Powered By Blogger

Chủ Nhật, 9 tháng 5, 2021

Khảo cổ học Phương Tây từ Triết học Lịch sử tới Xã hội học

Hà Hữu Nga

Có một triết học lịch sử do Hegel sáng lập ra trên cơ sở chủ nghĩa lịch sử của chính ông – là kế thừa trực tiếp các tư tưởng của Heraclite, Plato và Aristotle. Tuy nhiên, nếu ông đồng ý với Plato rằng “vật hữu tử có bản chất làm cơ sở và nguồn gốc” thì ông lại tách ra khỏi Plato khi khẳng định rằng “bản chất có thể biến đổi”. Trong vũ trụ của Hegel cũng như trong vũ trụ của Heraclite, tất cả đều vận động, kể cả bản chất, trong khi đó Plato lại coi bản chất là tiêu chuẩn của tính ổn định.

Chủ nghĩa lịch sử của Hegel là một tiên tri lạc quan. Với ông, bản chất (hoặc tinh thần, hoặc ý niệm) có đặc trưng tự phát triển và do đó cũng hướng về “một nguyên nhân cuối cùng” theo cách hiểu của Aristotle. Nguyên nhân cuối cùng của Hegel chính là cái mà ông gọi là “ý niệm tuyệt đối”. Vũ trụ đang vận động của Hegel tồn tại trong trạng thái xuất hiện hoặc tiến hóa sáng tạo mà mỗi giai đoạn phát triển tinh thần đều chứa đựng giai đoạn trước mà từ đó nó phát sinh và sau khi đã phủ định giai đoạn trước thì nó dần dần đạt tới sự hoàn thiện. Vì vậy, quy luật chung của sự phát triển là một quy luật tiến bộ. (Popper K., 1979: 18-25).

Như chúng ta đều biết, Hegel còn là cha đẻ của chủ thuyết “toàn luận” (holisme). Về phương diện lịch sử, ông coi Thế giới là một toàn thể - là ý niệm tuyệt đối dưới dạng lịch sử toàn thế giới. Sự vận động của tinh thần trong cái toàn thể ấy chính là sự vận động biện chứng của Tinh thần biểu hiện dưới dạng dân tộc để đạt tới trạng thái hoàn thiện của nó là nhà nước tự do – một loại nhà nước Thiên hựu – Trời độ như của Frederic Guillaume nước Phổ vậy (Hegel 1975: 18-30).

Thực ra cũng không có gì nhiều để nói về triết học lịch sử của Hegel bởi sự quy giản đến nghèo nàn của nó, nhưng những ngộ nhận về nó thì lại vô cùng phong phú và đa dạng đến nỗi đã tạo nên cả bầu không khí học thuật châu Âu và không chỉ là châu Âu, mà toàn Thế giới trong hàng thế kỷ. Thậm chí cho đến tận thập kỷ cuối cùng của Thế kỷ XX này, triết học lịch sử Hegel vẫn được làm sống lại để chứng minh cho một dạng nhà nước Tối thượng mới – Nhà nước Dân chủ Tự do (Fukuyama F., 1992: XI; 1995: XIII-XV).

Về phương diện khảo cổ học, chủ nghĩa lịch sử kiểu nhà nước dân tộc tối thượng đã bị đảng Quốc xã triệt để khai thác với trường hợp cuốn sách Die Herkunft der Germanen ( Quê hương của người Giéc manh) của nhà khảo cổ học Đức Gusta Kossinna. Ông đã sử dụng phương pháp khảo cổ học cư trú với phương pháp luận của chủ nghĩa lịch sử để chứng minh những ảnh hưởng từ vùng hạch cao đẳng này ra ngoài. Kossinna đã dùng những phát hiện khảo cổ học để chứng minh rằng các vùng thuộc lãnh thổ Ba Lan đã thuộc Đức từ thời đại đồ sắt. Đặc biệt sau khi ông chết, dưới thời Đế chế III, các tư tưởng và phương pháp của Kossinna đã được sử dụng để phát triển một cách đầy đủ nhất cái ý thức hệ về chủng tộc “thượng đẳng” ấy.

Vào năm 1935, Himmler đã thành lập Deutsches Abbnenerbe Di sản của Tổ tiên người Đức. Tổ chức này đã tiến hành các cuộc khai quật khảo cổ học từ năm 1938. Ở đây, phương pháp của Kossinna là bắt buộc. Các cuộc khai quật do bọn SS (Schutzstaffel) tiến hành với sự hướng dẫn của các học giả lừng danh. Mỗi đơn vị SS đóng trong lãnh thổ một nước được yêu cầu tiến hành một cuộc khai quật trong khu vực để gây ảnh hưởng về một trung tâm văn hóa Đại Đức. Mục đích của các cuộc khai quật là để giáo dục và đưa ra những hậu thuẫn khoa học cho quan điểm Quốc xã về tính ưu đẳng của chủng tộc Đức (Hodder, I. 1991: 1-2).

Ngày nay về cơ bản khảo cổ học đã vượt qua phương pháp luận của chủ nghĩa lịch sử, của triết học lịch sử vinh thăng các dân tộc ưu đẳng để đi tìm sự bình đẳng cho các dân tộc, các chủng tộc, mà trong đó phần nào có công lao của Khảo cổ học mới, hay Khảo cổ học Quá trình. Tối thiểu có vài điều Khảo cổ học Quá trình làm được mà một trong số đó là nó không nhìn nhận lịch sử như là một toàn thể như toàn luận (Holisme) quan niệm. Ngược lại, đối với Khảo cổ học Quá trình, lịch sử trước hết mang tính phức hợp, vì không thể áp đặt một quan niệm tiên thiên cho vô vàn quá trình khác nhau của lịch sử. Lịch sử vốn là đa dạng, là một phức hợp những quá trình khác nhau, kể cả trái ngược nhau, vì vậy người ta chỉ có thể hiểu được lịch sử bằng cách khảo sát từng quá trình và những cấu trúc cụ thể của nó.

Nhưng như vậy, Khảo cổ học mới, về phương diện nhận thức luận, đã rơi vào chính cái bẫy mà nó giăng ra. Từ chỗ từ bỏ quy giản lịch sử vào những quy luật nghèo nàn của chủ nghĩa lịch sử tới chỗ biến lịch sử thành vô vàn quá trình khác nhau, thậm chí trái ngược nhau đến mức khó hiểu và đến mức phi lịch sử, nó đã làm bối rối cả những đầu óc sáng suốt nhất. Chính từ song đề đó, đã xuất hiện cái gọi là Khảo cổ học Hậu quá trình. Theo Ian Hodder thì Khảo cổ học Hậu quá trình có 4 đặc trưng gắn liền với việc thực hiện các phép phân đôi như sau: 1) Sự phân đôi giữa cá nhân và chuẩn mực; 2) Sự phân đôi giữa cấu trúc và quá trình; 3) Sự phân đôi giữa vật chất và tinh thần; 4) Sự phân đôi giữa chủ thể và khách thể (Hodder, I. 1986: 156).

Thật ra những đặc trưng mà Ian Hodder đưa ra không chỉ liên quan riêng tới khảo cổ học mà nó còn là đặc trưng của cả một thời đại các khoa học nói chung, đặc biệt là các khoa học xã hội và nhân văn khi tri thức luận và phương pháp luận xã hội học đang dần thế chỗ cho triết học. Chúng ta cần lưu ý tới chữ dùng của Ian Hodder về khái niệm phân đôi (dichotomy) và sau đó là các cặp phân đôi. Rõ ràng Hodder đã không hề quan tâm tới sự quy giản về các cặp phạm trù triết học ở đây. Sự phân đôi không phải bao giờ cũng là sự mâu thuẫn và thống nhất giữa hai mặt đối lập có thể chuyển hóa cho nhau trong vận động. Hodder đã không đặt sự phân đôi số 1 là cá nhân và xã hội, mà là cá nhân và chuẩn mực. Vì vậy phương pháp mà ông khai thác ở đây là xã hội học, vì chúng ta biết rằng cá nhân và chuẩn mực chính là nền tảng tạo ra mọi sự kiện xã hội dưới nhãn quan xã hội học. Tương tự như vậy, ta có cặp phân đôi theo lối sự kiện của xã hội học khác là cấu trúc và quá trình của các sự kiện và ngược lại. Đây là phương pháp luận xã hội học của E. Durkheim, trong đó người ta không quan tâm đến quy luật chuyển hóa theo kiểu triết học giữa cấu trúc và quá trình, mà chỉ quan tâm tới các sự kiện tạo ra các cấu trúc và các quá trình mà thôi.             

Cặp phân đôi mang màu sắc triết học nhất mà Ian Hodder đưa ra là vật chất và tinh thần. Nhưng đối với khảo cổ học, đây chỉ đơn thuần là những hạng mục phân loại. Chẳng hạn chiếc cuốc đá – vật chất; một cái bùa – tinh thần. Ở đây Hodder không hề có ý định khai thác cái gọi là mối quan hệ biện chứng giữa hai loại sự vật đó. Và vì vậy, nó cũng thuần túy là phương pháp luận của xã hội học mà thôi.

Cuối cùng là chủ thể - khách thể. Rõ ràng đây là hai khái niệm công cụ nền tảng của triết học. Tuy nhiên Hodder vẫn không trừu tượng hóa nó theo cung cách của chủ nghĩa lịch sử hoặc chủ nghĩa bản chất (essentialism), mà ông đã đưa hẳn chúng về bình diện xã hội học – bình diện các sự kiện, chứ không phải là một “cặp phạm trù biện chứng”. Ở đây ông thẳng thắn bộc lộ chân tướng của mối quan hệ giữa chủ thể và khách thể trong Khảo cổ học Hậu quá trình, đó là: “quá khứ được xây dựng một cách chủ quan trong hiện tại và quá khứ chủ quan ấy liên quan tới các chiến lược quyền lực ngày nay” (Hodder, I. 1986: 166).   

Như vậy bước đầu chúng ta có thể nhận chân Khảo cổ học Hậu quá trình là một quá trình xã hội học hóa khảo cổ học về mặt nhận thức luận. Vậy là trên con đường từ Lịch sử Văn hóa tới Hậu quá trình, khảo cổ học dường như đã đi bằng đôi chân của kẻ khác. Đó là những cặp chân của Triết học Lịch sử trước kia và bây giờ là Xã hội học. Đó cũng là phép biện chứng của tính phức hợp và bổ sung trong lý giải khảo cổ học đương đại.  

__________________________________________

Nguồn: Hà Hữu Nga (1999). Khảo cổ học Phương Tây từ Triết học Lịch sử tới Xã hội học. Trong Những phát hiện mới về Khảo cổ học năm 1998, Hà Nội 1999, tr.93-96.

Tài liệu dẫn

Fukuyama, Francis (1992). The End of History and the Last Man. The Penguin Group.

Fukuyama, Francis (1992). Trust – The Social Virtues and the Creation of Prosperity. The Penguin Group.

Hegel, Georg Wilheim Friedrich (1975). Lectures on the Philosophy of World History. Duncan Forbes’ Editions.

Hodder Ian (1986). Reading the Past. Cambridge University Press.

Hodder Ian (1991). Archaeological Theory in Europe. The Last 3 Decades. Edited by Ian Hodder. London and New York.

Popper, Karl (1979). Hegel et Marx. Editions du Seuil. Paris.

 

 

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét