Powered By Blogger

Thứ Bảy, 20 tháng 10, 2018

Man thư (I)

Phàn Xước [1]
  
Di Nặc, Di Thần, đều là các nước ven biển vậy. Họ gọi quân trưởng là thọ (
). Người Di Nặc mặt trắng mà dài, người Di Thần mặt đen lại ngắn, tính cách khiêm cung cẩn trọng, mỗi khi nói chuyện đều bước lên một bước lại vái một vái. Đất nước không thành quách. Vua Di Nặc sống trong ngôi nhà có các cây cột lớn khắc hoa văn, tô điểm bằng vàng bạc. Vua Di Thần quây rào gỗ sống ở ven sông biển, lấy sư tử đá làm nhà bốn trụ, nhưng mái lợp phải bằng gỗ thơm (hương mộc). Dân thường đều ở nhà sàn, nữ mang gùi tre đan, nam nữ phần nhiều đều thích âm nhạc. Hai đầu nhà đều có trống, uống rượu là đánh trống, con trai cầm tay dậm chân làm nhạc. Giống man này sống cách thành Vĩnh Xương 60 ngày đường về phía tây nam. Năm Đại Hòa thứ 9 đã từng đánh bại nước này, đoạt lấy vàng bạc, bắt 32.000 đứa, đày đi Lệ Thủy đào vàng.
 
Nước Phiếu, cách thành Vĩnh Xương của người man 70 ngày đường về phía nam, là nơi mà Các La Phượng biết rất rõ vậy. Nước này dùng tiền bằng bạc, lấy gạch xanh xây thành hình tròn, đi vòng quanh mất một ngày. Dân thường cũng đều sống trong thành nội, có 12 cửa. Trước cửa nơi ở của quốc vương có một tượng lớn, ngồi lộ thiên, cao hơn trăm thước (1 thước = 0.33cm), trắng như sương tuyết. Tập quán chuộng liêm sỉ, tính cách thiện hòa, ít nói, trọng Phật pháp, trong vùng tuyệt đối không có việc giết mổ. Phần nhiều lại mở rộng việc tìm hiểu thiên văn. Nhược bằng có sự kiện cáo, tố tụng lẫn nhau, thì quốc vương lập tức cho đốt nhang khấn đại tượng, suy xét sự sai trái của họ, mà tiện thoái lui. Hoặc có họa hại, dịch bệnh làm cho tình hình bất an thì quốc vương cũng đốt nhang khấn đại tượng, mà ăn năn, hối hận, tự trách bản thân. Đàn ông phần đông mặc len dạ trắng, trong khi phụ nữ thì vấn tóc thành búi cao trên đỉnh đầu, trang sức bằng vàng bạc ngọc trai, mặc váy là màu xanh, lại còn choàng tấm lưới đoạn, đi đứng tất giữ gìn. Phụ nữ nhà quyền quý đều có từ 3 đến 5 kẻ kế bên hầu quạt. Có tín giả đến biên giới Hà Đàm [
, căn cứ vào chữ [đàm] này thì đây có lẽ là sông Hằng*] của giống người man này, chắc chắn lấy lợn sông (cá heo không vây Neophocaena phocaenoides*), len dạ trắng và ngọc lưu li, bình quý (anh “” nguyên bản viết là minh “”) để trao đổi (mậu dịch “貿易” nguyên bản viết là gia “”, nay theo “Tân đường thư - Phiếu quốc truyện” cải chính).

Thành Xá Lợi cách Ba Tư và Ấn Độ gần đó khoảng 20 ngày đường về phía tây. Căn cứ theo “Phật kinh” thì “Thành Xá Lợi nằm giữa nước Thiên Trúc vậy. Gần thành có Sa Sơn (núi cát), không hề có cây cỏ mọc”. “Hằng Hà kinh” viết:  “Sa Sơn vượt khỏi trung Thiên Trúc”, vì vậy mà nước Phiếu nghi là đông Thiên Trúc vậy. Giặc man niên hiệu Đại Hòa thứ 6 (năm 831) tấn công cướp bóc nước Phiếu, bắt tới hơn 3000 người, đày đến Chá Đông, bắt phải tự cấp tự túc. Cho đến giờ con cháu họ phải ăn cả sâu bọ, làm cho giống người đó suy bại vậy. Giờ Dần (3 – 5 giờ sáng) ngày mồng 6 tháng Giêng, niên hiệu Hàm Thông thứ 4 (năm 863), có một nhà sư lõa thể người Hồ, tay cầm một chiếc trượng, buộc lụa trắng, bước lên lùi lại tại mặt nam La Thành An Nam. Lúc đó tiết độ sứ [3] Thái Tập giương cung bắn trúng ngực vị sư to lớn đó, dân man giúp khiêng vào trong doanh trại. Bất luận tướng sỹ trong thành đều không đánh trống gây huyên náo.   

Nước Côn Lôn (Dvipatala*), theo hướng chính bắc đi tới ranh giới người man ở tây Nhị Hà mất 81 ngày đường. Nơi đây sản xuất thanh mộc hương, đàn hương, tử đàn hương, cau, ngọc lưu li, thủy tinh, lu sành, các loại hương dược, đồ quý, tê giác. Giặc man từng đem quân mã tiến đánh, bị nước Côn Lôn phá đường chặn hậu, đào bỏ đường ra sông, khơi nước dìm quân, tiến thoái đều vô phương kế. Chết đói hơn vạn tên, những đứa sống sót bị người Côn Lôn cắt bỏ cổ tay phải thả cho về.

Nước Đại Tần Bà La Môn (Brahmana-desa: Lục địa Ấn Độ*), giáp giới bắc Vĩnh Xương, và sông Giang Tây của nước Di Nặc phía chính đông, tiếp giáp tòa lầu thành An Tây, cách thành Dương Tư Mỵ 40 ngày đường về phía đông. Vua man nước này thật lương thiện.

Tiểu Bà La Môn, và nước Phiếu cùng nước Di Thần đều giáp giới,từ Vĩnh Xương đi về phía bắc mất 74 ngày đường. Người man có tập quán không ăn thịt bò, biết trước hậu sự của mình. Nước Đại Nhĩ qua lại, giao thiệp, người man ở đó lương thiện, thật là một nước đáng tin vậy.
 
Nước Dạ Bán, từ biên giới người man ở thành Thương Vọng, đi về phía đông bắc là thành Lệ Thủy. Duy có phụ nữ ở các bộ lạc nước này là giao tiếp được với hồn ma, biết được họa phúc, lành dữ, quân trưởng của họ rất sùng tín. Giống man di nước này thường lấy vàng làm giải thưởng, mong muốn biết thiện ác.

Ranh giới Côn Minh, Tang Ca tiếp giáp Lệ Thủy, gần kề nhưng giặc man từng đánh không được, tới nay vẫn còn ôm hận vậy. Chính sứ thần Côn Minh, Tang Ca là Thái Tập thường dâng tấu mong được phân bố quân mã, theo đường Kiềm Phủ (Quý Châu) đi vào.

Nước Nữ Vương, đi qua ranh giới người man Trấn Nam 30 ngày đường. Nước này qua Châu Hoan chỉ 10 ngày đường, thường xuyên giao dịch với bách tính Châu Hoan. Giặc man đã từng đem 2 vạn quân chinh phạt nước này, bị nữ vương bắn tên tẩm thuốc độc, mười đứa không sót một, giặc man bèn rút lui.

Nước Thủy Chân Lạp, Lục Chân Lạp, gắn liền với người man Trấn Nam, giặc man đã từng đốc xuất hết thảy binh mã tiến tới bờ biển nước này, thấy sóng bạc đầu réo ầm ầm, buồn rầu thất vọng thu quân quay về.

Năm Hàm Thông thứ tư, ngày 6 tháng 6, giặc man hơn bốn nghìn tên, giặc cỏ dưới quyền Chu Đạo Cổ 2000 tên, chèo hàng trăm chiếc thuyền nhỏ đánh lấy Quận Châu, bắt được An Nam đô áp nha [4] Trương Khánh Tông, Đỗ Tồn Lăng, thứ sử châu Vũ An Trần Hành Dư, lấy chiến thuyền lớn hơn chục chiếc, công phá đánh chìm khoảng 30 thuyền giặc man. Bề tôi, ngày 21 tháng 9, tại Tất Châu đã tiếp kiến quan ngu hậu [5] An Nam Sử Hiếu Mẫn, lại còn được trao binh mã khiến chúng dần dần tôn trọng, thân tình, tin cẩn, còn giặc man thì không am hiểu về đánh thủy, nên tất cả đều chết đuối.
_____________________________________

Người dịch: Hà Hữu Nga

Nguồn: 蠻書,樊綽,唐,卷十: 南蠻疆界接連諸番夷國名,南詔 (Man thư, Phàn Xước, Đường, Quyển thập: Nam man cương giới tiếp liên chư phiên di quốc danh, Nam Chiếu).

Ghi chú của người dịch

[1] Phàn Xước, người thời Đường, chỉ viết duy nhất một tác phẩm “Man thư”. Căn cứ vào sử liệu ghi chép lại, Phàn Xước vốn là liêu thuộc của Thái Tập, đã từng làm An Nam kinh lược sứ [2]. Niên hiệu Trinh Quán thứ 2 (năm 628) nhà Đường bắt đầu thiết lập khu vực vành đai trọng yếu, sau đó phần lớn đều sử dụng tiết độ sứ kiêm nhiệm. Thời Đường Ý Tông niên hiệu Hàm Thông thứ 3 (năm 862), Nam Chiếu vương Thế Long đưa quân tiến đánh An Nam, lúc đó kinh lược sứ Vương Khoan (王寬) không thể kháng cự nổi, triều đình ban lệnh cho quan sát sứ (觀察使) Hồ Nam là Thái Tập (蔡襲) thay Vương Khoan làm kinh lược sứ, cầm quân cự địch. Ngay lập tức Phàn Xước cùng theo Thái Tập nhậm chức. Để đối phó với Nam Chiếu, Thái Tập lệnh cho Phàn Xước tùy theo tình hình của Nam Chiếu, tiến hành điều tra, tìm hiểu, sưu tập được một khối tư liệu lớn về Nam Chiếu, đồng thời tham khảo các trước tác của những người đi trước, chủ yếu là Vân Nam ký (雲南記) của Viên Tư 袁滋 (749-818) làm cơ sở cho việc viết nên tác phẩm Man thư (蠻書) còn có các tên khác là Vân Nam chí (雲南志), Vân Nam ký (雲南記), Vân Nam sử ký (雲南史記), Nam di chí (南夷志), Nam man chí (南蠻志), Nam man ký (南蠻記), tất cả gồm 10 quyển. Đường Hàm Thông năm thứ 4 (863) quân Nam Chiếu tấn công đánh chiếm Giao Chỉ (交阯), Thái Tập chết trận, Phàn Xước đang ở trong thành lúc bị đánh chiếm có đem theo ấn tín, vội bơi qua sông Phú Lương (富良江, sông Hồng), qua được kiếp nạn. Tháng 6, năm thứ 2, nhận lệnh làm đô đốc phủ trưởng sứ Quỳ Châu (nay là phía đông Phụng Tiết, Tứ Xuyên), một lần nữa khảo vấn tình hình các sắc dân Kiềm (), Kính (), Ba (), Hạ (), và cũng tham khảo các sách “Hậu hán thư” (後漢書), “Quỳ thành đồ kinh” (夔城圖經), “Quảng dị kí” (廣異記) của Vương Thông Minh (王通明), phụ thêm ở phần cuối quyển 10 “Man thư”. “Man thư” ghi lại điều kiện địa lý tự nhiên, thành trấn,  giao thông, cư dân, làng xóm, sản vật, đặc biệt là so sánh lịch sử, chính trị, kinh tế, quân sự Nam Chiếu cũng như sinh hoạt, phong tục tập quán của các dân tộc Vân Nam, đó là thời đại nhà Đường có liên quan đến Vân Nam, miêu tả chuyên sâu lịch sử các dân tộc phía tây nam thời đại nhà Đường là một công trình rất quan trọng, đặc biệt là về giá trị sử liệu. Phàn Xước phân “Man thư” thành các quyển là: Quyển 1: Vân Nam giới nội đồ trình; Quyển 2: Sơn xuyên giang nguyên; Quyển 3: Lục chiếu; Quyển 4: Danh loại; Quyển 5: Lục kiệm; Quyển 6: Vân Nam thành trấn; Quyển 7: Vân Nam tỉnh quản nội vật sản; Quyển 8: Man di phong tục; Quyển 9: Nam man điều giáo; Quyển 10: Nam man cương giới tiếp liên chư phiên di quốc danh.

[2] Kinh lược sứ (經略使), trưởng quan quân sự là một chức quan tạm thời để triều đình sai khiến xử lý những sự vụ trọng đại. Năm Đường Trinh Quán thứ hai (628) bắt đầu đặt chức này tại những khu vực biên viễn trọng yếu, về sau hầu hết đều bổ tiết độ sứ kiêm nhiệm. Thời Tống tại các vùng biên cảnh tây bắc, tây nam đều bổ nhiệm kinh lược sứ. Năm Hàm Bình thứ 5 (1002), tể tướng Trương Tề Hiền rời kinh đô, nhậm chức kinh lược sứ, làm thống suất quân sự vùng tây bắc, cai quản một số lộ quân mã chống lại Tây Hạ. Ngay sau đó Tiền Nhược Thủy nhậm chức, thay kinh lược sứ, làm trưởng quan quân sự một lộ, năm sau cũng bãi bỏ. Năm Bảo Nguyên thứ 2 (1039), nhân Tây Hạ quấy nhiễu, Hạ Tủng, an phủ sứ (安撫使) hai lộ Kính Nguyên, Tần Phụng; Phạm Ung, an phủ sứ hai lộ Phu Diên, Hoàn Khánh, đều kiêm thêm kinh lược sứ. Từ đó trở đi, an phủ sứ các lộ Thiểm Tây và lộ Hà Đông, thành lệ kiêm chức kinh lược sứ, chủ yếu để chống lại Tây Hạ và vỗ về các sắc tộc vùng biên cảnh. Hoàng Hựu năm thứ tư (1052), nhân Nùng Trí Cao phản loạn, triều đình bố trí an phủ sứ lộ Đông Quảng Nam (Quảng Đông), và lộ Tây Quảng Nam (Quảng Tây), kiêm kinh lược sứ, từ đó trở thành định chế, cho đến khi nhà Tống diệt vong. Ngoài ra, năm Thiệu Hưng thứ sáu (1136) do Tương Dương gần với Ngụy Tề, chiếu theo lệ cũ Thiểm Tây, nên an phủ sứ lộ Bắc Kinh Hồ, cũng nhân đó mà kiêm kinh lược sứ, năm sau bãi bỏ. Cuối thời nhà Kim (1115- 1234), từng bị quân Mông Cổ tấn công nên các lộ ( vùng, miền) đã bố trí quan kinh lược sứ, tổng quản việc quân của một vùng. Những năm đầu triều Nguyên, đã từng lấy Sử Thiên Trạch làm kinh lược sứ Hà Nam. Năm thứ 8 (năm 1358), Niên hiệu Chí Chính thời Thuận đế, lấy trung thư tham chính Phổ Nhan Bất Hoa (普顏不花) làm kinh lược sứ, đến các tỉnh Giang Nam giám sát quân luật. Hai triều Minh Thanh, toàn bộ việc quân trọng yếu thì đều riêng đặt chức kinh lược, tổng quản quân vụ một hoặc một số tỉnh, chức vị cao hơn tổng đốc, nên có sự việc xảy ra lập tức bãi cả tổng đốc. Từ giữa đời nhà Thanh trở đi thì không sắp xếp chức này nữa.

[3] Tiết độ sứ (節度使) ban đầu là chức võ quan cai quản quân sự một phiên trấn thời nhà Đường, Trung Quốc khoảng năm 710-711. Dần dần, Tiết độ sứ kiêm quản hành chính, tài chính địa phương và cuối cùng trở thành lãnh chúa cha truyền con nối. Khoảng năm 710-711, để đối phó với Thổ Phồn, Đường Duệ Tông đã bổ nhiệm Đô đốc Lương Châu là Hạ Bạt Diên Tự làm Hà Tây tiết độ sứ cai quản quân sự của vùng Hà Tây. Thời Khai Nguyên và Thiên Bảo, Đường Huyền Tông bổ nhiệm 10 tiết độ sứ tại các vùng dọc biên giới: Thích Tây, Bắc Đình, Sóc Phương, Phạm Dương, Hà Tây, Hà Đông, Lũng Hữu, Bình Lô, Kiến Nam, Lĩnh Nam. Ban đầu, chỉ có các vùng biên viễn mới có Tiết độ sứ; nhưng sau loạn An Sử, triều đình lo ngại tàn quân An-Sử nổi dậy nên nhiều vùng nội địa cũng bổ nhiệm Tiết độ sứ. Cuối thời Đường, số lượng tiết độ sứ đã lên đến khoảng 50, phạm vi quản lý của tiết độ sứ thu hẹp hơn trước, chỉ còn vài châu được gọi các phiên trấn là "quân" hoặc "đạo"; các phiên trấn hoàn toàn độc lập khiến cho triều đình hữu danh vô thực và cuối cùng triều Đường bị lật đổ bởi viên tiết độ sứ hùng mạnh là Chu Ôn. (《唐會要》卷七八“Đường hội yếu”, quyển thất bát;《新唐書志》第三十九下「百官」四下:《通典》卷第三十二;岳珂《愧郯錄旌節》“ Tân đường thư, chí”, đệ tam thập cửu hạ (bách quan), tứ hạ: “Thông điển”, quyển đệ tam thập nhị;《宋史職官十一》“Tống sử, chức quan thập nhất”.

[4] Đô áp nha (都押衙) là tên gọi chức quan. Kể từ loạn An Sử (An Lộc Sơn và Sử Tư Minh 安史之亂:安祿山與史思明; do xảy ra vào thời Thiên Bảo của Đường Huyền Tông, nên còn gọi là Thiên Bảo chi loạn (天寶之乱) - phiên trấn cát cứ, tất cả thảy đều lập nha quan, vì vậy mà các cấp bậc nha tướng, nha quan, đô áp nha ngày càng trở nên đa tạp. 

[5] Ngu hậu (虞候): Ngu (), thời Xuân thu Chiến quốc quan trông coi núi đồi đầm hồ thì gọi là ngu nhân (虞人). Hậu (): cổ văn gọi là hầu () làm thủ vọng, dò xét trông tìm ý tứ nguyện vọng của người. Thuyết văn giải nghĩa hầu () chính là tư (), đưa mắt nhìn. Trong quân đội xưa thì hậu nhân (候人) là sỹ quan phụ trách nhiệm vụ trinh sát tình hình địch. Cuối thời Xuân thu Chiến quốc là cách xưng hô của một số tiểu lại, là người trông coi canh gác vùng biên cảnh, gọi là thủ vọng (守望). Thủ vọng sơn trạch chi quan (守望山澤之官): sách Tả truyện, Chiêu công năm thứ 20 viết: Củi gỗ chốn đầm hồ thảo dã đều do ngu hậu trông coi (藪之薪蒸,虞候守之 - Tẩu chi tân chưng, ngu hậu thủ chi). Khổng Dĩnh Đạt (孔穎達 574-648) giải thích: “Đầm nước mà lại khô ráo thì gọi là tẩu (), ắt là vùng đó khan nước, bèn lập ra quan hậu vọng trông coi, nên mới có chức danh ngu hậu vậy” (水希曰藪,則藪是少水之澤,立官使之候望,故以虞候為名也 - thủy hi viết tẩu, tắc tẩu thị thiểu thủy chi trạch, lập quan sử chi hậu vọng, cố dĩ ngu hậu vi danh dã). Lý Tĩnh (571-649), một danh tướng, nhà lý luận quân sự trứ danh, trong “Lý tĩnh binh pháp” (李靖兵法) viết: có tả hữu ngu hậu, cùng tên gọi nhưng chức tước lại khác (有左右虞候,名同而職異矣” – hữu tả hữu ngu hậu, danh đồng nhi chức dị hĩ).

* Những chỗ có đánh dấu (*) cũng là ghi chú của người dịch.





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét