Powered By Blogger

Thứ Hai, 15 tháng 10, 2018

Nam Chiếu man (I)



Nam Chiếu man [1], vốn là biệt chủng Ô Man [2], dòng tộc Mông thị vậy. Người Man gọi vua là “chiếu”. Đó chính tiếng Ai Lao sau này, họ đời đời sống ở Mông Xá châu làm thủ lĩnh tại phần đông quận cũ Vĩnh Xương [3] thời Hán, tây Diêu Châu [4]. Các cừ soái tổ tiên có 6 vị, gọi là lục chiếu, binh lực ngang nhau, mỗi chiếu đều có quân trưởng, nhưng không có thống súy (người chỉ huy quân đội) riêng. Thời nhà Thục, do Gia Cát Lượng chinh phạt nên tất cả đều thần phục. Nam Chiếu những năm đầu có Mông Xá Long, sinh ra Già Độc Bàng, Độc Bàng sinh Tế Nô La, thời Đường Cao Tông có về chầu. Tế Nô La sinh La Thịnh, thời Vũ Hậu có về chầu. Vợ Thịnh đang bụng mang dạ chửa, La Thịnh đến Diêu Châu nghe tin vợ sinh con, nói: “Ta mà có con thì chết ở đất Đường cũng đáng lắm thay!”. Con Thịnh tên Thịnh La Bì. La Thịnh đến kinh sư, được ban cho áo bào gấm có đai vàng mà về.

Năm đầu Khai Nguyên, La Thịnh chết, con Thịnh là Thịnh La Bì kế ngôi. Thịnh La Bì chết, con là Bì La Các lên thay. Năm thứ 26, Chiếu vương được ban đặc tiến [5] phong là Việt Quốc công, lại ban cho tên gọi Quy Nghĩa [7]. Sau khi đánh bại người man Nhị Hà [8], nhờ có công lao này mà được thụ phong Vân Nam vương. Quy Nghĩa dần dần cường thịnh, trong khi năm chiếu còn lại trở nên sa sút yếu đuối. Sự vụ quan trọng nhất là tiết độ sứ [9] Kiếm Nam [10] Vương Dục nhận hối lộ của Quy Nghĩa, tấu về triều là lục chiếu đã hợp thành duy nhất một chiếu. Rồi đó Quy Nghĩa lấy hết năm chiếu, nuốt chửng quần man, đánh bại lũ chúng Thổ Phồn [11], quan binh ngày càng kiêu căng tự đại. Mỗi lần về chầu, triều đình đều phải hậu đãi đặc biệt.

Năm thứ 27 dời đến thành Đại Hòa. Năm Thiên Bảo thứ tư, Quy Nghĩa sai cháu Phụng Già Dị về triều, được thụ phong Hồng Lô khanh [13]. Trở về nước được ban thưởng rất hậu nên Quy Nghĩa có ý cao đại. Thời tiết độ sứ Kiếm Nam là Chương Cừu Kiêm Quỳnh, sai sứ đến Vân Nam, với Quy Nghĩa giao tiếp không tương đắc nên Quy Nghĩa có ý để bụng.

Năm thứ bảy, Quy Nghĩa chết, Nam Chiếu lập con Quy Nghĩa là Các La Phượng thế tập Vân Nam vương. Chẳng bao lâu sau, Tiên Vu Trọng Thông nhậm chức tiết độ sứ Kiếm Nam, Trương Kiền Đà làm thái thú Vân Nam. Trọng Thông tính khí nhỏ nhen, kế sách nông cạn, Kiền Đà giả trá, lường gạt, cư xử bất chấp lễ nghi. Chuyện cũ, Chiếu vương thường chẳng thà đưa vợ con đến yết kiến đô đốc còn hơn để Kiền Đà tự đến. Có những yêu cầu phần nhiều Các La Phượng không đáp ứng, Kiền Đà sai người nhục mạ, nhưng lại mật tấu về triều là tội lỗi của ông ta. Các La Phượng phẫn uất, nhân đó phát binh đánh trả, bao vây và giết chết Kiền Đà vào năm Thiên Bảo thứ 9.

Năm sau, Trọng Thông dẫn quân binh vượt Nhung Châu [14], Tây Châu [16]. Các La Phượng sai sứ giả đến tạ tội, nhưng lại cùng lục sự tham quân Vân Nam Khương Như Chi cùng đến, xin trao trả tù binh bắt được, lại nói: “Đại binh Thổ Phồn đến sát biên giới, nếu không hứa, lại theo về với Thổ Phồn, thì vùng đất Vân Nam sẽ chẳng còn là sở hữu của nhà Đường nữa rồi”. Trong Thông không hứa, lại bắt giam sứ giả, tiến quân đến sát thành Đại Hòa, khiến Nam Chiếu xem chừng thất bại. Tự mình, Các La Phượng quy phục Thổ Phồn ở phía bắc. Thổ Phồn ban phong cho Các La Phượng làm Tán Phổ Chung, tên hiệu là Đông đế, lại ban cấp cho ấn vàng. Thổ Phồn man gọi Các La Phượng là “em trai Chung”, đó là năm Thiên Bảo thứ 11 vậy.

Năm thứ 12, tiết độ sứ Kiếm Nam Dương Quốc Trung cầm quyền đất nước, nhưng lại tấu là đi chinh phạt Thiên hạ binh, khiến cho quan lưu hậu [17], thị ngự sử [18] Lý Mật  dẫn hơn 10 vạn quân tiếp ứng cho Trung ở bên ngoài. Đi vào vùng Nhị Hải, khí độc và chết chóc luôn theo cùng, Thiên hạ bắt đầu tao loạn thật là cực khổ. Mật lại thua trận ở mạn bắc thành Đại Hòa, người chết đến tám chín phần. Gặp lúc An Lộc Sơn làm phản, Các La Phượng thừa cơ đánh chiếm Tây Châu, nhân khi tụ họp quân binh, quay về phía tây thu phục Tầm Truyến man.

Đường Đại Lịch năm thứ 14 (năm 779), Các La Phượng chết, con trai của Phượng Già Dị, cháu nội Các La Phượng là Dị Mưu Tầm kế ngôi. Tầm ham hiểu biết, có tài trí, giỏi vỗ về thần dân. Thổ Phồn bắt Nam Chiếu lao dịch thuế má rất nặng, lại cưỡng chiếm các khu vực hiểm yếu của các man tộc xây thành quách, đồn bảo, hàng năm đều trưng binh để đảm bảo trấn áp và phòng giữ, Mưu Tầm càng cay đắng chán ghét. Có Trịnh Hồi, vốn người Tương Châu, thời Thiên Bảo trúng cử khoa minh kinh [19], được bổ làm huyện lệnh Tây Lô thuộc Tây Châu. Tây Châu bị Nam Chiếu đánh chiếm, Hồi trở thành tù binh. Vì Hồi có Nho học nên Các La Phượng đổi tên Hồi thành Man Lợi, rất mực trọng ái, và lệnh cho Hồi dạy dỗ Phượng Già Dị. Đến khi Dị Mưu Tầm lên ngôi, lại cho dạy dỗ Tầm Mộng Thấu. Hồi làm Man sư đã lâu, trong công việc truyền dạy, dù có là con cháu vua như Mưu Tầm, Mộng Thấu thì Hồi vẫn dùng roi đánh, chủ ý làm cho kính sợ. Nam Chiếu coi quan tướng là thanh bình quan [20], gồm có 6 người. Mưu Tầm lấy Hồi làm thanh bình quan, mọi việc đều cùng bàn bạc, điều hành chính sự.
_____________________________________   

Người dịch: Hà Hữu Nga

Nguồn: 舊唐書/197, 15 南詔蠻 (Cựu Đường thư, quyển 197, 15).

Ghi chú của người dịch

[1] Man (): Thời cổ trung đại, Trung Quốc gọi các chủng người phương nam là man. Sách Lễ kí, Vương chế viết: “Phương nam gọi là man, Giao Chỉ xăm trán, đó là bọn ăn sống nuốt tươi vậy” (南方曰蠻,雕題交趾,有不火食者矣 Nam phương viết man, điêu đề giao chỉ, hữu bất hỏa thực giả hĩ). Vương Bột: “Khâm Tam Giang nhi đái Ngũ Hồ, khống Man Kinh nhi dẫn Âu Việt” (襟三江而帶五湖,控蠻荊而引甌越 Vạt áo Tam giang hệt như chiếc dây lưng Ngũ hồ, khống chế Man Kinh, dẫn đường đến Âu Việt (Tam giang là ba con sông gần Thái hồ, gồm: Tùng Giang, Tiền Đường, và Phổ Dương ; Man Kinh là vùng đất của người Sở thời Xuân Thu)

[2] Ô man (烏蠻) là một thị tộc cổ đại ở tây nam Trung Quốc; thời Tùy Đường  xã hội người Hán ở Trung Nguyên phát triển, trong khi đó các xã hội thiểu số tây nam ở trình độ phát triển thấp hơn, phiếm xưng là Ô Man, Bạch Man. Triều Đường gọi chung “Mông Tây”, “Mông Xá”, “Đặng Đảm” cũng như người Ai Lao là Ô Man (Tân Đường thư, Nam Man thượng). Nam Chiếu, hoặc còn gọi là Hạc Thác, Long Vĩ, Tư Mỵ, Dương Kiếm, về sau là người Di Ai Lao cũng đều là biệt chủng Ô Man.

[3] Quận Vĩnh Xương(永昌) được khởi lập vào thời Đông Hán bao gồm phần tây Vân Nam, bắc Miến Điện.

[4] Diêu Châu (姚州) năm Vũ Đức thứ tư (621) thời nhà Đường lấy vùng đất Diêu gồm nhiều họ tộc dựng đặt thành Diêu Châu và thêm vào cả huyện Diêu Thành, có 3700 hộ, trị sở đóng tại huyện Diêu An, Vân Nam ngày nay, với 3 huyện: Diêu Thành, Lô Nam, Trường Minh. Diêu Châu đô đốc phủ lập ra các châu ki mi [14], gồm: Dị châu, Ngũ Lăng châu, Tụ châu, Hòa Vãng châu, Xá Lợi châu, Phạm Đặng châu, Dã Cộng châu, Hồng Lang châu, Nhật Nam châu, Mi Đặng châu, Mi Bị châu, Lạc Nặc châu (Tham khảo:新唐書誌第三十二地理六,新唐書誌第三十三下地理七下 (Tân Đường thư chí đệ tam thập nhị địa lí lục, Tân Đường thư chí đệ tam thập tam hạ địa lí thất hạ).

[5] Đặc tiến (特進) đối với người Trung Quốc cổ đại là một vị trí quan chức cao trọng, thời Đông Hán đặc tiến chỉ dưới tam công [6], trên bậc chư hầu. Đến thời nhà Đường vị thế đặc tiến gần như là Tam tư (Tư đồ, Tư mã, Tư không), đó là chức đặc tiến “khai phủ nghi đồng tam tư”. Khai phủ nghĩa là tự thiết lập phủ thự, quan lại, liêu thuộc cho mình. Được trao thêm “nghi đồng tam tư” thì có nghĩa là gần đạt tới mức đãi ngộ như Tư đồ, Tư mã, Tư không rồi. Từ thời Ngụy Tấn đến Nguyên triều, “khai phủ nghi đồng tam tư” chỉ dành cho các đại thần có công lao cực kỳ cao trọng. 

[6] Tam công () gồm ba chức quan là Thái sư (太師), Thái phó (太傅) và Thái bảo (太保) có từ thời nhà Chu. Đến thời Tây Hán, Tam công bao gồm Tể tướng, sau đổi thành Đại Tư đồ, quản lý về hành chính; Thái úy, sau đổi thành Đại tư mã quản việc binh nhung; Ngự sử đại phu, sau đổi thành Đại tư không chuyên trách giám sát. Thời Đông Hán, Tam công gồm Tư đồ (司徒), Tư mã (司馬), Tư không (司空), và gọi là Tam tư (三司), cấp bậc dưới Thượng công (上公) là Thái phó. Bắc Ngụy đổi lại thành Thái sư, Thái phóThái bảo, gọi là Tam sư Thượng công (三師上公). (Tham khảo: 《周禮春宮典命》(Chu lễ Xuân thu điển mệnh); 《書.周官》(Thư, Chu quan); 《漢書.百官公卿表上》(Hán thư, Bách quan công khanh biểu thượng); 《元史.百官志一》(Nguyên sử, Bách quan chí nhất)

[7] Quy Nghĩa [歸義] hai chữ này có hàm ý là quay về với với phép tắc, đạo lý, lẽ phải của nhà Đường. Trong khi đó ta biết Bì La Các, người thống hợp 6 chiếu riêng rẽ thành Nam Chiếu, được người Thái và Lào gọi là Khun Borom Rachathirath, và còn là tổ tiên huyền thoại và tổ phụ của các sắc tộc Lào Thái. Năm Đường Khai Nguyên thứ 26 (738), Bì La Các với sự trợ giúp của nhà Đường đã thu phục được ngũ chiếu gồm La Quân Chiếu, Lãng Khung Chiếu, Thi Lãng Chiếu, Việt Tích Chiếu, Mông Hề Chiếu. Nhà Đường phong cho Bì La Các làm Vân Nam Vương, ban danh là Mông Quy Nghĩa. Bì La Các lấy vùng tây Nhị Hà, còn gọi Nhĩ Hải làm cơ sở kiến lập nên vương quốc Nam Chiếu. Năm sau, dời đô về thành Thái Hòa, tức thành Đại Lý sau này. Theo huyền thoại về Khun Borom, thì Đế thiên Indra, đã cử con trai là Khun Borom xuống lãnh đạo người Thái. Khun Borom trị vì người Thái trong 25 năm, dạy họ cách sử dụng các công cụ mới và các nghệ thuật khác. Sau khoảng một phần tư thế kỷ này, Khun Borom chia vương quốc Thái cho bảy người con trai của ông, mỗi người được một phần của vương quốc đế cai trị. Người con trai cả, Khun Lo, được ban cho vương quốc Muang Sua – Luang Prabang ngày nay. Những người con trai khác được trị vì Xiengkhuang (Lào), Auuthaya, Chiang Mai (Thái Lan), Sipsong Pan Na (Vân Nam), Hamsavati - nhà nước của người Môn tại Myanma ngày nay), và một khu vực chưa rõ, có thể thuộc Tây Bắc hoặc Bắc Trung bộ Việt Nam. (Wyatt, David K. (2003). Thailand: A Short History, New Haven (Yale University Press).

[8] Nhị Hà(洱河)thuộc tây bắc châu tự trị Bạch tộc Đại Lý, Vân Nam, Trung Quốc, còn gọi là Tây Nhị Hà, Diệp Du hà, Diệp Du trạch, Di Hà, Côn Minh Xuyên, Côn Minh Trì. Hồ Nhị Hà nằm trên độ cao 1.972 m trên mực nước biển, theo chiều bắc-nam hồ dài 40 km và theo chiều đông-tây hồ rộng trung bình khoảng 7–8 km, với diện tích khoảng 250 km², và là hồ lớn thứ hai trên cao nguyên tại Trung Quốc, chỉ sau hồ Điền Trì (298 km²). Chu vi hồ là 116 km, độ sâu trung bình khoảng 11 m, độ sâu tối đa tới 20 m và tổng dung tích chứa nước đạt tới 2,5-2,82 tỷ m³. Phía tây hồ Nhị Hà là núi Thương Sơn, phía đông có núi Ngọc Án bao quanh. Hồ bắt đầu từ hương Giang Vĩ, huyện Nhĩ Nguyên ở phía cực bắc và kết thúc tại thành phố Đại Lý ở phía tây nam, nhận nước từ Di Tư và sông Di Tỳ ở phía bắc, sông Ba La ở phía đông nam và khoảng 18 sông suối nhỏ từ dãy núi Thương Sơn. Diện tích lưu vực của nó khoảng 2.565 km². Sông Dạng Giang là nơi thoát ra của hồ ở phía tây nam và cuối cùng đổ vào sông Lan Thương, tức sông Mê Kông.  (洱海 (2013).大理州旅游展管理委[引用日期- Hoàn Nhị Hải, Đại Lý châu lữ du phát triển quản lí ủy viên hội [dẫn dụng nhật kì 2013-11-21])  

[9] Tiết độ sứ (節度使) ban đầu là chức võ quan cai quản quân sự một phiên trấn thời nhà Đường, Trung Quốc khoảng năm 710-711. Dần dần, Tiết độ sứ kiêm quản hành chính, tài chính địa phương và cuối cùng trở thành lãnh chúa cha truyền con nối. Khoảng năm 710-711, để đối phó với Thổ Phồn, Đường Duệ Tông đã bổ nhiệm Đô đốc Lương Châu là Hạ Bạt Diên Tự làm Hà Tây tiết độ sứ cai quản quân sự của vùng Hà Tây. Thời Khai Nguyên và Thiên Bảo, Đường Huyền Tông bổ nhiệm 10 tiết độ sứ tại các vùng dọc biên giới: Thích Tây, Bắc Đình, Sóc Phương, Phạm Dương, Hà Tây, Hà Đông, Lũng Hữu, Bình Lô, Kiến Nam, Lĩnh Nam. Ban đầu, chỉ có các vùng biên viễn mới có Tiết độ sứ; nhưng sau loạn An Sử, triều đình lo ngại tàn quân An-Sử nổi dậy nên nhiều vùng nội địa cũng bổ nhiệm Tiết độ sứ. Cuối thời Đường, số lượng tiết độ sứ đã lên đến khoảng 50, phạm vi quản lý của tiết độ sứ thu hẹp hơn trước, chỉ còn vài châu được gọi các phiên trấn là "quân" hoặc "đạo"; các phiên trấn hoàn toàn độc lập khiến cho triều đình hữu danh vô thực và cuối cùng triều Đường bị lật đổ bởi viên tiết độ sứ hùng mạnh là Chu Ôn. (唐會要》卷七八“Đường hội yếu”, quyển thất bát;《新唐書志》第三十九下「百官」四下:《通典》卷第三十二;岳珂《愧郯錄旌節》“ Tân đường thư, chí”, đệ tam thập cửu hạ (bách quan), tứ hạ: “Thông điển”, quyển đệ tam thập nhị;宋史職官十一》“Tống sử, chức quan thập nhất”.

[10] Kiếm Nam(劍南) thời Đường Thái Tông năm Trinh Quán nguyên niên (năm 627), bỏ chế độ Trừ Châu, đổi Ích Châu lập Kiếm Nam đạo, trị sở đặt tại phủ Thành Đô. Do vị trí ở Kiếm Môn quan nên lấy Nam, dùng tên cũ. Khoảng năm Khai Nguyên đặt Kiếm Nam tiết độ sứ. Sau loạn An Sử [12], Càn Nguyên nguyên niên (758) tách thành Kiếm Nam Tây Xuyên tiết độ sứ, và Kiếm Nam Đông Xuyên tiết độ sứ. Địa hạt tương đương với hầu hết tỉnh Tứ Xuyên ngày nay, sông Lan Thương, tỉnh Vân Nam, một dải Ai Lao sơn về phía đông giáp Bắc Đoan, tỉnh Quý Châu, Văn Huyện tỉnh Cam Túc. (新唐書·地理志Tân Đường thư, Địa lý chí). 

[11] Thổ Phồn (吐蕃), còn gọi là Thổ Phiên hay Thổ Phiền, tồn tại từ năm 618 đến năm 842 SCN, do Tạng tộc cổ tại cao nguyên Thanh Tạng tạo dựng thành nhà nước, kéo dài hơn 200 năm, kiểm soát gần như toàn bộ con đường tơ lụa suốt từ thế kỷ VII đến thế kỷ IX. Người phương Tây gọi là Đế quốc Tây Tạng. Người có công thống nhất Thổ Phồn là  Songtsän Gampo (松贊乾布 Tùng Tán Can Bố). Kinh đô của Thổ Phồn nằm ở thành phố Lhasa ngày nay. Từ thế kỷ VIII, Thổ Phồn theo hẳn đạo Phật. Tùng Tán Can Bố đã lấy công chúa Văn Thành của nhà Đường. Song từ sau loạn An Sử, Thổ Phồn chủ trương phát triển sức mạnh quân sự và đã từng đánh tới kinh đô Trường An của nhà Đường ở Tây An, chiếm cả vùng Thanh Hải ngày nay. Năm 851, các vùng đất chiếm của nhà Đường thời kỳ loạn An Sử bị nhà Đường lấy lại. Năm 877, những cuộc nổi loạn làm cho Thổ Phồn diệt vong. Dần dần, các vùng lãnh thổ của Thổ Phồn bị sát nhập vào Trung Quốc. (才讓.吐蕃史稿:歷史:甘肅人民出版社,人民出版社,201061,Tài Nhượng. Thổ Phồn sử cảo: Lịch sử: Cam Túc Nhân dân Xuất bản xã, Nhân dân Xuất bản xã, 2010 niên 6 nguyệt 1 nhật; 《資治通鑑》卷二四九,8059,8061,Tư trị thông giám, Quyển nhị tứ cửu, đệ 8059, 8061 hiệt;《新唐書》卷二一六上,6071,Tân Đường thư, Quyển nhị nhất lục thượng, đệ 6071 hiệt;《後漢書》卷八七,2898, Hậu Hán thư, Quyển bát thất,đệ 2898 hiệt). 

[12] Loạn An Sử (安史之亂: An Sử chi loạn) là cuộc biến loạn xảy ra giữa thời nhà Đường thời Đường Huyền Tông Lý Long Cơ, kéo dài từ năm 755 đến năm 763, do An Lộc Sơn và Sử Tư Minh cầm đầu. Trong thời gian nổi dậy, cả An và Sử đều xưng là Yên Đế. Do xảy ra vào thời Thiên Bảo, Đường Huyền Tông, nên cuộc bạo loạn này còn được gọi là Thiên Bảo chi loạn (天寶之乱). Đây là một trong biến loạn lớn nhất trong lịch sử Trung Quốc, đã làm suy yếu gần như hoàn toàn triều đại nhà Đường hơn 200 năm hưng thịnh. 《通鑑》卷二一六記載,“Thông giám Quyển nhị nhất lục kí tái.新唐書‧列傳第一百四十八上. “Tân Đường thư, Liệt truyn đệ nhất bách tứ thập bát thượng”.《舊唐書》卷19下《僖宗紀》“Cu Đường thư”, Quyển 19 hạ “Hi Tông kỉ”.)

[13] Hồng Lô khanh (鴻臚卿), thời Tần Hán có Đại Hồng lô, từ Đông Hán trở đi chủ về lễ nghi trong triều. Các thời Lương, Trần, Bắc Ngụy gọi là Hồng Lô tự. Thời Đường đổi Hồng Lô tự thành Đồng Văn tự, Khanh và Thiếu Khanh đổi thành Đồng Văn tự Chính khanh và Đồng Văn tự Đại phu. Từ năm 670 lại theo thể lệ cũ [Đỗ Văn Ninh (2002). Từ điển chức quan Việt Nam, Nxb. Thanh Niên, tr.332-333].

[14] Nhung Châu(戎州) thời Nam Bắc triều Trung Quốc lập ra châu này. Nam Triều thời Đại Đồng thập niên (năm 544) nhà Lương lập Nhung Châu, cai quản huyện Bặc Đạo (ngày nay là thành phố Nghi Tân, tây nam Tứ Xuyên. Bắc Chu đổi tên là huyện Ngoại Giang, triều nhà Tùy khôi phục tên cũ, đồng thời chuyển đổi cai quản vùng Nghi Tân ngày nay). Đời đầu Tùy Dượng đế đổi thành quận Kiền Vi; năm Vũ Đức nguyên niên (618) đời Đường Cao Tổ khôi phục Nhung Châu. Địa giới tương đương các huyện thị Nghi Tân, Nam Khê, Bình Sơn, tỉnh Tứ Xuyên ngày nay. Năm Trinh Quán thứ 4 (630) lập đô đốc phủ. Thời Thiên Bảo đã từng đổi tên là quận Nam Khê. Từ thời Thiên Bảo trở đi, phía nam Kim Sa giang ngày nay vùng đất này trực thuộc các châu ki mi [15] nhập vào Nam Chiếu. Chính Ba Thục thông với Vân Quý qua cửa này, và chính đây là then chốt giao thông giữa nhà Đường và Nam Chiếu. Thời nhà Đường chế độ cai quản các châu thường luôn biến đổi, Vũ Đức cai quản huyện Nam Khê (nay là thành phố Nghi Tân, phía đông trấn Lý Trang, Tứ Xuyên), thời Trinh Quán khôi phục chế độ cai quản huyện Bặc Đạo, Trường Khánh thì cai quản huyện Nam Khê, thời Trinh Nguyên tái cai quản huyện Bặc Đạo. Thời Bắc Tống, năm Chính Hòa thứ 4 (1114) đổi làm Tự Châu.(宜賓建置沿革.中共宜賓市委黨史研究室(市地方志辦公室).2013-05-03[引用日期2014-08-13] Nghi Tân kiến trí duyên cách. Trung cộng Nghi Tân thị ủy đảng sử nghiên cứu thất (thị địa phương chí bạn công thất). 2013 - 05-03 [dẫn dụng nhật kì 2014-08-13])

[15] Châu ki mi (): “ki, là cái dàm đầu ngựa vậy; mi, dẫn trâu bò vậy” (史記·司馬相如傳·索隱, Sử ký, Tư Mã Tương Như truyện, Tác Ẩn). Nhà Đường theo thông lệ lập các châu ki mi để quản lý các sắc dân thần thuộc, trong đó ki có nghĩa là cái dàm đầu ngựa, còn  mi có nghĩa là “giữ bò bằng vòng cổ”; đó chính là một cách thức tổ chức để cai trị người bản địa; các châu mục thì do người Trung Quốc chỉ định, và họ có quyền thế tập (Paul Pelliot 1904. Deux itinéraires de Chine en Inde à la fin du VIIIe siècle, Bulletin de l'Ecole française d'Extrême-Orient. Tome 4, 1904. pp. 131-413. (Paul Pelliot, Professeur à l'Ecole française ď 'Extrême-Orient).

[16] Tây Châu (): Thời Nam Triều, niên hiệu Đại Đồng thứ 3 (năm 537) nhà Lương, Vũ Lăng vương Tiêu Kỷ lập ra Tây Châu. Năm Thiên Hòa thứ 5 (năm 570) nhà Bắc Chu, đổi thành Tây Ninh châu, rồi lại đổi thành Nghiêm Châu. Năm Khai Hoàng thứ 6 (năm 586) nhà Tùy phục hồi lại Tây Ninh châu, năm thứ 18 lại đổi làm Tây Châu. Trị sở tại huyện Việt Tây (ngày nay là thành phố Tây Xương, tỉnh Tứ Xuyên). Địa vực tương đương các huyện thị Miện Ninh, Việt Tây, Mỹ Cô ở phía nam, Kim Sa Giang phía tây bắc, Diêm Nguyên, Diêm Tỉnh phía đông tỉnh Tứ Xuyên. Những năm đầu niên hiệu Đại Nghiệp, lại đổi thành quận Việt Tây. Niên hiệu Vũ Đức nguyên niên (năm 618) thời nhà Đường phục hồi Tây Châu. Rồi lại lập đô đốc phủ, cai quản 16 châu ki mi. Năm Chí Đức thứ 2 (năm 757) bị Thổ Phồn đánh chiếm. Năm Trinh Nguyên thứ 13 (năm 797) thu hồi được. Năm Thái Hòa thứ 5 (năm 831) lại thuộc quyền Nam Chiếu cai quản, năm thứ 6 dời trị sở về huyện Thai Đăng (nay là phía nam huyện Miện Ninh, Tứ Xuyên). Sau thời Hàm Thông lại nhập vào Nam Chiếu, đổi thành phủ Kiến Xương. [舊唐書, 中華書局點校本 (Cựu Đường thư, Trung Hoa Thư cục điểm giáo bản)《新唐書, 中華書局點校本 (Tân Đường thư, Trung Hoa Thư cục điểm giáo bản)].
 
[17] Lưu hậu (
留後) là chức quan quân sự, tiết độ sứ xuất chinh hay nhập triều thường lấy kẻ thân tín làm lưu hậu, xử lý việc quân tại nơi phiên trấn mà mình phụ trách. Thời nhà Đường, sau loạn An Sử, dần dần hình thành các thế lực địa phương, các tiết độ sứ thường đưa con em giữ chức lưu hậu. Đối với những quân nhân có quyền lực, tự phong mình là lưu hậu thì có khi được triều đình thừa nhận, có khi không; nếu không được thừa nhận thì thường thường sinh bùng nổ phản loạn. [(《新唐書·兵志(Tân Đường thư, Binh chí);《舊唐書·裴度傳》(Cựu Đường thư, Bùi Độ truyện)]

[18] Thị ngự sử (侍御史) là tên chức quan thuộc Ngự sử đài. Thời Tần có Trụ hạ Ngự sử, cũng gọi là Thị ngự sử. Thời Tây Hán thành lập Ngự sử đài. Thời Đường, Thị ngự sử thuộc Đài viện, cứu xét trăm quan. [Đỗ Văn Ninh (2002). Từ điển chức quan Việt Nam, Nxb. Thanh Niên, tr.668].

[19] Minh kinh(明經), Triều Hán xuất hiện các khoa mục tuyển cử quan viên, bắt đầu từ thời Hán Vũ đế đến thời Tống Thần Tông thì phế bỏ. Người được lựa chọn cần phải hiểu biết, thành thạo các môn học và kinh sách, cho nên cố lấy cho bằng được cái danh “minh kinh”. Cung Toại, Địch Phương Tiến đều đạt được “minh kinh nhập sĩ”. Minh kinh đều do quận quốc hoặc công khanh tiến cử, người được cử chỉ xuất hiện sau khi qua kỳ đấu văn sách để xác định thứ bậc mà đạt được chức vị, như thời Tây Hán có Triệu Tín Thần, Vương Gia Đẳng,   đều do thi đấu văn sách mà trúng giáp khoa rồi làm quan. Thời nhà Hán chỉ lập một khoa, giúp cho nho sinh tiến tới được con đường quan lộ. [(《唐摭言》卷一《散序進士》(“Đường chích ngôn” quyển nhất (Tán tự tiến sĩ); 《通典》卷15《選舉三》(“Thông điển”, quyển15 “Tuyển cử tam”); 《全唐文》卷555 (“Toàn Đường văn”, quyển 555);《舊唐書》卷100《王丘傳》(“Cựu Đường thư”, quyển 100, Vương Khâu truyện”);《唐會要》卷七五 (“Đường hội yếu”, quyển thất ngũ)]. Thời Đường lấy Lễ ký, Xuân thu, Tả truyện làm đại kinh; Thi kinh, Chu lễ, Nghi lễ làm trung kinh; Dịch kinh, Thượng thư, Xuân thu Công dương truyện, Xuân thu cốc lương truyện làm tiểu kinh. Nếu thông thạo tam kinh trở lên thì đạt được Minh kinh, thấp hơn thì đạt tú tài, cao hơn thì đạt tiến sỹ. ([Đỗ Văn Ninh (2002). Từ điển chức quan Việt Nam, Nxb. Thanh Niên, tr.425])

[20] Thanh bình quan (清平官), tên chức quan Nam Chiếu, tương đương với tể tướng của nhà Đường, tất cả có 6 người, cụ thể có các vị trí sau: “thản xước” (坦綽), “bố tiếp” (布燮), “cửu tán” (久贊). Học Nam Chiếu, về sau các nước Đại Trường Hòa, Đại Thiên Hưng, Đại Nghĩa Trữ, Đại Lý đều theo cách đó. Trưởng quan hành chính tối cao của Nam Chiếu gọi chung là “Thanh bình quan”, 6 người, 7 người không bằng nhau, nhưng lại phân biệt bằng cách gọi “thản xước”, “bố tiếp”, “cửu tán”. Lập lại các chức quan “tù vọng” (酋望), “chánh tù vọng” (正酋望), vị thế thấp hơn. Thanh bình quan mỗi ngày cùng quốc vương tham nghị xử lí các công việc nội ngoại, giống như tể tướng ở Trung nguyên vậy. Trong thể chế Thanh bình quan có một “Nội toán quan” (算官), nắm giữ cơ mật, thay mặt quốc vương xem xét, đóng dấu, xử trí văn thư, uy quyền cực lớn. Còn có hai “Phó nội toán quan”, trợ giúp  “Nội toán quan” xử lý sự vụ. Ngoài ra còn có “Ngoại toán quan” (外算官), nắm giữ các bộ phận sự vụ. [(諸葛元聲,滇史.. (Gia Cát Nguyên Thanh, Điền sử, Minh); 新唐書,南詔傳(Tân Đường thư, Nam Chiếu truyện)]
  


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét