản dồi dào khác. Phía sau lưng nó là một dải đầm phá dài hàng chục km, suốt từ xã Hạ Long xuống đến tận Cửa Ông, ngược lên hệ thống sông Cầu Voi chảy giữa đất liền và đảo Cái Bàu, với một dãy đảo che chắn bên ngoài. Dải đầm phá này đặc biệt phong phú cá tôm và hải sản, lại vừa dễ đánh bắt bằng các phương pháp thủ công thô sơ.

Ngoài ra, mạng lưới đảo và dòng chảy cổ vừa kể cũng chính là những con đường giao thông huyết mạch của các cư dân tiền sử nơi đây. Nó đảm bảo cho việc giao lưu, trao đổi được thực hiện giữa các nhóm cư dân không mấy khó khăn. Người ta có thể ngược lên vùng trũng Tiên Yên để khai thác nguồn nguyên liệu cuội granite và nguyên liệu chế tác các hòn đá mài “dấu Hạ Long”. Người ta có thể ngược xa hơn về phía Quảng Hà, Bình Liêu để tìm kiếm nguồn nguyên liệu opal dùng để chế tác những công cụ và đồ trang sức quý hiếm. Người ta có thể tìm đất sét để làm gốm, thổ hoàng để tô màu và nguồn nguyên liệu sa thạch cứng để chế tác mũi nhọn ở khu vực núi đất liền kề ở phía bắc xã Hạ Long, chỉ cách di chỉ đúng 1km. Nhưng có lẽ một nguồn lợi tưởng như không thể lượng hóa và ít ai hình dung để lượng hóa đó là tri thức mà bản thân cộng đồng Ba Vũng và các cộng đồng khác chia sẻ với cư dân Ba Vũng. Người ta vẫn gọi hệ thống chia sẻ ấy là một văn hóa khảo cổ hay bằng bất cứ một khái niệm nào khác, nhưng dưới góc độ nhân học nhận thức, dưới góc độ cổ xã hội học và khảo cổ học cộng đồng có thể nói ngay rằng đây là một trong những nguồn lợi quan trọng nhất. Nó không vô hình, không thể lượng hóa như người ta vẫn tưởng. Ngược lại, có thể tìm được những chỉ số để định giá nguồn lợi này. Và chỉ có như vậy khảo cổ học mới phát triển.

II. Hố khai quật và Địa tầng

2.1. Hoạch định hố khai quật

Trên bản đồ địa hình Thôn Hai, mà giờ đây đã trở thành Thôn Một, tại đượng cát Vũng Đông, hố khai quật đã được định vị theo đúng hướng bắc nam. Bờ cát phía nam của di chỉ tạo thành một đường dài 200m nối từ vách phía đông núi Đá Trắng sang vách phía bắc Hòn Lớn. Nếu kẻ một đường thẳng đúng theo mép bờ khống chế phía tây của hố khai quật nối liền vách đá vừa miêu tả thì ta có một chiều dài 70m. Nếu kẻ theo bờ khống chế phía đông thì ta được một đường dài 80m. Nếu kẻ theo tâm điểm giữa hai bờ khống chế thì ta được một chiều dài là 75m. Và vách phía nam của hố khai quật cách vách bắc của Hòn Lớn là 30m. Vách đông của hố khai quật được đào sát tới mép bờ cát.

Di chỉ có một mặt bằng lý tưởng do bậc thềm phù sa cổ để lại. Hố thám sát và mặt cắt phía đông cho thấy ngoại trừ chỗ đã bị khai thác cát, phần còn lại của di chỉ có một tầng văn hóa nguyên vẹn với độ dày đều đặn, không hề bị xâm phạm và không hề bị xáo trộn , với một lớp phù sa pha cát và mùn rác dày trung bình 50cm che phủ bên trên. Lớp phủ này có thể được tạo bởi một tầng trầm tích trong một đợt biển tiến ngắn, sau đó lại được che phủ bởi lớp thực vật thân bụi và cỏ. Nơi đây chưa từng bị sử dụng làm bất cứ công trình xây dựng nào, mà có lẽ chỉ bị dùng làm nơi canh tác một số loại cây ngắn ngày nào đó, với bộ rễ không ăn sâu; việc canh tác đơn giản, không cày xới, đào bới, nên nói chung tầng văn hóa không bị động chạm gì đáng kể. Cũng phải thừa nhận rằng, vì di chỉ là một đượng cát và phù sa tơi xốp nên lớp cây thân bụi và than gố kích thước trung bình (hiếm), còn lại hầu hết là nhỏ. Nên bộ rễ của lớp cây này ăn không sâu lắm, và không cắt phá tầng văn hóa ở mức độ vĩ mô. Tuy nhiên, cử nhân Nguyễn Mai Hương, chuyên về bảo tử phấn hoa, khi được mời xuống hiện trường lấy mẫu phân tích bảo tử phấn đã cho rằng không thể lấy mẫu được, vì rễ cây đâm xuống, vả lại đượng cát có cấu trúc tơi xốp nên cùng với rễ cây, nước mưa và các loại côn trùng dễ dàng đem bào tử phấn hiện đại lẫn vào tầng văn hóa.

Hố khai quật có chiều dài 15m theo hướng bắc nam, chiều rộng 5m theo hướng đông tây, gọi là hố H.A., được chia thành 3 hố nhỏ, mỗi hố nhỏ có diện tích 25m2 là H.A1, H.A2, H.A3 theo thứ tự từ bắc đến nam với tổng diện tích là 75m2. HA1 do Chen Wei Chun phụ trách. H.A2 do Nguyễn Văn Hảo phụ trách, và H.A3 do Hà Hữu Nga phụ trách. Sau khi kết thúc 3 hố chính, đoàn thấy rằng không nên để phần bờ cát khá rộng còn thừa ở phía đông của hố, và đi đến quyết định khai quật tiếp phần đó, và gọi là hố H.B. Hố H.B cũng được chia thành ba hố nhỏ theo hố H.A và người phụ trách của từng hố vẫn theo trật tự cũ. Tuy nhiên do mép bờ cát phía đông lượn rộng dần về phía biển theo chiều từ bắc đến nam, cho nên diện tích cả 3 hố H.B1, H.B2, và H.B3 không đều nhau như ba hố H.A1, H.A2, H.A3. Hố H.B1 có diện tích 5 x 1.2m = 6.0m2; Hố H.B2 là 5 x 1.8m = 9.0m2; Hố H.B3 là 5 x 2.2m = 11.0m2. Tổng diện tích ba hố là 26m2. Như vậy tổng diện tích toàn bộ các hố H.A 1,2,3 là 101m2.  

2.2. Địa tầng

Những kết quả thám sát năm 1999 kết hợp với quan sát địa tầng trong cuộc khai quật 2001 cho thấy di chỉ Ba Vùng phân bố địa tầng rất rõ ràng, không bị xáo trộn và hơn nữa lại rát đều đặn, nên hoàn toàn thuận lợi cho việc khai quật và nghiên cứu. Sau khi phát quang các bụi cây và dọn sạch rác rưởi trên bề mặt, di chỉ để lộ một lớp đất mặt được tạo bởi mùn rác của lá cây và cỏ khô dày trung bình 5cm, phân bố trên khắp bề mặt di chỉ. Lớp mùn rác này không chứa bất cứ một di vật khảo cổ học nào. Cùng với lớp này là hàng loạt gốc cây nhỏ ken dày đều khi được phát quang. Tuy nhiên số rễ cây ăn sâu xuống tầng văn hóa ít, nên không gây ảnh hưởng gì nhiều tới cấu trúc tầng văn hóa – trừ việc bảo tử phấn hoa có thể lọt xuống theo nước mưa và côn trùng, động vật.

Tiếp theo đó là một lớp trầm tích màu xám sẫm, tơi xốp dày trung bình 50cm. Lớp trầm tích này có lẽ đực tạo bởi một đợt biển tiến ngắn, kết hợp với gió đưa cát phủ lên và sau đó là quá trình tạo thành lớp đất mùn che phủ của các loại thực vật, cây cỏ bị phân hủy. Lớp trầm tích này là môi trường sinh sống chủ yếu của các loại cây cỏ phủ trên bề mặt di chỉ. Đây là nguồn cung cấp thức ăn và khoáng chất cho các bụi cây che phủ trên bề mặt. Chỉ có một số cây có đường kính khoảng 5-8cm là có bộ rễ ăn sâu quan lớp phủ xuống đến tầng văn hóa. Kết quả quan sát này có đôi chút khác biệt so với kết quả ghi nhận trong đợt điều tra năm 1999. Điều đó cũng dễ hiểu, bởi vì năm 1999 chúng tôi đã đào hố thám sát ở mép ngoài, bờ phía đông của di chỉ, nơi đây do độ dốc cao nên lớp trầm tích phủ bên trên đã bị sạt đi ít nhiều. Vì vậy nó được miêu tả là có độ dày trung 20cm. Nhưng phía trong, không hề bị sạt lở, nên độ dày trung bình của nó là 50cm. Tiếp theo là tầng văn hóa, được cấu tạo bởi lớp trầm tích màu xám thẫm cũng tơi xốp không kém, vì pha nhiều cát – hay nói một cách chính xác hơn – chủ yếu là cát, xem lẫn sạn sỏi nhỏ. Tầng văn hóa, hoàn toàn giống như ghi nhận của đợt thám sát năm 1999, phân bố đều đặc, so với độ dày trung bình 60cm.

Di vật chứa trong tầng văn hóa chủ yếu là mảnh gồm, mảnh tước dày đặc, các hiện vật đá khác; vô số đá cát nguyên liệu để chế tác bàn mài, mũi lao và mũi nhọn, làm hòn kê, hòn đập và hòn ghè; một số hòn cuội nguyên liệu, hoặc công cụ cuội nguyên (hòn kê, hòn ghè đập), và bàn mài rãnh “Dấu Hạ Long” v.v… được phân bố dày đặc và rất đều trên bề mặt di chỉ, sau khi đã được bóc đi lớp trầm tích che phủ. Các di vật đá (đá nguyên liệu, bàn mài Hạ Long và mảnh tước) thưa dần ở lớp dưới và trở nên thưa thớt ở lớp cuối. Cho dù ở lớp này mảnh gốm vẫn dày đặc. Tiếp theo là lớp cát sạch bong, có màu trắng, hơi ngả vàng, không lẫn tạp chất, dày trung bình 10-15cm và trải đều trên bề mặt đáy của tầng văn hóa đã được bóc đi của hố khai quật. Tiếp đến là một lớp cát hạt khá to, mà vàng sáng, xen lẫn sỏi nhỏ, có độ dày khá đều đặc là 40cm. Không hề phát hiện được bất cứ di vật nào trong hai lớp cát sạch vừa miêu tả. Vì vậy có thể gọi đây là lớp vô sinh trong địa tầng (Bản vẽ 2.)

3. Cấu trúc của Di chỉ

3.1. Phân bố của di vật

Những báo cáo viết theo thông lệ thường ghi mục này là di tích, nhưng tôi muốn thực hiện một phương pháp khai quật và phân tích mới bằng cách quan sát cấu trúc của di chỉ - mà trước hết là cấu trúc bề mặt nguyên trạng sau khi các chủ nhân của di chỉ đã rời đi nơi khác. Vì vậy, trong hố H.A3 do tôi phụ trách khai quật, tôi đã cho bóc đi toàn bộ lớp trầm tích phủ bên trên dày từ 50-60cm, sau đó để nguyên các di vật tại chỗ chưa lấy lên bất cứ vật nào – để quan sát miêu tả, đo vẽ và chụp ảnh. Nhưng Chen Wei Chun và Nguyễn Văn Hảo kiên trì rằng đây là tiền do ông Chen bỏ ra, và ông ấy phải được điều hành ông Nguyễn Đình Bướng trong việc vẽ, nên đã không để cho Nguyễn Đình Bướng vẽ cấu trúc bình diện theo cách đào của tôi. Cũng không thể chụp được ảnh, vì ông Chen chịu trách nhiệm chụp ảnh đã không muốn chụp cấu trúc bình diện trong hố H.A3 của tôi. Ông có chụp hai ảnh, nhưng cũng không gửi lại cho Viện Khảo cổ học hoặc cho tôi là người chịu trách nhiệm viết báo cáo về cuộc khai quật này. Do vậy, tư liệu còn lại đến tay người đọc chỉ là những miêu tả của tôi trên hiện trường và bản vẽ nháp trong nhật ký mà thôi. Phần ảnh hiện vật tôi phải lấy sau bằng máy ảnh của Bảo tàng Quảng Ninh.

Đi tìm cấu trúc của di chỉ trước hết là tôi muốn từ bỏ phương pháp tiếp cận cũ chỉ miêu tả di tích, di vật, mà bỏ qua bức tranh tổng thể tạo thành toàn bộ di chỉ với các mối liên hệ giữa mọi yếu tố cấu thành của chúng. Cụ thể, trong trường hợp hố H.A3 của tôi sau khi được bóc đi toàn bộ lớp trầm tích bên trên đã để lộ ra một bề mặt cư trú nguyên trạng được bỏ lại. Công việc khai quật được bắt đầu từ ngày 18/10/2001 bằng việc phát quang bề mặt di chỉ và sau đó dọn cỏ rác. Ngày 19/10 mưa to không thể ra công trường. Ngày 20 tiếp tục đào. Đến ngày 21/10/2001, hố H.A3 của tôi đã bộc lộ ra bề mặt tầng văn hóa tại nửa phía bắc của hố thuộc các ô: a.b 1,2,3,4, 5 tổng cộng là 10m2. Đây chính là bề mặt của lớp một (L.1). Bề mặt của L1 có một cấu trúc của những tập hợp dày đặc mảnh tước đá (trong đó hình như có cả loại đá có nguồn gốc núi lửa), mảnh gốm, bàn mài rãnh Hạ Long, mẩu bài maì lòng máng Hạ Long, đá nguyên liệu (dùng làm bàn mài và mũi tên, mũi lao), hòn kê, hòn ghè. Xen lẫn các di vật này còn có sạn sỏi tự nhiên từ một vài mm đến 2cm. Độ dày 60cm của tầng văn hóa được đào thành 4 lớp, mỗi lớp trung bình 15cm.

Trong phạm vi 10m2 bề mặt lớp L1 thuộc các ô: a.b 1, 2, 3, 4, 5 ấy, tôi quan sát được 5 nhóm đá nguyên liệu hầu hết là sa thạch, gần như tạo thành hai hàng, ba hàng thuộc dải a và hai hàng thuộc dải b. Mỗi tập hợp như vậy phân bố trong phạm vi 1 - 1,5m2. Có vẻ như mỗi tập hợp ấy là do ít nhất một người thợ đá ngồi chế tác sản phẩm. Xung quanh ông ta có thể còn có một hai người giúp việc khác (có thể là trẻ em?). Tuy nhiên không có bất cứ một căn cứ xác đáng nào để khẳng định điều này. Với hậu thế, có thể đây chỉ là những suy luận vụng về, đôi khi mang tính áp đặt. Nhưng biết làm sao được, khi trong tay chúng ta giờ đây không có bất cứ công cụ nào khác ngoài suy luận kiểu ấy.

Chiều 21/10/2001, toàn bộ bề mặt của L1, hố H.A3 đã được làm rõ. Những quan sát và ghi nhận cấu trúc bề mặt di chỉ buổi sáng đã được khẳng định. Có thêm 7 nhóm bao gồm các tập hợp di vật như đã được miêu tả vừa rồi đối với các trường hợp thuộc ô:a-b 1, 2, 3, 4, 5. Có một điều rất đáng lưu ý là các tập hợp mảnh tước và hạch nhỏ thường đi liền với các tập hợp đá sa thạch nguyên liệu, và các bàn mài rãnh Hạ Long thường phân bố cùng với những cụm mảnh gốm. Có thể đây chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên đối với trường hợp lớp L1 của hố H.A3. Nhưng điều đó là ít khả năng. Trong thực tế đã có mối liên hệ nào đó giữa những yếu tố của từng tập hợp tạo nên cấu trúc di chỉ chúng ta cần phải suy nghĩ để tìm cách lý giải.

Lớp L2 tập trung nhiều gốm và mảnh tước, mật độ đá sa thạch nguyên liệu vẫn rất dày đặc, nhưng không bằng lớp L1. Đá sa thạch nguyên liệu đặc biệt tập trung tại dải e, thuộc các ô e 1, 2, 3, 4. Khối lượng và kích thước của đá sa thạch nguyên liệu không hoàn toàn đồng đều. Tuy nhiên chúng dao động phổ biến từ 0,3kg đến 2,5kg; kích thước dài từ 5cm – 20cm, rộng từ 5cm – 15cm. Loại sa thạch phổ biến nhất dùng là để chế tác bàn mài rãnh và bàn mài lòng máng. Còn loại sa thạch cứng, mịn hơn, màu xám hơi có sắc hồng dùng để chế tác mũi nhon và mũi lao thì hiếm hơn. Những di vật này thường đi liền với các bàn mài rãnh “dấu Hạ Long”, và cùng với chúng là những tập hợp mảnh gốm dày đặc. Có một điều đáng lưu ý là hầu hết các mảnh gốm đều úp sấp, dường như chúng được cố tính bố trí như vậy chứ không phải là những tư thế vỡ ngẫu nhiên. Nếu quan sát là đúng thì rõ ràng người tiền sử có một ý thức hết sức định hình đối với loại sản phẩm gốm. 

3.2. Cấu trúc Xã hội

Một câu hỏi cần được đặt ra là: cấu trúc di chỉ có liên quan gì với sự phân công lao động theo giới, theo lứa tuổi, theo tay nghề, theo sự chuyên môn hóa nhất định hoặc theo những lễ thức nào đó phổ biến trong các cộng đồng tiền sử không? Trường hợp này rõ ràng đòi hỏi chúng ta phải hình dung tới một kịch bản cấu trúc xã hội làm công cụ hoặc mô hình giải thích cho những cấu trúc bề ngoài tưởng chừng câm lặng của các yếu tố cấu thành di chỉ. Và có thể vượt ra khỏi phạm vi di chỉ nữa. Phải chăng đây là một di chỉ xưởng như người ta vẫn hình dung về quá khứ dựa trên những ám ảnh bởi xã hội công nghiệp của chúng ta một thời đã đầy rẫy các loại công xưởng, đầy rẫy buôn bán, đổi chác?.

Một câu hỏi khác cũng liên quan đến cấu trúc di chỉ đặt ra cho chúng ta là: Tại sao tầng văn hóa của di chỉ lại thuần nhất, và chỉ có 60cm? Cư dân Ba Vũng từ đâu tới, và sau đó họ đã đi về đâu?, và Vì sao họ đã đến để rồi lại ra đi? Điều đó liên quan gì đến các yếu tố xã hội hoặc tự nhiên đã xảy ra nơi đây khiến họ đến và đi như vậy? Và dường như điều kiện tự nhiên của vùng biển Đông Bắc thường khiến chúng ta thiên về các giải thích liên quan đến các nguyên nhân tự nhiên, mà trước hết liên quan đến mực nước biển. Điều đó là rất có lý. Tuy nhiên không nên cho rằng tự nhiên là lý do duy nhất quyết định các biến đổi cấu trúc của dân cư nơi đây. Khi chúng ta biết rằng quyền và khả năng sở hữu các nguồn tại nơi này dễ dàng tạo ra các xung đột và hòa giải xã hội. Và đó cũng là một nguyên nhân năng động không kém, luôn luôn tác động tới các biến đổi xã hội của cư dân Ba Vũng.

Và cũng giống như nỗi ám ảnh về các công xưởng, nỗi ám ảnh hiện đại về sự sôi động của buôn bán và đổi chác cũng luôn luôn chi phối các nghiên cứu của chúng ta, khiến ta không còn cách nghĩ nào khác ngoài cách nghĩ cho rằng nếu không có buôn bán và trao đổi thì cư dân khu vực Đông Bắc khó có thể duy trì được cuộc sống của họ. Vì vậy vấn đề công xưởng, hay di chỉ xưởng đi liền với một cấu trúc xã hội khác: đó là đầu vào, đầu ra của sản phẩm do công xưởng chế tác. Và không chỉ có thế, còn một điều quan trọng khác nữa là chính cái cấu trúc xã hội khác: đó là đầu vào, đầu ra của sản phẩm do công xưởng chế tác. Và không chỉ có thế, còn một điều quan trọng khác nữa là chính cái cấu trúc xã hội do các quá trình sản xuất công xưởng đòi hỏi tạo ra.

Tóm lại: Về phương diện cấu trúc xã hội, trong phạm vi phân bố rộng lớn như vậy, cộng đồng Ba Vũng không còn đơn giản là một “công xã thị tộc”, mà đó là một làng theo đúng nghĩa một cộng đồng không nhất thiết có chung một dòng máu, dù là tính theo mẫu hệ, phụ hệ hay song hệ. Cái tên “công xã láng giềng” cũng không nói lên được điều gì có nhiều ý nghĩa. Công xã láng giềng giả định một con đường phát triển xã hội duy nhất từ thị tộc đi lên. Nhưng sự phát triển xã hội không bao giờ là con đường duy nhất, mà còn có những cấu trúc khác, đa dạng hơn nhiều. Có thể thị tộc và công xã láng giềng phổ biến ở các cư dân làm nông, định cư, nhưng chưa chắc điều đó đã đúng với cư dân khai thác biển như cộng đồng Ba Vũng. Vì vậy nghiên cứu cộng đồng là chỉ ra mức độ đặc thù của một nhóm cư dân nhất định, tương thích với những điều kiện, hoàn cảnh riêng của nó.

3.3. Cấu trúc Tri thức

Lâu nay, người ta không quan tâm hoặc không biết đến vấn đề này. Nhưng ngày nay, khi vấn đề tri thức, trong đó bao gồm cả thông tin đã trở thành một cấu trúc hữu cơ của mọi xã hội, người ta mới thấy rằng tri thức và những lợi ích do nó đem lại là có thật. Tuy nhiên việc tiếp cận trực tiếp với tri thức bản địa của cộng đồng tiền sử Ba Vũng là không thể. Không còn nhiều khả năng để biết được vốn sống của cư dân ở đây. Tuy nhiên, một trình độ “tri thức hóa thạch” vẫn còn được lưu giữ lại ở những tập hợp di vật, nếu được phân tích thấu đáo thì hoàn toàn có thể nhận biết được, thông qua trình độ kỹ thuật, thông qua mức độ trao đổi, thông qua các cấu trúc tự nhiên và xã hội khác để thể hiện về sự hiểu biết các nguồn. và khả năng khai thác các nguồn của họ dựa trên sự hiểu biết đó, và đặc biệt là thông qua gốm và mộ táng. Tuy nhiên, có một điều rất đáng tiếc là một trong những nguồn thông tin quan trọng nhất phản ánh tri thức cộng đồng là mộ táng thì lại chưa phát hiện được trong khu di chỉ Ba Vũng. Dẫu sao thì việc nghiên cứu khu cư trú, nghiên cứu các tập hợp hiện vật, đặc biệt là bàn mài rãnh, hệ thống mũi nhọn, mũi lao, rìu bôn mài và gốm cũng sẽ cho phép hiểu biết rõ ràng hơn về cấu trúc tri thức bản địa của cư dân nơi đây.

_________________________________________________

Còn nữa…

Nguồn: Hà Hữu Nga (2001). Báo cáo Khai quật Di chỉ Ba Vũng (Quảng Ninh) năm 2001. Hà Hữu Nga viết với sự tham gia của Nguyễn Văn Hảo và Nguyễn Thị Nhung, Phòng Tư liệu – Thư viện Viện Khảo cổ học). In lại trong: “Viện Khảo cổ học (Nguyễn Khắc Sử chủ biên) (2005). Khảo cổ học vùng duyên hải Đông Bắc Việt Nam,” Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, tr. 158-192.

Tài liệu dẫn   

Hà Hữu Nga, Trình Năng Chung, Trần Văn Minh (2001). Di tích Hạ Long mới phát hiện trên huyện đảo Vân Đồn (Quảng Ninh). 116-118. Trong Những phát hiện mới về Khảo cổ học năm 2000, Hà Nội 2001, tr. 116-118.

Nguyễn Gia Đối (1992). Một sưu tập đồ đá gần gũi Cái Bèo. Trong Những phát hiện mới về Khảo cổ học năm 1991, Hà Nội 1992, tr. 31.

 

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét