Powered By Blogger

Thứ Hai, 8 tháng 10, 2018

Hai tuyến đường từ Trung Quốc đến Ấn Độ vào cuối thế kỷ thứ VIII (V)

Paul Pelliot

Người dịch: Hà Hữu Nga

Lịch sử Nam Chiếu đã được các ông E.H. Parker và E. Rocher kể lại [1], và nếu vẫn còn cần phải được viết chi tiết hơn, thì đó không phải là công việc của nghiên cứu này. Tuy nhiên, Nam Chiếu đã đóng cửa tuyến đường đến Miến Điện, nên tôi nghĩ việc gợi nhớ lại những giai đoạn lịch sử tồn tại lớn lao của nó là rất hữu ích. Từ một thời gian chưa được xác định, ở phía tây và tây bắc Vân Nam đã có đến sáu chiếu, chiếu, trong ngôn ngữ của quốc gia này có nghĩa là ông hoàng (tù trưởng). Trong thời 開元 Khai Nguyên (713-741), cực nam của sáu bộ tộc, hay các chiếu, là chiếu của Bì La Các (皮羅閣 P'i-lo-ko), nhờ có tình trạng địa lý này được biết đến với cái tên Nam Chiếu “Chiếu phương nam, được sự che chở của Trung Quốc đã thôn tính năm chiếu còn lại, và cái tên Nam Chiếu này vẫn được sử dụng cho toàn bộ vương quốc mới [2]. Trung Quốc cũng phong cho ông danh hiệu 雲南王 Vân Nam vương, ông hoàng Vân Nam; trong khoảng thời gian từ năm 742 đến năm 748, ông đã giúp chinh phục các Thoán thị () mới nổi lên để tiêu diệt thành An Ninh mới được xây dựng cách Vân Nam trấn hiện tại không xa. Bì La Các qua đời năm 748, trao lại vương quyền cho Các La Phượng (閣羅鳳 Ko-lo-fong). Từ thời điểm đó vương quốc mới đã được xác lập vững chắc tại châu Tháp Lý (*) hiện nay. Người Trung Quốc đã sợ bóng sợ vía cái tiền đồ đang lớn mạnh ấy của ông, nhưng quân đội của họ đã phải chịu những trận phản công đẫm máu trong những năm 751 - 754, và Các La Phượng đã tự đưa mình vào vòng tay của người Tây Tạng, và họ đã phong cho ông là Đông đế (東帝), Hoàng đế phương Đông, và danh hiệu Tán Phổ Chung (贊普鍾 Tsan-p'ou-tchong), có nghĩa là em út của Tán Phổ (Phật vương Tây Tạng)”, “tchong” trong ngôn ngữ của những người “man” ấy có nghĩa là trẻ hơn: đó có lẽ là từ “ôung” tiếng Tây Tạng. Năm 779, Các La Phụng chết và người kế nhiệm ông là cháu trai của ông Dị Mâu Tầm (異牟尋 Yi-meou-siun). Ông này, một người đặc biệt ngưỡng mộ Trung Quốc, có khuynh hướng hòa bình và từ bỏ liên minh Tây Tạng; ông không thể thực hiện kế hoạch của mình ngay lập tức được, nên lúc đầu được người Tây Tạng phong danh hiệu Nhật Đông vương (日東王Je-tong-wang), vua mặt trời phương đông**. Từ năm 791, ông gửi sứ giả bày tỏ thần phục Hoàng đế Trung Quốc; năm 794, ông đã đại thắng người Tây Tạng tại sông Thần Xuyên (神川 Chen-ch'uan), thượng nguồn Dương Tử.

Những người kế nhiệm ông ít gắn giá trị đối với tình hữu nghị của Trung Quốc; năm 829, cuộc chiến tiếp tục và một vị tướng của Nam Chiếu được cử trấn giữ tại cửa khẩu Thành Đô (成都). Người ta vẫn không dừng lại ở cách thức thỏa đáng này: do sự hà thu lạm bổ của thái thú Trung Quốc ở An Nam, các bộ lạc Nam Vân Nam và thượng nguồn sông Hồng đã nổi loạn; các đội quân Nam Chiếu tham gia cùng họ, và vào năm 863 họ đã bao vây đô hộ phủ An Nam, đó chính là Hà Nội. Bị tướng Cao Biền 高駢 của Trung Quốc ngăn cản hướng Vân Nam, những kẻ xâm chiếm đã trở lại Tứ Xuyên (四川 Ssu-ch'uan); họ chiếm Thành Đô, và Cao Biền 高駢 lại được triệu hồi để chinh phục họ. Bị kìm lại lần nữa vào năm 874, quân đội Nam Chiếu đã thực hiện một mưu toan mới hướng An Nam, sau đó quay trở về biên giới Vân Nam của họ; thời kỳ chinh phạt đã kết thúc [3]. Từ đó trở đi, quốc gia Nam Chiếu tiếp tục sống lay lắt. Từ thủ phủ của mình, hiện tại là Đại Lý, Nam Chiếu đã mở rộng quyền thống trị của mình tới ba mươi bảy bộ tộc thuộc Đông Vân Nam, nơi vào nửa sau thế kỷ thứ tám (765), Nam Chiếu đã thành lập một thủ phủ thứ hai thực sự là Thác Đông * (Côn Minh ngày nay). Nhưng Nam Chiếu đã không còn quan tâm đến công việc của chính Trung Quốc nữa, và về phía họ, người Trung Quốc sau thời kỳ hỗn loạn mà triều đại nhà Đường tiêu tan vào đầu thế kỷ thứ mười, đã quá bận tâm đến những bước tiến của các sắc dân Tungus (vùng Đông Bắc Trung Quốc) rất chú ý đến những gì đang xảy ra trên biên giới phía tây nam của họ. Sự mở rộng của Trung Quốc về phía nam tiếp tục với triều đại Nguyên Mông. Năm 1253 [4], trong cuộc xung đột đầu tiên của quân đội Hốt Tất Liệt (忽必烈*  Koubilai-khan) tương lai, vương quốc 大理 Đại Lý, người thừa kế thừa Nam Chiếu cũ đã sụp đổ; tuy nhiên người Nguyên Mông đã công nhận vị vua bị phế truất của Đại Lý bằng tước hiệu danh dự Đại Vương (महाराज*- Maharaja) [5].

Người ta cho rằng những người Nam Chiếu này là người Thái [6]; nhưng câu hỏi nguyên sơ này vẫn được bao phủ bởi những bất trắc nghiêm trọng. Chúng ta biết rằng, Nam Chiếu đã thấm nhập sâu sắc nền văn minh Trung Quốc; nhưng chưa phải lúc đi sâu vào vấn đề mà tôi muốn nhấn mạnh hôm nay. Nhưng vì đây chủ yếu là cách xâm nhập của Trung Quốc vào Ấn Độ theo đường Miến Điện, nên tôi muốn cố gắng nhóm lại một số chỉ dẫn để cho thấy rằng ảnh hưởng của Miến Điện và cùng với nó, ảnh hưởng của Hindu giáo rất mạnh mẽ Phía tây và phía nam Đông Dương đã phần nào đã vượt qua những ngọn núi thượng nguồn sông Iraouaddy và thượng nguồn sông Salouen (怒江* Nộ Giang) gây cảm giác đến tận Vân Nam.

Thực ra, các văn bia Hindu - nhân chứng tuyệt vời cho ảnh hưởng này - vẫn còn đang thiếu. Công trình văn khắc thực sự quan trọng duy nhất còn lại của Nam Chiếu c, tấm bia 766 do E. Chavannes nghiên cứu, là tiếng Trung Quốc, được sáng tác bởi một người tị nạn Trung Quốc [7]. Về tấm bia này, E. Chavannes cho rằng Nam Chiếu không có hệ thống chữ viết của riêng mình [8]. Tôi không biết ý kiến ​​của ông có dựa trên các văn bản chính thức mà tôi không được tiếp cận hay không, hay đó chỉ là kết quả của sự thiếu hiểu biết về nơi mà chúng ta không có bất kỳ tài liệu nào bằng văn bản Nam Chiếu. Vấn đề, đối với tôi, vẫn chưa được giải quyết. Gác lại một bên các tô vẽ về người Ma Toa (摩梭* Mosso), có ít nhất hai hệ thống chữ viết phi Hán được sử dụng ở Vân Nam: hệ thống của người Lô Lô (彝族* Di tộc) Bạch Di (*). Người ta chưa biết sự ra đời của các hệ thống này, chắc chắn phải quay lại vài thế kỷ; tuy nhiên, chúng ta cũng vẫn chưa biết thêm bất kỳ văn khắc nào đã được sử dụng; có thể là hệ thống chữ viết Nam Chiếu, nếu nó đã từng tồn tại, cũng chỉ được sử dụng cho mục đích viết tay. Chúng ta cũng không chắc chắn những gì mà hệ thống chữ viết Thoán (ts'ouan) được gọi (phải, đúng*), được phát minh bởi một 阿毘 A T (A-p'i) nào đó; người Thoán của vương quốc Đại Lý đã sử dụng chúng từ thời Nguyên Mông; có khả năng đó là chữ viết của người Lô Lô [9], nhưng vẫn còn đôi chút nghi ngờ. Nếu đúng là trong huyện Lộc Khuyến (祿勸 Lou Ch'iian), châu Vũ Định (* Wu-ting)một tấm bia được khắc trên đá, bằng các ký tự Thoán [10], thì vấn đề sẽ được giải quyết khá dễ dàng. Cuối cùng, có thể có thứ gì đó ở phía Miến Điện. Pagan một cột đá có khắc chữ vào thế kỷ thứ mười một, một mặt của cột có một văn bản không rõ [11]. Ông Huber đã mang về một bản dập; văn bản này dường như liên quan đến các mẫu tự có nguồn gốc Hindu; không xa cột đá, một mảnh đá khác có khắc các mẫu tự giống như vậy [12]. Một câu hỏi đặt ra là vào thế kỷ thứ mười một tộc người nào ngoài người Peguans và Miến Điện, có thể là chủ nhân của các văn bản Hindu được khắc tại Pagan, không ai cấm người ta nghĩ đến người Nam Chiếu [13].

Việc các tù trưởng Nam Chiếu đã thực sự vượt qua ranh giới phía tây Vân Nam và đóng một vai trò quan trọng trong các sự vụ của Thượng Miến Điện, chính là những gì các văn bản trên không cho phép chúng ta nghi ngờ. Sau chiến thắng của ông vào năm 754, Các La Phượng, khi thoát khỏi ách thống trị của Trung Quốc, đã thấy rằng các cuộc chiến đấu của đế chế đã tước bỏ khỏi ông mọi sợ hãi từ phía đông, ông chỉ đạo các đội quân của mình chống lại người 尋傳 Tm Truyến (Siun-Chuan) [14] chiếm các thung lũng thượng nguồn sông Dương Tử và sông Irrawaddy, đồng thời chống lại vương quốc của người Phiêu (P'iao), còn gọi là Miến Điện [15]. Bằng vũ lực của mình, và nhờ vào sự gần gũi với các lãnh thổ kể trên, một văn bản khác của Lịch sử nhà Đường [16] viết rằng người Nam Chiếu luôn giữ quyền kiểm soát vương quốc Phiêu. Sau khi Dị Mưu Tầm thần phục Trung Quốc vào cuối thế kỷ thứ bảy (?*), Vương quốc Phiêu theo gương ông, và năm 802 gửi đến triều đình Tây An Phủ (西安府* Si-ngan-fou) những bài hát của người Phiêu Tân Đường thư có chép một đoạn dài [17]. Năm 832, Nam Chiếu một lần nữa xâm chiếm vương quốc Phiêu và trục xuất 3.000 tù nhân đến Thác Đông (拓東* Tche-tong), Vân Nam trấn ngày nay [18]. Vào đầu năm 863, quân đội Nam Chiếu đã chiếm được Tống Bình* (Hà Nội), những người man (野蠻 dã man) vẫn sống ở phía tây Tầm Truyến (尋傳 Siun-tch'ouan), cũng tham gia vào đội quân xâm lược, và lập trại trên bờ sông Tô Lịch [19]. Nếu truyền thuyết có thể tin được, thì Nam Chiếu thậm chí đã đến hỗ trợ cho người Miến Điện trong một cuộc chiến mà họ ủng hộ chống lại một đạo quân do vua Ceylan (Sri Lanka*) đưa đến. [20]

Vào những năm 809-815, khi những câu chuyện muộn như Nan chao ye che (南詔野史 Nam Chiếu dã sử) can thiệp vào các lĩnh vực này, thì người ta ít gọi Miến Điện trong những bản văn này bằng cái tên Miến (Mien) mà người Trung Quốc dường như đã biết đến sớm nhất trong thế kỷ thứ mười hai [21]. Nhưng sau đó Mahavamsa (महावंश* Đại Biên niên sử Sri Lanka) [22] kể tương đối chính xác việc vua Parakrama Bahu (पराक्रम बहु*] đưa quân đến Pegu trong nửa cuối của thế kỷ thứ mười hai [23]. Truyền thống của các tác giả Trung Quốc, về mặt niên đại là lầm lẫn, nhưng biết đâu lại có thể có một chút sự thật.
_____________________________________

Nguồn: Paul Pelliot 1904. Deux itinéraires de Chine en Inde à la fin du VIIIe siècle, Bulletin de l'Ecole française d'Extrême-Orient. Tome 4, 1904. pp. 131-413. (Paul Pelliot, Professeur à l'Ecole française ď 'Extrême-Orient).

Tác giả: Paul Pelliot (和伯希和 Hòa bá Hy hòa) (1878 – 1945) là nhà Hán học nổi tiếng người Pháp, học trò của Sylvain Lévi và Édouard Chavannes. Ông làm việc tại Viện Viễn đông Bác cổ Pháp - École Franҫaise d’Extrême Orient tại Hà Nội, và năm 1900 ông đã được gửi đi Bắc Kinh tìm kiếm sách cho thư viện của Viện. Thời gian ở Bắc Kinh ông đã bị bắt giữ trong Phong trào 義和團 Nghĩa Hòa Đoàn, và bị kẹt trong giai đoạn phong tỏa các tòa công sứ ngoại quốc.  Pelliot đã thực hiện hai vụ đột phá lãnh thổ đối phương trong thời gian bị phong tỏa. Vì hành động dũng cảm đó, ông đã được thưởng huân chương cao quý nhất Bắc đẩu Bội tinh của Cộng hòa Pháp. Năm 22 tuổi ông trở về Hà Nội và nhận ghế giáo sư Hán học tại Viện, sau đó trở thành giáo sư Hán học tại Collège de France, là nơi tập trung những học giả lỗi lạc và danh giá nhất của nước Pháp. Ông viết tác phẩm lớn Deux itinéraires de Chine en Inde à la fin du VIIIe siècle này khi mới 25 tuổi.

Ghi chú của người dịch:

* Các từ có đánh dấu sao [*] là do tôi, Hà Hữu Nga, trộm tìm, dịch sang tiếng Phạn, tiếng Hán, và tiếng Việt để tiện cho bản thân trong việc nghiên cứu, so sánh và xác định nghĩa của từ mà thôi. 

** Trong khi đó sách Nam Chiếu dã sử của Dương Thận đời Minh chép: “德宗甲子興元元年,牟尋遷居史城,卽大厘城。改號大理國,自稱日東王.”Đức tông giáp tý hưng nguyên nguyên niên, mâu tầm thiên cư sử thành, tức đại lý thành, cải hiệu đại lý quốc, tự xưng nhật đông vương. Dịch nghĩa: Đường Đức tông, Giáp Tý, năm Hưng Nguyên thứ nhất (784), Mưu Tầm thiên đô về Sử thành, tức thành Đại Lý, đổi quốc hiệu là Đại Lý quốc, tự xưng là Nhật Đông vương. 南詔野史上巻,楊慎編輯;胡蔚訂正,Nam Chiếu dã sử, Thượng quyển; Dương Thận biên tập ; Hồ Úy đính chính)
 
Chú thích

1. Parker, The old Thai or Shan empire of Western Yunnan, dans China Review, xx, 337 ss. ; E. Rocher, Histoire des princes du Yunnan, dans Toung pao, x, 1-32, 115-154, 337-368, 437-458.

2. Vì vậy, nói đúng ra, người ta không nên nói các vị vua Nam Chiếu”, vì Nam Chiếu là một tước hiệu chứ không phải là tên một nhà nước. Nhưng thực tế người Trung Quốc đã đặt tên cho đất nước này, và ngay cả cái danh hiệu vào cuối thế kỷ thứ tám vị hoàng đế Trung Quốc phong cho Dị Mâu Tầm 南詔王 Nam Chiếu Vương "Vua Nam Chiếu” (Tân Đường thư, 222 , tr. 4). Vì thuật ngữ này thuận tiện, nên tôi sẽ sử dụng nó.

3
. Đối với tất cả lịch sử của Nam Chiếu dưới thời nhà Đường, tôi đã sử dụng, ngoài các bài viết của các ông Parker và Rocher, từ tr. 222 của sách Tân Đường thư và bản dịch của ông Parker trong Tạp chí Trung Quốc, tr. 72-106, với cái tên The early Laos in China – Những người Lào sớm ở Trung Quốc.

4. Vào năm 1253, Hốt Tất Liệt chiếm Đại Lý. Yule (Marco Polo, h, 80) đưa ra niên đại ít chính xác hơn, 1253-1254; nhưng lại sai lầm khi ông Cordier, trong một ghi chú bổ sung dường như đã không phát hiện ra niên đại đó mâu thuẫn với niên đại của Yule (ibid., ii, 79) là “vào năm 1252 vương quốc Đại Lý đã bị quân Nguyên Mông phá hủy. Xem: Yuan che (* Nguyên s), ni, 2 r° et v°; Yuan che lei pien (元史類* Nguyên sử Loại biên), k. 42, p. 56 v°.

5. Ông H. Cordier (Marco Polo, n, 79) nói rằng Hoàng đế Che-tsou (元世祖* Nguyên Thế tổ) đã ban cho vị vua bị truất ngôi của Đại Lý danh hiệu Maharaja; nhưng phải đến năm 1260 ông mới trở thành hoàng đế Hốt Tất Liệt Thế tổ. ĐóMông Kha* (蒙哥 Nguyên Hiến Tông 元憲宗*), trị vì trong chiến dịch của Hốt Tất Liệt ở Vân Nam, và từ năm 1256 tước hiệu Maharaja cho nhà vua bị phế truất của Đại Lý xuất hiện trong các biên niên sử Nguyên Mông (元史* Nguyên s, iii, 3 v °).

6
. Cf. Parker, The old Thai or Shan empire of Western Yunnan; Pierre Lefèvre Pontalis, L'invasion thaïe en Indo-Chine, dans Toung pao, vin, 57.

7
. Cf. Chavannes, Une inscription duroyaume de Nan-tchao, dans. A., nov.-déc. 1900, pp. 381 ss.

8. Loc. laud., p. 390.

9. Cf. Devéria, La Frontière sino-annamite, (Biên giới Trung Quốc – An Nam) p. 127; Les Lolos et les Miao-tze (Người Lô Lô và Miêu tộc) dans J. A., sept.-oct. 1891, pp. 358-359. Trong l’Athenaeum ngày 23 tháng 9 năm 1882, Terrien de Lacouperie công bố một bài viết mà tôi không xếp trong danh mục tham khảo của tôi, có nhan đề là Lolo not connected with Vei Characters Người Lô Lô không liên quan đến các ký tự Vei ( vĩ: phải, đúng*). A-p'i (阿毘 A Tỳ*) thuộc về bộ tộc Nạp Cấu ( Na keou) là nơi mà người Trung Quốc xếp vào quận thứ cấp hiện tại Mã Long (馬龍Ma-long). Nạp Cấu là một trong 37 bộ lạc hình thành nên một loại liên minh ở phía đông Vân Nam thuộc người Nam Chiếu (xem Toung pao, x, 132).

10. Văn khắc này được đề cập trong Tục Vân Nam Thống ccảo (續雲南通志稿 Sin yun nan ťong iche kao) được xuất bản vào năm 1901 (xem B. E. F. E.-O, m, 751), auk. 192, p. 33 ro.

11. Cột đá này hình tứ giác; một mặt là một dòng chữ Miến Điện, mặt khác một dòng chữ mờ, mặt thứ ba là một dòng chữ Pégouan (Pegu là tên một khu vực cách Yangoon khoảng 80km về phía đông*), mặt cuối cùng là những ký tự chưa được biết rõ. Dòng chữ Miến Điện đã được dịch sang các văn tự Pagan, Piniya và Ava, Rangoon, Government printing, 1899, in-8°, à la p. 97. Đó là một kính vật Hoàng tử Râjakumâra, con trai của vua Sîritribhavanàtityadhammarâjà (Critribhuvanàdityadharmaràja) và Hoàng hậu Trilokavadhamsakâdevi (Trilokàvatamsakadevi) làm vào năm 1084 SCN, sau cái chết của vua cha. Văn bản Pali tương tự với văn bản Miến Điện. Về phần văn tự Pégouan chưa có học giả người Anh nào nghiên cứu, nên các bản văn khắc Pégouan, trong đó có những văn bia lâu đời nhất trên toàn vùng đồng bằng Ấn-Hằng của Ấn Độ cho đến nay vẫn còn chưa được để ý đến.

12. Cf. Inscriptions of Pagan, p. 98.

13. Nếu không tìm thấy văn bản đặc biệt nào tại Nam Chiếu, thì có khả năng là họ đã sử dụng một cách thông thường các ký tự Miến Điện. Do đó, người Pa đã sử dụng nó vào thế kỷ mười ba, và ngày nay bảng chữ cái Pa Dí có nguồn gốc từ bảng chữ cái Miến Điện. Xem Devéria, Biên giới Trung Quốc An Nam, trang. 103.

14. Chiến dịch chống lại người Tầm Truyến (尋傳 Siun-tch'ouan) này được nhắc đến hai lần trong tấm bia năm 766 (Chiivaunes, Une inscription du royaume de Nan-tchao, pp. 430, 438), nơi nó được đặt trong các sự kiện từ năm 757 và các sự kiện khác, năm 763. Điều này phù hợp hoàn toàn với các ghi chép của Cựu Đường thư (к. 197, p.5 v) và Tân Đường thư (к. 222, p.2 vo), đặt sự kiện này ngay sau cuộc nổi dậy của An Lộc Sơn (安祿山 755-757). Sách Man thư (iii, 5), ghi lại câu chuyện không theo trật tự thời gian, cũng nói về chiến dịch chống lại người Tầm Truyến (尋傳 Siun-tch'ouan) này trước khi nhắc đến thất bại của Tiên Vu Trọng Thông (鮮于仲通*), nhưng không đưa ra một niên đại chính xác. Một mô tả ngắn về người Tầm Truyến được lồng trong văn bản Tân Đường thư sau khi đề cập đến tên của họ. Trong bản văn khắc năm 766 (Chavannes, loc. Laud., tr. 431), nói rằng Tầm Truyến nam tiếp giáp với P'o-hai, phía tây thông với Đại Tần (Ta-ts'in)”. P'o-hai có nghĩa là nói đến biển, nhưng tôi không tin rằng văn bản đó, như ông Chavannes nói trong ghi chú, rằng người Tầm Truyến “sát với” biển về phía nam. Từ thông ( tong), là “thông với, được sử dụng cho các vương quốc thực sự giáp giới với nhau, tuy nhiên các nước so với Trung Quốc, mở ra con đường đến với các nước khác cũng có nghĩa là thông với nhau. Trong mọi trường hợp, các văn bản của Man thư không hề để lại chút nghi ngờ nào về việc Tầm Truyến nằm trong các thung lũng vùng thượng nguồn sông Dương Tử và sông lraouaddy (Man thư, k. 2, p. 3r°; k. 4, p. 6 v°); nếu người Tầm Truyến thông với biển thì đó có nghĩa là qua Miến Điện.

15. Vấn đề vương quốc Phiêu ( P'iao) cũng sẽ được thảo luận thêm. Tân Đường thư (к. 222, p. 2 vo) và Man thư (k. 3, tr. 5) đề cập đến việc thần phục Trung Quốc của người Phiêu cùng với người Tầm Truyến, nhưng nước Phiêu lại không có tên trong văn bia năm 766 hoặc trong Cựu Đường thư, trong khi Man thư vẫn nói về các chiến dịch của Các La Phượng Phiêu quốc trong k. 10, p. 1 vo.

16. Sin T’ang chou, к. 222, p. 5 го

17. Cựu Đường thư, к. 197, p. 7 vo ; Tân Đường thư, к. 222*, pp. 5 et ss. Tân Đường thư lại chỉ viết về việc đi sứ này trong thời Trinh Nguyên (貞元 785-805), nhưng không nói rõ năm nào. Cựu Đường thư, trong đoạn viết về Phiêu quốc (k. 197. p. 7 v°), nói đó là vào năm thứ 8 (792); nhưng bằng cách tham khảo biên niên sử của chính cuốn sách đó (k 13, p 14 ro), chúng tôi thấy cần phải sửa năm thứ 8 bằng năm thứ 18, đó là năm 802. Chính sự kiện này  trong năm 802 đã được ghi trong Tư trị Thông giám (Tseu tche t’ong kien 資治通鑒*) (k. 236, p. 2r °).

18. Tân Đường thư, к. 222, p. 7 v° ; Man thư, k. 10, p. 2 ro. Man thư (k. 10, p. 1 v°) cũng nói về một trận chiến mà Nam Chiếu đã chỉ đạo vào năm 835 chống lại vương quốc Mi Thần ( ) trên vịnh Bengal và kết quả là 3.000 tù nhân được cho là đã bị bóc lột bằng cách đãi cát tìm vàng trên núi Li Thủy (). Nhưng có lẽ có sự nhầm lẫn với cuộc chiến năm 832.

19. Bọn Dã man, hoang dã, hoặc Lõa Man (裸蠻), thường được nhắc đến trong ghi chép của Tân Đường thư về người Tầm Truyến (尋傳 Siun-tch'ouan) (Chavannes, loc. Laud 431). Nó có thể là Kachin, vẫn được người Trung Quốc gọi là nhân (野人), không có chỉ định khác (Scott, Gazetteer, I, i, 369). Dã nhân được nhắc đến nhiều lần trong Man thư, ở đó cũng dành cho họ một đoạn riêng biệt (k. 4, p.7 ro). Họ được thể hiện như những kẻ man rợ thực sự sống cách người Tầm Truyến 300 hải lí về phía; họ thực hành chế độ đa phu; Các La Phượng lần đầu tiên bắt họ thần phục trong cuộc chinh phạt người Tầm Truyến của ông. Đây chính là văn bản của Man thư giúp ta biết sự hiện diện của Dã nhân Tống Bình* (Hà Nội) năm 863.

20. Terran Lacouperie (Cái nôi của chủng người Shan - The Cradle of the Shan race, p. 27) nói rằng tổ tiên của người Karen ngày nay bị trục xuất khỏi Trung Quốc theo đường Yong-chang (Vân Nam Đông [sic]), số lượng 200.000 gia đình, vào năm 778 SCN, J.C nói đến vị vua hùng mạnh của Nam Chiếu, khi ông phá hủy phần phía tây của nước Thoán (ở phía bắc Quảng Tây [sic]). Đây là tưởng tượng thuần túy, và tôi thậm chí cũng không đề cập đến phát minh này khi nó đã được đăng trong Từ điển Địa lý tuyệt vời về Thượng Miến Điện và các bang Shan của Ngài J. Scott (I, i, 193).

21. Xem ấn bản Nam Chiếu dã sử (南詔野史, auk. 8, pp. 14, ro, trong Yun nan pei cheng tche; ấn bản Điền Khảo (滇攷) của Phùng Tô ( ) và к. 12, p. 6 vo, cũng trong công trình đó.

22. Theo sách Độc sử phương dư kỷ yếu (讀史方輿紀要 k. 119, p. 2 v °), vị sứ thần đầu tiên của người Miến () đến Trung Quốc được biết là từ năm 1104, sớm hơn một năm so với sứ thần Pagan (浦甘Phổ Cam) thực sự được đề cập đến trong Tống sử (宋史 k 20, p 2ro). Có lẽ có một sứ thần khác của người Miến trong thời Thiệu Hưng (紹興, 1131-1162). Tôi không tìm thấy bất kỳ ghi chép nào trong Tống sử về vị sứ thần năm 1104 hoặc 1131-1162.

23. Mahāvamsa, trans. Wijesinha, ch. 76, tr. 229-232; Khys Davids, The conquest of south India in the twelfth century by Parakrama Bahu, in J. A. S., b. xli, pp. 197-199. Biên niên sử Miến Điện không nói về cuộc xâm lăng Sinhala này. Phayre, Lịch sử Miến Điện, ấn bản giá rẻ, London, Trubner, 1884, nhỏ trong -8 °, tr. 50.



4 nhận xét:

  1. Cháu chào bác ạ.

    Cháu cảm ơn bác vì những bài viết, bài dich rất thú vị của bác trên blog này. Thực sự là cháu làm độc giả của bác đã rất lâu rồi nhưng hôm nay cháu mới dám xuất lộ như thế này ạ.
    Cháu chúc bác mãi mạnh khỏe và hạnh phúc trong cuộc sống.

    Thân mến
    Cháu Mạnh

    Trả lờiXóa

  2. Rất vui được Manhkch ghé thăm và động viên, mong có dịp được gặp Mạnh ở ngoái đời để trò chuyện. Hình như cháu cũng dân KCH?

    Thân
    Kattigara

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bác thân mến,

      Cháu tốt nghiệp ở Bộ môn Khảo cổ học năm 2012 của trường Nhân văn Hà Nội ạ. Hiện cháu đang làm nghiên cứu sinh năm 2 về ngành quản lí tài nguyên di sản bên Nhật. Ngoài những bài về Champa hay Óc Eo, Phù Nam cháu rất hay vào trang của bác để đọc các bài về lý thuyết khảo cổ học, cái mà người Việt chúng ta còn thiếu và yếu. Những bài viết, bài dịch của bác góp phần bổ khuyết cho cháu, mở ra nhiều chân trời mới trong học thuật cho cháu trong những năm qua.

      Cháu cũng hi vọng sớm được gặp bác!

      Thân mến,
      Cháu Mạnh

      Xóa
  3. Rất vui được có một đồng nghiệp như cháu. Chúc cháu thành công với sự nghiệp của mình. Nhân Tết tây, chúc cháu hạnh phúc và thành đạt. Mong gặp cháu một ngày nào đó ở VN.

    Thân

    Kattigara

    Trả lờiXóa