Powered By Blogger

Thứ Năm, 29 tháng 10, 2020

Phê phán Lévi-Strauss và Trào lưu Cấu trúc luận (XI)

Simon Clarke

Người dịch: Hà Hữu Nga

VII. Lévi-Strauss và Loại suy Ngôn ngữ học

1. Cuộc chám trán với Ngôn ngữ học

Lévi-Strauss chạm trán ngôn ngữ học cấu trúc khi ông gặp Roman Jakobson ở New York năm 1942, nơi cả hai đều gắn bó với École Libre des Hautes Etudes Trường Nghiên cứu Cao cấp Tự do. Lévi-Strauss đã tham dự khóa giảng “Về âm thanh và ý nghĩa”1 của Jakobson và ngạc nhiên khi thấy điều mà ông coi là sự hội tụ đáng chú ý giữa các phương pháp âm vị học được Trường phái Praha phát triển để quy giản tính đa dạng của các dữ kiện âm vị học thành một trật tự hợp lý và phương pháp mà bản thân ông đang xây dựng trong việc phân tích các hiện tượng quan hệ thân tộc.

Đối với Lévi-Strauss, bước tiến mà Jakobson đã thực hiện đối với âm vị học truyền thống bằng khái niệm cấu trúc đã song hành khăng khít với bước tiến mà ông tin rằng bản thân phải đạt được khi phân tích về Granet. Granet đã quy giản các hiện tượng quan hệ thân tộc thành một hình thái hệ thống, nhưng ông đã không cố quy giản các hệ thống khác nhau thành các phương thức của một trật tự duy nhất.

Trước đây tôi đã cho rằng có rất ít dấu hiệu về cảm hứng ngôn ngữ học trong phần chính yếu của Cấu trúc Cơ bản. Do đó, khi chạm trán với ngôn ngữ học, Lévi-Strauss đã khám phá ra không phải là một phương pháp mới, mà là sự hội tụ giữa các khuynh hướng trong hai ngành học khác nhau. Tuy nhiên, việc phát hiện ra sự hội tụ này có tác động lớn đến hướng nghiên cứu của Lévi-Strauss, vì đối với ông dường như bài học của sự hội tụ này là phương pháp cấu trúc có thể được áp dụng ở những nơi khác trong khoa học nhân văn. Theo quan điểm được thảo luận ở chương trước, điều quan trọng là phải khám phá ra chính xác những cơ sở mà Lévi-Strauss tìm kiếm để hợp thức hóa việc mở rộng phương pháp luận này.

Trên thực tế, có hai kiểu lập luận khác nhau mà Lévi-Strauss đưa ra vào những thời điểm khác nhau. Thứ nhất, việc vay mượn có thể được hợp thức hóa trên cơ sở phương pháp luận. Cơ sở chức năng của phương pháp cấu trúc có thể được thừa nhận và phương pháp này được mở rộng cho bất kỳ hệ thống nào về cơ bản có chức năng phân biệt. Đây là hình thức lập luận mà Lévi-Strauss đưa ra trong những lần vay mượn đầu tiên của ông.

Tuy nhiên, điều này sẽ làm cho phương pháp cấu trúc bị hạn chế ứng dụng, như Lévi-Strauss đã nhận ra trong các công trình ban đầu của mình. Do đó, lập luận thứ hai, dựa trên tính đồng nhất được giả định của đối tượng, mạnh hơn nhiều, nếu không có cơ sở. Đây là lập luận mà ngôn ngữ học đã tìm ra cơ sở dựa vào đó con người có thể tạo ra các hệ thống ý nghĩa, cơ sở này là khả năng đưa những khác biệt cấu trúc thành một thể đồng nhất tự nhiên.

Ngôn ngữ học một mặt đã cho chúng ta thấy bản chất của tâm trí con người khiến chúng ta có thể học và hiểu được những phân biệt giả tạo như vậy, và mặt khác, cho thấy cái cách mà việc giới thiệu những gián đoạn như vậy khiến chúng ta có thể để tạo ra các hệ thống ý nghĩa. Do đó, phương pháp cấu trúc của ngôn ngữ học có thể áp dụng trong toàn bộ các khoa học nhân văn như một phương pháp giúp định vị mục tiêu, và đối với Lévi-Strauss, là định vị vô thức, nền tảng của ý nghĩa. Phương pháp đi tiên phong trong âm vị học, và được Lévi-Strauss phát hiện một cách độc lập trong nghiên cứu về quan hệ thân tộc của ông, là phương pháp giúp cho việc nghiên cứu ý nghĩa một cách khoa học có thể thực hiện được bằng cách quy giản ý nghĩa thành các quan hệ nội tại trong đối tượng.

Theo quan điểm được thảo luận ở chương trước, điều rất quan trọng là phải xác định xem Lévi-Strauss tuân theo quan niệm nào trong hai quan niệm về ngôn ngữ học mà ông đã thảo luận. Trong phần này, tôi muốn xem xét những nhận xét của Lévi-Strauss về ngôn ngữ học, nơi chúng ta sẽ thấy rằng mặc dù đã sớm đánh giá cao viễn kiến chức năng luận, nhưng Lévi-Strauss đã sớm sa vào tâm trí luận thực chứng. Trong các phần sau, tôi sẽ đánh giá tính hợp thức của những gì mà Lévi-Strauss đã vay mượn bằng cách xem xét những đóng góp của ngôn ngữ học và sự liên quan của phương pháp cấu trúc đối với sự hiểu biết về tâm trí và ý nghĩa.

Tuy nhiên, trước khi bắt tay vào công việc, điều quan trọng cần lưu ý là sự hội tụ phương pháp luận gây ấn tượng mạnh với Lévi-Strauss không phải là chỉ báo cho thấy tính hiệu quả của phương pháp cấu trúc. Sự nhiệt tình đối với các phương pháp phân tích hệ thống bao trùm khắp châu Âu đã được Trường phái Praha công nhận là một phần của trào lưu trí thức và ý thức hệ rộng rãi mà những thành tựu, nếu có, sẽ nằm trong tương lai. Vì vậy, ngay cả trong âm vị học, Jakobson cũng đã không cố quả quyết rằng hệ thống âm thanh có thể thể hiện cấu trúc tại thời điểm Lévi-Strauss gặp ông, và còn cả một thời rất lâu trước khi Chomsky mở đường cho cú pháp cấu trúc. Tâm lý học Hình thức bị xáo trộn, hiện tượng luận đã sụp đổ thành thần bí luận, tân thực chứng luận rơi vào trạng thái sửa đổi vĩnh viễn. Như tôi đã đề cập ở các chương trước, trong trường hợp cả ngôn ngữ học và phân tích của Lévi-Strauss về quan hệ thân tộc, những thành tựu thực chứng của cấu trúc luận trong việc chống lại sự nhiệt tình thái quá đối với tâm lý luận và duy sử luận phải được đo lường dựa vào những hiểm họa của hình thức luận và việc coi nó như một thực tại riêng biệt nảy sinh nếu cấu trúc đã bị bái vật hóa và đối tượng đang được xem xét bị cô lập khỏi ngữ cảnh mà nó vận hành trong đó. Vì vậy, điều quan trọng là phải nhận thức được những hạn chế nghiêm trọng của phương pháp cấu trúc ngay cả trong các lĩnh vực đã được lựa chọn của nó, và không bị sự nhiệt tình của Lévi-Strauss làm mất đi.

Ứng dụng tự ý thức đầu tiên của Lévi-Strauss về phương pháp cấu trúc của âm vị học là trong một bài viết xuất bản năm 1945. Sự hiểu biết về ngôn ngữ học trong bài viết này rất hạn chế, như Mounin đã chỉ ra trong một bài phê bình mở rộng.2 Đặc biệt Lévi-Strauss dao động giữa quan niệm tâm thức luận và quan niệm chức năng luận về ngôn ngữ học. Một mặt, Lévi-Strauss cho rằng việc nghiên cứu các hệ thống quan hệ thân tộc có thể được đồng hóa với các hệ thống ngôn ngữ vì cả hai đều là các hệ thống ý nghĩa do vô thức cấu thành. Mặt khác, Lévi-Strauss đưa ra khái niệm chức năng, sau đây sẽ được bàn đến, với những kết quả thú vị.

Lévi-Strauss cho rằng, mặc dù xuất hiện lần đầu, nhưng phương pháp âm vị học không thể áp dụng cho việc nghiên cứu thuật ngữ, bằng cách chia các thuật ngữ thành các đơn vị nghĩa nhỏ hơn, và chỉ trích nhưng nỗ lực thực hiện công việc này của Davis và Warner vì phương pháp này chỉ dẫn đến một hệ thống trừu tượng mà các yếu tố của nó không có hiện thực khách quan, phức tạp hơn dữ liệu gốc và không có năng lực giải thích. Nguyên nhân của thất bại này là do chúng ta không biết chức năng của hệ thống. Do đó, về điểm này, Lévi-Strauss dường như nhận ra tầm quan trọng của khái niệm chức năng và các hệ quả của việc bỏ qua nó. Đặc biệt, và đáng chú ý nhất, khi làm như vậy, ông lập luận rằng phương pháp cấu trúc không phù hợp với việc nghiên cứu các hệ thống thân tộc mà Cấu trúc Cơ bản dành cho.

Trên thực tế, trong bài viết năm 1945, Lévi-Strauss đã áp dụng phương pháp này để nghiên cứu hệ thống các thái độ bởi vì ở đó chúng ta biết chức năng được cho là “đảm bảo sự gắn kết và cân bằng nhóm”. Mặc dù Lévi-Strauss không chỉ định chức năng đó rõ ràng hơn, cũng không thảo luận về mối quan hệ của nó với phân tích cấu trúc, nhưng ngụ ý rằng chức năng của các thái độ được quy định đối với họ hàng hoàn toàn mang tính phân định ranh giới. Do đó, bằng một “phương pháp hoán vị hình thức”, Lévi-Strauss phân tích hệ thống này bằng một loạt các phép đối lập nhị phân.

Nếu chức năng của những thái độ này thực sự là phân định ranh giới, thì sự hoán vị phương pháp sẽ khá hợp thức. Tuy nhiên không có nhiều lý do để tin rằng sự thật lại như vậy. Trên thực tế, các thái độ được quy định một cách tích cực, và thường rất chi tiết, bởi các xã hội đang được đề cập, và Lévi-Strauss nhận ra rằng việc tập trung vào các mối quan hệ cấu trúc giữa các thái độ là phải “đơn giản hóa” chúng. Trên thực tế, người ta báo cáo rằng đa số các hệ thống phù hợp với sơ đồ của Lévi-Strauss, vì vậy có thể phỏng đoán rằng các thái độ thực sự có ý nghĩa hệ thống, mặc dù không rõ chất lượng hệ thống này là nguyên bản hay phái sinh và giả thuyết của Lévi-Strauss không thực sự sáng tỏ lắm.

Trong chương kết luận của Cấu trúc Cơ bản, Lévi-Strauss cũng đưa ra một số tham chiếu đến cơ sở chức năng của phương pháp cấu trúc. Trong công trình đó, việc sử dụng phương pháp cấu trúc phát triển một cách tự phát từ nỗ lực khái quát hóa và chính thức hóa lý thuyết có đi có lại của Mauss, và không phụ thuộc vào bất kỳ sự tương đồng nào với ngôn ngữ. Chính vì Lévi-Strauss coi các hệ thống quan hệ thân tộc chỉ là những hệ thống được thiết kế để xác lập một số mô thức quan hệ xã hội nhất định mà đối với ông, các thuộc tính liên quan duy nhất của những hệ thống này là những mối quan hệ mà chúng thiết lập, và những hệ thống này xác định cái cấu trúc mà hệ thống được quy giản thành. Liệu lý thuyết có phù hợp với hiện thực hay không thì rõ ràng phương pháp đã phù hợp với lý thuyết. Do đó, phân tích cấu trúc được hợp thức hóa bởi chức năng được giả định của các hệ thống.

Ở phần cuối của Cấu trúc Cơ bản, Lévi-Strauss cho rằng “tiến bộ của việc phân tích của chúng tôi là…. gần với tiến bộ của nhà ngôn ngữ âm vị học” trong việc quy giản một số lượng lớn các quy tắc xuống một số lượng nhỏ. Phương pháp này tương tự vì tất cả các khả năng đều được thiết lập bằng cách kết hợp một số yếu tố giới hạn bằng một số cách khác nhau. Bản thân lược đồ có nền tảng nhị phân, được tạo ra bằng cách phân đôi liên tiếp.

Lévi-Strauss đề cập đến thực tế là phương pháp cấu trúc có thể áp dụng cho các hệ thống quan hệ họ hàng bởi vì các hệ thống thân tộc và ngôn ngữ có chung một chức năng mà ông tin là cho đến năm 1945 vẫn chưa được biết, nhưng hiện nay ông đã phát hiện ra là chức năng giao tiếp. Tuy nhiên, ông còn đi xa hơn điều này và lập luận rằng các nhà ngôn ngữ học và dân tộc học “không chỉ áp dụng các phương pháp giống nhau, mà còn đang nghiên cứu cùng một sự vật”.3 Sự vật này thay đổi ở các giai đoạn khác nhau trong công trình của Lévi-Strauss, nhưng ở đây nó là một hệ thống giao tiếp. Vì vậy, theo Lévi-Strauss, chúng ta có thể diễn giải “xã hội với tư cách tổng thể trong khuôn khổ một lý thuyết giao tiếp…. vì các quy tắc về quan hệ thân tộc và hôn nhân được sử dụng nhằm đảm bảo sự lưu thông của phụ nữ giữa các nhóm, hệt như các quy tắc kinh tế được sử dụng để đảm bảo sự lưu thông hàng hóa và dịch vụ, và các quy tắc ngôn ngữ trong việc lưu thông các thông điệp”.4

Phép loại suy giả định trên thực tế là cực kỳ sai lầm, vì các quy tắc ngôn ngữ không liên quan gì đến việc lưu chuyển thông điệp, chúng liên quan đến việc cấu thành thông điệp.

Sự nhấn mạnh vào giao tiếp này nhường chỗ cho tác phẩm sau này của Lévi-Strauss để nhấn mạnh vào ý nghĩa, và việc xem xét cơ sở chức năng của phương pháp cấu trúc hầu như biến mất hoàn toàn. Ngay cả trong các công trình trước đó, rõ ràng là Lévi-Strauss gắn tầm quan trọng nhất không phải cho những lập luận chức năng này mà là cho lập luận coi ngôn ngữ học đã đạt được bước đột phá đối với một hình thức thuần túy và rất hợp lý, là vô thức, và đây được coi là nền tảng tối hậu của phương pháp cấu trúc. Ngay cả trong bài viết năm 1945, thì đây chính là điều mà Lévi-Strauss hết sức sai lầm khi coi là thành tựu quan trọng nhất của Trubetzkoj.

Trong các công trình sau này, Lévi-Strauss ngày càng nhấn mạnh vào việc khám phá ngôn ngữ học về những nền tảng vô thức của năng lực biểu tượng và ý nghĩa. Trong một bài viết năm 1946, đóng góp của “tâm lý học và ngôn ngữ học” có liên quan đến nhu cầu xác lập tượng trưng luận “như một yêu cầu tiên nghiệm của tư tưởng xã hội học”.5 Đến năm 1949, Lévi-Strauss cho rằng “vô thức…. có thể quy giản thành… chức năng tượng trưng… được thực hiện theo các quy luật giống nhau giữa tất cả mọi người và thực sự tương ứng với tập hợp các quy luật này… Là bộ phận của một chức năng cụ thể, vô thức chỉ đơn thuần áp đặt các quy luật cấu trúc lên các yếu tố rời rạc có nguồn gốc từ nơi khác…. các quy luật này giống nhau đối với mọi cá nhân và trong mọi trường hợp mà ở đó cái vô thức theo đuổi các hoạt động của nó”6.

Thuật ngữ “chức năng” ở đây có một ý nghĩa hoàn toàn khác với ý nghĩa được tìm thấy trong ngôn ngữ học, vì nó không có ý nghĩa mục đích luận, thay vì chỉ định một năng lực cụ thể của sinh vật, như cách sử dụng phép loại suy hữu cơ đã làm rõ ràng.

Trong một bài viết khác năm 1949, Boas đã phát hiện ra nền tảng vô thức của ngôn ngữ. Cũng trong bài viết này, việc phân tách phương pháp cấu trúc khỏi nền tảng chức năng của nó là rõ ràng. Các cấu trúc không được tạo dựng bằng cách diễn dịch, trên cơ sở chức năng của chúng, như chúng đã có trong Cấu trúc Cơ bản, mà đúng hơn là chúng ta “trừu tượng hóa cấu trúc làm nền tảng cho nhiều biểu hiện và tồn tại vĩnh viễn trong suốt chuỗi sự kiện”.7

Trong Lời giới thiệu cho cuốn “Sociologie et Anthropologie” Xã hội học và Nhân học của Mauss năm 1950, bài học về ngôn ngữ học một lần nữa không phải mang tính phương pháp luận, mà mang tính vật chất, bằng việc chỉ ra đặc tính vô thức của “các hiện tượng cơ bản của đời sống tinh thần”, mở đường cho “một khoa học rộng lớn về giao tiếp” và có thể trở thành một tâm lý học duy lý trí, là “biểu hiện khái quát hóa của các quy luật tư duy của con người”.8

Lévi-Strauss viết trong một bài báo năm 1951, lấy cảm hứng từ Sapir đã cho rằng ngôn ngữ học đã “vượt ra ngoài sự biểu hiện lịch sử và ý thức bề ngoài của các hiện tượng ngôn ngữ để đạt được những thực tại cơ bản và khách quan bao gồm các hệ thống quan hệ vốn là sản phẩm của các quá trình tư tưởng vô thức”. Nếu chúng ta có thể đạt được điều tương tự trong mối quan hệ với các hiện tượng xã hội, thì chúng ta có thể “kết luận rằng tất cả các hình thái đời sống xã hội về cơ bản đều có cùng bản chất….bao gồm các hệ thống hành vi đại diện cho sự phóng chiếu, ở cấp độ tư tưởng có ý thức và xã hội hóa, về các quy luật phổ quát điều chỉnh các hoạt động vô thức của tâm trí”. Năng lực biểu trưng có liên quan đến “đại diện phân chia”, và đây là nguồn của trao đổi. “Vì một số thuật ngữ nhất định được đồng thời coi là có giá trị cho cả người nói và người nghe, nên cách duy nhất để giải quyết mâu thuẫn này là trao đổi các giá trị bổ sung, mà tất cả mọi tồn tại xã hội đều được quy giản thành”.9 Có vẻ như giờ đây vô thức đã được quy giản từ ba “cấu trúc” của Cấu trúc Cơ bản thành nguyên tắc đối lập hoàn toàn hình thức.

Khi Lévi-Strauss đồng hóa những gì, đối với ông, là các bài học về ngôn ngữ học cấu trúc, ông đã đánh mất chỗ bám mong manh có được dựa trên nền tảng chức năng thích hợp của phương pháp cấu trúc, và thay vào đó ông cho rằng phương pháp cấu trúc có thể áp dụng phổ biến ở các khoa học nhân văn vì nó thích hợp với việc nghiên cứu khách quan các hệ thống ý nghĩa là sản phẩm của năng lực cấu trúc hình thức của vô thức, điều kiện khả tính của ngôn ngữ, tư tưởng và văn hóa. Vì vậy, Lévi-Strauss tán thành quan niệm hoàn toàn thực chứng, hình thức luận về phương pháp cấu trúc tương đồng với phương pháp của Bloomfield và Chomsky đã thảo luận trong chương trước.

Không nên coi là quá nghiêm trọng những nhận xét của Lévi-Strauss về phương pháp luận, nhưng một thảo luận quan trọng về phương pháp luận của ông về khái niệm “mô hình” đã làm nổi bật quan niệm thực chứng luận của ông về phương pháp cấu trúc.

Đối với Lévi-Strauss, cấu trúc là một loại mô hình cụ thể “thể hiện các đặc tính của một hệ thống”; cung cấp “khả tính sắp xếp một loạt biến đổi dẫn đến một nhóm các mô hình cùng loại”; là loại mô hình mà các thuộc tính “giúp nó có thể dự đoán cách thức mà mô hình sẽ phản ứng nếu một hoặc nhiều yếu tố của nó phải trải qua những biến đổi nhất định”; và “cuối cùng, mô hình đó phải được cấu thành sao cho có thể hiểu ngay được tất cả các sự kiện quan sát được”. Mô hình được thiết lập bằng cách quan sát các dữ kiện và dựng lên “các thiết bị phương pháp luận cho phép kiến tạo mô hình từ các dữ kiện này”. “Ở cấp độ quan sát, quy tắc…chính yếu là ở chỗ tất cả các sự kiện phải được quan sát và mô tả cẩn thận, không cho phép bất kỳ định kiến ​​lý thuyết nào quyết định xem liệu một sự kiện nào đó có quan trọng hơn những sự kiện khác hay không.” Sau khi xác lập các sự kiện bằng quan sát, thì mô hình được phát triển, mô hình đó đại diện cho quy luật kiến tạo các sự kiện.10

Tôi đã chỉ trích quan niệm thực chứng luận thô thiển này về mô hình trong chương trước. Không một mô hình nào có thể giải thích được “tất cả các dữ kiện”, và do đó một lý thuyết phải xác định trước những dữ kiện nào mà mô hình sẽ được áp dụng. Trong trường hợp của một mô hình cấu trúc, các dữ kiện được lựa chọn để xem xét là một tập hợp con đặc biệt hạn chế của “tất cả các sự kiện”, vì mô hình cấu trúc bỏ qua tất cả các thuộc tính phi hệ thống và tất cả các mối quan hệ bên ngoài. Do đó, việc áp dụng mô hình cấu trúc giả định rằng việc loại trừ tất cả các sự kiện này là hợp thức, và do đó, cho rằng cái tổng thể đang được xem xét là có thể hiểu được khi tách biệt khỏi các tổng thể khác và thuần túy trong khuôn khổ của các mối quan hệ nội tại của nó. Loại trừu tượng hóa này phải được hợp thức hóa về phương diện lý thuyết.

Hơn nữa, ngay cả khi các sự kiện phải được xem xét đã được cô lập, vấn đề vẫn là quyết định chọn mô hình cấu trúc nào từ số vô hạn có thể được áp dụng cho dữ liệu. Đối với Lévi-Strauss, “mô hình tốt nhất sẽ luôn là mô hình chân, đó là mô hình đơn giản nhất có thể, trong khi bắt nguồn hoàn toàn từ các sự kiện đang được xem xét nó cũng có thể giải thích cho tất cả các sự kiện đó”.11

Vì vậy, mô hình cấu trúc không phải là thứ gì đó từ các “sự kiện” nhào vào chúng ta, mà là thứ chúng ta tạo ra trong một chuyển động phân tích kép. Thứ nhất, bằng cách cô lập các sự kiện nhất định phải được giải thích, tạo thành một hệ thống khép kín và tự túc, do đó loại trừ việc xem xét bất kỳ mối quan hệ bên ngoài nào. Thứ hai, bằng cách chọn một trong hàng loạt mô hình theo tiêu chí thuần túy võ đoán về tính đơn giản. Không nghi ngờ gì rằng quá trình quy giản và lựa chọn này có thể tạo ra các mô hình hình thức, và mô hình hình thức tương tự có thể bị cô lập trong các lĩnh vực khác nhau nhất, nhưng chúng ta phải tán thành kết luận của Maybury-Lewis trong đánh giá của ông về ứng dụng thiết bị mô hình của Lévi-Strauss vào nghiên cứu của ông về nhị nguyên luận, cũng là kết luận của việc thảo luận về ngôn ngữ học của Chomsky ở trên: “có vẻ như suy luận duy nhất có thể được rút ra từ việc so sánh các mô hình là các yếu tố hoàn toàn khác nhau được rút ra từ các xã hội này có thể được thể hiện bằng các mô thức giống hệt nhau. Nhưng tính đồng nhất hình thức này của các mô hình lại không có ý nghĩa xã hội học”.12

Đối với Lévi-Strauss, các mô hình cấu trúc hoàn toàn không võ đoán, mà là mối liên kết trung gian giữa tâm trí và ý nghĩa, vì nó chỉ định rõ những khác biệt cấu trúc và những kết nối cấu trúc được thiết lập bởi tâm trí vô thức, từ đó tạo ra nền tảng khách quan về ý nghĩa của các hệ thống văn hóa và ngôn ngữ. Về mặt phương pháp luận tôi đã lập luận rằng những mô hình này nhất thiết phải mang tính võ đoán. Giờ đây, một mặt tôi xem xét về phương diện lý thuyết mối liên hệ giữa các mô hình cấu trúc này và tâm trí, và mặt khác, mối liên hệ giữa các mô hình cấu trúc này và ý nghĩa. Trong chương này, tôi sẽ xem xét vấn đề liên quan đến ngôn ngữ học. Trong các chương sau, tôi sẽ xem xét cách thức mà Lévi-Strauss đã phát triển hiểu biết (sai lầm) của mình về ngôn ngữ học thành một triết học nhân văn và một lý thuyết về ý nghĩa văn hóa.

2. Ngôn ngữ và Tâm trí: “Vô thức Cấu trúc”

Đối với Lévi-Strauss, các mô hình được phân lập bằng phương pháp cấu trúc không đại diện cho hiện thực kinh nghiệm, vì vậy không được nhầm lẫn với các “cấu trúc” được Radcliffe-Brown hoặc Murdock nghiên cứu. Tuy nhiên, các cấu trúc và mối liên hệ mà chúng biểu hiện là có thật, ngay cả khi chúng tương ứng với một hiện thực không thể quan sát trực tiếp: “Trong tâm trí tôi, các mô hình là có thật, và tôi còn muốn nói rằng chúng là hiện thực duy nhất. Chúng chắc chắn không phải là các trừu tượng,... nhưng chúng không tương ứng với hiện thực cụ thể của quan sát kinh nghiệm. Để đạt tới mô hình vốn là thực tại đích thực, cần phải siêu vượt cái hiện thực hiện ra cụ thể này”.13

Mặc dù chúng ta tìm thấy các mô hình có ý thức, nhưng “theo định nghĩa thì đây là những mô hình nghèo nàn, vì chúng không nhằm giải thích các hiện tượng, mà để duy trì chúng”. Do đó, mô hình chân thực một lần nữa đưa chúng ta trở lại vô thức: “Chúng ta được dẫn dắt để quan niệm về các cấu trúc xã hội như những thực thể độc lập với ý thức của mọi người về chúng (mặc dù thực tế chúng chi phối tồn tại của mọi người), và do đó khác với hình ảnh mà mọi người hình thành về chúng như một hiện thực vật chất khác với nhận thức cảm tính của chúng ta về nó và những giả thuyết của chúng ta về nó”.14

Ý tưởng cho rằng các mô hình cấu trúc được ngôn ngữ học phát triển, và nhân học mở rộng, đưa chúng ta trở lại vô thức, hay cấu trúc của tâm trí con người, là một ý tưởng mà Lévi-Strauss bắt nguồn từ Jakobson. Đối với Lévi-Strauss, Jakobson đã khẳng định rằng tiên nghiệm tâm lý học là cho ngôn ngữ trở nên khả thể, và ý nghĩa như vậy chính là năng lực cấu trúc nhị phân hình thức của tâm trí được thể hiện bằng phân biệt nhị phân các đặc điểm phân biệt trong âm vị học của Jakobson.

Thật là nghịch lý ở chỗ Lévi-Strauss nên rút ra những kết luận như vậy từ công trình của Jakobson, vì tôi đã cho rằng Ngôn ngữ học thuộc Trường phái Praha quan tâm đến tính tự trị của ngôn ngữ học và quan tâm đến việc thiết lập các kết nối chức năng chứ không phải kết nối tâm lý học. Tuy nhiên, việc nhấn mạnh vào chức năng không phải là không phù hợp với nỗ lực đưa ra các kết luận tâm lý học từ việc nghiên cứu ngôn ngữ. Thật vậy, chỉ có khái niệm chức năng mới có thể phân biệt giữa các khía cạnh ngôn ngữ học và các khía cạnh tâm lý học của ngôn ngữ và do đó khiến có thể phát triển một ngôn ngữ-tâm lý học hợp lệ không lẫn lộn giữa hai lĩnh vực này.

Jakobson đặc biệt kiên định rằng ngôn ngữ học nên khám phá ngôn ngữ từ mọi quan điểm, quan điểm ngôn ngữ học đúng đắn nhưng cũng còn các quan điểm tâm lý, xã hội học, lịch sử, sinh lý học. Đồng thời, ông nhấn mạnh rằng mỗi quan điểm trong số này là khác biệt và hơn nữa, mối quan hệ giữa chúng không phải là mối quan hệ quy giản luận. Ông còn kiên trì rằng ngôn ngữ với tư cách là một đối tượng tồn tại ở giao điểm của một loạt hệ thống, vì vậy ngôn ngữ là một “hệ thống của các hệ thống”, nhưng các hệ thống này không được sắp xếp theo một hệ thống phân cấp quy giản luận mà đối với nó ngôn ngữ thể hiện suy nghĩ, ngôn ngữ thể hiện các kết nối thần kinh, thể hiện các kết nối hữu cơ (đó là cách mà Lévi-Strauss tái hệ thống hóa quan niệm của Jakobson là “trật tự của các trật tự”). Các kết nối giữa những quan điểm khác nhau là rất phức tạp và vẫn còn phải được khám phá.

Phần lớn công trình của Jakobson liên quan đến việc tìm kiếm các phổ dụng ngôn ngữ học, và một phần của động lực cho việc tìm kiếm này là các phổ dụng tâm lý học. Ông đã tìm kiếm các phổ dụng ngôn ngữ học ở hai cấp độ khác nhau. Một mặt, ông đã tìm kiếm các quy luật hàm ý làm cơ sở cho cấu trúc của tất cả các hệ thống âm vị học có hình thái: sự hiện diện của A ngụ ý sự hiện diện của B (hoặc sự vắng mặt của nó), dẫn đến sự phát triển một cấu trúc thứ bậc trong hệ thống các đặc điểm phân biệt có thể được phát hiện thông qua các nghiên cứu về khả năng tiếp thu ngôn ngữ ở trẻ em, về sự biến đổi ngôn ngữ học và chứng mất ngôn ngữ.

Tuy nhiên, việc tìm kiếm các phổ dụng hàm ý như vậy phải đối mặt với những vấn đề nhất định vì việc khám phá ra chúng phụ thuộc vào việc thiết lập đặc tính khách quan của mô tả âm vị học được chấp nhận. Việc tìm kiếm các phổ dụng hàm ý phụ thuộc vào việc tìm kiếm các phổ dụng vật chất trong hệ thống âm vị học, và đây là nơi chúng ta tìm thấy nhị phân luận nổi tiếng.

Các phổ dụng hàm ý chỉ có thể được phát hiện nếu sự khác biệt được tạo ra bởi các ngôn ngữ khác nhau có thể được quy giản thành một “bảng chữ cái” chung của các đặc điểm. Từ lâu Jakobson đã tìm cách khám phá ra một bảng chữ cái như vậy, nhưng cần phải nhấn mạnh rằng việc tìm kiếm này được thúc đẩy bởi một mối quan tâm về phương pháp luận, chứ không phải là tâm lý học, nhằm cung cấp một nền tảng để phát triển việc nghiên cứu về các phổ dụng hàm ý. Nỗ lực này không phải là không đạt được một số thành công, nhưng nó đã được chứng minh là không thể đưa ra cách diễn giải hiện thực luận về các đặc điểm, trong cả khuôn khổ âm học hoặc phát âm. Trong phạm vi các đặc điểm là phổ dụng, thì lại không có khả năng là một hiện tượng “tâm trí”, mà “có thể là…. một hệ quả của cấu trúc giải phẫu của bộ máy phát âm của con người và những thành hệ não bộ liên quan.”15

Khi cố gắng phát triển một “bảng chữ cái” âm vị học phổ dụng, Jakobson đã tìm cách thể hiện những khác biệt giữa các đặc tính ở dạng nhị phân. Tuy nhiên, đó là thời gian trước khi Jakobson cố gắng thể hiện những đặc tính phân biệt của mình bằng hình thức này. Năm 1952, Jakobson, Fant và Halle đã sử dụng các đối lập tam phân. Tuy nhiên, đến năm 1957, Jakobson và Halle đã loại bỏ các đối lập tam phân bằng cách giới thiệu các đặc tính bổ sung, và tất cả các đối lập được quy giản thành hình thái nhị phân. Câu hỏi quan trọng mà chúng ta phải đặt ra là liệu nhị phân luận này có phải là sự áp đặt của nhà phân tích hay nó có thể không phải là một đặc trưng của ngôn ngữ, và thậm chí cuối cùng là tâm trí. Chắc chắn vào năm 1957, Jakobson và Halle đã tin rằng nhị phân luận là đặc trưng của ngôn ngữ chứ không phải của nhà ngôn ngữ học.

Vấn đề không phải là một câu hỏi kinh nghiệm, vì bất kỳ đối lập nào cũng có thể được tái hệ thống hóa ở dạng nhị phân. Do đó, sự biện minh cho việc ứng dụng dạng nhị phân phải dựa vào sự tiện lợi trong phân tích của nó. Có thể được coi là đặc trưng của ngôn ngữ nếu nó cũng đưa ra mô tả đơn giản nhất có thể. Trên thực tế, một tuyên bố như vậy rất khó chứng minh trong trường hợp này vì không có lợi ích rõ ràng về tính đơn giản bằng việc áp dụng quy ước nhị phân. Vì vậy, Jakobson và Halle đã phải tăng số lượng các đặc tính để đạt được dạng nhị phân, mặc dù thực tế là họ tuyên bố đang tìm cách loại bỏ tối đa sự dư thừa bằng cách tìm kiếm số lượng đặc tính phân biệt tối thiểu cần thiết để phân biệt tất cả các âm vị.

Halle đáp lại những lời chỉ trích bằng cách minh định cơ sở của quy ước nhị phân. Nó cho thấy rằng nhị phân luận trên thực tế không được chấp nhận trên cơ sở tính đơn giản, mà là để thiết lập một quy trình đánh giá đơn giản cho các mô tả ngôn ngữ học thay thế. Do đó, nó không được quyết định bởi nhu cầu đơn giản hóa mô tả, mà bởi nhu cầu đơn giản hóa việc đánh giá các mô tả. Halle chỉ ra rằng nhị phân luận không phải là một quy ước mà thực sự tạo ra trở ngại cho việc thu thập dữ liệu, và do đó có thể chấp nhận được như một giả định phương pháp luận thuận tiện cho việc tổ chức các đặc tính, nhưng Halle nhận ra rằng giải pháp nhị phân này không phải là giải pháp duy nhất cho vấn đề phân loại các đặc tính.16 Do đó, cơ sở nhị phân của các phân loại âm vị học, đó là đối với Lévi-Strauss, việc khám phá tâm lý học tối cao của ngôn ngữ học, chỉ đơn giản là một phương tiện phương pháp luận được thuần túy và đơn giản chấp nhận để cung cấp một cơ sở nào đó, tối hậu võ đoán, để chuẩn hóa các mô tả âm vị học.

Rõ ràng là Lévi-Strauss có thể ít ủng hộ những tuyên bố của ông về vô thức trong các công trình của Roman Jakobson. Một mặt, các phổ dụng hàm ý của Jakobson là ngôn ngữ cụ thể, chẳng hạn, việc khẳng định rằng trẻ em khi học một ngôn ngữ đầu tiên phải phân biệt giữa nguyên âm và phụ âm, và sau đó dần dần biết phân biệt nhiều hơn bằng một trật tự thứ bậc. Mặt khác, nhị phân luận được ca ngợi là một công cụ phương pháp luận không có ý nghĩa rõ ràng đối với tâm lý học. Tuy nhiên, nhà ngôn ngữ học đã tuyên bố thu được kiến ​​thức về tâm trí từ việc nghiên cứu ngôn ngữ không phải là Jakobson, mà là Chomsky. Do đó, cũng nên xem xét những tuyên bố của Chomsky về ngôn ngữ học. Đối với Chomsky, ngôn ngữ học về cơ bản là một nhánh của tâm lý học, giống như đối với Saussure, và việc nghiên cứu ngôn ngữ là nhằm dạy chúng ta về bản chất của tâm trí.

Lý thuyết về ngôn ngữ của Chomsky có thể liên quan đến những cân nhắc tâm lý học theo hai cách khác nhau. Thứ nhất, bằng cách cung cấp một mô hình hiệu suất ngôn ngữ học và thứ hai, bằng cách cung cấp một mô hình học ngôn ngữ. Ngôn ngữ học của Chomsky dựa trên sự phân biệt giữa năng lực và hiệu suất. Các mô hình cấu trúc của ông cung cấp việc hình thức hóa những gì mà người nói bản ngữ biết, chứ không phải một bản tường trình về cách mọi người học các ngôn ngữ hoặc những gì họ làm khi sử dụng ngôn ngữ. Vì vậy, mô hình của Chomsky là một mô hình thuần túy hình thức được tạo dựng trên cơ sở các tiêu chí hình thức thuần túy, mà không xét đến bản chất của ngôn ngữ hay bản chất của người nói ngôn ngữ đó.

Có thể có được mô hình hiệu suất từ ​​mô hình năng lực của Chomsky. Tuy nhiên, việc nghiên cứu ngôn ngữ tâm lý học có xu hướng coi thường mô hình chuyển đổi như một mô hình hiệu suất.

Chomsky thường kiên định rằng lý thuyết của ông không nhằm mục đích trở thành một mô hình hiệu suất, mặc dù đôi khi ông dường như tin rằng một mô hình như vậy có thể bắt nguồn từ nó. Những nỗ lực của Chomsky nhằm đưa ra các kết luận về bản chất của tâm trí từ các lý thuyết ngôn ngữ của ông không phải dựa trên việc xem xét hiệu suất ngôn ngữ học, vốn là mối quan tâm tâm lý, và không phải quan tâm ngôn ngữ học, dựa trên xem xét những gì liên quan đến việc học một ngôn ngữ, và lập luận là một phiên bản tâm lý học của sự phản đối mang tính nhận thức luận của ông đối với hành vi luận.

Chomsky lập luận rằng lôgic quy nạp luận của hành vi luận không bao giờ có thể cung cấp một quy trình khám phá cho các loại ngữ pháp của các ngôn ngữ tự nhiên. Vì vậy, một loại ngữ pháp chỉ có thể được phát hiện nếu nhà ngôn ngữ học được một lý thuyết ngôn ngữ hướng dẫn, là hiện thân của các phổ dụng vật chất, hình thức và tổ chức. Sau đó, nhà ngôn ngữ học có thể hình thành các giả thuyết về các quy tắc ngữ pháp của một ngôn ngữ cụ thể và kiểm nghiệm những giả thuyết này bằng dữ liệu ngôn ngữ.

Chomsky tin rằng đứa trẻ đang ở vị trí giống hệt như nhà ngôn ngữ học, được trình bày với một đầu vào suy biến được tạo thành từ các câu đúng ngữ pháp và không đúng ngữ pháp mà từ đó nó phải khám phá ra ngữ pháp của ngôn ngữ để có thể nói ngôn ngữ đó một cách chính xác. Nếu đứa trẻ tiếp tục một cách cảm tính, nó sẽ phạm phải cùng loại sai lầm mà nhà hành vi luận sẽ mắc phải. Vì vậy, nếu đứa trẻ có thể học một ngôn ngữ thì nó phải có sẵn một số kiến ​​thức nào đó về bản chất của ngôn ngữ, một lý thuyết về ngôn ngữ phải chính xác, trên cơ sở đó nó có thể hình thành các giả thuyết về ngữ pháp của ngôn ngữ cụ thể mà nó phải học. Vì vậy, lý thuyết về ngôn ngữ không chỉ đơn giản là kiến tạo của nhà ngôn ngữ học, mà nó còn phải là kiến tạo bẩm sinh trong tâm trí đứa trẻ: Chomsky tin rằng lý thuyết về ngôn ngữ của ông cũng là lý thuyết về cấu trúc bẩm sinh của tâm trí.

Điều cần thiết là chúng ta phải phân biệt giữa hai lập luận khác nhau ở đây. Một là lập luận rằng một đứa trẻ phải có những năng lực nhất định nếu nó muốn có thể học: và học tập là một quá trình tích cực đưa đứa trẻ vượt ra ngoài dữ liệu được trình bày ngay lập tức cho nó. Đây rõ ràng là một lập luận hợp lệ và đó là một lập luận mà ít ai có thể phủ nhận. Lập luận khác cho rằng năng lực phải là những năng lực được mô tả bởi lý thuyết ngôn ngữ của Chomsky. Lập luận này hoàn toàn không có cơ sở, vì hai lý do thiết yếu.

Thứ nhất, quan điểm của Chomsky về quá trình học tập nghèo nàn chẳng khác với quan điểm thô thiển nhất của các nhà hành vi luận. Chomsky, giống như hành vi luận, coi việc học ngôn ngữ như một thủ tục khám phá mà qua đó tâm trí phân tích các thuộc tính hình thức của đầu vào ngôn ngữ mà không cần tham chiếu đến ý nghĩa hoặc ngữ cảnh. Bởi vì anh ta tách ngôn ngữ ra khỏi chức năng và ngữ cảnh của nó, anh ta đã tước đi một phần lớn thông tin của người học ngôn ngữ trên cơ sở ngôn ngữ được học. Do đó, một mặt Chomsky tước đi của đứa trẻ tất cả những thông tin cần thiết để học một ngôn ngữ, và mặt khác thì lại lập luận rằng thông tin này phải là bẩm sinh.

Lý do thứ hai dẫn đến sự thiếu sót trong lý thuyết của Chomsky về các phổ dụng bẩm sinh là ông không có phương tiện để khám phá những phổ dụng này là gì bởi vì khi đánh giá các lý thuyết về ngôn ngữ, ông đã loại trừ việc xem xét các tiêu chí chức năng (ngôn ngữ học) hoặc tâm lý học. Như chúng ta đã thấy, lý thuyết về ngôn ngữ của ông là thứ hình thức luận võ đoán, vì vậy không có gì khác biện minh cho tuyên bố hơn là hình thức luận là bẩm sinh trong tâm trí. Do đó, thực chứng luận của Chomsky, loại trừ việc xem xét ý nghĩa và chủ ý, cũng như hình thức luận logic, tước bỏ những mô tả của ông về ngôn ngữ có ý nghĩa ngôn ngữ học hoặc tâm lý học, khiến ông không thể hình thành bất kỳ giả thuyết có thể chấp nhận nào về bản chất của tâm trí.

Cách tiếp cận của Chomsky đối với ngôn ngữ học và tâm lý học rất giống cách tiếp cận của Piaget đối với nhận thức và tâm lý học, và Lévi-Strauss coi Piaget cũng như Chomsky là nhà tiên phong của ưu bản địa luận mà ông cũng theo đuổi. Cả ba cuối cùng đều tuân theo quan điểm duy lý luận về tư tưởng và ngôn ngữ đã thống trị trong thế kỷ XVII và XVIII, cho rằng ngôn ngữ là biểu hiện của tư tưởng và tư tưởng là biểu hiện của cấu trúc tinh thần bẩm sinh.

Đối với những người theo chủ nghĩa duy lý cổ điển, Đức Chúa Trời ghi vào tâm trí một cấu trúc đảm bảo rằng tư tưởng và ngôn ngữ của con người sẽ phù hợp với thế giới mà Ngài đã tạo ra. Đối với Lévi-Strauss, Piaget và Chomsky, đó chính là tự nhiên đã sắp xếp mọi thứ quá thuận tiện. Vấn đề luôn luôn giống nhau: chúng ta có được kiến ​​thức về Đức Chúa Trời, hoặc về cấu trúc của tâm trí, bằng cách có được kiến ​​thức về cấu trúc của các sản phẩm của Ngài; ngôn ngữ và tư tưởng được thể hiện thông qua ngôn ngữ. Tuy nhiên, chúng ta không có khả năng tiếp cận trực tiếp với Chúa Trời hoặc với cấu trúc bẩm sinh của tâm trí, cho nên chúng ta không có cách nào để biết được những loại hình thức hóa thay thế nào của cấu trúc tư tưởng hoặc của ngôn ngữ tương ứng với cấu trúc bẩm sinh. Vì vậy, ngay cả khi người ta chấp nhận rằng ngôn ngữ và tư duy thể hiện cấu trúc của tâm trí, thì cách tiếp cận logic và ngữ pháp này bị cản trở bởi tính không xác định và các lý thuyết của nó về tâm trí nhất thiết phải mang tính võ đoán.

Quan niệm cổ điển về tư tưởng và ngôn ngữ này là không thể chấp nhận được vì nó tách biệt tư tưởng và ngôn ngữ khỏi ngữ cảnh chủ quan và bối cảnh xã hội mà chúng tồn tại, phát triển và được học. Vì vậy, trong khi Chomsky, Piaget và Lévi-Strauss đều thừa nhận năng lực sáng tạo của chủ thể, thì họ lại đều từ chối trao quyền sáng tạo này cho một chủ thể kinh nghiệm, có ý thức, là kẻ suy nghĩ về thế giới tự nhiên và xã hội xung quanh mình, và là kẻ giao tiếp với những kẻ khác trong môi trường của họ. Thay vào đó, năng lực sáng tạo của chủ thể phải bị tước bỏ ngay khi nó được thừa nhận và được trao cho một cơ chế được ghi trong cấu tạo sinh học của tâm trí.

Sự tách biệt tư tưởng và ngôn ngữ khỏi bối cảnh thế tục của chúng có nghĩa là tất cả các thuộc tính xã hội và văn hóa của tư tưởng và ngôn ngữ đều được đồng nhất quy vào cấu trúc bẩm sinh của tâm trí mà chúng được cho là biểu hiện. Vì vậy, Chomsky nhận xét, chống lại hành vi luận, rằng việc sử dụng ngôn ngữ nhất thiết phải mang tính sáng tạo, nhưng sau đó xem xét các cấu trúc tinh thần bẩm sinh để cung cấp cơ chế sáng tạo. Piaget quan sát, chống lại liên tưởng luận, rằng chủ thể phải đóng một vai trò tích cực trong việc phát triển kiến ​​thức khái niệm và toán học, nhưng sau đó tìm kiếm các cấu trúc tinh thần bẩm sinh để cung cấp nền tảng cơ học cho sự tự điều chỉnh của tâm trí như một hệ thống sinh học. Lévi-Strauss quan sát sức mạnh sáng tạo của văn hóa liên quan đến nền tảng tự nhiên của nó, đối lập với tự nhiên luận, nhưng sau đó quy giản sức mạnh sáng tạo này thành một cơ chế sinh học.

Trong mỗi trường hợp, năng lực sáng tạo của các chủ thể con người kinh nghiệm, những kẻ đang nói chuyện, suy nghĩ và dự tính đều bị phủ nhận thiên về một cơ chế hình thức đơn giản bắt nguồn từ bộ não, và do đó, đặc tính nhất thiết mục đích luận của khoa học nhân văn không sớm được thừa nhận hơn là ngay lập tức bị từ chối vì cơ chế thay thế mục đích luận.

Một khi ngôn ngữ được coi là một sản phẩm xã hội và là một khía cạnh của các mối quan hệ giữa các cá nhân xã hội, thì nó không còn cần thiết phải mặc định sự tồn tại của các cấu trúc tinh thần bẩm sinh phức tạp như là phương tiện tiếp cận ngôn ngữ. Thay vào đó, các phương tiện tiếp cận ngôn ngữ trở thành sự đánh giá cao chức năng của ngôn ngữ với tư cách là phương tiện truyền đạt ý nghĩa. Thời điểm mà một đứa trẻ bắt đầu học một ngôn ngữ không phải là thời điểm mà năng lực tinh thần của nó trưởng thành, đó là thời điểm mà nó bắt đầu nắm được chức năng xã hội của ngôn ngữ và nội tại hóa kiến ​​thức này dưới dạng một ý định giao tiếp ý nghĩa. Sau đó đứa trẻ có thể sử dụng toàn bộ thông tin phi ngôn ngữ để hướng dẫn nó học ngôn ngữ. Theo cách giống hệt như vậy, đứa trẻ có thể học được ý nghĩa cấu trúc của các hệ thống trao đổi không phải bằng cách áp đặt một mạng lưới bẩm sinh lên nền văn hóa được thể hiện ra với nó, mà bằng cách đánh giá cao chức năng của các hệ thống như các hệ thống trao đổi, và vì vậy coi chúng như các hệ thống xã hội, mà không phải như các cấu trúc thuần túy hình thức.

Việc nhìn vào cách tiếp thu các năng lực văn hóa kiểu này không hề xóa bỏ câu hỏi tâm lý học về các năng lực tinh thần có thể làm cho điều này trở nên khả thể, nhưng lại thực sự biến đổi nó. Chỉ khi chúng ta hiểu ngôn ngữ như một phương tiện tương tác giữa những con người, thì chúng ta mới có thể đặt ra những câu hỏi có ý nghĩa về các năng lực tâm lý khiến nó trở nên khả thể.

Kết luận có vẻ rõ ràng là Lévi-Strauss không thể tìm thấy sự hỗ trợ nào từ ngôn ngữ học cho yêu sách của ông cho rằng ngôn ngữ học đã thực hiện những khám phá cơ bản về bản chất của tâm trí. Những khám phá có mục đích như vậy thực chất là sản phẩm của một quan niệm vô cùng nghèo nàn về ngôn ngữ đặt vào tâm trí những gì nó đã đưa ra khỏi ngữ cảnh mà ngôn ngữ được sử dụng. Do đó, chúng ta phải đánh giá giả thuyết tâm lý học của Lévi-Strauss hoàn toàn dựa vào các khuôn khổ riêng của nó. Mặc dù giả thuyết cơ bản của ông, cho rằng các vận hành của tâm trí là dựa trên nguyên tắc phân biệt nhị phân, không hoàn toàn là không thể, nhưng tầm quan trọng của giả thuyết của ông lại bị thổi phồng quá mức.

Đối với Lévi-Strauss, nguyên tắc phân biệt (nhị phân) là đặc điểm xác định cụ thể của văn hóa nhân loại, và nguyên tắc đối lập cung cấp chìa khóa cho sự hiểu biết khách quan về các ý nghĩa văn hóa. Không nghi ngờ gì về trường hợp khả năng học hoặc nói một ngôn ngữ, hoặc tham gia vào các hoạt động văn hóa, thực sự liên quan đến khả năng đưa ra các phân biệt hoặc suy nghĩ theo cách liên quan. Tuy nhiên, khả năng này là thuộc tính cần thiết của bất kỳ hệ thống nào để mã hóa, lưu trữ hoặc truyền thông tin. Do đó, các hình thức cơ bản nhất của nhận thức âm thanh và hình ảnh, việc truyền dẫn thông tin di truyền, hình thức cơ học cơ bản nhất, chưa nói đến điện tử, máy tính và các hệ thống điều khiển, và vô cùng nhiều quá trình tự nhiên của con người, động vật và thực vật (sinh lý, thần kinh và di truyền) nhất thiết phải bao hàm khả năng sinh lý, tâm lý, thần kinh, hóa học hoặc vật lý để nhận biết hoặc áp đặt các phân biệt. Đối với Lévi-Strauss, những bằng chứng từ khoa học tự nhiên như vậy là rất thuyết phục cho giả thuyết của chính ông, bộc lộ nền tảng tự nhiên của văn hóa và tính thống nhất của các khoa học xã hội và tự nhiên.

Tuy nhiên, điều mà chúng ta quan tâm để đánh giá không phải là tuyên bố rằng có tồn tại khả năng phân biệt, cũng không cần thiết để tạo ra ý nghĩa, mà đó là đặc trưng xác định và là chìa khóa để hiểu được hoạt động biểu tượng của con người. Tuyên bố này chính là yêu sách khẳng định rằng ý nghĩa có thể được quy giản thành một cấu trúc hình thức thuần túy.

________________________________________

Còn nữa…

Nguồn: Clarke, Simon (1981). The Foundations of Structuralism – a Critique of Lévi-Strauss and the Structuralist Movement, Lecturer in Sociology, University of Warwick, First published in Great Britain in 1981 by The Harvester Press Limited Publisher.

Tác giả: Simon Clarke (sinh ngày 26 tháng 3 năm 1946) là một nhà xã hội học người Anh chuyên về lý thuyết xã hội, kinh tế chính trị, quan hệ lao động và lịch sử xã hội học. Ông đặc biệt quan tâm đến quan hệ việc làm ở Trung Quốc, Việt Nam và các quốc gia thuộc Liên Xô cũ. Ông là Giáo sư danh dự về xã hội học tại Đại học Warwick. Simon Clarke sinh ra ở London, là con trai của nhà văn Tom Clarke. Ông tốt nghiệp Đại học Cambridge năm 1967 với bằng kinh tế hạng nhất. Sau một năm giảng dạy kinh tế tại Khoa Kinh tế Chính trị của Đại học College London, Clarke bắt đầu học tiến sĩ tại Đại học Essex, luận án của ông có tựa đề Cấu trúc luận của Claude Lévy-Strauss. Năm 1972, Simon Clarke gia nhập Khoa Xã hội học tại Đại học Warwick, nơi ông vẫn làm việc cho đến khi nghỉ hưu vào năm 2009. Trong những năm 1970 và 1980, Simon Clarke được biết đến nhiều nhất với các công trình của ông trong lĩnh vực lý thuyết xã hội và kinh tế chính trị. Công việc ban đầu của ông tập trung vào gốc rễ của xã hội học hiện đại, phê phán cấu trúc luận và xem xét lịch sử của ngành này từ nguồn gốc của nền kinh tế chính trị cổ điển đến hình thức hiện đại của nó. Năm 1990, Simon Clarke đã có một loạt bài giảng cho một nhóm các nhà xã hội học trẻ tuổi của Liên Xô tại Viện Thanh niên ở Moscow. Năm 1998, chương trình nghiên cứu đã được mở rộng để bao gồm các tổ chức công đoàn hậu xã hội chủ nghĩa ở Trung Quốc và Việt Nam.

Ghi chú

1. R. Jakobson, Six Lectures on Sound and Meaning, Harvester, Hassocks, 1978.

2. G. Mounin, Introduction àla sémiologie, Minuit, Paris, 1970, pp. 202-3. Lévi-Strauss' article is reprinted in Structural Anthropology.

3. ESK, p. 493.

4. SA, p. 83.

5. FS, pp. 518, 520.

6. SA, pp. 202-3.

7. SA, pp. 19, 21.

8. IM, pp. x x x i , x x x v i , l i .

9. SA, pp. 58-9, 62.

10. SA, pp. 279-80.

11. SA, p. 281.

12. D. Maybury-Lewis, 'Dual Organisation', Bijdragen tot de Taal-Land-en Volkenkunde, 116, 1, 1960, p. 35.

13. 1953b, p. 115. ,

14. SA, pp. 281, 121. Lévi-Strauss and the Linguistic Analogy 183

15. D. Slobin, Psycholinguistics, Scott, Foreman, Illinois, 1971, pp. 62-3.

16. R. Jakobson, G. Fant and M. Halle, Preliminaries to Speech Analysis, Harvard University Press, Cambridge, Mass., 1952; R. Jakobson and M. Halle, Fundamentals of Language, Mouton, The Hague, 1957; M. Halle, ' I n Defence of the Number 2', in Studies Presented to Joshua Whatmough, Mouton, The Hague, 1957; M. Halle, 'Simplicity in Linguistic Description', in R. Jakobson (ed.), The Structure of Language and its Mathematical Aspects, Proceedings of the 12th Symposium in Applied Mathematics, American Mathematical Society, Providence, 1961.

17. J. Lyons, Introduction to Theoretical Linguistics, CUP, 1968, p. 480.

18. V . N . Volosinov ( M . Bachtin), Marxism and the Philosophy of Language, Seminar Press, New York, 1973, p. 80.

Các tác giả được đề cập

Boas F. : Introduction to Handbook of American Indian Languages, University

of Nebraska Press, 1968.

Chomsky N. : Language and Mind, Harcourt Brace, 1968.

Coubreras H. : 'Simplicity, Descriptive Adequacy and Binary Features', Language, 1969.

W. Goodenough: 'Componential Analysis and the Study of Meaning', Language, 1956.

Halle M. : 'In Defence of the Number 2', in Studies Presented to Joshua Whatmough, 1957.

---------: 'Simplicity in Linguistic Description' in R. Jakobson (ed.): The Structure of Language and its Mathematical Aspects, American Mathematical Society, 1961.

Hymes D. (ed.): Language in Culture and Society, Harper & Row, 1964.

Jakobson R. : Six Lectures on Sound and Meaning, Harvester, 1978.

---------: Child Language, Aphasia and Phonological Universals, Mouton, 1968.

Jakobson R., G. Fant and M. Halle: Preliminaries to Speech Analysis, MITPress, 1952.

Jakobson R., and M. Halle: Fundamentals of Language, Mouton, 1957.

Katz J. : Semantic Theory, Harper & Row, 1972.

Katz J. and J. Fodor: 'The Structure of a Semantic Theory', Language, 1963.

Korn F., and R. Needham: 'Permutation Models and Prescriptive Systems', Man, 1970.

Lefebvre H. : Le Langage et la Société, Gallimard, 1966.

Lounsbury F. : 'A Semantic Analysis of the Pawnee Kinship Usage', Language, 1956.

Lyons J. : Structural Semantics, Blackwell, 1964.

---------: Semantics, 2 vols, CUP, 1977.

Maybury-Lewis D. : 'Dual Organisation', Bijdragen tot de taat- land- en Volkenkunde, 1960.

Moore O. and D. Olmsted: 'Language and Professor Lévi-Strauss', American Anthropologist, 1952.

Mounin G. : 'Linguistique, structuralisme et marxisme', Nouvelle Critique, 1967.

---------: Introduction a la Sémiologie, Minuit, 1970.

Paz O. : Claude Lévi-Strauss: an Introduction, Cape, 1971.

Ricoeur P. : 'New Developments in Phenomenology in France: the Phenomenology of Language', Social Research, 1967.

Rotman B. : Jean Piaget, Psychologist of the Real, Harvester, 1977.

Schneider D. : 'American K i n Terms and Terms for Kinsmen: a Critique of Goodenough's Componential Analysis', American Anthropologist, 1965.

Slobin D. : Psycholinguistics, Scott, Foresman, 1971.

Whorf B. : Language, Thought and Reality, M I T Press, 1956.

 

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét