Powered By Blogger

Thứ Sáu, 21 tháng 5, 2021

Hậu kỳ Đá mới miền núi phía bắc Việt Nam

Hà Hữu Nga

Cho đến nay việc nghiên cứu hậu kỳ đá mới miền núi phía bắc Việt Nam đã đạt được những kết quả khả quan. Đặc biệt là sau hai năm (1996-1997) Phòng Nghiên cứu Thời đại đá thực hiện đề tài cấp Bộ về lĩnh vực này thì trong tay các nhà nghiên cứu đã có một khối tư liệu tương đối có hệ thống; một số vấn đề đã được giải quyết; một loạt vấn đề mới đã được đặt ra, trong đó có cả những vấn đề mang tính lý luận.

Trong vòng gần một thế kỷ - kể từ khi H. Mansuy phát hiện và nghiên cứu địa điểm khảo cổ học Thẩm Khoách tại phố Bình Gia (Lạng Sơn) vào năm 1906 – việc nghiên cứu khảo cổ học thời đại đá miền núi phía bắc Việt Nam hầu hết chỉ tập trung vào các văn hóa Hòa Bình, Bắc Sơn và sau này có thêm kỹ nghệ Ngườm, và văn hóa Sơn Vi…Vấn đề hậu kỳ đá mới miền núi gần như không được đặt ra với tư cách là một lĩnh vực nghiên cứu duy nhất giành cho một số chuyên khảo về lĩnh vực này thuộc về văn hóa Hạ Long – với cái tên khai sinh là văn hóa Danh Do La – được mở đầu bằng những phát hiện và nghiên cứu của J.G. Andersson và M. Colani vào năm 1938 tại vùng biển Quảng Ninh (J.G.Andersson 1938; M. Colani 1938 a, b). Tuy nhiên các lý giải của họ về nền văn hóa này lại không nhiều giá trị, thậm chí có những quan điểm khoa học cơ bản trong các công trình nghiên cứu ấy rất khó chấp nhận.

Sau ngày hòa bình lập lại, các nhà khảo cổ học Việt Nam đã bắt đầu quan tâm môt cách có hệ thống tới vấn đề hậu kỳ đá mới miền núi và đã có những đề xuất vẫn còn nguyên giá trị cho tới tận bây giờ (Hà Văn Tấn, Trần Quốc Vượng 1961: 107-134). Nhưng do hoàn cảnh lịch sử lúc ấy nên ngoại trừ văn hóa Hạ Long, việc nghiên cứu chưa tiến triển được bao nhiêu. Phải mãi cho đến đầu thập kỷ 90 của thế kỷ XX, một nèn văn hóa hậu kỳ đá mới miền núi phía bắc Việt Nam mới bắt đầu được khai danh. Đó là văn hóa Hà Giang (Hà Văn Tấn, Bùi Vinh và Võ Quý 1990: 34-38). Tuy mới chỉ như một gợi ý, nhưng đề xuất về văn hóa Hà Giang đã truyền cảm hứng cho những phát hiện mới, hay nói đúng ra là một tái phát hiện quan trọng về văn hóa Mai Pha vào năm 1996 (Bùi Vinh, Hà Hữu Nga, Nguyễn Cường 1996); tiếp tục nghiên cứu văn hóa Hạ long 1997 (Hà Hữu Nga, Nguyễn Văn Hảo 1997); việc đề xuất về một văn hóa Bản Mòn năm 1998 (Bùi Vinh 1998). Vậy là cho tới nay, ít nhất chúng ta đã biết bốn khu vực văn hóa hậu kỳ đá mới miền núi phía bắc với những nguồn gốc, tính chất, đặc trưng văn hóa khá đa dạng, nhưng có những mối liên hệ, quan hệ gắm bó mật thiết với nhau trong một thể thống nhất truyền thống rất lâu đời của khu vực.

1. Các khu vực phân bố hậu kỳ đá mới miền núi

1.1. Hậu kỳ đá mới Tây Bắc

Tổng hợp các phát hiện và nghiên cứu hậu kỳ đá mới Tây Bắc, bao gồm Sơn La và Lai Châu, bước đầu chúng ta có thể xác nhận 29 địa điểm có vết tích di vật hậu kỳ đá mới. Tỉnh Lai Châu có 5 địa điểm trong đó một di tích hang động là Nậm Tun (huyện Phong Thổ) và 4 di tích ngoài trời thuộc huyện Sìn Hồ và huyện Tủa Chùa. Tỉnh Sơn La có 23 địa điểm, trong đó 17 di tích hang động, phân bố ở các huyện Thuận Châu, Mường La, Mai Sơn và Mộc Châu; 6 di tích ngoài trời tập trung tại huyện Yên Châu, dọc bờ sông Đà.

Về di vật đá Tây Bắc thì đặc điểm nổi bật nhất là tổ hợp rìu đá tứ giác và rìu có vai có số lượng gần tương đương nhau. Đặc điểm thứ hai là sự vắng mặt của loại hình bôn có vai có nấc trong sưu tập rìu bôn Tây Bắc. Trong số 140 rìu bôn ở Sơn La và Lai Châu không thấy có chiếc rìu bôn có vai có nấc nào. Nhìn chung rìu có vai và rìu tứ giác Tây Bắc gần gũi với các di vật cùng loại ở vùng đồng bằng ven biển Bắc Trung Bộ hơn là vùng Trung du Phú Thọ hay vùng miền núi, miền ven biển phía bắc.   

Về đồ gốm hậu kỳ đá mới Tây Bắc thì mới chỉ thấy gốm ở Sơn La, chưa phát hiện được gốm ở Lai Châu. Dường như gốm ở đây được phân biệt thành hai hệ thống, một bên là gốm trong các hang động và một bên là hệ thống gốm ở các địa điểm ngoài trời, thềm sông. Đặc điểm chung của gốm Tây Bắc là có chất liệu đất sét pha cát. Gốm thô, nhưng xương gốm lại mỏng, có màu đỏ gạch hay xám đen, mặt ngoài thường phủ một lớp áo gốm mỏng. Gốm có độ nung cao, khá cứng và được chế tác bằng kỹ thuật bàn xuay. Hầu hết gốm được trang trí văn thừng mịn và văn chải. Ngoài ra còn có văn khắc vạch, văn đắp nổi và văn chấm dải. Còn có một loại hoa văn đắp nổi khá điển hình, đó là văn “nụ đinh”. Tiêu biểu cho hậy kỳ đá mới Tây Bắc là nền văn hóa Bản Mòn (?) vừa mới được đề xuất (Bùi Vinh 1998).   

1.2. Hậu kỳ đá mới Việt Bắc

Việt Bắc thường được hiểu là vùng đệm giữa Tây Bắc và Đông Bắc. Song về địa lý tự nhiên, người ta vẫn coi đây là vùng Đông Bắc. Việt Bắc gồm 4 tỉnh: Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang và Tuyên Quang. Từ các sưu tập ngẫu nhiên trong các bảo tàng, hiện nay tại các tỉnh Việt Bắc tìm thấy 8 địa điểm khảo cổ học hậu kỳ đá mới, trong đó Lào Cai 2 – đó là địa điểm Bến Đền và địa điểm Ngòi Nhù (huyện Bảo Thắng); Yên Bái 1 – địa điểm Khê Quỷ (huyện Văn Yên); Tuyên Quang 1 – địa điểm Bình Ca (huyện Yên Sơn); Hà Giang 4 – đó là các địa điểm Lò Gạch 1, Lò Gạch 2 tại thị xã Hà Giang; địa điểm Nà Bếp và địa điểm Khuổi Nấng (huyện Bắc Mê).

Nhìn chung bộ di vật đá hậu kỳ đá mới Việt Bắc có nhieuf nét chung với các văn hóa hay nhóm di tích đồng đại ở cả vùng núi và trung du, đồng bằng sông Hồng. Đó là loại rìu bôn có vai; vòng trang sức có mặt cắt hình chữ D, mũi tên, mũi lao hình lá ba cạnh. Điều đáng lưu ý là tỷ lệ rìu tứ giác bao giờ cũng cao hơn rìu có vai. Nét nổi bật của bộ công cụ đá hậu kỳ đá mới Việt Bắc còn là sự tồn tại của loại rìu bôn có vai có nấc, làm thành một đặc trưng của văn hóa Hà Giang và văn hóa này là một điển hình của hậu kỳ đá mới Việt Bắc.       

1.3. Hậu kỳ đá mới Đông Bắc lục địa

Hậu kỳ đá mới Đông Bắc lục địa phân bố tại các tỉnh Cao Bằng, Thái Nguyên, Bắc Cạn (?) và Lạng Sơn. Về hậu kỳ đá mới Cao Bằng thì hiện nay tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam còn lưu giữ một bộ sưu tập hiện vật do người Pháp thu lượm  gồm 183 công cụ đá mài. Trong đó có 28 rìu bôn tứ giác và 155 rìu bôn có vai. Ngoài ra tại Bảo tàng Cao Bằng còn lưu giữ 7 rìu bôn hậu kỳ đá mới. Trên toàn tỉnh Cao Bằng hiện nay mới biết 1 địa điểm hậu kỳ đá mới, đó là hang Nà Con tại Nguyên Bình, do người Pháp phát hiện. Thực ra đây là một địa điểm thuộc văn hóa Bắc Sơn, nhưng lớp trên mặt lại thuộc hậu kỳ đá mới.

Tình hình trên là phổ biến với nhiều địa điểm trong sơn khối đá vôi Bắc Sơn thuộc Thái Nguyên và Lạng Sơn. Tại huyện Võ Nhai (Thái Nguyên) có 7 địa điểm thuộc loại này. Đó là các địa điểm Nà Ché, Bình Long, Vô Mường, Làng Vạn, Khắc Kiệm, Suam Sơn, San Xá, và Nà Cà. Còn địa điểm hậu kỳ đá mới Bản Ngoại (huyện Đại Từ) thì không thuộc phạm vi văn hóa Bắc Sơn.

Có thể nói Lạng Sơn – quê hương của văn hóa Bắc Sơn – là một trong những trung tâm lớn nhất của hậu kỳ đá mới miền núi phía bắc Việt Nam. Tại đây đã tìm thấy dấu tích của văn hóa hậu kỳ đá mới  ở 16 địa điểm, trong đó 8 địa điểm thuộc văn hóa Bắc Sơn. Đó là địa điểm Phố Bình Gia, hang Con Ké II, hang Làng Cườm, và hang Lạng Nắc. Nhưng bộ mặt văn hóa hậu kỳ đá mới thể hiện đậm nét ở khu vực này lại là văn hóa Mai Pha với địa điểm Mai Pha, Ba Xã, Phia Thình, Mè Bạc, Phia Điểm…và phần nào Phai Vệ II.   

1.4. Hậu kỳ đá mới Đông Bắc ven biển – hải đảo

Nói tới hậu kỳ đá mới Đoogn Bắc ven biển và hải đảo là nói tới văn hóa Hạ Long. Nền văn hóa này phân bố chủ yếu tại vùng ven biển và hải đảo Quảng Ninh và Hải Phòng (đảo Cát Bà). Văn hóa Hạ Long được phân thành hai giai đoạn sớm – muộn  tương ứng với hai loại hình văn hóa mang những đặc trưng về không gian và thời gian không hoàn toàn giống nhau. Điều đó phụ thuộc vào môi trường sống đặc biệt của cư dân Hạ Long – môi trường biển – trong một thời kỳ đầy những biến động dữ dội.

Cho đến nay chúng ta đã biết khoảng 25 địa điểm thuộc văn hóa Hạ Long. Trong đó giai đoạn sớm có 10, gồm: Thoi Giếng, Thôn Nam, Dốc Gò Mừng, Gò Chùa, Gò Miếu Cả, Gò Bảo Quế, Quất Đông Nam, Ngoài Hàu (huyện Hải Ninh); Hòn Ngò (Tiên Yên). Giai đoạn muộn gồm: hang Bái Tử Long (thị xã Cẩm Phả), hang Soi Nhụ dưới, Ngọc Vừng (huyện Vân Đồn); Đồng Mang, Xích Thổ, Minh Khai (huyện Hoành Bồ); Hoàng Tân, Đầu Rằm (huyện Yên Hưng); Xóm Nam, Xóm Đông, Xóm Kèo (đảo Tuần Châu); Cái Dăm, Cột Tám, Vườn Hoa (thành phố Hạ Long).

2. Một số đặc trưng của hậu kỳ đá mới miền núi phía bắc

2.1. Về phân bố

Hầu hết các nhóm di tích, các giai đoạn văn hóa hậu kỳ đá mới miền núi phía bắc Việt Nam phân bố ở những thung lũng nhỏ, các dải đất ven các nguồn nước, các hệ thống hang động mà một phần đã có dấu tích của các nền văn hóa sớm hơn, thuộc thượng nguồn các con sông chính ở miền Bắc Việt Nam như sông Mã, sông Đà, sông Hồng, sông Lô, sông Gâm, sông Hiến, sông Kỳ Cùng, sông Cầu, sông Thương…vv.

Riêng văn hóa Hạ Long thì phân bố dọc ven biển Đông Bắc nước ta và gần như trùng khớp lên địa bàn phân bố của văn hóa Soi Nhụ, Cái Bèo thuộc giai đoạn trước đó. Và như vậy, ngược lại với các văn hóa hậu kỳ đá mới khác, văn hóa Hạ Long không phân bố ở thượng nguồn các dòng sông, mà lại chủ yếu phân bố ở hạ lưu, ở cửa các con sông Ka Long, Thín Coóng, Ba Chẽ, sông Chanh, Lục Thủy (ở khu vực vịnh Cửa Lục thuộc huyện Hoàng Bồ, Quảng Ninh).

Như vậy, với những tư liệu và hiểu biết hiện nay thì chúng ta có 4 khu vực văn hóa hậu kỳ đá mới chủ yếu ở miền núi phía bắc. Đó là khu vực Tây Bắc với nhóm di tích (hoặc văn hóa) Bản Mòn – Thọc Kim; khu vực Việt Bắc và phần nào vùng Đông Bắc với văn hóa Hà Giang; khu vực Đông Bắc lục địa với văn hóa Mai Pha; và cuối cùng là khu vực Đông Bắc duyên hải – hải đảo với văn hóa Hạ Long. Một địa bàn phân bố như vậy không phải là ngẫu nhiên, mà có tính quy luật rõ ràng. Trước hết nó thể hiện tính đa dạng của con đường đá mới hóa sau các văn hóa sơ và trung kỳ đá mới trên toàn miền Bắc Việt Nam. Các quá trình đá mới hóa, hay nói cách khác, các quá trình phát triển văn hóa – văn minh nông nghiệp sớm trên đất nước ta không phải duy nhất chỉ có định hướng biển, định hướng đồng bằng, mà còn có cả định hướng núi, định hướng thung lũng nữa.

2.2. Về nguồn gốc

Có thể nói rằng hậu kỳ đá mới là giai đoạn phát triển bùng nổ và rực rỡ của tiền sử nhân loại. Chính sự bùng nổ đó đã tạo nên tính muôn màu muôn vẻ, tính đa dạng văn hóa rất cao. Vì vậy, việc lần tìm các dấu ấn nguồn gốc văn hóa của giai đoạn này không phải bao giờ cũng dễ dàng. Tuy nhiên, đối với các văn hóa, các nhóm di tích thuộc hậu kỳ đá mới miền núi phía bắc Việt Nam, chúng ta có được một số may mắn, hay nói đúng ra là một số cơ sở khá vững chắc để xác định nguồn gốc cho chúng.     

Trước hệ thống 4 khu vực Tây Bắc, Việt Bắc, Đông Bắc lục địa và Đông Bắc duyên hải – hải đảo đều là các địa bàn phân bố của các nền văn hóa lớn thuộc giai đoạn sơ kỳ, phần nào trung kỳ thời đại đá mới Việt Nam. Đó là văn hóa Hòa Bình với Tây Bắc – Việt Bắc. Dấu ấn văn hóa Hòa Bình mới đây cũng được làm sáng tỏ trên địa bàn gốc của văn hóa Hà Giang. Đáng chú ý là kết quả thám sát hang Nà Bếp – một khâu nối từ đá mới sau Hòa Bình sang hậu kỳ đá mới là khá rõ. Tiếp đó là văn hóa Bắc Sơn với trường hợp văn hóa Mai Pha ở Lạng Sơn. Đặc biệt các cuộc khai quật Phai Vệ II và Phia Điểm đã cung cấp thêm những bằng chứng thuyết phục về nguồn gốc Bắc Sơn của văn hóa Mai Pha. Tại Phia Điểm, cùng với rìu bôn tứ giác và gồm màu đặc trưng Mai Pha còn có cả rìu mài lưỡi và dấu Bắc Sơn điển hình cho truyền thống Bắc Sơn tại lớp dưới. Với trường hợp văn Hạ Long, mới đây cũng đã phân lập được các văn hóa Soi Nhụ và văn hóa Cái Bèo trước Hạ Long trên chính địa bàn của văn hóa Hạ Long. Những dấu ấn nguồn gốc Soi Nhụ và Cái Bèo của văn hóa Hạ Long cũng đã bước đầu được làm sáng tỏ. Thông qua  bộ công cụ ghè đẽo điển hình để khai thác biển, cùng sự tồn tại của những rìu bôn có vai có nấc đặc trưng Hạ Long ở Cái Bèo. Thoi Giếng, Hà Giát và Hòn Ngò (Tiên Yên) đã chứng tỏ một quá trình phát triển văn hóa liên tục từ Soi Nhụ qua Cái Bèo cho tới Hạ Long.

Tuy nhiên nói như vậy không có nghĩa là các văn hóa hậu kỳ đá mới – sơ kỳ kim khí ở các tỉnh miền núi phía bắc Việt Nam chỉ kế thừa nguyên vẹn truyền thống từ các giai đoạn trước. Thật ra truyền thống chỉ là cái nhân, cái cốt lõi văn hóa, còn tính phong phú và đa dạng văn hóa chủ yếu là kết quả của sự sáng tạo của bản thân chủ nhân giai đoạn đó cộng với việc tiếp thu, hấp thụ các yếu tố văn hóa từ các nguồn khác do giao lưu trao đổi mà có.

2.3. Về chủ nhân các văn hóa

Đây thật sự là một khâu yếu trong việc nghiên cứu hậu kỳ đá mới miền núi phía bắc. Lý do chính của sự yếu kém này có lẽ do các nhà nghiên cứu chưa có cái may mắn phát hiện được các di cốt người đủ nguyên vẹn và phong phú, giúp cho việc xác định thành phần nhân chủng và chủ nhân các văn hóa này. Tuy nhiên, trên đại thể, với tư liệu còn ít ỏi, chúng tôi cũng biết được đôi điều về mặt nhân chủng, cộng với những suy luận logic là vào hậu kỳ đá mới – sơ kỳ kim khí, chủ nhân của các văn hóa và nhóm di tích ở Việt Nam đều thuộc ngành Mongoloid phương Nam, nhưng yếu tố Australoid cũng vẫn còn đậm nét.

2.4. Về niên đại

Giống như các nghiên cứu nhân chủng, các nghiên cứu niên đại giai đoạn hậu kỳ đá mới miền núi phía bắc dựa vào các phân tích khoa học tự nhiên hầu như chưa làm được gì. Cho đến nay chưa có niên đại C14 đáng tin cậy nào thuộc giai đoạn này. Phải thừa nhận rằng các phân tích loại hình di vật mới chỉ cho phép dừng lại ở những kết luận hình thức, đôi khi mang nặng tính chất cảm quan. Vì vậy việc xếp một di chỉ, một lớp văn hóa nào đó vào giai đoạn hậu kỳ đá mới hay sơ kỳ kim khí phần nhiều chỉ là những ước đoán chủ quan và nhiều ý kiến trái ngược nhau. Vì vậy đây vẫn là mảnh đất tốt cho những công trình nghiên cứu tiếp theo. 

2.5. Hoạt động kinh tế - Tổ chức xã hội

Thông qua các tư liệu về đặc trưng  phân bố, di tích, di vật thuộc giai đoạn hậu kỳ đá mới miền núi phía bắc, chúng ta có thể rút ra những nhận xét bước đầu về phương thức hoạt động kinh tế của những con người ở giai đoạn này như sau: học có một nền kinh tế hỗn hợp bao gồm các hoạt động săn bắn hái lượm truyền thống. Các tàn tích vỏ nhuyễn thể, xương răng thú rừng, xương cá thể hiện rất rõ điều đó. Bên cạnh đó, sự xuất hiện và phát triển cảu một nền nông nghiệp thung lũng, trồng tỉa trên các doi đất ven sông suối, bờ biển là điều chắc chắn. Sự thưa thớt của các trầm tích vỏ nhuyễn thể, xương răng động vật, xương cá…cộng với địa bàn cư trú thuận lợi cho việc làm nông đã chứng tỏ rằng người ta không thể chỉ sống dựa vào khai thác tự nhiên. Chắc chắn đã có một nền kinh tế sản xuất phát triển trong giai đoạn này. Các công cụ đá tinh xảo, việc trang trí gốm bằng văn thừng, sự tồn tại của các dọi xe sợi…đã gián tiếp cho thấy những hoạt động sản xuất của người tiền sử trên cơ sở làm nông.

Cùng với việc duy trì phương thức khai thác tự nhiên, sự phát triển kinh tế nông nghiệp thung lũng trước núi và ven sông suối, ven biển còn có sự phát triển của nền sản xuất thủ công nghiệp. Các sản phẩm đá, gốm tinh xảo, kể cả sự xuất hiện và phổ biến của gốm màu với các kiểu dáng và hoa văn trang trí phong phú đã cho thấy một nền tảng thủ công nghiệp vững chãi. Các đồ trang sức bằng đá, bằng xương, bằng nhuyễn thể…cũng nói lên trình độ thủ công mỹ nghệ cao.

Trên cơ sở khai thác chuyên biệt (với trường hợp cư dân biển Hạ Long), trên cơ sở nông nghiệp và thủ công nghiệp phát triển và phân công lao động đã rõ ràng, chắc chắn tồn tại một nền thương mại, trao đổi giữa các vùng miền, các nhóm người, các văn hóa với nhau. Thực tế tư liệu cũng cho thấy sự phát triển mạnh mẽ của trao đổi. Chúng ta thấy rìu bôn Hạ Long ở tận Cao Bằng, Hà Giang; thấy ốc tiền Hạ Long ở tận miền Tây Bắc, ở văn hóa Mai Pha; thấy gốm Hạ Long trong địa bàn văn hóa Mai Pha…lại thấy rìu bôn điển hình Mai Pha ở Cao Bằng, Hà Giang…

Dựa vào một cơ sở kinh tế như vậy, chúng ta có thể hình dung phần nào rõ nét tổ chức xã hội của cư dân hậu kỳ đá mới miền núi phía bắc. Đó là các cộng đồng người đã tổ chức thành những khu vực giống như các làng bản sơ khai.  Người ta không còn chủ yếu sống trong các hang động nữa, mà đã làm nhà – dù chúng ta chưa có tư liệu nào để hình dung cái nhà của họ - ở ven sông suối, các thung lũng, ven đồi, cạnh các hang động; một số nơi người ta vẫn sống dựa vào các hang động như trường hợp cư dân văn hóa Mai Pha chẳng hạn. Nhưng đa số đã sống ngoài trời như ở văn hóa Hạ Long, văn hóa Hà Giang và nhóm Bản Mòn – Thọc Kim…Đặc biệt với trường hợp văn hóa Hạ Long, hình thức làng sơ khai đã thấy rất rõ ở khu vực xã Vạn Ninh với di chỉ Thoi Giếng, Thôn Nam, Thôn Đông, Dốc Gò Mừng, hoặc cụm di tích Ngọc Vừng, Xích Thổ, Làng Bang…Các làng mạc ở đây rõ ràng là một cấu trúc xã hội dựa trên một nền kinh tế vững chắc và là những tổ chức xã hội với mục đích hoạt động kinh tế.             

Tầng văn hóa của các di chỉ Thoi Giếng, Ngọc Vừng, Xích Thổ, Làng Bang … được cấu tạo thuần túy là đất, đất pha cát và dày đặc mảnh gốm…Người ta ít thấy tàn tích của kinh tế khai thác thuần túy, dễ dàng như các loại vỏ nhuyễn thể sông suối hoặc nhuyễn thể ven bờ biển. Trường hợp này chỉ thấy ở hang Bái Tử Long và hang Soi Nhụ dưới. Cấu trúc làng như ở Làng Bang, Xích Thổ, Thoi Giếng là rất thuận lợi cho nghề khai thác biển và trao đổi thương mại, vì đó là các làng nằm bên bờ các vịnh biển nhỏ, kín gió. Với những văn hóa khác như Mai Pha, Hà Giang, Bản Mòn… thì các làng đều được hình thành ven các con sông chính. Đây là một địa điểm rất rõ nét của tổ chức làng hỗn hợp làm nông – trao đổi – khai thác – thủ công, một hình thức công xã đã tồn tại hàng nghìn năm và thậm chi còn tồn tại cho đến tận bây giờ.    

2.6. Giao lưu trao đổi và các mối liên hệ văn hóa

Về phương diện này, đặc trưng rõ nét nhất của các văn hóa hậu kỳ đá mới miền núi phía bắc là những liên hệ, quan hệ văn hóa với các khu vực đồng bằng sông Hồng, sông Mã, và cả sông Lam nữa. Ai cũng biết rằng vào thời kỳ này khi phân công lao động đã phát triển, khi thủ công đã thình hành thì trao đổi, buôn bán giữa các cộng đồng người trở nên rất tấp nập. Lúc này huyết mạch giao thông giữa các khu vực chính là các dòng sông suối và ven biển.

Người Hạ Long rất dễ dàng quan hệ với đồng bằng trung du và miền núi thông qua hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình, Lục Đầu Giang. Và từ đó người ta có thể trao đổi với nhau theo sông Đà lên Tây Bắc, theo sông Hồng lên vùng Yên Bái, Lào Cai – Vân Nam; theo sông Cầu, sông Thương lên khu vực văn hóa Mai Pha; theo sông Lô, sông Gâm lên khu vực văn hóa Hà Giang…Thực tế tư liệu khảo cổ học cho thấy rất rõ dấu ấn của các mối quan hệ văn hóa như vậy. Khu vực Tây Bắc cũng không phải là quá xa xôi để trở thành biệt lập. Ngược lại, các mối giao lưu với Tây Bắc không chỉ là một nguồn từ lưu vực sông Hồng, theo sông Đà lên, mà còn có một nguồn chính yếu khác, đó là từ lưu vực sông Cả, sông Mã theo con đường sông Mã đi lên. Một số loại hình rìu bôn Bàu Tró khá rõ nét. Bên cạnh đó đồ trang sức và đồ gốm cùng một vài loại hình rìu bôn tứ giác lại cho thấy rõ các mối quan hệ liên hệ với khu vực đồng bằng, trung du Bắc Bộ. Tương tự như vậy, người ta đã thấy rất rõ các yếu tố Hạ Long, các mối liên hệ với gốm Phùng Nguyên tại Tuyên Quang, Yên Bái và khu vực văn hóa Hà Giang. Gốm, đồ trang sức Hạ Long thấy ở khu vực văn hóa Mai Pha. Và đặc biệt sưu tập  rìu bôn tứ giác Mai Pha rất gần gũi với sưu tập rìu bôn cùng loại Phùng Nguyên. Nét gần gũi ấy còn thấy ở dọi se chỉ, vòng đá.

Sẽ không thể chấp nhận được khi đề cập đến mối liên hệ, quan hệ văn hóa của các văn hóa hậu kỳ đá mới miền núi phía bắc mà lại không nói tới khu vực Nam Trung Quốc. Các tư liệu khảo cổ học cho thấy rằng khu vực Quảng Đông, Hồng Kông, Đảo Hải Nam, Quảng Tây, Vân Nam và các tỉnh vùng núi phía bắc Việt Nam là địa bàn tập trung của rìu bôn có vai và bôn có vai có nấc. Những loại hình công cụ này tồn tại suốt từ giai đoạn muộn của trung kỳ đá mới đến hậu kỳ đá mới – sơ kỳ kim khí. Theo các nhà nghiên cứu Trung Quốc thì rìu bôn có vai thịnh hành trong giai đoạn đầu hậu kỳ đá mới, còn bôn có vai có nấc thì phổ biến ở giai đoạn cuối. Tại vùng Đông Bắc nước ta hiện nay chưa có bằng chứng về địa tầng để phân biệt thời gian tồn tại của hai loại di vật này, song rìu bôn có vai thấy phổ biến ở các địa điểm Hạ Long sớm và bôn có vai có nấc trội hơn ở giai đoạn Hạ Long muộn cùng với gốm xốp điển hình của văn hóa này.

Khác với các văn hóa Phùng Nguyên, Hoa Lộc, Mai Pha ở Việt Nam, ở Quảng Đông và Hồng Kông không một di chỉ nào rìu bôn tứ giác chiếm đa số. Trong một số địa điểm ở Hồng Kông, rìu bôn tứ giác chiếm một tỷ lệ không lớn bên cạnh rìu bôn có vai có nấc. Rìu bôn tứ giác là đặc trưng tiêu biểu của văn hóa tiền sử Bắc Bộ Việt Nam. Rất có thể rìu bôn tứ giác có nguồn gốc từ rìu mài Bắc Sơn; ảnh hưởng trực tieps của văn hóa Bắc Sơn đến dá mới khu vực Đông Nam Trung Quốc và Bắc Việt Nam là hoàn toàn rõ ràng. Một số loại hình khác tìm thấy ở cả hai khu vực của Việt Nam và Trung Quốc, đó là rìu bôn có vai, rìu lưỡi xòe, xẻng đá lớn có vai, vòng tay mặt cắt ngang hình chữ T, bàn đập vỏ cây, hạt chuỗi hình ống, bàn mài rãnh kiểu Hạ Long… tuy số lượng khác nhau nhưng hình dáng lại giống nhau (Nguyễn Gia Đối 1998). Về phía Tây Bắc và Việt Bắc, những mối liên hệ và quan hệ văn hóa với Vân Nam Trung Quốc cũng rất đậm nét. Rìu bôn đá thuộc loại hình Thạch Trại Sơn, Hạp Tân Trường, Hải Đăng Thôn gần gũi với rìu bôn Hà Giang. Tại di chỉ Đại Hoa Thạch huyện Long Lăng thấy một số lượng lớn rìu hình thang có kích thước nhỏ, không khác với công cụ cùng loại ở Phùng Nguyên. Rìu bôn Tây Bắc khá giống với rìu bôn ở Bảo Sơn thuộc Tây Nam Vân Nam. Toàn bộ những bằng chứng trên đã ghi nhận mối giao lưu văn hóa mật thiết giữa hai khu vực Bắc Việt Nam và Nam Trung Quốc (Trình Năng Chung 1998).

Hậu kỳ đá mới miền núi phía bắc Việt Nam có một vị trí đặc biệt quan trọng trong tiến trình lịch sử của dân tộc ta. Nó là một địa thời gian chiến lược để người Việt cổ bước vào ngưỡng cửa của văn minh, và cũng chính nó đã tạo thành những cột mốc biên cương, những bộ lọc văn hóa để giữ gìn và phát triển nền văn hóa dân tộc Việt Nam.

_________________________________________            

Nguồn: Hà Hữu Nga (2002). Hậu kỳ Đá mới miền núi phía bắc Việt Nam. Tạp chí Khảo cổ học, số 3 năm 2002, tr.3-11.

Tài liệu dẫn

Andersson J.G. (1939). Archaeological Research in the Fai Tsi Long Archipelago, Tonkin, The Museum of Far Eastern Antiquities Bulletin, N11, Stockhlm.

Bùi Vinh (1998). Hà Giang – Mai Pha – Bản Mòn và sự phân lập các văn hóa ở vùng núi phía bắc Việt Nam giai đoạn hậu kỳ đá mới – sơ kỳ kim khí. Kỷ yếu Hội thảo Đề tài cấp Bộ Nghiên cứu hậu kỳ đá mới miền núi phía bắc Việt Nam. Tư liệu Viện Khảo cổ học.

Bùi Vinh, Hà Hữu Nga, Nguyễn Cường (1996). Khai quật Mai Pha (Lạng Sơn) 1996. Tư liệu Viện Khảo cổ học.

Colani M. (1938a). Reacherches préhistorique en Baie d’Along. BEFFEO, 14 – 1938.

Colani M. (1938b). Décourrvertes préhistorique dans les parages de la Baie d’Along. Institut Indochinois pour l’étude de l’homme. Hanoi.

Hà Hữu Nga, Nguyễn Văn Hảo (1997). Hạ Long thời Tiền sử, Tư liệu Ban quản lý Vịnh Hạ Long tỉnh Quảng Ninh.

Hà Văn Tấn, Trần Quốc Vượng (1961). Sơ yếu khảo cổ học nguyên thủy Việt Nam. Nxb. Giáo dục, Hà Nội.

Hà Văn Tấn, Bùi Vinh, Võ Quý (1990). Những dấu hiệu về một nền văn hóa khảo cổ học ở Hà Tuyên. Khảo cổ học số 1-2-1990.

Nguyễn Gia Đối (1998). Mấy nét về đá mới Quảng Đông và thử bàn về quan hệ của nó với đá mới vùng Đông Bắc Việt Nam. Kỷ yếu Hội thảo Đề tài cấp Bộ Nghiên cứu hậu kỳ đá mới miền núi phía bắc Việt Nam. Tư liệu Viện Khảo cổ học.

Trình Năng Chung (1998). Giai đoạn hậu kỳ đá mới Nam Trung Quốc và mối quan hệ với Bắc Việt Nam. Kỷ yếu Hội thảo Đề tài cấp Bộ Nghiên cứu hậu kỳ đá mới miền núi phía bắc Việt Nam. Tư liệu Viện Khảo cổ học.

 

 

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét