Powered By Blogger

Thứ Tư, 3 tháng 10, 2018

Hans-Georg Gadamer và Chân lý Kinh nghiệm Tường giải (II)

Andrzej Wiercinski

(Người dịch: Hà Hữu Nga)

Tiền nhận thức và sự phán đoán trước của chúng ta, cái quy định nhận thức, luôn được kiểm nghiệm trong cuộc đối đầu này. Theo sau Heidegger, Gadamer hiểu văn bản như là một cội nguồn của tồn tại. Do đó, hiểu biết về văn bản phải bắt nguồn từ hiểu biết về tồn tại. văn bản có gì đó để nói, nên người diễn giải, để hiểu những gì cần hiểu, phải đưa vào sự kiện nhận thức cái tồn tại vô hình vốn bị văn bản làm khuất lấp. Nhận thức tường giải diễn ra như một sự hợp nhất của các chân trời. Biết rõ về sử tính của riêng mình, chúng ta chạm trán một văn bản từ quá khứ và đối đầu với chính chúng ta trong việc hiểu được ý nghĩa của nó. Ngôn ngữ và lịch sử quy định nhận thức. Có một kết nối không thể tách rời giữa chủ thể nhận thức và điều cần được nhận thức. [22]

Nhận thức bị hạn chế bởi vì nó bị quy định bởi hoàn cảnh lịch sử của con người: đó là bởi bản chất của tính thời gian và tính hữu hạn. [23] Ý thức bị ảnh hưởng bởi lịch sử (wirkungsgeschichtliches Bewußtsein) chủ yếu là ý thức của trạng huống tường giải. Tuy nhiên, việc đạt tới nhận thức về một trạng huống, luôn luôn là một nhiệm vụ đặc biệt khó khăn. Bản thân ý tưởng về một trạng huống có nghĩa là chúng ta không đứng bên ngoài nó và do đó không thể có bất kỳ kiến ​​thức khách quan nào về nó. Chúng ta luôn tìm thấy chính mình trong một trạng huống, và rọi sáng vào trạng huống là một nhiệm vụ không bao giờ có thể hoàn thành viên mãn được. Điều này cũng đúng với trạng huống tường giải - tức là, trạng huống chúng ta thấy mình liên quan đến chính cái truyền thống mà chúng ta đang cố gắng hiểu. Việc làm sáng tỏ trạng huống này - phản ánh về lịch sử một cách chân thực là điều không bao giờ có thể hoàn toàn đạt tới được; nhưng thực tế là nó không thể được hoàn thành không phải do sự thiếu hụt trong phản ánhdo thực chất của hiện hữu lịch sử vốn là bản thân chúng ta. Hiện hữu vphương diện lịch sử nghĩa là tri ​​thức về bản thân ta không bao giờ có thể hoàn thành viên mãn. [24]

Với tư cách là hiện hữu lịch sử, chúng ta phải chịu tác động của lịch sử - Wirkungsgeschichte. Theo Gadamer, “chính xác thông qua tính hữu hạn của chúng ta, tính đặc thù hiện hữu của chúng ta, hiển nhiên ngay cả trong nhiều ngôn ngữ khác nhau, cuộc đối thoại vô tận được mở ra theo hướng của cái chân lý là chính bản thân chúng ta. [25] Ngôn ngữ là phương tiện của mọi kinh nghiệm tường giải. Một trong khẳng định nổi tiếng nhất của Gadamer vẫn bị hiểu lầm là “Hữu thể có thể được hiểu là ngôn ngữ.” (“Sein, das verstanden werden kann, ist Sprache.” Gadamer, Hans-Georg (1993). Wahrheit und Methode. Grundzüge einer philosophischen Hermeneutik (Ges. Werke Bd. 1, S. 478). Zitiert nach Bd. 2 Ergänzungen, Register, 2. Aufl. 1993 – Chân lý và Phương pháp. Các nguyên lý của Phép tường giải Triết học (Ges. Werke, Vol. 1, p. 478). Quoted after Bd. 2 Supplements, Register, 2nd ed. 1993). [26] Đó không phải là một tuyên bố siêu hình về khả tính nhận thức đầy đủ về phương diện ngôn ngữ của Hữu thể. Hiểu biết của con người là mang tính ngôn ngữ; không có diễn ngôn mà không có lời. Trong cuộc trò chuyện, vô số nghĩa có thể có sẵn cho tình huống cụ thể. Trò chuyện phản ánh cấu trúc của trải nghiệm cuộc sống thực tế; nó là một sự kiện trong đó diễn ra việc thiết định nghĩa. Nguyên lý của phép tường giải đơn giản có nghĩa là chúng ta nên cố hiểu mọi thứ có thể hiểu được. [27] Quá trình khải lộ các lớp ý nghĩa mới thực sự là bất tận. Tham gia vào các sự kiện của nhận thức, chúng ta chứng tỏ những chân trời luôn luôn mới cho sự hiểu biết khai mở và khải lộ những khả tính diễn giải mới. [28]

Chân lý tường giải không biểu thị sự tương đương của các trạng thái tinh thần với thực tại khách quan. Đó không phải là vấn đề về sự tương đương giữa chủ thể nhận thức và bản thân đối tượng nhận thức, theo cái định nghĩa adaequatio intellectus et rei (Trí năng của người nhận thức phải tương đương với điều được nhận thức). Đối với Gadamer, chân lý tường giải là vấn đề thỏa thuận lẫn nhau giữa các đối tác tham gia đối thoại và tìm kiếm hiểu biết chung. Nó mang tính tồn tại nhiều hơn, và về phương diện này, đó là một khía cạnh đạo đức của hiện hữu tại thế.

Chân lý nghệ thuật

Chân lý và Phương pháp bắt đầu với việc phân tích về kinh nghiệm của tác phẩm nghệ thuật với tư cách là không gian đích thực cho việc trải nghiệm về chân lý diễn ra như thế nào. Toàn bộ Phần Thứ nhất dành cho câu hỏi về chân lý khi nó xuất hiện trong kinh nghiệm nghệ thuật. Gadamer quyết tâm đem lại công bằng cho chân lý kinh nghiệm thẩm mỹ, vượt qua tính chất cực chủ quan hóa về thẩm mỹ và tranh luận chống lại triết học quy giản, trong đó chân lý chỉ có thể được tìm thấy trong khoa học. Chân lý nghệ thuật có trước việc trình hiện nó bằng các phương pháp diễn giải. Các tác phẩm nghệ thuật thông qua tính vô định để mở cho hòa giải và diễn giải bao gồm cả Wirkungsgeschichte - tác động lịch sử của nó.

Gadamer đọc chân lý nghệ thuật trong bối cảnh trò chơi, biểu tượng và trình diễn. Chân lý tường giải là không thể tách rời khỏi trò chơi nhận thức như là một quá trình giao tiếp. Theo nghĩa này, nó không phải là một cái gì đó phải được khám phá (theo nghĩa re-presentatio tái hiện diện) mà là cái gì đó diễn ra thông qua việc thực hiện lý tính giao tiếp. Gadamer không có ý định chứng minh rằng tác phẩm nghệ thuật thể hiện chân lý của riêng nó, mà là để làm cho kinh nghiệm nghệ thuật trở nên có nghĩa. Điều này đã đòi hỏi sự thừa nhận giá trị chân lý của tác phẩm nghệ thuật bởi vì, bất chấp những nỗ lực hợp lý hoá nó theo cách nào thì trong tác phẩm nghệ thuật, chân lí vẫn phải được trải nghiệm theo cách thức không thể bị cấu thành bằng bất kì cách nào khác. Cái đẹp tạo ra chính nó bằng cách nó thu hút chúng ta, cách nó thuyết phục chúng ta về chân lý và tính công chính của nó. Nó nổi bật cả về bản chất và nghệ thuật, theo cách mà nó thuyết phục tất cả chúng ta và làm cho chúng ta nhận ra rằng, thực tế, đây chính là chân lý. [29]

Gadamer cho rằng cái cộng đồng được tạo ra bởi tác phẩm nghệ thuật là một cộng đồng phổ quát bao trùm toàn thế giới. Trên thực tế, mọi sáng tạo nghệ thuật đều thách thức mỗi chúng ta để lắng nghe thứ ngôn ngữ mà tác phẩm nghệ thuật nói và biến nó thành của riêng chúng ta. Nó vẫn đúng trong mọi trường hợp mà một thành tựu được chia sẻ hoặc có khả năng được chia sẻ đang gặp vấn đề. Điều này vẫn đúng bất kể việc hình thành một tác phẩm nghệ thuật có được hỗ trợ trước bởi một thế giới quan chung có thể được thừa nhận là đương nhiên, hay trước hết chúng ta phải học cách “đọc” ngôn ngữ của kẻ nói bằng sự sáng tạo trước chúng ta. [30]

Đối với Heidegger, sự kiện khải lộ là sự kiện của chân lý. Chân lý được hiểu trong khuôn khổ phép biện chứng của sự che giấu và không che giấu, không che giấu thì che giấu bằng khải lộ. Đó là một sự tương tác bất tận giữa việc đóng vào và mở ra. Điều quan trọng nhất ở đây là ở chỗ hai khía cạnh khải lộ đó thuộc về nhau. Sự che giấu của thế giới có nền tảng trong sự che giấu của trái đất. [31] Trong tính tương tác của chính sự che đậy và vén mở, chân lý nghệ thuật là sự xuất hiện nghĩa được thực hiện trong sự tiếp nhận nó. [32] Nó quyến rũ một con người và thể hiện chính nó như là một thách thức để bao hàm cả bản thân chân lý. Nó không phải là một chân lý được khám phá mà phát sinh như một hệ quả của việc áp dụng một cách thực hành.

Đối với Gadamer, ngôn ngữ thơ ca nghệ thuật thể hiện mối quan hệ đặc biệt với chân lý như một sự kiện (Ereignis). Kinh nghiệm đã được chứng minh cho thấy rằng tác phẩm nghệ thuật có một dấu ấn quan trọng đối với chúng ta, do đó tạo hình nhận thức mà ta về bản thân mình. Bằng việc thể hiện chính mình, tác phẩm nghệ thuật quyến rũ chúng ta và kêu gọi chúng ta thay đổi cuộc sống của mình. Một liên kết mạnh mẽ kết nối kinh nghiệm chân lýnhận thức của chúng ta trong chân trời của tính không hoàn hảo và tính hữu hạn người. Nhận thức tường giải về con người không chỉ liên quan đến các khía cạnh đặc biệt của cuộc sống cứ như thể con người chỉ là một hiện hữu tư duy. Nó còn là một nỗ lực để hiểu con người trong tính phức tạp và tính tổng thể của nó mà không bao giờ mất đi cái việc cảnh về tính phân mảnh vỡ thiết yếu và tính không hoàn hảo của bất kỳ hiểu biết và nhận thức nào về con người.

Kết luận

Đối với Gadamer,
nhận thức luôn là diễn giải. Phép tường giải định hướng ngôn ngữ của Gadamer đặt bản thân vào giữa triết học thực hành của Aristotle và phép tường giải của Heidegger về thực tính bằng cách tập trung vào khái niệm phronesis (φρόνησις) - trí tuệ thực hành). Đạo đức học của Gadamer dựa trên kinh nghiệm tường giảichân lý tực hành tương ứng của nó. Chân lý tường giải không phải là một khái niệm tri thức luận là một phương thức hiện-hữu-tại-thế với những hệ quả cụ thể và những hàm nghĩa đạo đức học và tồn tại của nó. Một khái niệm chân lý đầy thông tin về phương diện tường giải, được giải thoát khỏi hệ mẫu tri thức luận truyền thống của nó, [33] giúp chúng ta hiểu rằng kinh nghiệm chân lý không thể được minh định bằng kinh nghiệm chủ nghĩa.

. Do bản chất quá trình của chân lý  tường giảithời tính cũng như tính hữu hạn của hiện hữu người, có, và có thể không có chân lý tuyệt đối hay cuối cùng; đó là vấn đề về tính mở đối với kinh nghiệm luôn luôn mới. Không có chân lý tuyệt đối có nghĩa là đối với phép tường giải triết học không có từ cuối cùng, bởi vì sẽ không có từ cuối cùng; nhận thức là một quá trình không bao giờ kết thúc. Chân lý tường giải là một kinh nghiệm sống của sự dung hợp các chân trời, cho phép chúng ta gặp gỡ nhau và để đạt được sự hiểu biết lẫn nhau, có thể sử dụng làm cơ sở cho việc cùng sáng tạo - Miteinander. Khái niệm đối thoại nhận thức của Gadamer với tư cách một quá trình giao tiếp cung cấp mô hình cho một trật tự xã hội không dựa vào sự thống trị (Herrschaft), mà dựa vào thiện chí, tìm cách hiểu được người khác. Chân lý tường giải là chân trời mà chúng ta sống bằng tồn tại lịch sử của chính mình.
_________________________________

Nguồn: Wiercinski, Andrzej (2009). Hans-Georg Gadamer and the Truth of Hermeneutic Experience. In Analecta Hermeneutica. 1:3-14 (2009)

Tác giả: Andrzej Wiercinski sinh năm 1961 ở Białystok, Poland, là một nhà triết học, nhà thần học và một nhà thơ. Ông là Giáo sư chuyên về Giáo dục Phổ thông và Triết học Giáo dục, Khoa Giáo dục, Đại học Warszawa, Giáo sư Triết học Tôn giáo tại Albert-Ludwigs-Universität Freiburg im Breisgau, Đức và Chủ tịch - Sáng lập (2001) Viện Tường giải Quốc tế.

Ghi chú:

22. Gadamer, Chân lý và Phương pháp, 299. Gadamer làm rõ các điều kiện nhận thức luận về tri thức lịch sử bằng cách nhấn mạnh một thực tế rất khó hài hoà kiến thức lịch sử giúp định hình ý thức lịch sử của chúng ta với lý tưởng này và vì lý do đó, mà gặp biết bao khó khăn để nhận thức được bản chất thực sự của nó trên cơ sở quan niệm hiện đại về phương pháp. Đây là nơi để biến những tuyên bố tiêu cực thành những tuyên bố tích cực. Khái niệm định kiến chính cái mà chúng ta có thể bắt đầu.Ibid., 273. Việc vượt qua tất cả mọi định kiến, cái nhu cầu toàn cầu này của Kỷ nguyên Khai sáng, sẽ tự chứng tỏ là một thành kiến, và việc loại bỏ nó mở đường cho một sự hiểu biết thích hợp về tính hữu hạn không chỉ thống trị nhân loại của chúng ta mà còn là ý thức lịch sử của chúng ta nữa.Ibid., 277.

23. “Cái đang bị đe dọa trong trường hợp đồng nhất tính cấu trúc của chức năng tự sự cũng như trong trường hợp khẳng định chân lý về mọi hoạt động tự sự, là đặc tính thời gian của kinh nghiệm về thời gian. Thế giới được mở ra bởi mọi hoạt động tự sự luôn luôn là một thế giới thời gian...Thời gian trở thành thời gian người ở mức độ nó được tổ chức theo cách thức của một tự sự; tự sự, đến lượt mình, lại có ý nghĩa đến mức là nó mô tả các đặc điểm của kinh nghiệm thời gian.” Paul Ricoeur, Thời gian và Tự sự, vol. 1, trans. Kathleen Blamey và David Pellauer (Chicago: Nhà in Đại học Chicago, 1984), 3.

24. Gadamer, Truth and Method, 301.

25. Hans-Georg Gadamer, Philosophical Hermeneutics (Berkeley, CA: University of California Press, 1976), 16.

26. Gadamer, Chân lý và Phương pháp, 470. Trong “Lời nói đầu của Ấn bản thứ hai”, Gadamer giải thích: “Nhưng tôi tin là mình đã thể hiện chính xác cái được hiểu như vậy không phải là cái Mày mà là chân lý của cái mà cái Mày nói với chúng ta. Tôi muốn nói một cách cụ thể về chân lý là cái trở nên hữu hình đối với tôi qua cái Mày, và chỉ bởi vì tôi để cho bản thân mình được nói điều gì đó bằng chính nó. Nó cũng giống như truyền thống lịch sử. Sẽ không đáng để chúng ta quan tâm nếu không có thứ gì đó dạy cho chúng ta biết rằng chúng ta không thể tự mình biết được. Chính theo nghĩa này, mà câu “Hữu thể có thể được hiểu là ngôn ngữ" phải được hiểu như vậy. Nó không có nghĩa là người nhận thức tuyệt đối làm chủ, ngược lại, Hữu thể không được trải nghiệm, nơi một cái gì đó có thể được chúng ta xây dựng nên và ở mức độ đó được nhận thức; nó được trải nghiệm nơi những gì đang diễn ra chỉ có thể được nhận thức. ”Ibid., xxxii.

27. Gadamer, Philosophical Hermeneutics, 31.

28. Cf. Robert Bernasconi, “‘You Don’t Know What I’m Talking About:’ Alterity and the Hermeneutic Ideal,” in Lawrence K. Schmidt, ed., The Specter of Relativism: Truth, Dialogue, and Phronesis in Philosophical Hermeneutics (Evanston, IL: Northwestern University Press, 1995) 178–194.

29. Han-Georg Gadamer, Gesammelte Werke, Bd. 9 (Tübingen: Mohr, 1993), 19.

30. Hans-Georg Gadamer, The Relevance of the Beautiful, ed. Robert Bernasconi (New York:
Cambridge University Press, 1986), 39.

31. Gadamer mô tả [31] phép tường giải triết học của mình như là một nỗ lực để tiếp nhận và xây dựng cách tư duy của Heidegger. Hans-Georg Gadamer, “Reflections on My Philosophical Journey,” in Lewis Hahn, ed., The Philosophy of Hans-Georg Gadamer (Chicago: Open Court, 1997), 47.

32. Mặc dù Gadamer tuân theo sự nhấn mạnh hữu thể luận của Heidegger trong việc xác định chân lý Unverborgenheit (Không che đậy) Erschlossenheit (Mở ra) nhưng bản chất xác thực của tính tương đồng giữa chúng vẫn bị tranh cãi. Xem, ví dụ, Robert Dostal, “The Experience of Truth for Gadamer and Heidegger: Taking Time and Sudden Lightening,” Hans-Georg Gadamer, “What is Truth?” James Risser, “The Remembrance of Truth: The Truth of Remembrance,” in Brice Wachterhauser, ed., Hermeneutics and Truth (Evanston, IL: Northwestern University Press, 1994).

33. See Calvin O. Schrag, Communicative Praxis and the Space of Subjectivity (Bloomington, IN: Indiana University Press, 1986), 187.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét