Powered By Blogger

Thứ Ba, 4 tháng 5, 2021

Khảo cổ học Đông Bắc Việt Nam từ những hệ thống sinh thái nhân văn tới các cấu trúc xã hội tiền nhà nước (I)

Hà Hữu Nga

Dưới góc độ môi trường sinh thái, khảo cổ học tiền sử đông bắc Việt Nam nằm trong ba hệ thống chính: 1) Sơn khối đá vôi Bắc Sơn và vùng phụ cận; 2) Hệ thống núi đá vôi và núi đất thuộc vòng cung Đông Triều của Quảng Ninh, Hải Dương và Hải phòng; 3) Hệ thống sông, vũng vịnh, rừng ngập mặn ven biển, các đảo từ Hải Phòng đến Móng Cái. Đây là những hệ thống sinh thái nhân văn với các phụ hệ thống văn hóa Ngườm-Miệng Hổ, Bắc Sơn, Mai Pha tại sơn khối đá vôi Bắc Sơn, Soi Nhụ, Cái Bèo và Hạ Long tại khu vực ven biển đông bắc.

Hệ thống sinh thái nhân văn là một khái niệm để chỉ một hệ thống các nguồn cho con người và bởi con người. Về cơ bản, khái niệm này giới hạn hệ thống vào một không gian vật lý nhất định với mọi nguồn tự nhiên phục vụ cho đời sống của con người. Tuy nhiên nhân tố trung tâm của hệ thống sinh thái nhân văn là con người còn đòi hỏi một cơ chế trao đổi đặc trưng, đó chính là các hệ thống thông tin. Không những thế, một hệ thống sinh thái nhân văn còn là một cấu trúc không gian xã hội loại biệt. Ở trình độ sinh nhai, đó là một cấu trúc đơn giản, ở trình độ xã hội phức hợp, đó sẽ là một cấu trúc đa dạng được thể hiện qua hàng loạt vai trò xã hội, trong đó mỗi vai trò là một loại người được coi như là một bộ phận của một hệ thống xã hội. Chính vì vậy, vai trò xã hội còn là một sơ đồ hành động, ứng xử theo sự mong đợi của xã hội. Trong một hệ thống sinh thái nhân văn nhất định, vai trò xã hội có một loại thuộc tính đặc biệt, đó là nhãn hiệu của vai trò, giúp cho mọi thành viên trong xã hội phân biệt và nhận ra các vai trò đó (Bock 1969: 15-467).

Trong các cộng đồng sinh thái sinh nhai, nổi bật nhất là các vai trò thân thích, giới tính và tuổi tác. Các vai trò này trở thành trục quy chiếu cho những mối quan hệ xã hội trong phạm vi nhóm, bộ lạc hoặc một cộng đồng lớn hơn. Trong các xã hội giản đơn này, cá nhân thường được đồng nhất với nhóm thân thích hoặc địa vực cư trú. Chỉ đến trình độ của một xã hội phức hợp thì mới xuất hiện khuynh hướng đồng nhất cá nhân với chức nghiệp của họ. Nhưng trong bất cứ xã hội nào cũng có vai trò lãnh đạo. Đây là loại vai trò xã hội sử dụng quyền lực hợp pháp để áp đặt và kiểm soát các mô hình hành động và ứng xử của các thành viên trong cộng đồng thông qua các hình thức chế tài xã hội. Các cấu trúc xã hội tiền nhà nước xuất hiện và phát triển trong các xã hội phức hợp thường ở quy mô vùng, nơi mà cấu trúc không gian xã hội bắt đầu tác động mạnh mẽ trở lại các hệ thống sinh thái sinh nhai. Các quá trình phát triển của tiền sử đông bắc Việt Nam cũng tuân theo quy luật đó.

1. Ngườm - Miệng Hổ: một phụ hệ thống khan hiếm các nguồn

Khan hiếm là khái niệm nền tảng của kinh tế học, nếu không có nó thì sẽ không có bộ môn kinh tế học. Người tiền sử không biết gì về cái gọi là kinh tế học với tư cách là môn khoa học về sự khan hiếm. Nhưng họ lại biết rất rõ về sự khan hiếm: Các bằng chứng khảo cổ học thuộc bất kỳ thời đại nào, ở bất kỳ nơi đâu cũng cho thấy tình trạng con người phải đối đầu với sự khan hiếm. Nhưng điều đáng nói nhất là cách thức con người vượt qua được sự khan hiếm - dưới góc độ đó khan hiếm luôn đòi hỏi sự sáng tạo, đi liền với sáng tạo.

Đối với khảo cổ học Việt Nam, việc phát hiện phụ hệ thống Ngườm - Miệng Hổ có ý nghĩa vô cùng to lớn. Nó đã làm đảo lộn cung cách tư duy về khảo cổ học Đông Nam Á lục địa, đòi hỏi người ta phải đi tìm những cách tiếp cận và những mô hình giải thích mới. Vấn đề mà phụ hệ thống Ngườm – Miệng Hổ đặt ra không phải là có hay không một truyền thống mảnh ở Đông Nam Á lục địa. Phát hiện Ngườm – Miệng Hổ tự nó đã là một câu trả lời rồi. Có một vấn đề khác, nằm sâu dưới tầng nhận thức luận danh pháp học là: Liệu hệ thống thuật ngữ thuần túy ý thức kỹ trị (technocrachy) như kỹ nghệ (industry), phức hợp công nghệ (techno-complex) của phương Tây có nên được dùng để gọi một loạt di chỉ khảo cổ học thời đại đá Đông Nam Á hay không? Dù nên hay không nên thì chí ít các thuật ngữ đó cũng phản ánh một tình hình thực tế: Cách tiếp cận định hướng hiện vật trong khảo cổ học truyền thống. Như thế, các thuật ngữ kỹ trị và định hướng hiện vật đã làm cho khảo cổ học Đông Nam Á dường như thiếu vắng hơi thở con người.

Coi Ngườm – Miệng Hổ là một phụ hệ thống sinh thái nhân văn có nghĩa là phải xem xét các đầu vào năng lượng và thông tin cho nó. Trên thực tế, đây là một phụ hệ thống khan hiếm các nguồn. Như chúng ta đã biết, băng hà Wurm kéo dài khoảng 60.000 năm (từ 70.000 BP – 10.000 BP). Việt Nam và Đông Nam Á thuộc vùng nhiệt đới thì chí ít ảnh hưởng của băng hà Wurm cũng phải là 50.000 năm (từ 70.000 BP – 20.000 BP). Trong khi đó địa tầng chứa các di vật mảnh tước Ngườm lại có tuổi vào khoảng 30.000 BP – 20.000 BP. Thời kỳ băng hà ngự trị là thời kỳ thiếu năng lượng mặt trời, thiếu các nguồn nước lưu chuyển (hệ thống sông suối); các hệ sinh thái bị tiêu diệt hoặc trở nên nghèo nàn, đơn điệu. Thiếu nước cũng tạo nên nạn khan hiếm nguyên liệu cuội và các nguồn tre gỗ để chế tác công cụ. Sự nghèo nàn đơn điệu của hệ sinh thái đồng nghĩa với tình trạng khan hiếm các nguồn thức ăn. Băng giá gây khó khăn cho việc di chuyển, trao đổi, tiếp xúc nên con người cũng ở trong tình trạng khan hiếm thông tin…

Trong tình trạng ấy, con người phải co rút về các “ốc đảo” sinh thái còn sót lại để tìm nơi tránh rét, tìm đồ ăn, nước uống và các nguồn khác. Điều đó có thể gây nên tình trạng quá tải về dân số tại một số địa điểm thuận lợi. Sức ép dân số càng làm căng thẳng thêm nguy cơ khan hiếm các nguồn. Thực tế đó đòi hỏi con người phải có các hành vi thích ứng với một môi trường khan hiếm các đầu vào, trong đó có các đầu vào nguyên liệu dùng để chế tác công cụ đá. Tuy nhiên có một nghịch lý của sáng tạo là tình tạng căng thẳng thường đưa tới các giải pháp hữu hiệu. Sự khan hiếm các nguồn, trong đó có các nguồn nguyên liệu đã hướng con người đi tìm giải pháp thay thế: 1) Khai thác các mỏ đá gốc: 2) Đi thật xa để tìm nguồn nguyên liệu; 3) Tăng cường trao đổi với các cộng đồng khác; 4) Tiết kiệm, tận dụng nguyên liệu phế thải; 5) Cải tiến kỹ thuật chế tác; 6) Hạn chế sử dụng nguồn chính, tăng cường các nguồn thay thế, bổ sung; 7) Tái chế các sản phẩm cũ, hỏng.

Các giải pháp trên có thể được coi là các biến số khắc phục tình trạng khan hiếm nguyên liệu chế tác công cụ ở cộng đồng cư dân Ngườm – Miệng Hổ, để rồi tạo nên một truyền thống văn hóa Ngườm trong toàn bộ phạm vi hệ thống sinh thái sơn khối đá vôi Bắc Sơn. Như vậy, chúng ta có thể thấy rằng từ góc độ sinh thái, việc xác lập một truyền thống nào đó không nhất thiết phải bắt nguồn từ những thông tin lịch sử, mà nó còn là một giải pháp tình huống nữa. Truyền thống đá nhỏ Châu Âu, Bắc Á và cả Châu Đại Dương nữa đều có một số tiền đề ổn định: 1) Nguồn nguyên liệu cuội không phổ biến; 2) Sẵn có nguồn nguyên liệu obsidian; 3) Nền kinh tế sinh nhai: săn bắt thú và cá biển; 4) Khí hậu lạnh, khiến người ta phải chế tác da lông thú làm đồ mặc ấm, làm lều, v.v…Tính ổn định của những tiền đề ấy cho phép người thợ đá xứ ấy có thể khai thác các thông tin từ quá khứ về nguồn nguyên liệu, cách thức chế tác… (Stephen Chia 1999, Clayton Fredericksen 2000: 93; Ambrose, Bird and Duerden 1981: 1-19).

Ngược lại, phụ hệ thống sinh thái nhân văn Ngườm – Miệng Hổ dường như là kết quả của một ứng xử, một sáng tạo tình huống. Sự thay đổi đột ngột của môi trường trong một giai đoạn nhất định đã đặt con người nơi đây trước một khúc quanh bất ngờ, buộc họ phải tự trả lời những câu hỏi thúc bách của sự khan hiếm và người ta đã đáp lại bằng chiến lược đa dạng hóa nguồn nguyên liệu và thủ pháp kỹ thuật. Vì vậy ở phụ hệ thống này chúng ta không thấy một sự chuyên biệt kỹ thuật của khái niệm quy trình đá nhỏ. Thay vào đó là một phức hợp các dạng nguyên liệu (đá cuội, đá gốc, đá vôi), các thủ pháp (chặt, bổ, đập, ghè đẽo, tu chỉnh), các di vật (cục, mảnh lớn, mảnh nhỏ, hạch, không có hạch, với những hình dáng hầu hết là không định hình). Và thật khó xác định cái gì là dòng chính.                        

2. Phụ hệ thống Bắc Sơn: Truyền thống và Thích ứng

Sau khi chịu ảnh hưởng của băng hà Wurm, hệ thống sinh thái sơn khối đá vôi Bắc Sơn và vùng phụ cận phát triển dưới tác động của những thời kỳ mưa kéo dài. Lúc này các mạng sông suối và đầm lầy, thung lũng phát triển mạnh cùng với sự lan rộng của các hệ thống sinh thái đa dạng hơn rất nhiều so với phụ hệ thống Ngườm – Miệng Hổ. Thay vì đối mặt với sự khan hiếm các nguồn và sức ép tập trung dân số, giờ đây con người cần có một chiến lược thích ứng với môi trường mới. Đó là chiến lược di động cư trú và kiếm sống trong một không gian giới hạn của toàn bộ sơn khối và vùng phụ cận.

Không phải ngẫu nhiên mà người ta thấy hàng loạt di tích văn hóa Sơn Vi rải rác khắp nơi dọc các bậc thềm cổ của mọi dòng sông chính ở Bắc Việt Nam và vùng xung quanh. Sau thời kỳ cụm lại ở một số ốc đảo sinh thái, giờ đây con người lan tỏa theo cạc dòng chảy – những hệ thống sinh thái mới để kiếm sống. Các dòng chảy bao giờ cũng tạo nên những môi trường thuận lợi để sinh tồn, trong đó có nguồn nguyên liệu cuội chế tác công cụ. Vì vậy có thể hình dung hệ thống sinh thái Sơn Vi là một mô hình cây với thân là các dòng sông chính và cành là các nhánh sông suối. Nhưng có lẽ giai đoạn thuận lợi này không kéo dài. Tiếp đó có thể là một thời kỳ nắng nóng làm cạn kiệt các thềm sông cổ, gây nên tình trạng khan hiếm các nguồn nơi đây. Xen kẽ với nó là những thời kỳ mưa lũ kéo dài, khiến cho các đoàn người Tiền sử buộc phải lui về các vùng thung lũng đá vôi với các hệ thống hang động cư trú thuận lợi hơn. Các hệ thống Soi Nhụ, Hòa Bình, Bắc Sơn ra đời và phát triển trong bối cảnh đó.

Lúc này phụ hệ thống sinh thái nhân văn Bắc Sơn đã có thêm các thông tin kinh nghiệm lịch sử từ phụ hệ thống Ngườm và hệ thống văn hóa Sơn Vi trong việc thích ứng với cả môi trường khan hiếm lẫn khả năng đa dạng hóa các nguồn từ môi trường khan hiếm đó. Ngoài ra các chiến lược di động  cư trú và kiếm sống của hệ thống Sơn Vi là kho kinh nghiệm sống còn của cư dân Hòa Bình – Bắc Sơn – Soi Nhụ. Đối với cư dân Bắc Sơn, rõ ràng tình trạng khan hiếm nguyên liệu không còn là vấn đề nữa. Các hệ thống sông suối nơi đây đủ đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cuội cho họ. Không những thế, kinh nghiệm lịch sử cũng đủ sức giúp họ đa dạng hóa các nguồn nguyên liệu, ít ra là với các giải pháp như đã phân tích trong phụ hệ thống Ngườm – Miệng Hổ. Ấy là chưa kể việc họ tiếp nối truyền thống Ngườm – Miệng Hổ bằng chính những bộ công cụ của phụ hệ thống văn hóa này lưu lại trong các hang động thuộc sơn khối đá vôi Bắc Sơn. Trong trường hợp này, quá khứ có thể được làm sống lại và được tiếp nối bởi người khác, các cộng đồng cư dân khác. Vấn đề còn lại đối với phụ hệ thống này có thể là sự khan hiếm không gian vật chất. Một mức độ tập trung dân số lớn như trường hợp hang Làng Cườm đã chứng tỏ tình trạng này.

Sau Sơn Vi, các tập đoàn người đã phần nào định cư, ít nhất là theo địa vực. Có nghĩa là các cộng đồng người đã xác lập những ranh giới nhất định cho mình – mà lúc này các hệ thống sinh thái hang động và thung lũng đá vôi là những trung tâm. Như vậy, các chiến lược di động cư trú và kiếm sống chủ yếu đươc thực hiện trong các ranh giới đó. Những khác biệt về kỹ thuật, loại hình công cụ và hiện vật của các hệ thống Bắc Sơn, Soi Nhụ và Hòa Bình đã cho thấy rất rõ điều này, cho dù có thể kể ra những tương đồng lớn như thủ pháp kỹ thuật Sumatralith, kỹ thuật mài. Ngược lại, cũng cần nhấn mạnh một nghịch lý là càng khác biệt thì mức độ giao lưu, trao đổi, tiếp xúc – có nghĩa là nhu cầu thông tin giữa các cộng đồng ấy – lại càng cao. Và cũng chính điều đó làm tăng khả năng hòa nhập giữa các cộng đồng khi có điều kiện.

Có thể chính thực trạng khan hiếm không gian mà phụ hệ thống sinh thái nhân văn Bắc Sơn đã phát triển chiến lược thay thế bằng đa dạng hóa kỹ thuật, tri thức và hệ thống sinh thái của mình và phát triển theo hướng chuyên hóa. Kỹ thuật mài, công cụ mảnh, bàn mài “dấu Bắc Sơn” là những minh chứng cho khuynh hướng này. Bằng chứng đa dạng hóa còn thể hiện ở việc kết hợp cả hai truyền thống chế tác mảnh cuội (từ phụ hệ thống Ngườm) và hạch cuội, một truyền thống lâu đời, nhưng đặc biệt phát triển trong hệ thống Sơn Vi. Nhưng có lẽ chiến lược đa dạng hóa các nguồn thể hiện rõ ràng nhất trong khai thác tự nhiên bằng cả săn bắn, săn bắt, hái lượm, thu lượm, trồng trọt, thuần hóa từ mọi phụ hệ thống sinh thái sơn khối Bắc Sơn và vùng phụ cận. Nhưng về phương diện kỹ thuật, hơn bất cứ một hệ thống đồng đại nào (Hòa Bình, Soi Nhụ), phụ hệ thống Bắc Sơn đã đặc biệt phát triển kỹ thuật mài, và hoàn toàn có thể nói rằng đó là một xu hướng kỹ thuật phát triển theo chiều sâu. Có thể kỹ nghệ mảnh và tư duy phân biệt ra đời sớm đã giúp cho khuynh hướng “chuyên môn hóa” trong cư dân Bắc Sơn.                  

3. Phụ hệ thống Soi Nhụ trong hệ thống sinh thái biển

Sinh thái biển là một trong những hệ thống sinh thái nhân văn lâu đời tại vùng đông bắc Việt Nam. Cho đến bây giờ chúng ta đã có bằng chứng rõ ràng rằng hàng vạn năm trước người tiền sử khu vực này đã tiếp xúc với biển, đã sống, thích ứng và phát triển trong hệ thống sinh thái biển. Có thể coi phụ hệ thống văn hóa Soi Nhụ giai đoạn muộn là một mẫu nghiên cứu thuộc lĩnh vực này.

Nếu đặt Soi Nhụ trong dòng truyền thống công cụ cuội thì dường như đây là một phụ hệ thống khan hiếm đầu vào nguyên liệu cuội cho việc chế tác công cụ đá. Tuy nhiên đối với trường hợp Soi Nhụ, có lẽ khái niệm “truyền thống công cụ cuội” không có ý nghĩa bao nhiêu. Mọi người đều biết trong hệ thống sinh thái Soi Nhụ không hề hiếm nguồn cuội, đặc biệt là trong phạm vi hố trũng Tiên Yên có khá nhiều bãi cuội dày đặc những hòn cuội đẹp, có chất liệu (porphyrit) và hình dáng thích hợp. Nhưng cư dân cổ Soi Nhụ dường như đã không bận tâm nhiều đến nguồn này. Chính vì vậy trong các địa điểm Soi Nhụ - hoàn toàn khác với Hòa Bình, Bắc Sơn – rất hiếm các công cụ cuội ghè đẽo. Một số lượng hiếm hoi các công cuju cuội tìm thấy trong các hang động thuộc đảo Cát Bà và Vịnh Hạ Long, trong tầng trầm tích ốc nước ngọt và ốc núi cũng không hề mang phong cách Sumatralith. Cũng không thấy loại hình công cụ mảnh như trong hệ thống Ngườm – Bắc Sơn. Có thể đá vôi là loại nguyên liệu được sử dụng phổ biến thay thế cho sự khan hiếm các nguồn cuội in situ ở các cửa hang, trong khi hố trũng Tiên Yên cách các hang động của cư dân Soi Nhụ từ 10 – 30km.

Có một điều chắc chắn là vào giai đoạn muộn, có thể là từ 10.000-6000 năm trước, người Soi Nhụ đã khai thác biển như một nguồn tăng cường bổ sung vào thực đơn của cư dân tiền sử nơi đây. Điều đó cho thấy có một sự biến đổi căn bản môi trường sinh thái khu vực này. Các nguồn lợi biển đã dần dần thay thế cho nguồn ốc suối và ốc núi ngày càng trở nên khan hiếm vì biển tiến. Vào khoảng 7000 BP - 8000 BP đã xuất hiện môi trường vũng vịnh và các khu rừng ngập mặn – hệ sinh thái ven biển có lượng sinh khối cao, đặc trưng của vùng đông bắc nước ta. Đây là một môi trường đặc biệt thuận lợi cho chiến lược di động cư trú và kiếm sống dọc bờ biển. Biển tiến thu hẹp môi trường sống của cư dân Soi Nhụ đã thúc đẩy những tiếp xúc tăng cường với các cư dân miền núi, mà có lẽ trước hết là cư dân thuộc hệ thống sinh thái đá vôi Bắc Sơn. Rùi mài Bắc Sơn đã được phát hiện ở Soi Nhụ và đảo Cát Bà. Các vỏ ốc biển Cyprea cũng tìm thấy trong các hang động Bắc Sơn.

Trong tình trạng ấy có thể nói tới một thứ sức ép khan hiếm không gian cho chiến lược di động  kiếm sống và cư trú ven biển, các đảo, khiến cho cư dân tiền sử nơi đây phải thay đổi chiến lược bằng di động trong một không gian hạn chế và định cư. Cái Bèo là một minh chứng cho chiến lược này. Cùng với Cái Bèo, có thể nói tới một chiến lược  di động hạn chế mà bằng chứng còn để lại là các di tích Hòn Ngò, Núi Hứa, tại hố trũng Tiên Yên. Chiến lược định cư đã làm cho hệ thống sinh thái nhân văn Soi Nhụ biến đổi tận gốc rễ. Người ta phải thích nghi với môi trường biển nhiểu hơn, sâu sắc hơn. Thay vì định hướng nông nghiệ của các hệ thống Hòa Bình, Bắc Sơn, người Soi Nhụ phải thực hiện chiến lược định hướng biển, đa dạng hóa khai thác môi trường biển, cho dù đó chỉ là khai thác ven bờ.

Giống như các cư dân định hướng nông nghiệp, vai trò của định cư, khai thác ven biển có một ý nghĩa rất to lớn. Chính định cư tạo nên bản sắc tộc thuộc về phương diện văn hóa và ngôn ngữ. Cũng chính định cư đã làm thành các cơ sở không gian văn hóa – kinh tế cho những tiếp xúc, trao đổi ngày một phát triển dọc ven biển, hải đảo Đông Á và Đông Nam Á. Do đặc trưng sinh thái giống với hầu hết các mô hình định cư khu vực, chiến lược định cư bao giờ cũng gắn liền với chiến lược đa dạng hóa khai thác các nguồn. Vì vậy khi xem xét các hệ thống sinh thái nhân văn ven biển, không thể bỏ qua vai trò trung tâm trao đổi và tiếp xúc văn hóa của các cư dân nơi đó. Về phương diện này, có thể coi vị trí địa lý của phụ hệ thống Soi Nhụ làm một không gian lý tưởng. Đây là nơi giao nhau của những luồng di cư, tiếp xúc và trao đổi từ các vùng rừng núi Hòa Bình, Bắc Sơn, nam Trung Quốc tới, từ Đông Nam Á lên, từ Đông Á xuống, từ ngoài hải đảo vào. Nó không những thuận lợi về phương diện địa lý mà còn an toàn cho giao thông sông biển.

Về nhiều phương diện, có thể nói phụ hệ thống Soi Nhụ là một trong những động lực thúc đẩy các quá trình phát triển khu vực, đặc biệt vào giai đoạn muộn. Nhạy cảm với những biến động môi trường ven biển, phụ hệ thống này đã phát triển những mô hình cư trú và kiếm sống tại các vùng cửa sông, vũng vịnh và trên các hòn đảo được che chắn tốt, nhưng lại không khép kín. Thông thường phía sau các khu cư trú là núi đất hoặc các đảo đá vôi, hai bên có thể là sông suối hoặc vũng vịnh. Hầu hết các di chỉ được bao bọc bởi ba phía núi, chỉ có trước mặt, thường là phía đông hoặc phía nam là vịnh biển. Chính hệ thống đảo đá và vũng vịnh liên tiếp dọc theo các dòng sông cổ nằm dưới đáy vịnh Hạ Long đã trở thành chiếc nôi văn hóa biển của người Việt cổ.

Nếu đi theo một lát cắt sinh thái từ tây sang đông hoặc từ bắc xuống nam, tùy theo địa hình thì chúng ta có một sơ đồ: Núi đất xem lẫn núi đá vôi – thung lũng, vũng vịnh hoặc bãi triều, lòng sông cổ - núi đá vôi, đượng cát – vịnh biển – núi đất, đảo đá vôi – biển khơi. Mặt cắt sinh thái trên cho thấy Soi Nhụ là một hệ thống đan xen, đa dạng vừa đóng lại vừa mở. Các phụ hệ thống sinh thái nhân văn là núi đất, thung lũng, núi đá vôi với hang động, bãi triều, đượng cát và vũng vịnh, hệ thống cửa sông có các dãy đảo che chắn, mở ra biển khơi qua một loạt hệ thống cửa là những dòng chảy cổ tạo thành một cấu trúc thật phức tạp, thật đa dạng. Nó cho phép con người tiến hành một số chiến lược đa dạng hóa quay lưng lại với biển khơi. Một số mô hình nông nghiệp ven biển sau này là nhân chứng sống về tính chất khép kín tương đối ấy. Trong đó phụ hệ thống sinh thái nông nghiệp đảo Hà Nam, huyện Yên Hưng (Quảng Ninh) là một điển hình. Những hệ thống ấy còn được tạo bởi sự chi phối của những khung không gian xã hội khép kín nữa. Trong khi đó tiềm năng địa kinh tế - xã hội – văn hóa và thực tiễn cuộc sống nơi đây lại luôn đòi hỏi những mô hình mở.

4. Các cấu trúc xã hội tiền nhà nước

Giai đoạn muộn của thời tiền sử đông bắc Việt Nam đã ra đời và phát  triển một số phức hợp kinh tế - xã hội - văn hóa – tín ngưỡng tiền nhà nước (Pre-state), lâu nay vẫn được tiếp cận theo phương pháp lịch sử văn hóa với các tên gọi văn hóa Hạ Long, văn hóa Mai Pha, văn hóa Hà Giang. Những tên gọi ấy thường gợi lên ấn tượng về sự khác biệt tộc thuộc, các mô hình kinh tế - chính trị - xã hội v.v…và được quy chiếu vào một số loại hình hiện vật khảo cổ và một số không gian địa lý xác định, với tư cách là những nhân tố trung tâm.

Nhưng đối với khảo cổ học nhân học xã hội, lời đáp của vấn đề lại là những cấu trúc không gian xã hội, mà cốt lõi của nó là cấu trúc quyền lực xã hội. Các nhà nhân học xã hội đã vạch ra quá trình phát triển của cấu trúc quyền lực tiền nhà nước từ nhóm – bộ lạc – vùng – nhà nước. Về phương diện logic lịch sử, mô hình phát triển này coi quyền lực nhà nước là định hướng lịch sử. Vì vậy nó không thể tránh khỏi bị phê phán từ nhiều phía. Tuy nhiên xã hội loài người vẫn cần có một mô hình tối ưu. Và cho đến nay quy mô vùng được kinh nghiệm lịch sử toàn thế giới xác định là một mô hình lý tưởng. Nó vừa là hồi quang một thời hoàng kim của những trung tâm văn minh với những vua sáng tôi hiền, vừa là một cấu trúc hợp lý duy nhất được đề xuất cho tương lai nhân loại.

Trong giai đoạn Tiền sử muộn, của Việt Nam, cấu trúc quyền lực vùng là một trong  những vấn đề nghiên cứu hấp dẫn để góp phần lý giải về các nhà nước Hùng Vương, An Dương Vương. Có thể coi đây là những thực tế - xã hội – chính trị tiền nhà nước, một bước quá độ từ chế độ dân chủ bộ lạc tiến tới một cấu trúc chính trị độc đoán tiền tư bản chủ nghĩa. Thông thường cấu trúc này tồn tại phổ biến trong mọi loại hình sinh thái nhân văn thời Sơ sử, thậm chí cả trong giai đoạn lịch sử của khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên tổ chức quyền lực trung gian ấy mới được nghiên cứu rất ít. Cho đến bây giờ chúng ta có thể khẳng định rằng các phức hợp tiền nhà nước Việt Nam và Đông Nam Á là những cấu trúc kinh tế - xã hội – chính trị được xây dựng trên cơ sở những hệ thống sinh thái nhân văn. Trong bối cảnh đó, quyền lực gắn liền với các đầu vào nội sinh và ngoại sinh để duy trì sự vận hành và phát triển của hệ thống. Các đầu vào đó không có gì khác hơn là các nguồn và các dòng thông tin. Sự thay đổi của các nguồn lực và các dòng thông tin dẫn tới những điều chỉnh và tái điều chỉnh hệ thống. Hệ thống bị phá vỡ ở hai trạng huống: phát triển và thoái triển.

I.C. White là một trong số ít nhà nghiên cứu đã thành công trong đã thành công trong việc xây dựng một hình thái cấu trúc quyền lực vùng cho Đông Nam Á lục địa. Theo White, đây là một xã hội phi thứ bậc, chí ít đã xuất hiện từ thiên niên kỷ II TCN. Cấu trúc của xã hội này bao gồm các mô hình sau: 1) Đa nguyên văn hóa; 2) Các nền kinh tế bản địa được đặc trưng bởi: a) Đơn vị sản xuất dựa trên cơ sở hộ; b) Cơ chế đa trung tâm cạnh tranh phân phối hàng hóa không độc quyền; 3) Hệ thống vị thế xã hội linh động, thiên về thành đạt cá nhân; 4) Giải quyết xung đột và tập trung quyền lực bằng cách liên minh, cạnh tranh – hợp tác ở trung tâm, định kỳ cố kết bằng chiến tranh, kiểm soát, chinh phục hoặc các hình thức bạo lực khác (White 1995: 104).

Có thể gọi hình thái quyền lực tiền nhà nước cho “vùng hạch Đông Nam Á” của White là một cấu trúc hợp trị. Đa nguyên văn hóa xuất phát từ tính đa dạng của các hệ thống sinh thái nhân văn; từ các luồng chuyển cư liên tục suốt chiều dài lịch sử; từ ảnh hưởng của các nền văn minh láng giềng phát triển sớm v.v...Mô hình kinh tế của White cũng rất đáng chú ý: Phân công lao động trên cơ sở hộ là một hạt nhân của cấu trúc hợp trị, trong đó ẩn chứa một cấu trúc không gian xã hội vừa theo chiều lịch đại, vừa theo chiều đồng đại, lại vừa là một cấu trúc hệ thống. Đối với các xã hội tiền nhà nước Đông Nam Á, hộ là một khái niệm cần định nghĩa. Tuy nhiên có thể coi đó là đơn vị trung gian giữa một cấu trúc thị tộc và một gia đình hạt nhân. Trong cấu trúc đó, hộ bao gồm cả phân công lao động theo giới tính, xác định vai trò xã hội theo lứa tuổi, theo hệ thống thân thích và địa vực. Hộ là một tư cách pháp nhân vừa chứa đựng các kinh nghiệm lịch sử lại vừa là sự thích ứng với những biến đổi mang tính tình huống. Nhưng hộ không phát triển theo khuynh hướng phường hội, một cấu trúc thuần túy nghề nghiệp trong cấu trúc xã hội phương Tây. Chính nhân tố này đã góp phần tạo nên một không gian xã hội phi định hướng cá nhân.

Ngoài ra mô hình trung tâm cạnh tranh phân phối hàng hóa phi độc quyền cũng là một nhân tố quan trọng trong cấu trúc xã hội tiền nhà nước Đông Nam Á. Chính nhu cầu đầu vào nguyên liệu thấp và tính chất không chuyên môn hóa sâu của nền sản xuất đã hạn chế khả năng độc quyền. Nhưng về phương diện này, White đã bỏ qua một nhân tố phi kinh tế, nhưng lại có khả năng chi phối toàn bộ hệ thống, đó là cơ chế vận hành quyền lực trong các xã hội phức hợp Đông Nam Á. Trong các xã hội này, quyền lực không chỉ đến từ sản xuất, từ các kênh phân phối hàng hóa, mà quyền lực còn đến từ việc kiểm soát các kênh phân phối quyền lực. Các xã hội tiền nhà nước Đông Nam Á nói riêng và phương Đông nói chung đã dựa trên cơ chế sản xuất biểu tượng để kiểm soát quyền lực. Đối với xã hội hiện đại, đó chính là cơ chế sản xuất, kiểm soát và phân phối thông tin.

Một tập hợp các nhóm xã hội tiền nhà nước muốn trở thành một cấu trúc, buộc phải dựa trên cơ sở sản xuất thông tin với một hệ thống biểu tượng để truyền đạt, giải thích và kiểm soát thông tin. Đó chính là một hình thái cấu trúc quyền lực và cấu trúc ấy sử dụng hệ thống biểu tượng như một thứ công cụ. Về phương diện lịch sử, các hệ thống biểu tượng ấy chính là những hệ thống ngôn ngữ nguyên khởi bao gồm các motif hoa văn trang trí trên đồ gốm, trên trống đồng, Hà Đồ, Lạc Thư, bói mai trùa, cỏ thi…Các nhà nước, các nền văn minh sớm nhất đều ra đời trên cơ sở các nền sản xuất biểu tượng. Và thường khi các nền sản xuất ấy đã tạo ra những sản phẩm dị thường như hệ thống kim tự tháp chẳng hạn. Là một hệ biểu tượng, đồng thời nó cũng truyền đạt những thông tin gián tiếp kiểm soát các thành viên cộng đồng.

Tuy nhiên, mỗi cấu trúc quyền lực vùng có những cách thức sản xuất thông tin và ra những quyết định khác nhau dựa trên hệ thống biểu tượng của họ. Thông thường cơ cấu quyền lực vùng bao gồm thủ lĩnh hoặc một nhóm thủ lĩnh – đại diện cao nhất của quyền lực vùng. Tập hợp xung quanh thủ lĩnh là một số nhân vật tư vấn về chuyên môn của vài lĩnh vực khác nhau. Trong cách hình dung của người Việt, đó là một triều đình nhỏ, gồm các bá quan văn võ – những kẻ giúp công việc cai trị hành chính và những người làm nhiệm vụ quân sự. Ở quy mô vùng, cái gọi là cai trị hành chính chủ yếu là kiểm soát khai thác các nguồn thu và các nguồn lao, binh dịch. Còn sức mạnh quân sự là khả năng trị an và chống lại những thế lực thù địch để giữ cân bằng hoặc bành trướng quyền lực.

_________________________________________

Còn nữa…          

Nguồn: Hà Hữu Nga (2001). Khảo cổ học Đông Bắc Việt Nam từ những hệ thống sinh thái nhân văn tới các cấu trúc xã hội tiền nhà nước. Bài tham gia Hội nghị Quốc tế “Một thế kỷ khảo cổ học Việt Nam". Viện Khảo cổ học thuộc Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia tổ chức tại Hà Nội. Đăng lại trong: Viện Khoa học Xã hội Việt Nam – Viện Khảo cổ học (2004), Một thế kỷ Khảo cổ học Việt Nam, Tập I, Nxb. KHXH, Hà Nội, tr. 117-139.

Tài Tham khảo

Ambrose W.R. Bird J.R. and Duerden P. (1981). The Impermanence of obsidian source in Melanesia. In F. Leach and J. Davidson (eds). Archaeological studies of Pacific stone resources, pp. 1-19 BAR Internatioanl Series 104.              

Bock P.K. (1969). Modern Cultural Anthropology – An Introduction. Alfred A. Kroff, New York.

Clayton Frederisksen (2000). Points of discussion: obsidian blade technology in the Admiralty Island, 2100 BP to 50 BP.

Guangdong Science and Technology Press (1993). The collection of antiquities from silk road on South China Sea.

Hà Hữu Nga (1997). Lý thuyết hệ thống và khảo cổ học thời đại đá Việt Nam. Trong Những phát hiện mới về Khảo cổ học năm 1996, tr.76.

Hà Hữu Nga, Nguyễn Cường (2001). Mối quan hệ giữa văn hóa Mai Pha và văn hóa Phùng Nguyên qua sưu tập rùi bôn tứ giác. Trong: Sở Văn hóa Thông tin Thể thao tỉnh Phú Thọ (2001) Tìm hiểu văn hóa Phùng Nguyên.

Nguyễn Kim Dung (1996). Công xưởng và kỹ thuật chế tạo đồ trang sức bằng đá thời đại đồng thau ở Việt Nam. Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội.

Nguyễn Kim Dung, Nguyễn Đình Bướng, Bùi Thu Phương, Nguyễn Trường Đông (2001). Khai quật Bãi Bến (Đảo Cát Bà, Hải Phòng). Trong Những phát hiện mới về Khảo cổ học năm 2000, tr.110-111.

Nguyễn Trường Đông (2001). Mũi khoan ở di chỉ Bãi Bến (Đảo Cát Bà, Hải Phòng). Trong Những phát hiện mới về Khảo cổ học năm 2000, tr.124-127.

Schumpter J. (1942). Capitalism, Socialism, and Democracy. New York, Harper.

Stephen Chia (1999). The Obsidian Industry at Bukit Tengkorat, Malaysia. Colloquium on Archaeology in Southeast Asia in the 3nd Millenium in Conjunction with the 30th Anniversary Sain Malaysia 27th- 29th September 1999 in Penang, Malaysia.

White J.C. (1995). Incorporating Heterarchy into Theory on Socio-political Development: The Case from Southeast Asia. Heterarchy and the Analysis of Complex Societies. Archaeological Papers of the American Anthropological Association, No.6.  

 

 

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét