Powered By Blogger

Thứ Sáu, 30 tháng 10, 2020

Phê phán Lévi-Strauss và Trào lưu Cấu trúc luận (XII)

Simon Clarke

Người dịch: Hà Hữu Nga

3. Phân tích Cấu trúc Ý nghĩa

Tuyên bố cơ bản nhất của cấu trúc luận là nó có thể đưa ra cách giải thích khách quan, khoa học về ý nghĩa. Đối với Lévi-Strauss, đây là bài học cơ bản của ngôn ngữ học cho các ngành khoa học nhân văn. Tuy nhiên, trên thực tế, ngôn ngữ học đương đại, phần lớn dựa trên việc loại trừ tất cả các câu hỏi về ý nghĩa khỏi phạm vi của nó. Chỉ gần đây các nhà ngôn ngữ học mới bắt đầu đặt vấn đề về ngữ nghĩa ngôn ngữ học. Những vấn đề mà ngữ nghĩa học thực chứng gặp phải là những vấn đề mà bây giờ đã trở nên quen thuộc.

Khi xem xét ngôn ngữ học của Chomsky, tôi đã lưu ý rằng lý thuyết về ngôn ngữ của ông dựa trên sự tách biệt tân thực chứng của cú pháp khỏi ngữ nghĩa học và ngữ dụng học. Sự tách biệt này tạo ra khả năng phân lập ngôn ngữ như một đối tượng khoa học khỏi bối cảnh xã hội của nó và do đó, xem xét nó mà không cần tham chiếu đến mục đích giao tiếp của người nói, và do đó, không có bất kỳ tham chiếu nào đến bất kỳ ý nghĩa bên ngoài nào. Sự tách biệt này cô lập một tập các hình thái câu mà ngữ pháp và lý thuyết ngôn ngữ có thể vận hành để một cú pháp có thể được tạo dựng mà không đưa ra bất kỳ xem xét ngữ nghĩa nào. Tôi đã lưu ý rằng điều này dẫn đến một thứ cú pháp võ đoán, và quá hình thức luận, và tôi cũng đã lưu ý rằng việc tách cú pháp khỏi ngữ nghĩa cũng là võ đoán, như được chỉ ra bởi tính bất khả phân biệt một cách không võ đoán giữa các câu theo cú pháp và các câu được không thể chấp nhận về mặt ngữ nghĩa. Tuy nhiên, sự phân chia này cũng khiến Chomsky có thể gạt ngữ nghĩa sang một bên, do đó ngôn ngữ học của ông không thể nói gì với chúng ta về ý nghĩa.

Ngôn ngữ học Praha, và Hình thức luận Nga trước đó, không chấp nhận sự tách biệt ngữ nghĩa học này khỏi các chiều kích khác của ngôn ngữ, và sự tích hợp được thể hiện trong chức năng luận mà các nhà ngôn ngữ học Trường phái Praha triệt để tôn trọng. Tuy nhiên, các nghiên cứu có hiệu quả của cả hai trường phái đều tự giới hạn mình vào các lĩnh vực mà ngôn ngữ có thể được coi là hợp thức mà không cần quan tâm đến ý nghĩa bên ngoài bằng cách tách biệt các tổng thể chức năng bên dưới (âm vị học) hoặc bên trên (thi pháp học và văn học dân gian) cấp độ ý nghĩa ngôn ngữ học.

Đối với cả âm vị học và hình thức luận thì ý nghĩa của các yếu tố của hệ thống được đưa ra một cách rõ ràng và công việc phân tích sẽ xem xét những gì được thực hiện với các yếu tố này. Do đó, trong âm vị học, việc chỉ tham chiếu đến các ý định và hiểu biết của người nói bản ngữ mới có thể thiết lập được những phân biệt âm vị học nào là có ý nghĩa, nhưng một khi các đơn vị đã được xác định theo cách này, thì hệ thống có thể được phân tích mà không cần tham chiếu đến ý nghĩa. Đối với hình thức luận, phương pháp phân tích “cấu trúc” được thích nghi hóa để nghiên cứu chức năng thi ca của ngôn ngữ, và đây là một chức năng siêu ngôn ngữ học, theo nghĩa, việc sử dụng ngôn ngữ mang tính thi ca lấy các đơn vị ngôn ngữ mà ý nghĩa ngôn ngữ hàng ngày của chúng được đưa ra và sau đó kết hợp các đơn vị này theo những cách kỳ lạ hoặc độc đáo nhằm tạo ra ý nghĩa mới, hoặc thu hút sự chú ý vào các sắc thái cụ thể của các ý nghĩa cũ.

Chắc chắn điều tương tự cũng đúng với việc mở rộng phương pháp hình thức luận sang các chiều góc khác của văn học và văn học dân gian: những nghiên cứu này luôn bắt đầu từ những ý nghĩa nhất định của ngôn ngữ tự nhiên, và sau đó xem xét những cách thức hình thành các kết nối mới có thể tạo ra những ý nghĩa mới. Vì vậy, mặc dù việc phân tích cấu trúc có thể được cho là làm bộc lộ cơ chế khách quan mà qua đó bài thơ hoặc văn học dân gian tạo ra một ý nghĩa, và cơ chế này có thể được chứng minh là có thể quy giản để hình thành các quan hệ cấu trúc cụ thể, còn việc phân tích thì giả định như đã thiết lập các ý nghĩa ngôn ngữ học chủ yếu mà cấu trúc thao tác.

Mặc dù hình thức luận không gia nhập và ý nghĩa ngôn ngữ học, nhưng nó giúp phân tích về ý nghĩa thi ca hoặc văn học dân gian của một văn bản, và hình thức luận đúng nghĩa đã được ca ngợi là bậc tiền bối của cấu trúc luận trong việc xác định ý nghĩa văn hóa khách quan và cung cấp phương tiện cho việc phan tích khoa học ý nghĩa đó trong khuôn khổ các quan hệ cấu trúc bên trong văn bản hoặc kho ngữ liệu gốc của các văn bản tạo nên văn hóa đó. Tuy nhiên, đây là cách hiểu sai về tầm quan trọng của thành tựu hình thức luận.

Hình thức luận đã chứng tỏ một cách tiếp cận hiệu quả đối với một số thể loại mà bản thân chúng đặc biệt mang tính hình thức, nhất là một số hình thái thi ca và văn học dân gian. Các phân tích hình thức luận cho thấy cách thức mà các mối quan hệ hình thức nhất định bên trong các văn bản là phương tiện mà các ý nghĩa thơ ca hoặc văn học dân gian cụ thể được cấu thành, và để diễn giải theo lối thực chứng luận, do đó các phân tích đã khám phá ra một ý nghĩa khách quan có thể được tách biệt mà không cần quy chiếu vượt khỏi văn bản đến một chủ thể dự kiến ý nghĩa đó hoặc đến một đối tượng có ý nghĩa đó.

Mặc dù một số nhà hình thức luận tự làm mồi cho những cách diễn giải thực chứng luận như vậy về công trình của họ, nhưng điều quan trọng là phải nhấn mạnh rằng những cách diễn giải như vậy là sai. Phân tích hình thức luận xem xét các cách thức sử dụng một số phương tiện tu từ và văn phong, đặc biệt là ẩn dụ và hoán dụ, để tạo ra các ý nghĩa mới hoặc để làm nổi bật các ý nghĩa đã có. Tuy nhiên, các phân tích này không thể khẳng định là khám phá ra một ý nghĩa có khách tính đặc biệt ưu trội.

Ý nghĩa được phát hiện là sản phẩm của phân tích, và không nhất thiết tồn tại độc lập với phân tích. Nó không phải là một ý nghĩa vốn có trong đối tượng, vì phép phân tích thể hiện việc diễn giải văn bản, trong đó ý nghĩa của các yếu tố trong ngôn ngữ tự nhiên được coi là đã cho và sau đó áp đặt các mối quan hệ siêu ngôn ngữ học nhất định.

Chỉ có thể khẳng định một cách hợp thức rằng ý nghĩa này tồn tại độc lập với việc phân tích nếu ý nghĩa đó có thể được xác định một cách độc lập: hoặc nếu đó là ý nghĩa mà tác giả có thể được chứng minh là có ý định, hoặc nếu đó là ý nghĩa mà người đọc hoặc người nghe có thể được chứng minh là đã nhận thức được. Trong trường hợp này, phép phân tích hình thức luận không phát hiện ra ý nghĩa của văn bản, những gì nó làm là chỉ ra các phương tiện phong cách học mà qua đó văn bản chuyển tải một ý nghĩa đã được xác định trước đó.

Trong trường hợp không xác định được ý nghĩa của văn bản một cách độc lập, thì phân tích hình thức luận đang tạo ra một ý nghĩa mới, đưa ra một cách diễn giải mới để bổ sung vào những ý nghĩa mà văn bản đã có trong nền văn hóa được đề cập. Do đó, trong cả hai trường hợp, không có căn cứ nào để lập luận rằng đơn giản vì ý nghĩa được cấu thành về phương diện siêu ngôn ngữ học, bởi các quan hệ bên trong văn bản, nên ý nghĩa này khách quan hơn bất kỳ nghĩa nào khác mà văn bản có thể có. Lý do khá đơn giản là không có cái gọi là ý nghĩa khách quan.

Điều này đưa chúng ta đến điểm cốt yếu, đó là ý nghĩa không thể là nội tại đối với một hệ thống khách quan, mặc dù nó có thể là ảnh hưởng của các mối quan hệ nội tại đối với hệ thống đó. Ý nghĩa chỉ có thể là mối quan hệ giữa một chủ thể và một cái gì đó bên ngoài chủ thể đó: ý nghĩa văn hóa và ngôn ngữ chỉ có thể là ý nghĩa đối với một người nào đó, chỉ có thể phục hồi được thông qua sự hiểu biết có ý thức về những ý nghĩa đó. Điều này thậm chí còn xảy ra với cái gọi là ý nghĩa vô thức: một ý nghĩa chỉ có thể được khẳng định là vô thức nếu sau đó nó có thể được phục hồi một cách có ý thức, và đây là đặc điểm trung tâm của phân tích theo trường phái Freud (mặc dù tất nhiên sự hiểu biết có ý thức về một ý nghĩa là sự hiểu biết mà trước đây là vô thức thì không có gì đảm bảo rằng ý nghĩa trên thực tế thực sự tồn tại một cách vô thức).

Ngôn ngữ và văn hóa với tư cách là các hệ thống khách quan của biểu tượng, không thể tự nó có bất kỳ ý nghĩa nào. Chúng không phải là những đối tượng có ý nghĩa, chúng là những công cụ khách quan mà ý nghĩa được biểu đạt và truyền đạt. Việc phân lập chúng khỏi bối cảnh xã hội mà chúng hoạt động theo đúng nghĩa là những công cụ chính là phân lập chúng khỏi bối cảnh duy nhất mà chúng có ý nghĩa.

Chính khía cạnh công cụ này của ngôn ngữ mà các quan điểm hiện tượng luận về ngôn ngữ luôn đối lập với hình thức luận thực chứng. Đối với hiện tượng luận, ngôn ngữ không phải là một đối tượng mà là một “cử chỉ” mà chủ thể biểu đạt thế giới. Do đó, ngôn ngữ không thể bị tách rời mục đích lý tưởng của nó (để nói điều gì đó) và tham chiếu thực sự của nó (để nói về điều gì đó). Ngôn ngữ không thể bị quy giản thành chủ thể (tư tưởng, ý thức, tâm trí, hoặc bất cứ điều gì) hoặc thành đối tượng (thế giới tự nhiên) bởi vì ngôn ngữ làm trung gian cho mối quan hệ giữa hai bên, không chỉ làm cho chủ thể liên quan với thế giới, mà còn giữ khoảng cách giữa chúng.

Điều quan trọng cần nhấn mạnh là sự phê phán hiện tượng học đối với thực chứng luận không chỉ đơn giản là một quan điểm tranh luận siêu hình, biểu hiện của một số phản bác lãng mạn “nhân văn luận”, “chủ thể luận”, “phi lý trí luận” về “khoa học”. Mặc dù hiện tượng luận thường bị suy biến thành phi lý trí luận chủ thể luận, nhưng cốt lõi của phê bình hiện tượng luận của thực chứng luận là phê phán duy lý về phi lý trí luận của cái gọi là “khoa học” nhằm tìm cách hiểu các sản phẩm văn hóa mà không cần tham chiếu đến tính chủ đích mang lại ý nghĩa văn hóa cho các sản phẩm đó.  

Do đó, lời tuyên bố không phải là cách tiếp cận thực chứng luận đối với ý nghĩa là có thể phản đối về phương diện đạo đức vì nó vi phạm phẩm giá con người, mà lời tuyên bố là việc phân tích ý nghĩa theo thực chứng luận là không thể đạt được và những phát hiện được cho là khách quan của nó là giả mạo. Để khẳng định thực chất cho tuyên bố này, cần phải giải thích chính xác lý do tại sao cách giải thích ý nghĩa mang tính thực chứng luận như vậy phải thất bại. Cần phải chứng minh rằng cách giải thích được cho là khách quan về ý nghĩa do thực chứng luận đưa ra thực chất là võ đoán, tốt nhất là việc hệ thống hóa các cách diễn giải chủ quan cụ thể về hệ thống ý nghĩa ngôn ngữ.

Sai lầm cơ bản của việc phân tích ý nghĩa theo thực chứng luận là tin rằng vì một ý nghĩa nào đó có thể được chỉ rõ mà không quy chiếu đến chủ thể có ý định thì đó phải là ý nghĩa chân thực nhất, khách quan nhất hoặc hiện thực nhất của văn bản được đề cập. Phê phán thực chứng luận lưu ý rằng bất kỳ mô tả ý nghĩa nào mà phân tích thực chứng luận đưa ra, thì mô tả đó chỉ có thể có hiệu lực ngoài giới hạn phân tích bằng cách tham chiếu đến ý định của một chủ thể nói hoặc nghe. Nếu không, ý nghĩa chỉ tồn tại liên quan đến ý định của nhà phân tích và không có ý nghĩa nào bên ngoài phân tích. Để nhìn nhận điều này chi tiết hơn, cần phải xem xét những gì liên quan đến việc phân tích ý nghĩa theo thực chứng luận.

Việc phân tích ý nghĩa về cơ bản liên quan đến việc tái hình thành văn bản theo cách thể hiện ý nghĩa của nó. Ý nghĩa của văn bản không thể được tách biệt và trình bày trong sự thuần túy của nó, mà phải được thể hiện trong một văn bản mới. Vì vậy, bất kỳ nỗ lực nào để mô tả hệ thống ý nghĩa của ngôn ngữ đều sẽ liên quan đến việc kiến tạo một “siêu ngôn ngữ”, nghĩa là một ngôn ngữ trong đó nói về ngôn ngữ đối tượng và vì vậy mà trong đó mô tả ý nghĩa của ngôn ngữ tự nhiên.

Khi nhìn vào hình thức luận Nga, tôi cho rằng hình thức luận xem thơ ca và văn học dân gian như những siêu ngôn ngữ và cho rằng nó làm sáng tỏ các ý nghĩa siêu ngôn ngữ bằng cách coi ý nghĩa ngôn ngữ học của các thành phần của văn bản là đương nhiên. Ngữ nghĩa ngôn ngữ học phải làm ngược lại: để mô tả và phân tích các ý nghĩa được thể hiện trong ngôn ngữ đối tượng, cần phải coi các ý nghĩa của siêu ngôn ngữ là đương nhiên. Do đó, vấn đề của ngữ nghĩa ngôn ngữ học là vấn đề xây dựng một siêu ngôn ngữ rõ ràng và không võ đoán trong đó để diễn đạt các mối quan hệ ngữ nghĩa của ngôn ngữ đối tượng.

Đây là vấn đề cũ và không giải quyết được của tân thực chứng luận trong việc tạo dựng một ngôn ngữ khoa học để thể hiện kiến ​​thức rõ ràng của chúng ta về thế giới. Không có ngôn ngữ nào như vậy có thể được tạo dựng vì một lý do đơn giản là chúng ta cần một siêu siêu-ngôn ngữ khác để hình thành các quy tắc tạo dựng nó, và ad infinitum tương tự như vậy cho đến vô tận.

Ảo tưởng về khách tính chỉ được đưa ra bằng cách coi đặc tính tuyệt đối của siêu ngôn ngữ là đương nhiên. Do đó, nếu siêu ngôn ngữ là ngôn ngữ tự nhiên, thì tác dụng là trình bày những giả định về sự hiểu biết hàng ngày của chúng ta về thế giới được thể hiện bằng ngôn ngữ tự nhiên như những chân lý khách quan không thể chối cãi. Ví dụ, việc nói rằng ý nghĩa khách quan của “cậu bé” là “đứa trẻ trai” không phải là để giải thích khách quan về ý nghĩa của “cậu bé” trừ khi chúng ta giả định trước nghĩa của từ “đứa trẻ” và “trai” được đưa ra một cách khách quan, tuy nhiên ý nghĩa của các từ này khác nhau giữa cá nhân này với cá nhân khác và từ nền văn hóa này sang nền văn hóa khác và do đó không có tính khách quan đặc quyền.

Chúng ta có thể minh định và đưa ra ví dụ về các vấn đề liên quan đến việc tạo dựng một siêu ngôn ngữ cho ngữ nghĩa ngôn ngữ học bằng cách phân biệt giữa cú pháp và ngữ nghĩa học của siêu ngôn ngữ. Cú pháp của siêu ngôn ngữ sẽ mô tả các mối quan hệ ngữ nghĩa tồn tại trong ngôn ngữ tự nhiên (đối tượng), ví dụ nó sẽ xác định sự tương phản ngữ nghĩa giữa các thuật ngữ khác nhau. Đối với một nhà cấu trúc luận thuần túy, siêu ngôn ngữ sẽ chỉ có một cú pháp, vì các ý nghĩa của ngôn ngữ sẽ bị cạn kiệt bởi các quan hệ ý nghĩa này. Tuy nhiên, một cấu trúc luận triệt để như vậy là không thể tưởng tượng được, vì ý nghĩa là mối quan hệ với một cái gì đó ngoài ngôn ngữ nên siêu ngôn ngữ cũng phải có ngữ nghĩa học thiết lập mối quan hệ này theo cách này hay cách khác để tạo cho hệ thống ý nghĩa ngôn ngữ học một nội dung cũng như hình thức nào đó.

Các vấn đề được đặt ra bởi nỗ lực hình thành một siêu ngôn ngữ như vậy là hai lần khó, liên quan đến cả cú pháp và ngữ nghĩa học của siêu ngôn ngữ này. Thứ nhất, liên quan đến cú pháp của nó, vấn đề là các loại mối quan hệ nào sẽ được mô tả bằng siêu ngôn ngữ. Ở đây về cơ bản có hai lựa chọn thay thế.

Siêu ngôn ngữ có thể sử dụng cú pháp của logic phân tích và mô tả các mối quan hệ ý nghĩa theo các phạm trù logic của từ đồng nghĩa, trái nghĩa, bao hàm,…v.v. Đây là cách tiếp cận được ưa chuộng nhất trong ngôn ngữ học vào lúc này như là sự bổ sung cho ngôn ngữ học của Chomsky. Nó cố gắng quy giản các ý nghĩa ngôn ngữ học thông qua phân tích logic thành một số lượng hạn chế các yếu tố ý nghĩa, được gọi là “tiêu ký ngữ nghĩa”, semes “dấu hiệu” hoặc sememes “hình vị” bằng phép loại suy với phonemes các âm vị là đơn vị cơ bản của âm thanh. Vì vậy, nếu đối chiếu “nam” với “nữ”, thì chúng ta có thể trích xuất các semes dấu hiệu tương phản nam/ nữ. Do đó, việc áp dụng logic phân tích theo cách này có thể quy giản mọi dấu hiệu trong ngôn ngữ thành một nhóm các thành phần ý nghĩa cuối cùng.

Cách tiếp cận này, được gọi là phân tích thành phần, đã được sử dụng tiên phong trong việc phân tích các thuật ngữ thân tộc, là các hệ thống dấu hiệu và các đơn vị phân loại khác nhau có cấu trúc rõ ràng. Phân tích của chính Lévi-Strauss về các hệ thống thân tộc là một phiên bản sơ khai của cách tiếp cận này, sự phân biệt ngữ nghĩa cơ bản đối với ông là giữa những người có thể kết hôn và không thể kết hôn. Phương pháp này chắc chắn là một cách tiếp cận thuận tiện đối với việc mô tả hình thức các ngôn ngữ, làm cho việc xử lý các hạn chế lựa chọn trong ngữ pháp chuyển đổi trở thành một công việc tương đối đơn giản.

Cách tiếp cận khác là mô tả các quan hệ ý nghĩa của ngôn ngữ không phải theo logic phân tích, mà theo các phạm trù của chính ngôn ngữ đó. Điều này có nghĩa là sẽ không có một siêu ngôn ngữ phổ quát để mô tả các quan hệ ý nghĩa trong các ngôn ngữ tự nhiên khác nhau, vì mỗi ngôn ngữ tự nhiên cũng sẽ có một siêu ngôn ngữ riêng. Hơn nữa, các mô tả ý nghĩa xuất hiện sẽ không phải là “khách quan”, bởi vì chúng sẽ giả định kiến ​​thức về ngôn ngữ tự nhiên và sẽ liên quan đến sự hiểu biết đó.

Cách tiếp cận tương đối luận này với các ngôn ngữ tự nhiên rõ ràng là ít nhiều hữu ích hơn về mặt “khoa học”. Tuy nhiên, tính hữu ích thực dụng của cách tiếp cận hình thức luận không nhất thiết có nghĩa là nó cung cấp một giải trình đầy đủ hơn về ý nghĩa của các ngôn ngữ tự nhiên. Không có lý do gì để tin rằng đối với người sử dụng ngôn ngữ, mối quan hệ giữa các ý nghĩa khác nhau có thể được biểu đạt bằng hình thức phân tích, do đó cấu trúc ngữ nghĩa của ngôn ngữ tự nhiên có thể được quy giản thành cấu trúc logic phân tích.

Tuy nhiên, cũng không có lý do gì để tin rằng những mối quan hệ này được thể hiện đầy đủ trong các phạm trù của ngôn ngữ tự nhiên, trừ khi tư tưởng và ngôn ngữ được đồng nhất với nhau. Do đó, vấn đề tạo ra một siêu ngôn ngữ để mô tả hệ thống ý nghĩa của các ngôn ngữ tự nhiên là một vấn đề gay cấn, chứ không phải là một vấn đề dễ dàng đối với một giải pháp thực chứng luận.

Thậm chí vấn đề ngữ nghĩa học của nó còn nam giản hơn cả cú pháp của siêu ngôn ngữ. Siêu ngôn ngữ có thể mô tả các quan hệ ý nghĩa trong ngôn ngữ, cho dù là đồng nghĩa hay tương tự, nhưng nếu nó mô tả ý nghĩa của các thuật ngữ của ngôn ngữ, thì nó phải thuộc lĩnh vực ngoài ngôn ngữ. Có nhiều cách để thực hiện điều này. Ví dụ, hành vi luận Bloomfieldian phân tích ý nghĩa về mặt hành vi. Do đó, siêu ngôn ngữ liên hệ các thuật ngữ ngôn ngữ học với ngữ cảnh hành vi của chúng. Phân tích thành phần liên hệ các yếu tố nghĩa ban đầu của nó với một “văn hóa” rộng lớn hơn, không đề cập đúng vấn đề đang bàn cãi, hoặc mặc nhiên công nhận chúng như là những phản ánh phổ quát của thế giới bên ngoài (hoặc bên trong). Saussure liên hệ tổng thể hệ thống ký hiệu với thể liên tục phổ quát của tư tưởng mà nó được áp đặt, một quan niệm rất giống quan niệm về “trường ngữ nghĩa” của Trier.

Phạm vi các giải pháp được cung cấp phải đủ để chỉ ra rằng không thể quyết định giữa chúng trên cơ sở hình thức thuần túy. Nhưng không chỉ hình thức của giải pháp là võ đoán theo nghĩa này, mà nội dung của bất kỳ một công thức nào cũng không thể được coi là có tính khách quan cố hữu.

Chẳng hạn, dựa trên cơ sở nào mà phân tích thành phần quyết định rằng các từ “nam” và “nữ” nên được phân biệt là giống đực / giống cái, khi các thuật ngữ này có nghĩa rộng mạnh mẽ, phức tạp và thay đổi như vậy? Việc quy giản các thuật ngữ này thành sự phân biệt giới giữa những chỉ vật chung nhất của chúng là tước bỏ khỏi các thuật ngữ hầu hết sức mạnh ngôn ngữ học và văn hóa của chúng. Do đó, các đơn vị ngữ nghĩa cơ bản không xuất hiện một cách khách quan, chúng được trừu tượng hóa một cách võ đoán từ tập hợp vô hạn các đơn vị khả thể. Do đó, ngay cả một nhà bình luận đầy thông cảm cũng có thể kết luận: “Người ta không thể tránh khỏi nghi ngờ rằng các thành phần ngữ nghĩa được diễn giải trên cơ sở hiểu biết trực giác của nhà ngôn ngữ học về các hạng mục từ vựng mà anh ta sử dụng để gắn nhãn cho chúng”.17 Việc phân tích thành phần cho chúng ta biết thêm về trực giác nghèo nàn của các nhà ngôn ngữ học hơn là nó cho chúng ta biết về ý nghĩa.

Vấn đề cơ bản là mô tả khách quan về ngữ nghĩa học của ngôn ngữ tự nhiên phải liên hệ các yếu tố của ngôn ngữ với một thực tại ngoài ngôn ngữ nào đó, cho dù đó là “tư tưởng” hay “thế giới”. Tuy nhiên, việc mô tả tự nó phải sử dụng các thuật ngữ ngôn ngữ học để quy chiếu vào hiện thực ngoài ngôn ngữ học này. Vì vậy, cho đến nay, một ngữ nghĩa học thực chứng luận vẫn sử dụng quy giản luận của nó, ngay cả khi nó đạt đến hành vi luận Bloomfield trong việc loại bỏ mọi tham chiếu đến ý nghĩa, thì nó vẫn phải sử dụng hệ thống ý nghĩa của ngôn ngữ tự nhiên trong các mô tả của nó, và do đó, giả định trước hệ thống ý nghĩa đó. Vì vậy, bất kỳ phân tích thực chứng nào về ý nghĩa của ngôn ngữ đều phải giả định trước kết luận của chính nó, vì nó phải thiết lập xong khách tính ý nghĩa của ngôn ngữ tự nhiên để có một siêu ngôn ngữ nhằm mô tả ý nghĩa đó.

Chính vì lý do này mà các nhà tương đối luận ngôn ngữ học đơn giản từ chối quy chiếu vượt khỏi ngôn ngữ, bằng cách quay trong một vòng tròn vô tận mà họ không thể thoát ra khỏi đó, và cũng không thể giải thích làm thế nào mà một kẻ nào đó có thể bước vào vòng tròn bằng cách học một ngôn ngữ, và vì vậy không thể giải thích được cái cách thức mà ngôn ngữ có thể được sử dụng như một phương tiện giao tiếp.

Nan đề nảy sinh bởi vì vấn đề tạo ra nó là một vấn đề giả. Do đó, việc lựa chọn giữa thực chứng luận và tương đối luận là một sự lựa chọn sai lầm. Nan đề nảy sinh từ nỗ lực tách rời ý nghĩa khỏi tính chủ ý của con người là những kẻ muốn và để cho nó tồn tại trong một đối tượng độc lập với mọi sự can thiệp của con người. Cuối cùng, thực chứng luận tìm cách quy chiếu ý nghĩa trở lại với một thế giới khách quan, tiền ngôn ngữ học. Tham vọng như vậy không thể thực hiện được bởi vì mối quan hệ giữa ý nghĩa và thế giới không bao giờ có thể được hình thành một cách rõ ràng. Nếu nó được xây dựng trong ngôn ngữ, thì nó sẽ giả định trước những gì mà nó tìm cách thiết lập. Nếu nó tìm cách vượt ra ngoài (hoặc bên dưới) ngôn ngữ, như trong nỗ lực đưa ý nghĩa ngôn ngữ dựa trên cơ sở định nghĩa “bề ngoài”, thì nó sẽ không còn rõ ràng và nỗ lực thiết lập một ý nghĩa khách quan đặc quyền sẽ chìm nghỉm. Tương đối luận thừa nhận không thể thiết lập mối quan hệ rõ ràng giữa ngôn ngữ và thế giới khách quan bên ngoài, và do đó biến ngôn ngữ thành đối tượng đặc quyền của nó.

Ngay sau khi nỗ lực loại trừ tính chủ ý này khỏi việc cân nhắc ý nghĩa bị từ bỏ, thì nan đề cũng biến mất, và vấn đề trở thành một vấn đề thực dụng hơn nhiều. Dấu hiệu ngôn ngữ học chỉ tồn tại như một thực thể ngôn ngữ học đối với người nói hoặc người nghe trong ngữ cảnh của những lời nói cụ thể trong một tình huống cụ thể. Do đó, các từ luôn chứa đầy nội dung, chúng không bao giờ ổn định, mà luôn có thể thay đổi và có thể thích nghi, còn ý nghĩa của chúng lại khác nhau đối với những người khác nhau và thậm chí đối với cùng một người ở những thời điểm khác nhau. Mỗi từ, mỗi cụm từ, đều có một lịch sử đối với cá nhân người nói/ người nghe, một lịch sử không ngừng mở ra. Bên ngoài lịch sử cá nhân này, các yếu tố của ngôn ngữ không có thực tại ngôn ngữ học, chúng chỉ trở thành các chuỗi âm thanh. Do đó, các yếu tố ngôn ngữ không có ý nghĩa ổn định, vĩnh viễn hoặc khách quan để được khám phá: những ý nghĩa như vậy theo nghĩa đen và khá đơn giản là không tồn tại.

Điều này không có nghĩa là ngôn ngữ chỉ có thể liên quan đến các chủ thể cá nhân và với kinh nghiệm cá nhân, vì ngôn ngữ trên hết là một phương tiện truyền đạt ý nghĩa từ chủ thể này sang chủ thể khác. Do đó, chủ thể ngoại tại hóa một ý định dưới dạng một phát ngôn ngôn ngữ với hy vọng và dự đoán rằng chủ thể khác sẽ có thể phục hồi ý định đó. Do đó, ý nghĩa các yếu tố của ngôn ngữ có một hiện thực liên chủ thể: một số khía cạnh của ý nghĩa đó là chung cho nhiều hơn một người sử dụng ngôn ngữ và có tính ổn định nhất định. Do đó, “vấn đề cơ bản của ngữ nghĩa học” là làm thế nào để “tính đa ngữ nghĩa cơ bản của từ có thể được dung hòa với tính thống nhất của nó”.18 Thực chứng luận tìm cách loại bỏ tính đa ngữ nghĩa, bằng cách chỉ thấy trong nó những gợi ý chủ quan áp đặt lên một ý nghĩa cơ bản và tĩnh tại nào đó. Tuy nhiên, việc quy chiếu  từ trở lại với tâm lý cá nhân để khôi phục tính đa ngữ nghĩa của từ vì khi đó người ta có nguy cơ đánh mất đi cái nhìn về tính thống nhất của nó.

Ý nghĩa của một đơn vị ngôn ngữ đối với một cá nhân, là ý nghĩa duy nhất có thể nói là tồn tại, là sự thể hiện của một lịch sử, và do đó, việc tổng kết kinh nghiệm của cá nhân về một loạt các bối cảnh mà trong đó đơn vị ngôn ngữ có ý nghĩa đối với cá nhân đó. Tính thống nhất của ý nghĩa đó chỉ có thể là tính thống nhất về lịch sử và xã hội, một kinh nghiệm được chia sẻ và một lịch sử được chia sẻ trong đó một số cá nhân đã tham gia và họ đã biểu đạt bằng phương tiện ngôn ngữ của họ. Do đó, tính thống nhất về ý nghĩa của đơn vị chính là tính thống nhất của một cộng đồng nói ngôn ngữ đó. Vì vậy, việc nghiên cứu ngữ nghĩa ngôn ngữ học không bao giờ có thể là một ngành học hình thức, nó chỉ có thể là một ngành xã hội và lịch sử, nghiên cứu các điều kiện xã hội và lịch sử mà trong đó thế giới được trải nghiệm và được biểu đạt bởi các chủ thể xã hội.

_________________________________________________

Còn nữa…

Nguồn: Clarke, Simon (1981). The Foundations of Structuralism – a Critique of Lévi-Strauss and the Structuralist Movement, Lecturer in Sociology, University of Warwick, First published in Great Britain in 1981 by The Harvester Press Limited Publisher.

Tác giả: Simon Clarke (sinh ngày 26 tháng 3 năm 1946) là một nhà xã hội học người Anh chuyên về lý thuyết xã hội, kinh tế chính trị, quan hệ lao động và lịch sử xã hội học. Ông đặc biệt quan tâm đến quan hệ việc làm ở Trung Quốc, Việt Nam và các quốc gia thuộc Liên Xô cũ. Ông là Giáo sư danh dự về xã hội học tại Đại học Warwick. Simon Clarke sinh ra ở London, là con trai của nhà văn Tom Clarke. Ông tốt nghiệp Đại học Cambridge năm 1967 với bằng kinh tế hạng nhất. Sau một năm giảng dạy kinh tế tại Khoa Kinh tế Chính trị của Đại học College London, Clarke bắt đầu học tiến sĩ tại Đại học Essex, luận án của ông có tựa đề Cấu trúc luận của Claude Lévy-Strauss. Năm 1972, Simon Clarke gia nhập Khoa Xã hội học tại Đại học Warwick, nơi ông vẫn làm việc cho đến khi nghỉ hưu vào năm 2009. Trong những năm 1970 và 1980, Simon Clarke được biết đến nhiều nhất với các công trình của ông trong lĩnh vực lý thuyết xã hội và kinh tế chính trị. Công việc ban đầu của ông tập trung vào gốc rễ của xã hội học hiện đại, phê phán cấu trúc luận và xem xét lịch sử của ngành này từ nguồn gốc của nền kinh tế chính trị cổ điển đến hình thức hiện đại của nó. Năm 1990, Simon Clarke đã có một loạt bài giảng cho một nhóm các nhà xã hội học trẻ tuổi của Liên Xô tại Viện Thanh niên ở Moscow. Năm 1998, chương trình nghiên cứu đã được mở rộng để bao gồm các tổ chức công đoàn hậu xã hội chủ nghĩa ở Trung Quốc và Việt Nam.

Ghi chú

1 R. Jakobson, Six Lectures on Sound and Meaning, Harvester, Hassocks, 1978.

2 G. Mounin, Introduction àla sémiologie, Minuit, Paris, 1970, pp. 202-3. Lévi-Strauss' article is reprinted in Structural Anthropology.

3 ESK, p. 493.

4 SA, p. 83.

5 FS, pp. 518, 520.

6 SA, pp. 202-3.

7 SA, pp. 19, 21.

8 IM, pp. x x x i , x x x v i , l i .

9 SA, pp. 58-9, 62.

10 SA, pp. 279-80.

11 SA, p. 281.

12 D. Maybury-Lewis, 'Dual Organisation', Bijdragen tot de Taal-Land-en Volkenkunde, 116, 1, 1960, p. 35.

13 1953b, p. 115. ,

14 SA, pp. 281, 121.

15 D. Slobin, Psycholinguistics, Scott, Foreman, Illinois, 1971, pp. 62-3.

16 R. Jakobson, G. Fant and M. Halle, Preliminaries to Speech Analysis, Harvard University Press, Cambridge, Mass., 1952; R. Jakobson and M. Halle, Fundamentals of Language, Mouton, The Hague, 1957; M. Halle, ' I n Defence of the Number 2', in Studies Presented to Joshua Whatmough, Mouton, The Hague, 1957; M. Halle, 'Simplicity in Linguistic Description', in R. Jakobson (ed.), The Structure of Language and its Mathematical Aspects, Proceedings of the 12th Symposium in Applied Mathematics, American Mathematical Society, Providence, 1961.

17 J. Lyons, Introduction to Theoretical Linguistics, CUP, 1968, p. 480.

18 V . N . Volosinov ( M . Bachtin), Marxism and the Philosophy of Language, Seminar Press, New York, 1973, p. 80.

Các tác giả được đề cập

Boas F. : Introduction to Handbook of American Indian Languages, University

of Nebraska Press, 1968.

Chomsky N. : Language and Mind, Harcourt Brace, 1968.

Coubreras H. : 'Simplicity, Descriptive Adequacy and Binary Features', Language, 1969.

W. Goodenough: 'Componential Analysis and the Study of Meaning', Language, 1956.

Halle M. : 'In Defence of the Number 2', in Studies Presented to Joshua Whatmough, 1957.

---------: 'Simplicity in Linguistic Description' in R. Jakobson (ed.): The Structure of Language and its Mathematical Aspects, American Mathematical Society, 1961.

Hymes D. (ed.): Language in Culture and Society, Harper & Row, 1964.

Jakobson R. : Six Lectures on Sound and Meaning, Harvester, 1978.

---------: Child Language, Aphasia and Phonological Universals, Mouton, 1968.

Jakobson R., G. Fant and M. Halle: Preliminaries to Speech Analysis, MITPress, 1952.

Jakobson R., and M. Halle: Fundamentals of Language, Mouton, 1957.

Katz J. : Semantic Theory, Harper & Row, 1972.

Katz J. and J. Fodor: 'The Structure of a Semantic Theory', Language, 1963.

Korn F., and R. Needham: 'Permutation Models and Prescriptive Systems', Man, 1970.

Lefebvre H. : Le Langage et la Société, Gallimard, 1966.

Lounsbury F. : 'A Semantic Analysis of the Pawnee Kinship Usage', Language, 1956.

Lyons J. : Structural Semantics, Blackwell, 1964.

---------: Semantics, 2 vols, CUP, 1977.

Maybury-Lewis D. : 'Dual Organisation', Bijdragen tot de taat- land- en Volkenkunde, 1960.

Moore O. and D. Olmsted: 'Language and Professor Lévi-Strauss', American Anthropologist, 1952.

Mounin G. : 'Linguistique, structuralisme et marxisme', Nouvelle Critique, 1967.

---------: Introduction a la Sémiologie, Minuit, 1970.

Paz O. : Claude Lévi-Strauss: an Introduction, Cape, 1971.

Ricoeur P. : 'New Developments in Phenomenology in France: the Phenomenology of Language', Social Research, 1967.

Rotman B. : Jean Piaget, Psychologist of the Real, Harvester, 1977.

Schneider D. : 'American K i n Terms and Terms for Kinsmen: a Critique of Goodenough's Componential Analysis', American Anthropologist, 1965.

Slobin D. : Psycholinguistics, Scott, Foresman, 1971.

Whorf B. : Language, Thought and Reality, M I T Press, 1956.

 

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét