Powered By Blogger

Thứ Ba, 30 tháng 10, 2018

Tùy thư – Truyện Lâm Ấp


Nam man

Nam man đa tạp, cư trú tách riêng khỏi người Hoa, có các tên gọi Diên man ( diên là loại sâu hình thể như con ốc sên không vỏ, có súc tu, chuyển động bằng cách bò, thân tiết dịch nhờn*); Lang man ( lang: chó sói xám, tên latinh là Canis lupus Linnaeus, là một loài động vật có vú thuộc bộ ăn thịt Carnivora*); Lý man ( lý: quê kệch, thô lậu, lười biếng, thấp hèn, thô bỉ*), Lão man ( lão: tiếng chửi, hung ác, xấu xí*), Ngỗi man ( ngỗi: yên lặng*), đều không có quân trưởng [1], dựa vào hang, núi mà ở, xưa kia tổ tiên chúng chính là Bách Việt vậy. Chúng có tục cắt tóc vẽ mình, chỉ giỏi đánh lẫn nhau, để đến nỗi ngày càng trở nên yếu ớt, dần dần lệ thuộc vào Trung Quốc, đều cùng bị chia ra thành quận huyện, chúng là loại người giống như nhau, ở đây không nhắc lại những ghi chép đầy đủ nữa. Giữa thời Đại Nghiệp (năm 605-617), phương nam xa xôi hẻo lánh đến triều cống tới hơn 10 nước, các nước đó phần nhiều mai một cứ như là không còn nghe thấy vậy. Nay xét thấy trong số đó chỉ còn bốn nước mà thôi.

Lâm Ấp

Trước hết là Lâm Ấp, thời Hán mạt, do chị em Trưng Trắc khởi loạn tại Giao Chỉ, nên con của công tào [2] trong huyện là Khu Liên (Sri Mara श्री मार*) đã giết chết huyện lệnh [3], tự xưng là vua. Không con trai, đưa cháu bên ngoại là Phạm Hùng kế vị, Hùng chết, con là Dật lên thay. Có người Nhật Nam tên Phạm Văn nhân loạn vào làm nô bộc cho Dật, thỏa sức sai bảo xây dựng nhà cửa, chế tạo khí giới. Dật vô cùng tín nhiệm, sai Văn làm tướng chỉ huy quân đội, rất được lòng binh chúng. Văn nhân đó truy hỏi về con em của Dật, những kẻ đã phải trốn chạy, hoặc dời đi nơi khác. Đến khi Dật chết, nước không người thừa kế, Văn tự lập làm vua. Sau đó Phạm Phật bị Tấn Dương uy tướng quân Đái Hoàn đánh bại. Thứ sử Giao Châu của nhà Tống là Đàn Hòa Chi [4] đưa quân đến đánh, vào sâu được đất Lâm Ấp. Đến Lương, Trần đều cử sứ giả về triều.

Nước này kéo dài theo chiều bắc nam hàng ngàn dặm, vùng đất này có nhiều hương mộc, vàng và đồ chân quý, sản vật đại để giống như Giao Chỉ. Lấy gạch xây thành, trát bằng vôi nung từ vỏ sò, cửa quay về hướng đông. Quan lớn có hai vị: người thứ nhất gọi là Tây Na Bà Đế (西那婆帝-Senāpati सेनापति: quan tư lệnh*), người thứ hai gọi là Tát Bà Địa Ca (薩婆地歌-Sarvādhikārin – सर्वाधिकारि: quan hành chính*). Dưới quyền hai vị trên có ba thuộc cấp: cấp thứ nhất gọi là Luân Đa Tính (倫多姓 chưa xác định được tên tiếng Phạn*), cấp thứ 2 gọi là  Ca Luân Trí Đế (歌倫致帝 chưa xác định được tên tiếng Phạn*), cấp thức ba gọi là Ất Tha Cà Lan (乙他伽蘭chưa xác định được tên tiếng Phạn*). Các chức quan khác phân thành hơn 200 đơn vị. Trưởng quan viết phất la (弗羅 - पुत्र putra: con trai (vua), hoàng tử*), thứ quan gọi là khả luân (可輪 trong văn bia tiền Angkor là klong, có nghĩa là thủ lĩnh*) giống như phái viên của trưởng quan châu huyện vậy. Nhà vua đội mũ nạm hoa lá bằng vàng, giống như chiếc mũ tế lễ, y phục may bằng vải thêu dệt ráng mây bình minh rực rỡ [5], đeo trân châu, chuỗi ngọc, chân đi giày da, thường mặc áo bào gấm.

Con nhà lương thiện làm thị vệ ước khoảng 200 người, đều mang đao kim trang. Có cung, tên, đao, giáo dài, lấy trúc làm nõ, tên tẩm thuốc độc. Nhạc có đàn, sáo, đàn tì bà, đàn năm dây, giống như các nhạc cụ cùng loại Trung Quốc. Thường đánh trống để cảnh báo dân chúng, thổi quả bầu tức là có chuyện binh đao.

Dân man ở đây mũi cao, mắt sâu, tóc quăn, đen. Tất cả đều có thói quen đi chân đất, dùng vải quấn lấy thân mình. Những tháng mùa đông thì mặc áo khoác ngoài. Phụ nữ búi tóc. Lấy lá dừa làm chiếu. Mỗi khi có cưới hỏi, bà mối đem theo vòng xuyến vàng, bạc, hai vò rượu, vài con cá đến nhà gái. Cuối cùng, chọn ngày tốt, gia đình nhà trai mời tân khách hai bên cùng đối ca vũ. Nhà nữ mời một vị bà la môn [婆羅門 - ब्राह्मण tăng lữ, sư*] đưa con gái về nhà chồng, chàng rể rửa tay, rồi vị Bà La Môn bèn dắt cô dâu đến mà trao cho. Vua chết 7 ngày mới an táng, quan chết thì 3 ngày, thứ dân thì 1 ngày. Tất cả đều dùng hòm đặt thi thể vào đó, rồi đánh trống, nhảy múa đưa đường mà đi, khiêng đến bến nước, bèn chất củi mà thiêu. Thu lấy xương cốt còn lại, của vua thì tất là xếp vào hũ vàng, táng ngoài biển sâu, nếu là quan thì bỏ vào hũ đồng, táng nơi cửa biển, thứ dân hũ sành, táng xuống sông.

Nam nữ đều cắt hết tóc, đi theo đám tang đến bến nước, tất cả đều hết sức thương xót, nhưng giữ yên lặng, quay về cũng không khóc. Cứ 7 ngày, lại đốt hương, thả hoa, than khóc, hết sức thương tâm. Hết 49 ngày thì thôi, đến 100 ngày, 3 năm, cũng làm lễ như thế. Tất cả chúng man đều thờ Phật, chữ viết giống như của Thiên Trúc vậy [6].

Sau khi Cao Tổ dẹp yên nhà Trần, [Lâm Ấp] bèn khiến sứ giả đến cống phương vật, sau đó việc triều cống cũng chấm dứt. Đúng thời thiên hạ vô sự, quần thần nói Lâm Ấp có nhiều thứ quý giá hiếm lạ. Thấy tuổi đã về chiều, hoàng đế bèn sai đại tướng quân Lưu Phương làm hành quân tổng quản [8] đạo Hoan Châu, mang theo thứ sử Khâm Châu Nịnh Trường Chân, thứ sử Hoan Châu Lý Vựng cùng hơn vạn quân bộ, quân kỵ và vài ngàn tội phạm đánh tới. Vua Lâm Ấp là Phạm Chí đưa xe trận và voi chiến ra cự địch, quân Lưu Phương bất lợi. Vì vậy Phương cho đào nhiều hầm hố, phủ cỏ ẩn phục, nhân đó cho quân khiêu chiến. Phạm Chí cùng voi xe và quân lính vào trận, Phương chờ đợi, giả thua, Phạm Chí đuổi theo, đến các hầm phủ cỏ, hầu hết bị sa xuống hố, trở nên hoàn toàn hoảng loạn. Phương tung lính ra đánh, đại phá quân Lâm Ấp. Bị thất bại nặng nề, cuối cùng chúng phải bỏ thành chạy trốn. Phương tiến vào thành, bắt giữ thủ đền, thu được 18 núm chuông, tất cả đều đúc bằng vàng, bởi vì họ có 18 đời vua vậy. Phương đem quân về, Phạm Chí lại trở về nơi cố địa, bèn sai sứ đến tạ tội, từ đó triều cống không dứt.
___________________________________

Người dịch: Hà Hữu Nga

Nguồn: 隋書/ 82,卷八十二,列傳第四十七,南蠻.Tùy thư/ Quyển bát thập nhị - Liệt truyện, Đệ tứ thập thất.

Ghi chú của người dịch

[1] Quân trưởng (君長) khởi từ việc Tần Thủy Hoàng đánh về phía đông, tạo dựng chế độ quận huyện với hệ thống quan chế chuyên quản lý quận Mân Trung, đến Tần mạt thì bỏ. Thời gian 222 - 221 TCN, Tần thôn tính Sở và Việt, sau đó tiến vào vùng nam bộ Chiết Giang và Phúc Kiến ngày nay, chinh phục địa phận của người Việt. Nhà Tần phế bỏ quốc vương Vô Chư (sau đó thành Mân Việt vương) lấy An Chu làm quân trưởng, lấy vùng đất thuộc quận Mân Trung của ông ta, nhưng sự khống chế của Tần lúc ấy còn ít, trong quận hầu như không bố trí cấp huyện. Sử sách không ghi thời gian bỏ quận Mân Trung. Nhưng sau đó Vô Chư tiến về phía bắc ra sức giúp Hán đánh Sở, Hán Cao Tổ phong Vô Chư làm Mân Việt Vương, Diêu (con của An Chu) làm Đông Âu Vương, phong cho vùng đất họ cai quản là Mân Việt quốc và Đông Âu quốc, việc sắp đặt quận Mân Trung không còn tái xuất hiện nữa, chức quân trưởng cũng bị phế bỏ theo. [史記-東越列傳“Sử kí - Đông Việt liệt truyện”].

[2] Công tào (功曹), quan chức thời cổ ở Trung Quốc; còn gọi là công tào sứ. Bắt đầu có từ thời Tây Hán, thời Tần cũng có chức quan này, chính Tiêu Hà đồng hương với Lưu Bang làm chức quan này. Nhưng với quận thủ, thì huyện lệnh chủ yếu lại là tá lại giúp việc. Thời Đông Hán các châu cũng có công tào, nhưng tên gọi thì có thay đổi. Nếu là người thuộc Ty lệ hiệu úy thì gọi là công tào tòng sự, ở dưới có môn công tào thư tá cùng trợ giúp xử lí tuyển dụng nhân viên. Những công tào tòng sự khác thì đổi gọi là trị trung (Thời Tây Hán Nguyên đế đặt chức quan này, tên đầy đủ là trị trung tòng sự sứ, còn gọi là trị trung tòng sự, là quan phụ tá cao cấp duy nhất cho thứ sử các châu, tương đương với phó trưởng châu). Các thời tiếp theo đều có chức danh này. Đến Lưỡng Tấn, Nam Bắc triều hầu hết đều đổi gọi Tây Tào, đồng thời còn có công tào tòng sự, công tào sứ, tây tào thư tá, tây tào tham quân. Các châu phủ thời Bắc Tề có công tào tham quân sự, người thuộc quyền quận thủ thì đều gọi là công tào. Tùy Dượng Đế bỏ châu giữ lại quận, đổi công tào thành thư tá. Thời nhà Đường tại vương phủ, đô đốc phủ đều bố trí công tào tham quân sự ở các châu gọi là ty công tham quân sự. Quyền lực của công tào thời Hán đạt mức tối thịnh. Công tào quận, ngoại trừ nhân sự, thường tham gia nắm bắt nội tình sự vụ toàn quận. Công tào tòng sự Ti lệ hiệu úy thì đương nhiên, thực sự là trợ lý của trưởng quan. Bắt đầu từ thời Ngụy, Tấn công tào chỉ còn quản lý các sự vụ của cơ quan mà thôi.

[3] Huyện lệnh (縣令) là vị trí huyện trưởng, cái tên huyện lệnh có từ thời Chiến Quốc (TK 5-3 TCN). Thời cổ mỗi huyện có một người đứng đầu, quản lý và chịu trách nhiệm mọi mặt về nhân sự, hành chính, tư pháp, thẩm phán, thuế khóa, lao dịch, binh dịch, an ninh của bách tính. Dưới quyền huyện lệnh có huyện thừa, chủ bộ, huyện úy, điển sứ (người phụ tá làm việc vặt cho huyện lệnh), v.v.

[4] Đàn Hòa Chi (檀和之 ? - 456) người Kim Hương, Cao Bình, là tướng lĩnh nhà Lưu Tống (420-459). Hòa Chi là con trai của tướng Đông Tấn Đàn Bằng Chi. Năm Nguyên Gia thứ 23 (446, Lưu Tống Văn đế lấy Hòa Chi làm Long tương tướng quân, thứ sử Giao Châu, chinh phạt nước Lâm Ấp. Vua Lâm Ấp Phạm Dương Mại sai sứ dâng biểu, xin trả dân chúng Nhật Nam đã bắt đi, dâng hiến trân bảo trong nước. Tháng 2 ÂL, quân Tống đến Chu Ngô thú, Hòa Chi sai Phủ hộ tào tham quân, Thái thú Nhật Nam Khương Trọng Cơ, gặp Dương Mại tuyên chiếu, Dương Mại bắt bọn Trọng Cơ, Tinh Nô 28 người, sai Hoằng Dân quay về gởi lời xin hàng, nhưng lại tổ chức phòng bị nghiêm mật hơn. Bọn Cảnh Hiến bèn tiến quân nhắm đến thành Khu Túc, Dương Mại sai đại tướng Phạm Phù Long Đại giữ Khu Túc. Cảnh Hiến phá tan ngoại viện, rồi đánh thành; tháng 5 Âl, phá được, chém đầu Phạm Phù Long Đại, cướp được rất nhiều của cải. Quân Tống thừa thắng chiếm thành Lâm Ấp, cha con Dương Mại bỏ trốn. Hòa Chi nhờ công được nhận chức Hoàng môn thị lang, lãnh Việt kị hiệu úy, Hành Kiến vũ tướng quân.  Tháng 10 ÂL năm thứ 24 (447), Hòa Chi rời chức Giao Châu thứ sử quay về, đi qua Dự Chương, gặp lúc dân Dự Chương là Hồ Đản Thế nổi dậy chống nhà Tống, bèn đánh dẹp, bắt chém Đản Thế. Triều đình luận công đánh Lâm Ấp, ông được phong Vân Đỗ huyện tử, thực ấp 400 hộ. Năm Nguyên Gia thứ 27 (450), Hòa Chi được thăng từ Thái tử tả vệ soái lên làm Trấn quân tư mã cho Vũ Lăng vương Lưu Tuấn, Phụ quốc tướng quân, Thái thú Bành Thành. Lưu Tuấn lên ngôi, là Hiếu Vũ đế, lấy Hòa Chi làm Hữu vệ tướng quân. Năm Hiếu Kiến thứ 2 (455), được ban chức Phụ quốc tướng quân. Năm thứ 3 (456), được bổ Thứ sử Nam Duyện Châu, bị kết tội say sưa, tham ô, đưa nữ phạm nhân về nhà, nên bị miễn quan giam giữ. Ông mất trong năm ấy, được truy tặng Tả tướng quân, thụy là Tương tử. Sau được gia tặng An Bắc tướng quân, cải thụy hiệu là “Tráng hầu”  (晋書; Tấn thư, Q. 97, liệt truyện 67 – Di Man truyện; 資治通鑒 quyển 124, 125, 127 – Tống kỷ 6, 7, 9)

[5] Tuy nhiên cụm từ 衣朝霞布 y triều hà bố” này vẫn gây tranh cãi, Hirth và Rockhill [(Hirth Friedrich and W. W. Rockhill (1911). Chau Ju-kua, his work on the Chinese and Arab trade in the twelfth and thirteenth centuries, entitled Chu-fan-chï. Translated from the Chinese and Annotated by Friedrich Hirth and W. W. Rockhill (St. Petersburg: Printing Office of the Imperial Academy of Sciences, 1911, p.218)] cho 朝霞 “triều hà” là phiên âm của từ tiếng Sanskrit kauseya, कौशेय có nghĩa là tơ lụa. Còn Beal và Pelliot thì lại hiểu 朝霞布 theo nghĩa đen, là buổi sáng, bình minh hoặc hoàng cung; còn nghĩa là những tia sáng màu hồng thẫm, rực rỡ hệt như bầu trời lúc bình minh vậy (Beal, Samuel (1884) Buddhist Records of the Westwen World, Vol. I. London, p.166.). Theo cách hiểu đó, Pelliot diễn giải cụm từ trên là “ánh hồng-bình minh” (Pelliot, Paul (1959). Note on Marco Polo I : Ouvrage Posthume, Paris, p.453)).  

[6] Thiên Trúc (天竺) là tên người Trung Quốc thời cổ gọi Ấn Độ. Sử Trung Quốc ghi chép sớm nhất về Ấn Độ là tác phẩm “Sử ký – Đại Uyển truyện” (Đại Uyển - Ferghana ở Trung Á, nay thuộc về Uzbekistan, Tajikistan, và Kyrgyzstan*), thời đó gọi Ấn Độ là Thân Độc (âm Hán ngữ thời thượng cổ [n̥iŋdˁuk]) (Phạn văn là “Sindhu” (सिन्धु*). Theo Sử ký: Trương Khiên [7] viết: “Trong thời gian thần lưu tại Đại Hạ (大夏國 - Bactria) thấy có gậy trúc đất Cung (nay thuộc tỉnh Sơn Đông), vải đất Thục”. Lại hỏi: “Làm sao có thể như vậy được.” Người nước Đại Hạ nói: “Thương nhân nước tôi đến buôn bán với nước Thân Độc, nước Thân Độc ở phía đông nam Đại Hạ, cách vài ngàn dặm.” Sách “Hậu Hán thư – Tây Vực truyện” ghi: “Nước Thiên Trúc có tên là Thân Độc, cách Nguyệt Thị (月氏 – Tokharia, Trung Á) vài ngàn dặm về đông nam”. Những năm đầu nhà Đường chính thức gọi là “Thiên Trúc”, tên ấy trong tiếng Hán trung cổ đọc là: [tʰenʈiuk]), đúng là phương ngữ phía Nam đọc theo âm dịch là “Sindhu”; “Hiền đậu” [ɦen dəu], “Quyến đốc” [kʷiɛntuok]), “Can đốc” [gian tuok]) đều gọi theo ngôn ngữ âm dịch Ba Tư ngữ là “Hindu”; người Ba Tư đọc “Sindhu” thành “Hindu”; người Hy Lạp đọc “Hindu” thành “Indu”. Cao tăng Huyền Trang đời Đường đến Tây Vực lấy kinh, căn cứ vào âm “Indu” mà đọc thành tên chính thống là “Ấn Độ” ([ʔinduo]). Sách “Đại đường Tây Vực kí” viết: “Danh xưng Thiên Trúc, tranh chấp giằng co, xưa gọi Thân Độc, hoặc kêu Thiên Trúc, nay theo chính âm là Ấn Độ. (Huyền Trang, “Đại Đường Tây vực kí”, quyển nhị - 玄奘,《大唐西域記》卷二).

[7] Trương Khiên (張騫 164? - 114 TCN) tự Tử Văn, người Thành Cố, quận Hán Trung, thời Tây Hán (nay thuộc huyện Thành Cố, tỉnh Thiểm Tây), là một nhà du lịch, thám hiểm và ngoại giao vĩ đại của Trung Quốc. Phụng mệnh Hán Vũ đế, rời Trường An đi Tây Vực (nay thuộc bồn địa Tarim vùng Tân Cương sang Trung Á), hai lần bị quân Hung Nô cầm tù, trải qua 13 năm tìm đường quay về Trường An phục mệnh, nhân đó mà khai thách thành công con đường tơ lụa. Nhân công tích vĩ đại của ông, Hán Vũ đế phong Trương Khiên hàm Bác Vọng hầu, với ý “nhìn xa trông rộng”, còn có chủ ý gọi ông là Trương Bác Vọng, ban cho ông vùng đất Bác Vọng (nay thuộc thị trấn Bác Vọng, huyện Phương Thành, tỉnh Hà Nam). Vì nhà Hán với Tây Vực có được mối quan hệ hữu hảo nhờ cống hiến trọng yếu của ông, nên ông được ca ngợi là “người Trung Quốc hạng một mở mắt nhìn ra thế giới”.

[8] Hành quân tổng quản (行軍總管), tên chức quan, có từ thời Bắc Chu (557 - 581).  Thời chiến tạm thời nhận lệnh lấy đại thần thống suất binh mã xuất chinh, khi xong việc thì bãi chức. Khi có những hoạt động quân sự hệ trọng thì lệ thuộc vào hành quân nguyên soái. Sách Chu thư, Tuyên đế kỷ có viết: “Thượng trụ quốc, Vân quốc công là Hiếu Khoan làm hành quân nguyên soái, mang theo hành quân tổng quản, Kỷ quốc công Lượng, Thành quốc công Lương Sỹ Ngạn đi đánh Trần (557-589).  Nhà Tùy cũng theo đó mà bố trí chức quan này. Năm Khai Hoàng thứ 10 (590), Lý Lăng, người Giang Nam dấy binh chống lại nhà Tùy, Văn Đế lấy Dương Tố làm hành quân tổng quản, đưa quân đi chinh phạt. Bắt đầu từ thời nhà Tùy, hành quân tổng quản dần dần trở thành chánh trưởng quan quân địa phương, hoặc chỉ huy một đạo hoặc vài đạo quân chính. Thời Đường đổi thành đô đốc, thời Ngũ đại lại lấy đô tổng quản làm thống suất tối cao. Triều Tống đổi thành đô tổng quản, phó tổng quản.   

* Những chỗ có đánh dấu (*) cũng là ghi chú của người dịch.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét