Powered By Blogger

Thứ Hai, 10 tháng 5, 2021

Khảo cổ học Nhân học và các Mô hình Con người

Hà Hữu Nga

Dù định nghĩa thế nào, xác định đối tượng và phương pháp nghiên cứu là gì, dù xếp khảo cổ học vào lĩnh vực khoa học, nhân học hay lịch sử đi nữa thì một trong những mục đích tự thân của bất kỳ nền khảo cổ học nào cũng là đi tìm một mô hình con người theo cách của mình. Đó chính là tính chất nhân văn của khảo cổ học. Tuy nhiên tính chất ấy lại bị quy định bởi truyền thống văn hóa, những xu hướng chính trị xã hội của thời đại và của bản thân nhà khảo cổ học. Vì vậy mô hình con người trong bất cứ một trường phái khảo cổ học nào cũng là một mô hình kép: con người của quá khứ mà nhà khảo cổ học muốn phục dựng, và con  người như truyền thống, như thời đại và bản thân nhà khảo cổ học nhận thức và mong muốn. Vì đặc trưng ấy mà cho đến giờ người ta vẫn chưa thỏa mãn với bất cứ mô hình nào. Đó cũng chính là lý do tại sao chúng ta lại luôn luôn được chứng kiến sự ra đời của những trường phái khảo cổ học khác nhau, phê phán nhau, kế thừa nhau, thay thế nhau, bổ sung cho nhau để tạo dựng một mô hình con người. Việc phân tích mô hình con người trong các trường phái khảo cổ sẽ cho thấy mức độ sâu sắc và tầm tư tưởng của mỗi trường phái.

1. Mô hình Con người Lịch sử của Khảo cổ học Lịch sử Văn hóa: Nền tảng lý thuyết của con người lịch sử chính là chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa lịch sử. Thế kỷ XIX và nửa đầu thế kỷ XX là thời kỳ chủ nghĩa dân tộc phát triển mạnh tại châu Âu, đồng thời cũng là thời kỳ giảm sút niềm tin vào tiến bộ công nghệ, niềm tin vào tiến hóa luận, vì vậy dân tộc tính đã trở thành nhân tố quan trọng nhất trong lịch sử nhân loại (Trigger 1989: 148). Con người lịch sử thể hiện qua các công trình khảo cổ học đi tìm các cội nguồn tộc thuộc, dân tộc và các chủng tộc khác nhau. Mục đích của nó là xây dựng những khác biệt và những con đường tiến hóa riêng của các tộc người, các dân tộc và các chủng tộc. Con người lịch sử là con người mục đích luận, chính vì vậy, nó được coi là hình mẫu thiên về ý chí. Đối với phương Tây, mô hình này thường được gọi là mô hình con người dân tộc chủ nghĩa với rất nhiều biến thể khác nhau, mà một phát triển cực đoan nhất của nó là chủ nghĩa phát xít.

2. Mô hình Con người Xã hội của Trường phái Chức năng luận: Nền tảng lý thuyết của nó là chủ nghĩa Marxism, xã hội học Durkheim, nhân học xã hội Malinowski và Radcliffe-Brown: Đối với Durkheim, con người xã hội là con người cố kết thành những hệ thống, tạo thành các thể chế liên hệ với nhau giống như một cơ thể sống vậy. Vì trạng thái tiêu chuẩn ấy, nên sự thay đổi là trái với bản chất của con người. Với quan điểm này, mô hình con người của ông phần nào đồng nhất với mô hình của các nhà phản tiến hóa cuối thế kỷ XIX. Tuy nhiên con người xã hội của Durkheim lại hoàn toàn khác với con người xã hội theo quan điểm của Marx. Đối với Durkheim, chức năng của con người xã hội là duy trì sự ổn định xã hội. Nhưng đối với Marx, con người xã hội phải là động lực phát triển của xã hội thông qua việc chuyển hóa các mâu thuẫn nội tại, trong đó giai cấp và cách mạng là trung tâm của vấn đề. Dưới ảnh hưởng của chủ nghĩa Marxism, và khảo cổ học Soviet, Gordon Childe đã từng phát triển mô hình ấy – dù không triệt để - trong một số công trình của ông trong khuôn khổ trường phái chức năng luận.

3. Mô hình Con người Sinh thái của Khảo cổ học Quá trình, hay còn gọi là Khảo cổ học mới: Nền tảng lý thuyết của con người sinh thái chính là Tân tiến hóa luận, Tương đối luận văn hóa và Phản lịch sử chủ nghĩa thống trị tư duy nhân học và các khoa học xã hội Bắc Mỹ từ những năm 1950 đến những năm 1980 của thế kỷ XX. Khảo cổ học mới đã xây dựng một mô hình con người thích nghi với mọi điều kiện, hoàn cảnh của môi trường. Mô hình con người sinh thái tùy thuộc vào môi trường, các chuẩn mực xã hội, và là một hệ thống tự điều chỉnh. Nếu mô hình con người lịch sử là những con người dân tộc chủ nghĩa thì mô hình con người sinh thái là mô hình theo chủ nghĩa bộ lạc (tribalist). Nó phản ứng với khuynh hướng tập trung của các xí nghiệp công nghiệp khổng lồ tại Mỹ, và xu hướng cực quyền của nhà nước trên thế giới trong thời đại công nghiệp hóa và chủ nghĩa cá nhân phát triển đến đỉnh điểm. Nó ủng hộ cho xu hướng giải tập trung, tự trị tộc người và lối sống cộng đồng.     

4. Mô hình Con người Nhận thức của Khảo cổ học Hậu quá trình: Nền tảng lý thuyết của nó là triết học lịch sử của R.G. Collingwood, lý thuyết hành động xã hội của M. Weber, lý thuyết tương tác tượng trưng của G.H. Mead và lý thuyết phê phán của trường phái Frankfurt. Khảo cổ học Hậu quá trình đã xây dựng một mô hình giải thích dựa trên một loạt những phân đôi để nhận thức lại những giá trị đã thành và tìm kiếm ý nghĩa của cuộc sống. Với mô hình phân đôi, lầm đầu tiên logic đệ quy – đồng thời thừa nhận hai giá trị trái ngược nhau – đã được sử dụng một cách hệ thống để lý giải lịch sử và văn hóa. Điều đó được đánh dấu bởi quan niệm của Collingwood khi ông coi văn hóa vừa là sáng tạo, vừa là thu nhận.

Khảo cổ học Hậu quá trình không chia sẻ quan niệm con người thuần túy xã hội của các trường phái Khảo cổ học chức năng, Khảo cổ học mới và Khảo cổ học Hậu Marxist. Con người của Khảo cổ học Hậu quá trình bao giờ cũng hành động trong một bối cảnh nhất định nào đó, đặc trưng nổi bật của hành động này là tính ứng biến, không phụ thuộc hoàn toàn vào các chuẩn mực xã hội. Chính vì thế nó không ngừng góp phần làm thay đổi các chuẩn mực ấy, và cũng nhờ đó mà cá nhân nhận thức được chính bản thân mình. Từ quan niệm con người của Collingwood, Ian Hodder đã phát triển mô hình con người cá nhân có khả năng tạo ra sự thay đổi và tạo ra nền văn hóa của họ, với tư cách là một quá trình xã hội tích cực tối thiểu hóa, nâng cao cá tính chủ động của mỗi cá nhân trong vai trò làm biến đổi xã hội. Tuy nhiên mô hình con người của trường phái Khảo cổ học Hậu quá trình vẫn chứa đựng những tiêu cực bởi nỗi ám ảnh về một chiến lược quyền lực hiện tại nhằm phục vụ cho các nhóm lợi ích xã hội khác nhau (Hodder I. 1991: 157-167).

Mô hình con người theo quan niệm của Khảo cổ học Hậu quá trình làm một cố gắng thích ứng với những thay đổi rất nhanh của xã hội phương Tây cuối thế kỷ XX, một xã hội được coi là Hậu hiện đại với những đặc trưng mới nhất là sự thay đổi tận gốc rễ tính chất của sở hữu và của lao động. Từ sở hữu vật chất hữu hình truyền thống, trong xã hội bắt đầu phổ biến hình thức sở hữu vô hình đối với trí tuệ và các giá trị tinh thần. Từ sở hữu cái khác mình, bên ngoài mình, giờ đây xu hướng của con người là sở hữu chính bản thân mình. Lao động tri thức làm cho con người thay vì đối diện với cái khác, người khác, giờ đây phải đối diện với chính mình nhiều hơn, sâu sắc hơn. Các nhà kinh tế học gọi đó là thời đại của nền kinh tế tri thức. Chính vì vậy, phương Tây cần có một mô hình con người mới, và đó là lý do để tất cả mọi khoa học nghiên cứu về con người đều thay đổi lối nhìn của mình. Khảo cổ học cũng không phải là một ngoại lệ.

5. Mô hình Tiên thiên Con người Sáng tạo (Man the Creator) cho Khảo cổ học Nhân học Phương Đông: Có thể nói rằng tất cả những mô hình con người trong nhân học và khảo cổ học Phương Tây đều có nguồn gốc sâu xa từ nền văn hóa của họ, mà chủ yếu là từ triết học Hy Lạp Cổ đại và Kinh thánh. Hai nguồn này, trong quá trình phát triển của mình đều cố gắng nhận thức địa vị của con người trong các mối quan hệ với tự nhiên, với xã hội, với siêu nhiên và với chính bản thân mình để đạt tới mục đích cuối cùng là đem lại tự do cho con người. Tuy nhiên với tất cả những nỗ lực vô tận của mình, tư duy Phương Tây vẫn chưa tìm ra được cách gì để khắc phục được cái giới hạn cuối cùng của mô hình con người của họ, đó chính là giới hạn phân đôi chủ thể - khách thể.

Ngược lại, trong vốn văn hóa Phương Đông có một mô hình con người đã vượt qua được giới hạn trên, đó chính là mô hình con người Phật học (người viết nhấn mạnh Phật học chứ không phải Phật giáo). Nếu gạt bỏ mọi yếu tố duy tâm tôn giáo để tìm kiếm một cốt lõi tích cực về con người trong mô hình này, thì chúng ta có thể thấy rằng quan niệm con người có thể vươn tới đồng nhất với Phật tính để chứng minh khả năng vô tận của nó trong điều kiện khoa học chưa phát triển cách ngày nay trên dưới 2500 năm, chính là một nỗ lực cực kỳ vĩ đại của tư duy phương Đông (Ludwig 1989: 15-35).

Sở dĩ mô hình con người Phật học chứa yếu tố tích cực, bởi vì về phương diện lý thuyết, nó giải quyết mâu thuẫn giữa chủ thể và khách thể thật độc đáo và bất ngờ bằng cách tuyệt đối hóa năng lực của con người, để tạo ra một mô hình con người sáng tạo vũ trụ, chi phối và đồng nhất hóa khách thể. Vì vậy, trong quan niệm Phật học không có một khách thể thượng đế. Nguồn gốc duy nhất của sự sáng tạo chính là trí tuệ vô biên mà con người có thể đạt được. Giờ đây, quan niệm ấy đã làm cho quá khứ, hiện tại, Phương Đông và Phương Tây gặp gỡ nhau. Vì thế khoa nhân học Phương Đông thiên niên kỷ thứ III có thể khai thác từ khía cạnh ấy một mô hình con người cho những tiếp cận của mình. Và như vậy, nó có thể thoát khỏi ảnh hưởng một chiều của nhân học Phương Tây để đóng góp tích cực phát triển một khoa nhân học mới của nhân loại.

________________________________________

Nguồn: Hà Hữu Nga (2001). Khảo cổ học Nhân học và các Mô hình Con người. Trong Những phát hiện mới về Khảo cổ học năm 2000, Hà Nội 2001, tr.60-62.

Tài liệu dẫn

Hodder, Ian (1999). Reading the Past. Second Edition. Cambridge University Press.

Ludwig, Theodore M., (1989). The Sacred Paths of the East. Macmillan Publishing Company, New York.

Trigger, Bruce G., (1989). A History of Archaeological Thought. Cambridge University Press.

 

 

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét